CUỘC HỘI NGỘ TRÊN XE
Hán văn: Lâm Từ Nhân
Việt dịch: Hạnh Đoan
Thực hiện: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Tôi và vợ cùng học chung trường, đồng ngành, đồng ban, cùng tốt nghiệp đại học, nhưng tín ngưỡng tôn giáo hai bên lại bất đồng. Do vậy mà cuộc hôn nhân của hai chúng tôi không được trưởng bối hai bên cho phép. Vì thế chúng tôi cùng hẹn ước với nhau, sau khi ra trường sẽ dắt nhau lên núi xây tổ uyên ương.

Đến khi vợ tôi sắp sinh, tôi hay đưa nàng đến bịnh viện phụ sản Kỳ Sơn để khám kiểm tra trước khi sinh. Do vậy mà chúng tôi phải thường xuyên đi về trên con đường giữa bịnh viện Kỳ Sơn và nơi cư trú.

Hôm nọ, chúng tôi đang ngồi trên xe nơi bến Kỳ Sơn chờ khởi hành. Lúc xe sắp chạy thì bỗng có một… “con lừa trọc” leo lên.

Ông “trọc” này vóc người trung bình, đầu trần chân trụi, nhìn đầu tóc râu ria của ông tôi đoán ít nhất ba tháng rồi chưa cạo, tuổi chừng 50 hơn. Dù ông có đôi mắt sáng như sao, thoạt nhìn rất có vẻ tiên phong đạo cốt nhưng chính cái mặt tèm lem chẳng được rửa ráy sạch sẽ kia cùng với bộ y phục rách rưới xấu hôi… đã khiến cho người ta buồn nôn, chỉ muốn lánh xa chẳng ưa ngồi gần.

Ấy vậy mà ông trọc này vừa leo lên xe thì lại “đâm đầu” nhào tới đứng bên vợ chồng tôi và đảo mắt quan sát khắp xe để tìm chỗ ngồi, cuối cùng thì ông đặt mông xuống ngồi sát cạnh tôi và vợ.

Lúc đó, chỗ ngồi này đang được vợ tôi để túi xách, tôi cố ý dang rộng hai chân, một tay đỡ lưng vợ, còn tay kia thì khuỳnh ra, để ông sư không có chỗ ngồi (mà có ngồi cũng không được an). Thêm nữa, mặc cho ông trọc này có chào hỏi chi, tôi cũng không ừ hử, chẳng thèm đếm xỉa tới. Ông bị tay, đùi và cái mông tôi nhoài sang lấn chỗ. Chưa dừng ở đó, tôi còn mang cả đôi giày không cởi, chỉa thẳng qua ông. Thế là ông sư chỉ ngồi được một khoảng khiêm tốn bên cạnh tôi, nhưng ông vẫn im lặng thản nhiên khép mắt, ra vẻ rất an ổn.

Lúc này tôi đang rất kiêu ngạo nên không hề nhận ra mình đang lấn lướt quá mức, bởi vì trăm phần trăm theo suy tưởng của giới trẻ trí thức tân tiến “hệ” Tây Âu như tôi, luôn háo thắng và muốn đối thủ phải cúi đầu thối lui. Tôi cho rằng việc gặp gỡ ông sư này là chuyện bực bình, nếu không muốn nói là “quá xui xẻo”.

Rồi xe xuất phát, đi đến trạm Mỹ Nùng thì có thêm một hành khách nữa: một bà già tay dắt thằng bé bước lên xe. Đang lúc bà ta ngó quanh tìm chỗ ngồi, thì cái ông trọc đang một bề nhắm mắt “nhập định” kia bỗng mở mắt và tỏ vẻ anh hùng, lập tức đứng dậy nhường chỗ cho bà nọ.

Đợi xe chạy qua trạm rồi, ông quay sang bảo vợ tôi:

– Hãy cầm cái túi lên!

Giọng điệu ông đầy ra lịnh và chẳng màng chi đến phản ứng của chúng tôi, rồi ông thản nhiên ngồi xuống. Vợ tôi bất đắc dĩ phải cầm cái túi xách để lên đùi mình. Thấy thái độ ông như vậy tôi bỗng nổi dóa, hỏa bốc ba trượng… Bụng nghĩ thầm: “Cái lão lừa trọc này, hôm nay coi bộ hách dữ!”

Tôi định tìm cơ hội phản công lại, nhưng xét thấy do ông nhường chỗ cho bà già – trẻ nhỏ, nên đã giành được mỹ cảm của hành khách, tình thế hiện rất bất lợi cho tôi, vì vậy mà tôi đành nhẫn nhịn.

Đến bến Tam Khâu thì xe dừng, lúc sắp xuống xe, ông lẩm bẩm mấy câu tuy nhỏ nhưng đủ lọt vào lỗ tai chúng tôi:

– Này anh bạn, là thanh niên thì chẳng nên kiêu ngạo quá mức như thế, chẳng nên hùng hổ dọa dẫm người mà chi? Tôi hiện cũng ngụ chung trên núi này, từ đây đi bộ chừng ba trăm bước là tới. Nếu anh không ngại và có dịp, chúng ta sẽ lại gặp gỡ, chuyện vãn với nhau.

Về đến nhà, vợ chồng tôi cùng nhắc đến lão trọc đi chung chuyến xe, đồng nhất trí cảm thấy ông ta có cái gì đó là lạ, thần bí. Nhất là câu nói trước khi ông xuống xe như có hàm chứa ẩn ý chi. Nhưng rồi chúng tôi cũng quên bẵng và không lưu tâm tới nữa.

Hôm sau vợ tôi đau bụng lạ thường, nàng biết mình sắp sinh, nên tôi lập tức cho mời bà mụ gần đó tới trợ giúp.

Nhưng đã qua bốn ngày rồi mà vợ tôi vẫn chưa sinh được. Tôi đã mời đủ các bà mụ Đông y lẫn Tây y, nhưng họ đều bó tay.

Vợ tôi thì đau đớn, ngày đêm rên la. Tôi nóng ruột song chỉ biết nhìn mà cảm thấy thật bất lực. Tối đó, tôi bỗng nhớ tới lão trọc, tức thì sáng sớm hôm sau (đã là ngày thứ năm) tôi vội chạy tới tìm ông. Gặp lúc ông đang ngồi tụng kinh, nghe tiếng gỏ cửa gấp rút, ông vội mở cửa. Lúc ông vừa nhìn thấy tôi, thì bộ dạng giống như đã tiên liệu trước, ông nói rất nhã nhặn:

– Tôi biết sớm muộn gì anh cũng tìm tới mà!

Không hiểu sao trong khoảnh khắc ấy tôi bỗng thấy lòng bình an và mừng vui chưa từng có, tôi lắp bắp tiếng được tiếng mất, không đầu không đuôi:

– Vợ … vợ sinh khó đã năm ngày rồi! Thầy… Pháp sư ơi! (vùng này người ta đều gọi thầy tu là Pháp sư*)

Nghe xong, ông ta chẳng nói lời nào, quay vô bưng ly nước đang cúng trước bàn phật, sau đó quỳ xuống, bắt đầu tụng lâm râm. Tôi cũng quỳ xuống phía sau ông, mắt tuôn lệ.

Hơn mười phút sau, Pháp sư hai tay cầm ly nước trang trọng trao cho tôi và nói:

– Đây là thánh thủy của Bồ-tát Quan Thế Âm ban cho, có thể trừ tất cả khổ ách, anh có tin không?

Lúc này, lệ tuôn ràn rụa, tôi không thể đáp mà chỉ biết gật gật đầu, biểu thị là mình tin. Thế là pháp sư liền kêu tôi thắp ba cây hương, xá ba lần, sau đó quỳ xuống. Ông nói:

– Anh phải giữ bình tĩnh, hãy đi nhanh về và bảo vợ bưng chén nước thánh này uống ngay. Nhớ lựa lời mà nói, khuyên nhủ trấn an sao cho cô ấy bình tâm vui vẻ, khuyên cô ta ráng chịu đựng, chẳng hạn như nói là:

– Em chắc chắn sẽ sinh được một cục cưng trắng trẻo mủm mĩm, là trai thì thì “ngu” và “ngố” giống như anh đây nè, còn nếu là gái thì sẽ thông minh xinh đẹp hệt như em. Hai bên nội ngoại mà nhìn bảo đảm sẽ rất cưng yêu chúng… ngoài ra anh phải nhớ niệm lớn tiếng: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ-tát” để hỗ trợ cho cô ta. Nhất định vợ anh sẽ sinh ngay tức thời, mẹ con đều bình an, giờ hãy mau về đi!

Tôi cuống quýt giã từ sư. Vừa ra khỏi cửa là niệm liền “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ-tát”, nhưng nghĩ đến mấy câu Hòa thượng bày mình nói cho vợ vui vẻ, thì thấy có chỗ khó thông, dường như chẳng phù hợp? – Vợ tôi đang đau muốn chết, có cách gì mà khiến nàng vui được kia chứ? Nhưng tôi đang cùng đường bí lối, về đến nhà chỉ biết làm y như lời Hòa thượng dạy.

Nói ra cũng lạ, vợ tôi vừa nghe đến mấy chữ “một cục cưng vừa trắng vừa mập, tương lai sẽ được nội ngoại cưng yêu”… thì bao thống khổ trên mặt nàng đồng loạt tan biến, thay vào đó là nụ cười rất tươi. Tôi thấy lão Hòa thượng thần cơ diệu toán, bày vẽ tiên liệu thật tài. Lòng quá mừng, tôi cao giọng thúc hối: – Em ơi, mau niệm đi!

Vợ tôi ngơ ngác hỏi: – Niệm gì?

Tôi đáp: – Em mau niệm ‘Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ-tát!” Rồi tôi niệm trước, vợ tôi cất tiếng niệm to theo và cứ thế mãi…

“Oa! Oa! Oa!” Đứa bé đã ra đời, tạ ơn trời đất! Bên ngoài các hộ lý Đông y lẫn Tây y đều tiến tới giúp đỡ.

Tôi bưng chén nước thánh lên, cảm kích đến rơi lệ đầm đìa, quỳ xuống một góc nơi phòng khách, bỗng thấy phảng phất như Đức Quan Thế Âm Bồ-tát đang đứng trên mây – Không! chính là khuôn mặt lão Hòa thượng hiền từ đang mỉm cười, như chúc mừng! – Chúc mừng – vì tôi đã có một đại thiếu gia (con trai đầu) vừa trắng vừa mập.

Tiếng động làm tôi bừng tỉnh, ngó quanh tìm kiếm… Đấy là Bồ-tát hay Hòa thượng? …

Tôi đi vào trong phòng thăm vợ thì thấy cục cưng được bà đỡ bồng ra. Vợ tôi mệt mỏi thiu thiu ngủ – quả đúng là mẹ con đều bình an – tôi lại một lần nữa rơi lệ đầm đìa, cảm kích bất tận.

Tôi cưỡi con ngựa sắt, phóng một hơi đến thảo am an lạc của Hòa thượng, thầy đang làm việc trong vườn rau, tôi chẳng nề chi, cứ sụp xuống lạy vùi. Lão Hòa thượng buông cuốc, chắp tay vái đáp lễ tôi, cười hì hì nói:

– Chúc mừng! Chúc mừng… nhé!

Rồi ông dắt tôi vào Phật đường, tôi kể lể nỗi niềm tri ân cứu mạng và thỉnh thầy đặt tên cho cục cưng. Hòa thượng buột miệng nói:

– Hãy gọi cháu là… “Ứng Duyên!” Tốt đấy!

Tôi nghĩ thầm: “Phải, phải, ứng duyên mà sinh, ứng duyên mà đến. Được đấy! Được lắm!”…

Lòng đối với vị cao tăng am tường thế sự này càng thêm kính phục, tôn sùng.

Thông thường, chúng tôi khi đặt tên, hay bị cảnh tranh cãi tới lui, mọi người cứ bất đồng, nhặng xị và mãi lo vùi đầu tra tìm trong rừng từ biển chữ, phải sửa tới đổi lui ngót ba lần bảy lượt, mà cái tên lắm khi gọi lên vẫn nghe đầy mùi đời, khí tục; chẳng có chút văn vẻ thanh thoát … Ấy vậy mà Hòa thượng chỉ cần phán một cái, đã nghe thật thoát tục êm tai.

Qua đây có thể thấy học vấn đạo đức lão Hòa thượng rất cao.

Về đến nhà, vợ tôi đang cho con bú. Mọi người thúc giục tôi đặt tên cho bé, tôi nói điều tâm đắc trong lòng: – “Cần ứng thì ứng, duyên hợp thì đến”, đặt cháu bé tên là Ứng Duyên, mọi người vỗ tay không ngừng.

Kể từ đó, tôi thường tới thảo am thăm Hòa thượng. Nhưng mỗi lần đến, Hòa thượng nếu không tụng kinh thì cũng niệm phật, lạy phật. Rất hiếm khi tôi được dịp trò chuyện với ngài. Nhất là gặp lúc ngài bái phật, dập đầu liên tục, quỳ đến đầu gối hằn vết, niệm Phật đến mắt tuôn lệ. Nhiều lần ghé thăm, thấy ngài mãi miết công phu, tôi không dám làm kinh động, đành len lén ra về.

Nhờ vào biến sự xảy ra mà tôi được biết đến ly nước vợ tôi uống là Đại Bi thủy, còn Hòa thượng hiện làm Giám sự trong Hội Phật giáo Trung Quốc, ngài chính là pháp sư Minh Tạng, danh nổi như cồn, từ Thập Phổ Tự dời đến đây ẩn cư.

Lão Hòa thượng vốn xem nhẹ lợi danh, là bậc thánh triết an bần thủ đạo. Thảo nào mà tính khí kiêu ngạo ngang ngược của tôi vừa phát sinh, đã bị học vấn đạo đức cái thế của ngài thuần phục, cảm hóa.

Kể từ sau khi tiếp cận lão Hòa thượng rồi, tôi tự nguyện buông bỏ 20 năm theo đạo giòng của mình, chuyển sang quy y và nghiên cứu Phật giáo.

Đến bây giờ thì tôi đã có thể tu tập theo thời khóa đơn giản sớm tối.

Hạnh Đoan Trích dịch (Từ Minh Nguyệt San quyển 5)

Chú thích của người dịch:

Pháp Sư: Theo bên Tàu là danh gọi cung kính dành cho chư tu sĩ Tăng, Ni. Khác với Việt Nam, nghe từ Pháp sư người ta thường nghĩ đến các thầy Pháp đuổi tà.