TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch
QUYỂN 77
Hỏi: Một niệm tâm vô minh khuấy động biển chân như làm thành mười hai duyên khởi, tạo nên căn do sinh tử. Nếu ngộ tâm ấy thì thành sóng mòi của biển Phật trí; nếu mê tâm ấy thì thành nước xoáy của sông sinh tử, làm thế nào thành Phật trí, làm thế nào thành sinh tử ?
Đáp: Phật trí thiên chân vốn có sinh tử vọng duyên thể không, tuy có hai tên gọi nhưng chỉ là một nghĩa. Nghĩa là chẳng thấu tỏ đệ nhất nghĩa đế gọi là vô minh. Do chẳng rõ vô minh trở thành các khổ của hoặc nghiệp; thấu tỏ thật tính của vô minh trở thành diệu tâm của niết-bàn. Nếu mê, là hoặc nghiệp thì thành ba đạo: 1- Vô minh, ái, thủ là phiền não đạo; 2- Hành, hữu là nghiệp đạo; 3- Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sinh, lão tử là khổ đạo. Nếu ngộ thì thành ba nhân Phật tính. Đó là: l- bảy chi thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sinh, lão tử là chính nhân Phật tính; 2- Ba chi vô minh, ái, thủ là liễu nhân Phật tính; 3- Hai chi: hành, hữu là duyên nhân Phật tính.
Các nghĩa như thế sai biệt chẳng đồng, chỉ là nhất tâm mê trở thành nhiều thứ, tuy thành nhiều thứ mà chẳng lìa nhất tâm.
Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Phật tử, Bồ-tát ma-ha-tát nghĩ rằng tam giới chỉ là nhất tâm”. Như Lai đối với việc này phân biệt diễn nói mười hai hữu chi đều nương nơi nhất tâm mà thành lập. Vì sao ? Tùy theo sự tham dục cùng sinh khởi với tâm, tâm là thức, sự là hành, mê muội nơi hành là vô minh, vô minh cùng tâm sinh khởi là danh sắc, danh sắc tăng trưởng là lục xứ, lục xứ hợp với ba phần là xúc, cùng sinh với xúc là thọ, thọ không nhàm chán là ái, ái mãi chẳng buông xả là thủ, sinh ra các hữu chi là hữu, hữu được sinh khởi là sinh, sinh chín muồi là lão, lão hoại là tử.
Kinh Đại Tập ghi: “Một niệm của mỗi người đều đầy đủ mười hai nhân duyên”. Tùy theo một cảnh một niệm không nơi nào chẳng đủ 12 nhân duyên. Như mắt thấy sắc, chẳng gọi là vô minh, sinh yêu ghét gọi là hành, tâm ý trong đó gọi là thức, sắc đi cùng thức gọi là danh sắc, lục xứ sinh tham gọi là lục nhập, sắc đối trước mắt gọi là xúc, lãnh nạp gọi là thọ, vướng víu nơi sắc gọi là ái, tưởng nhớ sắc tướng gọi là thủ, niệm sắc tâm khởi gọi là hữu, tâm sinh gọi là sinh, tâm diệt gọi là tử; cho đến ý tư pháp cũng như thế. Một ngày một đêm thường khởi bao nhiêu niệm, mỗi niệm dệt mười hai nhân duyên làm thành sáu loài sinh tử vô cùng. Thế nên sinh tử vô thể, toàn là Như Lai tạng, đệ nhất nghĩa tâm, mê ngộ thăng trầm hoàn toàn không thật có.
Phụ hành ký ghi: “Các kinh Hoa Nghiêm, Đại Tập v.v… đều nói nhất niệm tâm đầy đủ mười hai nhân duyên”. Hễ Đại thừa nói nhất niệm, ý đều như thế, nếu chẳng như thế thì làm sao gồm thâu hết tất cả các pháp. Chỉ Quán cũng nói: “Duyên sinh chính nhất niệm tâm”. Luận Thập Nhị Môn hỏi: “Là do nhất tâm hay do dị tâm ?” Ý của luận chủ hỏi là do nhất niệm tâm của một người hay nhiều người ? Như vậy, nhất niệm, dị niệm đều được, nhất niệm hiện tại của một người hay nhiều người đều đầy đủ, tâm sinh khởi của một người hay nhiều người chẳng ngoài trăm giới. Trăm giới là nhiều (đa), nhất niệm là một (nhất). Nhứt đa tương tức phi nhất phi đa. Kinh Đại Phẩm nói tất cả các pháp đều hướng về nhân duyên, nhân duyên trăm giới chẳng ngoài nhất niệm, vì vậy gọi là hướng đến chẳng có lỗi nên được gọi là nhất niệm đầy đủ.
Pháp sư Huệ Viễn nói: “vô minh duyên hành, có bốn thứ vô minh:
1- Mê lý vô minh, nghĩa gồm cả thỉ chung.
2- Phát nghiệp vô minh, ở trước hành.
3- Phúc nghiệp vô minh, ở sau hành, trước thức.
4- Thọ sinh vô minh, đồng thời giới thức, hoặc ở sau thức, hướng về chủng tử quá khứ tâm thức ở sau thức, hướng về thức kết sinh đồng thời với thức”.
Các pháp trong ngoài đều có nhân duyên, như kinh Đạo Cán ghi: “Bấy giờ, ngài Di-lặc bảo Xá-lợi-phất: Thế tôn thường nói thấy mười hai nhân duyên chính là thấy pháp, thấy pháp chính là thấy Phật; cho đến có nhân duyên gọi là pháp nhân duyên, vì nhân này có thể sinh ra quả, Như Lai xuất thế nhân duyên sinh pháp, Như Lai chẳng xuất thế nhân duyên cũng sinh pháp, tính tướng thường trụ, không có phiền não, rốt ráo như thật, là pháp chân thật, xa lìa pháp điên đảo.
Lại nữa, pháp mười hai nhân duyên sinh khởi từ nhân và quả; nhân duyên sinh pháp lại có hai thứ: nội nhân duyên, ngoại nhân duyên. Pháp ngoại nhân duyên sinh từ nơi đâu cũng như hạt giống hay sinh mầm, từ mầm sinh lá, từ lá sinh đốt, từ đốt sinh cọng, từ cọng sinh hoa, từ hoa sinh quả. Không có hạt giống thì không có mầm, cho đến không có hoa quả; có hạt giống nên chẳng nảy mầm, cho đến có hoa nên có quả, mà hạt giống chẳng nghĩ rằng mình hay sinh mầm, mầm cũng chẳng nghĩ rằng sinh ra từ hạt giống, cho đến hoa cũng chẳng nghĩ mình hay sinh quả, quả cũng chẳng nghĩ mình sinh ra từ hoa. Và hạt giống chắc thật mới có thể nảy mầm, đây gọi là ngoại nhân sinh pháp.
Thế nào là ngoại duyên sinh pháp ? Đó là địa, thủy, hỏa, phong, không, thời. Địa chủng rắn chắc, thủy chủng ẩm ướt, hỏa chủng nóng cháy, phong chủng phát khởi, không chủng chẳng làm chướng ngại, thời chủng biến đổi điều hòa. Như vậy đầy đủ sáu duyên liền sinh, nếu không đủ sáu duyên thì chẳng sinh. Sáu duyên địa, thủy, hỏa, phong, không, thời điều hòa chẳng tăng giảm thì vạn vật được sinh, địa cũng chẳng nói mình hay giữ gìn, thủy cũng chẳng nói mình hay tưới nhuần, hỏa cũng chẳng nói mình hay nấu chín, phong cũng chẳng nói mình hay phát khởi, không cũng chẳng nói mình hay chẳng làm chướng ngại, thời cũng chẳng nói mình hay làm cho sinh; hạt giống cũng chẳng nói mình từ sáu duyên sinh ra mầm, mầm cũng chẳng nói mình từ sáu duyên sinh ra. Tuy chẳng nghĩ từ sáu duyên sinh ra mà thật sự từ các duyên hòa hợp được sinh; mầm cũng chẳng từ tự sinh cũng chẳng từ tha sinh, cũng chẳng từ tự tha hợp sinh, cũng chẳng từ Tự Tại Thiên sinh, cũng chẳng từ thời gian, không gian sinh, cũng chẳng từ bản tính sinh, cũng chẳng từ vô nhân sinh, đây gọi là thứ lớp sinh pháp. Như vậy ngoại duyên sinh pháp do năm việc nên phải biết chẳng phải đoạn, cũng chẳng phải thường, cũng chẳng phải từ nơi đây đến nơi kia, như hạt giống và mầm ít nhưng quả thì nhiều, tương tự tương tục chẳng sinh vật khác.
Thế nào là chẳng phải đoạn ? Từ hạt giống, mầm, rễ, cọng tuần tự nối nhau nên chẳng phải đoạn. Thế nào là chẳng phải thường ? Mầm, cọng, hoa, quả đều tự khác biệt nên chẳng phải thường. Cũng chẳng phải hạt giống diệt rồi mầm mới sinh, cũng chẳng phải hạt giống chẳng diệt mầm liền sinh, mà nhờ nhân duyên pháp mầm nảy nở hạt giống tàn rụi, lần lượt sinh ra nên chẳng phải thường. Vì mầm và hạt giống đều khác biệt nhau nên chẳng phải hạt giống đi đến quả. Hạt giống ít quả nhiều nên biết là chẳng phải một. Vì hạt giống chẳng sinh ra quả khác nên gọi là tương tựa tương tục. Do năm thứ ngoại duyên này mà các pháp được sinh.
Nội nhân duyên pháp sinh từ hai thứ:
Thế nào là nhân ? Từ vô minh cho đến lão tử, vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sinh diệt thì lão tử diệt. Do vô minh nên có hành, cho đến do có sinh nên có lão tử. Vô minh chẳng nói ta hay sinh hành, hành cũng chẳng nói ta sinh từ vô minh, cho đến lão tử cũng chẳng nói ta sinh từ vô minh, mà thật có vô minh thì có hành, có sinh thì có lão tử, đây gọi là nội nhân lần lượt sinh pháp.
Thế nào là nội duyên sinh pháp ? Đó là sáu giới: Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Hay cứng chắc là địa giới; hay tưới nhuận mát mẻ là thủy giới; hay nóng bức thiêu đốt là hỏa giới; hay ra vào nơi hơi thở là phong giới; hay không làm chướng ngại là không giới; bốn ấm năm thức cũng gọi là danh, cũng gọi là thức.
Như vậy các pháp hòa hợp gọi là thân, tâm hữu lậu gọi là thức. Bốn ấm là năm tình, căn gọi là sắc. Sáu duyên gọi là thân; nếu sáu duyên đầy đủ thì thành thân; nếu sáu duyên tổn giảm thì chẳng thành thân. Địa cũng chẳng nghĩ ta hay cứng chắc; thủy cũng chẳng nghĩ ta hay ẩm ướt, hỏa cũng chẳng nghĩ ta hay đốt cháy, phong cũng chẳng nghĩ ta hay ra vào nơi hơi thở, không cũng chẳng nghĩ ta hay không làm chướng ngại, thức cũng chẳng nghĩ ta hay sinh trưởng, thân cũng chẳng nghĩ ta sinh ra từ các duyên. Nếu không có sáu duyên này thân cũng chẳng sinh, địa cũng không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng; chẳng phải nam, chẳng phải nữ, cũng chẳng phải phi nam, chẳng phải phi nữ, chẳng phải đây, chẳng phải kia; thủy hỏa phong cho đến thức cũng đều không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng, cho đến cũng chẳng phải đây, chẳng phải kia.
Thế nào là vô minh ? Trong sáu cõi sinh nhất tưởng, tụ tưởng, thường tưởng, bất động tưởng, bất hoại tưởng; bên trong sinh lạc tưởng, chúng sinh tưởng, thọ mạng tưởng, nhân tưởng, ngã tưởng, ngã sở tưởng. Sinh các thứ tưởng như thế gọi là vô minh. Như vậy trong năm tình sinh tham dục, sân khuể tưởng, hành cũng như thế, vướng mắc tất cả pháp giả danh gọi là thức; bốn ấm là danh, sắc ấm là sắc, đây gọi là danh sắc. Danh sắc tăng trưởng sinh lục nhập, lục nhập tăng trưởng sinh xúc, xúc tăng trưởng sinh thọ, thọ tăng trưởng sinh ái, ái tăng trưởng sinh thủ, thủ tăng trưởng sinh hữu, hữu tăng trưởng sinh ra ấm sau gọi là sinh; sinh tăng trưởng biến đổi gọi là lão, thọ ấm bại hoại nên gọi là tử, hay sinh bức rức nên gọi là lo buồn khổ não. Năm tình xâm hại gọi là thân khổ, ý không an hòa gọi là tâm khổ, cho đến mặt trăng trên trời cách mặt đất bốn vạn hai nghìn do-tuần, nước chảy ở dưới, trăng chiếu ở trên, hình tượng huyền ảo tuy có một bóng mà hiện trên các dòng, thể của mặt trăng chẳng giáng xuống, chất của dòng nước chẳng thăng lên. Cũng như thế, này Xá-lợi-phất, chúng sinh chẳng từ đời này đến đời sau, cũng chẳng từ đời sau lại đến đời này, nhưng nghiệp quả, nhân duyên, báo ứng chẳng hề tổn giảm. Vì thế như mặt trăng chẳng động mà bóng hiện các dòng, thức chẳng đi mà thân phân ra sáu loài. Tuy không có người tạo tác nhưng nghiệp quả rõ ràng, chỉ theo duyên sinh chẳng trái pháp nhĩ.
Kinh Hữu Đức Nữ Sở Vấn Đại Thừa ghi: “Bấy giờ, có thiếu nữ Bà-la-môn tên Hữu Đức bạch Phật: Bạch Thế Tôn, vô minh có bên trong hay bên ngoài ?
Đức Phật đáp: Không phải thế.
Hữu Đức thưa: Bạch Thế Tôn, nếu như bên trong, bên ngoài không có vô minh, tại sao có vô minh duyên hành ? Lại nữa Thế Tôn, có pháp đời khác đi đến đời này chăng ?
Đức Phật đáp: Chẳng phải thế.
Hữu Đức lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn, hành tướng của vô minh thật có chăng ?
Đức Phật dạy: Chẳng phải thế. Tự tính của vô minh sinh ra từ hư vọng phân biệt, chẳng phải thật sự sinh; từ điên đảo sinh, chẳng phải như lý sinh.
Hữu Đức: Bạch Thế Tôn, nếu như thế thì không có vô minh, tại sao có các hành sinh khởi và thọ các báo khổ trong sinh tử. Bạch Thế Tôn, như cây không rễ thì không có cành lá hoa quả, như vậy là vô minh không có tự tính nên hành v.v… sinh khởi quyết định không thật có.
Phật dạy: Này Hữu Đức, tất cả các pháp đều tất cánh không. Phàm phu ngu mê điên đảo chẳng nghe nghĩa không, dù được nghe nhưng vô trí chẳng hiểu, do đây tạo đủ các thứ nghiệp, đã có nghiệp thì có các hữu. Ở trong các hữu phải chịu các khổ não. Đệ nhất nghĩa đế không có các nghiệp, cũng không có các hữu do nghiệp sinh nên có khổ não. Này Hữu Đức, Như Lai, Ứng cúng, Chính đẳng, Chính giác tùy thuận thế gian vì chúng sinh diễn nói các pháp, muốn cho họ ngộ giải đệ nhất nghĩa. Này Hữu Đức, đệ nhất nghĩa cũng tùy theo thế gian mà lập danh tự. Vì sao ? Vì trong thật nghĩa tất cả năng giác và sở giác đều không thật có.
Này Hữu Đức, ví như chư Phật biến hóa ra người, người được biến hóa lại hóa ra các vật. Người được biến ra hư dối không thật, thì vật được biến ra cũng không thật. Đây cũng như thế, các nghiệp đã tạo hư dối chẳng thật, những gì do nghiệp mà có cũng không thật”.
Thế nên chỉ cần rõ ý chỉ duy tâm, tự nhiên muôn pháp thường rỗng không, tùy theo việc thấy nghe đều thuận đạo vô sinh; những gì liên quan đến động tác đều quy về môn vô đắc.
Hỏi: Mười hai hữu chi này vì sao gọi là duyên sinh, vì sao gọi là duyên khởi ?
Đáp: Không có chủ tể, người tạo tác, người nhận lãnh, không tự tác dụng, chẳng được tự tại, từ nhân mà sinh, gá các duyên chuyển, vốn không mà có, có rồi tan mất. Chỉ có pháp được hiển bày, năng nhuận sở nhuận rơi vào pháp tương tục gọi là duyên sinh.
Luận nói: “Do phiền não ràng buộc qua lại trong các loài nên mãi bị sinh tử, gọi là duyên khởi”.
Lại nhân gọi là duyên khởi, quả gọi là duyên sinh.
Hỏi: Một niệm vô minh khởi mười hai hữu chi là tự sinh hay tha sinh, cộng sinh, hay vô nhân sinh ?
Đáp: Duyên khởi sâu xa phi tứ cú, có thể thấu rõ thì nhất tâm vắng lặng, mê muội thì lục đạo luân hồi, phi vọng, phi chân, bất thường, bất đoạn. Nếu cho là vọng, vọng chẳng thật có; nếu cho là chân, lại hay lưu chuyển; nếu cho là đoạn, tương tục hằng sinh; nếu cho là thường, niệm niệm khởi diệt. Vì thế do từ tâm sinh nên sinh không hay sinh, không có tính cố định.
Luận Phật Tính nói: “Lại nữa, tất cả các pháp không có tự tính, vì sao ? Vì nương nơi nhân duyên sinh, như lửa phát sinh từ củi, lìa củi không thể thấy lửa. Nếu lửa có tự tính thì lìa củi trong hư không tự nhiên có lửa”.
Luận Tạp Tập nói: “Các pháp duyên khởi tuy thành hoại trong sát-na mà có thể trụ được; tuy không có tác dụng duyên mà có công năng duyên; tuy lìa hữu tình mà có hữu tình; tuy không có người tạo tác mà nghiệp quả chẳng hoại; tuy bên trong không có người tạo tác mà có tác nghiệp thọ quả dị thục”.
Lại các pháp duyên khởi có sai biệt, nghĩa là vì đợi các duyên sinh nên chẳng phải tự tác; tuy có các duyên mà không chủng tử thì chẳng sinh nên chẳng phải tha tác; vì đều không có tác dụng nên chẳng phải cộng tác; vì chủng tử và các duyên đều có công năng nên chẳng phải vô nhân tác. Những điều nói trên là y cứ môn duyên khởi thế tục. Nếu nói như thật, còn chẳng thấy một pháp là duyên, phi duyên, huống là mười hai pháp. Tôn giả Trạm Nhiên nói: “Chẳng thấy sắc tướng là hành diệt, chẳng thấy sắc duyên là vô minh diệt, chẳng thấy sắc thể là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ diệt; chẳng thấy sắc sinh là ái, thủ, hữu, sinh diệt; chẳng thấy sắc diệt là lão tử diệt; chẳng thấy một tướng là chẳng thấy mười hai nhân duyên không; chẳng thấy người thấy là chẳng thấy nhân duyên giả; chân tục đều mất, nhị đế cùng bặt cũng chẳng thấy trung đạo. Được như thế mới là thông đạt liễu tri nhân duyên. Dựa theo đây thấy muôn pháp cũng như thế”.
Hỏi: Vạn cảnh vô minh và nhất tâm pháp tính là một hay là hai ? Nếu là một thì chẳng nên chia ra hai tên nhiễm tịnh. Nếu là hai thì tại sao trong giáo lý nói vô minh là pháp tính ?
Đáp: Thể một là chân danh, hai là giả pháp. Do tình lập chân, dùng trí rõ tình, trí tự phân, chân vốn bất động chẳng thể nhất định đồng vì chẳng hoại thế đế; chẳng thể nhất định khác, vì chẳng mất chân đế. Kinh Niết-bàn nói: “Người ngu cho minh và vô minh là hai, bậc trí liễu đạt tính nó chẳng hai, tính không hai chính là thật tính”. Cổ đức y cứ thập pháp giới giải thích: Người ngu là ngu của chín giới. Người ngu chấp tướng thấy tất cả pháp, pháp tính theo tâm chấp tướng ấy đều thành vô minh, như băng cứng trong hang lạnh giá chưa từng thành nước. Bậc trí là trí của Phật giới. Người tu quán hạnh viên mãn khai mở Phật nhãn thấy giống như cổ Phật. Viên nhãn thấy vô minh vốn là pháp tính thanh tịnh, như mặt trời thường chiếu soi nước biển chưa từng đóng băng. Tính của băng và nước là một, tùy duyên thành hai. Một chẳng nắm lấy tính, luôn tự tùy duyên; tuy tùy duyên mà chẳng hoại tự tính huống là pháp tính và vô minh làm sao là một, làm sao là khác thì chẳng theo sự mà mất thể chẳng phải cộng, chẳng phải phân; chẳng chấp lấy tính mà tùy duyên cũng đồng cũng khác.
Hỏi: Nguyên nhân ban đầu của ba cõi, cội nguồn của bốn loài không thể tận cùng gốc ngọn, chẳng rõ căn do; Trang Lão gọi là tự nhiên, Chu Khổng cho là hỗn độn. Chỗ khởi ban đầu ấy làm thế nào hướng về ?
Đáp: Muốn biết nguyên do chân thật về thân độ của hữu tình không gì qua tâm mình, không còn pháp nào khác, nghĩa là tâm pháp sát-na tự loại tương tục, từ vô thỉ thời gian không giới lưu chuyển đến nay chẳng đoạn chẳng thường, nương duyên nhờ đối, chẳng phải tính khí, chẳng phải bẩm sinh, duy thức duy tâm.
Triệu Luận Sao ghi: “Lão Tử nói: Vô là sự bắt đầu của trời đất, hữu là mẹ của vạn vật. Theo Phật giáo, Như Lai tạng tính chuyển biến thành thức tạng, từ thức tạng biến ra tất cả chủng tử của căn thân và khí thế gian. Xét cội gốc của sự biến hóa ấy là cho Như Lai tạng tính là sự khởi nguồn sự vật, vô sinh vô thỉ là tính của sự vật; khởi đầu sự sinh chẳng động nơi tính là pháp tính”. Nam Tề Trầm căn cứ luận Quân Thánh nói: “Vậy thì từ khi có trời đất đến nay vẫn còn một niệm”. Dung Đại sư hỏi: Tam giới tứ sinh lấy gì làm gốc đạo, lấy gì làm pháp dụng ? Đáp: Lấy hư không làm gốc đạo, lấy muôn tượng làm pháp dụng.
Hỏi: Trong đó ai là người tạo tác ?
Đáp: Trong đó thật ra không có người tạo tác. Pháp giới tính tự nhiên sinh. Kinh Kim Cang Tam-muội ghi: “Pháp thiện và bất thiện từ tâm hóa sinh, gọi là môn tổng trì, là gốc vạn pháp”. Nơi ánh sáng chưa phát còn không có tên, lúc niệm muốn sinh dường như phân bóng dáng; sơ nhân gượng giác tạm khởi liễu tri, kiến tướng vừa phân tâm cảnh liền hiện. Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Đều là giác minh rõ biết tính liễu tri, nhân liễu phát tướng; từ vọng kiến sinh ra các tướng hữu vi sông núi đất liền, lần lượt dời đổi, nhân hư vọng này rốt cuộc rồi trở lại ban đầu”.
Giải thích: Đây là do ban đầu mê nhất pháp giới nên bất giác niệm khởi, niệm khởi là động tướng, động tướng là nghiệp thức thứ nhất. Chưa phân năng sở là lỗi của giác minh, từ đây biến ra năng duyên trở thành liễu tướng là rõ biết tính liễu tri, đây là kiến phần chuyển thức thứ hai. Về sau do kiến phần sinh tướng phần, là nhân liễu phát tướng, đây là tướng phần hiện thức thứ ba. Năng sở vừa phân đều thành hư vọng. Vì sao ? Kiến phần sinh từ con mắt bệnh, tướng phần hiện nơi hình huyễn; do đây căn trần đối nhau tạo ra tình chấp kiên cố từ đây cách xa chân tính, tách khỏi trạm viên. Bên trong chấp lấy tri giác làm thành thân có thức, bên ngoài lìa chấp tưởng lặng trở thành cõi nước vô tình, bèn khiến cho hình ảnh trong gương diệt rồi lại sinh, sông núi trong mộng rốt cuộc trở lại ban đầu. Chỉ vì bản nguyên tính hải chẳng sinh từ năng sở, viên minh trạm nhiên chiếu mà thường tịch, chỉ vì chúng sinh trái tính chẳng rõ, nghịch lại bản viên minh, chấp có sở minh trở thành vọng kiến. Nhân minh lập cảnh sở quán, nhân sở khởi tâm năng quán. Năng sở tương sinh tâm cảnh đối đãi, theo duyên mất tính chớ dù muốn trở lại cội nguồn ban đầu, mà bất giác bất tri khiến phải trải qua trần kiếp. Do đó kinh nói: “Giác chẳng phải sở minh, nhân minh lập sở, sở đã vọng lập thì sinh ra vọng năng của ông. Trong chỗ không đồng dị rõ ràng thành dị biệt, dị chỗ dị kia, nhân dị lập đồng, đồng dị phát minh, từ đây lại lập vô đồng vô dị. Những sự nhiễu loạn như thế đối đãi nhau sinh mệt nhọc, nhọc lâu ngày phát trần tự tướng hỗn trược. Do đây dẫn khởi trần lao phiền não, nổi lên làm nên thế giới, lặng lẽ tạo thành hư không. Hư không là đồng, thế giới là dị. Sự không đồng dị kia là pháp hữu vi chân thật, giác thì sáng suốt, hư không thì mê muội đối đãi nhau thành dao động nên có phong luân nắm giữ thế giới. Do hư không sinh dao động, kiên minh lập ngại, kim bảo đều do minh giác lập ra tính cứng nên có kim luân nắm giữ cõi nước. Biết cái cứng thì kim bảo thành, rõ cái lay động thì phong đại phát, kim bảo và phong đại cọ xát nhau nên có hỏa quang làm tính biến hóa. Biết kim bảo sinh ra tính ướt, hơi bốc trên hỏa quang nên có thủy luân hàm chứa mười phương cõi. Hỏa bốc lên, thủy sa xuống, giao nhau phát hiện lập ra tính cứng, ẩm ướt làm biển cả, khô cạn làm gò nổi. Do nghĩa này, trong biển lớn hỏa quang thường khởi, trong gò nổi sông ngòi luôn trôi chảy. Thế nước kém, thế lửa mạnh kết thành núi cao, thế nên đập vào đá núi thì có tia lửa, nấu thì chảy thành nước. Thế đất kém, thế nước rút ra thành cỏ cây thế nên cây cối gặp lửa thiêu thành đất, vắt ra thì có nước.
Vọng tưởng giao xen phát sinh xoay vần làm chủng tử cho nhau, do nhân duyên này mà thế giới tương tục”.
Người xưa giải thích: Giác minh không muội đối đãi nhau thành dao động nghĩa là do ban đầu vọng giác ảnh minh chẳng rõ bèn thành không muội, như chướng minh sinh ám, hai tướng biểu lộ nhau, giác minh là tướng động, không muội là tướng tĩnh. Một sáng, một tối, một động, một tĩnh, sát-na sinh lẫn nhau như gió làm dấy sóng đối đãi nhau chẳng dừng. Bên trong ban đầu khởi thì gọi là dao động; bên ngoài thành thế giới phong luân, không muội chính là hư không. Đã không hình tướng chẳng gọi là thế giới.
Nhân không sinh dao dộng, kiên minh lập ngại là địa tướng. Nhân không dị minh đối đãi nhau thành dao động, dao động hay kiên minh trở thành chướng ngại; như bào thai gặp gió liền thành kiên ngại; cũng là nghĩa chấp minh sinh ngại, bên trong là giác minh kiên chấp, bên ngoài trở thành kim bảo, vì thế nói kim bảo là minh giác lập kiên, cho nên biết bảo tính do giác minh mà có, các châu báu đều có quang minh.
Tiểu thừa chỉ biết nghiệp cảm mà chẳng biết vì đâu kiên giác bảo thành, dao minh phong xuất. Phong kim ma sát nhau nên có hỏa quang làm tính biến hóa nghĩa là kiên chấp giác tính liền trở thành bảo, dao động sở minh liền sinh ra phong; động tĩnh chẳng dừng chính là phong kim ma sát nhau. Bên ngoài làm thành hỏa quang thiêu cháy vạn vật nên nói làm tính biến hỏa.
Bảo minh sinh nhuận, hơi bốc trên hỏa quang nên có thủy luân hàm chứa mười phương cõi, nghĩa là thể tính của bảo minh có quang nhuận, lửa bốc lên, nước chảy xuống. Lại giác minh sinh ái, ái chính là nhuận, bên trong chính là ái minh, bên ngoài thành bảo nhuận, hơi bốc trên hỏa quang nung chảy ái thành nước. Nếu không có ái, tất cả nghiệp chủng chẳng sinh; nếu không có nước, tất cả thế gian chẳng tồn tại, cho nên bốn đại tính nương tựa lẫn nhau thể chẳng lìa nhau, vì cùng một vọng tâm biến khởi, vì biết hoa đốm trong hư không chẳng lìa tâm.
Lại vọng tính chẳng thường hằng, trước sau biến đổi, các tướng bên ngoài do cảm được hơn kém bất đồng. Nhiều tâm ái thì thành biển cả; nhiều tâm chấp thì thành cồn đảo; phong tính sinh mạn; hỏa tính sinh sân; nơi sắc khởi ái, trong đảo tuôn nước; nghịch ái sinh sân; trong biển lửa dậy; mạn tăng ái kém kết làm núi cao; ái tăng mạn kém nảy nở cỏ cây; sân ái mạn kết hợp nhau dị loại thành hình, cỏ cây sông núi thiên sai vạn phẩm. Trước tiên từ vọng tưởng kết thành bốn đại, từ bốn đại tính ái mạn nảy sinh, lìa tâm hữu tình không có thể nào khác, nên nói giao vọng phát sinh thay nhau làm chủng loại.
Kinh lại nói: “Phú-lâu-na bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu tất cả căn, trần, ấm, xứ, giới trên thế gian đều là Như Lai tạng thanh tịnh bản nhiên, tại sao chợt sinh các tướng hữu vi núi sông đất liền, tất cả lần lượt thay đổi rồi lại bắt đầu ?”. Phú-lâu-na lại nghi: Nếu diệu giác đó bản tính là diệu minh này cùng tâm Như Lai chẳng thêm chẳng bớt không lý do gì chợt sinh các tướng hữu vi núi sông đất liền, ngày nay Như Lai được diệu không minh giác, các tập khí hữu lậu sẽ sinh trở lại chăng ?
Phật dạy: Phú-lâu-na, như ông vừa nói: Đã là bản nhiên thanh tịnh tại sao chợt sinh núi sông đất liền. Ông chẳng thường nghe Như Lai tuyên thuyết tính giác là diệu minh, bản giác là minh diệu chăng ?
Phú-lâu-na thưa: Bạch Thế Tôn, vâng, con đã từng nghe Thế Tôn tuyên nói nghĩa này.
Phật dạy: Ông gọi cái giác là minh, lại vì bản tính nó là minh nên gọi nó là giác, hay là giác cái bất minh mà gọi là minh giác ?
Phú-lâu-na thưa: Nếu sự bất minh này gọi là giác thì không có sở minh.
Phật dạy: Nếu không có sở minh thì không có minh giác, có sở phi giác, không sở phi minh; vô minh chẳng phải là giác tính trạm minh. Tính giác hẳn là minh, do vọng mà làm ra minh giác. Giác chẳng phải sở minh, nhân minh lập sở. Sở đã vọng lập, sinh ra cái năng hư vọng của ông. Trong chỗ không đồng dị nổi lên thành ra có khác. Khác với cái khác kia, nhân dị lập đồng. Đồng dị phát minh, nhân đây lại lập vô đồng vô dị. Sự nhiễu loạn như thế đối đãi nhau sinh mệt nhọc, nhọc lâu phát ra trần tướng tự vẩn đục lẫn nhau, do đây dẫn khởi trần lao phiền não. Nổi lên làm thế giới, lặng xuống thành hư không, hư không là đồng, thế giới là dị, cái không đồng không dị ấy thật là pháp hữu vi.
Giải thích: Nghĩa của hai thứ giác này sâu xa khó hiểu, nếu muốn thấu đáo cần phải phân biệt trắng đen. Theo kinh luận, đại lược có hai thứ giác: 1- Tính giác, 2- Bản giác. Lại có hai thứ bát-nhã: 1- Bản giác bát-nhã, 2- Thỉ giác bát-nhã. Lại có hai thứ tâm: 1- Tự tính thanh tịnh tâm, 2- Ly cấu thanh tịnh tâm. Lại có hai thứ chân như: 1- Chân như tại triền, 2- Chân như xuất triền.
Bốn tên gọi trên tuy khác nhau nhưng đồng một thể, hiện tại tất cả chúng sinh chỉ có tính giác, bản giác bát-nhã, tự tính thanh tịnh tâm, tại triền chân như; trong bản nhiên thanh tịnh bỗng vọng khởi núi sông đất liền, vì tại triền chưa lìa chướng, chưa được chân như xuất triền. Chư Phật mười phương đầy đủ hai thứ giác, được chân như xuất triền không có vọng tưởng trần lao, vĩnh viễn khế hợp bản nhiên thanh tịnh, chẳng còn sinh khởi các tướng hữu vi núi sông đất liền, như vàng ra khỏi quặng hoàn toàn không nhiễm bùn đất, cây đã thành tro thì không thể nào sinh ra cành lá. Nhờ hai thứ giác này đã dứt trừ hoài nghi. Tính giác diệu minh là tự tính thanh tịnh tâm, tức Như Lai tạng tính tại triền chân như; bản tính thanh tịnh chẳng bị phiền não làm nhiễm ô gọi là tính giác.
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan và đại chúng: Các ông nên biết bản giác diệu minh giác viên tâm thể của mười hai loại sinh nơi thế giới hữu lậu cùng với mười phương Phật không hai không khác. Do vọng tưởng của ông mê lý mà si ái phát sinh; sinh phát biến mê nên có không tính; hóa mê chẳng dứt nên có thế giới. Tất cả cõi nước hữu lậu trong mười phương đều do vọng tưởng mê muội an lập, nên biết hư không sinh trong tâm ông cũng như áng mây điểm trên bầu trời huống chi các thế giới ở trong hư không ? Một người trong các ông phát chân quy nguyên, mười phương hư không đều tiêu mất, tại sao cõi nước xuất hiện trong hư không mà chẳng chấn động tan vỡ”.
Đem văn này chứng minh biết phàm Thánh vốn đồng tính giác diệu minh. Bản giác minh diệu là chân như xuất triền. Từ vô phân biệt trí giác biết tận cùng vọng niệm vô thỉ gọi là cứu cánh giác. Thỉ giác tức bản giác, ngộ bản giác được tên bản giác. Luận nói: “Nơi môn chân như gọi là tính giác, nơi môn sinh diệt gọi là bản giác. Do mê tính giác mà có vọng niệm; vì vọng niệm hết nên lập bản giác. Vì tính giác chẳng từ năng sở sinh, chẳng phải nhờ tu chứng mới khởi, vốn tự nhiệm mầu mà thường sáng suốt nên nói tính giác diệu minh. Do thỉ giác bát-nhã biết rõ sự vi diệu của tính giác nên nói bản giác minh diệu.
Lại tính của chân như, vì tính tự liễu nên tính giác diệu minh; trí của thỉ giác vì liễu bản tính nên bản giác minh diệu.
Luận Ma-ha-diễn nói có bốn thứ giác: một là thanh tịnh bản giác, hai là nhiễm tịnh bản giác, ba là thanh tịnh thỉ giác, bốn là nhiễm tịnh thỉ giác. Nếu luận về việc thỉ, bản, minh, muội, đều y vào cái giác nhiễm tịnh mà đặt tên. Nếu là thanh tịnh giác vốn là ngu trí đều tuyệt, chẳng phải là sở đắc của mê ngộ, làm sao văn nghĩa thuyên bày! Trong kinh Phật thường nói chân như là chỗ nương của mê ngộ, như vạn tượng nương nơi hư không, hư không không chỗ nương. Vì vậy, Phú-lâu-na nói: “Con thường nghe Phật tuyên nói nghĩa ấy”. Nghĩa hai thứ giác này cũng giống như luận Khởi Tín lập nhất tâm chia hai môn chân như và sinh diệt, vì bản tính thanh tịnh là nghĩa của tính giác, chỉ là bản giác trong tính như tính lửa trong gỗ, vì chưa đủ nhân duyên nên có mà không sử dụng được; chẳng phải ngộ rồi lại khởi mê, lúc ngộ mới đặt ra tên bản giác, khi đã ngộ bản giác thì không còn mê nữa, chư Phật trở lại làm phàm phu, thật không có việc ấy.
Phật hỏi: Ông gọi giác minh là giác tính tự minh hay là giác thể bất minh hay giác nơi minh ? Theo Phú-lâu-na hẳn phải có sở minh đương tình làm sở giác; nếu không có cái minh của sở giác thì không có tên giác minh, chỉ gọi là giác mà không có sở minh nên nói là không có sở minh. Ý của đức Phật là tính giác thể tính tự minh, chẳng do hay giác sở minh mới gọi là giác minh.
Luận Khởi Tín nói: “Tự thể của chân như có nghĩa đại trí tuệ quang minh, có nghĩa chiếu khắp pháp giới v.v…, Chỉ vì mê nhất pháp giới, gượng phân năng sở nên thành hư vọng. Phải nhờ sở minh mới gọi là giác minh, đây là do cái khác mà lập, chẳng phải tự tính giác nên nói là có sở phi giác. Như duyên trần phân biệt mà có vọng tâm, lìa trần thì không có tự thể, chẳng thể đem tâm đoạn diệt làm chân giác bản lai. Cũng như cho pháp vô thể là cứu cánh, kinh nói: “Pháp thân giống như lông rùa sừng thỏ thì ai tu chứng vô sinh pháp nhẫn”.
Giải thích: Nếu cho bất minh gọi là giác thì không có sở minh, cho nên biết giác thể vốn không có tướng minh, Phật chứng chân tế thật sự chẳng thấy minh. Nếu thấy minh tức là sở minh. Đã lập sở minh liền có năng giác. Chỉ có minh dẹp trừ năng sở mới gọi là diệu minh. Diệu minh này là minh của bất minh, chẳng đồng với sở minh do minh khởi chiếu. Vì thế, luận Bát-nhã Vô Tri ghi: “Hỏi: Vô của Thánh trí và vô của hoặc trí đều không sinh diệt, vì sao khác biệt ? Đáp: Vô của Thánh trí là vô tri (không biết); vô của hoặc trí là tri vô (biết không). Vô ấy tuy đồng mà nguyên do của vô khác biệt. Vì sao ? Thánh trí rỗng lặng vô tri để vô nên gọi là vô tri, chẳng gọi là tri vô; hoặc trí hữu tri nên hữu tri để vô nên gọi là tri vô, chẳng gọi là vô tri, cho nên nói là: “Bát-nhã vô tri nhưng không gì chẳng biết”. Vô tri là cái biết không năng sở. Không gì chẳng biết là tự tính chân như có nghĩa chiếu khắp pháp giới. Thánh nhân chỉ có tâm vô tâm, kiến vô kiến, chẳng đồng với phàm phu có tâm có kiến, vì đều là phân biệt năng sở tương sinh”.
Kinh Niết-bàn nói: “Chẳng thể thấy, thấy rõ ràng”. Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:
Không thấy chính là thấy
Hay thấy tất cả pháp
Nơi pháp nếu có thấy
Đây là không chỗ thấy.
Kinh lại nói: “Bồ-tát thấy các pháp mà không chỗ thấy, biết hết tất cả mà không chỗ biết thì bát-nhã vô tri không gì chẳng biết. Chỉ là chẳng rơi vào cái biết hữu vô, cái thấy năng sở, chẳng phải là không thấy biết. Chư Phật có đủ ngũ nhãn, tam trí, tứ biện, lục thông, lý tam đế, nhất tâm. Nếu chẳng thấy không, bất không, phi không, phi bất không mới tương ưng với thật tướng. Vì thế kinh Lăng-già nói: “Mỗi một tướng tương ưng sẽ xa lìa lỗi của các kiến. Nếu ở nơi các tướng thường tương ưng với thật tướng, tự nhiên xa lìa các lỗi, lĩnh hội đệ nhất nghĩa”. Chân tâm thanh tịnh sáng suốt thấu triệt nhưng không dính mắc, tức sự, tức như, duy tâm thẳng tiến, là thật tướng mà chỉ có chư Phật biết, lìa chân tâm lập kiến đều thành lỗi lầm.
Vô sở phi minh nghĩa là nếu thể của năng giác cần phải nhờ sở minh; nếu không có minh của sở giác thì thể của năng giác chẳng phải là minh. Cho nên biết giác và minh tạm lập lẫn nhau, vốn không tự thể, làm sao thành cái giác của tự tính viên minh.
Vô minh lại phi giác trạm minh tính, nghĩa là hiển bày thể của vọng giác không có tác dụng trạm minh; nếu nói chỉ cần giác nơi minh, cần gì giác thể tự minh thì tự tính phi minh bèn không có tác dụng giác trạm.
Tính giác hẳn phải minh, lầm cho là minh giác, nghĩa là vọng giác gá nơi tướng chân thật, vì sao được biết vọng giác vừa khởi có giác minh, chỉ duyên tính giác ắt có chân minh. Do đó, vọng giác nương vào tính minh này khởi bóng dáng giác minh, chấp cái minh bóng dáng, khởi cái giác của phan duyên, mê chân nhận bóng hai phần kiến tướng, từ đây có tên giác minh.
Giác phi sở minh, nhân minh lập sở nghĩa là nhất chân giác thể tính tuy minh, chẳng phân năng sở nên giác chẳng phải sở minh. Do bóng dáng của minh khởi giác mà phân ra năng sở nên nói nhân minh lập sở.
Sở đã vọng lập sinh ra vọng năng của ông, trong chỗ không đồng dị rõ ràng thành sai khác nghĩa là do giác minh khởi lên chiếu soi, tính chiếu soi được lập ra liền mất, đây là thức tinh nguyên minh hay sinh các duyên. Các duyên sở khiển là chỉ tùy theo tướng năng duyên, che lấp chân duy thức tính, năng sở cứ sinh lẫn nhau, như gió thổi khiến sóng mòi nổi dậy liên tục, tính lặng trong của nước ẩn mất chẳng hiện. Từ mê vọng này sinh ra tính hư không; lại nhân hư không thành lập thế giới. Ở trong chân không nhất tâm tất cánh không đồng dị rõ ràng kiến lập tạo thành các pháp sai biệt, đều do tình tưởng nhiễu loạn phát sinh thế gian, do mê vọng hôn trầm dẫn khởi hư không, phân ra thế giới sai biệt là dị, lập nên hư không thanh tịnh là đồng. Trong thức phân biệt lại lập vô đồng vô dị đều là pháp hữu vi, đều thành duyên sinh diệt; nếu chưa thấu suốt bản nguyên thì toàn là hý luận.