TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 62

Hỏi: Chân tâm bình đẳng, chúng sinh tuy cũng có Phật trí nhưng tín giải khó sinh, phần nhiều ôm hoài nghi, ít người có thể viên chứng. Dù lợi trí như Bích-chi Phật, thượng căn như Xá-lợi-phất, cho đến hàng đại Bồ-tát bất thoái nỗ lực tư duy cũng chẳng thấu được nguồn tâm, biện tài thông thái trác tuyệt cũng chẳng biết bờ mé của tâm, lại mong rõ được giáo lý, hiển bày đại chỉ trước mắt để tâm không còn hoài nghi.

Đáp: Giáo lý có rộng, có lược, lời nói có bày, có ngăn, tuy khai họp bất đồng, tổng biệt có khác nhưng đều trình bày ý chỉ duy tâm, trọn không có lời ngoài thức, sự chứng nghiệm như Hằng sa, đâu chỉ có một hai điều. Do đó kinh Pháp Hoa có kệ:

Biết đệ nhất tịch diệt
Với năng lực phương tiện
Tuy nói các thứ đạo
Thật ra chỉ Phật thừa.

Kệ lại nói:

Nay ta cũng như thế
Vì an ổn chúng sinh
Mở ra các pháp môn
Tuyên nói về Phật đạo.

Giải thích:

Biết đệ nhất tịch diệt, nhất tâm chân như vốn tịch diệt, chẳng phải là diệt của luân hồi sinh diệt, cũng chẳng phải diệt của quán hạnh đối trị, nên xưng là đệ nhất trong nhất tâm tịch diệt, tức là không pháp để phô dương, không đạo để kiến lập. Vì người chưa rõ nên dùng sức phương tiện đại từ, tuy nói các thứ biệt môn dị đạo; nếu nói theo chính lý thì chỉ là trở về nhất tâm Phật thừa, không còn việc gì khác.

Nay ta cũng như thế, ngày nay ta với mười phương Phật đồng chứng pháp này. Tất cả đều như thế, với pháp này đem lại an lạc cho tất cả hữu tình trình bày các pháp môn như tam thừa, ngũ tính v.v… tuyên dương Phật đạo duy tâm.

Kinh Lăng Già ghi: “Phật bảo Đại Huệ: Tất cả thân, sự nghiệp, khí thế gian v.v… đều là bóng dáng của tạng thức, hai tướng năng thủ và sở thủ hiện ra, bởi người ngu sa vào hai kiến chấp sinh diệt nên trong hư vọng khởi phân biệt hữu vô. Này Đại Huệ, ông cần phải siêng năng tu học nghĩa này”.

Kinh Nhập Lăng-già có kệ:

Các thứ theo tâm chuyển
Duy tâm chẳng phải pháp
Tâm sinh các pháp sinh
Tâm diệt các pháp diệt
Chúng sinh vọng phân biệt
Không vật thấy có vật
Vô nghĩa chỉ là tâm,
Vô phân biệt, giải thoát.

Kệ lại nói:

Không địa và các đế
Không cõi nước và hóa
Bích-chi Phật, Thanh văn
Chỉ là tâm phân biệt.
Thân người và năm ấm
Các duyên và vi trần
Thắng tính tự tại tác
Chỉ là tâm phân biệt.
Tâm khắp cả mọi nơi
Nơi nơi đều là tâm
Vì tâm chẳng khéo quán
Tâm tính không các tướng.

Kinh Hoa Nghiêm có kệ:

Tất cả các cõi nước
Trong khắp cả mười phương
Nương nơi tâm chúng sinh
Do vọng tưởng mà có.

Lại nói:

Biết rõ tất cả cõi
An lập trong pháp giới
Đó là được an trụ
Trong một niệm chính định.

Luận Đại Trí Độ nói: “Ví như ngựa đã thuần tự thấy bóng chẳng sợ hãi, vì sao ? Tự biết bóng từ nơi thân; người điều thuận tín nhập Nhất thừa thấy tất cả cảnh hiện bày chẳng sợ hãi, vì tự biết cảnh từ tâm sinh”.

Luận Duy Thức ghi: “Như khế kinh nói “tam giới duy tâm”; lại nói “cảnh sở duyên do duy thức hiện”, lại nói “các pháp chẳng lìa tâm”; lại nói “hữu tình theo tâm cấu tịnh”; lại nói “Bồ-tát thành tựu bốn trí có thể tùy ngộ nhập duy thức không cảnh”; lại tụng: “Tâm ý thức sở duyên, đều chẳng lìa tự tính, nên ta nói tất cả chỉ có thức mà thôi”. Hầu hết các Thánh giáo đều chứng minh điều này.

Giải thích:

Lại nói sở duyên duy thức sở hiện, ông cho rằng sở duyên ngoài thức, tôi nói là sở hiện trên nội thức. Ngài Thế Thân nói sở duyên của thức chỉ là sở hiện của thức, cho đến Phật bảo Từ Thị: “Không có một chút pháp có thể nắm lấy, vì vô tác dụng”. Lúc pháp sinh sức duyên khởi lớn tức trên một thể có hai bóng, sinh lại hướng vào nhau bất tức bất ly, các tâm tâm sở do sức duyên khởi, tính nó pháp nhĩ như thế sinh ra.

Sở duyên của tâm ý thức đều chẳng lìa tự tính, tự tính là pháp của tự tâm, hoặc lý thể là bản sự nương tựa của nghĩa, nghĩa là sở duyên của tâm thứ tám, ý thứ bảy, thức thứ sáu đều lấy tự tâm làm cảnh.

Phật dạy: “Do đạo lý này ta nói tất cả hữu vi, vô vi đều chỉ có thức không có gì khác, thực sự không có cảnh ngoài tâm”. Cho nên biết hễ có thấy nghe đều do tự tâm sinh, thật sự không một pháp theo tình mà có tự thể độc lập, thảy đều từ duyên khởi, đều do tưởng thành, sinh tử niết-bàn đều như huyễn mộng. Vì thế kinh Bất Thoái Chuyển Pháp Luân ghi: “Bấy giờ, A-nan liền đến chỗ Phật, bạch: Thế Tôn, các tỳ-kheo chẳng thể đến được, vì sao ? Họ thấy ao nước trong Kỳ Hoàn tràn đầy trong sạch, nhưng chẳng thấy cây cối nơi Kỳ Hoàn, do đó họ chẳng đến được. Phật bảo A-nan: Các tỳ-kheo ấy trong chỗ không có nước mà sinh cái tưởng nước, nơi vô sắc sinh cái tưởng sắc, nơi không có thọ, tưởng, hành, thức sinh cái tưởng thọ, tưởng, hành, thức; nơi không có Thanh văn, Bích-chi Phật sinh cái tưởng Thanh văn, Bích-chi Phật”.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Này Phật tử, thế nào là Đại Bồ-tát lần lượt đến cõi nước chư Phật với thần thông tam-muội. Này Phật tử, Đại Bồ-tát này đi qua vô số thế giới ở phương đông, lại đi qua các thế giới như thế nhiều như vi trần; ở trong các thế giới ấy nhập tam-muội, cho đến ở nơi mỗi đức Như Lai cung kính tôn trọng cúi đầu đảnh lễ, thưa hỏi Phật pháp, ca ngợi sự bình đẳng của Phật, xưng dương công đức rộng lớn của chư Phật, vào trong đại bi của chư Phật, được năng lực bình đẳng vô ngại của Phật, trong một niệm siêng cầu diệu pháp. Nhưng đối với việc Phật xuất thế, nhập niết-bàn, các tướng ấy đều vô sở đắc. Như tâm tán động liễu biệt sở duyên, tâm khởi chẳng biết vì sao khởi, tâm diệt chẳng biết vì sao diệt. Đại Bồ-tát này cũng lại như thế, hoàn toàn chẳng phân biệt tướng Như Lai xuất thế và niết-bàn. Này Phật tử, như bóng nắng chẳng phải từ mây sinh, chẳng phải từ ao nước sinh, chẳng ở trên đất, chẳng ở trên nước, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải thiện, chẳng phải ác, chẳng phải trong, chẳng phải đục, chẳng thể uống và súc miệng, chẳng phải hữu thể, chẳng phải vô thể, chẳng phải hữu vị, chẳng phải vô vị. Bởi nhân duyên ấy mà hiện tướng nước, bị thức liễu biệt nên ở xa trông tợ nước mà sinh cái tưởng nước; ở gần thì không có nước, cái tưởng nước tự diệt. Đại Bồ-tát này cũng lại như thế, chẳng được tướng Như Lai xuất thế và niết-bàn. Hữu tướng và vô tướng của chư Phật đều do tâm tưởng phân biệt. Này Phật tử, tam-muội này gọi là tâm hạnh sâu kín thanh tịnh, Đại Bồ-tát nhập tam-muội này rồi lại xuất, xuất rồi chẳng mất, đây là biết chỉ có Phật dạy lấy tâm làm tông; tam giáo đều nói “xoay lại chính mình” là trên hết.

Theo Khổng Tử Gia Ngữ ghi: “Vệ Linh Công hỏi Khổng Tử: Có người nói quả nhân vì quốc gia kính cẩn đối với miếu đường, đó là hành vi cai trị nước phải không ? Khổng Tử đáp: Đúng thế, thương người thì người thương, ghét người thì người ghét, đây gọi là chẳng ra khỏi cửa mà biết cả thiên hạ, ấy là biết xoay lại chính mình vậy”; đây là biết nếu giữ mình chân chính để sai khiến vật thì không việc gì chẳng quy về, những điều lấy bỏ, quên nhớ, đẹp xấu đều xem như nhau; đây là biết chỉ cần thấu rõ nhất tâm, vô tướng tự hiển bày thì tự nhiên siêu việt sáu nẻo trần lao; như ra vào hẳn phải nhờ cửa, không gì chẳng do đạo này vậy. Cổ đức nói: “Bọn ngu dốt trong sáu đường xuất thân từ cửa này trải qua nghìn kiếp không biết phản tỉnh, thật đau xót!”. Do đó chư Phật kinh sợ vào nhà lửa, Tổ sư đặc biệt từ Ấn Độ sang cho đến nghìn Thánh buồn than đều là vì những người chẳng thông đạt con đường xuất yếu duy tâm. Cho nên biết nếu chẳng rõ vạn pháp là nhất tâm chân như thì mọi thứ đều thành biến kế, vì chân như vô tướng, thấy có tướng đều là tình chấp. Luận Khởi Tín nói: “Tất cả cảnh giới chỉ nương vào vọng niệm mà có sai biệt; nếu lìa tâm niệm thì không có tướng của tất cả cảnh giới”.

Hỏi: Hành tướng tác dụng của tự tính tám thức là một hay là khác ?

Đáp: Tự tính tám thức chẳng thể nói nhất định là một, vì hành tướng, sở y, duyên, tương ưng sai khác, vì lúc một thức diệt, các thức còn lại chẳng diệt, vì tướng năng huân sở huân đều khác biệt.

Cũng chẳng thể nói nhất định là khác, kinh nói vì tám thức như sóng và nước không sai biệt, vì nhất định khác lẽ ra chẳng phải tính nhân quả, vì như việc huyễn không có tính cố định.

Như trước đã nói tướng sai biệt của thức nương nơi lý thế tục, chẳng phải nghĩa chân thật thù thắng, vì trong nghĩa ấy tâm ngôn dứt bặt, như kệ nói: “Tám thức tâm, y, thức, tục nên tướng có khác, chân nên tướng không khác, tướng sở tướng đều không”.

Giải thích: Đem ba nghĩa giải thích “không thể nhất định”: 1- hành tướng là kiến phần, 2- sở y là căn, 3- duyên là sở duyên. Do vì ba nghĩa này tương ưng khác, như nhãn thức thấy sắc làm hành tướng, cho đến thức thứ tám biến ra sắc v.v… làm hành tướng.

Lúc một thức diệt, bảy thức còn lại chưa hẳn diệt, thức thứ bảy là năng huân, thức thứ tám là sở huân; thức thứ bảy là nhân, thức thứ tám là quả.

Cũng chẳng phải nhất định khác, kinh Lăng Già nói: “Thức như sóng và nước trong biển cả không có tướng sai biệt”.

Nếu nhất định khác thì lẽ ra chẳng phải nhân quả, vì làm nhân quả lẫn nhau. Pháp nhĩ nhân quả chẳng phải nhất định khác, như hạt lúa chẳng thể nảy mầm đậu v.v… Lại tất cả pháp như huyễn v.v… nên biết không có tính nhất định khác.

Hỏi: Nếu thế thì tướng của ba thứ năng biến đã nói ở trên như thế nào ?

Đáp: Đây y cứ đạo lý thế tục trong bốn loại tục đế nói có tám thức theo sự sai biệt, chẳng phải thắng nghĩa đế thứ tư trong bốn lớp chân đế. Trong thắng nghĩa đế, vì lý của tám thức tâm phân biệt và ngôn thuyết đều bặt nên chẳng phải một, chẳng phải khác.

Tưởng, sở tướng đều không, năng tướng là năng, sở tướng là sở; trên thức cái gì là năng tướng, sở tướng, nghĩa là dụng là năng tướng, thể là sở tướng; hoặc cho kiến phần là năng tướng, tướng phần là sở tướng; lại cho bảy thức là năng tướng, thức thứ tám là sở tướng. Sở tướng đã không, năng tướng chẳng thể có. Nếu vào chân như môn thì không sai biệt, không sai biệt cũng không sai biệt mà không gì chẳng sai biệt.

Giải thích:

Chỉ vì từ nghiệp thức ban đầu khởi hai môn kiến tướng, do kiến lập năng, nhân tướng lập sở; năng sở vừa có, ngã pháp phát khởi. Từ đây do hữu vi mà lập vô vi, đối hư giả mà luận chân thật, thảy đều không có cái thể nhất định, dường như có chẳng phải thật, vì vậy thừa nhận tên gọi “hỗ khởi” thấy sắc có sự biểu hiện mà chấp không chẳng có sự biểu hiện; so sánh tính chất “tương đãi”, thấy sừng trâu mà chấp sừng thỏ không, chẳng biết đây là đem có ngăn không, có chẳng phải nhất định có; đem không ngăn có, không chẳng phải nhất định không. Nếu rõ chân tâm tám thức tự nhiên bặt dứt đối đãi, cái nghi năng sở tiêu trừ; sợi dây con rắn ở đây đều không, kiến chấp hết thì danh tướng đối đãi do đây đều bặt.

Hỏi: Ngoài tâm không pháp là chính tông của chư Phật, hiện tại mắt thấy vạn vật, người mới học khó am tường, nếu chẳng chỉ dạy tỉ mỉ làm sao dứt nghi, cần phải nương vào sự cật vấn để phá chấp tình trần ?

Đáp: Trước đã thuyết minh, nay xin dẫn chứng. Luận Duy Thức nói:

Là pháp thức chuyển biến
Phân biệt, sở phân biệt
Do kia đây đều không
Nên tất cả duy thức.

Chuyển biến là tám thức từ tự chứng phần chuyển biến tựa hai phần hiện bày, tức là kiến phần sở biến có năng tác dụng, gọi là kiến phần; tướng phần sở biến có sở tác dụng, gọi là tướng phần, đều nương nơi tự chứng phần chuyển. Kiến phần và tướng phần nếu đã bao hàm tất cả pháp tức là hai phần này biến khởi từ trên tâm thể, cho nên biết tất cả các pháp đều chẳng lìa tâm.

Phân biệt, sở phân biệt nghĩa là kiến phần là năng phân biệt, tướng phần là sở phân biệt.

Do kia đây đều không nghĩa là vọng chấp trên kiến phần và tướng phần, hai chấp ngã và pháp đều không, là do ngoài kiến phần, tướng phần vọng tình chấp có, cảnh ngã pháp ngoài tâm đều là không nên nói do kia đây đều không.

Nên tất cả duy thức nghĩa là chỉ ngăn cảnh có, dẹp thức tâm không, trừ chấp nhị biên ngay đó là trung đạo, tức là đem chữ “duy” ngăn cái chấp ngoài tâm có cảnh của Tát-bà-đa, dùng chữ “thức” bỏ cái chấp ác thủ không của ngài Thanh Biện v.v… đây là phá nhị biên không và hữu, ngay đó là trung đạo. Cho nên Sớ nói: “Ngoài thì bao trùm vạn vật, trong thì năng sở đều thành”, có thể gọi là bốn phần không vượt qua lý nhất tâm.

Lại Tiểu thừa có chín câu hỏi, gạn rằng ý chỉ duy tâm là ngoài tâm không có pháp.

* Thứ nhất nói về vấn đề sở nhân của duy thức: Các sư Tiểu thừa nói: lìa ngoài tâm hiện thấy sắc pháp thực sự là cảnh sở duyên, vì sao luận chủ gộp tất cả quy tâm, gọi chung là duy thức: một là sắc tâm khác biệt, hai là năng sở bất đồng. Lại nói: Sắc cảnh chẳng dẫn dắt tâm năng duyên, bởi sắc theo tâm nên nói là duy thức, theo tính chấp ngoài sắc cảnh mê tâm, tâm bị cảnh mê hoặc nên chẳng phải là nghĩa duy thức.

Luận chủ nói: Chỉ sắc cảnh bên ngoài này: một là tất cả hữu tình duyên tâm biến; hai là tâm căn bản giữ gìn của tất cả hữu tình đều do tâm, cho nên thuộc về duy thức. Kinh Thập Địakinh Hoa Nghiêm nói: “Tam giới duy tâm”, ý nói pháp tam giới chỉ do tâm biến hiện, lìa ngoài tâm không có một vật, đây cũng là ngăn hai chấp ngã và pháp. Chỉ là vọng tình chấp có, toàn thể hoàn toàn không, chỉ có nội tâm cho nên nói duy tâm.

Hỏi: Hai cõi Dục và sắc có sắc cảnh bên ngoài nói rằng do tâm biến nên gọi duy tâm, còn như cõi trời Vô Sắc chỉ có nội tâm không có sắc cảnh bên ngoài thì cần gì lại nói duy tâm, đâu chẳng thành lỗi giúp nhau cực thành ?

Đáp: Không chỉ nói sắc cảnh chẳng lìa tâm mới gọi duy tâm mà còn vì ngăn cõi trời Vô sắc tham đắm tâm năng thủ. Bởi hữu tình nơi cõi Vô sắc cũng tham đắm cảnh không v.v… mà khởi vọng tâm nên cõi Vô sắc cũng gọi là duy tâm. Nếu lúc đắc vô lậu, sắc vô lậu xuất thế ấy là tâm tâm sở duy thức vô lậu xuất thế nên cũng gọi là duy tâm, vì thế nói “tam giới duy tâm”. Kinh Giải Thâm Mật nói: “Cảnh sở duyên do duy thức biến hiện”, tức là tất cả cảnh sở duyên chỉ là thức biến hiện, không có pháp bên ngoài. Do đó đức Phật bảo Bồ-tát Từ Thị: “Không có một chút pháp có thể nắm lấy, vì vô tác dụng”.

Kinh Lăng-già lại nói: “Các pháp đều chẳng lìa tâm”, kinh Vô Cấu Xưng lại nói: “Hữu tình tùy theo tâm mà có cấu tịnh”.

Lại có bộ Sao giải thích nguyên do thành duy thức lập ra bốn loại đạo lý là bốn thứ tỷ lượng:

– Tỷ lượng thứ nhất thành lập tướng phần sắc của năm trần đều là thân sở duyên duyên của năm thức được thành nghĩa duy thức.

– Tỷ lượng thứ hai thành lập thức thứ sáu và ngầm thành lập thức thứ bảy và thứ tám đều duyên thân tướng phần của chính mình; chẳng lìa thức, đây là nghĩa duy thức.

– Tỷ lượng thứ ba tổng thành lập tất cả thân tướng phần chẳng lìa tâm thể được thành duy thức.

– Tỷ lượng thứ tư thành lập tất cả cảnh sơ sở duyên duyên đều chẳng lìa tâm được thành duy thức.

+ Thứ nhất thành lập tướng phần của năm trần đều chẳng lìa năm thức, nay chỉ thành lập tướng phần của một thức chẳng lìa thức, bốn thức còn lại căn cứ đây mà làm.

Lượng nói: “Nhãn thức cực thành là có pháp, nhất định chẳng thân duyên sắc lìa tự thức”.

Tông nhân nói: “Vì trong năm thức cực thành thuộc về tùy nhất”.

Nếu đem bốn thức cực thành còn lại giải thích lượng này chia làm hai: đầu tiên giải thích tên lược bỏ lỗi, kế đến lược bày hỏi đáp.

* Đầu tiên tông phần trước nói cực thành, tức là lược bỏ nhãn thức bất cực thành của hai tông. Như trong tông Đại thừa chấp nhận có nhãn thức của Phật ở phương khác và nhãn thức vô lậu của Phật, Tiểu thừa không chấp nhận nên cũng lược bỏ chẳng lấy. Trong tông Tiểu thừa chấp Phật có nhãn thức hữu lậu và nhãn thức nhiễm ô trong thân sau cùng của Bồ-tát, Đại thừa chẳng chấp nhận nên cũng phải lược bỏ. Cái mà hai tông đều chẳng thừa nhận chính là pháp bất cực thành. Nay chỉ lấy nhãn thức cực thành mà hai tông đều thừa nhận lập làm tông, cho nên ở trước nói “nhãn thức cực thành”.

Hỏi: Nếu chẳng lược bỏ sự bất cực thành của hai tông thì có lỗi gì ?

Đáp: Đoạn trước nói có lỗi một phần sở biệt của tự tha bất cực thành, trong nhân cũng phạm lỗi một phần sở y của tự tha bất cực thành, vì đoạn trước nói vô cực thành nhãn thức là chỗ nương tựa, cho nên lập ra hai chữ “cực thành”.

Lược bỏ đoạn sau nói “nhất định chẳng thân duyên sắc lìa tự thức”, đây chỉ là lìa ngoài tướng phần của nhãn thức; sắc bản chất đã có và bốn trần còn lại chỉ lìa nhãn thức đều chẳng thân duyên. Nếu lập phá cùng tranh thì chỉ tranh về bản chất, như Đại thừa tự tông thành lập sắc thân tướng phần của nhãn thức.

Hỏi: Vì sao chẳng nói “quyết định thân duyên sắc chẳng lìa tự thức” ?

Đáp: Vì là phạm lỗi năng biệt bất cực thành, nghĩa là vì Tiểu thừa chẳng chấp nhận sắc chẳng lìa nhãn thức.

Kế đến nhân nói: “Vì trong năm thức cực thành thuộc về tùy nhất”, nhân nói cực thành cũng lược bỏ năm thức bất cực thành; nếu chẳng nói cực thành mà lược bỏ không nói trong năm thức thuộc về tùy nhất thì nhân này phạm lỗi một phần tùy nhất của tự tha chẳng thành do đó do lập cực thành mà nói lược bỏ.

Dụ nói: “Như bốn thức cực thành còn lại”, dụ nói cực thành cũng lược bỏ pháp bất cực thành. Nếu chẳng lập cực thành thì phạm lỗi một phần năng lập sở lập bất cực thành, do đó lập cực thành mà nói lược bỏ.

Đã lập được sắc tướng phần chẳng lìa nhãn thức, các pháp thanh, hương, vị, xúc đều căn cứ theo đây thành lập, vì chẳng lìa bốn thức còn lại. Vì thế luận Duy Thức có bài tụng:

Cực thành nhãn thức v.v…
Năm thức thuộc về một
Thức khác chẳng thân duyên
Sắc lìa thức của nó.

* Kế đến trình bày hỏi đáp:

– Câu hỏi thứ nhất: Tông y cần phải cả hai cùng chấp nhận, từ đây về sau người lập nói chẳng thân duyên sắc lìa tự thức, người phá cho rằng thân duyên bản chất sắc lìa tự thức, sao nói là cực thành ?

Đáp: Tiểu thừa cũng cho rằng nhãn thức chẳng thân duyên bốn trần còn lại, bởi vì lìa nhãn thức nên chỉ khiến cho tông khác chấp nhận có sự chẳng thân duyên sắc lìa tự thức, chính là tông y cực thành.

– Câu hỏi thứ hai: Tông khác đã chấp nhận nhãn thức chẳng thân duyên bốn trần còn lại, sau đó hợp lại làm tông, đây là giúp nhau đâu phải tông tranh ?

Đáp: Nói về chỗ tranh nhau, đây là chỉ tranh chấp lấy bản chất sắc trần, mắt chẳng thân duyên, sai biệt nhau, thuận mình trái người, chính thức trở thành tông thể. Do Tiểu thừa tuy chấp nhận bản chất sắc lìa nhãn thức và là thân duyên, bây giờ nói chẳng thân duyên, đâu chẳng phải tông tranh!

– Câu hỏi thứ ba: Chỗ tranh nhau trong tông là nhãn thức chẳng thân duyên bản chất sắc, đồng dụ như bốn thức còn lại; bốn thức này chỉ là chẳng thân duyên bốn trần còn lại, đâu được giống nhau ?

Đáp: Bốn thức còn lại là dụ y, mỗi thức đều chẳng thân duyên pháp lìa tự thức là dụ thể. Nay lấy dụ thể, chẳng lấy dụ y, cũng như âm thanh vô thường, tông đồng dụ như cái bình, chẳng nên phân biệt âm thanh và cái bình có sai khác, chỉ chấp lấy âm thanh và cái bình đều có cái nghĩa vô thường giống nhau làm nhân.

+ Thứ hai đem lý thành lập thức thứ sáu và ngầm thành lập hai thức thứ bảy và thứ tám. Lượng nói: “Các thức còn lại cực thành là có pháp, cũng chẳng thân duyên pháp lìa tự thức”. Tông nhân nói: “Vì là thức tính đồng dụ như năm thức cực thành”.

Giải thích:

Đoạn trước tông nói cực thành, và lược bỏ bất cực thành; nếu chẳng nói cực thành thì phạm lỗi một phần sở biệt của tự tha bất cực thành; nếu nói thức thứ sáu, thứ bảy, thứ tám là có pháp, chẳng chấp nhận hai thức thứ bảy và thứ tám thì phạm lỗi một phần sở biệt của tha bất cực thành. Nều chỉ lập ý thức là có pháp thì trong nhân liền phạm lỗi bất định, bị tha lấy hai thức thứ bảy và thứ tám làm dị dụ, lượng phạm lỗi tự trong cộng bất định.

Nay chỉ nói tổng quát những thứ khác riêng chấp lấy thức thứ sáu, ý gồm cả thức thứ bảy và thứ tám là ngầm thành lập nhiếp thủ thức thứ bảy và thứ tám. Trong các thức còn lại, đoạn sau nói cũng chẳng thân duyên các pháp lìa tự thức. Chữ “cũng” là đồng, đồng với năm thức cực thành ở trước chẳng thân duyên các pháp lìa tự thức.

Nhân nói: “Vì là thức tính”, tức đồng năm thức là thức tính. Cho nên “dụ như năm thức cực thành” tức là đồng như năm thức cũng chẳng thân duyên các pháp lìa tự thức. Nếu biết rõ sự thân duyên các pháp chẳng lìa tự thức đã thành lập thì biết tất cả cảnh thân sở duyên duyên đều chẳng lìa tâm, đây là nghĩa duy thức. Vì thế luận Duy Thức nói: “Các thức khác cũng như nhãn thức chẳng thân duyên các pháp lìa tự thức”.

+ Thứ ba đem lý thành lập tướng phần thân sở duyên duyên của sáu thức trước đều quy về tâm thể. Tâm thể là tự chứng phần. Tuy kiến phần cũng nương nơi tự chứng phần mà chuyển, nay chỉ lập tướng phần, vì cùng chấp nhận kiến phần. Lượng nói: “Sáu thức thân sở duyên duyên là có pháp, nhất định chẳng lìa thể của sáu thức”. Tông nhân nói: “Trong kiến phần và tướng phần thuộc về tùy nhất, như kiến phần năng duyên kia”. Vì Tiểu thừa cho rằng kiến phần chẳng lìa tâm thể, chấp làm đồng dụ. Vì thế luận Duy Thức nói: “Thân sở duyên duyên này quyết định chẳng lìa thức, vì hai theo một như năng duyên kia.

+ Thứ tư đem lý thành lập tất cả cảnh sơ sở duyên duyên đều chẳng lìa tâm, là nghĩa duy thức, tức là tướng phần gọi là sơ sở duyên duyên. Bởi Tiểu thừa chẳng chấp nhận thức thứ tám nên chỉ nói sơ sở duyên duyên.

Lượng nói: “Tất cả tùy sở duyên của tự thức là có pháp, quyết định chẳng lìa tâm và tâm sở năng duyên của ta”. Tông nhân nói: “Vì là pháp sở duyên nên đồng dụ như pháp tương ưng”.

Giải thích:

Lượng này đoạn sau nói “quyết định chẳng lìa năng duyên của ta”, nghĩa là tất cả hữu vi, vô vi chỉ là pháp sở duyên, quyết định chẳng lìa thức năng duyên của ta. Nếu đoạn sau chẳng nói năng duyên của ta thì phạm lỗi một phần trợ giúp nhau, nghĩa là Tiểu thừa cũng cho rằng cảnh sở duyên của tâm trí người chẳng lìa tâm năng duyên, là lược bỏ lỗi trợ giúp nhau.

Nói “năng duyên của ta” là lược bỏ “năng duyên của người”.

Đồng dụ như pháp tương ưng là từ trước đến nay đã thành lập thân tướng phần, vì đều là pháp sở duyên. Vì thế luận Duy Thức nói: “Vì là pháp sở duyên nên như pháp tương ưng quyết định chẳng lìa tâm và tâm sở”. Cho nên ngã pháp chẳng phải có, không thức chẳng phải không, lìa có lìa không mới khế hợp trung đạo. Do đây đức Từ Tôn nói hai bài tụng về trung đạo:

Hư vọng phân biệt có
Nơi đây cả hai không
Trong đây chỉ có “không”
Nơi kia cũng có đây.
Nên nói tất cả pháp
Chẳng không, chẳng bất không
Vì có không và có
Là khế hợp trung đạo.

– Hư vọng phân biệt có nghĩa là có tâm hư vọng phân biệt ba cõi.

– Nơi đây cả hai không, nghĩa là không có tướng năng thủ và sở thủ của hai chấp ngã pháp, ở trên vọng tâm này đều không.

– Trong đây chỉ có “không”, nghĩa là trong vọng tâm này chỉ có chân như, đây là tính không, vì nương vào cái không mà hiển hiện.

– Nơi kia cũng có đây, kia là trong tính không kia; cũng có đây là cũng có thức hư vọng phân biệt, hư vọng phân biệt là thế tục đế. Trong tục đế cũng có tính không của chân đế.

– Nên nói tất cả pháp là hai pháp hữu vi và vô vi.

– Chẳng không, chẳng bất không, chẳng không nghĩa là vì nương vào viên thành thật tính có tâm hư vọng phân biệt và tính không, tức là có hai đế; chẳng bất không nghĩa là tướng năng thủ, sở thủ của hai chấp ngã pháp là không, tức là biến kế tính.

– Vì có không và có, có là có phân biệt hư vọng; không là không hai chấp ngã pháp; và có là trong phân biệt hư vọng có chân không, trong chân không cũng có phân biệt hư vọng.

– Là khế hợp trung đạo, nghĩa là chẳng phải chỉ là không như chủ trương của ngài Thanh Biện v.v…; chẳng phải chỉ là có như chủ trương của Tiểu thừa v.v…, nên gọi là trung đạo, nghĩa là có hai đế nên không cùng quan điểm ngài Thanh Điện, không chấp thủ ngã pháp nên không cùng quan điểm Tiểu thừa, nên gọi là trung đạo.

Kinh A-tì-đạt-ma nói, Bồ-tát thành tựu bốn trí có thể ngộ nhập duy thức vô cảnh, tức là Địa tiền tiểu Bồ-tát tuy chưa chứng lý duy thức nhưng y cứ lời Phật dạy, và kiến địa thượng Bồ-tát thành tựu bốn trí duy thức liền nhập hữu lậu quán thấy đất đai của Bồ-tát Thập Địa biến thành vàng ròng, khuấy nước sông thành tô lạc, hóa núi thành thực phẩm. Tiểu Bồ-tát nhập quán thấy thế bèn nói: “Những vàng bạc thật được biến ra ấy đều chẳng lìa tâm năng biến của Bồ-tát Thập Địa, không còn ngoại cảnh nào khác”. Khi đã thực hành quán này, Bồ-tát cũng có thể tùy thuận ngộ nhập lý chân duy thức.

Lại như phái Thắng Luận Sư vì giữ sáu cú nghĩa mà biến thân thành tảng đá lớn, đây là có thật dụng; nếu quyết định có thật cảnh thì không nên tùy tâm biến thân cảnh thành đá!

Hỏi: Như lúc biến đất đai thành vàng ròng là dẹp trừ đất để có vàng hay là chuyển đất ấy thành vàng ?

Đáp: Duy Thức Cảnh nói: “Phật, Bồ-tát dùng diệu quán sát trí dựa vào đại viên cảnh trí và dị thục thức khiến cho đất chẳng khởi mà vàng hiện ra. Lấy đây làm tăng thượng duyên có thể khiến cho đất diệt vàng sinh gọi là biến, chẳng phải chuyển đất thành vàng”. Nhiếp luận nói: “Do quán hạnh trợ giúp khiến cho thức của con người biến hiện”. Kinh Đại Niết-bàn ghi: “Phật bảo: Này thiện nam, Bồ-tát ma-ha-tát tu hành đại niết-bàn như sau: quán đất là vàng, quán vàng là đất, đất thành tướng nước, nước thành tướng đất, tùy ý thành tựu không có hư vọng, quán thật chúng sinh là phi chúng sinh, quán phi chúng sinh là thật chúng sinh, thảy đều tùy ý thành tựu không có hư vọng”.

Thiên Thai giáo nói: “Trong các vật tất cả đều có lý có thể chuyển biến, như ngài Tăng Hộ thấy thân mình là chiếc giường, cái bình v.v…, nên biết sắc pháp đều tùy cảm hiện, sắc không cố định mà tùy tâm biến hiện. Lý này vốn là pháp bất tư nghì trong Như Lai tạng, tùy tâm chấp trước thành ngoại đạo, thành Tiều thừa. Những việc làm của các ông là Bồ-tát đạo, bình đẳng pháp giới, không sót gang tấc”.

Bốn loại trí duy thức:

1- Trí tương vi thức tướng, tức là bốn loài hữu tình đều riêng có thức năng duyên; thức đã trái nhau thì tướng phần bị biến ra cũng trái nhau, cho nên từ một sự vật mà chư thiên thấy là châu báu, tôm cá thấy là nhà cửa, người thấy là nước mát, quỉ thấy là lửa dữ, sông máu mủ. Bốn loài hữu tình này duyên thức năng biến đều sai biệt nhau khiến cho cảnh sở biến cũng khác nhau. Tướng là chẳng phải tướng biến kế, mà chỉ là tướng của tướng phần. Do nghiệp lực trước kia của bốn loài hữu tình dù ở chung một chỗ mà mỗi tướng phần được biến ra chẳng đồng nên gọi là tương vi thức tướng. Trí là trí năng duyên của Bồ-tát Thập Địa, trí rõ biết từ nghiệp thức của bốn loài hữu tình biến ra tướng phần khác nhau, ngoài tâm không riêng có bốn cảnh. Người xưa nói: “Một cảnh ứng bốn tâm là không đúng”. Hỏi: Vì sao chẳng đúng ? Đáp: Nếu nói một cảnh nhưng chưa thẩm định là cảnh gì, nếu lìa ngoài tướng phần sở biến của bốn loài hữu tình riêng có một cảnh tức là ngoài tâm có pháp.

Hỏi: Tướng phần sở biến của bốn loài hữu tình riêng biệt thì bản chất cũng riêng biệt chăng ?

Đáp: Bốn loài hữu tình do sức tăng thượng của nghiệp nên tướng phần sở biến của thức thứ tám cũng sai biệt; nếu đem tướng phần này hướng về sáu thức trước của bốn loài hữu tình mà nói thì bản chất đều sai biệt, cho nên biết không có ngoại cảnh chỉ có thức mà thôi. Vì thế luận Duy Thức nói: “Một là trí tương vi thức tướng nghĩa là đối với một sự việc mà quỉ, người, trời v.v… tùy theo nghiệp sai biệt thấy khác nhau, nếu cảnh là thật thì việc này làm sao thành ?” Đường Tam Tạng nói: “Cảnh chẳng phải cố định là một, cho nên tướng phần sở biến của bốn loài hữu tình tùy theo tâm năng biến của mình mà có bốn cảnh, một chỗ mà mỗi loài thấy sai khác, chứng tỏ chỉ có thức. Luận nói: “Như loài người thấy có chỗ phẩn uế, loài bàng sinh thấy là thức ăn thơm ngon; thức ăn hảo hạng của người, chư thiên thấy là nhơ nhớp bất tịnh, cho nên biết tùy phước thấy khác, nhơ sạch duy tâm, nghiệp tự sai khác, thức ăn không có thô tế”.

Luận Đại Trí Độ ghi: “Khi đức Phật ở núi Kỳ-xà-quật cùng với tỳ-kheo tăng vào thành Vương Xá, giữa đường thấy một khúc gỗ to, ngài bèn trải tọa cụ trên khúc gỗ rồi ngồi xuống bảo các tỳ-kheo: Nếu tỳ-kheo nhập thiền tâm được tự tại có thể khiến cho khúc gỗ lớn biến thành đất thật sự, vì sao ? Vì trong gỗ có thành phần đất. Như thế vàng, bạc đều có thể thành khúc gỗ thật sự, vì sao ? Vì trong gỗ có những thành phần ấy”.

Lại nữa, đối với sắc đẹp, kẻ dâm dục thấy cho là tuyệt hảo sinh tâm đắm nhiễm; người tu quán bất tịnh thấy là xấu xa bất tịnh; phụ nữ thấy sinh lòng ghen ghét, không thèm nhìn vì là bất tịnh; người dâm dục thấy đó liền thích; người tật đố thấy đó thì khổ; người tịnh hạnh thấy đó liền đắc đạo; kẻ không quan tâm thấy đó cũng như thấy gỗ đá. Nếu sắc đẹp ấy thật sự tịnh thì bốn hạng người trên thấy nó đều phải thấy tịnh. Nếu nó thật sự bất tịnh thì lẽ ra bốn hạng người trên phải thấy bất tịnh, vì thế nên biết xấu đẹp do tâm, ngoại cảnh không cố định.

Hỏi: Sự việc do định lực biến hóa là thật hay là giả ? Nếu là thật, tại sao đá biến thành vàng, đất biến thành nước. Nếu là giả, tại sao Thánh nhân làm những việc ấy ?

Đáp: Đều là thật; Thánh nhân không giả dối. Vì ba độc đã trừ, tất cả pháp đều không có tướng cố định cho nên có thể chuyển đất thành tướng nước, như bơ, keo sáp là chất đặc, khi gặp lửa thì tan chảy thành nước, trở thành chất lỏng; khi nước gặp lạnh thì đóng thành băng, trở thành chất rắn. Đá chảy thành vàng, vàng xấu là đồng hoặc trở thành đá. Chúng sinh cũng như thế ác có thể thành thiện, thiện có thể thành ác, vì thế nên biết tất cả pháp không có tướng cố định.

2- Trí vô sở duyên thức, vô sở duyên thức là tất cả dị sinh dùng độc tán ư thức thứ sáu duyên quá khứ vị lai, trăng đáy nước, bóng trong gương v.v… biến khởi tướng phần giả. Tướng phần này chỉ là do thức thứ sáu của chúng sinh kết hợp biến kế theo tình chấp biến khởi đều không có cảnh thật ngoài tâm gọi là vô sở duyên thức. Trí là tâm năng duyên của Bồ-tát Thập Địa.

Bồ-tát nói: “Tướng phần giả dối được biến ra của các loài dị sinh đều chẳng lìa tâm năng biến của tất cả dị sinh, đây là duy thức”. Lấy đây so sánh biết tất cả cảnh thật cũng chẳng lìa tâm năng duyên của tất cả hữu tình, lìa ngoài tâm không có một vật. Người xưa nói: “Duyên cái rỗng không thì chẳng sinh lo nghĩ là chẳng đúng”. Hỏi: Vì sao chẳng đúng ? Đáp: Lúc duyên những cảnh hư giả như hoa đốm trong hư không thì tâm cũng khởi, tại sao nói duyên cái rỗng không thì chẳng sinh lo nghĩ, cho nên biết lúc duyên cảnh hư giả không thật thể, chẳng phải không có, thật tướng phần nội tâm hay khiến sinh tâm, đối với kiến phần cũng thành nghĩa sở duyên duyên, chưa từng có cảnh vô tâm, cũng không có tâm vô cảnh, lại không trái với bốn phần thành nghĩa duy thức của ngài Hộ Pháp. Nếu lìa bỏ thật tướng phần nội tâm thì cảnh do kết hợp biến kế chấp tâm liền không.

Đường Tam Tạng nói: “Nên nói cảnh chẳng phải chân thật; do niệm lự khởi mới biết chỉ có thức”. Do đó luận Duy Thức nói: “Hai là trí vô sở duyên thức, nghĩa là duyên những cảnh không thật có như quá khứ, vị lai, chiêm bao, bóng trong gương v.v… chỉ có thức biến mà thôi. Cảnh đã không, những cái khác cũng thế. Bồ-tát đã quán cảnh biến kế sở chấp của các dị sinh đều chẳng lìa tâm của dị sinh liền biết tất cả cảnh thật đều như thế.

3- Trí tự ứng vô đảo, tức là Bồ-tát Thập Địa khởi trí quán sát tất cả chúng sinh vọng chấp tự thân là thường lạc ngã tịnh. Bồ-tát nói: “Đây chỉ là kiến chấp điên đảo trong tâm chấp trước của phàm phu; lìa bỏ tâm vọng chấp trên thân phàm phu thật ra không có cảnh thường lạc ngã tịnh”. Nếu thật có thì lẽ ra dị sinh không cần tu hành mà được giải thoát. Nếu chẳng như thế thì biết rõ chỉ có vọng thức, cho nên luận Duy Thức nói: “Ba là trí tự ứng vô đảo, nghĩa là trí phàm phu nếu được cảnh thật, trí hợp với tự nhiên thành không điên đảo, chẳng do dụng công mà được giải thoát”.

4- Trí tùy tam trí chuyển:

a) Trí tùy tự tại giả trí chuyển, là Bồ-tát khởi trí thấy cảnh sở biến chẳng lìa tâm năng biến của chính mình là nghĩa duy thức. Bồ-tát Bát Địa trở đi có thể hồn nhiên biến đất đai thành vàng ròng, khuấy nước sông thành tô lạc, đây là cảnh theo chân trí chuyển, các việc được biến ra đều thành tựu. Chuyển là nghĩa thay đổi bản chất cũ, tức là chuyển đổi bản chất cũ của đất đai, núi, sông thành vàng, bạc v.v… đều được chế tác thành đồ trang sức chúng sinh được thụ hưởng thật sự. Nếu lìa ngoài tâm có cảnh thật làm sao núi sông v.v… có thể tùy tâm Bồ-tát biến thành vàng bạc v.v… vì bản chất tướng phần đều chuyển đổi, do đó biết tất cả cảnh đều chẳng lìa tâm năng biến của Bồ-tát, cho đến loài dị sinh cũng có thể biến lửa thành nước, biến ngày thành đêm, điểm sắt thành vàng v.v…, đây là cảnh theo sự trí chuyển mọi sự biến hóa đều thành tựu, cũng là nghĩa duy thức; còn cung điện vàng bạc do Ca-đa-diễn-na (Ca-chiên-diên) biến ra đều không thành tựu, cho nên biết lìa tâm không có cảnh thật. Luận nói: “Cung điện vàng bạc được biến ra là quả sắc của thật định, từ Sơ Địa trở đi mới có thể biến ra. Nếu nói về tự tại, Bồ-tát Bát Địa trở lên, đối với tướng và độ đều được tự tại, do định tâm thượng phẩm có thế lực lớn mà có thể biến ra cung điện vàng bạc. Như biến vàng bạc chế tác thành đồ trang sức, được thụ hưởng thật sự. Vàng bạc này là quả sắc của thật định đều chẳng lìa nội tâm của Bồ-tát, đây là ngoài duy thức tâm không có cảnh. Nếu Thanh văn và tiểu Bồ-tát địa tiền lúc biến ra cung điện vàng bạc là gá vào cung điện vàng bạc do Bồ-tát biến ra lấy làm bản chất, vàng bạc do thức thứ sáu biến ra đều không thành tựu, không có tác dụng thật sự. Vậy vàng bạc được biến ra là quả sắc của giả định, chẳng lìa nội tâm của tiểu Bồ-tát và Thanh văn, đây là ngoài duy thức tâm không có cảnh. Ca-đa-diễn-na vốn là Thanh văn vì chưa được định thượng phẩm, vàng bạc biến ra tuy chưa thật sự tác dụng nhưng chẳng lìa ngoài nội thức tâm không có cảnh, do đó luận Duy Thức nói: “Một là trí tùy tự tại giả trí chuyển, nghĩa là người đã chứng đắc tâm tự tại tùy ý muốn chuyển biến đất v.v… đều thành cảnh, nếu là thật thì làm sao chuyển được ?” Cổ đức nói: “Vì sắc tự tại tâm sinh, nên tâm có thể biến ra sắc, do đó những chuyện dời non lấp biển, nghiêng trời lật đất, khuấy nước sông thành tô lạc, biến đất đai thành vàng ròng là việc chẳng khó”.

b) Trí tùy quán sát giả trí chuyển, Bồ-tát Vô Tính nói: “Các Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát v.v… nếu tu tập quán khổ, không, v.v… được tương ưng, hoặc khi tu quán tứ đế, tùy quán trên một pháp chỉ có các tướng vô thường, khổ, không, vô ngã rõ ràng, chẳng phải là trên các pháp thể có các nghĩa khổ, không v.v… Các tướng khổ, không v.v… là thể của các pháp. Trên tâm quán sát của Thánh nhân đã không có tướng vô thường cho nên biết tất cả pháp đều chẳng lìa quán tâm mà có, do đó luận Duy Thức nói: “Hai là trí tùy quán sát giả trí chuyển, nghĩa là người được định thù thắng tu pháp quán, tùy quán một cảnh các tướng hiện tiền, nếu cảnh là thật làm sao theo tâm chuyển đổi ?

c) Trí tùy vô phân biệt trí chuyển, lúc căn bản trí của Bồ-tát chứng chân như, cảnh chân như cùng trí thầm hợp, năng sở là một, không còn phân biệt; lìa ngoài căn bản trí không có cảnh riêng, tức là cảnh tùy chân trí chuyển, cho nên nói duy tâm. Nếu Tiểu thừa chấp ngoài tâm có cảnh thật thì lúc chứng chân như, tất cả cảnh tướng sao chẳng hiện tiền, cho nên luận Duy Thức nói: “Ba là trí tùy vô phân biệt trí chuyển, nghĩa là trí hiện chứng thật sự vô phân biệt, tất cả cảnh tướng đều chẳng hiện tiền, nếu cảnh là thật sao lại chẳng hiện”.

* Thứ hai nói về vấn đề thế sự trái với tông, các sư phái Kinh Lượng Bộ gạn: nếu luận chủ nói chỉ có nội thức, không có cảnh ngoài tâm, tại sao hiện tại thấy hữu tình và phi tình thế gian có xứ định, thời định, thân bất định, tác dụng bất định v.v… Trong đây có bốn vấn đề: một là xứ định nạn, hai là thời định nạn, ba là thân bất định nạn, bốn là tác dụng bất định nạn.

1- Xứ định nạn: Hỏi: nếu luận chủ nói tất cả đều là duy thức, ngoài tâm không có cảnh, như thế nhân dùng hiện lượng thức ngay lúc duyên núi phía Nam thì thức ấy và núi đều ở phía Nam; núi chẳng lìa thức, có thể nói là duy thức. Nếu chợt đem hiện lượng thức duyên phía Bắc, nhưng núi ấy vẫn ở phía Nam chẳng chịu duyên theo tâm chuyển đến phía Bắc. Nếu lúc tâm duyên phía Bắc thì chẳng sinh tâm duyên núi phía Nam; nếu biết lìa ngoài thức thật sự có cảnh núi phía Nam thì làm sao thành nghĩa duy thức ?

2- Thời định nạn: Hỏi: nếu ngay lúc duyên núi phía Nam, thức hiện khởi núi cũng theo tâm khởi liền có thể thành nghĩa duy thức. Lại nếu như lúc chẳng duyên núi phía nam, tâm duyên núi chẳng sinh. Nhưng núi vẫn còn, chẳng theo tâm diệt, tức là lìa tâm có cảnh làm sao thành nghĩa duy thức.

Hai vấn đề trên đều là hỏi về hiện lượng thức và tỷ lượng. Nếu theo tâm tỷ lượng thì tướng phần của núi cũng hiện ra trên tâm ở chỗ khác.

3- Hữu tình thân bất định nạn: Hỏi: nếu nói tất cả đều là duy thức, như có nhiều hữu tình cùng ở một chỗ, trong số ấy một nửa bị bệnh mắt hoặc mười người hoặc năm người; có người thấy hoa đốm; có người thấy sợi tóc; có người thấy con ruồi; có người không thấy gì, những thứ này đều là tướng phần biến ra sợi tóc, con ruồi v.v… từ tự thức của người bệnh mắt biến khởi, đều chẳng lìa tâm của người bệnh mắt, đây là duy thức. Lại như một nửa không bị bệnh mắt hoặc mười người hoặc năm người cùng ở một chỗ đều thấy một cảnh; đã là một cảnh thì biết rõ lìa tâm có cảnh làm sao thành nghĩa duy thức ?