TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 52

Thức năng biến thứ hai: Thức luận có bài tụng:

Thức năng biến thứ hai,
Thức này gọi mạt-na
Nương lại-da chuyển biến
Tư lương làm tính tướng.
Bốn phiền não ngã si,
Ngã kiến, mạn, ngã ái
Và các tâm sở xúc v. v…
Thường đi với thức này
Thuộc hữu phú vô ký
Tùy sở sinh sở hệ
Bậc la-hán diệt định
Đạt đến đạo xuất thế
Không còn thức này nữa.

Cho đến nên biết, ý này chỉ duyên kiến phần của tạng thức, vì từ vô thỉ đến nay nó là một loại tương tục dường như thường, dường như nhất vì luôn cùng các pháp nương tựa lẫn nhau. Nó chỉ chấp tạng thức làm tự nội ngã; vì có ngã nên có ngã sở. Hoặc mạt-na chấp lại-da là ngã của ngã, cho nên đối với một kiến chấp có hai nghĩa. Nếu là nói khéo thuận giáo lý, nhiều nơi chỉ nói có ngã kiến, cái chấp ngã và ngã sở không cùng khởi nên nơi vị chưa chuyển y chỉ duyên tạng thức. Khi đã chuyển y thì duyên chân như và các pháp khác. Bình đẳng tính trí chứng đắc mười thứ bình đẳng tính, vì các hữu tình duyên sự hiểu biết sai biệt, thị hiện các ảnh tượng Phật.

Giải thích:

Thức thứ bảy chỉ duyên kiến phần, chẳng duyên tướng phần, chủng tử, tâm sở. Chỉ duyên kiến phần nghĩa là từ vô thỉ đến nay một loại vi tế dường như thường, dường như nhất. Chẳng đoạn nên dường như thường lược bỏ cảnh giới, các pháp sắc v.v… đều gián đoạn, chủng tử cũng thế, hoặc bị đè nén, hoặc bị dứt hẳn. Vì đây ngăn chấp thức khác làm ngã, dường như nhất nên lược bỏ tâm sở. Có nhiều pháp tâm sở tại sao chẳng duyên thức khác ? Phàm nói ngã là có tướng tác dụng, kiến phần nhận cảnh, tướng tác dụng hiển; vì dường như ngã nên chẳng duyên thức khác, tự chứng các dụng vi tế khó biết.

Hỏi: Sao chẳng những duyên thọ v.v… làm ngã mà cũng thường nhất ?

Đáp: Ngã là nghĩa tự tại, nghĩa chủ của vạn vật, cùng tất cả pháp nương tựa nhau. Tâm sở không như thế, không thể là ngã, chỉ có tâm vương là sở y. Thức thứ bảy luôn chấp làm nội ngã, vì chẳng phải sắc v.v… nên chẳng chấp là ngoại ngã. Nếu chỉ duyên thức là chỉ khởi ngã, không có ngã sở. Vì có ngã nên nói ngã sở, chẳng phải lìa ngã riêng khởi chấp ngã sở, chỉ chấp thức thứ tám là ngã của ngã. Năm uẩn hư giả là ngã mà thức thứ sáu bám lấy, sau đó thức thứ bảy chấp nó làm ngã; hoặc ngã trước niệm trước, ngã sau niệm sau, cả hai đều bị thức thứ bảy chấp lấy, hoặc là một niệm chấp đây là phải, chỉ là bị thức thứ bảy chấp; hoặc trước là thể, sau là dụng của thức. Ở trên một ngã kiến cũng nói là ngã và ngã sở, thật ra chỉ một ngã kiến, nhiều nơi chỉ nói có ngã kiến.

Luận Du-già nói: “Do thức mạt-na, ngã kiến, ngã mạn v.v… thường cùng tương ưng”.

Luận Hiển Dương nói: “Do ý căn nên luôn cùng ngã kiến, ngã mạn v.v… tương ưng”.

Vì ngã và ngã sở không cùng khởi, vì hành tướng và cảnh đều sai biệt, vì không thể cùng sinh nên không có việc này. Nếu đến địa vị chuyển y, thiện tâm v.v… cũng thế, nó chẳng chấp cho nên cũng không nói đến. Vì nhân và pháp chấp cảnh là một, nếu chưa khởi đối trị dứt ngã chấp gọi là chưa chuyển y chỉ duyên tạng thức. Từ Sơ Địa trở lên đã chuyển y, nhập vô lậu tâm, cũng duyên chân như và tất cả pháp khác. Nhị thừa vô học chỉ duyên dị thục thức, chứng được mười thứ bình đẳng tính. Theo kinh Phật Địa: một là các tướng tăng thượng hỉ ái, hai là tất cả lĩnh thụ duyên khởi, ba là xa lìa dị tướng phi tướng, bốn là đại từ rộng giúp, năm là đại bi bình đẳng, sáu là tùy theo sự ưa thích của hữu tình mà thị hiện, bảy là nói về ngã ái của tất cả hữu tình, tám là thế gian vắng lặng đều đồng một vị, chín là các pháp thế gian khổ vui một vị, mười là vun trồng vô lượng công đức cứu cánh. Do đây biết kiến giải và sự ưa thích của hàng Thập Địa đều sai biệt hay khởi ảnh tượng của thân thọ dụng.

Luận nói: “Lúc chưa đạt đến vị chuyển y luôn xét nét tư lương lại càng chấp chặt ngã tướng; lúc đã chuyển y cũng luôn xét nét tư lương tướng vô ngã, vì mạt-na thứ bảy lấy tư lương làm tự tính”.

Nhiếp luận nói: “Tư lương là ý, là tự chứng phần, thức thứ sáu ở trước liễu biệt là hành tướng”. Nay đã nói ý nên biết chính là hành tướng của thức thứ bảy, là kiến phần, thể tính khó biết, vì hành tướng của nó biểu hiện bằng tư lương, thể nó thuộc về thức uẩn. Từ Sơ Địa trở về trước, Nhị thừa hữu học luôn xét nét tư lương ngã tướng, biết mạt-na hữu lậu; lúc đã chuyển y cũng xét nét tư lương tướng vô ngã, cũng gọi là mạt-na.

Luận hỏi: Như Thế Tôn nói: Lúc xuất thế mạt-na kiến lập thế nào ?

Đáp: Có hai nghĩa: một là danh không hẳn như nghĩa, thức thứ bảy vô lậu chẳng gọi là mạt-na, vì danh là giả; hai là vì hay xét nét tư lương tướng vô ngã nên cũng gọi là mạt-na thuộc vô lậu liền biết tên gọi này chẳng phải chỉ là hữu lậu.

Luận nói: “Nghĩa là từ vô thỉ đến nay chưa chuyển y, ý này tự nhiên luôn duyên tạng thức tương ưng với bốn thứ căn bản phiền não.

– Ngã si là vô minh ngu si, nghĩa là đối với ngã tướng không biết lý vô ngã.

– Ngã kiến là ngã chấp, nghĩa là đối với pháp chẳng phải ngã lầm chấp là ngã.

– Ngã mạn là kiêu ngạo, nghĩa là cậy vào cái ngã đã chấp khởi tâm cống cao.

– Ngã ái là ngã tham, nghĩa là đắm trước càng sâu nặng đối với cái ngã đã chấp.

Cho đến bốn thứ này thường khuấy động vẩn đục nội tâm khiến cho ngoại thức luôn thành tạp nhiễm, vì thế hữu tình chịu sinh tử luân hồi không thể xuất ly, nên gọi là phiền não.

Giải thích: Ý thứ bảy này ngoại trừ bốn thứ phiền não, nó không tương ưng với các tâm sở khác, một là hằng, hai là nội chấp, ba là một loại cảnh sinh. Do đó chẳng tác ý hướng ngoại tìm cầu, chỉ khư khư chấp lấy bên trong. Trong năm thọ, thức thứ bảy chỉ tương ưng với xả thọ, luận nói: “Từ vô thỉ đến nay một loại duyên tự nhiên bên trong chấp ngã luôn không biến đổi, vì không tương ưng với cảm thọ biến dị”.

Lại hỏi: Tâm sở của mạt-na thuộc về tính nào ?

Luận đáp: Ý này tương ưng bốn thứ phiền não là nhiễm pháp nên chướng ngại Thánh đạo, che lấp chân tâm nên gọi là hữu phú; chẳng phải thiện và bất thiện nên gọi là vô ký. Nếu đã chuyển y chỉ là tính thiện. Kinh Mật Nghiêm có kệ:

Mạt-na duyên tạng thức,
Như nam châm hút sắt,
Như rắn có hai đầu
Khác biệt là nghiệp ấy.
Nhiễm ý cũng như thế
Chấp lấy a-lại-da
Làm sự nghiệp của ngã
Làm tăng trưởng ngã sở
Lại còn cùng ý thức
Làm nhân mà chuyển dời
Nơi thân sinh noãn, xúc
Vận động tạo các nghiệp
Ẩm thực và y phục
Tùy vật mà thọ dụng
Nhảy nhót hoặc ca múa
Các thứ tự vui chơi
Gìn giữ thân hữu tình
Đều do công của ý
Như vòng lửa trẻ con
Thành quách Càn-thát-bà
Chẳng thấu rõ duy tâm
Vọng khởi các phân biệt
Thân tướng, khí thế gian
Động như cái xích đu
Vô lực không bền chắc
Phân biệt cũng như thế.
Phân biệt không chỗ nương
Chỉ chạy theo tự cảnh
Ví như bóng trong gương
Thức chủng động nên thấy
Người ngu mê thức này
Chẳng phải bậc minh trí.
Nhân chủ cần phải biết
Thảy đều do thức hiện
Nơi đây hẳn xa lìa
Chính là viên thành thật.

Hỏi: Ý này có mấy thứ sai biệt ?

Đáp: Lược có ba thứ: Luận nói: một là tương ưng với bổ-đặc-già-la ngã kiến, hai là tương ưng với pháp ngã kiến, ba là tương ưng với bình đẳng tính trí.

Thứ nhất bao gồm tất cả dị sinh tương tục, Nhị thừa hữu học, một loại Bồ-tát hữu lậu vì từ Thất Địa trở về trước, nó duyên thức a-lại-da khởi bổ-đặc-già-la ngã kiến.

Thứ hai bao gồm tất cả dị sinh tương tục, Thanh văn, Độc giác, tất cả Bồ-tát đắc quả pháp không trí ở vị bất hiện tiền, nó duyên thức a-lại-da khởi pháp ngã kiến.

Thứ ba bao gồm tất cả Như Lai tương tục, Bồ-tát kiến đạo và đắc quả pháp không trí ở vị hiện tiền trong thuận đạo, nó duyên thức dị thục vô cấu khởi bình đẳng tính trí.

Hỏi: Đều khởi nhân chấp và pháp chấp, tại sao phận vị trước sau chẳng đồng ?

Đáp: Nhân pháp hẳn phải nương vào pháp chấp khởi, pháp ngã có tính bao gồm, nhân ngã có tính hạn cuộc. Luận nói: “Lúc kiến chấp nhân ngã khởi lên thì kiến chấp pháp ngã cũng liền có mặt, vì ngã chấp chắc chắn nương vào pháp chấp để sinh khởi, như chấp ghế ngồi cho là hạng người nào đó.

Giải thích: Nay hiểu sơ vị hẳn kèm hậu vị, vì sơ vị ngắn ngủi. Nhân ngã hẳn có pháp ngã, vì nhân ngã phải nương pháp ngã để khởi. Nhân ngã là dụng của chủ tể tác giả, pháp ngã có thắng dụng của tự tính cho nên pháp ngã có tính bao gồm, nhân ngã có tính hạn cuộc.

Hỏi: Tại sao thức thứ bảy lìa nhãn thức v.v… riêng có tự thể ? Xuất xứ từ văn kinh nào ?

Đáp: Luận nói: “Vì chính lý của Thánh giáo là định lượng”. Nghĩa là Đức Phật nói rải rác trong kinh ba nghĩa tâm ý thức khác biệt. Tập khởi gọi là tâm, tư lương gọi là ý, liễu biệt gọi là thức. Ba nghĩa ấy tuy bao gồm tám thức mà mỗi thứ biểu hiện tính cách riêng. Thức thứ tám gọi là tâm, vì tập họp các chủng tử khởi các pháp. Thức thứ bảy gọi là ý, vì duyên tạng thức hằng xét nét tư lương chấp làm ngã. Sáu thức gọi là thức, vì liễu biệt chuyển từ sáu biệt cảnh thô động gián đoạn. Như Nhập Lăng Già có bài tụng.

Tạng thức gọi là tâm
Tính tư lương là ý
Phân biệt các cảnh tướng
Đây chính gọi là thức.

Giải thích: Tuy bao gồm tám thức đều gọi là tâm ý thức mà mỗi thứ đều biểu hiện tính cách riêng.

Thức thứ tám gọi là tâm, là tất cả hiện hành huân tập chủng tử các pháp, hiện hành là y, chủng tử là nhân, vì hay sinh tất cả pháp.

Thức thứ bảy gọi là ý, trong nhân hữu lậu chỉ duyên ngã cảnh, vô lậu duyên thức thứ tám và chân như; trên quả nó duyên tất cả pháp.

Sáu thức gọi là thức, vì liễu biệt chuyển từ sáu biệt cảnh, thể nó là pháp thô động có gián đoạn. Dễ liễu biệt là thô, chuyển dời là động, chẳng tương tục là gián đoạn; vì mỗi thứ đều có tính cách đặc biệt nên có tên gọi.

Lại nữa, luận ghi: “Khế kinh nói: Thức thứ tám không đi chung với vô minh vi tế, luôn che lấp chân thật. Nếu không có thức này, những thức kia lẽ ra chẳng có, nghĩa là các thứ biến hiện sinh ra đối với tất cả phần luôn khởi lý mê chẳng đi chung với vô minh, che lấp nghĩa chân thật, chướng ngại con mắt thắng huệ”. Như có bài tụng:

Đủ nghĩa tâm sẽ sinh
Luôn luôn làm chướng ngại
Làm ra tất cả phần
Chẳng đi cùng vô minh.

Thế nên khế kinh nói những loài dị sinh luôn ở trong đêm dài vô minh tăm tối, tâm mê muội chưa từng tỉnh giác. Nếu loài dị sinh có lúc tạm thời chẳng khởi vô minh liền trái với nghĩa kinh, nghĩa là vì dị sinh mê lý vô minh có hành, bất hành chẳng hợp lý cho nên việc nương sáu thức chẳng thành. Vì sáu thức gián đoạn, thức thứ bảy hằng duyên nên thừa nhận có mạt-na thì không có lỗi này.

Giải thích:

Như kinh Duyên Khởi nói có bốn thứ vô minh: một là hiện hành, hai là chủng tử, ba là tương ưng, bốn là bất tương ưng. Hoặc nói có hai: cộng và bất cộng.

Bất cộng, nghĩa là vô minh vận hành vi tế, hành tướng khó biết, che lý vô ngã, lấp trí vô lậu, gọi là che lấp chân thật.

Chân thật có hai: một là lý vô ngã, hai là kiến vô lậu.

Nghĩa có hai: một là nghĩa cảnh, vì kiến phần là cảnh; hai là nghĩa lý, vì chân như là lý.

Hỏi: Mạt-na nhiễm ô thường tương ưng với bốn lậu hoặc, tại sao nói chẳng đi chung với vô minh ?

Đáp: Luận nói: “Phải nói trong bốn thứ ấy vô minh là chủ. Tuy ba thứ cùng khởi cũng gọi là bất cộng. Từ vô thỉ luôn mê muội chưa từng tỉnh giác, vì si bồi đắp thêm; cho đến nói rằng thức thứ bảy tương ưng vô minh, từ vô thỉ luôn chướng trí chân nghĩa. Do thắng dụng như thế nên các thức khác đều không, chỉ có thức này có cho nên gọi là bất cộng.

Lại nữa, bất cộng vô minh gồm có hai thứ: một là hằng hành bất cộng, các thức không có; hai là độc hành bất cộng, thức này không có.

Giải thích:

Chủ là nghĩa tự tại, là nghĩa nhân y, vì cùng với thức thứ tám nương tựa nhau cho nên gọi là bất cộng. Vì sao vô minh gọi là bất cộng ? Nghĩa là từ vô thỉ biểu hiện luôn luôn sinh khởi, luôn mê muội, biết tất cả thời mà chẳng rõ lý không, chưa từng tỉnh giác, luôn chấp ngã không lúc nào phản tỉnh.

Ý mạt-na hiển bày ý nghĩa si chủ tự tại:

1- Hằng hành bất cộng, thức này có, những thức khác không có.

2- Độc hành bất cộng, vì cùng tương ưng với phẫn v.v… nên gọi là độc hành. Hoặc chẳng cùng những thứ khác chung khởi vô minh, riêng mê chân lý, thức này không có.

Lại nữa, bất cộng vô minh là vì vô minh là chủ nên gọi là bất cộng; vì chủ là nghĩa bất cộng, bất cộng là nghĩa độc nhất. Nghĩa là vô minh là nghĩa tối tăm, bảy thức đều là vô minh luôn luôn vận hành chẳng gián đoạn, là nghĩa luôn luôn tối tăm. Chỉ có vô minh là thể của tối tăm, các pháp khác đều không có nghĩa tối tăm, nên gọi là bất cộng. Ngoại trừ mạt-na ra, các pháp khác có nghĩa một loại tương tục mà không có nghĩa tối tăm; hoặc có một loại tuy có nghĩa tối tăm mà không có nghĩa tương tục, cho nên cần phải phân biệt bốn trường hợp:

1- Tương tục mà chẳng tối tăm, như bảy thức tương ưng với tham v.v… và hai trí diệu quan sát và bình đẳng tính.

2- Tối tăm mà chẳng tương tục, như sáu thức trước tương ưng vô minh.

3- Vừa tối tăm vừa tương tục, như bảy thức đều là vô minh.

4- Chẳng tối lăm, chẳng tương tục, như sáu thức trước trừ vô minh, tương ưng với tham v.v…thiện trong nhân và hai trí quan sát và viên thành trong quả.

Bảy thức đều vô minh, y theo đây chẳng những không cùng chung các thức khác, mà còn chẳng cùng chung với nhóm tham v.v… nghĩa là tuy cùng với nhóm tham v.v… chung khởi nhưng tham v.v… không có nghĩa tương tục và tối tăm. Tham lấy sự đắm nhiễm làm nghĩa, thức này lấy sự tương tục và tối tăm làm nghĩa, cho nên gọi là bất cộng. Vì thức thứ bảy luôn luôn mê muội nên gọi là bất cộng; trong sáu thức không có nghĩa luôn luôn, chỉ có nghĩa khởi một mình nên gọi là bất cộng.

Hỏi: Thức thường vận hành chẳng cùng vô minh tương ưng có mấy nghĩa ?

Đáp: Có bốn nghĩa:

Cổ đức nói:

1- Là chủ: Vô minh của sáu thức trước là khách, vì có gián đoạn; vô minh của thức thứ bảy là chủ, vì không gián đoạn.

2- Luôn vận hành: Trong vị hữu lậu thường khởi hiện hành, vì chẳng gián đoạn.

3- Bất cộng: Chẳng cùng chung thức thứ sáu độc đầu gọi là bất cộng; thức thứ sáu bất cộng chẳng đồng khởi với chín thứ phiền não khác.

Nếu thức thứ bảy gọi là bất cộng, vì chướng pháp thù thắng vô lậu, lại vì luôn vận hành chẳng gián đoạn.

4- Lúc sáu thức trước gồm cả ba tính, vô minh của thức này đều khởi hiện hành, nghĩa là lúc sáu thức trước phát tâm lành như bố thí chấp tướng v.v… là thức thứ bảy luôn vận hành chẳng đi chung với vô minh khiến cho sáu thức khi thực hành bố thí chẳng thể đạt được tam luân thể không.

Lại vì có bất cộng vô minh thường hay chướng ngại nên khiến cho thức thứ bảy sinh mà trí vô lậu chẳng sinh. Vì vô minh và thức thứ bảy cùng có mặt chẳng lìa nhau nên gọi là cùng vận hành.

Kinh nói: “Nhãn sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, cho đến ý pháp làm duyên sinh ra ý thức. Nếu không có thức này, ý kia chẳng có. Nhãn căn, sắc cảnh làm hai duyên hay phát ra nhãn thức; cho đến ý căn, pháp cảnh làm hai duyên hay phát ra ý thức. Nếu không có thức thứ bảy thì lẽ ra thức thứ sáu chỉ có một pháp cảnh làm duyên, lẽ ra không có căn duyên sở y. Đã có câu hữu căn liền biết rõ thức thứ bảy và thức thứ sáu là câu hữu căn.

Tiểu thừa nói: “Tông ta lấy trái tim và thức thứ sáu làm nơi nương tựa, tại sao phải riêng chấp có thức thứ bảy ?

Luận chủ phá: Cũng không thể nói thức thứ sáu nương nơi sắc, thức này hẳn phải nương vào ý căn, vì nói ý căn chẳng phải là sắc. Lại nói thức thứ sáu có ba thứ phân biệt, vì theo niệm so đo, phân biệt. Nếu cho rằng thức thứ sáu y sắc mà trụ thì giống như năm thức trước không theo niệm so đo phân biệt.

Biện hộ: Năm thức của tông ta là căn trước thức sau, tức là niệm trước của năm căn phát ra niệm sau của năm thức.

Luận chủ phá: Chỉ có căn như mầm nhờ hạt giống mà nảy nở, mầm giống đồng thời. Bóng nhờ thân mà có, thân bóng cùng có; thức nương căn phát đồng thời, vì không có niệm trước của căn phát ra niệm sau của thức.

Nếu năm thức đã có câu hữu căn thì thức thứ sáu cũng phải có câu hữu căn đó là thức thứ bảy. Dẫn lý chứng minh, trong giáo lý nói có tư lương tức là thức thứ bảy.

Tiểu thừa nói: Thức thứ sáu đẳng vô gián gọi là tư lương ý, đâu cần riêng nói thức thứ bảy là tư lương ý ?

Luận chủ phá: Như ý thức hiện tại niệm không gián đoạn, ý đã diệt không có thể tính thì làm sao cái dụng tư lương gọi là ý ? Thức thứ sáu nơi hiện tại dù có tư lương nhưng luôn gọi là thức, chẳng gọi là ý; phải chờ qua rồi mới gọi là ý, cần phải tin có thức thứ bảy đầy đủ luôn xét nét tư lương mới được gọi là ý.

Ý là nghĩa y chỉ; nếu ý không gián đoạn nương thức thứ bảy tạm được gọi là ý, vì đều có tác dụng y chỉ tư lương.

Lại nữa, thức thứ bảy đi cùng bốn lậu hoặc gọi là nhiễm ô, luôn xét nét tư lương gọi là ý; luôn vận hành mà chẳng chung với vô minh nên gọi là nhiễm ô. Đây là tính hữu phú, là che nghĩa chân duyên, lấp trí tịnh diệu. Hằng thẩm tư lương này lược bỏ thức thứ tám và sáu thức trước. Hằng là chẳng gián đoạn; thẩm là quyết định chấp ngã pháp.

Hỏi: Thức thứ tám cũng không gián đoạn, thức thứ sáu quyết định có tư lương tại sao chẳng gọi là ý ?

Đáp: Có bốn trưòmg hợp:

1- Hằng mà chẳng thẩm, thức thứ tám luôn không gián đoạn nhưng chẳng xét nét tư lương ngã pháp.

2- Thẩm mà chẳng hằng, thức thứ sáu tuy xét nét tư lương mà chẳng phải hằng nên chẳng gọi là ý.

3- Phi hằng phi thẩm, là năm thức trước.

4- Vừa hằng vừa thẩm, đó là thức thứ bảy.

Hỏi: Thức thứ bảy tư lương pháp gì ?

Đáp: Chấp kiến phần của thức thứ tám, vì tư lương có ngã pháp. Nhị thừa vô học không còn ngã chấp, vì tư lương pháp chấp nên gọi là ý. Phật quả không còn hai thứ ngã chấp và pháp chấp hằng thẩm tư lương lý vô ngã nên thức thứ bảy nơi Phật quả cũng gọi là ý.

Hỏi: Vì tự thể thức thứ bảy có tư lương hay vì thức thứ bảy tương ưng với tư trong biến hành nên gọi là tư lương ý ?

Đáp: Tám thức đều có tâm sở tư lương, đâu riêng gì thức thứ bảy.

Hỏi: Nếu tự thể đã có tư lương thì cần gì đến tư tâm sở ?

Đáp: Đủ hai nghĩa: một là tương ưng tư lương, hai là tự thể tư lương. Nay lấy tự thể có tư lương gọi là ý.

Hỏi: Tâm sở và tâm vương đều thường thẩm tư lương chấp thức thứ tám làm ngã, tại sao chẳng nói tâm sở là ý ?

Đáp: Ý là nghĩa y chỉ, tâm sở tuy hằng thẩm tư lương nhưng chẳng phải chủ, là pháp hạ liệt chẳng phải nơi nương tựa nên chẳng gọi là ý. Hai là tự thể thức có tư lương cùng với bảy thức làm nơi nương tựa, chỉ có tâm vương gọi là ý.

Hỏi: Nếu nói tự thể có tư lương là ý, thức thứ bảy có bốn phần thì phần nào gọi là tư lương ý ?

Đáp: Có hai cách giải thích:

1- Kiến phần gọi là tư lương, hai phần bên trong chẳng gọi tư lương, chỉ gọi là ý. Kiến chẳng gọi là ý có tư lương, vì là dụng nên tư lương ngã và vô ngã. Hai phần bên trong không thể tư lương ngã và vô ngã, chỉ gọi là ý, vì là thể.

2- Kiến phần là tư lương tướng. Tướng là tướng trạng của thể tướng; hai phần bên trong là tư lương tính thì trong ngoài đều là ý. Ba phần đều tư lương chỉ trừ tướng phần. Tướng phần là cảnh tư lương.

Hỏi: Làm sao biết được ba phần trong ngoài đều là tư lương ?

Đáp: Thức luận nói: Tư lương là tính tướng, hai phần bên trong là thể, gọi là tư lương tính; kiến phần bên ngoài là dụng, gọi là tư lương tướng. Một loại tư lương cả ba phần ấy đều gọi là ý, tức là chẳng chấp tướng phần gọi là tư lương bởi vì không có tác dụng năng duyên.

Hỏi: Kiến phần duyên chấp ngã pháp tức là tư lương ngã nên được gọi là tư lương. Tự chứng phần chẳng duyên tướng phần ngã, tại sao tự chứng phần cũng gọi là tư lương ?

Đáp: Tự chứng phần chứng kiến phần tư lương về ngã chấp nên cũng gọi là tư lương.

Hỏi: Kiến phần tư lương ngã là chẳng thuộc tư lương. Tự chứng phần chứng tự chứng phần của kiến phần tư lương về ngã cũng là phi lượng chăng ?

Đáp: Kiến phần tư lương về ngã, vì kiến phần vọng chấp nên gọi là phi lượng. Tự chứng là nội chứng kiến phần vọng chấp nên thể tự chứng là hiện lượng, tức thể dụng đều là tư lương. Hai phần bên trong cũng gọi là ý, cũng gọi là thức. Kiến phần cũng gọi là ý, cũng gọi là thức, vì là dụng của ý. Tư lương là dụng, ý là thể. Tư lương là ý, đây là trì nghiệp thích.

Hòi: Thức thứ bảy chỉ duyên kiến phần thức thứ tám làm ngã, tại sao chẳng duyên tướng phần và hai phần bên trong ?

Đáp: Tướng phần gián đoạn, lại là ngoại duyên, tác dụng của hai phần bên trong kín đáo khó biết nên chẳng duyên. Chủng tử không có tác dụng nên chẳng chấp làm ngã, vì tác dụng của kiến phần hiển hiện.

Hỏi: Làm thế nào phân biệt ba lượng của thức thứ bảy giả thật ?

Đáp: Người xưa giải thích ba lượng phân biệt: Kiến phần của thức thứ bảy là phi lượng vì cảnh chẳng phù hợp tâm; kiến phần của thức thứ tám vốn chẳng phải là ngã, nay thức thứ bảy vọng chấp làm ngã thì chẳng phù hợp bản chất. Lại thức thứ bảy trực tiếp duyên kiến phần của thức thứ tám, biến ra tướng phần rồi duyên tướng phần ấy vốn chẳng phải ngã, thức thứ bảy lại chấp là ngã, lại chẳng phải là tướng phần, là hai lớp chấp ấy chẳng phải là cảnh nên biết là phi lượng.

Phân biệt giả thật: Thức thứ bảy duyên bản chất khác; kiến phần của thức thứ tám chỉ duyên được tướng phần của ngã hư giả làm trung gian nên cảnh giả chẳng phải thật.

Hỏi: Tướng phần trung gian nhất định là giả hay cũng gồm cả giả và thật ?

Đáp: Tướng phần trung gian của thức thứ bảy là giả, không có chủng tử thật sinh, từ tâm pháp khởi. Tướng phần này gồm cả hai tính: một nửa khởi từ bản chất là tính vô phú, là thuộc bản chất; một nửa khởi từ kiến phần của thức thứ bảy năng duyên, giống như kiến phần là tính hữu phú, chỉ từ tâm pháp khởi thành một tướng phần. Nói cảnh giả là căn cứ vào ngã tướng phần của vọng tâm.

Hỏi: Nếu nói tướng phần theo tình thức của thức thứ bảy chỉ là giả, khởi từ tâm pháp, gồm cả hai tính lẽ ra trong ngã tướng phần sở duyên của thức thứ bảy một nửa hữu phú, một nửa vô phú, một nửa là ngã, một nửa phi ngã ?

Đáp: Tướng phần tính vô phú được khởi trên kiến phần thức thứ tám cùng với tướng phần biến kế vọng tâm năng duyên thức thứ bảy thầm hợp một chỗ. Nếu là thức thứ bảy chỉ tự chấp vọng khởi lên tướng phần tính hữu phú giả dối làm tự nội ngã, tuy thầm hợp một chỗ nhưng chẳng phạm lỗi gồm cả hai tính trong ngã chấp, như vị muối trong nước biển, chỉ chấp là nước, chứ không chấp muối, vì nước và muối vốn không rời nhau.

Hỏi: Thức thứ bảy tự có tướng phần, tại sao chẳng tự duyên tướng phần, mà lại duyên kiến phần của thức thứ tám làm ngã ?

Đáp: Nói duyên kiến phần là sở duyên; nếu là thân duyên thì nghĩa duy thức ở nơi nào.

Hỏi: Giả sử thừa nhận sở duyên thức thứ tám, thức thứ bảy khởi chấp trên pháp nào ?

Đáp: Khởi chấp nơi tướng phần tự thức.

Hỏi: Tướng phần, kiến phần làm sao phân biệt ?

Đáp: Nếu luận ngoại cảnh thì tướng kiến hoàn toàn khác biệt. Nếu luận về tâm thì tướng kiến không khác, tướng là kiến. Vì thế kinh nói: “Tâm như tướng hiển hiện, kiến như tâm sở y”.

Hỏi: Nếu không có mạt-na thì có lỗi gì ?

Đáp: Nếu không có thức thứ bảy thì không phàm để chán, không Thánh đề cầu, như vậy phàm Thánh chẳng thành, nhiễm tịnh đều mất. Luận nói: “Thế nên quyết định phải có thức này”.

Lại khế kinh nói hữu tình vô tướng sinh ra trong một giai đoạn thì tâm và tâm sở diệt. Nếu không có thức này thì lẽ ra hữu tình không ô nhiễm, nghĩa là hữu tình mãi mãi không có sáu chuyển thức. Nếu không có thức này thì ngã chấp cũng không, cho đến lẽ ra phải riêng có mạt-na nhiễm ô, như cõi Vô tưởng thiên hằng khởi ngã chấp, vì vậy hiền Thánh đều chê chán cõi ấy.

Lại khế kinh nói lúc tâm vô ký của loài dị sinh bị nhiễm thì luôn luôn đeo theo chấp ngã, nếu không có thức này thì hữu tình lẽ ra chẳng có, nghĩa là lúc tâm của loài dị sinh có đủ ba tính, tuy bên ngoài khởi các nghiệp mà bên trong luôn chấp ngã; vì bên trong chấp ngã nên khiến cho những việc như bố thí v.v… khởi nơi sáu thức không buông xả tướng, cho nên Du-già nói: “Mạt-na nhiễm ô là nơi nương gá của thức”. Lúc mạt-na chưa diệt, tướng liễu biệt ràng buộc không được giải thoát. Khi mạt-na đã diệt, tướng ràng buộc được giải thoát. Tướng ràng buộc nghĩa là chạy theo cảnh tướng, không rõ pháp huyễn hóa, vì thế kiến phần, tướng phần bị câu thúc không được tự tại.

Theo nghĩa ấy có bài kệ:

Ý nhiễm ô như thế
Là chỗ nương của thức
Lúc ý này chưa diệt
Thức ràng buộc không thoát.

Giải thích: Nơi cõi Vô tưởng thiên luôn khởi ngã chấp, vì vậy hiền Thánh đều chán chê cõi ấy, nghĩa là ở cõi Vô tưởng thiên có thức thứ bảy khởi ngã chấp, vì là loài dị sinh nên sau khi xuất định lại chìm đắm sinh tử, khởi các phiền não, hiền Thánh quở trách. Nếu không có thức thứ bảy lẽ ra không trách họ chẳng lỗi lầm. Do vì chấp ngã nên khiến cho những việc như bố thí v.v… khởi nơi sáu thức không buông bỏ tướng, nghĩa là ngoại duyên của ngã là hành tướng thô động chẳng phải thức thứ bảy khởi; do thức thứ bảy nên thức thứ sáu khởi.

Đây hoàn toàn do thức thứ bảy sinh. Tăng Minh lập luận: Thể ngã chấp trong thức thứ sáu có gián đoạn, vì gồm cả ba tính, tâm gián đoạn tạp sinh, vì thức thứ bảy chẳng duyên ngoại cảnh để sinh.

Trên đây là ghi chép đại lược về thức mạt-na thứ bảy, các giáo đồng thuyên bày, Thánh hiền đều giải thích. Người mới vào đạo cần rõ ý này, đây là nguyên nhân có phàm Thánh, xét tận cùng thể tính; lập nền tảng cởi mở mê lầm mới có thể thấu đáo nguồn cội. Mê thì thành ngu si chấp nhân pháp; ngộ thì thành trí tuệ bình đẳng tính. Trong các thức chỉ có mạt-na được gọi là ý, trong hữu lậu là chủ tể vô minh, chẳng gián, chẳng đoạn, dùng vô tưởng định đối trị mà chẳng trừ được; thường thẩm, thường hằng, cõi trời Tứ không tránh né mà vẫn khởi lại. Tuy hữu phú mà vô ký, chẳng chấp bên ngoài mà duyên bên trong; luôn khởi hiện hành, hay che chân và chướng đạo; chỉ hợp với bất cộng, hay thành nhiễm và nhuận sinh. Thế nên muốn thấu trần lao phải biết yếu đạo, muốn ban cho thuốc hay trước phải biết rõ nguyên nhân của bệnh. Nếu suy tìm tinh tế, thể nghiệm nội tâm thì trần nào chẳng xuất, bệnh nào chẳng tiêu, đây là chỗ trọng yếu của môn đoạn hoặc.