TÁT BÀ ĐA TỲ NI TỲ BÀ SA

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

3. Nhân Duyên Kết Mười Ba Tăng Tàn (Tiếp Theo):

8. Giới Ô-tha-gia thứ mười hai:

Mã túc và Mãn túc là tên của hai ngôi sao, lúc hai vị này sanh ra, hai ngôi sao này vừa mọc nên được đặt tên theo tên hai ngôi sao này. Xuất thân từ nhà giàu có nên đắm trước thế lạc tâm không buông bỏ nên sau khi xuất gia thường phạm giới, buông lung làm các ác hạnh, làm nhơ tâm người tại gia, tạo nhiều ác nghiệp, phá tâm thiện tín kính của người nên gọi là Ô-tha-gia.

Làm các ác hạnh: Là làm các nghiệp không thanh tịnh, ô uế sẽ mắc quả báo ác; Ô-tha-gia: Nếu Tỳ-kheo đem phẩm vật biếu tặng cho quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ… tất cả tại gia để mong cầu việc gì cho Tam bảo hay cho riêng mình thì gọi là Ô-tha-gia. Vì sao, vì luận về người xuất gia là phải vô vi vô dục, thanh tịnh tự giữ, lấy việc tu đạo làm tâm; nếu tặng đưa phẩm vật cho người thế tục, giao tiếp qua lại sẽ phế bỏ chánh nghiệp, không phải là điều mà người xuất gia nên làm. Lại nữa, nếu tặng đưa phẩm vật cho bạch y tức là làm hoại tâm bình đẳng của họ, người nào được tặng vật thì vui thích kính yêu, người không được tặng vật thì dù là Hiền thánh cũng không kính mộ; như thế sẽ làm mất phước lợi sâu dầy của họ, lại còn làm đảo loạn Phật pháp. Luận về người tại gia là phài cúng dường tứ sự cho người xuất gia, nhưng người xuất gia lại tăng đưa phẩm vật cho họ tức là đánh mất Thánh tâm làm đảo loạn Phật pháp. Người tại gia đáng lẽ phải cầu ruộng phước thanh tịnh nơi Tam bảo, cắt giảm phần thọ dụng của mình để gieo trồng thiện căn; nhưng người xuất gia lại tặng đưa phẩm vật khiến họ sanh tâm mong cầu nơi người xuất gia, không những làm hoại tâm tín kính thanh tịnh đối với Tam bảo của họ mà còn làm mất lợi dưỡng của tất cả người xuất gia. Nếu đem một ít phẩm vật biếu cho bạch y, dù xây được tháp bằng bảy báu trang nghiêm cũng không bằng tọa thiền, trì giới thanh tịnh mới là chân thật cúng dường pháp thân Như lai. Nếu đem một ít phẩm vật biếu cho bạch y, dù lập được tinh xá rộng lớn như tinh xá Kỳ-hoàn cũng không bằng tọa thiền, trì giới thanh tịnh mới là chân thật cúng dường Tam bảo. Nếu đem một ít phẩm vật biếu cho bạch y, dù tất cả Thánh chúng trong cõi Diêm phù đề đều được tứ sự cúng dường đầy đủ, cũng không bằng tọa thiền, trì giới thanh tịnh mới là chân thật cúng dường Thánh chúng.

Nếu người có thế lực muốn phá tháp hoại tượng, thay vì đem phẩm vật biếu cho họ để bảo toàn tháp và tượng thì nên bán các loại hoa quả trong đất tháp được tiền, hoặc nhờ các duyên khác được tài vật rồi tùy nghi giải quyết. Nếu người có thế lực muốn phá hoại, chiết giảm vật Tăng, nên tùy trong đất Tăng có vật gì bán được, đem bán lấy tiền rồi tùy duyên giải quyết.

Cha mẹ là ruộng phước nên Phật cho cúng dường cha mẹ; nếu người thuộc Tăng làm sai dịch cho Tăng thì nên cho; nếu thí chủ muốn làm thức ăn cho Tăng và muốn biết pháp thì nên cho; tất cả người nghèo khổ đơn chiếc ăn xin… vì tâm thương xót nên cho; tất cả ngoại đạo đối cới Phật pháp có tâm ganh ghét, thường rình tìm hay dở thì nên cho; nếu vì mạng sống đáng cho y bát để được thoát nạn thì nên cho.

Ngồi chung một giường với người nữ: Tỳ-kheo không được ngồi chung giường với người nữ, nếu ngồi chung thì phạm Đột-kiết-la; ngồi chung một chiếu một nệm cũng Đột-kiết-la; nếu giường dài giáp kế nhau, ngồi phải có khoảng cách ở giữa hoặc khác chiếu, khác nệm thì được ngồi.

Người nữ: Chỉ tất cả người nữ bao gồm mẹ, chị em gái, con gái bất luận thân sơ đều không được ngồi chung, vì hoại oai nghi. Dùng hương thơm thoa thân: Nếu xông thơm y phục thì bốn chúng kia phạm Đột-kiết-la, riêng Tỳ-kheo-ni thì phạm Ba-dật-đề vì người nữ dễ đắm nhiễm. Cả năm chúng đều không được dùng nước thơm rưới đất, trừ khi để cúng dường Tam bảo. Tự xỏ hoa làm vòng hoa hay bảo người khác làm: Vì trong việc này có làm các ác hạnh, trở ngại việc hành đạo, cho dù làm để cúng dường Tam bảo cũng không được làm. Lại nữa các loại trang nghiêm như hoa thơm, chuỗi ngọc… đều không được đeo trên thân Phật, chỉ được rải trên đất để cúng dường. Nếu Tỳ-kheo dùng hoa cúng dường Tăng, không được rải trên thân chúng tăng.

Cả năm chúng đều không được làm cho voi đấu nhau cho đến gà đá nhau; nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni có tâm sát khiến chúng đấu đá nhau mà chết thì phạm Ba-dật-đề, chúng không chết thì phạm Đột-kiết-la, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la. Cả năm chúng cũng không được chạy trừ có nhân duyên cấp bách. Cả năm chúng đều không được khóc lớn tiếng, cho dù cha mẹ qua đời cũng không nên khóc lớn, nếu khóc lớn tiếng thì bốn chúng kia phạm Đột-kiết-la, riêng Tỳ-kheo-ni thì phạm Ba-dật-đề vì tâm luyến ái nặng. Cả năm chúng đều không được kêu to vì hoại oai nghi, trừ có nhân duyên cấp bách; cũng không được huýt sáo vì hoại oai nghi.

Lúc đó tôn giả A-nan:

Hỏi: A-nan là thị giả của Phật sao lại rời Phật đi đến nơi khác?

Đáp: A-nan tùy chúng sanh hữu duyên đáng được độ thì đi.

Hỏi: Lúc nào thì A-nan được rời Phật đi nơi khác?

Đáp: Như khi Phật nhập thiền hoặc khi Phật đi nơi khác mà A-nan không được đi theo, hoặc vâng lời Phật dạy đi đến đó. Những lúc đó Anan được rời Phật du hành.

A-nan mang bát đi rồi mang bát không trở về:

Hỏi: A-nan là thị giả của Phật có công đức lớn, nơi đó lại là nơi tôn giả ra đời, người nơi đó đều là bà con vì sao đi khất thực lại mang bát không trở về?

Đáp: Vì Mã túc và Mãn túc ở nơi đó làm những việc phi pháp và đủ các ác hạnh, làm nhơ tâm thanh tịnh của người (Ô-tha-gia); A-nan không bị não hại là may mắn lắm rồi huống chi là được thức ăn, lại do A-nan từ khi xuất gia đến nay trải qua nhiều năm tháng nên mọi người không còn nhớ A-nan.

9. Giới nói lời chống trái thứ mười ba:

Nếu như thế: Các đệ tử của Phật được tăng trưởng lợi ích là nhờ cùng nói chuyện với nhau, cùng dạy bảo lẫn nhau và cùng xuất tội (cử tội, nêu tội ra) cho nhau.

Hỏi: Trong Kinh Phật có dạy chỉ tự quán thân hành, chớ xét thiện bất thiện, trong đây lại nói dạy bảo lẫn nhau, xuất tội cho nhau há không trái ngược hay sao?

Đáp: Phật tùy thời chế giới, tuy nói trái ngược nhưng lại đưa đến hòa hợp thì không còn trái ngược nữa. Đối với chúng sanh có tâm yêu ghét nên lời nói ra ắt có tổn hại, Phật mới dạy chỉ tự quán thân hành, chớ xét thiện bất thiện; nếu vì lòng từ làm lợi ích thì nên dạy bảo lẫn nhau. Đối với người độn căn, không có trí huệ, lời nói ra không có lợi ích nên Phật mới dạy chỉ tự quán thân hành, chớ xét thiện bất thiện; nếu là người lợi căn có trí huệ, lời nói ra có lợi ích thì nên dạy bảo lẫn nhau. Nếu vì lợi dưỡng và danh tiếng thì Phật dạy chỉ tự quán thân hành, chớ xét thiện bất thiện; nếu vì làm lợi ích và an lạc cho chúng sanh để xiển dương Phật pháp thì nên dạy bảo lẫn nhau. Lại nữa, vì muốn thể hiện pháp lạc nên Phật dạy chỉ tự quán thân hành, chớ xét thiện bất thiện; nếu muốn đem giáo pháp ra giáo hóa chúng sanh để được lợi ích an lạc giống như mình thì nên dạy bảo lẫn nhau. Lại nữa, đối với người mới xuất gia còn luyến ái cha mẹ, anh chị em nên Phật mới dạy chỉ tự quán thân hành, chớ xét thiện bất thiện; nếu là người đã thấm nhuần Phật pháp có thể kiêm giáo hóa người khác thì nên dạy bảo lẫn nhau.

4. Nhân Duyên Kết Hai Pháp Bất Định:

Lúc đó Tỳ-xá-khư đến nhà của Quật-đa:

Hỏi: Tỳ-xá-khư là người thông minh lợi căn, có đức biết tôn trọng người khác, vì sao thấy Tỳ-kheo cùng người nữ ngồi ở chỗ khuất mà còn đi đến đó?

Đáp: Người này đã nhập đạo, tin ưa Phật pháp sâu xa. Phật thường nói nghe pháp có năm điều lợi: Một là được nghe pháp chưa từng nghe, hai là đã từng nghe hiểu rồi thì được thanh tịnh kiên cố, ba là trừ được tà kiến, bốn là có được chánh kiến và năm là hiểu pháp sâu xa. Vì Tỳxá-khư đã hiểu pháp sâu xa nên không vì hiềm nghi mà tự ngại. Đối với người tại gia chưa nhập đạo, Phật nói nhiều về công đức bố thí; đối với người xuất gia đã nhập đạo thì Phật nói nhiều về công đức trì giới.

Phật kiết giới này cho các Tỳ-kheo một là để ngăn dứt phỉ báng, hai là để dứt trừ đấu tranh, ba là vì pháp tăng thượng, Tỳ-kheo xuất gia nên đoạn tuyệt tục uế để được trời người tôn trọng, đem Đạo giáo hóa chúng sanh; nếu cùng người nữ ngồi ở chỗ khuất lén lút riêng tư thì trên trái với Thánh ý, dưới mất tâm tín kính của trời người. Bốn là để đoạn trừ pháp theo thứ lớp đưa đến nghiệp ác vì ban đầu ở chỗ khuất dần đưa đến chỗ dắm nhiễm thì không việc gì là không xảy ra, cho nên phải đề phòng. Tỳ-xá-khư đã nhập đạo, được lòng tin vô lậu nên không vì mình cũng vì người khác và cũng không vì tài lợi mà vọng ngữ. Không cố ý vọng ngữ: Phàm phu nếu đã tin ưa Phật pháp cho dù gặp nhân duyên phải mất mạng cũng không cố ý vọng ngữ huống chi là Thánh nhân. Nếu có người nói rằng: “Nếu ngươi chịu nói dối thì ta sẽ không hại mạng ngươi, nếu không chịu nói dối thì ta sẽ hại mạng ngươi”, nên tự suy nghĩ: “Ta không nói dối thì chỉ hại nhục thân này, mất một thân này; nếu ta chịu nói dối thì mất vô số thân và hại cả pháp thân, vì vậy ta thề không nói dối”, đây là không vì mình mà vọng ngữ. Nếu có người lại nói: “Nếu ngươi chịu nói dối thì cứu được cha mẹ, anh chị em cùng tất cả thân quyến của ngươi; không chịu nói dối thì tất cả họ sẽ bị giết chết”, nên tự suy nghĩ: “Ta không nói dối thì hại chết bà con thân quyến trong một đời sanh tử này, nếu ta chịu nói dối ta sẽ lưu chuyển trong ba đường ác, vĩnh viễn mất hết bà con quyến thuộc nhiều đời ở cõi trời người; lại còn mất cả quyến thuộc Hiền thánh xuất thế gian”, đấy là không vì người khác mà vọng ngữ. Nếu có người lại nói: “Nếu ngươi chịu nói dối, ta sẽ cho ngươi nhiều châu báu, tiền tài và lợi lộc; nếu ngươi không chịu nói dối thì ngươi sẽ không được gì cả”, nên tự suy nghĩ: “Ta không nói dối thì chỉ mất tiền tài của thế tục, nếu ta nói dối ta sẽ mất Thánh pháp tài”, đây là không vì tài lợi mà vọng ngữ.

Bất định: Khi Phật ngồi nơi đạo tràng đã quyết định năm thiên giới khinh trọng và thông bít, không có pháp Bất định; trong đây sở dĩ nói Bất định là để cho Ưu-bà-di đáng tin không biết tướng tội trọng khinh, cũng không biết tên tội, nếu thấy Tỳ-kheo cùng người nữ ngồi chung một chỗ, không biết cùng làm việc gì hoặc là cùng hành dâm hay là cùng xúc chạm hay là nói lời thô (yêu đương tình tứ)… nên gọi là Bất định. Giới cùng người nữ ngồi ở chỗ khuất này dù Phật đã kết giới hay chưa kết đều nên cho Thật mích Tỳ-ni; nếu Tỳ-kheo ban đầu nói như vậy, sau lại nói không phải như vậy hoặc nói tôi không đến đó, không phạm tội đó… thì Tăng nên theo lời của Ưu-bà-di đáng tin mà cho Tỳkheo này Thật mích Tỳ-ni. Làm như vậy để người phạm tội chiết phục tâm ác, không che giấu tội nữa và để cho các vị phạm hạnh được an lạc trụ, đồng thời khiến cho pháp ác không khởi lên trong tương lại. Người bị Thật mích Tỳ-ni tuy cho người thọ giới cụ túc, cho người y chỉ, chứa nuôi Sa-di… đều thành nhưng phạm Đột-kiết-la vì theo Bất giáo Tỳ-ni. Nếu cho yết ma rồi mà tự nói tội trước đó thì tăng nên cho giải yết ma rồi tùy tội nặng nhẹ mà trị; nếu không tự nói tội thì trọn đời không nên cho giải yết ma. Pháp Bất định thứ hai chỉ có chỗ và hai pháp là khác, ngoài ra tất cả đều đồng, cho Thật mích Tỳ-ni cũng đồng.

5. Nhân Duyên Kết Ba Mươi Pháp Xả Đọa:

1. Giới cất chứa y dư thứ nhất:

Lục quần Tỳ-kheo: Một là Nan-đà, hai là Bạt-nan-đà, ba là Calưu-đà-di, bốn là Xiển-na, năm là Mã túc và sáu là Mãn túc. Có thuyết cho là có hai người được Lậu tận nhập niết bàn vô dư , đó là Ca-lưu-đàdi và Xiển-na. Có hai người được sanh lên trời, đó là Nan-đà và Bạtnan-đà; nhưng có thuyết cho là cả hai đều phạm giới trọng, nếu phạm trọng thì không được sanh lên trời. Có hai người bị đọa vào đường ác,

sanh trong loài rồng, đó là Mã túc và Mãn túc. Trong sáu người này, có hai người giỏi về toán số, âm dương và đoán vận, đó là Nan-đà và Bạt-nan-đà; hai người giỏi về bắn cung là Ca-lưu-đà-di và Xiển-na; hai người giỏi về âm nhạc và các trò vui chơi, cũng giỏi luận nghị và thông hiểu A-tỳ-đàm, đó là Mã túc và Mãn túc; hai người giỏi về thuyết pháp và luận nghị là Nan-đà và Bạt-nan-đà; hai người thông hiểu về A-tỳđàm là Ca-lưu-đà-di và Xiển-na. Có thuyết cho là sáu người này thông hiểu ba tạng, mười hai bộ kinh không gì là không hiểu; bên trong là rường cột của Phật pháp, bên ngoài là người đại hộ Phật pháp. Trong sáu người này, hai người nhiều tham dục là Nan-đà và Bạt-nan-đà; hai người nhiều sân là Mã túc và Mãn túc; hai người nhiều si là Ca-lưu-đàdi và Xiển-na; có thuyết nói ba người nhiều tham dục là Nan-đà, Bạtnan-đà và Ca-lưu-đà-di; chỉ có một người nhiều si là Xiển-na. Trong sáu người này, năm người thuộc trong hoàng tộc họ Thích là Nan-đà, Bạt-nan-đà, Xiển-na, Mã túc và Mãn túc; chỉ có Ca-lưu-đà-di là thuộc dòng Bà-la-môn. Cả sáu người đều là con nhà giàu có, quý tộc, sau khi xuất gia kết thành một nhóm gọi là Lục quần Tỳ-kheo, rất thông suốt Phật giáo.

Mặc y khác: Vì cất chứa nhiều y nên tùy thời tùy chỗ mà mặc y khác nhau; có thuyết cho là y mặc trong ngày hôm nay, hôm sau không mặc lại, mỗi ngày mặc mỗi khác.

Hỏi: Do đâu có nhiều y phục như vậy?

Đáp: Vì xuất thân trong nhà giàu có, khi còn tại gia thích đeo chuỗi ngọc… đủ các loại phục sức; sau khi xuất gia do thói quen trước kia nên thích y bát đẹp, lại thêm tánh tham dục tích chứa nhiều đời nên cất chứa nhiều không biết nhàm chán.

Hỏi: Pháp tịnh thí là chân thật thí hay là giả danh thí?

Đáp: Tất cả pháp tịnh thí, chín mươi sáu phái ngoại đạo đều không có, do Phật đại từ bi khai phương tiện cho tịnh thí, chỉ là phương tiện thí không phải chân thật thí, mục đích cho các đệ tử được cất chứa tài vật dư mà không phạm giới.

Hỏi: Vì sao Phật không cho thẳng các đệ tử được cất chứa tài vật dư, lại miễn cưỡng kiết giới rồi lập bày phương tiện làm gì?

Đáp: Phật pháp lấy thiểu dục tri túc làm gốc cho nên Phật kết giới không được cất chứa tài vật dư. Vì chúng sanh căn tánh không đồng, có chúng sanh thích cất chứa nhiều sau mới tu thành đạo và chứng được Thánh quả nên sau khi kết giới rồi, Phật phải lập bày phương tiện khai cho tịnh thí để ở trong Phật pháp được vô ngại và chúng sanh cũng được lợi ích. Như có một Tỳ-kheo đến chỗ Phật cầu xin cho ở trong phòng tốt đẹp trang nghiêm với đầy đủ tiện nghi như giường nệm, mền gối… đều tốt đẹp; Phật bảo A-Nan-đáp ứng nhu cầu cho Tỳ-kheo này để vị ấy được được an tâm hành đạo, sau đó ứng cơ thuyết pháp khiến cho vị này ngay nơi tòa ngồi đoạn dứt phiền não được Lậu tận chứng quả A-la-hán, ba Minh sáu Thông… các Thánh pháp đều đầy đủ. Phật chế giới thông hay bít đều tùy căn tánh chúng sanh vi chỉ có Phật mới biết Tỳ-kheo này vốn là từ trên cõi trời thứ sáu sanh xuống cõi người, nên Phật tùy thuận thói quen xưa rồi nhân đó hóa độ và khai cho tịnh thí, được chứa tài vật dư mà không phạm giới.

Hỏi: Tỳ-kheo chủ tịnh thí không phạm cất chứa tài vật dư hay sao?

Đáp: Không phạm vì đã làm phương tiện thí nên tài vật cất chứa là thuộc của người khác. Phật chế giới này cho các Tỳ-kheo vì nếu Tỳkheo tham đắm thế lợi thì lợi về đạo không thành, lại còn làm mất lòng tín kính của đàn việt. Tỳ-kheo nếu không biết nhàm chán thế lợi thì không khác người thế tục, trái lời Phật dạy và bốn pháp Thánh chủng. Đây là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.

Tài vật dư có năm: Một là vật báu, hai là tiền và vật tợ báu, ba là y hoặc y tài đúng lượng, bốn là y và y tài không đúng lượng, năm là các loại thực phẩm như lúa gạo… Tỳ-kheo không được cất chứa tất cả tiền bạc vật báu, nếu cất chứa vật báu phải xả cho tịnh nhơn đồng tâm rồi ở trong Tăng sám tội Ba-dật-đề; nếu là tiền và vật tợ báu, trừ trong số một trăm lẻ một vật, tất cả đều nên xả cho tịnh nhơn đồng tâm rối sám tội Đột-kiết-la. Tiền và vật báu thuyết tịnh có hai: Một là nếu bạch y mang tiền và vật báu đến đưa cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nên nói: “Vật bất tịnh này tôi không được cất chứa, nếu tịnh thì sẽ thọ”, nói như vậy là tịnh pháp. hai là nếu bạch y nói: “Vật báu này thầy nên đổi lấy tịnh vật để cất chứa”, nói như vậy tức là tác tịnh; nếu bạch y không nói câu này, Tỳ-kheo cũng không thuyết tịnh như trên thì nên để vật trên đất mà đi; Nếu có Tỳ-kheo thì nên đến bên Tỳ-kheo này làm pháp thuyết tịnh mới được tùy ý cất chứa lâu hay mau; nếu không có Tỳ-kheo thì không được nhận lấy tài vật này, nếu nhận lấy thì phạm Xả đọa. Nếu được y đúng lượng hay không đúng lượng đều nên thuyết tịnh, thuyết tịnh liền thì càng tốt; nếu không thuyết tịnh thì được cất chứa trong vòng mười ngày không có lỗi, đến ngày thứ mười nên cho người khác hoặc tịnh thí hay thọ trì; nếu không cho người khác, không tịnh thí và không thọ trì thì qua ngày thứ mười một, trời vừa sáng liền phạm Xả đọa, y đúng lượng này nên xả rồi sám tội Ba-dật-đề; y không đúng lượng cũng nên xả rồi sám tội Đột-kiết-la. Nếu được các loại thực phẩm như lúa gạo … thì ngay trong ngày đó nên tác tịnh; nếu không có bạch y thì nên ở bên bốn chúng tác tịnh, nếu không tác tịnh thì qua hôm sau trời vừa sáng liền phạm Xả đọa, các loại thực phẩm này nên xả rồi sám tội Đột-kiết-la.

Sa-di nên cất chứa hai y thượng hạ: Một là y thường mặc sẽ làm y An-đà-hội, hai là y sẽ làm y Uất-đa-la-tăng để mặc khi vào trong Tăng hoặc khi đi đâu. Những vật thường theo bên mình như Tăng-kỳ-chi, Nê-hoàn-tăng, y phú-kiên, phú-la… thì được cất chứa mỗi thứ một cái, ngoài những thứ cần dùng trên, tất cả thứ khác đều là tài vật dư. Nếu được tiền và vật báu nên liền thuyết tịnh, nếu không thuyết tịnh thì tiền và vật báu đó nên xả và sám tội Đột-kiết-la. Nếu được y đúng lượng hay y không đúng lượng cũng được cất chứa đến mười ngày, quá mười ngày nên xả rồi sám tội Đột-kiết-la; các loại thực phẩm như lúa gạo… đều không được để qua đêm giống như pháp của tỳ-kheo.

Trong năm loại y có ba loại cất chứa quá mười ngày phạm Xả đọa: Một là y bị bò nhai, hai là y bị chuột cắn, ba là y bị cháy; hai loại y còn lại là y dơ của nam nữ mới giao hợp và y dơ của người nữ sau khi sanh, cất chứa quá mười ngày không phạm Xả đọa, chỉ phạm Đột-kiếtla .

Mười ngày: Do Phật biết pháp tướng nên chế đúng mười ngày, không chậm không gấp, không thêm không bớt. Nếu ngày đầu được y mà bị tăng cho yết ma Bất kiến tẫn, yết ma Bất tác tẫn, yết ma Bất xả ác tà kiến tẫn, hoặc người điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại; nếu Tăng không giải tẫn hoặc không trở lại bổn tâm (hết điên cuồng) cho đến lúc mạng chung thì không phạm giới này; nếu được Tăng giải tẫn hoặc trở lại bổn tâm thì cứ tính tiếp ngày mà thành tội. Nếu ngày đầu được y mà lên cung trời hoặc đi đến cõi Uất đơn việt ở phương Bắc cho đến lúc mạng chung thì không phạm giới này, nếu trở về cõi này thì cứ tính tiếp ngày mà thành tội. Nếu ngày đầu được y cất chứa đến năm ngày thì bị Tăng cho yết ma Bất kiến tẫn… hoặc lên cõi trời… cho đến lúc mạng chung thì không phạm; nếu được giải tẫn hoặc trở lại bổn tâm hoặc trở về lại cõi này thì cứ tính tiếp ngày mà thành tội.

Luật sư nói: “Lấy năm ngày trước cộng thêm năm ngày sau tính đủ mười ngày thành tội là nghĩa quyết định. Ba cõi; cõi Diêm phù đề, cõi Câu-da-ni, cõi Phất Bà-đề và cung Rồng đều có giới pháp Tỳ-kheo, vật đều có chủ; chỉ có hai cõi: Cõi trời và cõi Uất đơn việt là không có 6 giới pháp Tỳ-kheo, vật đều vô chủ”.

Pháp tịnh thí: Nếu là tiền và vật báu thì Tỳ-kheo nên tìm một bạch y biết pháp thanh tịnh rồi nói ý mình cho họ hiểu: “Pháp Tỳ-kheo chúng tôi không được cất chứa tiền bạc vật báu, nay tôi nhờ đàn việt làm tịnh chủ, nếu sau này được tiền bạc vật báu, tôi sẽ làm pháp tịnh thí cho đàn việt tịnh chủ”, nói như vậy rồi sau đó có được tiền bạc vật báu cứ đến bên một Tỳ-kheo thuyết tịnh, không cần nói tên tịnh chủ ra, thuyết tịnh xong thì được tùy ý cất chứa lâu hay mau; nếu tịnh chủ này chết hay đi xa qua nước khác thì Tỳ-kheo phải tìm tịnh chủ khác. Trừ tiền bạc và vật báu ra, tất cả tài vật dư khác đều ở bên năm chúng tác tịnh, nên tìm người trì giới, học rộng có phước đức làm tịnh chủ; sau đó được tài vật gì cứ đối trước một Tỳ-kheo nói tên tịnh chủ ra để thuyết tịnh. Nếu tịnh chủ qua đời hay đi xa qua nước khác thì Tỳ-kheo phải tìm tịnh chủ khác, trừ sáu hạng người bị Tăng cho yết ma Bất kiến tẫn, yết ma Bất tác tẫn, yết ma Bất xả ác tà kiến tẫn; người phạm một trong sáu tội: Một là tội làm Phật bị thương chảy máu, hai là tội phá Pháp luân tăng và tội Bala-di phạm bốn giới trọng đều không được làm tịnh chủ. Sa-di đắc giới, người điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại, người hành Biệt trú, người hành Ma-na-đỏa… năm pháp làm pháp tịnh thí muốn được thanh tịnh thì phải có người làm chứng để không sanh tranh cải vì những người trên đều không như pháp.

Nếu thuyết tịnh tiền và vật báu xong rồi, sau đó đổi thành y tài như y bát… thuộc trong số một trăm lẻ một vật thì không cần thuyết tịnh nữa; ngoài số một trăm lẻ một vật ra, các vật khác đều phải thuyết tịnh lại. Nếu đem tiền và vật báu phạm Xả đọa đổi thành y tài thuộc trong số một trăm lẻ một vật thì ở bên tiền đã cất chứa trước đó phạm Độtkiết-la nên đối thú sám hối; bên vật báu đã cất chứa trước đó phạm Xả đọa nên ở trong Tăng sám; bên y tài đã đổi thành thuộc trong một trăm lẻ một vật thì không cần xả vì đã được tịnh; ngoài một trăm lẻ một vật ra những y đã may hay chưa may khác đều phải thuyết tịnh.

Nếu thuyết tịnh tiền, vật báu và các y tài rồi, có người khác đến vay mượn, thời gian sau đem trả lại: Vật báu thì trả lại bằng vật báu, tiền thì trả lại bằng tiền… giống như trước thì không cần thuyết tịnh lại; nếu trả lại bằng vật khác với trước kia thì phải thuyết tịnh lại, vì vật trả sau khác với vật đã mượn trước kia; nếu trả lại y tài thuộc trong một trăm lẻ một vật giống như trước kia thì không cần thuyết tịnh lại; nếu trả lại y đúng lượng hay không đúng lượng thuộc số y dư hoặc khí vật dư khác thì nên thuyết tịnh lại.

Nếu y phạm Xả đọa trước đã đúng lượng đem may thành y đúng lượng hay không đúng lượng thì y này nên xả và sám tội Ba-dật-đề; nếu y phạm Xả đọa trước đã không đúng lượng đem may thành y đúng lượng hay không đúng lượng thì y này nên xả và sám tội Đột-kiết-la. Nếu y phạm Xả đọa trước đã đúng lượng, mua thêm y tài rồi đem may thành y đúng lượng hay không đúng lượng thì y này không phải xả, nhưng sám tội Ba-dật-đề đã phạm trước; nếu y phạm Xả đọa trước đã không đúng lượng, mua thêm y tài rồi đem may thành y đúng lượng hay không đúng lượng thì y này không phải xả nhưng sám tội Đột-kiết-la đã phạm trước.

Ba y Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng, An-đà-hội: Sở dĩ có ba tên sai khác là do Phật muốn hiển bày pháp chưa từng có, lại do Phật muốn khác với ngoại đạo vì chín mươi sáu phái ngoại đạo đương thời đều không có ba loại y này. Y Tăng-già-lê có ba bậc chín phẩm như sau: Tăng-già-lê bậc hạ có ba phẩm gồm hai đàn cách dài, một đàn cách ngắn, phẩm hạ chín điều, phẩm trung mười một điều, phẩm thượng mười ba điều; Tăng-già-lê bậc trung có ba phẩm gồm ba đàn cách dài, một đàn cách ngắn, phẩm hạ mười lăm điều, phẩm trung mười bảy điều, phẩm thượng mười chín điều; Tăng-già-lê bậc thượng có ba phẩm gồm bốn đàn cách dài, một đàn cách ngắn, phẩm hạ hai mươi mốt điều, phẩm trung hai mươi ba điều, phẩm thượng hai mươi lăm lăm điều. Nếu là y Tăng-già-lê bậc hạ mà may thành ba đàn cách dài, một đàn cách ngắn tuy được thọ trì, được mặc nhưng phạm Đột-kiết-la; nếu là y Tănggià-lê bậc trung mà may thành bốn đàn cách dài, một đàn cách ngắn tuy được thọ trì, được mặc nhưng phạm Đột-kiết-la; nếu là y Tăng-già-lê bậc thượng mà may thành hai đàn cách dài, một đàn cách ngắn hoặc ba đàn cách dài, một đàn cách ngắn thì tuy được thọ trì, được mặc nhưng phạm Đột-kiết-la.

Y đúng lượng: Là dài năm khuỷu tay của Phật, dài nhiều lắm là sáu khuỷu tay; rộng ba khuỷu tay rưỡi, rộng lắm là bốn khuỷu tay, hẹp lắm là hai khuỷu tay rưỡi. Nếu y đúng lượng như pháp là dài năm, rộng ba khuỷu tay thì khi thọ y nên nói: “Y này thành thọ trì không lỗi”, nếu nói: “Y như thế thành thọ trì”thì phạm Đột-kiết-la, vì hoại oai nghi. Nếu y quá lượng dài năm, rộng ba thì khi thọ trì nên nói: “Y như vậy thành thọ trì không lỗi”, nếu nói: “Y này thành thọ trì”thì phạm Đột-kiết-la , vì hoại oai nghi; lại vì y thiếu nên cất chứa quá mười ngày không phạm tội chứa y dư. Nếu y đúng lượng dài năm, rộng ba như pháp thọ thì thành thọ trì. Nếu Tỳ-kheo qua đời, ba y nên đem cho người khán bịnh; ngoài y đúng lượng dài năm, rộng ba ra, tất cả y dư khác tùy nhiều hay ít đều nên bạch cho Tăng biết, Tăng hòa hợp cho thì tốt.

Luận về pháp thọ y, nếu là y dư nên thuyết tịnh, nếu không thuyết tịnh thì xếp vào trong số tài vật dư; trong số một trăm lẻ một vật, ba y và bát ắt phải tác pháp thọ, các vật khác nếu thọ thì tốt, không thọ cũng không có lỗi. Tỳ-kheo nếu không tác pháp thọ ba y mà cất chứa quá mười ngày, tuy không phạm tội cất chứa y dư và không phạm tội lìa y ngủ đêm, nhưng phạm tội thiếu y và hoại oai nghi.

Nếu may y Tăng-già-lê mới nhiều lắm là ba lớp gồm một lớp mới hai lớp cũ, nếu toàn là vải mới thì chỉ được may hai lớp; Ni-sư-đàn cũng vậy; nếu dùng vải mới may y Uất-đa-la-tăng và y An-đà-hội thì chỉ được may một lớp; nếu dùng toàn vải cũ thì được may y Tăng-già-lê bốn lớp, y Uất-đa-la-tăng hai lớp, y An-đà-hội cũng hai lớp, Ni-sư-đàn bốn lớp. Nếu ba y bị rách, bất luận chỗ rách lớn hay nhỏ mà thành viền y không đứt thì vẫn thành thọ trì; y quá cũ bạc màu vẫn không mất pháp thọ trì; y biến thành thượng sắc cũng không mất pháp thọ trì. Nếu y tài trước đã thuyết tịnh, sau đó may thành y thọ trì thì mất tịnh pháp, y này nên xả rồi thuyết tịnh lại, nếu không thuyết tịnh lại thì phạm tội chứa y dư. Nếu Tỳ-kheo may lại ba y, nếu có nhân duyên trích ra mang đến chỗ khác thì gọi là không lìa y ngủ đêm. Nếu Tỳ-kheo qua đời, y vật để lại hiện tiền tăng trong giới nên chia; có thuyết cho là nên đem cho người khán bịnh.

Luật sư nói: “Nghĩa sau là nghĩa quyết định, nếu có nhân duyên một xấp vải may được ba y, nhuộm màu sắc như pháp, tác pháp thọ một hay hai y tùy ý được thọ trì”. Nếu ngoài y đúng luợng dài năm, rộng ba mà còn có y dư thì nên thuyết tịnh; nếu không thuyết tịnh thì phạm tội chứa y dư. Pháp thọ ba y nên nói ba lần, không được nói lần thứ hai, lần thứ ba cũng như thế.

Tướng phạm trong giới này là nếu ngày đầu được y cho đến ngày thứ chín được y thì ngày thứ mười nếu không xả, không thọ trì, không tác tịnh, qua ngày thứ mười một trời vừa sáng liền phạm Xả đọa. Sở dĩ phạm Xả đọa là vì y đã được trong chín ngày trước đều xả, đều tác tịnh nhưng y đã được trong ngày thứ mười vì nối tiếp với nhân duyên trước nên phạm. Chữ xả trong đây nghĩa là tác tịnh, từ nghĩa này suy ra ba câu sau đều có thể hiểu: Nếu ngày đầu được y ngay trong ngày đầu xả, ngày thứ hai được y thì y của ngày thứ hai này vì nối tiếp nên theo thứ lớp được đến ngày thứ mười. Nếu ngày đầu được y, ngày thứ hai xả, ngày thứ hai không được y, ngày thứ ba lại được thì y của ngày thứ ba này vì không nối tiếp nên theo thứ lớp được đến ngày thứ mười. Nếu ngày đầu được y, ngày thứ hai xả, ngay trong ngày thứ hai lại được y, y này nối tiếp vì trong cùng một ngày xả một y thọ một y.

Nếu ngày đầu được y, ngay trong ngày đầu xả, ngày thứ hai được y không nối tiếp với ngày đầu vì khác ngày xả y, khác ngày thọ y, y của ngày thứ hai theo thứ lớp được đến ngày thứ mười; ba câu sau theo đó suy ra có thể hiểu: Nếu Tỳ-kheo có y nên xả đã xả, tội đã sám, kế tiếp lại được y nữa thì y được sau ở bên y được trước phạm Xả đọa. Trong đây nói kế tiếp không phải là ngày kế tiếp mà là tâm tham cầu nối tiếp không dứt. Nếu y đã xả, tội đã sám, tâm kế tiếp đã dứt; nếu ngay trong ngày đó y mong cầu trước đó lại đến hoặc y đến ngoài ý muốn thì không phạm, vì tâm kế tiếp đã dứt. Nếu ngay trong ngày được y xả y, sám tội cũng ngay trong ngày đó nhưng tâm mong cầu chưa đoạn dứt, cho đến một tháng sau y mong cầu lại đến hoặc y đến ngoài ý muốn thì phạm tội kế tiếp, y này ở bên y đã được trước đó phạm Xả đọa, ngay ngày được y liền phạm không cần trải qua ngày hôm sau. Nếu ngày nay được y liền xả và đã sám tội, ngày trong ngày đó tâm mong cầu đã đoạn dứt; ngày hôm sau lại có nhân duyên được y thì y này không phạm tội kế tiếp vì tâm mong cầu ở giữa hai ngày đã đoạn dứt. Nếu vào trời sáng được y liền xả và sám tội, tâm kế tiếp cũng đoạn dứt; đến trời tối lại mong cầu và được y thì y này nên xả và sám tội Đột-kiết-la. Nếu y đã xả, tâm kế tiếp đã đoạn nhưng chưa sám tội; cho dù nhiều ngày sau được y thì y này cũng phải xả và sám tội Đột-kiết-la.

2. Giới không lìa y ngủ đêm thứ hai:

Minh tướng: Có nhiều tên gọi, Bà-la-môn gọi là mặt trời, giới quý tộc gọi là Dịch (thay đổi), người Hồ miền núi gọi là Khước sa, người trồng trọt canh tác gọi là Chủng tác thời, người đánh cá gọi là Hiển… những tên gọi như thế đều không phải là Minh tướng, nhưng dựa trên Minh tướng mà thành tên gọi ấy.

Vì chút nhân duyên: Tôn giả Đại Ca-diếp trông coi việc xây cất năm tinh xá lớn: Một là tinh xá trên núi Kỳ-xà-quật, hai là tinh xá Trúc lâm và ba tinh xá khác nữa. Lúc đó tôn giả đi đến Trúc viên để trông coi việc xây cất cũng như tôn giả Xá-lợi-phất đến tinh xá Kỳ-hoàn để trông coi việc xây cất; tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng trông coi việc xây cất năm trăm tinh xá.

Hỏi: Các đại đệ tử của Phật đều đã đoạn hết lậu kết (lậu hoặc kiết sử), việc nên làm đã làm xong vì sao lại liệu lý phước nghiệp này?

Đáp: Một là để báo đáp ân Phật, hai là để trưỡng dưỡng Phật pháp, ba là để diệt tâm cống cao của chúng sanh phàm phu thấp kém làm được chút ít phước nghiệp, bốn là chiết phục tâm kiêu mạn của các đệ tử trong tương lai, năm là muốn phát khởi phước nghiệp cho chúng sanh trong tương lai.

Hỏi: Tôn giả Đại Ca-diếp có thần thông lực, vì sao không dùng thần lực đi, lại để cho trời mưa làm trở ngại?

Đáp: Tôn giả Đại Ca-diếp khi trông coi việc xây cất tự tay làm các việc như lấy bùn tô trét vách tường, tự tay đắp nên cho bằng phẳng. Lúc đó trời mưa lớn, tôn giả liền nhập định đợi tạnh mưa mới xuất định, nhưng mưa suốt đêm đến sáng mới tạnh, tôn giả xuất định thì trời đã sáng. Có thuyết cho là Phật thuyết kinh Cây khô, các Tỳ-kheo nghe rồi có người hoàn tục về nhà, có người ưu não không thể tự an nên tôn giả tùy nghi thuyết pháp khai giải cho họ, suốt đêm không nghỉ, thuyết pháp xong thì trời sáng. Do nhân duyên này nên không thể dùng thần lực.

Lìa y Tăng-già-lê ngủ đêm không biết làm sao:

Hỏi: Tôn giả Đại Ca-diếp là người có đại trí huệ, việc lớn còn thấu đạt huống chi là việc nhỏ này đâu cần phải hỏi người khác .

Đáp: Vì muốn cho chúng sanh trong tương lai không dựa vào chút ít trí huệ và biện tài mà tự tin tự dụng, nên thường nghĩ mình không bằng; lại nữa vì muốn làm mô phạm cho chúng sanh nên hiển bày hỏi việc này.

Khen ngợi giới, khen ngợi người trì giới: Do thiện tâm nên khen ngợi, lại vì tôn giả Đại Ca-diếp trước nay chưa bị Phật quở trách, các đệ tử khác đều bị Phật quở như tôn giả Xá-lợi-phất bị Phật quở: “Sao thầy lại ăn thức ăn bất tịnh?”; Đại Mục-kiền-liên cũng bị Phật quở: “Sao thầy lại cho người chưa đủ hai mươi tuổi thọ giới cụ túc?”, Nan-đà cũng bị Phật quở: “Sao thầy lại giáo giới Ni đến mặt trời lặn?”, Ưu-đàdi cũng bị Phật quở: “Thầy là người ngu si mới muốn luận nghị tranh thắng với Xá-lợi-phất”, A-nan cũng bị Phật quở: “Thầy là người ngu si, sao lại xúc não bậc Thượng tòa”… Tôn giả Đại Ca-diếp chưa từng bị Phật quở vì tôn giả có đức hạnh sâu dầy, không có lỗi lầm; dù có chút lỗi lầm gì Phật cũng không quở tôn giả Đại Ca-diếp vì muốn tôn giả đảm đương việc duy trì chánh pháp sau khi Phật diệt độ và muốn chúng sanh đời sau hết lòng tôn trọng tôn giả.

Xá-lợi-phất: Là tên của người mẹ, Tần dịch là Thân tử, do bà mẹ tên Xá lợi sanh raa nên gọi là Xá lợi tử. Khi bà mẹ mang thai tôn giả, nằm mộng thấy một người tướng mạo trang nghiêm, thân mặc áo giáp đội mũ trụ trên tay cầm cây gậy đánh vào bà. Tướng sư đoán mộng là bà sẽ sanh người con thông minh biện tài bậc nhất, có thể chiết phục tất cả các luận sư. Có thuyết cho là khi bà mang thai tôn giả, thần trí hơn hẳn ngày thường, tự cầu luận sư cùng tranh thắng; mọi người thấy việc kỳ lạ này đều cho là bà mất bổn tâm. Các Bà-la-môn nói: “Đây không phải là năng lực của bà mà là nhờ thai nhi là người thông minh trí huệ nên khiến bà như thế”, sau khi biết rõ nguyên nhân, bà được hộ vệ cho đến ngày hạ sanh tôn giả.

Xá-lợi-phất bị bịnh: Trong số các đệ tử, tôn giả là người nhiều bịnh nhất, thường bị trúng gió, cảm lạnh cho đến bịnh máu nóng …; thầy thuốc nói: “bịnh trúng gió nên uống nước cháo”, hoặc nói: “Bịnh máu nóng nên chắt lấy nước cơm uống”, hoặc nói: “Đốt cục đá cho nóng rồi bỏ vào nước sữa để uống”, hoặc nói: “Nấu tỏi trong nước sữa để ăn”, hoặc nói: “Giả lá cây lấy nước thoa lên người”…

Hỏi: Tôn giả Xá-lợi-phất tu định có công đức, là bậc đại trí huệ vì sao có nhiều bịnh như thế?

Đáp: Do nhân duyên đời trước, đời quá khứ tôn giả đã não loạn cha mẹ cho đến Sư tăng nên đời này bị nhiều bịnh. Có thuyết cho là tôn giả là bậc đại trí huệ, lợi căn, đã thấm nhuần pháp vị, thường tu trí huệ và giỏi luận nghị, thích tu thiền định và siêng làm việc chúng, tinh tấn ba nghiệp không chút biếng trễ, do đi đứng nằm ngồi không điều độ nên có nhiều bịnh. Lại có thuyết cho là đây là thân sau cùng của tôn giả, tất cả tội nghiệp đời trước đều phải thọ hết mới có thể nhập niết bàn, cho nên có nhiều bịnh.

Muốn đi du hành một tháng:

Hỏi: Tôn giả Xá-lợi-phất có nhiều bịnh vì sao lại muốn du hành một tháng?

Đáp: Vì có chúng sanh hữu duyên đáng được hóa dộ, như Phật một ngày sáu thời thường quán chúng sanh để tùy nghi hóa độ; tôn giả Xá-lợi-phất là bậc chuyển pháp luân lần thứ hai cũng một ngày sáu thời thường quán chúng sanh để tùy nghi hóa độ; lại do tôn giả là người nắm giữ Phật pháp nên muốn du hành các nước để tùy nghi hóa độ và truyền bá Phật pháp, người đáng hàng phục sẽ hàng phục, người đã được hàng phục sẽ khiến phát tâm tín ngộ; lại do du hành tự khổ, bịnh gió bịnh lạnh sẽ giảm bớt.

Hỏi: Vì sao chỉ du hành trong vòng một tháng?

Đáp: Vì đối với chúng sanh hữu duyên chỉ cần một tháng là độ hết; có thuyết cho là người đáng thu phục chỉ cần một tháng là thu phục xong; lại cho là chỉ cần một tháng là khất thực đủ những vật cần dùng như y thực, ngọa cụ, thuốc thang trị bịnh. Y Tăng-già-lê dầy nặng:

Hỏi: Tôn giả Xá-lợi-phất có bốn Như ý túc có thể để ba ngàn đại thiên thế giới trong bàn tay xoay chuyển, sao lại nói là y Tăng-già-lê dầy nặng?

Đáp: Tôn giả du hành là để độ sanh nhưng chúng sanh hữu duyên không thể dùng thần thông lực mà làm cho giác ngộ được, tôn giả phải đi bộ nên nói y Tăng-già-lê dầy nặng. Lại do người mà tôn giả muốn thu phục là các luận sư, phải dùng lý chiết phục không thể dùng thần thông lực, nếu dùng thần thông lực sẽ khiến họ tăng thêm kiêu mạn, tôn giả phải đi bộ nên nói y Tăng-già-lê dầy nặng. Lại do tôn giả hiện tướng đại từ bi, muốn cho các Tỳ-kheo già bịnh trong tương lai không phiền não nên muốn Như lai khai duyên cho các Tỳ-kheo già bịnh yết ma được lìa y ngủ đêm một tháng. Nói già là bảy mươi tuổi trở lên.

Hỏi: Vì sao Phật khai cho pháp không lìa y ngủ đêm một tháng?

Đáp: Vì nhân duyên độ sanh, lại vì nhân duyên hành đạo, không mang theo y nặng thì được lìa khổ não, tùy thời tu đạo nghiệp không bị trở ngại. Lại vì tìm cầu những vật dụng tùy thân và thuốc thang thích nghi cho bịnh tình hoặc để liệu lý việc xây cất tinh xá, chùa tháp; hoặc để thu phục người chưa thu phục, người đã được thu phục phất tâm tín ngộ nên Phật khai cho lìa y một tháng.

Giới lìa y cách đêm này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đồng nhưng ba chúng dưới không đồng. Ni kết đại giới rộng nhất là một Câu-lô-xá, kết giới y cũng bằng với đại giới; Tăng kết đại giới và giới y không đồng với Ni. Kết đại giới sở dĩ thông với tụ lạc vì khi Tăng kết đại giới, uy lực của giới khiến cho điều ác không đến được trong giới, trong giới có thiện thần ủng hộ; lại vì đàn việt nên kết đại giới thông với tụ lạc, nếu kết đại giới tất cả Tăng đều tụ họp, không được gởi dục, nhưng kết giới y thì phải nói trừ tụ lạc và giới tụ lạc.

Mặc y thượng hạ du hành các nước: Y thượng là y Uất-đa-la-tăng, y hạ là y An-đà-hội. một đêm: Có thuyết cho là lấy sắc ấm làm ngày đêm, trời sáng là ban ngày, trời tối là ban đêm; có thuyết lại nói lấy năm ấm làm ngày đêm. Mặt trời lặn là khi mặt trời đi qua khỏi cõi Diêm-phù-đề. Minh tướng có nhiều tên gọi như trên đã nói, nói lấy sắc ấm làm ngày đêm là dựa trên ba sắc: Khi ánh mặt trời chiếu vào công cối ở cõi Diêm phù đề thì có sắc đen, khi chiếu vào lá cây thì có sắc xanh nhưng khi chiếu qua khỏi lá cây, rọi vào cõi Diêm phù đề thì có sắc trắng. Trong ba sắc này thì sắc trắng là sắc chính, nếu lìa y ngủ đêm cho đến sáng hôm sau thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, trong đây có bốn trường hợp:

Một là xả y thì không phạm, như Tỳ-kheo xuất giới đến nơi khác ngủ đêm, mượn y thọ trì đến sáng hôm sau xả y trả lại cho chủ y thì không phạm.

Hai là phạm vì không xả y, giống như trên nhưng khi xả y trả lại cho chủ y không tác pháp xả y, trở về thọ lại y của mình; vì không tác pháp xả y mà thọ lại y của mình là hoại oai nghi, phạm Đột-kiết-la.

Ba là cũng xả y cũng phạm tội, như Tỳ-kheo để y trong giới, xuất giới đến chỗ khác ngủ đêm đến sáng hôm sau thì phạm Xả đọa.

Bốn là không xả y cũng không phạm tội, như Tỳ-kheo tự thọ trì y, không lìa y ngủ đêm ở chỗ khác.

Trừ Tăng yết ma cho: Tăng kết đại giới trước, kết giới y sau, đại giới rộng nhất là mười Câu-lô-xá, kết giới rồi phải ở trong đại giới này thuyết giới bố tát và làm các pháp yết ma. Nếu có sông ngòi, đường đi đều được hợp kết, nhưng chỉ lấy tướng bờ; kết đại giới rồi từ tướng bờ đó trở đi tùy phạm vi xa gần, lớn hay nhỏ đều không có lỗi. Nếu kết giới y đồng với đại giới thì nên nói trừ tụ lạc và giới tụ lạc, sở dĩ nói trừ ra vì giới tụ lạc không có nhất định còn giới y thì nhất định; lại vì ngăn dứt phỉ báng, diệt trừ đấu tranh và gìn phạm hạnh, dứt hiềm nghi. Có thuyết cho là nếu có tụ lạc mới nói trừ ra, nếu không có tụ lạc thì không cần nói trừ ra; cũng có thuyết cho là dù có tụ lạc hay không có tụ lạc khi kết yết ma đều nên nói trừ ra, vì sao, vì khi kết giới y không có tụ lạc, nhưng sau đó có tụ lạc và dân cư đến trong đại giới, lúc đó không cần phải kết giới y lại vì khi kết đã nói trừ ra rồi. Nếu ban đầu đã có tụ lạc, sau khi kết giới y xong không có tụ lạc vì dân cư đã dời đi nơi khác thì chỗ trống này thuộc về giới y. Nếu giới tụ lạc ban đầu nhỏ, sau đó nới lớn dần ra thì tùy nới lớn dần ra tới đâu, nơi đó không thuộc về giới y nữa. Nếu giới tụ lạc ban đầu lớn, sau đó thu nhỏ dần lại thì tùy thu nhỏ lại tới đâu, chỗ trống đó lại nhiếp thuộc vào giới y. Nếu vua và quyến thuộc vào trong đại giới giăng màn trướng, ở gần hai bên làm chỗ ăn uống, chỗ đại tuểu tiện, chỗ đi lại… thì những chỗ ấy không còn thuộc về giới y; người làm ảo thuật, người chú thuật, người chơi nhạc cụ… vào trong đại giới cũng lại như vậy.

Nói trừ Tăng yết ma cho là như tôn giả Xá-lợi-phất vì các Tỳkheo già bịnh xin Phật khai cho pháp không lìa y một tháng, sau khi cho xong mà bịnh lành vẫn được theo yết ma trước đi du hành một tháng; nếu yết ma cho xong mà bịnh trở nặng thêm không thể đi được, sau khi bịnh lành vẫn theo yết ma trước được du hành một tháng. Nếu hóa độ chúng sanh chưa hết mà thời gian một tháng lại hết, hoặc việc tìm cầu y phục thuốc thang các vật cần dùng hoặc liệu lý việc Tam bảo chưa xong mà thời gian một tháng đã hết, đợi đến khi xong việc mới trở về vẫn không phạm. Nếu Tỳ-kheo qua đời thì y đã xin yết ma này nên cho người khán bịnh; nếu mất y đã xin yết ma này sau đó xin lại được y khác, bất luận nặng hay nhẹ đều phải xin lại yết ma; nếu đem y đã xin yết ma này cúng dường Tam bảo, sau đó xin lại được y khác cũng phải xin lại yết ma. Trường hợp xin yết ma lìa y chín tháng cũng như vậy, vì nhân duyên nên khai cho pháp lìa y một tháng, cũng vì nhân duyên mà khai cho pháp lìa y chín tháng.

Hỏi: Vì sao không nhiều không ít mà khai cho đúng chín tháng?

Đáp: Vì trong một năm có ba tháng phải ở một chỗ an cư tiến tu đạo nghiệp nên khai cho đúng chín tháng.

Hỏi: làm một lần yết ma cho hay là làm chín lần yết ma?

Đáp: Chỉ làm một lần yết ma, giống như trường hợp lìa y Tănggià-lê, lìa y Uất-đa-la-tăng hay y An-đà-hội cũng như vậy; vì nhân duyên nên khai cho lìa y Tăng-già-lê, vì nhân duyên cũng khai cho lìa y Uất-đa-la-tăng và y An-đà-hội.

Hỏi: Cho lìa một y hay cho lìa một lúc hai y?

Đáp: Không cho lìa một lúc hai y, Phật chế ba y là để chống lạnh, nếu chỉ còn có một y thì không thể chống lạnh; lại vì trừ hổ thẹn, nếu chỉ còn một y thì không trừ được hổ thẹn; lại nữa, Phật chế ba y để mặc vào tụ lạc, nếu chỉ còn một y thì không được vào tụ lạc; lại nữa, Phật chế mặc ba y vì muốn người nhìn thấy sanh tâm hoan hỉ, nếu chỉ còn một y thì không khiến người thấy sanh tâm thiện; lại vì muốn cho oai nghi thanh tịnh nên chế mặc ba y, nếu chỉ còn một y thì oai nghi không thanh tịnh. Tỳ-kheo-ni chế có năm y nếu muốn lìa hai y cũng không được, Phật chế nên mặc năm y vì thành oai nghi, nếu chỉ còn ba y thì không thành oai nghi. Tỳ-kheo mặc đủ ba y, Tỳ-kheo-ni mặc đủ năm y thì tất cả thời đều được vào cung vua và tụ lạc đều không có lỗi. Nếu xin yết ma được lìa y một tháng, Tỳ-kheo già có y Tăng-già-lê dầy nặng nhưng thật tế là không già, không bịnh, chỉ vì y Tăng-già-lê dầy nặng nên xin yết ma; nếu Tăng cho yết ma thì yết ma tuy thành nhưng Tăng phạm Đột-kiết-la, người xin yết ma nếu không biết pháp thì không phạm, nếu biết pháp thì cũng phạm Đột-kiết-la. Nếu thật không phải già bịnh và y Tăng-già-lê cũng không dầy nặng mà nói là già bịnh và y dầy nặng thì yết ma tuy thành nhưng người xin phạm Ba-dật-đề.

Khi kết giới y nói trừ tụ lạc và giới tụ lạc, trong đây có bốn trường hợp:

Một là giới tụ lạc không phải là giới nhà, như hai tụ lạc, mỗi tụ lạc đều có nhà.

Hai là giới nhà không phải là giới tụ lạc, như một tụ lạc lớn không có tụ lạc khác, trong có có rất nhiều nhà.

Ba là giới tụ lạc cũng là giới nhà, như hai tụ lạc, mỗi tụ lạc đều có rất nhiều nhà.

Bốn là không phải giới tụ lạc cũng không phải giới nhà, như nơi A-lan-nhã.

Trong tụ lạc có một giới cũng có giới khác, nếu tụ lạc kế tiếp nhau thì gọi là một giới, nếu không kế tiếp nhau thì gọi là giới khác. Nhà cũng có một giới và giới khác, nếu trú xứ chỉ có một phòng xá thì gọi là một giới; nếu trong trú xứ có chỗ nấu ăn, chỗ lấy nước, chỗ đại tiểu tiện, cửa ngõ… thì gọi là giới khác. Nói tụ lạc không kế tiếp nhau là chỗ mà gà có thể bay đến được, chỗ mà tên có thể bắn tới được, chỗ phân biệt nam nữ, chỗ mà người có hổ thẹn đại tiểu tiện và đi lại… Nếu tụ lạc chỉ có một nhà, để y trong nhà, Tỳ-kheo nằm ở chỗ mà tên có thể bắn tới được, ngủ đến khi trời sáng cũng không mất y; hoặc y để ở chỗ mà tên có thể bắn tới được, Tỳ-kheo nằm ngủ trong nhà cho đến khi trời sáng cũng không mất y. Nếu tụ lạc có nhiều nhà, y để trong nhà, Tỳ-kheo nằm ngủ ở chỗ mà tên có thể bắn tới được, trời sáng thì mất y vì giới nhà khác; nếu y để ở ngoài giới nhà, Tỳ-kheo ngủ nơi chỗ mà tên có thể bắn tới được, đến trời sáng cũng không mất y. Trường hợp tụ lạc kế tiếp nhau tức là bốn phía đều có tụ lạc, bốn phía đều dùng cái thang mười hai bậc dựa vào tường để đi lên và ra vào thông nhau, Tỳ-kheo ngủ dưới chân cầu thang còn y để ở bốn phía của tụ lạc cũng không phạm lìa y vì thang và bốn phía tiếp giáp nhau. Nếu tụ lạc chỉ có một nhà, y để trong nhà cũng không mất y; nếu tụ lạc có nhiều nhà, y để trong nhà thì phạm lỗi lìa y, nếu để y ngoài giới nhà thì không mất y; nếu có thang tiếp giáp với tụ lạc, để y ở bốn phía của tụ lạc cũng không mất y. Trường hợp giới tụ lạc tiếp giáp nhau tức là hai bên có tụ lạc, ở giữa có đường cho người và xe qua lại, nếu hai đầu của xe tiếp giáp với hai bên tụ lạc, y để ở đầu này, người nằm ngủ ở đầu kia, cả y và người ở trên xe thì không mất y vì xe tiếp giáp với giới của hai tụ lạc. Nếu tụ lạc chỉ có một nhà, y để trong nhà, người ngủ ở trên xe cũng không mất y; nếu không có xe thì không thành nghĩa tiếp giáp, vì vậy có xe mới không mất y, không có xe thì mất y. Nếu tụ lạc có tường rào hoặc hào bao quanh bốn phía là giới tụ lạc, những chỗ như chỗ làm việc, chỗ mà đổ bỏ rác rến đến được, do tụ lạc có tường rào hay hào bao quanh nên thế lực không đến được chỗ xa thì gọi là giới tụ lạc tiếp giáp với giới tụ lạc.

Tộc họ có một giới và giới khác: Nếu cha mẹ, anh em, chị em, con cái cùng ăn một chỗ cùng làm một nghề thì gọi là một nhà; nếu ăn riêng, làm riêng, tất cả đều riêng, tuy cùng ở chung nhưng việc không đồng nhau thì gọi là một tộc. Chỗ mà mỗi người ở gọi là một giới còn những chỗ như chỗ nấu ăn, chỗ lấy nước, chỗ đại tiểu tiện… là giới khác. Nếu để y trong tộc họ này, người ở trong tộc họ khác thì mất y; nếu người ở trong phòng mà y để ở chỗ lấy nước hay chỗ nấu ăn… là giới khác thì mất y. Như thế cho đến nhà ngoại đạo, sân vườn… nếu khác chủ và thấy biết khác thì mất y; nếu đồng là một chủ đồng thấy biết thì không mất y.

Nhà có lầu gác: Nếu y để ở tầng trên, người ở tầng dưới mà nhà thuộc của một chủ thì không mất y; nếu hai tầng thuộc của hai chủ khác nhau thì mất y. Nếu y ở tầng dưới, người ở tầng giữa hoặc y ở tầng giữa, người ở tầng dưới; hoặc y ở tầng trên, người ở tầng giữa hoặc y ở tầng giữa, người ở tầng trên thì không mất y vì tầng giữa tiếp giáp và thông với hai tầng trên và dưới.

Nếu Tỳ-kheo giữ y cho thầy thì thầy trò nên cách nhau trước sau khoảng bốn mươi chín tầm, luật sư nói hoặc ngang dọc cách khoảng bốn mươi chín tầm. Nếu Tỳ-kheo nằm ngủ trên đường ranh của hai giới, thân vào trong hai giới, y cũng ở trong hai giới thì không mất y. Nếu giữa hai giới tụ lạc có một bức tường ngăn, Tỳ-kheo nằm trên tường, y ở hai bên tụ lạc cũng không mất y.Nếu Tỳ-kheo này qua đời thì tùy mặt day về hướng nào thì người ở hướng đó được lấy y hoặc người nào nhìn thấy trước thì được lấy y.

3. Giới cất chúa y phi thời quá một tháng:

Nhân duyên về Ưu-ba-tư-na Phật nói ta muốn yên tĩnh trong bốn tháng tọa thiền:

Hỏi: Phật đã trải qua ba A-tăng-ky kiếp lập bốn thệ nguyện rộng lớn để tế độ vô biên chúng sanh, nay đã thành đạo rồi sao lại muốn tự được yên tĩnh?

Đáp: Không lúc nào là Phật không độ sanh hoặc tĩnh lặng mà làm Phật sự, hoặc thuyết pháp, tất cả oai nghi đi đứng nằm ngồi đều làm Phật sự. Nếu Phật tĩnh lặng là để lìa thân tán loạn hoặc lìa tâm tán loạn hoặc cả thân tâm đều lìa tán loạn nên trong bốn tháng Phật nhập định, tự tại trong các pháp môn, hoặc đến phương khác giáo hóa chúng sanh, hoặc thể nhập mười lực, bốn Vô sở úy và mười tám pháp Bất cọng. Lại do chúng sanh thường thấy Phật nên sanh tâm dễ duôi biếng nhác, muốn cho chúng sanh khởi tâm khát ngưỡng nên Phật muốn yên tĩnh tọa thiền trong bốn tháng. Lại do không muốn ngoại đạo dị kiến tăng trưởng cơ hiềm phỉ báng vì thấy Phật thường du hành các nươc liền cho là Phật chỉ ở trong chỗ rộn rịp thì không có thật pháp nên Phật muốn yên tĩnh tọa thiền trong bốn tháng, hiển bày không phải là không có thật pháp. Lại do Phật muốn làm phép tắc cho các đệ tử trong tương lai; công đức, trí huệ của Phật tất cả đều đầy đủ mà Phật vẫn không bỏ việc tọa thiền, huống chi phàm phu mà lại biếng nhác hay sao. Lại do Phật lấy pháp làm thầy, yên tĩnh nhập định tự tại trong các pháp môn chính là pháp cúng dường thầy. Khi Phật tại thế có ba lần yên tĩnh tọa thiền: Một là sau khi thành đạo Phật yên tĩnh tọa thiền trong mười lăm ngày, lần thứ hai yên tĩnh tọa thiền hai tháng và lần sau cùng là bốn tháng.

Hỏi: Vì sao lần đầu yên tĩnh tọa thiền mười lăm ngày, lần thứ hai lại đến hai tháng và lần sau cùng lại đến bốn tháng?

Đáp: Sau khi thành đạo, bắt đầu ra độ sanh thì nhân duyên độ sanh rất nhiều nên Phật chỉ yên tĩnh tọa thiền trong mười lăm ngày. Trải qua một thời gian, chúng sanh đã được hóa độ, vô lượng ngoại duyên cũng giảm bớt nên lần thứ hai Phật yên tĩnh tọa thiền hai tháng. Lúc sắp nhập niết bàn, việc độ sanh cũng sắp hết nên lần sau cùng Phật yên tĩnh tọa thiền bốn tháng. Lại do giai đoạn đầu sau khi Phật thành đạo, rất ít chúng sanh phạm lỗi, Phật chỉ yên tĩnh tọa thiền trong mười lăm ngày họ liền tự thấy lỗi. Thời gian sau, chúng sanh phạm lỗi tăng nhiều thêm, Phật yên tĩnh tọa thiền trong hai tháng họ mới tự thấy lỗi. Giai đoạn sau chúng sanh làm việc phi pháp càng nhiều, phạm lỗi càng tăng, Phật phãi yên tĩnh tọa thiền trong bốn tháng họ mới tự thấy lỗi.

Hỏi: Vì sao các Tỳ-kheo không nói cho Ưu ba tư na biết chế định của Tăng?

Đáp: Ưu-ba-tư-na là bậc đại đức nắm giữ Phật pháp, vì sợ làm khó nên không dám nói.

Chỉ trừ Tỳ-kheo đưa thức ăn đến và vào ngày bố tát: Đưa thức ăn đến là để cúng dường sắc thân của Phật, vào ngày bố tát đến bố tát là cúng dường pháp thân.

Giới này là cọng giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều phạm Xả đọa, ba chúng dưới phạm Đột-kiết-la.

Y phi thời: Từ mười sáu tháng bốn đến ngày rằm tháng tám được y thì gọi là y thời, nếu có thọ y công đực thì đến ngày rằm tháng chạp gọi là y thời. Từ mười sáu tháng chạp đến ngày rằm tháng tư được y thì gọi là y phi thời. Trong bốn tháng này nếu cha mẹ, vợ con, anh chị em cúng dường y hoặc gặp hội năm năm mở một lần hoặc hội nhập xá (vào ở nhà mới) được cúng dường y thì không gọi là y phi thời vì các hội này là thường định. Nếu tự xin y cho mình cũng không gọi là y phi thời vì nếu xin đủ ba y thì không xin nữa. Trường hợp trong giới này là được cúng vải không đủ may thành y, do mong cầu cho đủ nên khai cho cất chứa trong một tháng chờ cúng thêm cho đủ, nếu quá một tháng thì phạm Xả đọa. Vì vậy trong vòng một tháng này phải siêng năng cần cầu cho đủ vải để may thành y, niệm mong cầu không cho gián đoạn mới được cất chứa đến một tháng. Nếu dứt niệm mong cầu thì không được cất chứa đến một tháng, như ngày đầu được vải mà suy nghĩ rằng: “Trong mười ngày này mong cầu cho đủ vải chắc sẽ không được”, nếu nghĩ như vậy thì vải này không được cất chứa quá mười ngày, dù chỉ được bốn khuỷu tay cũng phải may thành y, nếu quá mười ngày thì phạm Xả đọa; y không đúng lượng thì phạm Đột-kiết-la, y này nên xả. Như thế cho đến ngày thứ mười nếu suy nghĩ rằng: “Nội trong một ngày này mong cầu cho đủ vải chắc sẽ không được”, nếu nghĩ như vậy thì y này nội trong ngày thứ mười nếu không cho người, không may thành y thọ trì, không tác tịnh, qua ngày thứ mười một trời vừa sáng liền phạm Xả đọa.

Nếu ngày đầu được vải y không được như ý muốn, kế lại được thêm vải y ngoài mong cầu thì cả hai loại vải y này trong vòng mười ngày phải may thành y; nếu không may thành y, không tác tịnh, không cho người, không thọ trì, qua đến ngày thứ mười một trời vừa sáng thì phạm Xả đọa; nếu được y không đúng lượng thì y này nên xả rồi sám tội Đột-kiết-la.

Nếu Tỳ-kheo được vải không đủ may y, vì mong cầu cho đủ nên chờ đến chín ngày, đến ngày thứ mười dù không được vải y như mong cầu hay không mong cầu mà được thì vải y nội trong một ngày này phải may thành y; nếu không may thành y, không tác tịnh, không cho người, không thọ trì, qua đến ngày thứ mười một trời vừa sáng liền phạm Xả đọa.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9