KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 24: GIAO PHÓ, DẶN DÒ

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Hiền giả A-nan:

–Hiền giả cũng như các vị trong chúng hội phải dốc tâm thọ nhận bản kinh nói về nơi xuất phát và thành tựu của chư Phật xưa nay. Thân mạng người khó được, kinh điển, đạo pháp khó gặp, được gặp Phật ra đời lại là việc khó hơn nữa! Vì sao biết đó là điều khó?

Như một ngàn vị Phật đã trải qua sáu mươi lăm kiếp ở đời không có Phật, trong khoảng thời lâu như thế hoàn toàn vắng bóng Phật! Qua hết kiếp Đại xưng, trong tám mươi kiếp tiếp theo cũng lại không có Phật xuất hiện! Hết kiếp Tinh tú, trải qua ba trăm kiếp nữa, giáo pháp thâm diệu hầu như vắng bặt vì Phật cũng không ứng hiện ở đời, cho tới kiếp Tịnh quang thì mới có Phật độ sinh. Vì vậy nên biết Phật ở đời là điều khó gặp và chúng sinh nơi thế gian thật là đáng thương! Vì chúng sinh luôn lao vào chốn tối tăm mờ mịt không biết đến đạo phap giải thoát, mãi bị cuốn theo dòng sinh tử luân chuyển không bến bờ! Như ở cõi địa ngục phải bị thiêu đốt, nung nướng với bao nỗi thống khổ độc hại, không thể tính biết là bao nhiêu năm tháng khổ não độc hại, không the tính biết là bao nhiêu năm tháng bị đọa đày. Hay ở chốn ngạ quỷ bị đói khát khốn khổ cùng cực, sống chết chẳng biết, thống khổ triền miên, không thể tính kể về thời hạn phải chịu, làm sao biết được lúc nào thoát khỏi! Hoặc nơi loài súc sinh, cầm thú, cùng sát hại ăn thịt lẫn nhau, nhận lấy bao sự độc hại ấy liên tục trong bao nhiêu kiếp. Từ cõi tăm tối đi vào chốn tối tăm, từ cảnh khổ này nối tiếp cõi khổ khác. Ra khỏi cảnh địa ngục lại vào chốn ngạ quỷ, rời bỏ nơi ngạ quỷ lại vào loài súc sinh với bao thứ sâu bọ côn trùng, như các loài trùn nơi đất, nơi phân nhơ, nơi cỏ rác, lúa rau… Thật vô số không thể nào nói hết được, chịu những nỗi thong khổ không lời nào diễn tả xiết, hết sức đáng thương!

Phật xuất hiện ở thế gian đều vì các loài chúng sinh ấy. Đã dùng lời giảng dạy, đã khai mở chỉ dẫn nhưng chẳng chịu tin tưởng thọ nhận, lại phóng tâm theo nẻo buông lung không biết gìn giữ như kẻ mù lao vào chỗ tối tăm, như người điên cuồng tự dìm mình chìm trong nước, như kẻ mê cứ ào tới hang sâu không thấy những tai nạn đang chờ mình. Phật đem tâm đại Bi nêu bày rõ về đạo giác ngộ lớn lao, giảng dạy đầy đủ về các pháp Độ vô cực gồm đến tám vạn bốn ngàn nẻo, dùng vô lượng các pháp để hóa độ chúng sinh, dứt trừ mọi khổ hoạn của bao phiền não trói buộc tới những tám vạn bốn ngàn loại, dứt trừ các nạn của bốn thứ ma, thảy đều được hàng phục. Lại không chấp vào sự phân biệt tôi, ta, từ đấy khiến phát tâm Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, tu tập theo các pháp Bồ-tát, cứu giúp bao nỗi khổ về sinh tử, không còn bị đọa vào ba đường ác, tự độ mình cùng độ kẻ khác, dứt sạch mọi hoạn nạn trong ba cõi. Nhưng về sau này, vào đời vị lai, các bậc tu học trong bốn chúng, nghe giảng về các pháp tu của Bồ-tát, thông tỏ và tỏ ra thích thú hết mực, nhưng lại không đọc tụng, tâm chỉ ôm giữ những điều chấp trước, vui thích với lối nói năng câu lời lan man lộn xộn, không chú vào sự tìm hiểu lãnh hội những ý nghĩa thâm diệu của các pháp, không hay nẻo giác ngộ sâu xa, an nhiên, vô tận. Lại dấy những chỗ bắt chước hoặc tập nhiễm cho đó là hơn hết, có nghe nói tới đạo giác ngộ lớn lao thì cho mình không đủ sức để lãnh hội! Muốn có được những hiểu biết dễ dãi để nói về chuyện tội phước, toàn là dựa dẫm để khoa trương, cậy vào các tập tục về Thần tiên hoặc các thứ sách vở của thế gian bàn đủ chuyện tạp nhạp, cho đấy là điều cao xa để cùng học hỏi, tự bày tỏ sự hớn hở tột độ như là niềm vui mừng chưa hề có! Nhờ có những công phước từ trước nên được nghe giảng các pháp thâm diệu, nhưng lại hiểu theo nghĩa phản lại, đó chính là một sự phản bội nặng nề mà không thể biết! Thêm vào chuyện ngủ nghỉ li bì, hoặc nằm mà không thèm nghe giảng, chánh pháp suy đốn, đến nỗi bị diệt đều do những nguyên nhân như thế.

Đức Phật nói tiếp:

–Ta nhớ lại về thời quá khứ trải qua vô số kiếp về trước, đã từng tỏ ra thích thú với lối hiểu biết diễn tả câu lời lan man cạn cợt mà vọng tưởng là có sự am tường vững chắc, đối với sáu pháp Độ vô cực không thể tự đạt, nói chi tới việc lãnh hội rốt ráo đạo giác ngộ lớn lao. Đến khi được gặp Đức Phật Định Quang thì mới tỉnh ngộ, lìa bỏ mọi thứ vọng tưởng, tâm dứt hết các mối vướng mắc, mới đạt đến pháp nhẫn Vô sở tùng sinh, nhờ đấy mà được Đức Phật Định Quang dẫn dắt và thọ ký, rõ ba đời là không, tu tập các pháp vô ngại. Kịp đến hôm nay, ở cõi đời đầy năm thứ vẩn đục này, nhiều nghịch ít thuận, tội lỗi thật không tính kể xiết, nhưng chính ở cõi đời sau này mà ta thị hiện thân Phật, để nhằm hóa độ hết thảy mọi nẻo ô trược khiến cho chúng sinh đi về với đạo pháp, cứu giúp các nạn trong khắp ba cõi khiến thảy được hoàn toàn an lạc.

Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

–Hiền giả phải gắng thọ nhận con đường tu tập của chư Phật quá khứ, hiện tại cũng như vị lai, tức là các pháp Độ vô cực gồm tám ngàn bốn trăm pháp biến làm tám vạn bốn ngàn pháp, cùng với quá trình tu tập của một ngàn vị Phật trong Hiền kiếp, gồm có các nẻo hành hóa ở đời trước, tư lúc bắt đầu phát tâm cho tới khi đạt quả vị Phật-đà, cả về đất nước, thọ mạng, cha mẹ, vợ con, hàng đệ tử xuất sắc, số lượng chúng sinh được hóa độ… cần chú ý về nẻo giáo hóa, cũng giống như người trồng cây gieo hạt giống vào đất, không thể nhìn thấy hạt giống ấy, cả mình cùng người ngoài, nhưng mầm từ hạt giống sẽ dần dần sinh trưởng, nhân đó mà trở thành đại thọ vô cùng cao lớn, um tùm, che phủ cả một vùng đất, với cành lá hoa quả, đem lại lợi ích cho dân chúng xa gần khắp chốn. Bồ-tát hành hóa cũng như vậy. Từ lúc bắt đầu phát tâm Bồ-đề trở đi, tức là bắt đầu ít phước, rồi tích lũy công đức, cho đến khi đủ năng lực tu tập các pháp Độ vô cực rộng lớn, tự chứng đắc quả vị Tối chánh giác nhằm độ thoát hết thảy các loài.

Này Hiền giả A-nan! Hiền giả cũng như các vị trong chúng hội đây phải gắng thọ trì, đọc tụng, lại vì người khác mà thuyết giảng đối với kinh này, vì đó là con đường cần được phụng hành của các vị Bồ-tát ở các đời sau. Nếu như ở trong một ngàn kiếp thực hành sáu pháp Độ vô cực khỏi phải sử dụng các phương tiện quyền xảo thật không bằng được nghe và lãnh hội các điểm cốt yếu của kinh điển này, phước đức nhiều hơn trường hợp trên. Huống chi lại còn dốc tâm thọ trì, đọc tụng, tuyên giảng chỉ rõ cho bốn chúng để cùng học hỏi, tu tập và thành tâm phụng hành thì phước đức thật không thể ví dụ hết.

Lại phải ân cần biên chép ra sách vở, chớ để thất thoát dù là một chữ. Vì sao? Vì đấy là nơi chốn phát sinh và thành tựu của chư Phật trong ba đời, nên cần tuyên giảng chỉ rõ để cùng tu học và lưu hành rộng rãi khắp mười phương, khiến cho hết thảy chúng sinh đều được đội ân đạo Từ bi, đó chính là báo ân Phật.

Hiền giả A-nan thưa với Đức Phật:

–Kính thưa Thế Tôn! Chúng con xin dốc tâm nhận lấy việc dùng ngôn ngữ để tuyên giảng, chỉ rõ khắp hết thảy mọi nơi chốn, vậy kinh này tên gọi là gì và làm thế nào để phụng trì?

Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

–Kinh này tên là Hiền Kiếp Tam-muội Thiên Phật Bản Mạt Quyết Chư Pháp Bản Tam-muội Chánh Định (Pháp Tam-muội trong Hiền kiếp, nói về quá trình tu tập của một ngàn vị Phật, xác định rõ về các pháp căn bản của pháp Tam-muội – Chánh định). Nên theo ý nghĩa ấy mà phụng hành nhằm tuyên giảng nêu bày khắp mười phương vô tận.

Đức Phật giảng nói xong kinh này xong, Bồ-tát Hỷ Vương cùng các vị Khai sĩ, các vị hàng Thanh văn, Thiên, Long, Quỷ, Thần, Atu-la, Người… được nghe Phật thuyết giảng thảy đều hoan hỷ cung kính đảnh lễ và lui ra.

*********

“Kinh Hiền Kiếp, vào ngày 21 tháng 7, niên hiệu Vĩnh Khang nguyên niên (Đời Tấn Tuệ Đế, năm 300 TL) Pháp sư Trúc Pháp Hộ người nước Nguyệt Chi, từng theo học vị Sa-môn người nước Kế Tân, được kinh Hiền Kiếp Tam-muội này, tay cầm kinh, miệng tuyên giảng. Bấy giờ, một số thân hữu của Pháp sư từ Lạc Ký đến mới bàn chuyện ghi chép kinh, người được giao việc chấp bút là Triệu Văn Long.

Xin nguyện cho công đức này với chút phước được lưu hành trong mười phương khiến khắp nơi đều được đội ân, lìa mọi tội lỗi che chắn. Yếu chỉ của kinh này là lần lượt được biết về một ngàn vị Phật, cung kính, đảnh lễ bậc đem đạo độ đời, nhân lấy sự quyết định của Bồ-tát, đạt đến pháp Nhẫn vô sinh, cho tới hết thảy các pháp trong mười phương cũng vậy.”