QUYỂN VII
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
PHẨM DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BỔN SỰ
THỨ HAI MƯƠI BẢY
THỨ HAI MƯƠI BẢY
Đại ý phẩm này là thuyết minh hiện tượng chuyển thức thành trí để nói lên “Pháp lực gia trì”.
Diệu Trang Nghiêm Vương là Như Lai tạng ở trong sự trói buộc sinh tử mà thành tám thức tâm vương. Nay phát hiện nguồn chơn nên gọi là “Bản sự”. Hai người con Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn là thức thứ bảy và sáu, chuyển ô nhiễm thành thanh tịnh. Vị phu nhân nhu thuận hỗ trợ bên trong là biểu tượng cho khả năng chỉ quán huân tập bên trong. Trừ hết vô minh nên gọi là Tịnh Đức. Do hai thức thứ sáu và bảy được chuyển hóa các nhân tố, nên hai vị vương tử xin xuất gia trước. Hai người con chuyển được tà tâm của cha đồng loạt xuất gia là biểu tượng cho Trí bản giác, ra khỏi sự trói buộc. Đây là sức mạnh của chỉ quán, là pháp thân Bồ tát được tâm vô phân biệt và trí dụng của chư Phật tương ứng. Nhờ pháp lực tự nhiên tu hành huân tập chân như, diệt hết vô minh. Đó gọi là “Pháp lực gia trì” chính là ý phẩm này. Ý nghĩa là do thần lực gia trì, ngoại ma đã diệt, pháp lực được tăng trưởng bên trong, diệt trừ hai chướng, chứng hai pháp chuyển y nên gọi là Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự.
Trước nói thần lực gia trì là biểu tượng cho địa thứ bảy trở về trước. Pháp lực gia trì là biểu tượng cho ra khỏi bát địa chân như tam muội, tiến lên cửu địa cho đến bậc đẳng giác.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo” đến câu: “Kiếp danh hỷ kiến” (Lúc bấy giờ Phật bảo … kiếp tên là Hỷ kiến).
Đoạn này sắp sửa trình bày việc xưa của Diệu Trang Nghiêm, trước trình bày thầy của Phật xưa tên là Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa. Mây dày sắp mưa, sấm nổi lên trước nên gọi là Vân Lôi Âm. Tú là quả giác ngộ, Hoa là nhân hạnh, là lấy quả giác ngộ làm nhân tố của các địa vị tâm thức, tiến lên cửu địa, mây pháp, mưa pháp của chư Phật đều có thể lãnh thọ. Cho nên thầy của Phật hiệu là Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí. Quốc độ thường tịch quang lấy ánh sáng làm trang nghiêm nên gọi là Quang Minh Trang Nghiêm. Tịnh độ là nơi quy tụ của các bậc thánh nên gọi là Hỷ Kiến. Đây là nêu lên Phật thuở xưa vậy.
2. Từ câu: “Bỉ Phật pháp trung” đến câu: “Nhất danh Tịnh Tạng nhị danh Tịnh Nhãn” (Trong pháp hội của Phật … một tên Tịnh Tạng hai tên là Tịnh Nhãn).
Vua tên là Diệu Trang Nghiêm, nghĩa là Như Lai tạng nguyên là Diệu nghiêm quả thể, vì mê mà thành A lại da thức, gọi là tám thức tâm vương. Do vậy mà có chuyển thức thứ sáu và thứ bảy, tạo ra các loại nghiệp, thọ nhận vô số khổ đau. Nếu chuyển hóa thức thứ bảy thành Bình đẳng tánh trí, thì có thể tiếp nhận tạng thức vô nhiễm ô nên gọi là Tịnh Tạng, nếu chuyển thức thứ sáu thành Diệu quang sát trí, thì phân biệt kiến diệt trừ, kiến phần cũng mất liền được pháp nhãn thanh tịnh, gọi là Tịnh Nhãn. Đây là biểu tượng của sự chuyển hóa từ ô nhiễm thành thanh tịnh.
3. Từ câu: “Thị nhị tử” đến câu: “Minh liễu thông đạt” (Hai người con đó… rành rẽ suốt thấu).
Đoạn này nói về hai người con có đại thần lực.
Đoạn này nói về hai người con có đại thần lực.
Do hiển lộ hai loại trí tuệ nên có tác dụng rộng lớn. Những công hạnh của Bồ tát như: Sáu pháp ba la mật, Từ bi hỷ xả, Tứ vô lượng tâm, cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đều nhờ sức tác dụng của hai loại trí tuệ. Cho nên nói là “ Tất cả đều rành rẽ suốt thấu” Ba mươi bảy phẩm gồm có: Tứ niệm xứ,Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo. Những công hạnh thành Phật thì không nêu ra đây. Công hạnh Bồ tát lấy Tứ vô lượng tâm làm nền tảng, sáu pháp ba la mật làm tác dụng, ba mươi bảy phẩm trợ đạo làm hỗ trợ, đều là công hạnh tu tập chuyển thức thứ sáu thứ bảy thành Trí tuệ.
4. Từ câu: “Hựu đắc Bồ tát tịnh tam muội” đến câu: “Diệc tất thông đạt” (Lại được các môn tam muội của Bồ tát … cũng đều thấu suốt).
Đoạn này nói về tam muội của hai người con. Dùng hai trí quán chiếu, mỗi niệm tưởng đều thanh tịnh trừ sạch vô minh nên gọi là Tịnh tam muội. Mặt trời là tượng trưng cho Căn bản trí, tinh tú là biểu tượng cho quán sát vi tế, nên gọi là Nhật tinh tú tam muội. Chiếu sáng ba thể gọi là Tịnh quang tam muội. Rõ thấu căn trần gọi là Tịnh sắc tam muội. Mỗi niệm đều trang nghiêm pháp thân nên gọi là Trường trang nghiêm tam muội. Có khả năng phá các phiền não, ma chướng nên gọi là Đại oai đức tịnh tạng tam muội. Đó đều là biểu tượng sức chỉ quán của hai trí.
5. Từ câu: “Nhĩ thời bỉ Phật” đến câu: “vãng chí Phật sở” (Lúc đó Đức Phật kia … qua đến chỗ Phật).
Đoạn này trình bày nhân duyên hai người con giáo hóa người cha.
Không phải nhất thừa diệu pháp, tri kiến Phật địa thì không thể chuyển hóa được các nghiệp thức kia. Cho nên nói là “Muốn dẫn dắt Diệu trang Nghiêm Vương mà nói Kinh Pháp Hoa”, nếu không phải là sức mạnh tác dụng của trí chỉ quán để chuyến hóa hai thức, thì không thể khai mở tri kiến Phật. Nên hai người con thưa với mẹ, xin mẹ đến gặp Phật nghe kinh. Công hạnh của chỉ quán là chuyển hóa tà pháp, nên khiến qua gọi phụ vương cùng đi. Hai thức vốn là Phật trí diệu minh, nay là tác dụng của thức nên nói là “ Sinh vào nhà tà kiến”. Nhờ chỉ quán mạnh làm chuyển biến vô minh mới được từ nhiễm thành thanh tịnh, nên mẹ bảo hai con hiện thần thông, vua cha nếu thấy tâm sẽ thanh tịnh.
6. Từ câu: “Ư thị nhị tử” đến câu: “Tâm tịnh tín giải” (Lúc ấy hai người con … lòng thanh tịnh tin hiểu).
Đoạn này hai người con thị hiện thần thông biến hóa để khuyến khích vua cha phát tâm. Nghĩa là dùng trí tuệ thanh tịnh vô tác của tự tâm mà bay lên hư không. Đất, nước, gió, lửa đều là biểu hiện của tám thức, nhưng lại chấp cho đó là cái ta và cái của ta. Nay mọi thứ đều biến hóa một cách vô ngại, nhờ diệt trừ tâm lý chấp thủ. Điều đó làm cho vua cha thấy được diệu dụng của tâm mà sinh lòng tin hiểu.
7. Từ câu: “Thời phụ kiến tử thần lực” đến câu: “Khả cọng câu vãng” (Bấy giờ cha thấy con có sức thần … cùng nhau đồng đi).
Đoạn này vua cha thấy được thần lực phát tâm đại hoan hỷ muốn gặp được Phật. Ý nghĩa là tàng thức nhận được tác dụng trí tuệ của thức thứ sáu và bảy liền có sự chuyển hóa. Do vậy mà hỏi thầy các con là ai, muốn cùng đi gặp
8. Từ câu: “Ư thị nhị tử” đến câu: “Phật nan trị cố” (Khi đó hai người con … vì Phật khó gặp)
Hai người con thấy vua cha có lòng tin đến thưa với mẹ xin được xuất gia.
Do thức thứ sáu và thứ bảy trong nhân tố đã chuyển hóa nên trước tiên xin xuất gia. Tuy nhiên nếu không nhờ sức chỉ quán huân tập bên trong thì không thể chứng được trí tuệ của Phật, cho nên mẹ cho hai con xuất gia để nói lên sự khó gặp được Phật. Ý muốn tâm phải tin hiểu sâu sắc mới có thể nhập Phật tri kiến.
9. Từ câu: “Ư thị nhị tử” đến câu: “Chư Phật nan trị thời diệc nan ngộ” (Bấy giờ hai người con … thời kỳ gặp Phật cũng khó có)
9. Từ câu: “Ư thị nhị tử” đến câu: “Chư Phật nan trị thời diệc nan ngộ” (Bấy giờ hai người con … thời kỳ gặp Phật cũng khó có)
Đoạn này hai người con mời cha mẹ cùng đến gặp Phật.Ý muốn nói ban đầu do chỉ quán huân tập mà chuyển hóa, tâm và cảnh là một, có thể nhập Phật tri kiến. Nên nguyện cùng đến gặp Phật. Nói là Phật rất khó gặp, đó là muốn nói muốn biết ý nghĩa của Phật tính phải quán thời tiết nhân duyên.
10. Từ câu: “Bỉ thời Diệu Trang Nghiêm vương hậu cung” đến câu: “Vương đại hoan duyệt” (Lúc đó nơi hậu cung của vua Diệu Trang Nghiêm … vua rất vui đẹp).
Đoạn này trình bày mọi người trong cung đều có cơ duyên để giáo hóa.Ý muốn nói trong tạng thức dung chứa những chủng tử tập khí phiền não, nhờ năng lực chỉ quán huân tập mà chuyển biến, đều trở thành thanh tịnh. Cho nên vua và hậu cung gồm 84000 quyến thuộc đều có thể thọ trì Pháp Hoa Kinh Tuy nhiên, Như Lai tạng không ra khỏi khổ thú sinh tử, là vì thức thứ sáu tạo nghiệp lực lôi kéo và trói buộc. Nay thức thứ bảy không còn chấp ngã thì thức thứ sáu phải chuyển biến và nhân tố sinh tử của thức thứ tám chấm dứt, trở về bản thể thanh tịnh liền nhập Tri kiến Phật. Do đó Bồ tát Tịnh Nhãn đắc “ Pháp Hoa Tam Muội” Bồ tát Tịnh Tạng thông đạt được “ Ly chư ác thú tam muội”. Do thỉ giác có công nên bổn giác mới hiện. Do vậy nhà vua với phu nhân đạt được “ Chư Phật tập tam muội” có thể biết được tạng bí mật của chư Phật.
Khi cả hai thức thứ sáu và bảy đã chuyển thì ngũ thức và bát thức một lúc cùng chuyển, đưa đến bốn đại, căn và trần, tất cả phiền não, không gì không chuyển. Cho nên vua và quần thần 84.000 người cùng lúc đều đến chỗ Phật ở. Đến đây thì tất cả các pháp không gì là không Phật pháp. Cho nên Đức Phật vì nhà vua mà nói pháp, hiển thị giáo pháp lợi ích và hoan hỷ.
11. Từ câu: “Nhĩ thời Diệu Trang Nghiêm vương” đến câu: “Vi diệu chi pháp” (Bấy giờ vua Diệu Trang Nghiêm … vi diệu thứ nhất).
Đoạn này nói về sự lợi ích của vua Diệu Trang Nghiêm cúng Phật.
Do chuyển hóa ô nhiễm thành thanh tịnh cởi bỏ mọi triền phược, nên mở chuỗi trân châu anh lạc để rải lên cúng Phật. Vì khế hợp với pháp thân và diệu đức của Niết bàn là Thường, lạc, ngã, tịnh nên hóa thành bốn trụ đài quý báu, ở trong trụ đài có giường báu quý giá, trải trăm ngàn vạn thiên y. Ở trên đài có Đức Phật ngồi kiết già, vì hư không bằng phẳng là đức “Chân thường”. Thiên y khoác thân là đức “Chân lạc”. Đức Phật ngồi kiết già là đức “Chân ngã”. Phóng đại quang minh là đức “Chân tịnh”. Do tạng thức đã không nên pháp thân mới hiện, nên suy nghĩ rằng: “ Thân Phật là sắc thân vi diệu hiếm có”. Đây là hiện tượng khế hợp pháp thân.
12. Từ câu: “Thời Vân Lôi Âm” đến câu: “Công đức như thị” (Bấy giờ Đức Vân Lôi Âm … công đức như thế).
Đoạn này Phật thọ ký cho vua Diệu Trang Nghiêm.
Do giác ngộ tạng thức bản tính vốn không, mở tri kiến Phật, đó là nhân chính để thành Phật. Do vậy được thọ ký. Che khắp chúng sinh nên gọi là Phật hiệu “Ta la thọ vương”. Do vĩnh viễn phá trừ si ám vô minh nên đất nước tên là “Đại quang”. Siêu việt các cõi nên kiếp tên là “Đại cao vương” Đây đều là hiện tuợng tám thức thoát khỏi trói buộc.
13. Từ câu: “Kỳ vương tức thời” đến câu: “Lai sinh ngã gia” (Vua Diệu trang Nghiêm liền… sinh vào nhà con).
Đoạn này nói về sự lợi ích của vua Diệu Trang Nghiêm xuất gia.
Do thức chuyển thành trí, đồng với pháp thân. Dùng quyền trí phù hợp với cơ duyên nên nói là “Đem quốc gia giao phó cho con”. Nói: “Cùng với phu nhân…” Ý muốn nói công đức chỉ quán đã viên mãn, đồng thời thoát mọi trói buộc, nên tất cả năng lực tác dụng của trí, căn trần, và các pháp đều là diệu dụng. Cho nên cùng với phu nhân, hai người con và gia quyến ở trong Phật pháp, tinh cần tu tập, chuyển hóa tất cả phiền não thành tri kiến Phật cả. Do đó trong tám vạn bốn ngàn năm tinh cần tu tập Pháp Hoa Kinh. Đến đây thì mọi công hạnh đều là công đức thanh tịnh nhiệm mầu, và đều là trang nghiêm pháp thân, nên gọi là được “ Nhất thiết tịnh công đức trang nghiêm tam muội”.
Chứng được thân vô trụ, nhập pháp tính không, nên nói là “Bay lên hư không”. Bản giác đã hiển lộ mới thấy được công đức của thỉ giác. Do vậy nhà vua gặp được Phật, cảm xúc đối với hai con đã làm thiện tri thức cho mình. Do nhờ pháp lực huân tập, chân như làn nhân duyên Phật tính. Tu mà đắc quả nên nói là “ Hai con chuyển tà tâm của tôi làm cho tôi được an trụ trong Phật pháp, được thấy Thế Tôn. Hai người con này là thiện tri thức của tôi. Vì muốn phát khởi căn lành đời trước mà đến sinh vào nhà tôi”. Đây là thiện tri thức là đại nhân duyên giáo hóa dẫn dắt vua thấy được Phật.
Những trình bày trên đều do năng lực huân tập nhân duyên.
14. Từ câu: “Nhĩ thời Vân Lôi Âm” đến câu: “Tam miệu tam Bồ đề tâm” (Lúc đó Đức Vân Lôi Âm … Vô thượng chánh đẳng chánh giác)
Đoạn này Đức Phật đã ấn chứng cho Diệu Trang Nghiêm. Chính là trình bày nhân duyên của Phật tính nên coi trọng vai trò thiện tri thức. Ý muốn nói rằng nhân chính của Phật tính mọi người vốn có đủ, chúng làm thiện căn đời trước. Điều cần thiết là nhờ nhân duyên thiện tri thức giúp chúng phát triển huân tập chỉ quán mới làm hiển lộ, đó gọi là “ Phật chủng tùy duyên khởi”. Cho nên ở đây coi trọng vai trò thiện tri thức, coi đó là đại nhân duyên.
Kinh này lần lượt trình bày nhân duyên xưa của Đức Đại Thông Trí Thắng đã gieo hạt giống nhất thừa. Đến nay do đó mà được ngộ nhập Diệu pháp. Thế nên pháp sư trì kinh đều là nhân duyên của Phật tính cho chúng sinh thời mạt pháp, nên không dám xúc phạm hủy báng. Chính do thiện tri thức là nơi giữ gìn chủng tử Phật tính, nên lấy đó làm quan trọng.
15. Từ câu: “Đại Vương” đến câu: “Linh trụ chánh kiến” (Đại Vương! … làm cho trụ chánh kiến).
Đoạn này nói về nhân duyên căn bản của hai vị vương tử, rằng đã từng cúng dường sáu mươi lăm trăm nghìn muôn ức na do tha.v.v.. Nghĩa là sáu thức sinh khởi trí tuệ quán chiếu, ở nơi năm giác quan, mỗi giác quan đều thanh tịnh sáng suốt không bị đối tượng làm mê lầm, nếu có hành động gì thì đều là hành động thanh tịnh. Cho nên nói là cúng dường sáu mươi lăm trăm nghìn muôn ức na do tha chư Phật, gần gũi cung kính. Thọ nhận kinh pháp Hoa từ nơi chư Phật, thương xót chúng sinh bị tà kiến, làm cho họ an trụ chánh kiến. Thế mới biết vị pháp sư trì kinh thường sử dụng quán chiếu, huân tập làm căn bản, mà công phu huân tập trải qua thời gian dài nhiều kiếp, đó không phải là sự việc nhất thời mà được.
16. Từ câu: “Diệu Trang Nghiêm Vương” đến câu: “Lễ Phật nhi xuất” (Vua Diệu Trang Nghiêm… lạy Phật mà ra)
Đoạn này nói về Diệu Trang Nghiêm ca ngợi Phật, để hiển thị hiện tượng khế hợp pháp thân. Do đó trước hết ca ngợi tướng báo thân đẹp đẽ, sau đó ca ngợi công đức của pháp thân. Pháp của Như Lai thành tựu đầy đủ công đức vi diệu bất khả tư nghì. Giáo huấn đường lối tu hành để được an ổn, tốt đẹp, vui thích đều là công đức của pháp thân. Kinh Viên Giác dạy: Ví như là tiêu quặng vàng, vàng không phải là tiêu quặng mới có, nhưng để trở lại vàng nguyên phải nhờ làm tiêu đi quặng mà thành tựu. Khi đã là vàng y rồi thì không trở lại làm quặng nữa. Cho nên Diệu trang Nghiêm nói: “ Con từ ngày nay không còn tự theo tâm hành của mình, chẳng sinh những tâm ác như kiêu mạn, giận hờn, tà kiến”. Đây là Diệu trang Nghiêm thấy suốt tự tâm, đến thẳng chỗ không nghi, đều do công đức của Diệu pháp, gọi là ích lợi của pháp lực gia trì.
17. Từ câu: “Phật cáo đại chúng” đến câu: “Diệc ưng lễ bái” (Phật bảo đại chúng … cũng nên lễ bái).
Đoạn này nói về các nhân duyên ngày nay của hai vị vương tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn. Ý muốn nói về khả năng chuyển được tâm tà của Diệu Trang Nghiêm và sự giáo hóa phu nhân cùng quyến thuộc đều thâm nhập Phật, đều nhờ công phu chỉ quán huân tập chuyển hóa của hai con. Đó là nhân đời trước của ngài Dược Vương và Dược Thượng hôm nay.
Tất cả các Bồ tát tu hành không ai không dựa vào chỉ quán mà tu, tất cả chư Phật thành tựu chánh đẳng chánh giác chưa có vị nào không do chỉ quán mà được. Hai vị Dược Vương và Dược Thượng Bồ tát thành tựu được các công đức lớn ấy là đã ở nơi vô lương chư Phật vun trồng gốc rễ công đức nên mới có thể thành tựu được năng lực bất khả tư nghì như vậy. Ý muốn đưa về pháp quán tâm đi đến tột cùng của diệu hạnh trì kinh để trình bày công đức của pháp lực gia trì. Nên phải biết rằng tên của hai vị Bồ tát, cần lễ bái.
18. Từ câu: “Phật thuyết thị” đến hết phẩm (Lúc Phật nói …)
Đoạn này đúc kết nghe phẩm kinh này trở thành tác dụng hành động.
Ý nói công phu chỉ quán thành tựu thì tất cả phiền não trần lao ứng theo tâm niệm mà thanh tịnh, cho nên tám vạn bốn ngàn người xa lìa trần cấu được pháp nhãn thanh tịnh vậy./