KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 8: NÓI VỀ TÍNH CHẤT VƯỢT MỌI BIÊN VỰC

Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Thế nào gọi là vượt mọi biên vực tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như thấy chúng nhân tâm bị bao thứ tăm tối mê lầm che phủ, trước hết là bố thí giúp đỡ họ, sau đấy thì mới vì họ mà thuyết pháp để giáo hóa, dẫn dắt, đó là Bố thí. Như họ còn mang nặng nhiều thứ phiền não thì phải tận lực giảng dạy dứt trừ sạch, đó là Trì giới. Đối với hạng người đời ngu si mê muội, chấp trước về “nhân tưởng”, không biết khiếp sợ, tâm chẳng có nơi chốn quy kính, thì phải vì họ mà phân tích, thuyết giảng để khiến họ vượt qua được mọi biên vực tăm tối ấy, đó là Nhẫn nhục. Như khéo dùng các phương tiện để xua trừ mọi chướng ngại của ánh sáng, khiến cho ánh sáng ấy dứt sạch mọi âm u, đó là Tinh tấn. Trụ nơi nhẫn vô ngã, dứt bỏ mọi thứ nghiệp tà để thực hiện thiền định tập trung, đó là Nhất tâm. Dùng trí tuệ để đem lại những thành tựu về biện tài, thâm nhập vào các nơi chốn với tinh thần bình đẳng mà thuyết giảng các pháp vượt mọi biên vực, nhưng đối với các pháp thiền định, định ý, chánh thọ, các cánh cửa giải thoát thảy đều không bị hủy hoại, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là tín đạo và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như có thể quyết định một cách dứt khoát về trường hợp nên bố thí để nhằm khuyến trợ đạo pháp, đó là Bố thí. Hoặc như xem xét các giới cấm không hề thiếu sót để cho việc thực hành được đầy đủ, hoàn hảo, đó là Trì giới. An trụ nơi cảnh giới Tứ thiền, phụng hành diệu lý Không, nhằm dứt trừ mọi tưởng về tham đắm, vướng mắc, đó là Nhẫn nhục. Như trụ ở pháp Không để thực hiện các phương tiện, cả thân, miệng, ý, hành đều không có chỗ vi phạm, đó là Tinh tấn. Tu tập các pháp thiền định, đối với nội giới hay ngoại cảnh đều dứt hết mọi tham vướng, đó là Nhất tâm. Như dùng trí tuệ lớn lao trụ nơi mười hai nhân duyên, đối với các pháp không vọng động, luôn thuận theo bậc Thánh minh, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là vì nhằm giải thoát mọi khổ ách của chúng sinh mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như thể hiện tâm Từ, xem đó là yếu tố hàng đầu, chí luôn vui vẻ, làm trong sạch cả ba cảnh giới, đó là Bố thí. Đạt được tâm chuyên tinh, thanh tịnh không còn cấu uế, đó là Trì giới. Như nhằm dứt trừ cõi địa ngục, cam nhận mọi thứ khổ não đều có thể điều phục, chế ngự tâm ý mình, đó là Nhẫn nhục. Thu tóm hết thảy bốn tâm vô lượng, thể hiện tâm nhân ái, ban ân, đem lợi lạc đến cho mọi người cùng được an hưởng, tùy thời sư dụng các phương tiện để cứu giúp mọi chúng sinh khốn khổ, đó là Tinh tấn. Hiện thân A-tu-la tu hành thanh tịnh, thân được an trụ thể hiện sự an định để che chở cho chúng sinh, tôn phụng các pháp dứt mọi giận dữ nhằm cứu giúp bao kẻ khác, đó là Nhất tâm. Hoặc như ý được thanh tịnh, mọi chỗ nhớ nghĩ đều đầy đủ, trụ nơi an định vững chắc để giáo hóa chúng sinh, chính vì nhằm nêu rõ mà dốc sức thuyết pháp để tiêu trừ mọi thứ phiền não, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là do hiểu pháp mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như có thể đạt đến mười tám pháp bất cộng của chư Phật, đó là Bố thí. An vui nơi kinh điển, từ đó tạo lập chí nguyện lớn, thành tựu được các pháp môn giải thoát, hộ trì cho sinh hoạt của thân, khẩu, ý, đó là Trì giới. Như dấy khởi tâm thương xót lớn lao vượt khỏi tâm từ nhỏ hẹp, vì chúng sinh nên thường thể hiện sự nhu hòa, dịu dàng, đó là Nhẫn nhục. Hoặc như đạt được bốn thần túc, có thể phi hành khắp nơi, luôn sử dụng các phương tiện mà lấy điều đó làm hàng đầu, ấy là Tinh tấn. An trụ nơi bốn ý chỉ, thiền định là gốc. Nghiên cứu thông suốt, nắm giữ đầy đủ, chỗ quảng diễn các pháp đều hòa hợp, đó là Nhất tâm. Thông hiểu văn tự đạt đến Tổng trì trình bày các pháp hội nhập nhất thiết ý, thu tóm bốn vô úy để nêu bày về tính chất không thoái chuyển, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là an vui trong tịch tĩnh tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như trong thời gian thực hiện công việc bố thí, tâm luôn được thu phục, do thu tóm được tâm nên dù ở tại riêng một chỗ, sở nguyện thảy đều có thể khuyến trợ được, đó là Bố thí. Hoặc có thể xua sạch mọi thứ ngăn ngại phủ vây khiến cho thân tâm được thanh tịnh trong lắng, đó là Trì giới. Mọi xứ sở nơi chốn sinh thành đều hiểu rõ về tính chất vô thường, khổ, chế ngự mọi thứ tưởng chấp, ham chuộng nhân ái thuận hòa, đó là Nhẫn nhục. Như mong đạt nơi diệu lý Không, Vô tướng, Vô nguyện, cho đến các pháp tịch nhiên giải thoát, đó là Tinh tấn. Hoặc dùng thiền định tư duy để tiêu diệt mọi phiền não cấu uế, thực hiện các pháp định ý nhưng không rời bỏ giác ý, đó là Nhất tâm. Đem trí tuệ vui với các pháp tịch nhiên, cảnh giới vô vi tự tại như tỏa ánh sáng rực rỡ vì đã đạt được tám môn giải thoát, từ đó vì người khác mà thuyết pháp, không rơi vào các quả vị Thanh văn, Duyên giác, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là ham thích quán tưởng và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như dứt trừ mọi vọng tưởng, chẳng kể có con người hay là không, đó là Bố thí. Xem xét kỹ mọi sự việc từ xưa cũng như về sau này, tâm tự suy nghĩ luôn quán xuyến khắp chốn, tất suy niệm và nhận biết mọi đối tượng đạt được là “vô sở đắc”, đó là Trì giới. Như tâm còn vướng lỗi lầm đối với tất cả các pháp, phải luôn quán tưởng về người, chúng sinh, thọ mang. Từ đấy mà nhận rõ, đó là Nhẫn nhục. Gắng gổ an trụ nơi chốn quán tưởng để cho sự tư duy tĩnh lự được hưng khởi, phát triển, dứt sạch mọi chỗ dựa cậy, tập hợp được các phương tiện thính ứng cho việc tu hành, đó là Nhất tâm. Như chẳng tiếp cận với tham dục, dứt mọi lỗi lầm, đối với các pháp lỗi lầm không hề có sự phạm, vấp, không làm mất đạo ý thanh tịnh do diệt sạch các phiền não, tăng trưởng lòng thương để tự chế ngự tâm ý cùng hóa độ chúng sinh, ở nơi cõi gốc của mình một cách an nhiên tự tại, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là thông tỏ hết thảy mọi nẻo nhập và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Đối với tất cả các pháp không có ai đem sẵn cho mình, mà phải do chính mình đạt được, dùng điều ấy để khuyến trợ, cứu giúp hạng thấp kém, thiếu thốn, đó là Bố thí. Như đem tâm thương yêu rộng lớn khuyến khích giúp đỡ muôn loài, khiến chúng được yên ổn, đứng vững, luôn đầy đủ nẻo ánh sáng của bậc Thánh, không ôm lòng giận dữ, mọi hành xử thọ nhận luôn thể hiện sự vui vẻ, hòa hợp, đó là Trì giới. Hoặc như có thể đạt được pháp không thoái chuyển, giữ gìn một cách vững chắc không hề tỏ ra lơ là, đó là Nhẫn nhục. Dốc tin tưởng nơi vị đứng đầu, nương theo trí tuệ của bậc ấy mà sắp đặt thực hiện các phương tiện, đó là Tinh tấn. Đem những thành tựu của việc thực hiện đầy đủ, thông suốt các pháp thiền định chữa trị cho vô số chúng dân, khiến họ dứt được mọi nguy hại, tạo được sự thuần khiết, đó là Nhất tâm. Dùng trí tuệ trụ nơi tánh của các pháp, dốc tin tưởng, tinh tấn, đối với niệm và định, nơi an trụ ấy không có chút nghi hoặc, chẳng kể đến tính mạng, sử dụng các phương tiện quyền xảo để có thể hành xử nơi thế gian, đối với các bậc Hữu học, Vô học, cùng các vị đã đạt được trí tuệ của quả vị Duyên giác, đều khiến đạt đến Nhất thiết trí của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nêu giảng rõ các xứ mà tu các pháp Độ vo cực gồm có sáu sự việc? Đối với mọi trường hợp bố thí đều không dấy “nhị tâm”, luôn tạo được sự vui vẻ, bình đẳng, dứt mọi thiên lệch xu phụ, đó là Bố thí. Như có kẻ dùng văn chương tô điểm, tạo những tưởng chấp về giới pháp, hoặc dua nịnh kẻ phạm các giới cấm, thì phải tỏ rõ ấy là vọng tưởng, tâm không chút vướng mắc tham đắm, nhờ đấy mà giáo hóa được kẻ sai phạm, đó là Trì giới. Như có người làm đảo lộn mọi sự nhẫn mình đã thực hiện mà mình không hề thuận theo họ, lại nêu giảng rõ về các nơi chốn cùng đường nẻo báo ứng, đó là Nhẫn nhục. Tinh tấn mong đạt đến những thành tựu tốt đẹp, đối với mọi phương tiện cùng nơi chốn đều nên vượt bỏ, đó là Tinh tấn. Hoặc lại như dứt bỏ hết thảy mọi sở hữu, ở chính nơi sở hữu mà không bị sở hữu ràng buộc, đó là Nhất tâm. Luôn dùng quán tưởng xem việc dua nịnh các phước báo là sự tạo tác vô ích, nhận rõ nơi chốn mà thấu đạt là không có nơi chốn, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là không hại người, vật và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như bố thí cho Bậc Giác Ngộ cũng như cho hạng phàm phu, tâm không có sự khác biệt, đó là Bố thí. Nơi chốn tôn phụng giới pháp đều dứt sạch mọi tham đắm nhằm để tế độ chúng sinh, đó là Trì giới. Không còn vướng mắc trong vòng nguy hại, vượt khỏi tám pháp của the gian để gắng sức thực hiện trọn vẹn quá trình tu tập, đó là Nhẫn nhục. Hoặc như có thể thấu rõ mọi nẻo chánh tà, ma–Phật để dốc sức tin tưởng, siêng năng tu học, diệt trừ bao thứ chướng ngại, đó là Tinh tấn. Luôn thực hiện các pháp định, không hề bị trở ngại trong việc hội nhập vào các cánh cửa đạo đức, đạt đến quả bình đẳng, đó là Nhất tâm. Dùng trí tuệ xem xét, quán xuyến khắp mọi nẻo, đối với hết thảy mọi pháp thế gian đều có thể ứng dụng cho các pháp cứu đời của mình, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là không bị nghiêng đổ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Chí, tánh luôn thể hiện sự ôn hòa thuận hợp, không vụ hình sắc mà cốt là thích ứng với diệu lý, dùng pháp thí và tài thí đối với mọi người, đó là Bố thí. Tuy dốc phụng hành giới luật mà tâm luôn thuần phác chân thật, không dấy sự dối trá xu phụ, đó là Trì giới. Tâm bao la như hư không, luôn tạo được mọi sự hòa hợp, đó là Nhẫn nhục. Mọi nẻo tu tập luôn siêng năng dốc sức, lời nói thích ứng với việc làm, không dùng tài sản, sự nghiệp để nêu bày, diễn đạt những điều dối trá, đó là Tinh tấn. Các nẻo thiền định tư duy đã hoàn toàn dứt sạch mọi vướng mắc, tham đắm, đó là Nhất tâm. Sự tôn phụng con đường giác ngộ của bậc Thánh là nên thuận theo văn tự để đem lại lợi ích cho nhiều người khác, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là là nghèo thiếu tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như dứt trừ các hình sắc ngoại giới để tạo lập cùng phát huy đức hạnh, đem pháp bố thí cũng như bố thí y phục, thực phẩm, đó là Bố thí. Tánh không vụ vào các việc vụn vặt, phiền phức, tuân phụng theo đúng giới pháp, dứt mọi dua nịnh, đó là Trì giới. Tu tập thuận theo nẻo nhân hòa, tâm rộng mở như hư không chẳng hề tăng giảm, đó là Nhẫn nhục. Như gặp trường hợp khó khăn nguy khốn, dốc lo chuyện cơm áo mà thân tâm vẫn đạt được sự tịch tĩnh, đó là Tinh tấn. Như đạt đến cõi Phạm thiên mà làm công việc thuyết giảng về sự thực hành các pháp thiền định, nhân đó mà khuyến trợ đạo đức, đó là Nhất tâm. Hiểu biết phong phú dồi dào, ở trong cõi vây bủa phiền nhiễu của bao thứ của cải, tài sản, bao điều kiện cho phóng dật mà giác ngộ được tính chất cấu uế của chúng, không xa lìa mà cũng không lo sợ, chán nản, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là không trở lại mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đối với các trường hợp bố thí không chấp vào các pháp của Thanh văn, Duyên giác, đạo không thoái chuyển, đó là Bố thí. Tuy không còn trở lại nhưng vẫn luôn tuân giữ đúng giới luật, cho đến khi thành tựu được Phật đạo, đó là Trì giới. Vượt qua các quả vị Thanh văn, Duyên giác, không hề nửa chừng thoái chuyển mà giữ lấy cảnh giới diệt độ, đó là Nhẫn nhục. Như dốc hết sức tinh chuyên trong việc sử dụng các phương tiện quyền xảo để tu tập, không hề bị sai trái hay mất mát, cho đến lúc đạt được Nhất thiết trí, đó là Tinh tấn. Ví như Bồ-tát ở ngay trong cảnh gồm đủ tất cả năm thứ dục lạc mà vẫn có thể dùng các phương tiện thực hiện thiền định tư duy để có nhất tâm, diệt trừ mọi thứ phiền não, theo đúng nẻo trí tuệ, đó là Nhất tâm. Như đem trí tuệ giáo hóa hạng phàm phu, Samôn, Phạm chí, cả đến các bậc Thanh văn, Duyên giác, đem chánh kiến cứu đời, tạo nên tình thương lớn lao đối với muôn loài, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là xoay chuyển trở lại mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như trong việc bố thí không chỉ cầu tính chất giải thoát mà cũng không lìa bỏ các tập tục thế gian, đó là Bố thí. Hoặc học hỏi giới luật, chỗ lãnh hội thực hiện nên đem hướng dẫn, giảng giải cho hạng hiểu biết ít ỏi không thể tiếp cận được các vấn đề rộng lớn, đó là Trì giới. Như tu tập thể hiện tâm nhân ái một cách gắn bó, cho dù ở trong hoàn cảnh đầy những lỗi lầm, cấu uế, sân hận, đó là Nhẫn nhục. Hay như đem sự siêng năng tu tập của mình hướng đến các hoàn cảnh vui thú, sung sướng nhằm thúc đẩy những hạng khó chế ngự được hoàn cảnh chung chuyên cần tu tập như mình, đó là Tinh tấn. Như học hỏi thực hiện các pháp thiền định tư duy, ở ngoài sự nhẫn nhục, không phân biệt ta – tôi, đó là Nhất tâm. Nơi chốn mà trí tuệ hướng đến là nhằm hóa độ đối với mọi tạo nghiệp ở thế gian mà chính tự họ không thể dứt bỏ được, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trang nghiêm thanh tịnh tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Đối với trường hợp bố thí không hề mong cầu phước báo tăng thêm trong hết thảy mọi lãnh vực, đó là Bố thí. Tuân giữ các giới pháp, dứt sạch mọi thứ biếng trễ, lười nhác, lại luôn tinh cần phụng hành, đó là Trì giới. Lại đem tâm nhân hòa thể hiện, không có sự dựa cậy, tinh tấn hợp với đạo, đó là Nhẫn nhục. Lìa bỏ sự phân biệt giữa ta và không phải ta, đó là Tinh tấn. Như thực hiện các pháp thiền định không còn vướng bận mọi sở hữu, không tạo nhân duyên, sự thực hiện ấy mạnh mẽ và vững chải, đó là Nhất tâm. Hoặc phân biệt nhận rõ tất cả các thứ phiền não ngăn che vây phủ, không hề cảm thấy mệt nhọc, khó khăn, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là kiên cường tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu

sự việc? Mọi nơi chốn hóa hiện của quân ma không thể khiến mình lay động mà lìa bỏ thế giới tịch tĩnh. Bồ-tát thực hiện việc bố thí, tâm không hề động, đối với hết thảy mọi thứ sở hữu đều nên dứt bỏ, đó là Bố thí. Như đem những chỗ đạt được tốt đẹp thích thú trong việc tuân giữ giới luật, không bám lấy đó cho là điều tốt lành, hoặc lựa chọn phân biệt thời tiết, mà chỉ để khuyến trợ đạo pháp, đó là Trì giới. Tâm luôn thể hiện tính chất nhu hòa, uyển chuyển, không kẻ nào có thể hủy diệt được mình, mà bản thân mình có thể dứt trừ mọi sự trói buộc, đó là Nhẫn nhục. Như tinh cần vượt hết mọi lo ngại hoạn nạn, giáo hóa khắp chốn không hề chán bỏ một cõi nào, đó là Tinh tấn. Hoặc đem các pháp thiền định tư duy thực hiện đối với tất cả, nhờ đấy mà khuyến hóa được rộng khắp, bản thân mình đạt được tự tại, vô ngại trong quá trình hành hóa, đó là Nhất tâm. Như đối với các pháp giác ngộ của bậc Thánh, luôn nhẫn nhục tư duy để mong tiếp cận mọi nẻo thực hiện cố gắng theo đúng đường, không rơi vào sự lầm lạc, vọng động, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là hưng thịnh tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đối với các trường hợp bố thí không rơi vào sự điên đảo mà luôn an trụ nơi chánh pháp, đó là Bố thí. Chỗ giữ gìn giới luật hoàn toàn dứt bặt mọi nhớ nghĩ, do đấy mà có được sự phấn chấn hết mực, đó là Trì giới. Tâm luôn hiện bày sự nhân hòa, không còn chút tham đắm, dứt bỏ mọi tạo tác của nhân duyên gây nên bao mối nguy hại, đó là Nhẫn nhục. Như ở trong sự vướng bận về tôi, ta, tranh cãi về gia nghiệp, dứt khoát đoạn lìa khổ não âu lo cùng mọi tham chấp, bao mối phiền não ràng buộc nơi thân đều dốc đoạn trừ để thuận theo đạo giải thoát, đó là Tinh tấn. Bày tỏ sự chán ghét về cảnh vô thường, thấu đạt ý nghĩa của mười hai nẻo, dẫn dắt liên tục mà tâm tánh luôn kiên trụ, đó là Nhất tâm. Như lìa bỏ trí tuệ cùng với vô minh, không xem đấy là hai nẻo hoàn toàn khác biệt, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là sung mãn tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đối với các trường hợp bố thí luôn khuyến khích hướng đến giải thoát, không luyến tiếc cõi sinh tử, đó là Bố thí. Bồ-tát luôn dốc tâm phụng trì giới luật, không hề quên kẻ khác, tâm niệm về giới pháp trọn không tạo lập nơi các pháp tự độ của hàng Thanh văn, Duyên giác, đó là Trì giới. Như đem tâm nhân hòa trang nghiêm thanh tịnh làm thành tựu được vô số các cõi Phật, chí nguyện giáo hóa nhằm dứt trừ ba độc, đó là Nhẫn nhục. Luôn dốc tinh tấn dứt mọi biếng trễ lười nhác, tâm mong đạt diệu nghĩa cùng tột, đó là Tinh tấn. Đối với trường hợp bị kẻ khác làm đảo lộn sự lý nhưng tâm tịch tĩnh cũng không loạn động, đó là Nhất tâm. Noi theo anh sáng giác ngộ của bậc Thánh, dùng để thu tóm ba cánh cửa giải thoát, nhưng không chấp bám vào sự tu chứng ở trong ấy, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là vì đời mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như trong công việc bố thí, tâm vui thích với việc lưu giữ các tập tục thế gian, không khuyến trợ hướng đến đạo, đó là Bố thí. Đối với các hiện tượng buông lung không thể kiềm chế, thường hành động một cách do dự chứ không quyết đoán, đó là Trì giới. Gặp trường hợp tham dục dấy mạnh phải tự chế ngự, gắng gổ chịu đựng, đó là Nhẫn nhục. Luôn tu tập theo các pháp thế gian, đó là Tinh tấn. Nơi tâm có sở nguyện về nơi chốn được sinh đến, không hề lìa ý niệm ấy, đó là Nhất tâm. Hoặc dùng trí theo thế gian để mở bày, giáo hóa mọi người, không lìa khỏi cuộc sống, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm cứu đời mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đem giáo pháp cùng y phục, thực phẩm mà bố thí, tuyên giảng về đạo ý, dùng đạo ấy như thể an tọa nơi gốc cây Bồ-đề mà tự tuyên giảng: “Sung sướng thay phước báo!” Mọi sở nguyện đều thành, cõi tịch nhiên chóng đạt, quy hướng nẻo giải thoát, đó là Bố thí. Thực hiện các pháp của hàng Thanh văn, Duyên giác chuyển biến tiến đến một sự cứu giúp rộng lớn, diệt trừ mọi nơi chốn ngăn ngại, đó là Trì giới. Như tu tập các pháp vô lậu, luôn tuân phụng lẽ nhân ái hòa hợp, đó là Nhẫn nhục. Hoặc đem pháp “Vô sở tùng sinh” đã đạt được, có thể ngồi nơi cội Bồ-đề mà giảng dạy, giáo hóa chung sinh, đó là Tinh tấn. Như có được pháp Tam-muội bình đẳng của bậc Bồ-tát, các căn đầy đủ, thành tựu được ánh sáng giác ngộ của bậc Thánh, đó là Nhất tâm. Hoặc chuyên tâm hành đạo theo chánh pháp, tâm dứt mọi oán hại, không dừng lại với hai nẻo Thanh văn, Duyên giác mà hướng đến Nhất thiết trí, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm đạt quả vị vô thượng mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như tin tưởng nơi vô số cõi Phật thanh tịnh, luôn khởi tâm thương nhớ chúng sinh không hề gián đoạn, không thể tính kể số kiếp đều nhằm độ thoát hết thảy, đó là Bố thí. An trụ nơi chân tưởng của các pháp, dứt bỏ ba nẻo ác, giữ lấy cõi Phật thanh tịnh, đó là Trì giới. Như thành tựu được Phật đạo, đều khiến cho các chúng hội thảy rực rỡ màu vàng ròng, nhận rõ câu, đoạn, đó là Nhẫn nhục. Hoặc tu tập các pháp bố thí, giống như hành động không hề khởi tâm giận dữ của Phật lúc còn là Bồ-tát để theo đấy phụng hành, đạt đến Bậc Chánh Giác, đó là Tinh tấn. Như ở nơi gia đình phụng hành pháp Tứ thiền không hề mất định ý, hoặc như ở ngay chốn cung điện, giữa đám thể nữ, hay như ở cõi Phật thanh tịnh lắng sạch mọi thứ phiền não, tham dục, cũng đều không để mất ý định, đó là Nhất tâm. Như thu giữ cõi Phật, thọ mạng không thể tính kể, trang nghiêm thanh tịnh vô hạn, còn giữ lại nơi sự thu giữ, ấy là vô lượng biện tài, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là chẳng vọng động tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Đối với sự bố thí luôn khuyến trợ các pháp thích ứng mau chóng đạt được thần thông, đó là Bố thí. Chỗ tuân phụng các giới luật không hề làm cho giáo pháp của các bậc Thánh hiền bị gián đoạn hay hủy diệt, thành tựu đầy đủ các địa của Bồ-tát đúng nẻo giác ngộ, đó là Trì giới. Như có thể trừ bỏ tất cả các thứ phi pháp để phụng trì các pháp chân chánh, đó là Nhẫn nhục. Hoặc bày tỏ sự chán ghét thế tục, phụng hành đầy đủ các kinh điển, tin tưởng nhớ nghĩ về ý nghĩa thiện ác theo như chư Phật đã giảng dạy, đó là Tinh tấn. Như an trụ nơi các pháp thiền định nhằm đạt đến Trí tuệ ba-la-mật, cho dù sống trong cõi ái dục mà vẫn xem xét nhận rõ về nẻo giác ngộ, thấu đạt mà không lìa bỏ cũng không tham đắm, đó là Nhất tâm. Thông tỏ cội nguồn đạo pháp của Bồ-tát, mọi nẻo đúng sai, lỗi lầm thảy đều phân biệt, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là không còn oán địch tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Đối với các trú xứ thường nên giúp đỡ lẫn nhau, khiến cho không có chuyện bị mất mát, đó là Bố thí. Cũng không lùi lại với quả vị Thanh văn, Duyên giác, hay nửa chừng giữ lấy sự chứng đắc, đó là Trì giới. Như dứt trừ sự phân biệt tôi, ta, không kể thân ấy là đối tượng của ngã, diệt hết mọi tạo tác của nhân duyên gây nên bao mối trói buộc, ngăn che, đó là Nhẫn nhục. Xa lìa mọi pháp thế tuc, thứ nhất là sự ngu si lầm lạc để hướng về trí tuệ sáng suốt, thuận theo các phương tiện tu tập, đó là Tinh tấn. Dứt bỏ mọi thứ kiến văn, nhớ nghĩ đến các pháp tịch tĩnh viên mãn đã đạt được, đó là Nhất tâm. Như dốc tiêu trừ mọi hồ nghi, có được trí tuệ bình đẳng thực hành đúng nẻo vô tưởng, nhất tâm nơi đạo tôn quý Nhất thiết trí, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là do oán địch tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như trong trường hợp bố thí cầu có được phước báo để cứu giúp, dẫn dắt hạng chúng sinh tâm còn mang nặng oán hận đối với pháp bảo, đó là Bố thí. Dứt trừ bao nỗi khổ não trong ba nẻo, chí nguyện được sinh nơi cõi trời Đâu-thuật, hoặc đạt đến giải thoát, đó là Trì giới. Cùng với các vị Bồ-tát thực hiện các việc chân chánh đối với chúng sinh tâm luôn ôm mối oán hận, đó là Nhẫn nhục. Tuân theo lẽ nhân hòa, dẫn dắt, giáo hóa khắp nơi, luôn bày tỏ sự khuyến trợ, nhân đó tu tập, tích chứa công đức, hóa độ vô số như sở nguyện của bậc Bồ-tát đời trước là nhằm độ thoát tất cả những kẻ còn vướng mắc nơi vòng ân ái, khiến họ tự chế ngự, điều phục, đạt được những thành tựu về đạo, đó là Tinh tấn. Như giảng thuyết về pháp chánh định “vô ngại thành Tam-muội”, Bồ-tát thực hiện pháp Tam-muội ấy khiến cho tất cả mọi người cùng đạt được sự an ổn, đó là Nhất tâm. Hoặc từ bản thân mình cầu đạt sự hiểu biết về cội nguồn đạo đức, cứu cánh của đạo nghĩa tự tại, giác ngộ, cũng như đem giảng giải cho bao kẻ vốn ham thích các diệu nghĩa kia nhưng chưa được tỏ, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là thu tóm giữ gìn các pháp mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như luôn khuyến khích đối với mọi sở nguyện để thu tóm, giữ gìn được công đức, đó là Bố thí. Hoặc như làm cho giới luật được phát khởi, khiến cho chúng sinh tuân giữ nhằm đạt được diệu nghĩa là chữa trị các thứ tâm bệnh, đó là Trì giới. Như có thể tạo lập để thu tóm, giữ lấy mọi lẽ nhân ái hòa hợp, đó là Nhẫn nhục. Từ mọi hoàn cảnh siêng năng tu tập phụng hành chánh pháp, không giữa chừng bê trễ hoặc bỏ dở, đó là Tinh tấn. Theo thời thực hành các pháp thiền định, khuyến trợ giáo hóa vô số trăm ngàn chúng sinh, đó là Nhất tâm. Như dùng Thánh trí dứt mọi thứ ngăn ngại che chắn mà cũng không tham vướng, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là dứt mọi sự thu tóm giữ gìn mà tu các pháp Độ vô cực gom có sáu sự việc? Như dùng việc bố thí để đạt được những biện tài, mọi nơi chốn gặp gỡ không do đó mà tăng, giảm, tự thân tạo lập được từng ấy phẩm loại, đó là Bố thí. Không ham thích cuộc sống nơi gia đình mà ham chuộng con đường hành hóa của Bồ-tát, đó là Trì giới. Như có thể thọ nhận các pháp thâm diệu, cốt lõi mà không bị lưới nghi hoặc buộc ràng, đó là Nhẫn nhục. Chuyên tinh, thông đạt một cách đầy đủ mà không dựa cậy trông chờ vào người khác, đó là Tinh tấn. Dùng các pháp thiền định tư duy để thông tỏ việc phụng hành đúng theo nẻo giải thoát, tư duy về gốc của con người cùng tuân phụng đạo pháp, nhớ về diệu lý “vô sở sinh”, đó là Nhất tâm. Như gặp được nghĩa lý cùng với nẻo giải thoát, từ đấy dốc học hỏi kinh điển, thực hiện các pháp Tam-muội, dứt trừ mọi nẻo tội phước, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là do báo ứng tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như có thể chuẩn bị đầy đủ cho công việc bố thí, không khiến cho một thành phần nào bị thiếu sót mất mát, mọi phước lành được thông tỏ, đó là Bố thí. Hoặc có thể siêng nang tu tập quý trọng thân mình, có được đầy đủ mọi báo ứng thích ứng, đó là Trì giới. Thể hiện tâm nhân hòa, ở nơi thuyết giảng mọi việc đều thành tựu được ý nghĩa một cách rốt ráo, đó là Nhẫn nhục. Tu, thực hiện hết thảy các việc tốt đẹp lợi lạc, không hề bị sai trái hay thất tán, đó là Tinh tấn. Dùng các pháp thiền định để nhận biết về mọi nơi chốn từ thời xa xưa cho đến đời hiện tại, đem ánh sáng ấy soi tỏ, đó là Nhất tâm.

Thánh trí được thành tựu, giảng giải, nêu bày những điều chí thành, không một nơi chốn nào là không thông tỏ, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào là dứt mọi báo ứng tu các pháp Độ vô cực gồm co sáu sự việc? Đối với trường hợp bố thí tiếp cận với những sự đau khổ, nhận thấy các thứ hoạn nạn thảy đều thu giữ để có thể tỏ ngộ, không nhớ nghĩ về điều đạt được cùng mọi nơi chốn hy vọng, đó là Bố thí. Như ở chốn giữa đặt để hàng trăm ngàn dù lọng che phủ, tạo lập cảnh giới giải thoát theo từng chủng loại, không trụ ở cõi điên đảo, đó là Trì giới. Hoặc ở nơi chốn tu tập, cả thân, khẩu, tâm niệm, hành động đều không có được sự thích hợp, vẫn gắng thể hiện tính nhu thuận, hòa hợp, đó là Nhẫn nhục. Mọi nẻo hành hóa đều an nhiên, tịch tĩnh, dứt hết vọng tưởng, đó là Tinh tấn. Như dùng các pháp tư duy tĩnh lự để an trụ ở cõi tịch diệt, khong còn dấy khởi các tưởng, niệm, đó là Nhất tâm. Dùng tuệ nhãn quan sát không cho đấy là sự diệt tận, hướng về nơi chốn không có chỗ hướng về, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là an nhiên tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như có sự hưng khởi nhưng tâm không dấy niệm, đó là Bố thí. Đem tâm ấy để dứt mọi mong cầu về phước báo, đó là Trì giới. Hiểu biết về con người là vô ngã nên luôn an nhiên, nhu hòa, đó là Nhẫn nhục. Mọi nẻo dốc sức tu tập, luôn hành đúng pháp bất nhị, rõ mọi nhân duyên, đó là Tinh tấn. Đối với các pháp thiền định không vướng chấp về trong, ngoài hay khoảng giữa, đó là Nhất tâm. Mọi nơi chốn, đối tượng quan sát, dứt hẳn sự phân biệt đối với hết thảy các pháp, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là dứt mọi sở hữu, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như tâm không dấy niệm đối với mọi việc nhằm tạo lập phước đức ở đời vị lai, đó là Bố thí. Thấu đạt về hết thảy mọi chuyển biến trong ba cõi đều như cảnh huyễn hóa, đó là Trì giới. Như đối với các tưởng về thiện hoặc tưởng về không thiện, luôn giữ vững lòng nhân hòa, tâm không còn vướng bận các điều ấy, đó là Nhẫn nhục. Hoặc tu tập đạo, hành theo nẻo không chốn hành, đó là Tinh tấn. Dứt mọi ham muốn, mong cầu ở nơi ba đời, tâm ấy luôn thể hiện sự mong muốn cứu giúp tất cả chúng sinh, đó là Nhất tâm. Như dứt mọi tưởng về các pháp hữu vi, vô vi, tạo được hạnh như vậy đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là rộng khắp tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đã khuyến hóa vô số trăm ngàn chúng sinh khiến họ lìa bỏ mọi sự keo kiệt mà ham chuộng việc bố thí, đó là Bố thí. Đối với tính chất ngăn cấm của giới luật đều thuận với hành động, tạo tác cùng khắp hết thảy các loài, đó là Trì giới. Chỗ thực hiện các phương tiện không có gì là không gắng sức thọ nhận, đó là Nhẫn nhục. Hoặc như có thể tạo lập, an trụ nơi bốn Ý chỉ, chẳng hề biếng trễ, đó là Tinh tấn. Như không keo kiệt cùng giúp đỡ sáu việc khiến cho đạo pháp luôn được tồn tại, không bị thoái chuyển, có thể đem lại đầy đủ tám vạn bốn ngàn nẻo thực hành các pháp Tam-muội, đó là Nhất tâm. Hoặc có thể thấu đạt hết thảy các hướng tạo tác của bao thứ phiền não trói buộc, ngừng trệ để dốc nguyện theo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là tươi đẹp tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Đối với sự bố thí nên tạo sự thuận hợp thỏa đáng với sáu tình, khiến cho đạo pháp không bị ngưng trệ, đó là Bố thí. Luôn hành động một cách cung kính, mọi sự thể hiện đều khiêm tốn, dứt mọi khinh mạn, đó là Trì giới. Như có khả năng gắng gổ thọ nhận để dứt bỏ mọi sự trói buộc cùng bao lớp lưới mê bủa vây, đó là Nhẫn nhục. Sự tinh cần tu tập ấy cũng như bệnh cần dùng thuốc thích hợp, không bị lạc vào chốn tội lỗi che trùm, đó là Tinh tấn. Diệt trừ tính tự đại cao ngạo, phụng hành tâm từ trong sáng bao la, đó là Nhất tâm. Như đem ánh sáng của Bậc Giác Ngộ theo chỗ mà nêu bày, thuyết giảng, không kẻ nào có thể đương nổi, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là không thể lường tính tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như có trường hợp thi ân luôn hợp với trí tuệ, đó là Bố thí. Dùng vô lượng các giới pháp, luôn thực hiện một cách thận trọng, thích hợp, dứt mọi sai phạm, đó là Trì giới. Chỗ thể hiện lòng nhân hòa nhằm đạt đến ba cánh cửa giải thoát, luôn khuyến trợ điều ấy để bản thân không bị rơi vào chốn vọng tưởng của hình sắc, đó là Nhẫn nhục. Như đem sự tu tập của mình nhằm đạt tới bốn ý thú, đó là Tinh tấn. Dùng các phép thiền định tư duy để phụng hành thể hiện Từ bi, đạt đến bảy Giác ý, đó là Nhất tâm. Như nương theo ánh sáng của bậc Thánh để tu tập, tạo lập thể hiện tâm thương xót lớn lao nhằm thực hành đúng theo tám nẻo đường chân chánh, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là hâm mộ mong đạt tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như có thể xuất gia cầu được bình bát, y phục tức thì có được đầy đủ, đó là Bố thí. Mọi nẻo hành hóa dừng nghỉ đều thể hiện đủ công đức của giới luật, đó là Trì giới. Đạt đến kho báu công đức, đoạn trừ mọi thứ hoạn nạn, nguy khốn của cõi sinh tử. Như làm vị quốc vương, cả phu nhân cùng đám thị nữ đều được đem bố thí cho kẻ khác, nghe tin ấy chỉ yên lặng, không hề mang tâm oán hận, đó là Nhẫn nhục. Mong đạt được các thứ nghĩa lợi, tích lũy công đức với các phương tiện khó nhọc, từ thời Đức Phật Định Quang cho đến hiện nay, mọi nơi chốn thực hiện đều không hề biếng trễ, đó là Tinh tấn. Hoặc khuyến khích khen ngợi người, tạo được sự thuận hợp về tâm ý, khiến họ nhận ra các thứ phiền não, đó là Nhất tâm. Như tùy theo hoàn cảnh nêu bày về trí tuệ vô thượng, dùng pháp Tam-muội ấy mong đạt đến quả vị Chánh giác tối thượng để hóa độ muôn loài đều quy thuận theo mình, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là do chỗ chán ghét mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Về các trường hợp bố thí nhằm giúp cho hạng nghèo thiếu các phương tiện để đạt tới hàng trưởng giả giàu sang, đó là Bố thí. Như đem việc giữ giới để tu theo mười điều thiện, không đem điều chán ghét ấy mà khuyến hóa người, đó là Trì giới. Như nhờ giới luật dần dần giúp sức để khai mở nhận lấy đạo lực mà tạo riêng được cảnh giới tịch tĩnh, đó là Nhẫn nhục. Hoặc không lìa bỏ các tưởng về ân đức mà phạm vào nẻo vọng tưởng là nhằm để tu, đó là Tinh tấn. Như dùng các pháp thiền định để đạt đến việc trừ bỏ hết thảy mọi thứ phi pháp, đó là Nhất tâm. Hoặc chỉ ra bao thứ khổ não ở trong ba cõi, từ đó nêu giảng về trí tuệ của bản thân mình, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm đạt được an lạc vi diệu mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như từ chỗ bố thí có được phước báo sinh vào cõi người, hết thảy mọi thứ mong muốn đều đạt được một cách phong phú mà không dấy tâm tự đại cao ngạo, đó là Bố thí. Do tuân giữ đúng giới luật nên được sinh lên cõi trời, hoặc ở cõi người thì thọ mạng luôn được lâu dài, đó là Trì giới. Chỗ gọi là có được thân người, có thể tu tập để đạt được pháp nhẫn Vô sở tùng sinh, đó là Nhẫn nhục. Nơi chốn chuyên cần tu tiến đến với các phương tiện chân chánh tất dẫn đến mọi hành động cũng như vậy, đó là Tinh tấn. Chỗ gọi là thiền định tư duy luôn dứt bỏ mọi bao ứng của nhân duyên bên trong, bên ngoài. Nơi chốn sinh ra liền được gặp chân lý và mọi nẻo hành hóa đều hợp với sở nguyện, đó là Nhất tâm. Về trí tuệ đạt được ấy, tâm ý dứt sạch mọi nẻo vọng tưởng, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là dứt mọi vui thích mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đối với trường hợp cứu giúp luôn dứt bỏ mọi kiểu bố thí dối trá, không lìa bỏ mọi hiểu biết của chúng sinh, đó là Bố thí. Tuy ở nơi gia đình tuân phụng giới cấm mà như đã rời bỏ gia đình vì không còn tham luyến mọi vinh hoa ở đời, đó là Trì giới. Mọi hành động đều thể hiện sự nhu hòa, dịu dàng, không mang tâm giận dữ, đó là Nhẫn nhục. Nơi chốn tu luon siêng năng, khổ nhọc, bỏ vui, đó là Tinh tấn. Thực hành các pháp thiền định nhằm dứt trừ mọi thứ phân biệt dẫn tới việc diệt sạch khổ não, mọi vọng tưởng trói buộc cùng với những khó khăn trong sự hòa hợp, hội thông, đó là Nhất tâm. Như đối với trí tuệ của Bậc Giác Ngộ, nhận rõ những tưởng chấp điên đảo, biết đó là nhân tạo ra những sự khổ vì đã không theo đúng nẻo của các pháp, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vo cực.