LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 9

Phẩm 19: BỐN PHÁP

Như đã nói về các nghiệp để đạt được ba mươi hai tướng, Bồtát nên nhất tâm tu tập. Nếu muốn tu tập về nghiệp của ba mươi hai tướng như vậy, phải lấy tuệ làm gốc. Như kệ nói:

Bốn pháp thoái mất tuệ

Bồ-tát nên xa lìa

Bốn pháp đạt được tuệ

Nên thường hành tu tập.

4 pháp có thể làm thoái mất tuệ, Bồ-tát nên xa lìa. Lại có 4 pháp đạt được tuệ, Bồ-tát nên luôn tu tập.

Bốn pháp thoái mất tuệ:

  1. Không cung kính pháp và người thuyết pháp.
  2. Giấu kín, keo kiệt, tham tiếc những pháp chính yếu.
  3. Gây trở ngại cho người thích nghe pháp, hủy hoại tâm lắng nghe của họ.
  4. Mang tâm kiêu mạn, tự cao, khinh người.

Bốn pháp đạt được tuệ:

1. Cung kính pháp và người thuyết pháp.

2. Pháp đã được nghe, đã đọc tụng, nên giảng nói cho nhiều người biết với tâm thanh tịnh, không mong cầu lợi dưỡng.

3. Biết rõ là từ nơi đa văn có được trí tuệ, nên siêng năng cầu học, không nghỉ như cứu lửa cháy đầu.

4. Pháp đã nghe nhận phải thọ trì không quên, quý ở chỗ là hành trì như lời nói, không quý ở chỗ chỉ là ngôn thuyết.

Đó là bốn pháp. Nếu người không hủy hoại các căn thiện, người ấy có thể dứt bỏ bốn pháp làm mất tuệ, có khả năng hành bốn pháp đạt được tuệ. Do vậy Bồ-tát phải mong cầu tăng ích trí tuệ. Như kệ nói:

Bốn pháp diệt căn thiện

Bồ-tát nên xa lìa

Bốn pháp tăng căn thiện

Bồ-tát nên tu tập.

Bốn pháp xâm thực căn thiện:

  1. Mang tâm kiêu mạn, tham cầu việc thế gian.
  2. Tham vướng lợi dưỡng, vào ra nhà đàn-việt.
  3. Khởi tâm ganh ghét, hủy báng các Bồ-tát.
  4. Không tin, không nhận những kinh chưa nghe hay đã nghe.

Bốn pháp làm tăng trưởng căn thiện:

1. Những kinh chưa được nghe, cầu mong được nghe, không chán. Đó là sáu Ba-la-mật, Tạng Bồ-tát.

2. Đối với các chúng sinh, trừ bỏ tâm kiêu mạn, nên khiêm tốn, nhún nhường.

3. Như pháp đạt được của cải vật dụng, chỉ nhắm vừa đủ. Xa lìa tà mạng, vui hành bốn hạnh Thánh chủng.

4. Đối với tội của người khác, thật hay không thật, đều không có lời dè bỉu, không tìm kiếm khuyết điểm của người. Nếu có điều không thông hiểu về giáo pháp, không sinh tâm chống đối, nên lấy Phật làm chứng. Phật là bậc Nhất thiết trí, giáo pháp của Ngài là vô lượng. Theo chỗ thích hợp mà nói, không phải là điều ta có thể nhận biết hết.

Bốn pháp làm tăng trưởng căn thiện này, không phải những kẻ dua nịnh, quanh co có thể thành tựu được. Thế nên:

Bồ-tát nên xa lìa

Bốn pháp tướng dua nịnh

Nên thường tu tập hành

Bốn pháp tướng trực tâm.

Bồ-tát tại gia, xuất gia nên xa lìa bốn pháp dua nịnh, quanh co. Ví như gỗ cong nơi rừng rậm khó có thể kéo ra được. Như vậy, ở đời này có đệ tử của Phật, tuy đã vào pháp Phật, nhưng không thể ra khỏi rừng rậm sinh tử.

Bốn pháp tướng dua nịnh, quanh co:

  1. Đối với pháp Phật hoài nghi, không tin, không có tâm quyết định.
  2. Kiêu mạn, giận dữ đối với chúng sinh.
  3. Đối với lợi dưỡng của người khác, sinh khởi tâm tham cầu, ganh ghét.
  4. Hủy báng Bồ-tát, tiếng xấu truyền khắp.

Bốn pháp tướng trực tâm:

1. Khi có tội liền phát lồ, không che giấu. Sám hối trừ diệt tội, hành đạo không hối tiếc.

2. Nếu do lời nói mà mất ngôi vị vua cùng nhiều của báu cũng không nói dối. Miệng chưa từng nói lời khinh người.

3. Nếu người nói lời thô ác mắng nhiếc, khinh miệt, phỉ báng, hay buộc trói tra khảo bằng roi, gậy v.v… chỉ do oán từ tiền thân không đổ lỗi cho người khác, tin vào quả báo của nghiệp, tâm không sân hận.

4. An trụ trong công đức của tâm tin. Đối với pháp thâm diệu của chư Phật thật khó tin hiểu, nhưng do tâm thanh tịnh nên đều có thể tin nhận.

Bồ-tát suy hoại hành bốn pháp dua nịnh, quanh co. Bồ-tát điều hòa có bốn pháp hành ngay thẳng. Thế nên Bồ-tát muốn trừ bỏ hành dua nịnh, quanh co, muốn hành theo tâm ngay thẳng, như kệ nói:

Nên lìa bỏ bốn thứ

Pháp Bồ-tát suy hoại

Nên tu tập bốn thứ

Pháp Bồ-tát điều hòa.

Thế nào là bốn pháp của Bồ-tát suy hoại?

1. Đa văn nhưng hay đùa cợt, không hành theo pháp.

2. Đối với việc giáo hóa sinh khởi hý luận, không kính thuận các Hòa thượng, A-xà-lê.

3. Không thể thâu nhận chuyển hóa được tín thí của người, hủy hoại sự phòng cấm để nhận cúng dường.

4. Không kính trọng Bồ-tát nhu hòa hiền thiện, tâm luôn kiêu mạn.

Thế nào là bốn pháp của Bồ-tát điều hòa?

1. Thường vui thích nghe các pháp chưa được nghe. Nghe rồi có thể hành như pháp đã giảng nói, nương vào pháp, nương vào nghĩa, nương vào những điều đã nêu giảng mà hành trì.

2. Tùy thuận vào nghĩa lý sâu xa, không mê lầm theo ngôn từ. Điều hòa cho dễ giáo hóa. Ở trong việc thờ thầy luôn dốc tâm ý hành tác.

3. Không làm mất thọ mạng giới, định, tuệ thanh tịnh.

4. Đối với Bồ-tát điều hòa sinh tâm cung kính, tùy thuận tình sâu, trừ bỏ tâm kiêu mạn, cầu ở công đức họ.

Lại nữa, Bồ-tát có bốn thứ sai lầm, thường ở trong ấy tìm kiếm khuyết điểm của Bồ-tát, đó gọi là Bồ-tát suy hoại. Nếu có thể thân cận bốn thứ đạo thiện, đó gọi là Bồ-tát điều hòa. Như kệ nói:

Bồ-tát nên xa lìa

Bốn thứ Bồ-tát lầm

Bồ-tát nên tu tập

Bốn thứ đạo Bồ-tát.

Thế nào là bốn thứ sai lầm của Bồ-tát?

1. Giảng nói pháp sâu xa cho chúng sinh không phải là pháp khí, không lãnh hội nổi.

2. Với người vui thích pháp Đại thừa sâu xa, thì lại giảng nói pháp Tiểu thừa.

3. Khinh mạn, bất kính đối với người hành đạo chân chánh, tâm thiện trì giới.

4. Đối với người chưa thành tựu, chưa đáng tin lại tin cậy. Thâu giữ người xấu, phá giới cho là thân thiện.

Thế nào là bốn thứ đạo thiện của Bồ-tát?

1. Hành tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh.

2. Đem pháp thiện giáo hóa cho tất cả.

3. Bình đẳng vì tất cả chúng sinh thuyết pháp.

4. Hành chánh hạnh đối với hết thảy chúng sinh.

Nếu hành theo bốn thứ sai lầm của Bồ-tát, không vui thích suy nghĩ về các pháp, không siêng năng tu tập pháp thiện, đó tức là Bồtát hình tượng. Thế nên:

Trong pháp các Bồ-tát

Bốn thứ: Bồ-tát tượng

Phật nói pháp như thế

Mỗi mỗi nên xa lìa.

Bốn thứ Bồ-tát hình tượng:

  1. Tham trọng lợi dưỡng, không quý trọng pháp.
  2. Chỉ vì tiếng khen, không cầu công đức.
  3. Cầu dục tự an vui, không nghĩ đến chúng sinh.
  4. Tham thích quyến thuộc, không thích xa lìa.

Đó gọi là bốn thứ Bồ-tát hình tượng.

Hỏi: Làm sao từ bỏ pháp của Bồ-tát hình tượng này?

Đáp: Nếu Bồ-tát lo tu tập, hành trì công đức ban đầu của Bồtát, tức có thể lìa bỏ pháp của Bồ-tát hình tượng. Thế nên Bồ-tát nếu muốn lìa bỏ pháp của Bồ-tát hình tượng, như kệ nói:

Trước hành bốn công đức

Siêng năng khiến được sinh

Sinh rồi khiến tăng trưởng

Tăng trưởng rồi nên giữ.

Bốn công đức đó là:

1. Tin hiểu pháp Không, cũng tin quả báo của nghiệp.

2. Vui thích pháp vô ngã, sinh khởi tâm đại bi đối với tất cả chúng sinh.

3. Tâm trụ nơi Niết-bàn nhưng vẫn hành tác trong sinh tử.

4. Bố thí là để thành tựu cho các chúng sinh, không cầu quả báo.

Nếu người muốn sinh khởi bốn công đức nơi hành ban đầu của Bồ-tát, sinh rồi khiến tăng trưởng, giữ gìn, thì nên thân cận tri thức thiện. Như kệ nói:

Bồ-tát nên thân cận

Bốn bậc tri thức thiện

Cũng phải nên xa lìa

Bốn loại tri thức ác.

Bồ-tát yêu thích đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, phải nên thân cận, cung kính, cúng dường bốn bậc tri thức thiện, đồng thời phải nên xa lìa hẳn bốn loại tri thức ác.

Bốn bậc tri thức thiện:

1. Khởi tưởng là bạn hiền đối với những người đến cầu xin, do có thể giúp mình thành tựu đạo vô thượng.

2. Đối với người thuyết pháp sinh khởi tưởng tri thức thiện, do có thể giúp mình có trí tuệ hiểu biết rộng.

3. Khen ngợi người xuất gia, sinh khởi tưởng tri thức thiện, do có thể giúp mình thành tựu các căn thiện.

4. Đối với chư Phật – Thế Tôn sinh khởi tưởng tri thức thiện, do có thể giúp mình thành tựu tất cả pháp Phật.

Bốn loại tri thức ác:

1. Tâm cầu thừa Phật-bích-chi. Chỉ vui thích thiểu dục, ít việc.

2. Cầu Tỳ-kheo của thừa Thanh văn, vui thích ngồi thiền.

3. Ưa đọc Kinh Lộ Già Gia của ngoại đạo, tô điểm văn tụng, hỏi đáp khéo léo.

4. Nơi chốn thân cận chỉ được lợi của thế gian, không được pháp lợi.

Do vậy, Bồ-tát nên thân cận bốn bậc tri thức thiện, xa lìa bốn loại tri thức ác. Nếu Bồ-tát có thể làm được như vậy, tức đạt được bốn Tạng rộng lớn, vượt qua hết thảy pháp của ma sự, có thể phát sinh vô lượng phước đức, hoàn toàn có thể thâu giữ tất cả pháp thiện.

Hỏi: Những gì gọi là pháp nơi Tạng rộng lớn của Bồ-tát? Những gì là có thể vượt qua hết thảy pháp của ma sự? Những gì là có thể phát sinh vô lượng pháp phước đức? Những gì là có thể thâu giữ tất cả pháp thiện?

Đáp:

Các Bồ-tát có bốn:

Tạng rộng lớn pháp diệu

Bốn nhiếp các pháp thiện

Tâm Bồ-đề trước hết.

Những gì là bốn?

  1. Được gặp Phật.
  2. Được nghe sáu pháp Ba-la-mật.
  3. Không giận dữ, không gây trở ngại đối với người thuyết pháp.
  4. Do tâm không phóng dật, nên vui thích trụ nơi A-lan-nhã.

Đó gọi là bốn Tạng rộng lớn.

4 pháp có thể vượt qua hết thảy pháp của ma sự:

  1. Không bỏ tâm Bồ-đề.
  2. Tâm không sân hận, không gây trở ngại đối với hết thảy chúng sinh.
  3. Nhận biết rõ tất cả các kiến chấp.
  4. Tâm không kiêu mạn đối với các Bồ-tát.

4 pháp có thể phát sinh vô lượng pháp phước đức:

  1. Đối với pháp thí không mong cầu.
  2. Sinh tâm đại bi đối với người ác, kẻ phá giới.
  3. Đối với các chúng sinh được giáo hóa, chỉ dạy họ phát tâm Bồ-đề vô thượng.
  4. Hành nhẫn nhục đối với các chúng sinh thấp kém.

4 pháp có thể thâu giữ tất cả pháp thiện:

  1. Sống nơi thanh vắng, không hiện bày những điều khác lạ.
  2. Hành bốn Nhiếp pháp, không mong đền ơn.
  3. Hộ trì chánh pháp, không tiếc thân mạng.
  4. Khi gieo trồng các căn thiện lấy tâm Bồ-đề làm đầu.

Mỗi mỗi pháp nơi bốn pháp này đều nên giải thích rộng, sợ văn thêm nhiều nên không quảng diễn. Nay, như lời Phật đã giảng nói, xin dùng kệ để lược thích. Nếu Bồ-tát muốn được Tạng của các Bồ-tát, muốn vượt qua hết thảy pháp của ma sự, muốn thâu giữ tất cả pháp thiện, đều nên xa lìa:

Hai không buộc, hai buộc

Hai chướng, hai pháp cấu

Hai mụt nhọt, hai hầm

Hai thiêu đốt, pháp bệnh.

Nếu Bồ-tát muốn đạt được công đức như Tạng của các Bồ-tát v.v… phải nên xa lìa các thứ hai pháp này.

Hai pháp không buộc (Hệ thuộc):

  1. Là tham chấp vào các kinh như Ứng Lộ Già Gia.
  2. Trang sức về y, bát.

Hai pháp trói buộc:

  1. Bị các kiến chấp trói buộc.
  2. Bị tâm tham cầu danh lợi trói buộc.

Hai pháp chướng:

  1. Gần gũi bạch y.
  2. Sống xa cách người thiện.

Hai pháp cấu:

  1. Nhẫn chịu các thứ phiền não.
  2. Ưa thích các tri thức đàn-việt.

Hai mụt nhọt:

  1. Thấy lỗi người khác.
  2. Tự che giấu lỗi mình.

Hai pháp hầm hố:

  1. Hủy hoại chánh pháp.
  2. Phá giới, nhận cúng dường.

Hai pháp thiêu đốt:

  1. Mặc áo ca-sa mà tâm cấu uế, cặn đục.
  2. Nhận sự cung cấp của người giữ giới thanh tịnh.

Người xuất gia có hai bệnh khó trị:

  1. Người tăng thượng mạn tự cho là có thể hàng phục tâm.
  2. Gây trở ngại, hủy hoại ý của người cầu pháp Đại thừa.

Bồ-tát nếu xa lìa những pháp như thế, tức có thể mau chóng đạt được pháp Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Lại được chư Phật, Phật-bích-chi, A-la-hán khen ngợi.

Hỏi: Những pháp gì gọi là mau chóng đạt được pháp Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng? Được chư Phật, Phật-bích-chi, A-lahán khen ngợi những gì?

Đáp:

Hay hành tướng bốn Đế

Mau được Bồ-đề Phật

Lại hành trì bốn pháp

Ba bậc Thánh khen ngợi.

Thế nào là tướng bốn Đế?

  1. Siêng năng tinh tấn cầu tất cả pháp thiện.
  2. Các kinh pháp đã nghe, nhận, đọc tụng, hành trì như lời thuyết giảng.
  3. Chán lìa ba cõi, như mong ra khỏi nơi chốn sinh tử.
  4. Vì tạo lợi ích an vui cho hết thảy chúng sinh, đồng thời cũng tạo tự lợi.

Đế là chân thật, không dối trá. Chứng được đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, nên gọi là không hư dối.

Lại có bốn pháp được ba bậc Thánh khen ngợi:

1. Cho đến mất mạng không làm việc ác.

2. Thường hành pháp thí.

3. Luôn nhất tâm khi nghe nhận giáo pháp.

4. Nếu sinh khởi tâm nhiễm tức có thể dùng chánh quán, suy xét về nhân duyên dấy khởi tâm nhiễm. Sao gọi căn nhiễm này là nhiễm? Cái gì là nhiễm? Nhiễm phát sinh do sự việc gì? Ai sinh ra nhiễm ấy? Chánh niệm như vậy, nhận biết nhiễm là hư vọng, không thật có, quyết định tin hiểu các pháp là không. Pháp không thật có, theo đó xem xét nhân duyên của nhiễm ô, nên không sinh khởi các nghiệp ác. Tất cả phiền não khác cũng nên quán xét như thế.

Bồ-tát được pháp của bậc Đại nhân đã khen ngợi ấy là do xa lìa các nghiệp ác, phiền não, tức đầy đủ tâm xả. Như kệ nói:

Tâm xả được đầy đủ

Cầu lợi: Thế, xuất thế

Khi cầu các lợi này

Tâm không hề mệt chán.

Bồ-tát này khi đã có đủ pháp xả, luôn muốn hành pháp thí, tài thí, để đem lợi ích cho chúng sinh. Nếu khi cầu các lợi thế gian, xuất thế gian tuy chưa được tâm vẫn không mệt mỏi, biếng trễ.

Lợi thế gian: Là khéo hiểu kinh sách thế gian, cùng những kỹ thuật, phương thuật, phương tiện khéo léo. Lợi xuất thế gian: Là các pháp căn, lực, giác, đạo vô lậu. Như kệ nói:

Cầu hai lợi như thế

Tâm không mệt biếng trễ

Do không mệt, biếng trễ

Tức được các pháp sâu.

Nhân theo cầu kinh sách

Nên hay được trí tuệ

Hiểu biết đủ thế gian

Pháp bậc nhất tối thượng.

Không mỏi mệt biếng trễ: Mệt mỏi biếng trễ gọi là chán ghét. Những điều mình học, nếu không chán ghét thì tâm không mỏi mệt. Nếu không mệt mỏi tức cầu các thứ kinh sách, nghề thuốc, kỹ thuật, lễ nghi, phép tắc đều không mỏi mệt. Do không mệt mỏi nên được trí tuệ, hiểu đầy đủ sâu rộng về các pháp của thế gian. Pháp thế gian là những pháp thích nghi ở từng địa phương, phong tục, theo tâm thế gian. Cả pháp luật cai trị ở đời cũng đều có thể nhận biết. Vì vậy nên có khả năng biết các chúng sinh từ thượng, trung đến hạ tùy nghi dắt dẫn họ khéo hiểu các sự việc thế gian, luôn có tâm hổ thẹn sâu xa. Tùy nghi dẫn dắt là phải có những thích nghi với từng hạng thượng, hạng trung, hạng hạ.

Hổ, thẹn: Là tự thấy xấu hổ với việc mình đã làm là hổ. Nhân nơi người khác sinh xấu hổ gọi là thẹn. Có người cho do tự mình làm mà hổ, thấy người khác nên thẹn. Trong pháp thế gian nên biết lấy thẹn làm đầu. Như kinh nói: “Có hai pháp thanh tịnh hộ trì thế gian là hổ, thẹn”. Như kệ nói:

Theo người lúc có thẹn

Biết pháp, biết tội phước

Không thẹn, người thiện xa

Không ác nào không làm.

Hỏi: Do đâu ân cần chỉ dạy Bồ-tát khéo nhận biết pháp thích nghi của thế gian?

Đáp: Bồ-tát nếu biết các pháp thế gian thì đối với chúng sinh dễ cùng vui hòa nhập giáo hóa dẫn dắt tâm họ, khiến trụ nơi Đại thừa. Trái lại, nếu không biết pháp thế gian, thì cũng không thể giáo hóa một người. Thế nên pháp thế gian tức là con đường của phương tiện giáo hóa chúng sinh. Biết rõ pháp thế gian như vậy, Bồ-tát đạt đầy đủ tâm hổ thẹn. Như kệ nói:

Thêm ác còn kính, dưỡng

Huống chi kẻ lợi mình

Có thẹn có cung kính

Không khinh cười người thiện.

Bồ-tát này tâm luôn biết thẹn, nên đối với người ác hãy còn có thể cung kính, cúng dường, đón đưa, thăm hỏi, huống chi là người thiện tạo lợi ích cho ta, có công đức? Do có hai tâm là thẹn và cung kính, nên không khinh khi các người hiền thiện ít tri thức. Bồ-tát nghĩ như vầy: Người có công đức thường sống ẩn nơi thế gian, như lửa được phủ tro. Vì vậy, tuy pháp thế gian có bạc bẽo, không tốt, ta cũng không nên khinh khi họ. Nếu vì một nhân duyên nhỏ nhặt mà khinh khi, tức là đã mắc tội.

Lại nữa:

Phàm các việc mình làm

Tuy khó cũng quyết xong

Tức ở trong thế gian

Cũng là tướng không thoái.

Những việc Bồ-tát này làm như là xây chùa, tháp, lập đại hội, cứu tội nhân, hết thảy sự việc khó ở thế gian như thế v.v… tâm Bồ-tát vẫn không thoái lui, không bỏ phế. Những sự việc làm chưa xong thì cần tìm nhiều phương cách, đem hết sức mạnh của thân khẩu ý khiến hoàn thành. Không chỉ trong pháp Phật mới không thoái chuyển mà sự việc nơi thế gian cũng không thoái chuyển.

Hỏi: Do nhân duyên gì Bồ-tát có thể hoàn thành sự việc này?

Đáp: Có sức nhẫn chịu thì có thể hoàn thành công việc. Như kệ nói:

Được sức nhẫn chịu lớn

Dốc cúng dường chư Phật

Theo Phật đã giáo hóa

Thảy đều khéo thọ trì.

Bồ-tát luôn có được sức nhẫn chịu, do vậy nên có thể cúng dường kính lễ chư Phật, tùy nghi cung cấp các thứ y phục, thức ăn uống v.v…

Lại nữa, những pháp Phật đã giáo hóa như trì giới, thiền định, hàng phục tâm ý, quán thật các pháp, Bồ-tát nên dùng sức nhẫn chịu nhận lãnh hết các việc ấy. Như người có dao bén trong tay, phải nên sử dụng vào việc có ích, không nên sử dụng vào việc không có ích. Như kệ nói:

Do Tín, Bi, Từ, Xả

Nhẫn chịu không chán mệt

Lại hay biết nghĩa sâu

Dẫn dắt tâm chúng sinh.

Thẹn, gắng thọ bậc nhất

Dốc cúng dường chư Phật

Trụ trong điều Phật dạy

Hành đúng mười pháp ấy

Khéo tịnh trị Sơ địa

Đó là đạo Bồ-tát.

Nếu Bồ-tát lấy Tín làm đầu, về sau, trụ trong lời Phật dạy thì có thể tịnh trị nơi Địa thứ nhất. Trong mười pháp này thì Tín đứng đầu. Tín là tâm đã được quyết định đối với nhân duyên của pháp Phật, lại còn thêm ưa thích. Vì sao? Vì Bồ-tát này tâm tánh thanh tịnh, nên có được sức mạnh của tâm tin ăn sâu. Do có sức mạnh của tâm tin, nên có tâm bi đối với hết thảy chúng sinh.

Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Tất cả pháp Phật lấy đại bi làm gốc. Ta nay hết lòng ưa thích pháp Phật nên phải sinh tâm bi, thương xót tất cả chúng sinh. Tâm bi này càng lớn dần thành đại bi. Có đại bi rồi, đối với chúng sinh tức phát sinh tâm từ.

Bồ-tát lại suy nghĩ: Ta nên tùy theo lực tạo lợi ích cho chúng sinh, tức đem tâm bi chân thật hành từ. Lúc tạo lợi ích cho chúng sinh tức có thể hành xả, nghĩa là những của cải trong ngoài đều có thể đem ra bố thí.

Bồ-tát lại suy nghĩ: Như các vật này của ta, vì muốn đem lợi ích, an lạc cho hết thảy chúng sinh, nên ta thành tựu tâm từ chân thật, lại được các chúng sinh tin nhận lời ta nói. Vì muốn hành xả để cầu tài vật có lợi, nên phải gắng chịu nhiều sự việc khổ não.

Bồ-tát lại suy nghĩ: Đối với các thứ kỹ thuật, kinh sách, cách làm ruộng, các thứ công xảo của thế gian, là những nhân duyên để cầu tài lợi trong đời, nếu ta mệt chán thì không thể đưa đến kết quả. Do đấy đối với thế gian nên học tập các ngành nghề ấy với tâm không chán mệt. Vì gắng chịu đựng tức có thể hiểu được nghĩa lý sâu xa.

Bồ-tát lại suy nghĩ: Kinh sách ở thế gian lấy nghĩa làm vị. Nếu người nào hiểu thấu nghĩa vị ấy của các thứ kinh sách v.v…, sẽ thông đạt hết thảy pháp ở đời. Hiểu biết được như vậy nên có khả năng dẫn dắt các chúng sinh từ hạng trên, hạng vừa, cho đến hạng thấp.

Bồ-tát lại suy nghĩ: Nếu người nào không biết hổ thẹn thì không thể khiến cho chúng sinh hoan hỷ. Muốn khiến cho mọi người đều hoan hỷ phải nên hành pháp hổ thẹn.

Bồ-tát lại suy nghĩ: Nếu người nào không có sức gắng nhận chịu đựng, thì không thể thành tựu lợi ích thế gian và xuất thế gian. Có đủ sức chịu đựng gắng nhận ấy mới có thể dẫn dắt hết thảy chúng sinh, khiến họ đều hoan hỷ. Có được tâm hoan hỷ thì họ mới tin nhận lời ta nói. Do được tin nhận, nên ta phải luôn siêng năng hành tạo phương tiện để dẫn dắt họ.

Bồ-tát lại suy nghĩ: Nếu các chúng sinh cúng dường chư Phật thì được nhiều lợi ích. Lại muốn khiến các chúng sinh đều cúng dường chư Phật, thì chính mình phải một lòng cúng dường chư Phật, cúng dường các hình tượng, Xá-lợi của Phật. Khi đã tin nhận lời ta nói thì chúng sinh sẽ theo ta cúng dường chư Phật, gieo trồng nhân duyên sinh nơi cõi trời, người, trụ nơi ba Thừa Bồ-tát.

Như thế, tuần tự hành mười pháp tức có thể tịnh trị nơi Địa thứ nhất.

***

Phẩm 20: NIỆM PHẬT

Bồ-tát ở Địa thứ nhất cứu xét những xứ mình đã hành trì, tự dùng sức mạnh nơi căn thiện có thể thấy được vài trăm Đức Phật, Bồ-tát. Như thế là tâm đã được hàng phục, kính mến sâu xa Phật đạo. Những sự hiểu biết ở Địa thứ nhất phải nên hành trì đầy đủ và rốt ráo. Do sức mạnh của phước đức nơi căn thiện của mình có được nên có thể trông thấy chư Phật hiện tại trong mười phương đều ở ngay trước mắt mình.

Hỏi: Chỉ dùng sức mạnh của phước đức nơi căn thiện nên thấy chư Phật hay còn có pháp nào khác?

Đáp:

Phật vì Bạt-đà-bà

Nói pháp Tam-muội sâu

Được báu Tam-muội này

Luôn được thấy chư Phật.

Bạt-đà-bà-la là Bồ-tát tại gia có khả năng hành hạnh Đầu-đà. Phật vì ông giảng nói kinh Ban chu Tam-muội. Tam-muội Ban chu gọi là thấy chư Phật hiện tiền. Bồ-tát chứng được Tam-muội báu lớn này, tuy chưa được thiên nhãn, thiên nhĩ, nhưng có thể trông thấy chư Phật trong mười phương và cũng nghe chư Phật giảng nói kinh pháp.

Hỏi: Nên dùng con đường nào để đạt được Tam-muội này?

Đáp:

Nên niệm về chư Phật

Hiện ở trong đại chúng

Đủ ba mươi hai tướng

Tám mươi vẻ nghiêm thân.

Hành giả dùng Tam-muội này nhớ nghĩ đến ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân của chư Phật. Ngài luôn được các Tỳ-kheo thân cận, chư Thiên cúng dường, được các đại chúng cung kính vây quanh. Phải chuyên tâm nhớ nghĩ và giữ lấy hình tướng của chư Phật như vậy.

Lại nữa, nhớ nghĩ về chư Phật là người có đại nguyện, thành tựu tâm đại bi không hề đoạn dứt. Đầy đủ tâm đại từ nên luôn đem đến những an vui sâu xa cho chúng sinh. Hành hạnh hỷ thù thắng, nên tròn đầy hết thảy nguyện. Hành tâm xả, lìa bỏ các thứ thương ghét, nhưng không bỏ chúng sinh. Hành nơi xứ Đế thường không lừa dối. Hành nơi xứ Xả để trừ bỏ tánh keo kiệt cấu nhiễm. Hành nơi xứ Thiện nên tâm hoàn toàn vắng lặng. Hành nơi xứ Tuệ nên được trí tuệ lớn. Hành đủ bố thí Ba-la-mật thì pháp thí là chủ. Hành đủ Trì giới Ba-la-mật là giới hạnh thanh tịnh. Hành đủ Nhẫn nhục Ba-la-mật thì có khả năng nhẫn chịu như đất. Hành đủ Tinh tấn Ba-la-mật thì tinh tấn cao vời. Hành đủ Thiền định Ba-la-mật thì diệt hết mọi chướng ngại của định. Hành đủ Trí tuệ Ba-la-mật thì phá tan các chướng ngại của trí tuệ.

Tay chân có tướng vòng xoáy là có khả năng quay bánh xe pháp. Tướng chân đứng yên là an trụ trong các pháp. Tướng tay chân có màng lưới, là diệt hết phiền não.

Tướng bảy chỗ đầy đủ là các công đức tròn đầy. Tướng chân mềm mại là thuyết pháp nhu hòa. Tướng ngón tay thon dài là suốt trong đêm dài sinh tử, luôn tu tập, gồm thâu các pháp thù thắng vi diệu.

Tướng gót chân rộng là nhìn xa học rộng. Tướng thân to lớn thẳng đứng là nói đạo chánh trực lớn. Tướng mu bàn chân nổi cao, tướng hết thảy đầu lông đều xoắn quay bên phải là có khả năng khiến chúng sinh trụ trên pháp diệu.

Tướng bắp đùi như đùi nai Y-nê, tướng cánh tay dài quá gối, tướng cánh tay như thoi vàng ròng, tướng mã âm tàng, là có tạng pháp bảo. Tướng thân sắc vàng là có vô lượng sắc màu. Tướng da mỏng mịn là giảng nói pháp vi diệu.

Tướng mỗi một sợi lông là hiện bày pháp một tướng. Tướng hào quang trắng trang nghiêm gương mặt là vui thích nhìn mặt Phật không thấy chán. Tướng thân trên như sư tử là không sợ hãi như sư tử.

Tướng vai tròn lớn là khéo phân biệt năm ấm. Tướng nách đầy là đầy đủ căn thiện lớn. Tướng nhận biết các vị là đầy đủ vị vắng lặng.

Tướng thân vuông vắn là phá tan nẻo sinh tử hạn hẹp. Tướng nhục kế là đầu chưa từng hạ thấp kính ai. Tướng lưỡi lớn màu như san hô thật là có thể tự bao trùm mặt.

Tướng Phạm âm là tướng thân lên đến Phạm thiên. Tướng gò má hàm như sư tử, tướng vai rộng là có khả năng phá trừ ngoại đạo. Tướng răng đều là những việc làm thanh khiết.

Tướng răng bằng nhau là tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh. Tướng răng khít là lìa xa các thứ tham đắm. Tướng có bốn mươi cái răng là đầy đủ bốn mươi pháp bất cộng.

Tướng mắt trong xanh biếc là tâm từ nhìn chúng sinh. Tướng lông mày như Ngưu vương dài nhưng không rối là đạt được vẻ đẹp hiếm có, mọi người nhìn không biết chán.

Dùng ba mươi hai tướng này để trang nghiêm thân, với tám mươi vẻ đẹp đan xen phát ra ánh sáng, phước đức đầy đủ, oai lực thù diệu, tiếng tốt vang khắp. Lấy mùi thơm của giới xoa thân, pháp thế gian không làm lay động, phiền não không nhiễm vướng, lời ác không làm cho bợn nhơ được. Hiện diệu dụng nơi các thần thông. Oai lực dũng mãnh của chư Phật là như thế, không người nào dám đối địch. Nói pháp bằng trí tuệ như tiếng sư tử gầm, tự tại như ý. Đem sức mạnh của tinh tấn xua tan hết si ám. Đem ánh sáng lớn soi trùm trời đất. Trong các cuộc hỏi đáp, không ai hơn.

Hết thảy đều ngước nhìn chiêm ngưỡng, không ai nhìn xuống. Phật luôn dùng tâm từ quán sát chúng sinh. Tâm nhớ nghĩ đến chúng sinh như biển cả, an định như núi Tu-di, nhẫn nhục như đất. Nuôi lớn phước đức chúng sinh gieo trồng như nguồn nước tưới thấm khắp. Có khả năng làm phát sinh sức mạnh nơi các căn thiện của chúng sinh như gió thổi cho mở ra lan rộng. Thành tựu chúng sinh như lửa nấu chín vật. Trí tuệ vô biên như hư không. Tuôn mưa pháp lớn trùm khắp như mây dày giăng kín. Không nhiễm pháp thế gian như hoa sen. Phá tà sư ngoại đạo như sư tử vồ nai. Có thể nâng cao gánh nặng như voi chúa lớn. Có khả năng dắt dẫn đại chúng như Đại Ngưu vương. Quyến thuộc đều thanh tịnh như Chuyển luân Thánh vương. Là bậc tối thượng của thế gian như Đại Phạm vương. Đáng yêu đáng thích như trăng sáng giữa trời trong. Sáng soi cùng khắp như mặt trời tỏa sáng. Ban cho chúng sinh đủ các nhân duyên an lạc cũng như bậc cha hiền. Thương xót chúng sinh, theo hoàn cảnh mà che chở thích hợp như từ mẫu. Việc làm đều thanh tịnh như vàng ròng cõi trời. Có uy lực lớn như trời Đế thích. Siêng làm lợi ích cho đời như Hộ thế chủ. Trị bệnh phiền não cũng như Dược vương. Cứu vớt hoạn nạn suy tổn như thân tộc. Gom chứa các công đức như kho tàng bao la. Giới của Phật là vô lượng. Định của Phật là vô biên. Tuệ của Phật là không thể nêu xưng. Giải thoát không ai bằng, giải thoát tri kiến không gì có thể so sánh. Nơi tất cả sự việc hoàn toàn không ai hơn. Là bậc tối thượng của tất cả thế gian nên gọi là người bậc nhất. Thành tựu đại pháp nên gọi là Đại nhân.

Bồ-tát dùng tướng Đại nhân để nhớ nghĩ quán tưởng chư Phật như thế. Chư Phật đã trải qua vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức không thể nghĩ bàn, không thể kể về số kiếp tu tập công đức, đã khéo có thể giữ gìn thân khẩu ý. Nơi quá khứ, hiện tại, vị lai trong năm tạng pháp luôn giảng nói cho mọi người đều đoạn trừ nghi. Trả lời dứt khoát, trả lời rõ ràng, trả lời bằng cách hỏi ngược lại, trả lời theo cách để qua một bên. Đối với bốn loại hỏi – trả lời không chút lầm lẫn. Khéo giảng nói về ba mươi bảy pháp trợ đạo như căn, lực, giác, đạo, niệm xứ, chánh cần, như ý. Khéo có thể phân biệt về nhân quả trong mười hai nhân duyên: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. Không bị vướng buộc vào sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cùng sáu căn tiếp nhận chúng. Khéo thuyết giảng chín bộ kinh pháp là Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Thọ ký, Già-đà, Ưu-đà-na, Ni-đà-na, Y-đế-mục-đa, Phật lược, Vị tằng hữu. Không bị những phiền não như tham dục, giận dữ, ngu si, kiêu mạn, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới thủ sai khiến, chi phối. Không bị các phiền não như không tin, không hổ thẹn, dua nịnh, quanh co, đùa cợt, phóng dật, biếng trễ, ham ngủ nghỉ, sân hận, ganh ghét, keo kiệt xâm lấn. Biết khổ, đoạn dứt nguyên nhân của khổ, tu đạo, chứng diệt. Cái gì đáng bỏ đã bỏ. Cái gì đáng thấy đã thấy. Việc đã làm xong, phá trừ hết oán thù, tròn đầy các nguyện. Là bậc tôn quý của thế gian, là cha của cõi đời, là bậc chủ của thế gian, là bậc đã khéo đến, khéo đi, khéo hiện ý, khéo tịch, khéo diệt, khéo giải thoát. Phật đã an trụ trong vô lượng vô biên Hằng hà sa v.v… thế gian khắp mười phương, như hiện ra trước Bồ-tát.

Lại, Bồ-tát tại gia nên dùng tám mươi vẻ đẹp để nhớ nghĩ và quán tưởng chư Phật: Móng tay móng chân màu đỏ tươi là hành pháp thanh bạch. Móng tay, móng chân búp tròn, lớn, là sinh trong nhà danh giá. Màu móng tay, móng chân tươi tắn là tâm thương xót sâu đậm đối với chúng sinh.

Ngón tay thon dài là công hạnh sâu xa. Thịt ngón tay đầy đặn là căn thiện đầy đủ. Các ngón tay dài theo thứ lớp, là thứ lớp tích tập các pháp Phật. Mạch máu bị che khuất không thấy, nhưng các mạng mạch của thân, miệng, ý không bị che khuất, không có những nút kết thô là phá trừ hết kiết sử phiền não. Mắt cá chân bằng không nổi cục là không che giấu pháp. Chân không cong vạy là không rơi vào chúng tà.

Hành như sư tử là sư tử trong loài người. Hành như voi chúa là voi chúa trong loài người. Hành như ngỗng chúa là như chim hồng bay cao. Hành như Ngưu vương là bậc tối tôn trong loài người. Lúc đi xoay về phía tay phải là khéo giảng nói chánh đạo. Khi đi, lưng không cong do tâm không hề quanh co.

Thân cứng chắc mà thẳng là khen ngợi giới đức chắc chắn. Thân lớn dần là nói pháp có thứ lớp. Các bộ phận nơi thân đều đoan nghiêm là khéo giải, khéo nói công đức vi diệu vĩ đại. Thân tướng đầy đủ là pháp đầy đủ. Trong mỗi bước đi luôn đều đặn khoan thai là có tâm bình đẳng đối với các chúng sinh. Thân trong sạch là ba nghiệp thanh tịnh.

Da trên mình mềm mại là tâm tánh tự mềm mại. Thân không dính bụi nhơ là khéo thấy và xa lìa trần cấu. Thân không co rút là tâm luôn không chìm khuất. Thân không biên lượng là căn thiện vô lượng. Bắp thịt chắc thẳng là vĩnh viễn đoạn dứt thân đời sau. Các chi phần trên thân phân minh là khéo nói rõ mười hai nhân duyên. Sắc thân không tối là tri kiến Phật luôn sáng tỏ.

Bụng tròn là đệ tử tu hành viên mãn. Bụng sạch, tươi, trong, là khéo nhận biết rõ những lỗi xấu của sinh tử. Bụng không nhô lên là phá tan tâm kiêu mạn. Bụng bằng phẳng không nhô lên là giảng nói pháp bình đẳng. Rốn tròn và sâu là thông đạt pháp sâu xa. Rốn có nếp xoắn về tay phải là đệ tử luôn thuận theo lời dạy.

Toàn thân đoan nghiêm là đệ tử đều thanh tịnh. Oai nghi tinh khiết là tâm thanh tịnh không ai bằng. Thân không một chấm nhỏ là pháp ấn không đen. Tay mềm mại như Đâu-la-miên là người nhận sự giáo hóa, thân họ nhẹ như lông. Chỉ tay đậm là oai nghi uy nghiêm cẩn trọng. Đường chỉ tay dài là quán biết người thọ nhận giáo pháp với các sự việc lâu dài về sau. Chỉ tay tươi thắm, nhẵn bóng, là lìa bỏ nẻo thân ái, thấm nhuần đạo quả lớn lao.

Diện mạo không dài là kiết giới có mở ra. Môi đỏ như trái Tầnbà là trông thấy hết thảy thế gian như bóng hình hiện trong gương. Lưỡi mềm mà nhuyễn là trước hết luôn dùng lời nói mềm dịu để hóa độ khắp chúng sinh. Lưỡi mỏng mà rộng là công đức thuần thục, sâu dày. Lưỡi đỏ như nhuộm màu hồng là tâm phàm phu khó hiểu pháp Phật, nhưng Ngài giúp họ hiểu.

Tiếng nói như sấm vang là không hề sợ tiếng sấm. Tiếng nói nhu hòa là giảng nói pháp nhu hòa. Bốn răng tròn ngay là giảng nói pháp chánh trực. Bốn răng đều bén là hóa độ người lợi căn. Bốn răng trắng sáng tức là bậc sáng đệ nhất. Bốn răng bằng nhau là an trụ nơi địa giới bình đẳng. Các răng kế, nhỏ dần theo thứ tự, là Ngài giảng nói pháp bốn Đế.

Mũi cao vun lên thẳng là an trụ nơi trí như núi cao. Lỗ mũi trong sạch là các đệ tử luôn thanh tịnh. Mắt rộng mà dài là trí tuệ rộng xa. Lông mi không thưa thớt là khéo chọn chúng sinh. Tròng đen, tròng trắng của mắt sạch trong, tươi như cánh hoa sen, là để cho hàng thể nữ của trời, người thích mắt Phật mà cung kính, lễ bái.

Chân mày cao mà dài là tiếng tăm vang xa ai cũng biết. Lông mày tươi nhuận là khéo nhận biết pháp thuận hợp. Hai lỗ tai bằng nhau là bình đẳng với những người nghe pháp. Nhĩ căn không hư hoại là hóa độ chúng sinh tâm không suy hoại.

Trán bằng mà đẹp là khéo xa lìa các thứ kiến chấp. Trán rộng không có tỳ vết là phá trừ hết các ngoại đạo. Bộ phận đầu đầy đủ là khéo hành trì tròn đại nguyện.

Màu tóc như óng đen nhánh là đã chuyển đổi năm dục lạc. Tóc dày mà sợi li ti là kiết sử đã hết. Tóc đẹp mềm, sợi nhuyễn là trí lanh nhạy, có khả năng biết rõ pháp vị. Tóc không rối là lời nói không hề tạp loạn. Tóc mịn, bóng, là không hề nói lời thô. Tóc có mùi thơm là dùng hương hoa bảy giác ý, tùy trình độ thích hợp giáo hóa dẫn dắt chúng sinh. Trong tóc có chữ Đức, chữ An, chữ Hỷ, trong tay, trong chân cũng có các chữ ấy.

Bồ-tát nên nhớ nghĩ về chư Phật như thế: Ở trong đại chúng giảng nói chánh pháp, an tọa nơi tòa sư tử. Tòa này lấy lưu ly và đủ các thứ báu làm chân. Lấy san hô tinh khiết, chân châu đỏ đẹp làm ghế, dát bằng vàng mỏng mịn trơn bóng. Dùng các thứ áo trời làm vật trải lên tòa ngồi. Có bốn sư tử báu thân bằng vàng đỏ, mắt bằng hổ phách, xa cừ làm đuôi, san hô làm lưỡi, kim cương trắng làm răng, bạc trắng thật làm tóc, lông tóc rộng dài đầy đủ. Chỗ ngồi được đặt lên bốn sư tử ấy. Lấy ngà của voi chúa lớn làm chân đế vững, đỡ lấy chân bốn sư tử nọ, đều được làm bằng các thứ báu. Được các chúng Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già kính lễ tại chỗ.

Chư Phật an tọa trên tòa sư tử như thế, mặc y Kiệt-chi-nê-hoàntăng, phủ khắp thân, không cao không ngắn, ba phần quấn quanh tề chỉnh. Cà-sa này đều màu nhạt với số điều phân minh, vừa vặn, cũng không so le. Phật ngồi giữa tám bộ chúng Đại Thánh trang nghiêm nơi hội lớn của hàng trời, người. Rồng, chim Kim-sí đều đến nghe pháp với tâm không giận dữ.

Tất cả đại chúng thâm tâm biết hổ thẹn ái kính đối với Phật, đều cùng nhất tâm nghe Phật giảng nói, thọ trì, suy nghĩ làm đúng như pháp. Chuyên tâm nghe, nhận, tâm thanh tịnh, nên có thể ngăn trừ triền cái. Toàn bộ đại chúng đều chiêm ngưỡng Như Lai không biết chán đủ. Lông thân đều dựng đứng. Có người nhiệt thành rơi lệ, hoặc có người vui lớn. Những bộc lộ như thế, tức nhận biết tâm của họ được thanh tịnh, vắng lặng, trong suốt, như đang nhập định, không còn yêu, giận và các duyên khác. Họ có tướng đại bi, xót thương chúng sinh, muốn cứu độ hết thảy, tâm không dua nịnh quanh co mà vắng lặng thanh tịnh, phân biệt rõ tốt xấu. Có chí lớn, không ẩn mất, không lùi, không cao không thấp. Đức Phật đều nhìn thấy hết thảy đại chúng đang sống trong tâm trạng như vậy.

Như Lai giảng nói pháp dễ hiểu, dễ biết, vui nghe không chán. Giọng nói của Như Lai vang sâu, không tản mác mà dịu dàng vui tai. Tiếng nói của Như Lai phát đi từ rốn, thông qua yết hầu, cuống lưỡi, mũi, trên đầu, răng môi, hơi thở đều được kích thích biến thành từng tiếng, từng câu nói êm dịu, dễ nghe. Tiếng nói của Như Lai như mây giăng kín, khiến tiếng sấm chỉ còn là âm vang. Như gió mạnh kích động sóng nơi biển cả, như tiếng nói của Đại Phạm thiên, dẫn dắt chúng sinh có thể hóa độ. Lìa khỏi mi, mắt, môi, Như Lai vẫn có thể dùng lời pháp để quở trách, lời nói vẫn lưu loát, không rườm rà trùng lặp. Những gì nói ra không nghi, lời nói tất có lợi ích, không có lời dối gạt, không có lời đáng bỏ. Lìa những lỗi lầm như thế nên lời Như Lai xa gần đều nghe rõ. Phật có khả năng tùy ý giải đáp bốn thứ vấn nạn. Khai thị bốn Đế, được bốn quả, kiến lập nghĩa nơi đầu mối nhân duyên, nối kết câu nghĩa. Cách nói năng của Phật thảy đều đầy đủ, nên mỗi sự và nghĩa Phật nói ra đều dễ hiểu, thích nghi, sáng tỏ, không ẩn khuất quanh co. Phật nói không quá mau, lại không chậm chạp, trước sau đều tương ưng, không ai có thể vấn nạn.

Phật phô diễn, giảng nói pháp theo những lối nói như vậy, đầu, giữa, sau đều thiện, có nghĩa có lợi, pháp luôn đầy đủ, nên có khả năng giúp chúng sinh đạt được quả báo tốt ngay nơi đời này. Bất cứ khi nào cũng có thể thử nghiệm được, nên mọi người đều mãn nguyện. Người có trí hiểu biết sâu xa đều có thể do nội tâm mà nhận biết rõ.

Pháp Ngài giảng nói có khả năng diệt trừ ngọn lửa dữ của ba độc nơi chúng sinh. Có khả năng trừ bỏ hết tội của thân, miệng, ý. Có khả năng mở bày chỉ rõ những phẩm giới, định, tuệ. Trước là dùng danh, chữ để nói, sau khiến thấu hiểu nghĩa sinh tâm hoan hỷ. Từ hỷ sinh lạc. Từ lạc sinh định. Từ định sinh trí như thật. Từ trí như thật sinh tâm chán lìa. Từ chán lìa mới trừ diệt hết kiết sử. Kiết sử bị diệt trừ hết nên được giải thoát.

Như thế, tức có thể khiến pháp này theo thứ lớp khéo chỉ bày bốn xứ là Đế, Xả, Diệt, Tuệ. Khéo chỉ bày khiến chúng sinh hành đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Có khả năng khiến chúng sinh tuần tự đi tới Địa Hoan Hỷ, Địa Tịnh, Địa Minh, Địa Diệm, Địa Nan Thắng, Địa Hiện Tiền, Địa Thâm Viễn, Địa Bất Động, Địa Thiện Tuệ, Địa Pháp Vân. Có khả năng phân biệt thừa Thanh văn, thừa Phật-bích-chi, Đại thừa. Có khả năng khiến chúng sinh chứng được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Có khả năng khiến hàng trời, người thành tựu các sự giàu sang và an vui hiện có.

Đó là kho tàng của các công đức lợi ích bậc nhất trong tất cả. Bồ-tát với chính tâm như vậy nhớ nghĩ đến chư Phật. Rồi ở nơi thanh vắng, xua tan hết tham dục, giận dữ, ngủ nghỉ, nghi ngờ, hối tiếc, đùa cợt, một lòng chuyên nhớ nghĩ chư Phật, không sinh chướng ngại làm mất tâm định. Đem tâm như vậy, chuyên niệm chư Phật. Nếu tâm chìm mất, nên dấy khởi, nếu tâm phân tán thì nên thâu giữ, đồng thời thấy đại chúng luôn như hiện tiền. Khi chưa nhập định, Bồ-tát thường nên khen ngợi tướng tốt và vẻ đẹp, dùng kệ tán thán Phật khiến tâm điều thuận. Như kệ này nói:

Các tướng tốt Thế Tôn

Nhân duyên nghiệp nào được?

Con do tướng và nghiệp

Xưng tán bậc Đại Thánh.

Tướng chân ngàn vòng xoắn

Quyến thuộc thanh tịnh thí

Do từ nhân duyên này

Chúng Hiền Thánh vây quanh.

Tướng bàn chân đứng yên

Nhận thiện, giữ không mất

Thế nên chúng quân ma

Không thể hủy hoại được.

Tướng màng lưới tay chân

Tướng thân sắc vàng ròng

Do khéo hành nhiếp pháp

Đại chúng tự nhiên phục.

Tay chân rất mềm mại

Thân tướng bảy chỗ đầy

Thí tùy ý ăn uống

Tự nhiên được cúng nhiều.

Ngón dài, gót chân rộng

Tướng thân to, đầy, thẳng

Là do lìa sát sinh

Nên sống lâu nhiều kiếp.

Đầu lông xoay bên phải

Mu bàn chân nổi cao

Do siêng năng hành thiện

Được pháp không thoái chuyển.

Tướng vế nai Y-nê

Thường vui đọc tụng kinh

Vì người giảng nói pháp

Mau được đạo vô thượng.

Cánh tay dài quá gối

Do những vật mình có

Người xin cho không tiếc

Tùy ý dạy dẫn người.

Âm tàng kho công đức

Khéo hàn gắn chia lìa

Được nhiều chúng trời, người

Tuệ nhãn sạch làm con.

Da mỏng ánh vàng sáng

Thí y, nhà, gác, đền

Nên được nhiều y đẹp

Lầu phòng đều thanh tịnh.

Mỗi lỗ sợi lông mọc

Bạch hào giữa chân mày

Thường hộ trì tối thượng

Nên ba cõi tôn quý.

Thân trên như sư tử

Và hai vai tròn, đầy

Luôn nói lời nhân ái

Nên không ai tranh cãi.

Nách đầy, biết mùi vị

Do cho thuốc người bệnh

Trời, người đều ái kính

Thân không có bệnh tật.

Thân tròn tướng nhục kế

Tâm vui hòa thí phước

Khuyên dạy kẻ ương ngạnh

Là vua pháp tự tại.

Giọng Ca-lăng-tần-già

Lưỡi rộng, tiếng Phạm vương

Lời nói luôn thật, dịu

Được tám âm Đại Thánh.

Trước suy nghĩ chín chắn

Sau nói tất có thật

Nên được tướng sư tử

Người thấy đều tin phục.

Tướng răng trắng đều khít

Do đã từng cúng dường

Sau đó không khinh miệt

Nên quyến thuộc tâm đồng.

Trên dưới bốn mươi răng

Kín, khít, và đều đặn

Do không nói gièm, dối

Đồ chúng không thể phá.

Tròng đen, trắng, mắt sáng

Lông mày như Ngưu vương

Do tâm từ nhìn khắp

Người xem đều không chán.

Tuy Chuyển luân Thánh vương

Pháp trị bốn thiên hạ

Có các tướng tốt này

Hào quang không bằng Phật.

Con nói lời khen ngợi

Công đức, các tướng tốt

Nguyện khiến hết thảy người

Tâm tịnh thường an lạc.

Bồ-tát lại nên dùng tám mươi vẻ đẹp để nhớ nghĩ chư Phật. Như kệ này nói:

Chư Phật có tám mươi

Vẻ đẹp trang nghiêm thân

Các ngươi nên hoan hỷ

Nhất tâm nghe ta nói:

Ngón tay Phật thon dài

Móng tay màu hồng tía

Vun cao thêm tươi nhuận

Hiện có không thể lường.

Gối bằng, mắt cá lặng

Hai chân không cong vạy

Hành như sư tử chúa

Oai nghiêm không ai sánh.

Khi đi thân quay phải

Dáng trang nhã ung dung

Thân vuông phân thứ lớp

Đoan nghiêm đáng yêu thích.

Thân rắn chắc, mềm mại

Các chi phần rõ ràng

Khi đi luôn đĩnh đạc

Các căn đều sung mãn.

Da thân khít mịn màng

Sáng bóng và trong sạch

Thân hình rất cân đối

Cùng hòa hợp trọn vẹn.

Bụng tròn, không nổi cao

Rốn sâu không thấy lỗ

Nếp rốn xoay phía phải

Oai nghi toàn thanh tịnh.

Thân không có chấm đen

Tay chân đều mềm mại

Chỉ tay đậm và dài

Ngón tay thẳng sắc nhuận.

Lưỡi mỏng, mặt không dày

Răng trắng, tròn và nhọn

Môi màu trái Tần-bà

Tiếng sâu chim Hồng chúa.

Mũi vun, mắt trong veo

Hàng mi rậm không rối

Lông chân mày cao mềm

Vươn thẳng luôn không cong.

Lông mày bằng, đều đặn

Khéo biết lỗi các pháp

Lông chân mày mịn, bóng

Khéo độ nhuần chúng sinh.

Lỗ tai đầy đặn, bằng

Không suy hoại, đáng yêu

Trán rộng bằng, ngay ngắn

Tướng đầu đều đầy đủ.

Tóc mịn mà không rối

Đen như màu ong chúa

Thanh tịnh, thoảng mùi thơm

Trong có ba thứ tướng.

Đó gọi là tám mươi vẻ, dùng tám mươi vẻ đẹp này xen lẫn với ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm. Nếu người không niệm ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp này để tán thán thân Phật, tức là mất vĩnh viễn nhân duyên lợi lạc của đời này và đời sau.

HẾT – QUYỂN 9