QUYỂN VI
 
 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
 
PHẨM DƯỢC VƯƠNG BỒ TÁT
THỨ HAI MƯƠI BA

 
Đại ý phẩm này là do phẩm trước trình bày về lý đã tròn đủ, nay phải trình bày về sự hành trì để thuyết minh nhập Phật tri kiến.
Trước hết là dạy về pháp Bồ tát, sau là dựa vào lời dạy mà tu tập để thật sự đạt được kết quả. Lấy ngài Dược Vương để thuyết minh sự hành trì, ý cho rằng hàng nhị thừa tuy giác ngộ đầy đủ về lý, nhưng còn có vi tế vô minh tập khí chưa sạch, khó mà ở trong thế tục để độ sinh. Do đó, cần trải qua nhiều kiếp phụng sự chư Phật, thực hành nhiều công hạnh, trong đó phải nhờ phương thuốc chỉ và quán điều trị làm dứt sạch vi tế vô minh, phá được câu sinh ngã chấp và pháp chấp, lấy đó làm diệu hạnh mới có thể chứng nhập. Cho nên đầu tiên hỏi ngài Dược Vương rằng: Làm sao ở nơi cõi Ta bà mà thực hành trăm ngàn ức việc khổ hạnh khó làm? Điều đó chính là trình bày hàng nhị thừa khi đi vào con đường nguy hiểm của sinh tử phải nhờ vào năng lực tu chỉ và quán. Cho nên lấy chuyện ngài Dược Vương xưa kia nhân nghe kinh Pháp Hoa mà đạt được định “ Hiện nhất thiết sắc thân” nhờ đó mà phá được hai loại chấp thủ là Câu sinh ngã và Pháp chấp. Có thể dùng thần lực cúng dường Phật, được thọ ký và phó chúc. “Đốt thân cúng dường Phật” là tượng trưng cho việc phá chấp ngã câu sinh. “Đốt cánh tay cúng dường” là tượng trưng cho phá chấp pháp câu sinh. Hai chấp đều không, bởi sức mạnh của Pháp Hoa tam muội. Qua đó thấy rõ công đức trì kinh mà thấy được sự tối thắng của diệu pháp. Vì vậy và ngợi khen rộng rãi kinh này. Người có tu thì không ai không được lợi ích, nên mới có phẩm này.
Hai loại chấp thủ là Phân biệt và Câu sinh. Ban đầu do khai thị ngộ Phật tri kiến, dứt được một phần vô minh, phá được hai loại chấp thuộc phân biệt mà chứng được sơ địa. Hai loại chấp thuộc câu sinh, từ nhị địa cho đến thất địa thuộc câu sinh ngã chấp; từ bát địa đến Phật địa đoạn câu sinh pháp chấp. Nay nói phá nhị chấp là biểu hiện từ nhị địa đến thất địa, ở đây gọi là “Phân biệt nhị chứng cực hỷ vô” (hai loại chấp thủ phân biệt đến sơ địa thì hết) “Nhị chấp câu sinh địa địa trừ” (Hai loại chấp thủ câu sinh các địa khác thì dứt). Nên gọi là nhập Phật tri kiến rất rõ vậy.
Kinh lăng Già thuyết minh Bồ tát lấy sức chỉ và quán để phá hai loại chướng ngại, thật chứng chân lý. Từ nhị địa trở lên thất địa thì xả bỏ tàng thức và vào bát địa. Từ đây về sau đắc được ba loại ý sinh thân. Một là Tam muội lạc ý sinh thân. Hai là Giác pháp tự tính ý sinh thân. Ba là Chủng loại câu sinh vô hành tác ý sinh thân. Đây chính là bát địa đắc được nhất thiết sắc thân tam muội, đó là Tam muội lạc ý sinh thân. Hai phẩm Diệu Âm và Quán Thế Âm theo thứ tự phối hợp hai loại sinh thân sau. Do đắc được kinh này mới có kinh nghiệm thực chứng. Do ý sinh thân này nhập định thì có, còn xuất định thì mất nên gọi là Tam muội lạc, ở nơi vị trí thất địa.
1.Từ câu: “Nhĩ thời Tú Vương Hoa” đến câu: “Văn giai hoan hỷ” (Bấy giờ Tú vương Hoa … nghe đều vui mừng).
Đoạn này hỏi về khổ hạnh của ngài Dược Vương, do ngài Tú vương Hoa phát khởi. Ý muốn nói thuở xưa hạnh tu phù hợp với chân lý, lấy đó làm nhân chính để thành Phật.
Ngài Dược Vương ở trước đã nguyện ở thế giới Ta bà giảng rộng kinh này, nay nói rõ công hạnh là lấy hạnh vào đời độ sinh hoằng truyền kinh làm diệu hạnh. Do vậy hỏi ngài Dược Vương làm sao ở nơi thế giới ta bà có trăm ngàn muôn ức điều khổ hạnh khó làm. Xin giải nói cho một ít để mọi người vui mừng… Ý muốn nói pháp Chỉ và Quán là cốt yếu để đi vào cuộc đời, muốn cho các vị Bồ tát mới được thọ ký đều được tâm thức không sợ cảnh tệ ác của cõi ta bà. Bốn hạnh an lạc ở trước chỉ nói tránh được sự hủy báng ganh tỵ, còn đây là diệu hạnh Chỉ và Quán, là diệu hạnh để chứng và thể nhập.Ý muốn nói rằng phải trải qua các giai đoạn điều tâm mới đối trị được vi tế vô minh, do vậy xin Phật nói cho chúng thanh văn được vui mừng. Nếu không có diệu hạnh chỉ quán này thì không dám vào cõi Ta bà, do đó mà thỉnh cầu Phật nói.
2. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo” đến câu: “Thuyết pháp Hoa kinh” (Lúc đó Phật bảo … nói kinh Pháp Hoa).
Đoạn này sắp sửa trình bày sự khổ hạnh của ngài Dược Vương, do đó Đức Phật trước hết thuật lại nhân duyên xưa: Thầy của ngài hiệu là Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, đó là biểu tượng dùng chánh trí quán chiếu diệt trừ vô minh, làm sạch cấu nhiễm. Pháp quyến của Phật ấy có tám mươi ức Bồ tát, bảy mươi hai hằng sa Thanh văn, ý nói là phá thức thứ bảy “Nhiễm ô vô tri tập khí”, sắp hiển lộ thức thứ tám “Thể tính viên minh” khế hợp với bản giác chân tâm. Vì bản giác diệu thể không ngoài tứ đại, căn trần nên Phật thọ bốn vạn hai ngàn năm. Trí thanh tịnh viên mãn, chấm dứt các nhiễm ô nên đất nước không có nữ nhân và bốn ác đạo. Thức thứ bảy vốn là bình đẳng tính trí cho nên “Đất bằng phẳng như bàn tay”. Thức thứ tám vốn là tạng thể của Như Lai, đại viên cảnh trí gọi là “Chất lưu ly làm thành”. Có đủ hằng sa đức hạnh nên gọi là “Cây báu trang nghiêm” các Bồ tát, Thanh văn đều ngồi trên tòa báu. Nói ba thừa đều nương ở hai thức bảy và tám tu hành mà được thành tựu, tự nhiên đắc quả, khiến “Chư thiên tấu nhạc cúng dường Phật”. Ngài Hỷ Kiến là tiền thân của ngài Dược Vương, do nghe thuyết kinh Pháp Hoa là thật tướng diệu hạnh có thọ ký mà đến nhận thọ ký. Đức Phật ấy vì Bồ tát Nhất thiết chúng sinh hỷ kiến mà thuyết kinh Pháp hoa. Tất cả chúng sinh thấy mà vui, vì ly nhiễm được thanh tịnh. Đây là tiền thân của ngài Dược Vương, nghe kinh Pháp Hoa nhờ sự khổ hạnh ban đầu, là công hạnh có nguồn gốc vậy.
3. Từ câu: “Thị nhất thiết chúng sinh hỷ kiến Bồ tát” đến câu: “Sắc thân tam muội” (Ngài Nhất thiết chúng sinh hỷ kiến Bồ tát … sắc thân tam muội).
Đoạn này nói về tiền thân của ngài Dược Vương, nhân nghe kinh giúp cho công hạnh nhiều lợi ích.
Ngài Hỷ Kiến tinh tấn kinh hành nhất tâm cầu thành Phật. Vì nghe diệu pháp, lấy chỉ quán để điều tâm, mà trong kinh Lăng Già gọi là Vô gián hạnh, còn Khởi Tính Luận gọi là Nhất hành tam muội, nên gọi là nhất tâm. Do quán thật tướng của tất cả pháp là không có tướng khác, cho nên quán chân như gọi là vô gián hạnh, còn gọi là nhất hành. Mãn một vạn hai nghìn năm đắc được tam muội Hiện nhất thiết sắc thân. Trong kinh Lăng Già ngài Đại Huệ hỏi về vô gián hạnh, Phật dạy người tu hành nhờ đại phương tiện đạt được vô sinh pháp nhẫn, an trụ đệ bát địa, đắc ly tâm ý thức, năm pháp tự tính và hai tướng vô ngã. Đắc ý sinh thân. Ý sinh thân có ba loại: Kinh nói: “Thế nào là tam muội lạc chánh thọ ý sinh thân?” Nghĩa là từ địa thứ ba, tư, và năm là tam muội lạc chánh thọ, các pháp tự nơi tâm tịch tịnh, an trụ trong biển tâm. Sự nổi sóng của thức không sinh,biết tự tâm hiện cảnh giới tính phi tính, đó gọi là tam muội lạc chánh thọ ý sinh thân. Giải thích rằng. Ban đầu lên sơ địa chứng được bình đẳng chân như, đã xã tàng thức, cho nên gọi là tự tâm các pháp tịch tịnh. Những ngọn sóng của thức thứ bảy không khởi nên gọi là an trụ biển tâm. Các làn sóng thức không khởi là đã đoạn câu sinh ngã chấp. Ngã chấp đã đoạn thì cảnh giới không có chỗ y cứ, nên gọi là biết tự tâm hiện cảnh giới tính phi tính. Đây là chỗ định lực được duy trì cũng gọi là lực trì thân, gọi là tam muội lạc chánh thọ ý sinh thân. Địa thứ bảy chứng cái này mà gọi là địa thứ ba, tư, và năm, trong đó bao gồm sơ địa cho đến các địa sau.
Kinh văn nói: “Một lòng cầu cầu Phật” chính là an trụ chân như nhất tâm. Do thức thứ bảy bị phá thì căn và trần tự mất, nên gọi là “Mãn một vạn hai ngàn năm” an trụ trong tam muội chân như viên minh, chiếu khắp tất cả không có chướng ngại. Tất cả các hình sắc đều hiện trong tâm tam muội, như ngọc ma ni tùy duyên mà hiện, nên gọi là “Tam muội lạc chánh thọ ý sinh thân”. Do gọi là đắc hiện nhất thiết sắc thân tam muội, hoặc nói trong tam muội hiện ra. Ở trước phẩm Pháp Sư công đức nói người trì kinh này được sáu căn thanh tịnh mà thôi, chưa có khả năng hiện nhất thiết sắc thân. Nay ngài Hỷ Kiến trì kinh, nhờ nương nơi ngộ thật tướng mà tu hành, nhập chân như tam muội, nương công hạnh mà thành tựu, nên gọi là nhất tâm cầu Phật mà được Hiện nhất thiết sắc thân tam muội. Nên phân định phẩm này về sau là nhập Phật tri kiến. Nghĩa là nương nơi lý giải mà khởi công hạnh. Hạnh khởi thì lý giải hết, mà đượcï chứng nhập. Cho nên Kinh Lăng Già nói ba loại ý sinh thân là trình bày hành tướng thật chứng vô gián hạnh. Trên cơ sở ấy mà giải thích mới thấy kinh này là thực chứng nhập Phật tri kiến mà sáu phẩm sau chẳng phải là phần lưu thông. Người trí xin nhìn sâu sẽ thấy.
4. Từ câu: “Đắc thử tam muội” đến câu: “Dĩ cúng dường Phật” (Đặng tam muội đó … để cúng dường Phật).
Đoạn này nói về cảnh tượng ngài Hỷ Kiến do được lợi ích của pháp, dùng sức tam muội, đoạn trừ tập khí. Nghĩa là nghe diệu pháp thật tướng nên đắc tam muội. Nay muốn tùy thuận thật tướng chân như để làm chánh nhân thành Phật, do vậy trên hư không rải hoa cúng dường. Do chân như tam muội huân tập thay đổi tập khí, nên mưa hương cúng dường. Tam muội là khí phần của chân như nên hương có giá trị ở cõi Ta bà.
5. Từ câu: “Tác thị cúng dường dĩ” đến câu: “Kỳ thân nải tận” (Cúng dường thế đó rồi… thân Bồ tát mới hết).
Đoạn này nói ngài Hỷ Kiến đốt thân, biểu tượng việc phá trừ câu sinh ngã chấp.
Ở trên dùng thần lực vận dụng cúng dường, là tam muội vô tác diệu lực. Ở đây nói đốt thân là biểu tượng chân như tam muội tiến phá câu sinh ngã chấp, nên gọi là từ tam muội khởi. Nhờ tam muội huân tập chuyển hóa tập khí sạch hết căn trần, nên gọi là “Uống các loại hương mãn một nghìn hai trăm năm”. Huân biến thân căn nên gọi là “ Lấy dầu thơm xoa thân”. Đã xả tàng thức cấu nhiễm, nên gọi là “Dùng y báo cõi trời mà tự quấn thân” Vì toàn thể chân như nên “Rưới các thứ dầu thơm”. Ngã chấp bị phá nên gọi là “Tự đốt thân”. Tạng thức đã xả thì tám thức viên minh, hằng sa vô minh đều trở thành diệu giác, gọi “Aùnh sáng soi khắp cả tám mươi ức hằng sa thế giới” trong đó chư Phật đồng thời khen ngợi. Đó là do tinh tấn nhất tâm. Ngã chấp đã phá thì khế hợp pháp thân nên khen là “Chơn thật tinh tấn” còn gọi là “Chân pháp cúng dường Như Lai”. Trong các loại cúng dường, cúng dường pháp là tối thượng, nên gọi “Hoa hương các vật đến đất nước thành trì … đem cúng dường đều không bằng”.
Chân như thật chứng, thì diệu tuyệt vong ngôn nên các ngài đều im lặng. Vì căn trần đều mất, ngã chấp cũng hết, nên “Lửa cháy 1200 năm thân ấy mới hết”.
6. Từ câu: “Nhất thiết chúng sinh hỷ kiến” đến câu: “Cúng dường thử Phật” (Ngài Nhất thiết chúng sinh hỷ kiến … cúng dường Đức Phật đó).

Đoạn này nói ngài Hỷ Kiến đốt thân được lợi ích hóa sinh.

Do nhiễm ô đã trừ, ngã chấp đã phá tức chứng được Chân như thanh tịnh, gọi là Bạch Tịnh thức. Do đó chuyển sinh vào hoàng cung vua Tịnh Đức. Vì từ đệ bát địa mà xuất khởi chân như tam muội, đó gọi là Ý sinh thân, Kinh nói: “ Ngồi kiết già phu toạ bỗng nhiên hóa sinh ra, vì cha mà nói kệ” để trình bày nhờ nhân duyên đời trước mà hiện tiền đủ lục thông túc mạng.
Nói: “Đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật nay vẫn hiện còn” là Phật tri kiến chưa quên, Pháp chấp vẫn còn. Nhờ chứng thật tướng chân như nên tất cả thế đế, ngôn ngữ, sự nghiệp… đều phù hợp chánh pháp, vì thế gọi là do cúng Phật mà được “Giải nhất thiết chúng sinh ngữ ngôn Đà la ni”. Đà la ni dịch là Tổng trì, là tên gọi khác của chân như, do từ địa thứ tám mà khởi. Với địa vị pháp sư khéo léo thuyết pháp, lại nghe kinh Pháp Hoa tám trăm ngàn muôn ức bài kệ. Đây chính là pháp chấp chưa mất. Sắp sửa phá chấp này nên nói là “Tôi nay lại nên cúng dường Đức Phật ấy”.
7. Từ câu: “Bạch dĩ tức toạ” đến câu: “Do cố tại thế” (Thưa xong liền ngồi … vẫn còn ở đời ư).
Đoạn này nói cách thức ngài Hỷ Kiến trở lại gần gũi đức Bổn sư. Vì ngã chấp đã phá, thể nhập pháp tính không nên gọi là “Bay lên hư không” Vì sắp ngang bằng bậc đẳng giác nên nói là “ Qua đến chỗ Phật” Do phần bản giác hiện nên “ Con vừa từng cúng dường, nay lại về thân thấy” mà nói Đức Thế Tôn còn ở đời. Đó là nói tri kiến Phật chưa mất. Tông Vân Môn nói: Pháp thân cũng có hai thứ bịnh: Đạt đến pháp thân, đó là pháp chấp chưa hết, cái đã thấy vẫn còn. Ngồi một bên pháp thân, đây là một thứ bịnh. Dầu chưa thấu suốt được pháp thân, bỏ qua thì không thể, kiểm điểm kỹ lưỡng tương lai có hôi hám gì, cũng là bịnh. Trong tông môn này pháp thân có hai thứ bịnh, cái trước thuộc về giáo nghĩa, sau thuộc pháp thân văn từ, đều không nhiếp vào trong giáo. Nay nói phá pháp chấp chính là bịnh thứ nhất trong Vân môn, đó gọi là vi tế pháp chấp. Nói “Thế Tôn còn ở nơi đời” chính là cái thấy về pháp thân ở trong Tông môn, cần phá cái chấp này mới có thể bước vào chỗ diệu đạo.
8. Từ câu: “Nhĩ thời Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức” đến câu: “Dạ hậu phần nhập ư Niết bàn” (Bấy giờ đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức … cuối đêm nhập Niết bàn).
Đoạn này nói về ngài Hỷ Kiến trì kinh được pháp lợi ích, khế hợp với pháp thân, có thể nối tiếp tuệ mạng Phật pháp. Cho nên Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức sắp nhập Niết bàn, giao phó đại sự cho ngài.
Nói ngài sắp nhập Niết bàn, đem Phật pháp mà di chúc rằng “Tất cả các đệ tử Bồ tát cùng với pháp Bồ đề, pháp giới tam thiên đại thiên, thế giới thất bảo, chư thiên hầu hạ cùng với xá lợi sau khi Phật diệt độ; tất cả đều giao phó cho”. Do vì quả Bồ đề được chứng ngộ, thành phần quyến thuộc trang nghiêm, Chánh báo, Y báo và pháp thân Xá lợi… đều do tu diệu pháp mà thành tựu nhất chân thật tướng, nên đều giao phó hết. Đó là điều gọi là giao toàn bộ gia nghiệp. Nói “Phật pháp” là nói về pháp ứng cơ. “Dặn dò nên xây tháp” ý muốn nói pháp thân nương vào chỗ giữ gìn chân cảnh tịch diệt. Cho nên làm cho tuệ mạng không dứt; phó chúc xong liền vào Niết bàn.
9. Từ câu: “Nhĩ thời nhất thiết chúng sinh Hỷ kiến Bồ tát” đến câu: “Huyền chư bảo linh” (Lúc đó ngài Nhất thiết chúng sinh hỷ kiến Bồ tát … treo các linh báu).
Đoạn này nói ngài Hỷ Kiến lãnh thọ phó chúc mà xây tháp, tiếp nối tuệ mạng của Phật.
Chiên đàn có tác dụng mát mẻ, làm nguội nóng bức, khó chịu. Sử dụng chiên đàn làm củi đốt cúng Phật. Đó gọi là cảnh nhập pháp thân thanh tịnh mát mẻ. Thâu lấy xá lợi tám vạn bốn ngàn, xây tháp như số đó.Ý là một khi vào pháp thân tịch diệt thì tám vạn bốn ngàn phiền não đều chuyển hóa thành tịch diệt chân tế. Nói “Chưng dọn trang nghiêm…” nghĩa là pháp thân vốn đủ tính đức trang nghiêm vậy.
10. Từ câu: “Nhĩ thời nhất thiết” đến câu: “Sắc thân tam muội” (Bấy giờ ngài Nhất Thiết … sắc thân tam muội).
Đoạn này nói về ngài Hỷ Kiến đốt cánh tay, biểu tượng cho sự phá câu sinh pháp chấp.
Nói “Làm việc cúng dường đó là lòng còn chưa đủ” là nói sở chứng chưa viên mãn, không cho được chút ít là đủ. “Hàng Bồ tát đại đệ tử và trời rồng” là chúng được phó chúc từ Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh đức. Do vì trước kia đốt thân chưa đủ cúng dường, nay đốt cánh tay mới là hết lòng. Ý nói hai loại chấp thủ câu sinh bị phá mới gọi là thật sự chứng ngộ. Hai loại chấp thủ đều phá thì tám vạn bốn ngàn phiền não đều trở về nơi tịch diệt; vậy bảy thức trước chấp trì giác quan và đối tượng, các pháp đó cũng đều trở về tịch diệt. Cho nên gọi là “Đốt cánh tay cúng tám vạn bốn ngàn Tháp xá lợi đến bảy vạn hai ngàn năm”. Hai chấp đã phá thì xả bỏ tiểu thừa tức nhập vô thượng chánh giác. Nên vô số người cầu thanh văn đều phát tâm Bồ đề và được an trụ tam muội “Hiện nhất thiết sắc thân”.
11. Từ câu: “Nhĩ thời chư Bồ tát” đến câu: “Đắc vị tằng hữu” (Lúc đó các Bồ tát … được việc chưa từng có).
Đoạn này nói chư Bồ tát, trời người, bát bộ … thấy ngài hỷ Kiến không có tay đều buồn lo; vì pháp ái nhiễm khó bỏ. Kinh Viên Giác nói: “ Pháp ái nhiễm không còn trong tâm thì tuần tự có thể thành tựu” Ngài Hỷ Kiến lập lời thề xong hai tay trở lại như cũ, đó có nghĩa là chỉ phá chấp mà không phá nơi pháp. Đến như đắc quả Phật thì không gì không đầy đủ, nên hoàn lại như cũ. Bởi việc hy hữu nên ứng hiện điềm lành. Ở trên là trình bày nhân duyên đời trước của ngài Dược Vương vậy.
12. Từ câu: “Phật cáo tú Vương Hoa” đến câu: “Vạn ức na do tha số” (Đức Phật bảo ngài Tú Vương Hoa … muôn ức na do tha như thế).
Đoạn này đúc kết những việc xưa chứng minh cho việc ngày nay. Cho nên nói rằng: “Bồ tát Nhất Thiết Chúng sinh Hỷ Kiến tức là Dược Vương Bồ tát vậy”.
Ngài Dược Vương xả thân bố thí vô lượng trăm ngàn muôn ức na do tha, nghĩa là các loại ngã, pháp hai loại chấp thủ. Ban đầu phẩm Pháp Sư đã nói kinh này khó trì, kế đó phẩm An lạc hạnh dạy phương pháp trì kinh. Tuy nhiên bốn hạnh ấy chỉ có thể tránh xa cường bạo mà không thể giáo hóa kẻ tăng thượng mạn mà chưa thể quên Phật kiến và Pháp kiến. Đối với tri kiến Phật khó mà chứng nhập. Đều là do câu sinh ngã pháp hai loại chấp chưa thể đoạn trừ, khó mà khế hợp pháp thân. Cho nên nói ngài Dược Vương đốt thân mà được phó chúc, đốt cánh tay để nối tuệ mạng. Ý ở nơi tinh tiến phá hai chấp mới được diệu hạnh trì kinh; mới nhập tri kiến Phật được.
13. Từ câu: “Tú Vương Hoa” đến câu: “Chư trân bảo vật nhi cúng dường dã” (Tú vương Hoa … các vật trân báu mà cúng dường).
Đoạn này nói muốn đắc quả Bồ đề, có thể đốt một ngón tay, ngón chân để cúng dường xá lợi; hơn cả đem đất nước, vợ con, tam thiên quốc độ, các vật trân bảo mà cúng dường. Ý nói có thể phá một ít phần vi tế chấp pháp, thì có thể khế hợp pháp thân; siêu việt và thù thắng hơn công đức hữu vi. Thế nên diệu hạnh trì kinh coi trọng việc tự phá hai loại chướng ngại là phiền não và sở tri.
14. Từ câu: “Nhược phục hữu nhân” đến câu: “Kỳ phước tối đa” (Nếu lại có người… phước của người ấy rất nhiều).
Đoạn này so sánh sự trì kinh, chỉ một bài kệ bốn câu, phước đó hơn công đức đem bảy thứ báu đầy cả tam thiên thế giới cúng dường Phật. Vì công công đức kia phước điền hữu tướng, khó so sánh với công đức pháp thân vô vi. Vì pháp thân vô vi không lệ thuộc số lượng, nên siêu việt hơn.
15. Từ câu: “Tú Vương Hoa” đến câu: “Chư kinh trung vương” (Tú Vương Hoa … là vua trong các kinh).
Đoạn này diễn rộng diệu pháp có đủ mười loại công đức đệ nhất thù thắng, nên siêu việt hơn tam thừa, nên dùng mười thí dụ để minh chứng.
1. Sâu rộng như biển, các dòng nước không bằng được. Nên có nơi gọi là trí tuệ chư Phật thâm sâu vô lượng.
2. Rất cao như núi Tu di, các núi khác không bằng được.
3. Soi sáng đêm dài như mặt trăng, các ngôi sao không bằng được
4. Phá tối tăm như mặt trời, hàng sinh vật mù tối được lợi ích.
5. Rất cao quý như vua chuyển luân.
6. Thống lĩnh nhiếp phục tất cả, như trời Đế Thích là vua của 33 cõi trời. Kinh này thống lĩnh pháp nghĩa của chư Phật.
7. Làm chỗ nương tựa cho tam thừa, như Phạm thiên vương là cha của chúng sinh.
8. Là đệ nhất trong tam thừa, như hàng nhị thừa là đệ nhất trong phàm phu.
9. Là đệ nhất trong các kinh, như trong tam thừa Bồ tát là đệ nhất
10. Là vua trong các pháp, như Phật là đấng pháp vương.
Lấy mười ví dụ này để dụ chung cho Kinh Pháp Hoa này.
Trong một thời giáo lớn thì diệu pháp nhất thừa là tối thượng, hết sức thù thắng. Trên là trình bày pháp thù thắng, dưới đây trình bày công hạnh thù thắng.
16. Từ câu: “Tú Vương Hoa” đến câu: “Giải nhất thiết sinh tử chi phược” (Tú Vương Hoa … mở sự trăn trói cho tất cả sinh tử).
Đoạn này nói về công năng thù thắng của diệu pháp, có thể cứu vớt tất cả và có thể phá nỗi khổ sinh tử của chúng sinh.
Có thể xa lìa khổ não, nhân của khổ và quả của khổ; làm lợi ích cho chúng sinh. Tức là nguyện được đầy đủ. Đây là ba lần nêu lên công năng thù thắng như dụ ao nước trong mát và mười hai thí dụ để trình bày sự thù thắng ấy. Từ câu: “Kinh Pháp Hoa này” trở xuống là nói pháp hợp với các dụ trên.
Tóm lại mà nói thì có thể làm cho chúng sinh đoạn trừ tất cả bịnh khổ não, cởi bỏ tất cả trói buộc của sự sinh tử. Chúng sinh bị cái khổ trói buộc đều do vô minh sai lầm kết tụ. Nay tri kiến Phật khi đã khai mở, ánh sáng trí tuệ hiện tiền có thể phá trừ vô minh tức thì các khổ tự diệt, đó gọi là “Như tối tăm gặp đèn sáng”.
17. Từ câu: “Nhược nhân đắc văn” đến câu: “Diệc phục vô lượng” (Nếu người đặng nghe … cũng là vô lượng).
Đoạn này nói về được nghe diệu pháp nhờ có công năng thù thắng. Cho nên người biên chép công đức vô biên và cúng dường công đức cũng vô lượng.
18. Từ câu: “Tú Vương Hoa” đến câu: “Hậu bất phục thọ” (Tú Vương Hoa … không còn thọ lại nữa).
Đoạn này nói nếu nghe một phẩm Dược Vương cũng được vô lượng công đức.
Đối với quẻ dịch nói càn khôn, lấy càn làm dương, lấy khôn làm âm; nên càn là nam, khôn là nữ. Lấy càn làm cương, lấy khôn làm nhu. Kinh Pháp Hoa này nói Phật tính chủng tử như kim cương, chắc chắn không bị hư hoại. Cho nên người nữ trì kinh nhập tri kiến Phật cũng vĩnh viễn làm nhân chính bát nhã. Phật tính chủng tử trải qua nhiều kiếp không mòn, do vậy không trở lại thọ thân nữ nữa.
19. Từ câu: “Nhược Như Lai diệt hậu” đến câu: “Chư cấu sở não” (Sau khi Như Lai diệt độ … các tánh nhơ làm khổ).
Đoạn này nói người nữ có thể như pháp tu hành, thâu hoạch nhiều lợi ích; so sánh với người nam thì người nữ thù thắng hơn.
Tây phương cực lạc Thế giới là liên hoa hóa sinh. Phật nói người có thể niệm Phật tức được vãng sinh. Nay người nữ ở đời ác có thể dựa vào lời dạy của kinh mà tu liền được vãng sinh. Vì nhập Phật tri kiến, phá hết vô minh và phiền não; nhờ tâm thanh tịnh nên Phật độ cũng thanh tịnh. Đó là nhân duyên của tịnh độ. Tuy nhiên tham dục, sân nhuế, ngu si, kiêu mạn, tật đố, là tâm lý nặng nề của người nữ. Nay y theo kinh này tu hành mau chóng đoạn trừ không bị chúng làm hại. Thân được thanh tịnh mà vãng sinh tịnh độ. Thật vậy, nói sau năm trăm năm Phật diệt độ, nghĩa là năm trăm năm đầu là thời kỳ giải thoát kiên cố, năm trăm năm thứ hai là thiền định kiên cố, năm trăm năm thứ ba là đa văn kiên cố, năm trăm năm thứ tư là phước đức kiên cố; người nữ ở trong thời gian này khó trì kinh mà trì được thì lợi ích rất lớn. Người nữ mà như vậy thì người nam có thể biết.
20. Từ câu: “Đắc Bồ tát thần thông vô sinh pháp nhẫn” đến câu: “Trí tuệ chi lực” (Đặng thần thông vô sinh pháp nhẫn của Bồ tát … sức trí tuệ công đức như thế).

Đoạn này căn cứ vào người nữ trì kinh sinh tịnh độ mà nói về công đức.

Đắc vô sinh pháp nhẫn là hàng đăng địa Bồ tát, đã chứng được chân như bình đẳng, đã phá được vọng kiến nên nhãn căn thanh tịnh, chuyển được căn trần của bảy thức. Cho nên thấy được bảy trăm muôn hai ngàn ức na do tha hằng hà sa chư Phật, vì pháp thân chư Phật ứng nơi ý niệm hiện tiền, do vậy ở xa mà thấy và tán thán.
Câu “ Ông có thể ở trong” trở xuống đến câu “ Không có ai bằng ông” Đó đều là lời khen ngợi của chư Phật, do không phải là công đức hữu vi nên không bị lửa đốt, nước trôi; vì phù hợp với pháp giới tính nên nói không thể hết được. Nói “Phá các ma”.v.v.. các ma tức là ngũ ấm ma. “Quân sinh tử” tức là Tử ma. Nói “Các oán địch khác” tức là phiền não ma. Nói “Thảy đều trừ diệt” đó gọi là cùng với ngũ ấm ma, phiền não ma, ma chiến đấu. Có đại công huân, ra khỏi tam giới, phá dẹp lưới ma, nên nói là “Thảy đều trừ diệt”.
Do đắc tuệ mạng của chư Phật nên chư Phật đồng hộ niệm. Vì siêu việt thế gian nên trời người không bằng; vì đắc nhất thừa Phật tuệ nên thiền định của ba thừa không thể ngang bằng được. Do tâm chưa đắc tuệ Phật, vậy câu kết nói rằng vị Bồ tát này thành tựu sức mạnh công đức trí tuệ như thế. Đây là mượn người nữ để ca ngợi, nên nói là kết lợi ích rộng lớn vậy.
21. Từ câu: “Nhược hữu nhân văn” đến câu: “Như thượng sở thuyết” (Nếu có người nghe … như đã nói ở trên).
Ở trên nói có thể y theo toàn kinh mà tu hành, còn đoạn này nói có thể tùy hỷ một phẩm Dược Vương mà được lợi ích. Có thể tùy hỷ khéo tán dương thì thiệt căn được thanh tịnh, nên miệng thường phát ra mùi hương hoa sen xanh. Đã ngộ được xác thân là pháp thân, nên trong các lỗ chân lông phát ra mùi thơm chiên đàn, công đức nói không hết được. Ngài La Thập sau khi mất, trước tháp ngài mọc lên một cành hoa sen xanh, khi mở tháp ra thấy hoa sen từ lưỡi ngài mọc ra. Đó là sự hiệu nghiệm do dịch kinh Pháp Hoa.
22. Từ câu: “Thị cố Tú Vương Hoa” đến câu: “Bất lão bất tử” (Tú Vương Hoa! vì thế … chẳng già chẳng chết).
Đoạn này lấy một phẩm kinh mà giao phó cho Tú Vương Hoa. Ý nói trì kinh này lấy sự khổ hạnh làm căn bản.
Năm trăm năm sau trong cõi diêm phù đề, là thời pháp Phật yếu mà pháp ma mạnh; nếu không khổ hạnh thì không thể truyền bá rộng kinh này được. Nếu không có sự gia hộ thì không thể tránh được sự chướng ngại.
Vậy nên ngài dặn dò Tú Vương Hoa đừng để cho pháp ma phát triển thuận lợi; đặc biệt phải nhắc nhở Tú Vương Hoa phải dùng thần lực để giữ gìn kinh này. Vì kinh này là thuốc hay cho kẻ bịnh nơi cõi diêm phù đề, như vị cam lồ của cõi trời. Cho nên nói: “ Bệnh liền tiêu diệt, chẳng già chẳng chết”.
Kinh này Phật phó chúc cho chúng từ đất vọt lên, ý nói là ở nơi mười phương thế giới mà qua lại truyền bá rộng rãi kinh này. Hơn nữa ngay cả ngài Dược Vương là người thường ở cõi Ta bà mà còn không hợp ý Phật, nay lấy phẩm này giao cho Tú Vương Hoa; dặn ở nơi cõi diêm phù đề truyền bá rộng rãi. Diêm phù đề là một trong bốn châu, cõi ấy rất hẹp, con người rất hung ác. Sao Phật lại coi trọng riêng cõi này? Mười phương dù rộng vốn thật là tâm Phật. Do vì Phật giáo hóa ở cõi Ta bà nên ba châu kia không hiện, chỉ hiện diêm phù đề, là chỗ dùng thân để giáo hóa. Con người nhiều sự tệ ác cho nên phó chúc cho. Ý nói người nơi cõi diêm phù cùng với kinh này có duyên với nhau nên kinh là lương dược, không phải kinh này thì không thể nhiếp hóa được. Không có khổ hạnh thì không thể truyền bá rộng rãi được. Cho nên lấy riêng phẩm này làm trọng vậy.
23. Từ câu: “Tú Vương Hoa” đến câu: “Sinh cung kính tâm” (Tú Vương Hoa … sinh lòng cung kính như thế).
Đoạn này dặn dò Tú Vương Hoa kính thuận người trì kinh.
“ Hoa sen xanh” là dụ cho tâm mầu nhiệm thanh tịnh và trong sáng. “Hương bột” là dụ cho thần thông vi diệu. Nói: “Người trì kinh đó” là nói đã đủ kinh này. Cho nên lấy đây để tán thán người kia. Vì người này không bao lâu sẽ ngồi nơi đạo tràng phá ma quân, thuyết pháp độ người ra khỏi biển sinh tử, cần phải cung kính tưởng như Phật vậy.
24. Từ câu: “Thuyết thị” đến câu: “Ngữ ngôn Đà la ni” (Lúc Phật nói phẩm … ngữ ngôn Đà la ni).
Đoạn này nói nghe phẩm này được lợi ích.
Vì nhập Phật tri kiến, chứng được thật tướng. Cho nên đạt được ngôn ngữ của tất cả chúng sinh đều nhập pháp tính, đắc được pháp môn tổng trì Đà la ni. Nói ngài Dược Vương đắc được “ Hiện nhất thiết sắc thân tam muội” tức là tất cả sắc thân đều là Phật thân. Nay nói ngôn ngữ Đà la ni tức là nói tất cả âm thanh ngôn ngữ đều là pháp âm. Do vì bậc bát địa Bồ tát ra khỏi định chân như tiến đến cửu địa, xứng đáng là địa vị pháp sư, hiện thân thuyết pháp. Đây ở thất địa đã đủ thể, nhưng nhỏ nên làm cơ sở thăng tiến ở các địa sau.
25. Từ câu: “Đa Bảo Như Lai” đến câu: “Nhất thiết chúng sinh” (Đức Đa Bảo Như Lai … tất cả chúng sinh).
Đoạn cuối này nhân nói về việc khổ hạnh trì kinh ngày xưa của ngài Dược Vương đều khế hợp pháp thân. Cho nên ngài Đa Bảo tán thán TúùVương Hoa mà hỏi việc này. Vì để lợi ích cho chúng sinh nên trình bày khen ngợi. Đức Đa Bảo xuất hiện vốn là để chứng minh kinh này. Ý nơi việc có được người tiếp nối tuệ mạng. Nay tán thán Dược Vương, kế đến lại mời ngài Diệu Âm. Đã được người rồi thì mãn pháp hội không còn gặp lại nữa./.