SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 25: HỢP TỤ

Lúc đó Bân-nậu Văn-đà-ni Tử thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn dạy ngài Tu-bồ-đề thuyết Bát-nhã ba-la-mật, chính là giảng dạy giáo lý Đại thừa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Khi con thuyết giảng Đại thừa có xa lìa Bátnhã ba-la-mật không?

Đức Phật đáp:

–Không, Tu-bồ-đề! Ông giảng Đại thừa tùy thuận không trái ngược, không mất giáo nghĩa Ba-la-mật. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì tất cả các pháp thiện, pháp Thanh văn, pháp Bích-chi-phật lên đến pháp Phật đều hòa nhập trong Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao các pháp thiện, pháp Thanh văn, pháp Bích-chi-phật, pháp Bồ-tát, pháp Phật đều hòa nhập trong Bát-nhã ba-la-mật?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Vì sáu pháp Ba-la-mật, bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Thánh đạo, ba môn giải thoát, bốn Tuệ vô ngại, đại Từ, đại Bi, mười Lực của Phật, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng đều không phải là pháp để mong cầu, luôn hoạt động bình đẳng.

Tu-bồ-đề! Đó là pháp thiện. Thế nên ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, pháp Thanh văn, pháp Bích-chi-phật, pháp Bồ-tát, pháp Phật đều hòa nhập trong Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Đại thừa, sáu pháp Ba-la-mật, năm ấm, mười hai xứ, mười tám tánh, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, ba môn giải thoát, pháp thiện, pháp lậu, pháp hữu vi, pháp Khổ, Tập, Diệt, Đạo, cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, Nội không, Ngoại không, Sở hữu không, Vô sở hữu không, các môn Tam-muội, các môn Đà-la-ni, mười tám pháp Bất cộng của Phật, Như Lai, những lời dạy của Như Lai về tánh của pháp và luật và tự tánh chân tế chẳng thể nghĩ bàn, Niết-bàn cùng tất cả các pháp này không hòa hợp, không tan rã, không có hình, cũng không có thể thấy, không có đối đãi, có một tướng, một tướng gọi là không có tướng. Cho nên khi ông giảng về Đại thừa, cũng như giảng Bátnhã ba-la-mật, giáo nghĩa của chúng tùy thuận nhau, không có tướng chống trái.

Vì sao? Vì Đại thừa cùng với Bát-nhã ba-la-mật không phân biệt, không sai khác. Đại thừa cùng với ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cho đến mười tám pháp Bất cộng không phân biệt. Đại thừa tức là pháp Phật, pháp Phật tức là Đại thừa. Điều đó chỉ là một, không hai, không tướng chống trái. Thế nên, Tu-bồ-đề, khi ông giảng Đại thừa chính là giảng Bát-nhã ba-la-mật.