SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 24: ĐẠI THỪA NHƯ HƯ KHÔNG

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Như lời ông nói Đại thừa như hư không. Đúng vậy, đúng vậy! Thật sự Đại thừa như hư không. Ví như không nên, không thể biết hết khắp mười phương Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc và trên dưới.

Tu-bồ-đề! Như Lai thừa cũng không có Đông, Tây, Nam, Bắc cũng không có bốn góc trên dưới.

Này Tu-bồ-đề! Ví như hư không không dài, không ngắn, không vuông, không tròn, Như Lai thừa cũng như vậy. Ví như hư không không xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, Như Lai thừa cũng như vậy.

Tu-bồ-đề! Thừa như hư không, nên gọi là thừa. Thí như hư không, không quá khứ, hiện tại, tương lai; Như Lai thừa cũng như vậy, thừa cũng như hư không. Thí như hư không chẳng dài, chẳng lớn, chẳng tăng, chẳng giảm, Như Lai thừa cũng như vậy, nên thừa cũng như không.

Tu-bồ-đề! Ví như hư không, không thường, không đoạn, Như Lai thừa cũng như vậy, như hư không, không sinh, không diệt, không thường trụ, không thay đổi, cho nên gọi Đại thừa như hư không. Thí như hư không, không thiện, không ác, không ngôn ngữ; Đại thừa cũng như vậy, không ngôn ngữ cũng không thiện ác, cho nên Đại thừa như hư không.

Tu-bồ-đề! Ví như hư không, không thấy, không nghe, không hay, không biết; Đại thừa cũng không thấy, không nghe, không hay, không biết, cho nên Đại thừa như hư không.

Tu-bồ-đề! Ví như hư không, không tư duy, không cảm giác, không chấp nhận, không vứt bỏ cũng không ghi nhớ; Đại thừa cũng như vậy. Ví như hư không, không có pháp dâm dục, cũng chẳng có pháp không dâm; Đại thừa cũng như vậy.

Tu-bồ-đề! Ví như hư không, không thuộc về Dục giới, không thuộc về Sắc giới, không thuộc về Vô sắc giới; Đại thừa cũng như vậy, không thuộc ba cõi cho nên Đại thừa như hư không. Ví như hư không chẳng có mới phát tâm; cũng chẳng có hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín; cũng không có trụ tâm thứ mười; Đại thừa cũng như vậy, không có tâm ở mười trụ, cho nên Đại thừa như hư không. Ví như hư không, không có Tu-đà-hoàn đạo, Tư-đà-hàm đạo, A-na-hàm đạo, A-la-hán đạo; Đại thừa cũng vậy, cho nên Đại thừa như hư không.

Này Tu-bồ-đề! Ví như hư không, chẳng phải địa vị Thanh văn, chẳng phải địa vị Bích-chi-phật, chẳng phải địa vị Chánh giác; Đại thừa cũng như vậy, cho nên Đại thừa như hư không. Ví như hư không, chẳng phải hình sắc cũng chẳng phải phi hình sắc, chẳng phải ngại cũng chẳng phải chẳng ngại, chẳng phải tương ưng cũng chẳng phải chẳng tương ưng; Đại thừa cũng như vậy, cho nên Đại thừa như hư không.

Tu-bồ-đề! Ví như hư không, chẳng có thường cũng chẳng phải vô thường; không khổ, không vui, không ngã cũng không phải phi ngã; Đại thừa cũng như vậy, cho nên Đại thừa như hư không. Ví như hư không, chẳng phải không cũng chẳng phải phi không; không tướng cũng chẳng phải phi tướng; không nguyện cũng chẳng phải phi nguyện; Đại thừa cũng như vậy, cho nên Đại thừa như hư không.

Tu-bồ-đề! Ví như hư không, không diệt tịnh cũng chẳng phải bất diệt tịnh; không phải tịch cũng chẳng phải phi tịch; Đại thừa cũng như vậy, cho nên Đại thừa như hư không. Ví như hư không, không sáng suốt cũng không tối tăm, Đại thừa cũng như vậy.

Tu-bồ-đề! Ví như hư không, không có thể thấy cũng không có thể không thấy, Đại thừa cũng vậy, cho nên Đại thừa như hư không. Như hư không chẳng phải hành cũng chẳng phải phi hành; Đại thừa cũng vậy, cho nên Đại thừa như hư không.

Tu-bồ-đề! Tóm lại Đại thừa như hư không.

Tu-bồ-đề! Như lời ông nói, hư không che chở vô số người, không thể tính được; Đại thừa cũng như hư không vậy.

Này Tu-bồ-đề! Chúng sinh không có khởi điểm, hư không không có khởi điểm thì Đại thừa cũng không có khởi điểm, nên nhớ điều này, nên biết điều này.

Này Tu-bồ-đề! Cho nên không thể đếm được vô số chúng sinh kính ngưỡng Đại thừa. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì chúng sinh, Đại thừa, hư không đều không có sự có. Chúng sinh không có hạn lượng, hư không không có hạn lượng, nên biết như vậy, Đại thừa cũng không có hạn lượng, cho nên vô lượng, vô số chúng sinh đều ngưỡng vọng Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Hư không, Đại thừa, chúng sinh đều không thể thấy được.

Tu-bồ-đề! Như chúng sinh không có hạn lượng, hư không không có hạn lượng, nên biết như vậy, Đại thừa cũng không có hạn lượng; chúng sinh không có khởi điểm, pháp tánh không có khởi điểm. Nếu như pháp tánh không có khởi điểm thì hư không cũng không có khởi điểm. Nếu hư không không có khởi điểm thì Đại thừa cũng không có khởi điểm. Nếu Đại thừa không có khởi điểm thì vô hạn lượng cũng không có khởi điểm. Nếu vô hạn lượng không có khởi điểm thì chẳng thể tính kể cũng không có khởi điểm. Cho nên, này Tu-bồ-đề, không thể tính số chúng sinh ngưỡng vọng Đại thừa. Vì sao? Vì chúng sinh, pháp tánh, hư không, Đại thừa vô số, không có hạn lượng, không thể tính đếm, đều không thể thấy được.

Này Tu-bồ-đề! Nếu như chúng sinh không khởi điểm, nên biết Như Lai cũng không khởi điểm. Nếu như Phật không có khởi điểm thì hư không cũng không có khởi điểm. Nếu hư không không có khởi điểm thì nên biết rằng Đại thừa cũng không có khởi điểm. Nếu Đại thừa không có khởi điểm thì a-tăng-kỳ cũng không có khởi điểm. Nếu a-tăng-kỳ không có khởi điểm, nên biết rằng vô hạn, vô lượng cũng không có khởi điểm. Như vô lượng không có khởi điểm, nên biết tất cả chúng sinh cũng không có khởi điểm.

Này Tu-bồ-đề! Như vậy vô số chúng sinh không thể tính được đều kính ngưỡng Đại thừa. Vì sao? Vì chúng sinh, Phật, hư không, Đại thừa, a-tăng-kỳ, vô hạn, vô lượng, tất cả các pháp đều không thể thấy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu biết khởi điểm của tự ngã cho đến khởi điểm của tri kiến, thì sẽ biết khởi điểm của chân tế; mà biết khởi điểm của chân tế thì sẽ biết khởi điểm của các pháp cũng giống như vậy. Thế nên, Tu-bồ-đề, vô lượng, vô số chúng sinh đều kính ngưỡng Đại thừa. Vì sao? Vì chúng sinh và các pháp đều không thể thấy.

Tu-bồ-đề! Khởi điểm của tự ngã, chúng sinh và tri kiến, thể của nó chẳng thể nghĩ bàn. Nếu biết khởi điểm của chẳng thể nghĩ bàn thì sẽ biết khởi điểm của năm ấm và khởi điểm của các pháp.

Tu-bồ-đề! Vô số chúng sinh không thể đếm đều ngưỡng vọng Đại thừa. Vì sao? Vì tự ngã và các pháp đều không thể thấy.

Tu-bồ-đề! Nếu tự ngã có đầu mối thì nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không có đầu mối. Vì sáu tình không có đầu mối nên biết các pháp không có đầu mối. Thế nên, Tu-bồ-đề, vô số chúng sinh không thể tính đều kính ngưỡng Đại thừa. Vì sao? Vì tự ngã và các pháp đều không thể thấy.

Tu-bồ-đề! Nếu tự ngã và tri kiến không có đầu mối, biết rõ như vậy thì sáu pháp Ba-la-mật cũng không có khởi điểm. Nếu Bátnhã ba-la-mật không có khởi điểm, nên biết các pháp cũng không có khởi điểm.

Tu-bồ-đề! Vì vậy vô lượng, vô số chúng sinh đều kính ngưỡng Đại thừa. Vì sao? Vì tự ngã và các pháp đều không thể thấy.

Tu-bồ-đề! Do tự ngã không có khởi điểm nên cả trong ngoài không và hữu vô không cũng không có khởi điểm. Nếu hữu vô không, không có khởi điểm thì các pháp cũng không có khởi điểm, cho nên vô số chúng sinh không thể tính đều ngưỡng vọng Đại thừa. Vì sao? Vì tự ngã và các pháp đều không thể thấy.

Tu-bồ-đề! Nếu tự ngã, chúng sinh và tri kiến không có đầu mối thì ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng cũng không có khởi điểm. Nếu mười tám pháp Bất cộng không có khởi điểm thì vô số chúng sinh không thể tính đều kính ngưỡng Đại thừa. Vì sao? Vì tự ngã và các pháp đều không thể thấy.

Tu-bồ-đề! Tự ngã không có khởi điểm, chủng tánh đã hoàn bị các pháp không có khởi điểm, cho nên vô số chúng sinh không thể tính đều ngưỡng vọng Đại thừa. Vì sao? Vì tự ngã và các pháp đều không thể thấy.

Tu-bồ-đề! Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bíchchi-phật cho đến Nhất thiết chủng trí Phật và các pháp đều không có khởi điểm, cho nên tất cả chúng sinh đều ngưỡng vọng Đại thừa. Vì sao? Vì tự ngã và các pháp đều không thể thấy.

Ví như tánh Niết-bàn vì tất cả chúng sinh mà che chở bảo hộ, cho nên Đại thừa cũng vì tất cả chúng sinh mà che chở bảo hộ.

Tu-bồ-đề! Khi nói về Đại thừa, không thấy lúc đến, không thấy khi đi, không thấy chỗ trụ. Vì sao? Vì các pháp không lay động, các pháp cũng không đi, không đến, không có chỗ trụ. Vì sao? Vì tánh của năm ấm, tướng của năm ấm, sự của năm ấm, chân như của năm ấm cũng không đến, không đi, không chỗ trụ.

Tánh của sáu căn, sáu trần; tướng của sáu căn, sáu trần; chân như của sáu căn, sáu trần; sự của sáu căn, sáu trần cũng không đến, không đi, không chỗ trụ. Tánh của bốn đại, tướng của bốn đại, sự của bốn đại, chân như của bốn đại; tánh của thức, tướng của thức, sự của thức, chân như của thức cũng không đến, không đi, không chỗ trụ. Như vậy, tánh của chân tế chẳng thể nghĩ bàn cũng không đến, không đi, không chỗ trụ. Tánh của sáu pháp Ba-la-mật, sự của sáu pháp Ba-la-mật, chân như của sáu pháp Ba-la-mật cũng không đến, không đi, không chỗ trụ. Tánh của ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng cũng không đến, không đi, không chỗ trụ. Tánh, như, tướng, đạo và Phật cũng không đến, không đi, không chỗ trụ. Tánh, như, tướng, hữu vi, vô vi cũng không đến, không đi, không chỗ trụ.

Tu-bồ-đề! Như lời ông nói, Đại thừa cũng chẳng thấy Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc, trên dưới, cho nên Đại thừa bình đẳng với ba đời, vì vậy gọi là Đại thừa.

Tu-bồ-đề! Đúng như lời ông nói thật chắc chắn, không sai khác. Vì sao? Vì cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều là không. Tất cả ba đời đều là không. Nói về Đại thừa thì tự tánh nó rỗng không. Nói về Bồ-tát thì tự tánh Bồ-tát rỗng không.

Tu-bồ-đề! Không ấy chẳng phải là số đếm, chẳng phải nhiều, chẳng phải ít, cho nên gọi là Đại Bồ-tát. Đại thừa với ba đời bình đẳng, không hai, không một; không tham, sân, si cũng không lìa tham, sân, si; không sân giận cũng không thể thấy; thiện ác cũng không thể thấy; thường, vô thường và tự ngã cũng không thể thấy; khổ, vui, ngã, phi ngã cũng không thể thấy; ba cõi cũng không thể thấy. Vì sao? Vì các hình đều không thể thấy được. Sắc của quá khứ là do sắc của quá khứ tự tánh của nó rỗng không, sắc của vị lai do sắc của nó tự tánh sẽ rỗng không, sắc của hiện tại là do sắc của hiện tại tự tánh nó rỗng không; thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Sắc của quá khứ cũng chẳng thể thấy, không của quá khứ cũng chẳng thể thấy. Sắc không của năm ấm hiện tại còn chẳng thể thấy, huống gì không của năm ấm quá khứ và tương lai làm sao có thể thấy được. Không cũng không thể thấy năm ấm, năm ấm cũng không thể thấy không. Giả sử không có thể thấy năm ấm thì năm ấm cũng sẽ thấy không.

Tu-bồ-đề! Sáu pháp Ba-la-mật của quá khứ không thấy, sáu pháp Ba-la-mật hiện tại không thấy, sáu pháp Ba-la-mật của tương lai cũng không thấy, sáu pháp Ba-la-mật của ba đời đều không thể thấy. Tất cả đều không thấy nhau. Tất cả không thấy tất cả, cho nên không thấy ba đời quá khứ, hiện tại, tương lai, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và mười tám pháp Bất cộng cũng không thể thấy. Tất cả ba đời cũng không thấy.

Tu-bồ-đề! Tất cả không thấy, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và mười tám pháp, quá khứ, hiện tại, tương lai, tất cả đều không; ở ba đời không thể thấy, trong ba đời không thể thấy có ba mươi bảy phẩm và mười tám pháp, huống là tất cả ba đời mà có thể thấy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Quá khứ, hiện tại, tương lai người phàm phu cũng không thể thấy. Vì sao? Vì chúng sinh vốn không thể thấy; cho nên đời quá khứ, hiện tai, tương lai, Thanh văn, Duyên giác, Bồtát và Phật cũng không thể thấy. Ba đời tất cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật và chúng sinh vốn không thể thấy.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trụ trong Bát-nhã ba-la-mật, hiểu rõ ba đời nên đầy đủ Nhất thiết chủng trí. Ba đời Đại Bồ-tát đều học Đại thừa. Đại Bồ-tát an trụ trong đây rồi thì vượt trên Trời, Người, A-tu-la trong thế gian, thành tựu Nhất thiết chủng trí.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Lành thay, lành thay! Đại Bồ-tát học Đại thừa tự đạt đến đầy đủ trí Nhất thiết. Qua khứ mười phương các vị Bồ-tát đều từ Đại thừa mà được chứng đắc Nhất thiết chủng trí. Hiện tại, tương lai mười phương các vị Bồ-tát cũng học từ trong Đại thừa mà được Nhất thiết chủng trí, nên gọi là Đại thừa của Đại Bồtát.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Đúng như vậy! Quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật đều học từ Đại thừa mà thành tựu. Đã chứng, chưa chứng, sẽ chứng đều học từ Đại thừa mà đầy đủ Nhất thiết chủng trí.