LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 12: VÔ LƯỢNG

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú nơi vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với chúng Bí-sô: Có bốn thứ vô lượng, bốn loại đó là:

1. Có một loại Từ cùng đi với tâm, không có oán cừu thù địch, xa lìa các não hại, rộng lớn vô lượng. Nếu ai khéo tu tập thì tư tưởng đối với một phương đều hiểu rõ và biết khắp, đầy đủ mà trụ. Còn đối với các phương thứ hai, thứ ba, thứ tư, trên dưới hay bên cạnh, tất cả thế gian cũng đều như thế cả, gọi đó là số một.

2. Có một loại Bi cùng đi với tâm, không có oán cừu thù địch, xa lìa các não hại, rộng lớn vô lượng. Nếu ai khéo tu tập thì tư tưởng đối với một phương đều hiểu rõ và biết khắp, đầy đủ mà trụ. Còn đối với các phương thứ hai, thứ ba, thứ tư, trên dưới hay bên cạnh, tất cả thế gian cũng đều như thế cả, gọi đó là số hai.

3. Có một loại Hỷ cùng đi với tâm, không có oán cừu thù địch, xa lìa các não hại, rộng lớn vô lượng. Nếu ai khéo tu tập thì tư tưởng đối với một phương đều hiểu rõ và biết khắp, đầy đủ mà trụ. Còn đối với các phương thứ hai, thứ ba, thứ tư, trên dưới hay bên cạnh, tất cả thế gian cũng đều như thế cả, gọi đó là số ba.

4. Có một loại Xả cùng đi với tâm, không có oán cừu thù địch, xa lìa các não hại, rộng lớn vô lượng. Nếu ai khéo tu tập thì tư tưởng đối với một phương đều hiểu rõ và biết khắp, đầy đủ ma trụ. Còn đối với các phương thứ hai, thứ ba, thứ tư, trên dưới hay bên cạnh, tất cả thế gian cũng đều như thế cả, gọi đó là số bốn.

Thế nào là Từ?

Đáp: Nghĩa là có một người suy nghĩ mong sao tất cả các loài hữu tình đều có được cái vui tốt đẹp. Người này liền xuất gia và dựa vào pháp xa lìa. Do sức mạnh của sự suy nghĩ tuyển chọn đó, nên trong lòng người ấy phát sinh định thiện ở cõi Sắc và các thứ tự tánh của Từ tánh gọi là sự thương xót, tính chất của sự thương xót, gọi là sự nghĩ nhớ thương lo, tính chất của sự nghĩ nhớ thương lo…, gọi chung là Từ.

Lại còn có thọ tưởng hành thức, khởi sinh cùng với hai thứ thân nghiệp ngữ nghiệp, và bất tương hành, tương ưng với Từ, thì cũng gọi là Từ.

Thế nào là gia hạnh của định tâm Từ? Tu gia hạnh nào để nhập vào được định tâm Từ?

Nghĩa là như có một người khởi tâm như vậy: Mong sao các loại hữu tình đều có được niềm vui tốt đẹp. Dù có tâm như thế nhưng lại không hiểu biết rõ ràng (thắng giải), khi mong các loài hữu tình đều có được niềm vui tốt đẹp như thế… Người ấy tuy có tâm tốt lành tịnh diệu, tùy thuận vào sự trau dồi tốt đẹp và thêm nhiều sự ứng cúng trang hoàng, luôn luôn ủy thác giúp đỡ bạn bè và các tư lương tài vật…, nhưng chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ, cũng chưa thể gọi là nhập vào định tâm Từ.

Lại có một số người phát ra lời nói: Mong sao các loài hữu tình đều có được niềm vui tốt đẹp. Tuy có lời nói đó nhưng không hiểu rõ, mong các loài hữu tình có được các niềm vui tốt đẹp như thế như thế. Lời nói của người ấy tuy là tốt lành tịnh diệu…, cho đến tư lương tài vật, nhưng chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ, cũng chưa thể gọi là đã nhập vào định tâm Từ.

Lại có người phát khởi tâm Từ như vậy: Mong các loài hữu tình đều có được niềm vui tốt đẹp. Tuy có tâm và lời nói như thế nhưng không hiểu rõ(thắng giải), mong các loài hữu tình đều được niềm vui tốt đẹp như thế như thế, Tâm và lời nói của người ấy tuy đều tốt lành tịnh diệu…, cho đến tư lương tài vật, nhưng chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ, cũng chưa thể gọi là đã nhập vào định tâm Từ.

Lại có một người phát khởi tâm như thế, phát ra lời nói như thế và có hiểu rõ: Mong các loài hữu tình đều được niềm vui tốt đẹp như thế…. Với tâm nguyện lời nói và hiểu rõ tuy đều là tốt lành tịnh diệu…, cho đến tư lương tài vật, nhưng vẫn chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ, cũng chư thể gọi là đã nhập vào định tâm Từ.

Việc đó như thế nào? Như có một người bị đói khổ rét lạnh bức ngặt, nay được ấm áp nên sinh vui, liền lấy tướng vui đó mà khởi tâm như thế, nói lời như thế: Mong các loài hữu tình đều được niềm vui tốt đẹp như thế… Mặc dù tâm lời nói và sự hiểu biết rõ ràng đều là tốt lành tịnh diệu, cho đến tư lương, nhưng cũng chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ, và vẫn chưa thể gọi là đã nhập vào định tâm Từ.

Lại như có một người bị cơn đói lã hành hạ ép ngặt, khi được ăn no nên sinh vui, liền lấy sự vui đó mà khởi tâm và phát ra lời nói: Mong sao tất cả hữu tình đều được niềm vui tốt đẹp như thế…. Dù tâm – lời nói và sự hiểu biết rõ ràng của người đó đều tốt lành tịnh diệu…, cho đến tư lương tài vật, nhưng chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ, hay gọi là đã nhập vào định tâm Từ được.

Lại có một người bị cái khổ của cơn khát hành hạ bức ngặt, nên khi được uống đủ thì sinh vui, liền từ niềm vui đó mà khởi tâm, phát ra lời: Mong sao tất cả loài hữu tình đều được niềm vui tốt đẹp như thế v.v…. Dù tâm – lời nói và sự hiểu biết của người đó đều tốt lành tịnh diệu…, cho đến tư lương, nhưng vẫn chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ, hay gọi là đã nhập vào định tâm Từ được.

Lại như có một người thân thể dơ bẩn, mình mẩy rã rời mệt mỏi thiếu thốn mọi thứ, bè bạn lánh xa… Khi gặp được dịp tắm gội kỹ lưỡng, bạn bè sum họp… nên sinh vui, liền từ niềm vui đó mà khởi tâm phát ra lời mong sao tất cả hữu tình đều có được niềm vui tốt đẹp, tuy tâm- lời nói và sự hiểu biết của người ấy đều tốt lành tịnh diệu… cho đến tư lương, nhưng vẫn chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ.

Lại như có một người, gặp mùa hè trời quá oi bức, ánh lửa mặt trời nóng như thiêu đốt, nên nóng và khát đến độ mê man, thân tâm vô cùng bực bội bứt rứt…, bỗng gặp được ao nước mát lạnh, liền nhảy ùm xuống tắm và uống thỏa thích nên sinh vui mừng. Liền từ niềm vui này mà khởi tâm, phát ra lời nói: Mong sao tất cả hữu tình đều có được niềm vui tốt đẹp như thế v.v…. Dù tâm – lời nói và sự hiểu biết của người ấy đều tốt lành tịnh diệu, cho đến tư lương, nhưng vẫn chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ hay gọi là đã nhập vào định tâm Từ được.

Như vậy khi hưởng thụ đủ mọi thứ vui ở cõi Dục và nhập vào đệ nhị tĩnh lự hưởng thụ được các niềm vui tốt đẹp, liền lấy tướng vui đó mà khởi tâm, phát lời: Mong tất cả hữu tình đều có được niềm vui tốt đẹp như thế v.v…. Dù tâm – lời nói và sự hiểu biết của người ấy đều tốt lành tịnh diệu… cho đến tư lương, nhưng cũng vẫn chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ được. Nếu như có điều này sinh ra thì cũng chỉ là gần như được hiện nhập mà thôi.

Chỉ khi nhập vào đệ tam tĩnh lự, do tướng vui đó mà khởi tâm- phát lời như thế, mong tất cả loài hữu tình đều có được niềm vui tốt lành như thế v.v… Do tâm – lời nói và sự hiểu biết của người này đều tốt lành tịnh diệu… cho đến tư lương. Bấy giờ mới có thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ và cũng bảo rằng đã nhập vào định tâm Từ.

Lại trong định này, các tâm – ý – thức, gọi là tâm Từ đều có trong mọi nghĩ tưởng ở hiện tại, quá khứ hay cả ở tương lai. Nếu khi tạo tác ý nghiệp của tâm thì cũng gọi là ý nghiệp của lòng Từ. Các tâm đã hiểu rõ, đang và sẽ mãi hiểu rõ, thì gọi là sự hiểu rõ (thắng giải) có lòng Từ.

Lại trong định này, các pháp như thọ – tưởng – dục – tác ý – niệm- định hay tuệ v.v…, thì gọi là các pháp có lòng Từ. Và với các pháp như thế cũng gọi là gia hạnh của định tâm Từ, cũng gọi là đã nhập vào định tâm Từ.

Lại còn, định tâm Từ có hai thứ: Một là định tâm Từ nhỏ hẹp, hai là định tâm Từ rộng lớn vô lượng.

1. Thế nào là gia hạnh của định tâm Từ nhỏ hẹp? Phải tu gia hạnh nào để được nhập vào định tâm Từ nhỏ hẹp đó?

Đáp: Nghĩa là như có một người, chỉ đối với các hữu tình đáng mến yêu, thích ý vui lòng như cha mẹ, anh em, chị em, và một số bà con thân thuộc khác…, thì đối với một số hữu tình nhỏ hẹp đó, cũng dùng tâm có lòng Từ nhỏ hẹp bị giới hạn mà luôn trụ, trụ gần, an trụ, luôn điều phục chế ngự, và được vắng lặng cùng cực, một mực giữ gìn ý nguyện mong cho những người ấy (hữu tình) đều có được niềm vui tốt lành. Nhưng trong lúc ấy, nếu người đó có tâm tán loạn, dong ruổi bay nhảy khắp các cảnh, không chuyên chú vào một cảnh, không thể giữ niệm để trụ vào một duyên mà chú nguyện ước mong cho một số ít người được vui, thì trong trường hợp này không thể nói đó là gia hạnh của định tâm Từ nhỏ hẹp được. Chỉ khi nào người đó gìn giữ kiểm soát tâm mình, không để nó phân tán loạn động bay nhảy dong ruổi khắp nơi, mà phải khiến tâm chuyên chú một cảnh, niệm thì trụ vào một duyên rồi suy nghĩ đến tướng hữu tình có giới hạn nhỏ hẹp đó mà mong nguyện cho họ được vui. Với suy nghĩ đó mà phát sinh siêng năng chuyên cần với thế lực rất mạnh mẽ, hăng hái nỗ lực cao khó mà ngăn cản, lòng luôn cố gắng mãi không lúc nào dừng, thì đó mới gọi là gia hạnh của định tâm Từ nhỏ hẹp, cũng gọi là đã nhập vào định tâm Từ nhỏ hẹp.

Người đó, với đạo lý này, đường lối này, cách thức này mà tu tập, càng tu tập nhiều lên mãi liền khiến cho các tâm trụ đều trụ, trụ gần, trụ vào một cảnh, luôn luôn giữ gìn chuyên nhất mãi như thế không lùi, mà mong ước cho số lượng nhỏ hẹp đó được vui. Bấy giờ mới gọi là đã được nhập vào định tâm Từ nhỏ hẹp.

Lại trong định này, các tâm – ý – thức gọi là tâm luôn có lòng Từ nhỏ hẹp. Các nghĩ tưởng đều nghĩ…, cho đến tạo ra ý nghiệp của tâm, thì cũng gọi là ý nghiệp đều có tâm Từ nhỏ hẹp. Có các tâm hiểu rõ và sẽ hiểu rõ mãi, thì cũng gọi là sự hiểu rõ có tâm Từ nhỏ hẹp.

Lại trong định này, có các pháp như thọ hoặc tưởng…, cho đến hoặc tuệ v.v… thì cũng gọi là các pháp có tâm Từ nhỏ hẹp. Với các pháp như thế cũng được gọi là gia hạnh của định tâm Từ nhỏ hẹp, cũng gọi là đã nhập vào định tâm Từ nhỏ hẹp.

2. Thế nào là gia hạnh của định tâm Từ vô lượng? Phải tu gia hạnh nào để được nhập vào định tâm Từ vô lượng?

Đáp: Nghĩa là đối với định tâm Từ nhỏ hẹp mà luôn luôn tu tập, khiến cho tâm luôn tùy thuận, điều phục và vắng lặng. Lại luôn luôn chế ngự, rèn luyện khiến nó thành thục ngay thẳng nhu nhuyễn và đủ khả năng làm việc, dựa theo cái định cao quý này, rồi sau đó mới dần dần khiến tâm được hiểu biết rõ ràng biến khắp nơi mà đối với vô lượng hữu tình ở phương Đông đều mong ước cho họ được vui. Nếu trong lúc đó, người này có tâm phân tán loạn động luôn bay nhảy theo các cảnh khác, không thể hướng về một cõi, không thể giữ niệm khiến trụ vào một duyên…, mà lại mong ước cho vô lượng loài hữu tình đó đều được vui, thì khi đó chưa thể gọi là gia hạnh của định tâm Từ vô lượng được. Còn như, khi đó người ấy lại nhiếp giữ kiểm soát tâm mình, khiến nó không tán loạn, không bay nhảy theo các cảnh khác mà một mực khiến cho niệm trụ vào một duyên, rồi suy nghĩ đến tướng của vô lượng hữu tình đó mà mong ước cho họ đều được vui. Với suy nghĩ như thế mà phát sinh chuyên cần siêng năng với thế lực mạnh mẽ… cho đến lòng luôn cố gắng mãi không thôi…, bấy giờ mới gọi đó là gia hạnh của định tâm Từ vô lượng, cũng gọi là đã nhập vào định tâm Từ vô lượng.

Với đường lối cách thức đó, người này đã tu tập lại càng tu tập nhiều hơn mãi, thì khiến cho được các tâm trụ đều, trụ gần, yên trụ và cứ giữ mãi như thế, một mực không lùi bước mà ước nguyện cho vô lượng hữu tình ấy đều được vui. Đến đây thì mới gọi là đã nhập vào định tâm Từ vô lượng.

Lại trong định này các tâm – ý – thức thì gọi là tâm luôn có Từ vô lượng. Các suy nghĩ đều suy nghĩ…, cho đến tạo ra ý nghĩ của tâm, thì gọi là ý nghiệp có tâm Từ vô lượng. Các tâm đã thắng giải hiểu biết rõ ràng mãi, thì cũng gọi là sự hiểu biết rõ ràng (thắng giải) có Từ vô lượng.

Lại trong định này, có các pháp như thọ và tưởng…, cho đến tuệ, thì gọi là các pháp đều có Từ vô lượng. Các pháp như thế cũng được gọi là gia hạnh của định tâm Từ vô lượng, cũng gọi là nhập định tâm Từ vô lượng.

Thế nào là Bi?

Đáp: Nghĩa là có người có ý nghĩ: Ước mong sao cho tất cả mọi người (hữu tình) đều được lìa hết khổ…. Người này hoặc y vào việc xuất gia hoặc y vào pháp xa lìa, rồi do sức suy tư tuyển chọn đó mà trong lòng phát sinh ra các định thiện ở cõi Sắc, các thứ Bi, tính chất của Bi, của lòng thương như lòng trắc ẩn thương xót, tính chất xót thương, hoặc đau khổ, tính chất của khổ đau (thấy người khác khổ đau chịu không được) gọi chung là Bi là lòng thương xót.

Lại còn các thứ thọ – tưởng – hành – thức khởi lên hai thứ nghiệp của thân và ngữ (lời nói và hành động) không tương ưng với hành mà tương ưng với lòng Bi, cũng gọi là Bi.

Vả lại định tâm Bi có hai thứ: 1. Là nhỏ hẹp; 2. Là vô lượng.

1. Thế nào là gia hạnh của định tâm Bi nhỏ hẹp, phải tu Bi gia hạnh nào để nhập vào định tâm Bi nhỏ hẹp? Như có một người đối với một số hữu tình đáng mến yêu ưa thích vừa ý thỏa lòng như cha mẹ, anh em, chị em và một số người khác như bà con thân thuộc hay bạn bè… Với số ít (nhỏ hẹp) hữu tình đó, người này khiến tâm có Bi nhỏ hẹp đó, đều trụ, trụ gần, an trụ và luôn được điều phục, được vắng lặng, vắng lặng cùng cực, và cứ một mực giữ mãi như thế mà mong ước cho số hữu tình ít ỏi nhỏ hẹp đó đều được lìa khổ. Nếu lúc đó, tâm người ấy phân tán loạn động dong ruổi, bay nhảy theo các cảnh khác, không thể chuyên chú vào một cảnh, không thể giữ niệm trụ vào một duyên mà mong ước cho số ít hữu tình đó được lìa khổ, như thế thì chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Bi nhỏ hẹp được, còn như lúc đó người ấy gìn giữ kiểm soát được tâm mình khiến nó không bị tán loạn, dong ruổi bay nhảy mọi nơi mà chuyên chú vào một cảnh, niệm trụ vào một duyên rồi nghĩ tưởng đến một số ít người đó mà ước nguyện cho họ đều được lìa khổ. Với suy nghĩ như thế mà phát sinh siêng năng chuyên cần…, cho đến lòng luôn cố gắng không thôi. Đó gọi là gia hạnh của định tâm Bi nhỏ hẹp, cũng gọi là đã nhập vào định tâm Bi nhỏ hẹp. Người ấy với đường lối cách thức này để tu tập, lại càng tu tập nhiều hơn mãi, thì khiến cho tâm trụ đều trụ, trụ gần, an trụ và cứ một mực giữ mãi chuyên nhất, không lui sụt, mà ước ao mong cầu cho ít ỏi hữu tình kia đều được lìa khổ. Đến mức này thì gọi là đã nhập vào định tâm Bi.

Lại trong định này các tâm – ý – thức thì gọi là tâm đều có Bi nhỏ hẹp. Các suy nghĩ đến nghĩ tưởng…, cho đến tạo ra ý nghiệp của tâm, thì gọi là ý nghiệp đều có tâm Bi nhỏ hẹp. Các sự hiểu biết rõ ràng (thắng giải) đã và sẽ thắng giải mãi, thì gọi là thắng giải đều có tâm Bi.

Lại trong định này, có các pháp như thọ và tưởng… cho đến tuệ, thì gọi là các pháp đều có tâm Bi nhỏ hẹp. Các pháp như thế cũng được gọi là gia hạnh của định tâm Bi nhỏ hẹp, cũng gọi là đã nhập định tâm Bi nhỏ hẹp.

2. Thế nào là gia hạnh của định tâm Bi vô lượng, phải tu gia hạnh nào để nhập vào định tâm Bi vô lượng? Nghĩa là đối với định tâm Bi nhỏ hẹp đó, người ấy luôn luôn tu tập, khiến cho tâm được tùy thuận, được điều phục và được vắng lặng. Lại càng phải luôn luôn điều phục rèn luyện kỹ, khiến nó được thành thực ngay thẳng nhu nhuyến dịu hiền có khả năng làm việc và cùng với cái định cao quý sau này làm chỗ nương nhờ. Sau đó mới dần dần khiến cho tâm hiểu biết rõ ràng (thắng giải) khắp nơi. Rồi đối với vô lượng loài hữu tình ở phương Đông v.v… mà mong ước cho họ được lìa khổ. Nếu trong lúc ấy, người này có tâm bị phân tán loạn động, luôn dong ruổi bay nhảy theo mọi cảnh, không thể hướng về một cõi, không thể giữ niệm khiến nó trụ vào một duyên…, mà mong ước cho vô lượng hữu tình đó đều được lìa khổ thì lúc này chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Bi vô lượng được, cũng không thể nói là đã nhập vào định tâm Bi vô lượng. Còn như khi đó người ấy lại giữ gìn kiểm soát tâm mình, khiến nó không tán loạn, không dong ruổi bay nhảy theo mọi cảnh khác, mà luôn một mực khiến niệm trụ vào một duyên, rồi nghĩ tưởng đến ý tưởng của vô lượng loài hữu tình đó mà mong ước cho họ đều được lìa khổ. Với suy nghĩ như thế mà phát sinh siêng năng chuyên cần…, cho đến lòng luôn cố gắng không ngừng nghỉ, lúc đó mới gọi là gia hạnh của định tâm Bi vô lượng, cũng gọi là đã nhập vào định tâm Bi vô lượng.

Với đường lối cách thức đó, người này đã tu tập nhiều hơn mãi, thì khiến cho các tâm trụ đều trụ, an trụ và cứ giữ mãi một mực như thế, không lùi bước mà ước nguyện cho số lượng hữu tình ấy đều được lìa khổ. Đến đây thì mới gọi là đã nhập vào định tâm Bi vô lượng.

Lại trong định này, các tâm-ý-thức thì gọi là tâm đều có Bi vô lượng. Các suy nghĩ đều suy nghĩ…, cho đến tạo ra ý nghiệp của tâm, thì gọi là ý nghiệp có tâm Bi vô lượng. Các tâm đã thắng giải hiểu biết rõ ràng và đã hiểu biết rõ ràng mãi, thì cũng gọi là sự hiểu biết rõ ràng (thắng giải) có Bi vô lượng.

Lại trong định này, có các pháp như thọ hay tưởng… cho đến tuệ, thì gọi là các pháp đều có Bi vô lượng. Các pháp như thế cũng được gọi là gia hạnh của định tâm Bi vô lượng, cũng gọi là nhập vào định tâm Bi vô lượng.

Thế nào là Hỷ?

Đáp: Nghĩa là có một người có ý nghĩ: Các loài hữu tình hưởng được nhiều lợi ích thật đáng mừng. Người này liền y vào sự xuất gia, hoặc sự xuất ly xa lìa và do sức suy nghĩ tuyển chọn nên trong lòng liền phát sinh loại định tốt lành thuộc cõi Sắc, tâm vui mừng, rất vui mừng có tính chất rất vui mừng trong hiện tại, các chủng loại rất vui mừng, có tính chất thích ý vừa lòng vui vẻ, các chủng loại vui tươi vì sự hòa hợp không xa lìa, sự mừng vui khoái trá, có tính chất vững chắc, vui mừng hớn hở muốn nhảy nhót, có tính chất vui mừng hớn hở, muốn nhảy múa, hoan Hỷ vui tươi, có tính chất vui tươi hoan Hỷ…, gọi chung là Hỷ.

Lại còn, các thứ tho – tưởng – hành – thức khởi lên hai nghiệp của thân và ngữ (lời nói và hành động) không tương ưng với hành mà tương ưng với Hỷ, cũng gọi là Hỷ.

Lại nữa, định tâm Hỷ có hai thứ: 1. Là nhỏ hẹp; 2. Là vô lượng.

1. Thế nào là gia hạnh của định tâm Hỷ nhỏ hẹp, phải tu gia hạnh nào để được nhập vào định tâm Hỷ nhỏ hẹp?

Đáp: Nghĩa là có một người đối với các loài hữu tình đáng mến yêu ưa thích, thỏa ý vừa lòng như cha mẹ, anh em, chị em, và một số khác như bà con thân thuộc bè bạn, người này đối với số ít (nhỏ hẹp) hữu tình đó mà khiến cho tâm trụ, đều có Hỷ nhỏ hẹp, đều trụ, trụ gần, an trụ, được điều phục, được vắng lặng, vắng lặng cùng cực, cứ một mực mà giữ gìn mãi, rồi vui mừng với những hữu tình kia khi họ lìa khổ được vui. Trong khi đó người này nếu có tâm bị tán loạn, luôn dong ruổi hay nhảy khắp nơi không chuyên chú vào một cảnh, không thể giữ niệm trụ vào một duyên mà mừng vui cho nhóm nhỏ hữu tình đó được lợi ích. Như vậy thì chưa thể gọi là gia hạnh của định tâm Hỷ nhỏ hẹp, cũng không thể nói là đã nhập vào định tâm Hỷ nhỏ hẹp. Còn nếu người đó, lúc ấy biết nhiếp giữ kiểm soát tâm, khiến nó không tán loạn, bay nhảy dong ruổi theo mọi cảnh, mà khiến nó chuyên chú vào một cảnh, niệm trụ vào một duyên, rồi người khác nghĩ đến tưởng của nhóm nhỏ hữu tình và rất vui mừng khi nhóm nhỏ hữu tình đó được vui vẻ, với suy nghĩ đó mà phát sinh sự chuyên cần siêng năng mạnh mẽ…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là gia hạnh của định tâm Hỷ nhỏ hẹp, cũng gọi là đã nhập vào định tâm Hỷ.

Người này với đường lối cách thức đó, đã tu tập lại càng tu tập nhiều hơn mãi lên, thì khiến cho tâm trụ đều trụ, an trụ và cứ một mực giữ gìn mãi như thế một cách chuyên nhất không lùi, mà hân hoan vui mừng khi số nhỏ hữu tình này có lợi ích. Ở mức này thì gọi là đã nhập vào định tâm Hỷ nhỏ hẹp.

Lại ở trong định này có các tâm ý thứ thì gọi là tâm có Hỷ nhỏ hẹp. Có các suy nghĩ đều suy nghĩ…, cho đến tạo ra ý nghiệp của tâm thì gọi là ý nghiệp có Hỷ nhỏ hẹp, các tâm đã thắng giải, hiểu biết, rõ ràng đã và sẽ hiểu biết rõ ràng thì gọi là sự thắng giải, hiểu biết rõ ràng có Hỷ nhỏ hẹp.

Lại trong định này, có các pháp như thọ hoặc tưởng… cho đến tuệ v.v…, thì gọi là các pháp có Hỷ nhỏ hẹp. Các pháp như thế cũng được gọi là gia hạnh của định tâm Hỷ nhỏ hẹp, cũng gọi là nhập vào định tâm Hỷ nhỏ hẹp.

2. Thế nào là gia hạnh của định tâm Hỷ vô lượng, phải tu gia hạnh nào để được nhập vào định tâm Hỷ vô lượng?

Đáp: Nghĩa là người này phải đối với định tâm Hỷ nhỏ hẹp mà luôn luôn tu tập, khiến cho tâm được tùy thuận, được điều phục và được vắng lặng. Lại càng phải luôn luôn điều phục, rèn luyện tâm ấy mãi, khiến nó trở nên thành thục ngay thẳng, nhu nhuyến dịu dàng và có khả năng làm việc (chịu đựng được), để cùng với định tốt lành sau này mà làm chỗ nương nhờ. Sau đó dần dần khiến tâm được thắng giải, tràn đầy. Rồi đối với vô lượng loài hữu tình ở phương Đông mà vui mừng cầu mong, và thấy họ có nhiều ích lợi, thấy họ có nhiều vui mừng. Nhưng ngay lúc đó, nếu tâm người đó bị tán loạn, luôn dong ruổi theo đuổi các cảnh khác chứ không thể chú tâm vào một cảnh, không giữ được niệm trụ khiến nó trụ vào một duyên…, mà lại hân hoan vui vẻ với lợi ích của vô lượng hữu tình, thì bấy giờ chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Hỷ, cũng không thể nói là đã nhập vào định tâm Hỷ; còn như ngay khi ấy, người đó biết nhiếp giữ kiểm soát tâm tình khiến nó cứ chuyên chú vào một cảnh, trụ niệm vào một duyên, rồi nghĩ đến tướng của vô lượng loài hữu tình mà hân hoan vui mừng với lợi ích của vô lượng loài hữu tình đó đã có được. Với suy nghĩ như thế mà phát sinh mạnh mẽ siêng năng chuyên cần…, cho đến lòng luôn cố gắng không ngưng nghỉ… Đó mới gọi là gia hạnh của định tâm Hỷ vô lượng, cũng nói là đã được nhập vào định tâm Hỷ vô lượng.

Với đường lối cách thức đó, người này đã tu tập lại càng tu tập nhiều hơn mãi lên, thì khiến cho tâm trụ đều trụ, trụ gần, an trụ và cứ một mực giữ gìn tâm mãi như thế một cách chuyên nhất không lui sụt…, mà hân hoan vui vẻ với lợi ích của vô lượng loài hữu tình đã thâu nhận được. Bấy giờ mới được gọi là đã nhập vào định tâm Hỷ vô lượng

Lại ở trong định này, các thứ tâm-ý-thức thì đều gọi là tâm có Hỷ vô lượng…, cho đến gây tạo ra các nghiệp của tâm thì gọi là ý nghiệp có Hỷ vô lượng, các tâm đã thắng giải, hiểu biết rõ ràng đã và sẽ hiểu biết rõ ràng mãi, thì gọi là sự thắng giải có Hỷ vô lượng.

Lại trong định này, có các pháp như thọ hay tưởng… cho đến tuệ v.v…, thì gọi là các pháp có Hỷ vô lượng. Các pháp như thế cũng được gọi là gia hạnh của định tâm Hỷ vô lượng, cũng có thể nói là đã nhập vào định tâm Hỷ vô lượng.

Thế nào là Xả?

Đáp: Nghĩa là có một người suy nghĩ: Nên đối với tất cả hữu tình mà buông xả, không phân biệt. Người này liền xuất gia và y vào pháp xa lìa, rồi do sự suy nghĩ tuyển chọn (quyết định) ấy mà trong lòng sinh ra định thiện ở cõi Sắc với các tính chất của tâm luôn ở trạng thái bình thường, không phân biệt (bình đẳng tánh), tâm luôn ngay thẳng, tâm không cảnh giới và luôn được vắng lặng…, gọi chung là Xả

Lại còn, các thứ thọ – tưởng – hành – thức khởi lên hai nghiệp của thân và ngữ (lời nói và hành động) Không tương ưng với hành mà tương ưng với Xả, cũng gọi là Xả.

Thế nào là gia hạnh của định tâm Xả, phải tu gia hạnh nào để chứng nhập vào định tâm Xả?

Đáp: Nghĩa là như có một người tuy thấy có một số hữu tình rất đáng mến yêu ưa thích, vừa ý thỏa lòng mà không dấy lên phân biệt: Đây là mẹ ta, đây là cha mình…, cho đến đây là đám bạn bè thân thích nhất của ta v.v…, mà chỉ dấy lên sự hiểu rõ một cách bình thường rằng đó là loài hữu tình. Giống như vị đạo sĩ vô cầu khi vào một khu rừng nọ thấy đủ các loại cây như cây Sa la, cây Đa la, cây Dạ-man, cây Mã tướng, cây Ô-đàm-bạt-la hoặc cây Nặc-cù-đà v.v…, nhưng không hề phát sinh sự phân biệt rằng đây là cây Sa la còn cây này là Đa la…, cho đến đây là cây Nặc-cù-đà…, mà có sự hiểu biết đây là những cây rừng; người tu tập hạnh Xả, thì đối với loài hữu tình không nên có ý phân biệt cũng phải như thế. Đó gọi là gia hạnh của định tâm Xả.

Lại còn, định tâm Xả có hai thứ: Một là nhỏ hẹp, hai là vô lượng.

1. Thế nào là gia hạnh của định tâm Xả nhỏ hẹp, phải tu gia hạnh nào để được nhập vào định tâm Xả?

Đáp: Nghĩa là có một người đối với một số hữu tình đáng mến yêu ưa thích, vừa ý thỏa lòng như cha mẹ, anh em, chị em, và một số bà con bè bạn thân thích… Người này đối với những hữu tình đó mà khiến cho tâm có Xả nhỏ hẹp đều trụ, trụ gần, an trụ, được điều phục, được vắng lặng và vắng lặng tột cùng, cứ một mực giữ như thế, rồi đối với các loài hữu tình mà luôn giữ tánh buông xả không phân biệt gì. Nếu lúc đó người này có tâm bị tán loạn, bay nhảy dong ruổi theo một cảnh, không thể chuyên chú vào một cảnh, không thể giữ niệm trụ vào một duyên, nghĩ đến cái tướng của số, ít hữu tình và đối với hữu tình đó mà luôn buông xả không phân biệt gì cả, với suy nghĩ đó mà phát sinh mạnh mẽ sức siêng năng chuyên cần…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là gia hạnh của định tâm Xả nhỏ hẹp, cũng gọi là đã nhập vào định tâm Xả nhỏ hẹp.

Với đường lối cách thức đó, người này đã tu tập, lại càng tu tập nhiều hơn mãi, thì khiến cho tâm trụ đều trụ, trụ gần, an trụ, cứ một mực giữ gìn mãi như thế một cách chuyên nhất không lui sụt, mà đối với các loài hữu tình luôn buông xả không phân biệt. Bấy giờ mới gọi là được nhập vào định tâm Xả nhỏ hẹp.

Lại ở trong định này, có các thứ tâm – ý – thức thì gọi là tâm có Xả nhỏ hẹp. Các thứ suy nghĩ đều nghĩ tưởng…, cho đến tạo ra ý nghiệp của tâm thì gọi là ý nghiệp có Xả nhỏ hẹp. Các tâm đã thắng giải, hiểu biết rõ ràng- đã và sẽ hiểu biết rõ ràng mãi, thì gọi là sự thắng giải có Xả nhỏ hẹp. Có các pháp như thọ hay tưởng… cho đến tuệ v.v… thì cũng có thể gọi là các pháp có Xả nhỏ hẹp. Các pháp như thế cũng được gọi là gia hạnh của định tâm Xả nhỏ hẹp và cũng gọi là đã được nhập vào định tâm Xả.

2. Thế nào là gia hạnh của định tâm Xả vô lượng, phải tu gia hạnh nào để được nhập vào định tâm Xả vô lượng?

Đáp: Nghĩa là người này phải đối với định tâm Xả nhỏ hẹp mà luôn luôn tu tập khiến cho tâm được tùy thuận, điều phục và vắng lặng. Luôn luôn điều phục và rèn luyện khiến cho cái tâm được thành thục ngay thẳng, nhu nhuyến dịu hiền và lại càng phải luôn luôn điều phục, rèn luyện tâm ấy mãi, khiến nó trở nên thành thục ngay thẳng, nhu nhuyến dịu dàng và có khả năng làm việc, để cùng với cái định tốt lành sau này làm nên chỗ nương nhờ. Rồi sau đó dần dần mới khiến cho tâm được thắng giải, hiểu biết rõ ràng khắp nơi. Rồi đối với vô lượng loài hữu tình ở phương Đông mà luôn buông xả, không phân biệt gì. Nếu ngay lúc đó mà người ấy có tâm tán loạn, bay nhảy dong ruổi theo mọi cảnh khác, không thể chuyên chú vào một cảnh, không giữ niệm trụ vào một duyên…, mà đối với các loài hữu tình trụ vào buông xả không phân biệt gì, thì ở trường hợp này chưa thể gọi đó là gia hạnh của định tâm Xả vô lượng, cũng chưa có thể nói là đã nhập vào định tâm Xả; còn như ngay khi ấy, người đó biết thâu nhiếp giữ gìn kiềm chế kiểm soát được tâm tình, không để nó tán loạn dong ruổi bay nhảy theo mọi cảnh khác, chuyên chú vào một cảnh hay trụ niệm vào một duyên…, mà suy tư nghĩ đến tướng của vô lượng loài hữu tình, và đối với loài hữu tình đó mà luôn luôn buông xả không phân biệt gì cả. Với suy nghĩ như thế mà phát sinh mạnh mẽ ra sức siêng năng chuyên cần…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó mới gọi là gia hạnh của định tâm Xả vô lượng, mới nói là đã được nhập vào định tâm Xả vô lượng.

Với đường lối cách thức đó người này đã tu tập lại càng tu tập nhiều hơn mãi lên, thì khiến cho tâm trụ đều trụ, trụ gần, an trụ và cứ một mực giữ gìn mãi như thế một cách chuyên nhất không lui sụt…, mà đối với các loài hữu tình lại luôn buông xả, không phân biệt gì cả. Khi đó thì gọi là đã nhập vào định tâm Xả vô lượng.

Lại trong định này, có các tâm-ý-thức, thì gọi là tâm có Xả vô lượng. Các thứ suy tư đều nghĩ tưởng, cho đến tạo ra các ý nghiệp của tâm thì gọi là ý nghiệp có Xả vô lượng. Các tâm đã thắng giải, hiểu biết rõ ràng, đã và sẽ hiểu biết rõ ràng mãi, thì gọi là thắng giải có Xả vô lượng.

Lại trong định này có các pháp như thọ hoặc tưởng… cho đến tuệ v.v…, thì gọi là các pháp có Xả vô lượng. Các pháp như thế cũng được gọi là gia hạnh của định tâm Xả vô lượng, cũng gọi là đã nhập vào định tâm Xả vô lượng.