SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 20

Phẩm 88: TÁT-ĐÀ-BA-LUÂN

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bậc Đại Bồ-tát muốn cầu Bát-nhã ba-la-mật, phải như Bồ-tát Tát-đà-ba-luân, hiện đang tu phạm hạnh thanh tịnh, ở chỗ Đức Phật Lôi Âm Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cầu Bát-nhã ba-la-mật như thế nào?

Phật dạy:

–Khi Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cầu Bát-nhã ba-la-mật, không tiếc thân mạng, không mong cúng dường, không cầu tiếng khen. Ngài thường ở chỗ vắng lặng, bỗng nghe giữa hư không có tiếng bảo rằng: “Này thiện nam, tâm ý chớ có mệt mỏi, chán nản muốn ngủ nghỉ; không nên nghĩ đến việc ăn uống, sớm, tối, lạnh, nóng; chớ để cho tâm ý vướng bận ở trong, ngoài, nhìn bên trái, bên phải. Khi thực hành, tâm phải nghĩ như không thực hành; đối với thân năm ấm đừng nghĩ có tướng. Tại sao? Vì cho là có tướng thì Phật pháp bị chướng ngại; nếu có chướng ngại thì bị khổ sinh tử; nếu bị khổ sinh tử thì không thể đạt được Bát-nhã ba-la-mật.”

Khi đó, Bồ-tát, Tát-đà-ba-luân đáp lời với tiếng giữa hư không: “Tôi sẽ làm xong lời dạy này. Tại sao vậy? Vì tôi muốn làm ánh sáng lớn để giảng giải Phật pháp cho chúng sinh. Tôi muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Nói như vậy xong, Bồ-tát nghe trong hư không có tiếng khen:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam, ông muốn nghe pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện thì phải cầu Bát-nhã ba-la-mật, phải lìa niệm tưởng, lìa mạng kiến, lìa nhân kiến, lánh xa ác tri thức, phải làm theo việc của Thiện tri thức, phải cúng dường bậc tri thức chân chánh. Các vị đó sẽ nói pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, pháp bất sinh, bất diệt cho ông. Ông phải khuyến khích và giúp đỡ mọi người cầu trí Nhất thiết. Người thực hành việc đó liền được nghe Bát-nhã ba-la-mật, hoặc nghe từ trong kinh, hoặc nghe từ niệm của bậc Bồtát.

Này thiện nam! Từ chỗ nghe được pháp Bát-nhã ba-la-mật, phải xem người đó như Đức Phật. Ông đối với vị Pháp sư phải biết báo đáp không được bội ân. Nghe Bát-nhã ba-la-mật ở người nào thì vị đó là bậc Tri thức chân chánh; nghe được kinh thì đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không còn thoái chuyển. Phật tự nghĩ rằng: Ta đã đến gần với Bậc Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Chánh Giác, chỗ ta sinh ra thường gặp chư Phật, thường xa lìa tám chỗ tai nạn và được tám chỗ an vui, gìn giữ đức hạnh, nên cung kính Pháp sư như cung kính Phật; đừng đem tâm ý thế tục mà đối với vị ấy. Đối với Pháp sư phải xem như giáo pháp nên đều cung kính, nếu có trái với tâm ý mong muốn thì biết đó là việc ma.

Nếu ma Ba-tuần dùng năm Lực sắc: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, để dâng hiến Pháp sư, thì Pháp sư dùng phương tiện quyền xảo muốn độ chúng sinh nên nhận cho họ. Nếu ông thấy như vậy chớ có tâm ô nhiễm, chỉ nên nhớ rằng: Ta chưa được phương tiện quyền xảo đó như hành động Pháp sư. Bồ-tát khi đạt được phương tiện quyền xảo rồi thì Bồ-tát được tự tại, ví như kim cương đi xuyên vào các vật, nhưng không bị dính bụi. Ông phải lấy pháp hạnh tổng quát để quán xét Pháp sư.

Những gì là pháp hạnh tổng quát? Vì các pháp không chấp trước, không từ bỏ. Tại sao vậy? Vì các pháp đều không, vô ngã, vô nhân, vô mạng. Ví như sóng nắng là huyễn hóa, phải quán sát rằng: Pháp sư là thầy dẫn đường. Với sự quán sát như vậy không bao lâu sẽ được Bát-nhã ba-la-mật.

Này thiện nam! Ông nên nắm vững việc ma nầy. Thiện nam tử đến chỗ Pháp sư mà không được vừa ý, không nên có tâm nghi ngại, nên vì pháp mà cung kính Pháp sư.

Sau khi lãnh hội tiếng nói trên không trung thì Bồ-tát Tát-đàba-luân đi về hướng Đông. Đi không được bao lâu lại suy nghĩ: “Lúc nãy ta quên hỏi, vậy ta phải đi đâu? Đi đến chỗ nào? Nghe ai nói?” Bồ-tát liền khóc lớn, sau khi khóc lại nghĩ: “Ta ở đây không ăn uống, không di chuyển từ một ngày, cho đến bảy ngày, nếu không nghe được Bát-nhã ba-la-mật thì quyết không rời chỗ này.” Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ví như ông trưởng giả có một người con, nhưng người con đó đã chết, cha mẹ buồn thảm chỉ nhớ đến con, ngoài ra không còn nhớ nghĩ đến ai.

Này Tu-bồ-đề! Lúc đó Bồ-tát Tát-đà-ba-luân không còn nhớ nghĩ gì khác chỉ nhớ nghĩ Bát-nhã ba-la-mật.

Khi Bồ-tát đang khóc, liền có hình tượng của Như Lai hiện ra trước mặt, với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Đức Như Lai đó khen rằng: “Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác ở quá khứ, khi thực hành Bồ-tát hạnh phải cầu pháp Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Con hãy quyết giữ ý chí dũng tiến đi về hướng Đông, đi hai vạn dặm thì đến nước Hương thị. Nước đó có bảy lớp thành, vách làm bằng bảy báu và có ao nước chảy mười vòng quanh thành, có cây bằng bảy báu mọc từng hàng nhiều lớp, có hào bằng bảy báu, thành đó dài rộng bốn trăm tám mươi dặm. Nước đó giàu có an vui, nhân dân hưng thịnh, phục sức với những châu báu kỳ diệu. Trong thành có năm trăm dãy hành lang, các đường xá ngõ ngách và phố phường đều thẳng tắp, được trang trí bằng bảy báu, như vàng bạc lót đường và treo cờ phướn; lầu đài ở trên thành xinh đẹp như gấm trời; vách tường đều làm bằng bảy báu. Trên thành, cây báu mọc từng hàng rất xinh đẹp, lại che lọng trang trí bằng vàng ròng, những con đường trang trí rất đẹp. Trên lầu treo những cái linh bằng bảy báu, khi gió thổi nghe tiếng linh vang lên như tiếng nhạc trời. Những chúng sinh nào nghe tiếng linh này thì được vui vẻ. Quanh thành có ao nước nóng, lạnh hòa nhau luôn luôn đầy không vơi, mọi người chèo thuyền dạo chơi trong ao nước đó. Người nào đời trước có làm phước và công đức thì vào được nơi đó. Trong ao đó có các hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng. Ngoài ra, có nhiều loại hoa màu sắc sặc sỡ, số trăm ngàn loại; có các thứ hoa kỳ diệu ở trong tam thiên đại thiên cõi nước, không có loại nào không có tại đó. Ở quanh thành có năm trăm tòa nhà, trang trí bằng bảy báu rất đẹp. Mỗi một tòa nhà có năm trăm ao nước, ao đó dài rộng đến hai mươi dặm và có hoa đẹp nhiều màu lớn như lọng, bánh xe; có năm màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, mỗi thứ đều rõ ràng.

Trong ao đó có chim nhạn, chim uyên ương, chim công và chim giao tinh; có nhiều loại chim khác nhau số đến trăm ngàn. Tòa nhà trong thành đó có bảo vật, nhưng không có chủ và người giữ. Những người nhờ phước báu đời trước nên được ở nước này, luôn luôn tu tập và thực hành Bát-nhã ba-la-mật, do đó phước của họ thọ nhận lâu dài.

Này thiện nam! Nước kia có vị Bồ-tát tên là Pháp Thượng. Ngài có tòa cung điện ở trung tâm nước đó, dài rộng bốn mươi dặm, đều bằng bảy báu, có bảy lớp tường, có cây bằng bảy báu làm lan can, vườn cây ao tắm cũng có bảy lớp; cung điện, lầu gác, lan can, cửa lớn, cửa nhỏ đều có bảy lớp chạm trổ điêu khắc bằng bảy báu.

Trong cung điện Bồ-tát Pháp Thượng có bốn tòa nhà: Một tên là Thường lạc; hai tên là Trừ ưu; ba tên là Tạp hoa; bốn tên là Tạp hương. Mỗi một nhà trọ có tám ao nước: Một là Hiền; hai là Hiền diệu; ba là Lạc; bốn là Diệu lạc; năm là Kiết tường; sáu là Kiết thượng; bảy là Trừ và tám là Bất hoàn.

Bốn bên bờ ao, mỗi bên bằng một thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Đáy ao vàng ròng, dùng lưới vàng làm lọng che, bậc cấp ở mỗi ao đều bằng vàng, được trang trí bằng xà cừ, mã não. Hai bên bậc thang có cây chuối bằng vàng, lá của nó mềm mại phất phơ theo chiều gió. Trong ao có nhiều loại hoa như đã kể ở trên. Dọc theo hai bên bờ ao lại có hoa, khi gió thổi các hoa đó rơi xuống nước, nhưng vẫn tươi như ở trên cây. Nước ao thơm mùi Chiên-đàn của trời.

Trong cung của Bồ-tát Pháp Thượng có sáu vạn tám ngàn phu nhân, thể nữ vây quanh hưởng lạc. Nam nữ trong thành Hương thị đều hội hợp, ở đó thường cùng vui vẻ trong lầu đài và ao nước.”

Đức hóa Phật kia bảo rằng:

–Này thiện nam! Bồ-tát Pháp Thượng và quyến thuộc cùng nhau vui với ba thời pháp. Nhân dân trong nước Hương thị làm pháp tòa cho Bồ-tát Pháp Thượng, chưng bày ngay ở giữa thành. Tòa đó làm bằng vàng, bạc, thủy tinh, mã não; nệm làm bằng các loại bông mềm mại và tẩm các loại hương thơm lên tấm nệm ấy. Tòa đó cao đến mười dặm; ở trên tòa có những nam nữ cầm các chuỗi ngọc, hoa đẹp và đốt hương thơm. Tại sao? Vì cung kính pháp Bồ-tát Pháp Thượng ngồi trên tòa thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật cho chúng sinh.

Đức hóa Phật lại bảo:

–Này thiện nam! Người nước Hương thị, họ cung kính, phụng sự hình tượng của Bồ-tát Pháp Thượng như vậy; có trăm ngàn chư Thiên đến pháp hội để nghe pháp và nhận lãnh pháp Bát-nhã ba-lamật. Trong pháp hội đó có người đọc tụng biên chép, nhận lãnh lời dạy ghi nhớ, có người im lặng ghi nhận mà thọ trì. Chúng sinh trong nước đều là bậc không thoái chuyển nơi pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này thiện nam! Ông đi về phương Đông, đến chỗ Bồ-tát Pháp Thượng để được nghe pháp Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát Pháp Thượng là vị Tri thức chân chánh đời trước của ông. Ngài thường khuyến khích ông về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát Pháp Thượng khi xưa cầu pháp Bát-nhã ba-la-mật cũng như ông vậy.

Này thiện nam! Nay ông đến đó, ngày đêm chớ quên chánh niệm, thì không bao lâu sẽ nghe pháp Bát-nhã ba-la-mật.

Lúc bấy giờ, Tát-đà-ba-luân nghe nói như vậy, liền vui mừng hớn hở nói: “Đến bao giờ con có thể được thấy Pháp sư và nghe Bátnhã ba-la-mật.”

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ví như có người bị trúng mũi tên độc, họ không nhớ nghĩ việc khác, chỉ nghĩ rằng: Lúc đó ta làm sao tìm vị lương y để nhổ mũi tên độc ra làm cho chỗ đó mau lành.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân lại không nhớ nghĩ gì khác, chỉ mong được thấy Pháp sư và nghe pháp Bát-nhã ba-la-mật rồi diệt trừ các chấp trước.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân liền thấy các pháp với trí tuệ không chướng ngại và đạt được Tam-muội vô thượng.

Các Tam-muội ấy tên là: Tam-muội kiến chư pháp sở hữu, Tam-muội ư chư pháp vô sở đắc, Tam-muội hàng phục chư vô trí, Tam-muội đắc chư pháp vô phân biệt, Tam-muội đắc ư chư pháp vô biến dị, Tam-muội chư pháp vô sở hữu, Tam-muội vô sở trụ, Tammuội diệt chư minh, Tam-muội ư chư pháp thứ đệ vô dị, Tam-muội ư chư pháp vô sở kiến, Tam-muội tán hoa.

Tát-đà-ba-luân được vô lượng các Tam-muội như vậy, trụ nơi Tam-muội đó, liền thấy mười phương vô số chư Phật đang nói pháp Bát-nhã ba-la-mật cho các vị Bồ-tát.

Khi ấy, mười phương chư Phật đều tán thán:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam, khi xưa các Như Lai còn là vị Bồ-tát, cầu pháp Bát-nhã ba-la-mật, cũng từ Tam-muội này mà được như vậy.

Khi được Tam-muội này rồi, thì đi vào pháp Bát-nhã ba-la-mật, liền thành tựu phương tiện quyền xảo, đạt được không thoái chuyển. Khi các Như Lai đắc pháp Tam-muội này cũng không thấy có hành pháp Tam-muội, không có thấy người hành pháp Tam-muội, không có người lìa Tam-muội, không thấy có người hành đạo, cũng không thấy có người hiện chứng Đẳng giác. Như vậy, người đạt Bát-nhã bala-mật không có cống cao.

Này thiện nam, chúng ta không cống cao nên được sắc vàng, có Ba mươi hai tướng, ánh sáng không hạn lượng, được trí tuệ không thể nghĩ bàn, giác ngộ Phật trí chánh định tối thắng vô thượng, đầy đủ các công đức. Đối với chư Phật không thể bàn, không thể nói hết, huống gì hàng Thanh văn, Bích-chi-phật.

Thế nên, này thiện nam! Đối với pháp này nên cung kính thêm nữa.

Này thiện nam! Nếu có người chí nguyện tinh tấn thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không khó khăn gì.

Này thiện nam! Đối với Chân tri thức, nên có cung kính mến mộ như xem Phật Thế Tôn. Bồ-tát được gần Chân tri thức thì mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân bạch chư Phật:

–Con phải kính trọng chân tri thức, nhưng đó là ai?

Chư Phật bảo:

–Bồ-tát Pháp Thượng đời đời đem Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chỉ dạy cho ông phát tâm Vô thượng Bát-nhã ba-la-mật, đầy đủ phương tiện quyền xảo. Thế nên, vị ấy là chân tri thức của ông.

Này thiện nam! Nếu đặt Đại Bồ-tát Pháp Thượng trên đầu, từ kiếp này đến kiếp khác cho đến trăm kiếp, cúng dường các thứ cần dùng ở khắp tam thiên đại thiên thế giới còn chưa thể báo đáp một chút ân. Huống gì nghe được pháp này làm cho ông lợi ích Bát-nhã ba-la-mật phương tiện quyền xảo.

Sau khi nói vậy rồi, các Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác biến mất.

Bấy giờ, Tát-đà-ba-luân xả chánh định, nhìn khắp bốn phương và suy nghĩ: “Các Như Lai này từ đâu đến rồi đi về đâu?” Nghĩ như thế nên buồn bã không vui và nghĩ: “Bồ-tát pháp Thượng từng thực hành Bát-nhã ba-la-mật phương tiện thiện xảo, giữ gìn các môn Đàla-ni. Đối với các pháp được tự tại, đã tạo ra công đức từ Phật quá khứ, đây là bậc Chân sư của ta, ta nên hỏi vị ấy. Các Như Lai này từ đâu đến và đi về đâu?”

Lúc đó, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân suy nghĩ đến Bồ-tát Pháp Thượng thì lại càng mến mộ cung kính: “Nay ta lại nghèo không có đủ trân châu bảo vật, hương hoa kỳ lạ để đến hiến dâng Thầy, vậy đem Bát-nhã ba-la-mật cúng dường Bồ-tát pháp Thượng, chẳng nên đi không để gặp Ngài. Ta có cung kính mà không có tài sản, không bằng bán thân cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Thầy. Bởi từ trước đến nay, thân này nhiều lần đã mất, nên nay không diệt, nhưng vẫn bị trói buộc trong dâm, nộ, si; làm phá hoại thân, nên vẫn thống khổ, mà cũng không vì Pháp, không vì Thầy, mà chỉ vì tham dục năm ấm, sáu căn.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát đi con đường lớn thẳng đến thành rao to:

–Tôi muốn bán thân, ai muốn mua tôi?

Khi đó ma Ba-tuần suy nghĩ: “Bồ-tát này đang vì Bát-nhã bala-mật, nên bán thân mình muốn đem cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng, để được nghe Bát-nhã ba-la-mật phương tiện thiện xảo. Bồtát làm sao mà hành Bát-nhã ba-la-mật, mau đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho được; nghe rồi nhất định Bồ-tát cung kính cúi đầu lãnh thọ. Nếu ta không phá hoại thì Bồ-tát sẽ dạy vô số trăm ngàn Bồ-tát và các chúng sinh thoát khỏi cảnh giới của ta. Vậy ta nên đến phá hoại.”

Ma Ba-tuần làm cho nam nữ cả nước không thấy hình và không nghe tiếng nói của Bồ-tát.

Vì bán thân không được, nên Tát-đà-ba-luân buồn rầu khóc lớn: “Tôi rất tha thiết muốn bán thân mình để cúng dường Thầy mà không được.”

Khi đó Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ: “Bồ-tát đang vì Bát-nhã ba-la-mật để cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng. Ta đến đó xem thử người ấy vì cầu pháp hay là dối tra.” Nghĩ vậy rồi, Thích Đề-hoàn Nhân hóa làm vị Phạm chí trẻ tuổi đến nơi hỏi Bồ-tát Tát-đà-baluân:

–Này thiện nam! Vì sao không vui mà buồn rầu khóc lóc như thế?

Bồ-tát đáp:

–Này thiếu niên! Tôi vì pháp muốn bán thân cúng dường Thầy nhưng vẫn không bán được, không ai hỏi đến nên tôi khóc. Tự nghĩ mình đức mỏng không tài vật quý báu để cúng dường Thầy.

Thiếu niên nói với Bồ-tát:

–Tôi không cần người, tôi đang cúng tế, chỉ muốn cần máu, tủy và tim người. Hãy đưa cho tôi thì tôi sẽ đưa báu vật cho.

Bồ-tát vui mừng nói:

–Thế là tôi được lợi ích hoàn toàn, thiếu niên hãy mua tim tủy

và máu của tôi, cho tôi tài bảo để cúng dường Thầy. Khiến cho tôi được nghe Bát-nhã ba-la-mật và phương tiện thiện xảo thì tôi được mãn nguyện.

Thiếu niên lại hỏi:

–Ông bán tủy máu và tim giá bao nhiêu?

Bồ-tát đáp:

–Thiếu niên cho tôi nhiều ít tùy ý.

Tát-đà-ba-luân liền dùng tay phải tự đâm vào tay trái lấy máu cho thiếu niên, lại muốn chặt xương lấy tủy.

Trong thành, có một nữ trưởng giả tài giỏi hơn ma, không bị ma chế phục. Đang ở trên lầu trông thấy Bồ-tát đang tự hành hình, cô ta suy nghĩ: “Ta hãy xuống hỏi người ấy muốn gì?”

Đi xuống lầu gặp Bồ-tát, nữ trưởng giả hỏi:

–Này anh kia! Vì sao như vậy? Tự đâm mình lấy máu một cách tàn khốc, rồi lại còn muốn chặt xương nữa?

Tát-đà-ba-luân đáp:

–Vì muốn bán thân cho thiếu niên để được vật báu cúng dường Thầy với mục đích muốn nghe tôn kinh Bát-nhã ba-la-mật.

Nữ trưởng giả liền nói với Bồ-tát:

–Cúng dường cho Thầy sẽ được các công đức kỳ lạ đặc biệt gì?

Bồ-tát đáp:

–Thầy sẽ dạy cho tôi Bát-nhã ba-la-mật phương tiện thiện xảo, nói cho tôi sự hành pháp Bồ-tát, thời tôi sẽ học được pháp ấy, nhất định bắt đầu cho tất cả chúng sinh thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thân tôi sẽ được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng vô thượng, đạt bốn Tâm vô lượng, bốn Vô sở úy, mười Lực của Phật, mười tám pháp Bất cộng, đạt sáu phép Thần thông, giới thanh tịnh không thể nghĩ bàn, thành Phật rồi được Tuệ vô ngại, sẽ được của báu vô thượng, trừ tất cả nghèo. Tôi sẽ được pháp này như vậy.

Nữ trưởng giả nghe nói vậy rồi hớn hở vui mừng nói Bồ-tát:

–Lành thay, lành thay! Hiền giả, thật là kỳ lạ đặc biệt, nên mới nói pháp vi diệu như vậy.

Bồ-tát lại nói:

–Hiền giả! Do một pháp này sẽ tìm gặp hằng hà sa pháp. Vì sao? Vì công dụng của pháp này rất sâu xa vi diệu.

Nữ trưởng giả nói:

–Này thiện nam! Điều mong muốn của ông sẽ được, chớ nghi nan. Các loại báu trân châu, kim ngân, hổ phách, chiên-đàn, hương thơm, lụa cờ, lọng hoa, tùy theo ý muốn của ông, tôi sẽ cho, có thể đem cúng dường Thầy. Ông chớ tự đâm cắt hủy hoại thân mình. Tôi cũng muốn đi đến chỗ đó cùng với ông để vun trồng gốc thiện. Như những gì ông nói, tôi cũng đều muốn đạt được.

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân biến Phạm chí thiếu niên trở lại thân mình, đứng trước Bồ-tát Tát-đà-ba-luân khen: “Hay thay, hay thay! Thiện nam, sự bền chí như Hiền giả quá khứ các Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Chánh Giác, hành Bồ-tát đạo, cầu Bát-nhã ba-la-mật phương tiện thiện xảo thành hiện Đẳng giác cũng như Hiền giả. Hôm nay, tôi cũng không cần tim tủy và máu người, vì tôi muốn thử nên đến đây, Hiền giả nguyện muốn gì?

Tát-đà-ba-luân đáp:

–Tôi không cần gì khác, chỉ nguyện được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Thiện nam! Đây là cảnh giới của chư Phật, không phải chỗ hiểu biết của tôi, hãy cầu mong chuyện khác để cho tôi hưởng ít nhiều phước.

Bồ-tát đáp:

–Giả sử đại nguyện chẳng phải cảnh giới của bạn thì xin thân thể tôi lành lặn như xưa, đó chính là phước rồi.

Vừa nói dứt lời, thân của Tát-đà-ba-luân liền trở lại như cũ. Lúc ấy, Đế Thích biến mất.

Nữ trưởng giả thưa Bồ-tát:

–Xin ông hãy theo tôi trở về gặp cha mẹ tôi và thưa với họ, tôi tùy theo ý muốn của ngài mà xin cấp những vật cần cúng dường như ý ngài muốn để phục vụ ngài. Tôi sẽ đến nơi Bồ-tát Pháp Thượng.

Khi ấy, Tát-đà-ba-luân đến nhà cô ta và đứng đợi ngoài cửa. Vào nhà, nữ trưởng giả thưa:

–Xin hãy cho con kim ngân, trân bảo, lưu ly, ma-ni, hương thơm, chiên-đàn, lọng, hoa, cờ đủ các loại y phục nhiều màu, cùng năm trăm nữ hầu và các thứ kỳ lạ khác để cúng dường, sẽ vì pháp cùng với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đến chỗ Bồ-tát Pháp Thượng ở nước Hương thị, muốn nghe kinh điển các pháp của Phật, con sẽ đạt được kết quả độ thoát chúng sinh. Cha mẹ hỏi:

–Tát-đà-ba-luân là ai?

Thưa:

–Người này đang đứng ngoài cửa, phát thệ nguyện kiên cố muốn cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì muốn cứu khổ vô cùng cho chúng sinh. Có pháp rất vi diệu tên Bát-nhã ba-la-mật. Đây là pháp Bồ-tát cần phải học. Thiện nam tử đó chỉ vì pháp này mà bán mình không tiếc thân mạng, tự đâm cắt thân mạng cúng dường Pháp Thượng Đại sư. Người này chí thành nên cảm động đến Đế Thích. Con thấy sự việc ấy nên đến hỏi: “Có oán hận gì kỳ lạ vậy, mà tự đâm cắt thân mình?” Tát-đà-ba-luân bảo con: “Tôi bán thân cho người thiếu niên để được tài vật cúng dường Thầy tôi. Tôi sẽ được ba mươi hai tướng tốt, Tám mươi vẻ đẹp như Phật, sẽ chuyển pháp luân độ thoát chúng sinh.” Con nghe thế rất vui mừng và ai nghe pháp này cũng đều vui cả. Con hứa cho đủ trân bảo cúng dường và theo hầu vị ấy. Vì thế, xin cha mẹ cho con trân bảo và các nữ hầu.

Cha mẹ bảo:

–Như lời con nói, người này tinh tấn một cách kỳ lạ, vì muốn cầu pháp chẳng thể nghĩ bàn mới không tiếc thân mạng như vậy.

Như lời con nói, thiện nam này chắc chắn có đầy đủ pháp Vô thượng làm an ổn chúng sinh. Kiến lập bốn hoằng đại thệ của Bồtát, ta làm sao trái nguyện này của con. Ta cũng muốn đến chiêm ngưỡng cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng, nhưng vì già yếu không thể đi được. Tùy ý nguyện, con vui vẻ thay ta, tùy ý muốn trân kỳ bảo vật ta hoàn toàn đáp ứng mọi tâm nguyện của con.

Bấy giờ, nữ trưởng giả đem năm trăm chiếc xe trang sức bằng bảy báu và năm trăm thể nữ hầu cùng nhau trang sức xinh đẹp, chở tất cả thứ hoa nhiều màu sắc, y báu… Những thứ nói như trên. Và một chiếc xe riêng chở Tát-đà-ba-luân với năm trăm thể nữ đi theo.

Như vậy, tuần tự đi về phương Đông, họ trông thấy thành Hương thị, các loại thất bảo trân kỳ màu đen, vàng xinh đẹp chưa từng có như trên đã nói.

Lại thấy Bồ-tát Pháp Thượng cùng đại chúng đến trăm ngàn vạn vây quanh thuyết pháp ở giữa thành. Họ thấy vậy rồi lòng rất vui mừng, thân được an ổn như Tỳ-kheo đắc Tứ thiền.

Laị nghĩ: “Ta không nên ngồi trên xe mà phải xuống đi bộ.” Bồ-tát cùng nữ trưởng giả và năm trăm thể nữ theo hầu, tụ họp trước cửa thành. Nhìn thấy đài bằng bảy báu, dùng trân châu, chiên-đàn màu đỏ trang sức hai bên đường. Đài ấy hình tứ giác, có bốn bình báu đựng ngọc ma-ni phát ra ánh sáng suốt ngày đêm. Có lò hương bằng báu, thường đốt hương thơm, thơm ngát ngày đêm. Chính giữa đài có tháp bảy báu, dùng vật báu bốn màu làm rương; dùng vàng ròng tía mỏng để viết Bát-nhã ba-la-mật làm thành quyển kinh để trong rương đó. Lại dùng bảy báu dệt thành cờ treo hai bên, màu sắc cờ rực rỡ, phất phới theo chiều gió.

Tát-đà-ba-luân và năm trăm người nữ ấy thấy đài trang trí bằng bảy báu. Có Thích Đề-hoàn Nhân cùng các Thiên tử đem bột thơm mịn như vi trần được giả bằng chiên-đàn ở cõi trời, tung vãi khắp hư không lên đài và trổi nhạc cúng dường.

Lúc đó, Tát-đà-ba-luân hỏi thăm Thích Đề-hoàn Nhân:

–Ông dùng hoa này rải lên đài cúng dường để làm gì?

Thích Đề-hoàn Nhân đáp:

–Thiện nam! Ngài không biết thật sao? Bát-nhã ba-la-mật này

sinh các Bồ-tát, tất cả Bồ-tát đang học pháp này sẽ thành tựu công đức ba-la-mật, đầy đủ các pháp của Phật, đạt Nhất thiết trí, thế nên chúng tôi cúng dường.

Tát-đà-ba-luân nghe như vậy vô cùng vui vẻ.

Lại hỏi:

–Bát-nhã ba-la-mật hiện đang ở đâu?

Thích Đề-hoàn Nhân đáp:

–Trong rương bảy báu ở giữa đài. Bồ-tát Pháp Thượng đóng dấu bằng ấn bảy báu, các vị và tôi không thể thấy được.

Khi ấy, Tát-đà-ba-luân cùng nữ trưởng giả với trăm ngàn người nữ đều lấy các hoa thơm, hương thơm, chiên-đàn, các thứ báu lưu ly, ma-ni để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật; để dành một phần đem đến nơi tòa để cúng dường Đại sư Pháp Thượng. Những hoa được rải hóa thành đài hoa bảy báu lơ lửng giữa hư không ngay trên Bồ-tát Pháp Thượng và mưa các hoa quý lên Bồ-tát Pháp Thượng, tung các y báu nhiều màu sắc lên đài, có hóa Thiên nhân tay cầm cờ trời phủ xuống.

Tát-đà-ba-luân với năm trăm người nữ thấy sự biến hóa như vậy đều nghĩ: “Sự biến hóa này của Đại Bồ-tát pháp Thượng thật chưa từng có. Huống gì thành bậc hiện chứng Đẳng giác Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Khi ấy, nữ trưởng giả và năm trăm người nữ thấy Bồ-tát Pháp Thượng đều hớn hở vui mừng. Họ đều phát ý Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đồng thời khen: “Nếu giữ gìn công đức này thì được pháp lợi ích cũng như vậy. Làm cho chúng ta được cúng dường Bátnhã ba-la-mật như Bồ-tát Pháp Thượng. Chúng ta sẽ truyền bá rộng Bát-nhã ba-la-mật, độ chúng sinh cũng như Bồ-tát Pháp Thượng. Mong rằng chúng ta được Bát-nhã ba-la-mật, thành tựu phương tiện quyền xảo, tạo ra sự biến hóa này, đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đối với các pháp được tự tại cũng như Đại sư Pháp Thượng.”

Lúc đó, Tát-đà-ba-luân với nữ trưởng giả cùng năm trăm người nữ cúng dường rồi đến trước đức Pháp Thượng đảnh lễ sát đất lui đứng một bên, cung kính chắp tay thưa:

–Khi xưa, con ở nơi thanh vắng nghe tiếng nói trong hư không: “Này thiện nam, từ đây đi về phương Đông có thể nghe được Bátnhã ba-la-mật. Con đi về phương Đông nữa đường, suy nghĩ: “Con không nên theo ai để được nghe Bát-nhã ba-la-mật.” Nói rồi buồn rầu khóc lóc, đứng yên một chỗ, bảy ngày không nghĩ đến ăn uống, chỉ nghĩ lúc nào sẽ được Bát-nhã ba-la-mật.

Lúc đó, có Hóa Phật đứng trước con bảo rằng: “Này thiện nam, hãy giữ gìn ý chí dũng mãnh tinh tấn này. Từ đây đi về phương Đông hai vạn dặm, có nước tên Hương thị, có Bồ-tát tên Pháp Thượng thường thuyết Bát-nhã ba-la-mật, ông có thể nghe. Vị ấy là bậc Chân sư của ông.”

Nghe hóa Phật dạy rồi, con liền đi về phương Đông, nhìn thấy Đại sư trong ý an ổn hớn hở vui mừng. Ví như Tỳ-kheo đắc Tứ thiền. Do nhớ nghĩ Bát-nhã ba-la-mật nên đắc Vô thượng Tam-muội, liền thấy mười phương chư Phật khen con rằng: “Lành thay, lành thay! Tam-muội mà ông chứng được đều sinh ra từ Bát-nhã ba-la-mật. Khi còn hành Bồ-tát đạo, ta cầu Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy.” Khen ngợi con rồi, Ngài biến mất. Sau khi ra khỏi Tam-muội con suy nghĩ: “Chư Phật từ đâu đến, rồi đi về đâu?” Con rất buồn, lại nghĩ: “Đại sư Pháp Thượng được Bát-nhã ba-la-mật phương tiện thiện xảo. Đối với các pháp được tự tại, con nên đến hỏi Thầy: Mười phương chư Phật từ đâu đến và đi về đâu?”

Hôm nay, xin Đại sư giảng giải cho con, các Như Lai này từ đâu đến, con nguyện muốn nghe điều đó. Chúng con nghe rồi thường gặp chư Phật không rời Thế Tôn.