SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 19

Phẩm 84: PHÂN BIỆT TRÍ

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Giả sử pháp đó là pháp Bồ-tát thì pháp nào là pháp Phật?

Phật dạy:

–Vì đầy đủ pháp đó nên được tuệ trí Nhất thiết dứt hết các tập khí, thì Đại Bồ-tát mới đạt đến giác ngộ; đó là pháp Bồ-tát.

Pháp Phật chỉ dùng một trí tuệ, tương ứng với tất cả trí tuệ mà đắc Chánh giác. Do đó pháp Phật với pháp Bồ-tát mới có sự sai khác.

Tu-bồ-đề! Ví như từ bậc hướng đạo đến bậc đắc đạo, cả hai bậc đều là Thánh hiền. Bồ-tát là giai đoạn giữa Đức Phật hiện tại cùng với chư Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác ở quá khứ. Đó là sự sai khác.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Giả sử như lời Phật nói thì pháp không là có sự khác nhau và có nhiều loại nên nói đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, loài người, loài trời, Thanh văn, Bích-chi-phật, Bồ-tát và Phật.

Các đạo như vậy cũng không có sở hữu, hành cũng không có sở hữu, như thế hành không có sở hữu thì quả báo tội phước cũng không có sở hữu.

Phật dạy:

–Đúng thế, đúng thế! Tu-bồ-đề, như lời ông nói, pháp không không, không có hành, không có đắc.

Tu-bồ-đề! Người không biết pháp không không ấy nên hành động thiện hay ác, hữu lậu hay vô lậu, do kết quả của hành động mà có ba đường ác, làm việc thiện thì có quả cõi người, cõi trời, luân hồi mãi trong ba cõi. Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật cho đến mười tám pháp Bất cộng, hành pháp Bồ-tát cũng không có lỗi lầm, đó là đầy đủ sự việc của Bồ-tát đắc Tam-muội Kim cang, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tạo thiện căn, thiện căn ấy quyết không mất để bị sinh vào năm cõi (tạo thiện căn cho chúng sinh).

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Khi thành Chánh đẳng Chánh giác, còn bị sinh tử trong năm đường không?

Đức Phật dạy:

–Không còn.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Như Lai có bị lệ thuộc pháp thiện ác không?

Phật dạy:

–Không!

Tu-bồ-đề lại hỏi:

–Như Lai không thấy các pháp thiện phải không?

Đức Phật dạy:

–Không vậy.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Thế Tôn cũng không thấy các pháp thiện hay ác phải không?

Phật dạy:

–Không vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Nếu không do bốn trường hợp ấy, làm sao có cõi trời, cõi trời ba đường ác, nơi nào có Thanh văn, Bích-chi-phật, nơi nào có Bồ-tát và Phật?

Phật hỏi Tu-bồ-đề:

–Chúng sinh có biết tướng không của các pháp không? Nếu chúng sinh biết tướng các pháp là không, thì Bồ-tát quyết không phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không có thể độ chúng sinh xa lìa các đường ác. Do chúng sinh không biết tướng các pháp đều không, nên không thể lìa được năm đường. Từ chư Phật, Bồ-tát nghe tướng không các pháp cho nên liền phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Pháp mà phàm phu đi vào đối với Như Lai thì không có chúng sinh không hiểu pháp không, nên cho mình có sự chứng đắc, không có chúng sinh mà có tưởng chúng sinh, không có năm ấm có tưởng năm ấm, đối với vô vi mà có tưởng hữu vi, tự nó không có sở hữu mà tạo ra tưởng điên đảo với thân niệm ý tạo ra điên đảo, liền đọa vào năm đường, không thể giải thoát được. Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, giữ gìn các thiện pháp, đều ở trong Bát-nhã ba-la-mật để hành Bồ-tát hạnh mới thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đem pháp bốn Đế giảng rộng và làm cho chúng sinh tu tập theo. Nhờ các thiện pháp như: ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, bốn Đế nên mới có Tam bảo. Chúng sinh nhờ vào Tam bảo mà được giải thoát, xa lìa các khổ.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng sinh được độ là nhờ bốn Đế hay trí tuệ về bốn Đế.

Phật dạy:

–Không chỉ nhờ bốn Đế mà được giải thoát, cũng không chỉ nhờ trí tuệ bốn Đế mà được giải thoát. Ta nói từ nơi bốn Đế mà được Chánh đẳng cho đến giải thoát.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao là Đẳng bốn đế?

Phật dạy:

–Không có Khổ, không có Tuệ khổ, không có Tập, không có Tuệ tập, không có Tận, không có Tuệ tận; không có Đạo, cũng không có Tuệ đạo. Bởi bốn đế như vậy, nên pháp của pháp tánh không có thay đổi. Pháp chân đế này, việc có Phật hay không có Phật vẫn thường trụ như vậy. Nên pháp ấy không diệt không mất, đối với các pháp không bị tổn giảm. Bồ-tát hành trì Bát-nhã ba-lamật, thực hành bốn Đế thì đạt được trí tuệ bốn Đế, cũng được giác ngộ như vậy.

Tu-bồ-đề lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, làm sao tu hành bốn Đế mà giác ngộ bốn Đế? Giác ngộ tùy theo sự hành trì, mà không đi vào hai địa mới là bậc Bồ-tát?

Phật dạy:

–Cốt yếu của các pháp không thể thấy được. Giả sử có thấy được cũng không có sở hữu. Đã không có sở hữu, thấy các pháp đều là không. Ở trong bốn Đế hay không ở trong bốn Đế đều là không, không có sở hữu. Thấy như vậy, rồi trụ vào chủng tánh của Bồ-tát; trụ ở chủng tánh Bồ-tát rồi, không ngăn ngại ở trên, không đi vào hai địa.

Do an trú nơi chủng tánh liền sinh khởi bốn Thiền, bốn Đẳng và bốn Không định, trụ ở Diệt tận định, liền biết các pháp, biết trí tuệ bốn Đế, không sinh các nhân duyên Khổ, Tập, Diệt, Đạo, chỉ có đạo ý quán tưởng các pháp như thật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Quán sát thấy các pháp như thật là như thế nào?

Phật dạy:

–Đó là không.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là không?

Phật dạy:

–Như tự quán tưởng thân tướng là không; so sánh pháp quán này, thấy các pháp là không, không thấy các pháp đạt được giác ngộ, đạo cũng vô sở hữu, chẳng phải do Phật làm ra, chẳng phải do A-la-hán, Bích-chi-phật và Bồ-tát làm ra.

Tất cả chúng sinh không rõ việc này, nên bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng phương tiện quyền xảo nói pháp cho chúng sinh.