TÁT BÀ ĐA TỲ NI TỲ BÀ SA

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

1. Phật đà: Đời Tần dịch là Giác, nghĩa là hiểu rõ tất cả pháp tướng. Lại nữa, tất cả chúng sanh ngủ mê trong ba cõi, đạo nhãn của Phật đã mở, tự giác giác tha nên gọi là Giác. Phật đối với tất cả pháp có thể biết tất cả và thuyết giảng tất cả.

Hỏi: Phật thuyết giảng tất cả là như thế nào? Ứng theo thời và chúng hội thích hợp mà tùy nghi thuyết giảng hay là ứng theo bộ chúng mà thuyết giảng?

Đáp: Phật ứng theo thời và tùy theo chúng sanh mà thuyết giảng tất cả pháp. Sau này các đệ tử kết tập pháp tạng mới phân loại ra, như khi Phật chế giới cho các đệ tử là trọng hay khinh hoặc là Hữu tàn hay là Vô tàn thì phân loại thành Luật tạng; khi Phật nói về nhân quả tương sanh với Kiết sử cho đến các nghiệp tướng thì phân loại thành Luận tạng; khi Phật tùy thời thuyết pháp cho chư thiên và loài người, do người giáo hóa tập hợp lại thì gọi là Tăng nhất; khi Phật thuyết giảng nghĩa sâu xa cho các chúng sanh lợi căn, do người có học vần tập hợp lại thì gọi là Trung A-hàm; khi Phật thuyết giảng các pháp thiền, do người tu tập thiền tập hợp lại thì gọi là Tạp A-hàm; Phật thuyết pháp phá ngoại đạo thì gọi là Trường A-hàm.

Hỏi: Nếu Phật thuyết giảng tất cả pháp thì sao trong kinh nói rằng: Khi Phật ngồi dưới một gốc cây, cầm một nắm lá trong tay rồi hỏi các đệ tử: “Lá cây trong tay ta nhiều hay lá trên cây nhiều?”, các đệ tử đáp là lá trên cây nhiều, Phật nói: “Cũng vậy, pháp mà ta đã biết nhiều như lá trên cây, còn pháp mà ta đã thuyết giảng như nắm lá trong tay”. Trong kinh đã nói như vậy tại sao lại nói là Phật thuyết giảng tất cả pháp?

Đáp: Chữ tất cả phân biệt có hai: Tất cả theo Biệt tướng và tất cả theo Tổng tướng, trong đây nói tất cả là tất cả theo Biệt tướng. Có thuyết cho rằng Phật có thể thuyết giảng tất cả nhưng chúng sanh không thể lãnh thọ tất cả, nên Phật mới không thể thuyết giảng tất cả. Lại có thuyết cho rằng đáng lẽ nói là biết tất cả và chỉ thuyết giảng những điều đã biết, không được nói là thuyết giảng tất cả.

Hỏi: Nếu Phật biết và thuyết giảng được thì Thanh văn và Phật Bích chi cũng biết và thuyết giảng được, vì sao không gọi là Phật?

Đáp: Không gọi như thế vì Phật biết và thuyết giảng đều cùng tận; còn Thanh văn, Phật Bích chi tuy cũng biết và thuyết giảng nhưng đối với các pháp có chỗ chưa cùng tận. Lại nữa Phật thấu hiểu tất cả pháp nên được gọi là Phật, còn hàng Nhị thừa thì không thể. Lại nữa Phật được vô biên pháp và có thể thuyết giảng vô biên pháp, còn hàng Nhị thừa thì không thể. Lại nữa có cọng và bất cọng, pháp mà Thanh văn và Phật Bích chi chứng đắc, Phật cũng đồng chứng đắc (cọng); nhưng pháp mà Phật chứng đắc thì hàng Nhị thừa không đồng chứng đắc (bất cọng). Pháp mà bậc Tiểu thừa chứng đắc, hàng Tam thừa cũng đồng chứng đắc (cọng); pháp mà hàng Trung thừa chứng đắc, hàng Nhị thừa cũng đồng chứng đắc (cọng); nhưng pháp mà Phật chứng đắc thì hàng Nhị thừa không thể biết, chỉ có Phật tự chứng biết. Ví như hộp lớn thì đựng được dù lớn, cũng vậy pháp tướng vô biên nên Phật dùng trí huệ vô biên để chứng biết pháp vô biên; còn trí huệ của hàng Nhị thừa là hữu biên nên không thể biết hết pháp tướng vô biên. Lại nữa có căn, có nghĩa; căn là tuệ căn, tức là pháp mà tuệ duyên theo; căn và nghĩa nơi Phật đều đầy đủ nên pháp mà tuệ duyên theo thẩy đều cùng tận; căn và nghĩa nơi hàng Nhị thừa đều không đầy đủ. Lại nữa Phật được gọi là Như thật trí, tức là trí hiểu biết như thật tất cả pháp tướng; hàng Nhị thừa tuy hiểu biết nhưng không cùng tận, chưa trọn vẹn nên không được gọi là Như thật trí. Do tất cả những nghĩa trên nên hàng Nhị thừa không được gọi là Phật.

2. Bà khư bà: Không thể chuyển âm, chỉ có thể dùng nghĩa giải thích gọi là Thế tôn, vì Phật có thể biết hết các pháp đối trị. Lại nữa, do thế pháp ngôn ngữ bất đồng nên người đời tự không hiểu nhau, nhưng Phật có thể hiểu tất cả nên gọi là Thế tôn. Lại nữa, phàm phu tự cho mình đắc pháp, hoặc ưa thích tịch tĩnh, hoặc thích thiền định, hoặc vì nhân duyên khác nên bí mật không nói ra; nhưng pháp mà Phật đã chứng đắc là do lực từ bi nên ưa thích vì người khác giảng nói. Lại nữa do đã phá trừ ba độc nên gọi là Thế tôn .

Hỏi: Hàng Nhị thừa cũng phá trừ được ba độc, sao không gọi là Thế tôn?

Đáp: Hàng Nhị thừa không được gọi như thế là vì còn thối chuyển, Phật thì không thối chuyển. Thối chuyển có ba: Quả thối chuyển, không phải quả thối chuyển và sở dụng thối chuyển. Quả thối chuyển là ba quả trên của Tiểu thừa có thối chuyển còn quả dưới thì không thối chuyển; Trung thừa có hai hạng: Nếu do trăm kiếp tu hành chứng quả Phật Bích chi thì không thối chuyển, nếu từ ba quả trên của Tiểu thừa chứng quả Phật Bích chi thì có thối chuyển; Phật quả không thối chuyển. Không phải quả thối chuyển là người hướng đến quả Tam thừa chưa được mà thối chuyển, hoặc Tỳ-kheo tu hành ba nghiệp biếng nhác không tinh tấn nên tất cả pháp đã tu tập có thối chuyển. Sở dụng thối chuyển là tất cả pháp đã chứng đắc, dụng không hiện tiền. Như mười lực của Phật, mười trí của Tiểu thừa nếu dùng một pháp nào thì các pháp khác không hiển dụng; như đọc tụng mười vạn lời kinh, khi không đọc tụng thì không hiển dụng. Tiểu thừa và Trung thừa có không phải quả thối chuyển nhưng Phật thì không, vì trong tất cả các hành Phật thảy đều tinh tấn. Nhị thừa có sở dụng thối chuyển nhưng Phật thì không nhất định, có thuyết cho rằng trong mười lực, khi Phật dùng một lực thì không dùng chín lực kia nên gọi là có sở dụng thối chuyển; có thuyết cho rằng như tụng hai mươi vạn lời kinh, người phàm vì sức kém nên một, hai ngày mới tụng xong, nhưng Phật thì có thể tức thời tụng xong; mười lực cũng vậy, muốn dùng thì liền dùng không có chướng ngại nên Phật không có sở dụng thối chuyển. Lại nữa như khi mặc Nê-hoàn-tăng, Phật không chỉ là mặc như người đời mặc, Phật mặc vì lợi ích cho chúng sanh; tất cả pháp đã dùng nếu lợi ích cho chúng sanh thì liền dùng, không lợi ích cho chúng sanh thì không dùng, nên đối với sở dụng thối chuyển Phật không nhất định vì ý Phật không thể nghĩ bàn.

Hỏi: Vì sao ba quả trên của Tiểu thứa có quả thối chuyển còn quả dưới lại không có?

Đáp: Ba quả trên do đã từng được nên có quả thối chuyển, còn quả dưới chưa từng được nên không có ảu thối chuyển. Như người đói mà được thức ăn ngon thì lâu vẫn không quên, nghĩa này cũng như vậy. Có thuyết cho rằng giai vị Kiến đế đạo không có thối chuyển; giai vị Tư duy đạo thì có thối chuyển vì có tưởng tịnh và bất tịnh để đoạn trừ kiết sử nên ở giai vị Tư duy đạo có bức bách; giai vị Kiến đế đạo do thấy được lý nên không có bức bách, khi tư duy phát sanh dù có bức bách vẫn không làm cho thối chuyển. Có thuyết cho rằng ở giai vị Kiến đế trí lực mạnh, như rường cột lớn chống đỡ các vật nên không thối chuyển; còn ở giai vị Tư duy trí lực yếu nên có thối chuyển. Lại nữa, hai tâm Nhẫn và trí ở giai vị Kiến đế của cõi Dục đoạn được chín phẩm Tư hoặc, Nhẫn và Trí của hai cõi trên thì đoạn được bảy mươi hai phẩm Tư hoặc, ở cõi Vô sắc kiết sử hết nên không có thối chuyển. Do các nghĩa trên nên Phật được gọi là Thế tôn; lại nữa, tập khí của Phật đã đoạn tận còn tập khí của hàng Nhị thừa chưa đoạn tận, như trường hợp Tỳ-kheo Ngưu ty thường nhai lại như trâu là do nhiều đời ở trong loài trâu mà sanh ra; lại có Tỳ-kheo tuy đã được lậu tận nhưng thường hay soi gương là do nhiều đời làm dâm nữ mà sanh ra; lại có Tỳ-kheo thường hay nhảy nhót là do nhiều đời từ trong loài khỉ mà sanh ra, vì thế hàng Nhị thừa không được gọi là Thế tôn.

Hỏi: Tất cả kinh mở đầu bằng câu Tôi nghe như vầy là lúc Phật còn ở đới nói là Tôi nghe hay là sau khi Phật diệt độ?

Đáp: Phật tự thuyết pháp thì do đâu nói là Tôi nghe, sau khi Phật diệt độ các vị kết tập pháp tạng mới nói là Tôi nghe.

Hỏi: Phật thuyết pháp trong hai mươi năm, tôn giả A-nan không nghe, vì sao được nói là Tôi nghe?

Đáp: Có thuyết cho là chư thiên nói lại cho tôn giả A-nan nghe, có thuyết cho là Phật nhập tâm thế tục khiến cho tôn giả A-nan biết, cũng có thuyết cho là từ bên các Tỳ-kheo nghe lại. Trong kinh nói tôn giả A-nan thỉnh Phật những điều như sau: “Xin Phật đừng cho con y cũ, xin đừng bảo thí chủ thỉnh con thọ thực, con vì cầu pháp, vì cung kính Phật nên làm thị giả chứ không phải vì cầu y thực. Các Tỳ-kheo một ngày hai thời đến gặp Phật, chớ bảo con cũng như vậy, hãy cho con khi nào muốn gặp Phật thì liền gặp. Những pháp mà Phật đã thuyết trong hai mươi năm qua xin thuyết lại cho con nghe”.

Hỏi: Pháp đã thuyết giảng trong hai mươi năm rất nhiều, làm sao có thể nói lại?

Đáp: Phương tiện thiện xảo có thể ở trong một câu pháp diễn nói vô lượng pháp và có thể dùng vô lượng pháp tóm lại trong một câu pháp. Phật chỉ bày đầu mối, A-nan liền có thể lãnh thọ được tất cả, đó là nhờ trí huệ sắc bén và sức thọ trì mạnh mẽ của A-nan .

3. Tám vạn Tạng Pháp: Như cây có nhiều rễ và cành lá gọi là một cây, Phật trước sau thuyết pháp cho chúng sanh gọi là một tạng, như vậy có đến tám vạn tạng pháp. Có thuyết cho là Phật một lần ngồi thuyết pháp thì gọi là một tạng, như vậy có đến tám vạn tạng pháp. Có thuyết cho là mười sáu chữ là nữa bài kệ, ba mươi hai chữ là một bài kệ, như vậy có đến tám vạn; kệ có ngắn dài, cứ ba mươi hai chữ là một bài kệ, như vậy có đến tám vạn. Có thuyết cho là mỗi nữa tháng thuyết giới là một tạng, như thế có đến tám vạn. Có thuyết cho là Phật tự nói sáu vạn sáu ngàn bài kệ gọi là một tạng, như thế có đến tám vạn. Có thuyết cho là Phật thuyết giảng có tám vạn trần lao nên pháp dược đối trị cũng có tám vạn nên gọi là tám vạn tạng pháp.

Hỏi: Vì sao trong kinh luận không dùng chữ Phật để ở đầu mà chỉ trong luật mới dùng chữ Phật để ở đầu?

Đáp: Vì luật là thù thắng và bí mật chỉ do Phật chế. Kinh có khi do các đệ tử thuyết giảng, có khi do chư thiên như Thích đề hoàn nhơn nói: “Pháp bố thí là bậc nhất, vì sao, vì ta nhờ bố thí mà được làm thiên vương, mọi ước nguyện đều được như ý”, Phật khen là đúng thế; cũng có khi hóa làm hóa Phật để thuyết pháp, nhưng luật thì không như thế. Tất cả giới do Phật chế nên trong luật dùng chữ Phật để ở đầu. Lại nữa, kinh có thể tùy chỗ tùy quyết định, nhưng luật thì không như thế; nếu trong nội bộ có việc thì không được liền kết, phải ra ngoài mà kết; nếu từ bên cư sĩ có việc thì phải ở trong chúng mà kết; nếu từ trong tụ lạc có việc cũng ở trong chúng mà kết; nếu từ bên năm chúng xuất gia có việc thì phải ở trong hai chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni mà kết, cho nên trong luật dùng chữ Phật để ở đầu.

4. Tỳ-da-ly: Có nước lấy tên vua làm tên gọi, có nước lấy tên địa phương làm tên gọi, có nước lấy tên thành làm tên gọi, nước này lấy tên của loài rồng làm tên gọi; như tụ lạc Ca-lan đà là lấy tên loài chim làm tên gọi, có thuyết cho là tên của chủ tụ lạc.

5. Tu-đề-na: Là tên của người con do cha mẹ cầu khẩn thần kỳ mà được, dịch nghĩa là Cầu đắc.

6. Phú quý: Phú có hai loại: Chúng sanh và phi chúng sanh, giàu về phi chúng sanh là có nhiều vàng bạc, kho lẫm, ruộng vườn, nhà cửa…; giàu về chúng sanh là có nhiều tôi tớ, voi, ngựa, bò, dê…. Quý là làm chủ thôn, hoặc có đạo đức được mọi người tôn trọng. Tóm lại có nhiều tiền của, đủ thứ thành tựu thì gọi là phú quý.

7. Tự quy y Tam bảo là tự thọ pháp Tam quy.

Hỏi: Pháp tam quy lấy gì làm tánh?

Đáp: Có luận sư nói pháp tam quy lấy giáo vô giáo làm tánh. Khi thọ pháp tam quy, quỳ gối chắp tay dạy nói pháp tam quy gọi là thân khẩu giáo; nếu tâm ân trọng thì tuy có thân khẩu nhưng không có dạy nói (giáo) nên gọi là giáo vô giáo. Có thuyết nói pháp tam quy lấy ba nghiệp thân khẩu ý làm tánh, có thuyết nói pháp tam quy lấy năm Ấm thiện của chúng sanh làm năng quy, lấy Tam bảo làm sở quy để cầu cứu hộ. Như có người có tội với vua nước này chạy sang cầu vua nước khác cứu hộ, vua nước kia nói: “Nếu ngươi cầu được vô úy thì đừng ra khỏi cõi nước của ta, không được trái lới ta dạy, ta sẽ cứu hộ”; chúng sanh cũng vậy, lệ thuộc vào ma nên có tội lỗi sanh tử, muốn quy hướng Tam bảo cầu cứu hộ, nếu thành tâm không quy hướng nơi khác thì Tam bảo sẽ cứu hộ, tà ma không làm hại được. Trong kinh nói có chim bồ câu bị chim ưng đuổi bắt, bay núp vào bóng của tôn giả Xá-lợi-phất vẫn còn run sợ bất an, khi núp vào bóng của Phật thì không còn sợ hãi nữa. Sở dĩ như vậy là vì Phật có đủ đại từ đại bi còn tôn giả Xá-lợi-phất chưa đủ; lại nữa do tập khí phiền não ở Phật đã đoạn tận còn ở tôn giả Xá-lợiphất thì chưa đoạn tận; lại nữa, Phật đã trải qua ba A-tăng-kỳ-kiếp tu hạnh bồ tát còn tôn giả Xá-lợi-phất chỉ mới trải qua sáu mươi kiếp.

Hỏi: Nếu quy hướng Tam bảo có thể tiêu trừ tội lỗi và dứt mọi sợ hãi, vì sao Đề-bà-đạt-đa cũng quy y Tam bảo, do lòng tin xuất gia, thọ giới cụ túc mà vẫn phạm ba tội đại nghịch bị đọa địa ngục A-tỳ?

Đáp: Tất cả sự cứu hộ là cứu người có thể cứu được, Đề-bà-đạt-đa tội ác sâu nặng lại là định nghiệp nên không thể cứu được.

Hỏi: Người có đại tội Phật không cứu được, người không có tội đâu cần Phật cứu, sao nói là Tam bảo có thể cứu hộ?

Đáp: Đề-bà-đạt-đa tuy quy y Tam bảo nhưng tâm không chân thật, pháp tam quy không đủ, thường cầu lợi dưỡng và danh tiếng, tự xưng là bậc Nhất thiết trí để cạnh tranh với Phật. Vì thế Tam bảo dù có năng lực lớn vẫn không cứu được. Vua A-xà-thế cũng tạo tội đại nghịch đáng đọa địa ngục A-tỳ, nhưng thành tâm hướng Phật nên chuyển tội nặng đáng đọa địa ngục A-tỳ thành tội nhẹ chỉ đọa địa ngục Hắc thằng, như người phạm tội nặng bị giam giữ bảy ngày thì được thả. Đây là năng lực cứu hộ của Tam bảo.

Hỏi: Nếu tội của Điều đạt không được cứu hộ thì sao trong kinh lại nói: “Nếu quy y Phật sẽ không đọa vào ba đường ác”?

Đáp: Điều đạt nhờ quy y Tam bảo nên tuy đọa trong địa ngục A-tỳ nhưng chịu tội nhẹ, có lúc được tạm ngừng; như có ngưới ở chỗ núi rừng vắng vẻ đáng sợ, nếu niệm công đức Phật liền hết sợ hãi. Cho nên nói Tam bảo cứu hộ là không có hư dối.

Hỏi: Trong bốn đế, Tam bảo nhiếp thuộc đế nào; trong hai mươi căn nhiếp thuộc căn nào, trong mười tám giới nhiếp thuộc giới nào; trong mười hai nhập nhiếp thuộc nhập nào và trong năm ấm nhiếp thuộc ấm nào?

Đáp: Trong bốn đế, Tam bảo nhiếp thuộc hai đế là Đạo đế và Diệt đế; trong hai mươi căn nhiếp thuộc ba căn là căn vị tri, căn dĩ tri và căn vô tri; trong mười tám giới nhiếp thuộc ba giới là ý giới, ý thức giới và pháp giới; trong mười hai nhập nhiếp thuộc hai nhập là ý nhập và pháp nhập; trong năm ấm nhiếp thuộc ấm vô lậu.

Trong bốn đế, Phật bảo nhiếp thuộc một phần ít Đạo đế, Pháp bảo nhiếp thuộc Diệt đế, Tăng bảo nhiếp thuộc một phần ít Đạo đế. Trong hai mươi căn, Phật bảo nhiếp thuộc Căn vô tri, Pháp bảo là Diệt đế vô vi nên không nhiếp thuộc căn nào, Tăng bảo nhiếp thuộc ba căn vô lậu. Trong mười tám giới, Phật bảo nhiếp thuộc một phần ít Ý giới, Ý thức giới và Pháp giới; trong mười hai nhập nhiếp thuộc một phần ít Ý nhập và Pháp nhập; trong năm ấm nhiếp thuộc một phần ít năm ấm vô lậu. Trong mười tám giới, Pháp bảo nhiếp thuộc một phần ít Pháp giới; trong mười hai nhập nhiếp thuộc một phần ít Pháp nhập; Pháp bảo là pháp vô vi nên không nhiếp thuộc trong năm ấm là pháp hữu vi. Trong mười tám giới, Tăng bảo nhiếp thuộc một phần ít Ý giới, Ý thức giới và Pháp giới; trong mười hai nhập nhiếp thuộc một phần ít Ý nhập, Pháp nhập; trong năm ấm nhiếp thuộc một phần ít năm ấm vô lậu.

Hỏi: Quy y Phật là quy y Phật Thích-ca-mâu-ni hay quy y chư Phật trong ba đời?

Đáp: Quy y Phật là quy y chư Phật trong ba đời vì Pháp thân Phật là đồng; quy y môt đức Phật tức là quy y chư Phật trong ba đời vì chư Phật không khác nhau. Có thuyết cho rằng nếu quy y chư Phật trong ba đời thì có chư thiên tự cho mình là đệ tử của Phật Ca-diếp hoặc Phật Câu lưu tôn…, trong bảy đức Phật đều nói mình là đệ tử; do nhân duyên này nên chỉ quy y môt đức Phật, không nên quy y chư Phật trong ba đời. Có thuyết cho rằng không nên chỉ quy y môt đức Phật, vì sao, vì như trong kinh Tỳ Sa-môn nói: “Tỳ Sa-môn thiên vương quy y Tam bảo, quy y chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai”, vì vậy nên quy y chư Phật trong ba đời.

Hỏi: Nếu chư thiện tự xưng mình là đệ tử của Phật nào đó thì nghĩa này như thế nào?

Đáp: Chư thiên nói ra lời gì đâu thể cho là định thật, vì có chư thiên nói môt đức Phật là thầy nhưng cũng quy y chư Phật trong ba đời, nói môt đức Phật chỉ để làm bằng chứng mà thôi.

Hỏi: Nương vào đâu gọi là quy y Phật?

Đáp: Nói lời quy y là hồi chuyển về công đức vô học của Nhất thiết trí .

Hỏi: Quy y sắc thân hay là quy y Pháp thân?

Đáp: Quy y Pháp thân, không phải quy y sắc thân; không nên cho sắc thân là Phật.

Hỏi: Nếu sắc thân không phải là Phật, vì sao làm thân Phật bị thương chảy máu lại phạm tội đại nghịch?

Đáp: Sắc thân là chỗ chứa đựng Pháp thân (Pháp thân khí), là chỗ nương tựa của Pháp thân. Cho nên hại sắc thân liền phạm tội đại nghịch, không phải sắc th6an là Phật mà phạm tội đại nghịch.

Hỏi: Nương vào đâu gọi là quy y Pháp?

Đáp: Nói lời quy y là hồi chuyển về đoạn dục, vô dục, là Diệt đế niết bàn.

Hỏi: Quy y cảnh giới Diệt đế nơi tự thân hay là quy y cảnh giới Diệt đế nơi người khác?

Đáp: Quy y cảnh giới Diệt để của cả tự thân và người khác, đó là quy y Pháp.

Hỏi: Nương vào đâu gọi là quy y Tăng?

Đáp: Nói lời quy y là hồi chuyển về ruộng phước tốt lành, công đức Học và Vô học của Thanh văn, đó là quy y Tăng.

Hỏi: Quy y Tăng tục đế hay là quy y Tăng đệ nhất nghĩa đế, nếu quy y Tăng đệ nhất nghĩa đế thì khi Phật cho Đề vị và Ba-lợi thọ pháp Tam quy, không nên nói rằng vị lai sẽ có Tăng, ông nên quy y; Tăng đệ nhất nghĩa đế thường ở thế gian?

Đáp: Tăng tục đế là sở y của Tăng đệ nhất nghĩa đế, nói vị lai sẽ có Tăng, ông nên quy y là vì tôn trọng Tăng tục đế mà nói. Như Phật nói: “Trong tất cả hội chúng thì hội chúng của Phật là hơn hết, như từ sữa sanh Lạc, từ Lạc sanh ra Tô, từ Tô sanh ra Đề hồ là vị ngon bậc nhất; cũng vậy trong tất cả hội chúng, chúng đệ tử Phật là bậc nhất. Nếu có Tăng nhóm họp thì trong đó nhất định có bốn Hướng, bốn Quả đều là phước điền vô thượng, tối thượng, tôn quý bậc nhất trong chín mươi sáu phái ngoại đạo, không phái nào sánh bằng”, vì vậy nói vị lai sẽ có Tăng, ông nên quy y thì không hại đến nghĩa chánh.

Hỏi: Phật cũng là Pháp, Pháp cũng là Phật, Tăng cũng là Pháp, tất cả đều là một pháp thì có gì khác nhau?

Đáp: Tuy đều là một pháp nhưng theo nghĩa thì có nhiều khác biệt. Theo nghĩa của Tam bảo thì bậc đại trí không thầy tự ngộ, được tất cả công đức vô học gọi là Phật bảo; Diệt đế vô vi là Pháp bảo; các Thanh văn Hữu học và Vô học được công đức trí huệ là Tăng bảo. Theo nghĩa của Pháp thì Pháp vô sư vô học là Phật bảo; pháp Diệt đế vô vi không phải Hữu học cũng không phải Vô học là Pháp bảo; pháp Thanh văn Hữu học và Vô học là Tăng bảo. Theo nghĩa của Căn thì Căn vô tri là Phật bảo; Pháp bảo là pháp không phải căn; Tăng bảo là ba căn vô lậu. Theo nghĩa của Đế thì Phật bảo nhiếp thuộc một phần ít Đạo đế, Pháp bảo nhiếp thuộc Diệt đế, Tăng bảo nhiếp thuộc một phần ít Đạo đế. Đứng trên quả Sa-môn thì Phật bảo là Sa-môn, Pháp bảo là quả Sa-môn, Tăng bảo cũng là Sa-môn. Đứng trên quả Bà-la-môn thì Phật bảo là Bà-la-môn, Pháp bảo là quả Bà-la-môn, Tăng bảo cũng là Bàla-môn. Đứng trên quả Phạm hạnh thì Phật bảo là Phạm hạnh, Pháp bảo là quả Phạm hạnh, Tăng bảo cũng là Phạm hạnh. Đứng trên Nhân quả thì Phật bảo là nhân, Pháp bảo là quả, Tăng bảo cũng là nhân. Đứng trên đạo quả thì Phật bảo là đạo, Pháp bảo là quả, Tăng bảo cũng là đạo. Phật lấy Pháp làm thầy, Phật từ pháp sanh ra, Pháp là mẹ của Phật, Phật nương vào Pháp mà sanh ra.

Hỏi: Nếu Phật lấy Pháp làm thầy, vì sao trong Tam bảo không để Pháp đứng đầu?

Đáp: Tuy Pháp là thầy của Phật, nhưng nếu Pháp không có Phật thì không thể hoằng dương, đó gọi là đạo được hoằng dương là nhờ nơi người, vì thế nên để Phật đứng đầu trong Tam bảo.

Hỏi: Nếu khi thọ pháp Tam quy, xưng Pháp bảo trước xưng Phật bảo sau thì có thành pháp Tam quy không?

Đáp: Nếu do không hiểu biết, nói không theo thứ lớp thì không tội vẫn thành pháp Tam quy; nếu đã hiểu biết mà cố ý nói ngược thứ lớp thì phạm Đột-kiết-la và không thành pháp Tam quy.

Hỏi: Nếu chỉ xưng Phật và pháp, không xưng Tăng thì có thành pháp Tam quy không; hoặc chỉ xưng Pháp và Tăng, không xưng Phật; hoặc chỉ xưng Phật và Tăng, không xưng Pháp thì có thành pháp Tam quy không?

Đáp: Đều không thành pháp Tam quy.

Hỏi: Nếu không thọ pháp Tam quy thì có đắc năm giới, tám giới cho đến mười giới hay không; nếu không bạch tứ yết ma thì có đắc giới cụ túc không?

Đáp: Tất cả đều không đắc giới. Nếu muốn thọ năm giới thì phải thọ pháp Tam quy trước, thọ pháp Tam quy rồi mới đắc năm giới. Sở dĩ gọi là năm giới là muốn cho người thọ biết rõ về năm giới; cũng vậy bạch tứ yết ma xong mới đắc giới cụ túc, sở dĩ nói pháp Tứ y, bốn pháp Đọa, mười ba Tăng tàn là muốn cho người thọ biết. Có thuyết cho là thọ pháp Tam quy xong, chỉ nói một giới Bất sát liền đắc giới; nói một giới mà đắc cả năm giới là vì nếu giữ được một giới tức là thọ trì cả năm giới, vì thế phần của năm giới dính nhau kiêm bổn ý thệ thọ năm giới. Có thuyết cho là thọ năm giới xong mới đắc giới, nhưng trong các thuyết thì thuyết thọ pháp Tam quy xong liền đắc năm giới là nghĩa nhất định; cho đến tám giới, mười giới cũng như vậy. Riêng pháp thọ giới cụ túc thì bạch tứ yết ma xong mới đắc giới, vì giới cụ túc có công đức sâu, nếu không có nhiều duyên lành và nhiều lực thì không do đâu đắc giới, tức là phải có đủ tam Sư, thập Tăng bạch tứ yết ma mới đắc giới. Năm giới, tám giới và mười giới công đức ít hơn nên chỉ cần thọ pháp Tam quy xong liền đắc giới.

Hỏi: Khi truyền thọ giới cụ túc vì sao chỉ nói bốn Ba-la-di, mười ba Tăng tàn mà không nói các thiên giới khác?

Đáp: Vì hai thiên giới này là trọng, nếu phạm giới trong thiên thứ nhất thì không khởi lại giới; nếu phạm giới trong thiên thứ hai tuy khởi lại giới nhưng khó khởi vì phải hành Ba-lợi-bà-sa, Ma-na-đỏa xong mới ở trong Tăng đủ hai mươi vị làm yết ma cho xuất tội. Nếu giới khó trì mà trì được thì những giới dễ trì không cần phải nói, vì vậy chỉ nói hai thiên giới đầu mà không nói những thiên giới khác.

Hỏi: Giới Ba-la-đề-mộc-xoa này là giới vô lậu hay là giới thiền?

Đáp: Không phải giới vô lậu cũng không phải thiền giới. Giới Bala-đề-mộc-xoa có khi Phật xuất hiện ở đời, nếu Phật không xuất hiện ở đời thì không có; còn giới vô lậu và giới thiền dù Phật có xuất hiện hay không xuất hiện ở đời, trong tất cả thời đều có. Lại nữa giới Ba-lađề-mộc-xoa từ Phật dạy mà đắc giới, còn giới vô lậu và giới thiền thì không từ Phật dạy vẫn đắc giới. Lại nữa giới Ba-la-đề-mộc-xoa phải từ người khác truyền thọ mới đắc giới, còn giới vô lậu và giới thiền thì không nhờ người khác vẫn đắc giới. Lại nữa, giới Ba-la-đề-mộc-xoa bất luận tâm hôn trầm hay không hôn trầm, tâm thiện ác hay vô ký, trong tất cả thời đều có; còn giới vô lậu và giới thiền phải ở trong tâm vô lậu và tâm thiền mới có giới, trong các tâm khác thì không có. Lại nữa, giới Ba-la-đề-mộc-xoa chỉ có trong loài người; còn giới vô lậu và giới thiền thì trong trời người đều có. Lại nữa giới Ba-la-đề-mộc-xoa chỉ có trong cõi Dục; còn giới vô lậu và giới thiền trong cõi Dục và cõi Sắc đều có, ở cõi Vô sắc thì thành tựu giới vô lậu. Lại nữa, giới Ba-la-đề-mộc-xoa chỉ đệ tử Phật mới có; còn giới vô lậu và giới thiền thì đ6ẹ tử Phật và ngoại đạo đều có.

Hỏi: Năm giới của Ưu-bà-tắc có mấy giới là thật tội, mấy giới là giá tội?

Đáp: Bốn giới đầu là thật tội, giới uống rượu là giá tội; giới này sở dĩ được kết cùng bốn giới trên thành năm giới là vì uống rượu là gốc của buông lung, có thể khiến phạm luôn cả bốn giới trên. Như vào thời Phật Ca-diếp, có một Ưu-bà-tắc vì uống rượu say mà tà dâm với vợ người, bắt trộm gà và giết gà của người; người khác hỏi vì sao làm như thế thì người này đáp là do rượu làm cho tâm mê loạn nên nhất thời phá cả bốn giới trên. Lại nữa uống rượu say có thể phạm bốn tội nghịch, trừ tội Phá tăng thì không thể; tuy không phải do nghiệp đời trước có quả báo cuồng loạn, nhưng do uống rượu say nên mê loạn như người cuồng loạn, có thể phá mất chánh nghiệp như ngồi thiền tụng kinh và làm việc chúng tăng. Vì vậy tuy không phải là thật tội nhưng do nhân duyên này nên cùng với thật tội đồng loại.

Hỏi: Giới Ưu-bà-tắc ở trên chúng sanh mới đắc giới, còn ở trên loài phi chúng sanh có đắc giới không; chỉ ở trên chúng sanh có thể sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ mới đắc giới hay là ở trên chúng sanh không thể sát sanh… cũng đắc giới?

Đáp: Ở trên chúng sanh mới đắc giới còn ở trên loài phi chúng sanh thì không thể; ở trên chúng sanh có thể sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ hay ở trên chúng sanh không thể sát sanh… đều đắc giới. Dưới cho đến địa ngục A-tỳ và trên cho đến cõi trời Phi phi tưởng xứ, ba ngàn đại thiên thế giới cho đến Phật Như lai, tất cả loài có mạng sống đều đắc bốn giới này. Khi vừa thọ giới, tất cà không sát sanh… tất cả không nói dối, cho nên trên tất cả chúng sanh thảy đều đắc giới. Luận về pháp thọ giới, trước phải nghe thuyết pháp để được khai giải, khiến cho khởi tâm từ mẫn đối với tất cả chúng sanh, được tâm tăng thượng mới đắc giới tăng thượng. Luận về pháp đắc giới, tất cả chúng sanh đều đắc bốn giới, bốn giới này sai biệt có đến mười hai giới, đối với tất cả chúng sanh không được giết hại… không được nói dối. Bởi vì nếu khởi ra bốn ác là do ba nhân duyên mà khởi, đó là tham sân si, nên thành mười hai ác; trái ngược với mười hai ác là mười hai thiện giới sắc.

Hỏi: Nếu có trăm vạn ngàn vạn A-la-hán nhập niết bàn thì đối với các A-la-hán này, giới đã đắc trước kia trước sau có thành tựu không?

Đáp: Không, vì A-la-hán nhập niết bàn thì giới này cũng mất. Như khi đắc giới uống rượu thì thân này cho đến trọn đời, trong ba ngàn đại thiên thế giới đối với tất cả loại rượu đã có, chỉ uống một ngụm liền phạm giới sắc. Vì khi thọ giới, tất cả loại rượu đều không được uống, dù rượu diệt hết nhưng giới vẫn thành tựu không mất cho đến trọn đời.

Hỏi: khi thọ giới, nơi ba sanh môn của người nữ đắc giới không tà dâm, sau đó lấy vợ, có phạm giới này không?

Đáp: Không phạm, vì sao, vì tuy đối với người nữ vốn đã đắc giới không tà dâm, nhưng người nữ này nay là vợ, không gọi là tà dâm nên không phạm giới này. Dựa theo đây mà suy ra thì tất cả giới đều như vậy, cho đến tám giới, mười giới, chúng sanh hay loài phi chúng sanh đắc giới cũng đều như vậy. Cho đến thọ hai trăm năm mươi giới đắc giới, ở trên tất cả chúng sanh đắc bảy giới (thân ba khẩu bốn), phân biệt có đến hai mươi mốt giới; bởi vì nếu trên một chúng sanh khởi ra bảy ác là do ba nhân duyên mà khởi, đó là tham sân si, nên thành hai mươi mốt ác. Trên một chúng sanh đắc hai mươi mốt giới sắc thì trên tất cả chúng sanh cũng đều như vậy. Như đối với ngũ cốc, nếu trên một loại cốc nào phá hại hay chặt cây ăn trái, làm gẫy cành lá thì tùy phá tùy chặt bao nhiêu thì mắc tội bấy nhiêu; ngược lại thì đắc ngần ấy giới. Bởi vì khi thọ giới không làm hại cây cỏ, ở trên tất cả cỏ cây đều đắc giới sắc; như giới không đào đất, trên mỗi chỗ đất là đắc một giới sắc, dưới cho đến ba ngàn đại thiên thế giới tận mé Kim cang cũng đều đắc một giới sắc như vậy. Trong hai trăm năm mươi giới đã thọ, ở trên chúng sanh hay không phải chúng sanh đắc giới nhiều ít, theo đây mà suy ra thì khi đắc giới, trên mỗi giới cùng một lúc đắc vô lượng giới. Như giới không sát sanh, trên một chúng sanh sẽ đắc ba giới sắc, bởi vì nếu khởi giết hại là do ba nhân duyên mà khởi, đó là tham sân si; nếu không giết hại thì đắc ba giới sắc; nếu vì tham mà giết người thì trên người bị giết này phạm một giới sắc do tham, hai giới sắc kia không phạm.

Khi phạm giới trọng Ba-la-di này thì ví như đồ đựng Đạo (đạo khí) bị thủng, không thể đựng Đạo được nữa nên không thể chứng bốn Quả Sa-môn, gọi là phi Sa-môn. Vừa phạm giới Sát này liền phá hủy đạo khí nên gọi là Ba-la-di, nếu sau đó giết người nữa, thật tội tuy nặng nhưng không còn gọi là Ba-la-di, vì không còn đạo khí để phá hủy nữa, Tỳ-kheo này gọi là Tỳ-kheo phá giới, không gọi là phi Tỳ-kheo. Theo đây mà suy ra thì tuy cùng một lúc đắc vô lượng giới nhưng không phải cùng một lúc phạm hết các giới, cùng một lúc xả hết các giới.

Luận về pháp phá giới, nếu phá giới trọng thì không có thăng tiến, cho dù xả giới rồi thọ giới lại cũng không đắc giới. Nếu phá một giới trọng trong năm giới rồi thọ lại năm giới, cho đến mười giới, giới cụ túc, giới vô lậu và giới thiền đều không đắc giới. Nếu phá một giới trọng trong năm giới, muốn xả hết năm giới rồi thọ lại thì không có lý đó; dù đã xả giới để thọ lại năm giới cho đến mười giới, giới cụ túc, giới vô lậu và giới thiền đều không đắc giới. Nếu phá một giới trọng trong mười giới hoặc giới cụ túc , muốn thăng tiến hay muốn xả giới rồi thọ lại cũng giống như trường hợp phá một giới trọng trong năm giới.

Hỏi: Giới Ba-la-đề-mộc-xoa, giới vô lậu và giới thiền ở trong ba cõi, giới nào thù thắng hơn?

Đáp: Giới vô lậu và giới thiền thù thắng hơn, nhưng có thuyết cho rằng giới Ba-la-đề-mộc-xoa thù thắng hơn, vì sao, vì Phật ra đời mới có giới này còn giới vô lậu và giới thiền trong tất cả thời đều có. Tất cả chúng sanh và loài phi chúng sanh đều đắc giới Ba-la-đề-mộc-xoa, con giới vô lậu và giới thiền thì chỉ ở trên chúng sanh mới đắc giới. Lại nữa tất cả chúng sanh nhờ tâm Từ mà đắc giới Ba-la-đề-mộc-xoa, còn giới vô lậu và giới thiền thì không do tâm Từ mà đắc giới. Luận về duy trì Phật pháp thì chỉ có bảy chúng ở thế gian, đạo quả Tam thừa nối tiếp nhau không dứt đều là lấy giới Ba-la-đề-mộc-xoa làm cội gốc; giới vô lậu và giới thiền thì không như thế, cho nên ở trong ba cõi, giới Ba-lađề-mộc-xoa là thù thắng nhất. Khi mới thọ giới, bạch tứ yết ma xong liền thành tựu một giới sắc, một niệm giới sắc đầu tiên gọi là Nghiệp, cũng gọi là Nghiệp đạo; niệm thứ hai trở về sau, giới sắc đã sanh chỉ là Nghiệp, không phải là Nghiệp đạo, vì sao, vì một niệm giới sắc ban đầu, tư duy và ước nguyện đầy đủ, do tư duy thông nên gọi là Tư nghiệp đạo. Giới sắc ban đầu là nhân, giới sắc sau nhậm vận tự sanh chỉ gọi là nghiệp, không gọi là Nghiệp đạo. một niệm giới sắc ban đầu vừa thuộc Giáo vừa thuộc Vô giáo, giới sắc sau nhậm vận tự sanh chỉ có Vô giáo, không có Giáo; một niệm giới sắc ban đầu gọi là Giới, cũng gọi là Thiện hạnh, cũng gọi là Luật nghi; giới sắc sau nhậm vận sanh khởi cũng có ba nghĩa này.

Hỏi: Trong ba đời, đời nào đắc giới?

Đáp: Một niệm trong Hiện tại là chúng sanh nên đắc giới, quá khứ vị lai là pháp, không phải chúng sanh nên không đắc giới.

Hỏi: Trong tâm Thiện đắc giới hay trong tâm Bất thiện, tâm Vô ký hay là trong Vô tâm mà đắc giới?

Đáp: Trong tất cả tâm đều đắc giới. Trước tiên với tâm Thiện đảnh lễ Tăng rồi thọ y bát, kế cầu Hòa thượng, Tăng hỏi già nạn để biết có thanh tịnh không… cho đến Tăng bạch tứ yết ma xong, tâm Thiện nối nhau nên giới sắc thành tựu, đây gọi là trong tâm Thiện đắc giới. Nếu trong quá trình thọ đắc giới trên cho đến khi bạch tứ yết ma bỗng khởi các tâm Bất thiện như tham, sân… trong các tâm này thành tựu giới sắc thì đây gọi là trong tâm Bất thiện đắc giới. Đắc giới này là do lực của tâm Thiện ban đầu và sự dạy bảo thiện trong quá trình thọ giới, không phải do lực của tâm Bất thiện mà đắc giới. Nếu trong quá trình thọ đắc giới trên cho đến khi bạch tứ yết ma bỗng buồn ngủ hay hôn trầm, trong lúc này mà thành tựu giới sắc thì đây gọi là trong tâm Vô ký đắc giới. Nếu trong quá trình thọ đắc giới trên cho đến khi bạch tứ yết ma bỗng nhập Diệt tận định, trong lúc này mà thành tựu giới sắc thì đây gọi là trong Vô tâm đắc giới.

Hỏi: Nếu cư sĩ không thọ năm giới mà thọ thẳng lên mười giới thì có đắc giới không?

Đáp: Cùng một lúc thọ đắc hai loại giới: Giới Ưu-bà-tắc và giới Sa-di; nếu không thọ năm giới, mười giới mà thọ thẳng lên giới cụ túc thì cùng một lúc thọ đắc ba loại giới.

Hỏi: Nếu thọ thẳng lên giới cụ túc đắc cả ba loại giới thì cần gì phải theo thứ lớp thọ năm giới trước, kế thọ mười giới, sau cùng là thọ giới cụ túc?

Đáp: Tuy cùng một lúc thọ đắc ba loại giới, nhưng để thấm nhuần Phật pháp thì phải theo thứ lớp trước sau. Trước thọ năm giới là để tự điều phục, lòng tin ưa tăng dần mới thọ lên mười giới, thiện tâm chuyển sâu mới thọ lên giới cụ túc. Theo thứ lớp như thế sẽ được thấm nhuần vị Phật pháp, lòng tin ưa càng kiên cố, khó thể thối chuyển; ví như bơi trong biển cả dần dần lạn sâu, trong biển Phật pháp cũng như vậy. Nếu cùng một lúc thọ đắc ba loại giới thì bỏ mất thứ lớp lại phá oai nghi; lại nữa, có chúng sanh khi thọ năm giới mà được đạo quả, hoặc có chúng sanh khi thọ mười giới mà được đạo quả… nên Như lai mới nói thọ theo thứ lớp. Nếu trước thọ năm giới, đến khi thọ mười giới liền thành tựu cả hai loại giới; đến khi thọ giới cụ túc liền thành tựu cả ba loại giới. Trong bảy loại thọ giới, chỉ có bạch tứ yết ma theo thứ lớp ba thời thọ mới đắc giới, còn sáu loại thọ giới kia chỉ trong một thời liền đắc giới. Nếu cùng một lúc đắc cả ba loại giới thì khi muốn xả giới, nếu nói tôi là Sa-di thì không phải là Tỳ-kheo, liền mất giới cụ túc; nếu nói tôi là Ưu-bà-tắc thì không phải là Sa-di, liền mất mười giới; nếu nói giới tại gia xuất gia đều xả thì cả ba loại giới đồng thời mất hết, nhưng không mất pháp Tam quy; nếu theo thứ lớp thọ đắc giới thì xả giới cũng theo thứ lớp.

Hỏi: Nếu trước đã thọ năm giới, sau đó xuất gia thọ mười giới thì có xả năm giới trước không?

Đáp: Không xả năm giới, chỉ mất tên gọi và thứ lớp chứ không mất giới, tức là mất tên Ưu-bà-tắc được tên Sa-di, mất thứ lớp cư sĩ được thứ lớp xuất gia.

Hỏi: Sa-di thọ lên giới cụ túc có mất mười giới và năm giới đã thọ trước hay không?

Đáp: Không mất, chỉ mất tên gọi và thứ lớp chứ không mất giới, tức là mất tên Sa-di được tên Tỳ-kheo, mất thứ lớp Sa-di được thứ lớp Tỳ-kheo. Trước sau vẫn là một giới nhưng tùy thời thọ lên mà có tên gọi khác nhau, ví như lá cây vào mùa xuân và mùa hạ thì có màu xanh, sang mùa thu thì có màu vàng, đến mùa đông thì có màu trắng; tùy theo mùa khác nhau mà lá cây có màu khác nhau, nhưng trước sau vẫn là lá cây. Giới cũng vậy, tùy thời thọ mà có tên khác nhau nhưng trước sau vẫn là giới; cũng như sữa, lạc, tô và đề hồ tùy thời nên có tên gọi khác nhau nhưng trước sau vẫn là một loại sữa. Giới cũng vậy, tuy ba thời có tên gọi khác nhau nhưng trước sau vẫn là giới.

Hỏi: Khi thọ giới Ưu-bà-tắc, nếu không thể thọ đủ năm giới, chỉ thọ một giới cho đến bốn giới thì có đắc giới không?

Đáp: Không đắc giới.

Lại hỏi: Nếu không đắc giới, sao trong kinh nói có thiểu phần Ưu-bà-tắc, đa phần Ưu-bà-tắc, mãn phần Ưu-bà-tắc, nghĩa này như thế nào?

Đáp: Sở dĩ trong kinh nói như thế là muốn nêu rõ công đức trì giới nhiều ít, chứ không nói có pháp thọ giới như vậy.

Hỏi: Nếu thọ năm giới hạn định một ngày, hai ngày cho đến mười ngày thì có được thọ như vậy không?

Đáp: Không được, Phật chế giới đều có hạn định, nếu thọ năm giới thì hạn định là trọn đời; nếu thọ tám trai giới thì hạn định là một ngày một đêm, không thể làm khác Phật chế.

Luận về giới phẩm có thượng trung hạ, năm giới là giới phẩm hạ, mười giới là giới phẩm trung, giới cụ túc là giới phẩm thượng. Trong năm giới thọ đắc giới cũng có ba bậc, nếu thọ giới với tâm bậc hạ thì đắc giới bậc hạ, nếu thọ giới với tâm bậc trung thì đắc giới bậc trung, nếu thọ giới với tâm bậc thượng thì đắc giới bậc thượng. Trong mười giới và giới cụ túc cũng có có ba bậc thọ đắc giới giống như thế. Nếu thọ năm giới với tâm bậc hạ, đắc năm giới bậc hạ; sau đó thọ lên mười với tâm bậc trung hay thượng, đắc mười giới bậc trung hay thượng thì năm giới bậc hạ đã đắc trước kia vẫn là bậc hạ, không có tăng thắng, năm giới đắc sau mới là bậc trung hay thượng. Cũng vậy nếu thọ lên giới cụ túc với tâm bậc thượng, do tâm tăng thượng nên đắc giới cũng tăng thượng. Ngược lại nếu thọ đắc năm giới với tâm bậc thượng thì đây là giới phẩm thượng, khi thọ lên mười giới đắc giới với tâm bậc trung thì đây là giới phẩm trung, cho đến khi thọ lên giới cụ túc đắc giới với tâm bậc hạ thì đây là giới phẩm hạ. Theo đây mà suy ra thì giới Ba-lađề-mộc-xoa không có đắc trùng lên nhau, tùy tâm thượng trung hạ mà đắc giới có thượng trung hạ sai khác nhau.

Nếu trước đã cầu Hòa thượng, khi đăng đàn thọ mười giới nếu Hòa thượng không có mặt vẫn đắc mười giới; nếu khi thọ mười giới nghe biết Hòa thượng tịch thì không đắc giới, nếu không nghe biết thì vẫn đắc giới. Khi Tăng bạch tứ yết ma truyền thọ giới cụ túc, nếu Hòa thượng vắng mặt thì Tăng số không đủ, nếu thêm người cho đủ số thì dù không có Hòa thượng vẫn thọ đắc giới.

Hỏi: Ưu-bà-tắc thọ năm giới có được mua bán không?

Đáp: Được, nhưng không nên làm năm nghề: Một là mua bán súc vật, nếu tự có súc vật cũng cho bán nhưng không được bán cho người mổ giết; hai là mua bán cung tên khi giới, nếu tự có cũng cho bán; ba là bán rượu, nếu tự có cũng cho bán; bốn là ép dầu, vì theo pháp nước Thiên trúc thì ép dầu sẽ giết hại nhiều trùng, nhưng theo nước Kế tân thì trong mè không có trùng, nếu không có trùng thì ép lấy dầu không tội; năm là nghề nhuộm năm màu sắc chánh vì giết hại nhiều trùng, như ở ngoại quốc có nước Lạc Sa-làm nghề nhuộm giết rất nhiều trùng, nước Tần nhuộm màu xanh cũng giết rất nhiều trùng. Đó là năm nghề không nên làm.

Hỏi: Pháp thọ tám trai giới, quá ngọ không ăn đáng lẽ thành chín, vì sao nói là tám ?

Đáp: Pháp thọ tám trai giới lấy quá ngọ không ăn làm thể, tám giới kia trợ giúp cho thành tựu thể trai giới nên gọi là tám trai giới mà không nói là chín pháp. Nếu người thọ tám trai giới, ở trong bảy chúng hay bất cứ hội chúng nào, tuy không thọ giới trọn đời, chỉ thọ giới một ngày một đêm vẫn được gọi là Ưu-bà-tắc. Có thuyết cho rằng nếu gọi là Ưu-bà-tắc mà không thọ giới trọn đời, hoặc không phải Ưu-bà-tắc mà thọ giới một ngày một đêm thì chỉ gọi là người trung gian.

Hỏi: Ngoài bảy chúng có giới Ba-la-đề-mộc-xoa không?

Đáp: Đó là tám trai giới, theo đây mà suy thì người thọ tám trai giới không thuộc trong bảy chúng. Pháp thọ tám trai giới nên nói rõ là một ngày một đêm không sát sanh, chớ để cho người thọ lầm lẫn với giới tướng trọn đời.

Hỏi: Pháp thọ tám trai giới có thể thọ một lúc hai ngày, ba ngày cho đến mười ngày hay không?

Đáp: Phật đã chế định một ngày một đêm thì không được vượt quá thời hạn. Nếu có sức thì thọ một ngày một đêm xong rồi xin thọ lại nữa, cứ như vậy tùy sức mà thọ nhiều ít không kể số ngày.

Hỏi: Pháp thọ trai giới phải thọ từ người khác, nên thọ từ người nào?

Đáp: Từ bên năm chúng. Nếu thọ tám trai giới rồi mà cầm roi đánh chúng sanh thì trai giới không thanh tịnh, dù trong một ngày một đêm ấy không cầm roi đánh chúng sanh, đợi đến sáng hôm sau liền cầm roi đánh chúng sanh thì trai giới cũng không thanh tịnh. Tóm lại, nếu thân khẩu làm điều không phải oai nghi thì dù không phá trai giới, trai giới vẫn không thanh tịnh. Nếu thân khẩu thanh tịnh mà trong tâm khởi tham giác, dục giác, sân nhuế giác, não hại giác thì trai giới vẫn không thanh tịnh. Tuy thân khẩu ý thanh tịnh nhưng nếu không tu sáu niệm cũng gọi là trai giới không thanh tịnh; ngược lại nếu thọ tám trai giới xong, tinh tấn tu sáu niệm thì gọi là trai giới thanh tịnh. Trong kinh nói nếu làm vua cõi Diêm phù đề, tất cả nhân dân, vàng bạc châu báu … đều được như ý, tuy có công đức như vậy vẫn không bằng một phần mười sáu công đức thọ tám trai giới, vì tám trai giới là thanh tịnh bậc nhất. Nếu người muốn thọ tám trai giới mà lung tình với nữ sắc, ăn chơi buông lung cho đã rồi mới thọ trai giới, dù trước giờ ngọ hay sau giờ ngọ đều không đắc trai giới. Nếu ban đầu vô tâm thọ trai giới, làm những việc buông lung, sau đó gặp thiện tri thức khai giải thọ lại trai giới thì dù trước giờ ngọ hay sau giờ ngọ đều đắc trai giới. Nếu muốn thọ trai giới, gặp phải việc khó làm chướng ngại không thọ được, sau đó giải quyết xong việc khó rồi mới thọ trai giới thì dù trước giờ ngọ hay sau giờ ngọ đều đắc giới.

Hỏi: Nếu khi thọ trai giới hạn định thọ ban ngày, không thọ ban đêm hoặc hạn định thọ ban đêm, không thọ ban ngày thì có đắc trai giới không?

Đáp: Không đắc giới, vì sao, vì Phật đã chế định thọ tám trai giới là một ngày một đêm thì không thể làm trái được.

Hỏi: Nếu không đắc thì sao trong pháp Bì cách nói rằng: “Ức nhĩ ở nơi đồng trống vắng vẻ gặp các ngạ quỷ chịu vô số tội, có ngạ quỷ ban ngày được hưởng phước nhưng ban đêm chịu tội, có ngạ quỷ ban đêm hưởng phước nhưng ban ngày chịu tội. Sở đĩ như vậy là vì ngạ quỷ này đời trước hoặc chỉ thọ trai giới vào ban ngày hoặc chỉ thọ trai giới vào ban đêm”, nghĩa này như thế nào?

Đáp: Nếu là nhân duyên bổn sanh thì không phải Tu-đa-la, cũng không phải Tỳ-ni, không nên y theo cho là nghĩa nhất định. Có thuyết nói tôn giả Ca-chiên-diên muốn hóa độ Ức nhĩ nên biến hóa ra việc này để cảm hóa tâm Ức-nhĩ, không phải là việc thật.

Nếu đã thọ tám trai giới mà muốn xả thì không cần ở bên năm chúng xả, quá ngọ muốn ăn cứ đến nói với một người thì trai giới liền xả. Luận về đắc giới Ba-la-đề-mộc-xoa, đứng trên năm đường thì chỉ ở trong nhơn đạo mới đắc giới, bốn đường kia không đắc. Cõi trời do tâm đắm trước phước lạc sâu nên không thể đắc giới, như trường hợp tôn giả Đại Mục-kiền-liên vì đệ tử bịnh nên lên cõi trời Đao lợi để hỏi Kỳ-bà, lúc đó chư thiên đang đi vào vườn Hoan hỷ, tôn giả đứng bên đường nhưng chư thiên không ai quay lại nhìn tôn giả. Kỳ-bà đi sau nhìn thất tôn giả liền đưa một tay vẩy chào rồi cưỡi xa đi thẳng, Mục-liên suy nghĩ: “Vị này ở cõi người vốn là đệ tử của ta, hôm nay thọ hưởng thiên lạc, do tâm nhiễm đắm nên mất bổn tâm”, nghĩ rồi liền dùng thần thông bắt xe dừng lại. Kỳ-bà xuống xe đảnh lễ, Mục liên liền quở trách là không nên như vậy. Kỳ-bà nói: “Vì ở cõi người tôi là đệ tử của tôn giả nên mới vẩy tay chào, tôn giả thấy chư thiên có ai quay lại nhìn tôn giả không, vì sanh lên cõi trời nhiễm đắm thiên lạc, tâm không tự tại nên mới như vậy”, Mục-liên hỏi: “Đệ tử của tôi bịnh, nên chữa trị như thế nào?”, Kỳ-bà nói: “Chỉ cần nhịn ăn, bịnh liền lành”.

Có lần tôn giả Mục-liên khuyên Thích đề hoàn nhơn: “Phật ra đời khó gặp, sao không thường thân cận để nghe chánh pháp”, Thích đề hoàn nhơn hiểu ý tôn giả nên cho vời một thiên tử đến, vời đến ba lần mà thiên tử này vẫn chưa đến. Thiên tử này có một người vợ với một loại kỹ nhạc, do đắm nhiễm sâu nên tuy biết lịnh vua trời là trọng, nhưng không tự chế ngự được, cuối cùng bất đắc dĩ mới đến, Đế thích hỏi vì sao, liền thật tình bạch rõ nguyên do, Đế thích bạch với Mục-liên: “Thiên tử này chỉ có một người vợ và một loại kỹ nhạc mà còn đắm nhiễm, không tự chế ngự được; huống chi là thiên vương có vô số thiên nữ, thức ăn Tu-đà có trăm vị tự nhiên với trăm ngàn loại kỹ nhạc. Do đó tuy biết Phật ra đời khó gặp, chánh pháp khó được nghe, nhưng bị dục lạc trói buộc, nhiễm đắm không được tự tại”.

Luận về pháp thọ giới, phải phát tâm dõng mãnh, tự thệ nguyện quyết đoán mới đắc giới. Chư thiên do tâm tham đắm dục lạc nhiều, lục thiện tâm yếu nên không thể đắc giới; Ngạ quỷ do bị đói khát bức bách, thân tâm bị thiêu đốt nên không thể đắc giới; Địa ngục do chịu vô lượng khổ não, tâm ý đau đớn nên không thể đắc giới; Súc sanh do nghiệp chướng, không hiểu biết gì nên không thể thọ đắc giới. Tuy nhiều nơi trong kinh nói Rồng cũng thọ tám trai giới với tâm thiện, tuy được công đức thọ giới với tâm thiện nhưng vẫn không đắc giới vì nghiệp chướng. Đứng trên bốn châu thiên hạ thì chỉ có ba châu: Cõi Diêm phù đề, cõi Câu-da-ni, cõi Phất Bà-đề và những người ở trên hải đảo giữa ba châu trên là được đắc giới. Cho nên Phật bảo tôn giả Tân-đầu-lô đến cõi Câu-da-ni làm Phật sự, cũng có bốn bộ chúng; ở phương Đông cũng có Tỳ-kheo làm Phật sự và cũng có bốn bộ chúng. Riêng cõi Uất đơn việt không có Phật pháp nên không có đắc giới, do phước báo làm chướng ngại và do ngu si không lãnh thọ Thánh pháp. Trong loài người có bốn hạng người: Nam, nữ, huỳnh môn và người hai căn; trong đây chỉ có nam và nữ là đắc giới, hai hạng người kia không thể đắc giới. Trong hai hạng nam và nữ, nếu giết cha, giết mẹ… đoạn mất căn lành, cũng không đắc giới. Nói chung, nếu thọ trì Phật pháp thì không cần phải nói, dù là trời rồng, quỷ thần, huỳnh môn, hai căn đều được thọ pháp Tam quy.

Hỏi: Chư Phật trong ba đời có đắc giới đồng nhau không?

Đáp: Không đồng nhau, luận về đắc giới thì ở trên chúng sanh hay loài phi chúng sanh đều đắc giới, nhưng một vị Phật ra đời độ vô lượng A-tăng-kỳ chúng sanh vào Vô dư niết bàn; vị Phật sau ra đời thì các chúng sanh này lại không đắc giới. Như Phật Ca-diếp ra đời độ vô lượng A-tăng-kỳ chúng sanh vào Vô dư niết bàn, trong thời Phật Cadiếp các chúng sanh này đều đắc giới; nhưng khi Phật Thích-ca ra đời thì các chúng sanh này lại không đắc giới, chứng tỏ Phật trước và Phật sau đắc giới không đồng nhau. Chư Phật trong ba đời có ba việc đồng nhau: Một là tu hành đồng nhau, hai là pháp thân đồng nhau, ba là hóa độ chúng sanh đồng nhau. Chư Phật đều tu hạnh Bố tát trải qua ba Atăng-kỳ kiếp, đều đủ năm phần pháp thân, mười lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp bất cọng và đều hóa độ vô lượng A-tăng-kỳ chúng sanh vào Vô dư niết bàn.

Hỏi: Trong kinh nói mỗi vị Phật ra đời hóa độ chín mươi Na-dotha chúng sanh nhập niết bàn, vì sao lại nói là vô lượng A-tăng-kỳ chúng sanh?

Đáp: Trong kinh nói mỗi vị Phật ra đời hóa độ chín mươi Na-dotha chúng sanh nghĩa là nói người được độ từ vị Phật đó có chín mươi Na-do-tha chúng sanh; còn nói vô lượng A-tăng-kỳ chúng sanh là bao gồm chúng sanh được độ từ Phật hoặc từ đệ tử Phật hoặc từ trong chánh pháp của Phật. Nói tóm lại, có vô lượng A-tăng-kỳ chúng sanh vào Vô dư niết bàn, chư Phật trong ba đời có ba việc đồng nhau, chỉ có đắc giới 620 là không đồng nhau.

Hỏi: Chúng sanh hay loài phi chúng sanh đắc Ác luật nghi giới, hay là cả hai đều có thể hoặc không thể đắc giới này?

Đáp: Chỉ có chúng sanh mới đắc giới này, loài phi chúng sanh thì không. Lại có thuyết nói chỉ có chúng sanh có thể giết hại mới đắc giới này, chúng sanh không thể giết hại thì không đắc. Lại có thuyết nói chúng sanh có thể giết hại và chúng sanh không thể giết hại đều đắc giới này, như kẻ đồ tể giết dê, có tâm sát hại, giết dê không có giới hạn; dù ở trong cõi trời người, nay không giết hại nữa vẫn phải lần lượt thọ sanh trong loài dê. Cho nên tất cả chúng sanh đều đắc giới này, mười hai ác luật nghi cũng vậy. mười hai ác luật nghi gồm có: Một là mổ giết trâu dê, hai là làm nem làm gỏi, ba là nuôi heo, bốn là nuôi gà, năm là bắt cá, sáu là thợ săn, bảy là bắt chim, tám là bắt trăn, chín là chú thuật bắt rồng, mười là cai ngục, mười một là kẻ giặc, mười hai là vương gia thường sai người bắt giặc; nuôi tằm cũng là Ác luật nghi. Có ba thời xả Ác luật nghi giới: Một là lúc chết, hai là khi được Ái tận, ba là khi thọ Luật nghi giới, như khi thọ pháp Tam quy vừa nói một lần liền xả Ác luật nghi giới, nói lần thứ hai , thứ ba liền đắc thiện giới.

Hỏi: Khi người có thiện giới làm người ác giới thì lúc nào xả thiện giới và được ác giới?

Đáp: Vừa nói tôi là đồ tể, liền xả thiện giới, nói lần thứ hai, thứ ba liền đắc ác giới. Có thuyết cho là bất cứ lúc nào xả thiện giới liền đắc ác giới; nếu người có thiện giới chưa ự thệ làm kẻ đồ tể, chỉ vì tham tài lợi nên cùng kẻ đồ tể làm việc này thì lúc đó gọi là phạm giới thiện chứ chưa xả giới thiện, chưa đắc ác giới. Nếu tự thệ làm kẻ đồ tể liền đắc ác giới, đắc ác giới chỉ cần tự thệ hoặc nói ra lời, không phải từ người khác mà đắc. Nếu hạn định làm người ác giới trong một ngày, hai ngày cho đến mười ngày, một năm… tùy ý , vì làm pháp ác là thuận theo dòng sanh tử, không có nghĩa thăng tiến, nên tùy tâm muốn làm liền đắc ác giới, không giống như thiện luật nghi giới.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9