KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 7: NÓI VỀ SỰ TU TẬP THỰC HIỆN CÁC PHÁP ĐỘ VÔ CỰC

Bấy giờ, Bồ-tát Hỷ Vương lại thưa với Đức Phật:

–Kính thưa Thế Tôn! Con lắng nghe Thế Tôn nêu bày một cách tổng quát các đề mục chính về cảnh giới của chư Phật. Do bản tánh vốn không được linh lợi, mẫn tiệp nên khó có thể lãnh hội kịp ý nghĩa của các vấn đề được chỉ dạy. Kính mong Đức Đại Thánh rủ lòng thương nghĩ. Đức ấy thật lành thay! Sẽ vì những hạng như con mà dẫn giảng rộng về những điểm chính của kinh ấy, khiến cho tất cả được thông tỏ. Những nơi chốn nào được Thế Tôn rủ lòng thương nhớ đến nhiều thì những nơi ấy luôn được nhiều an lành. Huống chi cũng là thể hiện tâm Từ bi đối với chư Thiên cùng mọi người trong mười phương. Mong Thế Tôn vì lẽ ấy mà một lần nữa chỉ dạy về chi tiết.

Đức Phật nói với Bồ-tát Hỷ Vương:

–Bồ-tát hãy hết sức lắng nghe, lại khéo suy nghĩ và ghi nhớ. Nay ta sẽ vì Bồ-tát cùng tất cả các vị Tỳ-kheo, Bồ-tát mà một lần nữa nêu rõ về chi tiết.

Bồ-tát Hỷ Vương cùng với đại chúng vâng lời Phật chăm chú lắng nghe. Đức Phật nói:

–Thế nào gọi là tu tập thực hành các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Từ trước tới nay chưa từng phát tâm đối với đạo thì nay phát tâm Bồ-tát bình đẳng chí chân đứng ở chỗ giác ngộ về lẽ bình đẳng đó từ quá khứ mà hành xử đối với chúng sinh, thông qua sáu pháp tu là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm và Trí tuệ. Chí luôn vui thích với Phật đạo, tâm nguyện đạt đến quả vị Chánh giác Vô thượng chưa từng bị lãng quên. Đó chính là tu tập sửa trị, thực hành đúng theo các pháp Độ vô cực gồm sáu sự việc.

Thế nào gọi là làm sáng tỏ rực rỡ các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Phát khởi làm hiển lộ các pháp của trí tuệ sáng suốt là tâm đạo. Đã tự xét kỹ về giới để phát tâm Bồ-tát, đầu tiên là tu pháp Bố thí, rồi dẫn đến Trì giới, Nhan nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ. Đó gọi là làm sáng tỏ rực rỡ các pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là thế gian tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Ý nghĩa ở chỗ cúng dường Phật cùng các việc hưng công lập đức, tất cả đều vì chúng sinh. Sáu pháp Độ vô cực cũng như thế. Nhằm để câu thúc, chế ngự sáu căn, cầu sáu thứ thần thông, thấu tỏ các nẻo hành động, khiến cho đạo lớn càng thêm phát triển. Đó gọi là thế gian tu cac pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là vì chúng sinh nên thực hành các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như dùng pháp bố thí để thâu phục giáo hóa chúng sinh, tâm thường nhớ nghĩ: Nhằm khiến cho mọi chúng sinh luôn đạt được an lành, lại khuyến khích mọi người đến với đạo Phật. Sáu pháp Độ vô cực đều cũng như thế. Dùng giới để đem lại sự an định. Do sự khổ bao trùm như hư không nên đem các pháp của nhẫn nhục mà độ thoát, dùng tinh tấn cứu giúp, dùng nhất tâm để thu giữ, khiến cho chúng sinh khỏi phải lao vào các vọng tưởng điên đảo. Đạt được trí tuệ là nhằm khuyến khích, trợ giúp đối với đạo, cũng là nhằm đem lại an lạc cho chúng sinh. Mong thành Bậc Chánh Giác cũng là nhằm hóa độ chúng sinh. Đó gọi là vì chúng sinh mà thực hành các pháp Độ vô cực gồm sáu sự việc.

Thế nào gọi là an trụ tu tập các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đem sự kiên cố tạo lập chí nguyện, tâm đạo luôn được thanh tịnh, hòa hợp, dứt mọi tranh biện, hý luận. Đó là pháp tu Thí độ vô cực. Nơi chốn tạo lập khắp các cõi, quán về giới dứt mọi tưởng, chí dốc bảo tồn đạo pháp, chẳng mong cầu phước báo. Đó là pháp tu Giới độ vô cực. Trụ nơi đạo pháp, nhẫn đối với tất cả mọi khổ, an trụ vững chắc nơi các điểm chính của đạo pháp. Đó là pháp tu Nhẫn độ vô cực. Chỗ đứng để hành hóa chánh pháp, trải qua vô số kiep không hề bỏ phế việc tinh tấn, cho đến khi đạt Nhất thiết trí. Đó là pháp tu Tinh tấn độ vô cực. Nhất tâm dốc tu, chí cầu pháp để mong thành tựu Phật đạo. Đó là pháp tu Thiền độ vô cực. Trụ nơi diệu nghĩa của đạo, thông suốt hết thảy các pháp, thấu đạt như bậc Chí chân, thành tựu quả vị Tối chánh giác, tâm luôn an nhiên không còn vướng chút vọng tưởng. Đó là pháp tu Trí tuệ độ vô cực. An trụ, tu tập các pháp Độ vô cực gồm sáu sự việc là như thế.

Thế nào là ở trong thế giới sinh tử mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Nhận rõ về nơi chốn bố thí là vô lượng mà cũng không bao giờ hết. Mong đạt đến Phật đạo, có mặt khắp trong cõi sinh tử, ở những nơi chốn mình đang hành hóa dốc hết tài sản giàu có lớn lao mà bố thí. Đó là pháp tu Thí độ vô cực. Luôn tỏ ra thận trọng, quán xuyến trong hành xử, mọi tai họa từ phiền não tất làm mờ tối bao phước lành của cả thân mạng không có một giới hạn nào. Sống trong sinh tử mà không để bị vướng trong tai họa, đó là pháp tu Giới độ vô cực. Nếu gặp kẻ khác chống đối mà tâm mình không dấy khởi một ý niệm gì, đó gọi là nhan nhục. Trải qua số lượng kiếp không thể tính kể mà vẫn luôn thực hiện thiền định, phụng hành gốc của mọi điều thiện, đó gọi là tinh tấn. Dùng mọi đối tượng của tư duy tĩnh lự để thực hiện chánh định, đó gọi là thiền. Không rời các pháp Độ vô cực, đạt Phật đạo, hết thảy mọi nẻo tạo tác đều nhằm kiến lập các phương pháp khéo léo, từ phương pháp ấy, ánh sáng hiểu biết phát sinh, mọi nơi chốn đều thông tỏ, đó gọi là trí tuệ. Ấy là ở nơi sinh tử mà tu các pháp Độ vô cực.

Thế nào là còn tham đắm đối với các trần mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Chỗ mong muốn tạo lập cho đạo với các điều thiện cùng công đức là đều nhằm để khuyen hóa các loài chúng sinh, đó là Bố thí. Dũng mãnh như sư tử, cũng như bậc Thánh vương có đến tám vạn bốn ngàn thể nữ nơi các cung. Thể nữ nhiều như vậy là không hợp với người đã theo Phật đạo, nên rốt cuộc là không chung sống mà đều khiến quy y Tam bảo, tiêu trừ ba trăm thứ phiền não, nhờ đó mau chóng đạt đến các phương pháp tu tập của đạo, dùng những giới cấm ấy với tâm từ để khuyến hóa chúng sinh, đó gọi là trì giới. Do chỗ đạt được của giới mà xua sạch các thứ phiền não, thuận theo người khác mà tâm không bị trần cảnh làm cho ô uế, đó là Nhẫn nhục. Còn chỗ tham đắm của tinh tấn? Thế nào gọi là đối tượng của pháp tinh tấn vượt bờ? Do đã thấy được chỗ còn tham vướng nên mới thực hành tinh tấn. Như bậc Minh vương tử đã khiến cho mọi người phải sợ hãi. Đạt được sự hiểu biết về nhân của mọi tạo tác, thể hiện, để đem lại an lạc, do công dụng của chỗ còn tham vướng mà thực hiện Tinh tấn. Thế nào gọi là thiền? Do còn có chỗ tham vướng nên mới hành thiền định, dùng những nhận thức về tôi – ta để thu giữ hơi thở của mình, đó gọi là Thiền định. Thế nào là do còn có chỗ tham vướng mà thực hành pháp tu Trí tuệ độ vô cực? Như Trí tuệ độ vô cực không thể cùng tận, tâm thương xót đối với muôn loài cũng như ánh sáng của mặt trời đối với mọi thứ cây cỏ, nhằm đạt đến trí tuệ của bậc Thánh để khuyến trợ đạo đức, đó gọi là Trí tuệ. Ấy là còn có chỗ tham vướng nên tu sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm đem lại lợi ích cho người khác mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Dùng tính chất an lac của mọi công đức mà dẫn dắt, giáo hóa chúng sinh, đó là Bố thí. Luôn nương tựa nơi tâm Từ bi, không mang lòng mưu hại làm thương tổn các đối tượng, đó là Trì giới. Trong mọi nơi chốn hành hóa nhằm phát huy chánh pháp đều có thể nhẫn mà không bị cho là hèm kém xấu xa, đó là Nhẫn nhục. Lại vì những người khác, khuyến khích họ tu tập thúc đẩy hành động, mong muốn cứu giúp các trường hợp nguy khốn, đem lại mọi an lạc lâu bền, đó gọi là Tinh tấn. Nếu đem chánh pháp giảng truyền cho người, tâm luôn nhớ nghĩ về việc tích chứa các đức hạnh thanh tịnh, đó là thực hiện Thiền định. Đem mọi nhân duyên ấy làm cho hết thảy chúng sinh đều được thấu đạt, thấm nhuần đầy đủ, nêu bật rõ tâm Bồ-đề của mình, đó gọi là Trí tuệ. Ấy là nhằm đem lại lợi ích cho người khác mà tu các pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là theo các xứ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Do đã dứt trừ mọi điên đảo nên các hành động bố thí đều không mong cầu phước báo, đó là Bố thí độ vô cực. Đối với mọi tài sản sự nghiệp đều dùng làm nhân cho chỗ dựa của giới cấm. Vì để thu phục chúng sinh nên tu tập nhẫn nhục cùng tinh tấn đối với bản thân trong tất cả mọi nơi chốn an trụ. Luôn nhớ nghĩ về kinh điển để tu hành đạt sự tịch tĩnh an nhiên, mà tâm trí luôn an trụ nơi cảnh giới vô vi tịch tĩnh ấy, đó là Trí tuệ. Ấy là theo các xứ mà tu các pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là theo đúng đường mà tu tập các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như có thể tu tập đạt pháp nhẫn Vô sở tùng sinh, không gì mà không thể đảm nhận, gánh vác được, đó la Bố thí. Hoặc thực hiện việc ngăn cấm đối với giới hạn của thân, khẩu, ý, đó là Trì giới. Đối với các pháp thuộc chân đế luôn tu tập thuận hợp, dứt sạch mọi nẻo tranh biện hý luận, đó gọi là Nhẫn nhục. Hoặc như thân, miệng, ý không bám vào các điều trái ngược, không tu vào các nẻo phiền não hỗn tạp mà chỉ dốc tu tập siêng năng chẳng chút biếng trễ, đó là Tinh tấn. Như dốc phụng hành đạo pháp, tâm chí tinh chuyên dứt mọi tham đắm, vướng mắc, dốc đạt Nhất thiết trí, mọi đối tượng đều thấu đáo, thông tỏ, đó là Nhất tâm. Rõ mọi pháp trong ba cõi là không, như cảnh huyễn hóa trong mộng, chân lý giác ngộ vượt mọi giới hạn của ba đời: quá khứ, vị lai, hiện tại, dứt sạch mọi thứ phiền não, đó là Trí tuệ. Ấy là theo đúng con đường của Phật mà tu sáu pháp Độ vô cực.

Đức Phật nói với Bồ-tát Hỷ Vương:

–Thế nào gọi là theo trí tuệ tu các pháp Độ vô cực? Như chẳng dứt bỏ việc khéo dùng các phương tiện quyền xảo để dẫn dắt, giáo hóa chúng sinh, đem trí tuệ để tế độ, đó gọi là Bố thí. Hoặc như đem việc giảng truyền phổ biến năm trăm bài tụng kệ để dứt trừ chín mươi sáu thư ngoại đạo, diệt sạch mọi khổ não, tôn phụng chánh kiến, đạt đến cảnh giới chí thiện, luôn được an lạc, đó là Trì giới. Hoặc diệt trừ khổ nạn, trí tuệ an trụ trong cảnh tịch tĩnh, chán ghét việc dâm dục mà thêm tinh tan tu, dần dà có thể giáo hóa, đem đạo pháp mà hóa độ, đó là Nhẫn nhục. Phụng hành luôn tự điều phục chế ngự nơi chính mình, như thế thì dù có cả đất nước, muôn dân, voi ngựa, xe cộ vẫn có thể mong đạt được sự yên tĩnh, ung dung là do mình biết tìm hiểu về đầu mối của sự khổ và rõ là không cội rễ, đó là Tinh tấn. Nhớ đến mình, thương xót kẻ khác thì luôn đạt được sự an lành lớn lao. Cũng như âm thanh của tiếng đàn “không hầu” tấu lên và lan tỏa khắp nơi. Sau đấy, quy về sự tịch tĩnh mà trong lòng luôn kiên cố, bền vững. Cũng như sư tử là vua trong các loài thú rừng. Lại như vị dẫn đường chỉ giúp nẻo đi cho đám người buôn bán, đó là Tinh tấn. Hoặc nhất tâm chuyên niệm dứt hết mọi nơi chốn phát sinh của sắc trần, phát khởi các pháp tu của hàng Thanh văn, Duyên giác, ở nơi các nẻo hành hóa ấy mà không đi vào cảnh giới diệt độ, đó gọi là Nhất tâm. Hoặc như đối với các pháp, không có chúng sinh, không có ta – người, cũng chẳng có thọ mạng. Cũng như sáu sự việc mà người tu học đạo luôn nhớ nghĩ đến giáo pháp, như hàng xuất gia tu học phải luôn dứt trừ hết thảy mười điều ác, đó gọi là Trí tuệ. Ấy gọi là theo trí tuệ mà tu sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là vì mình tu tập tạo được các hạnh, trí và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như có được tài sản lớn lao, luôn tự nhủ với chính mình là nên đem lòng thương cùng của cải cứu giúp cho mọi chúng sinh, đó là Bố thí. Bày biện ở nơi thiên thượng cũng như ở nơi nhân gian đủ thứ cỗ bàn thịnh soạn, kẻ đến dự luôn được an ổn, ung dung trong sự thọ hưởng, đó là Trì giới. Đạt được nhẫn nhục thể hiện qua sự vui vẻ tự tại, dung mạo lúc nào cũng tươi đẹp như thể hoa sen, cho dù đạt được phước báo hết mực phú quý cao sang, đó là Nhẫn nhục. Đã đi theo Phật đạo thì không còn ngưỡng mộ một đối tượng nào khác. Tuy tu tập theo đúng đạo pháp nhưng bản thân luôn độc lập, đó gọi là Tinh tấn. Đã thọ nhận thiền định thì luôn như đối với thời gian của kiếp thành, kiếp hoại hoặc nhằm đạt tới nơi chốn ay, đó là Nhất tâm. Tuy hành xử ở thế gian nhưng luôn được giữ gìn, đó là Trí tuệ. Ấy là vì mình mà siêng năng tu tập sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đã đạt được quả vị và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đã rõ về bố thí nên đem hết tài sản giàu có lớn lao, dùng chỗ bố thí ấy mà khuyến trợ hết thảy mọi sự việc nhằm đạt đến Phật đạo, đó gọi là Bố thí độ vô cực. Tâm dứt mọi tham đắm vướng mắc, đạt được sự tịch tĩnh an nhiên, không còn dấy khởi các tưởng, dùng việc giữ giới ấy mà khuyến khích cứu giúp chúng sinh, đó là Trì giới. Lại không hề phỉ báng chánh pháp, tâm dứt mọi ý niệm mưu hại xâm phạm, cho đến khi Phật đạo được thành tựu cũng chưa từng có sự giận dữ, đó là Nhẫn nhục. Như tinh tấn mà không mang tâm buồn phiền, nóng nảy, thể hiện qua công việc sớm tối tu hành, đó là Tinh tấn. Bản thân luôn theo đúng với giáo pháp, không hề có chút sai phạm để đạt được pháp Tam-muội, đó gọi là Nhất tâm. Như phụng hành hết thảy các pháp, không đối tượng nào mà chẳng thông tỏ, rõ tất cả đều là không, đó là Trí tuệ. Ấy gọi là đã đạt được quả vị và tu sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là chánh niệm tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đã đạt được công đức từ sự dốc thực hiện bố thí, đem công đức ấy để khuyến trợ đạo pháp, tế độ chúng sinh, đó gọi là Bố thí. Nơi thân, miệng, ý, chỗ phước báo đạt được từ công đức giữ gìn giới cấm, đều đem dùng vào việc thích hợp với đạo pháp, đó gọi là Trì giới. Như thọ nhận các pháp tập hợp ở nơi đông đúc, chỗ hiển bày điều mình thấu đạt luôn đúng như điều mình đã thấu đạt, đó gọi là Nhẫn nhục. Như đối với trường hợp có các phương tiện phụng hành mà chưa thể quyết đoán được thì dùng trí tuệ để nhận rõ bỉ thử, dốc tâm thực hiện không sợ trở ngại, đó là Tinh tấn. Nếu đã thực hiện thiền định tư duy, mọi sự xác định các điều ứng hiện nên tham cầu thọ nhận ý kiến của các bậc Đại đức, đó là Nhất tâm. Trí vượt đến bờ giác như bậc Thánh cao tột hơn hết, dùng trí ấy để truyền trao đạo pháp, cùng nuôi dưỡng tâm ý và công việc nuôi dưỡng ấy là nhằm giữ gìn mọi chuyển biến của tâm, từ đấy diễn giảng truyền bá đạo pháp, đó gọi là Trí tuệ. Ấy gọi là Bồ-tát đại chánh niệm tu các pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là lìa thế gian tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như dùng phương tiện để dứt trừ các pháp hữu vi, khuyến thỉnh nhằm đạt đến đức của đạo quả vô vi, đó gọi là Bố thí. Nếu mong đạt giới cấm, hâm mộ đạo pháp, nguồn tâm dứt sạch mọi thứ tưởng tà vạy sai lầm, đó là Trì giới. Như thông tỏ về các tính chất vô thường, khổ, không, phi ngã (vô ngã), rõ mọi khía cạnh trong ngoài của các pháp để bay tỏ sự ham thích cùng an vui với các pháp, đó là Nhẫn nhục. Đã tinh chuyên tu tập, ý dứt mọi ý niệm về tổn hại, phụng hành đúng theo sở nguyện, hợp với ý nghĩa từ ngàn xưa, tâm không còn tham vướng, đó là Tinh tấn. Như thực hành thiền định không rời quán tưởng, do đạt được điều ấy nên có thể diệt trừ mọi thứ phiền não cấu nhiễm, đó là Nhất tâm. Ví như mười hai chi duyên khởi không bị quấy động, thu tóm các phương tiện quyền xảo mà không xa lìa phiền não, tùy thời mà giáo hóa chúng sinh, đó là Trí tuệ. Ấy là sáu sự việc của trường hợp lìa thế gian tu các pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là tạo tác mọi nghiệp và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Đem chỗ thực hành các nghiệp đối với công lao của bốn ân mà gia hộ cho chúng sinh đó là Bố thí. Như dùng các giới cấm vì vô số các loài chúng sinh đều khiến họ thảy chịu ân mà được tế độ, đó là Trì giới. Cũng như các loài chim bay thú chạy, lúc vừa mới sinh ra liền bị rơi ngay vào trong chỗ lửa cháy, Bồ-tát trông thấy cảnh ấy liền dập tắt lửa để cứu thoát. Do cảm từ ân lớn cứu giúp, đem lại an ổn cho những loài vật ấy, nhân đó mà phát khởi tâm đạo, ấy là Nhẫn nhục. Lại như công việc dẫn dắt, giáo hóa, giảng dạy cho vô số dân chúng trong các quốc độ, tùy hoàn cảnh mà thu phục, như ở trong tám nạn mà thể hiện sự nhẫn nhục, cho dù phai bỏ thân mạng để cứu lấy bao nỗi khổ não của chúng sinh, Bồ-tát cũng đều thể hiện sự nhẫn nhục, đối với hết thảy mọi nguy khốn tâm không hề dấy chút giận dữ, đó cũng là Nhẫn nhục. Như có trường hợp hành động đối với bốn ân, có trường hợp tùy hoàn cảnh mà tinh tấn để tăng thêm lợi ích, cho dù trong trường hợp nào cũng luôn mang tâm đại Từ với lòng thương xót lớn lao trong sáng, đem tâm ấy mà hóa độ chúng sinh không thể tính kể hết, vì bậc đứng đầu mà khuyến trợ tất cả, mọi nơi chốn hành hóa của tâm ấy như thế là không hề gặp một khổ sở nào, từ đấy đem đến lợi ích cho khắp muôn loài trong ba cõi, đó là Tinh tấn. Như trong giai đoạn mới tu tập chưa đạt trí tuệ mà dốc tâm siêng năng tinh chuyên, đối với hết thảy các pháp không hề có sự sai trái hay thất tán, nhờ vậy mà tỏ ngộ được tánh không, tiếp cận được ba cánh cửa giải thoát, đó là Nhất tâm. Như chí đã nhất tâm, đối với các pháp thiện, đức luôn được giữ gìn vun đắp, khiến dứt sạch mọi tưởng, tất hội nhập Phật đạo. Từ sự hội nhập ấy làm cái nhân gốc để giảng dạy nêu bày, cho đến thông đạt các cánh cửa giải thoát như vô tướng bất nguyện. Đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là con đường ung dung và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như sự an lành khiến cho tâm ý ham thích các sự nghiệp the gian, dùng sự bố thí ấy dẫn dắt chúng sinh đến với chánh kiến, tập hợp công đức để khuyến trợ họ, đó là Bố thí. Tâm được ung dung, chí tin tưởng nơi ánh sáng của đạo pháp, đem tất cả những điều ấy mà giúp đỡ, dẫn dắt khiến cho chúng sinh đến với các nẻo chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh phương tiện, đó là Trì giới. Bồ-tát đã nêu rõ nẻo đường ung dung ấy, về nơi chốn đạt đến của giới, đối với pháp nhẫn Vô sở tùng sinh không hề dấy tưởng mong cầu phước báo, đó là Nhẫn nhục. Tâm đạt diệu lý “Bất khả đắc”, thân luôn tinh tấn mà không còn vướng vào chỗ dựa cậy, đó là Tinh tấn. Dứt trừ điên đảo, ý định không loạn, nhờ đó ý luôn được thu giữ, chuyên tinh về một đối tượng, lìa mọi phóng dật, đó là Nhất tâm. Như đã thu giữ “vô tưởng”, dựa theo trí tuệ của bậc Thánh mà độ thoát mọi nỗi lo lắng về nguy khốn khổ não, đó là Trí tuệ. Tôn phụng, thực hành mọi nhận thức và tư duy chân chánh, thích hợp, làm cho đạo lớn được hưng khởi, phát triển, không hề bị thoái chuyển, đó là Trí tuệ của nẻo đường ung dung dốc tu sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là không rơi vào chốn xa vời mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như sử dụng các phương tiện quyền xảo để giúp đỡ đối với hết thảy chúng sinh để họ nhân đó mà phát tâm đạo, đó là Bố thí. Tâm dứt sạch mọi ý niệm mưu hại, đối với đạo pháp không còn dấy khởi điên đảo, đạt được sự an định lâu bền tự tại, như có vị Bồ-tát từ cõi trời Đâu-thuật hiện xuống với đầy đủ uy nghi khiến chấn động cả đại thiên thế giới, thì mình vẫn giữ được sự thanh tịnh sâu xa ở cõi của mình, đó là Trì giới. Như dùng sự nhẫn nhục để dốc tâm đem lại sự dấy khởi tạo lập cho chánh đạo vượt hẳn tám pháp của thế gian, đó là Nhẫn nhục. Luôn tinh tấn trong việc dùng Từ bi để khuyến khích, gia hộ đối với chúng sinh, đó là Tinh tấn. Như thực hiện hết thảy các pháp thiền định, chánh thọ, dứt mọi phóng dật thể hiện qua bốn tâm vô lượng, đó là Nhất tâm. Dùng trí tuệ tu các pháp Độ vô cực, nguyện thực hành, khuyến trợ để thành tựu được hết thảy các pháp, các phương tiện thích ứng, không đâu là không tế độ khắp, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là thích ứng thuận hợp tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đã có được ánh sáng trong sự giúp đỡ, cùng đồng tâm, không dấy khởi một ý niệm nào khác, đó là Bố thí. Như đem các giới cấm khuyến khích khiến cho chúng sinh lìa bỏ mọi tham dục, dẫn tới hành động dứt sạch cấu uế, thanh tịnh như nước, đó là Trì giới. Như đem tâm hòa thuận, khuyến hóa chúng sinh, khiến họ dứt mọi tâm giận dữ, đó là Nhẫn nhục. Hoặc như dùng các phương tiện để khuyến tu các pháp tịch tĩnh giải thoát, đó là Tinh tấn. Diệu dụng của sự nhu hòa như các pháp, các sách nói về y dược có thể làm chấn động cả trời đất. Như dùng thiền định tư duy để tiêu diệt hết thảy sáu mươi hai thứ kiến chấp về hữu vô, thường đoạn, do vậy có thể đi khắp thế giới phiền não mà không chút sợ hãi, đó là Nhất tâm. Như đem trí tuệ Bát-nhã làm chuyển động khắp đất trời, mọi học vấn sách vở chú giải nhờ ánh sáng ấy mà thông suốt, thể hiện tâm Từ bi lớn lao, nhận rõ mọi nẻo hướng tới của thiện ác, khổ vui, quy ngưỡng nương tựa nơi Nhất thiết trí, bậc Khai sĩ do vậy mà đạt được vô sở úy, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là tạo tac và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Đã tự mình bố thí rồi dẫn dạy kẻ khác cũng thực hành bố thí như mình. Lại khuyến khích những người khác cùng dấy khởi tâm thương xót đối với chúng sinh, đem ánh sáng soi tỏ cùng tạo điều kiện giúp đỡ họ, đó là Bố thí. Nhằm để giáo hóa chúng sinh nên luôn dựa vào tâm Từ bi, không buông lung, dứt sạch mọi nghiệp ác, đó là Trì giới. Đem tinh thần nhu hòa cùng giúp khiến cho mọi ân ích được thấm nhuần khắp, không còn dấy khởi sân hận, đó là Nhẫn nhục. Như đem mọi gốc lành cốt yếu của công đức làm cho đạo pháp hưng thịnh nhằm giáo hóa, cứu giúp những hạng chậm chạp thua kém, đó là Tinh tấn. Do luôn tĩnh lự tư duy về ý nghĩa vô thường, khổ, không, phi ngã (vô ngã) nên thông tỏ được sự thực, không rơi vào bốn thứ điên đảo, đó là Nhất tâm. Như đem trí Bát-nhã khiến cho chúng sinh luôn gắn bó với gốc của các pháp thiện, không để bị rơi rớt, thất tán, nhờ đó sự hành hóa trong hiện tại luôn được đứng vững, dứt trừ các thứ bất thiện, dùng các phương tiện quyền xảo để dẫn dắt giáo hóa khắp chốn, độ thoát hết thảy các loài, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là “vô tác” tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đem đức của công lao điều phục năm dục mà dạy dỗ, trao truyền cho chúng sinh, đó là Bố thí. Đem sự cùng giúp đỡ cho vô số chúng nhân, lần lượt theo từng phẩm loại mà dùng vào việc tôn phụng giới pháp của Phật, hộ trì cho mọi nơi chốn được phát sinh, đó là Trì giới. Dùng sự giải thoát mọi thứ phiền não, ái dục để dạy dỗ chúng sinh, khiến họ thấy được tính chất thù thắng của sự giải thoát đó, đó là Nhẫn nhục. Sống trong cõi tục, thâm nhập tận cùng các nẻo hý lạc mà vẫn tự tại, dùng mọi thứ quyến thuộc ấy để khai hóa chúng sinh, đó là Tinh tấn. Như đem các pháp thiền định để dốc hộ trì các nẻo giác ý, không chỗ nào là không thông tỏ, đó là Nhất tâm. Như tin vào trí tuệ tu học để đạt đến ánh sáng vô bờ, dùng trí tuệ ấy mà độ thoát hết thảy các loài, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào là dốc ý tu tập các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như rời khỏi sự khuyến khích giúp đỡ mà không dấy tưởng về phước báo, đó là Bố thí. Chỗ phụng hành các giới cấm luôn dứt sạch mọi hủy phạm, nhằm hỗ trợ cho Phật đạo phát khởi, đó là Trì giới. Đạt được bình đẳng trong sự tu tập thể hiện qua mọi hành xử nhu hòa, dịu dàng, đó là Nhẫn nhục. Siêng năng tu tập không biếng trễ, tiến lui luôn tự điều phục mình, đó là Tinh tấn. Như có khả năng phụng hành chánh pháp, lìa bỏ mọi phóng dật, tâm luôn thư thái, ung dung, đó là Nhất tâm. Như được lãnh hội đức sáng của bậc Thánh, dùng để khuyến trợ đạo pháp, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là siêng năng tu tập các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Đối với hết thảy mọi sở hữu đều không nên luyến tiếc mà phải lìa bỏ, như đi vào biển lớn, nơi chứa đầy các tài sản quý giá, dùng những thứ ấy để cứu giúp chúng sinh, đó là Bố thí. Như tuân giữ các giới cấm, bản thân luôn xa lìa mọi đối tượng khiến mình say mê, không hề tham vướng nơi danh sắc, đó là Trì giới. Có kẻ mang ý độc rắp tâm hãm hại, cho đến nỗi thân thể chi phần bị chặt đứt thành từng đoạn cũng không hề dấy khởi tâm giận dữ, đó là Nhẫn nhục. Như có thể vượt qua hết thảy mọi nẻo lý luận bàn bạc, tâm luôn rộng mở, dung nạp tất cả, ví như biển lớn, tuy có lúc bị khô kiệt nhưng cái tâm rộng mở ấy luôn được giữ vững, đó là Tinh tấn. Hoặc như ở ngay tại nơi chốn dục lạc mà không hề mất cảnh giơi Tứ thiền, đó là Nhất tâm. Như luôn quan sát hết thảy muôn vật đều như cảnh huyễn hóa, tu để đạt được diệu lý vô sở đắc, thâm nhập vào cảnh giới vi diệu mà không rời ánh sáng của bậc Thánh, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được giác ngộ tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như có trường hợp cứu giúp, lìa mọi trở ngại, cũng không có nơi chốn mong cầu, đó là Bố thí. Tu các pháp vi dieu, không trái với những pháp ngăn cấm, không lìa bỏ diệu nghĩa mà bậc Thánh đã nêu dạy, mọi nơi chốn thực hiện đều loại trừ phóng dật, lìa bỏ các nẻo ác nên chí nguyện mới được xác lập, đó là Trì giới. Nên tỏ ra nhẫn đối với tất cả, không tranh với các pháp thiện, luôn thể hiện tâm nhân từ, đó là Nhẫn nhục. Tinh chuyên tu học đối với mọi thứ, mọi nơi mà không khiếp nhược, đó là Tinh tấn. Như đối với thiền định tư duy có thể tự mình gắng sức tu tập, hội nhập vào các pháp Tam-muội thù thắng, điều phục chế ngự tâm, cho đến sở nguyện lớn lao như bậc Đại Thiện kiến Chuyển luân thánh vương, tuy ở ngôi vị trị nước rộng lớn mà luôn dốc tiêu trừ các tưởng về tham dục, sân hận, oán hại, luôn thể hiện tâm Từ đối với chúng sinh, đó là Nhất tâm. Đối với bậc Thánh minh đều không có chỗ tham vướng, tâm từ rộng lớn nhận thức rõ về các đối tượng nên tâm dứt sạch mọi ý niệm sát hại, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào là thực hiện một cách nhanh chóng các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? An trụ ở chỗ không có nơi chốn đạt đến mà tạo mọi phước thí, tâm an nhiên tự tại, dứt mọi nơi chốn hướng về, đó là Bố thí. Như giữ đúng các giới cấm, không mọng đạt được tài sản, sự nghiệp, cũng dứt mọi đối tượng tưởng nhớ, đó là Trì giới. Tuân theo hết thảy các pháp, không rơi vào cõi điên đảo, theo thời mà thực hiện tâm nhân ái, đó là Nhẫn nhục. Theo chỗ an lạc, trọn không hề thoái chuyển, ngày ngày gắng sức tu tập cho đến lúc thành tựu, đó là Tinh tấn. Như dựa vào trí tuệ để thực hiện các pháp thiền định tư duy vô bờ, đó là Nhất tâm. Như có bậc Bồ-tát hiện thân trong hàng Thanh văn thực hiện trí tuệ vô dư, đối với quả vị Duyên giác đến vô dư cũng không rơi vào cõi Dục cùng hàng phàm phu, cũng dứt het mọi thiếu sót sơ hở, vì muốn thị hiện để hóa độ chúng sinh nên có mặt trong cõi đời, chí không còn chút tham vướng, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được sự thâm diệu tu các pháp Độ vô cực

gồm có sáu sự việc? Như thực hiện sự bố thí, không dấy ý nghĩ: Ta đã tạo được sự bố thí đối với mọi người, đó là Bố thí. Chỗ giữ gìn các giới cấm là nhằm thuận hợp với chúng sinh, không dựa cậy vào sinh tử. Điều ấy đúng với giáo pháp của bậc Thánh minh, đó là Trì giới. Trừ bỏ các pháp tà kiến ngay từ lúc mới phát tâm rộng lớn, tạo lập sự nhân hòa, lấy điều ấy làm giới luật thâm diệu, dùng sự nhẫn vô bờ để theo đó mà lý giải tính chất vô ngã, không mang vọng tưởng, không mong đạt đến chốn vinh hoa, cũng không chẳng mong đạt, cũng chẳng phải là chẳng mong đạt, đó gọi là không mong đạt, ấy gọi là Nhẫn nhục. Ở nơi các pháp tà kiến mà vẫn dốc tâm tu tập một cách vững vàng, do vậy mà đối với ba cõi thảy dứt sạch mọi tham vướng, cũng không nhớ nghĩ đến cảnh giới diệt độ, đó là Tinh tấn. Hoặc như ở bên ngoài, học theo các nẻo tà kiến, nhưng chỗ hành động thì đúng với đạo bình đẳng, chánh giác, đó là Nhất tâm. Từ nơi trí tuệ dốc tu các pháp chánh chân mà dứt mọi mê loạn lầm lạc, nơi chốn hành hóa được mở rộng không chút trở ngại, tâm an nhiên tịch tĩnh, dứt sạch mọi phóng dật, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trường hợp xen lẫn tu tập các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như có chỗ bố thí với ngần ấy các thứ hương vị, mỗi loại đều có nét khác biệt riêng, thích hợp với những người thọ nhận, như thế là đã vun trồng từng ấy phước đức nhưng chẳng dấy lòng tham đối với bản thân. Lại vì mọi người mà giảng giải, nêu bày từng ấy câu lời trong kinh sách, thể hiện đầy đủ sở nguyện của mình là khiến cho họ quy ngưỡng về cõi Phật, đó là Bố thí. Xác lập các giới cấm để tuân giữ nhằm góp phần làm cho cõi Phật thêm phần trang nghiêm thanh tịnh, hợp với thệ nguyện của mình, đó là Trì giới. Như ở cõi Phật ấy có nhiều chúng sinh, mọi cấu uế đều khiến giảm thiểu, tâm dứt mọi thứ sân hận, mưu hại, luôn đem điều ấy để khuyến trợ, đó là Nhẫn nhục. Hoặc như có khả năng riêng mình thực hành các pháp tu của hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, đó là Tinh tấn. Ví như có những nơi chốn đông đảo, đầy những tham dâm, giận dữ, si mê, thân tuy sống trong cảnh ấy mà tâm luôn thanh tịnh, đó là Nhất tâm. Đem trí tuệ sử dụng các phương tiện quyền xảo, thâm nhập khắp mọi nơi chốn, không hề có sự dối trá, nêu giảng các pháp thâm diệu, vượt mọi nẻo nương tựa quy ngưỡng, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là thanh tịnh tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc? Như đem tâm mình tự làm trong sạch cõi Phật, không còn chút cáu bợn, đó là Bố thí. Đối với hết thảy các chúng hội thanh tịnh đều luôn tỏ lòng cung kính, dứt mọi khinh mạn, đó là Trì giới. Như có thể làm cho cõi Phật đạt được sự bình đẳng, bằng phẳng như thể lòng bàn tay, mịn màng mềm mại như loại thiên y, vô số các thứ vật báu đủ loại nằm chen chúc nơi đất mà tâm không dấy chút tham đắm, đó là Nhẫn nhục. Hoặc di chuyển khắp các quốc độ không thể kể hết, không nơi nào là không bày tỏ sự cung kính thể hiện tâm khao khát ngưỡng mộ, đó là Tinh tấn. Như có thể thành tựu được các tướng tốt với ánh sáng chiếu tỏa khắp nơi, xua tan mọi cấu uế phiền não nơi tâm, đó là Nhất tâm. Hoặc khiến cho chúng sinh hiểu được vạn vật cũng như cảnh huyễn hóa, nhân đó mà thuyết giảng chánh pháp, cả đến loài thấp kém như cầm thú cũng không hề bỏ sót, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.