QUYỂN VII
 
 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa

PHẨM ĐÀ LA NI
THỨ HAI MƯƠI SÁU

 
Đại ý phẩm này là do phẩm trước Diệu hạnh đã viên mãn, đương nhiên sẽ đắc kết quả mầu nhiệm. Nếu người căn cơ bậc thượng đẳng thì một khi đã vượt lên là đi thẳng vào, hàng căn cơ bậc trung thấp tạng thức sâu dày, trải qua nhiều kiếp tập khí dư thừa tiềm phục trong đó, tuy có công đức tu tập chỉ quán, nhưng trí có chỗ vướng, thần có chỗ chưa tới. Nếu không nhờ sức gia trì thì không dễ đoạn trừ tập khí, cho nên đến đây nói thêm ba phẩm để trình bày hình tượng ba loại gia trì. Đó là đại ý của phẩm này.
Ba loại gia trì là: Thần lực, Pháp lực, và Hiện thân đối mặt nói pháp. Kinh Lăng Già chỉ nói hai, ở đây thêm pháp lực. Phẩm này thuộc thần lực gia trì. Thần chú là tâm ấn bí mật của chư Phật, như lá bùa riêng của nhà vua. Đại tướng cầm nó thì phá được những vật cứng nhọn, không có địch quân nào không khắc phục được. Tạng thức là hang ổ của sinh tử, rất là thâm u. Cho nên gọi là Tạng. Kinh Pháp Hoa thâm sâu kiên cố, xa thẩm không người nào đến được.
Tập khí tiềm phục trong tạng thức, năng lực chỉ quán không đến được nên phải nhờ sức tâm ấn bí mật của Như Lai để công phá nó. Kinh Lăng Nghiêm nói: “ Nếu người tu hành tập khí chưa trừ, thì nên nhất tâm tụng thần chú của ta” là ý như ở đây vậy. Kinh Lăng Già nói: “ Nếu không dùng thần chú để kiến lập thì dễ đọa vào tà kiến vọng tưởng ngoại đạo và các ước vọng của thanh văn và chúng ma” Cho nên từ thất địa trở về trước không có gia trì thì đọa vào ngoại đạo. Đệ bát địa không có gia trì thì đoạ vào nhị thừa. Đệ cửu địa cho đến đẳng giác không có gia trì thì không thể nhập Diệu giác. Vì thất địa trở về trước tạng thức chưa bị phá, Đẳng giác về trước Dị thục thức chưa hết, nên phải có gia trì. Tuy nhiên ba loại ý sinh thân chiêm nghiệm những người đã đến, còn ba loại gia trì để cảnh giác những người chưa đến. Đức Như Lai nói pháp nghĩa chung thông thường như vậy, đừng cho rằng ý sinh thân mới có gia trì, không nên lấy cái có trước sau mà xem.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Dược Vương” đến câu: “Tức thuyết chú viết” (Lúc bấy giờ ngài Dược Vương … liền nói chú rằng).
Đoạn này nói về phước của sự trì kinh.
Sắp sửa nói đến sự lợi ích lớn của nhập Phật tri kiến. Nhân do ngài Dược Vương phát khởi, lấy ngài Dược Vương làm biểu tượng của Chỉ và Quán, hơn nữa lấy sự khổ hạnh trì kinh làm đầu, là sự giác ngộ ban đầu của nhập Phật tri kiến. Nên ở đây mới thỉnh hỏi để chỉ bày cho Bồ tát mới được thọ ký. Đầu tiên dùng chỉ quán để điều tâm, sau cùng dùng mật chú để tiêu trừ tập khí. Do Phật dạy tu hành có hai công hạnh: Hiển và Mật. Vậy chỉ quán là hạnh Hiển, thần chú là hạnh Mật. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu người tu hành tập khí chư trừ, nên phải nhất tâm tụng thần chú của ta” Vì vậy người tu sắp lên địa vị giác ngộ, lúc ấy mà bị ma phá hoại là do tập khí tạo nên như thế. Vào đời mạt pháp người trì kinh phải có thần chú gia trì mới bảo đảm không bị hại. Kinh Lăng Già nói: Địa thứ bảy trở về trước không có gia trì thì đọa vào ước vọng của ma, nghĩa là đây vậy.
Phẩm này được coi là phẩm Thần lực gia trì mà trước tiên hỏi về phước đức của sự trì kinh là nói trước hết về lợi ích trì kinh. Phật pháp phần nhiều nói về lợi tha, về đối tượng chúng sinh, ở đây nói về phước đức, chuyên nói về tự lợi cho mình. Do kinh này chứa nhiều lợi ích lớn, nếu phước không dày không thể gánh vác nổi. Như người nghe kinh Bát nhã, không phải ở nơi một Đức Phật mà đã ở nơi hai, ba, bốn, năm Đức Phật vun trồng thiện căn. Có nghĩa là không có phước thì không mang được tuệ.
Nói “Đọc tụng” là nói sự thông minh lanh lợi. Do nhập Phật tri kiến nên gọi là “Đúng như lời mà tu hành”. Vì trì kinh là phước của huệ lớn, nếu không nhờ thần lực không thể bảo toàn nên cần phải có gia trì. Ở trước, khi so sánh công đức chỉ nói về thất bảo. Nay căn cứ vào công đức cúng dường Phật, nói phước tức là tuệ vậy. Cho nên Phật dạy: “Đúng như lời tu hành thời công đức rất nhiều”.
2. Từ câu: “An nhỉ, mạn nhỉ” đến câu: “Ama nhã na đa dạ” (An nhỉ … na đa dạ).
Đây là thần chú bí mật, là tâm ấn của chư Phật, từ trước đến nay không dịch ra. Vấn đề dịch thuật từ Phạn qua Hán, có năm điều không dịch: Một là bí mật nên không dịch; tức là Thần chú. Hai là chứa nhiều nghĩa nên không dịch như từ Bà già bà. Ba là ở nước này không có nên không dịch, như Cây Diêm phù. Bốn là thuận theo xưa nên không dịch như từ A nậu Bồ đề. Năm là tôn trọng nên không dịch như từ Bát nhã.Thần chú này thuộc về một trong năm điều không dịch, như mật hiệu trong quân đội, chỉ làm cho xong công việc, không cần cho biết nghĩa.
3. Từ câu: “Thế Tôn thị Đà la ni” đến câu: “Thị chư Phật dĩ” (Thế Tôn! Thần chú Đà la ni này … các Đức Phật rồi).
Thần chú được gọi là Đà la ni, dịch là Tổng trì, nghĩa là bao gồm tất cả các pháp, giữ gìn vô lượng nghĩa, đó là ý nghĩa tương đương với Tâm Ấn. Thần chú này được thuyết bởi sáu mươi hai ức Phật, tức là tâm ấn của chư Phật, liên hệ đối với pháp sư trì kinh, nên cần có chú này hộ trì. Trước ngài Dược Vương đã nói là khởi đầu việc thuyết rõ hai công hạnh Hiển và mật.
4. Từ câu: “Thời Đức Thích Ca Mâu Ni” đến câu: “Đa sở nhiêu ích” (Lúc đó Đức Thích Ca … được nhiều lợi ích ở nơi các chúng sinh).
Đoạn này Đức Thế Tôn chấp nhận và khen ngợi ngài Dược Vương.
5. Từ câu: “Nhĩ thời Dõng Thí Bồ tát” đến câu: “Thị chư Phật dĩ” (Lúc bấy giờ ngài Dõng thí … Các Đức Phật đó rồi).
Đoạn này ngài Dõng Thí Bồ tát thuyết thần chú để hộ trì.
Muốn nhanh chóng đoạn trừ tập khí nếu không dõng mãnh thì không thể được, nhờ sự trợ lực này mà thành tựu diệu hạnh, nên thuyết chú này sau ngài Dược Vương. “ Dạ xoa”.v.v.. đều là các loài quỷ não hại. Vị pháp sự trì kinh thời mạt pháp gặp nhiều sự hảm hại, nếu không nhờ sức thần chú, không thể tránh khỏi sự phá hoại thành quả của mình. Cho nên cần phải gia trì.
6. Từ câu: “Nhĩ thời Tỳ sa môn” đến câu: “Vô chư suy hoạn” (Bấy giờ Tỳ sa môn … không có các điều tai hoạn).
Tỳ sa môn là Thiên Vương ở phương Bắc, một trong bốn vị thiên vương hộ trì thế gian, thống lĩnh quỷ thần làm chủ cõi sinh tử. Phương Bắc nói thần chú trước, phương Bắc trong bát quái là cung khảm; khảm là hảm. Do vì một dương bị hảm trong hai âm, là biểu tượng cho đường sinh tử hiểm nạn. Người tu hành ở trong sinh tử hiểm nạn, muốn mau chứng Bồ đề nếu không có thần lực gia trì thì làm sao ra khỏi sinh tử hiểm nạn được! Tỳ sa môn là chủ nhân của hiểm họa nên nói thần chú trước.
7. Từ câu: “Nhĩ thời Trì quốc Thiên Vương” đến câu: “Thị chư Phật dĩ” (Bấy giờ Trì Quốc Thiên Vương … Các Đức Phật đó rồi).
Trì Quốc Thiên Vương ở phương Đông. Phương Đông ở trong bát quái là quẻ Chấn, Chấn là động. Phương Đông là nguồn của biến động; Kinh dịch nói: Sự kiết hay hung sinh từ nơi động. Luận Khởi tín nói: “ Động tức khổ”. Vậy nên người tu hành ở trong cái loạn động của sinh tử mà tu hành đạt được thanh tịnh. Nếu không có thần lực gia trì làm sao đạt đến cảnh tịch diệt được! Đến như quẻ phương Nam là quẻ Ly, Ly là đẹp, là biểu tượng rỗng rang đẹp đẽ. Quẻ phương Tây là quẻ Đoài, Đoài là vui vẻ, ở cảnh rỗng rang vui vẻ thì không cần sự gia trì. Nên hai vị thiên vương không cần nói thêm.
8. Từ câu: “Nhĩ thời hữu La sát” đến câu: “Như thị pháp sư” (Bấy giờ có La sát … pháp sư như thế).
Nữ la sát này thuộc sự cai quản của Tỳ sa môn, nên cũng nói thần chú cũng hộ trì vị pháp sư trì kinh. La sát nữ là quỷ tối tăm, cùng quỷ tử mẫu cùng bay đi ăn thịt người. Người nữ là tính âm tà, biểu thị cho vô minh tập khí sát nghiệp tàn hại pháp thân. Dùng chỉ quán để thấu suốt, chuyển hóa vô minh thành ánh sáng tuệ tâm. Nên nữ La sát đem thân mình ủng hộ người thọ trì, đọc tụng và thực hành kinh này. Nhanh chóng làm cho vô minh và tam độc không còn tồn tại, đó gọi là “ Lìa các khổ hoạn, tiêu các thuốc độc”.
“ Hoặc dạ xoa hoặc la sát”.v.v.. đều là ác quỷ của các bộ chúng. Tất cả đều không gây rối loạn và không thể gây rối loạn. Đức Phật chấp nhận và ca ngợi rằng chỉ hộ trì người trì tên kinh, phước đã không thể đo lường rồi, huống gì cúng dường người thọ trì kinh một cách đầu đủ. Phước đức ấy bất khả tư nghì.
Cúng dường Phật thì dùng hương đèn, đó là biểu tượng cho khế hợp pháp thân, ngầm thông với pháp giới. Cho nên cúng dường là cao nhất. Tất cả phiền não từ nơi niệm khởi, hóa thành tri giác vô lượng. Nên gọi là các thứ đèn cúng dường là thứ nhất vậy.
9. Từ câu: “Thuyết thị Đà la ni phẩm thời” đến câu: “Vô sinh pháp nhẫn” (Lúc nói phẩm Đà la ni … vô sinh pháp nhãn).
Đoạn này nói, nghe phẩm này mà thành tựu công hạnh, vì hiển mật song tu, tức được sáu căn thanh tịnh, tám thức tròn sáng. Cho nên sáu vạn tám ngàn người đều được vô sinh pháp nhẫn. Đây là lợi ích của thần lực gia trì vậy./.