SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 20

Phẩm 89: PHÁP THƯỢNG

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Pháp Thượng bảo Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Này thiện nam! Các Như Lai thường không lay động, không đi cũng không đến. Như Lai nghĩa là: Như như, không sinh không diệt. Không sinh nghĩa là: không đến cũng không đi; không sinh chính là Như Lai.

–Này thiện nam! Thật tế không biết lúc đến cũng không biết lúc đi; thật tế ấy chính là Như Lai. Hư không: không đến cũng không đi; hư không ấy chính là Như Lai. Chân đế: không biết lúc đến cũng không biết lúc đi; Chân đế ấy chính là Như Lai. vô vi: không đến cũng không đi; vô vi ấy chính là Như Lai. Diệt tận: không đến cũng không đi; Diệt tận ấy chính là Như Lai.

Này thiện nam! Như Lai không lìa pháp này, các pháp này chính là chân thật của Như Lai.

Này thiện nam! Như vậy, có một không hai, không ba cũng không số lượng, vì pháp là không vậy.

Này thiện nam! Ví như thời tiết mùa Xuân đã qua, mùa Hạ nóng gắt. Nóng thời có sóng nắng, người ngu đuổi theo bảo cho là nước, chạy theo tìm không ngừng nghỉ, cho rằng sẽ được nước. Ý Hiền giả thế nào? Nước mà người ấy rượt theo là nó từ đâu đến? Từ biển Đông, biển Tây, biển Nam, biển Bắc, hay từ biển nào đến?

Tát-đà-ba-luân đáp:

–Sóng nắng khi trời nóng không phải là nước thì làm sao gọi là từ biển đưa đến đây?

Pháp Thượng nói:

–Này thiện nam! Người phàm phu kia, vì nóng khát tưởng cho là nước, nên đuổi theo mệt nhọc, cuối cùng cũng không được nước.

Như các hữu tình có tưởng cho rằng, các Như Lai có đến có đi, cũng như hàng phàm phu kia không khác. Vì sao? Đừng dùng sắc thân mà quán Như Lai. Như Lai là pháp tánh không đến, cũng không đi. Các Như Lai cũng như vậy, không đến không đi.

Này thiện nam! Ví như ảo thuật hóa ra voi, ngựa, xe cộ. Nếu ai gọi các ảo thuật ấy có đến có đi đều là người ngu. Người cho rằng các Như Lai có đến có đi cũng là phàm phu. Vì sao? Vì pháp tánh không đến cũng không đi.

Tát-đà-ba-luân bạch Pháp Thượng:

–Việc thấy trong mộng đều không, không thật, đều không có.

Pháp Thượng bảo:

–Này thiện nam! Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nói: Các pháp đều như có trong mộng. Nếu pháp mộng huyễn có thật tướng thì không biết Như Lai. Chỉ dựa vào thân danh sắc Như Lai mà thôi. Cho rằng, Như Lai có tướng đến đi, hạng này đều là phàm phu vô trí, hạng này sẽ luân hồi vô số trong sinh tử, cách xa Bát-nhã bala-mật, cách xa pháp của chư Phật.

Đối với các pháp mộng huyễn mà biết các pháp ấy như mộng huyễn thì người đó biết Như Lai.

Đối với các pháp Như Lai cầu có tướng đến đi, cũng không cầu các Như Lai có sinh có diệt. Các ông nếu biết Như Lai không đến không đi, không sinh không diệt thì không bao lâu nữa sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là hành Bát-nhã ba-la-mật, đó là đệ tử của Phật. Những người này đáng nhận của cúng dường trong nước và làm phước điền cho nhân gian.

Này thiện nam! Ví như báu vật quý giá trong biển lớn, không từ mười phương quốc độ mà đến. Do phước người nên biển sinh báu này, đều do nhân duyên nên sinh ra báu này, khi diệt thì không trở về mười phương. Từ nhân duyên mà có, do nhân duyên mà mất, cũng không từ mười phương đến hay đi.

Này thiện nam! Thân chư Phật do các hành làm nhân duyên nên được tạo thành, đạt được đến bản hạnh rồi không còn dùng hành nữa, đi khắp mười phương. Nếu không có các hành thì luôn luôn nhân duyên để tập hợp, hoặc không nhân duyên thì không có thân.

Này thiện nam! Ví như đàn không hầu nhờ vào sợi dây và con ngựa đàn, có người đánh thì phát ra âm thanh, khi âm thanh dứt thì không biết đi về đâu? Khi tiếng đàn này phát ra cũng không từ đâu đến, khi tiếng dứt cũng không biết về đâu!

Muốn biết thân Phật cũng như vậy, có phước đức vô lượng không do một việc, mà phải do nhiều nhân duyên chủng họp mới thành, không lìa nhân duyên mà có.

Này thiện nam! Nên biết chư Phật không đến đi, tất cả các

pháp đều như vậy cũng không sinh diệt. Ông biết vậy rồi đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhất định hoàn thành Bát-nhã ba-lamật phương tiện thiện xảo.

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân đem hoa trời Mạn-đà-la trao cho Tát-đà-ba-luân và nói:

–Xin cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng và hồi hướng phước ấy cho tôi. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh sẽ nhờ ân của Ngài sẽ đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thưa Nhân giả! Ở đời này, bậc Thượng sĩ rất ít có, khó gặp. Các ngài lao khổ nhọc nhằn vì chúng sinh trong vô tận số kiếp mà vẫn không cho là khổ nhọc.

Khi ấy, Tát-đà-ba-luân nhận hoa Mạn-đà-la của Thích Đềhoàn Nhân đem rải lên Bồ-tát Pháp Thượng. Rải xong, thưa:

–Từ nay về sau, con đem thân dâng cho Thầy, để cung cấp hầu hạ những điều cần dùng. Nói rồi chắp tay lui đứng một bên.

Bấy giờ, nữ trưởng giả và năm trăm nữ hầu thưa Bồ-tát Tát-đàba-luân:

–Chúng con nguyện đem thân mạng dâng lên cho Thầy, cung cấp những việc cần dùng, đem công đức này nguện được pháp lợi như Đại sư ngày nay. Sẽ cùng với Đại sư cúng dường chư Phật Thế Tôn.

Tát-đà-ba-luân bảo nữ trưởng giả và năm trăm nữ hầu:

–Các vị theo lời dạy của tôi, tôi sẽ nhận các vị.

Các người nữ thưa:

–Thân mạng của chúng con do nơi Thầy dạy bảo, không dám trái lời.

Tát-đà-ba-luân bạch Bồ-tát Pháp Thượng:

–Con nguyện đem thân này với năm trăm người nữ, năm trăm cỗ xe, cùng tất cả tài vật dâng cúng Đại sư. Xin Ngài thương chúng con mà nhận cho.

Thích Đề-hoàn Nhân khen:

–Hay thay, hay thay! Hiền giả phát ý Bồ-tát sẽ được những gì như Hiền giả đã làm. Bồ-tát bố thí như vậy mau đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Việc cung kính dâng nhờ Thầy, có thể mau nghe được Bát-nhã ba-la-mật phương tiện thiện xảo. Quá khứ các Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đều như vậy, xả bỏ tâm ý Bố thí sẽ đắc Bát-nhã ba-la-mật phương tiện thiện xảo, thành bậc hiện chứng Đẳng giác.

Khi ấy, Bồ-tát Pháp Thượng nhận Tát-đà-ba-luân và nữ trưởng giả, năm trăm nữ hầu, năm trăm cỗ xe và tất cả các vật trân bảo vì muốn làm cho Tát-đà-ba-luân thành tựu công đức. Tuy đã nhận nhưng đem hoàn toàn lại cho Bồ-tát Tát-đà-ba-luân.

Khi ấy trời đã tối, Bồ-tát Pháp Thượng từ tòa cao đứng dậy trở vào cung.

Bấy giờ, Tát-đà-ba-luân nghĩ: “Ta vì pháp mà đến không nên ngồi nằm nên thực hành hai việc để đợi Thầy: Một là kinh hành; hai là đứng thẳng.”

Khi ấy, Bồ-tát Pháp Thượng vào ngồi giữa cung, dùng Bát-nhã ba-la-mật phương tiện quyền xảo thực hành vô tận số Tam-muội đến bảy năm. Suốt bảy năm, Tát-đà-ba-luân cũng không ngồi nằm, thường kinh hành, đứng thẳng, không phát sinh ba cấu, không nghĩ đến ăn uống, chỉ nhớ nghĩ Bồ-tát Pháp Thượng sẽ ra thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật cho mình.

Sau bảy năm, Tát-đà-ba-luân suy nghĩ: “Ta sẽ trang trí chỗ ngồi của Thầy với các loại hoa đẹp, đốt các loại hương thơm để đợi Pháp sư. Ngài sẽ vì đại chúng thuyết Bát-nhã ba-la-mật.”

Tát-đà-ba-luân với năm trăm người nữ đều đem những y phục đẹp quý mềm mại ở trên thân trải lên tòa. Tát-đà-ba-luân đi tìm nước để rưới lên đất nhưng không có. Bởi vì, ma Ba-tuần che giấu nên nước không xuất hiện, muốn phá hoại Bồ-tát làm cho tâm ý loạn động, không muốn làm cho ngài thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tát-đà-ba-luân suy nghĩ: “Ta sẽ tự đâm mình ra máu để dùng rưới nơi đất. Vì sao? Vì sợ đất có bụi bay đến dơ Thầy. Ta không tiếc thân mạng mỏng manh. Vì sao? Vì vô số kiếp từ xưa đến nay đã vứt bỏ thân thể này vô số không thể tính hết mà chưa gặp pháp Vô thượng này.” Nghĩ xong, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân liền dùng dao bén đâm vào thân rồi, lấy máu rưới lên đất, năm trăm người nữ cũng đều làm như vậy. Lúc đó, ma Ba-tuần không làm gì được.

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân nghĩ: “Bồ-tát Tát-đà-ba-luân với năm trăm người nữ rất kỳ lạ đặc biệt, vì ham muốn công đức đến nỗi không tiếc thân mạng để cúng dường Pháp sư. Ma Ba-tuần tuy muốn phá hoại nhưng không được. Do vì đại nguyện kiên cố nên không tiếc thân mạng. Vì muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để độ chúng sinh thoát khỏi nỗi khổ vô hạn.” Khi ấy, Đế Thích khen:

–Lành thay! Lành thay! Vì nguyện vô lượng nên Hiền giả tinh tấn không thể nghĩ bàn. Thời quá khứ chư Phật thực hành tinh tấn cũng như vậy.

Tát-đà-ba-luân suy nghĩ: “Ta đã trải tòa cho Thầy xong, ước gì có hoa thơm đẹp, để rải lên khi Pháp sư ra.”

Khi ấy, Đế Thích biết được suy nghĩ đó, liền đem hoa Mạn-đàla ngàn cánh trên trời, trao cho Bồ-tát, nói:

–Hãy đem hoa này để cúng dường Thầy và rải lên đất.

Bồ-tát liền lấy hoa rải lên đất và lưu lại một phần.

Đã bảy năm, sau đó Bồ-tát Pháp Thượng từ trong cung đi ra đến chỗ ngồi. Tát-đà-ba-luân với năm trăm người nữ liền cầm hoa trời rải lên Pháp Thượng, cúi đầu đảnh lễ lui ngồi một bên.

Bồ-tát pháp Thượng bảo Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Này thiện nam! Hãy lắng nghe lãnh thọ và khéo suy nghĩ! Lúc ấy, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân vâng lời lắng nghe. Các pháp bình đẳng như: Kim cang bình đẳng, như các pháp vắng lặng, các pháp bình đẳng vắng lặng, không động, nên Bát-nhã ba-la-mật bình đẳng vắng lặng không động cũng như Kim cang.

Các pháp không có chỗ dựa, các pháp không sợ sệt; các pháp chỉ một vị, nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không chỗ dựa; các pháp chỉ một vị không sợ sệt; các pháp không sinh; các pháp không diệt; các pháp như không, nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không sinh, không diệt cũng như hư không. Năm ấm không đáy, không biên tế; các pháp không đáy, bốn đại không đáy nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không đáy. Không, là không có ngằn mé. Biển lớn không có ngằn mé, các pháp không có ngằn mé, nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không ngằn mé. Ví như núi Tu-di, tất cả trang nghiêm tốt đẹp, Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy.

Các pháp không bị phá hoại, các pháp không thể thấy được, các pháp không chỗ nhận lấy, các pháp không có sở hữu, các pháp không thể nghĩ bàn, nên biết Bát-nhã ba-la-mật không bị phá hoại, cũng không thể có, không có chỗ nhận, cũng không có sở hữu không thể nghĩ bàn cũng như vậy.

Ngay khi ấy, tại chỗ ngồi Tát-đà-ba-luân đắc các pháp Tammuội Bình đẳng; Tam-muội Các pháp vắng lặng; Tam-muội Bất động, Tam-muội Vô ỷ; Tam-muội Vô úy; Tam-muội Nhất vị, Tammuội Vô sinh; Tam-muội Vô diệt; Tam-muội Hư không; Tam-muội năm ấm vô để; Tam-muội Các pháp vô để; Tam-muội Tứ đại vô biên; Tam-muội Hư không tánh; Tam-muội Như hải; Tam-muội Như Tu-di sơn; Tam-muội Kim cang, Tam-muội Vô sở phá hoại, Tammuội Vô sở đắc, Tam-muội Vô sở thọ; Tam-muội Vô sở hữu; Tammuội Chẳng thể nghĩ bàn; Tam-muội Như thị đẳng; được sáu vạn môn Tam-muội như vậy.