GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 19
DUYÊN GIÁC THỪA và MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN (phần 1)

Hai cỗ xe nhỏ Thanh-văn và Duyên-giác thường được gọi là “Nhị thừa” (hai cỗ xe). Cỗ xe Thanh-văn thì y vào nguyên lí bốn sự thật mà khởi tâm tu hành; cỗ xe Duyên-giác thì y vào nguyên lí mười hai nhân duyên mà khởi tâm tu hành. Đó là chỗ khác nhau giữa hai cỗ xe.

“Bích-chi-ca Phật-đà”, gọi giản lược là “Bích- chi Phật”, cựu dịch là Duyêngiác, tân dịch là Độc-giác. Theo giáo nghĩa tông Thiên Thai1, Duyên-giác và Độcgiác không giống nhau: Một loại hành giả nghe Phật dạy nguyên lí mười hai nhân duyên mà giác ngộ, gọi là “DUYÊN-GIÁC”. Một loại hành giả khác, sinh vào thời không có Phật cho nên không có cách nào được nghe pháp, nhưng nhờ có sức tu học từ đời trước, ở trong cảnh diễn biến sinh diệt của vạn pháp mà có thể thấy rõ tính chất vô thường của thế gian, nhân đó mà diệt trừ được tâm thức vô minh; hoặc giả họ ở trong chốn núi rừng, trông thấy cảnh hoa bay lá rụng,  rồi do một niệm tương ưng với trí tuệ mà màn vô minh bỗng chốc bị phá tan, đều gọi là “ĐỘCGIÁC”.

“MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN” cũng gọi là “mười hai hữu chi”. “Hữu” tức là những gì có mặt trong thế gian; “chi” tức là phân chi – có nghĩa là, tất cả những gì có mặt đang lưu chuyển trong vòng sinh tử, đều không thoát ra ngoài mười hai phân chi này(1). 1) Vô minh(2) nghĩa là si ám, là tiếng gọi chung của phiền não. Vì đó là những tư tưởng, suy lường thuộc về tâm ý, cho nên cũng được gọi là “hoặc”. 2) Hành(3) nghĩa là tạo tác, tức là nương vào các tâm niệm si ám mà có các thứ tạo tác. Vì đó là những hành vi thuộc về thân và miệng, cho nên cũng được gọi là “nghiệp”. Hai chi trên đây là hai nguyên nhân ở đời quá khứ. Do cái nhân quá khứ đã chín muồi mà sinh ra năm kết quả ở đời hiện tại, đó là: 3) Thức(4) tức là cái nghiệp thức đầu thai vào đời này, hoặc lên trời, hoặc xuống địa ngục, cho đến nhập vào thai lừa, bụng ngựa, đều do một niệm tưởng này dẫn trước. 4) Danh sắc: “danh” là chỉ cho tâm, tức là chỉ có cái tên mà không có vật chất; “sắc” là chỉ cho vật chất, thuộc về sắc pháp(5). Lúc bấy giờ sáu căn của thai nhi chưa thành hình, chỉ có tên và sắc chất(6) mà thôi. 5) Lục nhập(7) là lúc sáu căn của thai nhi đã dần dần đầy đủ và sắp ra khỏi bào thai. 6) Xúc(8) là giai đoạn sau khi ra đời, em bé bắt đầu tiếp xúc với hoàn cảnh. 7) Thọ là nhận chịu các điều khổ vui sinh ra do sự va chạm giữa căn, trần và thức. Do những sự va chạm đó trong đời hiện tại lại tạo nên ba nguyên nhân: 8) Ái là sinh ra các tâm niệm ái dục khi đứng trước các hoàn cảnh. 9) Thủ: vì yêu thích, mê đắm mà sinh ra tâm niệm ôm giữ lấy. 10) Hữu(9): vì yêu thích và muốm ôm giữ lấy mà các nghiệp khởi dậy, để rồi chắc chắn sẽ có quả báo ở đời sau, cho nên gọi là “hữu”. Trong ba nguyên nhân này thì “ái” và “thủ” cũng tức là “vô minh”; còn “hữu” thì đồng với “hành”. Ba nguyên nhân trong đời hiện tại này sẽ lại sinh ra hai kết quả ở đời vị lai: 11) Sinh là sinh ra ở đời vị lai. 12) Lão tử: Đã có sinh thì đương nhiên phải có già và chết. Mười hai chi trên đây bao trùm tất cả tiến trình nhân quả của các sự việc khởi hoặc, tạo nghiệp và thọ sinh trong khắp ba đời, tuần hoàn cho đến vô cùng.

 

CHÚ THÍCH

1. Thiên-thai là tên một ngọn núi ở tỉnh Triết-giang. Đại sư Trí Giả (đời Tùy) ở núi này. Người đời sau nhân đó mà gọi tên tông phái của ngài là Thiên Thai tông, nói tắt là Thiên Thai hoặc Thai Tông.

 

PHỤ CHÚ

1. Nên nhận định cho rõ ràng rằng, khi giảng bài pháp “mười hai nhân duyên”, chủ ý của đức Phật chỉ là đề cập đến nguồn gốc và tiến trình của sự sinh tử luân hồi, giúp con người thoát ra khỏi sự đau khổ cùng cực của đời sống, đạt được an lạc niết bàn; chứ không nhằm giải thích những bí ẩn của nguồn gốc hay tiến trình tiến hóa chung của vũ trụ. Cho nên, đối tượng của giáo lí này chỉ là loài hữu tình –trực tiếp là loài người– mà thôi, chứ không bao gồm cả loài vô tình trên thế gian. Giáo lí “mười hai nhân duyên” nhằm giải thích sự phát sinh của một trạng thái tùy thuộc vào một trạng thái ngay trước đó; nói cách khác, đó là một tiến trình gồm mười hai điều kiện liên quan nhân quả mật thiết với nhau, điều kiện trước làm nhân phát sinh ra điều kiện sau, điều kiện sau lại làm nhân phát sinh ra điều kiện sau nữa…; điều kiện trước sinh thì điều kiện sau sinh, điều kiện trước diệt thì điều kiện sau diệt – theo như trong kinh Trường A Hàm diễn tả: “Cái này có cho nên cái kia có; cái này không cho nên cái kia không; … Cái này sinh cho nên cái kia sinh; cái này diệt cho nên cái kia diệt.”

2. Vô minh là sự không sáng suốt, không thấy rõ được thật tướng của vạn pháp cũng như chân tướng của chính mình; không nhận thức được các sự thật của đời sống về sự đau khổ, về nguyên nhân của đau khổ, về cảnh giới giải thoát, cũng như con đường tu tập để được giải thoát. Vì vô minh bao phủ nên trí tuệ bị che lấp, khiến nên mọi thấy biết của con người đều là tà kiến. Có tham, sân, si, v.v… là bởi vì vô minh, hay nói cách khác, tham, sân, si, v.v… (nói chung là phiền não) chính là vô minh. Bởi vậy, vô minh chính là nguyên nhân căn bản làm động lực thúc đẩy và chuyển động bánh xe luân hồi, dìm chúng sinh trong dòng sinh tử. Diệt trừ được vô minh thì tức khắc có chánh kiến và giải thoát vòng sinh tử luân hồi.

3. Hành là chỉ cho tất cả những tư tưởng (ý), lời nói (khẩu) và hành động (thân) thiện và bất thiện, phát xuất từ tham, sân, si v.v… (tức vô minh) của con người. Tất cả các hành này, vì bị tác động bởi vô minh, chắc chắn sẽ phải tạo nghiệp, làm cho hành trình của dòng sống luân hồi cứ kéo dài mãi. Ngược lại, tất cả những tư tưởng, lời nói và hành động phát sinh bởi trí tuệ, hoàn toàn trong sạch (vượt ra ngoài ý niệm thiện và bất thiện), tuyệt đối không phát xuất từ tham, sân, si v.v…, thì không phải là hành; vì chúng có công năng phá trừ vô minh, giúp chúng sinh vượt thoát đại dương sinh tử.

4. Thức đây là nghiệp thức (tức nghiệp chủng thức, hay a lại da thức). Tất cả các nghiệp nhân do hành tạo tác đều được huân tập vào thức, và nó sẽ mang theo tất cả các nghiệp nhân đó đi đầu thai để bắt đầu một sinh mạng mới. Lúc bà mẹ thụ thai, chính đó là lúc thức kết hợp với tinh trùng và noãn châu của cha mẹ mà tượng nên bào thai. Nếu có tinh huyết của cha mẹ, mà không có thức thì nhất định không có bào thai. Như vậy, thức chính là yếu tố nối tiếp giữa đời sống quá khứ và đời sống hiện tại, và cũng là giai đoạn đầu tiên của đời sống hiện tại. Kinh luận Phật giáo nguyên thỉ gọi nó là “thức tái sinh” hay “tâm nối liền”.

5. Sắc pháp là tất cả các pháp thuộc về vật chất; là từ ngữ được hiểu theo nghĩa rộng của “SẮC”. Theo nghĩa này, “sắc” là chỉ chung cho các thứ vật chất, là những vật có hình trạng, có chiếm một khoảng không gian nhất định, làm chướng ngại cho nhau, và có tính chất thay đổi, tàn hoại. Trong năm uẩn, sắc thuộc về “sắc uẩn”. Tông Duy Thức chia vạn pháp ra làm 100 pháp, gồm trong 5 nhóm (tâm pháp, tâm sở pháp, sắc pháp, tâm bất tương ưng hành pháp và vô vi pháp), thì sắc nằm trong nhóm thứ ba, “sắc pháp”, gồm có 11 pháp: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (năm căn, tức là sắc ở trong), hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc (năm cảnh, tức là sắc ở ngoài), và vô biểu sắc (những ảnh tượng chỉ có trong ý thức). Trong khi đó, theo nghĩa hẹp, “sắc” chỉ là một trong năm cảnh, là đối tượng của nhãn căn mà thôi. Từ “sắc pháp” không nằm trong nghĩa hẹp này.

6. Do nghiệp thức phát động mà phát hiện ra các hiện tượng tinh thần(danh) và vật chất (sắc) của bản thân con người. Bản thân con người là một hợp thể của năm uẩn, trong đó, bốn uẩn thọ, tưởng, hành và thức chỉ có tên mà không có hình chất, không thể thấy, nghe, ngửi, nếm hay chạm xúc được, nên gọi là “danh”; còn uẩn sắc, tức là phần sinh lí của bản thân do bốn nguyên tố (đất, nước, gió, lửa) cấu thành, có hình chất, màu sắc, mùi vị, có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, hay chạm xúc được, nên gọi là “sắc”. “Danh sắc” là giai đoạn thứ hai của đời sống hiện tại (sau giai đoạn “thức”). Trong giây phút đầu tiên khi bà mẹ thụ thai –tức là nghiệp thức kết hợp với tinh huyết của cha mẹ– thì danh chính là nghiệp thức (tức là uẩn thức bao gồm cả ba uẩn thọ, tưởng và hành, phần tinh thần của bản thân), và sắc chính là tinh trùng và noãn châu (tức là uẩn sắc, phần sinh lí của bản thân).

7. Lục nhập, hay lục căn, tức là sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), dần dần hiện rõ theo sự phát triển của bào thai, từ chỗ thật giản dị lúc mới được tượng hình, trở thành vô cùng phức tạp lúc đã phát triển đến mức toàn diện. Chúng hoạt động một cách tự nhiên, mầu nhiệm như một guồng máy tinh diệu, mà không do một vị thần (thượng đế) nào sáng tạo hay điều khiển cả.

8. Mỗi giác quan đều có những hoạt động và đối tượng riêng biệt. Một giác quan (căn), khi chạm với đối tượng (cảnh) của nó thì phát sinh cái biết (thức) của giác quan đó: Mắt (nhãn) thấy vật (sắc) liền có cái biết của mắt về vật (nhãn thức); tai (nhĩ) nghe tiếng (thanh) liền có cái biết của tai về tiếng (nhĩ thức); v.v… Điểm giao tiếp của ba yếu tố căn, cảnh và thức được gọi là “xúc”. Nói cách khác, “xúc” là một loại tác động làm cho tâm biết vật. Như vậy, cái “xúc” ở đây khác với cái “xúc” trong sáu cảnh (lục cảnh hay lục trần). Xúc cảnh (hay xúc trần) là đối tượng của thân căn, tức là những tính chất cứng, mềm, trơn, nhám, nóng, lạnh v.v… của vật chất mà khi thân thể đụng chạm tới thì biết được.

9. Hữu nghĩa là có – có các nghiệp nhân (thiện và bất thiện) tạo ra ở đời này; và có các nghiệp quả (vui sướng hay khổ đau, cũng tức là các cảnh giới của các loài chúng sinh khác nhau – lục đạo) sẽ nhận chịu ở đời sau. Như vậy, “hữu” được coi như “hành”, cả hai đều là hành động tạo nghiệp, nhưng khác nhau ở chỗ: “Hành” là tạo nghiệp trong đời quá khứ, làm điều kiện thọ sinh trong đời hiện tại; còn “hữu” là tạo nghiệp trong đời hiện tại, làm điều kiện thọ sinh trong đời vị lai.

 

BÀI TẬP 

 

1) Thanh-văn thừa và Duyên-giác thừa khác nhau chỗ nào?

Thanh-văn thừa y vào giáo pháp “bốn sự thật” mà tu tập, còn Duyên-giác thừa thì y vào giáo pháp “mười hai nhân duyên” mà tu tập; đó là chỗ khác nhau giữa hai thừa.

2) Có gì khác nhau giữa Duyên-giác và Độc-giác?

Duyên-giác là các vị hành giả nhờ nghe và tu tập theo giáo pháp “mười hai nhân duyên” do Phật nói mà được giác ngộ. Độc-giác là những vị hành giả sinh trong đời không có Phật, nhưng nhờ có duyên tu từ kiếp trước, thấy các trạng thái sinh diệt biến đổi của vạn vật mà nhận chân được tính chất vô thường của thế gian, nhân đó mà dứt trừ được phiền não vô minh; hoặc có những hành giả ẩn cư nơi chốn núi rừng, nhân thấy cảnh hoa bay lá rụng mà trí tuệ bừng sáng, dứt hết phiền não vô minh.

3) Hãy giải thích nhóm từ “thập nhị hũu chi”.

“Thập nhị hữu chi” tức là “thập nhị nhân duyên”. Chữ “hữu” nghĩa là có, chỉ cho các loài hữu tình tồn tại trong thế gian; chữ “chi” nghĩa là khâu, điều kiện. “Thập nhị hữu chi” hay “thập nhị nhân duyên” là mười hai khâu, hay mười hai điều kiện bao trùm cả vòng sinh tử luân hồi mà các loài hữu tình hằng lưu chuyển trong đó.

4) Trong mười hai nhân duyên, hai chi nào là nguyên nhân ở đời quá khứ? Năm chi nào là kết quả ở đời hiện tại? Ba chi nào là nguyên nhân ở đời hiện tại? Hai chi nào là kết quả ở đời vị lai?

Trong mười hai nhân duyên, vô minh và hành là hai nguyên nhân ở đời quá khứ; thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ là năm kết quả ở đời hiện tại; ái, thủ và hữu là ba nguyên nhân ở đời hiện tại; sinh và lão tử là hai kết quả ở đời vị lai.

5) Hãy giải thích các từ “danh sắc”, “lục nhập”, “xúc” và “hữu”.

“Danh sắc” là một hợp thể gồm có “danh” và “sắc”. Danh là tên, chỉ cho tâm thức, chỉ có tên mà không có hình chất. Sắc là vật chất, chỉ cho bào thai mới được tượng hình ở những giây phút đầu tiên. “Danh sắc” là chỉ cho bào thai lúc mới được tượng hình, tức là giai đoạn thứ hai của đời sống hiện tại – sau giai đoạn đầu tiên là “thức”.

“Lục nhập” là sáu căn, chỉ cho sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) dần dần thành hình đầy đủ theo sự phát triển của thai nhi; đó là lúc thai nhi sắp ra đời.

“Xúc” là tiếp xúc, chỉ cho giai đoạn sau khi em bé đã ra đời, tiếp xúc với hoàn cảnh ở chung quanh.

“Hữu” tức là có, chỉ cho các hành động tạo nghiệp (thiện hay bất thiện) của con người, và đã có tạo nghiệp thì chắc chắn sẽ có quả báo ở kiếp sau.