LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 11: TĨNH LỰ (THIỀN)
Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú nơi vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với chúng Bí-sô: Có bốn Thiên đạo khiến các loài hữu tình, ai chưa tịnh thì được tịnh, ai đã tịnh rồi sẽ được trắng đẹp, bốn pháp ấy là:
1. Có một loài đã lìa bỏ dục xấu ác, các pháp chẳng thiện, có tầm và tứ, ly sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ các bậc sơ tĩnh lự. Đó gọi là Thiên đạo thứ nhất.
2. Có một loài tầm và tứ đều vắng lặng, bên trong có tính chất của tâm đều tịnh và hướng về một cõi, không tầm không tứ, định sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ và đệ nhị tĩnh lự, đó gọi là Thiên đạo thứ hai.
3. Có một loài lìa bỏ mừng vui, trụ vào buông xả, chánh niệm chánh tri, khi thân có cảm giác vui, Phật bảo nên buông xả, trụ đầy đủ vào đệ tam tĩnh lự, đó gọi là Thiên đạo thứ ba.
4. Có một loài đoạn dứt vui và khổ, các sự mừng vui lo lắng trước đây đều biến mất hết, không còn khổ hay vui nữa, luôn luôn có niệm buông xả và thanh tịnh, trụ đầy đủ vào đệ tứ tĩnh lự, đó gọi là Thiên đạo thứ tư.
Bốn thứ Thiên đạo đều khiến cho các loài hữu tình, nếu ai chưa tịnh thì được thanh tịnh, ai đã thanh tịnh rồi thì được trong trắng.
Lìa dục xấu ác, các pháp chẳng thiện.
Thế nào là dục? Tức là tham cũng gọi là dục, cõi Dục cũng gọi là dục; năm thư dục lạc thù thắng cũng gọi là dục. Nay nghĩa ở đây là ý muốn nói đến năm cảnh dục lạc thù thắng gọi là dục đó. Nguyên do vì sao? Là vì năm thứ dục lạc thù thắng đó ai cũng mến yêu, ham thích, say mê. Phải nói đó là thứ ai cũng ham muốn, yêu thích tham lam, tìm kiếm mong cầu, mê mẩn, ràng buộc, trông mong lệ thuộc…, nên trong này gọi là dục. Song, năm thứ dục lạc thù thắng này không phải là cái Thể thật của dục, cái Thể thật của dục chính là duyên nơi tham, như Đức Thế Tôn nói kệ:
Dục lạc đời không đâu thật dục,
Dục thật do người phân biệt tham,
Diệu cảnh vốn xưa trụ thế gian,
Người trí đã diệt trừ dục đó.
Tụng này ý nói: Các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng ưa thích mê mệt kia không phải là cái Thể thật của dục mà cái Thể chân thật của dục là do duyên, tiếp xúc với nó rồi sinh ra phân biệt mà tham trước đam mê. Cảnh dục vẫn như xưa, nhưng chỉ có người trí ở trong cảnh đó mới lìa bỏ ham muốn mê đắm thôi.
Như có một lúc, Tôn giả Xá-lợi-tử đang diễn giảng bài kệ ấy cho mọi người, thì có ngoại đạo tà mạng sống gần đó đến dùng kệ sau đây vấn nạn Xá-lợi-tử:
Nếu diệu cảnh đời không thật dục,
Thật dục do người phân biệt tham,
Bí-sô đáng gọi người thọ dục (tham dục),
Khởi phân biệt xấu và suy tìm…
Khi đó, Tôn giả Xá-lợi-tử đáp lời kẻ ngoại đạo kia: Nếu khởi lên việc suy tìm xấu thì thật sự đáng gọi là thọ dục (có tham lam). Nhưng các thầy Bí-sô thì không có việc khởi lên các suy tìm phân biệt không tốt lành đối với các diệu cảnh trên đời. Vậy ông đừng nên lấy điều đó mà gạn hỏi ta. Rồi dùng kệ trả lời ngoại đạo:
Nếu diệu cảnh đời là thật dục,
Nói dục, người nào phân biệt tham,
Thầy ông đáng gọi người thọ dục,
Vì luôn ham nhìn sắc vừa lòng.
Bấy giờ ngoại đạo kia đành ngậm miệng chẳng biết đối đáp làm sao, vì thật sự thầy của ông ta ưa nhìn các thứ sắc mà ông ấy rất ham thích. Do đó biết dục là do tham chứ không phải do cảnh hay đồ đạc…
Ngay lúc đó, một cô gái gánh nước đi ngang qua, nghe bài kệ ấy, cũng liền đọc lên bài tụng:
Dục, ta biết gốc mày,
Mày do phân biệt sinh,
Nếu ta không phân biệt,
Thì mày từ đâu có?
Lại có một người thuộc dòng Ất-sất-la nghe bài kệ ấy, cũng đọc lên bài tụng:
Mâu-ni an ổn ngủ,
Gặp ác chẳng sầu lo,
Tâm luôn vui tĩnh lự,
Chẳng dạo chơi các dục.
Bài tụng này ý nói các diệu cảnh đáng mến thích kia đều không phải là thật dục. Đối với diệu cảnh kia mà khởi lên sự phân biệt tham ái mến yêu thì đó mới là thật dục. Thế nên trong này nêu ra bốn trường hợp:
1. Có một loại Bổ-đặc-già-la đối với các dục cảnh thì thân lìa mà tâm không lìa.
Nghĩa là như có một người đã cạo bỏ râu tóc mặc áo cà sa, phát sinh chánh tín xuất gia, đích thân tham cứu cùng các pháp lữ, nhưng lòng lúc nào cũng luyến tiếc ham mê các dục, luôn luôn phát khởi mãnh liệt lòng tham ái. Cho nên người ấy, tuy thân đã xuất gia nhưng tâm hồn thì chưa hề xuất gia. Đó gọi là đối với dục thì thân lìa mà tâm không lìa.
2. Có một loại Bổ-đặc-già-la đối với các cảnh dục thì tâm lìa mà thân không lìa.
Nghĩa là như có một người tuy có vợ con và thọ hưởng nhiêu thứ quý báu đẹp đẽ về ruộng vườn, nhà cửa, ngọa cụ giường nằm, dầu thơm, tóc mượt, chuỗi ngọc, y phục, ăn uống, thọ nhận các thứ vàng bạc châu báu, sai khiến các đầy tớ giúp việc, cũng có lúc khởi lên các nghiệp đánh mắng… Nhưng đối với các dục thì lại không đam mê đắm trước, cũng không luôn luôn khởi lên lòng tham ái mãnh liệt, cho nên thân người này ở tại gia nhưng tâm (hồn) anh ta đã xuất gia. Nên gọi đó là đối với dục thì tâm đã lìa nhưng thân không lìa.
3. Có một loại Bổ-đặc-già-la đối với cảnh dục thì thân và tâm đều lìa.
Nghĩa là như có một người đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục cà sa, phát lòng chánh tín, nên đi xuất gia, đích thân thường tham cứu cùng các pháp lữ. Đối với các dục cảnh thì không còn đoái hoài thương tiếc. Không bao giờ phát sinh lòng tham ái mãnh liệt. Mỗi khi sơ ý mất chánh niệm trong chốc lát thì lòng hết sức hối hận xấu hổ. Cho nên thân người ấy đã xuất gia mà cả tâm hồn cũng xuất gia. Nên gọi đó là đối với dục thì thân và tâm đều xa lìa.
4. Có một loại Bổ-đặc-già-la đối với các dục cảnh thì cả thân và tâm đều không lìa.
Nghĩa là như có một người nuôi nấng vợ con, hưởng thọ nhiều thứ quý báu tốt đẹp, như ruộng vườn nhà cửa, giường chõng, dầu thơm, tóc mượt, chuỗi ngọc, y phục, ăn uống… Nhận lãnh chứa nhóm nhiều loại vàng bạc châu báu, sai khiến kẻ tôi tớ làm việc. Nhiều lúc khởi lên các việc đánh đập chửi bới. Còn đối với các dục thì say đắm mê mẩn, luôn luôn phát sinh lòng tham ái mãnh liệt. Cho nên cả hai thứ thân và tâm người đó đều không xuất gia. Đó gọi là đối với dục thì cả thân và tâm đều không xa lìa.
Thế nào là lìa bỏ dục? Nghĩa là đối với dục thì xa lìa, xa lìa cùng cực, trống không, chẳng có gì cả. Nên gọi là lìa dục.
Thế nào gọi là các pháp dữ chẳng thiện? Đó là năm thứ màn che:
Tham dục, giận dữ, hôn trầm ham ngủ, lay động hối hận, và nghi ngờ.
Thế nào là màn che tham dục? Nghĩa là các thứ dục, các thứ tham đều tham lam ham muốn, rồi giữ gìn chấp chặt, mến thích mê mẩn, mong cầu trói buộc nội tâm, mê say tụ tập gây tạo các khổ, là chủng loại tham sinh ra các tham thì gọi chung là tham dục. Các thứ tham dục đó nó bao trùm, che chắn, ngăn trở, buộc ràng, ẩn lấp, án ngữ, đậy kín, bịt chặt cái tâm của mình, nên gọi đó là cái màn che. Màn tức là tham dục, nên gọi là màn che tham dục.
Thế nào là màn che giận dữ? Nghĩa là đối với loài hữu tình muốn gây tổn hại, luôn ôm lòng tàn hại, muốn gây ra các rắc rối khổ não. Đã, đang và sẽ mãi mãi giận dữ. Ưa thích tạo ra các tai họa, rất thích gây ra tai họa một cách cùng cực. Lòng luôn hờn giận. Đối với loài hữu tình thường đi trái lệ, thường gây ra mọi tai họa. Đã, đang và sẽ mãi mãi gây ra các tai họa. Nên gọi chung là giận dữ. Sự giận dữ như thế, nó che đậy bao trùm cái tâm…, cho đến nó đây kín bịt chặt cái tâm, nên gọi là màn che, tức là sự giận hờn, nên gọi là màn che giận dữ.
Thế nào là màn che hôn trầm mê ngủ? Nghĩa là tính chất nặng nề của thân, của tâm. Tính chất thân không làm nổi việc gì, tâm không làm được việc gì…, tính chất hôn trầm, mờ mịt của thân hoặc của tâm, gọi chung là hôn trầm. Phẩm chất của tâm bị ô nhiễm, nhiều ngủ, chiêm bao, không thể trông nom canh chừng làm việc được, có tánh mù mờ sơ xuất…, thì gọi chung là mê ngủ. Các thứ hôn trầm mê ngủ vừa nói đó, nó che đậy bao trùm cái tâm… cho đến che chắn bao kín cái tâm, cho nên gọi là màn che. Cái màn che tức là sự hôn trầm mê ngủ, cho nên gọi là màn che hôn trầm mê ngủ.
Thế nào là màn che lay động hối hận? Nghĩa là tâm không yên tịnh vắng lặng mà luôn quấy động, quấy động tất cả, có tính chất luôn quấy động không yên tĩnh, nên gọi chung là trạo cử (lao chao) bị quấy động. Phẩm chất của tâm bị nhiễm ô, là hết thảy tâm luyến tiếc, buồn tức sầu não, tâm hối hận ăn năn, có tự tánh ăn năn, gọi chung là ăn năn. Hết thảy các thứ tâm lý quấy động lao chao ăn năn che kín tâm…, cho đến che chắn bao kín cái tâm, gọi là màn che. Cái màn tức là sự luôn quấy động ăn năn, cho nên gọi là màn che quấy động ăn năn.
Thế nào là màn che nghi ngờ? Nghĩa là đối với Phật Pháp Tăng và bốn đế Khổ-Tập-Diệt-Đạo khởi lên sự nghi ngờ lừng chừng đôi ngã, dụ dự, khù khờ, bị tên độc của nghi ngờ nên không quyết định, không quyết đoán. Đã, đang và sẽ mãi mãi lừng chừng chứ không có một hướng dứt khoát, nên gọi chung là nghi ngờ. Với tự tánh nghi ngờ không quyết đoán đó luôn che đậy bao trùm cái tâm…, cho đến che chắn trùm kín cái tâm, cho nên gọi là màn che. Cái màn đó là sự nghi ngờ, ngờ vực, nên gọi là màn che nghi ngờ.
Thế nào là lìa bỏ các pháp xấu ác chẳng thiện? Nghĩa là đối với tất cả các pháp xấu ác, bất thiện đều xa lìa, xa lìa cùng cực, trống không chẳng còn gì cả. Nên gọi là lìa bỏ các pháp xấu ác bất thiện.
******
Có tầm có tứ:
Thế nào là tầm? Nghĩa là người lìa bỏ dục và các pháp xấu ác bất thiện, thì tâm luôn tìm cầu khắp nơi, tìm cầu gần. Tâm luôn sáng tỏ hiểu rõ mọi lẽ, rất sáng tỏ hiểu rõ mọi lẽ, hiện đang hiểu rõ mọi lẽ rất sáng suốt. Luôn tìm xét, suy lường hướng dẫn hoạch định, suy tư phân biệt… gọi chung là tầm.
Thế nào là tứ? Nghĩa là người lìa bỏ dục và các pháp xấu ác bất thiện, thì tâm luôn rình xét, theo dõi khắp nơi, tùy theo việc làm, tùy theo sự biến chuyển, tùy đẳng cấp, tùy sự lệ thuộc…, gọi chung là tứ.
Sự khác nhau giữa tầm và tứ như thế nào? Có tính chất khiến tâm thô thiển hời hợt thì gọi là tầm, còn tứ là khiến tâm tinh tế nhỏ nhặt. Việc đó ra sao? Như khi đánh chuông thì tiếng kêu lớn phát lên rồi các tiếng kêu nhỏ vang vang ngân dài ra. Tiếng kêu lớn dụ cho tầm, tiếng ngân vang nhỏ dụ cho tứ. Các việc như rung chuông gõ bát, thổi ốc (tù và) đánh trống, phóng tên, trời gầm…, có hai thứ tiếng lớn nhỏ cũng dụ như thế. Như bầy chim bay liệng trên hư không, vỗ cánh rướn mình thì mới bay theo ý được. Vỗ cánh là dụ cho tầm, còn rướn mình là dụ cho tứ. Đó là hai tướng trạng khác nhau của tầm và tứ.
Thế nào là có tầm có tứ? Nghĩa là người lìa dục và các pháp ác bất thiện thì tương ưng với phẩm cấp bậc có đầy đủ cả tầm tứ.
Ly sinh Hỷ lạc là gì? Ly là lìa, bỏ dục cũng gọi là lìa, lìa các pháp ác bất thiện cũng gọi là lìa, xuất gia cũng gọi là lìa, căn thiện cõi Sắc cũng gọi là lìa, bậc sơ tĩnh lự cũng gọi là lìa. Nay nghĩa trong này ý nói về sơ tĩnh lự gọi là lìa.
Sao là mừng (Hỷ)? Nghĩa là lìa dục và các pháp ác chẳng thiện thì
tâm luôn vui, rất vui trong hiện tiền, trước mắt rất vui, tính chất chủng loại của sự vui mừng, hân hoan, mừng rỡ, vui vẻ, có tính chất chịu làm việc (làm được việc), có tính chất mừng rỡ hớn hở muốn nhảy nhót, tính chất hoan Hỷ, mừng vui… gọi chung là mừng (Hỷ).
Sao là vui (lạc)? Nghĩa là người lìa dục và các pháp ác chẳng thiện thì đã đoạn dứt những tính chất nặng nề của thân hoặc của tâm, đoạn dứt tính chất của thân hoặc tâm không thể làm việc được, không chịu làm, mà lại có được tính chất của thân hoặc tâm luôn linh hoạt nhanh nhẹn, hay mềm mỏng dịu dàng, tính chất của thân hoặc tâm nhẹ nhàng thoải mái, tính chất không bứt rứt nóng nảy, không bị thiêu đốt buồn rầu, mà có tính chất của thân hoặc tâm luôn điều hòa êm ái dịu dàng thoải mái thích thú…, gọi chung là vui.
Thế nào là ly sinh Hỷ lạc? Nghĩa là các thứ vui mừng ở trước đã nói đó mà lìa bỏ cái nhân, lìa bỏ sự nương cậy vào vui mừng, lập ra sự lìa bỏ, do sức lìa bỏ mà sinh ra tất cả các thứ đi sâu vào đó và xuất hiện. Cho nên nói là lìa bỏ dục sinh ra vui mừng.
Sơ, nghĩa là tĩnh lự này theo thứ tự thì đứng đầu. Lại còn, thứ tự tĩnh lự này ở trong thứ tự của chín thứ định, thì nó đứng trước nhất.
Tĩnh lự, nghĩa là ở trong định này có tầm tứ vui mừng, có tính chất của tâm chuyên chú vào một cảnh. Gồm chung cả năm chi này thì gọi là bậc sơ tĩnh lự (sơ thiền). Như có tụng nói:
Tâm theo đuổi tham dục,
Hoặc theo đuổi giận dữ,
Mà theo tu tĩnh lự,
Chư Phật không ngợi khen.
Lừ đừ che đậy tâm,
Không biết tu tĩnh lự,
Thân tướng dù yên tịnh,
Chư Phật cũng không khen.
Động, ăn năn, che tâm,
Các căn không vắng lặng,
Tuy siêng tu tĩnh lự,
Chư Phật không ngợi khen.
Trong Tam bảo bốn-đế,
Tâm lại luôn ngờ vực,
Tuy siêng tu tĩnh lự,
Chư Phật không ngợi khen.
Xa lìa dục và ác,
Tầm tứ đều đúng lý,
Thân nhẹ nhàng yên tịnh,
Nhận ly sinh Hỷ lạc.
Thân như tắm gội sạch,
Khắp mình đều trơn bóng,
Không mạnh cũng không yếu,
Nước ái không làm chìm.
Tầm tứ cả năm chi.
Hiền Thánh Tiên đã chứng.
Gọi chung là tĩnh lự.
Chư Phật đều ngợi khen.
Ở trong định này, gọi là sơ tĩnh lự thì các tâm-ý-thức đều có tâm suy tư tìm xét tất cả, hiện đang đã và sẽ mãi mãi tìm xét suy tư mà tạo ra ý nghiệp của tâm. Gọi là sơ tĩnh lự đều có nghiệp của ý. Các tâm đều hiểu rõ, đã và sẽ hiểu rõ, gọi là sơ tĩnh lự đều có hiểu rõ (thắng giải).
Ở trong định này hoặc thọ, hoặc tưởng, hoặc, dục hoặc tác ý, hoặc niệm, hoặc định, hoặc tuệ v.v… các thứ tên như vậy thì sơ tĩnh lự đều có các pháp đó. Nên các pháp đó cũng được gọi là sơ tĩnh lự.
Tên “sơ tĩnh lự” này là dựa vào nghĩa nào mà lập ra?
Nghĩa là có khả năng làm vắng lặng tất cả các pháp ác chẳng thiện và các tạp nhiễm khác mà sau này (đời sau) phải bị thiêu đốt do các quả khổ dị thục, như các pháp hữu lậu sinh già chết v.v…, nên gọi là tĩnh lự.
Lại còn, khi tất cả các pháp ác chẳng thiện, các tạp nhiễm khác mà sau này phải chịu thiêu đốt do quả khổ dị thục, như các thứ sinh già chết v.v…, các pháp hữu lậu đã được yên tĩnh vắng lặng rồi thì thứ tĩnh lự này đều sinh khởi tất cả các thứ, cùng đi sâu vào nó và xuất hiện ra, cho nên gọi là tĩnh lự
Lại thêm, khi các thứ pháp ác chẳng thiện, và các tạp nhiễm khác mà sau này sẽ bị thiêu đốt do quả khổ dị thục, như các thứ sinh già chết…, các pháp hữu lậu đã được yên tĩnh vắng lặng rồi thì thứ tĩnh lự này sẽ rực rỡ chiếu khắp, nên gọi là tĩnh lự.
Đầy đủ, nghĩa là y vào các pháp thiện tạo nên do xuất gia và xa lìa, mà siêng năng tinh cần tu tập không gián đoạn thì sẽ được toàn vẹn viên mãn, cho nên gọi là đầy đủ.
Trụ là thành tựu thứ tĩnh lự này, thì thực hành trong hiện tại, thực hành theo mãi, khắp làm, khắp làm theo, nếu chuyển động thay đổi đều hiểu rõ cách làm. Cho nên gọi là trụ.
Tầm và tứ đều vắng lặng yên tĩnh, tầm và tứ như trước đã nói, ở đệ nhị tĩnh lự này thì cả hai thứ đó (Tầm tứ) đều yên tĩnh vắng lặng, khắp yên tĩnh vắng lặng, tĩnh lặng gần, trống không, không có gì cả…, cho nên gọi là tầm và tứ đều tĩnh lặng.
Các thứ bên trong đều thanh tịnh. Thế nào là các thứ bên trong đều thanh tịnh? Nghĩa là tầm và tứ đều yên vắng, cho nên các thứ tin tưởng, tính chất tin tưởng, tính chất tin tưởng trước mắt, và các thứ tùy thuận, chấp nhận, mến mộ, tính chất mến mộ, tâm luôn vắng yên nên tâm tịnh…, gọi chung là các thứ bên trong đều thanh tịnh.
Tính chất của tâm chuyên chú vào một cảnh, một đời.
Thế nào là tâm chuyên chú vào một cảnh? Nghĩa là tầm và tứ đều vắng lặng, tâm không bị phân tán, không bị loạn động, không trôi chảy mà an trụ vào một cảnh. Nên gọi là tâm chuyên chú vào một cảnh.
Không tầm, không tứ là ở đệ nhị tĩnh lự này thì tầm và tứ đều không thể được, không hiện hành, chẳng có, chẳng hề có. Cho nên gọi là không có tầm tứ.
Định sinh ra vui mừng.
Thế nào là định? Nghĩa là tầm và tứ đều vắng lặng, tâm trụ đều trụ, trụ gần, an trụ, không phân tán, không loạn động, luôn giữ ngăn cấm (nhiếp chỉ), tâm luôn chuyên chú vào một cảnh, nên gọi là định.
Thế nào là mừng (Hỷ)? Nghĩa là khi tầm và tứ đều vắng lặng thì tâm sẽ vui, rất vui… Rộng nói cho đến hoan Hỷ vui mừng, tính chất của hoan Hỷ vui mừng, gọi chung là mừng.
Thế nào là vui (lạc)? Nghĩa là khi tầm và tứ đều vắng lặng, đã đoạn trừ được tính chất nặng nề của thân, của tâm… Rộng nói cho đến tính chất của thân và tâm được điều hòa nhu nhuyến, nên gọi chung là vui.
Thế nào là định vui mừng? Nghĩa là sự vui mừng đã nói trước đó do nhân của định, dựa vào định, được định lập nên, do sức của định mà được sinh khởi tất cả và đi sâu vào, xuất hiện ra…, cho nên đây gọi là định sinh vui mừng.
Bậc thứ hai là thứ tĩnh lự này, theo số thứ tự thì nó ở hàng thứ hai. Lại còn, thứ tĩnh lự này, trong thứ tự của chín thứ định, thì nó ở hàng thứ hai.
Tĩnh lự là ở trong định này, thì các vui mừng bên trong đều vắng lặng, tâm luôn chuyên chú vào một cảnh, chung cả bốn chi này gọi là đệ nhị tĩnh lự (nhị thiền). Như có tụng: Tầm tứ đều vắng lặng,
Như mưa sạch bụi bặm,
Trong yên, tâm một cảnh,
Được diệu lạc Bồ-đề.
Không tầm tứ, có Hỷ,
Vui trong tịnh và định,
Là đệ nhị tĩnh lự,
Chư Phật đều khen ngợi.
Ở trong định này, các tâm – ý – thức gọi là đệ nhị tĩnh lự, tâm đều có các thứ tư duy đều suy tư tìm xét…, cho đến tạo ra ý nghiệp của tâm, gọi là đệ nhị tĩnh lự đều có nghiệp. Các tâm hiểu rõ, đã và sẽ hiểu mãi, gọi là đệ nhị tĩnh lự đều có thắng giải hiểu rõ.
Ở trong định này, hoặc thọ hoặc tưởng…, cho đến hoặc tuệ v.v…, gọi là đệ nhị tĩnh lự đều có các pháp đó. Nên các pháp đó cũng được gọi là đệ nhị tĩnh lự. Tên Tĩnh lự ở đây là nghĩa mà nó căn cứ vào, sự đầy đủ, an trụ…, đều giống như trước đã nói (ở bậc sơ tĩnh lự).
Lìa mừng – Mừng là sao? Đó là tâm vui, rất vui… cho đến hoan hỷ vui vẻ, tính chất của hoan hỷ vui vẻ, gọi chung là mừng. Tâm đối với cái mừng là lìa nhiễm này mà được giải thoát, nên gọi là lìa mừng (lìa dục vui mừng).
Trụ vào buông xả mà chánh niệm chánh tri.
Xả là sao? Là khi lìa bỏ mừng vui thì có các tính chất như tâm bình đẳng, tâm ngay thẳng, tâm không cảnh giác, luôn trụ vào vắng lặng… gọi chung là Xả.
Thế nào là chánh niệm? Nghĩa là khi lìa vui mừng thì các niệm sẽ tùy niệm…, cho đến tính chất của tâm sáng suốt, ghi nhớ lâu…, gọi chung là chánh niệm.
Thế nào là chánh tri? Nghĩa là khi lìa vui mừng, thì khởi sinh những cách tuyển chọn kỹ lưỡng cho đến Tỳ-bát-xá-na, gọi chung là chánh tri.
Thân nhận được vui. Thân tức là ý thân, do ý ở trong thân có cảm (thọ) vui, cho nên thân tứ đại cũng được an vui thỏa thích. Do đó nên gọi là thân được cảm xúc vui.
Vui nói ở đây, tức là khi lìa sự vui mừng, thì đã đoạn hết các tính chất nặng nề của thân, của tâm…, cho đến tính chất điều hòa nhu nhuyễn của thân, của tâm, nên gọi chung là vui.
Cảm xúc (thọ) vui này không phải là thứ vui khinh an, nên bậc Thánh dạy là phải xả bỏ. Thánh là chư Phật và hàng đệ tử của Phật.
Nói, nghĩa là tuyên nói, diễn giảng, phân biệt chỉ bày.
Siêng tu định, tức là nên buông xả cái vui này không nên mê đắm thích thú, chỉ nên trụ vào sự buông xả mà chánh niệm chánh tri.
Bậc thứ ba là thứ tĩnh lự này theo thứ tự thì nó ở hàng thứ ba. Lại còn theo thứ tự của chín loại định này thì nó ở hàng thứ ba.
Tĩnh lự là trong định này thì thực hành sự buông xả, chánh niệm chánh tri, và thân có cảm xúc vui, tính chất của tâm chuyên chú vào một cảnh. Gọi chung cả năm chi này là đệ tam tĩnh lự. Như có tụng:
Lìa Hỷ việc tối cao,
Xả, niệm, tri, lạc, định,
Tên đệ tam tĩnh lự,
Chư Phật đều khen ngợi.
Ở trong định này, với các tâm – ý – thức đều có các thứ tư duy xét tìm đều tìm xét…, cho đến tạo ra ý nghiệp của tâm. Gọi là đệ tam tĩnh lự thì đều có ý nghiệp, các tâm đều hiểu rõ, đã và sẽ hiểu rõ mãi, gọi là đệ tam tĩnh lự đều có thắng giải (hiểu rõ).
Ở trong định này, hoặc thọ hoặc tưởng…, cho đến hoặc tuệ v.v…, gọi là đệ tam tĩnh lự, đều có các pháp này. Nên các pháp này cũng được gọi là đệ tam tĩnh lự.
Tên tĩnh lự này và nghĩa mà nó căn cứ vào là đầy đủ, trụ… cũng như trước đã nói.
Đoạn hết sự vui. Thế nào là vui? Nghĩa là thuận theo sự tiếp xúc với vui thì khiến cho thân vui, tâm vui và cảm xúc bình đẳng (bình thường) do thọ nhiếp giữ (điều khiển), gọi chung là vui. Lại còn, khi tu đệ tam tĩnh lự thì thuận theo sự tiếp xúc có cảm giác vui (lạc thọ) nên khởi tâm vui, có cảm xúc bình thường (bình đẳng) do thọ nhiếp giữ. Đó là vui.
Đoạn dứt sự khổ. Thế nào là khổ? Nghĩa là thuận theo sự tiếp xúc với khổ nên (khởi lên) khiến cho thân khổ, có cảm xúc không bình thường do thọ nhiếp giữ điều khiển, đó gọi là khổ.
Cái khổ và vui đó bấy giờ đều được đoạn trừ và biết khắp, xa lìa và rất xa lìa, điều phục và rất điều phục, trừ diệt biến mất. Đó gọi là đoạn dứt khổ vui.
Các vui buồn trước đây đều mất hết.
Vui là sao? Nghĩa là thuận theo sự tiếp xúc với vui nên khiến cho tâm vui, có cảm xúc bình thường do thọ nhiếp giữ điều khiển, đó gọi là vui.
Buồn lo là sao? Nghĩa là thuận theo sự tiếp xúc với buồn lo nên khiến cho tâm lo buồn, có cảm xúc không bình thường do thọ nhiếp giữ điều khiển. Đó là lo sầu.
Cái lo buồn này và cái vui trước đó, bấy giờ cùng được đoạn dứt và biết khắp…, cho đến được trừ diệt biến mất. Thế nên nói là các vui buồn trước đây đều biến mất. Lại còn khi nhập vào sơ tĩnh lự thì lo buồn đã được đoạn dứt và biết khắp. Khi nhập vào đệ nhị tĩnh lự thì khổ đã được đoạn dứt và biết khắp. Khi nhập vào đệ tam tĩnh lự thì mừng được đoạn dứt và biết khắp. Khi nhập vào đệ tứ tĩnh lự thì vui hoặc khổ hoặc mừng hoặc lo đều đã được đoạn dứt và biết khắp, xa lìa lại càng xa lìa, điều phục lại càng điều phục, trừ diệt biến mất hết. Thế nên nói là đoạn dứt khổ vui.
Các vui buồn trước đây biến mất không còn khổ vui, là chỉ rõ rằng không có hai cảm xúc khô và vui, chỉ có cái thứ ba là không khổ không vui.
Có cảm xúc (thọ) buông xả và niệm thanh tịnh.
Xả là sao? Nghĩa là người ấy bấy giờ có tính chất của tâm bình thường, tâm ngay thẳng, tâm không cảnh giác mà trụ vào sự lặng vắng, gọi chung là Xả.
Niệm là sao? Nghĩa là người ấy bấy giờ có các niệm tùy niệm… rộng nói cho đến có tính chất của tâm sáng suốt ghi nhớ lâu, gọi chung là Niệm. Bấy giờ, hoặc xả hoặc niệm thì người ấy đều được thanh tịnh. Cả vui khổ mừng lo và hai thứ Tầm và Tứ đều dứt, đều xa lìa, cho nên nói là thanh tịnh.
Bậc thứ tư, nghĩa là loại tĩnh lự này, theo thứ tự thì nó ở hàng thứ tư. Lại còn theo thứ tự của chín loại định này thì nó ở hàng thứ tư.
Tĩnh lự, nghĩa là ở trong tịnh này, không còn khổ và vui, nhận được niệm buông xả, có tính chất của tâm chuyên chú vào một cảnh, nên chung cả bốn chi này gọi là đệ tứ tĩnh lự. Như có tụng:
Vui khổ đều đã diệt,
Tâm bền trụ bất động,
Được thiên nhãn thanh tịnh,
Thấy rộng rãi các sắc.
Chẳng cảm thọ khổ vui,
Niệm xả tịnh và định,
Tên đệ tứ tĩnh lự, Chư
Phật đều khen ngợi.
Ở trong định này, các tâm – ý – thức gọi là đệ tứ tĩnh lự thì tâm đều có các thứ tư duy tìm xét, đều tìm xét…, cho đến tạo ra ý nghiệp của tâm. Gọi là đệ tứ tĩnh lự thì đều có ý nghiệp, các tâm đều được hiểu rõ, đã và sẽ hiểu rõ mãi. Gọi là đệ tứ tĩnh lự thì đều có hiểu biết rõ ràng, (thắng giải).
Ở trong định này hoặc thọ hoặc tưởng cho đến hoặc tuệ…, gọi là đệ tứ tĩnh lự đều có các pháp đó, nên các pháp đó cũng được gọi là đệ tứ tĩnh lự.
Cái tên tĩnh lự này, thì nghĩa mà nó dựa vào, là sự đầy đủ và trụ…, đều giống y như trước đã nói.