KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: NÓI VỀ THẦN THÔNG

Đức Phật nói với Bồ-tát Hỷ Vương:

–Thế nào gọi là trụ nơi các pháp thần thông tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như về các trường hợp bố thí những thứ tài sản quan trọng, không nên tham tiếc mà là dốc tâm đối với đạo để nhận lãnh được giao hóa chân chánh, đó là Bố thí.

Hành hóa không chút tham vướng, không dựa vào chánh tà mà dốc vì đạo lớn, đó là Trì giới.

Luôn thể hiện tâm nhân hòa, không mang tâm hồ nghi cũng như hoàn toàn dứt hết các nẻo do dự, đó là Nhẫn nhục.

Dốc chí nơi con đường siêng năng tu học nhằm kiến lập thệ nguyện rộng lớn không trái với bản nguyện của mình, đó là Tinh tấn.

Chỗ thực hành thiền định nhằm có được ánh sáng tỏa chiếu soi tỏ khắp chốn xa gần, đó là Nhất tâm.

Dựa theo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ ứng hợp với các quả vị của đạo, nhận rõ mọi sự việc trong tính chất duyên khởi, luôn gắng sức kiên trì để thọ lãnh, giữ gìn chánh pháp, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là thần thông không gián đoạn tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đối với các trường hợp cần giúp đỡ, nên tạo lập các chùa chiền, tinh xá thờ Phật, Như Lai, là những việc làm hàng đầu, đó là Bố thí.

Đạo nghiệp mong thành, đạt đến nền tảng của trí tuệ để xua sạch mọi ngọn nguồn của các nẻo vô minh, đó là Trì giới.

Chỗ thể hiện tâm nhu hòa hết mực là nhằm đạt được sự thành tựu viên mãn của quá trình tu tập, làm hưng khởi đạo giác ngộ, giải thoát, đó là Nhẫn nhục.

Dốc tâm siêng tu nhằm thông tỏ mọi nẻo sắc, tưởng mà dứt hết vọng tưởng, đó là Tinh tấn.

Chỗ đem các pháp thiền định tư duy, định ý tịch nhiên cho đến tiếp cận với các cửa giải thoát, đó là Nhất tâm.

Vâng theo nẻo giác ngộ của bậc Thánh, tu tập các pháp Tổng trì, quán tưởng về các hành động chân chánh, an trụ nơi cõi tĩnh lặng, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là đi vào chốn dục mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trong việc cứu giúp tập hợp hết thảy mọi công sức của cải để cấp cho các gia đình oán địch, đó là Bố thí.

Nẻo hành hóa còn yếu kém, lần lượt thuận theo sức mình sức người mà tạo lập được chỗ đứng cùng uy tín lớn lao, đó là Trì giới.

Đem tâm nhu hòa dứt mọi thứ phiền não che phủ để dốc tu theo đạo nghĩa, đó là Nhẫn nhục.

Như lìa bỏ tâm oán hận, giống như trường hợp Vương thái tử an vui nơi chốn thanh bạch, đó là Tinh tấn.

Hoặc như thực hành thiền định, tâm không buông lung, chuyên nhất định ý, đó là Nhất tâm.

Đem ánh sáng của Bậc Giác Ngộ nhằm độ thoát bao nạn về sinh tử nơi cõi ác địa ngục, từ đấy dốc tinh tấn tu tập, giống như thời xa xưa các bậc tu học đã hành hóa độ sinh, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cưc.

–Thế nào gọi là đứng vững và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như người thực hiện tâm nhân ái, cứu độ đối với chúng sinh ở các nẻo ác, dẫn dụ họ từ những hiểu biết về cõi sinh tử để nhằm vượt ra khỏi, như có được phước báo thấy đỉnh tướng của Phật, đó là Bố thí.

Gặp đời không có Phật, kẻ hành đạo cũng dốc thực hiện để khai hóa muôn người khiến họ đạt được mọi đối tượng tốt đẹp, cũng như thời xa xưa Thánh vương Ma-điều đã đem tâm từ giáo hóa khắp thiên hạ, đó là Trì giới.

Luôn thể hiện tâm nhân hòa, không hề khởi tâm giận dữ như Bồ-tát Sằn-đề-hòa đã từng cắt đứt tay chân tai mũi của mình để bố thí mà không dấy tâm sân hận, đó là Nhẫn nhục.

Dốc sức tinh cần, đối với những trường hợp khó chế ngự nắm giữ, rốt cuộc đều được thông suốt trôi chảy, cũng như trong biển lớn có ngọc báu Như ý, theo chỗ mong cầu của mình mà liền đạt được sở nguyện, đó là Tinh tấn.

Nẻo tu tập các pháp thiền định, như ở nơi cung điện hóa độ đám người quý tộc, khiến họ phát tâm Bồ-đề vượt hơn hẳn mọi người khác, cũng như thái tử Sư Tử tự tại trong công việc giáo hóa dẫn dạy mọi người, khác nào gió thổi cuốn đám cỏ lướt theo, đó là Nhất tâm.

Như đi vào ánh sáng của Bậc Giác Ngộ, mọi cảnh giới của sự hiểu biết thảy đều lìa bỏ hết, có thể đem ánh sáng ấy đến cho nhiều người vốn co duyên may, cũng như ngày xưa có vị vua đem cả thân mạng mình để bố thí, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là thích ứng với tinh tấn mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đem y phục, vật dụng cứu giúp cho mọi chúng sinh giống như con rùa chúa ở nơi biển lớn thường cứu nguy cho kẻ gặp nạn, đó là Bố thí.

Đường hướng phụng trì chánh pháp cũng như sư tử cùng đám quyến thuộc vây quanh, cứu giúp cac khách buôn bán cũng lại như vậy, đó là Trì giới.

Chỗ lãnh hội về sự nhu hòa cũng như kẻ Phạm chí muốn đến hại vua nhằm lấy thủ cấp liền nhận được ân huệ, đó là Nhẫn nhục.

Nẻo dốc tinh tấn tu tập như có người con Phạm chí tên là Tư Nghĩa lìa bỏ năm chốn dục lạc để cứu giúp người khác cùng khuyến độ họ, đó là Tinh tấn.

Thực hành các pháp thiền định như A-ly-niệm ở nơi học phái ngoại đạo từng cứu giúp đệ tử cùng với những người khác, đó là Nhất tâm.

Đem các hành động của Bậc Giác Ngộ, để hóa độ cho vô số trăm ngàn chúng sinh, cũng như Điểu vương cứu giúp mà không cầu trả ân, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là do nhiều báo ứng mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như do lòng thương đối với người đời mà tạo mọi điều kiện để

cứu giúp, cũng như lìa chốn cấu uế để khiến chúng trở nên trong sạch, đó là Bố thí.

Chỗ phụng hành hết mực, trụ nơi cõi Phạm thiên, vì con người ở cõi Diêm-phù-lợi nhằm tạo lập cái gốc của đức khiến họ được đi đến với chánh pháp, đó là Trì giới.

Thể hiện tâm nhân hòa đối với chúng sinh không tiếc đến thân mạng mình, cũng như ở nơi biển lớn trông thấy thuyền bị hư hoại, có thể tự hiến thân để cứu mọi người vượt khỏi tai họa, đó là Nhẫn nhục.

Nẻo hành hóa tinh tấn nhằm khai hóa vô số chúng sinh cầu đạt được những thành tựu cũng như bậc Đạo sư tên là Phước Sự đi vào biển để tìm châu báu cứu giúp kẻ cùng khốn, đó là Tinh tấn.

Dùng các pháp thiền định thể hiện lòng thương xót đối với mọi người mà thực hành việc khuyến trợ, cũng như vị đồng tử tên là Ý Nghĩa ở trong tám vạn năm phụng hành theo tâm Từ đem lại an lạc cho chúng sinh, đó là Nhất tâm.

Như dùng ánh sáng của Bậc Giác Ngộ để thấu tỏ về đời hiện tại, đem trí tuệ cứu đời, do từ trí tuệ ấy mà tỏ ngộ diệu lý không–vô, như Tôn giả Tu-bồ-đề từ những thí dụ mà lãnh hội thấu đạt diệu lý Không, đối với mọi hiện tượng ngoại giới đều có thể phân biệt nhận rõ, người làm công việc khuyến trợ ấy nhận lấy báo ứng còn vượt hơn nữa, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là không mong cầu báo ứng tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Về trường hợp cứu giúp không hề nhận sự báo đáp, cả trong quá trình tu tập cho đến khi giải thoát. Cũng như chiếc lọng to lớn có thể che chở cho đông đảo kẻ cần, Bồ-tát tu các pháp Độ vô cực cũng như thế, nhờ đó hằng hà sa số chúng sinh được hóa độ, đó là Bố thí.

Nẻo phụng trì hành hóa giáo pháp là nhằm dứt sạch các lậu, đạt pháp không thoái chuyển, thu tóm thọ nhận để cứu giúp che chở khắp cả, đó là Trì giới.

Luôn thể hiện tâm nhân hòa, chưa từng dấy tâm sân hận cho

đến khi thành tựu Phật đạo, đó là Nhẫn nhục.

Con đường dốc sức siêng tu có thể hy sinh cả thân mạng, hết thảy muôn vật đều nhằm để cúng dường Tam bảo, đó là Tinh tấn.

Thực hành các pháp thiền định như Đức Phật an tọa nơi gốc cây Bồ-đề dùng tụng kệ để tuyên giảng ca ngợi cùng tuân phụng các pháp quán tưởng, do đấy mà thực hiện việc cứu giúp, đó là Nhất tâm.

Tuân thừa nẻo sáng của bậc Thánh, khỏi phải bàn bạc dài dòng về ánh sáng của đạo, cũng như nơi biển cả có cây Xá hòa lá hết sức thơm dùng để trị bệnh, Bồ-tát cũng như thế, dùng hương thơm đạo đức hóa độ muôn loài khiến chúng đều phát tâm đạo lớn lao, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là dứt mọi vui thú mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Chỗ cứu giúp chúng sinh cũng như đưa họ đến nẻo giải thoát, ví như bậc Hiền giả tên là Hán Lâm hóa độ đám người mê lầm, do đấy nên thông tỏ bản hạnh của Bồ-tát với các thí dụ về những hành hóa ở đời trước ấy, đó là Bố thí.

Tính chất ngăn cấm của giới luật là nhằm đối trị với muôn ngàn nỗi âu lo về các hoạn nạn, giúp cho chí nguyện đạt đến cảnh giới vô vi, cũng như thời xa xưa, nẻo hành hóa của Bồ-tát đã từng tinh tấn đi vào biển rộng tìm kiếm vô lượng châu báu, đã được dẫn làm thí dụ, đó là Trì giới.

Sự thể hiện tâm nhân hòa ấy, như vua Ca-di từng cắt các chi phần trên thân thể mình để bố thí mà không dấy tâm sân hận, đó là Nhẫn nhục.

Đối với trường hợp siêng năng tu tập thì như Bồ-tát từng bỏ cung điện ra khỏi kinh thành Ca-duy-la-vệ không một ai hay biết, thực hiện bình đẳng, nhập chánh định thành Bậc Giác Ngộ, đó là Tinh tấn.

Chỗ thực hành các pháp thiền định gồm đủ bốn phẩm, dốc tu phạm hạnh, đem tâm Từ bi vui vẻ cứu giúp che chở, đó là Nhất tâm.

Như dùng trí tuệ tu pháp Độ vô cực đạt được thành tựu cũng khó khăn, chẳng khác nào ở ngay đời này thực hành các pháp chánh thọ, tâm luôn gắn liền với định, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là luôn tinh tấn tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đạt đến nơi chốn dừng dứt an định, lần lượt đem mọi ân ích cứu giúp chúng sinh đang gặp phải khổ ách tai nạn, đó là Bố thí.

Nẻo hành hóa luôn thận trọng, như sinh trong loài rùa từng là rùa chúa thường tự bảo vệ thân mạng mình cùng cứu giúp kẻ khác, đó là Trì giới.

Nơi chốn thể hiện tâm nhân hòa là nhằm gần gũi với mọi hành động của chúng sinh hướng ho về việc giữ gìn các nghiệp về thân, khẩu. Cũng như bậc Hiền giả từng thể hiện tâm Từ bi nhẫn nhục, chặt đứt các chi phần trên người mà vẫn không mang tâm thù hận, đó là Nhẫn nhục.

Dốc tu, siêng năng, lúc Phật xuất hiện ở đời luôn được gặp Phật cũng như giáo pháp bình đẳng của Như Lai thể hiện nơi ấy tướng Tam-muội đối với tất cả mọi hành xử, trong ba ngàn năm chưa từng bỏ dở hoặc biếng trễ, đó là Tinh tấn.

Gọi là thiền định, như ở nơi cung điện giữa đám ca kỹ thể nữ mà vẫn thường tu thanh tịnh dứt mọi phóng dật, đó là Nhất tâm.

Thuận theo trí tuệ, thường ở nơi cõi sinh tử, mỗi mỗi nơi chốn hành hóa nhằm đạt đến đều hay che chở các ngã, từ đấy khiến tỏ ngộ được diệu lý vô ngã, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ nơi ánh sáng soi tỏ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

–Như đem hương hoa, không phải để tô điểm mà là để dâng lên cúng dường chư Phật, Bồ-tát, đó là Bố thí.

Nẻo hành hóa luôn tỏ ra thận trọng, thương xót đến kẻ khác, cũng như chim bay trên không trung, thân bay đi rồi thì không còn nơi chốn nào hâm mộ, ưa thích, đó là Trì giới.

Tâm nhân hòa luôn bày tỏ, nhân đấy mà thấu đạt các pháp là không, dẫn đến sự việc thâm nhập vào kho tàng chánh pháp, đó là Nhẫn nhục.

Dốc sức xây dựng cầu cống để cứu giúp các trường hợp nguy khốn, khó khăn, đó là Tinh tấn.

Nẻo tu tập thiền định như kiếp xa xưa lúc Bồ-tát mới bắt đầu phụng hành, thâm nhập đạo hạnh, đó là Nhất tâm.

Con đường nương theo bậc Thánh giác ngộ để tu tập là nhằm dấy khởi phát trien pháp nhẫn, như hai vị Đồng tử luôn giữ gìn tâm mình như giữ lấy mảnh đất quý giá, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ vô lượng ánh sáng mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như dùng các phương tiện quyền xảo mà ứng dụng vào các trường hợp cứu giúp, nhân đó được phước báo trông thấy ánh hào quang lớn lao của Đức Phật chiếu tỏa khắp vô số quốc độ của chư Phật, đó là Bố thí.

Dốc sưc gắng tu tập là nhằm khuyến trợ để đạt đến pháp nhẫn bất khởi, đó là Trì giới.

Như kẻ nhân hòa luôn khuyến trợ về việc lãnh hội hình tướng của các pháp mà không hề tham vướng, chấp giữ, đó là Nhẫn nhục.

Đối với việc tinh cần tu học nhằm phụng hành diệu lý Không của các pháp, khuyến trợ mọi người quy ngưỡng về diệu lý không– vô ấy của đạo lớn, đó là Tinh tấn.

Thực hành các pháp thiền định là nhằm giúp đỡ, giáo hóa chúng sinh luôn dứt trừ mọi lười nhác bê trễ dẫn đến việc kiên định không thoái chuyển, đó là Nhất tâm.

Nẻo tu tập theo Bậc Giác Ngộ là an trụ nơi Địa thứ tám, ở nơi ấy nhằm khuyến hóa muôn loài, không gì là không vâng theo, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là quả báo đem lại sự an ổn, sáng tỏ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đi đến với thế giới loài ma, lúc sắp mạng chung, sự báo ứng ấy thật rõ rệt. Cũng như từ cõi trời Đâu-thuật hốt nhiên mất đi và có mặt ở cõi đời, khai hóa đám ngạ quỷ, dứt trừ mọi nỗi đói khát, nguy khốn, đó là Bố thí.

Hàng phục cõi ma, thể hiện rõ tâm Từ bi, xua bỏ mọi thứ trói buộc thân mạng cũng như thoát khỏi nẻo tội lỗi, khổ ách, giống như thời xa xưa vị thái tử con một bậc quốc vương tên là Tu-lại đã từng giải thoát mọi khổ não âu lo ràng buộc, đó là Trì giới.

Nẻo hành hóa luon thực hiện nhân hòa, như ở trong thế giới loài cá, phải tạo sự an ổn đối với các loài thủy tộc lớn, như trạch, sấu, nên sẵn sàng hiến thân để chúng được vui vẻ no bụng, đó là Nhẫn nhục.

Dốc siêng năng tu tập, như đối với đám thể nữ trong vương cung, xem đấy như là nơi chốn đầy những sợ hãi, nguy khốn, khó khăn, nên bày tỏ lòng thương xót mà tế độ, đó là Tinh tấn.

Nẻo tu tập các pháp thiền định, như ở thời kỳ đầy những bệnh dịch lan truyền phải dùng thuốc thích hợp để trị liệu. Giống như về thời xa xưa có vị Đồng tử đã tạo được lợi ích lâu dài, dùng năm vị đầu thủ để cứu giúp dân chúng ở cõi Diêm-phù-đề tránh khỏi các nẻo tà kiến cùng những điều sai trái, đó là Nhất tâm.

Đem ánh sáng giác ngộ của bậc Thánh ấy cứu giúp tất cả muôn loài. Cũng như về thời xa xưa nêu thí dụ về năm trăm người khách buôn, đem năm trăm ngọc nữ cùng với số ngọc nữ khác, đến làm người dẫn đường giúp cho năm ức người, dốc tâm túc trực giữ gìn, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là không trở lại và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đã có các trường hợp cần cứu giúp, chẳng nên vui thích với nẻo hành hóa của bậc Thanh văn, Duyên giác, nguyện đạt đến quả vị Bồ-đề vô thượng, đó là Bố thí.

Chỗ tuân phụng giới luật luôn tỏ ra thận trọng, quán tưởng về mọi diệu nghĩa, dứt hết mọi sự biếng trễ, đó là Trì giới.

Luôn thể hiện tâm nhân hòa, có thể thông suốt trong quá trình tu tập đạt đến cứu cánh, không mang tâm sân hận, đó là Nhẫn nhục.

Tu tập, hành hóa luôn theo đúng nẻo, sử dụng các phương tiện thích hợp, luôn cứu giúp, chỉ dẫn khiến dứt mọi phóng dật, đó là Tinh tấn.

Tu tập các pháp thiền định là nhằm làm sáng tỏ diệu nghĩa trong kinh văn nhưng không rơi vào chốn mê loạn, đó là Nhất tâm.

Đi theo con đường của Bậc Giác Ngộ đạt đến trụ thứ bảy cũng là quả vị bất thoái, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là vì sự vui thích an lạc mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Đối với những nơi chốn cứu giúp nên dùng giáo pháp để giải nạn độ chúng khiến họ phát tâm cầu đạo vô thượng, đó là Bố thí.

Dùng mọi hành động để hỗ trợ đạo pháp trong thời Phật xuất hiện ở đời, nêu giang về các lẽ báo ứng mà độ thoát muôn loài, cũng như về thời xa xưa có thái tử Thế Chủ đã từng cứu giúp bao kẻ khốn cùng, đó là Trì giới.

Nẻo tu tập luôn theo đường nhân hòa, như công lao trị nước của vị quốc vương đã đem lại an lạc thuận hợp cho muôn dân, như vậy thì thân mình được an lạc mà bao kẻ khác cũng đạt được điều ấy, cho nên tất cả những gì thích hợp cho sự an lạc của mọi người thì cũng thích hợp cho bản thân mình, đó là Nhẫn nhục.

Con đường dốc sức siêng tu nhằm đạt được các pháp Tổng trì, sự biện tài vô lượng, đó là Tinh tấn.

Tu tập thực hiện thiền định là nhằm để khuyến trợ cho quá trình đạt đến giác ngộ, phước báo từ công đức ấy có thể khiến cho chúng sinh được an lạc, đó là Nhất tâm.

Nương theo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ mà tu tập thể hiện nơi sáu quả vị trụ, từ pháp nhẫn nhu thuận cho đến pháp không thoái chuyển, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ sự tươi tốt, trong lành tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đối với các trường hợp dấy khởi phát huy đạo pháp, không hề có sự nương cậy dựa dẫm, cũng không có tưởng chấp về phước báo ban cho chúng sinh, đó là Bố thí.

Con đường tu tập luôn cẩn trọng, thường giữ vững lòng tin sâu sắc, dẫn đến việc thực hiện bảy Giác ý, giác ngộ những điều mình còn mê lầm, đó là Trì giới.

Tu hành thể hiện lòng nhân hòa, luôn nhớ nghĩ đến chúng sinh với tâm Từ bi, dứt bỏ mọi tham đắm luyến tiếc dấn thân mạng mình, đó là Nhẫn nhục.

Chí nguyện của quá trình tu là tuyển chọn các pháp họp lại, để dẫn tới việc thực hiện một cách thấu đạt các pháp Giác ý, đó là Tinh tấn.

Như dùng các pháp thiền định tư duy là nhằm dứt bỏ mọi nẻo nhớ nghĩ vướng bận, mà cũng không phóng dật, đó là Nhất tâm.

Chỗ nương theo ánh sáng của bậc Thánh là nhằm đạt được Phật đạo để hóa độ hết thảy chúng sinh, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là thành tựu các pháp thế gian mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đối với những trường hợp cứu giúp đem lại vô số báo ứng khiến đạt được sự an lành hoàn toàn cũng như không hề gặp lại các thứ hoạn nạn, đó là Bố thí.

Sở dĩ luôn cẩn trọng trong quá trình hâm mộ mong cầu đạo pháp là nhằm thực hiện theo tám con đường chân chánh, cho đến khi đạt được trí tuệ bình đẳng, đó là Trì giới.

Luôn nhớ nghĩ về nhân hòa, không nghi hoặc diệu nghĩa của đạo, quyết phá trừ bao lớp lưới mê vây bủa, đó là Nhẫn nhục.

Con đường siêng năng tu tập đối với giáo pháp trong hiện tại là nhằm đạt được sự an định lâu dài, đó là Tinh tan.

Chỗ gọi là thiền định tư duy chính là sự tinh tấn thực hiện cái gốc của nẻo tịch diệt chánh thọ, đó là Nhất tâm.

Đi theo đúng con đường giác ngộ của bậc Thánh. Mọi tạo tác đã được thực hiện trọn vẹn, thọ nhận neo dừng nghỉ của bốn Ý, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là nhằm đem lại thanh tịnh cho đời mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Dùng con đường hành hóa để cứu độ muôn loài trong khắp tam thiên thế giới từ khởi đầu cho đến chung cuộc vẫn theo một tâm không khác, đó là Bố thí.

Từ khởi điểm của cuộc sống trở đi, luôn nhằm đem đến an lạc cho hết thảy muôn loài, con đường hành hóa luôn quán xuyến đến chúng sinh khắp trong ba cõi, đó là Trì giới.

Từ lúc mới phát tâm Bồ-đề về sau, luôn dốc sức giáo hóa quần sinh, đạt đến chỗ không có nơi đến, khiến thông tỏ diệu lý “vô sở trụ”, đó là Nhẫn nhục.

Khiến cho tất cả chúng sinh trong Tam thiên thế giới cùng tinh tấn học đạo giải thoát, như lúc mới phát tâm xuất gia học đạo nên sức mạnh của tâm ấy không gì có thể cản nổi, đó là Tinh tấn.

Gọi là thực hành các pháp thiền định chính là nhằm khiến cho chúng sinh thu giữ được các nẻo vọng động của ý, chuyên chú vào kinh pháp mà dứt bỏ phóng dật, đó là Nhất tâm.

Đem ánh sáng của Bậc Giác Ngộ soi tỏ đến tận cõi địa ngục nhằm cứu độ bao nỗi khổ ách của chúng sinh bị đọa ở cõi ấy, dùng ngôn ngữ để nêu bày giảng giải về kinh sách của đạo giúp họ đạt được ánh sáng của chánh pháp, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là do thành tựu về chủng loại mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Về các trường hợp cứu giúp luôn đem quyến thuộc tạo sự hòa hợp với tài sản lớn lao vô tận, đó là Bố thí.

Nẻo đường hành hóa luôn thận trọng, đạt được hòa hợp với quyến thuộc mà dứt mọi tội lỗi, tai họa, đó là Trì giới.

Chốn tu tập nhân hòa cũng luôn thể hiện tâm ấy đối với từng đó quyến thuộc, mỗi mỗi người đều được an ổn, không thể là những kẻ phá hoại, đó là Nhẫn nhục.

Như tu tập có những liên hệ với quyến thuộc thì không nên khiến họ đi vào con đường buông thả phóng dật, mỗi mỗi người đều thực hiện đầy đủ chức nghiệp của mình, luôn dốc tâm không bê trễ, đó là Tinh tấn.

Tuân phụng các pháp thiền định, đối với các trường hợp giận dữ, tranh biện đều khiến được hòa hợp dẫn tới sự hiểu biết sáng suốt đối với quyến thuộc, đó là Nhất tâm.

Tu tập theo Bậc Giác Ngộ cũng khiến cho tất cả quyến thuộc đều có được trí hiểu biết sáng suốt dứt mọi nẻo u tối che phủ, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là trở thành quyến thuộc và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như ở trong năm trăm năm dốc tu giáo hóa khuyên dẫn nơi các chúng hội lớn khiến họ phát tâm Bồ-đề, đó là Bố thí.

Nẻo phụng hành luôn thận trọng, khuyến khích việc hòa hợp, chung đồng, đối với vô số chúng nhân không tạo ra sự tranh cãi phiền phức, như hàng quyến thuộc của Phật, đó là Trì giới.

Chỗ thể hiện tâm nhân hòa là vì nhằm khai thác vô số kho báu của chúng sinh, cũng như ngày xưa, nơi biển có một cá lớn là Makiệt, chỉ có nước ở biển rộng mới có thể dung nạp làm chỗ sinh sống của nó. Nhằm đạt đến cứu cánh là đi từ khởi đầu đến chung cuộc, như có bạn cùng đi thì luôn xem như cá trong giếng, đó là Nhẫn nhục.

Con đường siêng năng tu tập chính là nhằm phần lớn vào việc giúp đỡ mọi người dứt trừ tham dâm, giận dữ, si mê, cũng như ở trong biển cả có ẩn giấu ngọc báu Minh nguyệt, theo thời gian mà làm cho nước biển giảm xuống hay tăng lên, đó là Tinh tấn.

Nẻo thực hiện các pháp thiền định như A-ly-niệm đã từng học hỏi khắp các phái ngoại đạo về những pháp thuật tinh diệu. Luôn thương xót chúng sinh mà khuyến hóa họ được sinh lên cõi Phạm thiên, đó là Nhất tâm.

Tu tập theo nẻo Bậc Giác Ngộ thường thương xót đến chúng sinh khắp chốn. Cũng như Tôn giả Tu-bồ-đề trông thấy một người lạ đang đuổi bắt con nai chúa, có năm trăm người thân của ông ta đang đứng chắn lối nơi chỗ hiểm yếu khiến nai khó thoát, Tôn giả liền tìm cách cứu thoát nai chúa kia, nhân đó mà hóa độ hết thảy chúng sinh, tạo lập mười điều thiện, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là không hủy hoại quyến thuộc và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như lìa bỏ lối nói năng hai chiều, ngôn ngữ chí thành chẳng tạo sự chống đối làm rối loạn phước đức, đó là Bố thí.

Luôn mang tâm Từ bi dứt mọi nẻo mưu hại hiểm độc, danh tiếng đó mà xa gần đều biết, không ai là không yêu mến, kính mộ, đó là Trì giới.

Gọi là nhân hòa tức là luôn có tâm bình đẳng, tỏ lòng thương xót đối với chúng sinh mà không thiên lệch theo bè nhóm, đó là Nhẫn nhục.

Sở dĩ tinh cần tu tập không phải là vì chuyện ăn mặc, mà chính là nhằm dẫn dắt giáo hóa chúng sinh hết lòng đối với đạo pháp, đó là Tinh tấn.

Thực hành các pháp thiền định tư duy là nhằm đạt được các pháp Tổng trì với vô số biện tài, đó là Nhất tâm.

Nương theo Bậc Giác Ngộ để đạt đến giải thoát cởi bỏ hết thảy mọi thứ trói buộc, không còn một chướng ngại nào, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là dứt trừ mọi trần cấu đem lại sự trong sạch và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đối với trường hợp giảm sút về công đức cần khiến cho được tăng thêm để nhằm trị liệu các thứ bệnh tật đem lại an lạc cho khắp mọi nơi chốn, đó là Bố thí.

Hoặc ở vào các hoàn cảnh khó khăn trở ngại không thể tư mình vượt qua được, thì nên tạo mọi sự cứu giúp cần thiết khiến cho tâm được khai mở, thông tỏ, đó là Trì giới.

Trong những lúc bị các bậc sư phụ, tôn trưởng quở trách hoặc mắng mỏ cũng luôn tỏ thái độ cung kính quy thuận. Không ôm lòng sân hận, đó là Nhẫn nhục.

Dốc sức tu tập là nhằm chế ngự tâm theo một mẫu mực chân chánh, từ đấy dẫn tới việc trị liệu các thứ bệnh tật cũng như dẫn dắt giáo hóa muôn loài, kể cả bốn chúng Ty-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ, đó là Tinh tấn.

Như khi mẹ hiền bị đau ốm phải thường xuyên chăm sóc trông nom, cắt đặt sai khiến người lo về các thứ cần thiết như thuốc men, đồ ăn thức uống, đó là Nhất tâm.

Hoặc đem ánh sáng của Bậc Giác Ngộ, vì vô số chúng sinh mà xua tan mọi thứ mê lầm nghi hoặc, khiến cho mỗi người đều được khai mở, thông đạt quy ngưỡng về đạo Chánh giác, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là quán tưởng về các quốc độ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Luôn mang tâm nhân từ, không đem con mắt mưu hại xấu xa mà nhìn mọi người, đó là Bố thí.

Như tâm luôn tự tại, dứt mọi vướng mắc cùng bao thứ phủ che, tâm niệm luôn thể hiện sự thận trọng, đó là Trì giới.

Tánh thể hiện tâm nhân hòa hết mực, xem mọi chốn oán địch như nhà mình, nhớ nghĩ đến họ như nhớ về con thơ không hề mang tâm độc hại, đó là Nhẫn nhục.

Gồm đủ thần thông, trong ngoài đều thông suốt, xem xét, cùng giáo hóa khắp mười phương, không hề nửa chừng mà biếng trễ bỏ dở, đó là Tinh tấn.

Như tu tập đạt được Thiên nhãn, nhận thấy tất cả mọi nẻo sinh tử trong năm đường, đó là Nhất tâm.

Hoặc như trong vô số đời tâm ý luôn nhu hòa, ngôn từ hòa nhã, nhận rõ ánh sáng giác ngộ của bậc Thánh, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là nêu bày thệ nguyện và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đem các công đức đã được báo ứng để khuyến trợ chúng sinh nhờ đấy họ được thọ nhận công đức, đó là Bố thí.

Hành hóa luôn tỏ ra cẩn trọng nhằm tiêu diệt mọi thứ chướng ngại mà không bị trói buộc ngưng trệ, đó là Trì giới.

Như đối với mọi âm thanh lãnh hội được thảy đều không tham đắm, vướng chấp, thấu đạt mọi âm hưởng đều là không để nhằm dấy khởi tâm nhân hòa, đó là Nhẫn nhục.

Dốc chí siêng năng tu tập ngày ngày mỗi tăng tiến cho đến đạt được điều chưa từng có là hội nhập với đạo Bồ-đề vô thượng, đó là Tinh tấn.

Như đem bốn tâm vô lượng là Từ, Bi, Hỷ, Hộ (Xa) cứu giúp đối với hết thảy chúng sinh mê lầm, đó là Nhất tâm.

Dùng ánh sáng giác ngộ khai mở dẫn dắt chúng sinh vì bao mối lo âu chán nản mà không thể tiếp cận được, khiến họ tuân phụng các pháp nhu thuận, hiền hoa, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là dứt mọi phóng dật tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trong các trường hợp giúp đỡ cần khuyến trợ về đạo đức, tránh các nẻo hành động thế tục, đó là Bố thí.

Hoặc như những người quyến thuộc tỏ ra khó khăn trong việc giúp đỡ phụng hành đạo nghiệp, có người đến theo từng chi tiết mà giải bày rõ, người nghe không dấy tâm độc hại mà khởi tâm từ để khuyến trợ đạo pháp. Như người săn bắn tâm mang nhiều nỗi oán hận ràng buộc, nhờ có người đến theo từng chi tiết giải bày rõ khiến cho người săn bắn kia tâm trở nên vui vẻ, không còn mang tâm sát hại nữa, đó là Trì giới.

Đem tâm nhân hòa nêu giảng về nghĩa lý của điều thiện, cho dù lao vào lửa dữ có thể nguy hiểm đến thân mạng cũng không lo lắng do dự, đó là Nhẫn nhục.

Con đường siêng năng tu tập là nhằm đạt đến giải thoát, nên quan sát đối với các pháp hữu vi cũng như ánh lửa cháy bùng lên rồi dập tắt, nên dùng chánh pháp mà dứt bỏ chúng, đó là Tinh tấn.

Gọi là thiền định tư duy là nhằm diệt trừ tất cả các thứ phiền não trần cấu đã tạo được một thế giới an lạc cho riêng mình, từ đấy đem các giới pháp cứu độ chúng nhân mê muội, đó là Nhất tâm.

Ánh sáng của trí tuệ dứt mọi nơi chốn ưa thích, đem lại tâm bình đẳng, cũng như vị quốc vương ban cho con mình mà có được đất đai, khiến cho việc ấy không tội lỗi mà có thêm uy lực, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là xoay chuyển khắp chốn mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có được nhiều tài sản cơ nghiệp, nên dùng tâm từ tăng thêm sự giúp đỡ mọi người mà không mang tâm mưu hại, đó là Bố thí.

Nẻo hành hóa luôn thận trọng, không theo ngả dua nịnh để tự đề cao bản thân mình, đó là Trì giới.

Tánh luôn thể hiện nhân hòa trong việc tạo tác các công đức, không cho là chán ghét đối với việc lìa bỏ cung điện không chút tham luyen mà chính là theo thời để thi ân huệ, đó là Nhẫn nhục.

Sở dĩ tinh cần tu học là nhằm phụng hành các pháp bình đẳng dứt mọi phóng dật, đó là Tinh tấn.

Như thực hiện các pháp thiền định là nhằm khẳng định tính chất khong thoái chuyển, không rơi vào các pháp không thích hợp với nẻo an nhiên tĩnh lặng, đó là Nhất tâm.

Đi theo nẻo giác ngộ của bậc Thánh để kiến lập tất cả các pháp, kiên trụ chẳng động chuyển, không dừng lại với các pháp của hàng Thanh văn, Duyên giác, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là nhằm đạt đến cõi diệt độ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có thể khiến cho chúng sinh ở cõi ngạ quỷ không đi theo con đường tham lam keo kiệt, nhận thấy bao nỗi khổ của chúng sinh mà dấy tâm thương xót muốn cứu giúp, đó là Bố thí.

Tâm nhận ra mọi hành động gây nên chướng ngại của chúng sinh mà bày tỏ tâm Từ bi chỉ dẫn cho họ con đường giải thoát, đó là Trì giới.

Nẻo thực hiện tâm nhân hòa như nghe những nỗi khổ ở cõi địa ngục, trông thấy các hình sắc xấu ác, đem bốn tâm vô lượng mà thương xót, giáo hóa, đó là Nhẫn nhục.

Chỗ phụng hành dốc sức tu tập là nhằm dứt sạch các thứ tà kiến, thể hiện tâm Từ bi rộng lớn, cũng như về thời xưa, có vị A vương tử tự là Cưu-na-la đã từ bỏ đám thể nữ, chịu nhục mà không oán hận, đó là Tinh tấn.

Như cửa giải thoát của thiền định là đạt được an lạc ở ngay cõi tịch tĩnh ấy, cũng như ngày trước Bồ-tát an tọa bên gốc cây Diêmphù, đạo đức lồng lộng, được bóng cây che mát toàn thân mình, đó là Nhất tâm.

Đem ánh sáng giác ngộ của bậc Thánh để diệt trừ tham dâm, giận dữ, si mê. Như vua bỏ nước xuất gia tìm đạo, sự kiện ấy khiến dân chúng đều xúc động sững sờ và mặc cho những người thân gào khóc, nhà vua vẫn không bày tỏ sự luyến tiếc, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ cảnh phú quý hơn người mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Đối với mọi nơi chốn lãnh hội hiểu biết nên dùng để cắt đứt mọi ràng buộc của cõi tình, chỗ yêu mến đối với các thứ châu báu nên dùng để thi ân, tạo phước đó là Bố thí.

Tu tập luôn thận trọng, dứt mọi thái độ cao ngạo, luôn khiêm tốn, cung thuận, ngưỡng kính Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, đó là Trì giới.

Không cầu danh vọng, không chuộng nẻo vinh hoa của thế tục, chỉ lấy đạo pháp làm lẽ sống tối thượng, đó là Nhẫn nhục.

Siêng năng tu tập theo đúng đường nhằm phụng sự các bậc tôn trưởng, cha mẹ, thầy bạn, đó là Tinh tấn.

Sở dĩ thực hành thiền định là nhằm dẫn dắt giáo hóa chúng sinh. Cũng như về thời xa xưa Câu-tu ma vương có vị Thái tử luôn cứu giúp khắp chốn, thường đi đến khắp mọi xứ sở để phụng hành chánh pháp, bản tánh luôn thanh tịnh, chưa từng dấy tâm độc hại, đó là Nhất tâm.

Như thực hiện việc xuất gia học đạo, mong đạt Trí tuệ ba-lamật nên tinh tấn đi theo đúng nẻo của Bậc Giác Ngộ, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ chỗ nhận ra chốn thân cận của quyến thuộc mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đối với các nơi chốn cứu giúp nên khuyến khích giáo hóa dẫn dắt họ đến với chánh pháp, yêu thích việc xuất gia tu học thì dốc chí rời bỏ tất cả, đó là Bố thí.

Luôn tỏ ra cẩn trọng trong việc thực hiện đạo pháp Từ bi, đối với hàng con cháu thì nhằm khai hóa nghĩa lý, nêu bày chánh pháp vô thượng, đó là Trì giới.

Thể hiện tâm nhân hòa cho dù phải vất vả khổ nhọc, luôn dốc tâm giảng dạy dẫn dắt chẳng hề tính kể số lượng, cũng không biết chán nản, đó là Nhẫn nhục.

Con đường dốc chí tu tập là nhằm lãnh hội đạo pháp một cách thấu đáo, thấy những kẻ chưa đạt được thì nên tìm phương tiện để diễn bày nêu rõ giúp cho tâm trí họ được thông tỏ, đó là Tinh tấn.

Sở dĩ thực hành các pháp thiền định tư duy là nhằm giúp cho chúng sinh nhận rõ về tội phước, từ đó hóa độ họ khiến dứt mọi vọng động, cũng giống như về thời xa xưa có vị Chuyển luân thánh vương Thiện Mục tu các pháp thiền định, đó là Nhất tâm.

Cũng giữ gìn ánh sáng của Bậc Giác Ngộ, hành giả và nẻo giác ngộ ấy cùng là một, như vậy có thể tự chế ngự thân tâm, không phạm tham dục, từ đấy mà cứu giúp, nêu bày, thuyết pháp khiến cho mọi người được đứng vững trong đạo, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là tâm luôn ghi nhớ và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có thể tự hàng phục tâm mình không theo các thứ tà kiến, rời bỏ khỏi vùng chướng ngại khốn khó, không còn bị nẻo tham lôi kéo, đó là phước báo của Bố thí.

Chỗ tuân giữ cùng thực hiện các giới luật luôn đầy đủ là nhằm góp sức làm cho Tam bảo không bị gián đoạn, đạo pháp hưng khởi, cũng là để giáo hóa hạng chậm chạp, đó là phước báo của Trì giới.

Gọi là nhân hòa tức là tâm luôn thể hiện sự an nhiên, thuận hợp, thân tuy gặp cảnh khổ, nhưng do nghe thấy rộng khắp mà có thể nhẫn chịu mọi nỗi hoạn nạn, cũng như Bồ-tát Tu-lại bị người đến để tăng thêm mưu độc mà tâm không hề sân hận, đó là phước báo của Nhẫn nhục.

Nẻo đường siêng năng dốc sức tu tập là nhằm để hàng phục tâm mình vượt khỏi sự biếng trễ bỏ dở nửa chừng, cùng là giúp cho kẻ khác không còn gặp phải nguy khốn đạt được an ổn lâu dài, đó là phước báo của Tinh tấn.

Như dùng các pháp thiền định để loại trừ mọi nẻo buông thả phóng túng, lìa bỏ tham dục, đạt được sự tĩnh lự tịch nhiên vô hạn, đó là phước báo của Nhất tâm.

Đem ánh sáng của bậc Thánh giác ngộ để giữ vững các pháp của uy nghi, lễ độ, là chỗ nương tựa của tâm, từ đấy mà cúng dường mọi thứ lợi lạc, lại đem pháp thí để hóa độ cho hạng tăm tối mê mờ, đó là phước báo của Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.