TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch
QUYỂN 49
Hỏi: Tất cả tình thức đều do chấp thọ nên có tên gọi, như chủng tử căn thân, khí thế gian của thức thứ tám có chấp thọ hay không chấp thọ ?
Đáp: Thức thứ tám duyên chủng tử khí thế gian mà chẳng chấp thọ. Chấp thọ phải đủ hai nghĩa:
– Chấp có hai nghĩa:
1- Nghĩa chấp: thu nhiếp là tự thể.
2- Nghĩa trì: giữ gìn không cho tan rã.
– Thọ có hai nghĩa:
1- Nghĩa lãnh: là lãnh thọ cho là cảnh.
2- Nghĩa giác: làm phát sinh cảm giác an ổn hoặc lo sợ.
Căn thân có đủ bốn nghĩa chấp thọ:
1- Gom lại làm tự thể, vì đều là tính vô ký.
2- Giữ gìn không cho tan rã, thức thứ tám hay gìn giữ thân này không để hư hoại.
3- Nhận lấy chính mình làm cảnh, căn thân là tướng phần thân cận của thức thứ tám.
4- Làm phát sinh cảm giác an ổn hoặc lo sợ; nếu thức thứ tám cảm thấy sợ thì năm căn cũng sợ, nếu thức thứ tám an thì năm căn cũng an.
Nếu khí thế gian lượng chỉ duyên không chấp thọ thì trong hai nghĩa thọ, nhận lấy chính mình làm cảnh.
Lại nói chẳng phải chấp thọ, là không thâu nhiếp làm tự thể giữ gìn không cho tan rã khiến sinh ba loại cảm thọ, không giống căn thân kẻ khác gọi là chẳng phải chấp thọ, tức vô thọ. Trong bốn nghĩa, nhận lấy một nghĩa chính mình làm cảnh.
Hỏi: Tại sao khí thế gian chẳng giống căn thân mà thức thứ tám chấp thọ ?
Đáp: Vì xa lìa thức thứ tám, cho nên chẳng nhiếp thọ làm tự thể. Khi khí thế gian tổn, thức thứ tám cũng không theo sự an nguy của khí thế gian, do đó không chấp thọ. Như tóc, lông, móng, răng, bàng quang chứa nước v.v… tuy gần gũi chính mình mà đều thuộc về khí thế gian bên ngoài, do đó thức thứ tám cũng không chấp thọ.
Do thức thứ tám hoặc trì hoặc duyên, nên có đủ bốn câu:
1- Trì mà không duyên là chủng tử vô lậu.
2- Duyên mà chẳng trì là hiện hành khí thế gian.
3- Đều là hai câu trên, là căn trần nội thân.
4- Đều chẳng phải hai câu trên, là hiện hành của bảy thức trước.
Hỏi: Vì sao thức thứ tám chẳng duyên hiện hành bảy thức trước ?
Đáp: Vì có nhiều lỗi nên chẳng duyên. Nếu biến ảnh duyên thì thức thứ tám phạm lỗi duyên giả. Nếu thân duyên thì phạm lỗi nghĩa duy thức chẳng thành, vì đích thân chấp lấy tâm người khác. Tây Minh nói: “Nếu biến ảnh duyên thì có lỗi hữu tình giới tăng, vì biến khởi hiện hành bảy thức trước, nên có hai lớp thức thứ bảy”.
Lại giải thích: Vì tâm pháp phải có chủng tử mới sinh, nay thức dị thục thứ tám yếu kém, cho dù duyên được bảy thức trước cũng không thể huân tập chủng tử nên chẳng duyên.
Hỏi: Vì sao thức thứ tám chẳng duyên dài ngắn v.v… ?
Đáp: Vì là giả nên chẳng duyên.
Hỏi: Vô vi là thật, vì sao thức thứ tám chẳng duyên ?
Đáp: Nếu thật vô vi, nhân vị chẳng chứng; nếu giả vô vi thì chẳng phải cảnh kia. Ba lượng phân biệt là tán vị, tâm, tâm sở. Nếu đủ bốn nghĩa thì gọi là hiện lượng: 1- Nhiệm vận duyên, 2- Không kẹt danh ngôn, 3- Chỉ là tính cảnh, 4- Không so đo phân biệt.
Nay thức thứ tám đầy đủ bốn nghĩa, tạo thành hiện lượng giả thật phân biệt, trong nhân kiến phần thức thứ tám quyết định không duyên giả, vì chỉ là nhân duyên biến.
Nhân duyên biến có hai nghĩa: một là nghĩa nhiệm vận, hai là nghĩa chủng tử. Vì cảnh từ chủng tử sinh thức nhiệm vận duyên nên gọi là nhân duyên biến. Nay cảnh sở duyên của thức thứ tám quyết định lấy kiến phần chủng tử khác sinh, đó là nhân duyên biến.
Hỏi: Thức thứ tám và năm thức trước đều do nhân duyên biến, vì sao năm thức trước duyên cảnh có bản chất, còn thức thứ tám thì không ?
Đáp: Năm thức trước chẳng phải căn bản thức, duyên cảnh thì phải nhờ bản chất. Thức thứ tám là căn bản thức nên chẳng nhờ bản chất. Nếu lìa ngoài ba cảnh riêng có pháp làm chất cho thức thứ tám tức là ngoài tâm có pháp. Nếu thức thứ tám hướng về duyên định quả sắc và phù trần của người khác, khí thế gian khác thì có bản chất chẳng ngăn che, vì thế biết thức thứ tám duyên ba cảnh là thật chẳng phải giả.
Hỏi: Trong thức, chủng tử vô lậu có đủ ba nghĩa này chăng ?
Đáp: Tất cả chủng tử hữu lậu có đủ ba nghĩa. Nếu là chủng tử vô lậu chẳng theo thức thứ tám thành vô ký, chỉ là tính thiện, tức chẳng nhận thức thứ tám làm cảnh, vì trái nhau nên chẳng ngại trì mà chẳng duyên, trong ba nghĩa chỉ có hai nghĩa.
Hỏi: Nếu chẳng chịu cho là cảnh thì lẽ ra ngoài tâm có pháp ?
Đáp: Chỉ giữ gìn khiến cho chẳng tan chẳng lìa thức nên cũng là duy thức.
Hỏi: Chủng tử vô lậu đã chẳng lìa cái có trong thức, vì sao chẳng duyên ?
Đáp: Vì đủ ba nghĩa nên chẳng duyên:
1- Vì hay đối trị: Dù là vô lậu nhưng đối trị pháp nhiễm ô và có thể phá hoại pháp hữu vi.
2- Vì thể tính sai khác: Thức thứ tám chỉ là vô ký. Chủng tử vô lậu chỉ là tính thiện.
3- Vì chẳng thuận nhau: Vì chủng tử vô lậu không thuận thức thứ tám hữu lậu; vì tính thiện vô lậu chẳng thuận tính vô ký cho nên chẳng duyên.
Hỏi: Chủng tử vô lậu là tướng phần chăng ?
Đáp: Có hai:
1- Thức thứ tám chẳng duyên nên chủng tử vô lậu không thuộc tướng phần.
2- Cũng là tướng phần, tuy nhân chẳng duyên nhưng tướng phần trong quả cùng một thứ.
Hỏi: Chủng tử và tự chứng phần không rời kiến phần thức thứ tám, vì sao chẳng duyên tự chứng phần ?
Đáp: Chủng tử tuy không rời tự chứng phần nhưng lúc kiến phần duyên, chỉ duyên chủng tử chẳng duyên tự chứng phần. Nếu duyên tự chứng phần liền phạm lỗi nội duyên trong nhân, như vị mặn trong nước, keo xanh trong sắc.
Hỏi: Thức thứ tám có bao nhiêu chấp thọ ?
Đáp: Có hai thứ: Nhiếp Luận nói: “Tất cả chủng tử tâm thức thành thục, uyển chuyển, hòa hợp, tăng trưởng, rộng lớn nương vào hai chấp thọ: một là hữu sắc chư căn và sở y chấp thọ, hai là tướng danh phân biệt ngôn thuyết hí luận tập khí chấp thọ”.
Hỏi: Trước đã nói thức thứ tám vì có đủ bốn nghĩa nên thành hiện lượng, chẳng biết hành tướng của ba lượng như thế nào ? Lại tám thức mỗi thức có mấy lượng ?
Đáp: Cổ đức giải thích: Hiện lượng, hiện nghĩa là hiển hiện, chứng cảnh rõ ràng chẳng kẹt danh ngôn. Không tâm so đo, đích thân được pháp thể, lìa phân biệt hư vọng gọi là hiện; lượng nghĩa là đo lường, là nghĩa xác định, nghĩa là tâm ở trên cảnh đo lường xác định tự tướng của pháp không sai lầm nên gọi là lượng.
Tỷ lượng, tỷ là so sánh, lượng là đo lường. Vì so sánh đo lường mà biết có nên gọi là tỷ lượng.
Phi lượng nghĩa là lúc tâm duyên cảnh, đối với cảnh thác loạn hư vọng phân biệt không thể chính tri, cảnh chẳng hợp tâm gọi là phi lượng.
Luận Hiển Dương nói: “Hiện lượng có ba tướng: một là tướng hiện đang thấy, hai là tướng chẳng phải do suy nghĩ thành, ba là tướng chẳng phải do thác loạn thấy”.
1- Tướng hiện đang thấy cũng có bốn thứ nên biết, nghĩa là lúc các căn chẳng hoại tác ý hiện tiền, đồng loại sinh, dị loại sinh, không chướng ngại, chẳng quá xa.
Đồng loại sinh, nghĩa là dục trần căn đối với dục trần cảnh, các căn thượng địa đối với cảnh thượng địa đã sinh v.v… hoặc sinh hoặc khởi, đây gọi là đồng loại sinh.
Dị loại sinh, nghĩa là các căn thượng địa đối với cảnh hạ địa hoặc đã sinh v.v…, đây gọi là dị loại sinh.
Không chướng ngại cũng có bốn thứ: một là không bị phú chướng làm ngại, hai là không bị ẩn chướng làm ngại, ba là không bị ánh chướng làm ngại, bốn là không bị hoặc chướng làm ngại.
Phú chướng làm ngại, nghĩa là bị hắc ám, vô minh ám, sắc vẩn đục ngăn cách.
Ẩn chướng làm ngại, nghĩa là bị dược thảo hoặc chú thuật hoặc thần thông che khuất.
Ánh chướng làm ngại, nghĩa là sự vật ít bị sự vật nhiều ánh đoạt nên không thể thấy, như thức ăn bị thuốc độc ánh đoạt, hoặc mảy lông sợi tóc bị vật thô khác ánh đoạt. Những loại như thế rất nhiều, chẳng hạn như ánh sáng yếu bị ánh sáng mạnh lấn át nên không thể thấy, như ánh sáng mặt trời lấn át ánh sáng mặt trăng, tinh tú v.v…
Lại như năng trị ánh đoạt sở trị khiến bất khả đắc, đó là bất tịnh quán ánh đoạt tướng tịnh; vô thường, khổ, vô ngã quán ánh đoạt tướng thường, lạc, ngã; năng lực quán vô tướng ánh đoạt các tướng.
Hoặc chướng làm ngại, nghĩa là sự tạo tác đều huyễn hóa hoặc tướng mạo sai biệt, hoặc tương tợ, hoặc bên trong sinh ra mắt mờ, mộng mị, mê loạn say rượu, phóng dật, điên cuồng; những loại như thế gọi là hoặc chướng. Nếu không bị bốn chướng này trở ngại thì gọi là không chướng ngại.
Chẳng quá xa, nghĩa là chẳng có ba thứ quá xa: một là nơi quá xa, hai là thời quá xa, ba là phân tích quá xa. Như vậy gọi chung là thấy hiện đang thấy nên gọi là hiện lượng.
2- Tướng chẳng phải do suy nghĩ thành, nghĩa là kiến lập cảnh giới nắm lấy cảnh sở y, vừa nắm liền thành, chẳng phải do tư duy thành nên gọi là hiện lượng.
3- Tướng chẳng phải do thác loạn thấy, gồm có bảy thứ: một là tưởng thác loạn, hai là số thác loạn, ba là hình thác loạn, bốn là hiển thác loạn, năm là nghiệp thác loạn, sáu là tâm thác loạn, bảy là kiến thác loạn.
Tưởng thác loạn, nghĩa là đối với chẳng phải tướng ấy khởi ra cái tưởng tướng ấy, như đối với bóng nắng con nai khát nước khởi cái tưởng là nước.
Số thác loạn, nghĩa là đối với số ít khởi tăng nhiều, như con mắt bị nhặm thấy một mặt trăng thành nhiều mặt trăng.
Hình thác loạn, nghĩa là đối với hình khởi thêm hình, như quay đốm lửa thấy hình tròn.
Hiển thác loạn, nghĩa là đối với hiển sắc khởi thêm hiển sắc, như bệnh ca-mạt-la làm tổn hoại nhãn căn nên thấy các sắc đều là màu vàng.
Nghiệp thác loạn, nghĩa là đối với không nghiệp khởi thêm nghiệp, như chấp nắm tay tưởng bị đánh bỏ chạy, thấy cây chuối tưởng là ma hoảng vía.
Tâm thác loạn, nghĩa là tâm lấy làm vui mừng đối với năm thứ thác loạn trên.
Kiến thác loạn, nghĩa là chấp nhận năm thứ thác loạn trên rồi giữ gìn, khởi vọng tưởng chấp chặt.
Nếu chẳng thấy thác loạn như thế thì gọi là hiện lượng.
Lại nói: Hiện lượng như sắc pháp năm trần là tướng phần của thức thứ tám biến hiện. Năm thức trước và minh liễu ý thức lúc duyên nơi đây ban đầu gặp cảnh chưa khởi phân biệt, chẳng kẹt danh ngôn, trí năng duyên thân chứng thể tính của cảnh, đắc tự tính của pháp, gọi là hiện lượng đắc tự tướng.
Nếu năm thức trước và thức thứ tám đối với tất cả thời đều là hiện lượng đắc pháp tự tướng, chẳng lược bỏ nhân quả hữu lậu, vô lậu. Tất cả đều như thế, lúc thức thứ sáu duyên năm trần cảnh, nơi pháp thể ấy sinh tâm phân biệt rồi khởi ngôn thuyết. Những gì ngôn thuyết đề cập đến không thể thân chứng, thế nên giả trí sở duyên gọi là đắc cộng tướng. Chẳng phải lược bỏ quả vị trong nhân, chỉ ở nơi cảnh thể khởi tâm phân biệt và khởi ngôn thuyết gọi là đắc cộng tướng. Và lúc hậu đắc trí duyên sự cảnh khởi phân biệt, khởi ngôn thuyết cũng là giả trí, chẳng phải đắc cộng tướng pháp thể, chỉ được cái nghĩa cộng tướng kia.
Nhân đây lại y cứ nhân minh giải thích nghĩa hiện lượng. Theo Nhân Minh Sớ đại lược có 2 cách giải thích:
1- Lượng của hiện, nghĩa là năm thức trước y sở, y căn, nơi đời hiện tại duyên cảnh hiện có, căn với thức cùng chiếu tiền cảnh phát ra tác dụng của thức, nghĩa của căn thù thắng nên được đặt tên. Tuy chiếu soi cảnh nhưng vì thể là sắc không thể duyên lự, dụng không thể đo lường, chỉ có hiện nghĩa không được lượng tên. Chỉ có tâm và tâm sở đo lường cảnh, tác dụng duyên lự tăng, thể có hiện nghĩa, cũng có khả năng lượng cảnh. Nay từ căn năng phát hiển thức sở phát gọi là lượng của hiện, đây là y sĩ thích.
2- Hiện là lượng, nghĩa là một phần minh liễu ý thức, ngoại trừ tán ý thức và độc đầu khởi, cùng thủ định ý thức và kiến phần năng duyên của thức thứ tám thân duyên hiện cảnh tác dụng hiển hiện nhưng ý căn giới thể sở y kia chẳng hiển hiện nên chẳng nắm lấy, chỉ căn cứ kiến phần năng duyên, hiện là lượng, đây là trì nghiệp thích.
Cổ đức hỏi: Như trên nói những gì do giả trí thuyên bày chỉ được cái nghĩa của cộng tướng, chẳng được pháp thể của cộng tướng, như khi miệng nói sắc thì miệng lẽ ra bị chướng ngại, vì thể sắc kia lấy chất ngại làm tự tướng. Đã không bị sắc làm ngại nên biết không được cái thể mà chỉ được cái nghĩa. Như thức thứ tám và minh liễu ý thức cùng nhãn thức lúc hiện lượng trí khởi duyên lửa; đã nói hiện lượng được tự tướng của pháp làm sao chẳng thiêu tâm ? Nếu tâm chẳng bị thiêu lẽ ra chẳng được tự tướng của lửa, sao gọi là cảnh hiện lượng ? Nếu cho là bị thiêu thì lúc thế gian thấy lửa, mắt không bị tổn hại liền có lỗi thế gian hiện lượng trái nhau ?
Đáp: Tuy chẳng bị lửa thiêu nhưng cũng được tự tướng gọi là hiện lượng. Vì sao ? Vì tâm tế sắc thô, tâm tế không tướng, sắc thô có hình nên lúc duyên lửa kia, tuy được tự tướng nhưng không bị thiêu, cũng gọi là hiện lượng.
Lại thô sắc thật ra cũng không thể phá hoại tế sắc, huống là tâm pháp, như lúc hỏa tai khởi, hỏa tai dục giới chỉ thiêu dục giới, chẳng thể thiêu cõi thiền định của sắc giới. Vì tế sắc đặc biệt vi diệu nên sắc giới tự khởi hỏa tai tự thiêu cõi ấy.
Hỏi: Đã nói tâm tế sắc thô lúc tâm duyên lửa, tâm chẳng bị thiêu, như A-la-hán hóa lửa đốt thân, tâm trí diệt theo, làm sao hiểu được điều này ?
Đáp: Hóa lửa thiêu thân, chỉ thiêu phù trần căn, chứ không thiêu năm tịnh sắc căn và tâm trí. Năm tịnh sắc căn và tâm trí vì không chỗ nương phù trần căn thiếu duyên nên chẳng sinh, đắc phi trạch diệt, tuy là lửa tam-muội cũng không thể thiêu. Vì thô tế khác nhau nên lửa tam-muội dù tế diệu so với lửa thế gian nhưng đối với tâm vẫn còn thô, vì là sắc pháp có hình chất.
Tỷ lượng, có năm thứ:
1- Tướng tỷ lượng, nghĩa là tùy theo tướng mạo tương thuộc mà suy đoán ra cảnh giới, như thấy lá cờ suy biết có xe, thấy khói suy biết có lửa v.v…
2- Thể tỷ lượng, do hiện tại thấy tự thể tính so sánh vật kia hiện tại không thấy thể, hoặc hiện tại thấy một phần tự thể so sánh phần còn lại, như đem hiện tại so sánh với quá khứ, vị lai.
3- Nghiệp tỷ lượng, nghĩa là lấy tác dụng so sánh chỗ nương của nghiệp, như từ xa nhìn thấy vật không lay động chim chóc tụ tập trên ấy so sánh biết là cột trụ; nếu có sự lay động là biết có người.
4- Pháp tỷ lượng, nghĩa là đối với tất cả pháp tương thuộc lấy một so sánh những cái còn lại, như vì thuộc vô thường nên so biết có hữu, vì thuộc khổ nên so biết có không, vô ngã, vì thuộc sinh nên so biết có già, vì thuộc già nên so biết có chết…
5- Nhân quả tỷ lượng, nghĩa là nhân quả so nhau, như thấy có sự khởi hành so sánh biết có chỗ đến, thấy có chỗ đến là biết trước đó có sự khởi hành; như thấy có người phụng sự vua đúng như pháp thì so biết người ấy sẽ được bổng lộc địa vị cao; thấy bổng lộc địa vị cao so biết trước đó đã thờ vua đúng như pháp.
Ba lượng tám thức phân biệt:
Năm thức trước chỉ là hiện lượng, vì năm thức trước hiện chứng cảnh, không phải tâm hạnh giải, đắc tự tính của pháp tự nhiên chuyển.
Ý thức thứ sáu gồm cả ba lượng, chia làm hai loại:
1- Minh liễu ý thức, đồng duyên với năm thức trước gồm cả ba lượng: niệm ban đầu đắc tự tính của năm trần là hiện lượng; niệm thứ hai là lúc khởi tâm tri giải, nếu phân biệt cảnh không sai là tỷ lượng. Nếu tâm sở không đúng với cảnh nhận biết là phi lượng.
2- Độc đầu ý thức có ba thứ:
a- Tán vị độc đầu, cũng gồm ba lượng, phần nhiều là tỷ lượng. Nếu duyên hiện lượng, đây được năm thức dẫn khởi độc tán ý thức, nói rằng nơi niệm thứ nhất duyên năm trần cảnh được năm thức trước duyên tự tính của nó gọi là hiện lượng.
b- Định trung độc đầu, chỉ là hiện lượng,
c- Mộng trung độc đầu, chỉ là phi lượng. Nếu kiến phần chỉ là phi lượng, hai phần bên trong là hiện lượng.
Thức mạt-na thứ bảy căn cứ hữu lậu chỉ là phi lượng, vọng chấp kiến phần thức thứ tám là ngã, là pháp, cho nên xưa nay kiến phần thức thứ tám là vô ký bạch tịnh nhưng chẳng phải là ngã. Nay bị thức thứ bảy vọng chấp là ngã, chẳng đúng với cảnh nhận biết nên gọi là phi lượng; như hai phần bên trong thức thứ bảy chỉ là hiện lượng.
Thức a-lại-da thứ tám đồng với năm hiện lượng như đã giải ở trên.
Hỏi: Chân hiện lượng và tợ hiện lượng làm sao phân biệt ?
Đáp: Người xưa giải thích hiện lượng có hai: chân và tợ.
* Chân hiện lượng: thể là thân năm thức, ngũ câu ý thức, các tự chứng phần, các định tâm, cả thức thứ tám. Các tâm, tâm sở này có sáu nghĩa gọi là hiện: một là hiện hữu, lược bỏ lông rùa, hai là hiện tại, lược bỏ quá khứ, ba là hiển hiện, lược bỏ chủng tử không có tác dụng, bốn là hiện ly chiếu hiện gọi là hiện, nghĩa là tâm năng duyên hành tướng xa lìa các phân biệt, nghĩa là lìa tùy niệm đo lường chủng loại danh ngôn và tâm phân biệt.
Luận Nhân Minh nói: “Hiện lượng trong đó là vô phân biệt”.
Giải thích: Là hiển thị năng duyên hành tướng chẳng đo lường, tự nhiên theo nhân, chiếu hợp tiền cảnh.
Năm là minh hiện, nghĩa là các định tâm lặng lẽ tùy duyên cảnh nào là chứng minh cảnh ấy gọi là hiện lượng.
Sáu là thân hiện, nghĩa là khế hợp tự thể. Nếu tất cả tán tâm gần gũi cảnh rõ tự thể sai khác đều gọi là hiện lượng.
Hai nghĩa minh hiện và thân hiện lược bỏ các tà trí v.v… như con mắt bệnh thấy hoa đốm… Tuy lìa phân biệt mà duyên tự nhiên nhưng không thể minh chứng các cảnh khế hợp tự thể nên chẳng phải hiện lượng.
* Tợ hiện lượng: Theo lý thì có năm thứ trí đều gọi là tợ hiện lượng:
1- Tán tâm duyên quá khứ.
2- Độc ý duyên hiện tại.
3- Tán ý duyên vị lai.
4- Duyên tam thế nghi trí.
5- Duyên hiện tại chư hoặc loạn giải.
Các tâm này vì hay duyên hành tướng có suy lường, vì đều chẳng lấy tự tướng làm cảnh, vì tùy theo chỗ bị phân biệt chuyển nên gọi là tợ hiện lượng.
Tợ hiện lượng có hai thứ:
1- Không tâm phân biệt, nghĩa là người ngu hồn nhiên thấy hoa đốm v.v… tuy không phân biệt nhưng chẳng minh chứng cảnh nên gọi là tợ hiện lượng.
2- Có tâm phân biệt, hiện tại vướng mắc danh ngôn chẳng được tự tướng của pháp mà lầm cho là rõ ràng được tự thể của cảnh gọi là tợ hiện lượng.
Lại nói: “Nam nữ trời đất v.v… thấy là nhất hợp tướng gọi là tợ hiện lượng”. Đây là các duyên hợp lại, như gom các vật nhỏ thành sắc chất, hợp năm ấm để thành con người gọi là nhất hợp tướng. Thấy như thế tức là có trí phân biệt đối với nghĩa sai biệt chuyển nên gọi là tợ hiện lượng. Chân hiện lượng là như nhất hợp tướng, tướng ấy bất khả đắc.
Kinh Kim Cang nói: “Như Lai nói nhất hợp tướng là chẳng phải nhất hợp tướng”. Vì do duyên hợp nên không có tự tính. Tính của vô tính là lý sở chứng. Biết như thế là chính trí sinh, là chỗ tự tướng chuyển gọi là chân hiện lượng; lại lấy sạch dấu vết năng chứng sở chứng là chân hiện lượng, nghĩa là nếu có trí ngoài như hợp với như là vẫn còn sở đắc chẳng phải chứng chân thật, năng sở đều bặt mới là chân hiện lượng.
Luận Duy Thức nói: “Đối với trí sở duyên đều vô sở đắc, khi ấy trụ duy thức, vì lìa hai tướng chấp thủ”.
Kinh nói: “Cũng không có trí ngoài như có thể chứng như”. Đây là chân hiện lượng. Thế nên mọi sinh hoạt của Phật đều trong hiện lượng.
Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà-la-ni ghi: “Như Lai đều biết hơi thở ra vào, các thức ăn uống, các thứ của cải, các thứ tướng mạo, các thứ căn khí, các thứ hạnh giải, các thứ tâm tính của chúng sinh; chết đây sinh kia, trong sát-na luôn thay đổi, sinh diệt tương tục, Như Lai đều biết tất cả bằng hiện lượng, chẳng phải biết bằng tỷ lượng”. Hiện lượng như thế nào ? Biết đúng như thật mà không động niệm, chẳng phải tâm trôi chảy vào quá khứ. Lúc biết như thế, trí tuệ đầy đủ, tùy theo tâm chúng sinh thuyết pháp.
Hỏi: Bản thức biến tợ căn thân, khí thế gian v.v… là tự biến hay là cộng biến ?
Đáp: Đây có bốn trường hợp: 1- Cộng biến trong cộng, 2- Bất cộng biến trong cộng, 3- Bất cộng biến trong bất cộng, 4- Cộng biến trong bất cộng.
Luận Duy Thức nói: “Cộng biến nghĩa là dị thục thức do chủng tử cộng tướng được thành thục nên thức tợ tướng khí thế gian như sắc v.v…, tức là đại chủng bên ngoài và sắc sở tạo, tuy sự biển hiện của loài hữu tình đều sai biệt nhưng tướng thì tương tợ, nơi chốn không khác, như các ngọn đèn sáng chiếu khắp dường như một ngọn đèn.
Giải thích:
Ý nói: Do tự chủng tử làm nhân duyên, bản thức biến ra tướng khí thế gian, chỉ là bên ngoài chẳng phải tình. Đây là sắc năng tạo và sở tạo vì ở bên ngoài nên nói là đại chủng bên ngoài, chẳng phải pháp ngoài tâm.
Vả lại, các chủng tử gồm có hai thứ:
1/ Cộng tướng là do nhiều người cảm được. Tuy biết những biến hiện sai biệt của người là duy thức nhưng có nghĩa tương tợ cùng thọ dụng, gọi là cộng tướng, thật sự chẳng phải do thức của mình biến ra mà người khác có thể sử dụng. Nếu có thể sử dụng, đây gọi là duyên pháp ngoài tâm. Nhưng vật của mình làm tăng thượng duyên khiến nhiều người có thể hưởng chung gọi là cộng như núi sông v.v…
2/ Bất cộng tướng: Nếu theo lý duy thức, chỉ tự tâm mình biến gọi là bất cộng tướng. Tất cả đều do thức người khác biến là vật của người, mình không thể sử dụng, cũng gọi là bất cộng tướng. Nay căn cứ chính mình có thể thọ dụng, người khác không thể thọ dụng gọi là bất cộng như nô tỳ v.v…
Giải thích:
Trong cộng có hai:
1- Cộng trong cộng: như núi sông v.v… chẳng phải chỉ một loài sử dụng mà các loài khác cũng sử dụng được. Duy Thức Nghĩa Cảnh nói: “Cộng trong cộng là nhiều thức cùng biến gọi là cộng, thức đã cùng thọ dụng còn gọi là cộng”.
Duy Thức Sao nói: “Nghĩa là nhiều loài hữu tình sắc do thức biến cùng ở một chỗ xen nhập lẫn nhau, tướng nó tương tợ cùng chung thọ dụng gọi là cộng trong cộng. Chữ cộng trước là y cứ sở duyên duyên, chữ cộng sau là y cứ tăng thượng duyên. Đó là núi sông vô chủ; nếu có chủ thì thuộc về bất cộng trong cộng.
2- Bất cộng trong cộng: như ruộng vườn nhà cửa của mình; quỉ thấy là lửa dữ, người thấy là nước, các loài khác không thể thọ dụng.
Trong bất cộng tướng cũng có hai thứ:
1- Bất cộng trong bất cộng: như con mắt của mình mình sử dụng, người khác không sử dụng được.
2- Cộng trong bất cộng: như phù căn trần mình và người đều có nhưng mỗi người riêng thọ dụng, đây là cộng trong bất cộng.
Như các ngọn đèn sáng chiếu soi khắp dường như một ngọn đèn, đây giải thích quả chung cùng ở một chỗ, không chướng ngại nhau, nghĩa là tướng khí thế gian như ngọn đèn sáng cùng ở trong một ngôi nhà, mỗi ngọn đèn đều tự chiếu sáng khắp nhà, tướng nó tương tợ, nơi chốn không khác. Đây làm sao biết mỗi ngọn đèn chiếu khắp ? Khi bỏ đi một ngọn đèn, ánh sáng thường khắp. Nếu gom chung làm một thì khi bỏ đi một ngọn đèn thì ánh sáng chẳng còn. Lại xen nhập nhau mà không cách ngại nhau nên thấy dường như một, vì đặt nhiều ngọn đèn sáng thì bóng người cũng nhiều.
Lại nói:
1- Bất cộng biến trong bất cộng, như năm căn nhãn v.v… chỉ từ thức thứ tám, trong đó có niệm tâm cuối cùng lúc gá vào di thể của cha mẹ biến hiện gọi là bất cộng, vì chỉ từ thức thứ tám biến. Lại chỉ tự thọ dụng nên gọi là bất cộng, như nhãn thức chỉ nương vào nhân căn phát khởi, cho đến thân thức nương vào thân căn v.v…
2- Cộng biến trong bất cộng, là phù trần căn bên trong mới đầu chỉ từ thức thứ tám biến hiện gọi là bất cộng biến; sau khi sinh ra người khác cũng có thể thọ dụng gọi là cộng.
Hỏi: Nếu cho thọ dụng phù trần căn của người khác làm sao gọi là duy thức, vì ngoài tâm có pháp ?
Đáp: Lúc thọ dụng phù trần căn của người khác, tự thức trước tiên biến ra một lớp tướng phần trên thân người khác; lúc thọ dụng trở lại thọ dụng tự tướng phần, ngoài tâm không pháp được thành duy thức.
Hỏi: Nếu nói thọ dụng tự tướng phần thì giết người do đâu bị tội địa ngục, vì là giết tự tướng phần ?
Đáp: Tướng phần của mình và tướng phần của người cùng ở trên thân người, giết tướng phần của mình cũng có thể khiến cho tướng phần năm căn của người hoại diệt nên bị tội.
3- Cộng biến trong cộng, như núi, sông, đất đai, mọi người chung nghiệp lực biến và cũng chung thọ dụng.
Hỏi: Nhiều người chung biến gọi là cộng, như có một cội cây do thức của hai mươi người cùng biến, có hai mươi lớp tướng biến, chợt bị người chặt cây ấy thì tướng phần của người này không có thể gọi là duy thức, tướng phần của mười chín người kia cũng không, lẽ ra chẳng phải duy thức, vì tự mình không chặt cây ?
Đáp: Tướng phần của một người chặt cây là sở tùy, tướng phần của mười chín người còn lại là năng tùy. Tướng phần năng tùy hẳn phải dựa vào sở tùy nên sở tùy đã không thì năng tùy cũng diệt. Do nghĩa này cũng gọi là duy thức, cho nên luận Du-già nói: “Nghiệp tương tợ sinh, nghiệp tùy thuận chuyển”. Nghĩa là lúc mọi người chung nghiệp biến thì gọi là nghiệp tương tợ; tướng phần của nhiều người bị một người thọ dụng thì gọi là tùy thuận nghiệp chuyển, vì cùng biến cùng thọ dụng.
4- Bất cộng biến trong cộng, như ruộng vườn, nhà cửa, vợ con do thức thứ tám của nhiều người chung biến được gọi là cộng. Nếu lúc thọ dụng, chỉ có sáu thức trước của mình thọ dụng, không bao gồm người khác đây gọi là bất cộng. Lại như một thứ nước ứng với bốn tâm này theo nghiệp thấy sai biệt.
Hỏi: Các thức đều biến ra căn của chính mình, có biến ra căn của người khác không ?
Đáp: Chỉ biến tợ căn và y xứ của người, vì căn của người đối với mình vô dụng.
Luận tụng:
Thức sinh nghĩa biến tợ
Hữu tình, ngã, cập liễu
Cảnh thực ra chẳng có
Cảnh không nên thức không.
Giải thích:
Tám thức sinh nghĩa biến tợ tức là năm trần, nghĩa là cảnh vì y nơi pháp khác dường như thật có.
Biến tợ hữu tình là số pháp chúng sinh năm căn. Tình là căn, gọi là tát-đỏa.
Biến tợ ngã là mạt-na năng biến.
Cặp liễu là sáu thức duyên liễu, tức là thức thứ tám duyên hai sắc căn và trần, thức thứ bảy duyên ngã, sáu thức trước duyên sự hiểu biết pháp nghĩa của sáu trần. Luận nói: “Có nghĩa chỉ hay biến tợ y xứ, căn của người đối với mình vô dụng, tợ tự tha thân năm căn hiện là nói tự tha thức đều là tự biến”. Đây chỉ biến căn và y xứ của người, vì căn của người đối với mình vô dụng. Nếu vô dụng cũng biến sao chẳng biến bảy thức, vì dụng vô duyên lự mà được duyên. Nếu vậy nói tự tha căn hiện làm sao hiểu ? Nói rằng thức a-lại-da tự tha đều tự biến làm căn, chẳng phải chính mình biến ra căn người khác, một là vô dụng chẳng biến ra căn người khác, hai là do bất định nói rằng bản thức chính mình biến ra căn người khác, không thể chứng minh.
Hỏi: Sắc từ thức biến, cõi vô sắc không sắc làm sao nói biến ?
Đáp: Những gì chúng sinh hạ giới thấy là nghiệp quả sắc; cõi vô sắc hiện cảnh là định quả sắc, đều chẳng lìa tâm. Ngài Từ Ân nói: “Bởi trong định biến ra thân khác”. Luận Du-già nói: “Cõi trời sắc, vô sắc biến ra vạn ức thân cùng đứng trên đầu lông”, là tâm bình đẳng, vô sắc đã không có thần thông lực, chỉ là định lực.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tỷ căn của Bồ-tát ngửi được mùi hương cung điện cõi vô sắc”.
Kinh A-hàm nói: “Lúc Xá-lợi-phất vào niết-bàn, chư thiên cõi trời sắc, vô sắc khóc như mưa; lúc Ba-xà-ba-đề nhập niết-bàn, chư thiên cõi trời sắc, vô sắc đứng bên đức Phật”.
Cảnh định trong thật sắc là năng lực của cảnh sở biến tương tục hay gián đoạn ? Nếu nội thân thì phần nhiều tương tục, phần ít gián đoạn, bởi có sinh một niệm liền mạng chung như con phù du mới sinh ra liền chết. Nếu lúc biến ngoại cảnh thì phần lớn dài lâu, theo nghiệp lực tự nhiên biến.
Hỏi: Bản thức duyên pháp nào ?
Đáp: Thức duyên thật pháp, chẳng duyên giả pháp.
Ngài Từ Ân hỏi: Bản thức đâu chẳng duyên bốn sắc cực lược v.v… ?
Đáp: Vì giả nên chẳng duyên, như pháp bất tương ưng. Luận Đối Pháp nói: “Cực lược, cực hướng chỉ là ý thức thứ sáu, vì có thể chia làm cực nhỏ, nên thức thứ tám không duyên. Trong sắc do thọ dẫn khởi, nếu quyết định cho rằng cộng sắc thì đây chẳng duyên. Chỉ vì cho hiện hành là thể nên sắc do biến kế khởi chỉ là bóng trong gương, trăng đáy nước, đây cũng chẳng duyên, vì chỉ là thức thứ sáu biến kế khởi. Lại trong sắc do định sinh ra như mười nhất thiết xứ quán cũng chẳng duyên sắc giả tưởng. Cho nên luận văn này chỉ duyên thật sắc chẳng duyên giả sắc. Vì có dụng thức thứ tám mới duyên; không dụng thức thứ tám chẳng duyên. Nhưng pháp thể có hai: một là hữu pháp, hai là vô pháp, vì sao thức thứ tám chẳng duyên vô pháp. Đây hồn nhiên duyên chẳng phân biệt, chẳng suy lường; vì hậu đắc trí v.v. .. có suy lường, sáu thức v.v… có phân biệt. Do đây biết thể của thức thứ tám không duyên ngã. Thức thứ tám biến, vì biến hẳn phải có dụng, chẳng duyên vô dụng, vô dụng nên chẳng duyên ngã, vì không có thể dụng.
Trong pháp đại lược có hai thứ: một là hữu vi, hai là vô vi, vì sao thức này chẳng duyên vô vi ? Hoặc vì chưa chứng thật vô vi, hoặc giả vô vi không có thể dụng thì đều chẳng duyên.
Hỏi: Thức hữu lậu có mấy thứ biến ?
Đáp: Đại khái có hai thứ: một là nhân duyên biến, hai là phân biệt biến. Luận Duy Thức nói: “Thức hữu lậu ước lược có hai thứ biến: một là tùy thế lực nhân duyên nên biến, hai là tùy thế lực phân biệt nên biến”.
Giải thích:
Nhân duyên sinh, nghĩa là do nghiệp trước và danh ngôn chủng tử thật có thế lực chỉ là tâm nhiệm vận, chẳng phải do tác ý, tâm ấy liền sinh, tức là thức thứ tám, năm thức trước tùy theo cái nhân tăng trưởng dị thục làm duyên, danh ngôn chủng làm nhân, nên biến ra cảnh.
Phân biệt biến, nghĩa là tác ý sinh tâm, là tâm suy lường, tức là thứ thứ sáu, thức thứ bảy tùy phân biệt tác ý sinh. Do đây lúc thức thứ sáu, thứ bảy duyên bóng dáng tướng phần không có thật thể chưa hẳn có dụng, ban đầu theo nhân duyên biến hẳn có thật thể dụng tức là cảnh do thức thử tám và năm thức trước biến ra. Về sau theo phân biệt biến chỉ có thể làm cảnh, không có dụng là thức thứ bảy v.v…
Lại giải:
Ban đầu chỉ thức thứ tám vì dị thục sinh, vì chỗ sở huân, vì hay giữ gìn chủng tử nên biến ắt có dụng, về sau bảy thức còn lại biến hiện sắc v.v… đều không có thực dụng dường như bản chất dụng, như ánh sáng trong gương. Tính cảnh trong ba cảnh chẳng theo tâm thuộc về nhân duyên biến, độc ảnh, đới chất đều thuộc phân biệt biến.
Lại luận nói: “Dị thục thức biến chỉ theo nhân duyên, sắc được biến ắt có thật dụng, nếu biến tâm v.v… thì không có thật dụng, vì tướng phần tâm v.v… không thể duyên. Hiển biến sắc v.v… từ chủng tử thật sinh nên pháp sở biến ắt có thể dụng. Nếu tướng phần tâm tâm sở như tâm biến hóa v.v… thì chẳng duyên, duyên thì không có dụng”.
Kinh Giải Thâm Mật nói: “Các tâm biến hóa không có tâm y tự, có tâm y tha”.
Luận Phật Địa nói: “Không có tâm tự duyên lự thật thể, có tâm tợ lự theo tướng phần do kiến phần biến ra”, như ánh sáng trong gương, đây là phân biệt biến.
Phân biệt bốn trường hợp:
1- Nhân duyên biến chẳng phải phân biệt biến, là tâm, tâm sở của năm thức và tâm vương thức thứ tám là tướng phần sở duyên, vì từ chủng tử chính mình sinh.
2- Chỉ là phân biệt biến chẳng phải nhân duyên biến, là thức thứ bảy hữu lậu và năm tâm sở của thức thứ tám là tướng phần sở biến, chỉ do tâm phân biệt sinh.
3- Đều phải, là thức thứ sáu hữu lậu và thức thứ tám vô lậu, vì có thể duyên cả pháp giả pháp thật.
4- Đều chẳng phải, là bất tương ưng hành, vì không có thật thể nên chẳng cùng năng duyên đồng chủng tử sinh.
Hỏi: Trong bốn pháp thiện, bất thiện, hữu phú vô ký, vô phú vô ký, thức này thuộc pháp nào ?
Đáp: Luận nói: “Thức này chỉ là vô phú vô ký”. Vì thức này là dị thục tính nếu thiện nhiễm thì lưu chuyển hoàn diệt lẽ ra chẳng thành. Vì thức này là thiện nhiễm y, nếu thiện nhiễm chống trái nhau thì lẽ ra chẳng cùng với “đều phải” và “đều chẳng phải” làm sở y. Vì thức này là tính sở huân, nếu thiện nhiễm như mùi rất thơm hoặc rất thối lẽ ra không cần huân, vì không huân tập nên nhân quả nhiễm tịnh không thành, đây là vô phú vô ký. Phú là pháp nhiễm, vì chướng Thánh đạo, lại hay che lấp tâm làm cho bất tịnh; thức này chẳng phải nhiễm nên vô phú. Ký là thiện ác, có quả ái và phi ái và đặc biệt tự thể có thể ghi nhớ; thức này chẳng phải thiện ác nên vô ký. Xúc v.v… cũng thế, nghĩa là thức a-lại-da chỉ thuộc về tính vô phú vô ký; xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư cũng thế, vì các pháp tương ưng hẳn đồng tính.
Giải thích:
Nếu dị thục là tính thiện nhiễm thì lưu chuyển hoàn diệt lẽ ra chẳng thành, loài thiện đã là thiện lẽ ra chẳng sinh bất thiện, hằng sinh thiện thì chẳng bị lưu chuyển. Loài ác do nghiệp trôi theo sinh tử, do khổ nên bị sinh tử chuyển. Loài ác đã luôn làm ác lẽ ra không hoàn diệt, do đạo nên hoàn, do diệt nên diệt.
Thức này là thiện nhiễm y, thức này đã là chủ của quả báo, đã luôn là thiện lẽ ra không nương cái ác. Cái ác này lẽ ra chẳng nương cái thiện vì chống trái nhau.
Nếu thiện nhiễm như mùi rất thơm hoặc rất thối lẽ ra không cần huân, thức này chỉ là tính vô ký có thể nhận sự huân tập. Đã không huân tập thì không có chủng tử. Chủng tử nếu không tức là không nhân. Nhân đã không thì quả cũng không, đây chỉ là vô phú vô ký. Vô ký có ba:
1- Tương ưng vô ký: là các tâm, tâm sở pháp vô ký.
2- Bất tương ưng vô ký: là các sắc pháp bất tương ưng vô ký.
3- Chân thật vô ký: là hư không phi trạch diệt.
Nói rộng có bốn thứ vô ký:
1- Năng biến vô ký: là các tâm, tâm sở pháp vô ký.
2- Sở biến vô ký: là các sắc pháp và các chủng tử.
3- Phần vị vô ký: là phần vị pháp vô ký giả lập trong 24 bất tương ưng hành.
4- Thắng nghĩa vô ký: là hư không phi trạch diệt vô vi.
Y cứ vào năng biến vô ký lại có bốn thứ vô ký: 1- dị thục, 2- uy nghi, 3- công xảo, 4- biến hóa.
– Dị thục vô ký: Dị là biệt dị, tức tính nhân quả khác biệt, nhân gồm cả thiện ác, quả chỉ là vô ký. Thục là thành thục, đây chỉ thục quả, nhân quả nói chung là dị thục. Vô ký là không thể ghi nhớ đương quả, hoặc không ghi nhớ thiện ác.
Nghiệp này cảm chân dị thục vô ký là thức thứ tám. Nghiệp là hai tư tâm sở thiện ác. Cảm là nghĩa tập họp, chiêu vời. Vì hiện hành tư tâm sở này hay tạo tác tập họp chiêu cảm quả hiện hành của năm uẩn dị thục vị lai nên gọi là nghiệp cảm.
Nói chân là nghĩa thật, lược bỏ mạng căn tuy là dị thục nhưng là giả. Lại chân còn là nghĩa thường, thể thường tương tục không gián đoạn. Ở khắp cõi đất gọi là chân dị thục vô ký. Nếu pháp thể là dị thục từ dị thục thức khởi mà không gián đoạn và ở khắp cõi đất gọi là chân dị thục, cũng gọi là dị thục sinh. Nếu pháp thể là dị thục từ dị thục thức khởi có gián đoạn và không ở khắp cõi đất thì chỉ gọi là dị thục sinh, không được gọi chân dị thục, tức là lược bỏ thể của sáu thức. Nếu pháp thể chẳng phải dị thục, lại có gián đoạn, lại chẳng ở khắp cõi đất, tuy từ dị thục thức khởi nhưng không được gọi là chân dị thục, chỉ được gọi là dị thục sinh. Nếu oai nghi, công xảo, biến hóa tuy có năng tác nhưng chẳng chiêu lấy quả thiện ác nên gọi là vô ký.
Hỏi: Thức a-lại-da nếu thường thì không chuyển biến, nếu đoạn thì chẳng tương tục, làm thế nào hiểu đúng chính lý ?
Đáp: Bất nhất, bất, dị, phi đoạn, phi thường mới khế hợp chính lý nhân duyên duy thức. Luận Duy Thức nói: “Thức này phi đoạn, phi thường, vì hằng chuyển”.
Hằng nghĩa là từ vô thỉ đến nay, thức này một loại tương tục thường không gián đoạn; vì là gốc sinh ra các loài, vì tính giữ gìn chủng tử không để mất.
Chuyển nghĩa là từ vô thỉ đến nay, thức này niệm niệm sinh diệt trước sau biến đổi, vì nhân diệt quả sinh chẳng phải thường nhất, vì có thể làm chuyển thức huân tập thành chủng tử.
Hằng là nói để ngăn đoạn; chuyển là hiển thị chẳng phải thường, như dòng thác, pháp nhân quả cũng thế như dòng thác chẳng phải đoạn, chẳng phải thường, luôn luôn tương tục nhưng có chìm đắm; thức này cũng thế từ vô thỉ đến nay sinh diệt tương tục phi thường phi đoạn, làm chìm đắm hữu tình khiến không thể ra khỏi.
Lại như cuồng phong làm dậy sóng khiến dòng nước không dứt, thức này cũng thế, tuy gặp các duyên khởi nhãn thức v.v… mà luôn tương tục.
Lại như cỏ, cây, cá theo dòng nước không rời, thức này cũng thế, các pháp bên ngoài cùng tập khí bên trong luôn theo nhau chuyển.
Pháp dụ như thế, ý hiển thị thức này nhân quả vô thỉ chẳng phải đoạn thường, nghĩa là tính của thức này vô thỉ đến nay từng sát-na quả sinh nhân diệt. Quả sinh nên chẳng đoạn, nhân diệt nên chẳng thường. Chẳng đoạn chẳng thường là lý duyên khởi, cho nên nói thức này hằng chuyển như dòng thác.
Giải thích:
Nhất loại là nghĩa thường vô ký. Tương tục là nghĩa chưa từng gián đoạn. Gốc sinh các loài là nương thức này bày ra tam giới, ngũ thú, tứ sinh. Vì là dẫn quả nên thức là gốc sinh ra các loài. Nhân diệt quả sinh chẳng phải thường nhất, vì tính nhân quả đơn giản chẳng phải ngã. Có sinh diệt nên chẳng phải thường chẳng phải tự tính. Pháp thường nhất không có nhân quả. Nếu không nhân quả là đoạn thường. Vì là thường như hư không lẽ ra chẳng nhận huân. Nếu chẳng nhận huân thì không có sinh tử, niết-bàn sai biệt. Nếu nhận huân thì phải có đủ bốn nghĩa: 1- vô ký, 2- kiên trụ, 3- khả huân, 4- phi thường nhất.
Bốn tương ưng này có thể làm chuyển thức huân.
Hỏi: Thức này đã nói hằng chuyển như dòng thác nhất định có sinh diệt khứ lai chăng ?
Đáp: Thức này không giữ lấy tự tính mà tùy duyên chuyển biến, dường như có lưu chuyển mà thật ra không sinh diệt, cũng chẳng khứ lai, như nước lặng nổi bọt toàn là nước, hoa đốm sinh nơi hư không hoa đốm toàn là hư không. Thức tính chưa từng khứ lai, hư không đâu từng sinh diệt.
Đại sư Mã Tổ nói: “Những nơi ta đã sinh sống như ruộng vườn, nhà cửa, cha mẹ, anh em v.v…khởi niệm liền thấy. Tâm này xưa nay chẳng đến đi, chớ nói khi thấy những việc ấy là tâm có đến đi. Tâm tính vốn không đến đi cũng không khởi diệt”. Ngày nay thấy nơi ta đã sinh sống, cha mẹ quyến thuộc của ta là những cảnh ngày xưa ta từng thấy rồi ghi giữ lại trong tạng thức thứ tám, chẳng phải hôm nay tâm đến đi, nên gọi là chủng tử thức, cũng gọi là hàm tàng thức. Cái cất giữ những gì thấy trước kia là thức tính rỗng suốt, niệm niệm tự thấy, gọi là tuần cựu thức, cũng gọi là lưu chú sinh tử. Thức này niệm niệm tự lìa không cần đoạn diệt, nếu diệt tâm này gọi là đoạn tuyệt chủng tính Phật. Tâm này vốn là thể của chân như, Như Lai tạng sâu kín này cùng hiện hữu với bảy thức”. Phó đại sĩ nói: “Tâm tính không đến cũng không đi, duyên lự lưu chuyển không ngừng nghỉ”.
Lại tâm không nơi chốn nên nói không ngừng nghỉ. Tâm thể thực sự không đến đi, những việc làm trước kia thấy biết rõ ràng, tính tự rỗng suốt, thể không đi, không dừng chẳng cần trừ diệt tâm này. Nếu biết tâm này vốn là Phật thể, chẳng ngại ngày nay có. Vì chẳng biết tâm này, người ta cho nó là vọng nên cả ngày trừ diệt nó nhưng không thể diệt được. Dù dứt được tâm này chứng quả Thanh văn cũng chẳng phải cứu cánh như những việc của chư Phật Hằng sa kiếp trong quá khứ thấy như ngày hôm nay. Tính chân như linh thông tự tại chiếu dụng vô biên, không giống như vật vô tình. Phật tính là cái gì sống động không ngu ngơ vô tri, chỉ là không có tâm suy lường tạo tác như huyễn, như hóa, như hình nộm, mọi nơi không vướng mắc, không chấp trước, không tìm cầu, mọi lúc không có một pháp để được.
Hỏi: Thức a-lại-da đã là nhân của tất cả pháp, còn gọi là dẫn quả, vậy pháp nhân quả là thật có hay là giả lập ?
Đáp: Đều từ thức biến nên là giả lập. Luận nói: “Chính lý này sâu xa vi diệu ly ngôn, những lời nói nhân quả đều giả lập”. Quán pháp hiện tại đưa đến tác dụng về sau nên giả lập quả đương lai, đối lại nói nhân hiện tại. Quán pháp hiện tại có sự đáp ứng tướng trước nên giả lập nhân quá khứ, đối lại nói quả hiện tại.
Giả nghĩa là hiện thức dường như tướng kia hiện, như vậy lý thú nhân quả hiển nhiên, xa lìa nhị biên khế hội trung đạo, những người có trí nên thuận theo tu học.
Giải thích:
Nay nói tự tướng của các pháp ly ngôn, nghĩa là quán ba đời chỉ có pháp hiện tại, quán pháp hiện tại có công dụng hay đưa đến quả vị lai. Quả vị lai tuy không nhưng pháp hiện tại có dẫn khởi công năng của nó. Hành giả tìm thấy trên pháp hiện tại có công dụng này. Quán pháp quả này, tâm liền biến thành tướng vị lai. Đây dường như vị lai mà thật là hiện tại, là tạm nói vị lai được biến này gọi là đương quả. Đối với quả quả có ở vị lai này mà nói pháp hiện tại là nhân. Quả vị lai này là quán công năng pháp hiện tại mà giả biến. Nhân kia cũng thế, quán pháp hiện tại có sự đáp ứng tướng trước tức là biến tướng của dị thục. Quán chỗ sinh này năng biến là quá khứ, thật chẳng phải quá khứ mà là hiện tại. Tạm nói sở biến là pháp hiện tại, tức là đối với cái giả này từng có nhân quá khứ, mà nói hiện tại là quả, nhưng thật ra sở quán chẳng phải nhân, chẳng phải chẳng nhân, chẳng phải quả, chẳng phải chẳng quả. Vì tính của nhân ly ngôn nên thật chẳng phải nhân, vì có công năng nên chẳng phải chẳng nhân. Quả cũng như thế.