KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 23: CA NGỢI VỀ CÁC VIỆC XƯA

Bấy giờ, Đức Phật lại bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Về thời quá khứ xa xưa, có Đức Phật hiệu là Như Lai Vô Lượng Tinh Tấn, là Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng đầy đủ các tôn hiệu Minh Hạnh Thành Vi, Thiện Tuệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Hiệu Thế Tôn, đã vì hàng trăm ngàn ức các đệ tử cùng các chúng trời, rồng, quỷ thần… mà thuyết giảng về pháp Định ý ấy.

Lúc này, có một vị quốc vương tên là Đức Hoa, được nghe Phật thuyết giảng về ý nghĩa của phap Định ý đó, nên đã nói với tám vạn bốn ngàn các vị hậu phi, thể nữ cùng một ngàn người con:

Pháp Định ý ấy thật vô cùng sâu xa khó có thể nhận rõ, diệu nghĩa mà nó nhằm hướng đến thật mênh mông, vời vợi, rất kho tiếp cận, mà nếu tiếp cận được cũng không thể thông tỏ một cách trọn vẹn. Tuy khó có thể thực hành nhưng cũng mong cầu có được hiểu biết đúng đắn. Chỉ thệ nguyện, tâm tư, hành động đều nên dồn vào việc khuyến trợ pháp định ấy. Bởi vì những điều Phật diễn giảng là hết sức thích hợp đem lại niềm vui sướng vô hạn. Hết thảy mọi người đều nên dốc tâm cùng khuyến trợ pháp Định ý kia. Những điều Đức Thế Tôn giảng dạy ấy thật vô cùng tốt đẹp. Do sự khuyến trợ ấy nên luôn vượt qua được mọi hoạn nạn trong tám mươi kiếp sinh tử. Ngay ở nơi gia đình cũng đạt được pháp Tổng trì, tên là Sự Nghiệp. Đã không còn vướng ở nẻo nghi ngờ do dự mà thảy đều hết lòng tin tưởng đúng như lời Phật chỉ dạy. Từ gốc công đức được vun đắp ấy nên luôn được gặp gỡ hàng ba ức triệu chư Phật, Thế Tôn, đều cùng với chư Phật đạt được pháp Tam-muội ấy, không bị đọa vào ba đường ác với những nẻo khổ đau, phiền não mãi vây bủa, cũng không gặp phải tám nạn với các ách luôn đè nặng trói buộc. Nhân đấy, mọi tạo tác, hành hóa đã thành tựu, chứng đắc quả vị Tối chánh giác của đạo Giác ngộ vô thượng, độ thoát chúng sinh trong mười phương không loài nào là không được đội ân cứu giúp, tế độ.

Này Bồ-tát Hỷ Vương! Bồ-tát có ý nghĩ như thế nào? Vị vua tên là Đức Hoa ấy phải chăng là một người xa lạ? Chớ nên nghĩ như vậy. Vì sao? Vì vị vua ấy hiện tại chính là Đức Như Lai Vô Lượng Quang, còn một ngàn người con của nhà vua chính là một ngàn vị Phật ứng hiện trong Hiền kiếp. Chỉ dốc tâm khuyến trợ pháp Định ấy mà có được thần túc, oai đức long lộng như thế, huống chi là còn nhất tâm đọc tụng, phụng hành, thực hiện, gìn giữ đúng theo chánh pháp đã nêu dạy.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Về thời quá khứ xa xưa, trong vô số kiếp về trước, bấy giờ có Đức Phật hiệu là Lạc Vô Lượng Thí, cùng với chúng quyến thuộc là mười ức triệu vây quanh và Đức Phật vì họ mà thuyết pháp. Ánh hào quang màu vàng óng tỏa chiếu rực rỡ nơi chỗ Phật đang giảng nói. Từ chỗ sáng chói đó, ánh hào quang hòa nhập với mùi hương xích chiên-đàn cùng các loại hương thù diệu khác quyện tỏa xông khắp mười phương. Do chính bản thân Đức Phật luôn tinh tấn siêng năng trong sự tu tập, luôn thương xót nhớ nghĩ đến hết thảy chúng sinh, phụng hành đạo pháp thanh tịnh, trong sáng nên mới đạt được phước báo về công đức như vậy.

Thời ấy có vị Chuyển luân vương tên là Trạch Minh, từ việc so sánh các hình tượng trên mà biết được oai đức của Phật, nên đã dốc tâm cúng dường đầy đủ, phụng hành bình đẳng Bậc Chánh Giác cùng hết thảy các vị trong Thánh chúng, nơi mỗi mỗi tinh xá đều khiến người chu cấp. Nhà vua cũng cùng nghe về pháp Tammuội Định ý ấy, nhân đấy mà mọi hành động của nhà vua đều có ảnh hưởng đến khắp mọi nơi chốn trong cõi, hết thảy chánh pháp do Phật nêu bày, giảng dạy cũng được nhà vua nhất tâm tham vấn, thọ nhận các yếu nghĩa. Có vị thị giả của Đức Phật tên là Vô Tổn Trí, là bậc nghe rộng nhớ nhiều chưa hề bỏ quên các điều Phật dạy, luôn thích nghi với hoàn cảnh nhưng không trái với những chuẩn mực của chánh pháp.

Lúc ấy, Đức Phật nói với vị thị giả: “Chư Phật đều lý giải thông tỏ về pháp Tam-muội Định ý ấy. Như ta vốn tu tập được pháp Tam-muội đó trong hoàn cảnh là phải lìa khỏi những ràng buộc của gia đình, nhờ đấy mới có thể lãnh hội thông suốt diệu nghĩa sâu xa của nó.”

Vị Chuyển luân vương được nghe những lời dạy thân thiết của Đức Phật như thế bèn tâm niệm: “Ở nơi đất nước uế trược làm sao tìm được thanh tịnh, chỉ có thể lìa khỏi đất nước, ngôi báu, sự nghiệp, cạo bỏ râu tóc, mặc lấy chiếc ca-sa làm vị Sa-môn, rời đục theo trong thì mới có thể ứng hợp với lời Phật dạy.”

Tức thì nhà vua thực hiện ý định của mình: Bỏ đất nước, lìa ngôi báu, không chút tham tiếc đối với bốn phương bờ cõi, lại cạo sạch râu tóc, mặc pháp phục là chiếc ca-sa làm vị Sa-môn, cùng với một ngàn người con, tám vạn vị đại thần, tám vạn bốn ngàn các hậu phi thể nữ, thảy đều theo nhà vua xuất gia và cùng làm Sa-môn, tất cả đều đi đến nơi Đức Phat, cung kính đảnh lễ dưới chân, quỳ gối chắp tay thưa hỏi về pháp Tam-muội Định ấy.

Bấy giờ, Đức Phật đã rõ căn tánh của họ đến độ thuần thục, nên đem pháp Tam-muội ấy, đầy đủ trong bảy ngày giảng dạy một cách tường tận. Tất cả các vị Sa-môn kia đều dốc tâm lãnh hội và lần lượt cùng bày tỏ, đây là pháp Tam-muội, không dễ gì được gặp được nghe, vậy chúng con xin đem hết lòng thành để biên chép ra, vừa giữ gìn đọc tụng, học hỏi, lại vì người khác mà nêu giảng.

Được Đức Phật chấp thuận, họ đã biên chép pháp Tam-muội ấy và dốc tâm cúng dường, phụng trì, mỗi người giữ lấy một quyển để có thể đọc tụng.

Sau khi mạng chung, các vị ấy thảy đều cùng được gặp đến sáu mươi ức triệu chư Phật đều là Bậc Chánh Giác, mỗi người đều ở chỗ chư Phật để được nghe giảng về pháp Tam-muội thâm diệu ấy. Do từ gốc công đức đó mà hết thảy các vị Sa-môn kia đều thành Phật, đúng như bản nguyện chân chánh của mình đối với chánh pháp.

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Hỷ Vương! Hẳn Bồ-tát muốn biết vị Chuyển luân thánh vương thời ấy có ý nguyện rộng khắp đó là ai, chính là Đức Như Lai Định Quang. Còn vị thị giả của Đức Phật thời ấy tên là Tỳ-kheo Vô Tổn Trí, chính là Đức Phật Duy-vệ. Về một ngàn người con của nhà vua thì đó chính là một ngàn vị Phật đã lần lượt ứng hợp trong Hiền kiếp, vì có sáu mươi lăm kiếp sẽ bị dứt đoạn, không có Phật ra đời, sau đấy có một kiếp hiệu là Đại danh xưng, một ngàn vị kia trong kiếp đó đều cùng đắc quả vị Tối chánh giác. Còn tám vạn vị đại thần của bậc Chuyển luân thánh vương thời ấy, ở trong kiep Đại danh xưng thảy đều dốc tâm học đạo, qua hết kiếp ấy thì có một khoảng thời gian bị dứt hẳn, lại trong tám mươi kiếp đều không có Phật ra đời, sau đấy có một kiếp tên là Dụ tinh tú, bấy giờ tám vạn vị đại thần kia, ở trong kiếp này đều thành Bậc Tối Chánh Giác. Hết kiếp Tinh tú thì có một thời gian dài bị dứt hẳn vì lại có đến ba trăm kiếp cũng không có Phật xuất hiện ở đời, sau đấy có kiếp tên là Trọng thanh tịnh và số lượng tám vạn bốn ngàn các vị hậu phi, thể nữ của bậc Chuyển luân thánh vương thời trước, ở trong kiếp này đều cùng đạt quả vị Tối chánh giác, mỗi vị đều có danh hiệu riêng.

Đức Phật nói tiếp:

–Này Bồ-tát Hỷ Vương! Pháp Tam-muội Định ấy đã đem đến những phước báo thật vời vợi vô bờ bến, vì thế hôm nay Như Lai hết lời giao phó dặn dò đối với hết thảy các vị Bồ-tát: “Nếu có những vị Bồ-tát tu tập và thể hiện tính nhân hòa, tâm dứt moi vướng bận ràng buộc, không tham luyến thân mạng mình, thì nên chuyên nhớ nghĩ mong đạt được pháp Tam-muội định ấy.

Nếu có những vị Bồ-tát dốc tâm tu tập để chóng đạt đến quả vị Tối chánh giác của đạo Bồ-đề vô thượng, thì nên siêng năng tinh tấn học hỏi pháp Tam-muội Định ý này, lãnh hội, kính giữ, đọc tụng, nhất tâm phụng hành, lại vì người khác mà giảng giải rộng về diệu nghĩa.”

Đức Phật bèn đọc tụng:

Mong cầu diệu nghĩa đạo
Đạt quả vị Phật-đà
Nên tinh cần tu học
Thiên Trung Thiên tôn quý
Về các nẻo học khác
Chẳng đưa đến giác ngộ
Chỉ nên lập chánh trụ
Tu tập đúng nẻo đạo
Như tin, vui đức ấy
Nơi chốn sinh chẳng đổi
Nẻo thệ nguyện như thế
Được phước báo thích hợp
Do vậy đem tâm hòa
Không mang ý dua nịnh
Chuyên tinh đường tu tập
Đúng theo lời chỉ dạy.
Lời Phật ngợi khen điểm thù thắng
Như muốn tiếp cận mọi uy thần
Cùng nêu rộng lời giáo pháp dạy
Nên tu tập đúng nẻo người trước
Như cùng khuyến trợ đầy đủ đức
Hay lại chấp trì cùng đọc tụng
Chúng sinh tư duy còn khó đạt
Huống chi nghe, lãnh hội phụng hành
Như phân biệt giảng, nhằm giáo hóa
Thể hiện cõi rực rỡ của đạo
Dốc đạt tướng tốt cùng pháp Phật
Thời nên đạt pháp Tam-muội ấy
Tiêu trừ bao tội cùng diệt ma
Dứt sạch mọi kiến chấp, tham, ái
An lạc, thanh tịnh nơi cõi Phật
Theo pháp định ấy tất chóng đạt
Liền được giải thoát, đủ ánh sáng
Thu tóm nắm giữ mọi tạo tác
Sở nguyện thành tựu đạt Chánh giác
Trụ pháp định ấy, báo ứng hợp
Phật luôn ngợi khen nên chỉ dạy.
Các ông như chẳng theo pháp ấy
Về thời vị lai chớ mang giận
Rằng ta đánh mất Nhất thiết trí
Nay chỗ khen ngợi pháp vô cực
Nếu có mộ tìm dấu đạo sáng
Như gặp, khó hành đúng diệu nghĩa
Dựa chấp nơi thân nên mịt mờ
Vị lai đời mạt, làm kẻ trái
Tiêu diệt các pháp, đọa nẻo ác
Các bậc Đại trí thảy nên lo
Luôn lìa bụi bặm, dứt phóng dật.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Như có các vị Bồ-tát, trong hàng ngàn kiếp phụng hành sáu pháp Độ vô cực, nhưng bỏ hết các phương tiện quyền xảo, chẳng bằng trong một lúc được nghe pháp Tam-muội chánh định ấy mà dốc tâm khuyến trợ. Từ thời xa xưa đến nay, chỗ tạo lập các phước đức thường lấy kinh điển làm điểm cao cho sự so sánh để nương theo đó mà vun trồng công đức, đối với pháp Tam-muội ấy thì sự so sánh còn gấp trăm ngàn lần vạn lần, hơn ức vạn lần nữa, không thể dùng gì để ví dụ được.

Vì sao như thế? Là vì kinh ấy hàm chứa những điều vô cùng quan trọng, chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều từ nơi ấy phát sinh và thành tựu. Các Đức Như Lai như Đại Mục A-di-đà, Đại Mục A-súc, một ngàn vị của Hiền kiếp, ba đời không hạn lượng đều từ pháp định ấy tu tập đạt quả vị Phật-đà. Giống như hư không hàm chứa thọ nhận hết thảy hàng vạn chủng loại hiện có trong mười phương, ba cõi, hữu hình hay vô hình, pháp định ấy cũng như thế. Cõi mênh mông của đạo Chánh giác Vô thượng bao hàm mọi nẻo tu tập giác ngộ, từ đấy khai thị, giáo hóa muôn loài hội nhập vào pháp thân thường trụ.

Lúc Đức Phật giảng nói kinh này, các vị Bồ-tát không thể tính kể đã lãnh hội một cách thấu đáo và đều được đứng vững nơi địa Không thoái chuyển. Vô số người thảy cũng phát tâm Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, các chúng hội trong mười phương đều cùng được đội ân, những tám mươi ức chư Thiên, chúng nhân đều xa lìa mọi thứ phiền não cấu uế, phát sinh pháp nhãn. Chư Thiên cùng chúng nhân được nghe Phật thuyết giảng ấy, tâm thiện phát khởi, tâm đạo sáng tỏ, nên đã tung rải hoa khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, phủ lên thân tướng Phật. Trong tam thiên the giới cũng hiện ra đủ sáu cách chấn động. Chư Thiên trụ nơi hư không hòa tấu hàng trăm ngàn thứ kỹ nhạc, đem lại sự an vui thích thú cho Phật và các vị trong đại chúng, Bồ-tát Hỷ Vương cùng với ba mươi ức vị khác thảy đều trong một lúc đạt được pháp Tam-muội ấy.

Bấy giờ, Thiên Đế Thích liền đến trước Phật, thưa:

–Sung sướng thay pháp giáo hóa với ý nghĩa vô cùng thâm diệu không gì có thể sánh được! Từ xưa tới nay chưa từng được nghe thay những diệu nghĩa chân chánh như vậy. Các pháp Độ vô cực mỗi mỗi loại được nêu bày đầy đủ, rõ ràng, từng phẩm từng phẩm được tuyên giảng không gì là không thông suốt tường tận, trong ngoài, trên dưới, các mặt nổi chìm của giáo pháp đều được mở ra, chỉ rõ. Ba độc, năm ấm với mười hai nẻo dẫn dắt, bốn đại, sáu trần với bao nẻo che lấp mê mờ, đều nên gấp dứt trừ. Đã nêu bày chỉ dẫn về bốn tâm vô lượng, bốn ân, sáu pháp Độ vô cực, ba cánh cửa giải thoát là Không, Vô tướng, Vô nguyện, tâm đại Từ, đại Bi với việc khéo dùng các phương tiện để diễn đạt giảng giải rộng khắp đạo pháp, giáo hóa muôn loài nhằm tiêu trừ tám vạn bốn ngàn thứ phiền não trói buộc chúng sinh, lại cũng kịp thời diệt trừ bốn thứ ma, khiến chúng quy phục. Nẻo đạo giác ngộ cũng như thuốc hay chữa trị lành bệnh của chúng sinh nơi ba cõi, dùng thuyền của ba đức thông đạt mà chở, độ các loài trong mười phương. Chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều từ sự tu tập pháp Tam-muội ấy mà thành tựu. Ca ngợi tán thán vô số chư Phật thời quá khứ là điểm khởi đầu để các bậc tu học từ đây trở đi phát tâm Bồ-đề, vun đắp các hạnh giác ngộ chân chánh để tự chứng đắc quả vị Phật-đà. Đức Thế Tôn đã nêu bày về quá trình tu tập của một ngàn vị Phật, từ lúc phát tâm cho đến khi thành Bậc Tối Chánh Giác, cùng với các chi tiết về đất nước, cha mẹ, các con, thị giả gần gũi, các bậc đứng đầu trong chúng đệ tử, nẻo đường tu học cũng như dạy bảo đệ tử…

Chúng tôi được nghe hết những điều ấy như ở chốn tối tăm mà bỗng được nhìn thấy ánh sáng. Nếu có người tu học, lãnh hội và thực hành những diệu nghĩa cốt yếu của kinh Hiền Kiếp Tam-muội này thì chúng tôi cùng với đám thuộc hạ sẽ thân hành đến tận nơi để hộ trì, sẽ khiến cho tâm an ý định, luôn minh mẫn, chúng tôi sẽ thường có mặt bên cạnh để bảo vệ, giữ gìn, khiến chúng tà ma quỷ dữ tự nhiên tiêu trừ, nhờ vậy mà các vị tu học sẽ dốc tâm ý, thêm tinh tấn, có được sự an ổn lâu dài.

Đức Phật nói:

–Lành thay, Thiên đế Thích! Như Lai nay thật hết sức hoan hỷ! Như muốn khuyến trợ, bảo vệ đạo giác ngộ vô thượng, cũng là chốn phát sinh và thành tựu của chư Phật ba đời, thì không ngoài việc khuyến trợ việc khéo sử dụng các phương tiện để tu tập sáu pháp Độ vô cực và ba mươi bảy thứ trợ đạo, vì nếu bỏ các pháp ấy đi thì hết thảy các pháp khác sẽ không thể đạt được. Những người tu học các pháp ấy sẽ vượt qua mọi nẻo sinh tử, mau thành tựu quả vị Chánh giác.

Bấy giờ, Tứ Thiên vương liền đến trước Phật, thưa:

–Kính thưa Thế Tôn! Chúng tôi sẽ xin lìa bỏ các thú vui an nhiên trên cõi trời, để đích thân đến các nơi chốn tu tập của các vị Pháp sư mà dốc tâm hộ trì. Trong khoảng một trăm do-tuần bao quanh nơi tu tập ấy, khiến luôn được an ổn, thanh tịnh, cũng như luôn hộ trì các vị Pháp sư trong việc truyền bá chánh pháp rộng khắp để hóa độ muôn loài, làm cho đạo pháp của Bậc Đại Thánh mãi mãi trường tồn. Chúng tôi cũng dốc tâm hộ trì khiến cho quá trình tu tập của một ngàn vị Phật trong Hiền kiếp được lưu hành khắp mười phương. Để cho các bậc tu học ở đời sau này hâm mộ lãnh hội cùng theo đó mà tu tập thành tựu, khiến cho pháp Tam-muội ấy luôn được tiếp nối phát huy, Tam bảo được hưng thịnh và tất cả chúng sinh đều được đội ân tế độ.