TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 55

Hỏi: Sắc của pháp xứ có mấy loại ?

Đáp: Có năm loại: một là cực lược sắc, hai là cực hướng sắc, ba là thụ sở dẫn sắc, bốn là biến kế sắc, năm là định quả sắc.

1- Cực lược sắc: Lấy cực vi làm thể, chỉ là phân tích định quả sắc năm căn, năm trần, bốn đại đến chỗ cực vi, cực vi này là thể của cực lược sắc.

2- Cực hướng sắc: tức là sáu thứ sắc thô như ánh sáng, bóng ảnh v.v… trong hư không, nay phân tích sáu thứ sắc thô này đến chỗ cực vi. Sắc vi tế này là thể của cực hướng sắc. Những màu xanh vàng đỏ trắng và ánh sáng, bóng ảnh v.v… trong hư không đều gọi là một loại sắc biểu hiện trong hư không. Và những gì hiện ra trong khe cửa đều gọi là hướng sắc.

3- Thụ sở dẫn sắc: Thụ là nghĩa tiếp nhận. Sở dẫn tức là trên chủng tử và hiện hành của tư tâm sở dự phòng phát công năng gọi là sở dẫn sắc. Ý nói: Do được chỉ dạy rồi tiếp thu, vì có thể dẫn phát trên chủng tử và hiện hành của tư tâm sở dự phòng phát công năng gọi là sở dẫn sắc. Vì sự dự phòng phát công năng này không thể biểu thị cái khác nên cũng gọi là vô biểu sắc, tức là lấy vô biểu sắc làm thể.

4- Biến kế sắc: là vọng tâm biến kế.

5- Định quả sắc: là trong định hiện cảnh.

Năm thức sắc thuộc pháp xứ trên đây chia làm ba môn: một là ảnh tượng môn, hai là vô biểu môn, ba là định quả môn.

a- Ảnh tượng môn: Ảnh là nghĩa cùng một loại; tượng là nghĩa tương tự. Tướng phần sở biến cùng một loại với bản chất, lại còn tương tự bản chất nên gọi là ảnh tượng. Chư hữu cực vi là cực lược sắc và cực hướng sắc, đây chỉ là quán tâm phân tích thô thành tế, tạm lập cực vi. Còn quán bóng dáng của tâm đều không thật thể riêng sinh ra tán vị ý thức là loại bỏ định trung ý thức và minh liễu ý thức. Nay chỉ nắm lấy tán vị độc đầu ám ý thức nên tán vị ý thức lúc duyên năm căn, năm trần, trăng đáy nước, bóng trong gương, theo tình chấp biến khởi chấp lấy tướng phần của ảnh tượng, vì đây là giả chẳng phải thật nên cùng với cực lược sắc đồng lập một môn ảnh tượng.

Hỏi: Nhãn thức cũng duyên trăng đáy nước, bóng trong gương, tại sao nói chỉ có ý thức duyên ?

Đáp: Trăng đáy nước, bóng trong gương chỉ là pháp cảnh, chỉ lấy nước và gương làm duyên, ý thức liền vọng chấp có trăng có bóng và chẳng phải cảnh của nhãn thức, cũng thuộc biến kế sắc.

Lại biến kế là vọng tâm, cực lược v.v… là quán tâm, vì đều là ảnh tượng hư giả nên cùng lập.

b- Vô biểu môn:

– Hữu biểu sắc luật nghi, tức là lúc ở trước thầy thọ giới, do hữu biểu sắc này mới huân tập được chủng tử tư tâm sở thiện có dự phòng phát công năng tạo ra vô biểu sắc.

– Hữu biểu sắc chẳng luật nghi, tức là lúc đang giơ dao sát sinh tạo nghiệp, do hữu biểu sắc này mới huân tập được chủng tử tư tâm sở bất thiện, có dự phòng phát công năng tạo ra vô biểu sắc.

Nếu trong đó hữu biểu sắc, như lúc đang lễ Phật hành đạo hay chửi mắng đánh đập, do có vô biểu sắc này mới huân tập được chủng tử tư tâm sở thiện ác, cũng có dự phòng phát công năng tạo ra vô biểu sắc.

Hỏi: Nếu ý thức thứ sáu khởi hiểu biết duyên trăng đáy nước, bóng trong gương chỉ là sắc hư giả dài ngắn vuông tròn, là minh liễu ý thức duyên sắc trần, tại sao độc đầu ý thức duyên biến kế sắc ?

Đáp: Người trí rõ kiến phần và tướng phần này hư dối thuộc về sắc trần xứ; còn người mê chẳng rõ, vọng chấp là thật biến khởi ảnh tượng, tướng phần hư dối này chỉ là biến kế sắc, thuộc về pháp xứ.

Hỏi: Ảnh tượng là hai sở duyên gì ?

Đáp: Thân là ảnh tượng, sơ là bản chất.

Trước nói về ảnh tượng, thân sở duyên duyên nghĩa là tướng phần và kiến phần năng duyên thể chẳng lìa nhau, tức là cảnh nương gá của kiến phần là nơi suy lường. Tức chỗ nương là duyên, chỗ suy nghĩ là sở duyên duyên, hai nghĩa này gọi là sở duyên duyên. Ảnh tượng này có bốn tên gọi: một là ảnh tượng, hai là tướng phần, ba là nội sở lự thác, bốn là thân sở duyên duyên.

Kế đến nói về bản chất, nếu cùng năng duyên thể lìa nhau là sơ sở duyên duyên, vì ngăn cách tướng phần; tức là trên bản chất kiến phần năng duyên lìa nhau nên gọi là lìa.

Hỏi: Đã lìa nhau tại sao gọi là sở duyên duyên ?

Đáp: Vì bản chất hay khởi tướng phần, vì khởi theo tướng phần khiến kiến phần có chỗ tư lương, là vì bản chất khởi sở duyên nên cũng gọi là sở duyên duyên; vì thân sở duyên duyên là tăng thượng duyên nên cũng gọi là sở duyên duyên. Do vì khởi sở duyên nên cũng có ba tên gọi: một là bản chất, hai là ngoại sở lự thác, ba là sơ sở duyên duyên; tức là bản chất hay khởi tướng phần, tướng phần khởi kiến phần, kiến phần khởi tự chứng phần, tự chứng phần khởi chứng tự chứng phần. Do vì bản chất hay khởi tướng phần căn cứ vào chỗ tư lương nương gá, nên nói bản chất cũng gọi là sở duyên duyên. Như pháp thức hay liễu biệt tất cả pháp, tức ý thức thứ sáu có năm loại đều duyên pháp cảnh:

1- Định trung độc đầu ý thức, duyên cảnh thiền định. Trong cảnh thiền định có lý, có sự; trong sự có pháp xứ sắc như cực lược sắc, cực hướng sắc và định tự tại sắc.

2- Tán vị độc đầu, duyên các pháp xứ sắc do thọ và biến kế dẫn khởi như duyên hoa đốm trong hư không, sừng thỏ, bóng trong gương, trăng đáy nước và thuộc về pháp xứ.

3- Mộng trung độc đầu, duyên cảnh trong mộng là pháp xứ sắc do biến kế sở chấp.

4- Minh liễu ý thức, nương năm căn môn cùng với năm thức trước đồng duyên năm trần, phân biệt rõ các cảnh gọi là minh liễu ý thức.

5- Loạn ý thức, là tán ý thức dấy khởi cuồng loạn nơi năm căn, nhưng không cùng duyên với năm thức trước, như mắc bệnh sốt thấy màu xanh là màu vàng, đây chẳng phải là nhãn thức, nó duyên nơi sắc do biến kế sở chấp.

Lại nếu minh liễu ý thức do biến kế sở chấp, minh liễu ý thức nơi năm căn môn cùng năm thức trước đồng duyên năm trần cảnh lẽ ra lấy năm thức làm câu hữu y, trừ độc đầu khởi.

Độc đầu khởi gồm có bốn thứ:

1- Định trung độc đầu, chỉ duyên cảnh trong định chẳng duyên với năm thức trước.

2- Mộng trung độc đầu, duyên cảnh pháp trần trong mộng, các tướng trong mộng cũng do biến kế khởi.

3- Tán vị độc đầu kết hợp cảnh tướng, duyên sắc do biến kế sở chấp.

4- Tán ý thức, cũng gọi là độc đầu.

Hỏi: Sáu thức tương ưng với bao nhiêu tâm sở ?

Đáp: Luận tụng:

Các tâm sở biến hành,
Biệt cảnh, thiện, phiền não,
Tùy phiền não, bất định
Tương ưng với ba thọ.

Sáu chuyển thức tương ưng với sáu tâm sở đó là biến hành v.v… luôn luôn nương tâm khởi, tương ưng với tâm, lệ thuộc tâm nên gọi là tâm sở. Như những vật thuộc về mình thì gọi là ngã sở, tâm đối với sở duyên chỉ nắm lấy tổng tướng, tâm sở đối với sở duyên chỉ nắm lấy biệt tướng, giúp thành tựu sự kiện của tâm được gọi là tâm sở, như thầy trò họa sĩ tạo ra khuôn mẫu và tô màu.

Du-già nói: “Thức hay liễu biệt tổng tướng của sự, tác ý biết những tướng chưa biết. Các tâm sở nắm lấy biệt tướng, xúc hay liễu biệt các tướng vừa ý, thọ hay liễu biệt các tướng nhiếp thọ, tướng hay liễu biệt các tướng ngôn thuyết nhân, tư hay liễu biệt các tướng chính nhân, vì vậy tác ý v.v… gọi là pháp tâm sở. Đây biểu hiện tâm sở cũng duyên tổng tướng. Chỗ khác lại nói dục cũng hay liễu biệt sự tướng ưa thích, thắng giải cũng liễu biệt sự tướng quyết định, niệm cũng liễu biệt sự tướng quen thuộc, định tuệ cũng liễu biệt các tướng được mất. Do đó nơi cảnh khởi thiện nhiễm v.v… các pháp tâm sở đều ở nơi cảnh sở duyên nắm lấy cả biệt tướng.

Sáu vị sai biệt gồm có năm biến hành, năm biệt cảnh, 11 thiện, sáu phiền não, 20 tùy phiền não, 4 bất định.

Như vậy sáu vị có 51 tâm sở, vì trong tất cả tâm đều có định, vì những chỗ khác có biệt cảnh, vì chỉ có trong thiện tâm sinh ra, vì tính nó thuộc căn bản phiền não, chỉ là tính nhiễm phiền não, vì các thiện nhiễm đều bất định, cho đến sáu chuyển thức thay đổi bất định, tất cả đều tương ưng với ba thọ, đều nhận lãnh sự thuận nghịch chẳng phải hai tướng. Tiếp nhận cảnh thuận thân tâm thư thái gọi là lạc thọ; tiếp nhận cảnh nghịch thân tâm bức rức gọi là khổ thọ; tiếp nhận cảnh bình thường thân tâm chẳng khổ chẳng vui gọi là bất khổ lạc thọ.

Giải thích:

Ba câu trên trong bài tụng liệt kê tên gọi chung của sáu pháp tâm sở, một câu dưới nói về cảm thọ. Hành tướng của tâm sở là tâm nắm lấy tướng chung của cảnh không riêng phân biệt như nói duyên màu xanh là chỉ duyên lấy chung màu xanh chẳng phân biệt. Như thầy trò họa sĩ tạo ra khuôn mẫu và tô màu sắc nghĩa là thầy tạo mẫu vẽ hình xong, đệ tử tô màu. Màu sắc chẳng lìa khuôn mẫu như nắm lấy tướng chung; lúc được tô màu càng đẹp rạng rỡ như nắm lấy tướng riêng. Tâm và tâm sở pháp nắm lấy cảnh cũng thế, việc chính của thức là hay liễu biệt tướng chung của sự việc, chẳng nắm lấy tướng riêng; vì nếu nắm lấy tướng riêng là tâm sở. Một pháp tác ý riêng hay liễu biệt nhiều tướng riêng, do vì tác ý khiến cho tâm và tâm sở nắm lấy cảnh mạnh hơn nên nắm lấy tướng riêng của nhiều pháp.

Luận Du-già nói: “Đầu tiên là tác ý”. Luận này lấy xúc làm khởi đầu, vì hòa hợp thù thắng nên đều riêng y cứ một nghĩa. Xúc hay nắm lấy ba thứ khả ý, bất khả ý đều trái nhau. Trong thọ hay nhiếp thọ tổn hại đều trái nhau. Tưởng hay liễu biệt nhân của tướng ngôn thuyết vì hay nắm lấy cảnh rồi phân biệt tướng đây là xanh hay là chẳng phải xanh v.v… bèn khởi ngôn thuyết, cho nên tướng của tưởng là nhân của ngôn thuyết. Tư hay liễu biệt chính nhân, là nhân đều trái nhau, là trên cảnh thấy tướng chính tà là nhân của nghiệp.

Định có được trong tất cả tâm là biến hành bất luận tâm nào, vì chỉ khởi liền có. Còn riêng năm biệt cảnh được sinh đó là biệt cảnh. Vì chỉ có trong thiện tâm mới sinh là trong mười một pháp thiện chỉ có thiện tâm. Vì thể tính nó là căn bản hay sinh các phiền não, đó là sáu món tham v.v…

Nơi tâm thiện nhiễm đều bất định là bốn món bất định, nghĩa là đối với ba tính thiện ác vô ký tâm đều bất định.

Vì sáu chuyển thức thay đổi bất định, nghĩa là sáu thức này chẳng phải thức thứ bảy, thứ tám, vì thể tính thay đổi luôn bất định. Thay đổi là nghĩa gián đoạn chuyển biến, bất định là lúc thích lúc không, đều gồm cả ba thọ.

Hỏi: Thế nào là sáu thức hiện khởi phận vị ?

Đáp: Duy Thức Tụng nói:

Y chỉ căn bản thức
Năm thức tùy duyên hiện
Hoặc câu, hoặc bất câu
Như sóng mòi nương nước
Ý thức thường hiện khởi
Trừ sinh Vô tưởng thiên,
Và hai định không tâm,
Ngủ say và ngất xỉu.

Căn bản thức là thức a-đà-na, vì là căn bản sinh ra các thức nhiễm tịnh. Y chỉ nghĩa là sáu chuyển thức trước lấy căn bản thức làm chỗ nương tựa. Năm thức nghĩa là năm chuyển thức trước chủng loại giống nhau nên gọi chung. Tùy duyên hiện là nói hiển hiện mà chẳng phải thường khởi. Duyên nghĩa là các duyên tác ý, căn, cảnh v.v… nghĩa là năm thức trong thân nương bản thức theo các duyên bên ngoài tác ý năm căn cảnh v.v… hòa hợp mới được hiện tiền. Nhờ đây hoặc cùng, hoặc không cùng khởi. Vì duyên bên ngoài hòa hợp có nhanh hoặc chậm như nước với sóng tùy duyên nhiều ít. Hành tướng của năm chuyển thức thô động, vì lúc nương nhờ các duyên phần nhiều chẳng đủ nên lúc khởi thì ít, chẳng khởi thì nhiều.

Ý thức thứ sáu tuy cũng thô động nhưng luôn luôn đủ các duyên nương tựa; do trái duyên nên có khi chẳng khởi.

Hành tướng của thức thứ bảy, thứ tám vi tế, nhờ nương tựa các duyên nên luôn có; không có duyên, bị chướng ngại khiến chẳng hiện hành.

Năm thức trước không thể tư lự, chỉ chuyển theo bên ngoài, vì nhờ nhiều duyên mới khởi nên thường gián đoạn, ít khi hiện hành.

Ý thức thứ sáu hay tư lự, đều chuyển theo trong ngoài, chẳng nhờ nhiều duyên, thường hay hiện khởi; chỉ trừ năm trường hợp nên ít khi gián đoạn, hiện hành nhiều, vì thế chẳng nói nó theo duyên hiện.

Giải thích:

Y chỉ nghĩa là sáu thức trước lấy căn bản thức làm nơi y cứ chung là hiện hành bản thức.

Thức đều chung nên nương tựa gần gũi là chủng tử thức, vì chủng loại khác biệt.

Năm thức trước chủng loại giống nhau, có năm: một là cùng nương sắc căn, hai là đồng duyên sắc cảnh, ba là đều chỉ duyên hiện tại, bốn là đều được hiện lượng, năm là đều có gián đoạn chủng loại giống nhau, nên nói tổng hợp.

Như nước sóng tùy duyên nhiều ít, kinh Giải Thâm Mật nói: “Như dòng thác, nếu có một lượn sóng khởi thì ngay lúc ấy chỉ có một lượn sóng chuyển, cho đến nhiều lượn sóng khởi thì ngay lúc ấy có nhiều lượn sóng chuyển; các thức cũng thế như dòng thác, vì nương a-đà-na cho đến các thức được chuyển v.v…”. Đây lấy năm thức dụ cho lượn sóng, bản thức dụ cho dòng thác. Năm thức thân không thể tư lự, vì không tầm tứ nên không thể tự khởi, phải nhờ cái khác dẫn.

Ý thức thứ sáu tự hay tư lự, chuyển theo trong ngoài, vì những thứ này thường hay khởi, chỉ trừ năm trường hợp: vô tưởng thiên, vô tưởng định, diệt tận định, ngủ say, ngất xỉu.

Người xưa giải thích:

1- Như sóng lấy biển cả làm chỉ nương để khởi nhiều lượn sóng.

2- Như ảnh tượng lấy gương lớn làm chỗ nương để hiện nhiều hình bóng.

Biển và gương dụ cho bản tâm thức, sóng và bóng dụ cho chuyển thức.

Trong một niệm có bốn nghiệp:

1- Liễu biệt khí nghiệp.

2- Liễu biệt y nghiệp.

3- Liễu biệt ngã nghiệp.

4- Liễu biệt cảnh nghiệp.

Những thức liễu biệt này sát-na sát-na cùng chuyển để được, vì thế một thức trong một sát-na có những nghiệp dụng sai biệt.

Kinh Mật Nghiêm có kệ:

Như điện chớp, mây nổi
Đều giả chẳng phải thật
Như thợ làm bình gốm …
Do phân biệt tạo thành
Nhân giả nên lắng nghe
Những hữu tình thế gian
Tập khí thường che tâm
Sinh các thứ hý luận
Cùng các thức tương tục
Năm pháp và ba tính
Cùng hai thứ vô ngã
Luôn chung mà tương ưng
Dấy khởi các sóng thức
Sóng dậy nước chẳng dừng
Lại-da cũng như thế,
Tập khí từ vô thỉ
Như dòng nước chảy xiết
Gió cảnh giới xao động
Sinh khởi các sóng thức
Không khi nào dứt tuyệt
Tám loại tâm lưu chú
Tuy không có thể tính
Hoặc tùy duyên liền khởi.
Hoặc có lúc tạm sinh
Chấp cảnh cũng như thế
Tiệm đốn có sai biệt
Tâm chuyển theo nhà cửa,
Nhật, nguyệt và tinh tú
Cành lá và hoa quả
Núi rừng và quân chúng
Ở tất cả mọi nơi
Đều sinh khởi nhanh chậm
Phần nhiều hay chợt hiện
Hoặc dẫn khởi sai biệt
Hoặc lúc trong chiêm bao
Thấy những cảnh ngày xưa
Và tưởng niệm mới sinh
Cho đến khi già chết
Tính toán các sự việc
Suy tìm nơi nghĩa lý
Nghiền ngẫm văn chương hay
Thưởng thức ẩm thực ngon
Đối với cảnh giới ấy
Lần lượt hay liễu tri.
Hoặc có lúc chợt sinh
Rồi nắm giữ cảnh đó.
Tâm tính vốn thanh tịnh
Không thể suy lường được
Như Lai diệu tạng ấy
Như vàng ở trong khoáng
Ý sinh từ tạng thức
Sáu thức khác cũng thế.
Sáu loại thức hoặc nhiều
Sai biệt nơi ba cõi
Các chủng tử nhiễm tịnh
Của các tâm pháp khác
Tuy đồng trụ vô nhiễm
Tính Phật chủng cũng thế
Định phi định thường tịnh
Như nước biển thường trụ
Nhưng sóng biển chuyển dời
Lại-da cũng như thế,
Tùy các địa sai biệt
Tu hành có cấp bậc
Lìa nhiễm được sáng suốt.

Trên đây nói rộng về ý căn duyên cảnh, phân biệt các thức rất mạnh, do đó nơi tất cả thiện ác, ý là người dẫn đường. Ý khởi nhanh chóng, ý ở trước lời nói, ý thiện thì pháp chính, ý ác thì cảnh tà, như một hơi thở, hít vào thì ấm, thở ra thì lạnh; như một dòng nước, lạnh thì kết đọng, nóng thì tan chảy; huống chi chỉ một tâm này phóng túng là phàm, giải thoát là Thánh; chuyển biến tuy khác, chân tính không khuyết.

Kinh Ương-quật-ma-la ghi:

Ý pháp đi truớc,
Ý thắng, ý sinh,
Ý pháp tịnh tín
Hoặc nói hoặc làm,
Khoái lạc tự đến
Như bóng theo hình.

Ta vì Thanh văn thừa nói kệ này.

Ý là nghĩa Như Lai tạng, tự tính thanh tịnh, Như Lai tạng vượt hơn tất cả pháp, Như Lai tạng tạo ra tất cả pháp; tịnh tín ý pháp là đoạn trừ tất cả phiền não, thấy thế giới của mình.

Nếu tự tính thanh tịnh có Như Lai tạng, sau đó hoặc nói hoặc làm khi được thành Phật; hoặc nói hoặc làm độ tất cả thế gian như người thấy bóng của mình thấy Như Lai tạng cũng lại như thế, cho nên nói như bóng theo hình.

Ý pháp đi trước, ý thắng ý sinh, nghĩa là ý pháp làm ác hoặc nói hoặc làm, các khổ tự theo, như bánh xe theo vết. Bài kệ này nói nghĩa phiền não.

Ý pháp ác nghĩa là bị vô lượng phiền não che lấp tạo ra các điều ác. Tự tính thanh tịnh tâm Như Lai tạng vào vô lượng nghĩa phiền não, vì thô động vẩn đục chẳng dứt. Hoặc nói hoặc làm tất cả các nỗi khổ theo mãi không thôi như bánh xe theo vết nghĩa là các điều ác tích tụ nên bị sinh tử luân hồi, tất cả chúng sinh trong ba đường ác như bánh xe theo vết, cho nên nói đối với điều phúc thiện thì trì hoãn, tâm ưa thích điều ác.

Giải thích:

Một niệm tâm tịnh thấy Như Lai tạng tính hay độ mình độ người được niềm vui tịch diệt như bóng theo hình. Còn một niệm tâm ác vào lưới trần lao đọa trong các loài, chịu nỗi khổ sinh tử như bánh xe theo vết. Dùng ví dụ bóng theo hình vì thường chẳng rời; dùng ví dụ bánh xe theo vết, vì xoay chuyển nhanh chóng, vì thế thiện ác theo tâm chưa từng gián đoạn, nếu khéo thấy thì ngay đó giải thoát. Do đó kinh Đại Thừa Lý Thú ghi: “Vì thế Bồ-tát quán sát ngũ cái do đâu sinh khởi, làm thế nào xa lìa ? Trước hết Bồ-tát cần phải quán sắc dục như trăng đáy nước, nước động trăng động, tâm sinh pháp sinh, tâm tham dục cũng như thế, niệm niệm chẳng dừng chóng khởi chóng diệt”.

Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán: “Lấy tâm thanh tịnh làm gốc của thiện nghiệp, lấy tâm bất thiện làm gốc của ác nghiệp. Tâm thanh tịnh nên thế giới thanh tịnh, tâm tạp uế nên thế giới tạp uế. Trong Phật pháp của ta lấy tâm làm chủ, tất cả các pháp không gì chẳng do tâm”. Vì thế, như Thụ Đề sinh trong ngọn lửa lớn mà chẳng bị lửa thiêu cháy, đức Phật bảo là nghiệp báo của đứa bé, chẳng phải do ta làm ra, cho nên biết tha lực do tự tâm tạo ra chẳng dời đổi thì con đường thăng trầm chẳng xa, quả báo trắng đen rõ ràng; quả báo thiện ác tuy sai khác nhưng đều hiển hiện từ chiếc gương vọng tâm.

Như kinh Nhập Lăng Già có kệ:

Ví như bóng trong gương
Tuy thấy mà chẳng có
Huân tập tâm gương thấy
Phàm phu nói có hai
Chẳng biết duy tâm thấy
Thế nên phân biệt hai
Như thật chỉ biết tâm
Phân biệt thì chẳng sinh.

Cho nên nếu thật sự biết tâm, như tự thấy mặt mũi trong gương thì vĩnh viễn chẳng còn sinh vọng chấp đối với ngoại trần. Đã cởi bỏ sự trói buộc thì biển nghiệp hoàn toàn cạn khô. Kinh Hiền Kiếp Định Ý ghi: “Tiêu diệt tất cả các nghiệp, thấy rõ cội nguồn của tất cả chúng sinh, đây gọi là trí tuệ”.

Hỏi: Năm trường hợp mà ý thức không khởi là thế nào ?

Đáp: Thức Luận nói: “Vô tưởng thiên, nghĩa là tu định nhàm chán sức tưởng thô sinh trong cõi trời, trái với tâm và tâm sở là chẳng hiện hành, lấy tưởng diệt làm đầu gọi là vô tưởng thiên”.

Và hai định vô tâm, nghĩa là hai định vô tưởng định và diệt tận định không có sáu thức nên gọi là vô tâm.

Vô tưởng định, nghĩa là loài dị sinh chỉ đè nén tham của cõi trời Biến Tịnh mà chưa đè nén được cái nhiễm thượng phẩm, do ban đầu xa lìa tưởng và tác ý, khiến tâm, tâm sở chẳng thường hiện hành diệt, tưởng diệt làm đầu nên gọi là vô tưởng; khiến thân an hòa nên cũng gọi là định.

Diệt tận định nghĩa là có bậc Thánh vô học hoặc hữu học đã chế phục lậu hoặc lìa tham của cõi Vô sở hữu, tham thượng phẩm bất định, trước tiên do dứt tưởng và tác ý khiến tâm tâm sở nhiễm ô chẳng thường hiện hành, diệt gọi là diệt tận; khiến tâm an hòa nên cũng gọi là định.

Vô tâm, ngủ say và ngất xỉu, nghĩa là ngủ say và ngất xỉu khiến cho sáu thức trước chẳng hiện hành, cho đến trong năm trường hợp, loài dị sinh có bốn; ngoại trừ bậc Thánh chứng diệt tận chỉ có ba cái sau; trong ấy Như Lai tự tại; Bồ-tát chỉ được có một, vì không ngủ say và ngất xỉu.

Giải thích:

Vô tưởng thiên nhàm chán sức tưởng thô nghĩa là các ngoại đạo cho tưởng là nguyên nhân của sự sinh tử liền chán lìa, chỉ có tưởng của sáu thức trước, chẳng phải của thức thứ bảy, thức thứ tám nên nói là tưởng thô; tưởng vi tế vẫn còn nên diệt mất nơi sáu thức, thức thứ bảy và thứ tám vi tế, sáu thức trên chẳng thể biết nên chẳng diệt.

Vô tưởng định chế phục tham của cõi Biến Tịnh, nghĩa là đệ tam thiền không có, đệ tứ thiền trở lên vẫn chưa chế phục tham, chỉ hiển bày lìa dục.

Xuất ly tưởng là hiển bày tưởng là khởi cái tưởng niết-bàn.

Tâm tâm sở chẳng luôn hiện hành diệt là hiển bày thức bị diệt nhiều ít.

Tác ý phục nhiễm mà nhập định là quán tưởng như bệnh, như nhọt, như tên, nhàm chán chỗ sinh khởi các tưởng, chỉ cho vô tưởng tịch tịnh vi diệu mà giữ tâm trụ nơi vô tưởng; như vậy lần lượt lìa các sở duyên, tâm liền tịch diệt.

Diệt tận định nghĩa là bậc Thánh hữu học và vô học đều có định này, chỉ trừ hai quả vị đầu. Chỉ bậc chứng quả vị thứ ba (A-na-hàm) trở đi mới có định này. Vì trong hàng hữu học ngoại trừ loài dị sinh lìa tham của cõi Vô sở hữu.

Tham thượng phẩm chẳng chướng định, vì diệt tận định chỉ nương vào phi tưởng định khởi, đây là y cứ hàng Nhị thừa mới tu mà nói lìa. Bồ-tát chế phục chẳng lìa tham thì cũng gọi là diệt thọ tưởng định.

Trong năm trường hợp, loài dị sinh có bốn thứ, ngoại trừ diệt tận định, bậc Thánh chỉ có ba thứ sau. Phật và Bồ-tát Bát Địa trở đi chỉ có một diệt tận định, không có ngủ say và ngất xỉu. Vì là ác pháp nên thị hiện dường như có ngủ mà thật ra không có, còn Nhị thừa vô học cũng có ngất xỉu.

Hỏi: Diệt tận định và vô tưởng định đều gọi là vô tâm, hai định này khác nhau thế nào ?

Đáp: Có bốn nghĩa khác nhau. Người xưa giải thích:

1- Căn cứ người được khác nhau: Diệt tận định là Thánh nhân được, vô tưởng định là phàm phu được.

2- Điều mong cầu khác nhau: nhập diệt tận định là dứt tưởng cầu công đức; nhập vô tưởng định là cầu giải thoát.

3- Cảm quả và chẳng cảm quả khác nhau: Vô tưởng định là hữu lậu hay cảm quả báo Vô tưởng thiên; diệt tận định là vô lậu chẳng phải quả báo ba cõi.

4- Diệt thức nhiều ít khác nhau: Diệt tận định diệt thức nhiều và diệt cả phần nhiễm của thức thứ bảy mạt-na; vô tưởng định diệt thức ít, không diệt sáu thức trước.

Hỏi: Diệt tận định và vô tưởng định đã là vô tâm, tại sao chẳng ra khỏi ba cõi ?

Đáp: Chỉ chế phục tâm thô của sáu thức trước cũng gọi là vô tâm. Thức thứ bảy, thứ tám tâm vẫn còn, chẳng phải hoàn toàn vô tâm.

Luận Thành Nghiệp ghi: “Tâm có hai thứ: một là tập khởi tâm, vì là chỗ tập khởi vô lượng chủng tử; hai là chủng chủng tâm, vì hành tướng sở duyên chuyển đổi sai biệt”.

Địa vị diệt tận định thiếu tâm thứ hai nên gọi là vô tâm, như ngựa một chân, vì thiếu mất một chân nên cũng gọi là không chân.

Hỏi: Năm căn, bốn đại chủng tích chứa mà thành tất cả pháp trong ngoài, pháp nào có đại, pháp nào có chủng ?

Đáp: Người xưa dùng bốn trường hợp để giải thích:

1- Là đại mà chẳng phải chủng, là hư không vì trùm khắp nên là đại, vì chẳng sinh nên chẳng phải chủng.

2- Là chủng mà chẳng phải đại, là năm căn… vì hay sinh nên gọi là chủng, vì chẳng khắp nên chẳng phải đại.

3- Cũng chủng cũng đại, là đất, nước… vì thể tính bao la nên gọi là đại, vì cùng với sắc được tạo ra làm chỗ nương nên gọi là chủng.

4- Chẳng đại, chẳng chủng, là Thanh văn hướng đến tịch diệt.

Hỏi: Sáu căn phân ra kiến, văn, giác, tri có bao nhiêu lượng ?

Đáp: Theo Du-già có ba lượng: 1- chứng lượng, 2- tỷ lượng, 3- chí giáo lượng.

Luận nói: “Ba lượng kiến lập sáu căn, nương vào nhãn căn trong chứng lượng tâm tâm sở pháp gọi là kiến; nương vào năm căn nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, tâm tâm sở pháp gọi là tri; nương vào tỷ lượng tâm tâm sở pháp gọi là giác; nương vào chí giáo lượng tâm tâm sở pháp gọi là văn”.

Lại nói: “Nếu kiến, nếu tri ngôn thuyết là y cứ hiện lượng; nếu giác ngôn thuyết là y cứ tỷ lượng; nếu văn ngôn thuyết là y cứ chí giáo lượng”.

Giải thích: Chứng lượng là phân minh chứng biết trước cảnh hiện tại. Nhãn tâm tâm sở gọi là kiến; năm căn nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tâm tâm sở pháp lúc biết tự cảnh trong chứng lượng đều gọi là tri; ý căn tâm tâm sở pháp liễu biệt cảnh giới trong tỷ lượng gọi là giác, như cách vách thấy sừng biết là có bò, so lường suy tìm chỉ do ý căn; y theo chí giáo lượng tâm tâm sở pháp gọi là văn. Ngôn giáo của bậc chí Thánh gọi là chí giáo lượng, cũng gọi là Thánh ngôn giáo lượng. Ở Ấn Độ chọn lọc pháp phải đủ ba lượng.

Hỏi: Trong bốn đại, sáu căn lấy gì làm chủ  ?

Đáp: Lấy tâm làm chủ. Bốn đại v.v… không có tự thể và không có lực dụng, có được do tâm nên gọi tâm là chủ. Kinh Di Giáo nói: “Tâm là chủ của năm căn”. Đây nói lúc ban đầu gá thai, tâm đầu tiên ở các căn nên gọi là chủ. Tuy một thời gian làm chủ nhưng cũng bất định.

Thiên Thai giáo nói tâm chẳng thể khống chế các căn, tâm vì thọ nhận tất cả nên lúc thân bệnh, tâm cũng bệnh theo, làm sao làm chủ được ? Hoặc có khi thay thế làm chủ, như đất có bốn vi thì ù lỳ nên bị nước khắc chế, nước có ba vi nên bị lửa khắc chế, lửa có hai vi nên bị gió khắc chế, gió có một vi nên bị tâm khắc chế, tâm không có vi nào nên được làm chủ. Lại còn bị bốn đại não loạn nên nghĩa chủ chẳng thành.

Lại nữa, bốn đại đều giữ lấy tính của nó như đất giữ lấy tính cứng thì lẽ ra chẳng động; nước giữ lấy tính ướt thì lẽ ra chẳng thành sóng; lửa giữ lấy tính nóng thì lẽ ra chẳng bừng cháy; gió giữ lấy tính động thì lẽ ra chẳng nắm giữ được. Vì đánh mất bản tính nên chẳng thật, chẳng thật nên không.

Kinh Thỉnh Quán Âm nói: “Tính đất cứng chắc, tính nước lưu chuyển, lửa từ duyên sinh, tính gió vô ngại, mỗi thứ đều vào nơi như thực. Lại tâm cũng bất định, thiện ác tranh nhau nghiệp mạnh kéo lôi”.

Thức Luận nói: “Tâm, ý, thức, chỉ là một pháp mà khác tên. Hướng về trí gọi là tâm, hay sinh gọi là ý, phân biệt gọi là thức. Lại khởi trước tiên là tâm, khởi tiếp theo là ý, sau đó liễu biệt là thức. Hoặc đời này tâm tuy hành thiện, nhưng ác nghiệp đời trước đã chín muồi đúng lúc liền thọ ác báo cho nên bị nghiệp chín muồi kéo lôi. Hoặc một đời tâm tuy hành ác, khi lâm chung thiện tâm mạnh mẽ liền theo nghiệp thiện sinh lên cõi trên, vì nghiệp mạnh kéo lôi”.

Do đây biết thế gian không có một pháp nhất định có tự thể, chỉ theo duyên chuyển niệm niệm không thật nên không thể nắm lấy một môn mà sinh thủ xả. Mỗi pháp đã không có thể dụng, chẳng được tự tại, niệm niệm không thật thì hẳn vào nơi như thật, trong chỗ thật tế danh nghĩa đều bặt, như tứ nhãn vào Phật nhãn, thập trí vào thật trí, đều mất tên gọi, như vật rơi vào hũ mật, các sông tụ hội về biển, mỗi thứ mùi vị khác nhau nhưng thảy đều ngọt hay mặn, như muôn pháp quy về trong Tông Cảnh cùng theo một lối.

Hỏi: Tùy theo cảnh đặt tên sáu thức, đây là y cứ vào năm sắc căn chưa được tự tại; đối với địa vị tự tại làm sao phân biệt ?

Đáp: Nơi địa vị tự tại các căn hỗ dụng, như kinh Pháp Hoa nói mũi có thể thấy sắc. Luận Quán Tâm v.v… nói: “Nếu được tự tại các căn hỗ dụng, một căn phát thức duyên tất cả cảnh, chỉ có theo căn không có lỗi lẫn lộn nhau”. Kinh Phật Địa nói: “Thành sở tác trí quyết trạch tâm hành hữu tình sai biệt khởi ra ba nghiệp giáo hóa bằng tứ ký. Nếu chẳng duyên khắp thì không có năng lực này”.

Giải thích: Ba nghiệp giáo hóa có mười thứ, kinh Phật Địa nói: Thân giáo hóa có ba: một là hiện thần thông giáo hóa, hai là hiện thọ sinh giáo hóa, ba là hiện nghiệp quả giáo hóa.

Ngữ hóa cũng có ba: một là dùng lời an ủi giáo hóa, hai là dùng lời nói khéo léo giáo hóa, ba là dùng lời nói cụ thể giáo hóa.

Ý hóa có bốn: một là quyết trạch ý giáo hóa, hai là tạo tác ý giáo hóa, ba là phát khởi ý giáo hóa, bốn là lãnh thọ ý giáo hóa.

Trong lãnh thọ ý giáo hóa có bốn cách giải đáp (tứ ký): một là giải đáp trực tiếp, hai là phân tích giải đáp, ba là phản vấn giải đáp, bốn là im lặng giải đáp.

Tướng của sáu thức trên hợp thành ba nghiệp, trong chỗ chưa chuyển y tùy dòng theo cảnh, sinh hạt giống tạp nhiễm, kết rễ sinh tử, chỉ khởi triền cái khổ tập, trái với tính giác thanh tịnh, hợp với vọng trần giới xứ, dựng vách tường tam hữu, tạo sóng mòi tứ lưu, đến vị chuyển y thầm hợp chân nghịch dòng, theo hạnh trí tuệ thành thiện vô lậu, thuộc về đạo đế và phù hợp với chính lý, hiện diệu quán sát tâm, cởi bỏ lưới nghi cho tứ sinh, là thành sở tác trí, khởi ra cội nguồn giáo hóa của tam luân. Nếu xét cùng tận nơi tâm thì trần lao là diệu dụng của bồ-đề; đánh mất ý chỉ thì thường lạc là khổ luân của sinh diệt. Vì thế biết nhiễm tịnh chẳng phải do người, đắc thất chỉ tại mình, như bàn tay xấp ngửa, như người say tỉnh. Vì sao ? Xấp cũng là tay, ngửa cũng là tay; lúc xấp chẳng phải lúc ngửa, lúc ngửa chẳng phải lúc xấp, nhưng cả hai đều chẳng rời bàn tay. Say cũng là người, tỉnh cũng là người; lúc say chẳng phải lúc tỉnh, lúc tỉnh chẳng phải lúc say, nhưng chẳng lìa say có tỉnh, cũng chẳng phải ngay say là tỉnh. Cũng như thế, mê cũng là tâm, ngộ cũng là tâm; lúc mê chẳng phải lúc ngộ, lúc ngộ chẳng phải lúc mê, nhưng mê ngộ chẳng phải khác biệt, chính thời tiết có khác. Chỉ lúc Bát-nhã chuyển biến, một thể chẳng xê dịch, nghìn sai tự khác. Mê thì uổng bị chìm đắm niệm niệm thành phàm, ngộ thì vốn tự viên minh tâm tâm chứng Thánh.

Hỏi: Tất cả các pháp đều nhờ duyên sinh, trong tám thức có đủ mấy duyên, pháp được thành lập ?

Đáp: Nhãn thức đủ 9 duyên:

1- Không duyên: Vì hư không rỗng không vật chướng ngại tiền cảnh, nghĩa là không chướng ngại dẫn phát sinh khởi thức năng duyên, vì nhận biết nhờ có khoảng cách.

2- Minh duyên: Minh là ánh sáng vì lìa tướng tối tăm, biểu hiện rõ ràng, vì khai mở dẫn dắt thức năng duyên.

3- Căn duyên: Nghĩa là tự nhãn căn làm chỗ nương.

4- Cảnh duyên: Vì cùng với thức năng duyên làm sở duyên, vì dẫn phát thức năng duyên.

5- Tác ý duyên: Vì phát tác tâm ý hay sinh khởi; nơi địa vị chủng tử tâm cảnh báo khiến sinh hiện hành; nơi địa vị hiện hành dẫn tâm đến cảnh.

6- Căn bản duyên: Thức thứ tám làm căn bản cho nhãn thức v.v… và làm chỗ nương cho bảy thức trước.

7- Nhiễm tịnh duyên: Thức thứ bảy và sáu thức trước đều là chỗ nương của nhiễm tịnh.

8- Phân biệt duyên: Vì thức thứ sáu liễu biệt rõ ràng tiền cảnh.

9- Chủng tử duyên: Vì chủng tử của nhãn thức hay sinh hiện hành nên cũng gọi là thân biện tự quả duyên. Chính nó làm nên hiện hành của tự thức gọi là tự quả.

Nhĩ thức trực tiếp duyên âm thanh, chỉ có tám duyên trừ minh duyên, vì dù trong tối cũng có thể nghe.

Ba thức tỷ, thiệt, thân lúc duyên hương, vị, xúc, chỉ có bảy duyên, trừ không duyên và minh duyên. Ba thức này phải hợp mới biết nên chẳng nhờ không duyên.

Khi ý thức thứ sáu duyên tất cả cảnh chỉ có năm duyên: một căn bản, hai căn duyên, ba tác ý, bốn chủng tử, năm cảnh duyên; trừ bốn duyên: không, minh, phân biệt, nhiễm tịnh.

Lại trong bốn loại ý thức: định, mộng, độc, tán chỉ có ba thứ đủ năm duyên. Riêng minh liễu ý thức theo năm thức trước hoặc có 7, 8, 9 duyên.

Khi thức thứ bảy trong địa vị hữu lậu duyên kiến phần thức thứ tám làm ngã chỉ có ba duyên: căn bản duyên, tác ý duyên, chủng tử duyên.

Khi thức thứ tám duyên chủng tử, căn thân, khí thế gian chỉ có bốn duyên: một cảnh duyên là ba cảnh trước, hai căn duyên là thức thứ bảy, ba chủng tử, bốn tác ý. Nếu thêm đẳng vô gián duyên nơi tám thức trên, nghĩa là mỗi thức thêm một duyên như nhãn thức có đủ mười duyên v.v…

Hỏi: Trong tam giới đều có đủ tám thức chăng ?

Đáp: Chẳng đủ. Người xưa giải thích:

Dục giới có đủ tám thức; Sơ thiền sắc giới chỉ có sáu thức, không có tỷ thức và thiệt thức. Từ Nhị thiền trở lên cho đến Vô sắc giới chỉ có ba thức sau, không có năm thức trước.

Trời, người, ngạ quỉ, súc sinh trong Dục giới đều có tám thức; vô gián ngục trong loài địa ngục chỉ có ba thức sau, không có năm thức trước; hoặc không cả thức thứ sáu, vì ở chỗ khổ sở cùng cực.

Hỏi: Thế nào là các thức có biến kế hay không biến kế ?

Đáp: Cổ đức nói: “Thức thứ tám và năm thức trước không chấp, vì do nhân duyên biến hiện nên chỉ có hiện lượng. Hễ chấp thì phải suy tư tính toán. Chỉ thức thứ sáu và thức thứ bảy có biến kế phân biệt nên hai thức này có chấp.

Có bốn trường hợp:

1- Biến mà chẳng kế: Độc đầu ý thức duyên khắp tất cả mà không kế chấp.

2- Kế mà chẳng biến: Thức thứ bảy chỉ duyên a-lại-da khởi kế chấp.

3- Cũng biến cũng kế: Thức thứ sáu trong nhân có so đo tính toán khắp cả.

4- Chẳng kế chẳng biến: Năm thức trước chỉ duyên năm trần không so đo tính toán; năm thức trước hồn nhiên chứng cảnh, chẳng vướng mắc danh ngôn, vì chỉ là hiện lượng. Thức thứ tám cũng thế.