SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 19

Phẩm 83: RỐT RÁO

Lúc đó, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát được rốt ráo hay là không được rốt ráo?

Phật dạy:

–Đại Bồ-tát được rốt ráo, chớ không phải không được rốt ráo. Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thừa nào đưa đến rốt ráo?

Phật dạy:

–Không rốt ráo đối với hàng Nhị thừa mà rốt ráo đối với Phật thừa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Rốt ráo đối với Phật thừa là khi Bồ-tát mới phát tâm hay là Bồ-tát Thập trụ.

Phật dạy:

–Bồ-tát lúc mới phát tâm cũng rốt ráo, không thoái chuyển cũng rốt ráo, Bồ-tát Thập trụ cũng rốt ráo.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát rốt ráo có đọa ác thú không?

Phật đáp:

–Không, Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Bốn đôi tám bậc cho đến Bích-chi-phật bị sinh trong ác thú không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

–Bồ-tát lúc mới phát tâm hành sáu pháp Ba-la-mật thì các việc ác bị tiêu diệt, nên sinh vào ác thú là việc không thể có; cũng không sinh cõi trời Trường thọ, không sinh vào biên địa, không sinh vào nơi không có Phật pháp, không sinh vào nhà tà kiến, không bao giờ sinh vào những chỗ kia, cũng không bao giờ sinh vào nhà không biết đạo pháp.

Tu-bồ-đề! Bậc tân học Bồ-tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không có mười việc ác này nữa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát nào đối với một pháp mà thực hành đầy đủ một pháp thì không đọa vào ác thú. Vì sao Thế Tôn tự nói túc mạng trong nhiều kiếp, hoặc đọa vào loài nai, đọa vào loài khỉ, đọa vào loài ngựa, đọa vào loài voi, cũng chịu nhiều khổ cực, việc đó thế nào?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát không gây nghiệp ác mà đọa ác thú, tùy theo phương tiện độ sinh mà thọ thân ấy, để cứu độ lợi ích cho chúng sinh.

Phật hỏi Tu-bồ-đề:

–Hàng Thanh văn, Bích-chi-phật nếu có phương tiện quyền xảo, vào trong loài súc sinh để độ thoát chúng sinh, bị hại mà họ không phát ý sân, lại lấy lòng Từ bi mà độ như cũ. Thanh văn các ông có như vậy không?

Vì vậy phải biết, Bồ-tát có lòng Từ vĩ đại bằng phương tiện quyền xảo vào trong các loài chúng sinh cứu độ hộ trì chúng sinh thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác:

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát tu tập những công đức pháp thiện nào mà có được hình tướng tùy theo ý mình?

Phật dạy:

–Đối với các pháp công đức đều phải thành tựu đầy đủ, thì mới thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Từ lúc phát tâm cho đến ngồi nơi đạo tràng không có thiện pháp nào mà không đầy đủ. Để thành tựu Chánh đẳng Chánh giác, Bồ-tát phải phát tâm học đầy đủ công đức của các thiện pháp, học như thế rồi sẽ đắc được trí Nhất thiết và đoạn hết các tập khí.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát đầy đủ tất cả các thiện pháp, đắc pháp vô lậu của Thánh hiền mà sinh vào loài ác thú cho đến trong loài súc sinh chăng?

Phật hỏi Tu-bồ-đề:

–Như Lai đã đắc pháp vô lậu của Thánh hiền phải không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Đúng vậy.

Phật dạy:

–Vì làm Phật sự, Như Lai tự mình hiện hình tướng các loài chúng sinh để giáo hóa phải không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Làm Phật sự Như Lai hóa hiện hình tướng của súc sinh.

Phật bảo:

–Như vậy, Như Lai làm súc sinh có chịu khổ của loài súc sinh không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Không phải vậy, Thế Tôn không chịu các khổ.

Phật dạy:

–Nhờ thọ pháp vô lậu của Thánh hiền, khéo quyền biến hóa hình chúng sinh, như đối với A-la-hán biến hóa ra việc A-la-hán, làm cho chúng sinh hoan hỷ không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Thưa Thế Tôn, đúng vậy!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát đã thọ đầy đủ pháp vô tướng của các Hiền thánh, tùy theo ý của chúng sinh mà hóa hiện ra thân ấy, vì chúng sinh mà ra đời làm phước, nhưng không chịu khổ của thân hình đó.

Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Ví như nhà ảo thuật hoặc hiện ra voi, ngựa với vô số sự biến hóa, ý ông như thế nào?

Tu-bồ-đề thưa:

–Thưa Thế Tôn! Không phải vậy, chẳng phải voi ngựa thật.

Phật dạy:

–Như vậy, Bồ-tát với phương tiện quyền xảo làm lợi ích cho chúng sinh, đi vào từng loài mà giáo hóa chúng, vì vậy, không chịu các khổ.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát với phương tiện rất khéo léo, vì sao? Nghĩa là Bồ-tát đầy đủ trí tuệ vô lậu của Thánh hiền, ở nơi nào Bồ-tát cũng tùy theo tập tục hình dáng ở đó tùy phương tiện, Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sinh thực hành việc thiện.

Thưa Đức Thế Tôn! Bồ-tát hành thiện pháp nào, mới có thể dùng phương tiện khéo léo như thế, để không đồng với các loài ấy?

Phật dạy:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, có thể dùng các phương tiện quyền xảo đó làm căn bản, cho mười phương hằng hà sa số chúng sinh, mà không giống như chúng. Vì sao? Cũng không thấy pháp nào có thể gần gũi, cũng không có pháp nào làm ô nhiễm. Vì sao? Vì các pháp đều là không, cho nên không cũng không ô nhiễm; không cũng không làm ô nhiễm người, người cũng không làm ô nhiễm không. Vì sao? Không không, không có thể được, cho nên không cũng có sự đắc. Bồ-tát trụ ở không có sở đắc, mà thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát chỉ trụ Bát-nhã ba-la-mật, không trụ vào pháp nào khác ư?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Các pháp có vào được trí tuệ không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật không, cũng không có sở hữu, sao nói rằng các pháp đi vào Bát-nhã ba-la-mật? Thế Tôn nói: “Không cũng không có chỗ vào, cũng không không vào.” Phật dạy:

–Sao nói các pháp chẳng đi vào các pháp không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thật là không. Nếu các pháp đều không, thì các pháp cũng chẳng đi vào không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật làm sao an trú mà đầy đủ trí tuệ thần thông. Dùng trí tuệ thần thông qua hằng hà sa cõi ở phương Đông, đều thấy các Đức Như Lai, trồng các căn lành học các giáo pháp?

Phật dạy:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, thấy hằng hà sa cõi nước chư Phật đều không, chỉ dùng danh hiệu để hiện ra nơi ấy, những chỗ ấy là giả danh đều không.

Nếu các cõi chư Phật mà không thì không ấy không có làm sai lệch. Vì không sai lệch nên các pháp đều không. Cho nên, Bồtát hành trì Bát-nhã ba-la-mật, dùng đầy đủ thần thông phương tiện quyền xảo, liền được Thiên nhãn, Thiên nhĩ, thần thông đầy đủ biết được ý người khác. Tự biết sự việc dẫn đưa đến sinh tử. Bồ-tát không được thần thông, thì không thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì vậy, Bát-nhã ba-la-mật là đạo của Đại Bồ-tát, phải nên cầu đạo ấy, dùng Thiên nhãn tự thấy các thiện pháp, đều thấy mọi người hành thiện pháp, cũng không vào thiện pháp. Vì sao? Vì các pháp đều không, không cũng không có chỗ vào, không có người vào không, cũng không có người thích không, không cũng chẳng có sự thích thú. Cho nên, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, do được Thiên nhãn thấy các pháp đều không. Nếu không có pháp đó thì không thể làm Phật sự nói pháp cho chúng sinh, cũng không nắm bắt được xứ sở của chúng sinh, nên nhờ không sở đắc mà được thần thông, chỗ đáng làm thì có thể làm Thiên nhãn của Bồ-tát thấy khắp mười phương, trong Sát-na bay đến khắp nơi làm lợi ích cho chúng sinh. Hoặc dùng sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, dùng các thiền định Đẳng chí, hoặc dùng Không định, hoặc dùng các pháp Thanh văn, Bích-chi-phật, Bồ-tát, pháp Chánh Đẳng Chánh Giác.

Vì người tham lam ganh ghét mà nói công đức bố thí, nói về nghèo khổ, nghèo là cái khổ của thế gian, không thể làm cho mình được lợi ích, thì sao có thể làm lợi ích cho người khác. Cho nên, Hiền giả phải nhớ nghĩ đến bố thí, được an ổn cho mình lại còn an ổn cho người khác; chớ vì sự nghèo nàn mà ăn nuốt nhau thì không thể xa lìa được ba đường ác. Vì người phạm ác nên nói về giới pháp lành. Làm ác là làm thân khổ tự đem việc ác vùi lấp mình, sao có thể làm an ổn cho người khác, quả báo của phạm tội ác không xa lìa ba đường khổ, các ông tự đọa vào ba đường ác làm sao giúp cho người khác. Cho nên các vị không nên phóng túng tâm ý, chớ theo đường ác, sau này tự đốt thân. Nếu thấy có chúng sinh, tâm ý sân hận toan hãm hại người thì vì họ nói pháp. Các ông chớ tranh đấu, chớ tùy theo ý sân hận rồi đọa vào ba đường ác.

Nói phương pháp tinh tấn cho người giải đãi. Vì người tâm ý rối loạn mà nói pháp thiền định. Vì người trí ác mà nói pháp trí tuệ. Vì người dâm dục mà nói pháp bất tịnh. Vì người có tà kiến nên chỉ bày pháp chánh đạo, làm cho họ vào trong ba thừa. Vì họ mà nói pháp: chỗ đi vào của các vị đều là pháp hoàn toàn không, không có sở hữu, không có thể vào, không có chỗ vào.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật trụ ở thần thông, làm gốc thiện cho chúng sinh. Bồ-tát không trụ thần thông thì không thể nói pháp cho chúng sinh. Ví như các con chim không có cánh thì không thể bay. Như vậy, Bồ-tát không trụ vào thần thông thì không thể nói pháp cho chúng sinh. Cho nên, Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật phải học thần thông, đã được thần thông có thể làm lợi ích cho chúng sinh, dùng Thiên nhãn thấy hằng hà sa cõi nước, thấy tất cả chúng sinh và đều biết ý họ, tùy theo trình độ cao thấp mà vì họ nói pháp, hoặc nói sáu pháp Ba-la-mật, hoặc nói Niếtbàn. Bồ-tát dùng Thiên nhãn nghe mỗi mỗi âm thanh, lại nghe Phật thuyết pháp cách hằng hà sa cõi nước ở phương Đông, tùy theo sở thích của chúng sinh mà nói pháp rộng rãi cho ho, hoặc nói sáu pháp Ba-la-mật, hoặc nói Niết-bàn. Dùng ý thanh tịnh để biết được tâm niệm chúng sinh, tự biết gốc ngọn sinh từ đâu đến và việc của người khác. Bằng Trí tuệ thần thông, nhớ biết rõ tất cả danh hiệu chư Phật và đệ tử trong thời quá khứ, lại biết nghiệp đời trước của chúng sinh mà nói pháp cho họ, hoặc nói sáu pháp Ba-la-mật, hoặc nói Niết-bàn. Lại có thể bay đến hằng hà sa cõi nước gặp chư Phật để trồng căn lành, trở về nước mình với trí tuệ vô lậu thanh tịnh, lại dùng trí tuệ đó, nói pháp cho chúng sinh, hoặc nói sáu pháp Ba-lamật, hoặc nói Niết-bàn.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật phải biết Thần thông như vậy. Được thần thông thanh tịnh rồi, tùy theo ý muốn có thể biến hình khác, khổ vui trong ba cõi không thể làm ô nhiễm. Ví như hóa thân của Phật đối với các việc cần làm mà không bị khổ vui.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng thần thông du hý, làm thanh tịnh cõi Phật để giáo hóa chúng sinh. Nếu không có đủ thần thông thì không thể giáo hóa làm thanh tịnh cõi Phật. Bồ-tát không làm thanh tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sinh nhất định không thành tựu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát không hoàn thành các việc như vậy, thì không có đạo.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát có đầy đủ sự việc để thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Phật dạy:

–Các thiện pháp là việc làm của Bồ-tát.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Vì sao các thiện pháp là việc làm của Bồ-tát?

Phật dạy:

–Từ khi phát tâm thực hành các thiện pháp trong Bố thí ba-lamật, không bảo bố thí vì ai mà cũng không phân biệt. Bằng ý niệm người này nên cho, người kia không nên cho vì phân biệt và ý niệm đều là không, không có. Giữ gìn đầy đủ pháp Ba-la-mật này, tự độ mình qua bờ kia rồi, lại độ người khác. Độ thoát chúng sinh thoát khỏi sinh tử, đó là Bồ-tát đầy đủ các thiện pháp thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Quá khứ, vị lai và hiện tại các Bồ-tát nhờ đó mà được độ, lại dùng pháp đó độ thoát chúng sinh. Sáu pháp Bala-mật cũng lại nhờ bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Không định, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Không, tám Bối xả, chín Thứ đệ thiền, Đà-la-ni, bốn Vô ngại tuệ, mười tám pháp Bất cộng, đó là các thiện pháp.

Bồ-tát trải qua đường đạo đầy đủ vậy rồi, liền được Nhất thiết chủng trí, được Nhất thiết chủng trí như vậy rồi, liền chuyển pháp luân.