GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP HAI

Bài 9
TRÍCH ĐỌC KINH VĂN (phần 2)

KINH TẠP A HÀM

8. Tôn giả Phú Lâu Na(1) muốn đến tiểu quốc Du-lô-na(2) cư trú. Đức Phật hỏi: Người xứ đó hung dữ, bạo tợn, hay chưởi mắng. Nếu họ mắng chưởi thầy, thì thầy nên như thế nào? Tôn giả thưa: Con sẽ nghĩ rằng, họ là người hiền, thiện lương và có trí tuệ; vì tuy họ có mắng chưởi làm nhục con, nhưng họ đã không dùng tay đánh hay lấy đá đập con. Phật hỏi: Nếu họ lại dùng tay đánh hay lấy đá đập thầy, thì thầy sẽ đối phó ra sao? Tôn giả thưa: Con sẽ nghĩ rằng, họ là người hiền, thiện lương và có trí tuệ; vì tuy họ có dùng tay đánh hay dùng đá đập con, nhưng họ đã không dùng đến dao, gậy. Phật hỏi: Nếu họ lại dùng thêm dao, gậy thì thầy sẽ làm sao? Tôn giả thưa: Con sẽ nghĩ rằng, họ là người hiền, thiện lương và có trí tuệ; vì tuy họ có dùng đến dao, gậy, nhưng họ đã không giết con. Phật hỏi: Giả như họ giết thầy, thì như thế nào? Tôn giả thưa: Con sẽ nghĩ rằng, trong các đệ tử của Thế Tôn, có nhiều vị chán ghét cái xác thân này, thường dùng dao, dây hay thuốc độc để tự sát. Nay những người ở xứ này thật là những người hiền, thiện lương và có trí tuệ, đối với cái thân xác hư thối này của con, đã dùng chút phương tiện giúp cho con được giải thoát. Phật khen ngợi: Lành thay, Phú Lâu Na! Thầy thật khéo léo tu tập đức nhẫn nhục. Giờ đây thầy đã có thể sang ở nước ấy để hóa độ dân chúng. Tôn giả Phú Lâu Na vâng lời Phật, sang ở nước ấy, nói pháp hóa độ cho năm trăm cư sĩ nam, dựng lập năm trăm ngôi già lam1. Tôn giả đã ở đó cho đến khi viên tịch2.

9. Phật dạy có bốn loại người: Một là loại người từ nơi tối tăm vào nơi tăm tối. Loại người này sinh ra trong những gia đình nghèo cùng thấp hèn, hình mạo xấu xí, mà thân lại làm những nghiệp ác, miệng nói những lời ác, và ý nghĩ những điều ác; vì nhân duyên đó mà khi mệnh chung sẽ sinh vào các nơi ác đạo, đọa trong địa ngục; đó gọi là “từ nơi tối tăm vào nơi tăm tối”. Hai là loại người từ nơi tối tăm ra nơi sáng sủa. Loại người này sinh ra trong những gia đình nghèo cùng thấp hèn, hình mạo xấu xí, nhưng thân lại làm những nghiệp thiện, miệng nói những lời thiện, và ý nghĩ những điều thiện; vì nhân duyên đó mà khi mệnh chung sẽ sinh vào các nơi thiện đạo, hưởng an vui trên các cõi trời; đó gọi là “từ nơi tối tăm ra nơi sáng sủa”. Ba là loại người từ nơi sáng sủa vào nơi tối tăm. Loại người này sinh ra trong những gia đình giàu sang, thông minh đoan chính, nhưng thân lại làm những nghiệp ác, miệng nói những lời ác, và ý nghĩ những điều ác; vì nhân duyên đó, khi mệnh chung sẽ sinh vào các nơi ác đạo, đọa trong địa ngục; đó gọi là “từ nơi sáng sủa vào nơi tối tăm”. Bốn là loại người từ nơi sáng sủa đến nơi sáng sủa. Loại người này sinh ra trong những gia đình giàu sang, thông minh đoan chính, mà thân lại làm những nghiệp thiện, miệng nói những lời thiện, và ý nghĩ những điều thiện; vì nhân duyên đó, khi mệnh chung sẽ sinh vào các nơi thiện đạo, hưởng an vui ở các cõi trời; đó gọi là “từ nơi sáng sủa đến nơi sáng sủa”.

10. Vua Ba Tư Nặc3(3) thân thể mập mạp, mỗi khi lạy Phật xong, thì mồ hôi nhễ nhại, hơi thở hổn hển. Phật khuyên nhà vua: Người nên tự ghi nhớ, mỗi bữa ăn ít lại, lãnh thọ được nhẹ nhàng, dễ tiêu mà sống lâu. Từ đó, nhà vua bảo một người hầu, cứ mỗi bữa ăn, đều đọc lại cho vua nghe bài kệ trên của Phật. Nhà vua được cảnh tỉnh, ăn ít lại; về sau thì thân hình thon gọn, cân đối, dung mạo đoan chính.

11. Phật dạy: Hành giả hãy tu tập thuần thục ba pháp học4(4), đừng trông đợi ở ngày nay, ngày mai, hay ngày mốt. Thành tựu mau chóng thì công hiệu cũng mau chóng; mà cả thành tựu và công hiệu đều ở ngay trong đó. Ngày qua tháng lại, tự nhiên mà phiền não không dấy khởi nữa, tâm được giải thoát. Ví như làm ruộng, gieo giống và tưới nước xong, đừng nghĩ ngày nay, ngày mai, hay ngày mốt hạt giống sẽ sinh trưởng nẩy mầm; mà những hạt giống kia, khi thời gian đến thì tự khắc nẩy mầm. Lại cũng như con gà mái ấp trứng, lúc nào cũng chú tâm vào việc ấp cái trứng, biết lúc lạnh lúc nóng để bảo bọc cái trứng. Nó không hề nghĩ ngày nay, ngày mai, hay ngày mốt, phải dùng mỏ mổ hay dùng móng để moi vỏ cho gà con sinh ra. Gà con, khi thời khắc đến thì tự sinh ra mà thôi. Hành giả tu tập cũng giống như vậy.

12. Phật dạy: Tất cả các pháp lành, đều lấy tâm không buông lung làm căn bản.

 

CHÚ THÍCH

1. “Tăng già lam” là tiếng gọi tắt của “tăng già lam ma”, dịch ra Hán ngữ là “chúng viên” hay “tòng lâm”, là tiếng thường dùng để chỉ cho chốn viên lâm, tự viện, tức nơi cư trú của tăng chúng.

2. Xem sách Sơ Cấp Giáo Bản, bài 17, chú thích số 5, niết bàn có hai loại: Bậc A-la-hán phiền não đã dứt hết, đã thoát li sinh tử, nhưng thân thể vẫn còn đó, gọi là “hữu dư niết bàn”, hay “hữu dư y niết bàn” – ý nói, cái nhân sinh tử tuy đã hết, nhưng vẫn còn thừa lại cái “y thân” hữu lậu; đợi cho đến khi cái “y thân” này cũng mất, thì gọi là “vô dư niết bàn”, hay “vô dư y niết bàn”.

3. Ba Tư Nặc (dịch ra Hán ngữ là hòa duyệt, nguyệt quang, thắng quân, hoặc thắng quang) là quốc vương của nước Xá-vệ. Ông sinh cùng ngày với đức Phật.

4. Ba pháp học tức là giới, định và tuệ. Giới tức là cấm giới, là tinh yếu của tạng Luật, có công năng phòng ngừa sự xấu ác của ba nghiệp. Định tức là thiền định, là tinh yếu của tạng Kinh, có công năng lắng đọng tâm ý để suy xét chân lí. Tuệ tức là trí tuệ, là tinh yếu của tạng Luận, có công năng thấy rõ chân lí mà dứt được phiền não vọng tưởng.

 

PHỤ CHÚ

1. Phú Lâu Na (purna): Đó chỉ là tên gọi vắn tắt, tên đầy đủ phải là “Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử” (Purnamaitraya- niputra), là vị giảng sư tài giỏi nhất trong tăng đoàn, được liệt vào hàng “mười vị đệ tử lớn” (thập đại đệ tử) của đức Phật Thích Ca. Tôn giả sinh trong một gia đình giàu có thuộc giai cấp phú thương, nghiệp chủ ở vương quốc Kiều-tát-la (Kausala). Vì sớm chán đời sống thế tục, muốn cầu giải thoát, nên tôn giả đã rủ ba mươi bạn hữu cùng vào núi tu tập, do chuyên cần tinh tấn, chứng được Tứthiền. Khi biết tin đức Thích Ca đã thành đạo và đang thuyết pháp tại vườn Nai, tôn giả liền về đó, xin Phật cho xuất gia, và chẳng bao lâu thì chứng quả A-la-hán. (Xin xem chi tiết đầy đủ về cuộc đời hoằng hóa của tôn giả trong sách Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật, Hạnh Cơ dịch, Chùa Liên-hoa & Hội Cư sĩ Phật giáo Orange County in lần thứ tư tại California, năm 1005.)

2. Du-lô-na: là một vương quốc ở miền biên thùy phía Tây Ấn-độ thời Phật tại thế. Luận Đại Trí Độ gọi đây là đất Di-li-xa (Mleccha). Dân ở đó chưa được khai hóa, tính tình hung dữ, bạo tợn, cộc cằn, không tín phụng Phật pháp. Vậy mà, vì đại nguyện độ sinh, tôn giả Phú Lâu Na đã đến xứ này, nhẫn nại chịu đựng, dùng mọi phương tiện để trước là khai hóa dân trí, sau đó là hóa độ cho họ thấm nhuần Phật pháp; khiến cho chốn biên địa từng bị mọi người kinh sợ, không dám lui tới liên lạc, trở thành một vùng đất thuần hóa, hiền hòa, an lạc. Tôn giả quả thực xứng đáng được tôn kính là một trong mười vị đại đệ tử của Phật.

3. Ba Tư Nặc (Prasenajit): là vua của vương quốc Kiều-tát-la (Kausala), kinh đô là thành Xá-vệ (Sravasti). Nhà vua sinh cùng năm với đức Phật, nhưng tạ thế trước Phật một năm. Chánh hậu của nhà vua là phu nhân Mạt Lị (Mallika), sinh ra thái tử Kì Đà (Jeta), người đã bán khu vườn to lớn, xinh đẹp của mình cho trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindada), mua để xây dựng tu viện Kì-viên cúng dường lên Phật và giáo đoàn. Nhà vua là người tính tình kiêu ngạo, bạo ác, không tin Phật pháp, nhưng từ khi được Phật hóa độ thì lại trở thành một người đệ tử tại gia trung kiên của đức Phật, tính tình thuần từ, khiêm cung, khác hẳn với lúc trước. Phải nói rằng, trong hoàng tộc nhà vua, thái tử Kì Đà đã qui y với đức Phật trước nhất, rồi đến phu nhân Mạt Lị; và chính phu nhân đã khôn khéo dẫn dắt nhà vua qui y Tam Bảo. Nhà vua đã có duyên lành, được nghe pháp rất nhiều. Có rất nhiều kinh Phật nói mà đối tượng là vua Ba Tư Nặc. Nhà vua đối với đức Phật rất chân thành, và tôn kính đức Phật như là bậc từ phụ của mình. Năm nhà vua 79 tuổi, trong khi nhà vua đang du hành ở một vùng biên giới, thì tại thủ đô, hoàng tử Tì Lưu Li (Vidudabha), con một bà thứ hậu, đã giết thái tử Kì Đà, rồi tự lên ngôi vua. Nhà vua phải chạy sang kinh thành Vương-xá (Rajagrha) của nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Nhưng vì tuổi già sức yếu, lại quá nhọc mệt, nhà vua đã không vào được kinh thành Vương-xá, mà đã chết thảm trong một công viên ở ngoài kinh thành, trong đêm rét lạnh. Sáng hôm sau, vua A Xà Thế (Ajatasatru – cháu gọi nhà vua bằng cậu) mới hay tin, lập tức rước nhục thân nhà vua vào thành làm lễ quốc táng.

4. Ba pháp học (tam học): tức là ba pháp học vô lậu (tam vô lậu học). Ba pháp học gồm có Giới, Định và Tuệ. Tu học đúng đắn và trọn vẹn ba pháp môn này, hành giả chắc chắn sẽ đạt được thành quả giác ngộ giải thoát (vô lậu). Có thể nói, ba pháp học này là nội dung căn bản và tổng quát nhất của tất cả các pháp môn đưa hành giả đến đạo quả giác ngộ giải thoát. GIỚI là điều kiện giúp cho thân tâm trở nên thanh tịnh; ĐỊNH là sức mạnh của tâm linh khi tâm ý không còn loạn tưởng; TUỆ là trí sáng suốt thấy rõ thật tướng vạn pháp, tức “giác ngộ”. Khi bắt đầu tu tập thì ba pháp học này là một trình tự của giác ngộ: Do Giới sinh Định, do Định phát Tuệ. Muốn đạt được trí tuệ giác ngộ thì phải tu tập thiền định; muốn có được định lực thì phải nghiêm trì giới luật. Nhưng khi công phu tu tập đã đến chỗ thuần thục, thì Giới Định Tuệ là một toàn bộ tương duyên, bất khả phân li, không có thứ tự trước sau. Có Giới tức đồng thời có Định và Tuệ; có Tuệ tức đồng thời có Định và Giới; có Định tức đồng thời có Giới và Tuệ. Có một yếu tố là có đủ cả ba yếu tố; thiếu một yếu tố là không có quả vị giác ngộ.


BÀI TẬP

– Tôn giả Phú Lâu Na muốn đến nước Du-lô-na, Phật đã hỏi những gì, và tôn giả đã trả lời thế nào?

– Sao gọi là: 1, “từ nơi tối tăm vào nơi tăm tối”; 2, “từ nơi tối tăm ra nơi sáng sủa”; 3, “từ nơi sáng sủa vào nơi tối tăm”; 4, “từ nơi sáng sủa đến nơi sáng sủa”?

– Vua Ba Tư Nặc, thân hình béo mập, đức Phật khuyên nhủ, và nhà vua y theo đó thực hành, khiến cho thân hình thon gọn, dung mạo đoan chính. Hãy thuật lại lời dạy ấy của đức Phật.

– Ba pháp học là gì?

– Khi khuyên răn tinh tấn tu học để mong sớm thành công, đức Phật có nêu ra hai ví dụ về làm ruộng và ấp trứng. Hãy thuật lại đầy đủ hai ví dụ ấy. 6) Cái gì là căn bản của tất cả pháp lành?

***

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 7, 8 và 9

1. Người học Phật đời nay, xét về đại thể, có thể chia làm hai hạng: Một hạng thuộc giai cấp trí thức, có tuệ lực, có trí hiểu biết, đối với kinh luận thì dốc công nghiên cứu kĩ càng, nhưng đối với những việc như tụng kinh, trì chú, xưng tán, lễ Phật, v.v… thì không cảm thấy hứng thú, hoặc hoàn toàn coi khinh, không thèm làm. Đó quả là lỗi lầm tai hại; lỗi lầm ở chỗ: đã không thấy rõ được cái diệu dụng của việc “mượn cảnh tu tâm”(1), “nhân sự hiển lí”(2). Cho nên hạng người này, dù có đầy chất lượng, nhưng cũng chỉ là có tuệ mà không có định; huống chi, hành mà không đến nơi đến chốn, vẫn không phải là trí tuệ chân thật. Một hạng khác thuộc giai cấp không trí thức, không có tuệ lực, không có trí hiểu biết, đối với kinh luận không thể nghiên cứu tường tận; nhưng đối với những việc như tụng kinh, trì chú, xưng tán, lễ Phật thì thường xuyên hành trì. Tuy không thể coi đó là tiêu chuẩn, nhưng vì thường hay tu hành pháp sự mà cuối cùng hạng người này sẽ phát trí tuệ – nếu đời này chưa phát thì đời sau chắc chắn sẽ phát. Cho nên, nếu so sánh với hạng người chuộng “lí” bỏ “sự”(3) ở trên kia, thì hạng người này hơn hẳn. Có điều, người hay tu trì mà không hiểu biết nghĩa lí, thì nên tu trì một cách kiên thành; không được nửa chừng thay đổi đường hướng. Nếu muốn thay đổi thì phải nhờ sự cố vấn của quí vị thiện tri thức mới được; nếu không, chỉ sợ lạc vào đường hiểm, uổng phí công phu.

2. “Chú” là một cái gì không thể nghĩ bàn; là một loại mật ngữ của chư Phật và Bồ-tát, do công phu tu trì từ nhiều kiếp mà chứng đắc, và nói ra từ trong cảnh giới thiền định sâu thẳm. Tụng chú thì có công đức lớn lao, nhưng lí lẽ và tác dụng của nó như thế nào, thì hoàn toàn đều là những vấn đề bí mật; vì đó không phải là cảnh giới của phàm phu. Bởi vì không biết, cho nên mới gọi là “mật”. Chúng ta chỉ nên y trên kinh văn, trên khóa tụng mà tán thán, tuyên dương, tất tự mình có được lợi ích cao tột trong giáo pháp. Nhân vì thể tính của giáo pháp đương nhiên là có mật có hiển(4), cho nên trong kinh văn phần nhiều có thêm “mật chú”; ví dụ như tôn giả A Nan(5) bị nàng Ma Đăng Già(6) dùng chú “Sa Tì Ca La Tiên Phạm Thiên”(7) cầm giữ, nếu không phải chính đức Phật nói chú “Lăng Nghiêm” và sai Bồ-tát Văn Thù đem chú ấy đến cứu, thì không thể giải trừ ách nạn ấy. Đức Phật còn dạy: Chúng sinh đời sau, ai trì thần chú này thì được lợi ích vô lượng, diệt trừ được mọi thứ tai nạn. Xem đó có thể biết, lời chú trọng yếu biết chừng nào!

3. Sám hối đương nhiên là tiêu trừ được tội chướng. Việc này cũng giống như áo quần dơ bẩn thì dùng nước để giặt, và sau khi giặt thì sạch sẽ trở lại như cũ. Vật là hữu hình, còn như vậy, huống chi tâm là vô hình, há không thể được ư? Cho nên trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt có bài kệ rằng: “Nếu người tạo tội nặng, biết chân thành tự trách, sám hối không tạo nữa, gốc nghiệp liền dứt trừ.” Đọc bài kệ ấy thì thấy rằng: Nếu quả thật chân thành sám hối, thì không tội lỗi nào là không tiêu tan. Treo cái linh lên hay mở cái linh xuống, nguyên chỉ có một người vậy.

4. Tu đạo là việc làm suốt đời, chỉ cần làm đều mỗi ngày, đừng bỏ gián đoạn, chắc chắn sẽ thành công. Giống như mỗi ngày ăn ba bữa, tự nhiên là mạng sống được duy trì; nếu có ngày ăn mười mấy bữa, rồi có khi mười mấy ngày chỉ ăn một bữa; trước thì quá dồn dập, sau thì quá lơi chậm; trước thì quá nhiều, sau thì quá ít; như vậy là không nên.

5. Đóng kín sáu căn vốn thiên trọng về sự thủ hộ. Nhưng phải biết rằng, loại kinh này nhằm đối tượng là chúng Thanh-văn mà nói, nhưng chúng ta cũng có thể hành trì. Xin hỏi: Căn tánh của chúng ta có hơn được quí vị tôn giả Xá Lợi Phất(8), Mục Kiền Liên(9), Đại Ca Diếp(10), Phú Lâu Na không? Nếu chúng ta không bằng quí ngài thì loại kinh pháp đó chắc chắn sẽ rất thích hợp với chúng ta. Lại xin hỏi: Khi đứng trước năm món dục(11) đáng yêu đáng chuộng, chúng ta có giữ được an nhiên mà không chút nào động tâm không? Nếu chưa được, tất còn phải tu tập, thì loại kinh pháp này lại càng đáng cho chúng ta sử dụng. Chưa có trình độ tiểu học mà lại khinh thường các khóa trình tiểu học, ngang nhiên tự cho mình ở địa vị sinh viên đại học; hạng người đó, khi gặp phải những ngoại duyên có tính dụ hoặc, chắc chắn sẽ bị hư hỏng. Xin hãy thận trọng!

6. Bài kệ Phật nói cho vua Ba Tư Nặc rất là khoa học. Người đời lầm tưởng ăn nhiều để có dinh dưỡng, mà không ngờ rằng, ăn ít, điều độ là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc vệ sinh. Các nhà khoa học ngoại quốc đã từng dùng hai loài chuột và thỏ để thí nghiệm. Mỗi loại đều được chia làm hai bầy: một bầy thì được cho ăn no nê, còn một bầy thì chỉ cho ăn nửa no nửa đói. Kết quả, bầy được cho ăn no đủ thì số tử vong rất cao; còn bầy chỉ được cho ăn nửa no nửa đói thì sống lâu. Cho đến ngày nay, sau khi đã qua những thí nghiệm như vậy, các nhà khoa học mới phát hiện việc ăn ít sống lâu, điều mà đức Phật đã biết rõ từ hai ngàn mấy trăm năm trước. Những người thân thể mập béo, áp huyết cao trong thiên hạ, xin hãy lưu tâm hơn đối với bài kệ này, bỏ ăn thịt, bớt ăn uống, lấy vua Ba Tư Nặc làm thầy, tất nhiên sẽ có hiệu nghiệm.

7. Những vị hoằng pháp, thường thường đều nói chúng sinh khó độ. Nhân đó mà thối chí nản lòng, bỏ cả sự nghiệp lợi tha. Đó là hành động hoàn toàn sai lầm. Thật ra, chúng sinh không chịu vào khuôn phép, không làm theo lời mình, đó là do tự thân vị giảng sư, học vấn không đủ, biện tài không có, nói năng không phù hợp căn cơ, không biết dùng phương tiện khéo léo, chưa đủ thành tín, thiếu đức nhẫn nhục, công phu tu dưỡng chưa thâm sâu, v.v… khiến nên như vậy. Độ người mà không đạt được thành tích gì, trách nhiệm đó hoàn toàn không nhất định là ở nơi đối phương. Từ xưa đến nay, người dù tính tình ương ngạnh, khó giáo hóa đến đâu, cũng khó có hạng người nào so sánh được với người ở nước Du-lô-na; vậy mà, với tấm lòng độ lượng, đức bao dung, khoan thứ lớn lao – dù bị họ giết chết cũng vẫn khen ngợi họ – của tôn giả Phú Lâu Na, người Du-lô-na vẫn không thể nào không cúi đầu tuân phục, thọ nhận sự dạy dỗ của ngài. Lòng chí thành còn có thể cảm được các loài heo, cá, huống chi là loài người. Đúng như cái đạo lí mà đức Khổng Tử từng nói: “Nói lời trung tín, làm việc thận trọng, tuy ở những nơi mọi rợ vẫn hành đạo được.” Đành rằng vẫn có những loại người mà chủng tử thanh tịnh chưa thuần thục, vô minh còn dẫy đầy, không có duyên với Phật pháp, nhưng dù sao thì cũng không phải tất cả mọi người đều như vậy cả. Nếu quả thật chẳng có người nào có thể hóa độ được, thì đức Phật cũng chẳng cần phải xuất hiện để giảng kinh, nói pháp ở trong cõi đời xấu ác có năm thứ dơ bẩn này! Và rồi, cái “mạng sống” của thời mạt pháp cũng chẳng phải kéo dài đến mấy ngàn năm! Cho nên, xin quí vị hoằng dương Phật pháp, hãy lấy tôn giả Phú Lâu Na làm gương, tiếp tục nỗ lực, không thối chí nản lòng, thì may mắn cho chúng sinh lắm vậy!

8. Về những bài “Trích Đọc Kinh Văn”: Trong thời gian qua, khi đọc kinh, tôi chỉ đọc qua một lượt, rồi vì sợ để lâu ngày quên mất, tôi đã ghi chép lại những chương quan trọng, phòng khi cần đọc kĩ lại. Nhân vì nghĩa lí sâu xa, mà mình vốn chịu ơn Phật, không dám riêng tư, cho nên muốn đem những đoạn kinh ấy cho lưu bố để cúng dường tất cả quí vị độc giả. Mong rằng, những vị nào chưa có lòng tin thì phát khởi lòng tin; những vị nào đã sẵn có lòng tin thì “y giáo phụng hành”, đồng chứng đạo quả. Với vài đoạn ngắn như thế, tuy không thể đại biểu cho toàn bộ kinh, nhưng cũng như uống nước biển, chỉ uống một ngụm là biết được cái vị của toàn biển cả. Trộm nghĩ, chư vị hiền sĩ thế nào cũng sẽ hiểu ý và tán đồng, từ đó mà khởi niềm hứng thú đọc kinh cầu pháp. Còn về mục “Kinh Văn Ngữ Dịch”(12), đó là sợ những vị sơ học vừa mới thấy nội điển, có thể có những chỗ chưa hiểu rõ hết, cho nên đã đem những đoạn kinh văn ấy dịch ra văn bạch thoại, phụ thêm ở sau để tiện đối chiếu. Việc làm này cũng giống như có người đem những bài cổ văn như “Thu Thanh Phú”, “Nhạc Dương Lâu Kí”(13), v.v… dịch ra văn ngữ thể, kèm ở sau bài nguyên văn, rất tiện cho độc giả.

9. Gần đây có vị chủ trương trích lọc phần tinh hoa của kinh điển Phật giáo để cho lưu truyền ở đời – đại khái cũng giống như bộ Chư Tử Tinh Hoa Lục vậy. Ý kiến đó rất hay. Nhưng, kinh Phật tức là Pháp Bảo trong Tam Bảo, rất tôn nghiêm và hoàn chỉnh, không phải ai cũng có thể cắt xén! Nếu ông Giáp có thể đem những đoạn kinh hợp với ý mình, trích ra làm thành một bộ, thì ông Ất cũng có thể theo ý mình mà làm một bộ; rồi ông Bính, ông Đinh, v.v… thấy vậy cũng đâu chịu ngồi yên, đua nhau bắt chước làm sai. Cứ cái tình trạng này thì một kinh sẽ biến thành nhiều bộ, chi li nát bấy, chẳng bộ nào hoàn chỉnh, thế tất gây thành cái cục diện không thể nào kiểm soát nổi; thậm chí, khiến cho bản kinh nguyên thỉ có cơ bị hủy diệt. Cho nên cái phong trào “cắt xén” này, nghe đâu không phát động được, vì cái lợi không bao nhiêu mà cái hại thì quá nhiều. Những đoạn kinh trích lục ở đây là những ghi chép riêng tư có tính cách cá nhân ở thư phòng, để phòng mất mát. Nay đem vào làm bài học, là muốn cho người sơ học mới bắt đầu thưởng thức pháp vị, nhờ đó mà phát sinh hứng thú, biết rằng trong kinh Phật có đủ văn chương hay đẹp, nghĩa lí sâu xa; chứ không phải là thứ văn nghĩa khó đọc khó hiểu, hay thần kì quái dị như người ta tuyên truyền. Biết như thế thì mới dám thưởng thức, khởi tâm học hỏi kĩ càng một phần nhỏ của kinh, rồi từ đó mà đi sâu vào Kinh Tạng, đạt được trí tuệ lớn; đó quả thật là chỗ khổ tâm của chúng tôi khi sắp xếp các bài học. Nhưng việc làm này chỉ hạn chế trong việc dùng làm tài liệu học tập ở đây mà thôi, ngoài ra, nhất quyết không dám làm kẻ đầu têu, đem những đoạn kinh văn trích ra đó gom lại thành một sách riêng, gọi là “tinh hoa kinh…” gì đó; rất mong quí vị hiền sĩ lượng thứ.

10. Cho đến ngày nay, sự diễn biến của văn tự, và trình độ văn học của mọi người trong nước, so với một, hai ngàn năm trước, thật không thể lấy lời lẽ gì để diễn tả được; nhất là thời đại bây giờ, những thanh niên học sinh đọc quen văn ngữ thể, đối với cổ văn thì chau mày nhăn mặt, không hiểu nói gì. Văn đời Minh, đời Thanh còn không có cách gì hiểu được, huống gì là đời Tấn, đời Đường! Sách thế gian còn không đọc được, huống hồ kinh Phật! Vì muốn bổ cứu chỗ thiếu sót ấy, chúng tôi đã thêm vào cuối bài học, phần dịch ra văn ngữ thể, làm cây cầu nối giữa cổ và kim, cổ lệ người đời tiếp xúc với Phật pháp. Việc làm này chỉ hạn chế ở sau bài học, dùng để tham khảo, đối chiếu; hoàn toàn có tính chất cá nhân, không thể coi là bài dịch chính thức. Nếu nói đến việc dịch kinh Phật ra ngữ thể như một Phật sự lớn, thì phải lấy đạo tràng dịch kinh thời cổ làm lam bản(14); cần có một trụ sở đại qui mô, triệu tập nhiều danh tăng đại đức (kể cả cư sĩ) để chủ trì công việc. Mỗi chương, mỗi đoạn, mỗi câu, mỗi chữ, đều suy xét cẩn thận, thích đáng; tuyên đọc trước chúng, khi không còn ý kiến trái khác mới thông qua; sau đó mới coi là xác định. Phải trải qua thủ tục cần thiết này, mới trở thành bản tiêu chuẩn; và ngoài bản này ra, không được có bất cứ một bản dịch ngữ thể của một cá nhân nào khác nữa – hoặc nếu có thì đó cũng chỉ được coi là của riêng tư mà thôi. Như thế mới có thể tránh khỏi cái tệ nhiều nhà cùng tranh tiếng, làm cho Pháp Bảo bị dẫm nát. Chư vị đại sư dịch kinh thời xưa, phần nhiều là Bồ-tát thị hiện, trí tuệ không ai bằng. Đạo tràng dịch kinh(15) có qui mô rộng lớn. Dưới vị “Dịch chủ”(16) có nhiều vị khác phụ giúp, như Chứng nghĩa(17), Chứng văn(18), Thơ tự(19), Bút thọ(20), Chuyết văn(21), Tham dịch(22), San định(23), Nhuận văn(24). Đạo tràng như thế là hoàn toàn dùng chế độ phân công hợp tác, tập hợp trí tuệ của nhiều người để đem lại lợi ích rộng lớn cho chúng sinh; không ai dám tự chuyên, cho nên văn nghĩa, kết cấu đều cẩn trọng, nghiêm túc, không trái với bản ý; trải qua hàng ngàn năm mà người đời sau không thể sửa đổi một chữ, thật đáng dùng làm tấm gương để soi vậy!

11. Lễ sám tiến vong, nếu như có hiệu quả, thì trong lúc còn sống cứ tha hồ làm ác, chỉ cần sau khi chết, con cháu lập đạo tràng liền có thể siêu thăng. Đâu có chuyện dễ dàng như vậy! Nay xin có mấy điểm để nói rõ như sau:

– Tiếng Phạn là “sám ma”, nói tắt là “sám”, nghĩa là ăn năn tội lỗi; cho nên cũng gọi là “sám hối”. Sách Chỉ Quán(25), quyển 7, nói: “Sám là bày tỏ tội lỗi đã làm từ trước; hối là sửa đổi những hành vi sắp tới.” Ý nói, trước có tạo tội, sau đó thì ăn năn sửa đổi; cho nên cử hành một loại nghi thức để gột rửa cho sạch. Đó là, trước thì không biết mình có tội, đến hôm nay mới biết, cho nên trong lòng ăn năn. Nếu trong lúc bình sinh nghĩ rằng, cứ tha hồ làm ác, đợi về sau con cháu sẽ vì mình mà làm pháp sám hối, như thế là, trước đã biết có tội mà vẫn cố tạo tội, lại ngang ngạnh không chịu ăn năn, hi vọng sau khi chết sẽ may mắn khỏi tội; nghĩ như vậy tức là tự mình hại mình, đâu có thể phù hợp với ý nghĩa sám hối!

– Hi hoàng hậu, vợ của vua Lương Vũ đế (được nói tới trong bộ Lương Hoàng Sám), là người ganh tị lạ lùng, sau khi chết đọa làm con trăn, báo mộng cho nhà vua, xin vì bà mà tu tạo công đức, giúp cho bà thoát khổ. Nhà vua liền thỉnh mười vị cao tăng, do ngài Bảo Chí làm sám chủ, vì bà mà cử hành sám pháp; bà được sinh lên cõi trời. Pháp sư Ngộ Đạt(26) (được nói tới trong bộ Tam Muội Thủy Sám), trước từng chăm sóc cho một vị tăng bị bệnh nặng; khi vị tăng này khỏi bệnh, dặn ngài rằng: “Nếu sau này thầy gặp nạn lớn, hãy đến chỗ đó ở núi Nam-sơn gặp tôi.” Về sau, phía trên đầu gối ngài bỗng phát sinh mụt ghẻ mặt người, biết nói tiếng người; bảo ngài rằng: “Đây là Triều Thố(27) đời Hán, báo cái thù ngày xưa từng bị tiền thân của thầy là Viên Áng(28) giết oan.” Ngài bèn tìm đến vị tăng để cầu cứu. Vị tăng nói pháp cho mụt ghẻ nghe, rồi vốc nước dưới suối lên rửa. Mụt ghẻ nói: “Nhờ tôn giả Ca Nặc Ca(29) mà mối oan kết đã được giải trừ, nay tôi xin đi.” Mụt ghẻ liền lành lặn. Chúng ta hãy xét hai sự việc này. Bà Hi thị đã may mắn gặp được chư vị cao tăng nhóm Bảo Chí; pháp sư Ngộ Đạt gặp được tôn giả Ca Nặc Ca; cho đến trong hội “Vu-lan-bồn”, bà mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên, nhờ con tu hành chứng quả A-la-hán, lại may mắn gặp được tứ phương tăng chúng chứng quả vừa giải hạ, vì bà mà tạo công đức; tất cả đều là do nhân duyên thù thắng mà tội được dứt. Những người con hiếu cháu hiền đời nay, tuy có thể thỉnh tăng, nhưng liệu có thỉnh được các bậc thánh tăng như trên không? Nếu không thể được, thì tuy y theo sám pháp hành trì, cũng chỉ có văn tự trước mặt, đức không dầy, tâm không thành, thì làm sao mà có hiệu quả!

– Hi hoàng hậu báo mộng cho vua, xin tạo công đức; Ngộ Đạt đi cầu cứu khẩn cấp, xin giải trừ oan kết; hai vị này, trong thì tâm đã có hối hận, ngoài lại có được thắng duyên trợ giúp, cho nên đều được giải thoát. Nay thì biết rõ có tội, nhưng cứ một mực tiếp tục tạo tội; như thế là tự mình không biết hối lỗi, hoàn toàn trái ngược với ý nghĩa của sám pháp vậy.

– Hi hoàng hậu đọa làm con trăn để báo mộng; Ngộ Đạt nơi đầu gối mọc mụt ghẻ dữ; mẹ tôn giả Mục Liên dùng tay bốc cơm mà cơm hóa thành than lửa; đó là ba nhân vật chủ yếu, tự thân ở tại hiện trường, cho nên rất dễ tu sám. Người đời sau khi chết sẽ rơi vào đường nào? Đã không biết tìm kiếm họ ở nơi nào, thì con cháu có vì họ mà tu sám, nhưng tự thân họ chưa chắc đã ở ngay hiện trường, thì có thể cảm thông được hay không? Đó là vấn đề lớn.

– Giả sử lúc sống có dặn dò, lời lời tha thiết, nhưng sau khi chết rồi, con cháu chưa chắc đã là hiền hiếu để nghe lời mình; vạn nhất chúng còn cho lời dặn dò của mình là mê tín, là lời nói không chính đáng trong lúc tâm thần mê loạn, hoặc chúng vì nghèo túng mà không cử hành sám pháp, thì chắc chắn là mình không tránh khỏi những hình phạt núi dao, vạc dầu. Cho nên, tự mình không biết tu tỉnh, mặc tình tạo tội, rồi lập kế hoạch ủy thác cho người khác sám hối thay mình, đó là chuốc lấy nguy hiểm cùng cực!

– Tuy trong kinh có nói: Trong vòng 49 ngày sau khi chết, nếu người sống vì mình mà tu tạo công đức, người chết cũng hưởng được từ một đến sáu phần trong bảy phần công đức của người sống; nhưng đó cũng là nói lúc sống tạo tội mà không biết có tội, nếu biết rõ có tội mà cứ cố làm, thì làm sao bảo đảm được là sau khi chết có thể sửa đổi tâm tính, hồi tâm hướng thiện? Nếu vẫn ương ngạnh không sửa đổi, hoặc đã quá hạn kì 49 ngày, thân trung ấm(30) đã diệt, ba đường dữ đã sa vào, thì tụng kinh bái sám phỏng có ích gì!

– Trong lúc còn sống tạo tội, sau khi chết thì thân nhân làm lễ siêu độ, có lúc có hiệu quả, có lúc thì hiệu quả rất ít. Trường hợp có hiệu quả, như trong kinh Địa Tạng, người con gái dòng Bà-la-môn, bà mẹ nàng bị đọa vào địa ngục Vô-gián, nhưng nhờ công đức của nàng cúng dường trước chùa tháp Phật, mà bà được sinh lên cõi trời; lại như trong kinh Vu Lan Bồn, mẹ ngài Mục Kiền Liên đọa vào đường Ngạ-quỉ, nhưng nhờ ngài thiết hội Vu-lan mà bà cũng được sinh lên cõi trời. Những sự việc đó đều do kinh nói, không thể không tin. Trường hợp hiệu quả ít, như con cái mà hiếu tâm, đạo đức và thần thông không bằng người con gái dòng Bà-la-môn và ngài Mục Kiền Liên, ngoại duyên thì không bằng đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai và mười phương đại đức thánh tăng, thì hiệu lực rất nhỏ. Tóm lại, việc này rất khó nói, quyết không thể vì thành kiến cố chấp mà hủy báng kinh pháp.

– Lạy Phật sám hối tội lỗi, cũng như rửa ráy cáu bẩn. Tắm gội là rửa ráy thân thể, sám hối là rửa ráy tâm tính; không những sau khi chết người khác có thể làm thay, mà ngay lúc còn sống, tự mình cũng có thể thực hành, để rửa sạch tội lỗi chất chồng như núi từ vô thỉ đến nay. Người viết, khi còn ở đại lục(31), đã từng hai lần hành lễ Tam Muội Thủy Sám, nhiều lần Đại Bi Sám; tại Đài-loan không còn thấy nhiều người hành trì loại Phật sự này. Rất mong chư đại đức tăng, tiếp tục cử xướng và hướng dẫn hành trì, khiến cho vô số người tu học được dứt trừ tội lỗi ba nghiệp, thì công đức thật là vô lượng!

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

– Mượn cảnh tu tâm: Nương vào các hình thức lễ sám, tụng kinh, niệm Phật v.v… mà sửa đổi tính tình, làm cho tâm ý thuần thục, mở mang trí tuệ, thấy được chân lí. (Xin xem chú thích số 3 sau đây.)

– Nhân sự hiển lí. (Xin xem chú thích số 3 sau đây.)

– Sự lí: “Sự” hay “sự tướng”, là tất cả pháp hữu vi do nhân duyên sinh, tức là mọi hiện tượng muôn vàn sai khác trong khắp vũ trụ. “Lí” hay “lí thể”, “lí tánh”, là bản thể của mọi hiện tượng được gọi là “sự” ở trên. Lí có hai đức tính vô cùng quan trọng: tùy duyên và bất biến; có nghĩa, tùy theo nhân duyên mà biến hóa ra vạn pháp sai khác, nhưng thể tánh thì thường trú bất biến. Lí vượt khỏi cái tri thức tương đối của phàm phu, cho nên không thể dùng ngôn ngữ, văn tự để diễn đạt, không thể nhận biết bằng ý thức phân biệt sai lầm. Người phàm phu chỉ biết mê đắm vào hiện tượng, cho nên chỉ thấy có sự, và vướng mắc vào sự, do đó mà gây tội lỗi; còn bậc thánh có trí tuệ, thấy rõ suốt chân lí của vạn pháp, không mê đắm hiện tượng, không vướng mắc sự tướng, cho nên không gây tội lỗi. Trong Phật giáo, Sựluôn luôn là hai mặt đối đãi nhau, quan hệ mật thiết với nhau. Hiện tượng (sự) là sự biểu hiện của bản thể (lí). Bản thể (lí) là thường trú bất biến, là tịch tịnh, là như như bất động, nhưng vạn pháp (sự) được phát hiện từ đó; hay nói cách khác, bản thể (lí) chính là căn cứ phát sinh của mọi hiện tượng (sự). Bởi vậy, sự và lí không bao giờ tách rời (bất li) nhau; không có sự thì không có lí, và ngược lại. Cũng có thể nói, như luận Đại Thừa Khởi Tín: sự tức là lí, lí tức là sự (tương tức); hay như tông Hoa Nghiêm: sự và lí hàm chứa nhau một cách không ngăn ngại (tương dung). Từ cái nhìn này, những người mới bắt đầu con đường tu học Phật pháp, thường được các bậc đạo sư hướng dẫn, trước hết là tu tập bằng sự tướng, tức là thực hành các hình thức lễ sám, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền v.v…; rồi dần dần học tập nghĩa lí các kinh luật, từ dễ đến khó, mở dần trí tuệ, cho đến khi tự mình thấy rõ chân lí. Đó gọi là “mượn cảnh tu tâm”, mà cũng tức là “nhân sự hiển lí”. Đến khi trí tuệ đã sáng tỏ, thì tâm ý không còn vướng mắc vào sự tướng nữa, mà sự tướng trở nên được thể hiện một cách tự nhiên từ lí tánh, tâm phân biệt giữa sự và lí không còn nữa; đó gọi là “phước tuệ song tu”. Nếu chỉ mê vào sự tụng kinh, niệm Phật mà không chịu học tập kinh luận để mở mang trí tuệ, đó gọi là “ham sự bỏ lí” (tức chỉ ham tu phước mà không tu tuệ). Nếu chỉ mê học tập nghiên cứu kinh luận mà không chịu lễ sám, tụng kinh, niệm Phật, đó gọi là “ham lí bỏ sự” (tức chỉ ham tu tuệ mà không tu phước). Cả hai trường hợp này đều làm cho hành giả không đạt được kết quả viên mãn trong sự tu học Phật pháp.

– Hiển – mật: Giáo pháp có hai loại: Loại giáo pháp được hiển bày rõ ra bằng ngôn ngữ, văn tự, nghĩa lí dễ hiểu, gọi là “hiển giáo”; loại giáo pháp được truyền đạt một cách bí mật, trực tiếp giữa Phật và đệ tử, nhìn bề ngoài không hiểu, không biết được, gọi là “mật giáo”. Theo sự phân loại của tông Thiên Thai: Đức Phật ứng theo căn cơ, hoàn cảnh của từng người mà dạy riêng các giáo pháp khác nhau, mà người này hoàn toàn không biết Phật đã dạy cho người kia pháp gì, loại giáo pháp đó gọi là “mật giáo”; loại giáo pháp Phật nói công khai trước đại chúng đông người, gọi là “hiển giáo”. Có chỗ khác cho rằng: Những giáo điển thuộc Kinh, Luật, Luận là “hiển giáo”; dựng đạo tràng làm pháp sự, trì tụng mật chú là “mật giáo”.

– A Nan hay A Nan Đà (Ananda) là một trong mười vị đệ tử lớn (thập đại đệ tử) của Phật. Tôn giả là em ruột của đại đức Đề Bà Đạt Đa (Devadatta); cả hai đều là con của thân vương Bạch Phạn (Suklodana – em ruột vua Tịnh Phạn); và như thế, họ đều là em con chú con bác của đức Phật. Tôn giả theo Phật xuất gia vào năm thứ ba sau ngày Phật thành đạo; lúc đó tôn giả 18 tuổi. (Niên đại này là theo sách Đường Xưa Mây Trắng của hòa thượng Nhất Hạnh. Truyền thuyết cũ nói rằng, tôn giả A Nan đã sinh ra trong đêm đức Phật thành đạo, và xuất gia năm 25 tuổi. Nếu vậy, phải sau 25 năm đức Phật thành đạo thì tôn giả mới xuất gia; điều này không phù hợp với kinh điển. Mặt khác, tôn giả cùng với các vị vương tử khác đã theo Phật xuất gia vào năm thứ ba sau ngày Phật thành đạo, đó là sự kiện được ghi trong kinh điển; vậy, nếu nói rằng tôn giả ra đời trong đêm đức Phật thành đạo thì hóa ra, khi xuất gia, tôn giả mới có 3 tuổi, đó là chuyện hoàn toàn vô lí. Chứng tỏ, truyền thuyết cũ rất sai lầm, không tin tưởng được.) Năm đức Phật 55 tuổi, tôn giả được tăng đoàn đề cử làm thị giả thường xuyên để hầu hạ đức Phật. Trong tăng đoàn, tôn giả là người đẹp trai và thông minh nhất, học một biết mười, nghe đâu nhớ đó, và nhớ kĩ, nhớ lâu. Phật đi đâu, nói pháp gì, tôn giả đều có mặt. Bởi vậy trong tăng đoàn, tôn giả là người đã “nghe được nhiều nhất”, và được mọi người cùng tôn xưng là bậc “đa văn đệ nhất”. Với nhiệm vụ thị giả, tôn giả đã hầu hạ, săn sóc đức Phật tận tâm tận lực, từ việc lớn đến việc nhỏ đều chu toàn trọn vẹn, không sơ suất, không lỗi lầm. Đối với mọi người thì tôn giả hết sức khiêm cung, lịch sự, hòa nhã, thân ái. Cũng nhờ nhiệt tình của tôn giả mà đức Thế Tôn đã cho phép nữ giới xuất gia, và giáo đoàn tì kheo ni đã được thành lập. Bởi vậy, ni chúng đã tôn thờ tôn giả là vị cao tổ của mình. Tuy thông minh, nghe nhiều, và đức độ như vậy, nhưng tôn giả lại là người chứng ngộ chậm nhất trong tăng đoàn. Mãi đến ba tháng sau ngày Phật nhập diệt, ngay buổi tối trước ngày khai mạc đại hội kết tập kinh điển lần đầu, nhờ sự “đánh thức” của tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakasyapa), tôn giả mới chứng quả A-la-hán! Với sự kiện này, tôn giả đã được chấp thuận cho tham dự đại hội kết tập (gồm 500 vị A-la-hán), và đã được toàn thể thánh chúng cung thỉnh lên pháp tòa để đọc tụng lại toàn bộ những lời dạy của đức Phật trong suốt 45 năm qua, làm thành tạng Kinh trong Ba Tạng giáo điển Phật giáo. Khi tuổi thọ xấp xỉ 80, tôn giả đã được tôn giả Đại Ca Diếp (trên 100 tuổi) truyền tâm pháp và ủy thác trọng trách lãnh đạo giáo hội. Đến năm 120 tuổi, tôn giả lại truyền tâm pháp và giao phó trách nhiệm lãnh đạo giáo hội cho đệ tử là tôn giả Thương Na Hòa Tu (Sana-vasin); rồi nhập niết bàn. (Xin xem sự tích đầy đủ chi tiết hơn về tôn giả A Nan, ở sách Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật, Hạnh Cơ dịch.)

– Ma Đăng Già (Matanga): là tiếng người Ấn-độ dùng gọi chung cho dân hạ tiện phái nam; dân hạ tiện phái nữ thì gọi là Ma Đăng Kì (Matangi). Loại tiện dân này sống bằng nghề quét đường. “Ma Đăng Già nữ” (được đề cập trong kinh Thủ Lăng Nghiêm mà tác giả đã nói đến) nghĩa là con gái của nhà Ma Đăng Già, hay nói vắn tắt là “nàng Ma Đăng Già”. Theo pháp sư Viên Anh, trong sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, “Ma Đăng Già” dịch ra Hán ngữ là “hạ tiện chủng” (dòng hạ tiện), là tên của người mẹ. Con gái của bà tên là Bát Kiết Đề, dịch là “bản tánh”, nghĩa là tuy mang thân làm dâm nữ, nhưng bản tính không mất. Nàng được gọi theo tên mẹ, nên gọi là nàng Ma Đăng Già.

– Sa Tì Ca La (Kapila): là tên một ông tiên thời cổ Ấn-độ, được coi là vị tổ của phái Số Luận. Ông chuyên tu khổ hạnh, thờ phụng Phạm Thiên mà được thần chú gọi là “Tiên Phạm Thiên”. Đó là một loại tà thuật làm cho người khác bị mê muội, không còn tỉnh táo, tự chủ được. Đây là một trong các chú thuật ác độc mà đức Thế Tôn từng cấm thọ trì; vì ai thọ trì các loại chú này, đều sẽ phải đọa vào ba đường dữ. Theo pháp sư Viên Anh, trong sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, Sa Tì Ca La dịch ra Hán ngữ là “hoàng phát”, hay “kim đầu” (tóc vàng), thuộc phái ngoại đạo tu khổ hạnh. Ông đã truyền thần chú Tiên Phạm Thiên cho bà Ma Đăng Già. Khi con gái của bà (Bát Kiết Đề, hay nàng Ma Đăng Già) vừa trông thấy tôn giả A Nan, tướng hảo trang nghiêm, liền sinh tâm ái nhiễm. Vì năm trăm năm trước trong thời quá khứ, nàng đã cùng với A Nan từng là vợ chồng, cho nên bây giờ, tập khí ái dục chưa mất, nên vừa thấy A Nan, tâm liền mừng vui, muốn được A Nan làm chồng; bèn nhờ mẹ giúp. Ban đầu, bà thấy tôn giả là người xuất gia, đã cắt đứt ái dục, nên bà không chấp thuận; nhưng nàng nài nỉ quá, bà thương con, bất đắc dĩ phải chiều ý nàng. Bà bèn dùng thần chú Tiên Phạm Thiên (do Sa Tì Ca La truyền cho), làm cho tôn giả bị mê hoặc, cứ như ngây dại,không còn tỉnh táo nữa. Đức Phật đã kịp thời sai Bồ-tát Văn Thù đem thần chú Lăng Nghiêm đến hóa giải, cứu tôn giả A Nan thoát khỏi dâm nạn; và nhờ có túc duyên, nàng Ma Đăng Già cũng được theo tôn giả A Nan về gặp Phật, được Phật khai thị, liền chứng quả Bất-hoàn.

– Xá Lợi Phất (Sariputra): là một trong mười vị đệ tử lớn của Phật. Tôn giả là người nước Ma-kiệt-đà (Magadha), ở trong một làng thuộc vùng ngoại ô kinh thành Vương-xá (Rajagrha). Thân mẫu của tôn giả vốn là con gái của một nhà luận sư Bà-la-môn nổi tiếng ở thành Vương-xá; vì vậy mà tôn giả bẩm tính thông minh khác thường. Từ lúc 8 tuổi, tôn giả đã thông hiểu cả bốn kinh Phệ Đà; 16 tuổi đã có thể dùng nghị luận để khuất phục người khác, khiến cho người cậu (vốn là một vị luận sư được mọi người kính nể) cũng phải nể vì. Tôn giả có người bạn thân ở làng kế cận, tên là Mục Kiền Liên (Maudgalyayana). Cả hai người có cùng chí hướng, cùng nhận thức được sự vô thường, tạm bợ của cuộc đời, nên vừa trưởng thành, cả hai cùng có ý đi tìm thầy học đạo giải thoát. Hai người bèn rủ nhau đến xin tu học với đạo sĩ San Xà Da (Sanjaya), rất nổi tiếng ở thành Vương-xá. Vốn thông minh tài trí hơn người, chỉ bảy ngày bảy đêm sau, hai người đều đạt được trình độ tương đương với thầy; được cả 250 người bạn cùng tu học tôn làm thượng thủ. Tuy vậy, hai người vẫn không bằng lòng với sở đắc của mình, vì vẫn chưa thấy được con đường giải thoát. Bởi vậy, hai người đã giao hẹn cùng nhau rằng, hễ ai chứng đạt được đạo lớn trước thì phải chỉ bảo ngay cho người kia; hoặc giả ai tìm được minh sư trước thì phải dìu dắt người kia đi theo. Vào năm thứ hai sau ngày thành đạo, đức Phật dẫn giáo đoàn hành hóa tại thành Vương-xá. Một hôm, đại đức A Thị Thuyết (Asvajit) ôm bình bát vào thành khất thực. Xá Lợi Phất trông thấy đại đức oai nghi đoan chánh, bước đi cẩn trọng, trong tâm bỗng nẩy sinh niềm cảm kính; bèn hỏi thăm đại đức là ai, tu tập pháp gì, thờ ai làm thầy. Đại đức bèn đem pháp nhân duyên do Phật dạy để khai thị, rồi chỉ chỗ Phật đang ngự cho Xá Lợi Phất biết. Như được cơ duyên lớn, Xá Lợi Phất vui mừng khôn xiết, lập tức trở về thông báo cho Mục Kiền Liên biết. Hôm sau hai người cùng xin từ biệt đạo sĩ San Xà Da để đi đến chỗ Phật ngự; cả 250 đồ chúng ở đó cũng đồng lòng xin theo hai vị cùng đến chỗ Phật. Tất cả đều được đức Phật hoan hỉ thu nhận vào giáo đoàn, và chẳng bao lâu hai vị đều chứng quả A-la-hán. Từ đó tôn giả Xá Lợi Phất luôn luôn kề cận bên Phật để phụ giúp Ngài trong việc hoằng hóa, và trở thành vị thượng thủ của giáo đoàn. Với trí tuệ vượt trội mọi người, tôn giả lại được mọi người tôn xưng là vị có “trí tuệ bậc nhất” trong giáo đoàn. Chính tôn giả là người đã được đức Phật ủy thác trông coi công trình xây cất tu viện Kì-viên (Jetavana) ở kinh đô Xá-vệ (Sravasti) của vương quốc Kiều-tát-la (Kausala). Lúc đó bước chân hoằng hóa của Phật chưa đặt đến nơi này, nhưng nhờ vào trí tuệ siêu việt và biện tài vô ngại của chính mình, tôn giả đã thu phục biết bao nhiêu đạo sĩ ngoại đạo lỗi lạc, đem họ về với chánh pháp – trước khi Phật và giáo đoàn đến đây mở đạo tràng tại tu viện Kì-viên. Khi đức Phật về già, đại đức Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) đã phân rẽ tăng đoàn của Phật, dụ dỗ năm trăm tì kheo theo ông vào núi Tượngđầu (Già-da – Gaya) để lập giáo đoàn riêng do ông làm giáo chủ; nhưng sau đó, chính tôn giả Xá Lợi Phất đã cùng tôn giả Mục Kiền Liên vào núi thuyết phục và khuyên nhủ năm trăm tì kheo ấy hồi tâm, quay về với đức Phật. Tôn giả đã viên tịch trước Phật ba tháng. (Xin xem sự tích đầy đủ chi tiết hơn về tôn giả Xá Lợi Phất, ở sách Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật, Hạnh Cơ dịch.)

– Mục Kiền Liên (Maudgalyayana): là một trong mười vị đệ tử lớn của Phật, và được mọi người tôn xưng là vị có “thần thông bậc nhất” trong tăng đoàn. Tôn giả là con của một gia đình Bà-la-môn, ở làng kế cận làng của tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả cùng với tôn giả Xá Lợi Phất vốn là bạn chí thân, cùng là bậc thông minh tài trí hơn người, lớn lên cùng học một thầy là đạo sĩ San Xà Da, rồi cùng theo Phật xuất gia làm tì kheo. Sau khi chứng quả A-la-hán, tôn giả cũng cùng tôn giả Xá Lợi Phất thường kề cận bên đức Phật để giúp Ngài trong công việc hoằng hóa. Cả hai vị đều là bậc thượng thủ trong tăng đoàn. Tôn giả Mục Kiền Liên, ngoài sở trường về thần thông, còn nổi tiếng là người có hiếu, vì đã cứu được mẹ thoát khỏi cảnh khổ Ngạ-quỉ. Công tác hoằng hóa đặc sắc của tôn giả là việc hóa độ cho thiếu phụ Liên Hoa Sắc (Utpalavarna), từ một nàng kĩ nữ lừng danh trở thành một vị tì kheo ni gương mẫu, chứng quả A-la-hán, có thần thông số một trong hàng ni chúng. Cuối đời, tôn giả đã bị ngoại đạo, vì ganh ghét, đã chận đường và dùng gạch đá gậy gộc hành hung cho đến chết. Chính đức Phật đã cho xây tháp bên cổng tu viện Trúc-lâm để thờ tôn giả. Sự việc này xảy ra chỉ vài tháng trước khi tôn giả Xá Lợi Phất viên tịch. (Xin xem sự tích đầy đủ chi tiết hơn về tôn giả Mục Kiền Liên, ở sách Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật, Hạnh Cơ dịch.)

– Đại Ca Diếp (Maha-kasyapa): là một trong mười vị đệ tử lớn của đức Phật. Tôn giả xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn, là người con độc nhất trong một gia đình cự phú ở ngoại ô kinh thành Vương-xá của vương quốc Ma-kiệt-đà. Tương truyền, tài sản của gia đình Đại Ca Diếp còn nhiều hơn tài sản của quốc vương đương thời là Tần Bà Sa La (Bimbisara). Tôn giả được sinh ra dưới gốc cây, và có gần đủ 32 tướng tốt của đức Phật. Đến tuổi trưởng thành, Đại Ca Diếp vâng lệnh song thân lập gia đình, nhưng cả hai vợ chồng đều cùng có chí nguyện xuất gia học đạo, nên trong suốt mười hai năm chung sống, hai người vẫn giữ tròn phạm hạnh, dứt tuyệt ái ân; cho đến khi song thân đều qua đời, Đại Ca Diếp liền thực hiện chí nguyện, rời nhà ra đi, hẹn ước với vợ rằng, khi nào tìm được minh sư, sẽ trở về dẫn bà cùng đi học đạo. Tương truyền, ngày Đại Ca Diếp rời nhà đi tìm thầy học đạo, cũng là ngày đức Thế Tôn thành đạo. Vậy mà tôn giả đã phải đi chu du khắp nơi, mãi đến khi tu viện Trúc-lâm (ở ngoại ô thành Vươngxá) xây cất xong (vào năm thứ hai sau ngày Phật thành đạo), Phật và giáo đoàn về hành đạo tại đó, tôn giả mới có duyên được gặp Phật, và được xuất gia theo Phật tu học; rồi năm năm sau nữa, khi chúng tì kheo ni đã được Phật cho phép thành lập, tôn giả mới độ được cho bà vợ trước kia cùng xuất gia theo Phật. Trước khi xuất gia, tôn giả thừa kế một gia sản giàu sang địch quốc là thế, vậy mà, sau khi xuất gia, tôn giả lại chỉ chuyên tu hạnh đầu đà (khổ hạnh). Tôn giả sống khắc khổ đến nỗi đức Phật cũng phải ái ngại, nhất là khi tuổi đã về già, sức khỏe đã mòn mỏi. Cho nên, đã có vài lần đức Phật phải khuyên bảo, nhưng tôn giả vẫn cương quyết giữ chí nguyện. Bởi vậy, tôn giả đã được mọi người tôn xưng là vị trưởng lão tu hạnh đầu đà bậc nhất trong tăng đoàn. Tôn giả đã được đức Thế Tôn truyền cho tâm pháp, và sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, tôn giả đã kế thừa trọng nhiệm lãnh đạo giáo hội. Với sự hộ pháp của vua A Xà Thế (Ajatasatru – con vua Tần Bà Sa La, kế vị làm vua nước Ma-kiệt-đà), tôn giả đã tổ chức và chủ trì cuộc kết tập kinh điển lần đầu tiên tại ngoại ô thành Vương-xá, ba tháng sau ngày Phật nhập niết bàn. Tôn giả thọ trên một trăm tuổi. Trước khi viên tịch, tôn giả đã truyền tâm pháp cùng trọng trách lãnh đạo giáo hội cho tôn giả A Nan. Do sự tích “niêm hoa vi tiếu”, tôn giả được tôn xưng là Sơ Tổ của Thiền tông. (Xin xem sự tích đầy đủ chi tiết hơn về tôn giả Đại Ca Diếp, ở sách Mười Vị Đệ Tử Lớn của Phật, Hạnh Cơ dịch.)

– Năm dục (ngũ dục): Tất cả những gì có sức quyến rũ trong cõi Dục này, được giáo lí đạo Phật bao gồm trong năm thứ. Chúng là đối tượng ham muốn của con người. Rồi từ ham muốn mà gây ra bao nhiêu tội ác, đau khổ. Năm thứ đó là: 1) Tiền của (tài): chỉ cho tất cả những gì có thể làm nên tài sản vật chất của con người; 2) Sắc dục (sắc): cũng gọi là ái dục, tức là tình dục, lạc thú thể xác của con người do sự dâm dục đem lại; 3) Danh vị (danh): danh vọng và địa vị của con người trong xã hội; 4) Ăn uống (thực): tất cả những gì có thể ăn và uống để nuôi mạng sống của con người; 5) Ngủ nghỉ (thụy): sự ngủ nghỉ và tất cả những vật dụng, tiện nghi liên quan đến nó.

Chú ý: Chữ “sắc” ở đây chỉ dùng hạn hẹp, để chỉ cho sắc dục, tức đời sống tình dục giữa nam nữ; khác với chữ “sắc” trong từ “sắc pháp”, chỉ cho mọi hiện tượng vật lí và sinh lí trong vũ trụ. Nó cũng khác với chữ “sắc” trong từ “sắc uẩn” (một trong năm uẩn), chỉ cho thân thể (phần sinh lí) của con người.

Ở một phương diện khác, năm thứ “dục” cũng được kể là: 1) Các thứ hình sắc tốt đẹp ở trần gian (sắc – đối tượng ham muốn của mắt); 2) Các thứ âm thanh tuyệt diệu (thanh – đối tượng ham muốn của tai); 3) Các loại mùi hương thơm quí (hương – đối tượng ham muốn của mũi); 4) Các vị ngon ngọt (vị – đối tượng ham muốn của lưỡi); 5) Các sự chạm xúc êm dịu, đê mê của da thịt (xúc – đối tượng ham muốn của thân).

Chú ý: Chữ “sắc” ở đây chỉ chung cho “sắc cảnh”, tức là đối tượng của nhãn căn; khác với ba chữ “sắc” vừa nêu trên (tức sắc dục, sắc pháp và sắc uẩn.)

Tất cả các thứ “dục” kể trên đều là y báo của con người; cho nên, chúng là những nhu cầu đương nhiên của đời sống con người. Nếu người nào “biết đủ”, thì chúng chính là những phương tiện hữu ích cho đời sống; chúng không bị gọi là “dục”. Nhưng, con người phần nhiều tham lam, ích kỉ, không biết đủ, độc ác, cho nên chúng đã trở thành những miếng mồi nguy hiểm, làm cho con người mê muội, chìm đắm, đọa lạc; bởi vậy mà chúng bị gọi là “dục”.

– Sau những bài “Trích Đọc Kinh Văn”, tác giả có đặc biệt thêm phần “Kinh Văn Ngữ Dịch” để chuyển dịch các đoạn kinh văn nguyên bản cổ văn (khó hiểu) ra văn bạch thoại, cốt cho người đời nay dễ đọc dễ hiểu.

– “Thu Thanh Phú” là bài phú của Âu Dương Tu (1007-1072), diễn tả tính chất mùa thu. “Nhạc Dương Lâu Kí” là bài kí của Phạm Trọng Yêm (989-1052), nói lên cảm khái của mình về lầu Nhạcdương (ở huyện Nhạc-dương, tỉnh Hồ-nam, Trung-quốc). Cả hai người đều là bậc danh sĩ dưới triều vua Nhân-tông (1023-1063) đời Tống (960-1279).

– Lam bản: bản gốc của một tác phẩm, dùng làm căn cứ cho mọi công trình khảo luận, biên soạn liên quan đến tác phẩm đó.

– Dịch kinh: Người Trung-quốc dùng từ “dịch kinh” để chỉ chung cho công việc phiên dịch ba tạng giáo điển (Kinh Luật Luận) từ Phạn văn (đôi khi cũng có Tạng văn) ra Hán văn. Các công trình dịch kinh ở Trung-quốc thời xưa, hầu hết là do chiếu chỉ của vua, cho nên, sau tên dịch giả, thường có ghi thêm mấy chữ “phụng chiếu dịch”. Và như vậy, việc dịch kinh cũng do triều đình bảo trợ, xây cất những viện dịch kinh rộng lớn, qui mô để chuyên dùng cho việc này. Thường thì việc dịch kinh không phải chỉ do một người, cho nên, trong một viện dịch kinh, triều đình cho thành lập một hội đồng phiên dịch, gồm toàn các vị cao tăng ưu tú. Một vị pháp sư tinh thông cả Phạn văn lẫn Hán văn được cử làm chủ tịch của hội đồng phiên dịch này, thường được gọi là “tam tạng pháp sư”. Trong hội đồng phiên dịch, vị này được gọi là “dịch chủ”; dưới vị này có tám vị cao tăng phụ tá: chứng nghĩa, chứng văn, thơ tự, bút thọ, chuyết (xuyết) văn, tham dịch, san định, và nhuận văn; – cả thảy gồm 9 vị, được gọi là “dịch trường cửu vị”. Tất cả quí vị trong hội đồng phiên dịch đều được triều đình kính trọng và bảo hộ, cúng dường mọi thứ tiện nghi cần thiết, được coi như quan viên của triều đình, cho nên đều được gọi là “dịch quan”. Các kinh luận chỉ được dịch một lần thì gọi là “đơn dịch”; được dịch nhiều lần (nhiều người dịch trùng một quyển kinh nguyên bản) thì gọi là “trùng dịch, dị dịch, hay đồng bản dị dịch”. Những bản dịch không đề tên dịch giả, gọi là “thất dịch”. Những dịch phẩm từ ngài Huyền Trang (thế kỉ thứ 7) trở về sau, gọi là “tân dịch”; trước đó thì gọi là “cựu dịch”; đôi khi, những dịch phẩm có trước ngài Cưu Ma La Thập (thế kỉ thứ 4), được gọi là “cổ dịch”.

Liên quan đến việc dịch kinh từ Phạn văn ra Hán văn, ngài Đạo An (312-385) đời Đông Tấn (317419) có đưa ra “năm trường hợp không theo sát nguyên bản” trong khi dịch kinh (gọi là “ngũ thất, hay ngũ thất bản”): 1) Do văn pháp khác nhau giữa nguyên ngữ (tức Phạn ngữ) và Hán ngữ nên khi dịch phải dùng câu đảo trang. 2) Văn thể của nguyên điển (tức Phạn điển) chất phác, rất ít tu sức ngữ; khi dịch phải dùng tu sức ngữ cho phù hợp với Hán ngữ. 3) Nguyên điển thường có nhiều câu nói lặp đi lặp lại nhiều lần, rất là phiền toái; khi dịch ra Hán ngữ thì bỏ bớt những câu trùng lặp đó. 4) Trong kinh văn nguyên điển thường xen lẫn những lời chú giải; trong văn Hán dịch thì lược bỏ những lời chú giải này. 5) Nguyên điển nói xong một sự việc, khi nói sự việc kế tiếp, thường lặp đi lặp lại văn từ đã nói trong sự việc trước; trong văn Hán dịch, những phần trùng lặp như thế, thường được lược bỏ đi. Đó là năm sự trạng không theo sát nguyên bản trong khi dịch kinh. Ngài cũng đề ra “ba sự kiện khó khăn” (gọi là “tam bất dị”) trong khi dịch kinh: 1) Thánh điển được thành lập dựa trên ngữ ngôn và phong tục của người đương thời, nhưng rồi vật đổi sao dời, thời tục biến đổi, nếu muốn thích hợp với thời đại thì sự phiên dịch quả thật là khó! 2) Không luận khoảng cách giữa thánh nhân và phàm phu nhiều hay ít, mà muốn cho pháp âm vi diệu của thánh nhân từ ngàn xưa, thích hợp với phong tục của chúng phàm ngu hậu thế, thì sự phiên dịch quả thật là khó! 3) Khi tôn giả A Nan đọc tụng lại kinh điển (trong kì kết tập thứ nhất), thời gian cách Phật tại thế không lâu, rồi sau đó, trải qua vô số sự hiệu đính, ghi chép của các bậc thánh tăng, từ đó mà thánh giáo mới được lưu truyền; người đời sau nếu đem cái kiến thức thiển cận mà dịch kinh, dù có muôn phần cẩn thận, cũng không thể nào tránh khỏi sai lầm; cho nên biết, sự dịch kinh quả thật là khó! Năm sự kiện không theo sát nguyên bản và ba sự kiện khó khăn trong khi dịch kinh do ngài Đạo An đưa ra, được gọi chung là “ngũ thất tam bất dị” (năm mất ba không dễ).

Ngài Huyền Trang (602?-664) đời Đường (618-907) lại đưa ra năm trường hợp không phiên dịch (không dịch nghĩa, chỉ phiên âm, từ Phạn ngữ ra Hán ngữ): 1) Những lời nói bí mật, như “đà-la-ni”, không phiên dịch. 2) Những từ hàm nhiều ý nghĩa, như “bà-già-phạm”, không phiên dịch. 3) Những vật gì không thấy có ở Trung-quốc, như cây “diêm-phù”, không phiên dịch. 4) Những từ đã được dịch âm ở thời “cổ dịch” trước kia, mọi người đã dùng quen, như “a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”, không phiên dịch. 5) Những từ mà người vừa nghe liền phát thiện tâm, như từ “bát-nhã”, vừa nghe liền sinh niềm tin tưởng, nếu dịch ra thành “trí tuệ” thì sợ người ta xem nhẹ; vì tôn trọng cho nên không phiên dịch.

Đạo tràng dịch kinh được gọi là “dịch kinh viện”. Tương truyền, công việc dịch kinh bắt đầu từ khoảng niên hiệu Vĩnh-bình (58-75) thời vua Minh đế nhà Đông-Hán (25-220). Đó là thời kì sơ khai, dịch kinh viện chưa được thành lập. Việc dịch kinh lúc đó được thực hiện ở chùa Bạch-mã trong thành Lạcdương. Thời Tam-quốc (220-280), vua Tôn Quyền (222-252) của nước Ngô xây chùa Kiến-sơ (năm 247) ở kinh đô Kiến-nghiệp (Nam-kinh), thỉnh thiền sư Khương Tăng Hội (?-280) từ Giao-châu (tức Việt-nam) sang trụ trì và dịch kinh. Đời Tấn (255-419), các ngài Đạo An (312?-385), Cưu Ma La Thập (344?413?), v.v… dịch kinh tại chùa Ngũ-trùng ở Trường-an. Thời Nam-triều (420-589), các chùa Kì-hoàn ở Kiến-khang (Nam-kinh), Vĩnh-ninh ở Lạc-dương, Tứ-thiên-vương ở Trường-an, v.v… được dùng làm đạo tràng dịch kinh. Năm 606, vua Dạng đế (605-618) nhà Tùy (581-619) cho xây cất “Phiên-kinh viện” trong vườn Thượng-lâm ở Lạc-dương, đó là đạo tràng dịch kinh riêng biệt đầu tiên được thiết lập. Năm 648, vua Thái-tông (627-649) nhà Đường xây Phiên-kinh viện ở phía Tây Bắc chùa Đại-từ-ân ở Trườngan để chuyên dùng cho việc dịch kinh. Đến đời Tống (960-1279), vua Thái-tông (976-997) đã cho xây “Dịch-kinh viện”; sau đó lại đổi thành Truyền-pháp viện; và lập Ấn-kinh viện ngay bên cạnh để in kinh sách. Đó là đại lược về công việc phiên dịch Tam Tạng giáo điển ở Trung-quốc.

– Dịch chủ: là vị tam tạng pháp sư đứng đầu hội đồng phiên dịch gồm chín vị (dịch trường cửu vị). Vị này ngồi ở ghế chủ tọa, tuyên đọc Phạn văn của bộ kinh được phiên dịch.

– Chứng nghĩa: là một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch, ngồi bên trái của vị dịch chủ, có nhiệm vụ thẩm tra, đánh giá Phạn văn, hoặc xét đoán văn dịch có chính xác hay không.

– Chứng văn: một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch, ngồi bên phải của vị dịch chủ, có nhiệm vụ thẩm xét Phạn văn mà vị dịch chủ tuyên đọc là đúng, hay có chỗ nào sai sót.

– Thơ tự: cũng gọi là “thơ tự Phạn học tăng”, là một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch, có nhiệm vụ nghe đọc Phạn văn, rồi theo âm tiếng Phạn mà viết thật đúng y ra chữ Hán.

– Bút thọ: một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch, giữ nhiệm vụ dịch Phạn văn ra Hán văn.

– Chuyết văn: một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch, giữ nhiệm vụ nối kết văn tự làm thành câu.

– Tham dịch: cũng gọi là “Chứng Phạn ngữ”, là một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch, giữ nhiệm vụ đối chiếu giữa Phạn văn và Hán văn, coi chỗ nào đúng, chỗ nào sai.

– San định: một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch, giữ việc cắt bỏ những lời rườm rà để ổn định ý nghĩa của câu văn.

– Nhuận văn: một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch, giữ nhiệm vụ tu sức văn từ cho sáng sủa, đẹp đẽ.

– Chỉ Quán: tức sách Ma Ha Chỉ Quán, là một bộ luận gồm 10 quyển, hoàn thành năm 594, do đại sư Quán Đảnh (561-627) ghi lại các thời thuyết giảng của sư phụ là đại sư Trí Khải (538-597).

– Ngộ Đạt (811-883): vị cao tăng đời Đường, họ Trần, pháp danh Tri Huyền (có nơi nói là Trí Huyền), quê ở Tứ-xuyên. Từ lúc ấu thơ, mỗi lần trông thấy hình dáng chư tăng hay tượng Phật thì lòng mừng rỡ. Năm 7 tuổi, một hôm đến chùa Ninh-di nghe đại sư Pháp Thái giảng kinh Niết Bàn, thì phảng phất như thấy được nguyên nhân đời trước; đêm ấy nằm mộng thấy đức Phật ở chánh điện chùa ấy lấy tay xoa đầu mình. 11 tuổi xuất gia với đại sư Pháp Thái, chuyên học tập kinh Niết Bàn, chỉ hai năm sau, đã vâng lệnh thừa tướng, thăng đường thuyết pháp, thính chúng có đến hơn vạn người, đều khen ngợi là bậc trí tuệ siêu phàm, và tôn xưng là Trần Bồ Tát. Về sau, ngài thọ giới cụ túc với Biện Trinh luật sư, rồi theo học Duy Thức với Tín pháp sư ở chùa An-quốc; và tự mình nghiên cứu kinh sách và các học thuyết của bách gia chư tử. Tiếng nói của ngài vốn phát âm theo làng xóm cũ, rất khó khăn trong việc giảng kinh, cho nên thường lo ngại, bèn trì tụng chú Đại Bi. Một đêm kia nằm mộng, thấy có vị thần tăng thay cho cái lưỡi khác, tỉnh dậy, bỗng thấy tiếng nói của mình thay đổi hẳn. Khoảng năm 30 tuổi, ngài du hành đến kinh đô Trường-an, gặp lúc vua Đường Võ-tông (841-846) đang sùng phụng Đạo giáo, xuống chiếu mời ngài cùng với đạo sĩ tranh luận. Ngài khẳng khái biện luận, nói thẳng mà không sợ hãi, tưởng như có thể bị bắt tội; nhưng, dù nhà vua không chấp nhận luận cứ của ngài, vẫn khâm phục cái kiến thức cao rộng của ngài. Rồi ngài ở hẳn tại đây để tu học và hành đạo. Trong thời gian này, ngài tình cờ được dịp săn sóc cho một vị tăng người Ấn, ở cùng chùa. Vị tăng này bị bệnh ghẻ lở cùng mình, hôi hám, dơ dáy, trong chùa ai cũng xa lánh, nhưng ngài không hề coi thường, mà rất kính trọng, nhẫn nại hầu hạ, săn sóc trong suốt hai năm trời; cho đến khi vị tăng lành bệnh, rời chùa ra đi. Vì cảm kích lòng chân thành của ngài, trước khi đi, vị tăng có dặn ngài: “Sau này thầy sẽ gặp nạn. Lúc đó thầy hãy đến núi Cửu-lũng ở Bành-châu, đất Thục tìm tôi, sẽ được giúp đỡ. Nên nhớ, trên núi, chỗ có hai cây tùng mọc song song, cao ngất.” Đến đời vua Tuyên-tông (847-860), ngài được triệu vào đại nội giảng kinh, được vua ban cho áo cà sa tía, bổ làm thủ tọa cả ba giáo phái (Phật, Khổng và Lão). Đời vua Ý-tông (860874), ngài được phong làm Ngộ Đạt quốc sư, thỉnh trú trì chùa An-quốc, và ban cho pháp tòa làm toàn bằng gỗ trầm hương, ân lễ vô cùng trọng hậu; nhân đó mà sinh niệm tự mãn, đắc ý; tức thì một mụt ghẻ phát sinh ở phía trên đầu gối. Mụt ghẻ trông giống như mặt người, hôi tanh, đau nhức không thể tưởng tượng được. Các vị danh y trong nước cố gắng chữa trị, kéo dài cả năm trời mà mụt ghẻ vẫn không lành. Bỗng ngài sực nhớ đến lời dặn dò của vị tăng người Ấn mười mấy năm về trước, bèn một mình chống gậy đi về đất Thục. Tại đây, quả nhiên ngài gặp lại vị tăng trong một ngôi chùa tráng lệ trên núi Cửu-lũng, chỗ có hai cây tùng đứng song song, cao ngất. Ngài nghỉ lại qua đêm trong chùa. Sáng sớm hôm sau, chú thị giả của vị tăng dẫn ngài xuống dòng suối “giải oan” ở dưới chân núi, vục nước suối này để rửa mụt ghẻ. Ngài vừa thò tay xuống suối thì mụt ghẻ mặt người liền la lớn: “Hãy khoan rửa! Ngài kiến thức xa rộng, tinh thông cổ kim, nhưng không biết ngài đã đọc truyện Viên Áng – Triều Thố trong sách Tây Hán chưa?” Ngài trả lời: “Tôi có đọc.” Mụt ghẻ nói tiếp: “Nếu đọc rồi, chắc ngài nhớ chuyện Triều Thố đã từng bị Viên Áng giết oan? Ngài tức là Viên Áng; còn tôi đây chính là Triều Thố, đã bị ngài chém ngang lưng ở chợ Đông, oan ức biết chừng nào! Đã bao đời tôi muốn báo thù, nhưng trong cả mười đời vừa qua ngài đều là bậc cao tăng, giới luật tinh nghiêm, tôi không thể nào báo thù được. Đời này, vì hưởng được ân sủng của vua mà ngài khởi tâm danh lợi, phước đức bị hao tổn, tôi mới nhân đó mà báo được mối thù xưa. Nay nhờ tôn giả Ca Nặc Ca (Kaniska) dùng nước pháp tam muội tẩy trừ oan nghiệp, khiến cho tôi được giải thoát. Vậy từ nay, oán kết giữa tôi và ngài đã chấm dứt. Tôi đi đây, ngài hãy vục nước mà rửa đi!” Ngộ Đạt nghe thế, vô cùng kinh sợ, lập tức vục nước suối lên rửa. Nước vừa chạm mụt ghẻ, ngài cảm thấy đau đớn tận xương tủy, nằm lăn ra bất tỉnh. Khi tỉnh dậy thì không còn thấy mụt ghẻ đâu nữa, hoàn toàn lành lặn, đi lại bình thường. Ngài muốn lên núi để tạ ân tôn giả Ca Nặc Ca, nhưng nhìn lên đỉnh núi, ngôi chùa tráng lệ hôm qua, cả hai cây tùng cao ngất nữa, đều biến mất, không còn dấu vết. Rồi ngài dựng am tranh ngay trong núi, ở lại tu hành. Từ đó ngài không rời khỏi núi, cho đến cuối đời. (Câu chuyện trên đây, dịch giả đã phối hợp giữa Phật Quang Đại Từ Điển, sách Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, và chuyện ngắn “Tùng” của hòa thượng Nhất Hạnh mà thuật lại; nhưng ở đoạn cuối cuộc đời ngài Ngộ Đạt, từ sau khi lành bệnh ở bên bờ suối, trong Phật Quang Đại Từ Điển còn chép rằng: Ngài về cư trú tại ngôi chùa cũ ở núi Đan-cảnh, Bành-châu, đất Thục. Khi vua Hi-tông (874-888) kinh lí đến đất Thục, có ghé thăm ngài, và ban hiệu cho ngài là Ngộ Đạt quốc sư. Sĩ phu trong vùng đều đến giao tiếp với ngài. Thi sĩ Lí Thương Ẩn (813-858), khi về trí sĩ, cũng về ở với ngài một thời gian lâu. Năm 73 tuổi, ngài thị tịch; trước tác có Từ Bi Thủy Sám Pháp, Thắng Man Kinh Sớ, Bát Nhã Tâm Kinh Sớ, và Kim Cang Kinh Sớ.) – Về chữ “ÁNG” trong tên Viên Áng và chữ “TRIỀU” trong tên Triều Thố, xin xem lại đoạn cuối của phụ chú số 7, bài 7 ở trước.

– Triều Thố (200-154 tr. TL), người thời Tây-Hán (206 tr. TL – 7 s. TL), từng làm quan gia lịnh cho thái tử dưới triều vua Văn đế (202-157 tr. TL), rồi ngự sử đại phu dưới triều vua Cảnh đế (188-141 tr. TL). Ông dâng sớ xin vua tước bỏ đất phong của bảy nước chư hầu (Ngô, Sở, Giao-tây, Giao-đông, Trixuyên, Tế-nam, Triệu), dùng chế độ “trung ương tập quyền” để củng cố quyền lực chính quyền trung ương. Bảy nước chư hầu nhân đó, lấy danh nghĩa trừ Triều Thố, khởi binh làm phản. Triều Thố vốn có thù oán sâu nặng với một viên quan đồng triều là Viên Áng; thừa dịp này, Viên Áng liền tâu vua giết Triều Thố để trấn an chư hầu. Vua nghe lời, cho lệnh chém Triều Thố ở chợ Đông.

– Viên Áng (?-148 tr. TL), người nước Sở thời Tây-Hán, lĩnh chức lang trung dưới triều vua Văn đế. Hoài-nam vương (em vua Văn đế) mưu phản, Văn đế đày đi đất Thục, Viên Áng can gián, nhưng vua không nghe. Quả nhiên, đi nửa đường, vương nhịn đói mà chết. Vua hối hận. Áng bèn xin vua phong vương cho cả ba người con của Hoài-nam vương để nối nghiệp cha. Văn đế thuận. Từ đó, Viên Áng rất được triều đình trọng vọng. Nhưng vì tính hay can gián thẳng thắn, làm vua khó chịu, bèn giáng chức, cho đi làm đô úy ở Lũng-tây. Lại được vua nước Ngô trọng dụng, mời làm tướng quốc, rất được hậu đãi. Viên Áng vốn không ưa Triều Thố. Hai người không bao giờ ngồi chung một chỗ, không cùng nhau nói chuyện. Khi vua Cảnh đế lên ngôi, Triều Thố được giữ chức ngự sử đại phu, bèn sai thuộc hạ tố Viên Áng nhận tài vật của Ngô vương, để trị tội. Áng bèn bị tước hết quan chức, cho về làm thường dân. Cảnh đế lại nghe lời Triều Thố, tước bỏ đất phong của bảy nước chư hầu, dùng chế độ trung ương tập quyền để củng cố chính quyền trung ương. Chư hầu tức giận, Ngô vương liền lãnh đạo cả bảy nước, lấy danh nghĩa diệt Triều Thố, khởi binh làm phản. Vua Cảnh đế lo lắng, lại cho triệu Viên Áng vào triều để nghị sự. Áng liền xin vua xuống chiếu giết Triều Thố để trấn an chư hầu. Vua y lời, xuống lệnh chém Triều Thố ở chợ Đông, và cho Áng làm quan thái thường.

– Ca Nặc Ca : hay Ca Nặc Ca Mâu Ni, tức là Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni), tên của đức Phật thứ năm trong bảy đức Phật đời quá khứ; lại là đức Phật thứ nhì trong một ngàn đức Phật trong Hiền kiếp. Vậy, với thánh tích kì bí được kể trong câu chuyện pháp sư Ngộ Đạt, tôn giả Ca Nặc Ca là một hóa thân của đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni chăng?

– Thân trung ấm: Trung ấm, cũng gọi là “trung hữu”. Con người, từ lúc chết cho đến lúc thọ sinh thân khác, cái thân trong thời gian đó được gọi là thân trung hữu (hay trung ấm). Theo luận Câu Xá, cái quá trình lưu chuyển trong vòng sinh tử luân hồi của chúng sinh, được chia làm bốn giai đoạn – gọi là bốn “hữu” (tứ hữu); ở đây xin lấy con người để nói cho dễ hiểu: 1) Cái sát na cuối cùng (ngay lúc vừa chết) của thân đời trước, là “tử hữu”. 2) Từ sau khi chết cho đến khi đủ duyên đầu thai thân đời này, sự hiện hữu của “con người” trong khoảng thời gian đó, gọi là “trung hữu”. 3) Cái sát na đầu tiên (ngay lúc vừa đầu thai) của thân đời này, là “sinh hữu”. 4) Thời gian từ sinh hữu (tức từ lúc đầu thai) cho đến lúc chết (tử hữu), gọi là “bản hữu”.

Thân trung hữu (trung ấm) này là “thức thân”, tức là nó không do tinh huyết cha mẹ sinh ra, mà là thân hóa sinh do ý, cho nên nó cũng có tên là “ý sinh” (chữ “ý” ở đây tức là thức mạt-na); nó sống nhờ mùi hương, nên còn được gọi là “thực hương”; nó mong cầu, tìm kiếm nơi thích hợp để thọ sinh thân kế tiếp, nên cũng được gọi là “cầu sinh”; nó chỉ khởi lên tạm thời trong khoảng thời gian từ tử hữu cho đến sinh hữu, cho nên cũng có tên là “khởi”. Đó là năm tên của thân trung ấm.

Thân trung ấm này quả thật là có hay không có? Đại Chúng bộ (Mahasamghikah), Thuyết Xuất Thế bộ (Lo-kottaravadinah), Kê Dận bộ (Kaukkutikah) và Hóa Địa bộ (Mahisasakah) thì chủ trương không có; Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ ((Sarvastivadah) chủ trương có. Bộ sau này còn nói, thân trung hữu của loài người dạng như con nít năm sáu tuổi, có đủ sáu căn, nhưng đó là thứ tịnh sắc cực vi tế, nên mắt trần không thể thấy được; chỉ có đồng loại trung hữu mới thấy được nhau, hoặc những người tu chứng được thiên nhãn cực tịnh mới có thể thấy được.

Thời gian tồn tại của thân trung ấm là bao lâu? Luận Tì Bà Sa (Vibhasa) cho rằng, sau khi chết liền đầu thai, cho nên thân trung ấm chỉ tồn tại trong khoảnh khắc. Luận sư Thế Hữu (Vasumitra) thì nói, nó tồn tại lâu nhất là 7 ngày. Luận sư Thiết Ma Đạt Đa cho rằng, nó tồn tại lâu nhất đến 49 ngày. Luận sư Pháp Cứu (Dharmatrata) lại nói, thời gian tồn tại của thân trung ấm không nhất định, đủ duyên thì liền đầu thai, chưa đủ duyên thì còn đó mãi. Dù có nhiều thuyết khác nhau như vậy, từ trước tới nay người ta vẫn quen cho rằng, thân trung ấm tồn tại trong vòng 7 tuần (mỗi tuần 7 ngày), tức 49 ngày. Và từ đó mà sinh ra tập tục thiết lễ cầu siêu 49 ngày để cầu phước cho người chết; nghĩa là, sau khi chết, cứ một tuần (7 ngày) làm lễ tụng kinh siêu độ một lần, hết 7 tuần là hoàn mãn – hết thân trung ấm. Người thế tục quan niệm rằng, trong thời gian 49 ngày đó, vong hồn người chết ở trong cõi âm, mơ hồ, không sáng suốt, cho nên cần phải cầu xin phước lành cho họ.

Về tập tục tụng kinh siêu độ cho người chết, theo hòa thượng Đạo An (1907-1977), vốn không phải là một tập tục truyền thống của Phật giáo. Tập tục này chỉ bắt đầu có ở Trung-quốc từ đời nhà Đường. Điều này có thể đúng, vì theo sử chép, thì năm 738, vua Đường Huyền-tông (712-756) đã ban sắc lệnh cho toàn quốc, ở mỗi quận đều xây một ngôi chùa, đều đặt tên là chùa Khai-nguyên. (Khai-nguyên là niên hiệu thứ nhì của vua Huyền-tông, từ năm 713 đến năm 741.) Đó là chùa công, do các quan lại địa phương trông coi, dùng làm nơi tổ chức các lễ tiết quốc gia, kì cầu quốc thái dân an. Việc làm này vừa có ý nghĩa đem ân huệ của Phật ban đến quốc dân, cũng vừa để biểu thị quyền uy của chính quyền trung ương. Năm 755, An Lộc Sơn (?-757) nổi loạn, kéo binh về chiếm kinh thành, khiến vua Huyền-tông phải chạy vào Tứ-xuyên lánh nạn. Một năm sau thì quân triều đình dẹp yên giặc loạn. Trong một năm chiến tranh này, số người chết (chiến sĩ của cả hai bên và thường dân) nhiều vô kể. Triều đình bèn ra chỉ dụ cho tất cả các chùa Khai-nguyên trong toàn quốc, thỉnh chư vị cao tăng đại đức, thiết lễ tụng kinh siêu độ cho chiến sĩ và thường dân đã chết trong cuộc chiến vừa qua, đồng thời an ủi các gia đình nạn nhân. Nhân dân thấy triều đình làm như thế, bèn bắt chước làm theo, cứ mỗi khi trong nhà có người chết, liền thỉnh chư tăng tụng kinh siêu độ. Từ đó mà lễ cầu siêu độ cho người chết, trở thành một tập tục trong dân gian.

– Đại lục: là phần đất liền rộng lớn của địa cầu; các châu Á, Âu, Mĩ, Úc, Phi, đều là đại lục. Đặc biệt, từ “đại lục” ở đây, được người Hoa dùng để chỉ cho nước Cộng-hòa Nhân- dân Trung-hoa (tức Trungquốc, hay Trung-cộng).