TÁT BÀ ĐA TỲ NI TỲ BÀ SA

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

b. Nhân duyên kết giới Trộm (Tiếp Theo):

Trong mười sáu nước lớn, thành Vương xá và nước của vua Ưuđiền là lớn mạnh nhất, thống lãnh tất cả các nước trong và ngoài biên cõi Diêm-phù-đề. Nước của vua Ưu-điền tuy lớn mạnh nhưng lại dùng theo pháp luật của thành Vương xá, từ đây suy ra các nước đều dùng theo pháp tắc lễ nghĩa của thành Vương xá. Vua A-xà-thế đứng đầu trong các vua ở cõi người; Phật là Pháp vương, là bậc tôn quý trong các bậc Thánh, do Phật dựa theo quốc pháp của thành Vương xá kết kết giới Trộm, nếu trộm cắp năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di; cho nên tất cả nước trong cõi Diêm-phù-đề, những nơi có Phật pháp đều hạn định lấy cắp năm tiền là phạm trọng, nếu nước nào không dùng tiền thì trộm vật tương đương với giá năm tiền đều phạm trọng. Nếu tự trộm lấy vật của người khác, muốn lấy hơn năm tiền, từ lúc cất bước chân đi liền phạm khinh Thâu-lan-giá, nếu lấy được cho đến ba tiền rồi trở về cũng phạm khinh Thâu-lan-giá, nếu lấy được bốn tiền thì phạm trọng Thâu-lan-giá; nếu chỉ muốn lấy từ một đến bốn tiền, từ lúc cất bước chân đi cho đến khi lấy được ba tiền cũng phạm khinh Thâu-lan-giá, lấy được bốn tiền thì phạm trọng Thâu-lan-giá. Nếu sai bảo người khác trộm lấy vật của người, khi đang sai bảo thì phạm khinh Thâu-lan-giá; nếu lấy được năm tiền trở lên rời khỏi chỗ cũ thì Tỳ-kheo được sai bảo này phạm Ba-la-di vì nghe lời lấy trộm vật của người (vật có chủ). Nếu Tỳ-kheo được sai bảo này khi đi đến chỗ kia trộm lấy vật mà bị điên cuồng, tâm loạn, tâm bịnh hoại thì dù lấy được vật cũng không phạm, nhưng Tỳ-kheo sai bảo trộm thì phạm. Nếu sai bảo trộm lấy vàng mà Tỳ-kheo được sai lại trộm lấy bạc thì Tỳ-kheo sai bảo không phạm Ba-la-di vì Tỳ-kheo được sai trộm lấy khác với lời sai bảo, nhưng phạm Thâu-lan-giá vì làm phương tiện trước. Tỳ-kheo được sai bảo dù có làm đúng hay không làm đúng theo lời sai bảo thì khi đi từ chỗ này đến chỗ kia lấy trộm, mỗi bước chân đi đều phạm khinh Thâu-lan-giá. Tỳ-kheo sai bảo không phạm, nhưng nếu Tỳ-kheo được sai lấy trộm vật của chúng tăng trị giá năm tiền trở lên thì phạm trọng Thâu-lan-giá, bốn tiền trở xuống thì phạm khinh Thâu-lan-giá và chiêu cảm quả báo sâu nặng. Nếu lấy chưa rời khỏi đất của Tăng thì phạm khinh Thâu-lan-giá; nếu vào phòng của tỳ-kheo đã đổi thì phạm trọng Thâu-lan-giá. Nếu nhà thuộc một chủ, vật không có chủ khác, nếu trộm lấy chưa rời khỏi đất và chưa ra khỏi giới của nhà thì mỗi bước đi đều phạm khinh Thâu-lan-giá. Nếu vào ở phòng của chị, em gái, phòng của người nữ giúp việc thì phạm Ba-la-di; nếu vào ở phòng của anh em trai thì phạm khinh Thâu-lan-giá, nếu lấy vật ra khỏi tướng đất của người chủ thì phạm Ba-la-di. Vào mùa dông mùa hạ, nếu các Tỳ-kheo đổi phòng cho nhau, phòng thuộc của tỳ-kheo này tùy theo giới đất gần hay xa đều gọi là giới của phòng; nếu vào ở trong phòng không đổi thì phòng không đổi này là phòng của chủ khác. Nếu vật ở trong đất này thì vật thuộc của một chủ nhưng đất lại thuộc của chủ khác, nếu đất không có tướng khác thì tùy lấy chu vi bốn phía của vật làm tướng giới, nếu lấy vật ra khỏi tướng giới này thì gọi là lấy rời khỏi chỗ. Nếu ở trên mền nệm có màu sắc khác, vật ở chỗ màu sắc này dời đến chỗ màu sắc khác thì gọi là rời khỏi chỗ.

Nếu chim có chủ ở trong sông, ao không có chủ; nếu nhận chim xuống nước, nước phủ trên lưng thì gọi là rời khỏi chỗ; hoặc mang chim ra khỏi ao nước cũng gọi là rời khỏi chỗ. Nếu bắt chim trong dòng nước chảy, khiến cho dòng nước sau chảy qua trước đầu chim thì gọi là lấy rời khỏi chỗ. Nếu chim có chủ ở trong ao có chủ mà bắt chim ra khỏi ao nước thì gọi là lấy rời khỏi chỗ; nếu ao nước là của một chủ, đất trên bờ là của chủ khác, nếu kéo chim lên bờ thì gọi là lấy rời khỏi chỗ; nếu ao nước và đất trên bờ là của cùng một chủ, dù kéo lên bờ cũng không gọi là chỗ khác.

Nếu chưa vào giới của nước, một Tỳ-kheo nói với Tỳ-kheo khác rằng nước này thu thuế nặng, Tỳ-kheo kia nghe rồi liền quay trở về; nếu thật là thu thuế nặng thì cả hai không tội; nếu là thu thuế nhẹ thì Tỳ-kheo nói là thu thuế nặng này phạm tội trọng Thâu-lan-giá, Tỳkheo kia không tội. Nếu đã vào trong giới của nước, Tỳ-kheo này nói với Tỳ-kheo kia là thu thuế nặng, Tỳ-kheo kia nghe rồi liền quay trở về; nếu thật là thu thuế nặng thì cả hai không tội; nếu là thu thuế nhẹ thì Tỳ-kheo nói là thu thuế nặng này phạm Ba-la-di, Tỳ-kheo kia không phạm.

Nếu trong bình có vật báu, Tỳ-kheo muốn lấy trộm vật báu nên mang luôn cả bình dời đi chỗ khác, dù gần hay xa đều phạm khinh Thâu-lan-giá; nếu lấy vật náu ra khỏi đáy bình thì phạm Ba-la-di.

Nếu lấy của phi nhân từ năm tiền trở lên thì phạm trọng Thâu-langiá; bốn tiền trở xuống thì phạm khinh Thâu-lan-giá.

Vật không có chủ: Nếu giữa biên giới hai nước đều tự có tướng phong tỏa, khoảng đất trống trong đó nếu có vật thì gọi là vật không chủ. Lại nữa, như vua nước này đi chinh phạt nước khác, vua nước kia bị thua hoặc chết hay bỏ chạy, khi vua thắng trận chưa thống lãnh nước này, nếu trên đất có vật thì gọi là vật vô chủ. Nếu vật không có chủ tưởng là có chủ mà lấy thì phạm khinh Thâu-lan-giá; nếu vật có chủ tưởng là không có chủ nên lấy thì phạm Đột-kiết-la. Nếu vật có người coi giữ, không có tâm ngã sở mà trộm lấy thì ở bên người chủ của vật phạm tội Ba-la-di. Nếu tướng của ruộng đất thưa kiện để được thắng thuộc về mình, thắng thì phạm Ba-la-di, không thắng thì phạm khinh Thâu-lan-giá. Như thế cho đến trâu bò, vật báu… cũng vậy, thưa kiện để được thắng, nếu thắng mà chưa đem vật rời khỏi chỗ cũ thì phạm khinh Thâu-lan-giá; vật rời khỏi chỗ cũ thì phạm Ba-la-di. Nếu thưa kiện mà thắng thua chưa quyết định, liền dắt trâu bò… đi trước, dắt đi được thì phạm khinh Thâu-lan-giá; sau đó xử được thắng thì phạm Ba-la-di vì đã dắt rời khỏi chỗ đi trước rồi.

Nếu Tỳ-kheo khi còn là bạch y có ruộng đất, trước khi xuất gia đã xả bỏ hết rồi thì ruộng đất này không thuộc của tỳ-kheo nữa; nếu trước chưa xả bỏ thì vẫn thuộc của tỳ-kheo. Nếu bị vua quan phạt tiền, vật bị mất trước đó nếu khởi tâm chưa xả bỏ thì nên lấy lại, ngoài vật của mình ra nếu lấy thêm vật của người khác thì tính theo giá tiền mà thành tội. Nếu trước đã khởi tâm xả bỏ rồi thì dù là vật của mình cũng không được lấy, nếu lấy thì tính theo giá tiền thành tội. Nếu vật thuộc quốc cấm, mang ra khỏi nước sẽ bị xử tội tử; nếu Tỳ-kheo mang ra khỏi nước, ban đầu Luật sư nói là phạm trọng nhưng sau lại nói là tợ như không phạm tội trọng, chỉ là trái phạm vương pháp nên phạm Đột-kiếtla, nhưng nếu lấy rời khỏi chỗ cũ với tâm trộm cắp thì phạm Ba-la-di. Tội trộm cắp theo quốc pháp có khi phạm tội tử, có khi chỉ phạt tiền; nếu vua cho phép người xuất gia mang vật ra khỏi nước thì không bị xử tội tử cũng không bị phạt tiền; nếu vua không cho phép mà vẫn mang ra khỏi nước, dù là không có tâm trộm cắp vẫn phạm Đột-kiết-la vì trái lịnh vua.

Ở cõi Câu-da-ni dùng bò ngựa làm tiền để mua bán, nếu lấy trộm tính đủ số tiền theo pháp luật cõi đó kết tội trọng thì phạm Ba-la-di; cõi Phất Bà-đề dùng vải làm tiền để mua bán cũng như vậy.

Nếu là vật của Tam bảo hay vật của người khác gởi, Tỳ-kheo tự lấy làm y phục, thuốc thang… hay đem cho cha mẹ đều được không phạm, trừ mua bán đổi chác thì không được.

c. Nhân duyên kết Giới Sát:

Có thiên thần của Ma: Ma vương ở cõi trời thứ sáu nên tất cả chúng sanh trong cõi Dục đều là quyến thuộc của Ma, có hai loại: Một là nội quyến thuộc thường nghe theo lời dạy của Ma vương, hai là ngoại quyến thuộc thì ngược lại. Thiên thần này là nội quyến thuộc nên nghe theo lời Ma vương, sanh ác tà kiến. Phật dạy tu pháp quán bất tịnh:

Hỏi: Phật là bậc Nhất thiết trí vì sao lại dạy các Tỳ-kheo tu pháp quán này khiến họ suy não như vậy, nếu không biết cách dạy thì đâu được gọi là bậc Nhất thiết trí?

Đáp: Phật giáo hóa tất cả đều bình đẳng, lúc đó Phật không những dạy cho sáu mươi Tỳ-kheo tu pháp quán bất tịnh, mà còn dạy cho tất cả không có tâm thiên vị, nhưng người lãnh thọ giáo pháp được lợi ích có nhiều hay ít mà thôi, cho nên Phật không có lỗi. Phật biết rõ nguồn gốc trước sau về nghiệp căn của chúng sanh, biết phải dùng pháp nhân duyên này giáo hóa thì chúng sanh sau sẽ được lợi ích lớn. Sáu mươi Tỳ-kheo này đã thọ trì pháp quán bất tịnh từ thời Phật Ca-diếp, do không chuyên tu nên làm nhiều ác hạnh, sau khi mang chung đọa vào địa ngục. Khi Phật Thích ca ra đời, họ được sanh làm người trong nhà nghèo hèn thuộc giai cấp thấp hèn, sau đó xuất gia vào đạo; do nhân duyên xưa nên họ thọ trì pháp quán này, sau khi mạng chung sẽ được sanh lên cõi trời, từ cõi trời xuống nghe Phật thuyết pháp và được chứng đạo quả; do nhân duyên này nên Phật không có lỗi.

Được đại quả đại lợi: Một là được Lậu tận ngay trong đời này, hai là không đọa vào ác đạo, ba là được sánh vào cõi trời người, bốn là thiện pháp được tăng trưởng và năm là không sanh vào nhà nghèo hèn, giai cấp thấp hèn.

A-na-ban-na niệm: Là quán hơi thở ra vào, ban đầu tu tấp pháp quán này phải chú tâm nơi chót mũi, nếu quán 6 cõi thì chú tâm trên đỉnh đầu; nếu không quán bất tịnh thì chú tâm ở giữa hai chân mày, nếu tu pháp quán bất tịnh thì phải quán trên mặt trước vì tu pháp quán này là để trừ tham dục, tâm dục thường sanh khởi từ trên mặt nên phải quán trên mặt trước.

Ngồi kiết già: Để thân ngay thăng, thân có ngay thẳng thì tâm mới chánh niệm. Lại do chín mươi sáu phái ngoại đạo không có pháp ngồi kiết già, Phật bảo ngồi kiết già để khác với ngoại đạo. Lại nữa, ngồi kiết già có thể dứt buồn ngủ; ngồi kiết già có thể khiến người nhìn thấy sanh tâm tín kính, như trường hợp nước khác kéo đến chinh phạt nước Kế tân, vừa vào trong giới của nước nhìn thấy các Tỳ-kheo ngồi kiết già dưới gốc cây trong rừng, thân ngay thẳng, tâm chánh niệm liền sanh tín kính và rút quân trở về, không chinh phạt nữa. Lại nữa, khi Phật ngồi kiết già dưới cội Đạo thọ, các vị Phật Bích chi lợi căn cũng ngồi kiết già.

Phạm Ba-la-di:

Hỏi vì sao chỉ giết người mới kết tội Ba-la-di?

Đáp: Vì trong loài người có Tam quy ngũ giới và giới Ba-la-đềmộc-xoa. Lại nữa, bốn Quả Sa-môn phần nhiều chứng được trong cõi người; Phật và Phật Bích chi đều ở trong loài người mà được Lậu tận, cho nên giết người mới kết tội Ba-la-di, giết các loài khác không phạm Ba-la-di; nếu làm dao gây cung tên… để giết người thì phạm Đột-kiếtla. Nếu cầm dao muốn giết người, khi cất bước chân đi, mỗi mỗi bước đều phạm khinh Thâu-lan-giá, cho đến chưa đâm người bị thương mà quay trở về đều phạm khinh Thâu-lan-giá. Nếu đã đâm trúng người dù cạn hay sâu mà người chưa chết thì phạm trọng Thâu-lan-giá; nếu người chết thì phạm Ba-la-di. Nếu đàm hầm hố để giết người, đang đào thì phạm Đột-kiết-la, đào xong thì phạm khinh Thâu-lan-giá; nếu người té xuống hầm này nhưng nhờ có sức mạnh phương tiện ra được khỏi hầm thì Tỳ-kheo phạm trọng Thâu-lan-giá; hoặc người té xuống hầm bị thương mà không chết, Tỳ-kheo cũng phạm trọng Thâu-lan-giá. Trường hợp làm bẫy rập, đặt cơ quan… cũng như vậy. Nếu sai bảo người giết người, khi đang sai bảo thì phạm khinh Thâu-lan-giá; nếu Tỳ-kheo được sai giết chết người thì phạm Ba-la-di, Tỳ-kheo sai bảo trong ba tâm cũng phạm Ba-la-di, như khi sai bảo mà đang tụng kinh, lễ Phật thì phạm Ba-la-di trong thiện tâm; trong tâm bất thiện và tâm vô ký suy ra có thể biết được. Nếu sai bảo người đi giết người nói rằng: “Nếu người đó đến thì giết”, Tỳ-kheo được sai lại giết lúc người đó đang đi thì phạm khinh Thâu-lan-giá; nếu bảo cầm dao giết lại cầm gậy giết hoặc bảo giết người này lại giết lầm người kia… tất cả hành động không đúng theo lời sai bảo thì Tỳ-kheo được sai đều phạm khinh Thâu-lan-giá. Nếu sai một người đi giết người, người được sai lại sai người khác đi giết, cứ như thế lần lượt sai chuyền đến mười người, khi người sau cùng giết chết được người thì cả mười đều phạm Ba-la-di. Nếu Tỳ-kheo biết xem sao, lịch số, âm dương, bói quẻ, giải đoán kiết hung, vận nước hưng suy cho đến hình thế quân trận…; người đến xem bói nếu nghe theo lời Tỳ-kheo bói toán mà cất quân chinh phạt để thống trị nước khác, tùy người bị giết hại và tài bảo cướp được bao nhiêu thì Tỳ-kheo phạm cả hai tội sát và trộm bấy nhiêu. Nếu Ưu-bà-tắc vì vua, đồng tâm với vua trong việc đi chinh phạt nước khác, khi đánh phá tùy người bị thương chết và tài bảo thu được bao nhiêu thì Ưu-bà-tắc phạm cả hai tội sát và trộm bấy nhiêu, vì tuy không tự tay làm nhưng đã đồng tâm làm. Nếu hai người đâm chém nhau và cùng chết thì không phạm giới tội, vì thọ giới thệ nguyện trọn một đời, nên chết rồi thì không kết tội. Nếu dùng dao gậy muốn giết người, khi đánh đập hay đâm chém mà người kia không chết liền, sau đó có người khác đến đánh khiến cho người đó chết thì người đánh sau làm cho chết phạm Ba-la-di, người đánh trước chỉ phạm trọng Thâu-lan-giá. Nếu sai bảo người đi giết người nói rằng: “Nếu người đó đến thì dùng dao giết chết”, bất luận đâm cạn hay sâu mà người đó chưa chết thì cả hai người sai và người được sai đều phạm trọng Thâu-lan-giá.

Nếu giết thai nhi bằng cách làm cho sẩy thai, hư thai; thai nhi trong bụng mẹ từ lúc các căn đã thành tựu trở đi nếu làm cho chết thì gọi là Đọa thai sát (giết bằng cách làm cho hư thai, sẩy thai). Trường hợp các căn chưa đếy đủ chỉ mới tượng hình như lạc sắp thành tô, nếu đè bụng người mẹ làm cho tan hoại thì gọi là Án phúc sát (đè bụng mẹ khiến thai nhi chết), cho đến khi thai nhi có hai căn là thân căn và mạng căn mà làm cho thai nhi chết đều phạm Ba-la-di. Trên đây là nói đến mức tột cùng.

Có bốn hạng người không thể giết được, đó là người nhập Diệt tận định, người nhập Vô tưởng định, Phật và người nhập từ tâm tam muội.

d. Nhân duyên kết giới vọng ngữ:

Nếu vì lợi dưỡng và danh tiếng mà nói là tôi đã đắc pháp quán bất tịnh, A-na-ban-na niệm cho đến quả vị Thế đệ nhất của Hiền vị, bốn Hướng, bốn Quả Sa-môn của Thánh vị, cho đến đắc bốn Thiền, bốn tâm vô lượng, bốn Định cõi Vô sắc, năm Thông… đều phạm Ba-la-di. Nếu tự nói mình giữ giới thanh tịnh, không khởi tâm dâm mà không thật như vậy thì phạm Thâu-lan-giá; hoặc tự nói trời rồng quỷ thần đến chỗ tôi, tôi cùng họ hỏi đáp mà không thật như vậy thì phạm Ba-la-di. Sở dĩ phạm trọng là do tự cho mình bên trong có pháp thù thắng, có thể cảm được trời rồng quỷ thần; hoặc tự biểu hiện mình đã lìa sợ hãi vì rồng quỷ thần đến chỗ tôi mà tôi không sợ hãi, đáng được gọi là có pháp hơn người. Chỉ nói hơn người mà không nói hơn trời vì Phật chế giới trong loài người, chỉ ở cõi người mới có giới Ba-la-đề-mộc-xoa và có nhiều người tu thiện pháp, chứng nhập Thánh đạo hơn hẳn cõi trời, cho nên nói hơn người là đã hơn trời, chỉ cần nói hơn người là phạm Ba-la-di không cần nói hơn trời.

Nếu không tụng đọc bốn bộ A-hàm mà nói là đã đọc tụng; không phải là A-tỳ-đàm sư mà nói mình là A-tỳ-đàm sư, không phải là Luật sư mà nói là Luật sư… cho đến không có ngồi thiền tu tịch tĩnh mà nói là tu tịch tĩnh, đều phạm Thâu-lan-giá. Nói chung, không có tu tập đọc tụng gì mà nói là có tu tập đọc tụng, tất cả đều phạm Thâu-lan-giá.

3. Nhân Duyên Kết Mười Ba Việc Tăng Tàn:

1. Giới cố ý làm xuất tinh:

Phật chế giới cho các Tỳ-kheo:

Hỏi: Tất cả thiện pháp đều không nói kết, vì sao chỉ nói kết giới?

Đáp: Vì giới là căn bản của vạn thiện, chỉ cần kết giới là kết tất cả. Sở dĩ Phật kết giới cố ý làm xuất tinh này là vì muốn cho chánh pháp trụ lâu và muốn ngăn dứt phỉ bàng; nếu Tỳ-kheo làm việc này, người đời và ngoại đạo sẽ nói là Sa-môn Thích tử làm hạnh bất tịnh không khác thế tục; lại muốn cho trời rồng thiện thần phát tâm tín kính, nếu Tỳ-kheo làm việc này dù là ở chỗ khuất kín nhưng tất cả trời rồng thiện thần đều nhìn thấy. Lại nữa, Phật bình đẳng không phân biệt thân sơ, hễ có việc liền chế giới, không việc (vô sự) thì không chế giới. Lại nữa, pháp của chư Phật đều như thế, dâm dục là hạnh xấu xa đáng nên chế ngăn.

Tăng-già-bà-thi-sa: Tần dịch là Tăng tàn vì tội này thuộc Tăng, trong Tăng có dư tàn, nhờ Tăng mà tội được trừ diệt. Lại nữa, phạm bốn trọng thì không có dư tàn (vô tàn), còn phạm mười ba việc này thì có dư tàn (hữu tàn), nhờ Tăng diệt tội nên gọi là Tăng tàn.

Hỏi: Bốn thiên giới sau đều có dư tàn vì sao chỉ thiên giới này gọi là Tàn?

Đáp: Bốn thiên giới sau tuy đều có dư tàn nhưng tất cả không phải nhờ Tăng mà được diệt tội, trong ba mươi pháp Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề chỉ có ba tội nhờ Tăng trừ diệt, những tội còn lại thì không; trong chín mươi pháp Ba-dật-đề chỉ có bảy tội nhờ Tăng trừ diệt, những tội khác thì không. Riêng mười ba việc trong thiên giới này đều nhờ Tăng diệt tội. Lại nữa, phạm tội trong thiên giới này nếu có che giấu phải ở trong Tăng hành Ba-lợi-bà-sa, khi hành Ma-na-đỏa cũng phải ở trong Tăng, cho đến khi xuất tội cũng phải ở trong Tăng, cho nên gọi là Tăng tàn.

Giới cố ý làm xuất tinh này bất cọng với ni, Tỳ-kheo làm thì phạm Tăng tàn còn Tỳ-kheo-ni làm chỉ phạm Ba-dật-đề.

Hỏi: Vì sao lại chế bất cọng?

Đáp: Vì hai chúng có khác biệt, có thuyết cho là người nữ phiền não sâu nên khó câu thúc, khó chế ngự; nếu chế trị phạt nặng thì sẽ làm cho họ phiền não. Lại nữa, người nữ ở chỗ khuất kín có nhiều duyên, nhiều lực mới xuất tinh; người nam không như thế, tùy việc đều có thể xuất tinh nên chế bất cọng. Nếu Tỳ-kheo cố ý làm cho xuất tinh, tinh chưa xuất liền biến thành ni, sau đó tinh mới xuất thì không phạm vì ni không có phương tiện làm xuất tinh. Nếu Tỳ-kheo cố ý làm xuất tinh, tinh vừa xuất liền biến thành ni thì được thanh tịnh ở trong chúng. Nếu Tỳ-kheo đang hành sáu đêm Ma-na-đỏa mà biến thành ni, cũng được thanh tịnh ở trong chúng; hoặc đang hành Ba-lợi-bà-sa mà biến thành ni, cũng được thanh tịnh ở trong chúng. Trường hợp Tỳ-kheo-ni biến thành Tỳ-kheo cũng như thế, đó là chỗ không đồng nhau. Nếu Tỳ-kheo trước đã phạm Tăng tàn, việc làm chưa xong liền biến thành ni thì Tỳkheo trước phạm Thâu-lan-giá, còn Tỳ-kheo-ni sau lại phạm Tăng tàn vì tội đồng; Tỳ-kheo-ni biến thành Tỳ-kheo cũng vậy. Nếu Tỳ-kheo phạm Tăng tàn che giấu tội mười năm, năm năm, sau đó biến thành ni thì Tỳ-kheo-ni này chỉ hành nữa tháng Ma-na-đỏa liền được xuất tội. Nếu Tỳ-kheo-ni phạm Tăng tàn không che giấu, hành nữa tháng Mana-đỏa mới được một, hai ngày liền biến thành Tỳ-kheo thì Tỳ-kheo này chỉ hành sáu đêm Ma-na-đỏa liền được xuất tội. Nếu trước phạm tội có che giấu, sau đó biến thành Tỳ-kheo thì Tỳ-kheo này phải tùy theo số ngày che giấu mà hành Ba-lợi-bà-sa, đấy là chỗ không đồng nhau.

Xuất tinh trong mộng: có ba việc có thể sanh phiền não, đó là nhân duyên, phương tiện và cảnh giới. Nhân duyên là chúng sanh do thiện nghiệp đời trước được sanh vào nhà giàu sang hoặc sanh lên cõi trời đều lấy sự hưởng thọ dục lạc làm trước, cho nên sự giàu sang vui sướng ở cõi trời người là nhân duyên của dâm dục. Phương tiện là nếu thấy nữ sắc nghe tiếng người nữ, tư duy phương tiện rồi khởi dục. Cảnh giới là nếu thấy người nữ tuyệt đẹp liền khởi dục. Ca-lưu-đà-di trước là con nhà giàu sang, tuy xuất gia nhưng tâm dục hừng thạnh nên trong mộng xuất tinh; lại do khi đi vào trong tụ lạc thấy nữ sắc, tư duy phương tiện nên mới xuất tinh trong mộng.

Đứng một bên: Tôn giả A-nan vì kính Phật nên không ngồi.

Hỏi: Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên cũng kính Phật, vì  sao lại ngồi?

Đáp: Hai vị ngồi vì kính pháp, tôn giả A-nan vừa là bà con của Phật, lại thọ Tăng sai làm thị giả cho Phật nên không đồng với hai tôn giả kia. Lại nữa, pháp của chư Phật đều như vậy, pháp của thị giả là không được ngồi.

Khen ngợi giới, khen ngợi người trì giới: Để điều phục người phá giới khiến cho người trì giới được tăng trưởng thiện căn; như Phật thường khen ngợi đa văn, trí huệ, chuyên cần tinh tấn. Nếu người phá giới hoặc người ngu si, người biếng nhác nhận biết lời Phật nói là không hai, ắt sẽ được lợi ích lớn. Phật khen ngợi như vậy để người không trì giới sẽ siêng năng trì giới, chúng sanh ngu si sẽ siêng cầu trí huệ, chúng sanh biếng nhác sẽ chuyên cần tinh tấn.

2. Nhân duyên kết giới sờ nắm người nữ:

Ca-lưu-đà-di cầm khóa cửa đứng ở giữa cửa, do vị này nhiều dục, tâm dâm hừng thạnh, hễ thấy có người nữ liền cùng nói cười, sờ nắm hoặc ôm để giải tỏa tâm dâm.

Hỏi: Nếu tâm nhiều dục như vậy, vì sao không làm việc dâm phá giới?

Đáp: Vì người này căn cơ thuần thục sẽ được Lậu tận, lại phải hóa độ một ngàn nhà trong thành Xá-vệ, chỉ thiếu một người, cho nên không làm việc dâm phá giới.

Hỏi: Vì sao những người nữ lại đến tham quan Tăng phường?

Đáp: Một là vì thế gian nhiều việc, nhiều lo toan còn chỗ ở của người xuất gia lại tịch tĩnh an lạc; hai là vì họ muốn gần gủi thiện tri thức để được nghe chánh pháp; ba là vì trong Tăng phường đủ thứ trang nghiêm, phòng xá cho đến giường nằm, ngọa cụ… đều được chạm trỗ, tô vẽ đẹp đẽ, vừa nhìn liền thích nên mới đến tham quan.

Hỏi: Vì sao lại đến sau bữa ăn ngọ?

Đáp: Không có nghĩa nhất định, vì nếu đến trước bữa ăn ngọ thì có người sẽ hỏi vì sao không đến sau bữa ăn ngọ, trước hay sau đều có nghi như thế. Lại nữa, người thế tục trước bữa ăn trưa bận nhiều việc, nhiều duyên hoặc phải làm thức ăn cho bữa ăn trưa, xử lý việc trong nhà…; sau khi lo liệu việc nhà xong, họ mới có thể tùy ý lên núi dạo chơi hoặc đến trong chùa tham quan. Lại nữa, đến trong Tăng phường tham quan là vì muốn gần gủi bậc thiện nhân và thích được nghe pháp; nếu đến trước bữa ăn ngọ thì các Tỳ-kheo đều đi khất thực hoặc có duyên sự gì đó không ở trong tăng phường, nên sau bữa ăn ngọ mới đến.

Hỏi: Vì sao những người nữ lại đi theo Tỳ-kheo vào trong phòng?

Đáp: Vì họ cho là người xuất gia đã đoạn dục thanh tịnh, lại vì tín kính nên theo vào trong phòng mà không nghi ngại.

Hỏi: Vì sao trong các người nữ, có người im lặng, có người không im lặng?

Đáp: Có thuyết cho là người có nhiều dục thì im lặng, người ít dục thì không im lặng; lại nữa, nếu người quen biết thì im lặng, người không quen biết thì không im lặng; lại nữa, tánh người không giống nhau, người thích che giấu tội lỗi thì im lặng, người không thích che giấu tội lỗi thì không im lặng; lại nữa, người không có cha mẹ, anh em, con cái không có gì lo sợ nên im lặng; người có cha mẹ… có lo sợ nên không im lặng.

Tỳ-kheo thuyết pháp cho các người nữ: Thuyết giảng Phật pháp tăng là ruộng phước tốt lành, đáng tin, đáng kính.

Không nên vì chút nhân duyên mà tự phá mất thiện căn: Tức là khen ngợi Ca-lưu-đà-di đời trước đã gieo trồng công đức trí huệ, đời này sẽ được Lậu tận, sẽ hóa độ một ngàn nhà làm lợi ích lớn, chớ vì chút nhân duyên mà tự phá mất thiện căn. Sở dĩ Phật chế giới sờ nắm người nữ, một là vì người xuất gia không nương vào đâu, Phật kết giới này cho họ làm bạn để có chỗ nương; hai là vì ngăn dứt đấu tranh, sờ nắm người nữ là căn bản của cạnh tranh đấu loạn; ba là vì dứt hiềm nghi, Tỳ-kheo nếu sờ nắm người nữ, người nhìn thấy sẽ cho là Tỳ-kheo không chỉ sờ nắm mà còn có thể làm việc dâm dục xấu xa; bốn là để đoạn trừ gốc rễ dâm dục vì dục là khởi đầu của các họa, sờ nắm người nữ tức là mở cửa các ác, ngăn cấm điều mới bắt đầu khởi để phòng ngừa đắm nhiễm; năm là giữ chánh niệm, nếu sờ nắm người nữ liền mất chánh niệm; sáu là vì pháp tăng thượng, pháp của tỳ-kheo là đoạn trừ dục uế, để tâm ngoài các việc, làm bậc mô phạm cho trời người. Nếu sờ nắm người nữ không khác gì kẻ xấu, sẽ làm cho người đời mất lóng tín kính. Giới này bất cọng với Ni, Tỳ-kheo phạm Tăng tàn, Tỳ-kheo-ni sờ nắm người nam thì phạm Ba-la-di. Nếu Tỳ-kheo sắp sờ nắm người nữ liền biến thành Ni, sau đó sờ nắm thì không phạm vì Ni không có tâm phương tiện nên được thanh tịnh cùng ở. Nếu Tỳ-kheo sờ nắm người nữ rồi mới biến thành Ni, cũng được thanh tịnh cùng ở; Tỳ-kheo-ni sờ nắm người nam phạm Ba-la-di rồi biến thành Tỳ-kheo, cũng được thanh tịnh cùng ở. Nếu Tỳ-kheo sờ nắm người nữ, chưa nắm mà người nữ liền biến thành nam, khi nắm không phải là người nữ nữa thì Tỳ-kheo không phạm Tăng tàn, chỉ phạm Thâu-lan-giá phương tiện trước; nếu nắm 652 được rồi người nữ mới biến thành nam thì Tỳ-kheo phạm Tăng tàn. Nếu Tỳ-kheo-ni sờ nắm người nam, chưa nắm mà người nam liền biến thành nữ thì Tỳ-kheo-ni không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Thâu-lan-giá phương tiện trước; nếu đã nắm rồi người nam mới biến thành nữ thì Tỳ-kheo-ni phạm trọng.

3. Nhân duyên kết giới nói thô ác:

Giới này cũng bất cọng với Ni, Tỳ-kheo nói lời thô ác (lời yêu đương tình tứ) với người nữ thì phạm Tăng tàn, Tỳ-kheo-ni chỉ phạm Thâu-lan-giá, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Trong năm thiên giới, mỗi thiên đều có chủng loại như năm giới đầu trong mười ba Tăng tàn; ba giới trong ba mươi Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề gồm có giới lấy ý từ Ni không phải bà con, giới giặt y cũ và giới nhuộm lông dê; mười lăm giới trong chín mươi Ba-dật-đề gồm có giới nói chuyện với người nữ quá năm, sáu lời, giới giáo giới Ni đến mặt trời lặn… theo thứ lớp đến mười giới, cùng với hai giới gượng ngồi trong nhà ăn, giới ngủ đêm cùng nhà với người nữ và giới hẹn đi chung đường; giới thứ tư trong bốn pháp Hối quá và các giới trong thiên Chúng học pháp như giới không được liếc ngó, giới không nhìn lên cao… tất cả các giới kể trên đều thuộc về chủng loại giới Dâm. hai giới về làm phòng xá trong mười ba Tăng tàn; bảy giới trong ba mươi Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề gồm có giới cất chứa vật báu, giới dùng vật báu, giới mua bán, giới tự xin chỉ sợi, giới bảo thợ dệt dệt, giới đoạt y của người khác, giới hồi Tăng vật; ba giới trong chín mươi Badật-đề gồm có giới giấu y bát…, giới cho y rồi đoạt lại, giới cùng giặc đi chung đường; giới thứ ba trong bốn pháp Hối quá và các giới trong thiên Chúng học pháp như giới lấy cơm phủ lên canh, giới đại tiểu tiện trên cỏ tươi, trong nước sạch… tất cả các giới kể trên đều thuộc về chủng loại giới Trộm. Giới Ô-tha-gia trong mười ba Tăng tàn; giới làm phu cụ bằng Kiều-xa-da trong ba mươi Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; trong chín mươi Ba-dật-đề có các giới như giới biết nước có trùng mà dùng tưới lên cỏ và uống dùng, giới đánh và dọa đánh Tỳ-kheo khác, giới cố ý giết súc sanh; giới thứ một trong bốn pháp Hối quá; trong thiên Chúng học pháp có các giới như giới đại tiểu tiện trên cỏ tươi và trong nước sạch… tất cả các giới trên đều thuộc về chủng loại giới Sát. Trong mười ba Tăng tàn có các giới như hai giới vu báng, hai giới phá Tăng và trợ giúp phá Tăng, giới nói lời chống trái; trong ba mươi Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề có các giới như giới bảo cư sĩ mua y tốt, giới bảo các cư sĩ hùn tiền mua y, giới đến đòi y quá sáu lần; mười giới đầu trong chín mươi Ba-dật-đề; giới thứ hai trong bốn pháp Hối quá và tất cả các giới về thuyết pháp trong thiên Chúng học pháp… tất cả các giới trên đều thuộc về chủng loại Vọng ngữ. hai trăm năm mươi theo chủng loại mà nói thì có bốn, theo tướng tội thì có năm thiên.

4. Giới làm phòng không có thí chủ:

Phật tại nước A-la-tỳ, nước này là chỗ ở của quỷ thần A-la-tỳ nên lấy đó làm tên nước.

Các Tỳ-kheo: Có hai hạng đó là Tỳ-kheo thuộc thế đế thì thọ giới Ba-la-đề-mộc-xoa và Tỳ-kheo thuộc Đệ nhất nghĩa đế thì trụ nơi giới Vô lậu.

Đại Ca-diếp: Có nhiều người tên Ca-diếp nhưng trong đây sở dĩ gọi là Đại Ca-diếp: Một là vì tôn giả là con của một trưởng giả giàu có, giai cấp quý tộc; hai là vì tôn giả có thể bỏ sự giàu sang và giai cấp quý tộc để xuất gia; ba là vì tôn giả có thể hành hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc; bốn là vì tôn giả được các quốc vương cho đến trời rồng quỷ thần đều biết đến và tín kính cúng dường; năm là vì tôn giả xả bỏ lợi dưỡng lớn ở thế gian, thiểu dục tri túc tu hạnh khất thực. Như tôn giả Xá-lợiphất có đại trí huệ, tôn giả Đại Mục-kiền-liên có đại thần thông; tôn giả Đại Ca-diếp do thành tựu đại công đức, hành hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc nên được gọi là Đại Ca-diếp.

Đa dục không tri túc: Trái với thiểu dục tri túc, tham muốn nhiều được một lại cầu thêm một thì gọi là đa dục không tri túc. Lại nữa, bên trong được cúng dường không nhàm chán gọi là đa dục; bên ngoại được nhiều lợi dưỡng cũng không nhàm chán gọi là không tri túc. Phật kết giới này một là muốn chánh pháp được trụ lâu, hai là ngăn dứt phỉ báng, ba là không làm não hại chúng sanh khiến họ tăng trưởng lòng tín kính, bốn là muốn các Tỳ-kheo thiểu dục tri túc để tu thiện pháp. Giới này bất cọng với Ni, Tỳ-kheo thì phạm Tăng tàn còn Tỳ-kheo-ni chỉ phạm Thâu-lan-giá, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.

Làm phòng: Trong giới này là làm phòng riêng, không có thí chủ liệu lý, tự xin tự làm; do nhiều duyên, nhiều việc làm não loạn chúng tại gia nên Phật chế ngăn phải làm đúng lượng: Chiều dài không quá mười hai gang tay của Phật, bên trong phòng rộng không quá bảy gang tay của Phật. Một gang tay của Phật bằng một khuỷu tay rưỡi của người thường.

Chỉ chỗ: Tăng nên chỉ chỗ làm phòng, nhóm Tăng rồi cùng đến chỉ chỗ nên làm phòng thì càng tốt; nếu Tăng không đến thì nên sai bốn người đến chỉ chỗ và nói kích lượng làm phòng rồi vạch dấu làm tướng; nếu Tăng không nói kích lượng làm phòng và không chỉ chỗ nên làm, tức là chỗ không có nạn, chỗ không có chướng ngại thì Tăng phạm Độtkiết-la. Chỗ có nạn là những chỗ có hang rắn, hang chuột…, trong phạm vi chừng bao nhiêu gọi là chỗ không có nạn, tức là chung quanh bốn phía chỗ làm phòng không có nạn; hoặc đường đi ở chỗ ra vào không có nạn. Chỗ có chướng ngại: Là chỗ đất của vua, của cư sĩ, của ngoại đạo, của tỳ-kheo-ni…; chỗ đất của vua là bốn phía chung quanh trong phạm vi một tầm, nếu có đất tháp, đất của vua, vua thường vào trong Tăng phường và ở lại ngủ nghỉ. Tăng không muốn vua vào trong phòng của Tăng thì nên kết riêng chỗ đất này gọi là đất của vua; chỗ đất của cư sĩ là khi làm Tăng phường có các cư sĩ thường đến chỗ chúng tăng và ở lại ngủ nghỉ, nói cười đùa giỡn. Tăng không muốn họ vào trong phòng Tăng thì nên kết riêng chỗ đất này gọi là đất của cư sĩ; đất của ngoại đạo là do cư sĩ có bà con xuất gia theo ngoại đạo lui tới nên Tăng kết riêng chỗ đất này gọi là đất của ngoại đạo; đất của tỳ-kheo-ni là do cư sĩ có bà con xuất gia làm Ni thường lui tới nên Tăng kết riêng chỗ đất này gọi là đất của tỳ-kheo-ni. Tảng đá lớn là do ở gần chỗ làm phòng có tảng đá lớn, nhiều người tới lui qua lại bị nó làm não hại hoặc làm bể các vật dụng nên gọi là chỗ có chướng ngại. Nước chảy là do làm phòng gần chỗ nước chảy, khi nước lớn dâng sẽ làm trôi mất phòng nhà hoặc nước chảy xói vào bờ hủy hoại không nhỏ nên gọi là chỗ có chướng ngại. Nước ao là làm phòng gần ao nước, nước ao ngấm dần khiến cho phòng không kiên cố nên gọi là chỗ có chướng ngại. Cây lớn là làm phòng gần cây lớn có nhiều chim bay đến tụ tập gây ra tiếng ồn náo và phân chim bất tịnh, hoặc cành cây gẩy rơi xuống có thể làm tổn thương người nên gọi là chỗ có chướng ngại. Hầm sâu là làm phòng gần chỗ sụp lở khiến cho phòng không kiên cố. Bất luận làm phòng ở đâu nếu quá kích lượng và ở chỗ có nạn, có chướng ngại, có bốn việc không như pháp thì từ lúc đất còn bằng phẳng, vạch đất làm tướng, lúc đó phạm Thâu-lan-giá; từ lúc làm phòng còn tô trét hai cục bùn nữa mới xong thì phạm khinh Thâu-lan-giá; còn tô trét một cục bùn nữa mới xong thì phạm trọng Thâu-lan-giá; làm xong thì phạm Tăng tàn. Nếu có ba việc không như pháp hoặc một việc như pháp, hai việc không như pháp hoặc hai việc như pháp, một việc không như pháp hoặc ba việc như pháp thì từ lúc đất còn bằng phẳng, vạch đất làm tướng cho đến giai đoạn còn tô trét một cục bùn nữa mới xong, tất cả đều phạm khinh Thâu-lan-giá; nếu làm phòng xong thì phạm trọng Thâu-lan-giá.

Tỳ-kheo muốn làm phòng, phải tự đi xem chỗ làm phòng trước rồi mới nhóm Tăng, vào trong Tăng nói ba lần xin cho làm phòng, Tăng nên đến chỉ chỗ và vạch đất làm tướng rồi mới tác pháp yết ma. Nếu khi vạch đất làm tướng mà bị gió thổi hay mưa lớn làm trôi mất tướng thì nên vạch tướng lại; khi đang tác pháp yết ma mà tướng mất thì cũng thành yết ma; yết ma nữa chừng mà tướng mất thì cũng thành yết ma; yết ma xong mà tướng mất thì cũng thành yết ma. Khi Tăng đã vạch đất làm tướng rồi thì Tỳ-kheo xin làm phòng không được làm phòng ở chỗ khác, Tỳ-kheo khác cũng không được làm phòng ở chỗ này, chỉ có Tỳkheo đã theo Tăng xin làm phòng mới được làm. Nếu làm phòng xong không được chê nhỏ quá hay lớn quá; nếu làm phòng không như pháp thì tùy từng giai đoạn làm phòng đều phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ-kheo chủ của phòng này qua đời hay đi xa không về nữa thì được tùy ý xử phân hoặc cúng Tam bảo hoặc cho bà con hoặc cho cư sĩ hoặc bán lấy tiền, chỉ được bán phòng không bán đất; nếu Tăng không thuận cho thì Tăng mắc tội. Nếu Tỳ-kheo chủ của phòng này không tự xử phân thì phòng này thuộc về Tứ phương tăng, chúng tăng theo thứ lớp thọ ở. Nếu có Tỳ-kheo khác muốn xây thêm phòng trên phòng nhà này thì không cần bạch Tăng mà theo xin Tỳ-kheo chủ của phòng này, chủ chấp thuận cho làm thì được làm, chủ không chấp thuận cho làm thì không được làm, tùy ý chủ phòng xử phân; nếu chủ phòng không xử phân thì phòng thuộc về Tứ phương Tăng như trường hợp trên.

Nếu Tỳ-kheo làm phòng không như pháp hoặc ở trên đất của Tăng bốn phương thì không được xây tháp, nếu xây thì phạm tội; cũng không được tự trồng trọt. Nếu Tăng hòa hợp cho làm thì được làm; Tăng không hòa hợp, không cho làm thì không được làm. Nếu trong đất của tăng có trồng nhiều loại hoa nên bảo tịnh nhân hái rồi theo thứ lớp cúng dường Tăng, không được lấy riêng tự cúng dường Tam bảo; nếu hoa nhiều Tăng hái không hết, Tăng hòa hợp cho hái thì được tùy ý hái. Nếu ruộng vườn của Tam bảo sau khi bỏ hoang không phân biệt được, cựu Tỳ-kheo ở trước kia cho đến bạch y không hỏi rõ mà quyết định là không có chỗ nào; nếu Tăng hòa hợp tùy ý xử phân là không phải đất của Tăng thì đất đó nên thuộc về vua, Tỳ-kheo muốn làm phòng nhà trên đất này nên bạch vua rồi mới được làm, nếu không bạch vua thì không được làm. Nếu ở bên trong Tăng phường, không được xây tháp tạo tượng vì gần người nhơ uế không thanh tịnh. Nếu nhà có lầu gác, kinh tượng để ở dưới thì mình không được ở tầng trên. Hoa trồng trong đất tháp, không được hái cúng dường Tăng, đúng pháp nên cúng dường Phật; cũng được bán hoa lấy tiền dùng để cúng dường tháp. Nếu nước ở trong đất tháp thì dùng để cúng dường tháp, nếu còn dư thì người ra công sức làm tháp có thể bán nước này lấy tiền dùng để cúng dường tháp, không được dùng vào việc khác, nếu dùng thì tính giá tiền kết tội; nếu tháp không có người trông coi thì nước dư này do Tăng nhơn trù tính.

Tỳ-kheo học vấn hay ngồi thiền đều có nghiệp nhất định; nếu Tỳkheo học vấn học không căn bản, muốn lấy học vấn này để luận về hạ lạp là không thanh tịnh; nếu Tỳ-kheo tu thiền không căn bản, muốn lấy tọa thiền này để luận về hạ lạp là không thanh tịnh.

5. Giới làm phòng có thí chủ:

Phật ở nước Câu-diệm-di, trưởng lão Xiển-na là em khác mẹ với Phật, là con của em gái vua Ưu-điền, xuất thân trong gia đình quý tộc, sau khi xuất gia vẫn ở trong nước này, tánh vốn ngang ngạnh tự dụng làm nhiều điều lầm lỗi.

Giới này cũng bất cọng với Ni, Tỳ-kheo phạm Tăng tàn còn Tỳkheo-ni chỉ phạm Thâu-lan-giá, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Có thí chủ là thí chủ xuất tiền đưa cho Tỳ-kheo làm Tăng phòng, vì là Tăng phòng nên không chế hạn kích lượng. Nếu đàn việt muốn làm phòng lớn, Tỳ-kheo nên nói làm phòng nhỏ để thích ứng với pháp thiểu dục; nếu đàn việt muốn cầu phước đức nên làm chùa lớn cho nhiều người ở hoặc làm chùa có nhiều tầng thì không nên trái ý thí chủ, nếu trái ý tức là làm tổn phước đức của họ. Nếu ý thí chủ muốn làm chùa rộng lớn trang nghiêm như tinh xá Kỳ-hoàn, Tỳ-kheo nên khéo chỉ bày để khai giải họ rồi mới làm chùa nhỏ. Luật sư nói: “Giới làm chùa lớn này do có thí chủ làm Tăng phòng, vì là Tăng phòng nên không hạn chế kích lượng lớn hay nhỏ, tác pháp cũng giống như giới làm phòng ở trên”.

Nếu không bạch tăng để Tăng chỉ chỗ làm, làm ở chỗ có nạn hay chỗ có chướng ngại, ba việc không như pháp thì từ giai đoạn đất còn bằng phẳng vạch đất làm tướng cho đến giai đoạn tô trét còn hai cục bùn nữa mới xong đều phạm khinh Thâu-lan-giá; tô trét còn một cục bùn nữa mới xong thì phạm trọng Thâu-lan-giá; làm chùa xong thì phạm Tăng tàn. Nếu hai việc không như pháp hoặc một việc như pháp, một việc không như pháp hoặc hai việc như pháp thì từ giai đoạn đất còn bằng phẳng vạch đất làm tướng cho đến giai đoạn tô trét một cục bùn nữa mới xong đều phạm khinh Thâu-lan-giá; làm chùa xong thì phạm trọng Thâu-lan-giá. Nếu lấy tài vật của mình để làm Tăng phòng cũng như vậy. Nếu lấy vật của Tăng làm phòng cho một vị tăng, bất luận có được Tăng chỉ chỗ, làm phòng ở chỗ không có nạn hay không chướng ngại, làm xong thì phạm Đột-kiết-la; nếu làm ở chỗ có nạn, có chướng ngại từ giai đoạn đất còn bằng phẳng vạch đất làm tướng cho đến giai đoạn tô trét còn hai cục bùn nữa mới xong đều phạm khinh Thâu-lan-giá; tô trét còn một cục bùn nữa mới xong thì phạm trọng Thâu-lan-giá; làm chùa xong thì phạm Tăng tàn. Nếu lấy tài vật của mình và tài vật của thí chủ để làm chùa cũng như trong giới trước đã nói rõ. Dù làm phòng riêng như trong giới trước hay làm chùa lớn như trong giới sau, nếu vì tình cảm của người dành cho mình mà nhận làm nhưng làm không như pháp thì cả hai đều mắc tội. Dù làm chùa (Tăng phòng) hay làm phòng riêng cho mình đều phải bạch Tăng xin ba lần, thứ lớp tác pháp như trong giới trên đã nói rõ.

Ưu-bà-tắc: Tần dịch là bỏ ác tu thiện, cũng dịch là thân cận.

6. Giới không căn cứ vu báng thứ tám:

Phật tại thành Vương xá, nước Ca-tỳ-la vệ trưởng dưỡng sắc thân, nước Ma-kiệt-đà trưởng dưỡng pháp thân nên Phật ở thành Vương xá nhiều hơn. Do trưởng lão Đà-phiêu lực sĩ tử thành tựu năm pháp nên Tăng yết ma sai làm người trông coi ngọa cụ.

Hỏi: Người thành tựu năm pháp rất nhiều, vì sao Tăng chỉ sai trưởng lão Đà-phiêu?

Đáp: Vì trưởng lão Đà-phiêu là người ở lâu trong thành Vương xá lo việc tiếp đãi khách Tăng; lại do Phật muốn làm cho trưởng lão được mãn bổn nguyện. Quá khứ vào thời Phật Ca-diếp, trưởng lão Đà-phiêu cũng làm người trông coi ngọa cụ rất vừa ý chúng tăng; lúc đó trưởng lão có phát nguyện, nguyện vào đời vị lai cũng làm người trông coi ngọa cụ cho Tăng nên đến đời này trưởng lão lại được cử làm người trông coi ngọa cụ cho Tăng. Phật sở dĩ muốn người có đầy đủ đức hạnh trông coi ngọa cụ cho Tăng là muốn hiển bày pháp không xẻn tiếc, vì pháp của ngoại đạo là không muốn cho đệ tử có tài năng đảm nhận làm việc gì, vì sợ đức hạnh của đệ tử ngang bằng mình. Phật không như thế, tất cả không xẻn tiếc, tùy đệ tử giỏi hay kém về phương diện nào mà sai làm việc thích hợp; lại vì muốn hiển bày thứ bậc của trí huệ, phước đức, lớn nhỏ…, người trông coi ngọa cụ có phước đức như vậy huống chi là người thọ dụng. Lại nữa, Phật muốn làm trang nghiêm pháp của Phật Di lặc ở đời vị lai, như hiện nay trưởng lão Xá-lợi-phất là Trí huệ bậc nhất, trưởng lão Đại Mục-kiền-liên là Thần thông bậc nhất, trưởng lão Ca-chiên-diên là Luận giải kinh bậc nhất, trưởng lão Phú-lâu-na là Tứ biện tài bậc nhất, trưởng lão A-nan là Tổng trì bậc nhất, trưởng lão Đà-phiêu là người trông coi ngọa cụ bậc nhất…; người đương thời thấy năm trăm đệ tử của Phật đều là những người bậc nhất như thế ắt sẽ phát nguyện thù thắng, thệ lập các hạnh và nguyện ở trong pháp của Phật vị lai cũng được bậc nhất như thế. Phật ra đời muốn trang nghiêm cho Phật vị lai nên đối với năm trăm đệ tử này tùy bậc nhất về phương diện nào mà trao việc ứng hợp. Lúc đó trưởng lão Đà-phiêu sắp xếp cho Tỳ-kheo A-lan-nhã ở cùng phòng với Trưởng lão A-lan-nhã, Tỳ-kheo trì luật ở cùng phòng với Tỳ-kheo trì luật, Pháp sư ở cùng phòng với Pháp sư, Kinh sư ở cùng phòng với Kinh sư…

Hỏi: Nếu sắp xếp đồng nghiệp ở chung như thế, há không có thiên tư gì hay sao?

Đáp: Không phải như vậy, do ở chung với đồng nghiệp nên không não loạn nhau và được an lạc trụ.

Hỏi: Bốn hạng người bốn hạnh nghiệp khác nhau, vì sao thường không rời nhau?

Đáp: Tỳ-kheo A-lan-nhã đối với pháp thiền có điều gì nghi chưa thông, muốn học hỏi thêm và muốn thường nghe pháp để tăng tiến sự tu, cho nên ở gần nhau. Luật sư đối với giới luật muốn biết giới tướng trọng khinh, sáng suốt quyết đoán tội và muốn hiểu rõ Tăng pháp, cho nên ở gần nhau. Pháp sư luận nghĩa thuyết pháp để xưng dương Tam bảo nên ở gần nhau để tăng trưởng thiện căn. Kinh sư đọc tụng đại kinh, hiểu biết sâu rộng nên ở gần nhau để tùy việc có thể giải đáp cho nhau.

Nếu trong Tăng phường ít phòng như có bốn phòng thì nên ưu tiên chia chó Tỳ-kheo A-lan-nhã, kế mới chia theo thứ lớp; nếu chùa có bốn tầng cũng theo thứ lớp chia như thế, nếu không có bốn phòng thì Tăng tùy nghi xử phân.

Không cần đèn đuốc: Tất cả ánh sáng thuộc về thần lực đều phải do tâm nhập định.

Hỏi: Nếu phân chia ngọa cụ ắt phãi ra khỏi tâm định, vì sao trong tâm không định mà lại phát được ánh sáng?

Đáp: Phật không thể nghĩ bàn, Rồng cũng không thể nghĩ bàn, nghiệp báo cũng không thể nghĩ bàn. Trưởng lão Đà-phiêu căn tánh thông lợi, thiền định cũng thông lợi; khi phân chia ngọa cụ, khoảng thời gian giữa tâm nhập định và tâm xuất định rất nhanh gọi là tán tâm, vì nó nhanh quá nên gọi là một tâm. Như người đánh trống, tay đánh miệng hô lên, tâm đánh trống không duyên với tâm hô lên, hai tâm khác nhau nhưng vì nó nhanh quá nên gọi là một tâm; lại như người bơi nổi, tay cầm phao, chân đạp nước, tâm cầm phao và tâm đạp nước khác nhau nhưng vì nhanh quá nên gọi là một tâm cũng giống như thế. Lại nữa, tâm nhập định trước, tay liền phát ra ánh sáng, phát ra ánh sáng rồi mới xuất định; do thế lực của tâm nhập định nên tuy ở trong tâm không định, ánh sáng vẫn không mất. Giống như người thợ làm gốm, tay quay vòng để làm ra vật dụng, do thế lực của một lần quay vòng mà tự nó quay được đến năm, mười vòng không ngừng lại; trưởng lão Đà-phiêu cũng vậy, do thế lực của một lần nhập định mà ánh sáng trụ lâu. Quá khứ vào thời Phật Nhiên đăng, Phật ra đời thuyết pháp giáo hóa chúng sanh nhưng chúng sanh thời đó tham đắm thế lạc, biếng nhác buông lung nên không thọ Phật pháp. Phật nhập định dùng thần thông lực hóa làm một thành ấp trang nghiêm thanh tịnh, dân chúng trong thành giàu có hưởng thọ đầy đủ ngũ dục như thế trải qua mười hai năm, Phật cũng nhập định mười hai năm. Sau đó nước lớn bỗng dâng tràn cuốn trôi hết thành ấp này, dân chúng trong thành tan tác; chúng sanh tham đám thế lạc này thấy cảnh này rồi ngộ lẽ vô thường, nghĩ rằng: “Chúng ta không bao lâu sau cũng sẽ như vậy”. Lúc đó Phật xuất định vọt lên hư không hiện đủ thứ thần biến rồi từ trên hư không hiện xuống thuyết pháp cho các chúng sanh này nghe, lúc đó có người được chứng quả Tu-đà-hoàn… cho đến A-la-hán; có người gieo trồng nhân duyên Phật Bích-chi, có người phát tâm cầu đạo quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, như thế vô lượng chúng sánh đều được pháp lợi. Do định lực mà Phật còn dừng trụ trong định suốt mười hai năm, huống chi là ánh sáng dừng trụ trong chốc lát.

Hỏi: Trong Phật pháp, có tội nên phát lồ còn có công đức thì nên che giấu, vì sao trưởng lão Đà-phiêu lại thường phát ra ánh sáng nơi tay để tự hiển bày công đức?

Đáp: Tự hiển bày công đức có hai trường hợp: Một là vì lợi dưỡng và danh tiếng, hai là vì Phật pháp và chúng sanh. Nếu vì Phật pháp và chúng sanh thì tùy thời tự tại không có chướng ngại gì. Sở dĩ trưởng lão Đà-phiêu thường phát ra ánh sáng nơi tay là để ngăn dứt phỉ báng, như Phật khi bị một nữ Bà-la-môn vu báng liền cất tiếng gầm của Sư tử nói rằng: “Ta có mười lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cọng…” là để biểu bạch mình thanh tịnh; lại như trưởng lão Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên khi bị Cù-già-ly vu báng cũng cất tiếng gầm của Sư tử nói rằng: “Ta có bảy báu Giác ý như trong nhà trưởng giả có kho tàng với vô số y phục, châu báu tự tại lấy dùng; ta có bảy báu Giác ý cũng tùy ý lấy dùng” để biểu bạch mình thanh tịnh; trưởng lão Mục-liên thì nói: “Ta sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”, cũng để biểu bạch mình thanh tịnh; trưởng lão A-na-luật khi bị người phỉ báng cũng tự nói: “Ta vào lầu quán trí huệ tự tại du hí”, cũng là để biểu bạch mình thanh tịnh; trưởng lão Sa-già-đà khi bị người phỉ báng là người uống rượu cũng tự nói: “Ta nhập định có thể làm cho từ dưới địa ngục A-tỳ lên đến cõi trời A-ca-nị -sắc-tra khắp nơi đều nổi lửa”, để biểu bạch mình thanh tịnh; trưởng lão Thâu-tỳ-đà bị người phỉ báng cũng tự nói: “Trong một niệm, ta có thể biết được việc trong năm trăm kiếp”, để biểu bạch mình thanh tịnh. Trưởng lão Đà-phiêu cũng vậy, khi bị Từ-địa vu báng, khi chia ngọa cụ, tay thường phát ra ánh sáng một là để biểu bạch mình thanh tịnh.

Hai là dứt trừ tâm khinh chê, như Tỳ-kheo học vấn khinh chê Tỳkheo tọa thiền và Tỳ-kheo siêng làm việc chúng Tăng, Tỳ-kheo tọa thiền cũng khinh chê hai hạng Tỳ-kheo kia, Tỳ-kheo siêng giúp việc chúng Tăng cũng khinh chê hai hạng Tỳ-kheo kia. Trưởng lão Đà-phiêu dùng định lực phát ra ánh sáng nơi tay để phân chia ngọa cụ và siêng làm việc chúng, mục đích diệt trừ tâm khinh chê hơn thua lẫn nhau.

Ba là để chiết phục tâm cống cao ngã mạn của các Tỳ-kheo Alan-nhã tu hạnh ở dưới gốc cây trong rừng nú. Các vị này cho rằng các Tỳ-kheo ở gần thành ấp tâm thường tán loạn, nói nhiều, lo toan nhiều việc nên đạo nghiệp khó thể thành tựu; còn các Tỳ-kheo A-lan-nhã ở nơi tịch tĩnh mới không có lầm lỗi. Trưởng lão Đà-phiêu muốn chứng minh cho họ thấy tuy ở chỗ nhiều việc lo toan nhưng vẫn được đại thần lực, nên khi phân chia ngọa cụ nơi tay thường phát ra ánh sáng để chiết phục tâm các vị này.

Bốn là muốn thể hiện quả báo tinh tấn, nhờ tinh tấn lực mới được thần thông lực để khích phát những người biếng nhác buông lung.

Năm là muốn cho thí chủ đàn việt được tăng trưởng căn lành.

Sáu là muốn thể hiện pháp không thối chuyển, đức hạnh của trưởng lão Đà-phiêu trước đã thuần thục rồi, sau bị Từ địa vu báng nên nhiều người nghi là trưởng lão thối chuyển; trưởng lão khi phân chia ngọa cụ nơi tay thường phát ra ánh sáng để chứng minh mình thật không thối chuyển.

Bảy là muốn thể hiện đại oai đức của Tăng, một Tỳ-kheo trông coi ngọa cụ còn có thần đức như vậy huống chi là các vị có danh đức khác.

Tám là yêu tiếc chánh nghiệp, không muốn để cho luống mất nên khi phân chia ngọa cụ vẫn thường ở trong tâm định, khiến cho việc Tăng được xong mà pháp tu thiền định cũng không bị phế bỏ. Thật ra Tăng tác pháp yết ma cử trưởng lão Đà-phiêu làm người sai đi phó hội (cắt đặt Tỳ-kheo đi thọ thí chủ thỉnh thực) trước, còn cử làm người phân chia ngọa cụ sau; vì bị Từ địa vu báng và do bảy nguyên nhân trên nên khi phân chia ngọa cụ, nơi tay trưởng lão thường phát ra ánh sáng. Người đương thời cho việc phân chia ngọa cụ là thù thắng hơn việc cắt đặt Tỳ-kheo phó hội nên đổi thứ lớp trước sau. Từ địa không biết sở dĩ mình đi thọ thỉnh thực chỉ gặp toàn thức ăn thô dỡ là do nghiệp lực đời trước, lại do Từ địa ngày đêm tâm không thanh tịnh nên trời rồng quỷ thần mới tạo ra nhân duyên khiến cho Tỳ-kheo này không được như ý.

Thế tôn biết con: Là lời của trưởng lão Đà-phiêu bạch Phật, nhưng người thật sự thanh tịnh thì không nên nói như vậy, do nghiệp lực đời trước cũng không thể nói là không.

Hỏi: Vì sao Phật không nói Đà-phiêu là người thanh tịnh?

Đáp: Một là vì tâm Phật bình đẳng, không có thân sơ yêu ghét nên không thể liền quyết đoán là người này đúng người kia sai; hai là vì nghiệp quả của Đà-phiêu đã chín muồi, do quá khứ vào thời Phật Ca-diếp, Đà-phiêu làm người trông coi việc phân chia thức ăn cho Tăng. Lúc đó có một Tỳ-kheo trụ trong gò mả đã đắc quả A-la-hán, tướng mạo trang nghiêm đang đi trên đường; một người nữ vừa nhìn thấy Tỳ-kheo này liền sanh ái nhiễm nên nhìn theo mãi không thôi. Đà-phiêu nhìn thấy cảnh này cho là Tỳ-kheo này ắt đã cùng người nữ đó giao thông trước rồi, liền nói rằng: “Tỳ-kheo này ắt đã cùng người nữ kia làm pháp ác”. Do nói lời vu báng bậc Hiền thánh nên Đà-phiêu sau khi mạng chung bị đọa vào địa ngục, chịu khổ hết rồi mới được sanh lên cõi người, nhờ nghiệp xưa nên được gặp Phật và đắc đạo, do nghiệp lực dư tàn nên nay chịu quả báo này.

Tỳ-kheo-ni Di-đa-la tự nói tạo tội vu báng này nên bị yết ma diệt tẫn: Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni tự nói tạo tội vu báng này, nếu không hối cãi thì Tăng nên cho yết ma diệt tẫn, nếu không cho yết ma tẫn thì cứ đuổi thẳng; nếu hối cãi thì phạm Thâulan-giá, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ-kheo phạm giới, bên trong mục nát, cả chúng đều biết thì không cần vị đó tự thú tội mà nên đuổi thẳng; nếu cho yết ma tẫn thì bảo vị đó tự thú tội cho xa gần đều nghe biết để chiết phục tội ác, không dám tạo tội nữa. Hễ năm chúng tự nói phạm tội trọng dù trước một người hay trước nhiều người đều nên đuổi ra khỏi chúng; Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni hiện tiền còn ba chúng dưới không được hiện tiền. Trường hợp trưởng lão Đà-phiêu bị vu báng nên Tăng cho Ức niệm Tỳ-ni như trong bảy pháp diệt tránh đã nói rõ.

Pháp bị yết ma diệt tẫn là không được cùng chúng tăng làm tất cả Tăng sự và các pháp yết ma, khi Tăng tự tứ thọ tuổi hạ lạp cũng không được thọ tuổi; nếu chết, Tăng không được yết ma phân chia y vật, nên đem cho bà con của vị ấy hay cho cư sĩ. Người bị tẫn không được thọ người khác lễ bái cúng dường, không được nghe thuyết giới và làm các yết ma, cũng không được gởi dục thanh tịnh.

Có ba hạng người chắc chắn đọa vào địa ngục về tội vu báng, có thuyết cho là hai hạng người. Phật không muốn trực tiếp nói lỗi của mình người, vì trong chúng có việc ác này xảy ra nên nhân đây nói lỗi ra để chiết phục tâm người ác tự biết hổ thẹn. Luận về người sống trên thế gian, búa sanh ở trong miệng vì nói lời thô ác vu báng nên Phật tự nói nhân duyên xưa: Quá khứ cách đây vô số kiếp có Phật ra đời hiệu là A-lê-la, trong giáo pháp của Phật có hai anh em xuất gia làm Tỳ-kheo. Người anh tu thiền chứng quả A-la-hán có đủ ba Minh sáu Thông, người em học thông ba tạng xiển dương chánh pháp nên được người đương thời tôn sùng. Người anh nhờ chứng Thánh đạo nên được lợi dưỡng nhiều hơn, có đàn việt cúng cho người anh chiếc mền bông mà không cúng cho người em, tất cả y thực, thuốc thang khác cũng như vậy nên người em khởi tâm ganh ghét muốn vu báng hại anh. Sau đó đàn việt sai con gái mang thức ăn đến, người em bảo cô gái: “Cô hãy vu báng Tỳkheo ấy giúp ta”, cô gái nói: “Sao lại vu báng cho bậc Thánh nhân?”, người em dùng đủ lời dụ hoặc tâm cô gái và cô gái nhận lời, người em nói: “Ta lấy chiếc mền bông của vị ấy đưa cho cô làm bằng chứng, cô hãy nói với mọi người là đã cùng Tỳ-kheo ấy hành dâm và được cho chiếc mền này”. Cô gái y theo lời dạy nói với mọi người như vậy khiến cho mọi người đều sanh nghi hoặc, Tỳ-kheo chứng A-la-hán này thấy hai người này đã tạo đại tội liền bỏ đi đến nơi khác.

Phật nói: “Tỳ-kheo em thuở đó chính là thân ta ngày nay, cô gái thuở đó chính là Tôn-đà-lợi ngày nay; thuở xưa vì ta vu báng bậc Lậu tận A-la-hán nên ngày nay dù ta được Lậu tận ở địa vị Vô học vẫn trở lại bị vu báng”. Phật kết giới này cho các Tỳ-kheo là để ngăn dứt phỉ báng, khiến cho chánh pháp được trụ lâu và các vị phạm hạnh được an lạc trụ, đạo nghiệp không bị chướng ngại.

Đây là cọng giới, Tỳ-kheo phạm Tăng tàn, Tỳ-kheo-ni cũng phạm Tăng tàn, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.

Ba-la-di không căn cứ vu báng có bốn loại: Một là dùng pháp Bala-di không căn cứ vu báng người khác thì phạm Tăng tàn; hai là dùng pháp Tăng tàn không căn cứ vu báng người khác thì phạm Ba-dật-đề; ba là không căn cứ vu báng người khác làm Phật bị thương chảy máu và phá hòa hợp tăng thì phạm Thâu-lan-giá; bốn là dùng pháp Ba-dật-đề không căn cứ vu báng người khác thì phạm Đột-kiết-la.

Nói tội thô của người khác có ba loại: Một là nói người khác phạm Ba-la-di và Tăng tàn thì phạm Ba-dật-đề; hai là nói người khác làm thân Phật bị thương chảy máu và phá Tăng thì phạm Thâu-lan-giá; ba là nói người khác phạm Ba-dật-đề thì phạm Đột-kiết-la.

Che giấu tội thô của người khác cũng có ba loại: Một là che giấu tội Ba-la-di và Tăng tàn của người khác thì phạm Ba-dật-đề; hai là che giấu tội làm Phật bị thương chảy máu và phá Tăng của người khác thì phạm Thâu-lan-giá; ba là che giấu tội Ba-dật-đề của người khác thì phạm Đột-kiết-la.

Khinh chê giới tức là khinh chê năm thiên giới thì phạm Ba-dậtđề, cho đến khinh chê một thiên giới sau cùng cũng phạm Ba-dật-đề. Không căn cứ vu báng, nói tội thô của người khác và khinh chê giới ba việc này là pháp đấu tranh làm não loạn; che giấu tội thô của người khác tức là che giấu tội ác làm nhiễm ô Phật pháp. Lại nữa, không căn cứ vu báng và nói tội thô của người khác sẽ làm chướng ngại việc tụng kinh hành đạo của người khác; khinh chê giới tức là hoại pháp thân Phật; che giấu tội thô của người khác tức là khiến cho Phật pháp không thanh tịnh, trưởng dưỡng pháp ác.

Không căn cứ có ba là thấy nghe và nghi, dựa trên ba điều này thì gọi là có căn cứ, không dựa trên ba điều này thì gọi là không căn cứ. Trong ba điều này chỉ nghi không thì không thành căn cứ, mắt thấy căn cứ là mắt phải thanh tịnh, không bịnh, thấy sự việc rõ ràng, đáng tin cậy; mắt thấy trong đây là chỉ cho nhục nhãn thấy, không phải là thiên nhãn thấy vì nếu dùng thiên nhãn thấy để nói lỗi của người khác thì ai mà không có lỗi và như vậy sẽ làm chướng ngại và não loạn rất nhiều, cho nên Phật không cho dùng thiên nhãn. Tai nghe căn cứ là tai phải thanh tịnh, không lãng tai, nặng tai, nghe biết rõ ràng, đáng tin cậy, cũng không phải dùng thiên nhĩ nghe biết giống như trường hợp dùng thiên nhãn ở trên. Nếu cử tội hay nêu ra tội của người tức là nói tướng quyết định, cho nên phải dựa trên ba căn cứ này, chỉ nghi không không thì không phải là quyết định, hoặc cho là phạm hoặc cho là không phạm nên không đáng tin cậy, không thành căn cứ.

7. Giới Phá Tăng thứ mười:

Hỏi: Phá Pháp luân tăng và phá Yết ma tăng có gì sai khác?

Đáp: Có nhiều sai khác, phá Pháp luân tăng và phá yết ma tăng đều phạm Thâu-lan-giá, nhưng phá Pháp luân tăng thì phạm tội nghịch Thâu-lan-giá không thể sám hối, còn phá yết ma tăng phạm Thâu-langiá không phải nghịch có thể sám hối. Lại nữa, phá Pháp luân tăng sẽ đọa vào địa ngục A-tỳ chịu tội trong một kiếp, còn phá yết ma tăng thì không đọa địa ngục. Lại nữa, phá Pháp luân tăng ít nhất là chín người, trong số đó có một người tự xưng là Phật; còn phá yết ma tăng thì ít nhất là tám người, không có người tự xưng là Phật. Lại nữa phá Pháp luân tăng ở trong hay ở ngoài giới đều phá được, còn phá yết ma tăng phải ở trong giới riêng làm yết ma mới phá được. Lại nữa, phá Pháp luân tăng phải là người nam, còn phá yết ma tăng nam hay nữ đều có thể phá. Lại nữa, phá Pháp luân tăng chỉ phá Tăng thuộc Tục đế, còn phá yết ma tăng thì cả Tăng thuộc Tục đế và Tăng thuộc đệ nhất nghĩa đế đều có thể phá. Lại nữa, phá Pháp luân tăng chỉ phá ở cõi Diêm phù đề, còn phá yết ma tăng thì thông cả ba cõi đều phá được, trừ cõi Uất đơn việt.

Điều đạt dùng năm pháp để dụ các Tỳ-kheo trẻ tuổi khiến cho họ sanh kiến giải khác. Năm pháp này là căn bản cho việc phá Tăng.

Hỏi: Năm pháp này thường được Phật khen ngợi, sao lại gọi là phi pháp?

Đáp: Phật thường khen ngợi tu theo bốn Thánh chủng sẽ được tám Thánh đạo và bốn Quả Sa-môn, nhưng Điều đạt nói ngược lại rằng tám Thánh đạo tuy hướng đến Niết bàn nhưng chậm và khó, còn năm pháp này hướng đến giải thoát niết bàn rất mau, cho nên gọi là phi pháp.

Phi pháp nói là pháp: Năm pháp là phi pháp mà nói là pháp; pháp nói là phi pháp: Tám Thánh đạo là pháp mà nói là phi pháp; phi luật nói là luật: Năm pháp là phi luật mà nói là luật; luật nói là phi luật: Tám Thánh đạo là luật mà nói là phi luật; không phạm nói là phạm: Phật không chế giới thuộc về tâm thì Điều đạt nói rằng tâm khởi ba độc tức là phạm giới; phạm nói là không phạm: Phật nói không cạo tóc, không cắt móng tay là phạm giới thì Điều đạt nói rằng tóc và móng tay cũng có mạng sống nên không cần phải cạo và cắt; phạm khinh nói là trọng: Như rồng ưu-bát-la hái lá cây phạm tội khinh, Điều đạt lại nói rằng người làm chết cây cỏ đều phạm trọng; phạm trọng nói là khinh: Điều đạt thấy Tu-đề-na và Đạt-ni-ca phạm trước khi Phật chế giới nên không thành phạm trọng, liền nói rằng phạm Dâm và Trộm là tội khinh; hữu tàn nói là vô tàn: Bốn thiên giới sau có phạm là hữu tàn mà nói là vô tàn; vô tàn nói là hữu tàn: Phạm bốn giới trọng là vô tàn mà nói là hữu tàn; pháp thường sở hành nói không phải là pháp thường sở hành: Tám Thánh đạo là pháp thường sở hành, Điều đạt nói là không phải pháp thường sở hành; không phải pháp thường sở hành nói là pháp thường sở hành: Năm pháp không phải pháp thường sở hành mà nói là pháp thường sở hành; phi giáo nói là giáo: Phạm bốn giới trọng mà nói là tội khinh, phạm bốn thiên giới sau lại nói là tội trọng, đây là phi giáo (không phải lời Phật dạy)mà nói là giáo (lời Phật dạy); giáo nói là phi giáo: Phạm bốn giới trọng là tội trọng, phạm bốn thiên giới sau là tội khinh, đây là giáo (lời Phật dạy) mà nói là phi giáo (không phải lời Phật dạy).

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9