QUYỂN VII

  Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa


PHẨM PHỔ HIỀN BỒ TÁT KHUYẾN PHÁT
THỨ HAI MƯƠI TÁM

Đại ý phẩm này là nhờ sự tin hiểu ở trước giúp cho Diệu hạnh thành tựu, diệu hạnh tác thành kết quả, tăng thêm lợi ích để chứng nhập mà hiện thân nói lời gia trì. Kinh nói: “Người đó nếu ngồi tư duy về kinh này, bấy giờ con lại cỡi tượng vương trắng hiện ra trước người đó. Người đó nếu quên mất một câu hay một bài kệ, con sẽ dạy cho họ chung cùng đọc tụng”. Lại nói: “Nếu có người thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ, chân chánh tu tập biên chép kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó thấy nghe được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, như được nghe kinh điển này từ miệng Phật”. Đây chính là hiện thân nói lời gia trì vậy. Hàng Đẳng giác Bồ tát nếu không được gia trì thì không vào được bậc diệu giác. Nhờ có pháp thân đến tiếp sức, cần có gia trì mới được chứng nhập. Vì vậy mà có phẩm này.

Kinh Pháp Hoa này lấy trí tuệ làm nền tảng nên do ngài Văn Thù phát khởi để tăng trưởng sự tin hiểu. Lấy công hạnh để thành tựu đức, nên ngài Phổ Hiền ở sau cùng đã làm rõ sự chứng nhập, đó là nhập Phật tri kiến vậy.

Phổ Hiền có hai: Một là phần trước thuộc nhân, hai là phần sau thuộc quả nghĩa là công hạnh bao trùm pháp giới nên gọi là Phổ, gần tột cùng thánh nên gọi là Hiền, đây là Đẳng giác thuộc về Nhân. Xứng hợp chân pháp giới nên gọi là Phổ, biến khắp vạn hữu gọi là Hiền, đây là bậc Diệu giác thuộc về Quả. Như vậy Phổ Hiền là toàn thể pháp giới, là nguyện thân của mười thân Phật Tỳ Lư Giá Na, cho nên Bồ tát dựa vào đây, phát tâm tin hiểu tu hành trở lại chứng bản thể này. Do vậy gọi là không gì không từ pháp giới này mà xuất hiện, chẳng có gì không trở lại pháp giới này. Tuy nhiên Bồ tát nhân hạnh viên mãn, đến bậc Đẳng giác rồi thì nhờ kết quả của giác ngộ tiếp sức mà đi vào Diệu giác. Cho nên phẩm này làm vai trò cuối cùng của sự chứng nhập. Ngài Phổ Hiền lấy nguyện lực để gìn giữ bảo vệ nên được kinh này. Nhờ nhân tố Phổ Hiền mà được chứng nhập nên gọi là khuyến phát.

  1. Từ câu: “Nhĩ thời Phổ Hiền Bồ tát” đến câu: “Tùng Đông phương lai” (Lúc bấy giờ ngài Phổ Hiền Bồ tát … từ phương Đông mà đến).

Đoạn này nói về nghi thức Phổ Hiền đến.

Khi hội Pháp Hoa bắt đầu ngài Phổ Hiền không có mặt trong chúng hội, nay ngài từ phương Đông mà đến. Đông phương là nơi muôn vật sinh trưởng, bởi lẽ diệu hạnh Pháp Hoa phù hợp pháp tính chân thật, có mặt khắp trong tâm vọng tưởng loạn động của tất cả chúng sinh. Nay đã nhập tri kiến Phật, nên pháp giới tính mới được xuất hiện. Do đó pháp hội sắp chấm dứt, ngài Phổ Hiền mới từ phương Đông mà đến. Ban đầu kinh thì ánh sáng chiếu ở phương Đông, cuối kinh thì ngài Phổ hiền xuất hiện ở phương Đông, chính là trình bày hịên tượng Trí và Hạnh phù hợp nhau. Do pháp tính này có mặt khắp trong thân chúng sinh, không bị phiền não làm cho trở ngại, nên gọi là sức thần thông tự tại. Do thể tính pháp thân từ bỏ tâm và đối tượng của tâm nên gọi là “Oai đức” không gì không đủ, nên gọi là “Danh văn”. Đây là cội gốc của muôn hạnh, nên cùng với vô lượng vô biên bất khả xưng số Đại bồ tát câu hội.

  1. Từ câu: “Sở kinh chư quốc” đến câu: “Chủng chủng kỹ nhạc” (Các nước đi ngang qua… các thứ kỹ nhạc).

Đoạn này nói ngài Phổ Hiền, phàm hành động gì đều là phá vô minh và thành tựu Diệu hạnh, làm tăng niềm vui pháp lạc, nên gọi là “ Khắp nơi đều rúng động, mưa hoa sen quý và trỗi các thứ kỹ nhạc”.

  1. Từ câu: “Hựu dữ vô số” đến câu: “Hữu nhiễu thất tráp” (Lại cùng vô số … đi quanh bên hữu bảy vòng).

Đoạn này nói về tám bộ thần chúng đi theo ngài Phổ Hiền, họ đều nhờ diệu hạnh mà làm người bảo vệ Phật pháp. Cho nên gọi: “Đều hiện sức oai đức thần thông”. Đi quanh bên phải bảy vòng là nghi thức bày tỏ lòng kính trọng khi gặp Phật.

  1. Từ câu: “Bạch Phật ngôn Thế Tôn” đến câu: “Thị Pháp Hoa kinh” (Bạch Phật rằng: Thế tôn … Kinh Pháp Hoa này).

Đoạn này ngài Phổ Hiền hỏi pháp, nói rõ lý do đến cõi này của ngài.

Vì Diệu hạnh của Phổ Hiền là toàn thể pháp thân, có đại oai lực, nên gọi là “Nước Phật Bảo oai đức thượng vương”. Do tâm nghe thấu suốt nên gọi là “ Ở xa nghe”. Đã nói là ở xa nghe nên đặc biệt xin Phật thuyết pháp. Đức Thế Tôn chưa đáp một lời, ý nói đạo vốn nằm ngoài ngôn ngữ và âm thanh. Khi Đức Thế Tôn nói pháp Bát nhã ngài Tu Bồ Đề ngồi yên lặng trong hốc núi. Đế thích rải hoa ca ngợi rằng: Tôn giả khéo nghe Bát nhã. Tu Bồ Đề nói: Chưa nghe. Đế thích nói: Đức Thế Tôn lấy cái không nói mà nói, còn tôn giả lấy cái không nghe mà nghe. Có lần Đức Thế Tôn thăng tòa, ngài Văn Thù gõ kiền chuỳ thưa rằng: Đế quán pháp vương pháp, pháp vương pháp như thị (quán rõ pháp của đấng pháp vương, pháp của đấng pháp vương là như thế) Đức Thế Tôn lại xuống tòa.

Nay ngài Phổ Hiền đặc biệt thỉnh Phật thuyết, Thế Tôn không đáp. Ngài Phổ Hiền liền hỏi rằng: Làm sao được kinh này? Ý muốn nói diệu pháp là dứt đường ngôn ngữ, không nói không trình bày, ly ngôn mặc chứng mới có thể ngộ nhập. Cho nên nói là có thể được kinh này.

  1. Từ câu: “Phật cáo Phổ Hiền bồ tát” Đến câu: “Tất đắc thị kinh” (Phật bảo ngài Phổ Hiền Bồ tát … quyết đặng kinh này).

Đoạn này Đức Phật dạy về diệu hạnh Phổ Hiền để trợ giúp cho sự chứng nhập.

Do ngài Phổ Hiền đặc biệt vì nghe kinh mà đến, nên xin Phật nói cho, Đức Thế Tôn không đáp một lời. Ý trình bày đạo lý ly ngôn tịch diệt. Vì không dùng lời nói nên ngài theo đó hỏi rằng: Làm sao được kinh này?. Do vậy Đức Phật dạy bốn pháp để được kinh này: “Một là chư Phật hộ niệm. Hai là trồng các gốc công đức. Ba là nhập chánh định tụ. Bốn là phát tâm cứu vớt chúng sinh”. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: Tín thành tựu ba thứ phát tâm: Một là Trực tâm chánh niệm pháp chân như, nên gọi là chư Phật hộ niệm. Hai là Thâm tâm vui làm tất cả các hạnh lành nên gọi là trồng các công đức. Ba là Đại bi tâm, muốn cứu tất cả chúng sinh đau khổ nên gọi là phát tâm cứu vớt tất cả chúng sinh. Lại nói rằng: Như vậy tín tâm thành tựu sự phát tâm, đó là nhập chánh định tụ. Tuy nhiên phẩm này bày tỏ sự chứng nhập mà nói về Tín thành tựu ấy. Nghĩa là ban đầu dùng trí tuệ Văn thù để khởi phát tín tâm nương vào tin mà sinh hiểu biết, nương vào hiểu biết mà sinh hành động, khi đã hành động thì sự hiểu biết dứt. Đó gọi là sự chứng nhập, là Tín thành tựu vậy. Đó gọi là: “Phát tâm rốt ráo là không phân biệt hai tâm, trong hai tâm ấy tâm đầu là khó”. Tuy nhiên Tín phải nhờ vào hạnh mà thành tựu. Cho nên Văn Thù đại trí phải nhờ Phổ Hiền khuyến phát. Cuối cùng dùng bốn pháp thì được kinh này.

Trong luận căn cứ vào tâm sơ phát mà nói. Ở đây thì căn cứ vào sự thành tựu mà nói, đủ thấy rằng Trí và Hạnh nương vào nhau trước sau không hai vậy.

  1. Từ câu: “Nhĩ thời Phổ Hiền” đến câu: “Giai bất đắc tiện” (Lúc đó ngài Phổ Hiền… đều chẳng đặng tiện lợi).

Đoạn này trình bày sức gia trì.

Nhờ có lực gia trì giữ gìn nên các ma quỷ làm hại người không có cơ hội hoạt động. Ở đây là dứt được tai nạn bên ngoài và diệt sạch phiền não bên trong. Do vì Diệu hạnh Phổ Hiền có thể làm cho tất cả phiền não và các loài ma không thể hiện hành, không tàn hại pháp thân và thương tổn huệ mạng, làm cho an ổn để chứng nhập.

  1. Từ câu: “Thị nhân nhược hành nhược lập” đến câu: “Hoàn linh thông lợi” (Người đó hoặc đi hoặc đứng… làm cho thông thuộc).

Đoạn này nói về hiện thân nói lời gia trì

Nói người này hoặc đi, đứng, ngồi đều tư duy kinh này, thì trong bốn oai nghi mỗi niệm thâm nhập Pháp Hoa tam muội, không quên, không ngu si. Nếu có quên mất một câu hay một bài kệ thì Phổ Hiền Bồ tát cỡi voi trắng sáu ngà hiện thân trước mặt người đó dạy họ, cùng họ đọc tụng làm cho họ được chứng nhập mới thôi. Đây là hiện thân nói lời gia trì vậy.

  1. Từ câu: “Nhĩ thời thọ trì đọc tụng” đến câu: “Như thị đẳng đà la ni” (Bấy giờ người thọ trì … những môn Đà la ni như thế).

Đoạn này nói do sức gia trì mà thấy hiện thân, đắc được tam muội và Đà la ni.

Đà la ni dịch là Tổng trì là tên gọi khác của Nhất tâm Chân Như. Ba loại Đà la ni là nghĩa của Chỉ Quán. “Triền” là triền của Kinh Lăng Nghiêm, tức là xoay ngược tánh nghe như nước chảy mạnh có dòng xoáy, nghĩa là tất cả các pháp đều quy về nhất tâm, nên gọi là Chân như. Lắng đọng thường tịch làm triền Đà la ni. Đây gọi là Chỉ. Nhất tâm Chân Như có đại trí dụng mà không rời khỏi nhất tâm, làm ra trăm ngàn vạn ức triền Đà la ni, đây gọi là Quán. Thể dụng không hai chỉ là nhất tâm. Chỉ Quán cùng vận hành gọi là Trung đạo. Chỉ quán đồng thời, còn mất vô ngại làm Pháp Âm phương tiện đà la ni. Nhân thấy ngài Phổ Hiền nhập pháp giới tánh, một niệm liền đắc. Cho nên nói rằng: “Do thấy tôi liền được các tam muội”.

  1. Từ câu: “Thế Tôn nhược hậu thế” đến câu: “Nhi thuyết chú viết” (Thế Tôn! Nếu đời sau …
    mà nói chú rằng).

Đoạn này ngài Phổ Hiền nói thần chú ủng hộ để hết sức gia trì. “Năm trăm năm về sau” là thời kỳ đấu tranh kiên cố, là thời kỳ khó trì kinh. Nếu không nhờ lực gia trì thì không thể thành tựu kết quả thù thắng, nên phải có gia trì.

Trước có nói khi đi, đứng, ngồi trong bốn oai nghi niệm niệm tư duy – Nay nói rằng tu tập kinh này “ Phải một lòng tinh tấn” nghĩa là không phải tụng đọc suông mà có được sự cảm ứng. Trải qua hai mươi mốt ngày rồi dùng thân mà tất cả chúng sinh ưa thấy hiện ra trước người đó là do trí sáng quán chiếu tăng trưởng như nước trong thì trăng hiện. Tâm của hành giả cùng với pháp giới là một, nên Bồ tát hiện thân. Đây là nguyên lý tự nhiên cảm ứng đạo giao. Vì muốn cho hành giả tiêu trừ tập khí vô minh mà nói thần chú để gia trì.

  1. Từ câu: “A đàn địa” đến câu: “Kiết lợi địa đế” (Toàn bộ thần chú).

Thần chú này có năng lực gia trì làm cho công phu nhanh chóng thành tựu. Vì thần chú có khả năng phá trừ nghiệp chướng mà năng lực tu tập Chỉ quán có chỗ không bằng được. Nên cần có thần chú gia trì, công phu dễ thành tựu.

  1. Từ câu: “Thế Tôn! Nhược hữu Bồ tát” đến câu: “Phổ Hiền uy thần chi lực” (Thế Tôn! Nếu có bồ tát … sức oai thần của Phổ Hiền).

Đoạn này trình bày thần chú là toàn thể pháp giới, nên nói rằng: “Nên biết sức thần thông của Phổ Hiền” Nếu niệm oai thần của Phổ Hiền thì đại dụng của pháp giới sẽ hiện ra trước mặt, nên tâm hành giả và thần chú là một, thì Bồ tát sẽ cảm ứng như vậy.

  1. Từ câu: “Nhược hữu thọ trì” đến câu: “Sở ma kỳ đầu” (Nếu có người thọ trì … lấy tay xoa đầu).
    Đoạn này nói công hạnh chính của sự trì kinh là lấy chánh niệm làm chủ.

Ở trước chỉ nói về thọ trì mà thôi, đến đây phẩm Phổ Hiền đặc biệt nói về tư duy chánh ức niệm (chánh niệm), thế mới biết trì kinh lấy quán chiếu làm công hạnh chính. Nếu không thì chỉ xem hàng đếm chữ mà thôi. Trong luận khởi tín nói: “Tâm giác ngộ mới phát, không có tướng trạng, vì xa lìa niệm vi tế, do vậy thấy được tâm tánh” Lại nói: “Thường quán vô niệm có thể cho là hướng về Phật trí”. Ở đây nói chánh ức niệm tức là vô niệm.Tu tập tư duy tức là quán vô niệm cùng với pháp giới chân như tương ứng, vì vậy cảm ngài Phổ Hiền hiện thân gia trì, Như Lai lấy tay xoa đầu. Phần sau có nói qua về chánh ức niệm đã giải nghĩa ý thú kinh này. Thế nên biết nhập Phật tri kiến phải lấy chánh niệm làm công hạnh chánh yếu.

  1. Từ câu: “Nhược đản thơ tả” đến câu: “Như thuyết tu hành” (Nếu chỉ biên chép… đúng như lời mà tu hành).

    Đoạn này so sánh lợi ích của thắng hạnh

Nếu chỉ biên chép thuần túy mà không hiểu nghĩa lý thì được quả báo sinh vào trời Đao lợi, huống gì có chánh niệm và hiểu nghĩa lý mà tu hành chẳng cảm được sự gia trì của Như Lai ư!

  1. Từ câu: “Nhược hữu nhân thọ trì” đến câu: “Như thuyết tu hành” (Nếu có người nào thọ trì … đúng như lời tu hành).

Đoạn này nói về sự lợi ích thù thắng của người hiểu được sự nghĩa lý để khích lệ sự tu trì.

Ở trên nói chỉ biên chép thì được sinh lên cõi trời Đao lợi. Nay phước lợi của sự hiểu nghĩa là khi lâm chung được 1000 vị Phật đưa tay tiếp dẫn lên cung trời Đâu suất, cùng với Bồ tát bổ xứ Di Lặc ở một nơi. Đó là ba hội Long Hoa trong tương lai, còn làm nhân duyên cho diệu pháp nhất thừa. Cho nên người có trí nên phải một lòng chánh niệm như lời dạy mà tu hành, làm diệu hạnh vậy.

  1. Từ câu: “Thế Tôn ngà kim” đến câu: “Sử bất đoạn tuyệt” (Thế Tôn! Con nay … khiến chẳng đoạn mất).

Đoạn này ngài Phổ Hiền phát nguyện lưu truyền kinh này, thề nguyện làm cho hạt giống Phật không mất.

  1. Từ câu: “Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật” đến câu: “Trì Phổ Hiền Bồ tát danh giả” (Lúc bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật … thọ trì danh hiệu Phổ Hiền Bồ tát).

Đoạn này Đức Như Lai ca ngợi công đức hộ trì kinh này của ngài Phổ Hiền, Đức Như Lai cũng dùng thần lực bảo hộ người thọ trì danh hiệu Bồ tát Phổ Hiền, vì kinh này là pháp của Như Lai hộ niệm. Ngài Phổ Hiền hộ trì người trì kinh thì kinh ở nơi Phổ Hiền. Cho nên Như Lai cũng hộ trì danh hiệu Phổ Hiền thì kinh này cũng ở nơi người thọ trì danh hiệu. Do vì bất cứ niệm khởi nào cũng đều là pháp giới tính hiện tiền chiếu rõ.

  1. Từ câu: “Phổ Hiền! Nhược hữu thọ trì” đến câu: “Ngài Vô Tận Ý chi sở hộ” (Phổ Hiền! Nếu có người thọ trì … lấy y trùm cho).

Đoạn này nói về tu tập chánh ức niệm, là chứng đắc vi diệu của nhập Phật tri kiến.
Kinh này đã có toàn thân Như Lai, vì vậy được thấy Đức Thích Ca diệu khế pháp thân, nên như từ miệng Phật mà nghe. Vì niệm niệm nhập Phật tri kiến nên gọi là cúng dường Phật, được Phật khen ngợi “ Lành thay” Vì thành tựu hạt giống thành Phật nên chắc chắn thấy Phật thọ ký, nên Phật “Lấy tay xoa đầu”. Vì tất cả công hạnh đều là hạnh của Phật nên “Lấy y trùm cho” đó đều là diệu chứng của sự tu tập chánh ức niệm.

  1. Từ câu: “Như thị chi nhân” đến câu: “Phổ Hiền chi hạnh” (Người như thế … tu hạnh Phổ Hiền).

Đoạn này nói về sự thành công của sự chứng nhập vi diệu do trì kinh.

Ở trước phẩm An Lạc Hạnh đã răn dạy người trì kinh không nên gần gũi kinh sách ngoại đạo, và luật nghi bất thiện, các hàng nữ nhân … không khởi tam độc và các phiền não … thiết tha răn dạy từng điều, sợ bị dẫn dắt trở thành tập khí, có hại cho công phu chánh niệm, nên cần phải tránh xa không để chúng tác hại. Nay đã được nhập Phật tri kiến, tất cả các tập khí bất thiện đều đã hết thì tự nhiên không còn tham và hỷ, không bị chúng làm hại. Tất cả những gì đã tu đã làm đều là diệu hạnh của Phổ Hiền. Nếu tri kiến chưa mở thì mọi hành động đều là vọng động. Giờ đây đã được chứng ngộ và thể nhập thì mọi pháp đều mầu nhiệm, cho nên không cần chờ được viễn ly mà tự tâm có viễn ly.

  1. Từ câu: “Phổ Hiền! Nhược Như Lai diệt hậu” đến câu: “Đương toạ thiên nhân đại chúng trung sư tử pháp tòa thượng” (Phổ Hiền! Sau khi Như Lai diệt độ … sẽ ngồi trên pháp tòa sư tử trong đại chúng trời người).

Đoạn này nói về “Nhập Phật tri kiến” tức được quả Bồ đề.

Do vậy khi thấy người trì kinh thì nên nghĩ rằng người ấy sẽ thành Phật. Sự chứng quả có thời kỳ nên trong kinh nói: “ Chẳng bao lâu sẽ đến đạo tràng, phá các ma.v.v..” đều là những việc thành tựu Phật quả.
20. Từ câu: “Phổ Hiền! Nhược ư hậu thế” đến câu: “Đắc kỳ phước báo” (Phổ Hiền! Nếu ở đời sau … đặng phước báo đó).

Đoạn này nói về sự trì kinh cảm ứng phước báo ngay trước mắt.

Do vì hương vị của giáo pháp là tài sản vi diệu nên không còn tham đắm dục lạc thế gian, phước báu ấy chính là trí tuệ, cái đối tượng mong cầu đều không màng, ba chướng ngày càng tiêu trừ, nên phước báu ấy càng tăng trưởng. Quả báo hiện tại như vậy thì đời sau quả báo sinh thiên thù thắng như thế nào có thể biết.
Trước sau phân biệt sự lợi ích của trì kinh giống nhau, vì nhờ chánh niệm như pháp mà tu hành thì chẳng bao lâu sẽ thành Phật, còn như chỉ đọc tụng biên chép thì cảm ứng phước báo của nhân thiên.

  1. Từ câu: “Nhược hữu nhân khinh hủy” đến câu: “Chư ác trọng bịnh” (Nếu có ngưòi khinh chê … các bịnh nặng dữ).

Đoạn này nói chung việc khen ngợi hay hủy báng người trì kinh, nghiệp báo rõ ràng như bóng dáng hay tiếng vang vậy. Hủy báng người trì kinh là người cuồng si, là người mất đi chánh kiến, vì vậy chiêu cảm quả báo “Nhiều đời không có mắt”. Nếu người có cúng dường ca ngợi thì người ấy thu hoạch được quả báo hiện tiền. Nếu nói ra lỗi ác của người trì kinh bất luận là đúng hay sai đều bị mắc bệnh “ Bạch lại”, do làm thương tổn pháp thân nên chiêu cảm quả báo này. Nếu khinh cười người trì kinh thì chiêu cảm quả báo “Nhiều đời răng nếu thưa xấu và các quả báo khác” … Do vì từ khẩu nghiệp làm thương tổn toàn thể diệu pháp nên cảm ứng toàn thân mắc các trọng bịnh.

Phẩm Phương Tiện ở trước có nói về quả báo của người hủy báng kinh trong thời mạt pháp, là cảnh giác người trì kinh không khéo chọn lựa người theo căn cơ, làm cho người căn cơ thấp kém khinh khi hủy báng. Đó là nói riêng về người hủy báng Kinh. Còn từ phẩm Trì về sau nói về sự hủy báng pháp sư trì kinh, là nói riêng hủy báng người trì kinh, sợ người nghe lời hủy báng mà không tin pháp sư làm cho chủng tử Phật bị mất đi. Nay nói về trì kinh, ý nói người dựa vào chánh niệm như lý mà tu hành, nghiệp đã đi vào tri kiến Phật, chứng được pháp thân. Nếu khinh khi là làm thương tổn pháp thân. Thế mới biết trước sau Đức Phật nói quả báo của sự hủy báng đều chủ ý khác nhau, không nên cho rằng tiết này giống với đoạn văn ở trước. Tuy nhiên Đức Phật dùng Đại viên cảnh trí, bình đẳng nói pháp, chiếu toàn thể pháp giới, trước sau nhất quán. Điều được thuyết, đều tương ứng thể tính, đều để trừ diệt tình ái của chúng sinh Phật không suy nghĩ phân biệt, nhưng nếu lấy văn chương để làm phương tiện tìm kiếm chân lý thì dường như Phật có tâm phân biệt. Thế nên dựa vào văn tự thì lại dựa vào lời nói của phàm tình, không phải là đại trí vô tư thuyết pháp phù hợp với thể tính. Do đó người học nên khéo léo để hiểu được nghĩa lý không nên bị vướng mắc vào ngôn từ.

  1. Từ câu: “Thị cố Phổû Hiền” đến câu: “Đương như kính Phật” (Cho nên Phổ Hiền … phải như kính Phật).

Đoạn này là lời kết về kính trọng người trì kinh, lời kết chung về ý nghĩa tôn trọng giáo pháp. Trước đây đã nói kính người trì kinh như kính Phật, Vì họ theo lời Phật tu hành thể nhập tri kiến Phật, không lâu sẽ đắc quả Bồ đề. Diệu hạnh đã viên mãn nên phải kính thờ như Phật chính là như vậy. Chữ “ Thị cố” là dựa vào lời trên để đúc kết văn.

  1. Từ câu: “Thuyết thị Phổ Hiền khuyến phát phẩm” đến câu: “Cụ Phổ Hiền đạo” (Lúc Phật nói phẩm Phổ Hiền khuyến phát … đủ đạo Phổ Hiền).

Đoạn này đúc kết việc nghe phẩm này mà thành tựu công hạnh.

Do vì nhập Phật tri kiến thì tất cả các pháp chung quy là pháp giới, cho nên được “ Trăm ngàn muôn ức Triền Đà la ni”. Mỗi hành động đều phù hợp pháp giới, nên nói là “ Được đạo Phổ Hiền”. Do nghe pháp Phổ hiền này mà thành tựu lợi ích lớn, lợi ích lớn của diệu pháp thì quy về nơi đây. Diệu hạnh trong Kinh Lăng Nghiêm quy về vô sở đắc. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học tất cả các vị thiện tri thức, sau khi nhập pháp giới chỉ thấy ngài Phổ Hiền. Bởi lẽ trong pháp giới tính vốn không có chứng đắc. Cho nên chỉ có Phổ Hiền mới tương ứng với dung lượng của pháp giới. Vì vậy ý tứ của hai Kinh (Hoa Nghiêm và Pháp Hoa) cần cùng một ý nghĩa để thấy mục đích thuyết pháp của Như Lai.

  1. Từ câu: “Phật thuyết thị kinh thời” đến câu: “Tác lễ nhi khứ” (Lúc Phật nói Kinh này … làm lễ mà đi).
    Đoạn này là phần lưu thông sau cùng.

Kinh này lấy ngài Văn Thù Sư Lợi để phát khởi, đến lúc kết thúc Pháp hội không nói đến tên ngài, vì diệt mọi ba động thì thể tính như biển. Như Kinh Hoa Nghiêm khi hội muôn duyên nhập vào thật tế thì không có ngài Văn Thù Sư Lợi mà chỉ quy về Phổ Hiền, ý nghĩa ấy cả hai Kinh giống nhau.

Kinh này chuyên dẫn nhiếp nhị thừa nên hàng Thanh văn tín thọ phụng hành.


KỆ HỒI HƯỚNG
Dịch âm:

Khể thủ pháp giới chủ
Tướng hào quang minh thân
Tùy duyên ứng chúng sinh
Diễn thuyết vi diệu pháp
Linh nhất thiết thánh hiền
Tận khai Phật tri kiến
Ngã dĩ nhất mao trí
Trắc lượng pháp tính không
Như ẩm hải nhất đích
Dục thức bách xuyên vị
Tịch diệt ly ngôn pháp
Nan dĩ tự duy cầu
Thậm thâm trí tuệ môn
Phương tiện khả thông đạt
Nguyện kiến văn tùy hỷ
Đốn khai Phật tri kiến
Phật chủng bất tư nghì
Cứu cánh thường bất đoạn
Cọng nhập Niết bàn thành
An trụ cực lạc quốc

Dịch nghĩa:

Cúi đầu đấng pháp chủ
Tướng đẹp thân quang minh
Tùy duyên độ chúng sinh
Diễn thuyết pháp mầu nhiệm
Khiến tất cả thánh hiền
Mở toang tri kiến Phật
Con dùng “Trí” sợi lông
Đo lường tính không pháp
Như uống giọt nước biển
Muốn biết vị trăm sông
Pháp ly ngôn tịch diệt
Không đạt bằng tư duy
Cửa trí tuệ sâu thẳm
Phương tiện có thể đến
Mong thấy nghe tùy hỷ
Sớm mở tri kiến Phật
Chủng tử Phật khó bàn
Cứu cánh thì không đoạn
Cùng vào chốn Niết bàn
An cư cực lạc quốc.
Nam Nhạc môn nhân Phương Ngọc hiệu đối.

DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH THÔNG NGHĨA

 HẾT