TÁT BÀ ĐA TỲ NI TỲ BÀ SA

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

5. Nhân Duyên Kết Ba Mươi Xả Đọa (Tiếp Theo):

4. Nhân duyên kết giới thứ tư:

Tỳ-kheo-ni Hoa sắc: Dung mạo đoan chánh, sắc đẹp như hoa Ưubát-la (hoa sen xanh), nhiều kiếp lâu xa trong đời quá khứ là một Bàla-môn nữ. Cha mẹ và người thân của cô vào biển tìm châu báu, cô ở nhà không thể tự kiếm sống nên cùng ở chung với các dâm nữ bán sắc nuôi thân. Do cô không đẹp lắm nên không có ai lui tới với cô, cô thường tự oán trách bản thân. Lúc đó có một vị Phật Bích chi được mọi người kính ngưỡng, có người nói với cô rằng: “Cô hãy cúng dường vị Phật Bích chi này rồi phát nguyện, tùy tâm muốn gì sẽ được như ý nguyện”, cô nghe lời liền sửa soạn các món ăn ngon cùng với hoa sen xanh đem dâng cúng Phật Bích chi rồi phát nguyện: “Nguyện cho con đời đời thường làm người nữ đoan chánh, sắc đẹp tuyệt trần, được mọi người yêu mến; lại nguyện cho con được công đức như vị Sa-môn này đã được”. Do bổn nguyện đời xưa nên nay làm người nữ xinh đẹp, sau khi xuất gia lại được Lậu tận.

Rừng An đà: Còn gọi là rừng trú ám (ban ngày tối tăm) vì khu rừng này rộng lớn rậm rạp, dưới những tàng cây trong rừng mặt trời không chiếu xuống được; lại do chủ của khu rừng này tên là An-đà nên nhân đó đặt tên rừng An-đà.

Dùng điệp y quý giá gói xâu thịt rồi treo lên cây:

Hỏi: Nếu có người lấy gói thịt này thì ở bên ai mắc tội, bên chúa giặc hay bên Ni? đáp là bên Ni.

Y phục rách rưới:

Hỏi: Ni Hoa sắc có công đức và có tiếng tăm mọi người đều biết, vì sao y phục không đủ?

Đáp: Ở đời có hai hạng người: Một là được rồi cất chứa, hai là được rồi đem bố thí. Tỳ-kheo-ni Hoa sắc hễ có được vật gì đều đem cho hết cho người đến xin, cho đến đối với bản thân thường bị thiếu thốn.

Trong số y dư: Do Phật nhập thất yên tĩnh tọa thiền bốn tháng khiến các Tỳ-kheo tự thấy lỗi nên xả y dư do cư sĩ cúng, chỉ mặc ba y phấn tảo nên gọi là số y dư.

Giới thọ lấy y từ Ni không phải bà con là giới bất cọng, Tỳ-kheoni không phạm, Sa-di phạm Đột-kiết-la. Phật chế giới này cho các Tỳkheo là vì nam nữ không nên giao tiếp qua lại, nếu cùng qua lại sẽ sanh ái nhiễm và đưa đến các nhân duyên phi pháp, cho nên Phật chế ngăn; nếu là bà con thì không bị hiềm nghi cũng không bị phỉ báng thì được thọ lấy y. Y đúng lượng này nếu là của cư sĩ hoặc y có màu sắc phi pháp cũng không được thọ lấy; nếu y được nhuộm đúng pháp mà thọ lấy thì phạm Xả đọa. Nếu nhiều Tỳ-kheo thọ lấy một y thì tất cả đều phạm; nếu một Tỳ-kheo thọ lấy một y từ nhiều Ni thì tính số Ni mà kết phạm. Trong năm loại y có ba loại không được thọ lấy, đó là y bị cháy, y bị bò nhai và y bị chuột cắn, nếu thọ lấy thì phạm Xả đọa; hai loại y kia thọ lấy thì phạm Đột-kiết-la; nếu thọ lấy bát đúng lượng cũng phạm Xả đọa; thọ lấy y không đúng lượng và các vật dụng như kiền tư… thì phạm Đột-kiết-la. Nếu thọ lấy y từ Thức-xoa-ma-na và Sa-di-ni cũng phạm Xả đọa.

Trừ trao đổi: Để cho người hành đạo được an lạc và các đệ tử không bị khổ não nên Phật khai cho trừ trao đổi. Như trường hợp Tỳkheo đổi y với Tỳ-kheo-ni vì mặc vừa vặn hoặc Tỳ-kheo-ni đổi y với Tỳ-kheo vì mặc vừa vặn. Nếu Phật không khai cho trao đổi thì các đệ tử sẽ vì nhân duyên tìm cầu y phục mà phiền não và bỏ phế việc hành đạo.

5. Nhân duyên kết giới thứ năm:

Giới này bất cọng với Tỳ-kheo-ni, Sa-di nhờ ni không phải bà con giặt y cũ thì phạm Đột-kiết-la. Tướng phạm trong giới này là nếu tự đưa y cho Tỳ-kheo-ni không phải là bà con giặt hoặc nhuộm hoặc đập, trong ba việc này tùy làm một việc liền phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; nếu cùng một lúc nhờ làm ba việc cũng phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; nếu y giặt chưa sạch, nhuộm chưa thành màu, đập chưa sạch, đều phạm Độtkiết-la. Nếu viết thư hay làm dấu đưa tin thì phạm Đột-kiết-la; nhờ giặt y phạm Xả đọa cũng phạm Đột-kiết-la. Nếu hai người dùng chung y cho đến nhiều người dùng chung y, nhờ Tỳ-kheo-ni giặt, đập hay nhuộm đều phạm Đột-kiết-la; nếu nhờ giặt, nhuộm hay đập y bất tịnh tức là y được dệt bằng lông lạc đà, lông bò, lông tạp thì phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo nhờ Sa-di học hối giặt, nhuộm, đập y cũng phạm Xả đọa; nhờ người phá giới, kẻ Tặc trụ… thì không phạm; nhờ Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni giặt, nhuộm hay đập y cũng phạm Xả đọa; nếu Tỳ-kheo nhờ Tỳ-kheo giặt y cũ thì phạm Đột-kiết-la. Giới này nhờ giặt y cũ đúng lượng hay không đúng lượng đều phạm.

6. Nhân duyên kết giới thứ sáu:

Bạt-nan-đà nói các pháp: Có thuyết cho là ban đầu nói pháp bố thí, chặng giữa nói công đức trì giới, sau cùng nói phước báo được sanh lên cõi trời. Có thuyết cho là từ đầu đến cuối đều nói phước báo của bố thí. Phật kết giới này cho các Tỳ-kheo một là để Phật pháp được tăng thượng, hai là để dứt tránh tụng, ba là để diệt trừ tâm bất thiện của chúng sanh, bốn là muốn khiến cho chúng sanh ở trong chánh pháp phát tâm tin ưa.

Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Tướng phạm trong giới này là Tỳkheo xin y từ cư sĩ không phải là bà con, được y thì phạm Xả đọa. Nếu viết thư hay làm dấu đưa tin thì phạm Đột-kiết-la; hai người cùng xin một y cũng phạm Đột-kiết-la; xin y giùm cho người khác cũng Đột-kiếtla. Giới này nếu xin được y đúng lượng thì phạm Xả đọa, y không đúng lượng thì phạm Đột-kiết-la. Không phạm là xin y từ bà con, nếu bà con này giàu có nhiều tiền của thì đến xin không phạm; nhưng nếu bà con này nghèo khổ mà đến xin thì phạm Đột-kiết-la. Nếu bà con cho ít, xin thêm nữa thì phạm Đột-kiết-la; xin giùm cho người khác cũng phạm Đột-kiết-la; nếu không xin mà bà con tự cho thì không phạm.

Nếu được thỉnh trước: Nếu người không phải là bà con đã thỉnh cúng y trước, sau đó đến lấy thì không phạm. Tuy người đó đã thỉnh trước nhưng sau đó trở nên nghèo khó mà đến nhắc đòi thì phạm Độtkiết-la; nếu cúng1 ít mà xin thêm cũng Đột-kiết-la; xin giùm cho người khác cũng Đột-kiết-la; nếu không xin mà tự cho thì không phạm.

7. Nhân duyên kết giới thứ bảy:

Lúc đó Tỳ-kheo Ba-la: Ba-la là tên của vùng đất, Tỳ-kheo này được đạt tên theo tên của vùng đất. Do đời quá khứ, bồ tát Nho đồng ở trước Phật Nhiên đăng trải tóc trên mặt đất để Phật bước qua, nhờ nhân duyên này mái tóc có màu xanh biếc. Lúc cạo tóc xuất gia có vô số người lấy tóc này xây tháp cúng dường, nhờ nhân duyên này nhiều chúng sanh được gặp Phật quá khứ và đều được Lậu tận nhập niết bàn vô dư, còn lại bốn mươi người mãi đến đời này gặp Phật hiện tại mới được độ, Tỳ-kheo Ba la là người sau cùng trong số bốn mươi người đó.

Lỏa hình mà đi:

Hỏi: Đi xa gặp nhiều hiểm nạn như nạn giặc cướp, nạn thú dữ, trùng độc, nạn đói lạnh…, vì sao Phật lại bảo các Tỳ-kheo du hóa phương xa?

Đáp: Vì căn tánh và sở thích của chúng sanh không giống nhau, Phật tùy căn cớ sở thích mà chế giáo; có chúng sanh nhờ đi xa động loạn mới phát thiện căn thì Phật khen ngợi du hành, tùy thời thay đổi không bị hệ lụy; có chúng sanh nhờ yên tĩnh tọa thiền mới tăng trưởng thiện căn thì Phật khen ngợi yên tĩnh lặng lẽ tự giữ, tùy được lợi ích không có lỗi lầm. Trong giới này các Tỳ-kheo lỏa hình mà đi là vì Phật đã kết giới không được xin y từ cư sĩ không phải là bà con nên không dám xin, hai là vì các Tỳ-kheo trong tương lai cũng sẽ gặp nạn khổ như vậy, muốn Phật nhân việc này mà khai thông nhân duyên.

Đoạt lấy y của tỳ-kheo: Do Lục quần Tỳ-kheo có trí huệ khéo tìm cách nói trước với Tỳ-kheo Ba la rằng: “Thầy lấy đủ ba y, những y còn dư hãy cho chúng tôi”, Ba la đồng ý nên không phạm. Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ-kheo mất một y, từ y Tăng-già-lê có thể trích ra làm một y thì không nên xin, nếu xin mà được y thì phạm Xả đọa, không được y thì phạm Đột-kiết-la. Nếu trong số y tài dư có thể may được y thì không nên xin, xin được hay không được kết phạm như trên. Nếu mất hai y, từ y Tăng-già-lê có thể trích ra làm một y thì chỉ nên xin một y, nếu xin hai y mà được thì phạm Xả đọa, không được thì phạm Đột-kiết-la. Y trong giới này là y đúng lượng, nếu y không đúng lượng hoặc thiếu hoặc dư đều phạm Đột-kiết-la.

8. Nhân duyên kết giới thứ tám:

Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Lúc đó có cư sĩ lo liệu giá tiền y định cúng y cho Bạt-nan-đà, cư sĩ này với Bạt-nan-đà là chủ khách thường lui tới nhau; Bạt-nan-đà có trí huệ phước đức lại nhiều tiền của, thường đưa tiền bạc vật báu cho cư sĩ này vay để buôn bán sanh lợi nên cư sĩ này muốn cúng y cho Bạt-nan-đà để Bạt-nan-đà không tính toán nhiều ít trong việc sanh lợi của mình. Bạt-nan-đà biết được ý này nên đến bảo cư sĩ mua y quý giá cúng. Thể của giới này là cư sĩ hay vợ cư sĩ lo liệu trước giá tiền y, Tỳ-kheo đến bảo họ thêm tiền mua y tốt, tức là thể sắc và lượng của y đều tốt; nếu được y như lời yêu cầu thì phạm Xả đọa, không được y như yêu cầu thì phạm Đột-kiết-la. Nếu viết thư hay làm dấu đưa tin thì phạm Đột-kiết-la; nếu không yêu cầu thể, sắc và lượng y đều tốt mà yêu cầu cúng y theo sở thích của mình hoặc bằng với giá tiền y của họ hoặc ít hơn thì không phạm. Y trong giới này là y đúng lượng, được y đúng lượng thì phạm Xả đọa; được y không đúng lượng thì phạm Đột-kiết-la. Không phạm là xin y từ bà con, nếu bà con này giàu có nhiều tiền của thì đến xin không phạm; nhưng nếu bà con này nghèo khổ mà đến xin thì phạm Đột-kiết-la. Nếu người không phải là bà con đã thỉnh trước, nói rằng: “Khi nào cần y thì đến lấy”, sau đó đến lấy thì không phạm. Nếu đàn việt thỉnh trước này là người giàu có, bảo họ mua y tốt thì không phạm; nếu họ là người nghèo khó mà bảo họ mua y tốt cúng thì phạm Đột-kiết-la. Nếu không xin mà tự cho thì không phạm.

9. Nhân duyên kết giới thứ chín:

Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Y trong giới này cũng là y đúng lượng, nếu khuyên họ hùn chung mua y mà được y không đúng lượng thì phạm Đột-kiết-la. Giới này khác giới trước ở chỗ là hai cư sĩ, mỗi người lo liệu riêng giá tiền y để mua y cúng; Tỳ-kheo khuyên họ hùn chung lại để giá tiền gấp đôi lên để mua một y quý giá. Không phạm là xin từ bà con hoặc được thỉnh cúng trước hoặc không xin mà tự cho… giống như giới trên.

10. Nhân duyên kết giới thứ mười:

Khi còn tại gia, Bạt-nan-đà giỏi về bắn cung và thông binh pháp. Quan đại thần tướng soái nước Ma-kiệt-đà sai năm trăm người theo Bạt-nan-đà thọ học binh pháp và pháp bắn cung, học thông rồi liền trở về nước. Vị đại thần này sai sứ mang nhiều vật quý hiếm đến biếu tặng cho Bạt-nan-đà để đền ơn nhưng lúc đó Bạt-nan-đà đã xuất gia ở nước Xá-vệ. Sứ giả nước Ma-kiệt-đà đến nước Ca-tỳ-la vệ biết được tin này liền đi đến thành Xá-vệ tìm kiếm, cuối cùng gặp nhau ở phố chợ, sứ giả giao vật báu biếu tặng rồi trở về nước của mình.

Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Thể của giới này là nếu đàn việt sai sứ đưa vật báu cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nên nói: “Pháp Tỳ-kheo chúng tôi không được nhận vật báu, khi tôi cần y nếu được y thanh tịnh sẽ thọ trì”, sứ giả nếu hỏi Tỳ-kheo có chấp sự không, Tỳ-kheo nên chỉ chỗ người chấp sự. Sứ giả đưa giá tiền y này cho người chấp sự và bảo mua y thanh tịnh cho Tỳ-kheo thọ trì, sau đó trở lại nói với Tỳ-kheo: “Khi nào thầy cần y thì cứ đến chỗ người chấp sự lấy”. Tỳ-kheo khi cần y nên đến chỗ người chấp sự nói rằng: “Tôi cần y”, đến nói như vậy dược đến lần thứ ba; nếu được y thì tốt, nếu không được y thì lần thứ tư, thứ năm , thứ sáu nên đến trước người chấp sự này đứng im lặng để nhắc; nếu được y thì tốt, nếu không được y mà đến quá sáu lần để đòi y, được y thì phạm Xả đọa. Trong giới này có ba lần nói và ba lần đứng im lặng để hiện tướng đòi y không phạm, nếu đến đòi lần thứ bảy mà được y thì phạm Xả đọa, không được y thì phạm Đột-kiết-la.

 

TỤNG THỨ HAI

11. Nhân duyên kết giới thứ mười một:

Phật tại nước Câu-xá-tỳ: Câu-xá-tỳ là tên vùng đất, Kiều-xa-da là tên một loại tơ tằm. Do nước này nuôi tằm lấy tơ giống như nước Tần, từ tơ này dệt thành vải có hai loại: Một là tách bông vải ra dồn làm ngọa cụ, hai là từ tơ tằm dệt thành vải; hai loại vải này đều dùng làm phu cụ. Phật kết giới này cho các Tỳ-kheo một là để dứt phỉ báng, hai là để tăng trưởng tín kính, ba là để hành đạo được an lạc trụ, bốn là để không làm hại chúng sanh. Giới này bất cọng với Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo phạm Xả đọa, bốn chúng kia phạm Đột-kiết-la.

Tướng phạm trong giới này là nếu xin kén tằm, tơ tằm hay bông vải để dệt thành vải, làm xong liền phạm Xả đọa; nếu xin kén tằm để bán, trong đó tằm còn sống thì phạm Đột-kiết-la, không có tằm thì không phạm; nếu được Kiều-xa-da bị rách để làm ngọa cụ thì không phạm. Nếu lấy lông dê, lông lạc đà, lông bò hợp xen để làm ngọa cụ thì phạm Đột-kiết-la; nếu lấy loại vải gai trắng, vải gai đỏ, Sô-ma, Súy-dila, Khâm-bà-la, Kiếp bối hợp xen để làm ngọa cụ thì phạm Đột-kiết-la; nếu được Kiều-xa-da may thành y đúng lượng thì phạm Xả đọa, bảo người khác may thành y cũng phạm Xả đọa vì Kiều-xa-da rất quý ở trong nước này.

12. Nhân duyên kết giới thứ mười hai:

Ở nước này lông dê đen rất quý nên Phật chế ngăn không cho dùng làm ngọa cụ. Lông dê đen dệt thành vải cũng có hai loại: Một là lựa chọn lấy lông dê đen dồn làm ngọa cụ, hai là kéo thành sợi để dệt thành vải. Giới này bất cọng với Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo phạm Xả đọa, bốn chúng kia phạm Đột-kiết-la.

Tướng phạm trong giới này là có bốn loại lông dê đen: Một là loại đen nhuộm lam, hai là loại đen nhuộm màu bùn xám, ba là loại đen nhuộm màu vỏ cây và thuần đen, đen nhánh. Trong bốn loại này, bất cứ dùng loại nào làm ngọa cụ, làm xong thì phạm Xả đọa; nếu là lông dê đen bị khô, hư dùng làm ngọa cụ thì không phạm. Nếu lấy lông dê, lông lạc đà, lông bò hợp xen để làm ngọa cụ thì phạm Đột-kiết-la; nếu lấy loại vải gai trắng, vải gai đỏ, Sô-ma, Súy-di la, Khâm-ba-la, Kiếpbối hợp xen để làm ngọa cụ thì phạm Đột-kiết-la; nếu được lông dê làm ngọa cụ đúng lượng thì phạm Xả đọa, bảo người khác làm cũng phạm Xả đọa vì lông dê ở nước này rất quý.

13. Nhân duyên kết giới thứ mười ba:

Giới này khác với giới trên ở chỗ là lấy lông dê xen tạp làm ngọa cụ. Giới này bất cọng với Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo phạm Xả đọa, bốn chúng kia phạm Đột-kiết-la. Xen tạp trong đây là đen trắng xen tạp với lông xấu bậc hạ, lông dê trắng là lông ở lưng, ở hai bên sườn và ở cổ; lông dê xấu bậc hạ là lông ở đầu, ở bụng và ở chân. Nếu làm phu cụ nên dùng hai mươi bát la lông dê đen, mười bát la lông dê trắng, mười bát la lông dê xấu bậc hạ; một bát la bằng bốn lạng. Trong đây, nên dùng hai mươi bát la lông dê đen mà dùng quá một lạng thì phạm Xả đọa; nên dùng mười bát la lông dê trắng mà dùng quá một lạng thì phạm Đột-kiết-la; nên dùng mười bát la lông dê xấu bậc hạ mà dùng ít hơn thì một lạng thì phạm Xả đọa. Nếu làm phu cụ sáu mươi bát-la thì nên dùng ba mươi bát la lông dê đen, mười lăm bát la lông dê trắng và mười lăm bát-la lông dê xấu bậc hạ. Nếu làm phu cụ một trăm bát-la thì nên dùng năm mươi bát la lông dê đen, hai mươi lăm bát la lông dê trắng, hai mươi lăm bát la lông dê xấu bậc hạ. Nếu tự xin dê nuôi lấy lông để làm thành vải cũng phạm Xả đọa; giới này tuy cho dùng lông dê xen tạp để làm ngọa cụ nhưng mất nhiều công sức, làm trở ngại đạo nghiệp; nếu nhờ người khác làm như pháp thì không phạm.

14. Nhân duyên kết giới thứ mười bốn:

Nếu Tỳ-kheo đã may ba y và làm ngọa cụ đúng lượng rồi, phải thọ trì trong sáu năm, không được theo đàn việt xin lông dê để làm ngọa cụ mới, làm thành thì phạm Xả đọa, trừ khi Tăng yết ma. Thể của giới này là để đoạn trừ tâm tham muốn cất chứa nhiều, giới này bất cọng với Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo phạm Xả đọa, bốn chúng kia phạm Đột-kiếtla. Nếu người khác tự cho, tự có y tài làm thành hoặc được cái đã làm thành thì không phạm.

15. Nhân duyên kết giới thứ mười lăm:

Phật im lặng nhận lời:

Hỏi: Vì sao khi Phật thọ thỉnh lại im lặng?

Đáp: Phật đã diệt tận kiết sử tham đối với thức ăn nên im lặng thọ thỉnh; Phật Bích chi và Thanh văn tuy đã diệt tận kiết sử tham nhưng tập khí vẫn còn nên hứa khả thọ thỉnh. Lại vì đoạn dứt cơ hiềm phỉ báng, nếu Phật hứa khả khi thọ thỉnh thực thì ngoại đạo sẽ nói rằng: “Sa-môn Cù-đàm tự nói đã vượt qua ba cõi mà còn tham thọ thỉnh thực”, nên Phật im lặng thọ thỉnh. Có thuyết cho là Phật thị hiện tướng Đại nhân, ăn uống là việc nhỏ nên không cần phải nói; như quốc vương không vì việc nhỏ mà dao động, nếu có việc lớn tỏ rõ rồi mới dao động; Phật cũng vậy. Lại do Phật có năm thời nhập Không tam muôi: Một là khi thọ thỉnh, hai là khi thọ thực, ba là khi thuyết pháp, bốn là khi có lợi lạc, năm là khi bị người cơ hiềm phỉ báng. Như khi thọ thỉnh sẽ quán người thỉnh là ai, người thọ thỉnh là ai; khi thọ thực sẽ quán người thí thực là ai, người thọ thực là ai; cứ như thế cho đến khi bị cơ hiềm phỉ báng cũng quán người phỉ báng là ai, người bị phỉ báng là ai; khi quán như vậy liền nhập Không tam muội nên Phật im lặng. Có kinh nói Phật có khi cũng hứa khả thọ thỉnh.

Hỏi: Vì sao Phật khi thì im lặng thọ thỉnh, khi thì hứa khả thọ thỉnh?

Đáp: Điều này không thể nghĩ bàn, như trong Kinh nói Phật không thể nghĩ bàn, Rồng không thể nghĩ bàn, nghiệp báo thế gian không thể nghĩ bàn.

Phật muốn cho chúng sanh biết được tâm Phật: Cho đến hàng chúng sanh thấp hèn độn căn, nếu Phật muốn cho họ thấy thì họ liền được thấy; nếu Phật không muốn cho họ thấy thì họ không thể thấy được, dù Thanh văn hay Phật Bích chi dùng thiên nhãn cũng không thể thấy. Lại nữa, khi Phật phóng đại quang minh chiếu xuống cho đến địa ngục A-tỳ, chiếu lên cho đến cõi trời Hữu đảnh, nếu người nào đáng được độ thì liền thấy ánh sáng này, người không đáng được độ thì không thấy. Cho nên Phật im lặng thọ thỉnh hay hứa khả thọ thỉnh đều không thể suy lường được.

Cúi đầu đảnh lễ hữu nhiễu rồi đi: Ngoại đạo dị kiến chỉ hữu nhiễu rồi đi, còn người tín kính Phật thì cúi đầu đảnh lễ hữu nhiễu rồi đi. Thân Phật thanh tịnh như gương, tất cả ảnh tượng thế gian đều hiện rõ, khiến người nhìn thấy sanh tâm tín kính cúi đầu đảnh lễ. Hữu nhiễu là thuận chánh pháp, trong kinh nói có lực sĩ Mật tích nếu thấy ai nhiễu bên trái liền dùng chày kim cang đập người ấy; lại do Phật trtong nhiều kiếp trước thường hiếu thuận Tam bảo, sư tăng, cha mẹ không có trái nghịch nên được phước báo không gặp người trái nghịch.

Hỏi: Vì sao ngoại đạo dị kiến lại không đảnh lễ Phật ?

Đáp: Vì họ có tập khí kiêu mạn tích chứa nhiều đời lại thường ôm

lòng tà ác, không có tâm thiện.

Hỏi: Mỗi người lễ mỗi cách vì sao chỉ nhiễu ba vòng?

Đáp: Một là không làm não loạn Phật cũng không tự não loạn mình, hai là muốn phát sanh nhân duyên giải thoát ở đời vị lai.

Trở về đến nhà suốt đêm lo sữa soạn đầy đủ các món ăn ngon tinh khiết:

Hỏi: Vì sao lại làm thức ăn vào ban đêm?

Đáp: Vì nấu ban ngày khí trời nóng bức sẽ làm thức ăn mau thiu; lại do làm thức ăn vào ban đêm thì sáng hôm sau mới có thức ăn, nếu làm thức ăn ban ngày thì sẽ thành thức ăn cách đêm.

Bạch Phật thời đáo (đến giờ thọ thực):

Hỏi: Vì sao trước đã thỉnh rồi lại còn thỉnh nữa?

Đáp: Một là vì muốn tăng thượng công đức, hai là vì muốn thành tựu ba pháp kiên cố. Cũng có trường hợp đến giờ thì Phật tự đi, như có một cư sĩ ở chỗ yên tĩnh thắp hương thỉnh Phật từ xa, hương thơm bay đến nhiễu quanh Phật ba vòng, Phật tự biết thời. Có thuyết cho là lực sĩ Mật tích đến giờ bạch Phật, cũng có thuyết cho là A-nan đến giờ bạch Phật, có thuyết cho là Phật tự biết thời không cần các duyên bên ngoài.

Phật ở lại trong phòng: Khi Phật thấy đi không có lợi ích thì Phật không đi, lại do có năm nhân duyên nên Phật không đi thọ thỉnh thực: Một là vào thất tĩnh tọa, hai là thuyết pháp cho chư thiên, ba là thăm các Tỳ-kheo bịnh, bốn là muốn kết giới, năm là đi xem xét phòng xá ngọa cụ.

Thứ lớp đi từ phòng này đến phòng khác: Vì muốn các Tỳ-kheo sanh tâm kính sợ nên sau khi các Tỳ-kheo đi thọ thỉnh thực rồi, Phật liền đi xem xét phòng xá; sau khi trở về các Tỳ-kheo sẽ tự biết ngăn nắp, không dám để trong phòng có điều gì phi pháp. Lại do Phật muốn đoạn dứt các Tỳ-kheo đàm luận phi pháp, vì Phật vào phòng xem xét thì không ai dám nói lời phi pháp. Lại do ngăn dứt người có tâm trộm cắp vì nếu có người xấu, thấy Phật đi xem xét phòng xá như vậy sẽ không khởi tâm trộm cắp.

Thượng tòa thuyết pháp: Sau khi thọ thực xong, Thượng tòa thuyết pháp cho đàn việt một là để tiêu tín thí, hai là để báo ơn, ba là thuyết pháp khiến họ hoan hỉ, thành tựu thiện căn thanh tịnh; bốn là tại gia hành tài thí còn người xuất gia nên hành pháp thí.

Lúc đó có cư sĩ thỉnh Phật và Tăng ngày mai đến nhà thọ thực: Khi Phật còn tại thế, được cúng dường y thực và các thứ khác, Phật chỉ thọ phần của một người; sau khi Phật diệt độ, trong Tam bảo cũng chỉ thọ một phần.

Hỏi: Vì sao như vậy?

Đáp: là khi Phật còn tại thế, cúng dường là cúng dường sắc thân Phật nên Phật chỉ thọ phần của một người; sau khi Phật diệt độ, cúng dường là cúng dường pháp thân Phật, tuy công đức pháp thân Phật thù thắng hơn công đức Tăng bảo nhưng trong Tam bảo cũng chỉ thọ một phần. Khi Phật còn tại thế, nếu thí chủ nói cúng dường Phật thì sắc thân Phật thọ dụng, nếu nói cúng dường Phật bảo thì sắc thân Phật không được thọ dụng vì là cúng dường pháp thân Phật. Luận về pháp thọ thí, tâm phải định, miệng phải định vì phước thí sâu dầy rất dễ phân biệt; nếu cúng dường Phật nên nói rõ ràng là cúng Phật, nếu cúng dường pháp nên nói rõ là cúng dường Kinh hay cúng dường cho người thuyết pháp, đọc tụng kinh. Nếu cúng dường Tăng nên phân biệt rõ là cúng cho Tăng kỳ lạp hay Tự tứ lạp hay Diện môn lạp; cũng nên phân biệt rõ là cúng dường Tăng hay cúng dường Tăng bảo. Nếu cúng dường Tăng bảo thì dù Tăng phàm phu hay Tăng thánh nhân cũng đều không được lấy phần; nếu cúng dường Tăng thì Tăng phàm phu hay Tăng thánh nhân đều được lấy phần. Nếu nói cùng dường Tam bảo nên chia làm ba phần: Một phần cho Phật bảo, một phần cho Pháp bảo, một phần cho Tăng bảo. Phần cho Pháp bảo thì nên để trong tháp, không được lấy in kinh cũng không được đem cho người thuyết pháp tụng kinh. Phần cho Tăng bảo thì Tăng không được lấy phần mà nên để cúng dường cho Tăng đệ nhất nghĩa đế. Luật sư nói không chia phần cho Pháp bảo, như nước Tần gởi vật đến cúng dường pháp hay cho Tăng kỳ, Tự tứ hay Diện môn tùy lời nói mà chia. Phần của Tăng tự tứ lạp thì đợi đến khi tự tứ mới được chia; phần của Tăng diện môn lạp thì tùy ý chia. Nếu không có Tăng, chỉ có Sa-di thì Sa-di cũng nên chia làm ba phần cho Tăng kỳ, Tự tứ hay Diện môn; nếu là Tự tứ lạp thì đợi đến khi tự tứ mới chia, nếu là Diên môn lạp thì tùy ý chia; nếu khi thọ thực thì Tự tứ lạp, Diện môn lạp nên đánh kiền chùy, nếu có Tỳ-kheo thì cùng thọ dụng, nếu không có Tỳ-kheo thì như pháp thanh tịnh tự thọ thực. Nếu không có Sa-di thì nên cho Tăng ở gần, nếu không có Tăng ở gần thì nên cho Ni tăng; Ni tăng nên xét kỹ nếu là cúng cho Tăng thì trước sau có cái lý nên hoàn trả lại, lúc đó Ni tăng nên cất một chỗ để hoàn trả lại cho Tăng; nếu chắc chắn không có ngày hoàn trả lại thì nên chia làm ba phần như trên đã nói. Nếu ở nước xa gởi vật đến cùng cho Ni tăng cũng theo thứ lớp giống như cúng cho Tăng ở trên. Nếu cúng dường cho Ba diễn cũng nên chia làm ba phần: Một phần cho Ba diễn, một phần cho Diện môn, một phần cho Tự tự đợi đến khi tự tứ mới chia. Ở nước Kế tân, Phật giáo hưng thạnh đưa vật đến cúng dường thì vật này nên cúng dường Phật và Tăng; nếu cúng dường Phật và Tăng tức là cúng dường Pháp, vì Pháp không rời Phật và Tăng. Nếu đưa vật đến cúng dường ở nước Kế tân thì có hai bộ Tăng nên cúng dường: Một là Tăng thuộc bộ phái Tát-Bà-đa và hai là Tăng thuộc bộ phái Đàm vô đức. Nếu đưa vật đến cúng dường cho Tăng có năm pháp (năm đức), nếu trong Tăng không có người đủ năm pháp thì nên đưa qua cho Ni tăng có năm pháp, nếu trong Ni tăng cũng không có người đủ năm pháp thì vật này nên chia làm ba phần cho Tăng kỳ, Tự tứ và Diện môn.

Nếu Tỳ-kheo làm Ni-sư-đàn mới nên lấy một miếng vải từ phu cụ cũ chừng một gang tay của Phật để may viền chung quanh làm cho hoại sắc. Ni-sư-đàn đúng lượng là dài bốn gang tay của Phật, rộng ba gang tay. Phu cụ cũ là y và ngọa cụ cũ của chúng tăng bỏ trong kho, trong số phu cụ cũ này lựa lấy một miếng vải dài một gang tay để may viền chung quanh phu cụ mới; nếu trong số phu cụ cũ không có cái nào lớn và dài thì lựa cái tương đối dài hoặc tương đối ngắn để lấy vải may viền, nếu tất cả đều không có thì không may viền không có lỗi. Nếu trong Tứ phương tăng có y ngọa cụ cũ nhưng không phải là vật bỏ thì không được lấy dùng, nếu có mà không lấy để may viền cái mới thì phạm Xả đọa.

16. Nhân duyên kết giới thứ mười sáu:

Thấy các Tỳ-kheo gánh mang lông dê từ phía sau đi tới liền sanh tâm ganh ghét: Một là vì các thương nhơn đi buôn lông dê không muốn lông dê vào trong nước khác nhiều, hai là vì thấy Sa-môn gánh lông dê đi không phải là pháp của người xuất gia nên mới quở trách. Giới này bất cọng với Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo phạm Xả đọa, bốn chúng kia phạm Đột-kiết-la. Một do tuần bằng bốn mươi dặm, Tỳ-kheo được gánh lông dê đi trong khoảng ba do tuần, nếu Hai Tỳ-kheo luân phiên gánh thì được đi đến sáu do tuần, cư như vậy không luận nhiều người hay ít người. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ-kheo gánh lông dê đi quá ba do tuần thì phạm Xả đọa.

Hỏi: Đây là tạm xả hay là căn bản xả?

Đáp: Đứng trên Tội mà nói là căn bản xả, còn đứng trên Pháp là tạm xả. Nếu sai bốn chúng mang lông dê đi quá ba do tuần thì phạm Đột-kiết-la, cũng không được dùng xe chở hay dùng lạc đà tải; nếu sai tịnh nhân mang lông dê đi quá ba do tuần thì phạm Đột-kiết-la. Không phạm là đi trong khoảng ba do tuần, nếu mang đi cho người khác trong khoảng ba do tuần cũng không phạm nhưng đó không phải là pháp của tỳ-kheo và cũng tự làm tổn thương mình.

17. Nhân duyên kết giới thứ mười bảy:

Cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên:

Hỏi: Vì sao Cù-Đàm-di và ni chúng lại không ngồi?

Đáp: Vì người nữ thiên về lễ kính nên không ngồi. Đối với ni chúng Phật ít nói pháp, nếu có nói pháp cũng không nói nhiều; khi đến chỗ Phật, ni chúng không ngồi vì để ngăn dứt phỉ báng, nếu Ni ngồi nghe pháp ngoại đạo sẽ nói: “Khi còn ở trong vương cung, Samôn Cù-đàm ở cùng một chỗ với các thể nữ; nay tuy đã xuất gia cũng không khác trước, cùng các ni ngồi chung một chỗ”. Lại do người nữ tánh cạn hẹp dễ sanh hiềm nghi cho nên không ngồi. Phật chế giới này cho các Tỳ-kheo một là vì tăng thượng pháp, nếu Ni chúng làm các việc như giặt nhuộm… sẽ phế bỏ chánh nghiệp, không có oai đức và phá tăng thượng pháp; hai là để ngăn dứt nhân duyên theo thứ lớp đưa đến ác pháp; ba là vì hai bộ chúng đều thanh tịnh. Giới này bất cọng với Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo phạm Xả đọa, bốn chúng kia phạm Đột-kiếtla. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ-kheo nhờ Tỳ-kheo-ni không phải là bà con giặt nhuộm đập lông dê, tùy làm một trong việc trên thì Tỳ-kheo phạm Xả đọa. Nếu Tỳ-kheo-ni không làm mà nhờ người khác làm thì Tỳ-kheo phạm Đột-kiết-la; nếu Tỳ-kheo nhờ Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni làm cũng phạm Xả đọa. Nếu viết thư hay làm dấu đưa tin nhờ làm thì phạm Đột-kiết-la; nếu lông dê chưa tác tịnh mà nhờ giặt nhuộm đập thì phạm Đột-kiết-la; nếu đã tác tịnh mà bảo giặt nhuộm đập thì chủ tịnh thí phạm Đột-kiết-la. Không phạm là nhờ Ni là bà con.

18. Nhân duyên kết giới thứ mười tám:

Phật kết giới này cho các Tỳ-kheo một là để ngăn dứt phỉ báng, hai là trừ diệt đấu tranh và ba là thành tựu Thánh chủng. Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới cất chứa thì phạm Đột-kiết-la, cầm thì không phạm. Thể của giới này là chế ngăn cất chứa vật báu, như trong Giới bổn nói nếu Tỳ-kheo tự tay lấy cất vật báu hay bảo người khác lấy cất đều gọi là lấy cất. Tự lấy cất có năm cách: Một là dùng tay thọ lấy từ tay người khác, hai là dùng y thọ lấy từ y của người khác, ba là dùng vật đựng lấy từ vật đựng của người khác, bốn là nói để vào trong đây, năm là nói đưa cho tịnh nhân này. Nếu lấy từ một trong năm cách trên để cất chứa thì phạm Xả đọa, chớ tự tay cầm lấy cất, nếu như pháp thuyết tịnh thì không phạm. Vật báu là chỉ cho bảy báu như vàng bạc, trân châu, san hô, xa cừ, mã não… hoặc đã làm thành hoặc chưa làm thành hoặc có tướng hoặc không tướng. Làm thành là từ bảy báu làm ra khí vật; chưa làm thành là bảy báu nguyên chất chưa làm ra khí vật; có tướng là không làm ra khí vật nhưng làm ra tướng chữ hoặc tướng ấn tín; không tướng là không làm ra khí vật cũng không làm ra tướng chữ và tướng ấn tín. Nếu thọ và cất chứa các vật báu như thế đều phạm Xả đọa. Nếu Tỳ-kheo tự tay lấy cất tiền sắt, tiền đồng, tiền bạch lạp, tiền chì, tiền kẽm… bằng năm cách kể trên thì phạm Đột-kiết-la, chớ tự tay lấy cất, nếu như pháp thuyết tịnh thì không phạm. Tỳ-kheo nếu có vật báu phạm Xả đọa, ít thì nên bỏ, nhiều thì nên tìm tịnh nhân đồng tâm và nói rằng: “Vật này bất tịnh nên tôi không thể lấy, ông nên lấy giùm”, tịnh nhân lấy rồi nói với Tỳ-kheo: “Vật này cho đại đức”, Tỳ-kheo nói: “Vật này bất tịnh, nếu tịnh tôi sẽ thọ”, nói như vậy gọi là thuyết tịnh. Nếu cầm lấy vật báu rồi mới thuyết tịnh thì do cầm lấy trước nên phạm Ba-dật-đề; nếu cầm lấy các loại tiền như tiền sắt, tiền đồng… rồi mới thuyết tịnh thì do cầm lấy trước phạm Đột-kiết-la, đều không phải là thể của giới này mà là thể của giới cầm vật báu trong chín mươi Ba-dật-đề. Thể của giới này là cất chứa, nếu cất chứa các loại tiền và vật tợ báu như pha lê, hổ phách, thủy tinh… thì phạm Đột-kiết-la; tiền và vật tợ báu này nên xả cho tịnh nhân đồng tâm, không xả cho Tứ phương tăng, thuyết tịnh rồi vào trong Tăng sám tội Đột-kiết-la. Nếu là vật báu mà không tìm được tịnh nhân đồng tâm thì nên xả cho Tứ phương tăng; nếu là vật tợ báu đã làm ra khí vật thuộc trong số một trăm lẻ một vật thì không cần tác tịnh; nếu không thuộc trong số một trăm lẻ một vật đều phải thuyết tịnh; trong số một trăm lẻ một vật, mỗi loại được cất chứa một cái, ngoài một trăm lẻ một vật ra, tất cả đều gọi là vật dư.

19. Nhân duyên kết giới thứ mười chín:

Lúc đó Lục quần Tỳ-kheo lấy vật báu đã phạm Xả đọa trước đó như pháp thuyết tịnh rồi dùng đủ cách chuyển đổi để sinh lợi. Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Thể của giới này là đem vật báu chuyển đổi với người khác để sinh lợi, khi đưa liền phạm Xả đọa; khi được vật báu từ người kia đưa cũng phạm Xả đọa; nếu vì lợi đưa vật báu này mua lại vật báu khác, khi được vật liền phạm Xả đọa. Đưa vật báu chuyển đổi là đem vật báu đã làm thành đổi lấy vật báu đã làm thành hoặc đổi vật chưa làm thành hoặc đổi vật báu đã làm thành và chưa làm thành; hoặc đem vật báu chưa làm thành đổi lấy vật báu đã làm thành hay chưa làm thành như trên; hoặc đem vật báu có tướng đổi lấy vật báu không tướng hoặc vật có tướng hoặc vật có tướng và không tướng; hoặc đem vật báu không tướng đổi lấy vật báu có tướng hoặc không tướng như trên. Dùng đủ cách chuyển đổi có năm: Một là lấy, hai là đem đến, ba là đem đi, bốn là bán, năm là mua. Lấy là như nói lấy vật này, lấy trong đây, lấy chừng ngần ấy và lấy từ người này; đem đến, đem đi, bán và mua cũng giống như bốn cách lấy trên. Nếu Tỳ-kheo đem các loại tiền như tiền sắt, tiền đồng… chuyển đổi với người khác để sinh lợi thì phạm Độtkiết-la; nếu vì lợi đem tiền mua vật thì phạm Đột-kiết-la; đem vật tợ báu chuyển đổi hay mua lại vật khác để sinh lợi đều phạm Đột-kiết-la. Thể của giới này là đem vật báu dùng đủ cách chuyển đổi, vừa chuyển đổi được vào tay liền phạm; không giống như giới mua bán là mua đi bán lại được lợi mới phạm. Tiền và vật báu nếu ít nên bỏ, nếu nhiều nên tìm tịnh nhân đồng tâm thuyết tịnh như trên. Giới này và giới mua bán sau đều phải xả cho bạch y hay tịnh nhân đồng tâm, không được xả cho Sa-di; Sa-di cũng phải xả cho bạch y; cũng không được xả cho Tứ phương tăng và nên sám tội Đột-kiết-la. Nói lập bảng để trị tội là viết tên người phạm giới này lên bảng cho mọi người nhìn thấy.

20. Nhân duyên kết giới thứ hai mươi:

Lúc đó có một Phạm chí là môn đồ của Lục sư ngoại đạo, mỗi bậc thầy trong số Lục sư đều có mười lăm loại giáo lý để truyền trao cho đệ tử, do giáo lý khác nhau nên các đệ tử tiếp thọ và tu theo cũng thành có kiến chấp khác nhau; thầy cũng có giáo lý riêng cộng với mười lăm giáo lý dạy cho đệ tử tổng cọng có mười sáu loại giáo lý, năm bậc thầy kia cũng vậy nên Lục sư tổng cộng có tất cả chín mươi sáu loại giáo lý, cũng gọi là chín mươi sáu dị kiến; pháp riêng của bậc thầy chỉ truyền trao lại cho một đệ tử kế thừa, cứ như vậy thầy thầy truyền nhau nên ngoại đạo vẫn thường có sáu bậc thầy gọi là Lục sư.

Phật kết giới này cho các Tỳ-kheo một là vì tăng thượng Phật pháp, hai là để ngăn dứt đấu tranh, ba là vì thành tựu Thánh chủng và năm là tăng trưởng lòng tín kính. Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Tội buôn bán là tội nặng nhất trong các tội Ba-dật-đề, thà làm kẻ đồ tễ chứ không buôn bán, vì sao, vì đồ tễ chỉ giết hại súc sanh, còn buôn bán thì lừa dối và làm hại tất cả, không luận là đạo hay đời, hiền hay ngu, trì giới hay phá giới… thảy đều bị lừa dối. Lại nữa buôn bán thường có tâm ác, như buôn bán gạo thì mong cho thời thế mất mùa đói kém hoặc có bịnh dịch…; như buôn bán muối và các loại thực phẩm khác thì mong cho bốn phương loạn lạc, đường sá ách tắc… Nếu làm việc buôn bán trục lợi này lấy lợi làm thức ăn cúng Tăng, Tăng cũng không nên thọ dụng; làm phòng cho Tăng bốn phương, Tăng bốn phương cũng không nên ở; làm tháp làm tượng cũng không nên lễ tháp và tượng đó, chỉ nên tác ý lễ Phật mà thôi. Tóm lại hễ là Tỳ-kheo trì giới thì không nên thọ dụng những vật dụng như thế, nhưng nế Tỳ-kheo buôn bán này qua đời thì Tăng được yết ma chia.

Hỏi: Vì sao khi vị ấy còn sống thì không được thọ dụng, khi vị ấy qua đời lại yết ma chia?

Đáp: Vì tội của nghiệp buôn bán này sâu nặng, khi vị này còn sống nếu Tăng thọ dụng thì vị ấy sẽ tiếp tục phạm tội; nếu phước điền Tăng không thọ dụng, họ sẽ nghĩ rằng đời này không phước, đời sau thọ tội; do nghĩ như vậy nên họ không dám làm nữa. Khi Tỳ-kheo này qua đời, không còn nhân duyên buôn bán nữa nên Tăng cho yết ma chia vật để lại. Có hai trường hợp: Một là phương tiện có tội nhưng quả lại không tội, như vì lợi nên buôn bán tích trữ lúa gạo, muối… (phương tiện có tội); sau đó khởi thiện tâm cúng Tăng cầu phước (quả không tội). Hai là phương tiện không tội nhưng quả có tội, như vì làm phước nên thu mua lúa gạo (phương tiện không tội), sau đó thấy lợi nên bán ra để tự thu lợi (quả có tội, phạm Đột-kiết-la). Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ-kheo vì lợi nên cố ý mua, mua rồi không bán ra thì phạm Đột-kiết-la; nếu vì lợi nên bán ra, bán rồi không thu mua lại cũng phạm Đột-kiết-la; nếu vì lợi nên mua đi bán lại thì phạm Xả đọa. Nếu buôn bán lấy lợi làm thức ăn, mỗi miếng ăn đều phạm Ba-dật-đề; nếu may y phục mặc, vừa mặc liền phạm Ba-dật-đề; nếu làm phu cụ, khi nằm lên mỗi lần xoay trở đều phạm Ba-dật-đề. Luận về pháp mua ở chợ, không nên mặc cả hạ giá, nếu hạ giá thì phạm Đột-kiết-la; y mà Tăng chưa xướng ba lần thì được thêm giá, xướng ba lần xong thì không được thêm giá, Tăng cũng không nên cho vì y đã thuộc về người khác. Nếu yết ma xướng ba lần rồi, Tỳ-kheo được y không được hối, nếu hối đòi trả lại, Tăng cũng không nên cho trả lại. Vật buôn bán này nếu không có tịnh nhân đồng tâm thì nên lấy làm ngọa cụ cho Tứ phương tăng để ngăn dứt phỉ báng, nếu đưa vào phước điền Phật thì ngoại đạo sẽ nói rằng: “Sa-môn Cù-đàm quá tham lợi nên bảo đệ tử xả vật để tự lấy dùng”. Vì vậy đưa vào phước điền Tăng thì không có lỗi, bất luận là thọ pháp hay không thọ pháp, trì giới hay phá giới, là pháp ngữ hay phi pháp ngữ thảy đều được thọ dụng; nhưng nếu là Tỳ-kheo trì giới thì không nên thọ dụng y thực của tỳ-kheo làm việc buôn bán vật này.

21. Nhân duyên kết giới thứ hai mươi mốt:

Phật kết giới này cho các Tỳ-kheo là để thành tựu Thánh chủng và để tăng trưởng chánh nghiệp. Đây là giới bất cọng, Tỳ-kheo cất bát dư quá mười ngày thì phạm Xả đọa; Tỳ-kheo-ni cất bát quá một đêm thì phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Nếu cất chứa bát dư bằng sắt trắng, bát gốm chưa nung và các loại bát không đúng lượng đều phạm Đột-kiết-la.

Hỏi: Nếu y có sắc trắng hay sắc không như pháp cất chứa quá mười ngày thì phạm Xả đọa vì nhuộm màu không như pháp; vì sao chứa bát dư bằng sắt trắng, bát gốm chưa nung quá mười ngày không phạm Xả đọa?

Đáp: Vì y bát không giống nhau, y nếu nhuộm như pháp thì thành sắc, không có thêm bớt nữa; còn bát khi nung hoặc xông có thể hư hay bể. Bát bằng sắt trắng hay gốm chưa đánh dầu cho bóng láng tuy được thọ dụng nhưng không thành thọ trì. Bát có ba loại: Bát thượng là bát thọ được ba bát cơm, một bát canh và nữa bát canh thức ăn khác; bát hạ là bát thọ được một bát cơm, nữa bát canh, nữa bát canh thức ăn khác; bậc giữa của hai loại bát này là bát trung, nếu lớn hơn bát thượng và nhỏ hơn bát hạ thì không gọi là bát. Bát hay bát tha, các Luận sư giải thích có nhiều cách nhưng đều có một nghĩa chánh, đó là một bát tha thọ được mười lăm lạng cơm; đời Tần cho là một bát tha thọ được ba mươi lạng cơm, ở Thiên trúc cho một bát tha bằng một chõ cơm; người đương thời đều cho là bát thượng thọ được ba bát tha cơm, một bát tha canh và nữa bát tha canh thức ăn khác; ba bát tha cơm bằng hai thăng của đời Tần, một bát tha canh và nữa bát tha canh thức ăn khác là một bát tha rưỡi; như vậy theo cân lượng Thăng của đời Tần thì một bát thượng thọ được ba thăng cơm canh và thức ăn. Có Luật sư nói không có thức ăn khác, chỉ nói một bát thượng thọ được ba bát tha cơm và một bát tha canh, bên trên là khoảng trống để cho tay không chạm đến thức ăn bên trong bát; bát hạ cũng vậy, thọ được một bát tha cơm, nữa bát tha canh và nữa bát tha cánh thức ăn khác, tính theo Thăng của đời Tần thì bát hạ thọ được từ một thăng cho đến một thăng rưỡi.

Hỏi: Y dư hay thiếu vẫn thành thọ trì, vì sao bát lớn hơn hay nhỏ hơn đều không thành thọ trì?

Đáp: Y dư hay thiếu có thể giảm bớt hay nối thêm, còn bát lớn hơn hay nhỏ hơn không thể giảm bớt hay tăng thêm, nên y và bát không giống nhau. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ-kheo vào ngày được bát dư, ngay ngày đó bị điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại; hoặc bị yết ma Bất kiến tẫn, yết ma Bất tác tẫn … cho đến khi qua đời thì không phạm. Sau đó trở lại được bổn tâm hoặc được giải tẫn thì cứ theo thứ lớp tính tiếp ngày mà kết tội. Nếu được bát dư cất chứa được năm ngày, kế bị điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại; hoặc bị yết ma Bất kiến tẫn… thì trong khoảng thời gian này không tính tội; sau đó trở lại được bổn tâm hay được giải tẫn thì cứ theo thứ lớp tính tiếp năm ngày nữa cộng với năm ngày trước thành tội. Nếu ngay ngày được bát dư đi lên cõi trời hay qua cõi Uất đơn việt, trong khoảng thời gian đó không tính tội; sau khi trở về chỗ cũ thì cứ theo thứ lớp tính tiếp ngày mà kết tội.

22. Nhân duyên kết giới thứ hai mươi hai:

Nhìn thấy trong cửa hàng có cái bát sứ tròn, bóng láng rất đẹp: Luật sư nói khi Phật mới thành đạo, chúng tăng không có bát, Phật bảo Thích đề hoàn nhơn ra lịnh cho thợ cõi trời làm ra mười vạn cái bát. Cái bát trong cửa hàng chính là bát do trời làm không phải do người làm ra. Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Nếu xin bát bằng sắt trắng hay bát gốm chưa nung, hoặc xin cho người khác, hoặc hai người cùng xin một bát, hoặc mua được hoặc người khác mua cho, hoặc viết thư hay làm dấu đưa tin đều phạm Đột-kiết-la. Xin bát không đúng lượng cũng phạm Đột-kiết-la, nếu xin được bát bằng sắt trắng hay bát gốm chưa nung đem về tự nung, tự xông thì phạm Xả đọa. Bát mà Tỳ-kheo đã thọ trì bị răng nứt chưa đến năm lằn mà xin bát mới thì phạm Xả đọa; nếu bát bị răng nứt đến năm chỗ chưa trét hay ràng bít lại, xin bát mới thì không phạm. Nếu bát bị răng nứt bốn, năm chỗ đã được ràng bít lại thì sau khi thọ thực xong nên tháo dây ràng ra, rửa sạch rồi lau khô đem cất ở chỗ sạch sẽ; qua hôm sau trước giờ ăn nên lấy dây mới ràng bít lại dùng để thọ thực. Trường hợp bát chưa răng nứt đến năm chỗ mà xin bát mới thì như trong văn luật nói nên ở trong Tăng hành bát, đưa bát này theo thứ lớp từ Thượng tòa đến Hạ tòa, nếu không ai chịu lấy thì đưa trả lại cho Tỳ-kheo phạm rồi bảo gìn giữ suốt đời cho đến khi bể, nhưng vẫn phải như pháp thọ trì bát cũ, còn bát mới không được thọ trì; tuy không thọ trì bát mới nhưng vẫn phải mang theo hai bát bên mình, làm như vậy để hiển bày tham muốn nhiều là tội lỗi và đoạn dứt nhân duyên đưa đến ác pháp sau này.

23. Nhân duyên kết giới thứ hai mươi ba:

Phật kết giới này cho các Tỳ-kheo một là để ngăn dứt phỉ báng, hai là trừ diệt pháp ác và ba là thành tựu Thánh chủng. Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ-kheo tự xin tơ sợi thì phạm Đột-kiết-la; bảo thợ dệt không phải là bà con dệt thành y thì phạm Xả đọa; nếu viết thư hay làm dấu đưa tin thì phạm Đột-kiết-la. Nếu dựa vào thế lực quý trọng bắt buộc thợ dệt dệt, thợ dệt vì sợ gặp nạn nên dệt thì phạm tội, Trong giới này nếu được y vào tay thì phạm tội, nếu xin tơ sợi từ bà con thì không phạm; tự dệt hay nhờ Tỳ-kheo khác hoặc Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na dệt đều phạm Đột-kiết-la. Nếu không có y, xin tơ sợi từ người không phải bà con để dệt thành y thì phạm Đột-kiết-la; nếu thiếu y thì xin y, không được xin tơ sợi; nếu xin tơ sợi làm dây thiền thì không phạm; nếu không dựa vào thế lực quý trọng, thợ dệt tự phát tâm dệt cho thì không phạm. Trong giới này bất luận được y đúng lương hay không đúng lượng đều phạm. Không phạm là nhờ bà con dệt hoặc nhờ người không phải bà con dệt làm dây thiền thì không phạm.

24. Nhân duyên kết giới thứ hai mươi bốn:

Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Thể của giới này là nếu cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải là bà con bảo thợ dệt dệt y cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo tự đến chỗ thợ dệt bảo dệt cho rộng, dài, bền chắc và đẹp rồi hứa cho thức ăn hoặc giá tiền bằng một bữa ăn; được y tốt vào tay liền phạm Xả đọa, không được y tốt thì phạm Đột-kiết-la. Trong giới này được y tốt đúng lượng hay không đúng lượng đều phạm; nếu thuyết pháp cho thợ dệt nghe rồi bảo dệt cho tốt đẹp hơn, không hứa đưa cho thức ăn hay giá tiền bằng một bữa ăn, được y tốt vào tay thì phạm Đột-kiết-la. Nếu viết thư hay làm dấu đưa tin hứa sẽ đưa cho thức ăn hay giá tiền bằng một bữa ăn thì phạm Xả đọa; không phạm là tự có tơ sợi đưa cho thợ dệt dệt .

25. Nhân duyên kết giới thứ hai mươi lăm:

Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ-kheo đoạt y của tỳ-kheo khác thì phạm Xả đọa, đoạt y của bốn chúng kia thì phạm Đột-kiết-la; nếu đoạt y của Sa-di đắc giới (tức là Sa-di học hối), của người hành Biệt trú, Ma-na-đỏa; của người mù. Điếc, câm; của người đang bị yết ma Bất kiến tẫn… đều phạm Xả đọa. Nếu đoạt y của người điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại; người phạm bốn trọng, người làm Phật bị thương chảy máu, người phá Pháp luân tăng, người thọ năm tà pháp đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ-kheo-ni đoạt y của tỳ-kheo-ni cũng phạm Xả đọa, đoạt y của tỳ-kheo và ba chúng dưới đều phạm Đột-kiết-la; đoạt y của Sa-di đắc giới (tức là Sa-di học hối)… cũng phạm Xả đọa như trên. Thể của giới này là Tỳ-kheo trước đã cho người khác y rồi, sau đó vì phiền não nên đoạt lại thì phạm Xả đọa, y này nên xả trả lại cho người đó rồi sám tội Ba-dật-đề; nếu trước cho mươn tạm dùng, sau đoạt lấy lại thì không phạm. Nếu Hòa thượng muốn chiết phục đệ tử từ bỏ pháp ác nên tạm đoạt y thì không phạm. Nếu Tỳ-kheo đoạt y mang y này ra khỏi giới hoặc Tỳ-kheo bị mất y tự ra khỏi giới ngủ đêm thì mất y phạm Xả đọa, y này nên xả trả thẳng cho người kia, không cần vào trong Tăng xả. Luật sư nói nước Hồ vốn không ở trong Tăng xả pháp vì tội Ba-dậtđề là đối thú sám.

Sa-di đắc giới (Sa-di học hối): Luật sư nói Tỳ-kheo-ni từ lúc Phật xuất thế đến nay không có Sa-di-ni đắc giới (tức là Sa-di-ni học hối), huống chi là phạm tội. Sa-di đắc giới tức là Tỳ-kheo phạm Dâm rồi một niệm không che giấu thì được cho học pháp (học lại pháp Tỳ-kheo). Khi Phật còn tại thế, có một người được cho học pháp tức là Tỳ-kheo Nanđề; sau khi Phật diệt độ ở nước Kế tân có một người cũng được cho học pháp; cả hai người này sau đều được Lậu tận. Lại nữa Sa-di đắc giới không làm điều ác mà lại khổi kiến chấp vào pháp của ngoại đạo; cũng không ham thích pháp thế tục mà phản giới hoàn tục.

26. Nhân duyên kết giới thứ hai mươi sáu:

Giới này bất cọng, ba chúng kia không có giới này. Lúc đó trưởng lão Tỳ ha, Tần dịch là đoạn, tức là đoạn trừ tất cả sanh tử lậu hoặc. Tất cả A-la-hán đều được lậu tận nhưng dựa trên căn bản để đặt tên đều có nhân duyên nên không đồng nhau.Tl Tỳ ha này có y Tăng-già-lê quý giá, trị giá mười vạn tiền nên bọn giặc cướp muốn đoạt lấy, chúng đến trước cửa phòng gỏ cửa, Tỳ-kheo hỏi vọng ra: “Ai đó?”, giặc cướp nói: “Chúng tôi muốn đoạt lấy y của tỳ-kheo”, trưởng lão Tỳ ha nghe rồi liền mắc y lên cửa sổ rồi nhập định Tứ thiền, dùng định lực giữ y khiến giặc cướp không cướp được. Chúng nói với nhau: “Hãy đợi Tỳ-kheo đi khất thực, chúng ta sẽ vào lấy”, nói rồi liền rình đợi khi trưởng lão đi khất thực liền vào phòng lấy y mang đi, do nhân duyên này trưởng lão bị mất y.

Qua ba tháng có tháng nhuần: Chưa hết tháng tám tức là qua tiền an cư. Luật sư nói không nên nói có tháng nhuần, vừa qua rằm tháng bảy, chưa hết tháng tám gọi là hậu an cư. Từ ngày mười sáu tháng bảy theo thứ lớp đến sáu đêm cho Tỳ-kheo an cư nơi A-lan-nhã được lìa y ngủ đêm vì đề phòng kẻ trộm trộm lấy y, nên đem y này gởi cho Tăng trong đại giới hoặc ở nhà cư sĩ chỗ không có nạn giặc cướp, gởi đến đêm thứ sáu thì trở lại lấy y hoặc đến chỗ y hoặc thọ y khác. Nếu không đến chỗ y hoặc thọ y khác thì đến đêm thứ bảy trời vừa sáng liền phạm Xả đọa. A-lan-nhã là nơi cách xa tụ lạc khoảng năm trăm cung, theo bước chân của người Hồ thì bốn trăm bước chân là một trăm cung, một bước chân của người Hồ bằng một gang tay, bốn trăm cung là một Câu-lô-xá, bốn Câu-lô-xá là một do tuần. Nói xa gần là như ở nước Ma-kiệt-đà, ngay trong thành đô đất đai bằng phẳng nên nói là gần; còn ở phương Bắc núi non cao thấp nên nói là xa. Lại nữa, ở trong thành đô nhiều gió, nếu ở xa thì không nghe được tiếng trống, còn ở gần thì nghe được nên nói là gần; còn ở phương Bắc ít gió, dù ở xa vẫn nghe được tiếng trống nên nói là xa. Cho nên hai phương Nam bắc nói có xa gần đều là do nghe được hay không nghe được tiếng trống; Câu-lô-xá là tên gọi âm thanh, hễ nơi nào còn nghe được tiếng trống vang đến đều gọi là một Câu-lô-xá. Luật sư nói nghĩa này là nhất định.

27. Nhân duyên kết giới thứ hai mươi bảy:

Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều kết phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Nói còn mười ngày nữa mới đến Tự tứ mà được y cấp thí nghĩa là vua hay phu nhân của vua hoặc vương tử, đại thần, tướng soái… có tâm tín kính nên mang y vật đến cúng Tăng. Vì những người quyền quý khó khởi tâm thiện, lại khó thường khởi tâm thiện, vì có nhân duyên cấp bách mới cúng nên gọi là y cấp thí; nếu Tăng không thọ thì công đức của họ không thành mà Tăng cũng mất y nên Phật khai cho thọ. Những trường hợp như người nữ sắp được gả về nhà chồng sẽ không được tự do, này còn tự do nên đem y vật cúng Tăng; hoặc người bịnh khởi tâm thiện cúng Tăng để cầu cho dù sống hay qua đời đều được lợi ích… đều gọi là y cấp thí. Tăng được y cấp thí này nên theo thứ lớp mà chia. Nói được cất chứa cho đến Thời y là từ ngày mười sáu tháng bảy đến ngày rằm tháng tám, nếu không thọ y công đức thì một tháng này gọi là Thời y, sở dĩ gọi là Thời y vì an cư xong, đàn việt cúng nhiều y thực cho Tăng, các Tỳ-kheo cũng làm nhiều việc như giặt nhuộm may y mới, trong một tháng này có thể xả y cũ thọ y mới nên gọi là Thời y. Nếu có thọ y công đức thì từ ngày mười sáu tháng tám đến ngày rằm tháng chạp, trong bốn tháng này gọi là Thời y. Tướng phạm trong giới này là nếu không thọ y công đức thì đến ngày rằm tháng tám, y này nên xả hoặc tịnh thí hay thọ trì; nếu không xả, không tịnh thí, không thọ trì thì qua ngày mười sáu tháng tám trời vừa sáng liền phạm Xả đọa. Nếu có thọ y công đức thì đến ngày rằm tháng chạp, y này nên xả hoặc tịnh thí hay thọ trì; nếu không xả, không tịnh thí, không thọ trì thì qua ngày mười sáu tháng chạp trời vừa sáng liền phạm Xả đọa. Trừ còn mười ngày nữa được y cấp thí, tất cả y an cư khác đều phải đợi đến khi Tự tứ mới được chia, nếu chia trong hạ an cư thì phạm Đột-kiết-la.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9