VẾT THƯƠNG
 Chuyện ngụ ngôn
 Hạnh Đoan bình thuật
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Một tên cướp bị tòa tuyên án nặng. Trước lúc bị giải đi xử tội, mẹ hắn chạy theo sau khóc thút thít. Phạm nhân nhìn mẹ rất lâu, xin được nói lời cuối cùng với bà, người mẹ tiến lại gần con chờ nghe những lời yêu thương thắm thiết…

Tên cướp cúi đầu xuống, mẹ hắn chưa nghe được gì thì đã bị hắn cắn một cái vào vành tai rõ đau, bà nhảy nhổm, hét lên:

– Ôi giời ơi! Giời ơi! Thằng khỉ! Mày hại nhà hại nước đến thế chưa đủ hay sao mà còn muốn hại cả mẹ mày!?

Tội nhân cười khẩy, mắt long lên sòng sọc, nói:

– Ai hại ai? – Ngày tôi còn bé, đi học, khi tôi lấy trộm hộp bút chì màu của thằng bạn đem về thì mẹ chẳng những không la mà còn khen lấy khen để… Tôi qua nhà hàng xóm chơi, ăn cắp đôi dép đẹp của con chủ nhà thì bà cười tít mắt bảo: “Tốt lắm!”… Mười ba tuổi, tôi vào chợ xoáy được chiếc áo đắt tiền đem về tặng bà thì bà ca ngợi tôi thông minh, biết cách biếu quà chẳng mất tiền mua. Hay tin tôi đánh thầy giáo thì bà gật gù khen tôi hiên ngang không biết lòn cúi… Mỗi khi thấy tôi đập lộn thắng được bạn bè thì bà chẳng cần biết nguyên do, phải quấy, cứ xác nhận: -“Thế mới là anh hùng… sống ở đời không nên để ai bắt nạt, hiếp đáp mình!”… Tôi buôn ma túy thì bà bảo nghề này chóng phất, còn dặn tôi phải khéo qua mặt công an, tôi đi trộm cướp thì bà cổ vũ: “Phải gan, dám liều mới mong làm giàu! Miễn sao có tiền là được, hễ có lắm tiền thì được thiên hạ nể nang!…

Tôi có kết cục như ngày hôm nay – Tất cả là tại bà! Bạn bè tôi không thương, thầy cô tôi không kính, thì còn biết kính trọng ai? Đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ trăm mưu ngàn kế hòng lường gạt, chiếm đoạt tiền của người, thì làm sao tôi biết đến hai từ “thành thật”? Làm sao tôi biết suy nghĩ đến việc sống đem lợi ích cho ai? – Mà giờ bà mắng tôi là: Phường hại nước hại nhà? Nếu ngay từ đầu, từ trong trứng nước… bà sớm biết trách phạt tôi khi tôi làm quấy, giảng cho tôi hiểu điều hay lẽ tốt, thì tôi đâu có rơi vào cảnh trạng đen tối như hôm nay?… Bây giờ, từng giọt máu nơi vết thương trên tai bà đang rỉ xuống đó, có đau bằng vết thương trong tim tôi không?…

Bà mẹ khóc rống lên, ngất xỉu.

Bình:

Đây chỉ là chuyện kể, nhưng chẳng biết thực tế ngoài đời có bà mẹ nào dạy con như thế không? Cổ đức từng nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ, nữ nhân nắm hết một nửa!” Đây chẳng phải là lời ca ngợi tán tụng nữ nhân, mà là muốn nhấn mạnh rằng: PHỤ NỮ CÓ NHIỆM VỤ RẤT QUAN TRỌNG TRONG XÃ HỘI – GIEO ẢNH HƯỞNG VÀ NẮM GIỮ VẬN MỆNH THẾ GIỚI! Điều này không có nghĩa là phụ nữ phải tranh đấu đòi “nam nữ bình quyền” hay ráng phát huy tài năng hầu chiếm giữ một vị trí bề thế hoặc trở thành một chính khách lừng danh…

Giới nữ nếu không xuất gia gánh vác sứ mạng Như Lai, tự độ – độ sinh thì đa số sẽ ở đời sống như bao nữ lưu bình thường với nhiệm vụ giúp chồng, dạy con. Việc này nói nghe đơn giản nhưng rất quan trọng! Có câu rằng: “Đời ít người hiền là do đời thiếu hiền mẫu hiền phụ”…

Ngày xưa phần đông các đức lang quân phải ra ngoài công tác, mọi việc trong nhà đều giao cho phụ nữ quán xuyến, vì vậy mà người mẹ thường có điều kiện gần gũi con nhiều hơn người cha. THỜI NAY DÙ CÓ KHÁC XƯA, SONG MẸ VẪN LÀ NGƯỜI GẦN CON NHẤT. Vì con từ trong thai đã rất gần mẹ rồi! – Mẹ có thể dạy con bằng chính tư tưởng, lời nói, hành động của mình – Những người mẹ khôn ngoan luôn ý thức được điều này và hết sức cẩn trọng, lo giữ gìn thân khẩu ý thiện lành vì rất sợ mình hành động khinh suất sẽ ảnh hưởng không tốt đến cho con. Thậm chí mẹ còn tìm những hình tượng ưu mỹ của các bậc thánh để đem về chiêm ngưỡng suốt thời kỳ hoài thai, những mong con mình sinh ra có được dung nhan vượt trội, tâm tính ôn hoà. Nghĩa là những người mẹ thông minh hiểu biết luôn khát khao sinh ra con hoàn hảo từ thể chất đến tinh thần.

Bên Trung Hoa, các bà vợ, bà mẹ đều được gọi là “Thái Thái”. Vì cơ nghiệp nhà Chu được dựng nên nhờ các bà mẹ Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự… các bà được mọi người tôn sùng là bậc Thánh trong hàng nữ lưu vì họ có thuật dạy con đại tài và đã cống hiến cho thế nhân những bậc minh quân thương dân thương nước, lưu danh thơm muôn thuở.

Do vậy khi gọi các bà vợ, bà mẹ là “Thái Thái” tức hàm ý rằng: Mong họ cũng sẽ được như các bậc hiền mẫu này. Bởi vì người mẹ có thể uốn nắn dạy con thành bậc đạt nhân, cống hiến cho xã hội những người công dân ưu tú đức hạnh. Mẹ của Thánh Gandhi khi phát hiện con trai nói dối đã cương quyết nhịn ăn bảo rằng: “Mẹ thà chết còn hơn có đứa con trai nói dối!” Điều này đã kích động và khiến Gandhi hối hận không cùng, ông chạy vào bếp bốc ngay than lửa để vào lòng bàn tay mình thể hiện quyết tâm không bao giờ nói dối nữa, cầu mong mẹ chịu tha thứ, dùng cơm. Còn mẹ của Mạnh Tử ba lần dời nhà vì không muốn con mình bị tiêm nhiễm thói xấu…

Lưu tâm giáo dục con kỹ lưỡng, chính là sự đóng góp tốt đẹp bậc nhất, là nền tảng giúp xây dựng một thế giới thiện lành. Dung túng con làm điều xấu, để con mang nhân cách tồi tệ vào đời, là hại con, góp phần hủy hoại xã hội, tạo nên vết thương – một nỗi đau không bao giờ lành.

Viết xong 15/7/2002 – Hạnh Đoan