Tịnh Độ Tân Luận
淨土新論
 Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Quán Tạng tập chú
Thích Pháp Chánh dịch Đại sư


Tường Quang Tùng Thư
Phật lịch 2562 – TL 2018

 

A2. Phân loại Tịnh độ.

Tịnh độ là xu hướng chung cho Tam thừa, có đủ tất cả các loại, Đại thừa chỉ đặc biệt phát dương mà thôi. Trong Phật pháp, tịnh độ là nói chung cho tất cả, cho nên có thể phân làm ba loại: (1) tịnh độ chung cho Ngũ thừa, (2) tịnh độ chung cho Tam thừa, và (3) tịnh độ chỉ dành riêng cho Đại thừa.

B1. Tịnh độ chung cho Ngũ thừa. (Hán: ngũ thừa cộng độ 五乘共土): đây không chỉ là riêng cho Phật pháp, mà ngay cả những người thế gian cũng có thể có tư tưởng về Tịnh độ. Ở Ấn Độ, chẳng hạn Bắc Cu Lô Châu trong bốn châu, tiếng Phạn là Uttarakuru, có ý nghĩa là vô thượng phước lạc, tức là nơi có phước báo khoái lạc nhất1. Mọi người Ấn Độ đều thừa nhận có thế giới này. Ở Trung Quốc, trong tư tưởng lưu truyền bởi đạo Nho, đạo Lão, cũng đều nói đến một cảnh giới tương tự như vậy.

B2. Tịnh độ chung cho Tam thừa (Hán: tam thừa cộng độ 三乘共土): đây là loại tịnh độ mà Phật pháp Đại thừa Tiểu thừa đều đề cập đến, rõ ràng nhất là Tịnh độ Đâu Suất (Tusita). Trước khi thị hiện thành Phật trên thế gian, Bồ tát tối hậu thân đã ở trên cõi trời Đâu Suất và từ đó mà giáng sinh nhân gian. Đức Phật Thích Ca đã như vậy, mà đức Phật Di Lặc trong tương lai cũng sẽ như vậy. Bồ tát tối hậu thân trú ngụ nơi Đâu Suất Nội Viện và thường thuyết pháp cho chư thiên và các vị thánh. Thiên cung (thiên quốc) vốn dĩ rất là trang nghiêm, có Bồ tát tối hậu thân thuyết pháp, thù thắng hơn so với những cõi trời thông thường. Đây là sự kiện mà các học giả Thanh văn cũng đã đề cập đến. Nếu nhìn từ những giáo điển mà Phật giáo Thanh văn biên tập, Di Lặc đương lai hạ sinh, thực hiện nhân gian Tịnh độ, đây là mục tiêu mà tín đồ Phật giáo ngưỡng vọng. Sự tích của đức Di Lặc ở trời Đâu Suất, hoặc tương lai hạ sinh thế nào, đều được thuyết minh tường tận trong các kinh Di Lặc Thượng Sinh, Di Lặc Hạ Sinh, v.v…

Ngoại trừ Tịnh độ Di Lặc mà mọi người công nhận, Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, có quan hệ với Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ và Độc Tử Bộ, nói rằng trời Dạ Ma có Bồ tát Thiện Thời Nga Vương (善時鵝王菩薩), thường vì chư thiên thuyết pháp. Thiên cung thanh tịnh có Bồ tát thuyết pháp là cùng một loại tư tưởng với Bồ tát Di Lặc thuyết pháp ở trời Đâu Suất. Luận Nhập Đại Thừa, dẫn thuật truyền thuyết của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, nói: “Thanh Nhãn Như Lai (青眼如來), ở cõi trời Quang Âm (cõi trời Nhị thiền), vì muốn giáo hóa các Bồ tát và vô lượng Thanh văn, trong vô lượng trăm ngàn đại kiếp thường ở thiên cung thuyết pháp. Pháp Tạng Bộ, một hệ phái trong Phân Biệt Thuyết Hệ, nói: “Ở phương đông bắc của thế giới này, có đức Nan Thắng Như Lai (難勝如來) vẫn thường thuyết pháp.” Lại nữa, bản Hán dịch Kinh Tăng Nhất A Hàm nói ở phương đông của thế giới (Ta Bà) này có Kỳ Quang Như Lai (奇光如來) thuyết pháp và ngài Mục Kiền Liên đã dùng thần thông đến chỗ của Kỳ Quang Như Lai. Sự kiện này cũng được thấy ghi trong kinh điển Đại thừa.

Do đây có thể thấy rằng học giả của các bộ phái Thanh văn đều có tư tưởng về thiên cung ở cõi này, hoặc cõi Phật ở phương khác. Đây là so với thế giới nhân gian uế ác bất tịnh mà có thế giới thanh tịnh, có Phật Bồ tát thường xuyên thuyết pháp. Đây đều là những sự kiện cụ thể nhưng kín đáo thể hiện được hình ảnh tương tợ với Tịnh độ của Đại thừa.

B3. Tịnh độ chỉ riêng cho Đại thừa (Hán: Đại thừa bất cộng độ 大乘不共土): Tịnh độ chỉ riêng cho Đại thừa, số lượng nhiều đến không thể tính đếm. Cổ điển danh tiếng nhất là cõi Tịnh độ A Súc ở phương đông, và cõi Tịnh độ A Di Đà ở phương tây, nhưng cõi Phật A Di Đà được giới Phật tử ở Trung Quốc xem trọng hơn. Tương đối với cõi Tịnh độ A Di Đà ở phương tây là cõi Tịnh độ của Phật Dược Sư ở phương đông. Những cõi này đều là tịnh độ phương khác. Sau này, theo truyền thuyết Mật tông, ở thế giới này sẽ xuất hiện cõi Tịnh độ Hương Bạt La. Những cõi này đều là chỉ riêng cho Đại thừa, không thấy trong truyền thuyết của Phật giáo Thanh văn.

Các loại tịnh độ vừa nêu trên, hoặc là mọi người đều biết đến, hoặc là chung cho Tam thừa, hoặc là chỉ riêng cho Đại thừa. Trong loại tịnh độ chỉ riêng cho Đại thừa, nếu như ước định theo cảnh giới của sự tu hành sâu cạn, còn có thể phân làm bốn loại.

(1) Tịnh độ chung cho phàm và thánh: Có phàm phu và thánh nhân. Thiên Thai Tông gọi là Phàm thánh đồng cư độ.

(2) Tịnh độ chung cho cả Đại thừa và Tiểu thừa, không có phàm phu: Đây là nơi cư trú của các bậc Thanh văn, Bích chi phật và Đại lực Bồ tát đã đắc được ý sinh thân. Thiên Thai Tông gọi là Phương tiện hữu dư độ. Kinh Pháp Hoa nói: “Thanh văn nhập Niết bàn, đến một cõi nước, trong tương lai được thọ ký thành Phật.” Cõi nước này tức là Tịnh độ ý sinh thân. Theo như Kinh Lăng Già nói đây là cõi Tịnh độ (mà các vị Thanh văn đã nhập Niết bàn) cùng với Bồ tát tâm địa2 đắc tam muội lạc chánh thọ ý sinh thân cư trú.

(3) Tịnh độ của riêng Bồ tát, hoặc gọi là Tịnh độ chung cho Bồ tát và Phật: Loại Tịnh độ này không cùng với Thanh văn. Thiên Thai Tông gọi đây là Thực báo trang nghiêm độ. Kinh Mật Nghiêm gọi là Mật Nghiêm Tịnh Độ. Bí mật (bất khả tư nghị) trang nghiêm là Tịnh độ của Bồ tát không cùng chung với Nhị thừa3.

(4) Tịnh độ của riêng chư Phật: Như Kinh Nhân Vương Bát Nhã nói: “Tam thừa thập thánh trụ quả báo, duy Phật nhất nhân cư Tịnh độ4.” Cõi này còn gọi là Pháp tính độ. Thiên Thai Tông gọi là Thường tịch quang tịnh độ.

Danh xưng, địa vị của các cõi Tịnh độ, mỗi tông phái có thể gọi khác nhau, nhưng trên đại thể đều là phân biệt bốn cấp bậc như vậy. Trong kinh điển Đại thừa nói về Tịnh độ thường ít khi phân biệt rõ ràng. Như Tịnh độ Tây phương Cực Lạc, có người thấy đó là chung cho phàm thánh, có người thấy đó là chung cho Đại Tiểu thừa, có người cho rằng phàm phu là thị hiện, Thanh văn là ước định nhân quá khứ mà nói, nhưng hiện tại đều là Bồ tát. Rốt ráo, Tịnh độ Tây phương thuộc về loại nào? Trên thật tế, không cần phải hạn định, bởi kinh văn cũng có nhiều chỗ khác biệt, nhưng đứng trên trình độ tu chứng sâu cạn mà nói thì quả thật có thể phân thành bốn loại tịnh độ như vậy. Tóm lại, tịnh độ phàm thánh đồng cư có thể bao gồm cả Ngũ thừa; tịnh độ chung cho Đại Tiểu thừa có thể bao gồm cả Tam thừa; tịnh độ chung cho Phật Bồ tát, hoặc tịnh độ chỉ riêng cho Phật là riêng cho Đại thừa.

Sự phân loại như vậy, tức là muốn nói rằng pháp môn Tịnh độ là Phật pháp, thậm chí có thể nói đó là chỗ mong cầu của toàn thể nhân loại, chẳng qua, trong Đại thừa, pháp môn này đặc biệt thịnh hành. Tu học Phật pháp Đại thừa không nên xem thường sự mong cầu thế giới thanh tịnh (Tịnh độ). Phải nên ghi nhớ rằng: Bởi vì chỉ chú trọng thân tâm thanh tịnh, cho nên Tiểu thừa không thể đạt đến cứu cánh; còn Đại thừa, do vì có thể thanh tịnh thân tâm, trang nghiêm thế giới cho nên có thể đạt đến trình độ cứu cánh viên mãn.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10