THÍCH TỊNH ĐỘ
QUẦN NGHI LUẬN

(Giải Thích Những Nghi Vấn Tịnh Độ)
Pháp sư Hoài Cảm soạn
Thích Pháp Chánh dịch

 

Phần V: Đối với phàm phu vãng sanh nêu rõ sự tăng trưởng lòng tin.

1. Chư Phật chứng thành.

Hỏi: Đức Như Lai giảng pháp tùy thuận căn cơ chúng sanh. Ngài thường giảng cho những người có lòng tin đối với Phật pháp, chứ không giảng cho những kẻ có tâm nghi ngờ. Kinh Dược Sư nói: “Đức Phật bố thí pháp cho những người có lòng tin, chứ không giảng pháp cho những kẻ nghi hoặc.” Tại sao trong vài bộ kinh, chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài khuyến tấn chúng sanh phát khởi lòng tin, còn trong những bộ kinh khác lại không hiện tướng lưỡi mà chỉ thuần tuyên thuyết diệu lý. Hơn nữa, giảng pháp thâm diệu, phàm phu không hiểu, khởi lòng hoài nghi, sanh tâm hủy báng. Chẳng hạn khi Đức Phật nói Kinh Pháp Hoa, hội tam quy nhất,1 hàng Nhị thừa, v.v… không khởi lòng tin, cho nên Đức Phật Đa Bảo hiện bảo tháp để chứng minh, Đức Bổn Sư đã phải hiện tướng lưỡi rộng dài để chứng tỏ sự chân thật, và phải ba lần khuyên chúng sanh nên tin lời dạy của ngài, sau đó mới tiếp tục giảng kinh. Hiện nay, Kinh A Di Đà chỉ bàn về cảnh tướng y báo chánh báo, trang nghiêm thanh tịnh của cõi Tây Phương, khuyến tấn hành giả vãng sanh, sanh khởi chánh tín, cần gì chư Phật sáu phương hoặc mười phương phải cùng nhau hiện tướng lưỡi rộng dài để khuyến khích chúng sanh phát khởi lòng tin? (35)

Đáp: Phần dưới của Kinh Xưng Tán Tịnh Độ nói Đức Bổn Sư tự thuật việc hằng hà sa chư Phật mười phương thấy ngài đang giảng thuyết Kinh Xưng Tán Tịnh độ, mỗi vị đều ở tại bổn xứ cùng lên tiếng tán thán: “Đức Phật Thích Ca ở nơi thế giới Ta Bà, vào thời ác năm trược, mà có thể chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, vì các chúng sanh giảng pháp cực kỳ khó tin.” Đức Bổn Sư, sau khi được chư Phật tán thán, đã nói với Xá Lợi Phất: “Ta ở đời ác năm trược chứng đắc A nậu đa la tam miệu bồ đề, vì các chúng sanh giảng thuyết pháp môn khó tin nhất thế gian, đây là điều cực kỳ khó khăn.” Đức Như Lai giảng thuyết hàng trăm ngàn bộ kinh, ngài chưa bao giờ cho là khó khăn, mà lúc giảng Kinh Xưng Tán Tịnh độ, Đức Bổn Sư cùng hằng hà sa chư Phật mười phương đều nói rằng kinh này là khó tin khó giảng. Thông thường, khi Đức Phật giảng nói mười hai phần giáo, tất cả ngoại đạo đều sanh tâm phỉ báng, còn các đệ tử Phật đều phát khởi tín tâm. Hiện nay, Phật nói Kinh A Di Đà, cho rằng những chúng sanh tạo tội ngũ nghịch thập ác, chỉ cần niệm Phật liền có thể vãng sanh Tịnh độ, thì ngay những Phật tử kiền thành cũng khởi tâm nghi ngờ, không tin lời dạy này của Phật. Hiện nay, hãy quán sát bốn chúng Phật tử đều là những người chánh tín, nhưng vẫn nghi ngờ rằng niệm Phật chưa chắc được vãng sanh hiện đời, cho nên biết rằng bộ kinh này khó gợi được lòng tin của mọi hàng Phật tử. Chư Phật biết trước trong đời vị lại sẽ có nhiều chúng sanh nghi ngờ, nên cùng hiện tướng lưỡi để chứng minh cho lời dạy chân thành, khuyến khích mọi người tu học.

Hơn nữa, đối với sự kiện các bậc Bồ tát Tam hiền trở lên, hoặc các bậc đại thiện tri thức như ngài Long Thọ, v.v…, được vãng sanh Tịnh độ, thì ngay những kẻ phàm phu trược ác cũng tin rằng có thật. Bọn họ cho rằng những bậc thù thắng, phước nhiều tội ít, được vãng sanh thì không có gì lạ. Lại nữa, đối với sự kiện những phàm phu tạo tội ngũ nghịch thập ác, đến lúc lâm chung chí thành khẩn thiết niệm mười danh hiệu Phật, nương vào bổn nguyện Phật mà được vãng sanh, thì các Bồ tát Thập địa, Tam hiền cũng đều tin tưởng mà không khởi tâm nghi ngờ. Chỉ riêng trường hợp hạ phẩm hạ sanh, những kẻ tạo tội ngũ nghịch thập ác, không tội ác nào không làm, nhưng đến lúc lâm chung, gặp thiện tri thức dạy niệm Phật, đầy đủ mười niệm liền được vãng sanh Tịnh độ, thì những kẻ không tin điều này chính là những người đang tạo tội thập ác, không tin niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Bọn họ tự cho rằng mình là những phàm phu tội lỗi, từ vô thỉ đến nay đã tạo vô số tội ác, niệm Phật mười niệm làm gì có đủ công đức để diệt trừ tội nặng, vãng sanh Cực Lạc; hoặc cho rằng đây là lời Phật khuyến khích, lấy việc gần để ví cho việc xa; hoặc cho rằng đây là biệt thời ý. Đủ loại giải thích mông lung, không tin vào sự vãng sanh hiện đời. Tán đồng lời Phật dạy thì ít, còn phỉ báng thì nhiều. Ít người tin lời dạy này của Phật, do đây chư Phật cùng nhau hiện tướng lưỡi rộng dài bao trùm cõi Tam thiên để chứng minh pháp môn niệm Phật là xác đáng, quyết định được vãng sanh, đồng thời hộ niệm cho các hành giả tu hành được vãng sanh Tịnh độ.

2.Phật đầy đủ các nguyện.

Hỏi: Kinh Hoa Nghiêm nói: “Chư Phật bình đẳng, các ngài đều đã đầy đủ hạnh nguyện mới viên thành Chánh Giác, được danh xưng Lưỡng Túc Tôn.” Hiện nay Kinh Dược Sư nói Đức Phật Dược Sư lúc hành Bồ tát đạo chỉ phát mười hai đại nguyện, Kinh Vô Lượng ThọKinh Bi Hoa nói Phật A Di Đà phát Bồ đề tâm và khi tu Bồ tát hạnh phát bốn mươi tám nguyện. Điều này hoàn toàn khác hẳn với tông chỉ của Kinh Hoa Nghiêm, đây là có ý gì? (36)

Đáp: Hai kinh Hoa NghiêmDược Sư căn cứ vào hai tông chỉ khác nhau, nhưng không có sự trái nghịch. Trên thực tế, tất cả chư Phật đều đầy đủ tất cả hạnh nguyện, không có hơn kém. Nếu có một nguyện không thành thì không thể chứng thành Chánh Giác, không được tôn xưng là Nhất Thiết Trí. Công đức của chư Phật cũng không có sự khác biệt. Kinh Duy Ma Cật nói: “Công đức của chư Phật Như Lai đều bình đẳng.” Còn như Kinh Dược Sư nói mười hai nguyện, Kinh Vô Lượng Thọ nói bốn mươi tám nguyện, đây đều là tùy thuận căn cơ của chúng sanh mà nói. Chư Phật giáo hóa chúng sanh, tiếp dẫn những kẻ hữu duyên. Chúng sanh có duyên với Phật, ắt sẽ y theo bổn nguyện của Phật mà tu hành. Chư Phật cũng nương vào những thệ nguyện lớn của mình mà hóa độ chúng sanh. Khi chư Phật phát tâm Bồ đề, các ngài đều an trụ trong tâm nguyện rộng lớn: “Ta sẽ khiến cho tất cả chúng sanh đều nhập Vô dư Niết bàn.” Bồ tát từ lúc mới phát tâm, tu tập Bồ tát hạnh vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, thành bậc Chánh Giác. Thế nhưng chúng sanh nhiều vô tận vô biên, Bồ tát không thể nào giáo hóa tất cả. Chúng sanh giới chưa tận mà Bồ tát đã thành Phật. Tâm nguyện các ngài tuy rộng lớn, nhưng sự việc độ sanh không thể hoàn tất. Thế nhưng, có những chúng sanh đối với mười hai nguyện lớn tin tưởng chí thành khẩn thiết, hiện nay cơ duyên của họ đối với những đại nguyện này đã chín muồi. Những chúng sanh đối với bốn mươi tám nguyện của Đức Phật A Di Đà cũng vậy, phát tâm tin tưởng chí thành, hiện nay nhân duyên của họ đối với bốn mươi tám nguyện đã chín muồi. Tuy Phật Dược Sư và Phật A Di Đà có đầy đủ hằng hà sa nguyện lớn, thế nhưng đối với những chúng sanh căn cơ khác nhau, các ngài nêu lên những nguyện lớn khác nhau. Phật Dược Sư tuy cũng có bốn mươi tám nguyện, nhưng đối với các chúng sanh có duyên với mười hai nguyện, ngài chỉ nói mười hai nguyện. Tương tự, Phật A Di Đà tuy cũng có mười hai nguyện, nhưng đối với chúng sanh có duyên với bốn mươi tám nguyện, ngài chỉ nói bốn mươi tám nguyện. Ví như kho thuốc của bậc Y vương, tuy có vô lượng món thuốc, các ngài tùy theo những căn bệnh khác nhau mà điều chế những phương thuốc khác nhau. Chớ vì thấy phương thuốc đơn giản mà cho rằng liều thuốc không hay, hoặc không tin trong kho thuốc của bậc Y vương có đủ các món thuốc để trị tất cả bệnh. Kinh Hoa Nghiêm nói chư Phật bình đẳng, có đầy đủ tất cả nguyện hạnh, ví như toàn thể kho thuốc, mười hai nguyện của Phật Dược Sư, hoặc bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà ví như những toa thuốc để trị những căn bệnh. Do đây biết rằng ý chỉ của Kinh Hoa NghiêmKinh Dược Sư không hề trái ngược nhau.

3. Biết chắc vãng sanh.

Hỏi: Có những tướng trạng nào để biết rõ hành giả chắc chắn được vãng sanh Tây Phương hay không?

Có kinh điển nào làm chứng cứ hay không? (37)

Đáp: Có ba lời dạy của Phật làm chứng cứ cho sự vãng sanh của các hành giả tu tập Tịnh độ:

a) Kinh Xưng Tán Tịnh độ nói: “Ở thế giới Ta Bà vào thời ngũ trược tạp nhiễm này, nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân có lòng tin thanh tịnh, nghe nói pháp khó tin nhất thế gian này mà có thể sanh lòng tin hiểu, thọ trì giảng nói, y theo lời dạy của Phật mà tu hành, nên biết rằng những người này rất là hiếm có, đã từng trồng căn lành ở nơi vô lượng chư Phật. Bọn họ sau khi mạng chung, ắt sẽ vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.

b) Kinh Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác nói: “Nếu có người nghe đến pháp môn Tịnh độ, lông tóc dựng đứng (vì vui mừng tột độ), ta nói người đó nhất định được giải thoát.”

c) Kinh Hiền Hộ, quyển một, nói: “Chúng sanh nào tu tập Chư Phật Hiện Tiền Tam Muội, nghe đến danh hiệu của Đức A Di Đà Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác, mà có thể buộc tâm tương tục, quán sát Đức Phật ấy, nhất tâm bất loạn, thì được gọi là Bồ tát tư duy đầy đủ, thành tựu Chư Phật Hiện Tiền Tam Muội. Hành giả do oai lực của tam muội này mà được thấy Phật A Di Đà. Lúc ấy hành giả hỏi: ‘Bạch đức Thế Tôn, chư Bồ tát thành tựu pháp nào thì có thể vãng sanh Cực Lạc?’ Đức Phật A Di Đà trả lời: ‘Người phát tâm cầu vãng sanh Cực Lạc phải thường buộc tâm chánh niệm cõi nước ấy thì ắt sẽ được vãng sanh.’” Các hành giả hãy tự quán sát, nếu như tương ưng với một trong ba kinh này thì sẽ được vãng sanh Cực Lạc.

4. Không nguyện vãng sanh về cõi Sắc.

Hỏi: Ở cõi trược uế này, chư thiên cõi Sắc cũng không có sự ưu sầu khổ não mà chỉ có sự hỷ lạc. Điều này so với cõi Tịnh độ có gì thua kém, mà chúng sanh không chịu sanh về cõi Sắc lại cầu vãng sanh Tịnh độ? (38)

Đáp: Chư thiên cõi Sắc tuy không ưu sầu khổ não, chỉ hưởng sự hỷ lạc, nhưng không phải là cực lạc, vì chung cuộc vẫn phải thọ khổ. Vì thế người tu không nguyện vãng sanh về cõi trời. Có tám ý nghĩa để biết cõi Sắc không phải Cực Lạc:

1. Cõi Sắc không có sự vui tịch diệt: Các phàm phu sanh về cõi Sắc không thể chứng được sự vui tịch diệt của Đại niết bàn.

2. Sau khi chết đọa tam ác đạo: Chúng sanh cõi Sắc và Vô sắc, sau khi hưởng hết phước báo, tùy theo dư nghiệp, 2 sẽ sanh xuống các cõi trời thấp hơn, hoặc đọa ba đường ác.

3. Không có các bậc thánh để nương tựa: Cõi Sắc tuy cũng có Ngũ tịnh cư thiên (năm cõi trời có các bậc A na hàm cư trú), nhưng đâu có thể sánh với cõi Tây Phương có nhiều bậc Nhất sanh bổ xứ.

4. Không nghe Chánh pháp: Cõi Sắc làm gì có chư Phật, Bồ tát, cho đến ao báu, chim báu, cây báu đều ngày đêm giảng nói pháp mầu.

5. Tham ái thiền định: Cõi Sắc tuy cũng có tịnh định,3 xen lẫn, làm cho hành giả tăng trưởng phiền não ái nhiễm.

6. Tăng trưởng tà kiến: Sanh về cõi sắc, thường gặp các ngoại đạo, dễ sanh trưởng tà kiến. Hơn nữa, sanh về cõi trời Vô tưởng, khi mạng chung thường khởi tà kiến, phỉ báng Niết bàn, đọa vào địa ngục.

7. Tam tai phá hủy cảnh giới: Cõi trời Tam thiền trở xuống bị ba loại tai ương lớn là hỏa tai (hủy hoại Sơ thiền), thủy tai (hủy hoại Nhị thiền) và phong tai (hủy hoại Tam thiền). Ở cõi Tịnh độ không có sự kiện này.

8. Bị lâm vào bát nạn: Cõi Sắc và Vô sắc tuy không có ưu sầu khổ não, nhưng lại bị xếp vào nạn Trường thọ thiên (một trong tám nạn của Phật giáo).

Có đủ tám nghĩa này, tuy có sự hỷ lạc, nhưng chung cuộc vẫn chìm trong biển khổ, cho nên sự “lạc” vẫn không phải cực lạc. So với các cõi Tịnh độ, sự hơn kém quả thật như trời vực. Bởi thế các hành giả cầu vãng sanh, quyết không nguyện sanh về cõi Sắc, mà nguyện sanh về Tịnh độ để được vĩnh viễn không thoái chuyển.

5. Trì giới được trường thọ.

Hỏi: Những người tu hành nguyện sanh Tịnh độ, hoặc trì trai giới một ngày đêm, hoặc hiếu dưỡng cha mẹ, v.v…, những nghiệp lành này, nếu không hồi hướng cầu vãng sanh, ắt sẽ chiêu cảm quả báo người, trời. Tuổi thọ cõi người không quá trăm năm, tuổi thọ cõi trời Dục dài lắm là mười sáu ngàn năm. Hiện nay dùng những công đức trì giới, v.v…, nguyện vãng sanh Tây Phương, vì sao chiêu cảm quả báo thọ mạng vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp. Công đức tu hành không hơn kém, mà quả báo thọ mạng lại khác nhau như trời với đất vậy? (39)

Đáp: Ý nghĩa này thật khó giải thích. Lời kinh trình bày nghiệp lực bất khả tư nghì, chúng ta chỉ có thể cung kính tin tưởng, không thể dùng tâm tư suy lường. Hiện nay xin trình bày một cách giải thích. Tuy rằng thọ trì giới pháp một ngày một đêm giống nhau, nhưng tâm nguyện khi thọ giới có sự hơn kém, do tâm hơn kém thành thử chiêu cảm quả báo khác biệt. Nếu như dùng tâm thọ giới để cầu sanh Tịnh độ, cầu chứng quả Phật, thì giới pháp thành nhân duyên thù diệu, chiêu cảm quả báo thọ mạng lâu dài ở cõi Tây Phương. Giả như chỉ nguyện sanh lên cõi trời, tâm nguyện không được thù thắng, thuận theo dòng sanh tử, tăng trưởng nghiệp Ta Bà, cho nên chiêu cảm quả báo thọ mạng ngắn ngủi. Do đó, giới pháp tuy đồng, vì giới duyên khác biệt, cho nên chiêu cảm quả báo thọ mạng không đồng. Hơn nữa, giới nhân tuy đồng, tâm nguyện khác biệt, do giới duyên thù thắng phù trợ giới nhân cho nên được vãng sanh Tịnh độ. Lại nữa, phần đoạn sanh tử và biến dịch sinh tử tuy đồng, nhưng lòng mong cầu và sự nhuận sanh khác biệt, cho nên quả báo có sự khác biệt. Nếu hiểu được như vậy, thì đâu còn gì phải nghi ngờ nữa!

Hỏi: Nếu lúc ban đầu thọ giới với tâm cầu sanh Tịnh độ, thì chiêu cảm quả báo vãng sanh thượng phẩm, giới pháp thành nhân duyên thù thắng, thọ mạng dài lâu. Giả như lúc mới thọ giới, tâm nguyện chỉ cầu sanh thiên, nhưng đến lúc lâm chung, lại đem công đức thọ giới (công đức vô tác của giới) này nguyện vãng sanh Tây Phương, làm thế nào để có thể chiêu cảm thọ mạng dài vô lượng a tăng kỳ kiếp? (40)

Đáp: Nghiệp báo không nhất định, hoặc chuyển nặng thành nhẹ, hoặc đổi dài thành ngắn, như trong các kinh đã nói tường tận, ở đây chúng ta sẽ không nói chi tiết. Hành giả tuy thọ giới với mục đích cầu sanh cõi trời, sau này gặp thắng duyên, lại mong sanh về Tịnh độ, hành nghiệp tuy ít ỏi, nhưng do nguyện lực tha thiết, nương vào giới phẩm trước kia, chuyển thành tăng thượng thù thắng, điều này phù hợp với bổn nguyện của Phật, chiêu cảm thọ mạng dài lâu a tăng kỳ kiếp.

6. Hối tiếc được vãng sanh.

Hỏi: Niệm Phật A Di Đà được vãng sanh Cực Lạc, đây là tương ứng với bổn nguyện của Phật thành thử vãng sanh là điều đương nhiên. Còn do nhân duyên gì mà niệm Phật Dược Sư lại được vãng sanh Cực Lạc? (41)

Đáp: Theo lời dạy của Kinh Dược Sư: “Nếu bốn chúng đệ tử thường tu tập sáu ngày Bát quan trai mỗi tháng, hoặc ngày đêm siêng cần tu tập, nguyện sanh cõi Tây Phương Cực Lạc, quán sát nhớ tưởng liên tục, từ một ngày cho đến bảy ngày, nhưng trong lúc tu tập lại khởi tâm nghi ngờ [không biết mình sẽ được vãng sanh hay không], nếu hành giả ấy được nghe công đức của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, thì lúc lâm chung sẽ có tám vị Bồ tát đến tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.” Hành giả này lúc đầu nguyện sanh Tây Phương, nhưng sau đó lại sanh tâm ngờ vực, hối tiếc đã tu Tịnh độ, do vì nghi chướng nên không được vãng sanh Tây Phương. Thế nhưng vì nghe được danh hiệu của Phật Dược Sư cho nên tội chướng nghi hoặc được tiêu trừ, Phật Dược Sư bèn sai khiến tám Bồ tát đến tiếp dẫn hành giả về Tây Phương Cực Lạc. Điều này hiển bày năng lực diệt trừ chướng ngại trợ giúp hành giả vãng sanh Tây Phương của Phật Dược Sư. Nếu nói đây là do nguyện lực lúc đầu cùng sự tu tập trì giới tinh chuyên chiêu cảm công đức vãng sanh thì cũng là điều hợp lý. Nếu như không nghe được danh hiệu của Phật Dược Sư ắt sẽ bị sự nghi ngờ làm chướng ngại việc vãng sanh Tịnh độ. Nếu hành giả đó không sám hối (sự nghi ngờ) thì lúc lâm chung phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà mới được vãng sanh Tây Phương, chứ có lý nào không niệm Phật A Di Đà, lại nương vào danh hiệu Phật Dược Sư mà cầu vãng sanh Tây Phương?

7. Không khuyên vãng sanh Tịnh độ của cõi Ta Bà.

Hỏi: Theo lời dạy của Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật, v.v…, cõi Ta Bà này cũng có Tịnh độ, cần gì phải cầu vãng sanh Tây Phương? (42)

Đáp: Tuy kinh nói cõi Ta Bà cũng có Tịnh độ, cùng chỗ cùng thời, không chướng ngại với cõi trược uế, và hơn nữa, mặc dù trong Kinh Duy Ma Cật, Đức Phật dí ngón chân trên mặt đất để hiện cõi Tịnh độ, hoặc trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật đề cập đến việc ngài thường trụ tại núi Linh Thứu, cùng các trụ xứ khác trong cõi Ta Bà, thế nhưng trong hai kinh này, từ đầu đến cuối, chưa hề khuyến khích hành giả vãng sanh về Tịnh độ của cõi Ta Bà. Đâu phải hễ nghe Phật nói đến Tịnh độ liền cất tiếng phát nguyện vãng sanh về đó. Nếu quán sát cẩn thận ý nghĩa của hai kinh ấy, e rằng Đức Phật có ẩn ý khác.

Hỏi: Phật hiện cõi Tịnh độ ắt là muốn khuyên chúng sanh vãng sanh về đó. Nếu không, ngài hiện cõi Tịnh độ để làm gì? (43)

Đáp: Đức Phật hiện cõi Tịnh độ là vì sự lợi ích khác. Lợi ích nào? Như trong Kinh Duy Ma Cật, Đức Phật hiển bày cõi Tịnh độ là để phá trừ lòng nghi của Xá Lợi Phất về sự “tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh,” khiến cho Xá Lợi Phất thấy được cõi Ta Bà thanh tịnh, tin tưởng lời dạy của Phật. Lại khiến cho các Bồ tát Bảo Tích, v.v…, thấy được cõi Tịnh độ liền chứng Vô sanh pháp nhẫn. Lại như Kinh Pháp Hoa muốn nêu rõ đạo lý Nhất thừa là vi diệu, Nhị thừa là thô thiển. Lúc đầu hiện cõi uế trược, lúc sau hiện cõi thanh tịnh, đều là vì những sự lợi ích như vừa trình bày, chứ không liên quan gì đến sự vãng sanh mà hiển hiện cõi Tịnh độ. Lại do công đức của cõi Cực Lạc thù thắng, ngay đến hàng hạ phẩm hạ sanh còn được giai vị Bất thoái chuyển, huống hồ các phẩm vị vãng sanh cao hơn. Các cõi Phật khác không đề cập đến điều này, cho nên đức Bổn Sư mới khuyên hành giả vãng sanh Cực Lạc, chứ không phải ngài cho rằng cõi Ta Bà không có Tịnh độ.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13