LUẬN THÍCH KINH NĂNG ĐOẠN KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Bồ-tát Vô Trước viết kệ tụng
Bồ-tát Thế Thân viết lời bình luận giải thích
Hán dịch: Đời Đường -Tam Tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN TRUNG

Vì sao nói là cho có thể lập tướng Nhân?

Hai thứ thành tôn trọng,

Do đẳng lưu thù thắng,

Nhân tánh của phiền não,

Dù kém cũng là hơn.

Nói hai thứ thành tôn trọng là tự chỗ xác định để xây nên tháp Phật, gọi đó là vùng đất nói pháp. Ở chỗ nương thân đó, sau nầy trở thành như một bậc đại sư đáng được quý trọng, đó là người thọ trì kinh này, đó là nơi bố thí châu báu. Còn với người bố thí thì sự việc không như thế. Văn kinh sau đây sẽ nói rõ về pháp môn ấy. Chỉ có Chư Phật được chứng quả mới hiểu được tính bằng nhau. Lại có pháp nào, để Như Lai nói không?

Đây là có ý gì? Không có pháp nào để cho riêng Như Lai nói, mà tất cả Chư Phật cũng đều giảng nói pháp đó.

Vả lại, phước đức bố thí châu báu đấy, chính là nhân gây ra mọi sự khổ não. Còn công đức của pháp môn này, cần thiết chỉ để đoạn trừ các mê hoặc-phiền não, hơn kém đã cách nhau như trời đất. Thế nên, ở văn sau-sẽ lấy bụi đất ra làm thí dụ. Như Lai nói: Chẳng phải là bụi đất, do đó mới gọi là bụi đất- Nói về thế giới, Như Lai nói chẳng phải là thế giới, do đó mới gọi là thế giới. Đây có ý gì?

Nói thứ bụi đất này, không phải là bụi đất có tính nhiễm ô nhơ bẩn vì thế nên gọi là bụi đất. Còn các thế giới kia, không phải là nhân tạo ra các phiền não, nên gọi là giới (cõi). Vì đây nói là thế giới, thì giới ở đây có nghĩa là nhân, tức là nhân của cõi đời này.

Lời nói đó có ý chỉ bày rõ về các phước đức, là nhân của các bụi bặm phiền não, mê lầm. Ngoài ra các bụi đất khác, thì là vô ký. Phước đức đối với đạo lý pháp lành hãy còn nhỏ bé, thấp kém; huống chi so với nhân phước đức để được thành Phật thì chẳng phải là nhỏ bé kém khuyết lắm sao? Vả lại, nó còn tạo nên phước nghiệp của tướng đẹp đại trượng phu, nếu đem nhân đó, so sánh với nhân tiến đến quả Bồ-đề là phước đức thọ trì và giảng nói pháp môn Bát-nhã Kim Cang này, thì cũng còn thấp kém nhiều. Vì các tướng đẹp đẽ kia, không phải là thể tánh của Bồđề, nên ở đây gọi tướng đẹp đại trượng phu kia chỉ là tướng tiêu biểu. Còn phước đức thọ trì và giảng nói kinh, mới được gọi là tánh Đại Giác. Và cái phước này, cho dù có kém sút thế nào, cũng còn hơn nhiều, so với phước bố thí châu báu. Huống chi là nhân của pháp thân, thì phước đức lại chẳng siêu việt hơn nhiều sao? Thế nên nói: “Dù kém vẫn còn hơn nhiều” là vậy. Tức là dùng phước báu kém nhất để làm nhân. Ở đây đã nói, phước bố thí các châu báu, cùng với phước nhân này có nhiều chỗ sai khác, như vậy là đã xong. Còn đoạn văn sau đây, sẽ nói về điều gì?

Tụng nói:

Quả đó vượt các khổ,

Khó gặp việc tốt đẹp,

Chân như thật khó biết,

Vì kẻ khác chẳng cùng.

Tánh ấy rất sâu kín,

Hơn các pháp gọn khác,

Như vua cao hơn cả,

Mong phước-phước thù thắng.

Đây nói nghĩa gì?

Đáp: Phước đức của Bố thí châu báu sẽ cho ta quả báo là có đầy đủ các thứ thọ dụng cho thân, thân đó tức là sự tốt đẹp. Nhưng nếu có thể Bố thí vô số thân đó, thì phước này sẽ hơn phước bố thí châu báu nhiều. Mà cái thân xác này là gốc của khổ não, thì dại chi vì nó mà Bố thí?

Bấy giờ, Cụ-thọ Diệu Sinh (Tu Bồ-đề), biết rõ thân là gốc khổ và thấy uy lực của pháp môn ấy, liền buồn rầu rơi lệ. Vì pháp môn Kim Cang này rất khó gặp. Cụ-thọ Diệu Sinh, kể từ lúc chứng được trí tuệ lớn đến nay, chưa từng nghe được pháp này, đây là việc tốt đẹp hơn hết. Lời nói đó là để chỉ rõ tên gọi Bát-nhã. Ý sau đây là muốn trình bày sự thành lập việc tốt đẹp đó.

Kinh đã nói: “Như Lai nói Bát-nhã Ba-la-mật đa, tức chẳng phải là Ba-la-mật đa”

Với chủ ý nào mà nói như thế?

Đáp: Cảnh giới Giác Ngộ (Chân như) kia là chẳng thể nào biết được. Chỉ có chư Phật mới biết được cảnh giới đó mà thôi, những kẻ khác không thể biết được, vì đối với kẻ khác là không cùng chung.

Hết thảy thật tưởng của pháp môn này là thật tưởng. Trừ Phật dạy, chỗ khác không có.

Nói thật tưởng, chỉ ở đây mới có. Còn nói chẳng phải thật tưởng, thì có nghĩa là ở chỗ khác, nó không phát sinh. Thế nên, kinh văn nói: Nếu ai sinh được tưởng như thế thì người đó là hiếm có bậc nhất. Hơn nữa, pháp môn này cũng rất sâu kín cao xa, do đó, mà kinh này nếu ai thọ trì một ít, hoặc thọ trì hết cả (biến), thì không còn sinh các ngã tưởng nữa.

– “Không còn sinh các ngã tưởng”, là chỉ rõ nghĩa mà mình đã hiểu không có điên đảo lầm lạc.

– Đối với các ý tưởng về ngã v.v.. tức chẳng phải là tưởng, ý nói người có khả năng hiểu nghĩa không có điên đảo lầm lạc.

Hai thứ này, theo thứ tự làm rõ tính chất trí tuệ về Pháp và Ngã, cả hai thứ đều không có. Với nghĩa này, Phật đã ấn định lời nói của Cụ-thọ Diệu Sinh là đúng.

Nói không kinh-không sợ-không hãi hùng, cả ba thứ này đều là sợ, tức là kinh sợ-sợ sợ-sợ hãi hùng, song tùy theo từng việc, không giống nhau, nên có ba thứ riêng khác-Nói kinh tức là không đáng sợ mà sinh ra sợ. (Nếu chính thức dịch từ tiếng Phạm, thì nên gọi là: Sợ quá chừng! Nay nói là kinh v.v.., vì đây chẳng dám đổi thay lời xưa. Nhưng nếu y theo tiêu chuẩn (chuẩn độ) của luận giải thích, thì nghĩa của kinh chưa đủ lắm, cái sợ của nó chỉ ở mức thứ hai. Nên suy xét thử xem).

Vì vượt, và trái với chánh lý, tức như là vượt khỏi Chánh đạo (con đường đúng) nên có thể chán ghét vậy.

– Nói sợ (nên nói tiếp tục sợ) là tiếp tục sợ hoài khi cái sợ đã sinh ra rồi mà không thể dứt được.

– Nói là sợ hãi hùng: tức là lòng đã nhất định luôn luôn sợ. Những cái đó là nói sự không quyết tâm lìa bỏ các mê lầm, nghi ngờ, sợ hãi. (nếu chẳng thấy được bản kinh gốc và ý gốc thì đối với lời văn ấy chưa giải thích xong. Vì lời chú thích ấy rút từ bản gốc thì đây có nghĩa là “có thể quên và nghi ngờ” Trừ các người giải thích nghĩa khác không như ở bộ luận này).

Lại nữa pháp môn này vượt hơn các pháp tóm tắt khác, do đó kinh nói: Đây là pháp Ba-la-mật đa tối thắng, do Như Lai nói. (Kinh là các lời giảng dạy). Vả lại pháp môn này là chúa cao quí nhất.

“Nói cao quý nhất”, là vì do chư Phật cùng nói kinh này.

Việc Bố thí châu báu, không bằng phước đức đầy đủ tốt đẹp này. Tức là nói phước ấy, so với phước trước, có lý cao thấp khác nhau rõ ràng.

Nói rằng “thân là gốc (tánh) khổ”, thì người Bố thí thân kia sẽ nhận được quả, cũng có tánh chất khổ, nên phước đức đó phải thấp kém. Còn pháp môn này ai có thọ trì và giảng nói cho người khác nghe, thì đó là bậc Đại Sĩ (Bồ-tát) tu khổ hạnh, chứ không phải là chịu quả khổ. Vậy như thế nào là chịu quả báo khổ? Để giải đáp câu hỏi khó ấy nên có văn nói ở sau và muốn trình bày rõ những nghĩa gì? Tụng nói:

Khi người ấy nhẫn nhục,

Tuy khổ nhưng làm lành,

Phước ấy nhiều khó lường,

Gọi đó việc tốt nhất.

Do không tâm giận dữ,

Nên không có tính khổ,

Có Đại Bi an vui,

Khi làm chẳng quả khổ.

Đây nói nghĩa gì?

Đáp: Giả sử, người ấy tu khổ hạnh nhẫn nhục thì chịu quả khổ não. Nhưng lúc đó do có hạnh nhẫn nhục, nên chịu đựng được, vì vậy gọi đó là việc tốt nhất. Có hai nguyên do:

1. Là tánh lành, vì các Ba-la-mật đa đều lấy điều lành làm thể tánh.

2. Là phước đức ấy, nhiều thật khó lường.

Như kinh đã nói: Đó tức chẳng phải là pháp Ba-la-mật đa, do các công đức giác ngộ kia chưa từng biết được, nên gọi đó là không biết bến bờ, vì nó với thắng pháp tương ưng nhau.

Đó tức là những khổ hạnh khó làm: So với khổ não trước, tự nó có khác nhau xa, huống chi các ý tưởng về ngã, về sân giận, đều không còn thì đâu có chi là khổ não! Chẳng những không khổ não, mà còn có niềm an vui của lòng từ bi. Cho nên kinh nói: “Khi đó, ta không có ý tưởng về ngã, cũng chẳng phải là không có ý tưởng”

Nói “Chẳng phải không có ý tưởng”, là chỉ rõ ý tưởng tương ưng với lòng từ bi. Dựa vào lý chuẩn đó thì các chúng sinh (hữu tình), chưa diệt trừ được ý tưởng về ngã v.v.. nên khi tu khổ hạnh, còn thấy khổ não, liền muốn lìa bỏ tâm Bồ-đề! “Thế nên, cần phải lìa bỏ các ý tưởng, cho đến rộng nói”; thì ở đây, muốn trình bày điều gì?

Tức là: Nếu người chẳng phát tâm Bồ-đề cao tột thì khi chịu khổ hạnh, sẽ có lỗi, là nổi tâm giận dữ. Lời tụng nói:

Nhân sinh tâm không bỏ,

Phải bền bĩ khẩn cầu.

Hỏi: Tâm trụ vào đâu mà gọi là nhân sinh tâm? Mà phải bền bĩ cần cầu. Lại ở nơi đâu là không bỏ nhân của tâm Bồ-đề để cầu tiến bộ?

Tụng nói:

Nghĩa là được pháp nhẫn,

Và phương tiện tâm này.

Đây gọi là tâm thắng nghĩa, khi vào bậc sơ địa đã được hạnh nhẫn biên vực, tức là “tâm không trụ”. Kinh nói: “Nên lìa bỏ các ý tưởng mà phát tâm Chánh Đẳng Giác Vô Thượng” Vì sao thế?

Đây là chỉ rõ nhân tố phát sinh tâm không trụ vào vướng mắc. Nếu tâm còn vướng mắc vào sắc v.v… và các chỗ, tất không thể tiến cầu quả Phật được.

Các Bồ-tát không để tâm trụ vào đâu khi làm việc Bố thí? Ý văn là muốn trình bày, chỉ rõ Bố thí gồm thâu cả sáu pháp Ba-la-mật, tức là phát sinh phương tiện để tâm không vướng mắc. Khi đã đủ sức nhẫn nhục rồi thì dù có gặp khổ cách mấy, cũng không hề lìa bỏ tâm Đại Bồđề.

Hỏi: Thế nào là không mắc vào các thứ lợi lộc của chúng sinh, mà khởi hạnh làm lại lợi ích cho chúng sinh?

Đây là thủ, xả đồng nhau, từ đó sinh ra điều nghi ngờ.

Đáp: “Bồ-tát nên như thế, mà bố thí và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh”.

Đây là muốn nói rõ ý gì?

Tụng nói:

Nên biết chánh hạnh đó,

Là nhân giúp ích người,

Với sự tướng hữu tình,

Phải biết dẹp bỏ hết.

Đây nói đến nghĩa gì? Là nói về chánh hạnh, nó là nhân tố làm lợi

ích cho tất cả chúng sinh. Nên biết, khi làm lợi ích cho chúng sinh, nhưng không chấp vào hình dạng của hết thảy hữu tình. Sao gọi là sự việc về hình dạng chúng sinh?

Tụng nói:

Việc đó gọi là khối.

Chúng sinh tức là tên gọi được đặt ra để gọi các chúng sinh và những thứ thuộc về chúng sinh.

Chánh hạnh là gì? Tức là diệt trừ hết sự tướng của chúng sinh. Khi nghĩ về tên gọi đó, liền không nghĩ đến nữa (tức chẳng phải tưởng), do tự thể nó vốn không có. Tức là chúng sinh đó, chẳng phải là chúng sinh mà chỉ đối với năm ấm, gọi là chúng sinh. Do chúng sinh không có tự thể Ngã và pháp đều là tánh không. Vì sao thế? –Vì chư Phật Thế Tôn đã cùng trừ bỏ hết các ý tưởng. Đây là nói đến hai tưởng về ngã và pháp đều không. Làm sao có thể thành tựu sự vi diệu tối thắng? Tụng nói:

Tối thắng là trừ các tưởng,

Chư Phật không có các tưởng.

Do tương ưng với chơn kiến.

Đây nói đến nghĩa gì?

Do chẳng phải ngã và pháp là có thật tánh, mà vì các bậc Đại sư quyết trừ diệt các ý tưởng, các Như Lai cùng với Chân kiến lại tương ưng nhau. Quả không trụ vào nhân, thì làm sao thấy được Nhân của quả ấy? Đã có nghi, nên đáp: Kinh nói: Này Diệu Sinh (Tu Bồ-đề)! Lời Như Lai là thật. Nó có bốn câu. Tụng nói:

Quả chẳng trụ vào nhân,

Là được nhân quả ấy!

Thế Tôn nói lời thật,

Nên biết có bốn thứ.

Tánh của lời thật này có bốn thứ. Đó là gì? Tụng nói:

Lập yếu nói Tiểu thừa,

Giảng lý cho Đại thừa,

Do các việc thọ ký,

Đều không có sai lầm.

Vì Phật tự lập cho mình kỳ hạn thiết yếu, để trước hết cầu được Phật quả, không có dối trá nhầm lẫn. Đối với hàng người thấp kém hay bậc Đại thừa đều cùng thọ ký cho họ, và không hề sai lầm. Cho nên ở đây, tùy theo thứ lớp có bốn thứ là: Lời nói thật –Lời nói đúng-Lời nói không dối gạt-Lời nói chẳng đổi khác, cùng phối hợp vào nhau.

Nói Như Lai: “Tức là nói khổ trong pháp Tứ đế v.v.. cho hàng Thanh văn; đó là thật không dối”. Nói pháp “Vô tính” cho hàng Đại Thừa là để chỉ rõ xưng Chân như là thật tri. Như Lai là biết các nghĩa, cho nên hết thảy những việc thọ ký, trong mọi thời quá khứ, hiện tại, vị lai; đều không lầm lẫn, nên gọi là Như Lai. –Kinh nói: “Pháp Như Lai đã chứng và pháp Như Lai đã nói, tức chẳng phải thực, cũng chẳng phải dối”. Câu đó có nghĩa là gì? Đáp:

Chẳng được chỉ tùy thuận,

Là chẳng thực-chẳng dối,

Cứ theo lời mà chấp,

Đối với đấy nói rõ.

Nói: Các Như Lai có nói pháp, thì lời nói này chẳng được pháp đó, chỉ là tuỳ thuận mà nói thôi. Do đó, khi nói pháp thì chính mình không được chứng pháp, vì sau lời nói thì không có thể nào cả, nên chẳng phải là thật. Do tùy thuận theo nó, cho nên cũng chẳng phải là dối. Nói: “Ta hiện đã chứng Vô thượng giác”. Đấy là căn cứ vào câu văn và đạo lý mà có lời nói đó. Hỏi: Vì sao Thế Tôn lại nói tóm tắt: “Ta là lời chơn thật”, mà pháp được nói thì chẳng phải là thật, cũng chẳng phải dối? Một lời nói gồm cả hai lý, nên thật khó tin.

Do đó có lời đáp: Nếu theo lời nói mà chấp thì trong trường hợp này đó là nói rõ.

Nói: Thánh nhân do pháp Vô Vi mà được hiện bày, song tánh Chân như thì xưa nay lúc nào cũng có. Như thế thì tại sao phải dùng tâm không trụ vào đâu cả mới chứng được Phật quả, chứ chẳng phải có tâm trụ? Còn thật thể Chân như lúc nào cũng có trong mọi thời gian thì tại sao lại có người được Chân như và có người không được? Để dẹp trừ điều nghi này, nên nói thí dụ vào chỗ tối. Nó làm sáng tỏ nghĩa gì? Tụng nói:

Có mọi lúc mọi nơi,

Mà chẳng được Chơn tánh,

Do không biết có trụ,

Trí không trụ Chân như.

Trong đây ý dạy: Tánh Chân như tuy là luôn có ở mọi lúc mọi nơi, nhưng do người ấy không có trí và không có tâm trụ, nên không thể được Chân như, không được nghĩa thanh tịnh vắng lặng. Còn người có trí và tâm không trụ thì liền thấy được nghĩa thanh tịnh vắng lặng. Song, chư Phật Thế Tôn là do Chân như hiển bày. Chính lý do này nên dùng tâm có trụ thì không thể chứng được.

Do đó có lời tụng nói:

Không trí dụ là tối,

Đương tối-trí sẽ sáng,

Năng đối và sở trị,

Được mất hiện ngay đây.

Giống như tối, tức là cùng với tối có nghĩa tương tự. Do đó dùng tối để dụ cho kẻ vô trí, không biết lấy ánh mặt trời dụ cho kẻ có trí, có mắt. Như ý văn đã đủ, cho nên mới nói: Chủ thể đối (Năng đối) và đối tượng được đối trị (Sở trị), được-mất có ngay tại đây. Gặp đúng hoàn cảnhtrường hợp, thì người có mắt sẽ thể hiện cách đối trị của mình. Phần đêm đã chấm dứt, là nói về cái sở trị đêm tối bị phá tan. Ánh mặt trời xuất hiện, là chỉ cho năng đối trị lúc đó. Khi ánh dương đã chiếu sáng thì thấy đủ màu sắc, hình ảnh. Văn kinh sau đây muốn nêu bày điều gì?

Tụng nói:

Do chánh hạnh như thế,

Được lượng phước như thế,

Đối với pháp chánh hạnh,

Nay sẽ nói nghiệp dụng.

Do chánh hạnh như thế, là ý nói văn kinh chánh hạnh. Lời tụng nói: Với người có ba thứ là Thọ trì-đọc-diễn nói. Ý nói: Đối với pháp, người thực hành thường có ba thứ là: Thọ trì-đọc tụng và diễn nói.

Nói “Thọ trì”, là gọi người trì pháp. “Đọc tụng” là người nương theo sự học rộng và nghe pháp nhiều mà nói, tuy chẳng Thọ trì, nhưng có đọc tụng, cho nên cũng gồm cả đa văn. Còn nghĩa của chánh hạnh, tức nghĩa được hiện bày khắp nơi. Tụng nói: Được nghĩa từ người khác, Mình nghe rồi suy nghĩ.

Hiểu được nghĩa là do từ người khác và chính mình. Vì sao lại từ người khác và vì sao lại do mình? Nghĩa là khi phải nghe người khác nói, rồi mình suy nghĩ mới hiểu được nghĩa. Như thế là lần lượt từ người khác, đến chính mình rồi mới được. Căn cứ vào sự biến khắp mà được nghĩa, thì đây có ý nói đến văn nghĩa chánh hạnh. Tụng nói:

Đấy gọi thành thục nội,

Thành tựu Hữu tình khác,

Việc lớn thời gian nhiều,

Mong phước-phước thù thắng.

Đây là thọ trì v.v.. tức là khi thọ trì kinh, chính mình được thành thục. Ngoài ra, còn thành tựu cho người khác, là vì người khác mà rộng nói chánh pháp. “Được lượng phước như thế”, tức là chỉ rõ số lượng phước đức ấy có khác nhau. “Việc lớn thời gian nhiều. Mong phước, phước thù thắng”, đây là phước xả bỏ thân mạng để bố thí, so với phước xả bỏ thân mạng ở trước, vì sự việc lớn hơn nên cũng có sự sai khác về phước đức, cũng do thời gian nhiều và dài. Tức là trong một ngày mà đem rất nhiều thân mạng để bố thí, lại trải qua rất nhiều thời gian để thực hành chánh pháp. Nghiệp dụng nay sẽ nói. Vì sao gọi đó là hành nghiệp dụng? Tụng nói:

Chẳng phải cảnh-tánh riêng,

Thường nương cậy Đại nhân,

Và rất khó được nghe,

Nhân vô thượng thêm lớn,

Nếu chỉ trì chánh pháp,

Nơi chỗ dựa thành khí,

Trừ sạch các nghiệp chướng,

Mau được trí tuệ sáng,

Đời việc đẹp đầy đủ,

Dị thục rất tôn quí,

Với pháp tu hành này,

Nên biết được nghiệp đó.

Kinh nói: “Không thể nghĩ”, chỉ rõ đó không phải là kẻ phàm phu thường tình, có thể thấu hiểu suy lường đến những hoạt động trong cảnh giới ấy. Nói: Không thể tính kể, là chỉ rõ tánh riêng của phước thu được, đối với hàng Thanh văn… đó là tính bất cộng.

Nói: Vì lợi ích cho những chúng sinh nào, phát tâm hướng đến quả vị tối thượng thừa, mà nói, thì đây là sự hiển bày về pháp môn ấy, chỉ dành riêng cho các bậc đại nhân, nương vào giáo pháp Đại thừa, gọi là hạnh Cực Thượng thừa, Đại thừa gọi là Tối Thắng thừa (bậc cao tột nhất). Những kẻ chỉ ưa thích những việc thấp kém, thì không muốn nghe. Đấy là hiển bày tánh khó được nghe, tức là người nghe pháp khó được. Do có thể thành tựu những khối phước đức không thể nghĩ lường, nên càng làm rõ sự tăng trưởng nhân tố của quả vô thượng, thì sự gieo trồng gây tạo phước đức càng thêm nhiều. Trong đó văn kinh đã nói: Không thể nghĩ suy, không thể tính kể; nghĩa là chẳng thể lường, chẳng thể tính đếm được. Như sau đây, nên biết.

“Nên biết, người đó sẽ dùng vai mà gánh vác v.v…” Đấy là chỉ cho người thọ trì kinh pháp Kim Cang này. Vì người đó thọ trì pháp, tức là thọ trì Bồ-đề, nên người đó sẽ là chỗ để cúng dường hương hoa; nên người đó sẽ là nơi nương dựa làm sáng tỏ sự thành tựu pháp khí thắng diệu.

“Do bị khinh khi làm nhục” tức là có bao nhiêu nghiệp ác, đáng bị đoạ vào đường dữ, đều được tiêu trừ hết, điều đó chỉ rõ sự thanh tịnh vì đã diệt trừ nghiệp chướng.

Nói: “Đó là việc lành, nghĩa là khi bị khinh chê, làm nhục, thì rõ ràng là người bị làm nhục đã có tánh phước đức, nên nói đấy là việc lành.

Chú: (Từ xưa các bản dịch đều không có lời này, do trong bản kinh chữ Phạm có chữ còn ẩn kín)

Ở chỗ Phật Nhiên Đăng trước đây đã cúng dường thờ phụng chư Phật, thì phước đức có được so với đời sau, nếu đối với pháp môn này mà thọ trì v.v.. thì được phước nhiều hơn. Điều này chỉ rõ việc thành tựu được trí tuệ thấu suốt. Có nhiều phước đức, tất hành trang sẽ được đầy đủ… nên phải biết: Kinh này là không thể nghĩ bàn, điều ấy cũng chỉ rõ quả báo là không thể nghĩ suy; tất nhiên là cõi đời sẽ đẹp đẽ nhiệm mầu và sự việc tròn đủ, quả báo rất đáng tôn quí. Nghĩa là đối với Hộ thế, Đế Thích, Bà-la-môn, mọi sự tròn đầy có được đều phải giữ lấy.

Nói “điên loạn”, nên biết đấy là do tâm bị cuồng loạn-Nói quả báo chẳng thể nghĩ suy, đấy là nói về hai tính chất về nhiều và trội hơn tất cả đều chẳng phải là trình độ của kẻ phàm phu thường tình thấu hiểu đo lường được!

Đối với pháp chánh hạnh, có thể an trụ vào các phước đức như thế. Thế nên, gọi đấy là công dụng quả báo của nghiệp chánh hạnh.

Còn ba lời hỏi đáp ở trước, ở đây hỏi lại, thì nghĩa có gì khác chăng?

Đáp: Có bài Tụng:

Do khi tự thân làm,

Cho mình là Bồ-tát,

Gọi đó là tâm chướng,

Trái với tâm vô trụ.

Này Diệu Sinh! Thật sự không có pháp nào có thể gọi là Bồ-tát. Nếu không có Bồ-tát, thì tại sao Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, lại tu hạnh Bồ-tát? Đáp: Điều nghi này nói: Thật sự không có pháp nào để Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng v.v.. điều này nói rõ nghĩa gì? Lời Tụng nói:

Thọ ký cho sau này,

Nhiên Đăng hạnh chẳng hơn,

Hạnh Bồ-đề đồng nhau,

Chẳng thật do nhân tạo.

Ý ở đây nói: Thuở xưa, ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng, chẳng phải là người tu hạnh Bồ-tát cao tột nhất. Nhưng khi xưa, lúc ta tu hành, ở bên đức Phật đó, thật không có pháp nào để ta chứng được Chánh Giác cả. Nếu đã chứng được Chánh Giác thì Phật ấy đã không thọ ký cho ta, sau này sẽ thành Phật .Ý trong đây nghĩa là:

Khi người ấy tu hành mà tự cho là ta sẽ thành Phật. Nếu nói quả Bồ-đề chẳng có, thì Phật cũng là không, tức gọi tất cả đều không. Vì dẹp trừ nghi này, nên trong kinh, Phật bảo: “Này Diệu Sinh! Nói Như Lai, tức là tên gọi khác của thật tánh Chân như, tức là không có nghĩa điên đảo, nên gọi là Thật tánh, Cũng không có nghĩa là biến đổi, gọi là Chân như. Này Diệu Sinh! Nếu có người nào nói: Như Lai đã chứng được đạo Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, thì đó là nói dối”. Nghĩa này là thế nào?

Đáp: “Hạnh Bồ-đề ấy đồng-chẳng thật, vì có nguyên nhân tạo raDo thuở xưa, khi Bồ-tát tu hành, thật ra là chẳng tu hành. Chư Phật cũng như thế. Không có pháp nào để chứng được Chánh Đẳng Chánh Giác. Nói tóm lại là không có một chứng cứ nào gọi là đạo Chánh Đẳng Bồ-đề Vô Thượng. Này Diệu Sinh! Pháp để Như Lai có được Chánh Giác, thì đó chẳng phải là thật, cũng chẳng phải dối”. Điều này có ý gì? Theo lý Chân như thì nếu Phật có chứng quả, thì đó chẳng phải là thật, vì nó từ nhân mà sinh ra. Vì các tướng Hữu Vi đều là nghĩa của tướng nhóm họp tụ tập, nên không có tướng về Sắc, Thanh v.v… Tụng nói:

Tướng kia không là tướng,

Sáng tỏ cái không dối,

Do Pháp là Pháp Phật,

Đều chẳng tướng hữu vi.

Nghĩa là ở đấy, không có các tướng về sắc, thanh v.v… Tướng của sắc v.v… không phải là tự tướng của nó, do đó nên mới nói: Các tướng kia không phải là tướng, tức là làm sáng cái không dối. Thế nên, Như Lai nói: “Tất cả pháp tức là Phật pháp”. Điều nầy làm rõ nghĩa gì? Vì Như Lai đã chứng pháp ấy, vì pháp là Phật pháp, đều chẳng phải là tướng Hữu Vi. Điều đó đã chỉ rõ thể nó là Vô Vi.

Ở đây muốn trình bày điều chi? Do tất cả pháp đều lấy Chân như làm tự tánh. Điều đó chỉ có sự giác ngộ của Phật mới biết, cho nên nói: Tất cả pháp đều gọi là Phật pháp.

Các thứ sắc, thanh v.v.. không thể giữ được tướng tự thể của nó; hết thảy các pháp sắc, thanh v.v.. đều không phải là pháp. Do không phải là pháp, nên Vô Vi mới trở thành pháp, tức là nó hoàn toàn giữ thâu cái tướng không có tướng. Còn dụ về bậc trượng phu, thì định chỉ bày gì đây? Tụng nói:

Muốn hiểu pháp thân Phật,

Nên biết dụ trượng phu

Không chướng thân tròn đủ,

Là tánh trùm đầy khắp,

Và được thể to lớn,

Cũng được gọi thân to,

Chẳng có thân là có,

Nói nó không phải thân.

Phiền não và sở tri, cả hai chướng đó đều đã diệt trừ hết, không còn gì, nên gọi là thân tròn đủ.

Nói trùm đầy khắp, có nghĩa là biến hành, là trùm khắp mọi nơi, nên gọi là thân đầy đủ. Và được thể to lớn, cũng gọi là thân to. Biến hành đó nên biết, nó là tánh của Chân như, nó ở khắp trong các pháp, không có tánh nào khác, nên gọi là chẳng có thân. Thế nên có ý nói: “Nó chẳng phải thân, thì Như Lai bảo là chẳng phải thân”. Do đó, gọi là thân đầy đủ.

Nói: “Thân to lớn”, là muốn trình bày điều gì? Vì chẳng phải là thân Hữu Vi, nên gọi đó chẳng phải là thân, tức là tính Chân như. Do vì nó không có thân, nên gọi đó là thân đầy đủ, thân to lớn.

Nếu nói không có Bồ-tát, tức là quả Phật Chánh Giác cũng không, sự giác ngộ cũng không và cũng không có chúng sinh, để khiến cho họ nhập Niết-bàn, cũng không có việc trang nghiêm cõi nước chư Phật… thì còn có gì nữa? Các Bồ-tát sẽ khiến cho tất cả chúng sinh, đều được vào chốn tịch tĩnh, lại còn nghĩ là ta trang nghiêm cõi Phật sao? Để đáp nghi vấn đó, nên có đoạn văn sau đây muốn làm rõ nghĩa? Tụng nói:

Không hiểu rõ pháp giới,

Đem tâm độ chúng sinh,

Và thanh tịnh cõi nước,

Đó chính là lừa dối.

Nói: “Nếu tâm này” thì đó là dối trá, vì thế cho nên chẳng gọi là Bồ-tát. Nếu như thế, thì do đâu mà được tên? Đáp: “Nếu có người tin hiểu, tất cả pháp, đều là tánh không…”. Tức là tất cả pháp đều không có tánh v.v…, thì lời văn này, định nêu lên ý gì? Tụng nói:

Với Bồ-tát chúng sinh,

Các pháp không tự tánh,

Nếu hiểu dù chẳng Thánh,

Gọi Thánh tuệ, nên biết.

Đây ý nói nghĩa gì? Là nói pháp không có tánh. Pháp không tánh đó tức là căn cứ vào các pháp có được của chúng Sinh và Bồ-tát. Nếu tin hiểu là không có tánh, thì ở trong thế gian hoặc xuất thế gian gọi Dị Sinh và Thánh, đều gọi Bồ-tát cả. Do đó, liền có ý quyết định là có hai hạng Bồ-tát: Bồ-tát bị thế tục ngăn che, và Bồ-tát thông suốt nghĩa lý. Điều nầy chỉ rõ sự tùy thuận theo nó. Lập lại hai tiếng Bồ-tát, Bồ-tát. Lời kinh trước đã nói: “Như Lai không có cái gì hiện bày ra”, nghĩa này trở nên sáng tỏ. Nếu như thế, thì đâu có thánh nhân nào hoàn toàn không được thấy. Để đáp lời hỏi này, nên mới nói là có năm thứ mắt. Vì muốn nêu bày nghĩa ấy, nên tụng nói:

Tuy không thấy các pháp,

Nhưng chẳng phải không mắt,

Phật có đủ năm mắt,

Do cảnh vốn dối rỗng.

Phải như thế nào mới là không dối? Để đáp lời hỏi này, ở trước đã nói thí dụ.

“Tất cả chúng sinh đó, với đủ mọi thứ tánh, mà tâm thay đổi, biến chuyển thế nào, ta đều biết rõ cả.” Như thế mà nói rộng, thì đấy chỉ rõ nghĩa gì? Nói đó chẳng phải là thấy lầm, mà chính là do cảnh rỗng dối.

Cái gì là cảnh rỗng dối? Đó tức là mọi thứ hiểu biết lầm lẫn. Tụng nói:

Các thứ tâm lưu chuyển,

Vì lìa khỏi niệm xứ,

Nó không yên luôn động,

Nên nói là hư vọng.

Trong tất cả các thứ hiểu biết, có sáu hiểu biết khác nhau, mà nó lại là dối cả! Dựa vào đâu mà gọi thức là tâm luôn biến đổi? Kinh nói: Như Lai nói không có Đà-la, đó là hiển bày tánh lìa bỏ niệm xứ. Vì niệm xứ ấy là chỗ nắm giữ Đà-la, nếu không nắm giữ tức là không yên. Đà- la- nẫm, A-la, A-đà la, đây là ba cái tên cùng có nghĩa, đều gọi là trì (nắm giữ), cũng có nghĩa là rót chảy. Do không nắm giữ-kìm hãm, nên tâm luôn luôn biến đổi phân tán. Nói không nắm giữ, là hiển bày đối tượng luôn biến đổi chuyển dời. Đã không nắm giữ, nên nói là nó luôn biến đổi. Đó là tánh lầm lẫn giả dối.

Hỏi: Vì sao có bản kinh xưa còn lưu lại, thì tiếng Phạm gọi là: “Đàla” mà không dịch thành chữ Hán. Vậy là có ý gì? Đáp: Bản tiếng Phạm có ba chỗ đều dùng chữ Đà-la, nhưng nghĩa có khác nhau. Nay người dịch đã dùng nguyên tiếng Phạm, là vì đã bị tắt nghẽn ở đất Tàu! Vì tất cả các bản dịch đều toàn dùng tiếng nói ở đời nhà Đường, xét lý thì trái nhau với bên Tây Vực. Cho nên bản dịch xưa, dùng nguyên tiếng Phạm. Có thể dùng nghĩa là chuyển dời, biến đổi. Đặc biệt ở trong đạo, thì dùng chính thức nghĩa là sự cầm nắm giữ gìn. Để dịch chữ đó, mới xem ý trong bản tụng của Bồ-tát Vô Trước có phù hợp với hoàn cảnh của người chú thích, là Bồ-tát Thế Thân chăng? Như trong bản xưa, chẳng có chữ đó, thì chẳng lẽ “tặng” lại đời sau chữ viết sai! Nếu dịch chung là lưu chuyển-đổi dời, thì nghĩa nắm giữ biến mất. Mà nếu theo nghĩa của trì, thì nghĩa không còn. Nếu dùng cả hai nghĩa, mới thật là thỏa đáng. Nếu dịch là thay đổi biến dời, thì lý cũng đúng, nhưng gồm có nhiều nghĩa, chẳng bằng dùng hai chữ Đà-la, một chữ đã vậy, các chữ khác thì suy mà biết. Những ai còn giữ bản tiếng Phạm xưa, mà gồm có ý khác, vì kinh Bát Nhã này đã trải qua bốn- năm lần (bản) dịch; thì nên tìm xem cho kỹ, chẳng nên ham mới lạ, mà nên dịch lại ý xưa, để lý nghĩa được sống còn. Tiếng nói ở Tây Vực có bản danh mục ghi nhiều việc, một việc lại có nhiều tên. Như một chữ Đa-la đây, gồm có nhiều nghĩa vừa (lưu), vừa (trì), lý tùy theo văn thể và phong tục xứ sở mà khác xa. Chẳng nên cậy xưa mà lầm tiếng. Nếu xét thấy bản dịch cũ toàn là sơ sót thô lậu, mà chẳng rảnh rỗi, nói hết chỗ còn khuất lấp hay sao?]

“Vì sao thế”? Là vì có các tâm quá khứ chẳng thể nói được. Gọi là tâm quá khứ, vị lai; là do tánh của quá khứ-vị lai không thể nắm bắt được. Còn đối với hiện tại, thì chỉ là “biến kế sở chấp”, tự tánh của nó không có. Đây là chỉ rõ tâm luôn dời đổi, đó là tánh của thức mê lầm đối tượng, không có tánh chất của ba đời. Lại nói về dụ khối phước đức, là có ý gì đây? Tụng đáp:

Nên biết là trì Trí,

Sức phước-chẳng giả dối,

Nên rõ nhân phước này,

Nhắc lại cùng nói dụ.

Đây nói nghĩa gì? Tâm đã luôn biến đổi thì đó là tánh dối trá lầm lẫn, phước tụ có bao nhiêu cũng chỉ là không. Việc đó đã là hư dối, thì làm sao trở thành tốt đẹp được? Vì có nghi sâu xa này, nên cần lý giải thật rõ ràng.

Đáp: Tâm luôn chuyển dời thì đúng là giả dối, nhưng thể của khối phước đức, thì không giả dối-trống rỗng, vì nó luôn được nắm giữ do Trí Chánh Giác. Làm sao hiểu rõ tánh nắm bắt này? Như kinh nói: “Này Diệu Sinh! Nếu đó là khối phước đức, Như Lai tất sẽ không nói là khối phước đức”. Đây có ý nghĩa thế nào? Ấy là do chấp cái thể giả dối của năm uẩn, nếu khối phước đức này là chấp uẩn, thì Như Lai đã không nói khối phước đức đó, là tánh khối phước đức, không nói chỗ nắm giữ của trí tuệ là nghĩa. Nếu nói Như Lai là chẳng phải do sự tập họp tạo nên, thì tại sao lại cho Như Lai có những vẻ đẹp và các tướng?

Để giải đáp lời hỏi này, kinh có nói: Chẳng nên lấy sắc thân vẹn toàn và tướng hoàn hảo đầy đủ mà nhìn Như Lai. Nói sắc thân, thì đã rơi vào nghĩa vẻ đẹp rồi.

Trang: 1 2 3