LUẬN GIẢI THOÁT ĐẠO 
(Con đường giải thoát)
A-la-hán Ưu-ba-để-sa tạo luận
Tam tạng Tăng-già-bà-la dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 9

Phẩm 9: NĂM THẦN THÔNG.

Bấy giờ, người tu thiền đã nhập định được dễ dàng tự tại, trụ nơi Đệ Tứ thiền, có thể khởi lên 5 thứ thần thông.

Năm thần thông là:

  1. Thân thông.
  2. Thiên nhĩ thông.
  3. Tha tâm trí thông.
  4. Túc mạng thông.
  5. Thiên nhãn thông.

Thân thông có nghiã là thân thể biến hoá được.

Thiên nhĩ thông là vượt hơn giới hạn tai nghe của người thường. Tha tâm trí thông là đọc hiểu được tư duy ý thức của người khác.

Túc mạng thông là nhớ rõ lại các đời trước.

Thiên nhãn thông là vượt hơn giới hạn mắt thấy của người thường.

Hỏi: Có mấy loại biến hoá ? Ai tu biến hoá được ? Khởi biến hoá như thế nào ?

Đáp: Có 3 loại biến hoá là:

  1. Thụ trì biến hoá.
  2. Làm các biến hoá.
  3. Tùy ý biến hoá.

Thế nào là thụ trì biến hoá ?

Là người tu thiền lấy một biến thành nhiều, lấy nhiều biến thành một, dùng thân biến thành cao lớn đến trời Phạm Thế. Đó gọi là thụ trì biến hóa.

Thế nào là làm các biến hoá ?

Là người tu thiền xả thân mình biến thành đứa trẻ, hoặc hiện hình rồng, hoặc hiện hình Phạm vương. Đó gọi là làm các biến hóa.

Thế nào là tùy ý biến hoá ?

Là người tu thiền từ thân của mình biến hoá thành nhiều thân khác có đầy đủ các phần thân thể và các giác quan. Đó gọi là tùy ý biến hóa.

Lại có 7 thứ biến hoá là:

  1. Trí biến.
  2. Định biến.
  3. Thánh biến.
  4. Nghiệp quả báo biến.
  5. Công đức nhân biến.
  6. Minh thuật biến.
  7. Phương tiện biến.

Hỏi: Trí biện biến là gì ?

Đáp: Là dùng hiện khởi vô thường để đoạn tưởng thường, thành trí biện biến.

Dùng tu đạo A-la-hán đoạn diệt tất cả phiền não mà thành trí biện. Đó là trí biện biến. Như chỗ chứng của các Trưởng lão Bạccâu-la, Trưởng lão Tăng-cát-lật-giả, Trưởng lão Bộ-hống-đa-bà-la. Đó gọi là trí biện biến.

Hỏi: Biến định biện là gì ?

Đáp: Là dùng Sơ thiền đoạn các triền cái thành biến định biện. Dùng định Phi tưởng phi phi tưởng đoạn Vô sở hữu, là biến định biện. Như trường hợp các Trưởng lão Xá-lợi-phất-đa, Trưởng lão Tiên-thời-bà, Trưởng lão Côn-đàn-nhã, Ưu-bà-di Uất-đa-la, Ưu-bàdi Sa-ma-bà-để. Đó gọi là biến định biện.

Hỏi: Thánh biện là gì ?

Đáp: Là nếu Tì-kheo khi ưa thích tưởng không yếm ác, thì phải dùng tưởng chẳng phải không yếm ác khiến tâm an trụ được tưởng chẳng phải không yếm ác.

Nếu Tì-kheo khi ưa thích tưởng chẳng phải không yếm ác, thì phải dùng không yếm ác khiến tâm an trụ được tưởng không yếm ác.

Nếu Tì-kheo khi ưa thích tưởng chẳng phải không yếm ác và chẳng phải chẳng phải không yếm ác, thì phải dùng tưởng chẳng phải chẳng phải không yếm ác khiến tâm an trụ được tưởng chẳng phải chẳng phải không yếm ác.

Nếu Tì-kheo khi ưa thích tưởng không yếm ác và tưởng chẳng phải không yếm ác, thì phải dùng tưởng không yếm ác khiến tâm an trụ đưọc tưởng không yếm ác.

Nếu Tì-kheo ưa xả lìa 2 tưởng không yếm ác và chẳng phải không yếm ác, hiện biết tâm niệm đã an trụ nơi xả, thành an trụ xả tưởng chẳng phải yếm ác thì phải trụ tưởng không yếm ác, nơi không yếm ác có chỗ chấp trước thì thành trụ không yếm ác.

Hỏi: Thế nào là ở nơi không yếm ác mà trụ tưởng chẳng phải không yếm ác ?

Đáp: Là ở nơi không có ái niệm, thì hoặc dùng tâm từ khiến đủ ái niệm, hoặc dùng quán cảnh giới.

Hỏi: Thế nào là ở nơi chẳng phải không yếm ác mà trụ vào tưởng không yếm ác ?

Đáp: Là ở nơi có ái niệm, thì dùng tưởng bất tịnh khởi lên cho tràn đầy, hoặc khởi lên tưởng vô thường.

Hỏi: Thế nào là ở nơi chẳng phải không yếm ác và nơi chẳng phải chẳng phải không yếm ác mà trụ tưởng chẳng phải chẳng phải không yếm ác ?

Đáp: Là ở n nơi không ái niệm và nơi có ái niệm, thì dùng tâm từ khiến đầy khắp, hoặc xem như cảnh giới có thể chấp thủ.

Hỏi: Thế nào là ở nơi chẳng phải không yếm ác và nơi không yếm ác mà trụ tưởng không yếm ác ?

Đáp: Là ở nơi có ái niệm và nơi không ái niệm, thì hoặc dùng tưởng bất tịnh khiến tràn đầy, hoặc giữ lấy tưởng vô thường.

Hỏi: Thế nào là lià cả 2 nơi không yếm ác và nơi chẳng phải không yếm ác mà hiện biết trụ tưởng xả niệm ?

Đáp: Là Tì-kheo đó dùng mắt thấy sắc mà không hoan hỷ, không lo lắng, thành xả, hiện biết trụ niệm. Tất cả các pháp môn như vậy gọi là Thánh biện.

Hỏi: Thế nào là tùy theo nghiệp báo sinh biến ?

Đáp: Là tất cả chư thiên, tất cả loài chim, một số người, chúng sinh sinh vào đường dữ, biến hiện bay trong hư không. Đó gọi là tùy theo nghiệp báo sinh biến hoá.

Hỏi: Thế nào là người có công đức biến hoá ?

Đáp: Là Chuyển Luân vương, Trưởng lão Thụ-đề, Trưởng giả Xa-đề, Trưởng giả Cù-sư-la là những trường hợp của các bậc có công đức làm biến hoá.

Đó gọi là người có công đức biến hoá.

Hỏi: Thế nào là minh thuật biến ?

Đáp: Là người có minh thuật đọc tụng minh chú có khả năng bay trong hư không, hoặc biến hiện thành voi, ngựa, xe cộ, quân lính, binh chủng. Đó gọi là minh thuật biến hoá.

Hỏi: Thế nào là phương tiện biến ?

Đáp: Là dùng hạnh xuất ly, đoạn tham dục, dùng La-hán đạo đoạn tất cả phiền não. Như người thợ làm gốm đầy đủ tay nghề của mình, dùng phương tiện đúng đắn làm tất cả sản phẩm. Đó gọi là phương tiện biến.

Hỏi: Ai là người thích hợp tu biến biện ?

Đáp: Ở hư không giới có 9 loại, hoặc 5 loại đã tu hành xong Nhất thiết nhập được Đệ Tứ thiền. Tất cả những ai được tự tại nơi Tứ thiền đều thích hợp tu hành biến biện.

Lại có thuyết cho rằng, khi tu hành được pháp thù thắng nơi Đệ Tứ thiền thuộc cõi Sắc giới, có thể tu biến biện.

Lại còn có thuyết khác cho rằng, ở Đệ Tứ thiền được 2 tự tại là thân và tâm, nên thích hợp để tu biến biện.

Hỏi: Thế nào là khởi tu biến ?

Đáp: Người Tì-kheo đó tu dục định, thành tựu thắng hạnh, tương ưng với 4 như ý túc. Thần thông được thành khởi. Với tu tinh tiến định, tâm định và tuệ định, cũng tu như vậy.

Dục, ở đây, có nghiã là ý muốn khởi sự biến hoá. Định, ở đây, có nghiã là tâm không loạn. Người tu thiền muốn được biến hoá, vì muốn biến được, nên tu hành định, thụ trì 4 thứ tinh tiến:

  1. Các pháp ác, không thiện chưa sinh, khiến không sinh.
  2. Các pháp ác, không thiện đã sinh, thì đoạn dứt.
  3. Các pháp thiện chưa sinh thì khiến sinh.
  4. Các pháp thiện đã sinh thì làm tăng trưởng.

Giữ cho không quên, khiến cho khởi lại nữa, khiến tu viên mãn, đó gọi là thắng hạnh.

Thế nào là thành tựu ?

Là có thể dùng ngôn ngữ giải thuyết tường tận 3 pháp sở duyên là thụ trì biến, tác biến, ý sở tác biến và 6 phần thành tựu.

Như ý túc là hành đạo được như ý. Chỉ có pháp đó gọi là như ý túc.

Lại nữa, người tu thiền khi tu định cõi Dục thành tựu thắng hạnh, đó cũng gọi là như ý túc.

Người tu thiền để được như ý, lấy theo nghiã đầu tiên tu định cõi Dục, theo pháp Dục định nầy, tu nhiều lần, đó gọi là tu Dục định thắng hạnh, thành tựu như ý túc.

Người tu thiền, để được như ý túc, từ hiện tu các pháp môn phương tiện, có khi thoái, có khi dừng lại, khiến tinh tiến sinh khởi, thành tựu tinh tiến định thắng hạnh, thành tựu như ý túc.

Người tu thiền để được như ý túc, từ hiện tu các môn phương tiện, nếu khi tâm chậm chạp, tâm thoái lui, tâm lo sợ, bấy giờ tâm sở duyên chậm chạp thì tác ý vào tướng tốc hành, tâm sở duyên thoái lui thì tác ý vào tướng định tâm, tâm sở duyên lo sợ thì tác ý vào tướng xả. Ngay khi tâm sở duyên thành tựu tâm định thắng hạnh tức là thành tựu như ý túc.

Người tu thiền nếu không có phiền não nữa, thì tâm hoan hỷ khéo dùng tuệ phân biệt các pháp môn tu hành có lợi ích với không có lợi ích. Bấy giờ là thời cơ tốt nhất cho tu hành tuệ định.

Ngoài ra ngay khi người tu thiền không tu tất cả các pháp không lợi ích, đó gọi là tu tuệ phân biệt định thắng hạnh thành tựu, thành tựu như ý túc.

Người tu thiền tu hành 4 như ý túc, do tu hành khiến tâm tự tại, thân tùy theo tâm, tâm tùy theo thân.

Người tu thiền bấy giờ an thân nơi tâm, an tâm nơi thân, dùng thân tâm thụ trì, do thân mà tâm biến, do tâm mà thân biến, do thân mà tâm thụ trì, do tâm mà thân thụ trì, do tưởng vui, tưởng nhẹ nhàng sinh khởi nơi thân mà thân tâm thành an trụ.

Người tu thiền bấy giờ do hiện tu hành mà thân mình trở nên hết sức nhẹ nhàng, hết sức mềm mại, rất kham thụ trì, giống như viên sắt tròn được lửa nung đốt, tùy ý đập rèn tạo hình các đồ vật.

Người tu thiền như vậy do tu tâm thành thân nhẹ nhàng, do thân nhẹ mà được vào Đệ Tứ thiền. Do Đệ Tứ thiền xuất một cách an tướng tự tại có thể dùng trí niệm khởi lên phân biệt hư không, dùng trí thụ trì hư không. Như vậy do trí thụ trì sẽ khiến thân thành khởi trong hư không, như gió thổi sợi bông vậy.

Tuy nhiên, người mới tu thiền bấy giờ không nên vội đi xa. Vì sao vậy ? Vì trong khi tu quán chợt có thể sinh lo sợ, nếu tâm có lo sợ thì thiền phần sẽ thoái lui. Cho nên, người tu thiền không nên gấp đi xa, phải thực hành theo thứ lớp. Ban đầu quán tưởng chừng một thước, dần dần tăng thêm, sau dựa theo trình độ tinh tiến quán tưởng lên một tầm. Do pháp môn phương tiện tiệm tiến nầy mà từ từ thiền phần sẽ khởi đến mức mình mong muốn.

Hỏi: Nếu khi đang trên hư không mà xảy ra thoái lui thiền phần, thì người tu thiền có bị rơi xuống đất không ?

Đáp: Không, là trở lui nơi trước tiên người ấy đã ngồi thiền. Nếu đi xa mà bị thoái lui, thì hoàn trở lại chỗ cũ, người ngồi thiền thấy thân mình như lúc mới ngồi vậy.

Người có thần thông thì không có hỉện tượng như vậy.

Người ngồi thiền cứ như vậy theo thứ tự quán tưởng cho đến khi thụ trì được tự tại, làm nhiều thứ biến hóa như lấy một biến thành nhiều, lấy nhiều biến thành một, hoặc hiện xuyên qua tường, qua vách, qua núi, thân đi không bị ngăn ngại như hư không, có thể chui xuống đất rồi trồi lên mặt đất giống như ở trong nước, hoặc đi trên mặt nước như bước đi trên đất liền, hoặc đi trong hư không như chim bay, hoặc đưa tay sờ mặt trời, mặt trăng. Thần thông lớn như vậy, thần lực lớn như vậy, cho đến khởi thân đến cõi trời Phạm Thế.

Lấy một biến thành nhiều, là lấy một khiến thành nhiều, hoặc một trăm, hoặc một ngàn, hoặc một vạn v.v… Người tu thiền theo thứ lớp dùng trí thụ trì, dùng thụ trì biến nhập vào Đệ Tứ thiền, rồi từ Đệ Tứ thiền xuất ra một cách an tường tự tại, dùng trí mà thụ trì như vầy: Ta muốn thành nhiều, như trường hợp của A-la-hán Tiểu-lộ.

Lấy nhiều biến thành một, là muốn chuyển từ nhiều thành một, dùng trí thụ trì như vầy: Ta muốn chuyển nhiều thành một, như Trưởng lão A-la-hán Tiểu-lộ.

Hoặc hiện hình, hoặc không hiện hình, xuyên qua vách, qua tường, qua núi, đi không bị ngăn ngại như trên hư không, là người tu thiền ấy dùng tâm tu hành Hư không Nhất thiết nhập, theo thứ lớp dùng trí thụ trì biến nhập vào Đệ Tứ thiền và từ Đệ Tứ thiền xuất ra một cách an tường tự tại, vượt qua vách, qua tường, qua núi. Người ấy dùng trí thụ trì như vầy: Ta muốn các nơi đó trở thành hư không. Thành hư không rồi, người ấy vượt xuyên qua vách, qua tường, qua núi, xuyên qua không bị chướng ngại, như đi trong hư không.

Hoặc hiện nghiã là gì ? Là khai mở.

Hoặc không hiện nghiã là gì ? Là không khai mở.

Những gì không khai mở thì người tu thiền ấy khiến cho khai mở.

Xuyên qua tường, qua vách, qua núi không bị chướng ngại nghiã là gì ?

Là ở trên đất mà chui xuống trồi lên như ở dưới nước. Người tu thiền ấy dùng tâm tu hành Thủy Nhất thiết nhập như vậy, nhập vào Đệ Tứ thiền rồi xuất ra an tường tự tại, dùng trí thụ trì, chỉ vào một khoảng đất: Ta muốn khoảng đất nầy trở thành nước. Tức thì khoảng đất biến thành nước. Người tu thiền ấy nơi khoảng đất đó có thể chui sâu xuống và trồi lên khỏi đất, như đang ở trong nước.

Khi muốn đi trên mặt nước, tâm không chướng ngại, giống như đang đi trên đất liền, người tu thiền ấy dùng tâm tu hành Địa Nhất thiết nhập, nhập vào Đệ Tứ thiền, xuất ra an tường tự tại, chỉ vào một khoảng nước, dùng trí thụ trì như vầy: Ta muốn khoảng nước nầy trở thành đất. Thành đất rồi, người tu thiền ấy đi trên nước không trở ngại, như đang đi trên đất liền.

Đi trong hư không như chim bay, là có 3 cách đi: bước đi, đi theo gió và đi bằng tâm tưởng.

Người tu thiền được định Địa Nhất thiết nhập, dùng pháp thụ trì, muốn có một con đường đi trên hư không để đi bộ vào.

Người tu thiền nếu được định Phong Nhất thiết nhập, người ấy dùng pháp thụ trì về gió, thì có thể bay như sợi bông gòn được gió thổi.

Người tu thiền đi bằng tâm tưởng, là người ấy khiến thân và tâm tràn đầy tưởng khoan khoái nhẹ nhàng. Khi thân đã nhẹ nhàng, thì có thể đi bằng tâm tưởng, như chim bay.

Người tu thiền khi tu tập đi bằng tâm tưởng thành tựu thì có thể dùng tay sờ mặt trăng mặt trời.

Người tu thiền có thần thông, thần lực, là người có thiền, người có thần thông, tâm được tự tại.

Người tu thiền như vậy dùng tâm tu hành, theo thứ lớp dùng trí thụ trì biến nhập vào Đệ Tứ thiền, từ Đệ Tứ thiền xuất ra an tường tự tại, dùng trí thụ trì tưởng đến gần, tưởng đến gần thành tựu thì có thể đưa tay sờ mặt trời, mặt trăng.

Người tu thiền được thần thông lớn, được thần lực lớn, người ấy có thể hoặc ngồi, hoặc nằm, đưa tay sờ mặt trời mặt trăng.

Khởi thân đến trời Phạm Thế, là người tu thiền được được thần thông, tâm đã tự tại muốn đi đến cõi trời Phạm Thế.

Người tu thiền tu hành 4 như ý túc như vậy tâm ở xa thụ trì thành gần, ở gần thụ trì thành xa, hoặc nhiều thụ trì thành ít, ít thụ trì thành nhiều, dùng thiên nhãn trông thấy sắc trời Phạm thiên, dùng thiên nhĩ nghe âm thanh trời Phạm thiên, dùng tha tâm trí biết tâm trời Phạm thiên.

Trong 3 cách đi, người tu thiền dùng 2 cách đi là đi theo gió và đi bằng tâm tưởng có thể đi đến cõi trời Phạm Thế. Hai cách đi này là pháp Thụ trì biến Nhất thiết nhập.

( Xong phần Thụ trì biến )

Bấy giờ, người tu thiền có ý muốn khởi biến, tu hành 4 như ý túc, do tâm được tự tại mà an thân nơi tâm, an tâm nơi thân, do thân an tâm, do tâm an thân, do thân thụ trì tâm, do tâm thụ trì thân, hoặc do tưởng khoan khoái, hoặc tưởng nhẹ nhàng nơi thân, mà thân tâm thành trụ.

Người tu thiền do hiện tu hành như vậy khiến thân trở thành hết sức nhẹ nhàng, hết sức nhu nhuyến đến có thể thụ trì. Giống như viên sắt tròn được lửa nung đốt có thể làm thành các thứ đồ vật theo ý muốn.

Người tu thiền đã tu hành như vậy, tâm thành nhu nhuyến, có thể thụ trì khiến đầy khắp thân tâm. Người tu thiền ấy nếu muốn bỏ hình sắc của tự thân mà biến thân thành một đứa trẻ, thứ lớp dùng trí thụ trì nhập vào Đệ Tứ thiền, rồi xuất ra an tường tự tại, dùng trí niệm tác ý như vầy: Ta sẽ thành một đứa trẻ. Tác ý như vậy tức thì biến thành đứa trẻ.

Người tu thiền nếu muốn hoặc thành hình rồng, hình chim phượng hoàng, hình qủy Dạ-xoa, hình A-tu-la, hình vua trời Đế Thích, hình vua trời Phạm thiên, hoặc thành hình biển, núi, rừng, sư tử, hổ, báo, voi, ngựa, lính bộ binh v.v… cũng như vậy thứ lớp dùng trí thụ trì nhập vào Đệ Tứ thiền, rồi từ Đệ Tứ thiền xuất ra an tường tự tại, dùng trí niệm tác ý rằng: Ta sẽ thành các thứ hình. Tức thì biến thành các thứ hình.

Hỏi: Thụ trì biến và Tác biến, khác nhau thế nào ?

Đáp: Thụ trì biến thì không xả bỏ hình sắc của tự thân, còn Tác biến thì xả bỏ hình sắc. Đó là chỗ khác nhau.

( Xong phần nói về Tác biến )

Bấy giờ, người tu thiền muốn khởi Tùy ý biến, khi tâm tu hành 4 như ý túc đã được tự tại nhập vào Đệ Tứ thiền và từ Đệ Tứ thiền xuất ra an tường tự tại, dùng trí biện trí từ bên trong tự thân, tác ý thân nầy như một cái bình trống rỗng. Người tu thiền tác ý như vậy, nơi thân trống rỗng nầy, tùy theo ý muốn mà biến hoá, mà chuyển theo. Như thế, dùng trí thụ trì, tùy theo đó sẽ chuyển biến. Tác ý như vậy thành tương tự theo. Do phương tiện nầy, người ấy biến hoá được nhiều, biến thành hoá thân có đủ các hành động.

Người tu thiền nếu muốn hoá thân ấy hướng đến trời Phạm Thế, thì hoá thân ấy liền đến Phạm Thế mang hình sắc của trời Phạm thiên, có đầy đủ thân phần, các căn không thiếu.

Người có thần thông tiêu dao nơi cõi này, thì hoá thân của người ấy cũng được tiêu dao như vậy. Người có thần thông ở cõi này ngồi, nằm, hiện phun ra khói lửa, hoặc hỏi đáp, thì hoá thân của người ấy cũng ngồi, nằm, phun ra khói lửa, hỏi và đáp như vậy.

Người hóa thân ở nơi cõi kia là do thần thông biến hoá ra mà tất cả hành động đều giống như vậy.

( Xong phần nói về Tùy biến )

Dưới đây là các bổ sung về Thân thông:

Thần thông biến hóa tạo nên sắc tướng, phải sau khi biến hóa mới có thể phân biệt.

Khi không biến hóa, lại vì phân biệt chưa phải lúc, khi đó không thể hiển hiện thần thông. Đó là vì người có thần thông đang trong lúc thụ trì niềm vui. Do đó thành không thể hiển hiện biến hóa.

Người có thần thông nếu khi không phân biệt thì niệm niệm không hiện. Như vậy cũng không có thần biến.

Người được biến hóa ra không có mạng căn. Vật ăn thức uống cùng mọi sự do trí biến thành, đều thuộc vào 9 việc:

  1. Việc nhỏ.
  2. Việc lớn.
  3. Chuyện không thể nói được.
  4. Chuyện quá khứ.
  5. Chuyện vị lai.
  6. Chuyện hiện tại.
  7. Việc trong.
  8. Việc ngoài.
  9. Việc trong ngoài.

( Xong phần bổ sung )

Hỏi: Ai chứng đắc thiên nhĩ thông ? Thiên nhĩ thông sinh khởi như thế nào ?

Đáp: Trong 10 Nhất thiết nhập, trừ ngoài 2 Nhất thiết nhập là không và thức, còn 8 Nhất thiết nhập nơi Sắc giới được Đệ Tứ thiền, tâm được tự tại, có thể khiến thiên nhĩ thông sinh khởi. Thiên nhĩ thông do tự tính của nhĩ giới sinh khởi.

Lại có thuyết nói rằng sao ở Sắc giới Đệ Tứ thiền được tự tại có thể khiến thiên nhĩ thông sinh khởi, vì sao nhất định phải ở Đệ Tứ thiền ? Và vì sao khiến thiên nhĩ thông sinh khởi ?

Đáp: Người tu thiền tu 4 như ý túc, tâm được tự tại được nhập vào Đệ Tứ thiền, từ Đệ Tứ thiền xuất ra an tường tự tại, theo thứ tự dựa vào tự tính của nhĩ giới, nếu là âm thanh ở xa thì tác ý tướng âm thanh ở xa, nếu là âm thanh ở gần thì tác ý tướng âm thanh ở gần, nếu tiếng lớn thì tác ý tướng tiếng lớn, nếu tiếng nhỏ thì tác ý tướng tiếng nhỏ, nếu tiếng đến từ phương Đông thì tác ý tướng tiếng phương Đông, tiếng đến từ tất cả các phương thì tác ý tướng tiếng đến từ tất cả các phương.

Người tu thiền tu hành như vậy khiến tâm thanh tịnh, do tự tính nhĩ giới thanh tịnh khiến tâm hành tăng trưởng.

Người tu thiền do thiên nhĩ giới thanh tịnh hơn tai người thường, nên nghe được cả 2 thứ tiếng là tiếng người và tiếng trời, hoặc xa hoặc gần.

Về điều nầy, Đức Bản Sư có nói: Người mới tập thiền trước tiên nghe tiếng chúng sinh nơi tự thân của mình, rồi từ đó nghe được tiếng chúng sinh bên ngoài thân của mình, sau đó nghe được tiếng các chúng sinh ở nơi trú xứ của mình. Cứ như vậy tác ý tuần tự tăng trưởng.

Lại nữa có thuyết cho rằng người mới tập thiền trước tiên không thể nghe được tiếng chúng sinh trong tự thân mình. Bởi vì sao ? Vì người mới tập thiền tự tính của tai không thể đạt tới cảnh giới ấy nên không thể nghe các âm thanh vi tế.

Người mới tập thiền lấy tiếng loa, tiếng trống ở xa làm đối tượng, dựa vào tự tính của tai dùng trí của tai lắng nghe. Dùng trí của thiên nhĩ thì nên tác ý về tướng của tiếng khiến trí của thiên nhĩ phát sinh, và tiếng lớn, tiếng nhỏ, tiếng gần, tiếng xa chỉ có thiên nhĩ mới nghe được.

Do đó người mới tập thiền không nên tác ý muốn nghe các tiếng hết sức đáng sợ ấy. Bởi vì sao ? Vì khi nghe các tiếng khả ái thì sinh ái dục, khi nghe các tiếng đáng sợ thì sinh hãi hùng. Đó gọi là nhĩ úy trí.

Có 3 thứ Thiên nhĩ trí có thể thành sự:

  1. Việc nhỏ.
  2. Việc hiện tại.
  3. Việc ngoài.

Một người nếu mất tự tính nhĩ thì thiên nhĩ cũng mất theo. Người tu hành Thanh Văn thừa nếu được tự tại có thể nghe được tiếng nơi một ngàn thế giới. Bậc Duyên Giác nghe được còn nhiều hơn. Như Lai thì nghe được vô số.

( Xong phần nói về Thiên nhĩ )

Hỏi: Ai có thể khởi tha tâm trí ? Khởi cách nào ?

Đáp: Ngưởi tu thiền tu tập Quang Nhất thiết nhập, nơi Sắc giới Đệ Tứ thiền được tự tại, dùng thiên nhãn khiến tha tâm trí sinh khởi. Khởi cách nào ?

Người tu thiền tu hành 4 như ý túc, tâm được tự tại, thanh bạch, bất động, dùng Quang Nhất thiết nhập nhập vào Đệ Tứ thiền, từ Đệ Tứ thiền xuất một cách an tường tự tại, trước khiến khắp châu thân ngập tràn ánh sáng, dùng thiên nhãn quán thấy sắc của tâm mình tác ý. Do nơi sắc của tâm mình tác ý mà khởi thức. Người tu thiền như vậy dùng tự tâm biến thấy sắc biến, hiểu rõ rằng: Sắc nầy từ hỷ căn sinh khởi, sắc nầy từ ưu căn sinh khởi, sắc nầy từ xả căn sinh khởi.

Nếu tâm tương ưng với hỷ căn, sắc do ý hiện khởi giống như màu của bơ sữa.

Nếu tâm tương ưng với ưu căn, sắc hiện khởi như màu tím.

Nếu tâm tương ưng với xả căn, sắc hiện khởi như màu mật ong. Nếu tâm tương ưng với ái dục, sắc hiện khởi giống như màu vàng.

Nếu tâm tương ưng với sự giận dữ, sắc hiện khởi giống như màu đen.

Nếu tâm tương ưng với vô minh, sắc hiện khởi giống như màu đục ngầu.

Nếu tâm tương ưng với niềm tin và trí tuệ, sắc hiện khởi giống như màu xanh.

Người tu thiền dùng tự thân biến, phân biệt sắc biến, bấy giờ người tu thiền dùng trí phân biệt thành khởi trí tha tâm, sau khi trí tha tâm sinh khởi phải trừ diệt tâm phân biệt sắc biến mà chỉ giữ lấy tâm.

Người tu thiền như vậy do tu hành khiến tâm thanh bạch, nếu có ái tâm thì rõ ràng biết mình có ái tâm, nếu không có ái tâm thì biết rõ mình không có ái tâm, nếu có sân tâm biết rõ mình có sân tâm, nếu không có sân tâm thì biết rõ không có sân tâm.

Như vậy, người tu thiền biết rõ tất cả tâm.

Tha tâm trí có 8 thứ có thể thành sự:

  1. Việc nhỏ.
  2. Việc lớn.
  3. Việc đạo.
  4. Việc vô lượng.
  5. Việc quá khứ.
  6. Việc hiện tại.
  7. Việc vị lai.
  8. Việc ngoài.

Tha tâm trí thông là thuộc trí vô lậu, là cảnh giới chứng đắc của Phật không phải cảnh giới phàm phu, nhưng lại dùng tâm chúng sinh, sinh nơi Vô sắc xứ. Người tu hành Thanh Văn thừa, nếu được tự tại có thể biết được tâm của một ngàn thế giới. Bậc Duyên Giác biết tối đa. Như Lai biết thì vô lượng.

( Xong phần nói về Tha tâm trí )

Hỏi: Ai có thể khởi túc mạng trí ? Có mấy thứ túc mạng trí ? Làm sao khởi ?

Đáp: Trong 10 Nhất thiết nhập, trừ 2 Nhất thiết nhập là không và thức, 8 Nhất thiết nhập nơi Sắc giới được Đệ Tứ thiền, tâm được tự tại có thể khiến khởi túc mạng trí thông.

Vì sao chỉ ở tại Sắc giới xứ ?

Là vì chỉ sau khi được nhập Đệ Tứ thiền, tâm được tự tại mới có thể sinh khởi thần thông.

Hỏi: Nơi Đệ Tứ thiền có thể khởi mấy thứ túc mạng trí thông ?

Đáp: Có thể được 3 thứ túc mạng thông:

  1. Do nhớ nhiều kiếp.
  2. Do sinh ra.
  3. Do tu hành.

Do nhớ nhiều kiếp có nghiã là nhớ được các kiếp trước theo 4 cách nầy: khéo giữ tướng, thấy bỉ phần tướng, các căn phân minh, thâu nhiếp tính đó. Về loại trí nhớ các kiếp trước, có thể nhớ lại được tối đa 7 kiếp.

Trí thứ hai, là các trời, rồng, phượng hoàng, do sinh ra là nhớ được kiếp trước. Tối đa nhớ được 14 kiếp trước.

Trí nhớ thứ ba, do tu hành đầy đủ 4 như ý túc mà nhớ lại được các kiếp trước.

Hỏi: Túc mạng trí khởi như thế nào ?

Đáp: Người tu thiền tu hành 4 như ý túc, do sức tin tâm được tự tại, tâm thanh bạch đến bất động. Tại nơi ngồi thiền, dùng thân khẩu ý nhớ lại tất cả việc đã làm trong một ngày. Cũng vậy nhớ lại việc đã làm trong một đêm. Nhớ như vậy 1 ngày, 2 ngày, lần lượt cho đến 1 tháng, nhớ lại hết những việc đã làm. Như vậy cho đến 2 tháng, cho đến 1 năm, 2 năm, 3 năm, đến 100 năm, cho đến từ lúc sơ sinh nhớ tất cả mọi sư việc đã làm.

Bấy giờ, tâm tâm số pháp của thời xa xưa có hậu sinh, tâm tâm số pháp hiện sinh, y theo tâm tâm số pháp ban đầu được sinh. Do tâm tương tục sinh, hiện quán nhân duyên trí nhớ lưu chuyển, cả hai đều không gián đoạn, sinh ra nơi đời nầy, sinh ra nơi đời khác.

Như vậy, người tu thiền do tâm tu hành thanh bạch, nhớ lại kiếp trước không phải chỉ một thứ ký ức túc mạng trí mà 1 đời, 2 đời, 3 đời, 4 đời v.v… tất cả như vậy.

Người tu thiền do nơi hiện đời này đã có thể nhớ được tất cả các đời trước. Nếu người tu thiền không thể nhớ lại các đời trước, thì phải càng thêm tinh tiến tu tập trở lại khiến thiền định sinh khởi. Nếu thiền định đã khởi thì rất tốt, phải khiến tâm tự tại, như phép lau chùi gương soi cho bóng. Khi tâm đã được tự tại, thì rất tốt, bấy giờ có thể hiện khởi nhớ lại tất cả những việc chính mình trước tiên đã có thể nhớ. Ví như trong đời này những điều vui thích, những điều đáng nhớ. Không cần nhớ lại những việc bình thường. Không nên nhớ lại kiếp đã làm súc sinh, hay đã được sinh lên cõi Vô sắc giới, cõi Vô tưởng. Vì các cõi ấy thuộc vô tưởng tính, do đó không nên nhớ. Về phương diện nầy Trưởng lão Du-tì-đa là giỏi nhất.

Về thành tựu trí nhớ túc mạng thông có 7 việc:

  1. Việc nhỏ.
  2. Việc lớn.
  3. Việc không nên nói.
  4. Việc quá khứ.
  5. Việc trong.
  6. Việc ngoài.
  7. Việc trong ngoài.

Về quá khứ đã được đạo quả nên nhớ lại đất nước làng xóm. Bởi tưởng quá khứ thành tựu trí nhớ túc mạng thông. Bởi trí tuệ nhớ lại 5 ấm tương tục thành khởi trí nhớ túc mạng thông.

Đối với ngoại đạo mà nói, trí nhớ túc mạng thông của họ có thể nhớ đến 40 kiếp, quá hơn không thể nhớ được vì không đủ sức.

Thánh Thanh Văn có thể nhớ 1 vạn kiếp. Đó là tuyệt đỉnh của Thanh Văn thừa.

Thánh Duyên Giác và Đại Thanh Văn giống nhau. Chỉ có Như Lai Chính biến giác, có thể nhớ được kiếp trước của mình và kiếp trước của người khác, hành nghiệp và tất cả hành xứ. Còn ngoài ra những người khác chỉ có thể nhớ đến kiếp trước của mình, rất ít nhớ kiếp trước của người khác.

Như Lai Chính biến giác khi nhập Tam-muội hoặc khi không nhập Tam-muội, tùy ý muốn có thể nhớ tất cả. Còn những người khác phải nhập Tam-muội mới khởi túc mạng trí được.

( Xong phần nói về Túc mạng trí )

Hỏi: Ai khởi được thiên nhãn ? Có mấy loại thiên nhãn ? Làm sao khởi thiên nhãn ?

Đáp: Tu hành với Quang minh Nhất thiết nhập và tương quan với 9 Nhất thiết nhập là đất, nước, lửa, gió, xanh vàng đỏ trắng, sáng, hoặc tu hành với Quang minh Nhất thiết nhập tương quan với 5 Nhất thiết nhập là xanh, vàng, đỏ, trắng, sáng, hoặc tu hành với Quang minh tương quan với Nhất thiết nhập, nơi Sắc giới được nhập Đệ Tứ thiền, tâm được tự tại, có nhãn tính thì có thể khởi thiên nhãn.

Hỏi: Có mấy loại thiên nhãn ?

Đáp: Có 2 loại thiên nhãn:

  1. Thiên nhãn do nghiệp báo.
  2. Thiên nhãn do tu hành.

Thiên nhãn do nghiệp là thứ thiên nhãn do quả báo nghiệp thiện mà được. Đây là loại thiên nhãn nhìn thấy được các kho tàng ẩn giấu, hoặc có châu báu, hoặc không có châu báu.

Thiên nhãn do tu hành là thứ thiên nhãn được do tu hành 4 như ý túc.

Khởi thiên nhãn như thế nào ?

Người tu thiền tu hành 4 như ý túc, tâm được tự tại, tâm được thanh bạch cho đến tâm bất động, quán Quang Nhất thiết nhập, được nhập vào Đệ Tứ thiền, thụ trì và tác ý về tưởng ánh sáng và tưởng về ngày, ngày nầy cũng như đêm, đêm nầy cũng như ngày, dùng tâm không ngại, không đắm trước, hiện khởi tâm tu hành thành có ánh sáng.

Người tu thiền tu hành tâm ấy thành có ánh sáng, không bị tối tăm chướng ngại, sáng tỏ hơn cả ánh mặt trời.

Người tu thiền tu hành tâm như vậy khiến ánh sáng ngập tràn khắp bên trong, tác ý lên sắc hình, dùng trí tuệ khiến ánh sáng đầy khắp. Ánh sáng đầy khắp không phải thiên nhãn mà dùng trí tuệ thấy được sắc ánh sáng bên trong mới gọi là thiên nhãn.

Người tu thiền dùng thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt người thường, quán thấy chúng sinh hoặc chết, hoặc sinh, hoặc thô, hoặc tinh tế, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, và tất cả chúng sinh sinh nơi nẻo thiện, hoặc sinh nơi nẻo dữ, là do nghiệp lực tạo ra.

Tất cả chúng sinh nếu muốn khởi được thiên nhãn, phải đoạn diệt hết các phiền não nầy: nghi ngờ, nghĩ nhớ không chân chính, lười biếng, mê ngủ, kiêu mạn, vui bất chính, nói thô ác, tinh tiến quá gấp, hay trì hoãn không tinh tiến, nói nhiều, tưởng tượng nhiều thứ, nhất là sắc dục.

Nếu một trong các phiền não ấy nổi lên lúc đang khởi thiên nhãn, thì mất chính định. Nếu mất chính định ánh sáng cũng mất theo, và tâm thấy sắc cũng tiêu mất. Vì vậy phải sớm đoạn diệt phiền não đó.

Nếu đã đoạn diệt các phiền não đó xong nhưng cũng không được chính định tự tại, thì do tâm không được tự tại mà tu hành thiên nhãn chỉ được thành tựu thiên nhãn nhỏ.

Bấy giờ người tu thiền chỉ có thể dùng định nhỏ, thiên nhãn nhỏ biết được ánh sáng ít, sắc quán thấy cũng ít. Do đó Thế Tôn có nói: Có lúc ta được định nhỏ, lúc đó được thiên nhãn nhỏ, dùng thiên nhãn nhỏ đó biết được ánh sáng ít, thấy được sắc nhỏ. Có lúc ta được vô lượng Tam-muội, lúc đó ta được vô lượng thiên nhãn, dùng thiên nhãn vô lượng đó biết được vô lượng ánh sáng, thấy được vô lượng sắc.

Do đó người tập thiền, quán thấy sắc không phải sắc khả ái, cũng không phải sắc đáng kinh sợ, như trước đã nói.

Thiên nhãn thành tựu 5 việc:

  1. Việc nhỏ.
  2. Việc hiện tại.
  3. Việc trong.
  4. Việc ngoài.
  5. Việc trong ngoài.

Dựa vào thiên nhãn sinh ra 4 thứ trí:

  1. Trí phân biệt việc vị lai.
  2. Trí biết mình tạo nghiệp.
  3. Trí biết đúng như hành nghiệp.
  4. Trí biết quả báo của nghiệp.

Do trí biết phân biệt việc vị lai, biết vị lai sắc sẽ sinh khởi như thế nào.

Do trí biết mình tạo nghiệp, thấy nghiệp người khác tạo, liền biết người nầy tạo nghiệp nầy sẽ sinh vào nẻo nào.

Do trí biết đúng như hành nghiệp, thấy người khác sinh vào nẻo nào ắt biết người ấy do nghiệp trước nào đã tạo.

Do trí biết quả báo của nghiệp, biết được đến lúc nào, đến nẻo nào, đến phiền não nào, đến phương tiện nào nghiệp ấy phải chín muồi hoặc không chín muồi, nghiệp ấy phải thụ báo nhiều, hay thụ báo ít.

Người tu hành Thanh Văn thừa nếu thiên nhãn tự tại có thể thấy được một ngàn thế giới. Duyên Giác thấy được nhiều hơn. Như Lai thì thấy vô lượng.

( Xong phần nói về Thiên nhãn )

Các bổ sung liên quan đến Thần thông:

Tu Thiên nhãn thông chỉ thấy được 1 thứ sắc mà thôi. Khi tu định chỉ thấy sắc không nghe tiếng.

Tu hành Thiên nhĩ thông chỉ nghe 1 thứ âm thanh mà thôi. Khi tu định chỉ nghe tiếng không thấy sắc.

Nếu gồm tu cả Thiên nhãn và Thiên nhĩ thông thì khi tu định cũng thấy sắc cũng nghe tiếng.

Nếu gồm tu cả Thiên nhãn, Thiên nhĩ và Tha tâm trí thông thì khi tu định cũng thấy, cũng nghe và biết tâm người khác

Nếu chỉ để thấy một phương, thì khi tu định chỉ thấy một phương không thấy các phương khác cũng không nghe không biết tâm người khác.

Nếu tu nhiều pháp, thì khi tu định tất cả mọi phương đều nghe, thấy và biết được tâm người khác.

Năm thần thông là thần thông của thế gian, là thứ thần thông chung cho cả Sắc giới hữu lậu và phàm phu giới.

Thiện thần thông thì thuộc thuộc chung cho các học nhân và phàm phu.

Thần thông của A-la-hán là thần thông vô ký.

Năm thần thông không sinh khởi ở cõi Vô sắc.

( Xong phần nói về Thần thông )

Phẩm 10: Phân biệt tuệ

Hỏi: Thế nào là Tuệ ? Tuệ có tướng, vị, khởi, xứ, công đức và nghiã như thế nào ? Có bao nhiêu công đức được Bát-nhã ? Có mấy loại Bát-nhã ?

Đáp: Tác ý việc gì thì đúng như chính mắt thấy, đó gọi là Tuệ, là Bát-nhã.

Lại nữa, tác ý về lợi ích, không lợi ích, hoặc tác ý về trang nghiêm, đó gọi là Tuệ, là Bát-nhã.

Như trong A-tỳ-đàm có nói: Thế nào là Bát-nhã ? Bát-nhã là tuệ, là trí, là trạch pháp, là diệu tướng tùy quán. Quán đó sáng suốt, hiểu rõ phân biệt, tư duy, thấy đại, dễ ngộ, lấy chính trí hằng thường làm dẫn lực. Tuệ căn, tuệ lực, tuệ trượng, tuệ điện, tuệ quang, tuệ minh, tuệ đăng, tuệ bảo, không ngu si, trạch pháp, chính kiến, đó gọi là Bát-nhã.

Bát-nhã lấy như đạt làm tướng, lấy trạch pháp làm vị, lấy không ngu si khởi, lấy 4 đế làm hành xứ.

Lại nữa, Bát-nhã lấy liễu nghĩa quang minh làm tướng, nhập chính pháp làm vị, trừ tối tăm vô minh là khởi, lấy 4 biện trí làm hành xứ.

Bát-nhã có vô lượng công đức. Hãy nghe bài kệ sau đây:

Do Tuệ, giới thanh tịnh,

Nhập thiền cũng 2 Tuệ,

Do Tuệ tu các đạo,

Do Tuệ thấy được quả.

Bát-nhã là thắng thiện,

Mắt tuệ là vô thượng.

Tuệ thoái thành ô uế,

Tuệ tăng trưởng vô thượng.

Tuệ phá luận ngoại đạo,

Thế pháp không nhiễm trước,

Người có Tuệ, tuyệt diệu,

Lời hay khéo hiển bày.

Đời nầy và đời khác,

Giải thoát khỏi khổ, vui,

Các nghĩa và tinh tiến,

Dũng mãnh, người có Tuệ

Nếu thấy các pháp này,

Lý Nhân duyên, ngôn ngữ,

Dạy răn và Danh sắc.

Là ngôn ngữ Tứ Đế,

Là cảnh giới Trí Tuệ.

Lấy Tuệ trừ các ác

Tham ái, sân, vô minh.

Lấy Trí trừ sinh tử,

Trừ các thứ khó trừ.

Hỏi: Nghĩa của Tuệ là gì?

Đáp: Là nghiã của Trí, là nghĩa của năng lực đoạn trừ.

Có bao nhiêu công đức được Tuệ ?

Có 11 công đức:

  1. Tìm nghiã của khế kinh.
  2. Làm nhiều việc lành.
  3. Ở nơi thanh tịnh.
  4. Tu Chỉ quán.
  5. Tu Tứ đế.
  6. Phân biệt rõ ràng.
  7. Tâm dừng trụ.
  8. Thường ở trong thiền định.
  9. Tâm không các triền cái.
  10. Xa lià người vô trí.
  11. Thân cận người có trí tuệ.

Có mấy loại trí tuệ ?

Có 2 loại, 3 loại, 4 loại.

Hỏi: Thế nào là 2 loại trí tuệ ?

Đáp: Đó là trí tuệ thế gian, và trí tuệ xuất thế gian. Tuệ tương ứng với các đạo quả của bậc Thánh là tuệ xuất thế gian. Còn lại, tức là tuệ thế gian.

Tuệ thế gian là hữu lậu, có kết sử, có trói buộc, là lưu chuyển, là ách nạn, là che khuất, là xúc, là khởi, là có phiền não.

Tuệ xuất thế gian là vô lậu, không kết sử, không trói buộc, không lưu chuyển, không ách nạn, không bị che khuất, không xúc, không khởi, không có phiền não.

Ba loại trí tuệ, đó là:

  1. Tư tuệ.
  2. Văn tuệ.
  3. Tu tuệ.

Tư tuệ, là không nghe, học thụ giáo từ người khác, do nghiệp của mình mà trí phù hợp với Thánh đế. Công phu và sáng suốt của trí tuệ, đó gọi là tư tuệ.

Văn tuệ, là nghe, học, thụ giáo từ người khác mà được trí tuệ, đó gọi là văn tuệ.

Tu tuệ, là tu hành tất cả các pháp về tuệ được nhập vào Tammuội mà đạt được trí tuệ, đó gọi là tu tuệ.

Lại nữa, có 3 loại tuệ, là:

  1. Tuệ đến.
  2. Tuệ đi.
  3. Tuệ phương tiện.

Tuệ đến, là hiện tác ý làm cho pháp bất thiện thoái lui, pháp thiện tăng trưởng, loai trí tuệ đó gọi là tuệ đến.

Tuệ đi, là hiện tác ý nếu làm cho pháp bất thiện tăng trưởng mà pháp thiện bị thoái lui mất, loại trí tuệ đó gọi là tuệ đi mất.

Tuệ phương tiện, là tuệ hiện tác ý với tất cả phương tiện, đó là tuệ phứong tiện.

Lại nữa, có 3 loại tuệ, là:

  1. Tuệ tụ.
  2. Tuệ không tụ.
  3. Tuệ chẳng phải tụ chẳng phải chẳng phải tụ.

Tuệ tụ, là trí tuệ thiện ở 3 điạ, đó là tuệ tụ.

Tuệ không tụ, là trí tuệ thiện ở 4 đạo , đó là tuệ không tụ.

Tuệ chẳng phải tụ chẳng phải chẳng phải tụ, là nghiệp hành ở 3 đạo quả địa là tuệ hữu ký. và quả báo của 4 đạo quả địa là tuệ vô ký, đó gọi là tuệ chẳng phải tụ chẳng phải chẳng phải tụ.

Bốn loại tuệ, là:

  1. Trí tự tác nghiệp.
  2. Trí phù hợp với đế lý.
  3. Trí đẳng phần với đạo.
  4. Trí đẳng phần với quả.

Trí tự tác nghiệp, là chính kiến sinh khởi trong 10 Ba-la-mật, đó là trí tự tác nghiệp.

Trí phù hợp với đế lý, là đương quán thấy 5 ấm vô thường, khổ, vô ngã, đây đều thuộc pháp tương tự nhẫn pháp, đó là trí hợp với đế lý.

Trí đẳng phần với đạo, là trí tuệ có thể phân biệt rõ 4 đạo, đó là trí đẳng phần với đạo.

Trí đẳng phần với quả, là trí tuệ có thể phân biệt rõ 4 quả, đó là trí đẳng phần với quả.

Lại có 4 loại tuệ, là:

Tuệ Dục giới.

Tuệ Sắc giới.

Tuệ Vô sắc giới.

Tuệ không trói buộc.

Tuệ Dục giới, là tuệ thiện hữu ký ở Dục giới.

Tuệ Sắc giới, là tuệ thiện hữu ký ở Sắc giới.

Tuệ Vô sắc giới, là tuệ thiệ hữu ký ở Vô sắc giới.

Tuệ không trói buộc là tuệ đạt được ở đạo quả.

Lại có 4 loại tuệ, là:

  1. Pháp trí.
  2. Tỷ trí.
  3. Tha tâm trí.
  4. Đẳng trí.

Pháp trí, là trí đạt được nơi 4 đạo và 4 quả.

Tỷ trí, là người tu thiền dùng pháp trí thành tựu trí vị lai hiện tại, có thể biết việc gần xa trong quá khứ và vị lai. Đó gọi là tỷ trí.

Tha tâm trí, là trí có thể biết được những gì trong tâm tưởng của người khác.

Trừ pháp trí, tỷ trí, tha tâm trí, các thứ trí tuệ khác đều gọi là đẳng trí.

Lại có 4 loại tuệ, là:

  1. Có tuệ là tụ, chẳng phải là phi tụ.
  2. Có tuệ là phi tụ, chẳng phải là tụ
  3. Có tuệ là tụ, cũng là phi tụ.
  4. Có tuệ chẳng phải tụ, cũng chẳng phải chẳng phải là phi tụ.

Thiện tuệ đạt được nơi Dục giới là tụ chẳng phải phi tụ.

Thiện tuệ đạt được nơi bậc 4 đạo là tuệ phi tụ, chẳng phải là tụ.

Thiện tuệ đạt được nơi Sắc giới và Vô sắc giới là tụ cũng là phi tụ.

Quả báo của 4 quả địa thì nghiệp hành trong 3 đạo quả địa là tuệ hữu ký, cho nên thiện tuệ đạt được nơi quả địa thứ tư đó là tuệ chẳng phải là tụ cũng chẳng phải chẳng phải là phi tụ.

Lại có 4 loại tuệ, là:

  1. Có tuệ do nhàm chán mà không phải do thông đạt.
  2. Có tuệ do thông đạt mà không do nhàm chán.
  3. Có tuệ do nhàm chán và do thông đạt.
  4. Có tuệ không do nhàm chán cũng không do thông đạt.

Có tuệ do nhàm chán mà không phải do thông đạt, là tuệ chán ham muốn nhưng chưa thông đạt được thần thông, và chưa thông đạt 4 đế.

Có tuệ do thông đạt mà không do nhàm chán, là hiện khởi đạt được trí tuệ chán ham muốn và do trí tuệ này thông đạt thần thông, nhưng không thông đạt 4 đế.

Có tuệ do nhàm chán và cũng do thông đạt, là tuệ đạt được nơi 4 đạo.

Có tuệ chẳng phài do nhàm chán cũng chẳng phải do đạt, là trí tuệ ngoài 3 loại nói trên.

Lại có 4 loại tuệ, là:

  1. Nghĩa biện.
  2. Pháp biện.
  3. Từ biện.
  4. Lạc thuyết biện.

Trí tuệ hiểu nghĩa rõ ràng, là nghiã biện.

Trí tuệ thông hiểu rõ ràng chính pháp, là pháp biện.

Trí tuệ hiểu rõ ngôn từ, là từ biện.

Trí tuệ có thể hiểu biết các thứ trí, là lạc thuyết biện.

Trí thông hiểu tất cả nhân quả, là nghiã biện.

Trí thông hiểu tất cả nhân, là pháp biện.

Lạc thuyết pháp biện, là từ biện.

Trí tuệ có thể rõ tất cả trí, là lạc thuyết biện.

Lại nữa, trí thông đạt Khổ và Diệt, là nghiã biện.

Trí thông đạt Tập Đạo, là pháp biện.

Nói pháp rành rẽ, là từ biện.

Trí hiểu rõ các trí, là lạc thuyết biện.

Lại nữa, thông hiểu Chính pháp, là pháp biện. Như tinh thông 12 loại bộ kinh: 1. Tu-đa-la. 2. Kì-dạ. 3. Xà-kha-la. 4. Giới-già-đà. 5. Ưu-đà-na. 6. I-để-bạt-đa-già. 7. Xà-đa-già. 8. A-phù-đa-đạt-ma. 9. Tỳ-phật-lược. Đó gọi là pháp biện.

Hiểu rõ nghiã các loại bộ kinh đó, gọi là nghiã biện.

Có trí tuệ, ngôn từ để nói pháp, gọi là tự biện.

Có trí tuệ hiểu rõ tất cả trí, gọi là lạc thuyết biện.

Lại có nhãn trí, là pháp biện.

Nhãn trí làm kiến, là nghĩa biện.

Trí tuệ và ngôn từ để thuyết pháp, là từ biện.

Trí tuệ có thể hiểu biết tất cả trí, là lạc thuyết biện.

Lại có 4 loại tuệ, là:

  1. Khổ trí.
  2. Khổ tập trí.
  3. Khổ diệt trí.
  4. Đạo đẳng phần trí.

Trí tuệ tương ưng với khổ là Khổ trí.

Trí tuệ tương ưng với khổ tập là Khổ tập trí.

Trí tuệ tương ưng với sự tu hành diệt khổ là Khổ diệt trí.

Đầy đủ 3 thứ trí tuệ trên, là Đạo đẳng phần trí.

( Xong phần phân biệt về tuệ )

QUYỂN 9 HẾT