GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 11
SÁU PHÁP QUA BỜ (phần 1)

Các hành giả Nhị-thừa(1), nếu phát khởi bốn tấm lòng rộng lớn là từ, bi, hỉ, xả(2), liền được đứng vào địa vị các vị Bồ-tát đại thừa. Đã phát tâm rồi, ắt phải phối hợp với hành động, thì mới có thể hoàn thành sự nghiệp độ mình và độ người, chứng đạt quả Phật. Một trong các hành động cần có của một vị Bồ-tát là tu tập “sáu ba la mật”.

“Ba-la-mật” hay “ba-la-mật-đa” là tiếng Phạn, tiếng Trung-quốc nói là “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia). Hành giả ngồi trên thuyền đại hạnh, từ bờ khổ não sinh tử ở bên này, đi sang bờ an lạc niết bàn ở bên kia, thì gọi là “đáo bỉ ngạn”. Do vậy, “sáu ba la mật” cũng được gọi là “sáu độ” (tức sáu pháp qua bờ).

1. Đàn na ba la mật: Tiếng Trung-quốc nói là bố thí độ, để đối trị lòng xan tham. Bố thí có ba cách: a) Bố thí của cải (tài thí), có hai thứ: Một là của cải ở ngoài thân thể (ngoại tài), gồm từ đất đai, nhân lực(3), cho đến tất cả mọi thứ của cải khác, trên thì phụng sự thánh hiền, dưới thì cứu giúp những người nghèo khổ; đều thuộc cách này. Hai là của cải trong chính thân thể (nội tài), những vật trên chính thân thể mình, như đầu, mắt, não, tủy, tay, chân, máu, sức lực, lời nói, v.v… đều thuộc cách này. b) Bố thí giáo pháp (pháp thí), cũng có hai thứ: Đem các giáo pháp như bốn sự thật1, bốn lĩnh vực quán niệm2, v.v… dạy cho người, thì gọi là bố thí pháp tiểu thừa; đem các loại kinh giáo đại thừa hoặc các phương pháp tu chỉ quán3, niệm Phật, v.v… dạy cho người, thì gọi là bố thí pháp đại thừa. c) Bố thí đức vô úy, nghĩa là, đối với người nghèo khổ thì đem tiền của giúp đỡ cho, đối với người bệnh hoạn thì đem thuốc thang giúp đỡ cho, đem ánh sáng đến những nơi tăm tối v.v… Một cách tổng quát, tất cả những cách có thể làm cho người ta dứt được tâm lo sợ, đều thuộc vào cách bố thí vô úy.

2. Thi la ba la mật: Tiếng Trung-quốc nói là trì giới độ, nhằm ngăn chận sự phạm giới. Những cận sự nam và cận sự nữ4 tại gia thọ trì 3 sự quay về nương tựa và 5 giới5; các vị sa di6 xuất gia thọ trì 10 giới7; quí vị tì kheo thọ trì 250 giới; quí vị tì kheo ni thọ trì 348 giới; các vị bồ tát thọ trì 10 giới trọng và 48 giới khinh; các vị hành giả thuộc trong năm chúng trên, mỗi vị nên chiếu theo thân phận của mình mà hành trì các giới luật cho xứng hợp.

3. Sàn đề ba la mật: Tiếng Trung-quốc nói là nhẫn nhục độ, nhằm dập tắt tâm oán giận. “Nhẫn” là cái tâm chịu đựng; “nhục” là cái hoàn cảnh phải chịu đựng. Trong quá trình tu tập, hành giả không tránh khỏi va chạm với hai hoàn cảnh thuận và nghịch, cần phải kiên trì chịu đựng, thì con đường đạo mới không bị trở ngại.

Có bốn loại nhẫn: một là nhẫn của hạng người đang điều phục tâm ý (phục nhẫn8 ); hai là nhẫn của hạng người tâm ý đã thuần thục (nhu thuận nhẫn9); ba là nhẫn của bậc đã chứng ngộ pháp tính vô sinh (vô sinh nhẫn10); bốn là nhẫn của bậc thường trú trong cảnh giới niết bàn tịch tịnh (tịch diệt nhẫn11). Tất cả những hoàn cảnh cần phải nhẫn nại chịu đựng đều thuộc về “nhục”, chứ không phải chỉ riêng các nghịch cảnh12 mà thôi(4).

 

CHÚ THÍCH

1. “Đế” là chân lí, có nghĩa rằng, bốn sự thật này là những chân lí mà bậc thánh đã thấy rõ được. Một là khổ đế, tức là những quả báo đau khổ trong ba cõi sáu đường; đó là cái quả mê lầm. Hai là tập đế, tức là các phiền não tham, sân, v.v… cùng các nghiêp thiện ác, những tư tưởng và hành vi này là những cái nhân mê lầm, đã tích tụ và gây ra các quả báo đau khổ. Ba là diệt đế, tức là cảnh giới niết bàn, cảnh giới của an lạc, thanh tịnh, chân không, tĩnh lặng; đó là cái quả giác ngộ. Bốn là đạo đế, tức là những phương pháp tu tập như tám nguyên tắc hành động chân chính chẳng hạn, nếu tu tập thì chắc chắn sẽ chứng nhập niết bàn; đó là cái nhân giác ngộ. Nếu chiếu theo thứ tự trước sau của từng cặp nhân quả thì sẽ là tập, khổ, đạo, diệt. Sở dĩ phải nói đảo ngược là vì cái kết quả lúc nào cũng dễ trông thấy hơn. Vì nguyên nhân thường khó thấy, nên cái khổ phải được bày ra trước cho người ta sợ, rồi sau đó mới khuyên người ta hãy dứt trừ cái nguyên nhân; trước bày ra cái quả an lạc cho người ta vui thích, rồi sau mói khuyên họ tu tập cái nguyên nhân. Đó chính là chỗ khéo léo của công việc giáo hóa đối với hạng phàm phu căn cơ thấp kém.

2. Hoặc dịch là “tứ niệm trú”. Các hành giả tiểu thừa, sau khi tu tập năm phép quán dừng tâm(5) thì tiếp tục tu tập bốn phép quán này. 1) Quán niệm về thân thể: quán sát để thấy rõ thân thể là không sạch; 2) Quán niện về cảm thọ: quán sát để thấy rõ cảm thọ là đau khổ; 3) Quán niệm về tâm thức: quán sát để thấy rõ tâm thức là vô thường; 4) Quán niệm về vạn pháp: quán sát để thấy rõ vạn pháp là vô ngã.

3. Hợp hai từ tiếng Phạn “xa-ma-tha” và “tì-bát-xá-na” lại mà dịch thành ra là “chỉ quán”. Chỉ thuộc về định, quán thuộc về tuệ; đó là ý nghĩa của pháp môn “định tuệ song tu”. Nếu nói về phương pháp, làm cho mọi vọng niệm dừng lại, gọi là chỉ; sau đó, quán niệm hoặc về tính không của các pháp, hoặc về tính giả của các pháp, hoặc giả tức không và không tức giả, hoặc về bốn lĩnh vực quán niệm, hoặc duyên thẳng vào chân như, hoặc giữ tâm ở chỗ vô trụ, v.v… đều gọi là quán.

4. Tiếng Phạn là “ưu-bà-tắc”, tiếng Trung-quốc nói là cận sự nam; “ưu-bà-di”, tiếng Trung-quốc nói là cận sự nữ; có nghĩa là gần gũi phụng sự Tam Bảo. Đó là hai danh từ dùng chỉ chung cho các người tại gia đã quay về nương tựa với Tam Bảo và phát nguyện thọ trì năm giới cấm.

5. Ba sự quay về nương tựa là quay về nương tựa Phật, quay về nương tựa Pháp và quay về nương tựa Tăng. Năm giới là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

6. Cựu dịch là “tức từ”, nghĩa là dứt các điều ác, làm các điều lành; tân dịch là “cần sách”, nghĩa là siêng năng tu tập theo sự sách lệ của đại chúng. Đó là danh từ dùng chỉ chung cho các vị xuất gia thọ trì mười giới.

7. Mười giới mà chúng sa di phải thọ trì là: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không thoa dầu thơm và đeo đồ trang sức, không ca múa và xem nghe hát xướng, không nằm ngồi giường ghế cao rộng, không ăn ngoài giờ qui định, không cất giữ các vật quí báu như vàng bạc.

8. Các hành giả mới phát tâm, muốn chịu đựng được trước những cảnh thuận hay nghịch, trước hết phải điều phục tâm ý, gọi là “phục nhẫn”.

9. Sau một thời gian dài tâm ý đã được điều phục, mỗi khi chạm cảnh gặp duyên, sự chịu đựng sẽ phát sinh một cách tự nhiên mà không cần phải ra sức cố gắng, tâm ý hành giả lúc bấy giờ nhu hòa tùy thuận một cách khéo léo, như bụi bay trong ánh sáng, gọi là “nhu thuận nhẫn”.

10. Khi tiến lên địa vị thánh nhân, hành giả đã ngộ đưọc tự thể của vạn pháp vốn là bất sinh, các loài hữu tình hay vô tình cũng đều là duyên sinh, không có tự tính, ngay nơi bản thể đã là không, cho nên, đối với các pháp “vô tính” đó, tâm nhẫn của hành giả cũng trở nên bất động, chứng nhập cảnh giới “vô sinh”, gọi là “vô sinh nhẫn”.

11. Các bậc thánh đã thực chứng trọn vẹn cảnh giới niết bàn tịch tịnh, cả hai tướng động và tịnh hòa hợp nhất như, gọi là “tịch diệt nhẫn”.

12. “Hoạnh nghịch” nghĩa là mang đến cho người những điều phi lí.

 

PHỤ CHÚ

1. Nhị-thừa: Ở đây có ý chỉ cho hai cỗ xe nhỏ là Thanh-văn và Duyên-giác.

2. Bốn tấm lòng rộng lớn: 1) Lòng TỪ rộng lớn (TỪ vô lượng tâm): đem an vui đến cho mọi người, mọi loài; 2) Lòng BI rộng lớn (BI vô lượng tâm): giúp chấm dứt đau khổ cho mọi người, mọi loài; 3) Lòng HỈ rộng lớn (HỈ vô lượng tâm): khởi niệm hoan hỉ khi thấy mọi người, mọi loài được an vui; 4) Lòng XẢ rộng lớn (XẢ vô lượng tâm): buông bỏ tất cả mọi cố chấp, thành kiến, tham ái, đố kị, hận thù, kiêu mạn, v.v…; tâm hoàn toàn nhẹ nhàng, thanh thoát và trong sáng.

Trong nguyên văn, khi liệt kê những tài sản thuộc về “ngoại tài”, tác giả đã kể trước nhất là “quốc thành, thê tử”. “Quốc thành” có thể hiểu là kinh đô, thành trì của quốc gia, mà cũng có thể là nguyên cả lãnh thổ quốc gia. Ai là người có quốc gia trong tay để có thể đem cho kẻ khác? Chỉ có các vua chúa trong chế độ quân chủ thời xưa. Ngày nay là thời đại dân chủ, quốc gia là của toàn dân, người lãnh đạo quốc gia (dù là một Phật tử đi nữa) chỉ là đại diện của dân, nếu đem quốc gia cho kẻ khác như vậy thì sẽ trở thành kẻ bán nước – chứ đâu phải là hành động “bố thí”! “Thê tử” là vợ con. Ai có thể đem vợ con cho kẻ khác? Chỉ có người đàn ông (vừa là chồng, vừa là cha). Cái quan niệm coi vợ con như những đồ vật, muốn dùng thì dùng, muốn cho ai thì cho là cái quan niệm trọng nam khinh nữ của những thời xa xưa trong chế độ phong kiến, nay còn nhắc đến thì quả là không hợp thời. Vì vậy mà dịch giả đã không dịch thẳng nhóm từ “quốc thành thê tử” thành ra “quốc gia, vợ con”, mà dịch trệch đi là “đất đai, nhân lực” cho phù hợp với đời sống của xã hội ngày nay. “Đất đai” (như ruộng, vườn v.v…) thì ai cũng có thể có, và nếu có tâm đạo, biết bố thí cúng dường thì Phật tử có thể cho những tổ chức từ thiện, hay cúng cho Giáo Hội để làm việc Phật sự, công ích; thậm chí cũng có thể chia cho những người nghèo khổ để họ dùng. “Nhân lực” (người trong gia đình, trong tổ chức, đoàn thể v.v…) ai cũng có thể có, và nếu có tâm đạo, biết giúp đỡ người khác trong lúc nguy khốn, người Phật tử có thể gửi người của mình vào chùa giúp việc, hoặc theo các tổ chức từ thiện xã hội để làm các việc công ích giúp người như cứu trợ, xây trường học v.v…

3. Nhẫn nhục: Người tu tập hạnh nhẫn nhục có thể chịu đựng bất cứ nghịch cảnh từ đâu tới; chịu đựng được cả những sức tấn công của ái dục, giàu sang, quyền lợi và địa vị; an nhiên trước những thành quả tốt đẹp trong công việc Phật sự, ngay cả đối với sự thăng tiến tâm linh, không tự mãn, không kiêu căng trên đường tu chứng.

4. Năm phép quán dừng tâm (ngũ đình tâm quán): năm phép quán niệm có công năng chận đứng loạn tưởng, dập tắt phiền não, làm cho tâm ý định tĩnh, sáng suốt: 1) Quán niệm thân thể và vạn vật đều là ô nhiễm, không trong sạch (bất tịnh quán); chận đứng được tâm tham dục. 2) Quán niệm về nỗi thống khổ của mọi loài mà phát khởi tình thương rộng lớn (từ bi quán); dứt bỏ được tâm sân hận, oán thù. 3) Quán niệm về đạo lí duyên khởi trong quá trình sinh diệt của vạn hữu (nhân duyên quán); thấy rõ chân tướng của thực tại, phá trừ tâm ngu si, tà kiến, cố chấp. 4) Quán niệm về bảy nguyên tố tạo thành bản thân (thất đại: địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức), hoặc về mười tám khu vực của thân (sáu căn), cảnh (sáu trần) và nhận thức (sáu thức) –gọi là “giới phân biệt quán”– để thấy được sự giả hợp của thân tâm mà ta thường cho đó là cái “ta”; diệt trừ tâm chấp ngã (ngã kiến). 5) Quán niệm hơi thở bằng cách đếm hơi thở vô, hơi thở ra (sổ tức quán); cột tâm lại, không để cho giây phút nào bị tán loạn, bị xao lãng. Có chỗ cho rằng, vì phép quán niệm thứ tư (giới phân biệt quán) có cùng tính chất với phép quán niệm thứ ba (nhân duyên quán), nên gom lại thành một, chỉ có nhân duyên quán; và phép quán niệm thứ tư được thay bằng “Phật quán”, tức quán niệm về thân tướng trang nghiêm, thanh tịnh và các đức tính cao thượng của đức Phật, từ đó mà bao nhiêu phiền não, nghiệp chướng đều bị tiêu trừ.

 

BÀI TẬP

1) Hãy giải thích ba chữ “ba la mật”. Vì sao “lục ba la mật” cũng được gọi là “lục độ”?

“Ba la mật” là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn, dịch nghĩa là đến bờ bên kia. Hành giả tinh tấn tu tập, có thể vượt qua biển mê để sang đến bờ giác ngộ ở phía bên kia. “Lục ba la mật” là sáu pháp môn tu tập giúp cho hành giả sang được bến bờ giác ngộ giải thoát, cho nên được gọi là “lục độ” – tức sáu pháp qua bờ.

2) Đối tượng cứu độ của các công đức bố thí, trì giới, nhẫn nhục là những gì?

Đối tượng cứu độ của công đức bố thí là tâm tham lam, keo kiệt, ích kỉ; đối tượng cứu độ của công đức trì giới là các ý tưởng, ngôn ngữ và hành động phạm giới; đối tượng cứu độ của công đức nhẫn nhục là tâm sân hận, oán thù.

3) Bố thí có mấy loại? Hãy nêu tên của chúng.

Bố thí có ba loại: bố thí của cải vật chất để giúp người qua cơn đói khổ, gọi là “tài thí; bố thí giáo pháp giúp người tu tập, gọi là “pháp thí; và bố thí những gì làm cho người ta dứt các nỗi lo âu, sợ sệt,  gọi là “vô úy thí”.

4) “Ngoại tài” là gì? “Nội tài” là gì?

“Ngoại tài” là những thứ của cải vật chất ở ngoài thân thể, như tiền bạc, cơm nước, thuốc thang, nhà cửa, ruộng đất, v.v… “Nội tài” là những gì của chính thân thể mình, như đầu, mắt, tay, chân, máu, thịt, khả năng, sức lực, lời nói, v.v…

5) Hãy nêu ra số giới cấm mà các chúng cận sự nam nữ, sa di, tì kheo, tì kheo ni và bồ tát thọ trì.

Chúng cận sự nam và cận sự nữ (cư sĩ tại gia) thọ trì 5 giới; chúng sa di (xuất gia) thọ trì 10 giới; chúng tì kheo thọ trì 250 giới; chúng tì kheo ni thọ trì 348 giới; chúng bồ tát thọ trì 10 giới trọng và 48 giới khinh.

6) Nội dung của năm giới, mười giới gồm những gì?

Năm giới gồm có: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Mười giới gồm có: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không thoa xức dầu thơm và đeo đồ trang sức, không ca múa và xem nghe hát xướng, không nằm ngồi giường ghế cao rộng xa hoa, không ăn trái giờ giấc qui định, không cất giữ vàng bạc và các của cải quí báu.

7) Thế nào là “phục nhẫn” và “nhu thuận nhẫn”?

Khi mới phát tâm tu tập, hành giả cần phải gắng công điều phục tâm ý mới chịu đựng được trước các hoàn cảnh khó khăn; như thế gọi là “phục nhẫn”. Một thời gian dài sau khi tâm ý đã được điều phục, khi đối trước các hoàn cảnh khó khăn, khả năng chịu đựng sẽ khởi dậy một cách tự nhiên mà hành giả không cần phải ra sức cố gắng gì mữa. Lúc bấy giờ, dù hoàn cảnh thuận hay nghịch thế nào, tâm ý hành giả cũng tùy thuận một cách nhu hòa, khéo léo, như hạt bụi bay lượn tung tăng trong ánh sáng mặt trời; như thế gọi là “nhu thuận nhẫn”.

8) Thế nào là “vô sinh nhẫn” và “tịch diệt nhẫn”?

Khi đã tiến lên địa vị thánh nhân, hành giả liền chứng ngộ chân lí, thấy tất cả vạn pháp tự chúng vốn không sinh không diệt, dù là các loài hữu tình hay vô tình, cũng đều là duyên sinh, tự thể vốn không. Như vậy, dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh thì cũng chỉ là huyễn mộng, cho nên tâm chịu đựng của hành giả trở nên bất động, không có niệm gì để khởi, chứng nhập cảnh giới vô sinh, gọi là “vô sinh nhẫn”. Các bậc thánh đã chứng nhập trọn vẹn vào cảnh giới niết bàn tịch tịnh, thì các tướng động cũng như tướng tịnh đều vắng lặng trong thể tính nhất như, gọi là “tịch diệt nhẫn”.