KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 18: NÓI VỀ PHƯƠNG TIỆN

Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Thế nào gọi là thông tỏ các phương tiện và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như luôn tinh chuyên khéo sử dụng các phương tiện quyền xảo tùy theo hoàn cảnh mà hội nhập, đó là Bố thí. Đối với mọi trường hợp lỗi lầm, cấu uế, nhân đấy mà giáo hóa dẫn dắt khiến đều trở nên thanh tịnh, đó là Trì giới. Mọi sự tạo nên công đức đều dùng cho việc khuyến trợ tất cả chúng sinh, đó là Nhẫn nhục. Ở những nơi chốn đi đến đều không gây việc mưu hại xâm phạm, cũng không tạo ra những tổn thất, đó là Tinh tấn. Chỉ đem sự vui thích để giảng dạy cho chúng sinh, dùng bốn ân để cứu giúp, đó là Nhất tâm. Hội nhập vô lượng pháp môn nêu rõ các pháp Tổng trì chính yếu để mau chóng dẫn dắt, giáo hóa chúng sinh khắp mười phương trong ba cõi khiến cùng đi đến với đạo giác ngộ, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ sự thuần khiết trong lành mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có thể sử dụng các phương tiện bình đẳng để khuyến dụ nhằm tiến đến việc lãnh hội tất cả các pháp, đó là Bố thí. Đem các pháp để giảng dạy, tâm chân chánh không dựa cậy vào đối tượng, Trí tuệ thông tỏ mọi nẻo thâm diệu của ba cánh cửa giải thoát là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Như nhận rõ về tám phẩm để xua trừ tám nạn, chỉ giữ vững nơi tám con đường chân chánh để lãnh hội thấu đáo về các pháp, gốc của chúng là không, đó là Trì giới. Quan sát về các nẻo nhận thức để thấy rõ sự mê lầm, khỏi phải rơi vào nẻo tà kiến, đó là Nhẫn nhục. Xem xét về năm cõi luân hồi, có thể tạo được sự giáo hóa dẫn dắt, nhân đấy mà đi đến để cứu độ, đó là Tinh tấn. Như nhận thấy có thể chế ngự hàng phục thì liền sử dụng phương tiện để độ thoát, đó là Nhất tâm. Hay như nhận thức rõ về các pháp hữu vi mà đi vào trong các nơi chốn ấy để trừ mọi tham đắm vướng mắc khiến cho được giải thoát, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhận rõ về tính chất tự nhiên mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trường hợp đạt đến công đức bao la, không chỗ dựa cậy thể hiện sự lớn lao, chói lọi, cũng giống như việc Bồ-tát thời ấy đã nhất tâm quy kính Phật Định Quang, đó là Bố thí. Thân hành động không hề biếng nhác, chán nản, dứt mọi tham tiếc, giống như ánh sáng của mặt trăng tròn đầy, không chút mây che, chiếu tỏa khắp các tinh tú, những người có mắt sáng thảy đều trông thấy rõ ràng, chính xác, đó là Trì giới. Như có thể nhận thức và lãnh hội tất cả các pháp thảy đều như hư không, đó là Nhẫn nhục. Thực hiện các pháp thiền định đều là nhằm để nhận thức thấu đáo về các pháp, vừa sinh đấy liền diệt, thảy nên tỏ ngộ về điều ấy, đó là Tinh tấn. Không thấy có kẻ bố thí mà có sự cứu giúp vì tự mình đã không kịp nhận ra, đó là Nhất tâm. Quan sát mọi hành động của thân tâm cũng như từ miệng tuyên giảng giáo pháp đều nhằm đem lại lợi ích cho hết thảy mọi người, không hề có sự phân biệt thành hai nẻo khác nhau, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhận rõ mọi sự tạo tác biến chuyển trong cõi Dục như nghiệp, nhân duyên, tội phước… và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như nhận thức về mọi tập nhiễm của dục và nghiệp cấu uế, bản thể của nó là thanh tịnh nhưng vì đã tạo nên những chướng ngại, đó là Bố thí. Nhận rõ về tất cả các pháp đều là như nhiên tịch tĩnh, do vì không thấu đạt điều ấy nên mới tự tạo tác mọi phước đức hay tội lỗi, đó là Trì giới. Luôn quán tưởng để nhận ra tính chất huyền diệu, sâu xa vô bờ bến, đó là Nhẫn nhục. Tự nhận xét và lãnh hội về tính chất duyên hợp của tội phước, nên chúng cũng thảy dứt sạch và không ai giữ được lâu dài, đó là Tinh tấn. Tính chất đối tác của duyên tuy bị diệt nhưng sẽ thấy nơi hành động sắp đến. Sử dụng phương tiện thích nghi nên liền đạt chỗ chân chánh, đó là Nhất tâm. Tội phước đã dứt sạch nên không tạo tác trở lại, mọi hoạn nạn trong ba cõi đều nhận ra tính chất “vô sở sinh” của chúng, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhận rõ mọi sự tạo tác biến chuyển trong cõi Sắc giới như nhân duyên, nghiệp… và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Nhận thức về các thứ sắc duyên hợp với nhau đều do không tạo tác, do tâm không thông tỏ mà dấy khởi dọc ngang, là đầu mối của mọi báo ứng, đó là Bố thí. Nhận ra mọi thứ hình sắc đều có nhân duyên xa gần kết hợp, không quyết đoán được tính chất phức tạp ấy nên thân tâm dễ rơi vào nẻo mê lầm, đó là Trì giới. Xem xét về mọi nơi chốn sinh khởi ở cõi trời, cõi nhân gian, cũng như sự báo ứng về tội phước ở ba đường dữ, đó là Nhẫn nhục. Như quan sát nơi chốn sinh mà nhớ nghĩ về chốn dấy khởi các tưởng, đó là Tinh tấn. Luôn nhận rõ sự báo ứng với lòng hoan hỷ thích thú, đó là Nhất tâm. Che chở giúp đỡ các cảnh giới tịch nhiên từ cõi cao đến cõi thấp, thảy đều nhằm đạt được sự tịch tĩnh vô vi, dứt mọi tham đắm vướng mắc, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhận rõ về mọi tạo tác biến chuyển trong cõi Vô sắc và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như cùng gắn bó với sắc nên đọa nơi cõi Dục, còn ở nơi chốn thanh tịnh thì dứt mọi tạo tác về vọng tưởng, đó là Bố thí. Nhận rõ về nẻo hành động, tạo tác của năm sự, nương theo giới, định, tuệ để thông tỏ và vượt qua mọi nhận thức về các đối tượng, đó là Trì giới. Ví như có thể tiêu diệt sạch mọi đối tác của nhân duyên thì mọi nẻo họa phước cũng không sinh khởi, đó là Nhẫn nhục. Siêng năng tu tập, dốc sức hành động nhằm tạo được sự bình đẳng không nghiêng ngả theo nẻo tà, đó là Tinh tấn. Như dốc lòng tin tưởng để thực hiện việc tu tập tinh chuyên dứt trừ mọi lối uế trược, đó là Nhất tâm. Mọi đối tượng được nhận thức lãnh hội luôn sáng tỏ như ban ngày có mặt trời nên đi đường không thấy nơi tối tăm mờ mịt. Mọi nơi chốn không bị phá hoại nên thảy đều được cứu độ, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là quan sát về sự an trụ của các pháp thanh tịnh, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như thực hiện sự nhận thức để thấy rõ về các xứ sở được an trụ vững vàng, chính từ cõi Từ bi thanh tịnh mới nhằm đạt đến sự an trụ ấy, đó là Bố thí. Hay như có thể đạt được từ những hành động đem lại các báo ứng tốt đẹp, từ đấy dứt mọi nẻo tạo tác sai lầm của ba nghiệp thân, khẩu, ý, đó là Trì giới. Tinh tấn phụng hành các pháp của bốn ân khiến cho không lúc nào bị dứt tuyệt, đó là Nhẫn nhục. Nơi chốn quán tưởng luôn thể hiện tính chất an nhiên của tâm đạo lồng lộng vượt mọi biên vực bờ cõi, đó là Tinh tấn. Chứa công vun đức ngày ngày luôn tăng trưởng theo đúng nẻo hành hóa của Bậc Giác Ngộ, đó là Nhất tâm. Lãnh hội đầy đủ các pháp thanh tịnh, giải thoát nhằm tiêu trừ mọi nẻo sinh tử của chúng sinh, kể cả các tưởng về thiện ác cùng các tưởng chấp về các pháp, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm vun trồng các pháp mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như nhận rõ về các pháp khổ nhưng do chưa lãnh hội thấu đạt mà tạo tác mọi nẻo họa phước, đó là Bố thí. Hoặc như nhận thức đúng đắn về nẻo giữa, tâm dứt mọi vướng mắc về nơi chốn, cũng không nghiêng ngả theo hai nẻo hữu vô, đó là Trì giới. Hay như nhận biết về ái dục liền nhanh chóng dứt trừ, không khiến cho chung sinh trưởng, phát triển, đó là Nhẫn nhục. Tánh luôn giữ vững nẻo chính, chưa từng bị sai trái hay mất mát đối với con đường tu tập theo đạo Chánh giác Vô thượng, đó là Tinh tấn. Luôn gồm đủ chủng tánh của ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, khiến cho Phật chủng không hề bị đoạn tuyệt, đó là Nhất tâm. Tâm thành tựu tám bậc, thấu đạt một cách trọn vẹn về các pháp, dứt mọi chấp giữ trong quá trình tu chứng, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.