QUYỂN IV
 
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
 
PHẨM ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA
THỨ MƯỜI HAI
 
Đại ý phẩm này là liên quan với mười phẩm dưới cùng chung ý nghĩa Ngộ tri kiến Phật.
Ở trước đã khai thị ba châu chỉ bày tri kiến Phật. Hàng nhị thừa chỉ tin tâm này mà thôi, tuy tin chân tâm mà chưa đạt được diệu cảnh gọi là thị Phật tri kiến. Từ đây trở xuống là ngộ Phật Tri kiến.
Các vị Thanh văn dù tin tâm mình là Phật, nhưng vì trải qua nhiều kiếp vô minh chưa hết. Từ lâu tri kiến của họ yếu kém và tập khí chưa mất, tuy nói là tin hiểu mà còn thuộc về tri thức phân biệt. Cần phải dùng nhiều phương tiện, diệu hạnh để điều trị, mới đắc pháp thân thanh tịnh. Sợ họ khi vào thế tục độ sinh, không khéo dùng phương tiện, cần chuẩn bị cho họ các phương thức để giữ gìn. Từ nơi diệu hạnh mà được ngộ nhập, để họ không rơi vào phàm tình. Không sinh tâm lo sợ.
Đây chính là lòng từ bi rộng lớn của Đức Như Lai, đó là ý nói là “Để phương thuốc lại”. Từ đây trở xuống trình bày chung về hạnh và chứng, trong kinh văn đều có phần riêng. Như đã nói phần này thuộc ngộ tri kiến Phật, nên lấy Đề Bà Đạt Đa làm tên của phẩm, muốn nói sự giác ngộ khó mà dễ, đều lấy hành trì làm căn bản. Do các vị Thanh văn từ lâu ôm lòng lo sợ Phật đạo dài xa nên không khởi tâm mong cầu, dù họ mong được thọ ký. Hơn nữa Thanh văn còn trải qua nhiều kiếp mới được chứng quả, sợ họ yên trí nghiệp xưa mà không chịu kích thích lòng ước nguyện. Cho nên Đức Thế Tôn tự dẫn chứng việc xưa của mình, tuy làm vua mà không tiếc thân mạng để mong cầu Diệu pháp, hành trì khổ hạnh đến nay chứng quả Bồ đề. Đây là giác ngộ khó vì tiệm ngộ. Nhưng sợ hàng hạ liệt sợ khó mà không tiến tới nên nói việc Văn Thù giáo hóa Long nữ mới bảy tuổi thành Phật để thấy việc thành Phật là dễ. Vả lại biển là nơi sinh tử chìm đắm, Long nữ là đứng đầu trong tam tộc. Nữ là khí âm tà ô trược rất khó giáo hóa, thế mà trong khoảng khắc dâng hạt châu lập tức thành Phật, thế không dễ sao? Đây là đốn ngộ vậy. Nhờ nương tựa bậc Đại trí làm chỗ quy hướng, ý muốn nói chúng đương cơ sau khi Phật diệt độ nên gần gũi bậc tối thắng tri thức mới có thể đạt được giác ngộ tột cùng, vĩnh viễn không rơi vào cõi Nhị thừa. Cho nên lấy Ngộ làm đầu để lập Tiệm Đốn, do vậy mà có phẩm này.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo chư Bồ tát” đến câu: “Tinh cần cấp thị linh vô sở phạp” (Lúc bấy giờ Đức Phật bảo các vị Bồ tát… cung cấp hầu hạ cho tiên nhân không thiếu thốn).
Đoạn này Phật tự trình bày sự khó khăn nỗ lực cầu diệu pháp đã qua của mình để cảnh tỉnh tâm lười biếng của Nhị thừa.
Nói rằng: “Trong vô lượng kiếp cầu kinh Pháp Hoa không có lười biếng và mệt mỏi”, đó là tâm cầu diệu pháp không chỉ trong một kiếp. Huống chi trong nhiều kiếp thường làm vua một nước mà luôn tinh tấn mong cầu, đó không phải là người tầm thường. Hơn nữa vì cầu diệu pháp mà bố thí voi, ngựa, các vật sở hữu … là “Ngoại thí”. Bố thí đầu, mắt… là “Nội thí” xã bỏ ngôi vua là “Bố thí tất cả”. Mong có người nói Diệu pháp để nguyện trọn đời theo hầu, phục dịch tinh cần nhẫn nại là “Vong ngã đến tận cùng”.
Bấy giờ có vị tiên nhân đáp lại nguyện vọng của vua mà nói Diệu pháp đó là “Cảm ứng của lòng tinh tấn thành khẩn”. Vua nghe tin liền vui mừng đi theo hầu hạ khổ cực không chán nản, cho đến lấy thân làm ghế, ngồi mà không mệt mỏi, trải qua thời gian dài đến nghìn năm mà không bỏ cung cấp đầy đủ. Đây là tâm cầu pháp chịu khổ sở khó khăn lâu dài như vậy. Hàng Nhị thừa hiện tiền được thọ ký, mỗi người tự xét lại tâm cầu pháp của mình có tinh tấn thành khẩn như vậy không? Ta nay vì họ thuyết Pháp vương đại bảo, mọi người không mong cầu mà tự được. Thế có phải là tầm thường dễ thấy không? Trong tương lai phải trải qua việc phụng sự nhiều Đức Phật, phải kiên cố phù hợp với tâm như thế của ta thì mới gọi là người trì pháp. Người xưa nói “ Đã ngộ ra rồi giữ gìn (cái ngộ) ấy là khó”. Nếu được thành quả thánh nên trước hết nói ngộ tâm phải căn cứ ở đây.
2. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa” đến câu: “Kim cố vị nhữ thuyết” (Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên … nay vẫn vì ông nói).
Câu: “Ta nhớ thuở quá khứ” trở xuống 22 câu, nói tổng quát về sự tinh cần cầu pháp thuở xưa của Đức Thế Tôn. A Tư Đà nghĩa là vô tỷ, là bổn sư quá khứ của Phật. Nếu pháp mà có sự so sánh thì không thể làm cho người mong cầu quên thân đến như vậy. Câu: “Khắp vì các chúng sinh” trở xuống 8 câu, là nói sự khó khăn của cầu pháp thuở xưa, mà nay nói cho mọi người quá dễ, muốn cho đại chúng biết mà tôn trọng.
3. Từ câu: “Phật cáo chư Tỳ kheo” đến câu: “Giai nhân Đề Bà Đạt Đa thiện tri thức cố” (Phật bảo cáo Tỳ kheo rằng… Đều là nhân thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa cả).
Đoạn này Phật kể lại người thầy xưa, nay chính là Đề bà Đạt Đa. Chính là muốn nói sự khắc khổ là nhân duyên thành Phật.
Đề bà Đạt Đa có nghĩa là thiên nhiệt, khi sinh ra tâm của trời người đều nóng, nên lấy sự kiện ấy đặt tên. Còn nữa, mẹ ông cầu trời mà sinh nên gọi là thiên thọ, là con của Họ Phạn Vương, là em đồng họ với Phật. Tuy nhiên vì hành nghịch hạnh nên đời đời chuyên tâm hại Phật, nay càng nặng nề, thường lấy chất độc giấu trong 10 ngón tay, chờ khi lễ Phật tiếp xúc với chân Phật bấu vào. Nhưng chân Phật không bị thương mà móng tay bị hư gãy. Lại cùng với vua A Xà Thế âm mưu giết Phật để tự mình lên thay, vua thả 500 voi say đến chà Phật, nhưng Phật lấy ngón tay chỉ thì hiện con sư tử, bầy voi liền bị nhiếp phục. Lại xô đá lớn đè Phật, địa thần ngăn đá lại, đá bể ra từng mảnh nhỏ, trúng chân Phật chảy máu, do đó bị rơi vào địa ngục. Đức Phật sai người đến thăm, hỏi ông ở đây được an ổn không? Ông liền đáp: Ta ở đây vui như ở Tứ thiền thiên. Lại hỏi: Ông bao giờ ra khỏi địa ngục? Đáp: Đợi chừng nào Đức Thế Tôn vào địa ngục ta mới ra. Các loại ngũ nghịch đến như vậy cái hại của chúng không phải chỉ một đời.
Đề bà Đạt Đa là tiên nhơn thuyết Diệu pháp ngày xưa, do đó nói Đề bà Đạt Đa là thiện tri thức đã làm cho ta đầy đủ sáu pháp Bala mật, Tứ vô lượng tâm.v.v… Nhờ đó mà thành chánh giác, rộng độ quần sinh. Như Lai hôm nay có được Phật quả đều do Đề bà Đạt Đa tác thành, ân đó rất lớn không thể nói hết được. Thật ra đều là làm hại mà Đức Thế Tôn coi trọng như thế, đủ biết Phật quả khó thành. Còn gọi là “Hoặc thị hiện oan gia, dùng oán hại để bức bách, phải kiên cố đức nhẫn tinh tấn không lui”. Nếu không như thế thì làm sao có được ngày hôm nay! Điều gọi là Nhất xiển đề chẳng phải là Nhất xiển đề, giải thoát thế gian do ai mà chuyển hóa!
Thế Tôn nói lại việc này, do phẩm trước nói tận cùng cái khó của sự giữ gìn Diệu pháp. Đời ô trược có nhiều oán hại, ngài muốn hàng Nhị thừa vừa được thọ ký, là người giữ gìn kinh trong tương lai, ở nơi đời ô trược, nên quán việc Đức Như Lai nhờ sự hãm hại của Đề bà Đạt Đa, coi đó là mô phạm. Sau đó mới có thể làm cho pháp được an trụ lâu dài.
4. Từ câu: “Cáo chư tứ chúng” đến câu: “Phát Bồ đề tâm, chí bất thối chuyển” (Phật bảo hàng tứ chúng… phát tâm Bồ đề đến bậc bất thối chuyển).
Đoạn này Đức Phật thọ ký cho Đề bà Đạt Đa, mà không liệt vào hàng đệ tử. Vì đó là bổn sư của Đức Thế Tôn, hơn nữa nhờ rèn luyện đức hạnh mà nhẫn lựa của Như Lai càng kiên cố. Do vậy mà thành tựu Bồ đề, được coi là bước đầu để giữ gìn sự giác ngộ và là mô phạm cho người trì kinh ở đời ác trược.
Phật hiệu là Thiên vương, nghĩa là do oán hại làm cho sức mạnh nhẫn nhục của Phật càng kiên cường, đạt đại tự tại mà cảm ứng kết quả như thế. Nước tên là Thiên đạo nghĩa là các Phật thành đạo chưa thấy ai không do cần khổ tu nhẫn mà thành, đó là lý tự nhiên. “Thường nói Diệu pháp” vì trong nhân duyên ban đầu lấy Diệu pháp mà giáo hóa Đức Thế Tôn, nên quả trên gọi là Thường thuyết chúng sinh nghe Diệu pháp đều được quả tam thừa. Chính là bày tỏ ý nghĩa Pháp chỉ có một mà căn cơ thì có nhiều.
Khi Phật Thiên vương diệt độ rồi, người cúng dường tháp được quả tam thừa, do từ nơi nhân hạnh mà cảm ứng ra như vậy.
5. Từ câu: “Phật cáo chư tỳ kheo” đến câu: “Liên hoa hóa sinh” (Đức Phật bảo các Tỳ kheo … Hoa sen hóa sinh).
Đoạn này nói trong tương lai có người nghe phẩm này tin kính không hoài nghi thì vĩnh viễn không đoạ vào 3 đường ác, cho đến nếu sinh ở trước Phật thì từ hoa sen hóa sinh. Do thấy Thế Tôn cầu pháp khó khăn, gặp nhiều hãm hại, oán cừu mới được thành tựu; đối với diệu pháp tinh tấn hành trì, kiên nhẫn không thối lui, nên gặt được quả báo thù thắng như vậy.
6. Từ câu: “Ư thời hạ phương” đến câu: “Khả hoàn bổn độ” (Bấy giờ ở hạ phương … sẽ về bổn độ)
Đoạn này nói ở phương Hạ ngài Trí Tích Bồ tát thỉnh Phật Đa Bảo nên trở về bổn độ, đã chứng minh xong pháp sự, không nên ở lâu. Ý tiêu biểu sự chúng ngộ chưa mất, còn có chấp pháp. Khi không còn một dấu vết gì, năng sở đều mất mới được diệu ngộ. Thiền tông bảo rằng: “Khi ngộ thì một chữ cũng phải nhã bỏ mới là hiện tượng phản bổn hoàn nguyên”. Đức Thích Ca giữ ngài Đa Bảo lại chờ ngài Văn Thù, là tiêu biểu cho sự chứng ngộ diệu pháp, phải dung thông quán chiếu, trừ hết pháp chấp mới là tận cùng vi diệu của sự trì pháp. Nên đợi Văn Thù cùng gặp mặt để luận thuyết diệu pháp.
7. Từ câu: “Nhĩ thời Văn Thù Sư Lợi” đến câu: “Khước toạ nhất diện” (Lúc đó ngài Văn Thù Sư Lợi … rồi ngồi một phía).
Đoạn này nói ngài Văn Thù ngồi trên hoa sen quý từ biển lớn vọt lên. Tiêu biểu cho người giác ngộ chân tâm như hoa sen nở, trí tuệ mầu nhiệm hiện ra trước mắt từ trong biển tạng thức tự nhiên hiển lộ. Đến trước Phật đảnh lễ hai vị tôn túc, đó là “Trí thỉ giác” hiệp với “Bổn giác”. Qua chỗ ngài Trí Tích hỏi thăm là hai trí tương hội. Nếu không như vậy không đủ để nói là Diệu ngộ.
8. Từ câu: “Trí Tích Bồ tát vấn” đến câu: “Kỳ sự như thị” (Ngài Trí Tích Bồ tát hỏi … việc đó như thế).
Đoạn này nói ngài Trí Tích hỏi về chúng sinh mà ngài Văn Thù giáo hóa. “Nói số chúng sinh là vô lượng không thể tính đếm”, ý là trong biển lớn sinh tử, trong hang nhà tam độc nếu không phải là Đại trí thì không thể thâm nhập. Nếu không đi sâu vào thì không thể chuyển hóa phiền não thành diệu hạnh. Nhờ trí tuệ khởi lên mê hoặc tan biến, nên vô số phiền não thể tức đều thanh tịnh. Do vậy mới có vô số Bồ tát ngồi trên hoa sen báu đến núi Linh thứu trụ ở trên hư không. Phiền não một khi đã chuyển hóa thì tất cả công hạnh đều là Phật hạnh. Cho nên họ đều tu hạnh nghĩa không của Đại thừa. Do đó ngài Văn Thù nói: “Ta ở trong biển giáo hóa việc đó như thế”.
9. Từ câu: “Nhĩ thời Trí Tích Bồ tát” đến câu: “Linh tốc thành Bồ đề” (Lúc ấy ngài Trí Tích Bồ tát … khiến mau thành bồ đề).
Đoạn này là ngài Trí Tích ca ngợi ngài Văn Thù.
Bốn câu đầu, nói nếu chẳng phải là bậc đại trí mạnh mẽ thì không thể giáo hóa nhiều chúng sinh như thế. Bốn câu kế, nói nếu chẳng phải là Diệu pháp thì không thể chuyển biến mau chóng như vậy.
10. Từ câu: “Văn Thù Sư Lợi ngôn” đến câu: “Diệu pháp hoa kinh” (Ngài Văn Thù Sư Lợi nói … Kinh Diệu Pháp Liên Hoa).
Đoạn này ngài Văn Thù Sư Lợi đáp lại kệ trước, nghĩa là chỉ thường nói Kinh Diệu pháp Liên Hoa không có pháp khác. Ý hiển lộ sự thành tựu mau chóng của diệu pháp. Cho nên dưới mới hỏi có thể có người được thành tựu Phật mau chóng chăng!
11. Từ câu: “Trí Tích vấn Văn Thù” đến câu: “Tốc đắc Phật phủ” (Ngài Trí Tích hỏi ngài Văn Thù … Mau đặng thành Phật chăng?).
Ngài Trí Tích hỏi lại ngài Văn Thù: Nói Diệu pháp thâm sâu, có thể có chúng sinh nương theo mà tu hành mau thành Phật không? Câu hỏi này quan trọng ở chỗ trình bày công năng của Diệu pháp là thành tựu rất nhanh chóng.
12. Từ câu: “Văn Thù Sư Lợi ngôn” đến câu: “Tiện thành chánh giác” (Ngài Văn Thù Sư Lợi nói … chúng thành bậc chánh giác).
Đoạn này ngài Văn Thù khen ngợi sự lợi căn của Long nữ mới tám tuổi, nương theo Diệu pháp tu hành mà có thể tức khắc chứng Bồ đề, đây chính là người đó vậy (tức là trả lời câu trên).
Trong biển có nhiều loại ba độc, các uế trược, thân nữ yếu đuối mà có thể đầy đủ uy đức thù thắng như vậy. Chính là hiển lộ ý nghĩa sinh tử ô trược, phiền não, thể của nó là trí dụng thành Phật, nên nói có thể đến Bồ đề. Hơn nữa nói trong sát na phát tâm tức đắc bất thối, đó gọi là sức mạnh của một niệm làm chuyển hóa. Việc này bậc thường tình khó tin ngài Trí Tích sinh nghi rằng: Đức Thích Ca nhiều kiếp tu nhân mới được Bồ đề, vì sao Long nữ trong khoảng khắc thành tựu được chánh giác! Còn gọi là được ý chỉ này thì đồng với chư Phật trong sát na. Mất đi cánh cửa này thì phải tu nhân nhiều kiếp! Đó là hiển lộ công năng thù thắng của diệu pháp, không phải phân biệt lâu mau, tịnh hay uế mà có thể đo lường được.
13. Từ câu: “Ngôn luận vị ngật” đến câu: “Độ thoát khổ chúng sinh” (Nói luận chưa xong… Độ thoát khổ chúng sinh).
Đoạn này Long nữ xuất hiện chứng quả đã làm tan đi tình chấp nhỏ hẹp nơi tướng. Chấp Đức Thích Ca tu lâu, thấy tội cấu của Long nữ, đó đều là không đạt được tánh không của tội phước. Chỉ có ngài Văn Thù đại trí thấy khắp mới hiểu không có tướng sai biệt, đều bình đẳng làm gì có chậm nhanh! “Ta xiển dương Đại thừa giáo hóa độ chúng sinh thoát khổ” là ý nói chỉ trì diệu pháp để độ chúng sinh vậy.
14. Từ câu: “Thời Xá Lợi Phất ngữ” Đến câu: “Tốc đắc thành Phật” (Bấy giờ ngài Xá Lợi Phất nói … đặng mau thành Phật).
Đoạn này ngài Xá Lợi Phất sinh tâm nghi để hiển thị cái nhìn chấp tướng của Nhị thừa.
Như cái nhìn của ngài Xá Lợi Phất, thân nữ có năm chướng ngại tuyệt đối không có cơ hội thành Phật. Đây là chấp thủ chung của thường tình. Vì không đạt pháp tính vốn không, không có tướng nam nữ, tịnh uế. Biết vậy mới có thể vào được thật tướng bình đẳng.

15. Từ câu: “Nhĩ thời Long nữ hữu nhất” đến câu: “Diễn thuyết Diệu pháp” (Lúc đó Long nữ có một… Diễn nói pháp mầu).

Đoạn này Long nữ tự thị hiện nhanh chóng thành Phật.
Cái yêu thích của loài rồng là hạt châu, nay Long nữ cúng dường hạt châu trong khoảng khắc liền được thành Phật. Đó tiêu biểu cho khả năng đoạn trừ nhanh chóng tham ái thì Phật tính hiện tiền, đó gọi là tuệ giác bẩm sinh ở tâm không nhờ bên ngoài. “Long nữ đột nhiên biến thành nam tử”, biểu thị cho Phật tính bất định không có tính nam nữ, để phá sự chấp tướng của hàng Nhị thừa. Qua phương Nam là nói minh chánh là nam, tiêu biểu cho rời khỏi sự ám độn của vô minh thì tạng tính hiển hiện. Phật thể hiện tiền tức thì qua phương Nam, thế giới vô cấu, ngồi trên hoa sen báu mà thành chánh giác.
Do từ diệu pháp mà được ngộ, cho nên vì mọi chúng sinh mà diễn thuyết Diệu pháp. Vì Xá Lợi Phất sinh tâm nghi mà Long nữ lập tức biến thành nam tử thành Phật. Như vậy để khích lệ hàng nhị thừa, rằng mỗi người đều là bậc trượng phu không phải người nữ yếu đuối vậy.

16. Từ câu: “Nhĩ thời Ta bà thế giới” đến câu: “Mặc nhiên tín thọ” (Khi ấy trong cõi Ta bà … yên lặng mà tin nhận đó).
Đoạn này nói pháp hội được lợi ích.

“Thế giới vô cấu chấn động sáu cách”, là chuyển hóa ô nhiễm thành thanh tịnh, là biểu tượng của đốn ngộ do tâm. Chúng sinh cõi Ta bà ở cõi bất thối mà được thọ ký. Nhân do Long nữ kích phát mà thâu hoạch được lợi ích. Ngài Trí Tích, Xá Lợi Phất và đại chúng, lòng nghi được giải tỏa nên yên lặng tin nhận.
Phẩm này trình bày sức nhẫn kiên cố, qua sự tinh cần của Đức Thích Ca mà tự mình không có tâm mệt mỏi. Biết Long nữ mau chứng Bồ đề, tự mình không sợ Phật đạo dài xa. Đây là Đức Thế Tôn phương tiện giáo hóa hàng Bồ tát vậy./.