TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 88

Hỏi: Chứng lý duy thức tiến lên Phật quả từ tư lương vị đến cứu cánh vị được thành tựu bao nhiêu trí ?

Đáp: Chỉ có một vô phân biệt trí, căn cứ vào trước sau có ba thứ: 1- Gia hạnh vô phân biệt trí nghĩa là trí tầm tư v.v… tức là nhân của đạo; 2- Vô phân biệt trí tức là chính thể của đạo; 3- Vô phân biệt hậu trí là xuất quán trí, tức là quả của đạo.

Hỏi: Hành tướng của ba trí này như thế nào ?

Đáp: Nhiếp luận nói: “Tự tính của vô phân biệt trí phải biết lìa năm tướng: 1- Lìa phi tư duy, 2- Lìa phi giác quán địa, 3- Lìa diệt tưởng thọ tịch tĩnh, 4- Lìa tự tính của sắc, 5- Lìa phân biệt đối với nghĩa chân thật”.

Trí này do lìa tư duy nên gọi là vô phân biệt trí; ngủ mê, phóng dật, say sưa đều lìa tư duy lẽ ra được trí này. Nếu do lìa giác quán địa nên gọi là vô phân biệt trí, từ hai định trở lên lìa giác quán lẽ ra được trí này. Nếu y theo hai nghĩa này lý đáng phàm phu được trí này, chỗ này hay lìa tâm và tâm pháp lẽ ra gọi là vô phân biệt trí, nghĩa là tưởng thọ diệt định v.v… Nếu người ở trong vị này được vô phân biệt trí thì đây chẳng thành trí, vì sao ? Nơi ngôi vị diệt định v.v… không có tâm và tâm pháp.

Nếu nói như tự tính của sắc, tự tính của trí cũng như thế; như sắc thuần vô tri, trí này lẽ ra cũng thuần vô tri.

Nếu nơi nghĩa chân thật do đã phân biệt rõ ràng thì phân biệt này lẽ ra thành vô phân biệt trí, vì sao ? Sự phân biệt này hay phân biệt nghĩa chân thật, nghĩa là nghĩa chân thật này nếu trí lìa năm tướng duyên thì nghĩa chân thật khởi. Chẳng khác phân biệt nghĩa chân thật nghĩa là pháp này chân thật chỉ duyên nghĩa chân thật, như nhãn thức chẳng lấy phân biệt làm tính đây gọi là vô phân biệt trí. Trong các hạnh, vô phân biệt trí là bậc nhất, có thể dùng kệ hiển bày:

Tự tính các Bồ-tát
Xa lìa năm thứ tướng
Tính vô phân biệt trí
Nơi chân vô phân biệt.

Bồ-tát lấy vô phân biệt trí làm thể nên vô phân biệt trí cùng với Bồ-tát chẳng khác, tự tính của vô phân biệt trí chính là tự tính của Bồ-tát, do vì nơi chân vô phân biệt nên lìa năm tướng được tên vô phân biệt.

Đem ví dụ để hiển bày ba trí, tụng nói:

Như ngủ cầu thọ trần
Như ngủ chính thọ trần
Như phi ngủ thọ trần
Ba trí dụ như thế.

Giải thích: Ví như người nơi năm thức cầu thấy năm trần hoặc duyên thật, hoặc duyên hư, ý thức và năm thức tương tục hoặc gián đoạn khởi; gia hạnh vô phân biệt trí cũng thế, hoặc chứng một phần là thật, hoặc chẳng chứng là hư. Ví như người đang ở trong năm thức được cảnh chân thật vô phân biệt, vô ngôn thuyết; căn bản vô phân biệt trí cũng thế, được cảnh chân thật vô phân biệt, vô ngôn thuyết. Ví như người ở trong ý thức chỉ duyên trần đã thọ gọi là duyên cảnh hư dối, có phân biệt, có ngôn thuyết; vô phân biệt hậu trí cũng thế, duyên cảnh hư dối có phân biệt, có ngôn thuyết.

Lại có bài kệ nói:

Như người vừa mở mắt
Gọi là gia hạnh trí
Như người đang nhắm mắt
Là vô phân biệt trí.
Người ấy lại mở mắt
Hậu đắc trí cũng thế.
Phải biết như hư không
Là vô phân biệt trí
Trong ấy hiện sắc tượng
Hậu đắc trí cũng thế.

Hỏi: Vô phân biệt trí do đâu mà thành ?

Đáp: Vì rõ tất cả danh nghĩa không thật có nên hay thành vô phân biệt trí.

Nhiếp luận có bài tụng:

Quỉ, súc sinh, người, trời
Đều tùy theo chỗ ứng
Tất cả ý sai khác
Nên biết nghĩa chẳng thành
Quá khứ và chiêm bao
Cùng hai ảnh tượng khác
Không có là phan duyên
Nhưng phan duyên kia thành.

Giải thích: Nếu nghĩa thành nơi cảnh thì không có vô phân biệt trí; nếu trí này chẳng có, Phật quả không thể được. Trong một vật đều tùy theo ý của mình mà thấy có sai biệt, thế nên phải biết nghĩa không thật có nên sự chấp thủ chẳng thành tựu.

Hỏi: Nếu vậy thì nghĩa không thật có, thức lẽ ra chẳng duyên cảnh mà sinh ?

Đáp: Cũng có thức chẳng duyên cảnh mà sinh như chiêm bao và quá khứ vị lai, không thật phan duyên chính là tự phan duyên như cảnh tượng và định cảnh, nghĩa là tự tâm làm cảnh mà phan duyên. Nếu nghĩa có tự tính làm cảnh thì không có vô phân biệt trí, nếu trí này có thì có Phật quả để được.

Hỏi: Trong Tông Cảnh vừa mới tín nhập có vị thứ gì ?

Đáp: Nếu người viên tín đầu tiên có năm phẩm vị. Thiên thai giáo y cứ phẩm Phân Biệt Công Đức trong kinh Pháp Hoa, theo Viên giáo lập năm phẩm vị:

Phẩm thứ nhất sơ phát nhất niệm tín giải tâm, phẩm thứ hai gia đọc tụng, phẩm thứ ba gia thuyết pháp, phẩm thứ tư kiêm hành lục độ, phẩm thứ năm chính hành lục độ.

Từ phẩm đầu tiên cần phải nương náu nơi yên tĩnh kiến lập đạo tràng, trong sáu thời thực hành bốn thứ tam-muội, sám hối tội lỗi sáu căn, tu tập năm pháp hối. Năm pháp hối là: 1- Sám hối để phá tội ác nghiệp, 2- Khuyến thỉnh để phá tội phỉ báng pháp, 3- Tùy hỷ để phá tội tật đố, 4- Hồi hướng để phá tội các loài, 5- Phát nguyện thuận không vô tướng nguyện, được công đức không thể hạn lượng. Nếu có thể siêng năng thực hành năm pháp hối phương tiện giúp khai quán môn, nhất tâm tam đế bất chợt mở bày, như đến trước gương sáng hiện rõ các sắc tượng, trong nhất niệm tâm viên giải thành tựu, chẳng cần công sức mà tự nhiên phân minh, chính tín kiên cố không thể dời đổi, đây gọi là tâm thâm tín tùy hỷ tức là sơ phẩm đệ tử vị.

Phẩm Phân Biệt Công Đức nói: “Nếu có người nghe nói Phật thọ mạng lâu dài mà hiểu nghĩa thú này thì người này được công đức không hạn lượng, có thể khởi trí tuệ vô thượng của Như Lai, cho đến nếu nghe kinh này mà chẳng chê bai khởi tâm tùy hỉ phải biết đây là người tín giải sâu sắc”, tức là văn nói về sơ phẩm. Dùng viên giải quán tâm tu hành năm pháp hối lại thêm đọc tụng thiện ngôn diệu nghĩa cùng với tâm tương hội như dầu tưới vào lửa, khi ấy tâm quán càng sáng gọi là phẩm thứ hai.

Kinh nói: “Huống là người đọc tụng thọ trì”, người này đầu đội Như Lai. Lại dùng tăng phẩm tín tâm tu hành năm pháp hối và thêm thuyết pháp chuyển đổi sự hiểu biết của mình theo tiền nhân, vì tế độ rộng rãi nên công đức trở về mình; tâm một khi chuyển đổi thì thù thắng hơn trước, đây gọi là phẩm thứ ba.

Kinh nói: “Nếu có người thọ trì đọc tụng vì người khác nói, hoặc tự biên chép, hoặc bảo người biên chép cúng dường kinh quyển, chẳng cần xây dựng chùa tháp và tạo tăng phường, cúng dường chúng tăng”. Lại với tâm tăng tiến tu hành năm pháp hối kiêm tu lục độ, nhờ sức phước đức nên giúp thêm quán tâm càng tiến sâu hơn, đây gọi là phẩm thứ tư.

Kinh nói: “Huống chi lại có người hay thọ trì kinh này và tu hành lục độ, phước đức này thù thắng vô lượng vô biên. Ví như hư không đông tây nam bắc bốn phía trên dưới vô lượng vô biên, công đức của người này cũng như thế vô lượng vô biên chóng được nhất thiết chủng trí. Lại dùng tâm này tu hành năm pháp hối chính tu lục độ, tự hành hóa tha, sự lý đầy đủ, tâm quán vô ngại, càng thù thắng hơn trước chẳng thể tỷ dụ, gọi là phẩm thứ năm.

Kinh nói: “Lại vì người khác dùng các thứ nhân duyên tùy nghĩa giải nói kinh Pháp Hoa. Lại hay thanh tịnh tùy giới cùng hòa thuận ở chung, nhẫn nhục không  sân giận, chí niệm kiên cố thường thích tọa thiền được các định sâu, tinh tiến dùng mãnh, nhiếp các thiện pháp, lợi căn trí tuệ khéo giải đáp các vấn nạn; cho đến nên biết người này đã hướng đến đạo tràng gần gũi vô thượng chính đẳng chính giác ngồi dưới cội bồ-đề”. Bắt đầu từ sơ phẩm cuối cùng đến sơ trụ một đời có thể tu, một đời có thể chứng, chẳng chờ lên ngôi vị thất địa mới tu tập, đâu cần Hoan Hỷ Địa mới vào song lưu. Những giáo trước sở dĩ nói cao hơn địa vị này là phương tiện nói, viên giáo nói thấp hơn vị này là chân thật nói.

Kinh Pháp Hoa nói: “Việc này là phương tiện của ta, chư Phật cũng thế, nay sẽ vì ông nói việc chân thật”, là ý này vậy. Lại y cứ bốn giáo tạng thông biệt viên luận về vị cao để nói hơn kém; như viên giáo viên tu đến đệ nhị hạnh trong Thập hạnh ngang với địa vị diệu giác của biệt giáo. Nếu lên đến đệ tam hạnh người biệt giáo còn chẳng biết tên gọi của trí đoạn, huống chi biết pháp của nó. Đại thừa biệt giáo nói về lý bất không của Trung đạo Phật tính vẫn còn khác biệt với đây huống là quả đãn không thôi đoạn của tạng, thông. Nếu từ đệ tam hạnh của viên giáo đến Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng giác và Diệu giác có trí đoạn đều chẳng phải cảnh giới. Biệt giáo chỉ biết đến đệ nhị hạnh trong Thập hạnh, chỉ biết đoạn vô minh là quả tột của nhà mình, chẳng biết nó là nhân thấp kém của nhà người. Ví như liên kết gạch đá làm nền dùng vàng lát trên ấy, đâu như từ nền đến đỉnh đều xây đắp kim cương; không chỉ địa vị cao có khác mà còn khác biệt về của báu và chẳng phải của báu. Cho đến y cứ môn đoạn hoặc luận về đoạn và bất đoạn: Biệt giáo chỉ nói đoạn, chẳng nói bất đoạn; Viên giáo có đủ hai nghĩa; giáo đạo nói đoạn, chứng đạo nói chẳng đoạn. Ví như Tiểu thừa phương tiện luận về đoạn hoặc chứng chân, chẳng bàn về đoạn và bất đoạn. Nay cũng như thế, nếu bất tư nghì quán thì bên trong chẳng thấy có phiền não để đoạn; phiền não tính chẳng chướng bồ-đề, bồ-đề chẳng chướng phiền não, phiền não tức bồ-đề, bồ-đề tức phiền não. Cho nên Tịnh Danh nói: “Đức Phật vì người tăng thượng mạn nói đoạn dâm nộ si là giải thoát”; đối với người không tăng thượng mạn thì tính dâm nộ si là giải thoát; sáu căn sáu trần không hạn ngại, cũng từ mắt thấy sắc và cũng từ mắt vào ba môn giải thoát.

Hoa Nghiêm thuyết minh Thập nhãn cho đến lục căn đều nói trong một hạt bụi có đủ tám tướng thành đạo, chuyển pháp luân, độ chúng sinh của chư Phật mười phương ba đời, đều bất đoạn mà biết rõ ràng.

Lại ngũ phẩm vị đồng với ngũ đình tâm quán của Tiểu thừa, hiện tại ngũ phẩm lấy tứ hoằng thệ nguyện, tứ chủng tam-muội để thuyết minh ngũ đình tâm quán. Tứ hoằng thệ nguyện nói về bốn thứ đình tâm, bốn thứ tam-muội nói về đình tâm thứ năm.

Tứ hoàng thệ nguyện là:

1- Người chưa độ khiến độ.

2- Người chưa hiểu khiến hiểu.

3- Người chưa an khiến an.

4- Người chưa diệt khiến diệt.

Bốn thứ tam-muội là:

1- Thường đi, 2- Thường ngồi, 3- Nửa đi nửa ngồi, 4- Chẳng đi chẳng ngồi.

Tứ hoằng thệ nguyện nói về bốn thứ đình tâm là sinh tử khổ đế tức là niết-bàn không hai không khác, đây là tín sự thuận lý; tin là gốc đạo, là mê công đức. Đây là thệ nguyện thứ nhất, chưa độ khổ đế khiến độ khổ đế là phẩm thứ nhất tín lý đình tâm. Phiền não tức bồ-đề không hai, không khác, đây là chưa hiểu tập đế khiến hiểu tập đế, là phẩm thứ hai đọc tụng giải thoát đình tâm, tức là đại bi cứu khổ phát ra hai thệ nguyện trước. Chưa an đạo đế khiến an đạo đế, tức là đem lòng từ không bỏn sẻn vì họ thuyết pháp, là phẩm thứ ba thuyết pháp đình tâm. Chưa nhập diệt đế khiến nhập diệt đế, tức là thực hành cả lục độ, lục độ che lấp bến bờ sinh tử; là phẩm đình tâm thứ tư; đại từ ban vui phát ra hai thệ nguyện này.

Bốn thứ tam-muội nói về đình tâm thứ năm, bốn thứ tam-muội này đều tu niệm Phật phá tội chướng đạo, tự có người sổ tức giác quán chẳng dừng, hoặc niệm Phật, hoặc xưng danh liền phá giác quán điềm nhiên tâm định. Cho nên kinh nói: “Nếu có chúng sinh nhiều tham dục thường niệm Quán Âm liền được thoát ly”, đây là phá căn bản vô minh. Lại nói: “Một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng”, đều là pháp môn niệm Phật, là thường hành tam-muội chư Phật đình lập, hiện tiền thấy pháp giới Phật. Thường tọa tam-muội là hệ duyên pháp giới, nhất niệm pháp giới mà niệm Phật. Bán hành bán tọa tam-muội là tư duy thật pháp của chư Phật. Kinh Pháp Hoa nói: “Thành tựu bốn pháp là chư Phật hộ niệm”. Lời này dành cho người sơ tâm tu hành. Nếu người hành đạo thường phải tọa thiền quán tâm vô tâm, pháp chẳng trụ pháp gọi là đại sám hối. Phi hành phi tọa tam-muội là đi đứng ngồi nằm nói nín v.v… đều là ma-ha-diễn vì bất khả đắc. Nếu trong tam tạng lấy sự quán duyên sự nghĩa là ngũ đình tâm quán như sổ tức, bất tịnh, từ bi, giới phân biệt, niệm Phật. Hiện tại năm phẩm vị viên giáo dùng lý quán duyên lý, sinh tử tức niết-bàn, phiền não tức bồ-đề, sinh mạng là mạng mạch của chúng sinh, niết-bàn là mạng mạch của Pháp thân. Tuy chẳng thể tính đến mà có thể tán động, rõ ràng lặng lẽ đối với sổ tức. Phiền não là sự uế ác tận cùng, bồ-đề là lý thanh tịnh tột bậc, vì đối trước hiển sau nên đem văn tự giải thoát đối lại bất tịnh đình tâm.

Đại bi thệ nguyện cứu vớt nhân quả khổ nghĩa là nếu có ngã sở còn chưa tự xuất ly huống là cứu khổ người khác, vì không có ngã sở nên phát tâm từ bi cứu mình cứu người. Đại từ thệ nguyện ban cho nhân quả vui nghĩa là nơi mười hai nhân duyên khởi vô minh si ái còn tự không vui huống là ban niềm vui cho người.

Nay vì chính mình không còn ngu si nên có thể ban vui cho người. Nếu Tiểu thừa niệm thân sinh ra ứng với tướng hảo của Phật, nay niệm tướng hảo của Pháp thân lý sự khác biệt, cho đến Phật của tạng giáo cùng với thập tín tâm vị của viên giáo ngang nhau, vì cùng trừ tứ trụ phiền não giới nội. Thập tín tuy cùng với Phật của ba tạng đồng trừ phiền não giới nội ngang nhau mà thập tín còn phục trừ căn bản vô minh giới ngoại. Tạng giáo còn chưa biết trụ địa vô minh thì làm sao gọi là phục trừ ? Phật vị trong ba tạng còn gọi là hạ liệt huống chi nhị thừa! Do đó nói: “đồng trừ tứ trụ”, chỗ này bằng nhau. Nếu phục trừ vô minh ba tạng là hạ liệt, Phật vẫn còn hạ liệt thì nhị thừa có thể biết. Hiện tại đại khái nói về địa vị viên tín sơ nhập, 52 vị hành tướng trí đoạn y cứ theo đây để rõ. Cho nên biết viên tín đốn tu cùng với tiệm chứng quyền cơ cần phải nhiều kiếp trau dồi công hạnh, vào Tông Cảnh này công đức vô biên. Vì thế Tổ sư nói: “Tức tâm là chóng, phát tâm tu hành là chậm”. Thiên Thai giáo nói: “Bậc đại cơ cúi lạy Phật ví như cỏ nhẫn nhục, viên ứng đốn thuyết ví như rót ra đề-hồ”.

Lại đốn giáo đầu tiên vào nội phàm vẫn gọi là sữa. Gọi là sữa là ý nghĩa chẳng phải nhạt nhẽo, vì bắt đầu, vì là gốc. Như trâu mẹ mới sinh máu biến thành sữa thuần tịnh nơi thân, trâu con bú thì sữa mới chảy ra; Phật cũng như thế đầu tiên ngồi đạo tràng sau mới thành Chính giác, máu vô minh chuyển biến thành minh, tám vạn pháp tạng, mười hai bộ loại kinh đầy đủ nơi Pháp thân, bậc đại cơ trước tiên cảm được sữa, sữa là vị ban đầu của các vị, như đốn giáo là giáo ban đầu của các giáo cho nên lấy Hoa Nghiêm làm sữa.

Kinh Đại Niết-bàn nói: “Tuyết Sơn có cỏ tên Phì-nị, nếu trâu ăn được sữa sẽ biến thành đề-hồ, không có màu sắc xanh vàng đỏ trắng đen, do nhân duyên ngũ cốc cỏ cây nên có sắc vị khác nhau”. Các chúng sinh do nhân duyên nghiệp minh vô minh nên sinh ra hai tướng; nếu vô minh chuyển thì biến thành minh, tất cả các pháp thiện ác cũng như thế, nếu không có hai tướng thì giáo lý nhất thừa của Pháp Hoa là đề-hồ.

Luận Hoa Nghiêm nói: “Đại ý của Hoa Nghiêm là nhất thừa chính tông, chỉ cần thức diệt thời vong thì tình trần liền dứt, chỉ có cảnh chân trí nhất niệm thì ngũ vị đều sáng tỏ. Vì toàn đem Phật quả để làm nhân. Cho dù phàm phu trụ thế một trăm năm cho đến nhiều kiếp mà đối với tự kiến chẳng thấy chốc lát để thay đổi, chẳng thấy sẽ thành Phật, chẳng thấy đã thành Phật, chẳng thấy hiện thành Phật; địa vị Thập trụ pháp đã như vậy thì còn có đời nào chẳng thành Phật, còn có đời nào thành Chính giác ? Kinh Hoa Nghiêm này là pháp giới môn gốc, tất cả chư Phật vốn trụ nơi nhà lớn, tất cả Phật tử rốt ráo quy về hóa thân quyền thừa thảy đều ở bên ngoài. Nếu có người nhập là nhập toàn chân, trong vị này sơ phát tâm trụ Bồ-tát, kiến đạo trụ Phật tri kiến, nhập Phật tri kiến, cùng với Như Lai đồng thân tâm tính trí tướng cho nên liền ấn định hành tướng ngũ vị đều ở trong đó như cầm gương sáng đến trước sắc tượng. Kinh này pháp môn pháp hợp, những lời khen ngợi ấy phải biết như thế, phải tin hiểu như thế vì pháp giới pháp môn viên mãn, không có trước sau, ở trong một niệm năm tháng tối sáng trùng trùng vô tận, trong một mảy lông Phật cảnh, chúng sinh cảnh, sắc tướng vô biên, một thành tất cả thành, một hoại tất cả hoại. Lại nữa kinh Hoa Nghiêm là đem phổ môn pháp giới phổ kiến pháp giới, Như Lai tạng thân tam tam-muội cảnh nhân-đà-la võng trang nghiêm pháp giới hải cùng với lớp lớp diệu trí nhất thời đồng đắc, vì một chứng tất cả chứng, một đoạn tất cả đoạn, tức là trong tự thân có vô lượng cõi nước trang nghiêm của mười phương chư Phật. Trong Phật thân là cảnh của tự thân lớp lớp ẩn hiện mười phương thế giới. Pháp hợp như đây giống như các dòng sông chảy về biển cả; tuy chưa vào biển nhưng tính ướt không khác. Nếu vào biển cả thì đồng một vị mặn; tất cả chúng sinh cũng như thế, mê ngộ tuy có sai khác nhưng xưa nay chẳng ra ngoài biển Phật”.

Hỏi: Chân như tịch diệt vốn không có thứ lớp sai biệt, pháp giới hư huyền đâu có tầng bậc cao thấp, tại sao trên một chân thể mà phân ra ngũ vị thập địa ?

Đáp: Nếu y cứ chân tính duy thức thì tính dung chứa tất cả, vẫn không chỉ là một; huống là phân nhiều. Nếu y cứ môn giải hạnh chứng nhập thì hẳn có sâu cạn, như hư không bao la vốn không sai khác nhưng khi còn trẻ thơ thấy hạn hẹp, sau khi lớn lên thấy vô biên, chẳng phải hư không kia có rộng hẹp mà là do con mắt có sáng tối. Lại như hạt châu đại ma-ni ở trong quặng tuy sáng sạch nhưng không nhờ người thợ khéo dũa mài thì làm sao thành đồ trang sức! Như núi Tô-mê-lư (Tu-di) tuy chứa nhóm các báu nhưng nếu không có vầng nhật chiếu soi làm sao phát ra ánh sáng! Lại như ngón tay vẽ trong hư không là số lượng của vô số lượng như tâm lượng pháp giới là cạn sâu của chẳng cạn sâu.

Luận Hoa Nghiêm nói: “Bồ-tát Sơ Địa nhiều minh môn trăm pháp, vương hóa nhiều thế giới trăm Phật; Bồ-tát Nhị Địa nhiều minh môn nghìn pháp, vương hóa nhiều thế giới nghìn Phật, chẳng đồng với quyền giáo thật có phần hạn, như số pháp trước triệt nhập lẫn nhau. Lại như người dùng ngón tay vẽ trong hư không trăm nghìn số bụi nhỏ, rồi dùng tay xóa sạch, nhưng hư không không có tăng giảm; do tình lượng nên thấy hư không số có tăng giảm. Kinh này cũng thế, nói có Bồ-tát an lập các địa, pháp môn tăng giảm cũng lại như thế. Vì thành tựu các hữu tình nên khiến tiến tu, nếu một khi bình đẳng thì không có tâm tiến tu. Phàm phu không có tâm khuyến khích tu hành, phát tâm tu đến chẳng tu, mới biết vạn pháp vô tu. Nhưng Bồ-tát thật giáo một đắc tất cả đắc, vì xứng với pháp thể không có trước sau, giống như lưới trời Đế Thích bóng ánh sáng xen suốt vào nhau không có trước sau; như trăm nghìn gương báu cùng đến trước diệu tượng, trong mỗi mỗi gương ảnh tượng nhập vào nhau sắc tượng đều bình đẳng. Như quả vị Phật, các Bồ-tát từ tính khởi pháp thân căn bản trí, vì trong Thập vị bắt đầu chứng tâm. Các pháp môn cảnh giới đều y theo căn bản vì thể dụng gồm thâu thảy đều thấu suốt. Vì tính đồng thì thời đồng nên còn có pháp chẳng đồng là không thể được”.

Lại nói: “Sự tu hành của Bồ-tát từ Thập trụ trở lên đều là trợ đạo chẳng phải là chính vị, cho nên ý muốn rõ chỗ tu hành đây là trợ đạo; vô trụ vô hành nhậm chân tự thể đây gọi là chính quả. Nếu Bồ-tát sơ phát tâm trụ dùng pháp tính vô tướng căn bản trí chẳng lìa thể vô tác dụng thực hành vạn pháp thì cùng với Phật nhân quả xưa nay thể đồng. Nếu lược bỏ Phật quả vô tác vô tu, Bồ-tát chính gia hạnh trở đi gọi chung là trợ đạo, vì động tịch vô ngại chính trợ vốn chẳng khác một pháp môn. My mục chẳng thể chẳng lựa chọn, thể dụng viên tịch chính trợ toàn đồng, đây là môn toàn biệt toàn đồng. Lại đem môn trùng quyền suy nghĩ có thể hiểu, nghe những pháp chưa nghe, nghe rồi chẳng nghi. Cảnh giới toàn biệt toàn đồng khó hiểu, Phật và phàm phu đều có khác biệt là nghĩa toàn biệt nên nhị kiến luôn tồn tại. Nếu toàn đồng liền thành trệ tịch, viên dung đạo lý sự lý chẳng ngại. Nếu pháp môn toàn phân ra hai hướng là pháp phàm phu; nếu toàn hợp một thể là pháp nhị thừa. Chỉ vì lý sự tự tại, trong đạo lý ấy chẳng có thể lưu tâm diệt trừ; cũng chẳng có thể đem tâm giữ gìn. Hạnh môn trợ đạo này cùng với môn vô tác chính trí quả đức thể hợp không hai; khuôn phép trong sự chẳng thể chẳng phân vì thể dụng của nó không thể cứ mãi toàn biệt, đem toàn đồng làm toàn biệt, đem toàn biệt làm toàn đồng, chẳng thể toàn biệt mà không toàn đồng, chẳng thể toàn đồng mà không toàn biệt. Nếu mê hai môn đồng biệt này thì trí chẳng tự tại”.

Kinh nói: “Trí nhập tam thế thảy đều bình đẳng”, trí hay tùy tục gọi là nhập tam thế; thể của tục vốn chân nên gọi là bình đẳng. Đem nghĩa sáu tướng tổng biệt đồng dị thành hoại bao gồm, là tổng mà toàn biệt, là biệt là toàn tổng, là đồng mà toàn dị, là dị mà luôn đồng, là thành mà đều hoại, là hoại mà đều thành, đều chẳng phải tình chấp ràng buộc vào tướng sinh diệt nhất dị, câu bất câu, hữu vô phi hữu vô, thường vô thường. Như thế đều là lý trí thể dụng y chính của Như Lai đều tự tại, dùng đại trí vô niệm lực của tự thể chiếu soi có thể thấy. Cho nên bậc thượng thượng căn đốn liễu tâm không, nhập chân duy thức tính, chủng tử hiện hành của tập khí đều dứt thì cần gì lập địa vị. Chỉ vì hàng trung hạ căn, hoặc có tín duyên, hoặc có chính tín, hoặc có giải ngộ, hoặc có chứng ngộ, căn cơ chẳng đồng, kiến giải sai khác, nơi công phu hư vọng chia ra cạn sâu. Tuy là biết rõ tín nhập duy thức, tâm cảnh đều không, nhưng do tưởng niệm vi tế bất tận chưa được trừ hoàn toàn, phải mài dũa từng phần trong sự thăng tiến nên có địa vị sai biệt. Vì căn trần ngũ ấm vi tế khó diệt, nếu được dứt sạch thức ấm mới siêu việt địa vị thấu rõ vô sở đắc, cứu cánh viên thành, như trong ngọc lưu ly trong sạch hàm chứa mặt trăng báu”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Phật bảo A-nan và đại chúng: Các ông nên biết, mười hai loài chúng sinh trong thế giới hữu lậu, tâm thể giác viên, bản giác diệu minh cùng mười phương chư Phật không hai không khác. Do vọng tưởng, các ông mê chân thành ra lỗi lầm. Si ái phát sinh mê cùng khắp nên có không tính; hóa mãi cái mê không ngừng nên có thế giới sinh ra, các cõi nước số như vi trần ở mười phương chẳng phải là vô lậu, đều do vọng tưởng mê lầm kiến lập. Nên biết hư không sinh trong tâm ông, cũng như chút mây điểm trên bầu trời, huống là các thế giới trong hư không. Một người trong các ông phát minh chân lý, trở về bản tính, thì mười phương hư không thảy đều tiêu mất, làm sao các cõi nước hiện có trong hư không ấy lại chẳng rung động”.

Kế đến là văn tiêu trừ ngũ ấm, như kinh nói: “Ngũ ấm này vốn trùng điệp sinh khởi, sinh nhân thức mà có, diệt từ sắc mà trừ; lý thì đốn ngộ, nhờ ngộ liền tiêu; sự chẳng phải liền trừ, nhờ thứ lớp mà hết”.

Kinh văn nói về hết sắc ấm: “A-nan nên biết, ông ngồi đạo tràng tiêu trừ các niệm, niệm đó nếu hết thì tâm lìa niệm sáng tỏ tất cả, động tĩnh không rời, nhớ quên như một. Đang khi an trụ nơi ấy mà vào tam-ma-đề, như người mắt sáng ở chỗ rất tối tăm, tính biết được diệu tịnh nhưng tâm chưa phát ra trí sáng suốt, đây gọi là phạm vi của sắc ấm. Nếu con mắt sáng tỏ, mười phương rộng mở, không còn tối tăm nữa thì gọi là hết sắc ấm, người ấy mới có thể vượt khỏi kiếp trược, xét lại nguyên do thì cội gốc là vọng tưởng kiên cố”.

Kinh văn nói về hết thọ ấm: “Phật bảo A-nan: Thiện nam kia tu pháp tam-ma-đề, trong xa-ma-tha khi sắc ấm hết rồi, thì thấy tâm chư Phật như cái bóng hiện ra trong gương sáng, dường như có được nhưng chưa có thể dùng; cũng như người bị bóng mộc đè, tay chân y nguyên, thấy nghe không sai nhưng tâm bị khách tà, không cử động được, đây gọi là phạm vi của thọ ấm. Nếu bóng mộc hết đè thì cái tâm rời khỏi thân, trở lại nhìn thấy cái mặt, đi ở tự do, không còn ngăn ngại, đây gọi là hết thọ ấm, người đó mới có thể vượt qua kiến trược, xét lại nguyên do thì cội gốc là vọng tưởng hư minh”.

Kinh văn nói về hết tưởng ấm: “Phật bảo A-nan: Thiện nam kia tu pháp tam-ma-đề, khi thọ ấm hết rồi, tuy chưa hết mê lầm nhưng tâm đã lìa khỏi hình hài như chim ra khỏi lồng, điều ấy đã thành tựu rồi. Từ phàm thân đó, tiến lên trải qua sáu mươi Thánh vị Bồ-tát được ý sinh thân, tùy ý đi ở, không còn ngăn ngại. Ví như có người ngủ say nói mớ, người ấy tuy không hay biết gì, nhưng lời nói đã có âm vận thứ tự, khiến người không ngủ đều hiểu biết được; ấy thì gọi là phạm vi của tưởng ấm. Nếu biết động niệm, tư tưởng hư vọng tiêu trừ thì nơi tâm giác minh bỏ đi trần cấu một vòng sinh tử đầu đuôi soi khắp, gọi là hết tưởng ấm; người ấy mới có thể vượt khỏi phiền não trược, xét lại nguyên do, cội gốc là vọng tưởng dung thông”.

Kinh văn nói về hết hành ấm: “Phật bảo A-nan: Thiện nam kia, tu pháp tam-ma-đề, khi tưởng ấm đã hết, thì những mộng tưởng bình thường của người đó đã tiêu diệt, khi thức, khi ngủ, luôn luôn một thể, tính giác minh rỗng lặng như hư không trong sạch, không còn những sự tướng tiền trần thô trọng; xem những núi sông đất liền thế gian như gương soi sáng, khi đến không dính vào đâu, khi qua không có dấu vết, rỗng nhận chiếu ứng, rõ ràng không còn tập quán cũ, chỉ một tính tinh chân.

Căn nguyên của sinh diệt từ đó phơi lộ ra, thấy được 12 loài chúng sinh mười phương rõ hết các loài; tuy chưa thông suốt manh mối của mỗi chúng sinh, những đã thấy cơ sở sinh diệt chung, giống như bóng ngựa hoang nhấp nhoáng lay động, làm cái then chốt phát sinh các phù căn trần; ấy gọi là phạm vi hành ấm.

Nếu cái cội gốc của những lăng xăng nhấp nhoáng u ẩn đó, vào được tính đứng lặng bản lai, những tập khí sinh diệt bản lai dừng lại như sóng mòi diệt hết, hóa thành nước đứng lặng thì gọi là hết hành ấm. Người đó vượt khỏi chúng sinh trược; xét lại nguyên do, cội gốc là vọng tưởng u ẩn”.

Kinh văn nói về hết thức ấm: “Phật bảo A-nan: Thiện nam kia tu pháp tam-ma-đề, khi hành ấm hết rồi thì sự lay động u ẩn chung thuộc tính thế gian sinh ra các loài thế gian bỗng được xóa bỏ; giềng mối vi tế, quan hệ sâu xa gây nghiệp thọ báo của ngã thể chúng sinh cảm ứng đều bặt dứt. Người đó sắp được đại giác ngộ nơi bản tính niết-bàn, như sau khi gà gáy nhìn về phương đông đã có ánh sáng.

Sáu căn rỗng lặng, không còn rong ruỗi nữa; trong ngoài đều lặng sáng, vào được tính vô sở nhập, thấu suốt nguyên do thọ sinh của 12 loài mười phương; xét rõ nguyên nhân do chấp trước gây nên, các loài không thể chiêu vời; nơi mười phương thế giới đã nhận được tính đồng; tính tinh vi ấy còn tồn lại, phát hiện ra một cách bí ẩn, ấy gọi là phạm vi của thức ấm.

Nếu trong tính đồng đã chứng được của các loài, huân tập tiêu hóa sáu căn, làm cho khi hợp, khi lìa được tự tại, cái thấy cái nghe thông nhau, tác dụng thanh tịnh thay thế lẫn nhau thì mười phương thế giới cùng với thân tâm đều như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, đây gọi là hết thức ấm. Người đó vượt lên mạng trược; xét lại nguyên do, cội gốc là vọng tưởng điên đảo, huyễn hóa rỗng không (…) Nếu thức ấm hết thì hiện tiền các căn của ông đều được dùng thay lẫn nhau. Từ chỗ các căn dùng thay lẫn nhau, ông sẽ lên bậc kim cang càn tuệ Bồ-tát. Cái tâm tinh diệu viên minh phát hóa trong ấy như mặt trăng báu ở trong ngọc lưu ly trong sạch. Rồi lần lượt vượt lên các vị Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh tâm và Thập địa kim cang Bồ-tát; Đẳng giác viên minh vào biển diệu trang nghiêm của Như Lai, viên mãn bồ-đề, trở về chỗ vô sở đắc”.

Hỏi: Đã nói sơ tâm nhập đạo thì cần gì nói nhiều về hạnh vị thượng địa ?

Đáp: Nếu bàn về đạo ắt có quả, nếu không có hạnh vị tức là thiên ma ngoại đạo. Kinh Luận nói rất vi tế khó biết, Thiên Thai Giáo có văn nói về lục tức, kinh Nhân Vương có đủ địa vị ngũ nhẫn; chỉ e rơi vào kiêu mạn chấp sự hiểu biết chẳng tu cho nên những lời của cổ Thánh chẳng dám chẳng ghi lại, nhưng chẳng phải là thao túng, tự lập dị đoan, chỉ mong người sau tuân theo lời bậc tiên đức.

Hỏi: Công đức Phật địa phải có đủ mấy pháp mới thành tựu viên mãn ?

Đáp: Thành tựu năm pháp mới đủ thu nhiếp tất cả công đức Phật địa. Luận Phật Địa nói:

1- Pháp giới thanh tịnh là tự thể chân thật của tất cả Như Lai, từ vô thỉ đến nay tự tính thanh tịnh đầy đủ tính tướng công đức nhiều như số cực vi trần mười phương thế giới không sinh không diệt như hư không, khắp tất cả hữu tình bình đẳng đều có cùng với tất cả pháp bất nhất bất dị, phi hữu phi vô, lìa tất cả tướng, tất cả phân biệt, tất cả danh ngôn đều chẳng thể được, chỉ là chỗ chứng của Thánh trí thanh tịnh, chân như do nhị không vô ngã hiển bày là tự tính kia, chư Thánh phần chứng, chư Phật viên chứng.

2- Đại viên cảnh trí, hay sinh ra tất cả cảnh giới, là chỗ nương tựa của ảnh tượng các trí và tất cả thân độ, giữ gìn tất cả công đức Phật địa tận cùng thuở vị lai không gián đoạn.

3- Bình đẳng tính trí nghĩa là quán tự tha tất cả bình đẳng, kiến lập Phật địa vô trụ niết-bàn.

4- Diệu quan sát trí nghĩa là thường quán sát vô ngại đối với tất cả cảnh giới sai biệt, nơi chúng hội có thể hiện tất cả tác dụng tự tại, dứt tất cả hoài nghi, tuôn mưa đại pháp.

5- Thành sở tác trí nghĩa là có thể cùng khắp tất cả thế giới, tùy theo chỗ ứng hóa mà thành thục hữu tình.

Giải thích: Pháp giới thanh tịnh là chân như nhất tâm tịnh thức vô cấu, tức là chính tông phàm Thánh cùng có. Nhất pháp giới này là thể của bốn trí, bốn trí là dụng của nhất thể, chư Phật hiện chứng chúng sanh chẳng biết, do chẳng biết nên chấp là bốn thức; do hiện chứng nên hay thành tướng của bốn trí. Nếu mê nó thì thức thứ tám có tên chấp tàng, thức thứ bảy được tên nhiễm ô, thức thứ sáu khởi tình chấp biến kế, năm thứ trước biến làm cảnh của căn trần. Nếu thấu rõ nó thì lại-da thành thể của viên cảnh giữ gìn môn công đức, mạt-na là gốc của bình đẳng, là tính của nhất tự tha, thức thứ sáu khởi diệu quan sát trí, chuyển chính pháp luân, năm thức trước khởi tác dụng, ứng hóa biểu hiện. Đây là nhất tâm bất động, thức trí tự phân, chẳng chuyển đổi thể của nó mà chỉ chuyển tên của nó, chẳng phân lý mà chỉ phân sự.

Hỏi: Trong năm pháp pháp giới thanh tịnh chính là thể của tự tính thanh tịnh viên minh, từ xưa đến nay tính tự đầy đủ, chẳng phải là chỗ sinh của sinh môn mà chỉ là chỗ liễu của liễu nhân. Đây chẳng bàn đến tâm cảnh hành tướng của bốn trí chẳng đồng lúc khởi diệu dụng duyên những cảnh gì ?

Đáp: Thức luận nói: “Đại viên cảnh trí tương ưng tâm phẩm có nghĩa chỉ duyên chân như làm cảnh là vô phân biệt trí chẳng phải hậu đắc trí, vì hành tướng sở duyên chẳng thể biết”. Luận Trang Nghiêm nói: “Đại viên cảnh trí đối với tất cả cảnh chẳng ngu mê, trí này quyết định duyên chủng tử vô lậu và các ảnh tượng của thân độ, hành tướng sở duyên vi tế chẳng thể biết. Như thức a-lại-da cũng duyên tục đế; do duyên chân như nên gọi là vô phân biệt trí, duyên cảnh khác nên gọi là hậu đắc trí. Thể nó là một tùy dụng phân hai, rõ tục do chứng chân nên nói là hậu đắc.

Bình đẳng tính trí tương ưng tâm phẩm có nghĩa chỉ duyên tịnh thức thứ tám, như thức thứ bảy nhiễm ô duyên tạng thức nên có nghĩa chỉ duyên chân như làm cảnh; vì duyên tất cả pháp tính bình đẳng nên có nghĩa duyên cả chân tục làm cảnh”. Luận Trang Nghiêm nói: “Duyên các hữu tình tự tha bình đẳng, vì tùy tha thắng giải thị hiện vô biên ảnh tượng Phật, do đây phẩm này duyên cả chân tục, thuộc về hai trí, đối với lý không trái. Diệu quan sát trí tương ưng tâm phẩm duyên tự tướng cộng tướng của tất cả pháp đều không chướng ngại, thuộc về hai trí. Thành sở tác trí tương ưng tâm phẩm có nghĩa chỉ duyên năm thứ hiện cảnh”. Luận Trang Nghiêm nói: “Năm căn của Như Lai mỗi mỗi đều chuyển theo năm cảnh có nghĩa là phẩm này cũng duyên khắp các pháp ba đời chẳng trái chính lý. Kinh Phật Địa nói: “Thành sở tác trí tạo ra các sự biến hóa của ba nghiệp, quyết trạch tâm hành sai biệt của hữu tình lãnh thọ các nghĩa quá khứ hiện tại vị lai. Nếu chẳng duyên khắp thì không có khả năng này, thuộc về hậu đắc trí. Bốn tâm phẩm này tuy duyên khắp tất cả pháp nhưng dụng có sai khác. Nghĩa là cảnh trí phẩm hiện tự thọ dụng thân, tướng tịnh độ giữ gìn chủng tử vô lậu; bình đẳng trí phẩm hiện tha thọ dụng thân, tướng tịnh độ; thành sở tác trí phẩm hiện biến hóa thân và độ tướng; quán sát trí phẩm quán sát công năng và lỗi lầm của tự tha, tuôn mưa đại pháp, phá các lưới nghi, lợi lạc hữu tình. Những môn như thế sai biệt rất nhiều”.

Hỏi: Thành sở tác trí tương ưng với thức thứ sáu khởi lên hóa dụng cùng với quan sát trí tính có gì sai biệt ?

Đáp: Thức luận nói: “Quan sát trí quán tự tướng cộng tướng của các pháp, vì trí sở tác này chỉ khởi hóa nên có sai biệt. Hai trí phẩm này lẽ ra chẳng cùng sinh vì một loại hai thức chẳng chung khởi nên đồng thể dụng phân đều cũng chẳng phải lỗi. Hoặc tương ưng với tịnh thức thứ bảy nương nơi các căn như nhãn v.v… duyên các cảnh như sắc v.v… là tác dụng sai biệt của bình đẳng trí. Tịnh thức thứ bảy khởi tha thọ dụng thân, độ tướng là thuộc về bình đẳng phẩm; khởi biến hóa thân là thuộc về thành sự phẩm”.

Hỏi: Nếu các pháp hữu vi đều thuộc về uẩn xứ, Như Lai thuần là pháp vô lậu có uẩn xứ giới chăng ?

Đáp: Thức luận nói: “Nơi nơi kinh nói chuyển vô thường uẩn được thường uẩn, giới xứ cũng thế. Thà nói Như Lai chẳng phải uẩn xứ giới nên nói là chẳng phải, đây là mật ý nói. Lại trong thân Phật mười tám giới đều đầy đủ mà thuần vô lậu, quả chuyển y này lại bất tư nghì vượt qua con đường suy nghĩ luận bàn nên vi diệu thậm thâm phải tự nội chứng”.

Hỏi: Trí này là Phật tri kiến vô sư đâu cần nhân duyên xưng dương khai thị ?

Đáp: Trí này tuy chẳng nhờ duyên sinh, nhưng từ duyên hiển; nếu chấp không nhân đều thành ngoại đạo. Như Cổ đức nói: “Phật pháp tuy có vô sư trí, tự nhiên trí nhưng là chân lý thường trụ cần phải nhờ duyên hiển bày thì cũng là nhân duyên vậy”. Kinh Pháp Hoa nói: “Phật chủng từ duyên khai”. Kinh Lăng Già ghi: “Đại Tuệ bạch Phật: Phật nói thường bất tư nghì, các ngoại đạo cũng có thường bất tư nghì, có gì khác biệt chăng ? Phật đáp: Các ngoại đạo không có thường bất tư nghì vì không nhân; ta nói thường bất tư nghì vì có nhân. Do vì nội chứng nên làm sao giống nhau được ? Đây là chân thường cũng do duyên khởi cho nên biết không có một pháp nào chẳng từ tâm sinh, đạo tam thừa thảy đều do nội chứng. Nếu ngoài tâm lập nghĩa, luận thuyết u huyền đều thành ngoại đạo. Nếu vào duy thức trí, tuy chẳng chấp tiền cảnh nhưng không như ngu tối không biết không thấy, tuy chiếu cảnh hư rỗng nhưng con mắt trí tuệ có thể đoạn. Luận Kim Cang Bát-nhã có bài tụng:

Tuy chẳng thấy các pháp
Chẳng không mắt liễu cảnh.

Vì thế Vĩnh Gia Tập nói:

Cảnh phi trí mà chẳng liễu,
Trí phi cảnh mà chẳng sinh.

Trí sinh thì liễu cảnh mà sinh, cảnh liễu thì trí sinh mà liễu. Trí sinh mà liễu, liễu không sở liễu, liễu cảnh mà sinh, sinh không năng sinh. Sinh không năng sinh, tuy trí mà phi hữu; liễu không sở liễu, tuy cảnh mà phi vô. Vô tức bất vô, hữu tức phi hữu; hữu vô song chiếu, diệu ngộ lặng lẽ, như lửa thêm củi càng thêm cháy mạnh. Củi dụ cho đa cảnh phát trí, lửa dụ cho diệu trí liễu cảnh.

Có lời nói: “Đạt tính không mà chẳng phải trói buộc, tuy duyên giả dối mà không chấp trước, cảnh hữu vô song chiếu, tâm trung quán rõ ràng”. Lại có bài tụng:

Nếu trí rõ nơi cảnh
Tức là cảnh không trí
Như mắt thấy hoa đốm
Là liễu không hoa nhãn
Nếu trí rõ nơi trí
Tức là trí không trí
Như mắt rõ nhãn không
Là liễu nhãn không nhãn
Trí tuy liễu cảnh không
Và còn liễu trí không
Chẳng không liễu cảnh trí.

Cảnh không trí như có không trí liễu cảnh trí, không cảnh trí nào chẳng liễu. Như mắt rõ hoa đốm và lại rõ nhãn không chẳng phải không rõ không nhãn và hoa không nhãn, giống như có không nhãn liễu hoa nhãn, không hoa nhãn nào mà chẳng liễu.