GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 24
LUÂN HỒI SÁU NẺO (phần 2)

 Địa-ngục là chốn đau khổ nhất trong sáu đường. Vị trí của nó ở trong cõi đất, cho nên gọi là “Địa-ngục”. Địa-ngục được chia làm ba loại: 1) Địa-ngục căn-bản: có tám ngục nóng và tám ngục lạnh khác nhau1, cả thảy là mười sáu địa ngục lớn. 2) Địa-ngục cận-biên: tức ở bốn cửa của tám địa ngục nóng đều có mười sáu địa ngục “du-tăng”2. 3) Địa-ngục cô-độc: ở trong núi, ngoài đồng trống, dưới gốc cây, bên mé nước, chỗ nơi không nhất định, vì mỗi người đều do nghiệp riêng chiêu cảm, cho nên mạng sống và quả báo đau khổ cũng không giống nhau. Nếu luận về sự chịu khổ thì Địa-ngục căn-bản là khổ nhất, thứ đến là cận-biên, và ít khổ hơn hết là cô-độc; đó đều là do sự tạo tội sai khác nhau mà chiêu cảm nên.

Trong sáu nẻo, trừ Trời, A-tu-la, Ngạ-quỉ, Địa- ngục, ngoài ra còn có hai nẻo Người và Súc-sinh, mà chúng ta tiếp xúc cả ngày, cứ mở mắt ra là thấy ngay, ở đây không cần phải nói nữa. Cũng đồng là người, nhưng người chết yểu kẻ sống lâu, người khổ sở kẻ sung sướng, người nghèo kẻ giàu, người đẹp kẻ xấu, người sáng suốt kẻ ngu si, v.v… đều không đồng nhau, đó là do nghiệp nhân khác nhau mà chiêu cảm quả báo khác nhau3. Đồng là súc sinh, cũng lại như vậy. Trong các loài súc sinh, đại để thì loài ở dưới nước là nghiệp nặng hơn hết, thứ đến là loài thú, và nghiệp nhẹ nhất là loài chim. Tất cả cũng đều do hai chi vô minh và hành trong mười hai nhân duyên mà sinh thành quả báo.

Trời là do tâm tạo nghiệp phước hữu lậu chiêu cảm, thuộc phạm vi mười điều lành ở mức độ cao. Người(1) là do tâm giữ cương thường(2) và năm giới chiêu cảm, thuộc phạm vi mười điều lành ở mức độ vừa. A-tu-la(3) là do tâm bố thí nhưng ganh ghét kiêu mạn chiêu cảm, thuộc phạm vi mười điều lành ở mức độ thấp. Địa-ngục(4) là do tâm nghịch ác, hủy báng chánh pháp chiêu cảm, thuộc phạm vi mười điều ác ở mức độ nặng nhất. Ác-quỉ(5) là do tâm cố chấp, ôm giữ, keo kiệt, tham lam chiêu cảm, thuộc phạm vi mười điều ác ở mức độ trung bình. Súc-sinh(6) là do tâm tham dục, ngu si chiêu cảm, thuộc phạm vi mười điều ác ở mức độ nhẹ nhất. Tất cả các loài hữu tình trong thế gian, mỗi khi khởi lên một ý niệm là chắc chắn rơi vào một nẻo. Gieo nhân ở ngày nay thì chuốc lấy quả báo ở ngày mai. Nhà Nho cẩn thận ở ý tứ, nhà Phật cẩn thận ở dấy niệm, cũng là vì duyên cớ ấy.

Loài Súc-sinh thường ở những nơi bị giết hoặc chính chúng ăn thịt lẫn nhau, cho nên gọi là “đường máu”. Loài Ngạ-quỉ thường ở những nơi đói khát hoặc bị dao kiếm bức bách, cho nên gọi là “đường dao”. Cảnh Địa-ngục thường ở những nơi lạnh lẽo hoặc lửa mạnh thiêu nấu, cho nên gọi là “đường lửa”. Bởi vậy, ba nẻo dữ cũng gọi là “ba đường”(7).

Nếu luận về sự tu hành, loài Trời thì đắm say khoái lạc, loài A-tu-la thì phước báo giống Trời nhưng tâm sân hận quá nặng, đều không thể tu hành. Các loài ở ba đường dữ thì hoặc là quá ngu si, hoặc là thường trực chịu khổ, cũng không thể tu hành. Duy chỉ có loài Người, vừa có khổ đau nhưng cũng vừa có an vui, trí tuệ lại tương đối cao, nên rất thích hợp cho sự tu hành. Chư Phật và Bồ-tát cứu độ chúng sinh, đại bộ phận đều lấy loài người làm đối tượng. Làm người mà không tu tập thì quả thật là đáng tiếc!

 

CHÚ THÍCH

1. Tám địa ngục nóng là: Đẳng-hoạt (đều sống), Hắc-thằng (dây đen), Chúng-hiệp (hợp nhau lại), Khiếu-hoán (kêu la), Đại-khiếu-hoán (kêu la lớn), Viêm-nhiệt (nóng đốt), Chúng-nhiệt (rất nóng), Vôgián (không ngừng). Tám địa ngục nóng này chồng chất nhau ở dưới đất cõi Diêm-phù, sâu năm trăm do tuần. – Tám địa ngục lạnh là: Át-phù-đà (nổi ốc), Ni-lại-phù-đà (bể ốc), A-tra-tra (tiếng rên la), A-ba-ba (tiếng rên la), Ẩu-hầu-hầu (tiếng rên la), Uất-ba-la (hoa sen xanh), Ba-đầu-ma (hoa sen hồng), Phân-đàlị (sen hồng lớn). Tám địa ngục này ở dưới đáy núi Thiết-vi.

2. Tám địa ngục nóng, ở bốn cửa của mỗi ngục đều có mười sáu ngục phụ – gọi là “du tăng”, ý nói, khi tội nhân đi đến đó thì sự đau khổ càng gia tăng. Tội nhân khi đã chịu tội ở tám địa ngục nóng, lại phải trải qua mười sáu ngục du tăng (có tên: Cân-phủ, Sài-lang, Kiếm-thọ, Hàn-băng, Hắc-sa, Phí-thỉ, Thiếtđinh, Tiêu-khát, Cơ-ngạ, Đồng-hoạch, Đa-hoạch, Thạch-ma, Nùng-huyết, Lượng-hỏa, Khôi-hà, Thiếthoàn), tuần tự chịu đau khổ.

3. Tất cả chúng sinh, do nghiệp quá khứ mà cảm nhận tâm thân, gọi là “chánh báo”; tất cả đất đai, sự vật mà tâm thân ấy nương tựa, gọi là “y báo”.

 

PHỤ CHÚ

1. Người: Người (nhân, hay nhân loại) là một trong sáu loài hữu tình nằm trong ba cõi. Nơi loài người ở được gọi là “nhân gian”, “nhân thú”, “nhân đạo”, hay “thế gian”, là một trong sáu nẻo luân hồi. “Nhân gian” là tiếng dịch từ Phạn ngữ “manusya”, lấy từ ngữ căn “manas” (mạt-na), dịch nghĩa là “tư lương”, hàm ý rằng, con người là loại hữu tình biết suy nghĩ, phân biệt, xét đoán. Trong nguyên ngữ Ấnđộ cũng như Hoa ngữ, từ “nhân gian” hay “nhân loại” bao giờ cũng biểu thị số nhiều, có ý nói rằng, muốn được coi là con người chân chính thì người này phải tiếp xúc với người khác, phải biết mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Ý nghĩa đó cũng tức là cơ sở của tinh thần Bồ-tát trong đạo Phật. Theo vũ trụ quan Phật giáo, loài người không phải chỉ có ở Trái Đất này, mà ớ khắp Bốn Châu Lớn chung quanh núi Tu-di, gồm có châu Thắng-thân (thân hình thù thắng) ở phía Đông; châu Ngưu-hóa (dùng trâu để trao đổi vật dụng) ở phía Tây; châu Câu-lô (nơi sung sướng nhất trong bốn châu) ở phía Bắc; và châu Diêmphù (nơi có cây bồ-đào) ở phía Nam. Trái đất của chúng ta đang ở đây chỉ là một phần rất nhỏ thuộc châu Diêm-phù. Bốn châu lớn ở chung quanh một ngọn núi Tu-di, đó mới chỉ là một “thế giới”; một ngàn thế giới như vậy mới là một “tiểu thiên thế giới”; rồi cứ tính dần lên đến một “tam thiên đại thiên thế giới”; rồi mười, một vạn, một triệu “tam thiên đại thiên thế giới”; đến vô lượng “tam thiên đại thiên thế giới”…, thì số “nhân loại” nhiều biết bao nhiêu mà kể! Con người sinh ra đời, tất cả dung mạo, thọ yểu, tư tưởng, hành vi, giàu nghèo v.v…, đều là quả báo do nghiệp nhân đã gây ra từ nhiều đời trước; bởi vậy, không ai giống ai cả.

2. Cương thường: tức “tam cương” và “ngũ thường”, là nền tảng luân lí của Nho giáo trong đạo làm người. “Tam cương” là ba giềng mối trong xã hội, gồm có: – Vua tôi (quân thần): vua là giềng mối của bề tôi; – cha con (phụ tử): cha là giềng mối của con; – chồng vợ (phu phụ): chồng là giềng mối của vợ. Theo đạo lí này, bề tôi phải tuyệt đối trung thành và phục tùng vua; dù vua bảo chết cũng phải chết theo lệnh vua, không được kháng cự, không được phân biện phải trái. Con phải tuyệt đối trung thành và phục tùng cha; cha xử chết là con phải chết, không được kháng cự, không được phân biện phải trái. Vợ phải tuyệt đối trung thành và phục tùng chồng; cũng giống như trên. Đạo lí này do một vị Hán Nho là Đổng Trọng Thư (179-104 tr. TL) đề xướng. Vì xét thấy có lợi cho chế độ phong kiến, cho nên nó dần dần trở thành một thứ giáo điều của giai cấp phong kiến. Bởi vậy, trải qua các triều đại vua chúa, đã có vô số vị trung thần, hiếu tử và hiền phụ phải chết oan ức vì thứ giáo điều này. “Ngũ thường” là năm đạo (đức tính) thường (luôn luôn phải có) của con người khi cư xử với nhau: Nhân (có lòng thương người); nghĩa (ăn ở phải đạo, có lòng hào hiệp); lễ (biết kính trên nhường dưới, biết điều trọng điều khinh); trí (sáng suốt, biết phương kế đúng, mưu lược giỏi); tín (đáng tin cậy, không dối gạt).

3. A-tu-la: A-tu-la, hay A-tô-la, hoặc A-tu-luân, là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ “Asura”; dịch ra Hán ngữ là “phi-thiên”, “bất-tửu”, “bất-đoan-chánh”, v.v… A-tu-la nguyên là một trong các loại quỉ thần của Ấn-độ thời tối cổ, hay chiến đấu, cho nên thường được coi là một loại ác thần. Trong Phật giáo, Atu-la là một trong sáu loài hữu tình thuộc trong ba cõi. Thế giới của loài A-tu-la được gọi là “A-tu-la đạo” hay “A-tu-la thú”, là một trong sáu nẻo luân hồi. Phước báo của loài A-tu-la thù thắng hơn loài Người, nhưng không bằng loài Trời. Tùy theo nghiệp lực dẫn dắt mà A-tu-la thọ sinh bằng bốn cách: 1. Nếu loài Quỉ mà có tâm hộ pháp, sẽ có chút ít thần thông, nương vào đó mà đi vào không trung. Đó là loại A-tu-la từ trứng mà sinh ra (gọi là “noãn sinh”), thuộc về Quỉ đạo. 2. Nếu loài Trời mà thất đức bị đọa, thì sẽ sinh vào những nơi gần mặt trời mặt trăng. Đó là loại A-tu-la sinh ra từ bào thai (gọi là “thai sinh”), thuộc về Nhân đạo. Loại A-tu-la kém cỏi nhất thường ở nơi các hố nước, buổi sáng ở trên hư không, tối về ngủ dưới nước. Đó là loại A-tu-la sinh ra từ nơi ẩm thấp (gọi là “thấp sinh”), thuộc về Súcsinh đạo. 4. Có loại A-tu-la gìn giữ thế giới, thế lực rất lớn, không sợ sệt ai, thường tranh quyền với các trời Phạm Vương, Đế Thích, hay Tứ Vương. Loại A-tu-la này nhân biến hóa mà có (gọi là “hóa sinh”), thuộc về Thiên đạo. Ba nghiệp nhân chính để thọ sinh vào loài A-tu-la là sân hận, kiêu mạn và nghi hoặc.

4. Địa-ngục: Đó là tiếng dịch ý từ Phạn ngữ “Niraya”, có nghĩa là “bất lạc” (chỉ có đau khổ, không có gì vui). Đia-ngục (hay Địa-ngục đạo, Địa-ngục thú) là một trong sáu nẻo luân hồi. Nói đến “ngục” là nói đến những hoàn cảnh đau khổ, bị giam cầm, bị hình phạt. Chữ “địa” nghĩa là đất, nhưng ở đây nó còn có nghĩa là những nơi u ám, tối tăm. Vậy, “Địa-ngục” là những cảnh giới tối tăm, sự sống chỉ là những nỗi đau khổ triền miên, không có ánh sáng của chánh pháp, không có đạo lí, không có hạnh phúc hay bất cứ niềm vui nào. Trong ý nghĩa đó, các cảnh giới Địa-ngục có thể ở dưới đất, trên mặt đất, nơi kẹt núi, ven sông, rừng thẳm, dưới vực, cả trên không trung… Trong các kinh điển (như kinh Địa Tạng chẳng hạn) thường mô tả thế giới Địa-ngục ở trong núi Thiết-vi, với những ngục sở đầy những hình phạt ghê rợn; những bức họa về các cảnh tượng người bị hành hình trong các chốn địa ngục, khởi thỉ từ Ấnđộ, sau đó truyền sang các nước phía Đông như Trung-quốc, Việt-nam, Nhật-bản v.v…, tất cả đều nhằm răn đe những người làm ác và khuyến khích con người hướng thiện. Rất nhiều người, nhờ đọc kinh, hoặc trông thấy các bức họa ấy mà bỏ hẳn các nghiệp ác (nhất là nghiệp sát sinh), trở nên những người tốt, giúp đỡ mọi người, ai cũng quí mến. Tóm lại, ở đâu có đau khổ là ở đó có Địa-ngục. Một gia đình đau khổ, đó là một gia đình địa ngục; một đoàn thể đau khổ, đó là một đoàn thể địa ngục; một quốc gia đầy đau khổ, đó là một quốc gia địa ngục… Và “địa ngục” là loại quả báo đau khổ nặng nề nhất do các nghiệp nhân xấu ác trầm trọng nhất.

5. Ngạ-quỉ: Đó là tiếng dịch ý từ Phạn ngữ “Preta”, chỉ cho hoàn cảnh đau khổ đặc biệt do sự đói khát. Ngạ-quỉ (hay Ngạ-quỉ đạo, Ngạ-quỉ thú) là một trong sáu nẻo luân hồi. Lòng tham dục, bỏn sẻn, keo kiệt, ganh ghét, là nghiệp nhân chính của quả báo ngạ quỉ. Kinh điển nói rằng, thế giới của ngạ quỉ thường có ở hai nơi: trong nhân gian và dưới đáy châu Diêm-phù-đề. Loài ngạ quỉ thường bị ba sự chướng ngại về việc ăn uống: 1. Ngạ quỉ thường bị đói khát nên da, thịt, miệng, máu đều khô khốc; đi các xứ kiếm miếng ăn thức uống, nhưng hễ thấy suối ao thì nước đều biến thành máu tanh, không thể uống được. 2. Loài ngạ quỉ, bụng thì rất to lớn, nhưng cổ họng thì nhỏ như cây kim, thấy miếng ăn thức uống thì rất thèm thuồng, nhưng không thể ăn uống được. 3. Loài ngạ quỉ, dù có miếng ăn thức uống trước mặt, nhưng vì do nghiệp lực chiêu cảm, các thức ăn uống ấy đều biến thành lửa, cho nên không thể nào ăn uống được. Với cái nhìn thực tế, cũng giống như địa ngục, các cảnh giới ngạ quỉ cũng hiện hữu nhan nhản khắp nơi trong thế giới loài người.

6. Súc-sinh: là tiếng dịch ý từ Phạn ngữ “Tiryanc”. Súc-sinh (hay Bàng-sinh) là một trong sáu nẻo luân hồi, chỉ cho tất cả các loài động vật như thú rừng, gia súc, chim muông, rắn rít, cá tôm, côn trùng v.v… Từ “súc sinh” nguyên được dùng để chỉ cho các loài vật được người ta nuôi trong nhà, chủ yếu là gia súc (trâu, bò, ngựa, chó, dê v.v…) và gia cầm (chim, gà, ngỗng, v.v…). Vì vậy, các nhà tân dịch đã dùng từ “bàng sinh” để dịch Phạn ngữ “tiryanc”, dùng chỉ tổng quát cho tất cả các loài động vật. “Bàng sinh” nghĩa là các sinh vật đi mình ngang (khác với loài người là đi mình thẳng đứng). Tuy nhiên, vì thói quen lâu đời, từ “súc sinh” vẫn được dùng nhiều, và thịnh hành cho tới ngày nay. Một cách tổng quát, súc sinh có thể chia làm ba loại: loại bay trên không, loại đi dưới đất, và loại bơi lội trong nước. Hoặc bốn loại: loại sinh ra từ bào thai (thai sinh); loại sinh ra từ trứng (noãn sinh); loại sinh ra từ nơi ẩm thấp (thấp sinh); loại sinh ra từ sự biến hóa từ hình thức này sang hình thức khác. Hoặc chia chi tiết hơn: loại nhiều chân; loài bốn chân; loại hai chân; loại không có chân; loại có lông; loại có sừng; loại có vảy; loại da trơn; loại có mai; loại có vỏ; loại bò sát; v.v… Có loại sinh hoạt ban ngày; có loại sinh hoạt ban đêm; có loại sinh hoạt cả ban ngày lẫn ban đêm. Đặc tính của các loài súc sinh là không có trí sáng suốt và hay giết hại, ăn thịt lẫn nhau; các loài yếu kém luôn luôn bị các loài mạnh bạo, hung dữ ăn thịt. Các loài gia súc thì thường bị con người đánh đập, hành hạ và ăn thịt. Các loài thú rừng, tôm cá v.v… còn bị con người giết hại để ăn thịt, hoặc lấy lông, da, sừng v.v… để làm các thứ vật dụng. Đó là những nỗi thống khổ cùng cực của thế giới Súc-sinh.

7. Ba đường (tam đồ): Chữ “đồ” nguyên có nghĩa là dơ nhớp, lầm than. Bởi vậy, “ba đường” (tam đồ) cũng tức là “ba đường dữ” (tam ác đạo, tam ác thú), là thuật ngữ Phật học, đặc biệt dùng để chỉ cho ba cảnh giới Địa-ngục, Ngạ-quỉ và Súc-sinh. Đường Địa-ngục (Địa-ngục đạo) gọi là đường Lửa (hỏa đồ), tương đương với tâm sân hận (một trong ba thứ phiền não căn bản được gọi là “tam độc”). Những chúng sinh không có tâm từ bi, thường ôm lòng sân hận, sẽ sinh vào các cảnh giới Địa-ngục, phải chịu các hình cụ nóng bức như chảo dầu sôi, nước đồng sôi, roi sắt nướng đỏ, giường lửa, chó lửa v.v… Đường Ngạquỉ (Ngạ-quỉ đạo) gọi là đường Dao (đao đồ), tương đương với tâm xan tham (một trong “ba độc”). Những chúng sinh không có tâm bố thí giúp đỡ, thường ôm lòng tham lam keo kiệt, sẽ sinh vào cảnh giới Ngạ-quỉ, thường bị dao gậy đuổi đánh. Đường Súc-sinh (Súc-sinh đạo) gọi là đường Máu (huyết đồ), tương đương với tâm ngu si (một trong “ba độc”). Những chúng sinh tâm niệm ngu si, không có trí sáng suốt, không rõ đạo lí, sẽ sinh vào cảnh giới Súc-sinh, các loài tàn hại, uống máu ăn thịt lẫn nhau.

 

BÀI TẬP

 

1) Địa-ngục có ba loại, hãy nêu tên ba loại ấy.

Có ba loại Địa-ngục: Địa-ngục căn-bản; Địa-ngục cận-biên; và Địa-ngục côđộc.

2) Trong ba loài thú, chim và thủy tộc, nghiệp báo của loài nào nặng nhất, loài nào nhẹ nhất?

Trong ba loài thú, chim và thủy tộc, nghiệp báo của loài thủy tộc là nặng nhất; nghiệp báo của loài chim là nhẹ nhất.

3) Hãy nói rõ ràng: trong sáu đường, đường nào được chiêu cảm do mười điều lành ở mức độ cao, mười điều lành ở mức độ vừa, mười điều lành ở mức độ thấp; mười điều ác ở mức độ cao, mười điều ác ở mức độ vừa, mười điều ác ở mức độ thấp?

Trong sáu đường, đường Trời được chiêu cảm do mười điều lành ở mức độ cao; đường Người được chiêu cảm do mười điều lành ở mức độ vừa; đường A-tu-la được chiêu cảm do mười điều lành ở mức độ thấp; đường Địa-ngục được chiêu cảm do mười điều ác ở mức độ nặng; đường Ngạ-quỉ được chiêu cảm do mười điều ác ở mức độ vừa; đường Súc-sinh được chiêu cảm do mười điều ác ở mức độ nhẹ.

4) Tại sao gọi là “tam đồ”?

Ba đường dữ (tam ác đạo), tức Địa-ngục, Ngạ-quỉ và Súc-sinh, là ba cảnh giới đau khổ cùng cực, do đã tạo mười nghiệp nhân xấu ác mà chiêu cảm nên. Bởi vậy, chúng cũng còn được gọi là “tam đồ”; ý nói rằng, chúng sinh ở những cảnh giới này luôn luôn phải chịu muôn vàn thống khổ, như lửa mạnh thiêu đốt (hỏa đồ – Địa-ngục), đói khát và dao trượng bức bách (đao đồ – Ngạ-quỉ), thường bị loài người giết hại hoặc chính chúng ăn thịt lẫn nhau (huyết đồ – Súc-sinh).

5) Trong sáu đường, tại sao chỉ có loài Người là thích hợp nhất cho việc tu hành?

Nói về việc tu hành thì trong sáu loài, loài Trời ỷ vào phước báo thù thắng nhất, cứ lo đắm say khoái lạc, khó khởi tâm tu hành; loài A-tu-la, tuy phước báo có hơn loài Người, nhưng vì tâm sân hận và ganh đua quá nặng, không tu hành được; các loài trong ba đường dữ thì quá tối tăm, lại thường trực chịu khổ, cũng không thể tu hành; chỉ có loài Người, tuy có khổ đau, nhưng cũng có an vui, lại có trí tuệ, biết suy nghĩ, xét đoán, nên rất thích hợp cho việc tu hành. Bởi vậy, chư Phật ra đời, chỉ dạy vô số pháp môn tu tập, cứu độ chúng sinh đến bờ giải thoát giác ngộ, đều nhắm vào đối tượng là loài Người.

***

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 22, 23 và 24

1. Hai loài Súc-sinh và Ngạ-quỉ, quả báo đau khổ của loài nào nặng hơn loài nào? Điều đó thật khó nói! Chiếu theo thứ tự của ba đường dữ, thì phải là: Súcsinh, Ngạ-quỉ, Địa-ngục; cho thấy, địa vị của Ngạ-quỉ thấp hơn Súc-sinh, và cao hơn Địa-ngục. Về nghiệp ác đã tạo, thì Ngạ-quỉ cũng nặng hơn Súc-sinh, và nhẹ hơn Địa-ngục. Nhưng nếu đem so sánh giữa loài quỉ đa-tài với các loài trâu, heo, cá, sâu bọ, v.v… thì tợ hồ Ngạ-quỉ sung sướng hơn Súc-sinh; nếu đem so sánh giữa loài vôi trắng của vị quốc vương, hay loài chó xù của các phụ nữ Tây-phương, với các loài quỉ châm-yết, diễm-khẩu, đại-anh, v.v… thì lại tợ hồ Súc-sinh sung sướng hơn Ngạ-quỉ. Nhưng, đó đều là lấy các loài nhẹ nghiệp nhất của cảnh giới Ngạ-quỉ mà so sánh với các loài nặng nghiệp nhất của cảnh giới Súc-sinh; hoặc lấy các loài nhẹ nghiệp nhất của cảnh giới Súc-sinh mà so sánh với các loài nặng nghiệp nhất của cảnh giới Ngạ-quỉ; chứ không phải nói đến tình trạng phổ quát chung. Mạnh Tử(1) nói: “Tự cho sự ăn uống là trọng đại, và lễ là tầm thường, rồi đem so sánh với nhau; đâu có thể cho sự ăn uống là trọng đại được! Cũng vây, tự cho nữ sắc là quan trọng, và lễ là tầm thường, rồi đem so sánh với nhau; đâu có thể cho nữ sắc là quan trọng được!”(2) Lời nói đó thật đúng với trường hợp này. Có thể nói, đó chỉ là những trường hợp đặc thù, hoàn toàn không phải là loại lập luận công bằng.

2. Đệ tử của Phật không ngoài bảy chúng. Sự phân biệt giữa bảy chúng đó, đều căn cứ vào giới luật; không có giới luật thì không có bảy chúng. Không có bảy chúng thì Phật không có đệ tử, không người thừa kế, pháp tự(3) dứt tuyệt, chánh pháp hủy diệt. Cho nên, không thọ giới là họa lớn bằng trời. Ngược lại, nếu có truyền giới và thọ giới, thì dưới tòa pháp vương có thêm con thêm cháu, khiến cho Phật pháp dài lâu không dứt. Thế mới biết, việc thọ giới là cực kì trọng yếu, không thể coi thường.

3. Khi còn tại thế, đức Phật đã từng bốc lên một nhúm đất, đối trước các đệ tử dạy rằng: “Chúng sinh được thân người, giống như đất trên năm đầu ngón tay này; chúng sinh mất thân người, giống như đất trên quả địa cầu này.” Điều đó có nghĩa: Số lượng chúng sinh trong ba đường dữ, so với số lượng loài người, nhiều gấp vạn ức lần. Cũng có thể nói: Trên cõi đời này, số lượng người ác đông gấp vạn ức lần số lượng người thiện. Sau khi chết, chúng ta có thể may mắn được là nhúm đất trên năm đầu ngón tay hay không? Điều đó thật không thể biết chắc được. Giả sử đời này không làm ác, nhưng khó bảo đảm ở nhiều đời trước chúng ta đã không làm ác! Sau khi chết, chỉ cần một chủng tử ác nghiệp của đời trước chín muồi, đủ để phát ra hiện hành, thì không thể nào không sa vào ba dường dữ! Có bài kệ rằng: “Những nghiệp nhân đã tạo, ngàn vạn kiếp vẫn còn; khi hội đủ nhân duyên, vẫn phải chịu quả báo.” Cho nên, nếu không tu Tịnh Độ, nhờ tha lực để vượt thoát ba cõi, chắc chắn là không có biện pháp nào khác. Xin chớ tự cho mình là thông minh, để đến nỗi lại bị sự thông minh làm hại.

4. Đức Phật chế ra giới luật vì để thiết lập mẫu mực chung cho tất cả những người tu hành, khiến cho họ có tiêu chuẩn để tu tập; kì thật, những người tu hành chân chính, không cần giới luật cũng có thể biết con đường nào nên đi theo, con đường nào phải xa lánh. Trong nhà Phật, người có chút ít chí tinh tấn, tự nhiên sẽ không có các sự trạng như uống rượu, đeo đồ trang sức, thoa dầu thơm vào mình, xem nghe ca múa v.v…; người có chút ít lòng từ bi, tự nhiên sẽ không sát sinh; người chỉ cần có tư cách đứng đắn một tí, sẽ không có các hành động trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ v.v… Cho nên, không cần có giới luật mà tự nhiên hoàn toàn không làm các việc ác, đó là thánh nhân; cần có giới luật rồi không dám làm các điều ác, đó là hiền nhân; tuy biết là làm ác, nhưng không đủ dũng khí để tiếp nhận giới luật, đó là kẻ bình thường; tuy tiếp nhận giới luật nhưng vẫn cứ làm ác, đó là người ngu. Trong thế gian, số người có trí và kẻ ngu si rất ít, chỉ có số người ở cỡ bình thường, gần mực thì đen, gần son thì đỏ, là rất nhiều. Bởi vậy, trong nhà Phật, số hành giả nhờ giới luật mà trở nên các bậc Ba-hiền và Mười-thánh, chiếm một địa vị cực kì trọng yếu.

5. Người thọ giới mà lại phá giới, trong tương lai sẽ chịu quả báo thật thảm khốc, sự tình còn nghiêm trọng gấp vạn lần so với người cùng tạo nghiệp ác tương tự mà chưa từng thọ giới. Như vậy, thọ giới há không phải là tự chuốc khổ cho mình ư? Đâu biết rằng, thọ giới mà cố gắng giữ gìn, không để phạm giới, thì sẽ có công đức vô lượng; so với người cùng làm việc thiện tương tự mà chưa từng thọ giới, công đức của người đó còn hơn gấp vạn lần. Ấy là vì, sự thành lập vô biểu sắc luật nghi(4) cùng với sự giữ gìn nghiêm chỉnh, là nguyên nhân tích tụ của vô lượng công đức vậy. Cho nên, nếu hành giả tự xét thấy có đủ khả năng và quyết tâm giữ giới, thì sự thọ giới vẫn là đắc sách; bởi vì, cũng đồng thời không làm ác, nhưng riêng người thọ giới sẽ có được quả phúc nhiều hơn.

6. Những việc thiện ở thế gian, như không giết hại các loài cầm thú và súc vật, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối, phóng sinh, bố thí, v.v…, đối với quốc pháp thì hoàn toàn không được tưởng thưởng, nhưng đối với quả báo, đều có được phước báo xứng đáng; thậm chí sẽ hưởng được an vui trải qua hàng ngàn vạn kiếp! Những việc ác ở thế gian, như chăn nuôi, nuôi tằm, đánh cá, săn bắn, mở quán rượu, mở kĩ viện, mở lò sát sinh, giết và nấu nướng các loài chim, gia súc, cá, ba ba, v.v…, đối với quốc pháp thì hoàn toàn không bị trừng phạt, nhưng đối với quả báo, đều phải chịu những ác báo tương xứng; thậm chí sẽ phải chịu đau khổ trải ngàn vạn kiếp! Cho nên, chỉ có quả báo là công bình và triệt để. Có quả báo, người làm lành mới không uổng công; người làm ác mới khó trốn thoát. Trong vòng quả báo đó, cứ một dao phải trả lại một dao, một mạng phải đền lại một mạng, thì những sinh vật nhỏ yếu, chết sẽ không bị oan uổng, mà có ngày sẽ được trả báo rửa hận.

7. Ngoại trừ Phật giáo, tất cả các tôn giáo hiện có ở thế gian, cho đến ngoại đạo(5), đều nhắm vào mục tiêu tối hậu là hi vọng được sinh lên trời. Điều đó được gọi là: kẻ sĩ(6) mong được làm bậc hiền; bậc hiền mong được làm bậc thánh; bậc thánh mong được làm trời. Nói đến trời, họ đều cho đó là một thực tại tối cao, vĩnh hằng, bất biến; đâu có biết rằng, trời cũng chỉ là một cảnh giới phàm phu, chưa thoát luân hồi, chưa lìa sinh tử, trong tương lai khi phước báo đã hưởng hết, vẫn phải thọ sinh tùy theo cái chủng tử nào chín muồi trước nhất. Cho nên, đệ tử nhà Phật chỉ cầu sinh về nước phật, chuẩn bị cho một tương lai từ Thanh-văn, Bồ-tát, cho đến thành Phật; nếu cũng cầu sinh lên trời thì quả là lầm đường lạc lối vậy.

8. Giới luật rốt cuộc là pháp tiểu thừa, hay đại thừa? Điều đó phải xem xét sự phát tâm, chứ không nên thẩm định một cách võ đoán. Ở những khu vực mà giáo pháp tiểu thừa thịnh hành, thì giới luật được hành trì một cách phổ biến; ở những khu vực mà giáo pháp đại thừa thịnh hành, cũng giống như vậy. Tăng già ở Trungquốc, xưa nay vẫn chú trọng đến giới luật. Có năm lí do để chứng minh giới luật không phải là sở hữu riêng của tiểu thừa, mà còn thông cả đại thừa: Thứ nhất, năm bộ Luật(7) tuy thuộc tiểu thừa, nhưng Phạm Võng giới(8) và Du Già giới(9) thì thuộc Bồ-tát giới đại thừa. Thứ nhì, đời Đường, ngài luật sư Đạo Tuyên ở núi Chung-nam đã căn cứ vào giáo pháp trung đạo “pháp tướng”(10), lấy tâm pháp(11) làm giới thể(12), thành lập “tam tụ tịnh giới”(13), đó là “đại thừa thông giới”(14). Thứ ba, Luật được liệt vào một trong tám tông phái đại thừa(15). Thứ tư, ba môn học vô lậu(16) lấy Giới làm đầu, Định và Tuệ đều được phát sinh từ Giới. Thứ năm, khi sắp nhập niết bàn, đức Thích Tôn đã dặn dò chư vị đệ tử hãy lấy Giới làm thầy, giới hạnh không bị hủy hoại mới có thể chứng đắc đạo quả vô thượng. Luật sư Đại Trí(17) phẩm bình giới luật, có nói: “Nếu chỉ áp dụng cho kẻ độn căn, giới luật sẽ cùng thông với tất cả những điều thiện ở thế gian; nếu luận về bậc thượng trí, giới luật có đầy đủ năng lực làm cơ sở cho chánh đạo.” Thật chí lí vậy.

9. Đức Phật có năng lực rất lớn, và cũng rất muốn cứu độ chúng sinh, nhưng không thể độ cho những kẻ không có duyên; đó là những người không tin Phật pháp, không muốn được cứu độ. Người không tin Phật pháp là vì vô minh quá sâu dầy, tự mình làm chướng ngại năng lực của Phật; như người bị trùm kín trong chiếc áo bông, ánh sáng mặt trời tuy tỏ rạng, cũng không có cách nào chiếu vào. Nay nếu qui y Tam Bảo, niệm danh hiệu Phật, thì cũng như lột bỏ chiếc áo bông, ánh sáng mặt trời tức khắc rọi đến.

10. Ma vương tính hung ác, sao lại được sinh ở cõi trời? Điều đó, trong kinh Lăng Nghiêm có nói: “Tâm dâm dục không dứt trừ, không thể thoát khỏi cõi trần. Dù đang có thiền định, trí tuệ, mà không đoạn tuyệt tâm dâm dục, cũng chắc chắn phải bị rơi vào đường ma; hạng cao thì làm ma vương, hạng vừa thì làm ma chúng, hạng thấp thì làm ma nữ.” Thế mới biết, ma vương đời trước cũng đã là người từng tu thiền, làm các điều thiện, cho nên có thể sinh lên cõi trời; chỉ nhân vì không đoạn trừ được tâm dâm dục, sân si chất ngất, cho nên phải rớt vào con đường ma. Nếu luận về vấn đề mạnh yếu của Phật và ma, phải lấy tâm làm chủ chốt. Vọng niệm nhiều thì ma mạnh Phật yếu; chánh niệm nhiều thì Phật mạnh ma yếu. Nhưng chung cuộc, mỗi một chúng sinh đều có thể hàng phục tánh ma mà thành Phật. Cho nên, tuy tánh ma có tung hoành trong nhất thời, cuối cùng thì tánh Phật cũng thành đạt trọn vẹn. Theo đó có thể thấy ai cao ai thấp.

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

1. Mạnh Tử (khoảng 372-289 tr. TL) tên là Kha, là một nhà đại hiền triết thời Chiến-quốc (475-221 tr. TL), Trung-quốc. Ông người đất Châu, Sơn-đông, học trò của Tử Tư (483?-402 tr. TL), có tài hùng biện, chu du khắp các nước Tề, Lương, Tống, Đằng, quyết đem hết sở học làm sáng tỏ đạo Nho. Ông kế thừa học thuyết của Khổng Tử (551-479 tr. TL), chủ trương “tánh thiện” (tánh con người vốn là thiện lương), chuyên nói đến nhân và nghĩa, đề cao các khẩu hiệu “nhân chính” (nền chính trị nhân ái), “dân vi quí, quân vi khinh” (nhân dân là quí trọng, vua chúa là tầm thường). Ông cổ võ sự tu dưỡng nội tâm, trở thành nguồn gốc cho thuyết “tâm tánh” của các nhà “lí học” đời Tống (960-1279) sau này (thường được gọi là “Tống Nho”). Đời sau tôn ông là bậc á thánh, địa vị trong đạo Nho chỉ sau đức Khổng Tử. Các học trò của ông là Vạn Chương, Công-tôn Sửu, v.v… đã kết tập các lời dạy và luận thuyết của ông, làm thành sách Mạnh Tử, gồm có bảy thiên (mỗi thiên đều chia thành 2 phần: thượng và hạ), được liệt vào một trong bốn quyển sách chính thức (Tứ Thư: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử) của Nho giáo.

2. Để hiểu rõ hơn ý tứ của lời nói này của Mạnh Tử, chúng tôi xin dịch nguyên đoạn văn liên hệ, trích từ sách Mạnh Tử (thiên “Cáo Tử – hạ”, chương 1):

Có một người nước Nhậm hỏi học trò của Mạnh Tử là Ốc Lư Tử rằng: “Ăn uống và lễ, cái nào quan trọng?”

Ốc Lư Tử đáp: “Lễ quan trọng.”

Người nước Nhậm lại hỏi: “Nữ sắc và lễ, đàng nào quan trọng?”

Ốc Lư Tử đáp: “Lễ quan trọng.”

Người nước Nhậm nói: “Nếu giữ lễ thì không được ăn uống, ắt đói mà chết; nếu không giữ lễ thì được ăn uống, vậy hà tất cứ phải giữ lễ? Lại cũng như, đích thân mình đi hỏi vợ thì không được vợ; không đích thân đi hỏi vợ thì lại được vợ, vậy hà tất cứ phải giữ lễ để đích thân đi hỏi vợ?”

Ốc Lư Tử không trả lời được, hôm sau bèn sang nước Trâu, thuật lại câu chuyện ấy với thầy là Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Trả lời vấn nạn ấy có gì là khó! Không lượng định từ gốc rễ mà chỉ lượng định ở ngọn ngành, thì khúc gỗ một tấc vuông kia cũng có thể khiến cho cao hơn tòa lầu cao. Vàng thì nặng hơn lông thật đấy, nhưng một lưỡi câu vàng lại có thể nặng hơn một xe lông ư? Tự cho sự ăn uống là trọng đại, và lễ là tầm thường; rồi đem so sánh với nhau; đâu có thể cho sự ăn uống là trọng đại được! Cũng vậy, tự cho nữ sắc là quan trọng, và lễ là tầm thường, rồi đem so sánh với nhau; đâu có thể cho nữ sắc là quan trọng được! Ngươi hãy trở về trả lời với ông ấy như thế này: <Ông hãy vặn cánh tay của anh ông để giật thức ăn, thì ông sẽ có được thức ăn, nếu không vặn cánh tay để giật thì không có thức ăn; vậy ông có định vặn cánh tay của anh ông không? Lại nữa, ông hãy leo tường vào nhà hàng xóm, bắt con gái người ta đem đi, thì ông có được vợ, không làm vậy thì không được vợ; vậy ông có định leo tường bắt con gái người ta đem đi hay không?>”

3. Pháp tự: người thừa kế tông chỉ của thầy tổ, môn phái. Sự truyền pháp của thầy tổ cho đệ tử kế thừa, gọi là “tự pháp”.

4. Vô biểu sắc luật nghi: – Luật nghi: “Luật” là giới luật; “nghi” là oai nghi. Giới luật để ngăn ngừa tội lỗi; oai nghi để chỉnh đốn hạnh kiểm. Luật nghi được giữ gìn nghiêm chỉnh thì tâm ý thanh tịnh, tướng mạo đoan nghiêm, nói năng chân chính. – Vô biểu sắc: là một loại sắc pháp, nhưng không có hình tướng, không thể trông thấy, không có tính chướng ngại như bao nhiêu sắc pháp khác. Nó do tứ đại sinh ra (nên gọi là “sắc”) và ẩn tàng trong thân thể, không biểu lộ ra ngoài (nên gọi là “vô biểu”). Khi hành giả thọ giới và giữ giới nghiêm chỉnh, trong thân thể sẽ phát sinh một loại vô biểu sắc được gọi là “giới thể”. Giới thể là một công năng tương tục hằng chuyển, có đầy đủ tính “phòng phi chỉ ác”, làm cho tâm ý thanh tịnh, tướng mạo đoan nghiêm và nói năng chân chính; cho nên, giới thể cũng chính là “luật nghi”, và luật nghi là một loại “vô biểu sắc”. Nếu một người không thọ giới, không giữ giới, họ sẽ sinh tâm ác và làm những việc ác một cách tự nhiên; vì trong thân thể họ cũng phát sinh một loại vô biểu sắc, được gọi là “bất luật nghi” (hay “ác luật nghi”), có tác dụng ngăn chận các điều thiện.

5. Ngoại đạo: Tất cả các tôn giáo khác với tôn giáo của mình đều được gọi là “ngoại đạo”: Phật giáo gọi Thiên-chúa giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, v.v… là ngoại đạo. Vậy, ở đây, tác giả đã nói “Ngoài Phật giáo, tất cả các tôn giáo hiện có ở thế gian, cho đến ngoại đạo…”, thì từ “ngoại đạo” này tác giả dùng để ám chỉ ai? Nên lưu ý, trong Phật giáo, từ “ngoại đạo” còn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là “ngoài tâm cầu đạo”. Những người “ngoài tâm cầu đạo” là những người đệ tử Phật nhưng không có lòng tin sâu sắc nơi Tam Bảo, không tự mình tu dưỡng để phát huy trí tuệ, đạt đến giác ngộ giải thoát; mà chỉ biết lợi dụng Tam Bảo, lợi dụng hoàn cảnh đau khổ của người đời, làm những điều mê tín, tệ hại, coi Phật sự như một nghề mưu sinh, cốt cầu lợi dưỡng cho bản thân.

6. Kẻ sĩ: “Sĩ” là học trò. Từ “kẻ sĩ” được dùng để chỉ cho người trí thức theo quan niệm của Nho giáo.

7. Năm bộ Luật: Trong kì kết tập kinh điển lần đầu tiên sau ngày Phật nhâp diệt, tôn giả Ưu Ba Li đã lãnh trọng trách kết tập phần Giới Luật, và hình thành bộ Bát Thập Tụng Luật. Bộ Luật nguyên thỉ này được truyền tới Tổ thứ năm là tôn giả Ưu Ba Cúc Đa (từ Sơ Tổ là tôn giả Ma Ha Ca Diếp). Năm vị đệ tử của tôn giả Ưu Ba Cúc Đa bèn đem bộ Luật này, tùy theo chỗ sở đắc của mình, mỗi vị lập thành một bộ Luật khác nhau, gọi chung là “ngũ bộ Luật” (đều thuộc về tiểu thừa), truyền cho hậu thế; gồm có: 1) Bộ Đàm Vô Đức, cũng gọi là “Pháp Tạng Bộ”, về quảng luật (tức là nội dung tường tận, đầy đủ của giới luật, như trường hợp phạm lỗi, nguyên nhân chế giới, v.v…) thì có bộ Tứ Phần Luật; về giới bản (sách ghi các điều luật phải hành trì) có Tứ Phần Tăng Giới Bản, Tứ Phần Luật Tì Kheo Giới Bản, Tứ Phần Tì Kheo Ni Giới Bản; 2) Bộ Tát Bà Đa, cũng gọi là “Hữu Bộ”, về quảng luật có Thập Tụng Luật; về giới bản có Thập Tụng Tì Kheo Ba La Đề Mộc Xoa Giới Bản, Thập Tụng Tì Kheo Ni Ba La Đề Mộc Xoa Giới Bản, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Giới Kinh, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bật Sô Ni Giới Kinh; 3) Bộ Di Sa Tắc, cũng gọi là “Hóa Địa Bộ”, về quảng luật có Ngũ Phần Luật; về giới bản có Di Sa Tắc Ngũ Phần Giới Bản, Ngũ Phần Tì Kheo Ni Giới Bản; 4) Bộ Ca Diếp Di, cũng gọi là “Ẩm Quang Bộ”, về quảng luật có Giải Thoát Luật; về giới bản có Giải Thoát Giới Kinh; 5) Bộ Ma Ha Tăng Kì, cũng gọi là “Đại Chúng Bộ”, về quảng luật có Ma Ha Tăng Kì Luật; về giới bản có Ma Ha Tăng Kì Luật Đại Tì Kheo Giới Bản, Ma Ha Tăng Kì Tì Kheo Ni Giới Bản.

8. Phạm Võng giới: tức giới luật của hàng Bồ-tát, được ghi chép trong kinh Phạm Võng, gồm có 10 giới trọng và 48 giới khinh, cả hai chúng xuất gia và tại gia đều có thể thọ trì.

9. Du Già giới: Cùng với Phạm Võng giới, Du Già giới cũng là giới luật của hàng Bồ-tát, nhưng được ghi chép trong bộ luận Du Già Sư Địa, lấy tam tụ tịnh giới (xin xem chú thích số 15 ở sau) làm cơ sở. Giới này cũng thông hành cho cả hai chúng xuất gia và tại gia, nhưng trước hết phải thọ trì giới luật tiểu thừa (tùy theo chúng mà thọ năm giới, mười giới, v.v…), sau một thời gian dài không phạm giới, mới được thọ Du Già giới.

10. Giáo pháp trung đạo pháp tướng: “Pháp tướng” là tướng trạng của các pháp. Tông phái nói rõ về tướng trạng của vạn pháp gọi là Pháp Tướng tông. Tông Hoa Nghiêm chia toàn bộ giáo pháp của Phật ra làm năm loại (gọi là “ngũ giáo”): Tiểu thừa giáo (các kinh điển phù hợp căn cơ hàng tiểu thừa); Đại thừa thỉ giáo (bước đầu của đại thừa, đề cập nhiều về pháp tướng); Đại thừa chung giáo (chuyên đề cập về pháp tánh); Đại thừa đốn giáo (không lập ngôn thuyết, chỉ thẳng chân tánh); và Nhất thừa viên giáo (giáo lí viên dung như “tương tức tương nhập”, “nhất tức nhất thiết”, v.v…). Trong năm loại giáo pháp đó, loại thứ hai, Đại thừa thỉ giáo, cũng gọi là Đại thừa pháp tướng giáo, thuyết minh vạn pháp vừa có phần chủ thể mà vừa có phần hiện tượng; vạn pháp là duyên sinh, là a-lại-da duyên khởi; chủ trương tu duy thức quán, lục độ và tứ nhiếp pháp; đoạn phiền não và sở tri chướng; chứng ngã không, pháp không, v.v… Vị trí của loại giáo pháp này được coi như đứng ở ngưỡng cửa bước vào đại thừa, tức ở giữa tiểu thừa và đại thừa, cho nên gọi là “giáo pháp trung đạo pháp tướng”.

11. Tâm pháp: tức là các pháp thuộc về TÂM. Vạn pháp trong vũ trụ được chia làm 5 nhóm, nói theo thuật ngữ Duy Thức Học là: tâm pháp (tâm ý), tâm sở hữu pháp (thuộc tính của tâm, tức các hiện tượng tâm lí), sắc pháp (vật chất), tâm bất tương ưng hành pháp (không thuộc tâm và sắc pháp), và vô vi pháp (không do duyên sinh, không có sinh diệt). Tâm pháp cũng gọi là “tâm vương”. Vạn pháp trong 5 nhóm trên được bộ luận Câu Xá (tiểu thừa) chia ra làm 75 loại, trong đó, tâm pháp chỉ gồm có 1 pháp, tức là ý thức tâm vương; trong khi đó, luận Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn thì chia ra làm 100 loại, trong đó, tâm pháp (tức tâm vương) gồm có 8 pháp, tức 8 thức (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, mạt-na, và a-lại-da). Nếu phân loại vạn pháp một cách tổng quát thì có hai nhóm đối lập nhau: tâm pháp và sắc pháp; trong trường hợp này, tâm vương và tâm sở đều thuộc về tâm pháp.

12. Giới thể: thể tánh của giới. Sau khi thọ giới, trong tự thân hành giả phát sinh công năng “phòng phi chỉ ác”, cùng ý chí “hành trì giới pháp”. Công năng đó, ý chí đó tức là “giới thể”, nó tiềm tàng trong tự thân, hằng thường tương tục, không biểu lộ ra ngoài, là một thứ “vô biểu sắc”. Giới thể này thuộc về tâm pháp hay sắc pháp? Có ba thuyết khác nhau đề cập đến vấn đề này: 1) Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cho rằng: Giới thể do tứ đại sinh ra, cho nên thuộc về sắc uẩn, tức là sắc pháp; vì không biểu lộ ra ngoài nên nó là một thứ “vô biểu sắc”. 2) Kinh Lượng Bộ và Duy Thức tông chủ trương rằng: Khi thọ giới thì tâm sở “tư” có phát động. Do chủng tử của tâm sở này hằng thường tương tục, nên phát sinh công năng “phòng phi chỉ ác”. Vì vậy, giới thể tuy phát sinh khi thọ giới, nhưng sự thật nó là tâm pháp. 3) Luận Thành Thật chủ trương: Giới thể không có hình chất, cho nên là “phi sắc”; lại không có suy nghĩ, cho nên là “phi tâm”; – có nghĩa: giới thể là “phi sắc phi tâm”. Phật Quang Đại Từ Điển nói rằng, ngài Đạo Tuyên luật sư cũng chủ trương giới thể là phi sắc phi tâm, lại còn đề ra thuyết “chủng tử giới thể” (tất cả chủng tử thiện huân tập trong tàng thức chính là giới thể), rất lấy làm tâm đắc.

13. Tam tụ tịnh giới: cũng gọi là “Bồ-tát tam tụ giới”, hoặc “tam tụ viên giới”, tức là giới pháp của hàng Bồ-tát đại thừa. Chữ “tụ” nghĩa là nhóm, chủng loại. Ba nhóm giới pháp này bao hàm tất cả giới pháp đại thừa, tính chất thanh tịnh, không ô nhiễm, viên dung vô ngại, nên gọi là “tam tụ tịnh giới”; gồm có: 1) Nhiếp luật nghi giới, cũng gọi là “tự tánh giới”, gồm tất cả giới luật mà bảy chúng thọ nhận (tùy theo tại gia hay xuất gia mà thọ năm giới, mười giới, cụ túc giới, v.v…), có đầy đủ công năng dứt trừ các điều ác và ngăn ngừa gây tội lỗi. Cho nên, nhóm giới “nhiếp luật nghi” ở đây nhằm nhấn mạnh về phương diện “chỉ ác”. 2) Nhiếp thiện pháp giới, cũng gọi là “thọ thiện pháp giới”, tức là tu tập tất cả các pháp lành. Tu tập các thiện nghiệp như thường siêng năng tinh tấn, tâm không buông lung, cúng dường Tam Bảo, thực hành sáu pháp qua bờ, có lỗi thì y pháp sám hối, v.v…; nói chung là trưởng dưỡng các thiện pháp ở cả ba nghiệp thân, miệng và ý, và hồi hướng công đức tu tập ấy về quả vị vô thượng bồ đề. Cho nên, nhóm giới “nhiếp thiện pháp” ở đây nhằm nhấn mạnh về phương diện “tu thiện”. 3) Nhiếp chúng sinh giới, cũng gọi là “nhiêu ích hữu tình giới”, tức là đem lòng từ bi làm lợi lạc cho chúng sinh. Các việc cụ thể mà Bồ-tát cần thực thi như: kết bạn để cùng chia sẻ công việc với những người làm việc giúp ích quần chúng; giảng dạy giáo pháp hoặc tìm mọi cách thích hợp giúp người khai mở trí tuệ; bằng mọi cách giúp người thoát khỏi những nỗi sợ sệt, những buồn đau vì mất của cải, mất người thân; giúp đỡ vật chất cho những người nghèo đói; có đức hạnh đầy đủ để làm chỗ y chỉ cho người cầu học, dạy dỗ khéo léo và đúng chánh pháp; hoan hỉ, tán dương những người có đức hạnh; lấy lòng từ bi mà quở trách những người làm lỗi; v.v… Nói chung là bằng mọi cách khéo léo và đúng giáo pháp, làm cho mọi người biết tránh các điều ác, làm các việc lành, tu tập chánh pháp, có được một đời sống an vui, hạnh phúc. Bởi vậy, nhóm giới “nhiếp chúng sinh” ở đây nhằm nhấn mạnh về phương diện “lợi sinh”.

14. Đại thừa thông giới: Ba nhóm giới vừa trình bày trên (tam tụ tịnh giới) là loại giới luật được thông hành cho cả hai chúng tại gia và xuất gia của các môn phái đại thừa, cho nên gọi là “đại thừa thông giới”.

15. Phật giáo Trung-quốc gọi tám tông phái của họ: Thiền, Tịnh Độ, Luật, Hoa Nghiêm, Tam Luận, Mật, Pháp Tướng (Duy Thức), và Thiên Thai, là “tám tông phái đại thừa” (đại thừa bát tông). Nguyên lai, Trung-quốc có cả thảy 13 tông phái: Thành Thật, Câu Xá, Nhiếp Luận, Địa Luận, Niết Bàn, Tam Luận, Duy Thức, Luật, Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Thiền, Mật, và Tịnh Độ. Hai tông Thành Thật và Câu Xá thuộc tiểu thừa; mười một tông còn lại thuộc đại thừa. Về sau, tông Địa Luận sát nhập vào tông Hoa Nghiêm; tông Nhiếp Luận sát nhập vào tông Duy Thức; tông Niết Bàn sát nhập vào tông Thiên Thai; cho nên còn lại cả thảy là tám tông phái đại thừa.

16. Ba môn học vô lậu (tam vô lậu học): tức ba pháp môn tu học để đạt được thành quả giác ngộ giải thoát trọn vẹn. 1) Giới: giới luật. (Xin xem lại các chú thích liên quan đến giới luật ở trên và ở các bài trước.) 2) Định: định lực do sự tập trung tâm ý bằng cách sống trọn vẹn trong chánh niệm. Có được chánh niệm là do nghiêm trì giới luật. Giới luật làm cho tiêu trừ mọi thứ vọng tưởng, phiền não; các nghiệp thân khẩu ý đều thanh tịnh; từ đó mà có chánh định. 3) Tuệ: là trí tuệ giác ngộ, là sự nhận thức sáng tỏ về thực tại, là sự chứng ngộ chân lí của vạn hữu. Trí tuệ giác ngộ đạt được là nhờ có chánh định, và đó là mục đích tối hậu của người tu học Phật.

Ba pháp môn này liên quan mật thiết với nhau, nếu thiếu bất cứ một pháp môn nào thì chỉ tốn công vô ích, đạo giác ngộ giải thoát không thể thành tựu.

17. Đại Trí: tức luật sư Nguyên Chiếu (1048-1116), cao tăng đời Tống (960-1279), họ Đường, người huyện Hàng, tỉnh Triết-giang. Ngài xuất gia từ tuổi niên thiếu, chuyên chí học Luật, thừa kế luật sư Duẫn Trạm (?-1061), dòng chính thống Nam-sơn của tổ Đạo Tuyên (596-667). Trước, ngài trụ trì chùa Thiềukhánh, hoằng truyền giới luật; sau dời về Linh-chi, ở 30 năm liền, người đời tôn xưng là Linh Chi tôn giả. Ngài tịch năm 69 tuổi, thụy hiệu là Đại Trí luật sư.