Giáo Khoa Phật Học

GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

Cấp Một

Cấp Hai

Cấp Ba

LỜI GIỚI THIỆU

Đạo Phật có mặt trên đất nước Việt-nam đã 20 thế kỉ. Quốc văn của Việt-nam với Hán văn của Trung-quốc lúc bấy giờ, có thể nói là cùng đúc chung một lò. Từ xưa đến nay, tất cả các sách giáo khoa Phật học tại Việt-nam đều dùng Hán hệ làm chủ yếu.

Trước đây khoảng 5 năm, Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh ở Đài-loan có tặng cho tôi một bộ sách giáo khoa Phật học bằng Hán văn, mang tên là “Phật Học Giáo Bản”, gồm 3 quyển, dành cho 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Bộ sách do cư sĩ Phương Luân (người Đài-loan) soạn. Tôi đọc thấy hay. Phương pháp soạn sách có khoa học. Tôi gợi ý với ông Hạnh Cơ (là sư đệ và là học trò của tôi hiện ở Gia-nã-đại) nên dịch bộ sách ấy ra Việt ngữ, và soạn thêm một vài phần bổ túc, để làm thành một bộ sách giáo khoa Phật học thích ứng với tăng ni sinh Việt-nam. Cư sĩ Hạnh Cơ đã tán đồng ý kiến của tôi, và hoan hỉ nhận trách nhiệm thực hiện Phật sự này.

Nay, quyển Một (Sơ cấp) của bộ sách ấy đã hoàn thành, có tên là “Giáo Khoa Phật Học – cấp một”. Sách được làm thành hai bản: một bản dành cho giáo thọ, và một bản dành cho học chúng. Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh phát tâm ấn hành để phổ biến cho tăng ni sinh trong nước cũng như ngoài nước.

Tôi trân trọng tán thán công đức của Hòa thượng Tịnh Hạnh cùng hai cư sĩ Hạnh Cơ và Tịnh Kiên; đồng thời xin giới thiệu bộ sách Giáo Khoa Phật Học này đến quí vị giáo thọ và tăng ni sinh quốc nội cũng như quốc ngoại.

Tì kheo THÍCH ĐỖNG MINH
(nguyên Vụ Trưởng Vụ Phật Học Viện,
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất)
Nha-trang, Việt-nam, ngày Trưởng-tịnh có trăng, tháng Mười Một năm Canh Thìn, Phật lịch 2544 (2000)

 

Chúng con, Hạnh Cơ và Tịnh Kiên, chí thành đảnh lễ Chư Tôn Đức Ân Sư:

Hòa thượng bổn sư Thích Huyền Tân
Hòa thượng giáo thọ Thích Đôn Hậu
Hòa thượng giáo thọ Thích Chánh Thống
Hòa thượng giáo thọ Thích Trí Thủ
Hòa thượng giáo thọ Thích Thiện Hòa
Hòa thượng giáo thọ Thích Thiện Hoa
Hòa thượng giáo thọ Thích Thiện Minh
Hòa thượng giáo thọ Thích Thiện Siêu
Hòa thượng giáo thọ Thích Huyền Quang
Hòa thượng giáo thọ Thích Trí Thành
Hòa thượng giáo thọ Thích Trí Hữu
Hòa thượng giáo dưỡng Thích Chí Tín
Hòa thượng giáo thọ Thích Huyền Vi
Hòa thượng giáo thọ Thích Như Ý (Trà-am)
Hòa thượng giáo thọ Thích Viên Giác
Hòa thượng giáo thọ Thích Định Tuệ
Hòa thượng giáo thọ Thích Thuyền Ấn
Hòa thượng giáo đạo Thích Đỗng Minh
Hòa thượng giáo thọ Thích Nhất Hạnh
Ni trưởng bổn sư Thích nữ Đàm Thu

 

CẨN BẠCH
(lời dịch giả)

Thừa lệnh chư tôn đức có trách nhiệm về giáo dục trong Giáo Hội, chúng tôi xin dịch bộ PHẬT HỌC GIÁO BẢN (佛學教本 – nguyên tác Hán ngữ của

Phương Luân cư sĩ, Đài-loan) ra Việt ngữ, để làm tài liệu học tập Phật pháp cho tăng ni sinh Việt-nam (như vừa thấy trong “Lời Giới Thiệu” ở trước). Sau khi hoàn tất quyển đầu (Cấp Một – cả hai bản Học Chúng và Giáo Thọ), chúng tôi nhận thấy, nội dung quyển sách cũng rất thích hợp cho chúng cư sĩ trong việc học tập Phật pháp. Vì vậy, chúng tôi lại nương theo hai bản kia, bỏ hết những phần liên quan đến chữ Hán, và làm thành bản này, dùng làm tài liệu học tập giáo lí cho chúng cư sĩ. Công việc của chúng tôi xin được trình bày như sau:

1) Mục đích dịch bộ sách này là để học Phật pháp, bởi vậy khi dịch, chúng tôi sẽ không để bị gò bó quá sát chữ với nghĩa. Không phải là “dịch thoát”, nhưng cố gắng làm sao cho câu văn rõ ràng, trong sáng, dễ hiểu, đúng với cách nói tiếng Việt.

2) Mỗi bài học, tác giả soạn gồm ba phần: Bài Học, Chú Thích, và Bài Tập. Chúng tôi cũng sẽ dịch ra Việt ngữ cả ba phần như vậy.

3) Trong phần “Chú Thích”, tác giả giải nghĩa những từ khó trong bài học. Dù vậy, chúng tôi vẫn thấy chưa đầy đủ đối với học chúng Việt-nam, cho nên, để giúp quí vị độc giả hiểu bài học tường tận hơn, dịch giả xin soạn thêm phần “Phụ Chú”, giải thích những điều cần thiết mà trong phần “Chú Thích” tác giả đã không đề cập tới, hoặc đề cập một cách đơn sơ. Những “chú thích” của tác giả (theo các số thứ tự được tác giả ghi ngay trong bài học nguyên tác – sẽ được đính kèm ở cuối sách này) sẽ được đánh số 1, 2, 3, v.v…; những “phụ chú” của người dịch (theo các số thứ tự được người dịch ghi ngay trong bài dịch) sẽ được đánh số (1), (2), (3), v.v…

4) Cứ sau ba bài học, tác giả có viết một bài “tổng hợp yếu chỉ” để tóm tắt những điều đã nói trong ba bài học đó; đồng thời nói thêm những chi tiết cần thiết mà trong ba bài học đó chưa nói tới (mục đích là để giải đáp những thắc mắc của các học viên đã từng học hàm thụ Phật pháp với tác giả lúc trước). Bài này chỉ được coi như một “bài đọc thêm”, tác giả không chú thích những từ khó hoặc những điển tích; cho nên, sau khi dịch, người dịch sẽ chú thích những từ khó và những điển tích (nếu có) ấy.

5) Bộ PHẬT HỌC GIÁO BẢN khi dịch ra Việt ngữ sẽ có tên là GIÁO KHOA PHẬT HỌC, và đã được soạn thành hai bản riêng biệt: một bản dành cho chư vị tăng ni sinh dùng, một bản dành cho chư vị giáo thọ dùng. Và đây là bản dành cho chúng cư sĩ, nội dung mỗi bài học gồm có các phần như sau:

*   Bài học (dịch nghĩa)

*   Chú thích (dịch ngĩa)

*   Phụ chú (người dịch soạn)

*   Bài tập (dịch nghĩa) và kèm câu trả lời bài tập (gợi ý) của người dịch

** Sau ba bài học sẽ có bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ” như vừa nói trong mục số 4 ở trên. Bài này gồm có hai phần: dịch nghĩa bài đọc; và chú thích (của người dịch) những từ khó, những điển tích.

6) Các tài liệu chính được chúng tôi dùng tham khảo trong khi dịch và biên soạn các phần “Phụ Chú” (ở các bài học) và “Chú Thích” (ở các bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ”):

– Hán Việt Tự Điển (Thiều Chửu, Đuốc Tuệ xuất bản, Hà-nội, 1942)

– Phật Quang Đại Từ Điển (Từ Di chủ biên, Phật Quang Văn Hóa Sự Nghiệp xuất bản, Đài-bắc, 1997)

– Quốc Ngữ Nhật Báo Từ Điển (Hà Dung chủ biên, Quốc Ngữ Nhật Báo xuất bản, Đài-bắc, 1995)

– Từ Điển Hán Việt Hiện Đại (Nguyễn Kim Thản chủ biên, nhà xuất bản Thế Giới, Việt-nam, 1996)

– Từ Hải (Thư Tân Thành chủ biên, Trung Hoa Thư Cục, phân cục Hương-cảng xuất bản, Hương-cảng, 1985)

– Từ Nguyên (Ban Biên Tập Thương Vụ Ấn Thư Quán, Thương Vụ Ấn Thư

Quán xuất bản, Hong-kong, 1994)

– Từ Vựng (Lục Sư Thành chủ biên, Văn Hóa Đồ Thư xuất bản, Đài-bắc, 1971)

7) Các ghi chú về niên đại của các nhân vật và triều đại Trung-quốc:

– Niên đại của các vị cao tăng Trung-quốc: chúng tôi căn cứ vào bộ Phật Quang Đại Từ Điển.

– Niên đại của các nhân vật khác và các triều đại Trung-quốc: chúng tôi căn cứ vào bộ Từ Nguyên.

Chúng tôi cố gắng làm việc trong khả năng hạn hẹp của mình, kính xin chư tôn đức, chư vị cao minh và đại chúng bổ túc cho những chỗ khiếm khuyết.

Chúng con thành kính ghi ơn Hòa thượng THÍCH ĐỖNG MINH đã tin tưởng, gợi ý, giao việc, hướng dẫn, hỗ trợ tinh thần và giám sát, để chúng con thực hiện Phật sự này.

Chúng con thành kính ghi ơn Hòa thượng THÍCH TỊNH HẠNH đã hỗ trợ tinh thần, cung cấp các tư liệu cần thiết, quí giá, để chúng con thực hiện Phật sự này.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát

Hạnh Cơ – Tịnh Kiên cẩn bạch
Miền Tây Gia-nã-đại,
sau ngày Tự-tứ năm 2002 (PL. 2546)

PHÀM LỆ
(lời tác giả)

1. Sách này dành cho quí vị giáo thọ dạy Phật pháp sơ cấp sử dụng. Kẻ sơ học, nếu có chí nghiên cầu Phật pháp, cũng có thể dùng nó để tự sửa mình. Nó đi từng bước từ cạn đến sâu. Nếu gặp những thuật ngữ hay những chữ khó hiểu thì có thêm phần chú thích, nhằm thích ứng với tông chỉ hiện đại hóa Phật học.

2. Để tiện cho việc học tập và trắc nghiệm, sau mỗi bài học đều có phần bài tập, gồm tối thiểu là 5 câu hỏi, tối đa không quá 10 câu, liên quan đến những điều trọng yếu nhất trong bài học. Cho nên, những ý nghĩa chứa đựng trong phần bài tập, đó chính là tinh hoa của bài học. Người học chỉ cần trả lời đúng các câu hỏi trong phần này, tức là chứng tỏ mình đã nắm vững bài học.

3. Phật pháp sâu xa, nhiều danh tướng, nhất là kẻ sơ học, trông thấy thế có thể thối chí. Sách này đã sưu tầm trong các bộ từ điển Phật học, làm riêng một mục chú thích, giúp người học xem qua liền hiểu rõ ràng, mà lại khỏi phải mất công tra cứu từ điển; thật là chỉ bỏ ít công sức mà thu được nhiều kết quả.

4. Tài liệu trong các bài học đều có căn cứ, hoàn toàn không do ức đoán hay bịa đặt, để khỏi có chỗ không đúng lí, gây hại cho người sau.

5. Trong thời gian dạy hàm thụ mấy năm qua, mỗi tháng đều in ra ba bài học. Các học viên có điều gì thắc mắc thì viết thư đến hỏi; rồi nhắm đúng vào những điều thắc mắc ấy mà viết thư trả lời. Trong đó không thiếu gì những điều có giá trị tham khảo, hoặc cần nêu rõ công khai, thì sau mỗi ba bài học đều có phần phụ lục, gọi là “Tổng Hợp Yếu Chỉ”, để bổ khuyết những điều mà bài học chưa trình bày đủ. Sách này, khi còn là những bản in lẻ tẻ từng bài, cũng vẫn được bảo tồn, nhằm lưu giữ cái diện mục lúc ban đầu.

6. Khi biên soạn bộ sách này, các giáo nghĩa cơ bản và thứ tự của chúng, rất được chú trọng. Các giáo lí về Ba Ngôi Báu, bốn hàng thánh, sáu đường, bốn sự thật, mười hai nhân duyên, sáu pháp qua bờ, mười địa, giới luật, mười điều lành, năm uẩn, đại thiên thế giới, ba tai nạn, năm trược, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, v.v… đều là những vấn đề mà người mới bước vào cửa Phật cần phải hiểu rõ. Người học có được sách này, nếu chú tâm học hỏi, thì đối với sự xây dựng cho mình một cơ sở Phật pháp, cũng được phần nào bổ ích.

7. Sách vở thuộc Đại Tạng Kinh quá nhiều. Giả sử có được đầy đủ thời gian và tinh thần để đọc, nhưng nếu không am tường danh từ cũng như những điều thường thức phổ thông trong nhà Phật, thì vẫn mù mờ, khó hiểu thấu đáo. Nếu trước tiên đọc qua sách này, thì khi đọc đến Đại Tạng, sẽ không bị trở ngại gì.

8. Bộ sách này nguyên gồm hơn một trăm bài học, từ cạn đến sâu, tạm chia làm ba quyển: Sơ Cấp, Trung Cấp và Cao Cấp. Nay xuất bản Quyển Một (Sơ Cấp) trước, đợi sau này, sau khi viết xong trọn vẹn hai quyển Trung và Cao Cấp, sẽ in tiếp những bài lẻ tẻ, làm thành toàn bộ sách. Vậy thì, quyển Sơ Cấp này cũng có thể gọi được là “tiền đạo” của hai quyển Trung và Cao Cấp vậy.

9. Cách thức và kĩ thuật biên soạn bộ sách này thì hết sức cố gắng hiện đại hóa, để cho cái căn bản của Phật pháp không bị sai lệch, mà lại phù hợp với trào lưu của thời đại, giúp cho người học có thể tiếp nhận và thông hiểu một cách dễ dàng. Về văn tự, tuy có dùng ngữ thể, nhưng cũng mang hơi hướng văn ngôn, để khỏi xa cách kinh luận; cũng hàm ý rằng, trên thì thừa tiếp những gì của cổ xưa, dưới thì thông thuận cùng thế tục. Xin quí vị độc giả hiểu cho nỗi khổ tâm ấy.

10. Trước thuật vốn không phải là việc dễ; huống chi Phật pháp mênh mông như biển mù sương, nếu muốn ghi chép ra hết để mà cải biên, thì tới một ngàn bài vẫn không thể hết được. Một trăm bài nhỏ nhoi này thì làm sao trình bày tận cùng nội dung Phật pháp! Vậy, ở đây chẳng qua chỉ là nêu lên một phần nào cái nội dung ấy mà thôi. Còn như biên khảo cho thật đến chỗ sâu xa, tất xin đợi sự nỗ lực kế tục của quí vị học giả.