LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 2: CHI DỰ LƯU

Lúc đó, Đức Bạc-già-phạm ngụ tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt. Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo với toàn chúng Bí-sô: Có bốn pháp nếu ai siêng năng tu tập thì gọi là người làm được nhiều việc. Đó là bốn pháp nào? Tức là:

  1. Luôn gần gũi bậc Thiện sĩ.
  2. Lắng nghe chánh pháp.
  3. Đúng lý mà khởi ý.
  4. Phải tùy pháp hành.

Toàn thể các thầy Bí-sô nên học tập như thế này: Chúng ta cần phải gần gũi cúng dường bậc Thiện sĩ, một lòng cung kính lắng nghe chánh pháp, đúng như lý mà quan sát nghĩa lý nhiệm mầu sâu xa, luôn siêng năng tinh tấn tu hành hạnh pháp tùy pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tóm tắt các nghĩa vừa nói nên đọc kệ:

Quý thay! Gặp Thiện sĩ,
Giỏi dứt nghi, thêm tuệ,
Khiến kẻ ngu thành trí,
Gần gũi bậc trí tue.
Nên gần bậc Thiện sĩ,
Khi thân cận bậc ấy,
Thì nghi dứt, tuệ tăng,
Khiến kẻ ngu thành trí.

Thế nào là Thiện sĩ? Thiện sĩ chính là Phật và các đệ tử của Ngài, và lại có những Bổ-đặc-già-la đầy đủ giới hạnh và đạo đức, đã lìa bỏ tỳ vết nhơ bẩn, thành tựu sự điều phục các pháp thiện. Là người có thể tiếp nối ngôi vị của bổn sư, thành tựu các đức cao quý. Là người luôn biết xấu hổ hối lỗi ăn năn, khéo léo giữ gìn ham học hỏi, đầy đủ kiến thức hiểu biết. Ưa suy tư lựa chọn, thích tính kể suy lường, có tính chất ham thích quan sát tìm hiểu, thông minh lanh lợi hiểu biết đầy đủ. Tuệ dứt nghĩ truy cầu, có được các loại trí tuệ từ bỏ tham sân si. Sống điều thuận trong cõi điều thuận, sống vắng lặng trong cõi vắng lặng, sống giải thoát trong cảnh giải thoát, diệt độ với diệt độ, diệu giác với diệu giác, Niết-bàn với Niết-bàn. Ham thích điều thuận với các Đế, lìa bỏ kiêu mạn và chơi bời phóng túng, ham thích nhẫn nhục, nhu hòa hiền từ và thật thà ngay thẳng để thấy được đạo Như như.

Luôn chuyên chú tự điều phục chính mình, chuyên chú giúp mình luôn yên tĩnh vắng lặng tịch tĩnh, chuyên chú tự mình luôn sống trong Niết-bàn tịch diệt, cũng vừa phân thân để dạo chơi qua khắp đất nước, kinh đô thành thị và các thôn xóm.

Việc mong cầu ăn mặc v.v…, luôn có được đầy đủ, thật thà ngay thẳng, điều hòa thích hợp đầy đủ, thì thật thà ngay thẳng và điều thuận vẹn toàn, nhẫn nhục nhu hòa hiền từ đầy đủ, thì nhẫn nhục và hiền hòa vẹn toàn. Cúng dường cung kính đầy đủ, thì cúng dường và cung kính vẹn toàn, chánh hạnh giữ căn môn đầy đủ, thì chánh hạnh và giữ căn hạnh vẹn toàn; phép tắc việc làm đầy đủ, thì phép tắc và việc làm vẹn toàn.

Về tín giới (thi la) và văn xả – tuệ tự mình có đầy đủ tịnh tín, cũng siêng năng khuyên giúp tất cả hữu tình cũng có đầy đủ tịnh tín như mình.

Tự mình có đầy đủ giới hạnh văn xả – tuệ – tịnh tín, cũng siêng năng khuyên giúp tất cả hữu tình cũng có đầy đủ giới hạnh và văn xả tuệ như mình.

Đó gọi là bậc Thiện sĩ. Vì sao gọi là Thiện sĩ? Nói về Thiện sĩ là phải lìa bỏ các pháp bất thiện mà thành tựu được các pháp thiện, phải đầy đủ và thành tựu được bốn thứ niệm trụ (tứ niệm xứ), bốn thứ chánh tín (tứ chánh cần), bốn thứ thần túc, năm căn, năm lực, bảy thứ giác chi, tám chi Thánh đạo (tám chánh đạo). Nên gọi là bậc Thiện sĩ.

Đối với bậc Thiện sĩ như vừa kể thì luôn gần gũi hầu hạ thờ phụng, cung kính cúng dường, đó gọi là hay gần gũi bậc Thiện sĩ.

Lắng nghe chánh pháp là sao? Nghĩa là luôn gần gũi cúng dường các bậc Thiện sĩ, những điều gì chưa chính thức hiển bày rõ ràng thì khiến cho chính thức được khai ngộ. Dùng trí tuệ xét hiểu thấu suốt các văn nghĩa thật nhiệm mầu sâu kín, dùng đủ mọi phương cách, phương tiện tuyên nói diễn giảng trình bày xác định chỉ rõ. Dùng vô lượng pháp môn mà chính thức chỉ bày khổ tập diệt đạo chính thức là khổ, là tập, là diệt, là đạo.

Thế nào là dùng vô lượng pháp môn mà chính thức chỉ bày khổ chính là khổ? Nghĩa là chính thức chỉ rõ rằng: Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, ghét nhau mà gặp nhau hoài là khổ, thương nhau mà phải xa nhau là khổ, cầu mong mà không được là khổ. Tóm tắt mà nói thì tất cả năm uẩn đều là khổ, nên có tụng:

Các uẩn khởi là khổ,
Sinh và xuất cũng khổ,
Sinh rồi già rồi khổ,
Bệnh và chết đều khổ.
Có phiền não là khổ,
Sinh rồi trụ cũng khổ,
Không mãn hối hận khổ,
Không khuất phục chết, khổ.
Người không trí là khổ,
Tăng yết tra tư: khổ,
Kẻ ngu sinh tử khổ,
Trôi dạt nhiều kiếp: khổ.

Đây là dùng vô lượng pháp môn chính thức chỉ bày khổ chính là khổ.

Thế nào là dùng vô lượng pháp môn chính thức chỉ bày, tập chính là tập (chứa nhóm)? Nghĩa là chính thức chỉ rõ rằng: Sau ái lại có ái, vui mừng thích thú làm ái dục, ai ai cũng ham thích ái dục. Vì từ xưa đến nay thì ái là gốc của các khổ, là đầu mối của các đường dữ. Ái hay gây tạo ra các duyên, sự chứa nhóm đều dấy khởi, hay khởi lên việc chứa nhóm tích tụ, trong pháp hiện khởi, các khổ làm hư hoại thân thể và các khổ sau này lại từ đây mà sinh ra. Như tụng nói:

Do ái, bỏ thầy thuốc,
Gốc ung nhọt dây quấn,
Chưa điều phục tất cả,
Luôn chiêu cảm các khổ.
Như cây chưa bứng gốc,
Chặt rồi lại sinh ra,
Chưa bứng ái, tùy miên,
Luôn chiêu cảm các khổ.
Như tên độc trong mình,
Mãi tổn hại sức khỏe,
Chúng sinh còn trong ái,
Luôn tổn hại căn thiện.

Đó là dùng vô lượng pháp môn chính thức chỉ rõ rằng tập chính là tập.

Thế nào là dùng vô lượng pháp môn chính thức chỉ bày diệt chính là diệt? Nghĩa là chính thức chỉ rõ ràng như trước vừa nói: Sau ái còn có ái, vui mừng thích thú làm các ái dục, ai ai cũng ham thích ái dục… Các thứ như thế thì phải diệt trừ cho hết đừng để sót tý nào, hãy buông bỏ, ói mửa ra, lìa bỏ hết, diệt hết các nhiễm trước, phải yên lặng, tịch tĩnh vĩnh viễn thì gọi đó là nhà cửa là chỗ nương thân. Cũng gọi đó là các thứ tên như: Là bến đỗ (bến bãi đậu ghe tàu), là nơi cứu hộ, nơi nương nhờ, chỗ trở về, chỗ đến, cũng gọi là nơi không bệnh hoạn, không loạn động, không mất, không bị thiêu đốt, không nóng nảy, cũng gọi là nơi an ổn, nơi không có sợ hãi, là việc thánh thiện, là sự tốt lành, là Niếtbàn… Nên có tụng:

Quả Sa-môn rốt ráo,
Khen ngợi sự điều phục,
Diệt dứt sạch ngã mạn,
Mãi chứng dấu cam lồ.
Trở về ở nhà xưa,
Phật khen cung điện đẹp,
Dứt hẳn sự sợ hãi,
Luôn an ổn bờ kia.
Ở chỗ không còn khổ,
Vĩnh viễn thoát hầm sâu,
Thắng nghĩa nên ứng cúng,
Sống trí tuệ Thánh mừng.
Không còn già bệnh chết,
Không sầu lo khổ não,
Nhỏ khó thấy bến bờ,
Diệt đế không đồng loại.

Đó là dùng vô lượng pháp môn chính thức chỉ bày rõ rằng diệt đích thực là diệt.

Thế nào là vô lượng pháp môn chính thức chỉ rõ rằng đạo chính là đạo? Nghĩa là chính thức chỉ rõ rằng: Con đường này, việc làm này, đạo này từ xa xưa đến nay, đối với các khổ não thì nó có thể cắt đứt diệt trừ, nó làm cho ói mửa hết ra, diệt hết, lìa hết các ô nhiễm. Nó diệt hết tất cả, giúp mình được yên tịnh lặng lẽ trống vắng, dứt mất tất cả một cách vĩnh viễn. Con đường đó là gì? Đó là tám chi Thánh đạo: Thấy đúng, suy nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng, sống đúng, siêng năng cố gắng đúng, nghĩ nhớ đúng, trí tuệ đúng. Nên có tụng:

Một cõi thật hùng vĩ,
Như chim giữa trời xanh,
Đem thiền định Mâu-ni,
Diễn nói nhiều khắp chúng.
Thương xót nói một cõi,
Thấy đạo đời sống dứt,
Xưa nay dòng thác cuốn,
Đạo này khéo vượt qua.
Giỏi điều tịnh rốt ráo,
Dứt được dòng sinh tử,
Thấu suốt khắp các cõi,
Giỏi mở sáng mắt đạo.
Như sông Hằng chảy xiết,
Thoát nhanh ra biển khơi,
Chỉ bày đạo tuệ lớn,
Nhanh chóng chứng Niết-bàn.
Thương xót khắp chúng sinh,
Độ người chưa nghe pháp,
Dạy bảo chúng trời người,
Kính cẩn thoát biển hữu.

Đó là dùng vô lượng pháp môn chính thức chỉ rõ rằng đạo chính là đạo.

Nếu đối với các chánh pháp vừa được nói đó mà ham thích lắng nghe, thọ trì rốt ráo, ham hiểu rõ, quan sát chiêm nghiệm, tìm tòi suy nghĩ, suy xét nghiên cứu, ham thấu suốt, giao tiếp, ham quả chứng, ham được chứng quả…, vì nghe pháp nên mạnh dạn đạp lên mọi trở ngại gian khổ, tai ương hoạn nạn của con đường tắt đầy hiểm trở, vượt biên giới chỉ rõ chốn dạo chơi trên con đường lớn thênh thang bằng phẳng yên bình không chút hiểm nguy. Vì có thọ trì nên thường dùng nhĩ căn đối với lời diễn giảng chánh pháp mà phát sinh nhĩ thức cao quý. Như thế gọi là lắng nghe chánh pháp.

Thế nào gọi là đúng lý mà khởi ý (tác ý)? Nghĩa là được nghe bậc Thiện sĩ diễn giảng chánh pháp rồi thì trong lòng vô cùng hân hoan mừng rỡ: Ôi kỳ diệu thay! Đức Thế Tôn sao khéo diễn nói chánh pháp nhiệm mầu sâu xa như thế! Khổ mà Đức Phật nói chính là khổ, khổ thật! Tập mà Đức Phật nói chính là sự chứa nhóm các khổ. Diệt mà Đức Phật nói đó đúng thật là sự tĩnh lặng hằng cửu, và đạo mà Đức Phật chỉ bày thật sự là những giáo pháp nhiệm mầu quá! Vì lòng người ấy hân hoan mừng vui như thế nên dẫn đến việc nhiếp phục kiềm chế làm chủ được tâm tình, tùy theo các việc cần nhiếp phục điều nhiếp, rồi khởi lên ý niệm tìm hiểu suy xét quan sát đúng đắn các lời văn nghĩa lý thật sâu xa tuyệt diệu kia. Như thế gọi là đúng lý mà tác ý (khởi phát ý niệm).

Thế nào là pháp tùy pháp hành? Nghĩa là người này cứ luôn luôn xoay vần đúng lý tác ý, khởi ý niệm tìm hiểu suy xét quan sát đúng đắn các văn nghĩa sâu xa tuyệt diệu rồi thì liền có được sự xuất ly, xa lìa do năm pháp thiện cao quý sinh ra, năm pháp ấy là: Tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ. Người ấy đối với năm pháp thiện quý báu sẽ dẫn đến sự xa lìa và xuất ly mà tu tập kiên trì bền bỉ, không hề gián đoạn, luôn luôn cố gắng gia hạnh tăng cao độ. Như thế gọi là pháp tùy pháp hành. Luôn siêng năng tu hành pháp tùy pháp hành thì liền được chứng nhập vào chánh tánh ly sinh.

Sở dĩ được chánh tánh ly sinh là do siêng tu pháp tùy pháp hành, sở dĩ hay được tất cả pháp tùy pháp hành là do đúng lý quan sát các nghĩa lý nhiệm mầu thâm diệu, sở dĩ hay quan sát các nghĩa lý thâm diệu là do thường hay cung kính lắng nghe chánh pháp, sở dĩ hay lắng nghe chánh pháp là do hay gần gũi cúng dường các bậc Thiện sĩ. Nếu ai hay gần gũi cung kính cúng dường bậc Thiện sĩ thì liền được nghe giảng nói chánh pháp, khi nghe chánh pháp thì liền khéo đúng lý tìm hiểu quan sát các nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm, khi đã đi đúng lý quan sát các nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm thì thường hay tiến tu các pháp tùy pháp hành, khi đã siêng năng tu hành các pháp tùy pháp hành thì liền được vào thẳng chứng tánh ly sinh. Giống như trên đỉnh núi cao khi mưa rơi tầm tã thì đầu tiên là các khe, lạch đầy nước. Khi các khe, lạch đầy nước rồi thì đến các suối nhỏ mới đầy, khi các suối nhỏ đầy nước rồi thì mới đến các suối lớn đầy nước, sau đó mới đến các sông bé đầy nước, rồi mới đến các sông to đầy nước, rồi mới đến biển cả dần dần tràn đầy… Biển cả Thánh đạo cũng như thế. Trước hết cần phải gần gũi cúng dường các bậc Thiện sĩ, rồi mới được nghe chánh pháp, nghe chánh pháp rồi thì mới đúng lý mà quan sát các nghĩa lý sâu kín nhiệm mầu, có quan sát đúng lý các nghĩa lý thâm diệu rồi, thì mới có thể tiến tu các pháp tùy pháp hành. Khi đã siêng năng tu hành pháp tùy pháp hành được đầy đủ viên mãn rồi, thì mới nhập được vào chánh tánh ly sinh. Khi đã nhập vào chánh tánh ly sinh, thì liền được gọi là đã sinh trưởng tám chi Thánh đạo, tức là chánh kiến v.v…, như trước đã nói. Như thế bốn thứ này gọi là Chi Dự lưu.

Do bốn thứ này mà đối với dòng Thánh đạo có thể thâu nhận được, có thể đến được tùy mọi lúc, có làm xong việc, có thể đầy đủ, có tiếp xúc, có thể chứng và có thể vì được chứng đắc cho nên gọi là Chi Dự lưu.

Lại bốn thứ này đối với dòng Thánh đạo có thể tùy thuận, có thể tăng trưởng thêm lớn, có thể trang sức tốt đẹp, trang hoàng đầy đủ mà sống, có thể là chỗ thường an lạc trợ giúp tư lương, cho nên gọi là Chi Dự lưu.

Lại bốn chi này do lời thêm lời, do các tưởng cùng với tưởng nêu bày ra mà nói là Chi Dự lưu. Cho nên gọi là Chi Dự lưu.