TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch
QUYỂN 59
Hỏi: Hai môn hữu vi và vô vi là một hay là khác ?
Đáp: Chẳng phải một, chẳng phải khác; chẳng phải mất, chẳng phải còn. Vì sao ?
Nếu là một, lẽ ra kinh Nhân Vương chẳng nói: “Các Bồ-tát đều thành tựu công đức hữu vi và vô vi”. Lại kinh Duy-ma nói: “Bồ-tát chẳng dứt hữu vi, chẳng trụ vô vi”. Hai nghĩa đã rõ thì đâu thể là một ?
Nếu là khác, kinh Bát-nhã ghi: “Phật bảo Thiện Hiện: Chẳng được lìa hữu vi nói vô vi, chẳng được lìa vô vi nói hữu vi”, thì đâu thể là khác ?
Nếu nói đều mất, kinh Hoa Nghiêm nói: “Nơi cõi hữu vi bày lý vô vi mà chẳng diệt tướng hữu vi; nơi cõi vô vi bày pháp hữu vi, chẳng hoại tính vô vi”, thì hữu vô tính tướng vô ngại đều còn.
Nếu nói đều còn, luận nói: “Hai là y cứ pháp tính tạm lập có, nghĩa là không, vô ngã hiển bày chân như, hữu vô đều sai, đường ngôn ngữ tâm hành bặt”, thì bách phi đâu thể mê hoặc, tứ cú đâu thể nói sai, có thể cho tình là hữu vô, chỉ cần trí siêu việt ngôn tượng mới đạt được chân tính duy thức hữu vi, vô vi. Như luận Đại Trí Độ ghi: “Lại nữa, pháp sinh diệt nếu trước có tâm sau mới sinh thì tâm chẳng đợi sinh, vì sao ? Vì trước đã có tâm. Nếu trước có sinh thì sinh không chỗ sinh. Lại tính cách sinh diệt trái nhau, lúc sinh lẽ ra không có diệt, lúc diệt lẽ ra không có sinh. Thế nên một chẳng thật có, khác cũng chẳng thật có; vậy thì không sinh, nếu không sinh thì không trụ diệt. Nếu không sinh trụ diệt thì không tâm số pháp; không tâm số pháp thì không tâm bất tương ưng hành sắc pháp, sắc pháp không nên pháp vô vi cũng không, vì sao ? Do hữu vi nên có vô vi, nếu không có hữu vi thì cũng không có vô vi, cho nên chẳng nên nói các pháp có”.
Kinh Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sớ Vấn nói: “Pháp hữu vi, vô vi, văn tự, ngôn thuyết có sai biệt”. Kinh Trì Thế nói: “Thật tướng của pháp hữu vi là vô vi”
Hỏi: Tâm sở có mấy nghĩa:
Đáp: Cổ đức giải thích: Tâm sở có ba nghĩa: một là luôn nương tâm sinh khởi, hai là tương ưng với tâm, ba là hệ thuộc tâm. Tâm vương duyên tổng tướng, như họa sĩ tạo khuôn mẫu; tâm sở duyên cả tổng tướng và biệt tướng, như học trò của họa sĩ tô màu lên khuôn mẫu tổng tướng. Đối với khuôn mẫu tâm vương thì tâm sở là màu xanh, như lúc nhãn thức tâm vương duyên sắc cảnh màu xanh là tổng tướng, chưa khởi phân biệt.
Tâm sở duyên biệt tướng như tác ý trong năm tâm sở đề cảnh báo tâm, dẫn dắt tâm là biệt tướng. Từ đây tiếp nhận rồi tưởng tượng tạo ra các hành tướng, đây là duyên cả tổng tướng và biệt tướng.
Hỏi: Tâm vương và tâm sở là đồng hay là khác?
Đáp: Theo tục thì tợ đồng, tợ khác; theo chân thì phi tức, phi ly. Thức Luận nói: “Như vậy sáu vị tâm sở pháp là lìa tâm thể mà riêng có tự tính hay là phận vị sai biệt của tâm. Nếu thế có lỗi gì ? Cả hai đều có lỗi. Nếu lìa tâm thể riêng có tự tính tại sao Thánh giáo nói chỉ có thức, và tại sao nói tâm viễn hành độc hành, nhiễm tịnh do tâm hữu tình trong sáu nẻo”.
Luận Trang Nghiêm nói: “Lại thế nào là thông?
Tụng nói:
Tâm hiện tợ có hai
Có lúc như tham v.v…
Có lúc như tín v.v…
Không pháp thiện ác khác.
Nếu là phận vị sai biệt của tâm thì tại sao Thánh giáo nói tâm tương ưng, vì nó tương ưng với tha tính chẳng tương ưng với tự tính. Lại tại sao nói lúc tâm và tâm sở cùng khởi như ánh sáng và mặt trời ? Luận Du-già nói: “Vì tâm sở chẳng phải là tâm nên nói lìa tâm riêng có tự tính. Vì tâm thù thắng nên nói duy thức. Vì tâm sở nương vào thế lực của tâm để sinh nên nói dường như tâm sở hiện, nhưng nó chẳng phải là tâm. Lại nói thức và tâm cũng thuộc tâm sở vì luôn tương ưng. Nói duy thức v.v… và sự biểu hiện tợ như tâm đều không có lỗi; đây là theo thế tục. Nếu theo thắng nghĩa, tâm sở và tâm phi tức, phi ly; các thức hướng vào nhau nên biết cũng như thế; đây là diệu lý chân tục của Đại thừa.
Nhiếp Luận có bài tụng:
Viễn hành và độc hành
Không thân ngủ trong hang
Điều phục tâm rất khó
Đúng là bậc chân tu.
Bách pháp giải thích: Như Lai nương vào ý căn nói viễn hành và độc hành. Theo vô minh ý thức duyên khắp tất cả cảnh nên gọi là viễn hành. Các tâm tương tục lưu chuyển, không thật có chủ tể nên gọi là độc hành. Không thân là tâm không có hình chất. Ngủ trong hang là nương các căn lưu chuyển âm thầm trong thân, tức là tâm ẩn chứa trong thân. Ý bài kệ này phá trừ ngoại đạo chấp có thật ngã. Thế Tôn nói: “Chỉ là tâm độc hành không có chủ tể” nên gọi là độc hành. Lại từ vô thỉ dạo chơi cảnh giới sáu trần nên gọi là viễn hành; vì không riêng có tâm sở nên gọi là độc hành.
Về sĩ phu lục giới, luận Du-già nói: “Phật dạy tứ đại không thức hay tạo thành hữu tình. Ba pháp sắc, động, tâm tối thắng làm sở y”. Sắc sở y là bốn đại; động sở y là không; tức là nội không giới. Chẳng chấp lấy bên ngoài nghĩa là vì trong thân có không giới này cho nên có động là động sở y. Tâm sở y là thức, tức là nói lục giới hay tạo thành hữu tình, chẳng nói tâm sở giới.
Giải thích:
Tâm hiện tợ có hai, trong đây nói tợ là tợ như ngoài tâm chấp hai pháp có thật.
Không riêng có pháp thiện ác, nghĩa là duy tâm biến tợ hai phần kiến tướng, hai phần này lìa tâm không riêng có pháp.
Lại nói vì tâm biến tợ tham, tín v.v…, tham tín v.v… lìa ngoài tâm không riêng có pháp thiện ác, thể là tâm. Vì như hai phần nên nói lìa tâm riêng có tự tính.
Vì tâm thù thắng nên nói duy thức, đã nói lìa tâm có sở, tại sao nói duy thức, tâm viễn hành và độc hành, nhiễm tịnh do tâm. Trong lục giới chỉ nói tâm là vì tâm thù thắng. Duy thức này thù thắng như thế nào ? Gồm có 4 nghĩa: một là hay làm chủ tể, hai là hay làm chỗ nương, ba là hành tướng chung, bốn là luôn quyết định, không như tâm sở có lúc bất định.
Lại nếu theo thể dụng hiển hiện nghĩa đế thứ nhất, tâm vương là thể, tâm sở là dụng, là thể dụng bất tức bất ly. Nếu theo thắng nghĩa đế thứ hai, là chân lý nhân quả sai biệt thì tâm vương tâm sở làm nhân quả cho nhau, thực chẳng lìa. Nếu theo chứng đắc thắng nghĩa đế thứ ba, y cứ lời nói hiển bày. Nếu y theo năng thuyên thì y tha khởi tính phi tức. Nếu y theo lý “nhị vô ngã” sở thuyên thì tâm vương tâm sở phi ly. Trên thắng nghĩa đế thứ tư bỏ lời nói tông chỉ cũng không thể nói tức ly. Nhất chân pháp giới ly ngôn tuyệt tướng, vì đạo lý tâm vương tâm sở đồng quy về một chân như.
Hỏi: Tâm vương tâm sở thế nào gọi là giả thật ?
Đáp: Từ chủng tử sinh gọi là thật, nương vào cái khác lập gọi là giả. Tâm pháp là thật có, biến hành, biệt cảnh trong tâm sở là thật có, những pháp còn lại hoặc giả, hoặc thật. Chân như vô vi tuy chẳng phải từ chủng tử khởi, cũng gọi là thật, vì chẳng nương vào cái khác. Hoặc danh nghĩa các pháp đều giả, chỉ có một chân như vô vi là danh giả thể thật, lìa ngôn ngữ.
Hỏi: Thức Luận nói: “Chỉ nói thức là thuộc về tâm sở”, chân như và thức chẳng phải như tâm sở, vì sao chẳng nói ?
Đáp: Vì thức có thật tính, vì thức cùng có, vì chẳng lìa thức, vì chẳng phải ngã pháp nương, cho nên chỉ nói thức mà chẳng nói chân như; do đó biết chân như là thức, thức là chân như.
Hỏi: Chân như là thức, thức là chân như. Vã lại, chân như chẳng phải do thức biến làm sao thành duy thức ?
Đáp: Tuy chẳng phải do thức biến, nhưng là thật tính của thức nên cũng gọi là duy thức. Chân như lìa ngôn ngữ với thức hay suy lường phi nhất phi dị, chẳng phải như sắc v.v… có thể nương để khởi chấp nên chẳng phải chấp và nương. Trong đây chẳng nói xa vời mà nói cũng có thể nương để khởi chấp pháp, do đó người học đời sau nương đây khởi chấp.
Lại chân như đã chẳng phải do thức biến lẽ ra chẳng phải duy thức. Vì chẳng biến đổi nên gọi là duy thức, vì chẳng lìa thức nên gọi là duy thức.
Hỏi: Phàm thánh đều có đủ một trăm pháp chăng ?
Đáp: Ở địa vị phàm phu căn cứ vào chủng tử của tam giới cửu địa đều đủ một trăm pháp, ở quả vị chư Phật chỉ có 66 pháp, không có 34 pháp sau: 6 món căn bản phiền não, 20 món tùy phiền não, 4 món bất định, 4 món bất tương ưng hành pháp.
Hỏi: Tâm thu nhiếp tất cả, tại sao chỉ nêu môn ngũ vị bách pháp ?
Đáp: Tuy nêu bách pháp, nhưng là cương yếu, năm vị lần lượt đã bao gồm vô tận pháp môn. Vì sao ? Bách Pháp nói: “Một là nói về tâm pháp, nghĩa là tám tâm vương là hơn hết, trong pháp hữu vi, thế gian và xuất thế gian thảy đều do tâm tạo.
Hai là nói về tâm sở hữu pháp, vì thường tương ưng với tâm vương nên gọi là pháp tương ưng. So với tâm vương, tâm sở là kém. Trước hơn sau kém nên được đề cập sau.
Ba là sắc pháp do tâm vương biến hiện, nghĩa là sắc pháp chẳng thể tự khởi, phải nhờ tâm vương và tâm sở mới biến hiện. Biến hiện mà chẳng trực tiếp duyên nên hướng về chất ảnh để nói. Hoặc gồm cả bản chất thì tâm vương, tâm sở là năng biến, sắc pháp là sở biến; trước năng sau sở nên được nói sau.
Bốn là bất tương ưng hành, nghĩa là 24 pháp chẳng thể tự khởi, nhờ vào ba pháp trên tạm lập các pháp sai biệt. Ba pháp trước là thật, pháp này là giả, trước thật sau giả nên được nói sau.
Năm là pháp vô vi, thể tính sâu xa, nếu không y cứ pháp để nói vô vi thì không thể hiển bày; nhờ bốn thứ trên biểu thị dứt nhiễm thành tịnh. Bốn pháp trước hữu vi, pháp này vô vi, trước hữu vi, sau vô vi nên nói sau.
Trong Sớ Sao giải thích:
1- Vì tâm pháp là pháp tối thắng bậc nhất, kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:
Tâm như người họa sĩ
Hay vẽ các thế gian.
Trong tất cả thế gian, không pháp nào mà chẳng tạo, nghĩa là tám thức tâm vương rất thù thắng như họa sĩ hay vẽ tất cả hình tượng trời, người, năm loài cho đến Phật, Bồ-tát v.v… Nhưng trong kinh nêu ví dụ chỉ nói được ít phần, vì họa sĩ chỉ vẽ được sắc uẩn, bốn uẩn còn lại không thể vẽ. Trong các pháp, tám thức có thể tạo ra năm uẩn. Lại như thức thứ sáu chẳng cùng tương ưng với vô minh và phân biệt hoặc, câu sinh hoặc. Nếu tạo nghiệp tổng báo biệt báo địa ngục thì tự vẽ năm uẩn địa ngục, cho đến tạo nghiệp tổng báo biệt báo trời người thì tự vẽ hình tượng trời người. Nếu tu vạn hạnh được hai quả chuyển y thì tự vẽ hình tượng Phật quả. Cho nên biết tất cả năm uẩn thế gian, xuất thế gian đều là từ thức thứ sáu vẽ ra y báo chính báo chẳng đơn giản đều do tâm biến cho nên tâm pháp được xem là tối thắng.
2- Vì nó tương ưng với tâm sở hữu pháp, luận Du-già lược nói về năm nghĩa tương ưng:
– một là thời: tâm vương tâm sở đồng thời khởi.
– hai là y : tâm vương tâm sở cùng một căn sở y.
– ba là duyên: tâm vương tâm sở cùng một cảnh sở duyên.
– bốn là hành: tâm vương tâm sở cùng có hành tướng ba lượng.
– năm là sự: tâm vương tâm sở đều có “thể sự” của tự chứng phần.
3- Vì là nơi hiện bóng của sắc pháp: Mười một sắc pháp đều do tâm vương tâm sở biến hiện. Hiện là biến, ảnh là ảnh tượng, là nghĩa cùng một loại, tức là tướng phần của mười một thứ sắc là cùng loại với bản chất, tợ như bản chất. Nếu không có bản chất thì dường như ở trong tâm cho nên nói là bóng.
Biến hiện mà chẳng trực tiếp duyên nên hướng về chất ảnh để nói, nghĩa là tám thức đều có thể biến ra tướng phần để duyên; như năm thức trước lúc duyên năm trần cảnh phải biến ra ảnh tượng để duyên; thức thứ sáu duyên 18 giới cũng biến ra tướng phần để duyên; thức thứ bảy lúc duyên kiến phần thức thứ tám làm ngã cũng biến ra tướng phần để duyên; thức thứ tám lúc duyên phù trần căn người khác và định quả sắc, khí thế giới, cũng biến ra tướng phần để duyên. Tướng phần hướng về tám thức là thân sở duyên duyên; bản chất hướng về tám thức là sơ sở duyên duyên. Những điều nói trên là nói hướng về có chất ảnh; nếu chỉ có tướng phần không có bản chất, chính là thức thứ tám duyên ba cảnh của nó, định ý thức duyên định quả sắc của nó.
4- Vì phận vị sai biệt: Hai mươi bốn pháp là y tha, ba vị trước được tạm lập trên chủng tử và hiện hành.
5- Vì hiển bày thật tính: Là năm pháp vô vi như trên đã giải thích.
Tám pháp tâm vương thứ nhất là môn năng duyên tối thẳng; tâm sở hữu pháp thứ hai tương ưng với tâm là môn đồng duyên nên cùng thù thắng; sắc pháp thứ ba là ảnh tượng của tâm, là môn cảnh giới sở duyên; pháp bất tương ưng thứ tư là môn kiến lập phận vị; pháp vô vi thứ năm là môn hiển thị thật tính.
Sự hơn kém trên hiển hiện năng sở thành lập nhau, giả thật thuyên bày hữu vô ẩn hiển v.v… có thể hiển bày pháp môn vô tận. Pháp môn vô tận không ngoài ngũ vị bách pháp; ngũ vị bách pháp không ngoài hai pháp sắc tâm; gom ngọn về gốc chẳng ngoài một pháp duy tâm.
Hỏi: Thể tính của tám thức và muôn pháp có mấy thứ ?
Đáp: Kinh luận đều nói có ba tính, căn cứ vào năng sở, nhiễm tịnh phân biệt, theo sự nói ba; giả sử có khép mở đều chẳng lìa thức tính; họp lại thì một thể không khác, mở ra thì ba tướng chẳng đồng. Ba tướng chẳng đồng nương vào dụng mà hàng bố, một thể không khác nương vào tính mà viên dung. Hàng bố là theo nghĩa mà lập bày; viên dung là thuận tính mà thầm lặng. Nếu không hàng bố thì không thể viên dung, như không vọng tình thì chẳng lập chân trí; nhiễm tịnh đã mất thì hai đế chẳng thành. Thế nên do vọng rõ chân, nhờ hành tướng mà biết tất cả, tìm dấu vết nhận được cội nguồn, do nhân duyên để phát minh. Pháp môn ba tính này bao gồm cảnh giới phàm Thánh, sự lý không cùng tận.
Ba tính là biến kế sở chấp tính, y tha khởi tính, viên thành thật tính.
+ Biến kế sở chấp tính, nghĩa là người ngu suy lường chấp trước các uẩn là thật ngã, thật pháp. Biến kế tính có hai thứ: một là tự tính, chấp chung chung các pháp thật có tự tính; hai là sai biệt, chấp riêng biệt thường, vô thường v.v… thật có tự thể.
Hoặc y danh chấp nghĩa, như chưa biết con bò nhưng khi nghe tên con bò bèn suy lường thế này thế nọ. Hoặc y nghĩa chấp danh; hoặc thấy vật thể nhưng chẳng biết tên của nó bèn suy lường con vật này gọi là gì, nó là quỷ hay là thú ? Những sự biến kế này nơi thể không ngoài hai thể nhân pháp, nơi chấp không ngoài hai thứ danh nghĩa.
1. Hữu biến phi kế, như các tâm vô lậu, thiện thức hữu lậu có thể duyên rộng khắp mà chẳng kế chấp. Các tâm vô lậu là trí tuệ vô lậu của các bậc Thánh thấu đạt, các pháp không thì không pháp nào chẳng khắp nhưng không kế chấp gọi là phi kế.
Chỉ có hậu đắc trí thiện thức hữu lậu, nghĩa là Bồ-tát địa tiền tuy trong tâm hữu lậu hay quán pháp vô ngã nên cũng có thể quán tất cả đều không có ngã, cũng là biến mà phi kế.
2. Hữu kế phi biến, như thức thứ bảy hữu lậu luôn duyên kiến phần thức thứ tám khởi lên hai chấp ngã pháp. Lúc theo thức thứ sáu nhập sanh không quán, thức thứ bảy vẫn còn duyên kiến phần thức thứ tám sinh khởi pháp chấp, nên biết kế mà phi biến.
3. Cũng biến cũng kế, là tâm ô nhiễm của chúng sinh.
4. Phi biến phi kế, nghĩa là năm thức hữu lậu và thức lại-da thứ tám đều rõ tự phần cảnh giới chẳng khắp, không suy tính mà tùy niệm phân biệt nên gọi là phi kế. Thức lại-da chỉ duyên ba cảnh: chủng tử, căn thân, khí thế gian, không thể duyên hiện hành của bảy thức trước nên gọi là phi biến phi kế. Chủng tử hữu lậu vừa gìn giữ vừa duyên, chủng tử vô lậu gìn giữ mà chẳng duyên, huống chi các cảnh khác.
Cổ đức nói: Tâm ô nhiễm của chúng sinh trong y tha khởi tính phải biết có hai loại biến kế sở chấp tính: một là tùy giác, tức là chấp hiện hành; hai là quán tập tập khí tùy miên, tức là chấp chủng tử.
+ Y tha khởi tính, nương vào các duyên khác hòa hợp sinh khởi như trò ảo thuật, gọi là y tha tính.
+ Viên thành thật tính, một vị chân như thành tựu viên mãn.
Hỏi: Thế nào là lý của năng biến kế tự tính ?
Đáp: Theo ngài Hộ Pháp, thức thứ sáu, thứ bảy chấp ngã pháp là năng biến kế, vì chỉ nói ý thức hay biến kế.
Hỏi: Thế nào là lý của sở biến kế tự tính ?
Đáp: Theo Nhiếp Luận nói: Y tha khởi là sở duyên duyên của tâm biến kế. Ngài Từ Ân nói: Trong ba tính, sở duyên của y tha khởi hẳn là có pháp, tâm biến kế lấy đây làm tướng phần sở duyên hẳn phải y tha, chẳng lấy viên thành làm cảnh, nghĩa là chẳng tương tự.
Hỏi: Trong ba tính, biến kế là vọng tưởng thì không có, y tha thuộc về nhân duyên là có chăng ?
Đáp: Hai tính này năng sở tương sinh đều không có tự thể, làm sao nhân vọng tưởng lập danh tướng, nhân danh tướng lập nhân duyên. Nếu vọng tưởng chẳng sinh, danh tướng làm gì có; danh tướng chẳng có, nhân duyên liền không, vì muôn pháp chẳng ngoài tên gọi.
Kinh Lăng Già có bài tụng:
Ví như việc tu hành
Từ một hiện tất cả
Nơi ấy không các thứ
Tưởng vọng tưởng như thế.
Giải thích: Đây là phá vọng tưởng biến kế tính. Nhị thừa tu các quán hạnh, như lúc quán tưởng màu xanh thì trời đất vạn vật đều màu xanh, vì nơi không màu xanh thấy màu xanh là do tâm biến hiện, nên đối với một sắc cảnh có các thứ chẳng đồng. Như phàm phu vọng thấy sinh tử, cũng là nơi không sinh tử vọng thấy sinh tử.
Lại kinh Lăng Già có bài tụng:
Ví như con mắt bệnh
Vọng thấy các sắc hiện
Không bệnh sắc chẳng sắc
Duyên khởi do bất giác.
Đây là phá nhân duyên y tha khởi tính, như con mắt bệnh thấy hình ảnh khác nhau, nhưng thật ra không có, chỉ là pháp duyên khởi. Vọng tưởng thể không, nhân duyên vô tính là một pháp viên thành cứu cánh, như người mắt sáng thấy hư không rỗng sạch, huống chi một chân tâm còn không thật có.
Hỏi: Trong ba tính, pháp nào giả, pháp nào thật ?
Đáp: Thức Luận nói: “Biến kế sở chấp vì vọng an lập nên nói là giả; vì chẳng có thể tướng nên chẳng phải giả chẳng phải thật; y tha khởi tính có thật có giả, tụ tập tương tục phận vị tính nên nói là giả, có tâm, tâm sở, sắc, theo duyên sinh nên nói là thật. Nếu không có thật pháp thì giả pháp cũng không, vì giả pháp nương nơi thật pháp mà lập bày. Viên thành thật tính chỉ là thật, vì chẳng nương nơi duyên để lập bày.
Giải thích:
Biến kế hữu danh vô thể, vọng tình an lập nên nói là giả; pháp thể ấy đã không có tướng phi giả phi thật, chẳng phải sừng thỏ có thể nói giả thật, vì căn cứ trên pháp hữu thể tổng biệt lập ra giả thật.
Y tha giả có ba thứ:
1- Tụ tập giả, như cái bình, cái bồn trong một lúc tụ họp nhiều pháp làm thành, năng thành tuy thật nhưng sở thành là giả.
2- Tương tục giả, như đời quá khứ, vị lai chỉ có nhân quả là tính tương tục, trên nhiều pháp nhiều thời lập ra một giả pháp, như đức Phật nói: “Con nai chúa thuở xưa chính là thân ta ngày nay”. Thân năm uẩn được nương tựa đã diệt trong sát-na tuy thể là thật, vì do nhiều pháp nối tiếp nhau tạm lập một hữu tình đến nay vẫn còn.
3- Phận vị giả, như bất tương ưng hành là tính phận vị nên đều là giả, vì lập ra trên một thời một pháp; như trên một sắc gọi là hữu lậu có thể thấy được có đối đãi, cũng gọi là sắc v.v… vì đều tạm lập trên một pháp. Nếu nó là thật, lẽ ra phải có nhiều thể, các tâm sở phẫn, hận v.v… đều thuộc giả; tâm, tâm sở, sắc từ chủng tử nhân duyên sinh nên nói là thật.
Lại nữa, ba tính là một tính, một tính là vô tính, vì sao biến kế vô tướng, y tha vô sinh, viên thành vô tính ?
Kinh Giải Thâm Mật ghi: “Người bệnh mắt như biến kế, hiện sắc xanh, vàng như y tha, mắt sáng như viên thành”. Nhiếp Luận nói: “Tính phân biệt như con rắn tính y tha như dây leo”. Nếu người duyên bốn trần tướng, phân tích dây leo chỉ thấy bốn tướng trần mà không thấy dây leo. Vì nó chỉ là tướng của sắc, hương, vị, xúc nên dây leo không thật có bởi lìa ngoài bốn trần không riêng có dây leo. Cho nên luận có kệ:
Nơi dây lầm tưởng rắn
Thấy dây không thấy cảnh
Nếu đã phân tích dây
Biết dây như biết rắn.
Nếu biết thể tính của dây leo là không thì đối với dây leo không tưởng là con rắn.
Nhiếp Luận nói: “Bồ-tát chẳng thấy ngoại trần, chỉ thấy ý ngôn phân biệt, tức là thấu rõ y tha tính”.
Làm thế nào liễu biệt pháp này ? Nếu lìa nhân duyên tự chẳng thể sinh. Căn trần là nhân duyên, căn trần đã chẳng thành, pháp này không nhân duyên làm sao có thể sinh ? Nương vào chân quán ban đầu nhập y tha tính, do chân quán thứ hai dẹp trừ y tha tính, duy thức tưởng dứt, ý ngôn phân biệt hiển hiện, tợ tất cả nghĩa được thấy nghe, phân biệt cho đến tợ duy thức tưởng đều chẳng thể sinh.
Nhân duyên sinh khởi có hai: tính phân biệt và tính y tha. Tính phân biệt đã diệt, tính y tha chẳng thể sinh. Vì không có hai cảnh nên tất cả nghĩa cho đến tợ duy thức tưởng đều chẳng thể sinh; duy thức tưởng còn chẳng khởi huống chi ý ngôn phân biệt khác được sinh!
Bồ-tát trụ nơi nào ? Các ngài chỉ trụ vô phân biệt, bình đẳng đối với tất cả danh nghĩa. Các ngài nương vào hai thứ bình đẳng; đó là năng duyên và sở duyên.
Năng duyên là trí vô phân biệt, vì trí vô phân biệt nên gọi là bình đẳng. Sở duyên là cảnh chân như, cảnh cũng vô phân biệt nên gọi là bình đẳng.
Lại nữa, cảnh và trí này chẳng trụ trong nghĩa năng thủ, sở thủ như hư không nên nói bình đẳng, bình đẳng. Do nghĩa này nên Bồ-tát đắc nhập chân thật tính, vị này bất khả thuyết vì tự mình thuyên bày, lúc chứng lìa giác quán tư duy phân biệt.
Cổ đức hỏi: Ta thấy các ảnh tượng bị duyên nếu nhờ y tha có thì lẽ ra có y tha tính thật ngã ?
Đáp: Tướng này nhờ nhân duyên sinh, chỉ là pháp huyễn có y tha tính, chẳng phải là ngã. Do nó vọng chấp là ngã nên gọi là vọng chấp.
Đây có hai lớp tướng:
– Tướng này từ nhân duyên sinh ra tâm năng sinh, đây là pháp y tha tính, cũng gọi là có.
– Tướng này chẳng xứng với pháp nghĩa bị chấp gọi là biến kế sở chấp, cũng gọi là không. Như người mê muội cho tảng đá là con bò; thể của tảng đá chẳng phải không, ta thấy sở duyên duyên nương nơi tướng khác mà có như tảng đá chẳng phải con bò, nhưng mê lầm cho là con bò. Sự chấp trước này không có thật thể; như tướng phần vốn chẳng phải ngã mà vọng chấp là ngã. Sự chấp trước này không có thật thể, chỉ có tâm năng chấp mà không có ngã sở chấp. Nghĩa là đối với tảng đá này, có tảng đá để duyên mà không có con bò để chấp; cũng như thế, đối với tướng phần này có pháp sở duyên mà không có ngã sở chấp.
Ví dụ người phương nam chẳng biết lông con lạc đà, chỉ từng nghe nói lông rùa; về sau chợt thấy lông lạc đà bèn cho là lông rùa. Lông lạc đà được thấy là có nên như pháp y tha tính. Trên lông lạc đà không có lông rùa, mê lầm cho là lông rùa, như chấp thật có ngã pháp.
Luận nói: “Nghĩa là tất cả pháp và tâm sở do sức huân tập biến ra hai phần, từ duyên sinh nên gọi là y tha khởi, biến kế nương vào đây vọng chấp nhất định có, không, đồng, khác, chung, chẳng chung v.v… Hai thứ này gọi là biến kế sở chấp tính”.
Hỏi: Trong ba tính, tính nào không thể diệt; tính nào có thể diệt ?
Đáp: Theo luận Phật Tính, hai tính không thể diệt, một tính có thể diệt. Vì sao ? Tính phân biệt vốn không có nên chẳng thể diệt, tính chân thật vốn là chân nên chẳng thể diệt, tính y tha tuy có nhưng không chân thật nên có thể diệt. Do đó luận Phân Biệt Trung Biên nói: “Tính phân biệt nghĩa là sáu trần hoàn toàn không thật có như hoa đốm trong hư không. Tính y tha chỉ do loạn thức có nên chẳng phải thật như vật huyễn hóa.
Tính chân thật như hư không, vì không có năng thủ, sở thủ.
Hỏi: Tướng y tha khởi chỉ là tự tâm vọng phân biệt có, lý sự đều bặt, danh thể hư dối tại sao có cảnh giới vui buồn ?
Đáp: Ví như ban đêm đi đường thấy cây trụi tưởng là quỉ; thấy sợi dây cho là rắn. Rắn và quỉ danh thể đều không, tính tướng cùng bặt, tuy không thật có mà lấy làm sợ hãi, vì thể rỗng không mà thành sự.
Thanh Lương Sớ nói: Căn cứ vào ví dụ của Nhiếp Luận đều dụ cho y tha khởi tính nhằm để trừ nghi. Vì điều nghi chẳng giống nhau nên ví dụ phải khác biệt. Đó là:
1- Vì người ngoài nghe nói tướng y tha khởi chỉ là vọng phân biệt có, chẳng phải nghĩa chân thật bèn sinh nghi: nếu không có thật nghĩa vì sao có cảnh giới hiện hành nên nói như huyễn.
2- Nếu không có thật nghĩa vì sao có tâm và tâm pháp chuyển nên nói như bóng nắng, lấp lánh như nước mà chẳng phải nước, do vọng nên có tâm chuyển.
3- Nếu không có thật vì sao có sự yêu ghét nên nói như chiêm bao thật ra không có nam nữ để yêu ghét, lúc thức cũng vậy.
4- Nếu không có thật vì sao có lời nói hý luận nên nói như tiếng vang.
5- Nếu không có thật vì sao có nghiệp quả thiện ác nên nói như bóng.
6- Nếu không có thật vì sao Bồ-tát thực hành việc lợi lạc nên nói như hóa.
Thế nên vạn pháp tuy không, thể rỗng mà thành sự, nhất chân phi hữu, vô tính tùy duyên; lặng lẽ bất động mà thường hóa độ chúng sinh, hoạt động tích cực mà chẳng động chân như.