GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

CẤP MỘT

Bài 3
ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI (phần 2)

Khi mới thành chánh giác, đức Thích Tôn(1) đã vì 41 vị Bồ-tát “pháp thân”(2), nói kinh Hoa Nghiêm để tuyên bày giáo pháp viên đốn1; nói kinh Phạm Võng để chế định giới luật cho hàng Bồ-tát đại thừa. Ví như mặt trời mọc ở xứ phù-tang(3), chiếu soi núi cao trước nhất; đối với những giáo pháp này, hạng người căn trí thấp kém không thể thu nhận được lợi ích gì. Bởi vậy, sau đó đức Thế Tôn2 đã đi sang nước Ba-la-nại(4), chuyển bánh xe pháp “Tứ Đế”3, độ cho nhóm 5 người Kiều Trần Như4 đều được chứng quả A-la-hán. Đó là lần đầu tiên ngôi Tam Bảo5 xuất hiện ở thế gian.

Trong thời gian 21 ngày sau khi thành đạo, Phật đã nói kinh Hoa Nghiêm để độ cho các vị Bồ-tát lớn; đó là thời Hoa Nghiêm. Kế đến, trong 12 năm tại vườn Lộcdã và các nơi khác(5), Phật đã nói kinh A Hàm6 để độ cho hàng tiểu thừa Thanhvăn và Duyên-giác7; đó là thời A Hàm. Trong 8 năm kế tiếp, Phật nói các kinh Duy Ma8, Thắng Man9, Kim Quang Minh,  v.v…, toàn là kinh điển đại thừa, mở rộng 4 giáo pháp10, đem lợi ích đến cho mọi căn cơ; đó là thời Phương Đẳng11. Sau đó, trong 22 năm, Phật nói các kinh Bát Nhã12, nhấn mạnh ý nghĩa “vạn pháp đều không”; đó là thời Bát Nhã. Trong 8 năm sau cùng, Phật nói kinh Pháp Hoa để gom cả ba thừa13 lại trong một thừa duy nhất là Phật thừa. Sau khi nói kinh Pháp Hoa, lúc sắp nhập diệt, vào ngày Rằm tháng Hai, đức Thế Tôn đã đi đến thành Câu-thi-na(6), vào rừng cây ta la14, nói kinh Đại Bát Niết Bàn trong suốt một ngày đêm, nêu rõ ý nghĩa “thường, lạc, ngã, tịnh”, chỉ ra cho mọi người thấy rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính, thậm chí, kẻ “nhất xiển đề”15 cũng có thể thành Phật; đó là thời Pháp Hoa – Niết Bàn. Trên đây là đại lược về “năm thời thuyết giáo”(7).

Đức Thích Tôn 19 tuổi xuất gia, 30 tuổi thành đạo(8), đem cả một đời du hóa bốn phương, độ khắp mọi loài. Trong 49 năm ròng rã, với hơn 300 pháp hội, Ngài đã độ thoát cho vô số người và trời. Khi duyên hóa độ đã mãn, Ngài nhập niết bàn, tuổi đời thọ được 80.

Tám tướng thành đạo16 của đức Thích Tôn đều là phương tiện thị hiện, đồng với huyễn hóa. Tại hội Pháp Hoa, chính Ngài đã dạy: “Ta đã thành Phật từ vô số kiếp về trước. Từ đó đến nay ta vẫn thường nói pháp giáo hóa ở thế giới Ta-bà17 này; đồng thời ta cũng hóa độ chúng sinh ở trăm nghìn vạn ức na do tha18 a tăng kì19 quốc độ khác.” Điều đó cho thấy, các học giả đời sau, đối với các thùy tích(9) về xuất gia, học đạo, thành Phật v.v… của đức Thế Tôn, nếu cứ cố chấp cho là thật có, thì chẳng khác nào người ngu si chỉ nói toàn những chuyện hư vọng(10)!

 

CHÚ THÍCH

1. Đối với toàn bộ giáo pháp của Phật, tông Thiên Thai đã phân tích ra có bốn loại pháp môn (gọi là “bốn giáo”): tạng, thông, biệt, và viên; trong khi đó, tông Hoa Nghiêm lại chia ra có năm (gọi là “năm giáo”): tiểu, thỉ, chung, đốn, và viên. Viên giáo là giáo pháp chân thật cùng cực của đại thừa. Nếu tỏ ngộ được lí viên giáo thì liền có đầy đủ Phật pháp, lập tức nhập vào cảnh giới của Phật, cho nên gọi là “viên đốn” (trọn vẹn và mau chóng), khác với “tiệm giáo” (tiến từ từ).

2. Thế Tôn là dịch nghĩa từ tiếng Phạn “Bà-già-bà”. Đức Phật có đầy đủ muôn đức, được cả thế gian tôn kính, địa vị của Ngài là địa vị tôn quí nhất trên đời, cho nên xưng Ngài là “Thế Tôn”.

3. Phật nói pháp, cũng gọi là “quay bánh xe pháp” (chuyển pháp luân), vì Phật có thể chuyển phàm thành thánh, chuyển phiền não thành bồ đề, giống như bánh xe quay. Phật nói giáo lí “Bốn Sự Thật” (Tứ Đế), dạy cho hàng tiểu thừa nhận thức được sự thật về “khổ”, dứt trừ “nguyên nhân của khổ”, vui thích cảnh giới “tịch diệt”, và tu tập theo “con đường chân chánh”; khiến cho họ chứng được bốn quả vị Thanh-văn, cho nên nói là Phật “chuyển bánh xe pháp Tứ Đế”.

4. Sau khi thành đạo, trước hết Phật độ cho quí vị Kiều Trần Như, Ngạch Bệ, Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp, Ma Nam Câu Lị; đó là năm vị tì kheo đầu tiên của giáo đoàn.

5. Ba Ngôi Báu (Tam Bảo) là Phật, Pháp và Tăng. Lúc bấy giờ, đức Thích Ca Mâu Ni là Phật bảo; giáo pháp Tứ Đế là Pháp bảo; năm vị tì kheo là Tăng bảo.

6. “A Hàm” được dịch nghĩa là giáo pháp không thể so sánh (vô tỉ pháp); tất cả các pháp đều qui hướng về giáo pháp này, cho nên nó cũng còn được dịch là “pháp qui”. Đó là tên gọi chung của tất cả các kinh điển tiểu thừa, phân loại ra thì gồm có 4 bộ: – 1) Kinh Tăng Nhất A Hàm, gồm 51 quyển, sưu tập các số mục của pháp môn; – 2) Kinh Trường A Hàm, gồm 22 quyển, sưu tập các kinh văn dài; – 3) Kinh Trung A Hàm, gồm 60 quyển, sưu tập các kinh văn không dài không ngắn (trung bình); – 4) Kinh Tạp A Hàm, gồm 50 quyển, sưu tập lẫn lộn cả ba loại trước.

7. Chính mình được nghe lời Phật dạy, tỏ ngộ lí “tứ đế”, đoạn trừ kiến, tư hoặc mà chứng quả A-la-hán, thì thuộc về Thanh-văn thừa. Duyên-giác, cũng xưng là Độc-giác hay Bích-chi Phật. Những vị sinh nhằm thời Phật tại thế, được nghe Phật nói giáo pháp “mười hai nhân duyên”, tu hành đoạn diệt vô minh, giải thoát dòng sinh tử, gọi là Duyên-giác; những vị sinh ra đời không gặp lúc có Phật tại thế, nhưng tự mình quán chiếu các cảnh hoa rơi lá rụng mà ngộ được lẽ vô thường, nhân đó mà tu đạo chứng quả, gọi là Độc-giác; cả hai quả vị này đều thuộc về Duyên-giác thừa.

8. Duy Ma: tên gọi tắt của kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát.

9. Thắng Man: tên gọi tắt của kinh Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng, là cách dịch khác của “Thắng Man Phu Nhân”, phẩm thứ 48 trong kinh Đại Bảo Tích.

10. Bốn giáo: tức bốn loại pháp môn dùng để giáo hóa: – 1) Tạng giáo: ba tạng giáo điển (Kinh, Luật, Luận), bộ loại phân minh, nói Bốn Sự Thật về nhân duyên, sinh diệt; đối tượng chính để giáo hóa là hàng Thanh-văn, Duyên- Giác, đối tượng phụ là hàng Bồ-tát. – 2) Thông giáo: nói Bốn Sự Thật về lí tức không, vô sinh, cả ba thừa cùng tu tập, nhưng đối tượng chính là hàng Bồ-tát, đối tượng phụ là hàng Thanh-văn, Duyên-giác. – 3) Biệt giáo: nói pháp môn vô lượng đại thừa, chỉ đặc biệt nhắm vào hàng Bồ-tát mà thôi. – 4) Viên giáo: nói thật tướng trung đạo về sự lí viên dung cho hàng Bồ-tát lớn có căn trí tối thượng. Bốn giáo tạng, thông, biệt, và viên ở trên, là những pháp môn dùng hóa độ, nhằm đem lại lợi ích cho chúng sinh, cho nên chúng được gọi là “hóa pháp”.

11. Phương Đẳng: “phương” nghĩa là rộng; “đẳng” nghĩa là đồng đều. Trong thời thứ ba, đức Phật đã nói bốn loại pháp môn tạng, thông, biệt, viên một cách rộng rãi, đem lại lợi ích đồng đều cho cả mọi căn cơ cao thấp, cho nên gọi đó là thời “Phương Đẳng”.

12. Phật nói các kinh Bát Nhã Ba La Mật, lí lẽ thâm diệu, gọi một tên chung là kinh Bát Nhã.

13. Ba thừa: – 1) Người tu hành, nếu nhanh thì cũng phải ba lần sinh trở lại cõi Dục, nếu chậm thì cũng phải trải 60 kiếp, tu pháp không, cuối cùng được gặp Phật nghe pháp, tỏ ngộ lí lẽ Bốn Sự Thật, chứng quả A-la-hán, gọi là “Thanh-văn thừa”, cũng gọi là “tiểu thừa”; – 2) Người tu hành, nếu nhanh thì cũng phải bốn lần sinh trở lại cõi Dục, nếu chậm thì cũng phải trải 100 kiếp, phá sạch vô minh, cuối cùng tỏ ngộ được lí “mười hai nhân duyên”, chứng quả Phật Bích-chi, gọi là “Duyên-giác thừa”, cũng gọi là “trung thừa”; – 3) Người tu hành, ở trong vô số kiếp, tu tập hạnh “lục độ”, tiếp đến trong 100 kiếp vun trồng cái nhân cho 32 tướng phước để chứng quả Phật, gọi là “Bồ-tát thừa”, cũng gọi là “đại thừa”. Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát, thường được gọi là “ba thừa”.

14. Chữ “ta la” nghĩa là chắc chắn, cũng có nghĩa là “cao viễn”, vì loại cây này thường cao hơn các loại cây khác. Bên bờ sông Bạt-đề ở thành Câu-thi-na, có rừng cây ta la, bốn bề đều có  từng cặp cây song sinh. Đức Phật đã nhập diệt ở giữa khu rừng này. Sau khi Phật nhập diệt, toàn thể cây trong rừng đều biến thành màu trắng, cho nên rừng này lại được gọi là “rừng hạc”.

15. Nhất xiển đề: cũng gọi tắt là “xiển đề”, dịch nghĩa là không có đức tin, tức là người không có lòng tin vào Phật pháp. Kinh Niết Bàn nói: “Người nhất xiển đề mất hết mọi căn lành, tâm không duyên được với mọi pháp lành.” Có hai loại người nhất xiển đề: – 1) Loại người dứt tuyệt tất cả căn lành, không thể nào thành Phật, gọi là “xiển đề đoạn thiện”; – 2) Các vị Bồ-tát với lòng đại bi, vì muốn tế độ chúng sinh nên không muốn thành Phật, gọi là “xiển đề đại bi”. Thật ra, tất cả các pháp hữu vi đều có gián đoạn, còn chân như thì vĩnh viễn không bị dứt tuyệt; cho nên tất cả chúng sinh, cuối cùng rồi cũng sẽ thành Phật, lẽ đó đã thành nhất định. Chẳng qua, đối với kẻ xiển đề, thời kì thành Phật quả là cực kì xa xăm!

16. Phật thị hiện ở thế gian có tám tướng trạng, gọi là “tám tướng thành đạo”. Thật ra, “thành đạo” chỉ là một trong tám tướng trạng, nhưng vì chính là cái tướng chủ chốt, cho nên nó được dùng để đặt tên. Theo giáo lí đại thừa, tám tướng đó là: hạ giáng từ trời Đâu-suất, nhập thai, trụ thai, xuất thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, và nhập diệt. Theo giáo lí tiểu thừa, tám tướng đó là: hạ giáng từ trời Đâusuất, gá thai, ra đời, xuất gia, hàng phục chúng ma, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập niết bàn. So ra, theo đại thừa thì có “trụ thai” mà không có “hàng ma”; tiểu thừa thì có “hàng ma” mà không có “trụ thai”.

17. Ta-bà: tức thế giới của chúng ta, cũng được phiên âm là “Tác-ha”, nghĩa là chịu đựng (kham nhẫn). Chúng sinh ở thế giới này phải chịu đựng ba phiền não độc hại (tham, sân, si), không thể thoát li được.

18. Na do tha: danh từ chỉ cho số một ức, nhưng “một ức” của  Ấn-độ, khi thì chỉ mười vạn, khi thì một trăm vạn, khi thì một nghìn vạn, khi thì một vạn vạn; cho nên “na do tha” là một con số không nhất định, chỉ nên hiểu là rất nhiều.

19. A tăng kì: nghĩa là vô số. Nếu cho một vạn vạn là một ức, một vạn ức là một triệu, thì một a tăng kì là một nghìn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu. 

 

PHỤ CHÚ

(01) Thích Tôn: “Tôn” tức là Thế Tôn, tiếng mà người đời dành riêng để chỉ tôn xưng các đức Phật; “Thích” tức “Thích Ca”; “Thích Tôn” tức là “Thích Ca Thế Tôn”. Vậy, “Thích Tôn” là tiếng dùng để tôn xưng riêng cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni, còn tiếng “Thế Tôn” thì dùng để tôn xưng chung cho cả đức Phật Thích Ca và chư Phật.

(02) Bồ-tát pháp thân: là các vị Bồ-tát tu tập trải đã nhiều kiếp, đã diệt trừ một phần vô minh hoặc, cho nên chứng được một phần pháp tánh. Bồ-tát, nói cho đủ là “Bồ đề tát đỏa”, là tiếng dịch âm của tiếng Phạn “Bodhisattva”, nghĩa là người phát tâm tu tập đạo giác ngộ; người đã tự mình đạt được giác ngộ và phát tâm hóa độ, giúp đỡ người khác đạt được giác ngộ; người quyết tâm hướng đến quả vị giác ngộ trọn vẹn. Có hai hạng Bồ-tát: một hạng mới phát tâm và đang trên đường tu tập, chưa đoạn trừ hết vô minh phiền não, chưa chứng nhập pháp tánh, còn chịu sinh tử luân hồi trong ba cõi; một hạng đã dầy công tu tập trải qua nhiều đời, vô minh đã dứt, pháp tánh hiển hiện, tùy cơ hóa độ chúng sinh một cách tự tại. Hạng sau này được gọi là “Bồ-tát ma-ha-tát” (đại Bồ-tát – Bồ-tát lớn), “Bồ-tát pháp thân”, “Đạisĩ”, v.v…

(03) Cổ thư Trung-quốc cho rằng, “phù tang” là nơi mặt trời mọc. (Ngày xưa người Trung-quốc cũng gọi nước Nhật-bản là nước Phù-tang.)

(04) Ba-la-nại (Varanasi): là kinh đô của vương quốc Ca-thi (Kasi), một trong 16 nước lớn của bán đảo Ấn-độ thời Phật tại thế. Trong 16 nước đó thì Ma-kiệt-đà (Magadha) và Kiều-tát-la (Kosala) là hai nước phát triển hùng mạnh nhất. Hai đạo tràng quan trọng nhất của Phật là tu viện Trúc-lâm (Venuvana), thì ở kinh thành Vương-xá (Rajagrha) của nước Ma-kiệt-đà; và tu viện Kì-viên (Jetavana) thì ở kinh thành Xá-vệ (Sravasti) của nước Kiều-tát-la. Nước Ca-thi nằm giữa hai nước này, nên kinh thành Ba-la-nại của nó nghiễm nhiên trở thành một điểm nối liền, một địa phương quan trọng trên đường đi lại của đức Phật từ Ma-kiệt-đà đến Kiều-tát-la, và ngược lại. Trước khi hai đạo tràng Trúc-lâm và Kì-viên được xây dựng thì Ba-la-nại đã nổi tiếng, vì vườn Nai (Lôc-dã – Mrgadava) ở cách đó khoảng 6 cây số về phía Tây Bắc, đã là nơi đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên sau ngày thành đạo, độ cho nhóm sa môn A Nhã Kiều Trần Như (Ajnata-Kaundinya) năm vị, đều được chứng quả A-la-hán, trở thành những vị thánh tăng đầu tiên của giáo đoàn; hay nói cách khác, chính nơi đó mà ngôi Tam Bảo lần đầu tiên xuất hiện ở thế gian. Ba-la-nại và vườn Nai đã từng là thánh địa của Phật giáo trong một thời gian dài. Đến cuối thế kỉ 12, khi Hồi giáo xâm lăng Ấn-độ, Phật giáo ở vùng này nói riêng và trên lãnh thổ Ấn-độ nói chung, đã bị quân Hồi giáo tàn hại và hủy diệt, cơ hồ không một vết tích gì còn tồn tại. Trong thời kì cận đại, thành phố này được gọi là Benares, và hiện nay thì đổi lại là Varanasi, Phật giáo và Ấn giáo hiện tại cùng được thịnh hành ở đó.

(05) Sau khi chuyển pháp luân tại vườn Nai, đức Phật sang nước Ma-kiệt-đà. Tại đây, Ngài đã hóa độ cho những nhân vật tiếng tăm lừng lẫy đương thời, như ba anh em sa môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvilva-Kasyapa); hai vị lãnh đạo một trong sáu phái ngoại đạo là Xá Lợi Phất (Sariputra) và Mục Kiền Liên (Moggallana); vua Tần Bà Ta La (Bimbisara) của nước Ma-kiệt-đà. Sau đó, Ngài trở về thành Ca-tì-la-vệ hóa độ cho hoàng tộc, trong đó có các hoàng đệ, con trai là La Hầu La, và người thợ cạo Ưu Ba Li. Kế tiếp, Ngài đến thành Xá-vệ giáo hóa, độ cho vua Ba Tư Nặc (Prasenajit), v.v…

(06) Câu-thi-na (Kusinagara): là kinh đô của vương quốc Mạt-la (Malla), một trong 16 nước lớn ở Ấnđộ thời Phật tại thế. Câu-thi-na cách Ca-tì-la-vệ gần 200 cây số về hướng Đông Nam (nay thuộc địa phận xứ Terai của miền Nam nước Nepal), là nơi đức Thế Tôn nhập niết bàn.

(07) “Năm thời thuyết giáo” (ngũ thời giáo) không phải là một chương trình bố giáo của đức Phật do chính Ngài vạch ra sau khi thành đạo. Thực tế thì trong suốt cuộc đời giáo hóa, đức Phật chỉ sử dụng cách thức “quán cơ và đối cơ thuyết pháp”. “Năm thời thuyết giáo” mà tác giả trình bày trong bài học về lịch sử đức Phật, chỉ là một cách xét đoán, một cách hệ thống hóa của truyền thống Phật giáo Trunghoa về công trình bố giáo của đức Phật trong 45 năm hoằng hóa. Đó là cách “phán giáo” của đại sư Trí Khải (538-597), tổ sư của tông Thiên Thai. Tổng cộng thời gian của “năm thời thuyết giáo” đó là 50 năm (vì các truyền thuyết cổ về niên đại của đức Phật cho rằng, Phật 19 tuổi xuất gia, 30 tuổi thành đạo, 80 tuổi nhập diệt: tổng cộng thời gian hoằng hóa là 50 năm). Có ít ra là 4 thuyết về “ngũ thời giáo” trong truyền thống Phật giáo Trung-quốc (là các thuyết của Tuệ Quán, Lưu Cầu, Trí Khải và Pháp Bảo), trong đó, thuyết của đại sư Trí Khải được thông dụng nhất.

(08) Có nhiều thuyết khác nhau nói về các niên đại xuất gia, thành đạo, v.v… của Phật. Bởi vậy, để cho thống nhất, sau khi nghiên cứu và bàn thảo kĩ lưỡng, các nước theo đạo Phật trên thế giới, trong cuộc hội nghị của tổ chức Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới vào năm 1952 tại Nhật-bản, đã quyết định lấy năm Phật nhập niết bàn làm Phật lịch, và cùng công nhận các niên đại của Phật: đản sinh năm 624 và nhập niết bàn năm 544 tr. TL; xuất gia năm 29 tuổi và thành đạo năm 35 tuổi.

(09) Thùy tích: Chữ “thùy” là rủ xuống. Trong thiền môn thường dùng chữ này để tỏ ý tôn kính đối với bậc tôn trưởng, như “thùy niệm” là (bậc tôn trưởng) rủ lòng tưởng nghĩ đến kẻ hậu học. Chữ “tích” là dấu vết. “Thùy tích” là một thuật ngữ Phật học, dùng để chỉ cho cái thân mà chư Phật và Bồ-tát thị hiện ra trong thế gian để hóa độ chúng sinh.

(10) “Si nhân thuyết mộng” là một thành ngữ Trung-quốc, nguyên trước kia có nghĩa là không nên nói chuyện mộng cho người ngu si nghe, vì sợ họ tin mà cho đó là chuyện thật. Về sau thì thành ngữ ấy được dùng để chỉ cho những người nói toàn chuyện dối trá, không đáng tin tưởng. 

 

BÀI TẬP 

1) Sau khi thành đạo, Phật đã nói kinh gì trước tiên?

Sau khi thành đạo, đức Phật đã nói kinh Hoa Nghiêm và kinh Phạm Võng trước tiên.

2) Ba Ngôi Báu là gì?

Ba Ngôi Báu là Phật, Pháp và Tăng, là ba viên ngọc quí báu nhất trên thế gian đối với người Phật tử. Sau khi thành đạo, đức Phật đến vườn Nai gần thành Ba-lanại, nói pháp Tứ Đế hóa độ cho nhóm sa môn Kiều Trần Như năm vị đều chứng quả A-la-hán. Đó là lần đầu tiên Ngôi Tam Bảo xuất hiện ở thế gian, mà đức Phật là Phật Bảo, pháp Tứ Đế là Pháp Bảo, và năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như là Tăng Bảo.

3) Nội dung của năm thời thuyết giáo là gì?

Giáo pháp Phật nói trong 45 năm, được hệ thống thành năm thời như sau:

1. Thời Hoa Nghiêm: Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm để độ cho các vị Bồ-tát thượng căn thượng trí.

2. Thời A Hàm: Đức Phật nói các kinh A Hàm để độ cho các chúng Thanh-văn và Duyên-giác.

3. Thời Phương Đẳng: Đức Phật nói các kinh đại thừa như Duy Ma, Thắng Man, Kim Quang Minh, v.v… để độ chung cho mọi căn cơ cao thấp.

4. Thời Bát Nhã: Đức Phật nói các kinh Bát Nhã để nhấn mạnh giáo lí trọng yếu của đạo Phật là “vạn pháp đều không”.

5. Thời Pháp Hoa – Niết Bàn: Đức Phật nói kinh Pháp Hoa để qui cả ba thừa về một thừa duy nhất là Phật thừa; và nói kinh Niết Bàn để chỉ rõ Phật tánh vốn có sẵn trong tất cả chúng sinh.

4) Đức Thích Tôn mấy tuổi xuất gia? Mấy tuổi thành Phật? Thuyết pháp bao nhiêu năm? Sống lâu bao nhiêu tuổi đời?

Từ trước đã có nhiều thuyết khác nhau về các niên đại trong đời đức Phật. Ngày nay, các nước theo đạo Phật trên thế giới đều thống nhất công nhận: Đức Phật xuất gia lúc 29 tuổi; thành đạo lúc  35 tuổi; thuyết pháp độ sinh trong 45 năm; thọ thế 80 tuổi.

5) Chủ trương của đại thừa và tiểu thừa về tám tướng thành đạo có chỗ nào không giống nhau?

Hầu hết trong tám tướng thành đạo, đại thừa và tiểu thừa đều chủ trương giống nhau; chỉ khác nhau một tướng: đại thừa thì có “trụ thai” mà không có “hàng ma”, trái lại, tiểu thừa thì có “hàng ma” mà không có “trụ thai”.

6) “Ta-bà” nghĩa là gì? Cõi đất của chúng ta vì sao gọi là thế giới Ta-bà?

Chữ “ta-bà” nghĩa là chịu đựng. Trong cõi đất của chúng ta, tất cả mọi chúng sinh đều phải chịu đựng nhiều nỗi đau khổ to lớn do các thứ phiền não độc hại như tham, sân, si, v.v… gây ra, cho nên cõi đất này được gọi là thế giới “Ta-bà”.

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 1, 2 và 3

1. Cảnh giới của chư Phật thật thâm diệu, kẻ phàm phu nói về Phật cũng giống như ngồi dưới đáy giếng mà bàn chuyện trên trời, không những vì sự hiểu biết hẹp hòi, mà còn có thể nói là hoàn toàn không đúng. Nhân vì, đã là “thùy tích”(1) thì không phải là Phật chân thật; mà Phật chân thật thì không thể luận bàn.

2. Phật có ba thân(2), chỉ có pháp thân mới là Phật chân thật. Nhưng pháp thân thì là vô tướng, không thuộc phạm vi ngôn ngữ văn tự, cho nên không thể nói năng trình bày. Vì vậy, từ xưa đến nay, người ta khảo cứu về niên đại của Phật, bàn luận về gia thế của Phật, ghi chép về tướng mạo, hành vi của Phật, đều giống như ở trong cảnh tượng hư ảo(3) mà luận bàn về nhân vật, ngựa xe, nhà cửa v.v…, càng nghiên cứu thì chỉ càng thêm mờ tối. Ý nghĩa của việc học Phật là mượn ngôn ngữ của Phật để mở cửa tâm mình; khi đã ngộ rồi thì danh tánh hay quốc tịch của Phật đều không quan trọng, nghe biết là được rồi. Học như vậy mới xứng đáng gọi là học Phật.

3. Cảnh giới chứng đắc của chư Phật và Bồ-tát, người phàm phu không thể biết được; cũng giống như có rất nhiều việc của người lớn, trẻ con không thể biết được, đem việc người lớn nói với trẻ con thì chỉ có phí sức. Cho nên, chưa đạt được cảnh giới đó thì chỉ nên tin là nó có, tin đó là sự thật mà thôi. Thời giờ còn sớm, bất tất phải vùi đầu tra cứu. Trong kinh Phật ghi chép rất nhiều chuyện không thể nghĩ bàn, như: đức Thích Tôn đã được sinh ra từ hông bên phải, thái tử Tất Đạt Đa cùng với chánh phi không làm chuyện vợ chồng mà lại mang thai La Hầu La, đều là những sự kiện không thể dùng y học để chứng minh; cõi đất chấn động sáu cách, không thể dùng địa lí học để chứng minh; chín con rồng phun nước tắm Phật, không thể dùng động vật học để chứng minh; thái tử vừa sinh ra đã đi đứng, nói năng, không thể lấy sinh lí học để chứng minh. Những sự việc khác như mẹ của Phật sinh lên cung trời Đao-lợi; vị trời Tịnh-cư hóa làm tì kheo nói pháp cho thái tử; ngựa bay lên không, chở thái tử ra khỏi hoàng thành; tất cả những sự việc đó đều không thể nào lấy sự hiểu biết thông thường của thế tục, hoặc những lí tắc khoa học để chứng thật, người tin thì tự mình tin, người không tin thì cũng xin cứ tạm thời nghe theo mà thôi. Trong “năm con mắt” (ngũ nhãn)(4) thì phàm phu chỉ có “con mắt thịt” (nhục nhãn). Bằng một con mắt đó thì làm sao biết được cả năm? Vả lại, mục đích của những người học Phật chúng ta, không phải là nhắm vào việc chứng minh những sự việc đó.

4. Phật ra đời ở thế gian cốt yếu là để biểu thị: – 1) Gia thế thanh bạch; – 2) Cùng giống như người đời, ai ai cũng có thể theo học được; – 3) Đi lại phân minh, không làm việc lạ đời; – 4) Bỏ sự vinh hiển cao sang như bỏ chiếc giày rách, làm khuôn mẫu cho người đời. Vì có đầy đủ những ý nghĩa đó, cho nên Ngài đã thị hiện ra tám tướng thành đạo; chứ sự thật, Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp rồi, đâu phải đợi đến ngày nay để sau khi tắm ở sông Ni-liên, ngồi ở cội cây bồ đề mới thành Phật ư? Người học Phật, nếu không biết đến lí lịch vị giáo chủ của mình thì quả là quá vô tâm, vì vậy mới phải viết ra; nhưng nếu lại quá cố chấp vào đó thì lại không khỏi sa vào mê muội. Đó cũng không phải là mục đích chân chính của người học Phật chúng ta; cũng ví như theo thầy là để học lấy cái đạo đức, học vấn của thầy, còn gia thế hay chỗ xuất thân của thầy thì có quan hệ gì đến cái ý chỉ cao cả của mình đâu!

5. Đối với kẻ sơ học mà đem vấn đề “pháp thân” ra nói thì thật là khó khăn, nhưng không nói thì lại sợ sơ sót, nghĩa lí không trọn vẹn. Cho nên, người học Phật, ai ngộ được thì ngộ; nếu chưa ngộ được thì cứ để đó, sau này thế nào cũng có ngày nó bừng sáng ra. Bây giờ, bài học đang ở trước mắt, xin cứ đọc và tin tưởng là được rồi.

6. Phật sinh ra ở thế gian, gọi là “thùy tích” hay “thị hiện”, khác với phàm phu, sinh ra là do nghiệp báo; cho nên không thể lấy cái hiểu biết của thế tục mà suy lường được. Như chúng ta thấy trong kinh A Hàm, bảy đức Phật đời quá khứ(5) đều không có sự dâm dục vợ chồng, mà mỗi vị đều có một người con. Lấy ý mà suy, tất cả không ngoài sự biểu thị rằng: muốn xuất gia thì trước phải hoàn thành những công việc ở thế tục, để cho người sau khỏi lưu truyền lời xuyên tạc rằng, làm Phật là tuyệt tự, rồi cho rằng Phật giáo là bất tường, không dám theo tu học. Không giao hợp mà lại có con, đó cũng là một sự việc không thể nghĩ bàn, đâu có thể lấy phàm tình mà so sánh!

7. Cuộc thế trước mắt đang là kiếp giảm của tiểu kiếp thứ 9 trong kiếp “Trụ”(6), tuổi thọ con người từ lúc bắt đầu 84.000 tuổi, đến nay chỉ còn hơn sáu, bảy mươi tuổi. Luận theo Phật pháp, chúng ta đã đi quá xa cái “thời kì thánh nhân” để trôi lăn trong mạt vận. Cho nên biết, tất cả chúng sinh đều nghiệp nặng phước mỏng, những gì chúng ta gặp thì toàn là chiến tranh, lưu lạc, khổ não. Những gì tốt đẹp của thời xưa như các bậc vua thánh, tướng hiền, con hiếu, người nhân, đời sống thanh bình v.v…, bây giờ không còn thấy xuất hiện nữa! Các ông Bá Di, Thúc Tề(7) đã từng nói: “Các vua Hoàng Đế(8), Thần Nông(9), Ngu Thuấn(10), Hạ Võ(11) đã không còn nữa! Ta đến lúc phải lui về. Than ôi! Chết mất! Vận đã suy quá rồi!” Đúng vậy. Về trường hợp của Phật giáo, thì thời xưa, số hành giả chứng bốn quả vị Thanh-văn(12) nhiều như hạt mè, như cây rừng, nay thì tuyệt tích! Đụng đầu vào thực tế làm nhớ lại hoàn cảnh xưa, thật lấy làm cảm khái xiết bao!

8. Sáu cách chấn động là chấn động của cõi đất, mà cũng là những điềm lành; những lúc Phật đản sinh, thuyết pháp và nhập niết bàn, đều có xảy ra. Thông thường, mỗi khi động đất đều gây ra những thảm cảnh hư hại, chết người, cho nên, sự động đất đó thuộc về loại tai họa. Nếu những cuộc động đất xảy ra lúc Phật ra đời hoặc thuyết pháp mà cũng gây hư hại, chết người, thì đó chỉ là những triệu chứng của yêu quái. Nên biết rằng, mỗi một đại thiên thế giới bao gồm mười vạn vạn tiểu thế giới, nổi giữa không trung, như lục bình nổi trên mặt nước. Nếu có người ném một cục đá xuống nước, hoặc có chiếc thuyền nào đi ngang qua, gây nên sóng nước nhấp nhô, thì vô số lục bình kia cũng theo sóng mà nhấp nhô chìm nổi, hoặc bồng bềnh xoay chuyển sang trái sang phải, hoặc lật ngược trôi lăn giữa dòng; dù cho thế nào thì những con sâu, con bọ đang sống bên trong cây lục bình vẫn không hay biết. Lại cũng như em bé nằm trong nôi đong đưa, đâu có biết là cái nôi đang đong đưa, mà chỉ cảm thấy thoải mái. Đây thực sự là điềm lành, cho nên, đối với sáu cách chấn động này, chỉ những người có thiên nhãn thông mới thấy được, còn kẻ phàm phu thì không hay biết gì.

9. Đức Thích Tôn đã thành Phật từ vô số kiếp, mà hai nghìn mấy trăm năm trước đây lại chuyển làm thái tử Tất Đạt Đa, theo học với ngoại đạo, tu hành khổ hạnh, há chẳng phải là sau khi đã thành Phật lại trở thành phàm phu ư? Câu trả lời là phải hay không phải? Không phải! Chư Phật trong mười phương, đã thành Phật thì không thể nào trở lại thành phàm phu. Đức Thích Tôn đương nhiên cũng không ngoại lệ. Chúng ta nên biết rằng, đó chỉ là sự cố ý biểu hiện. Một trong những lí do của sự biểu hiện, đó là Phật muốn dựng lên một trường hợp điển hình về “phàm phu có thể tu hành thành Phật”; bởi vậy, Phật đã dùng địa vị phàm phu làm khởi điểm tu tập; cho nên mới nói: “tất cả cũng đồng như huyễn hóa”, nếu người học Phật cứ cố chấp cho đó là sự thật, thì cũng giống như người ngu si chỉ nói toàn những chuyện hư vọng.

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

(01) Thùy tích: (Xin xem lại phụ chú số 9, bài 3.)

(02) Ba thân: ba loại thân của Phật: 1) Pháp thân: thân chân thật, thường trú, không biến đổi, không bị giới hạn bởi không thời gian, không thể nắm bắt được bằng tri thức và khái niệm, không bị sinh lão bệnh tử chi phối. Tông Pháp Tướng còn gọi pháp thân là tự tính thân. 2) Báo thân: hiện thân chúng sinh của Phật. Thân này giả hợp (do năm uẩn cấu thành, tức nhục thân), vô thường, bị sinh lão bệnh tử chi phối. Tông Pháp Tướng còn gọi báo thân Phật là thọ dụng thân. 3) Hóa thân: cũng gọi là ứng thân hay ứng hóa thân, là thân tùy duyên hóa hiện khắp nơi của chư Phật vì tâm nguyện độ sinh. Tông Pháp Tướng còn gọi hóa thân Phật là biến hóa thân.

(03) Cảnh tượng hư ảo: Nguyên văn chữ Hán là “hải thị thận lâu” (nghĩa là: chợ biển lầu sò), là một thành ngữ Trung-quốc. Khúc xạ của ánh sáng đem hình tượng của các vật thể phản chiếu lên không khí, tạo thành trong không trung hoặc trên mặt đất, các ảo ảnh có hình dạng trông giống như người, vật, nước, nhà cửa, ngựa xe, mũ nón v.v… Thành ngữ này thường được dùng để tỉ dụ cho các sự việc hư ảo, không thật, không đáng tin tưởng.

(04) Năm con mắt (ngũ nhãn): 1) Con mắt thịt (nhục nhãn), tức con mắt của kẻ phàm phu, nhìn thấy mọi sự vật đều sai lầm. 2) Con mắt trời (thiên nhãn), tức con mắt của chư thiên cõi Sắc, do tu tập thiền định mà có, thấy thấu suốt mọi vật. 3) Con mắt tuệ (tuệ nhãn), tức con mắt trí tuệ của hàng nhị thừa (Thanhvăn và Duyên-giác). 4) Con mắt pháp (pháp nhãn), tức con mắt trí tuệ của chư vị Bồ-tát. 5) Con mắt Phật (Phật nhãn), gồm đủ tất cả bốn loại mắt ở trên, không có gì là không thấy, không nghe, không biết.

(05) Bảy đức Phật đời quá khứ: tức đức Thích Ca Mâu Ni và sáu đức Phật từng thị hiện trong thế gian trước đó: Phật Tì Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tì Xá Phù, Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, và Phật Ca Diếp.

(06) Kiếp “Trụ”: Theo vũ trụ quan Phật giáo, quá trình sinh diệt của một thế giới trải qua bốn thời kì – thuật ngữ Phật học gọi là “bốn kiếp” (tứ kiếp): 1) Kiếp “Thành”, là thời kì khí thế gian (tức các loài vô tình như quả đất cùng núi, biển, sông, hồ, cây, cỏ, v.v…) và tình thế gian (tất cả muôn loài chúng sinh hữu tình) được thành lập. 2) Kiếp “Trụ”, là thời kì mà các loài vô tình cũng như hữu tình đã được ổn định, tiếp tục cuộc sống ở thế gian. Thời kì này, con người từ tuổi thọ lúc ban đầu là vô lượng tuổi, giảm dần xuống cho đến khi chỉ còn 10 tuổi; đó là trung kiếp thứ nhất của kiếp “trụ”. Sau đó trải qua 19 trung kiếp (tuổi thọ con người từ 10 tuổi ở cuối trung kiếp thứ nhất, tăng dần cho đến 84.000 tuổi, gọi là một lần tăng; rồi từ 84.000 tuổi lại giảm dần cho đến 10 tuổi, gọi là một lần giảm; cứ một lần tăng và một lần giảm như vậy là một trung kiếp), tức cả thảy là 20 trung kiếp, là hết kiếp “trụ”. Chư Phật phần nhiều xuất hiện ở thế gian vào những lần kiếp giảm. 3) Kiếp “Hoại”, là thời kì có 3 thứ tai nạn lớn (đại tam tai) là lửa, nước và gió, lần lượt xuất hiện để hủy hoại thế giới. 4) Kiếp “Không”, là thời kì thế giới đã bị hủy diệt hoàn toàn, mọi thứ chỉ còn là hư không trong một thời gian dài, trước khi có sự chuyển biến để một thế giới khác lại được thành lập, và rồi cũng trải qua bốn kiếp như vậy. Ba kiếp “Thành”, “Hoại” và “Không” cũng dài bằng kiếp “Trụ”, cho nên thời gian tổng cộng của cả bốn thời kì là 80 trung kiếp, tức là một đại kiếp. Có chỗ gọi “trung kiếp” là “tiểu kiếp”. Theo cách gọi này thì mỗi thời kì “thành”, “trụ”, “hoại”, “không” kéo dài một trung kiếp; mỗi trung kiếp gồm 20 tiểu kiếp (một tiểu kiếp gồm một lần tăng và một lần giảm như trên); vị chi, 1 đại kiếp có 4 trung kiếp, gồm cả thảy 80 tiểu kiếp.

(07) Bá Di, Thúc Tề: là hai người con trai của vua nước Cô- trúc (một nước chư hầu của nhà Thương, Trung-quốc thời cổ đại). Tương truyền, khi vua nước Cô-trúc chết, có di chiếu lập người con thứ là Thúc Tề kế vị, nhưng Thúc Tề không chịu, nhường cho anh là Bá Di; Bá Di cũng không chịu. Rốt cuộc cả hai anh em đều không ai muốn làm vua, cùng nhau bỏ trốn sang nước Chu (cũng là một nước chư hầu của nhà Thương). Khi vua Vũ của nước Chu khởi binh phạt vua Trụ của nhà Thương (hoặc Ân), Bá Di và Thúc Tề cùng can gián, nhưng Vũ vương không nghe. Sau khi Vũ vương diệt vua Trụ, dứt nhà Thương và lập ra nhà Chu, thì cả hai anh em Di, Tề đều lấy làm tủi hổ phải ăn lúa nhà Chu, bèn cùng nhau vào núi Thú-dương ở ẩn, không ăn lúa nhà Chu nữa, chỉ ăn rau vi, cuối cùng lại nhịn đói mà chết trong núi.

(08) Hoàng Đế: Có nhiều thuyết khác nhau về thời cổ sử Trung-quốc. Đại để, thời thái cổ của lịch sử Trung-quốc bắt đầu bằng ông Bàn Cổ. Sau Bàn Cổ là thời đại Tam Hoàng. Tam Hoàng là ba vua: Toại Nhân (dạy người biết dùng lửa), Phục Hi (dạy người đan lưới, săn thú, đánh cá, nuôi súc vật ăn thịt) và Thần Nông (dạy người chế tạo cày cuốc, làm ruộng, họp chợ giao dịch). Tiếp theo, vào khoảng giữa thiên niên kỉ thứ 3 tr. TL là bắt đầu thời đại Ngũ Đế. Vị vua đầu tiên của thời đại này là Hoàng Đế. Ông họ là Công-tôn, vì ở tại ấp Hiên-viên nên lấy họ là Hiên-viên (Hiên-viên thị). Theo truyền thuyết thì ông là thủy tổ của Hán tộc, đánh bại Xi Vưu (tù trưởng của Miêu tộc), được các tù trưởng tôn lên ngôi thiên tử (vào năm 2690? tr. TL). Theo truyền thuyết, văn hóa dưới thời Hoàng Đế đã phát triển khá, những sự việc quan trọng của đời sống như trồng dâu nuôi tằm, dệt cửi, y dược, xe thuyền, nhà cửa và văn tự đều được phát kiến trong thời này.

(09) Thần Nông: một trong “Tam Hoàng” (vừa nói ở trên), và là vua chót của thời đại Tam Hoàng. Tương truyền ông là vị vua đầu tiên đã dạy cho dân chúng cách làm cày cuốc để phát triển nông nghiệp, hái các loại lá cây để làm thuốc trị bệnh.

(10) Ngu Thuấn: Tiếp theo thời Ngũ Đế (Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Cao Tân, Đế Chí – 2690?2357? tr. TL) là thời Đường Nghiêu (2333?-2233? tr. TL). Vua Nghiêu muốn nhường ngôi cho Tứ Nhạc, nhưng Tứ Nhạc không chịu và tiến cử Ngu Thuấn. Vua Nghiêu sai Ngu Thuấn thay vua nhiếp chính 30 năm, thấy là bậc hiền tài đức độ, bèn đem hai con gái gả cho và nhường ngôi. Vua Thuấn chính thức lên ngôi vua, mở ra thời đại Ngu Thuấn vào năm 2233? tr. TL.

(11) Hạ Võ: Trong thời vua Thuấn có xảy ra nạn lụt lớn. Vua Thuấn sai ông Cổn tìm cách trừ lụt, nhưng không thành công. Vua bèn giao trách nhiệm ấy cho con ông Cổn là Võ. Ông Võ đã cố gắng làm việc trong 13 năm thì thành công. Vua Thuấn thấy ông là người có công lớn, lại cũng là người tài đức vẹn toàn, nên nhường ngôi cho. Vua Võ lên ngôi năm 2183? tr. TL, lập ra nhà Hạ (2183?-1751? tr. TL).

(12) Bốn quả vị Thanh-văn: tức bốn quả vị tu chứng theo thứ bậc của Thanh-văn thừa, cũng gọi là bốn quả Thánh: 1) Dự-lưu (Tu-đà-hoàn), là quả vị đầu tiên (Sơ-quả) của bốn quả Thánh. –  “Dự-lưu” nghĩa là dự vào dòng Thánh; cũng gọi là “Nhập-lưu” (nhập vào dòng Thánh) hay “Nghịch-lưu” (đi ngược dòng thế gian để tiến về nguồn Thánh) – Các vị hành giả khi thấy được đạo (kiến đạo), nhận chân được lí Tứ Đế, phát sinh tuệ nhãn thanh tịnh, thấy được tính chất vô thường, vô ngã của vạn pháp, đoạn trừ kiến hoặc trong ba cõi (không còn nghi ngờ đối với chánh pháp, dứt bỏ được những kiến chấp sai lầm như thân kiến, tà kiến v.v…), bắt đầu được dự vào dòng Thánh, không còn mê luyến thế gian, chuyên tu tập pháp vô lậu (tu đạo), và chắc chắn sẽ tiến đến quả Thánh cuối cùng là A-la-hán. Các hành giả đã chứng được quả Dự-lưu này, còn phải trải qua 7 lần sinh lên cõi trời và 7 lần sinh trở lại cõi người để tiếp tục tu tập, mới chứng được quả Thánh cuối cùng và nhập niết bàn. 2) Nhất-lai (Tư-đà-hàm), là quả vị thứ nhì (Nhị-quả) của bốn quả Thánh. Sau khi đã đoạn trừ hết những kiến hoặc và chứng được quả Dự-  lưu, hành giả tiếp tục tu tập để đoạn trừ các tư (tu) hoặc của cõi Dục. Đến khi đoạn trừ được 6 phẩm đầu (thượng thượng, thượng trung, thượng hạ, trung thượng, trung trung và trung hạ phẩm) trong 9 phẩm tư hoặc (tham, sân, si, mạn) của cõi Dục thì hành giả chứng được quả vị Nhất-lai (một lần trở lại), sinh lên cõi trời. Sau đó một thời gian, hành giả phải sinh trở lại cõi người một lần nữa để tiếp tục tu tập, mới chứng được quả A-la-hán và nhập niết bàn. 3) Bất-hoàn (A-na-hàm), là quả vị thứ ba (Tam-quả) của bốn quả Thánh. Sau khi từ cõi trời sinh trở lại cõi người, hành giả lại tiếp tục tu tập để đoạn trừ nốt 3 phẩm còn lại (hạ thượng, hạ trung và hạ hạ phẩm) trong 9 phẩm tư hoặc của cõi Dục, thì chứng được quả vị Bất-hoàn (không trở lại). Sau khi viên tịch, hành giả sinh lên cõi trời, từ đó tiến tu thẳng cho đến khi chứng quả A-la-hán và nhập niết bàn, mà không còn sinh trở lại cõi người lần nào nữa. 4) Bất-sinh (A-lahán), là quả vị thứ tư (Tứ-quả) và cũng là quả vị cao nhất của bốn quả Thánh. Sau khi chứng quả Bấthoàn, hành giả tiếp tục tu tập để đoạn trừ tất cả các kiến tư hoặc trong ba cõi (được gọi là bậc “sát tặc”), vĩnh viễn nhập niết bàn, không còn trở lại trong ba cõi nữa (được gọi là bậc “bất sinh”). Vì đã dứt trừ hết mọi phiền não cho nên bậc thánh A-la-hán chứng được trí tuệ viên dung vô ngại, đầy đủ sáu phép thần thông, xứng đáng nhận sự cúng dường của các cõi trời và người (được gọi là bậc “ứng cúng”). Thời Phật còn tại thế, có rất nhiều các vị tì kheo chỉ cần được Phật khai thị là tâm trí rỗng sáng, dứt hết ái nhiễm, chứng ngay quả vị A-la-hán; chậm lắm thì cũng như tôn giả A Nan, mãi sau khi Phật nhập diệt 100 ngày mới chứng quả, nhưng vẫn là ngay trong một đời và ngay ở cõi người, không phải đơi đến đời sau hay ở cõi trời. Đó là các bậc thượng căn thượng trí. Đối với các hành giả căn trí thấp kém thì sẽ phải tu tập tuần tự để tiến lên từng quả vị một như vừa trình bày trên.