Tịnh Độ Tân Luận
淨土新論
 Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Quán Tạng tập chú
Thích Pháp Chánh dịch Đại sư


Tường Quang Tùng Thư
Phật lịch 2562 – TL 2018

 

A8. Xưng danh và niệm Phật.

Xưng danh và niệm Phật, các học giả Trung Quốc, đem chúng hợp làm một, nhưng trong kinh điển, niệm Phật là niệm Phật, xưng danh là xưng danh, xưa nay vốn khác biệt. Bàn đến Phật pháp, xưa nay vốn nhất vị (vốn không phân biệt Đại, Tiểu), y vào sự giáo hóa của đức Thế Tôn làm nền tảng, nhân vì thích ứng căn cơ (Hán: cơ nghi 機宜) của chúng sinh, tiểu tâm tiểu hạnh là Tiểu thừa, đại tâm đại hạnh là Đại thừa. Tuy pháp môn có sự khác biệt Đại Tiểu, nhưng yếu nghĩa của Phật pháp vẫn là bắt nguồn từ Phật pháp nhất vị mà đến. Niệm Phật và xưng danh cũng giống như vậy.

Niệm Phật là thiền quán, là Niệm Phật Tam Muội, đây là pháp tu chung cho Đại Tiểu thừa. Luận Đại Trí Độ, quyển bảy, nói: “Niệm Phật Tam Muội có hai loại: (1) Trong pháp Thanh văn, đối với một thân Phật, tâm nhãn thấy khắp mười phương. (2) Trong pháp Bồ tát, trong vô lượng Phật, niệm chư Phật mười phương ba đời.” Sự sai biệt căn bản giữa Đại thừa và Tiểu thừa vẫn là sự bất đồng “có thập phương Phật hay không có thập phương Phật.” Mật tông tu tập Thiên (Bổn tôn) sắc thân cũng là Niệm Phật Tam Muội. Chẳng qua bổn tôn mà họ tu tập vốn từ Phật mà chuyển thành Bồ tát, từ Bồ tát chuyển thành các thân phẩn nộ của dược xoa la sát cho nên không nói là quán Phật mà nói là tu Thiên

(Bổn tôn). Trong tam muội thấy Phật, Phật vì họ quán đảnh, thuyết pháp. Điều này trong Đại thừa và Tiểu thừa, Hiển giáo và Mật giáo đều giống nhau. Pháp quán thứ mười tám trong Kinh Thiền Bí Yếu Pháp (quyển trung) do ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch, và Trị đẳng phần pháp trong Kinh Tọa Thiền Tam Muội (quyển thượng) cũng do ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch đều là pháp Niệm Phật Tam Muội của Thanh văn. Còn phần chuyên niệm sinh thân, pháp thân của mười phương chư Phật (quyển hạ) là pháp Niệm Phật Tam Muội của Đại thừa. Lại như, trong Tư Duy Lược Yếu Pháp nói về đắc quán tưởng định, sinh thân quán pháp, pháp thân quán pháp là chung với Thanh văn. Kế đến nói Thập phương chư Phật quán pháp, quán Vô Lượng Thọ Phật pháp tức là Niệm Phật Tam Muội của Đại thừa. Lại còn Ngũ Môn Thiền Kinh Yếu Dụng Pháp do ngài Đàm Ma Mật Đa phiên dịch vào đời Tống cũng nói đến Niệm Phật Tam Muội của Đại Tiểu thừa. Nếu muốn biết thứ đệ tu hành Niệm Phật Tam Muội có thể đọc những bộ thiền kinh này. Kinh Bát Chu Tam Muội cũng có thứ đệ tu thiền, chúng ta có thể y vào đó để tu tập. Kinh Quán Vô Lượng Thọ y vào mạn đà la mặt trời lặn để sinh khởi cảnh giới trang nghiêm của thế giới Cực Lạc đều là quá trình tu hành Niệm Phật Tam Muội. Tất cả đều cần phải chuyên tu định tuệ thì mới có thể thành tựu.

Sự trì danh niệm Phật thông thường, kinh luận gọi là xưng danh. Xưng danh vốn không phải là phương pháp tu hành trong Phật giáo mà là nghi thức tôn giáo trong sinh hoạt thường nhật của hàng đệ tử Phật. Như đệ tử Phật quy y Tam bảo, lúc quy y lễ kính thường xưng “Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng.” Một phần Thanh văn và Đại thừa giáo có mười phương Phật thì họ có thể phân biệt [những vị Phật khác nhau] mà xưng “Nam mô …… Phật.” Đệ tử Phật thường hay xưng danh, đặc biệt là lúc lễ Phật. Cho nên xưng danh hiệu Phật có sự liên quan đến việc lễ kính và xưng dương tán thán chư Phật. Đây đều là tâm tình thành kính quy y đức Phật được biểu hiện bằng hành vi của thân và miệng.

Niệm Phật vốn đã có trong Kinh A Hàm, như tam tùy niệm: niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng; hoặc thêm niệm thí, niệm thiên, niệm giới thì gọi là lục niệm. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng đề cập đến pháp lục niệm. Đây là sự “niệm” do hệ tâm tư duy. Y cứ vào kinh luật nói: Đệ tử Phật, lúc đang bị bệnh khổ, hoặc đang lúc ở nơi hoang dã cô độc, không có đồng bạn, hoặc khi biệt ly với người thân, hoặc lúc bị sợ hãi uy hiếp (như trong Phật Pháp Khái Luận có dẫn chứng), trong những trường hợp như vậy, đức Phật bèn khai pháp môn niệm Phật (niệm Pháp niệm Tăng). Phật có vô lượng công đức, tướng hảo trang nghiêm, đại từ đại bi, trong lúc niệm Phật liền có cảm giác rằng có một lực lượng vĩ đại che chở cho mình, những thống khổ như bệnh khổ, sợ hãi, âu lo đều có thể nhân đây mà tiêu trừ. Quán đức Phật quang minh viên mãn, tự tại trang nghiêm, trong lúc đang ưu bi khổ não, quả thật có thể đạt đến sự an ủi. Điều này có vẻ giống các tôn giáo khác, nhưng Phật pháp vì thích hợp với nhân tình, cũng nên có pháp môn này1.

Hành giả niệm Phật trong những tình cảnh vừa nêu trên, tự nhiên sẽ xưng danh cùng một lúc. Trên thế gian cũng có những hiện tượng này, như có người trong lúc gặp hoạn nạn, khủng bố mà không còn cách nào khác liền nghĩ đến cha mẹ, đồng thời cũng có thể kêu cha gọi mẹ. Trên thế gian, chỉ có cha mẹ là quan tâm yêu mến chúng ta; nghĩ đến cha mẹ, kêu cha gọi mẹ, tinh thần hình như có chỗ nương tựa, sự khổ đau cũng được giảm bớt ít nhiều. Như người đời nói “gặp nạn kêu trời” cũng là có ý nghĩa này. Cho nên, có người trong lúc gặp ách nạn khủng bố thì liền phụng hành pháp môn Niệm Phật, cùng lúc miệng niệm Nam mô Phật. Như vậy phương pháp xưng danh và niệm Phật trong quá trình phát triển của Phật giáo dung hợp [thành một phương pháp tu tập] một cách tự nhiên.

Ở Ấn Độ, những truyền thuyết về những người trong lúc gặp nguy nan, xưng danh niệm Phật bèn được cứu thoát, rất là phổ biến. Hiện nay nói sơ lược vài trường hợp: (1) Trong Kinh Soạn Tập Bách Duyên (quyển 9) có truyện Hải Sinh Thương Chủ. Hải Sinh đang ở trên biển lớn, gặp phải sóng to gió lớn, thuyền bị dạt vào nước La sát, nhân vì niệm Nam Mô Phật mà được thoát nạn. (2) Kinh Hiền Ngu Nhân Duyên có truyện Thi Lợi Bí Đề (quyển 4), truyện Phú Na Kỳ Duyên (quyển 6) đều nói đến việc đi trên biển gặp nạn cá lớn Ma Kiệt, không còn cách nào khác, nhân vì xưng Nam Mô Phật mà được thoát nạn. (3) Luận Trang Nghiêm Kinh (quyển 10) của ngài Mã Minh, có truyện Xưng Nam mô Phật mà đắc A la hán. Có người đến cầu xuất gia, ngài Xá Lợi Phất, v.v…, đều cho rằng không có thiện căn bèn không cho xuất gia. Đức Phật bèn độ cho người ấy, chẳng bao lâu chứng đắc A la hán. Đức Phật nhân đây nói rằng người ấy ở trong đời quá khứ, lúc gặp cọp, lâm cảnh nguy hiểm bèn niệm Nam mô Phật, cho nên đã gieo trồng thiện căn giải thoát. Kinh Pháp Hoa nói “Một lần xưng Nam mô Phật, đều đã thành Phật đạo” là cùng một tư tưởng như ở đây.

Xưng niệm Phật danh không những miễn trừ khổ nạn mà còn trồng thiện căn. Điều này trong Phật pháp Đại thừa, xưng danh niệm Phật có thể diệt trừ nghiệp chướng, mà cũng là nhân duyên cho sự vãng sinh Tịnh độ. Những câu truyện này không những có trong Đại thừa, mà trong Tiểu thừa cũng có. Cho nên xưng niệm Phật danh là một hành vi tôn giáo cực kỳ phổ biến trong Phật giáo.

Miệng niệm Nam mô Phật là biểu thị thành ý quy y lễ kính, mong cầu sự gia trì của Phật, hiện nay đem hai bộ kinh Tịnh Độ dẫn chứng. (1) Bản dịch đời Đường của Kinh A Súc Phật Quốc gọi là Bất Động Như Lai Hội (Kinh Đại Bảo Tích, hội 18) nói: “Mọi người trong pháp hội nghe đến cõi nước của Phật A Súc trang nghiêm thanh tịnh bèn hướng về đức Phật ấy chắp tay đảnh lễ, cất tiếng niệm ba lần: Nam mô Bất Động Như Lai. Do nguyện lực của Phật

A Súc, mọi người liền được nhìn thấy thế giới Diệu Hỷ, đức Bất Động Như Lai và chúng Thanh văn.” (2) Kinh Vô Lượng Thọ do Chi Khiêm phiên dịch nói: “Sau khi nghe được sự trang nghiêm của thế giới

Cực Lạc, Bồ tát Di Lặc muốn nhìn thấy cõi đó, đức Phật bèn dạy rằng: “Ông nên hướng về phía mặt trời lặn đảnh lễ đức Phật A Di Đà, phải nên cúi đầu sát đất xưng: Nam mô A Di Đà Tam Da Tam Phật Đàn (Namo amita samyak sambuddha). Như vậy, thế giới Cực Lạc sẽ tức thời hiện ra trước mặt.” Ở đây, tuy không phải là miễn trừ ách nạn, nhưng cũng có hàm ý là cầu Phật gia trì. Pháp Tiểu thừa chỉ xưng Nam mô Phật, pháp Đại thừa xưng Nam mô …. Phật.

Y vào nhân duyên truyền thuyết và sự dẫn chứng từ kinh điển Đại thừa có thể thấy xưng niệm Phật danh là sự kiện vô cùng phổ biến trong Phật giáo giới. Chẳng qua nếu cho rằng xưng danh là pháp môn tu hành quan trọng trong Phật giáo thì điều này không những ít thấy trong pháp Thanh văn, mà trong kinh điển Đại thừa sơ kỳ cũng không quan trọng.

Như Kinh Bát Chu Tam Muội (bản dịch một quyển), tuy nói sinh thế giới “nên niệm danh hiệu của ta (Phật A Di Đà)”, nhưng trong các bản dịch khác: Kinh Bát Chu Tam Muội (bản ba quyển), bản thất dịch (không có tên người dịch), Kinh Bạt Đà Hòa Bồ Tát, và bản dịch đời Đường (Kinh Đại TậpHiền Hộ Phần) là những bản dịch khác của kinh này đều chỉ nói “thường niệm Phật.” Pháp niệm Phật của Kinh Bát Chu Tam Muội là pháp “hệ tâm chánh niệm.” Kinh Vô Lượng Thọ cũng vẫn còn xem trọng chuyên niệm tư duy. Đến Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói đến người ác (hạ phẩm) trong thời điểm khẩn cấp lúc lâm chung, không cách nào dạy họ chuyên niệm tư duy, cho nên dạy họ niệm Nam mô A Di Đà Phật. Xưng danh mà được vãng sinh chỉ thấy ở phần người ác (hạ phẩm) trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Tức là trong lúc bình thường làm ác, đến lúc lâm chung không còn nghĩ ra phương pháp nào khác thì mới dạy họ xưng danh. Trên thực tế, xưng danh chỉ là phương tiện bất đắc dĩ để cứu cấp cứu nạn. Miệng niệm danh hiệu dĩ nhiên là dễ dàng nhưng không nên quên rằng đây chỉ là sự bất đắc dĩ khi không còn phương pháp nào khác!

Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa (quyển 5) của ngài Long Thọ nói: “Có nan hành đạo và dị hành đạo.” Dị hành đạo tức là niệm Phật. Niệm Phật ở đây, thoạt tiên y vào Kinh Đại Thừa Bảo Nguyệt Đồng Tử Sở Vấn nói: “Cần phải niệm mười phương Phật, xưng danh hiệu chư Phật.” Kế đến nói xưng niệm Phật A Di Đà, v.v… Kế đến lại nói xưng niệm mười phương chư Đại bồ tát, xưng danh hiệu chư Bồ tát. Trong kinh điển Đại thừa có nói pháp môn xưng danh sáu phương sáu Phật, bảy Phật, mười phương mười Phật, v.v… Ở vào thời đại của ngài Long Thọ, những người học Phật dùng pháp xưng niệm danh hiệu chư Phật Bồ tát làm phương tiện tu hành đã rất là phổ biến.

Xưng danh niệm Phật, phần trên đã nói, có hai ý nghĩa: (1) lúc đang gặp nguy cấp thống khổ mà không còn biện pháp nào khác nên dạy cho họ xưng danh niệm Phật, (2) vì những người không có khả năng học pháp môn cao thâm nên đặc biệt khai phương tiện dễ dàng tu tập này. Điều này có thể đem một câu truyện ra dẫn chứng. Đời Tấn, có một quyển sách tên Ngoại Quốc Ký, trong đó có kể một câu truyện: “Người nước An Tức (hiện nay là nước Iran) ở vùng biên địa, thô lỗ ngu si, không biết Phật pháp. Lúc đó có một con chim anh võ, lông màu hoàng kim, pha màu xanh trắng, ……, nếu muốn về nước ta thì có thể xưng niệm Phật danh, …… Nhà vua và quần thần tấm tắc khen ngợi sự kỳ lạ nói: “Đây là Phật A Di Đà hóa thân làm chim, dẫn nhiếp dân ngu si biên địa, chả lẽ không phải hiện đời vãng sinh …… Mỗi ngày trai, tu niệm Phật…. Từ đó về sau, người An Tức tuy ít biết Phật pháp mà người vãng sinh lại rất nhiều.” Không biết Phật pháp mà pháp Tịnh Độ lại thịnh hành, đây chẳng phải là sự chứng minh niệm Phật là một pháp môn thông tục hay sao? Cho nên, vào đời Hán và thời Tam quốc, những nhà phiên dịch từ các nước Nguyệt Chi, An Tức, Khang Cư (vùng Tây bắc Ấn Độ) đến, các kinh điển được phiên dịch đều là truyền đạt pháp môn Niệm Phật và xưng danh. Pháp môn Xưng danh xưa nay không được xem là pháp môn tu hành. Sau khi truyền đến các địa phương như An Tức, v.v…, do vì đó là vùng biên địa, không biết Phật pháp, không thể hiểu rõ các pháp môn từ bi, bát nhã thực tướng thâm sâu của Đại thừa, chỉ còn cách tùy thuận hàng hạ căn bèn hoằng dương rộng lớn pháp môn Xưng danh niệm Phật.

Từ định tâm niệm Phật trong Kinh Bát Chu Tam Muội, đến định tâm và tán tâm niệm Phật trong Kinh Vô Lượng Thọ, lại truyền đến định tâm và tán tâm niệm Phật, thậm chí lúc lâm chung xưng danh niệm Phật trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, sự thích ứng căn cơ càng lúc càng phổ biến, nhưng pháp môn lại càng lúc càng nông cạn. Tuy không thể so sánh sự lý giải Phật pháp của người Trung Quốc với người nước An Tức, Khang Cư, nhưng sau khi chịu ảnh hưởng của các nhà dịch kinh truyền pháp từ Tây vực, pháp môn dễ tu Xưng danh niệm Phật bắt đầu lưu hành rộng lớn. Thử nghĩ, từ sự bất đắc dĩ, nhờ xưng danh niệm Phật mà cuối cùng biết được có Tam bảo, đây cũng là điều hiếm có! Nhưng từ lập trường sâu rộng hoàn mãn của Phật pháp mà nói thì phải nên không ngừng hướng thượng tiến bộ!

Pháp môn Niệm Phật ở Trung Quốc, theo truyền thuyết, ban đầu là do mười tám cao hiền2 ở Lô Sơn lập nên Bạch liên xã. Nhưng nếu khảo xét lại vẫn là chú trọng sự hệ tâm niệm Phật. Như ngài Huệ Viễn đã từng ở trong định thấy Phật A Di Đà, đây đúng là pháp môn của Kinh Bát Chu Tam Muội. Đến đời Bắc Ngụy, có ngài Đàm Loan, y vào Luận Vãng Sinh Tịnh Độ của ngài Thế Thân, chú trọng đến

Xưng danh niệm Phật. Đến đời Đường, bậc Đại đức Tịnh Độ là ngài Thiện Đạo ở chùa Quang Minh, theo truyền thuyết, ngài niệm Phật một thanh thì miệng phóng ra một luồng ánh sáng. Đây là bậc Đại sư nổi danh về Xưng danh niệm Phật. Sau đó, các ngài Pháp Chiếu, Thiếu Khang không những xưng danh mà còn có Ngũ Hội Niệm Phật, lại càng dùng âm thanh làm Phật sự. Không những nhiếp hóa hành giả Tịnh Độ, mà ngay cả trẻ em cũng đến tham gia niệm Phật. Xưng danh niệm Phật từ đó trở thành Pháp môn Niệm Phật duy nhất ở Trung Quốc, một cách đơn giản, không khác với nước An Tức bao nhiêu. Đến đời Tống, vương công đại thần thiết lập Bạch Liên Xã, mỗi lần tập hợp hàng vạn người niệm Phật. Cho đến cận đại, Đại sư Ấn Quang, một bậc Đại đức Tịnh Độ Tông, đều dùng xưng danh niệm Phật là pháp môn duy nhất. Pháp môn dễ tu Xưng danh niệm Phật, nếu từ phương diện giáo hóa phổ cập mà nói, quả thật rất đáng được tán thán. Nhưng về phương diện tu tập thâm nghĩa quảng hành của Phật pháp Đại thừa thì cũng nhân đây (pháp niệm Phật dễ tu) mà hoàn toàn bị bỏ phế.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10