LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 1: HỌC XỨ

Cúi lạy Phật, Pháp, Tăng,
Báu chân tịnh vô giá,
Nay gồm các pháp uẩn,
Lợi ích khắp quần sinh.
A-tỳ-đạt-ma như biển cả,
Núi cao, đất rộng, trời mênh mông,
Gồm chứa vô biên giáo pháp Phật,
Nay con gắng tóm tắt chỉ bày.
Kệ (Ốt-đà-nam) nói:
Môn học quả tịnh nối dòng Thánh,
Thiền niệm chắc thật, đủ, cao quý,
Vô lượng định giác chi vô sắc,
Tạp căn, xứ, uẩn, giới duyên khởi.

Một thời, Đức Bạc-già-phạm ngụ tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt. Khi ấy Đức Thế Tôn bảo với chúng Bísô: Có nhiều người phạm năm thứ tội oán sau đây, nên không được trong sạch yên lành. Ở đời hiện tại họ bị các bậc Hiền Thánh chê trách, gọi là kẻ phạm giới tự gây hại mình. Vì gây tội ác nên bị chê bai ghét bỏ, bị nhiều tai họa, không có phước đức. Khi chết rồi thì bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục.

Năm thứ tội ác đó là gì?

1. Lỗi thứ nhất là giết hại. Do điều kiện giết hại nên sinh ra tội lỗi, oán thù, sợ hãi và cứ quen thói không từ bỏ việc giết hại.

2. Lỗi thứ hai là không cho mà lấy. Do điều kiện trộm lấy cướp giựt này nên sinh ra tội lỗi, oán thù, sợ sệt và quen thói không từ bỏ trộm cướp.

3. Lỗi thứ ba là dâm dục tà hạnh. Do điều kiện dâm dục tà hạnh nên sinh ra tội lỗi, oán thù, sợ sệt và quen thói không từ bỏ việc dâm dục tà hạnh.

4. Lỗi thứ tư là nói dối. Do điều kiện nói dối nên sinh ra tội lỗi, oán thù, sợ sệt và quen thói không từ bỏ việc nói dối.

5. Lỗi thứ năm là uống rượu chơi bời. Do điều kiện uống rượu lêu lổng nên sinh ra tội lỗi, oán thù, sợ sệt và quen thói không từ bỏ việc uống rượu phóng dật.

Những ai gây ra năm tội lỗi nói trên thì luôn bị oán thù sợ hãi mà không được yên lành trong sạch. Ở đời hiện tại bị các bậc Hiền Thánh chê trách, gọi là kẻ phạm giới tự làm hại mình. Vì gây tội đó nên bị chê bai ghét bỏ, bị nhiều tai họa, không có phước đức. Khi chết rồi sẽ bị đọa vào các đường dữ sinh trong địa ngục.

Lại có những người luôn được yên lành không phạm năm tội lỗi. Ở đời hiện tại họ được các bậc Hiền Thánh cùng sống chung, khen ngợi, khâm phục, gọi là người giữ giới hạnh tự bảo vệ mình.

Do không gây tội ác, nên không bị ai chê bai ghét bỏ, lại được nhiều phước đức. Khi chết rồi sẽ được sinh lên các cõi thiện, ở chốn thiên cung. Đó là năm điều gì?

1. Điều thứ nhất là từ bỏ giết hại. Do điều kiện lìa bỏ giết hại, nên không có lỗi lầm, oán thù, sợ hãi và giỏi lìa bỏ việc giết hại.

2. Điều thứ hai là từ bỏ việc không cho mà lấy. Do điều kiện từ bỏ trộm cướp nên không có tội lỗi, oán thù sợ hãi và giỏi lìa bỏ trộm cắp.

3. Điều thứ ba là lìa dục tà hạnh. Do điều kiện lìa bỏ tà hạnh nên diệt tội, hết thù oán và giỏi lìa tà hạnh.

4. Điều thứ tư là lìa bỏ nói dối. Do điều kiện không nói dối, nên không có tội lỗi, oán thù sợ hãi và giỏi lìa bỏ sự nói dối.

5. Điều thứ năm là từ bỏ việc uống rượu, phóng dật. Do điều kiện không uống rượu chơi bời lêu lổng nên không có tội lỗi oán thù sợ hãi, lại giỏi từ bỏ chơi bời, uống rượu.

Có những người luôn yên lành không phạm năm điều lỗi đó nên họ ở đời này được các bậc Hiền Thánh cùng sống chung khen ngợi, khâm phục, gọi là người giữ giới hạnh tự bảo vệ mình. Do không gây tội ác nên không bị ai chê bai ghét bỏ, lại được nhiều phước đức. Khi chết rồi sẽ được sinh lên các cõi thiện, ở chốn thiên cung.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tóm tắt các nghĩa vừa nói trên nên nói kệ tụng:

Những hành giết, trộm, dâm,
Nói dối, mê uống rượu,
Bị năm lỗi trói chặt,
Hiền Thánh đều chê trách.
Phạm giới tự hại mình,
Gây tội, không được phước,
Chết đọa vào đường dữ,
Bị nhốt trong địa ngục.
Lìa bỏ giết, trộm, dâm,
Nói dối, mê uống rượu,
Vượt thoát năm điều lỗi,
Hiền Thánh đều khen phục.
Giữ giới tự phòng thân,
Không tội, nên được phước,
Chết rồi sinh cõi thiện,
Sống ở chốn thiên cung.

Như việc gì mà gọi là Ô-ba-sách-ca?

Đáp: Nghĩa là những nam cư sĩ (áo trắng ở tại gia) có thân trai hoàn hảo, đến quy y Phật Pháp Tăng, phát tâm ân cần trong sạch, nói lời thành thật chắc chắn tự bảo: Con là Ô-ba-sách-ca (cư sĩ nam) cúi mong đấng tôn kính thương xót nghĩ nhớ giúp đỡ hộ trì cho. Đều gọi là Ô-ba-sách-ca.

Hỏi: Nhưng ở đây vì sao lại gọi là học được một phần?

Đáp: Nghĩa là có loại Ô-ba-sách-ca trước đây đã nói, đến quy y Phật Pháp Tăng, bày tỏ thành thật: Chỉ lìa bỏ được việc giết hại mà chưa thể từ bỏ được bốn thứ kia. Như thế gọi là người mới học được một phần.

Hỏi: Lại nữa, thế nào gọi là học được ít phần?

Đáp: Nghĩa là có loại Ô-ba-sách-ca như trước vừa nói, đến quy y Phật Pháp Tăng, bày tỏ thành thật: Chỉ có thể lìa bỏ được giết hại và trộm cướp mà chưa bỏ được ba điều kia. Như thế gọi là học được ít phần.

Hỏi: Lại nữa, thế nào gọi là học được toàn phần?

Đáp: Nghĩa là như loại Ô-ba-sách-ca trước vừa mới nói, đến quy y Phật Pháp Tăng, nói lời thành thật có thể lìa đủ cả năm lỗi. Như thế gọi là học được toàn phần.

Hỏi: Có việc thành tựu năm pháp Ô-ba-sách-ca nhưng chỉ lợi mình chứ không có lợi người khác. Năm điều đó là thế nào?

Đáp: Nghĩa là có Ô-ba-sách-ca như vừa nói ở trước, tự mình đã lìa bỏ được sự giết hại cho đến lìa bỏ uống rượu phóng dật. Nhưng không khuyên bảo được người khác lìa bỏ giết hại cho đến không uống rượu, chơi bời. Như thế gọi là thành tựu năm pháp Ô-ba-sách-ca chỉ có lợi mình mà không có lợi cho người khác.

Hỏi: Có sự thành tựu mười pháp Ô-ba-sách-ca có thể lợi mình, lợi người, nhưng không lợi ích rộng khắp. Mười điều đó như thế nào?

Đáp: Nghĩa là có Ô-ba-sách-ca như trước vừa nói, đã tự từ bỏ được năm điều lỗi từ giết hại cho đến uống rượu, lại còn khuyên bảo được người khác cũng bỏ cả năm điều từ giết hại đến uống rượu. Nhưng khi thấy có những người khác từ bỏ giết hại v.v…, mà lại không chịu vui mừng khen ngợi tỏ vẻ thán phục. Như thế gọi là thành tựu mười pháp Ôba-sách-ca có thể lợi mình, lợi người, nhưng không ích lợi rộng khắp.

Hỏi: Có sự thành tựu mười lăm pháp Ô-ba-sách-ca có thể lợi mình, lợi người và lợi ích rộng khắp. Mười lăm điều đó là gì?

Đáp: Nghĩa là như có Ô-ba-sách-ca như trước vừa nói, đã tự mình lìa bỏ giết hại cho đến việc uống rượu, cũng khuyên được người khác lìa bỏ giết hại và đến cả việc uống rượu, khi thấy người khác làm được các điều đó thì vui mừng ngợi khen. Đó là mười lăm pháp Ô-ba-sách-ca có lợi mình, lợi người và ích lợi rộng khắp.

Hỏi: Có sự thành tựu tám pháp Ô-ba-sách-ca nhưng chỉ lợi mình mà không lợi người khác. Tám pháp ấy như thế nào?

Đáp: Nghĩa là có Ô-ba-sách-ca như trước vừa nói, tự mình được đầy đủ tịnh tín nhưng không khuyên được người khác cũng đủ tịnh tín. Tự mình có đủ tịnh giới mà không khuyên được người khác có đủ tịnh giới. Tự mình có đủ bố thí, buông xả mà không khuyên được người khác có đủ bố thí buông xả. Tự mình có đủ siêng năng mà không khuyên được người khác có đủ siêng năng. Tự mình thường đến chùa tháp, Già lam lễ bái, thân cận các vị Bí-sô có đức hạnh cao quý, mà không khuyên được người khác làm như thế. Tự mình luôn biết chí thành lắng nghe chánh pháp, nhưng lại không khuyên được người khác làm như thế. Tự mình khi nghe pháp rồi trì giữ nhớ mãi không quên, mà không thể khuyên người khác trì giữ nhớ mãi không quên. Tự mình trì giữ pháp rồi lại suy tư tìm hiểu tuyển chọn nghĩa lý, mà không khuyên được người khác làm được như thế. Tự mình suy nghĩ tuyển chọn pháp rồi lại được chứng pháp nghĩa, luôn siêng năng tu pháp hạnh tùy pháp, trở nên hòa kính làm hạnh tùy pháp, nhưng lại không thể khuyên bảo người khác làm các việc như thế. Đó gọi là thành tựu tám pháp Ô-ba-sách-ca nhưng chỉ lợi mình mà không có lợi cho người khác.

Hỏi: Có việc thành tựu mười sáu pháp Ô-ba-sách-ca có thể lợi mình, lợi người mà không ích lợi rộng khắp. Mười sáu pháp đó như thế nào?

Đáp: Nghĩa là có Ô-ba-sách-ca như trước vừa nói, tự mình có đủ tịnh tín, cũng hay khuyên người khác có đủ tịnh tín… Rộng nói cho đến cả chính mình cũng như khuyên được người khác siêng năng tu pháp hạnh tùy pháp, trở nên hòa kính làm hạnh tùy pháp… Nhưng chẳng thấy có người khác có đủ tịnh tín v.v…, mà vui mừng khen ngợi. Đó gọi là thành tựu mười sáu pháp Ô-ba-sách-ca lợi mình, lợi người nhưng không lợi ích rộng khắp.

Hỏi: Có việc thành tựu hai mươi bốn pháp Ô-ba-sách-ca hay được lợi mình, lợi người và ích lợi rộng khắp. Hai mươi bốn pháp ấy như thế nào?

Đáp: Nghĩa là có Ô-ba-sách-ca như trước vừa nói, tự mình có đủ tịnh tín, cũng khuyên được người khác có đủ tịnh tín. Rộng nói cho đến tự mình và cũng khuyên được người khác siêng năng tu pháp hạnh tùy pháp, trở thành hòa kính làm hạnh tùy pháp. Và lại có thể thấy được người khác làm như thế thì vui mừng khen ngợi thán phục… Đó là hai mươi bốn pháp Ô-ba-sách-ca lợi mình, lợi người và có ích lợi rộng khắp.

Hỏi: Có việc tạo thành mười pháp, khi chết rồi thì đọa vào đường dữ, sinh trong địa ngục. Mười pháp đó là gì?

Đáp: Gồm có:

  1. Giết hại.
  2. Trộm cướp.
  3. Dâm dục tà hạnh.
  4. Nói dối.
  5. Nói lời ly gián.
  6. Nói lời hung dữ.
  7. Nói lời lộn xộn cấu uế.
  8. Tham dục.
  9. Giận dữ.
  10. Tà kiến.

Nếu ai gây tạo mười điều lỗi đó thì khi chết rồi phải bị đọa vào các đường dữ, sinh trong địa ngục.

Hỏi: Có việc thành tựu mười pháp khi mạng chung sẽ được sinh lên cõi thiện, sống ở cung trời. Mười pháp đó là gì?

Đáp: Gồm có:

  1. Không giết hại.
  2. Không trộm cắp.
  3. Không dâm dục tà hạnh.
  4. Không nói dối.
  5. Không nói lời ly gián.
  6. Không nói lời hung dữ.
  7. Không nói lời lộn xộn cấu uế.
  8. Không tham dục.
  9. Không giận dữ.
  10. Chánh kiến. Nếu ai thành tựu được mười pháp đó thì khi mạng chung sẽ được sinh lên cõi thiện, sống ở thiên cung.

Hỏi: Có việc tạo thành hai mươi pháp, khi chết rồi phải bị đọa vào các đường dữ, sinh trong địa ngục. Hai mươi pháp đó là gì?

Đáp: Nghĩa là tự mình sát sinh giết hại lại còn khuyên rủ người khác giết hại. Rộng nói cho đến tự mình khởi sinh tà kiến và khuyên rủ người khác khởi sinh tà kiến. Khi chết rồi phải bị đọa vào các đường dữ, ở trong địa ngục.

Hỏi: Có việc tạo thành hai mươi pháp khi mạng chung sẽ được sinh lên cõi thiện, sống ở thiên cung. Hai mươi pháp đó là gì?

Đáp: Nghĩa là tự mình không giết hại, khuyên bảo được người khác không giết hại. Rộng nói cho đến tự mình khởi chính kiến và khuyên bảo được người khác khởi chính kiến. Nếu ai thành tựu được hai mươi pháp này thì khi mạng chung sẽ được sinh lên cõi thiện, sống ở thiên cung.

Hỏi: Có việc tạo thành ba mươi pháp, khi chết rồi phải bị đọa vào các đường dữ, sinh trong địa ngục. Ba mươi pháp đó là gì?

Đáp: Nghĩa là tự chính mình không từ bỏ giết hại, lại khuyên rủ người khác giết hại và thấy người khác giết hại thì vui mừng khen ngợi thán phục. Rộng nói cho đến tự mình khởi tà kiến, khuyên rủ người khác khởi tà kiến cũng như thấy người khác khởi tà kiến thì khen ngợi thán phục. Nếu ai làm ba mươi việc xấu đó thì khi chết rồi sẽ phải bị đọa vào các đường dữ, sinh trong địa ngục.

Hỏi: Có việc tạo thành ba mươi pháp, khi mạng chung sẽ được sinh lên các cõi thiện, ở chốn thiên cung. Ba mươi pháp đó là gì?

Đáp: Nghĩa là tự mình không giết hại, lại khuyên được người khác không giết hại và thấy người khác từ bỏ giết hại thì vui mừng khen phục. Rộng nói cho đến tự mình khởi chánh kiến, khuyên được người khác khởi chánh kiến cũng như thấy người khác khởi chánh kiến thì vui mừng khen ngợi thán phục. Nếu ai làm được ba mươi điều đó thì khi mạng chung sẽ được sinh lên các cõi thiện, ở chốn thiên cung.

Hỏi: Có việc tạo thành bốn mươi pháp, khi chết rồi sẽ phải bị đọa vào các đường dữ, sinh vào địa ngục. Bốn mươi pháp đó là gì?

Đáp: Nghĩa là tự mình giết hại, khuyên rủ người khác giết hại, thấy người khác giết hại mà vui mừng ủy dụ và lại tán dương khen ngợi đề cao việc giết hại… Rộng nói cho đến tự mình khởi tà kiến, khuyên rủ người khởi tà kiến, thấy việc khởi tà kiến thì vui mừng ủy dụ và tán dương ca tụng đề cao việc khởi tà kiến. Nếu ai gây tạo bốn mươi việc lỗi đó thì khi chết rồi sẽ phải bị đọa vào các đường dữ, ở trong địa ngục.

Hỏi: Có việc thành tựu bốn mươi pháp, khi mạng chung sẽ được sinh lên các cõi thiện, ở chốn thiên cung. Bốn mươi pháp ấy là gì?

Đáp: Tức là chính mình không giết hại, khuyên người khác không giết hại, thấy việc không giết hại thì vui mừng khen ngợi và tán dương ca tụng đề cao việc không nên giết hại… Rộng nói cho đến việc tự mình khởi chánh kiến, khuyên được người khởi chánh kiến, thấy việc khởi chánh kiến thì vui mừng khen phục và lại tán dương ca tụng đề cao việc khởi chánh kiến. Nếu ai thành tựu được bốn mươi pháp ấy thì khi mạng chung sẽ được sinh lên cõi thiện, sinh trong các cõi trời.

Các Ô-ba-sách-ca có năm học xứ. Năm điều gì?

  1. Cho đến lúc chết, luôn xa lìa việt giết hại.
  2. Cho đến lúc chết, luôn từ bỏ trộm cướp.
  3. Cho đến lúc chết, luôn từ bỏ dục tà hạnh.
  4. Cho đến lúc chết, luôn từ bỏ nói dối.
  5. Cho đến lúc chết, luôn từ bỏ uống rượu, phóng dật.

Đó là năm điều.

1. Học xứ thứ nhất: Nay ở trong phần thứ nhất vì sao lại gọi là hay sát sinh giết hại? Như Thế Tôn có nói kẻ hay giết hại, đối với các loài hữu tình, chúng sinh thuộc loại đặc biệt mà không biết xấu hổ, không hề thương xót. Dưới cho đến loài Quấn-đa-tỷ, Tất-lạc-ca cũng không khỏi bị giết hại, nên gọi là kẻ hay giết hại.

Với những điều kiện gì thì gọi là có giết hại? Tức là đối với việc giết hại không hề ngán sợ tai họa, nhờm tởm chùn tay, không bao giờ muốn từ bỏ, thích sống trong đó, hoàn thành cách thức giết hại. Đó gọi là kẻ có (ưa) giết hại.

Bạo ác là sao? Tức là gom chứa đủ các thứ cung tên dao gậy…, tất cả các khí cụ giết hại.

Bàn tay máu là sao? Nghĩa là những kẻ giết mổ dê, gà, heo, bắt chim, bắt cá, thợ săn, trộm cướp, kẻ đầu sỏ, kẻ làm nem chả, kẻ yếm long mạch, chúa ngục, nấu thịt chó, kẻ giăng lưới đặt bẫy v.v…, đó gọi là bàn tay máu.

Vì sao các thứ đó lại gọi là bàn tay máu? Nghĩa là những người kể trên dù có tắm rửa nhiều lần, thoa xức dầu thơm, mặc quần áo sạch đẹp, đầu đội mũ, cài hoa trên tóc và đeo đủ đồ trang sức quý giá nhưng vẫn gọi là bàn tay máu. Vì sao? Vì hạng này đối với các việc tàn bạo độc ác không hề chán tởm, không muốn từ bỏ, khiến các loài hữu tình đang lớn lên sinh ra, có bao nhiêu máu tích tụ từ lâu đều phải chảy ra, nên gọi là bàn tay máu.

Những điều gì mà gọi là đam mê giết hại? Nghĩa là đối với chúng sinh chỉ làm hại chứ không giết chết, hoặc làm hại rồi giết luôn.

Có hại mà không giết, là dùng mọi thứ cung tên dao gậy, đủ các đồ dùng để giết hại, đem bức ngặt gây đau khổ cho chúng sinh, nhưng không giết chết.

Làm hại rồi giết chết, là dùng mọi thứ cung tên dao gậy, đủ các thứ đồ giết hại, đem hành hạ đau đớn rồi sau đó giết chết. Tất cả như thế gọi là ham thích mê đắm việc giết hại.

Những gì mà gọi là đối với các loài hữu tình, chúng sinh đặc biệt mà không hề biết xấu hổ thương xót? Vả lại, luận xét về loại chúng sinh đặc biệt thì có nhiều thứ khác nhau. Nếu là kẻ phàm phu dị sinh thì gọi là chúng sinh, còn hàng đệ tử của Phật thì gọi là loại cao quý. Lại có loài hữu tình có tham sân si thì gọi là chúng sinh, còn những loài hữu tình nào đã từ bỏ tham sân si thì gọi là loại cao quý. Lại có hữu tình có ái có chấp thì gọi là chúng sinh, còn các hữu tình lìa ái lìa chấp thì gọi là loài cao quý. Lại có hữu tình có thuận không trái với lỗi lầm thì gọi là chúng sinh, còn hữu tình nào không thuận có trái với lỗi lầm thì gọi là cao quý. Lại có hữu tình không thông minh trí tuệ mà có vô minh thì gọi là chúng sinh, còn hữu tình nào có trí sáng suốt thì gọi là hàng cao quý. Lại có loài hữu tình chưa từ bỏ tham dục thì gọi là chúng sinh, loài hữu tình nào đã từ bỏ tham dục thì gọi là hàng cao quý. Loài hữu tình nào chưa lìa tham dục và không phải là đệ tử Phật thì gọi là chúng sinh, còn ai lìa bỏ tham dục và là đệ tử Phật thì gọi là hàng cao quý.

Nay nghĩa ở đây thì nếu là những phàm phu dị sinh thì gọi là chúng sinh, còn đệ tử của Đức Thế Tôn thì gọi là hàng cao quý. Nguyên do vì sao? Là vì “cao quý” có nghĩa là Niết-bàn, người đó có thể nhận được sự thành tựu là độc chứng (tự chứng), nên gọi là hàng cao quý.

Như có tụng:

Khắp tùy thuận thế gian,
Vòng quanh các thôn ấp,
Muốn tìm kẻ hơn ta,
Không chứng, không nương nhờ.

Với nghĩa trong này, nếu các loài phàm phu dị sinh thì gọi là chúng sinh, còn những đệ tử của Thế Tôn thì gọi là hàng cao quý. Đối với hàng cao quý thì các loài hữu tình chúng sinh phải nên xấu hổ và thương xót. Nhưng trong đó lại không hề biết xấu hổ thẹn thùng, không thương xót tiếc nhớ…, nên nói các loài hữu tình chúng sinh không hề biết xấu hổ thương xót đối với hàng cao quý.

Thế nào là dưới cho đến loài Quấn-đa-tỷ, Tất-lạc-ca đều không tránh khỏi bị giết? Nói Quấn-đa-tỷ, nghĩa là loài muỗi và ve v.v…, các loài côn trùng bé nhỏ. Còn Tất-lạc-ca là loài kiến con. Dưới đến hàng chúng sinh rất bé nhỏ đều khởi lòng ác độc muốn giết hại. Thế nên gọi là người hay giết hại.

Ở trong này sinh là sao, sát là gì? Giết hại và những gì thì gọi là từ bỏ sự giết hại mà nói là cho đến chết cũng luôn từ bỏ giết hại, là bài học thứ nhất của Ô-ba-sách-ca?

Sở dĩ nói là sinh, là các chúng sinh có tưởng chúng sinh, hoặc loài hữu tình có tưởng hữu tình, hoặc có mạng sống có tưởng mạng sống, hoặc các thứ được nuôi dưỡng có tưởng nuôi dưỡng, hoặc Bổ-đặc-già-la có tưởng Bổ-đặc-già-la… Thì gọi đó là sinh (sự sống).

Nói sát sinh nghĩa là đối với chúng sinh thì khởi tưởng chúng sinh, đối với hữu tình thì khởi tưởng hữu tình, đối với các mạng sống thì khởi tưởng mạng sống, đối với các thứ được nuôi dưỡng thì khởi tưởng nuôi dưỡng, đối với Bổ-đặc-già-la thì khởi tưởng Bổ-đặc-già-la. Lại khởi lên các thứ tâm ác độc, tâm bất thiện, tâm gây tổn hại, tâm giết chết ngay hiện tiền. Y vào các nghiệp như thế, gia hạnh như thế, suy nghĩ như thế, sự siêng năng như thế, sự mạnh mẽ như thế để giết hại chúng sinh, cho nên có ý nghĩ đoạn dứt mạng sống. Do các việc như thế nên gọi là sát sinh.

Tức là các Ô-ba-sách-ca như trước vừa nói, đối với sự giết hại sát sinh này, giỏi khéo léo suy nghĩ tuyển chọn, chán ghét lìa bỏ, ngăn cấm, thôi dứt, nghỉ ngơi, gìn giữ, không làm, không gây tạo, không vi phạm, buông bỏ, ngăn lấp, không chống cự, không trái nghịch, không trái, không vượt bỏ. Đó gọi là lìa bỏ giết hại. Thế nên cho đến chết cũng luôn lìa bỏ giết hại, là bài học thứ nhất của Ô-ba-sách-ca.

2. Học xứ thứ hai: Vì sao lại gọi là chẳng cho mà lấy? Như Đức Thế Tôn có nói: Có việc trộm cướp (chẳng cho mà lấy) ấy là, hoặc ở trong thành ấp, hoặc ở nơi A-luyện-nhã, mà có tâm cướp giựt trộm lấy các thứ vật chẳng cho và không hề muốn từ bỏ việc trộm cướp. Đó gọi là chẳng cho mà lấy.

Như thế nào là chẳng cho mà lấy? Nghĩa là đối với việc chẳng cho mà lấy thì không hề chán sợ hậu quả tai hại, cũng không muốn lìa bỏ, mà luôn muốn sống trong đó, muốn hoàn thành giỏi các kỹ thuật trộm cướp. Đó gọi là chẳng cho mà lấy.

Thế nào là trong thành ấp? Nghĩa là ở chung quanh có tường rào bao kín.

Thế nào là A-luyện-nhã? Nghĩa là chung quanh không có thành quách tường rào bao kín.

Chẳng cho là sao? Nghĩa là người khác giữ gìn chẳng buông bỏ cho, không ban tặng hiến biếu, không bố thí, phát cho.

Những gì gọi là vật? Tức là mọi thứ của cải tiền bạc, các thứ vật dụng trong cuộc sống hằng ngày mà người khác giữ gìn, cố ý lấy hay vô ý lấy, thì đều gọi là vật không cho mà lấy.

Thế nào là có tâm trộm cướp mà lấy, không có ý từ bỏ trộm cướp? Tức là như đã nói, những vật không cho mà vẫn lấy. Ôm lòng giặc cướp mà lấy, không hề có ý từ bỏ hay không muốn lấy. Như thế là vật không cho mà lấy, với tâm trộm cướp mà lấy chứ không hề có ý từ bỏ, chẳng muốn lấy.

Chẳng cho mà lấy, ở trong này, thế nào là chẳng cho, thế nào là chẳng cho mà lấy? Thế nào là từ bỏ việc chẳng cho mà lấy, mà nói là cho đến lúc chết luôn từ bỏ việc trộm cướp (chẳng cho mà lấy)? Đó là bài học thứ hai của Ô-ba-sách-ca?

Nói chẳng cho, nghĩa là người khác cố ý hay không cố ý giữ gìn, tất cả những của cải tiền bạc sinh sống hằng ngày, không hề buông bỏ, không hề ban tặng bố thí phát cho, thì gọi là chẳng cho.

Chẳng cho mà lấy, là đối với tiền của vật dụng của người khác đáng giữ và có ý giữ gìn chẳng cho. Nhưng mình lại khởi tâm ác độc, tâm chẳng thiện, tâm trộm cướp chiếm đoạt, tâm muốn giữ lấy ngay lập tức. Y vào các nghiệp như thế, gia hạnh như thế, siêng năng như thế, sự siêng năng dữ dằn mạnh mẽ như thế, với cửa ngõ đường lối như thế…, đối với tiền bạc sản vật của người khác đang giữ mà mê đắm ham muốn, chiếm đoạt, cướp giựt đem nó đi chỗ khác. Do các việc như thế nên gọi là chẳng cho mà lấy.

Còn những Ô-ba-sách-ca như trước nói thì đối với việc trộm cướp (chẳng cho mà lấy) lại khéo suy nghĩ, chọn lựa, chán sợ, ghê tởm, từ bỏ, cấm ngăn, gìn giữ kiềm chế, không làm, không muốn làm, không nghịch, không trái không vượt bỏ lời dạy bảo tốt. Đó gọi là từ bỏ việc chẳng cho mà lấy. Cho nên nói: Cho đến lúc chết luôn từ bỏ việc chẳng cho mà lấy (trộm cướp). Đây là bài học thứ hai của Ô-ba-sách-ca.

3. Học xứ thứ ba: Vì sao gọi là dục tà hạnh? Như Đức Thế Tôn nói: Người có tánh dục tà hạnh, nghĩa là đối với con cái và vợ của người khác, họ được giữ gìn chăm nom bởi cha mẹ, anh em, chị em, cô cậu, bà con dòng họ che chở, có ngăn cản trách phạt, hoặc cấm đoán trừng phạt đủ chuyện…, việc nhỏ bé như trao cành hoa, cái trâm hay bím tóc để làm tin v.v…, từ các loại như thế khởi lên các phiền não về dâm dục mà rủ rê dụ dỗ và cưỡng bức người ấy cùng làm việc bất chính, cũng không có ý từ bỏ việc tà hạnh đó, nên gọi là dâm dục tà hạnh.

Những gì gọi là có dâm dục tà hạnh? Nghĩa là đối với việc tình dục tà hạnh không hề ngán sợ hậu quả tai hại, không hề có ý xa lìa từ bỏ, mà luôn sống trong đó và hoàn thành giỏi kỹ thuật về dục tà hạnh.

Như thế gọi là người có dục tà hạnh.

Con gái của người khác, có bảy loại vợ:

  1. Vợ trao nước.
  2. Vợ tiền hàng hóa.
  3. Vợ do lính cướp.
  4. Vợ do tình yêu.
  5. Vợ do sự ăn mặc.
  6. Vợ cùng sống.
  7. Vợ qua đường.

– Vợ trao nước, là cha mẹ của cô gái trao nước cho người con trai, lấy cô gái về làm vợ, về làm chủ gia đình.

– Vợ tiền và hàng hóa, nghĩa là đàn ông dùng ít hay nhiều tiền bạc của cải đem đổi lấy cô gái về làm vợ.

– Vợ do lính cướp, là có nhiều đàn ông nhân đem quân đánh phá nước khác rồi cướp lấy các cô gái đem về làm vợ mình. Hoặc là vua quan, nhân đánh phá nước khác cướp lấy những vật mình ưa thích, còn thì bỏ lại và những người đàn ông ấy dùng sức mạnh bắt các cô gái đem về làm vợ v.v…

– Vợ do tình yêu, là có những cô gái đối với chàng trai tin yêu mến thích, nguyện về làm vợ.

– Vợ do ăn mặc, là có những cô gái đối với nhà chàng trai vì việc ăn mặc mà xin đến làm vợ.

– Vợ tự nguyện, là có những cô gái đến nhà chàng trai, gọi chàng trai ra bảo: “Này hỡi chàng ơi, thiếp xin đem tấm thân này giao trọn cho chàng. Chàng và thiếp có gì thì đều chung là một, nương nhau cùng sống cho đến đầu bạc răng long, và con cháu đông vầy, khi chết rồi sẽ có người nối nghiệp, cúng kiến khói nhang…”.

– Vợ qua đường (thoáng chốc), là có những cô gái mến thích chàng trai mà tạm thời làm vợ.

Trong việc chăm nom giữ gìn, do bà mẹ có cô gái mà cha chẳng may bị điên cuồng hoặc lòng đang bị rối rắm lo âu sầu khổ, hoặc đã đi xuất gia, hoặc đã đi xa hay lẩn trốn, hoặc đã chết thì người mẹ một mình ở lại nuôi nấng chăm nom con. Thường bảo con: “Khi muốn làm gì phải cho mẹ biết trước rồi sau hãy làm”. Đó gọi là do mẹ chăm nom giữ gìn.

Con do cha chăm nom gìn giữ, là cô gái này có mẹ điên cuồng hoặc tâm trí rối loạn, rộng nói cho đến chết đi. Thì người cha một mình phải nuôi nấng chăm sóc con cái…, cũng nói những lời chân thành như thế…, đó là do cha chăm nom che chở.

Do anh em chăm nom, là có cô gái mà cha mẹ hoặc điên cuồng rối trí, cho đến hoặc đã chết cả, thì anh em bảo bọc lẫn nhau, chăm nom che chở. Riêng dặn dò: Khi muốn làm gì, em phải cho anh chị biết trước rồi sau mới làm. Đó là do anh em gìn giữ.

Do chị em chăm nom, là có những cô gái mà cha mẹ hoặc điên cuồng, hoặc đều chết cả rồi, chị em đùm bọc chăm sóc nhau, cũng khuyên bảo dặn bò như trước.

Do cô cậu chăm sóc chở che, là có cô gái mà chồng đã điên cuồng rối trí hay đã chết, nên đến nương nhờ ở nhà của cô hay cậu. Cô cậu cũng khuyên con chớ quá lo buồn, hãy nên an tâm vui sống, tất cả mọi thứ ăn mặc ta chu cấp đầy đủ, ta xem con không khác gì con ruột ta. Cô cậu cấp dưỡng đầy đủ, chăm nom che chở và cũng dặn dò: Có muốn làm gì hãy cho cô cậu biết trước rồi sau hãy làm.

Do bà con chăm sóc, là có cô gái trừ mẹ và chồng ra thì những người khác dòng họ thân tộc đều gọi là bà con. Mà cô gái này được những người bà con ấy chăm sóc che chở, nên gọi là do bà con đùm bọc chăm nom.

Do dòng họ chăm nom săn sóc, là cô gái này trừ cha anh v.v…, thì những người khác cùng dòng họ đều gọi là bà con trong họ hàng. Cô gái này lại được bà con trong họ hàng trông nom. Nên gọi là do bà con họ hàng trong dòng họ trông nom chăm sóc.

Nói có hình phạt, là có cô gái không còn bà con quyến thuộc, lại cũng không phải là dâm nữ (gái bán hoa), nếu có việc cưỡng bức nhục nhã, bị chủ biết được hoặc giết đi, hay cùm trói giam nhốt, hoặc bị đuổi đi hay cướp đoạt tiền bạc của cải…, thì gọi là có hình phạt.

Nói có ngăn trở, là có cô gái thân ở chỗ hèn hạ thấp kém, tuy không có bà con nhưng lại có người chủ ngăn cản, nên gọi là có ngăn trở. Nếu có sự cưỡng bức làm nhục ở chỗ nương nhờ thì liền bị thêm nhiều hình phạt, nên gọi là có ngăn cấm hình phạt đủ điều.

Lại như trên vừa nói, tất cả các cô gái tùy theo chỗ nương nhờ ở đậu đều bị ngăn trở và trách phạt. Là nguyên cớ vì sao? Là vì những người nữ do luật pháp có quy định ràng buộc ngăn cấm, nếu ai làm việc phi lễ, trái thuần phong mỹ tục thì liền bị giết chết hay cùm trói giam cầm, hoặc tước đoạt tiền bạc của cải, hoặc bị đuổi xô làm nhục… Tất cả đều gọi là có ngăn cản hình phạt đủ điều.

Vì sao nói từ việc nhỏ bé như trao cành hoa bím tóc để làm tin? Nghĩa là có cô gái đã nhận được của chàng trai cành hoa hoặc lọn tóc, hoặc các chuỗi ngọc, hoặc hương thoa, hương bột hoặc một vật gì khác để làm tin.

Vì sao gọi là các loại như thế v.v…? Nghĩa là các chàng trai, các Bán trạch ca, những người tu phạm hạnh.

Vì sao gọi là người tu phạm hạnh? Tức là các Bí-sô Ni, những người tín nữ siêng học chánh pháp, và những Ô-ba-sách-ca (cư sĩ nữ), những người nữ xuất gia, ngoại đạo, dưới cho đến những người nữ tại gia tu khổ hạnh. Nghĩa là có chàng trai tự ý muốn trả tự do cho vợ mình nên bảo: “Này bạn hiền, từ nay cô được tự do tự tại mà tu các phạm hạnh”. Cô này liền nghe lời mà thọ trì giáo pháp và tu khổ hạnh không hề lười trễ.

Thế nào là khởi phiền não dục tình, rộng nói cho đến không từ bỏ các hạnh tà dục? Nghĩa là khởi lòng dục ở cõi Dục ngay hiện tại. Đối với các việc bất chánh không nên làm mà mời gọi dụ dỗ, cưỡng ép bắt người ta cùng làm việc tà dục mà chẳng nhàm chán, từ bỏ.

Thế nên gọi là dâm dục tà hạnh, thì ở trong đó dâm dục là sao, dục tà hạnh là sao, từ bỏ dục tà hạnh là sao mà nói là cho đến lúc chết, luôn luôn từ bỏ dâm dục tà hạnh. Đây là học xứ thứ ba của Ô-ba-sách-ca?

Nói là dục, tức là ham thích dục tình về cảnh tình dục, hoặc việc thực hành tình dục.

Dục tà hạnh là như trên vừa nói, những việc bất chánh không nên làm mà tạm thời làm việc giao hoan. Ngay như cả vợ của mình mà không phải phần, không hợp lễ, không đúng nơi đúng lúc cũng đều gọi là dục tà hạnh.

Còn những Ô-ba-sách-ca như trước vừa nói, đối với dục tà hạnh lại hay khéo léo suy nghĩ, chọn lựa nhàm chán và từ bỏ hoặc ngăn cấm, giữ gìn, kiềm chế, không làm, không gây tạo, không vi phạm, luôn buông bỏ, ngăn lấp, không chống không nghịch, không đi ngược lại hoặc vượt bỏ các điều răn cấm. Như thế gọi là từ bỏ dục tà hạnh. Cho nên nói là cho đến lúc chết luôn từ bỏ dục tà hạnh, là bài học thứ ba của Ô-ba-sách-ca.

4. Học xứ thứ tư: Vì sao gọi là không nói dối? Như Đức Thế Tôn có nói: Có việc nói dối, hoặc khi đối với người công bằng chánh trực, hoặc đối với đại chúng (nhóm đông người), hoặc đối với nhà vua, hoặc đối với kẻ nắm giữ pháp luật công lý (quan tòa), hoặc đối với bà con dòng họ…, khi có việc tra xét, tìm hiểu cùng hỏi: Này chàng trai kia, anh biết gì thì nói nấy, không biết thì đừng nói bậy, thấy sao thì nói vậy, không thấy chớ nói càn. Khi người ấy được hỏi xong thì không biết mà nói biết, chuyện biết thì bảo không biết, chuyện thấy nói chẳng thấy, chuyện chẳng thấy thì bảo là thấy. Người ấy nói thế là vì mình, vì người khác hoặc vì danh lợi, nên đem việc thấy biết thực sự mà nói dối, cũng không có ý từ bỏ việc nói dối. Đó gọi là lời dối trá.

Thế nào là có nói dối trá? Nghĩa là đối với việc nói dối không sợ hậu quả tai hại, không hề có ý từ bỏ, luôn muốn sống trong đó và hoàn thành giỏi kỹ thuật nói dối. Đó gọi là nói dối.

Thế nào là đối với việc công bằng chánh trực? Công bằng chánh trực có ba loại:

  1. Công bằng chánh trực ở nông thôn.
  2. Công bằng chánh trực ở thành thị.
  3. Công bằng chánh trực quốc gia.

Các vị công bằng chánh trực đó cùng tụ họp nhau lại và đồng thời cùng hỏi kiểm điểm tìm hiểu.

Thế nào là đối với đại chúng (nhóm đông người)? Đại chúng có bốn loại:

  1. Sát-đế-lợi.
  2. Bà-la-môn.
  3. Cư sĩ.
  4. Sa-môn.

Các nhóm đại chúng ấy cùng nhau tụ họp đồng thời tra hỏi tìm hiểu.

Thế nào là đối với nhà vua? Nghĩa là các bậc vua chúa, các quan tể tướng phụ chính khác, các bộ vụ công lý. Các bậc ấy hoặc cũng có khi hội họp cùng tra hỏi.

Thế nào là đối với nhà nắm giữ công lý pháp luật? Nghĩa là người này rành luật pháp và cứng rắn ngay thẳng trong việc xét đoán. Hạng người này tụ họp lại trước mặt cùng lúc kiểm tra xét hỏi.

Thế nào là đối với bà con thân tộc? Nghĩa là đối với bà con thân tộc hội họp đông đủ rồi cùng lúc kiểm tra xét hỏi.

Thế nào là cùng lúc kiểm tra xét hỏi? Nghĩa là hoặc muốn có chứng cớ, hoặc xét hỏi chính người đó, họp chúng đông đủ cùng lương định việc phải trái, và cùng kiểm tra xét hỏi: “Này anh kia, nay đối trước mọi người phải nên trình bày đầy đủ thành thật các việc đang nghi ngờ, đối với các việc đó, nếu không thấy không nghe thì chớ bày vẽ đặt điều nói năng bậy bạ…”. Như thế gọi là cùng kiểm tra xét hỏi.

Sao gọi là không biết nói biết? Nghĩa là do nhĩ thức đã từng hiểu biết rõ ràng, nên gọi là đã nghe. Nay nhĩ thức của người ấy chẳng hiểu biết gì rồi giấu giếm các ý tưởng như thế, khi thấy thích thú nên nói: “Tôi đã nghe”. Đó gọi là không biết nói biết.

Sao gọi là biết mà nói không biết? Nghĩa là nhĩ thức của người đó nghe biết điều này, gọi là đã nghe biết. Người này có nhĩ thức nên biết rõ ràng, nhưng khi che giấu ý tưởng đó thì lấy làm thích thú nên nói: “Tôi không nghe biết”. Như thế là biết mà nói không biết.

Sao gọi là không thấy mà nói thấy? Nghĩa là nhãn thức từng hiểu biết rõ ràng gọi là đã thấy. Nhãn thức người này không biết rõ ràng. Nhưng anh ta thấy thích thú khi che giấu ý tưởng đó nên nói: “Tôi đã thấy”. Đó gọi là không thấy mà nói thấy.

Sao gọi là thấy mà nói không thấy? Nghĩa là nhãn thức có nhận có biết thì gọi là đã thấy. Người này có nhãn thức thấy biết rõ ràng, nhưng anh ta lấy làm thích thú khi che giấu sự thật nên bảo rằng: “Tôi không thấy”. Đó là thấy mà nói không thấy.

Sao gọi là người ấy vì mình? Nghĩa là có một người chính mình đi trộm cướp, bị vua bắt lên hỏi: Có phải nhà ngươi là giặc cướp chăng? Người này khi nghe hỏi tự nghĩ thầm: Nếu ta nói thật thì bị nhà vua giết hại hoặc giam cầm cùm kẹp, hoặc bị đuổi đi (đi đày) hay bị chiếm đoạt gia sản tiền bạc. Vậy nay ta phải cố tình giấu giếm sự thật, cho nên biết đúng nhưng phải nói dối. Nghĩ xong liền tâu cùng vua: Quả thật tôi không hề làm việc chẳng cho mà lấy bao giờ. Đó là vì mình mà nói dối.

Sao gọi là vì người khác? Nghĩa là có một người biết bạn bè mình đi trộm cướp. Vua kêu lên bắt làm chứng hỏi: Nhà ngươi có biết tên này đi trộm cướp? Người ấy nghe hỏi liền nghĩ thầm: Nếu trả lời thật thì bạn ta sẽ bị nhà vua giết hại, hoặc giam cầm cùm kẹp, hoặc bị đuổi đi hay chiếm lấy gia sản tiền bạc. Vậy nay ta phải che giấu việc ấy, cho nên dù biết đúng mà vẫn phải nói dối. Nghĩ thế nên tâu cùng vua: Tôi biết rõ bạn tôi nhất định không hề làm việc chẳng cho mà lấy. Đó là vì người khác mà nói dối.

Sao gọi là hoặc vì danh lợi? Là như có một số người có nhiều ham muốn, nhiều suy nghĩ, nhiều ước ao mong cầu bèn nghĩ: “Ta nay cần phải bày đặt ra những việc như thế để tìm cách hay lừa dối thiên hạ, tất sẽ gom được nhiều thứ vừa ý về sắc thanh hương vị xúc v.v…” Nghĩ xong liền dùng mọi phương cách mà tìm kiếm lợi lộc, cho nên biết đúng mà vẫn nói dối. Đó là vì danh lợi mà nói dối.

Ở trong này, sao là dối trá, sao là nói dối trá, sao là từ bỏ lời nói dối trá mà nói là cho đến lúc chết luôn từ bỏ nói lời dối trá, là học xứ thứ tư của Ô-ba-sách-ca?

Dối trá là sự việc không thật, các ý tưởng và tên gọi dối trá…, không thật nên gọi là dối trá.

Nói lời dối trá. Do tham sân si mà đem sự việc trái nghịch với ý nghĩ của mình nói cho người khác hiểu lầm. Gọi đó là lời dối trá.

Còn những Ô-ba-sách-ca như ở trước nói, đối với việc nói lời dối trá thì khéo suy nghĩ chọn lựa, nhàm chán ghê tởm, từ bỏ, ngăn cấm, kiềm chế gìn giữ, không làm không gây tạo, không vi phạm, buông bỏ việc che giấu. Không chống lại, không trái ngược, không vượt bỏ các điều răn cấm. Đó gọi là từ bỏ nói lời dối trá. Cho nên nói là cho đến lúc chết luôn từ bỏ việc nói lời dối trá, là học xứ thứ tư của Ô-ba-sách-ca.

5. Học xứ thứ năm: Các thứ rượu là gì? Uống các thứ rượu là sao? Chỗ chơi bời là sao? Sao gọi là lìa bỏ việc uống rượu ở nơi chơi bời, mà nói là cho đến lúc chết luôn từ bỏ việc chơi bời uống rượu, là học xứ thứ năm của Ô-ba-sách-ca?

Nói các thứ rượu, tức là rượu Tốt-la, rượu Mê-lệ da và rượu Mạtđà. Rượu Tốt-la là dùng gạo, mì v.v…, đúng cách mà chưng nấu hòa thành chất men rượu mầm lúa (khúc nghiệt = rượu nếp) bỏ vào ngâm các thứ cây thuốc, ủ lại tạo thành một thứ rượu có màu sắc hương vị đặc biệt, uống vào sẽ say bí tỷ, gọi đó là rượu Tốt-la.

Còn rượu Mê-lệ-da thì gồm nước cất của các thứ rễ củ (căn hành) cọng, lá, hoa, quả…, không cần phải ủ men mà tạo thành một thứ rượu có màu sắc hương vị đặc biệt, uống vào cũng say.

Còn rượu Mạt-đà thì chính là rượu nho, rượu vang.

Các thứ rượu Tốt-la, rượu Mê-lệ-da khi uống vào khiến say sưa, cũng gọi chung là rượu Mạt-đà.

Uống các thứ, nghĩa là uống, nhấm nháp, mút, húp, tu…, các thứ rượu nói trên.

Uống các thứ rượu là chỗ chơi bời phóng túng, tức là uống các thứ rượu nói trên thì khiến tâm sinh ra kiêu mạn, say sưa điên loạn, không còn biết tôn ti trật tự, các lỗi lầm nặng nề, vô số ác nghiệp đều do say sưa khởi lên, sự chơi bời phóng túng cũng nương ở, nên gọi là chỗ của sự chơi bời phóng dật.

Còn những Ô-ba-sách-ca thì đối với việc uống rượu chơi bời, khéo léo suy nghĩ chọn lựa, nhàm chán, ghê tởm từ bỏ lìa xa, tự cấm ngăn, giữ gìn kiềm chế, không làm, không gây tạo, không vi phạm, lìa bỏ ngăn lấp, không trái ngược, không vượt bỏ các điều răn cấm. Đó gọi là từ bỏ uống rượu chơi bời. Cho nên nói là cho đến lúc chết cũng luôn từ bỏ việc uống rượu chơi bời, là học xứ thứ năm của Ô-ba-sách-ca.

Như thế là năm thứ. Học là gì, xứ là gì, học xứ là gì? Nói học là năm chỗ, cái nào chưa đầy đủ thì làm cho đầy đủ, luôn luôn siêng năng cần mẫn, bền bỉ kiên trì, ngay thẳng thành thật mà tu tập gia hạnh…, cho nên gọi là học.

Nói là chỗ, tức là từ bỏ giết hại v.v…, xứ là nơi tựa vào, nên nói là chỗ và việc từ bỏ giết hại v.v…, cũng gọi là học, cũng gọi là chỗ. Cho nên gọi là chỗ học, có nghĩa là lĩnh vực phải học.

Tất cả Ô-ba-sách-ca đều quy y Phật Pháp Tăng chăng? Trừ các kẻ thế tục, hết thảy Ô-ba-sách-ca đều quy y các ngôi báu Phật Pháp Tăng. Nhưng cũng có những người quy y các ngôi báu Phật Pháp Tăng mà không phải là Ô-ba-sách-ca. Vì đó gọi là Bí-sô, Bí-sô Ni và những vị siêng năng học tập chánh pháp nam và nữ, Ô-ba-tư-ca v.v…

Tất cả Ô-ba-sách-ca đều là đệ tử của Đức Thế Tôn chăng? Nên có bốn trường hợp sau đây:

1. Có Ô-ba-sách-ca không phải là đệ tử của Đức Thế Tôn. Nghĩa là các Ô-ba-sách-ca chưa được thấy Đế (các chân lý tứ đế), đối với quả vị lai chưa được nhìn thấy trong hiện tại.

2. Có những đệ tử của Thế Tôn nhưng không phải là Ô-ba-sáchca. Đó là những Bí-sô, Bí-sô ni, các vị nam và nữ siêng học chánh pháp, và Ô-ba-tư-ca v.v…, đã được thấy Đế, và đối với quả vị lai đã được nhìn thấy rõ trong hiện tại.

3. Có Ô-ba-sách-ca cũng là đệ tử của Đức Thế Tôn. Tức là những Ô-ba-sách-ca đã được thấy Đế (các chân lý tứ đế), đối với quả vị lai đã được nhìn thấy rõ trong hiện tại.

4. Có những người không phải là Ô-ba-sách-ca cũng không phải là đệ tử của Đức Thế Tôn. Tức là những vị Bí-sô, Bí-sô Ni, những vị siêng học chánh pháp nam và nữ, những Ô-ba-tư-ca…, chưa được thấy Đế và đối với quả vị lai chưa được nhìn thấy rõ trong hiện tại. Cùng những dị sinh phàm phu khác chưa được thấy Đế.

Tất cả thuộc về Tăng bảo đều được Tăng hòa kính chăng? Nên có bốn trường hợp sau:

1. Có loại thuộc vào Tăng bảo nhưng không được Tăng hòa kính, tức là những vị siêng học chánh pháp nam và nữ, những Ô-ba-sách-ca v.v…, đã được thấy Đế và đối với quả vị lai đã được nhìn thấy rõ trong hiện tại.

2. Có loại được Tăng hòa kính nhưng không phải thuộc vào Tăng bảo, tức là những Bí-sô, Bí-sô Ni chưa được thấy Đế và đối với quả vị lai chưa được nhìn thấy rõ trong hiện tại.

3. Có loại thuộc vào Tăng bảo cũng được Tăng hòa kính, tức là những Bí-sô, Bí-sô Ni đã được thấy Đế và đối với quả vị lai đã được nhìn thấy rõ trong hiện tại.

4. Có loại chẳng phải thuộc vào Tăng bảo cũng chẳng được Tăng hòa kính, tức là những vị siêng học chánh pháp nam và nữ, những Ô-basách-ca, Ô-ba-tư-ca chưa được thấy Đế và đối với quả vị lai chưa được nhìn thấy rõ trong hiện tại. Và các phàm phu dị sinh khác chưa được thấy Đế.