THÍCH TỊNH ĐỘ
QUẦN NGHI LUẬN

(Giải Thích Những Nghi Vấn Tịnh Độ)
Pháp sư Hoài Cảm soạn
Thích Pháp Chánh dịch

Phần IV: Đối với phàm phu vãng sanh nêu rõ bổn xứ.

1. Năm nẻo vãng sanh.

Hỏi: Chỉ riêng loài người mới được vãng sanh Tịnh độ, hay các chúng sanh khác cũng được vãng sanh? Còn những người đã đầu thai vào trong các cảnh giới khác có được vãng sanh Tịnh độ hay không? (29) 

Đáp: Tất cả chúng sanh trong năm nẻo đều có thể tu Tịnh nghiệp vãng sanh Cực Lạc. Chẳng hạn chư thiên đến nghe Phật giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ, và đoạn dưới của kinh nói rằng vô lượng chư thiên, long, dạ xoa, v.v…, nghe Phật thuyết giảng thảy đều hoan hỷ. Kinh Xưng Tán Tịnh độ, trong phần mở đầu nói vô lượng chư thiên, a tu la, v.v…, vì muốn nghe pháp đều đến tham dự. Do đây biết rằng tất cả đều có thể phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, đều có thể tu tập tịnh nghiệp, vãng sanh Tây Phương. Hơn nữa, Kinh Bồ Tát Xử Thai nói: “Vua rồng biến hiện thân người thọ giới Bát quan trai, kim xí điểu muốn ăn thịt rồng mà không được, bèn hỏi vua rồng đã thọ pháp gì, vua rồng nói thọ giới Bát quan trai. Kim xí điểu bèn theo vua rồng xuống long cung. Lúc đó các rồng nam, rồng nữ nghe pháp Bát quan trai, phát lòng kính tin. Sau khi mạng chung, tất cả đều được vãng sanh thế giới Cực Lạc.” Lại như Kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh nói: “Nếu đem tài vật, ruộng vườn của người chết bố thí cho Tam bảo, sức mạnh thù thắng của sự bố thí có thể diệt tội báo địa ngục cho họ. Do nhân duyên này, người chết được giải thoát, xa lìa tất cả khổ não, vãng sanh Tịnh độ của chư Phật mười phương.” Do đây biết rằng tất cả chúng sanh trong năm nẻo đều được vãng sanh Cực Lạc.

2. Trung ấm cõi Cực Lạc.
a. Trung ấm có hay không

Hỏi: Thọ sanh nơi cõi Ta Bà trược uế này, hễ có hình sắc đều phải thọ thân trung ấm, chết nơi đây sanh nơi kia. Có bốn loại ấm: trung ấm, sanh ấm, bổn ấm và tử ấm. Không biết sự vãng sanh từ cõi Ta Bà sang cõi Tịnh độ có cần thân trung ấm hay không? (30)

Đáp: Có hai cách giải thích. (a) Có người cho rằng không có trung ấm, bởi vì vừa mạng chung ở cõi Ta Bà thì đã ngồi hoa sen ở cõi Cực Lạc. Đây thuộc về sanh ấm, bởi vì ngồi vào hoa sen cũng giống như nhập vào bào thai. (b) Cách giải thích hiện nay của chúng tôi không hẳn như vậy. Ví như pháp thọ thai ở Ta Bà, phải từ nơi chết đến nơi sanh mới thọ sanh ấm. Chẳng hạn như chết ở cõi Dục sanh về cõi Sắc, trước tiên cần phải thọ thân trung ấm cõi Sắc, sau khi đến cõi Sắc mới thọ thân sanh ấm cõi Sắc. Hiện nay, ý nghĩa vãng sanh Tịnh độ cũng tương tự như vậy, không thể ở ngay cõi uế trược mà có thể thọ thân sanh ấm của cõi Tịnh độ. Phải đến ao báu nơi cõi Tịnh độ, thân trung ấm mới trở thành thân sanh ấm. Cõi Vô sắc không có sắc thân, có thể không cần thân trung ấm truyền thọ tâm thức để thọ sanh, còn cõi Tịnh độ có sắc thân, tại sao không chấp nhận có thân trung ấm truyền thọ tâm thức đến đó để thọ thân sanh ấm?

b. Sự khác biệt của trung ấm.

Hỏi: Nếu như có thân trung ấm, thì phải đến ao báu ở cõi Cực Lạc mới có thể ngồi vào hoa sen, và sau đó hoa mới nở. Tại sao đang ở cõi Ta Bà, thân trung ấm của hành giả vãng sanh đã ngồi hoa sen? Nếu vậy có khác với thân sanh ấm ở cõi Tịnh độ hay không? (31)

Đáp: Chả lẽ lấy lý do thân trung ấm nhập vào hoa sen ở Ta Bà mà cho là giống như thân sanh ấm ở cõi Cực Lạc hay sao? Vãng sanh Cực Lạc là nhờ sức mạnh thù thắng của phước đức, tuy cũng là thân trung ấm, nhưng nương vào hoa sen mà hóa sanh, khác với thân trung ấm bình thường của cõi trược uế. Tuy thân trung ấm, thân sanh ấm cùng trụ trong hoa sen, nhưng có sự hơn kém, sáng tối khác nhau để phân biệt hai loại ấm thân này. Lại còn dùng hai nghĩa “thú sanh” 1 và “chí sanh” 2 để nêu rõ sự sai khác của trung ấm và sanh ấm. Nếu cho rằng trung ấm, sanh ấm cùng ở trong hoa, không thể phân biệt, thì ở cõi Ta Bà, trung ấm, sinh ấm đều không có hoa, như vậy có thể cho rằng hai ấm này cũng không có sự khác biệt hay sao? Có người cho rằng trung ấm, sanh ấm tuy đều không có hoa, nhưng có thể phân biệt bằng sự thọ thai, xuất thai, v.v… Điều này đối với ba trường hợp thai sanh, noãn sanh và thấp sanh thì có thể phân biệt, còn đối với trường hợp hóa sanh, làm sao phân biệt trung ấm và sanh ấm? Do đây biết rằng có thân trung ấm.

Hơn nữa, trong địa ngục, thân trung ấm đã bị thiêu đốt, lẽ nào lại không khác biệt với thân sanh ấm. Do đây biết rằng thân trung ấm và sanh ấm nơi cõi Tịnh độ cũng có sự khác biệt tương tự như vậy. Thế nhưng, chưa thấy kinh luận nào đề cập đến vấn đề này, do đó không thể phán định là có hay không có thân trung ấm vãng sanh Tịnh độ. Tuy không có kinh văn dẫn chứng, nhưng ý nghĩa “có thân trung ấm” vẫn hợp lý hơn. Nếu không, thân vãng sanh Tịnh độ là thân gì?

c. Trung ấm mặc y phục.

Hỏi: Nếu có thân trung ấm, không biết thân trung ấm cõi Cực Lạc có mặc y phục hay không? (32)

Đáp: Điều này kinh luận đều không đề cập đến. Thế nhưng, nếu y theo sự nhận định [của soạn giả], thì thân trung ấm phải mặc y phục. Luận Câu Xá nói: “Tất cả thân trung ấm cõi Dục, trừ thân trung ấm của tỳ kheo ni Tiên Bạch, đều không mặc y phục, bởi vì thân trung ấm cõi Dục không có tâm hổ thẹn. Tất cả thân trung ấm cõi Sắc đều mặc y phục, vì có tâm hổ thẹn.” Do đây suy luận, thân trung ấm cõi Tịnh độ đều mặc y phục, bởi vì cõi Tịnh độ thù thắng hơn cõi Sắc, lẽ nào thân trung ấm lại không mặc y phục?

d. Hình tướng của trung ấm.

Hỏi: Hình tướng thân trung ấm của cõi Tịnh độ ra sao? (33)

Đáp: Ý nghĩa này cũng do sự nhận định mà biết. Ở cõi Ta Bà, thân trung ấm cõi trời đứng thẳng. Thân trung ấm cõi địa ngục, đầu phía dưới, chân hướng lên. Thân trung ấm cõi người, ngạ quỷ và bàng sanh thì đi ngang, giống như chim bay. Thân trung ấm cõi Tịnh độ cũng đứng thẳng. Lại có một cách giải thích khác cho rằng thân trung ấm cõi trời thọ sanh trong tướng đứng, còn thân trung ấm Tịnh độ thọ sanh trong tướng ngồi.

e. Có ăn mùi hương hay không.

Hỏi: Khi thân trung ấm chưa đến Cực Lạc, nó sẽ ăn uống như thế nào trên lộ trình qua mười vạn ức cõi Phật? (34)

Đáp: Thân trung ấm cõi Dục, lúc chưa thọ thai, phần lớn dùng hương thơm để làm thức ăn. Thân trung ấm cõi Cực Lạc thọ sanh về cõi đó nhanh như khoảng khảy móng tay, thời gian không dài, cho nên không cần ẩm thực. Hơn nữa, trên lộ trình qua mười vạn ức cõi Phật, thân trung ấm có thể dùng mùi hương ở các cõi Phật làm ẩm thực trước khi thọ sanh ở cõi Cực Lạc. Ý nghĩa về thân trung ấm nhiều vô lượng, ở đây không thể nói hết.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13