LUẬN GIẢI THOÁT ĐẠO 
(Con đường giải thoát)
A-la-hán Ưu-ba-để-sa tạo luận
Tam tạng Tăng-già-bà-la dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 12

Phẩm 12: PHÂN BIỆT ĐẾ 2

Người tu thiền như vậy hiện quán diệt, vì do quán diệt mà thành lo sợ: Sợ nhân của ấm, sợ ấm sinh thành, sợ 3 cõi, sợ 5 nẻo luân hồi, sợ 7 nơi thức trụ, sợ 9 nơi cư trú của chúng sinh, sợ chúng như sợ người ác cầm đao, như sợ rắn độc, như sợ lửa thiêu đốt.

Như vậy, do quán diệt mà thành sợ nhân của ấm, sợ ấm sinh thành, sợ 3 cõi, 5 nẻo luân hồi, 7 nơi thức trụ, 9 nơi cư trú của chúng sinh.

Do vô thường hiện khởi tác ý khiến sinh khởi tưởng sợ hãi, dùng an ổn khiến khởi vô tưởng.

Do khổ hiện khởi tác ý tất cả chúng sinh đều thành sợ hãi, dùng an ổn khiến khởi thành không sinh.

Do vô ngã hiện khởi tác ý thành khởi tướng sợ hãi và tướng sinh, dùng an ổn khiến khởi không tướng, không sinh.

Dùng nhuyến pháp và tương tự nhẫn pháp quán tưởng về lỗi lầm, quán tưởng về sự nhàm chán, đó gọi là khiến khởi trí tuệ về sự sợ hãi.

( Xong phần nói về khiến khởi trí đối với sự sợ hãi )

Người tu thiền do vì lo sợ mà hiện tu hành, khiến khởi trí tuệ, muốn sinh trí giải thoát.

Lo sợ tướng các ấm, muốn khởi trí giải thoát.

Lo sợ các ấm sinh thành, muốn khởi trí giải thoát.

Lo sợ 3 cõi, 5 nẻo, 7 thức trụ, 9 nơi cư trú của chúng sinh, muốn khởi trí giải thoát.

Giống như con chim bị lửa cháy bao vây, muốn được thoát khỏi lửa cháy, như người bị giặc bao vây, muốn được thoát nạn.

Cũng như vậy, người tu thiền lo sợ nguyên nhân các ấm, sợ các ấm sinh thành, sợ 3 cõi, 5 nẻo, 7 thức trụ, 9 nơi cư trú của chúng sinh, mà khởi trí muốn được giải thoát.

Vì vô thường mà tác ý sợ nhân các ấm, vì khổ mà tác ý sợ sinh, vì vô ngã mà tác ý sợ nhân các ấm và sợ sinh, do đó mà khởi lên trí muốn được giải thoát.

Như vậy, kẻ phàm phu và bậc học nhân, với trí muốn được giải thoát thành khởi 2 thứ dẫn tâm: Tâm lo âu sầu não thì trở ngại tu hành. Tâm thông đạt thì khó thấy tư duy sở hành. Do tâm hiện khởi quán tưởng chính mình mà hoan hỷ thì gọi là thông đạt hiện quán tâm hoan hỷ.

Xả pháp, trung đạo pháp và tùy tương tự nhẫn, đó gọi là trí muốn giải thoát.

( Xong phần nói về trí muốn được giải thoát )

Người tu thiền như vậy hiện đang tu tập về trí muốn được giải thoát. Để được giải thoát khỏi tất cả các hành và được Nê-hoàn, chỉ có thể quán 1 tướng, đó là muốn khiến khởi lên cửa giải thoát.

Trí tương tự thành khởi như thế nào?

Do 3 hành pháp là vô thường, khổ, vô ngã mà được trí tương tự. Do 3 hành pháp đó siêu vượt chính tụ. Nơi 5 ấm, vô thường hiện khởi thấy được trí tương tự. Năm ấm diệt, thường Nê-hoàn. Như vậy hiện thấy vô thường thì siêu vượt chính tụ. Nơi 5 ấm, do vô ngã hiện khởi thấy được trí tương tự. Năm ấm diệt là đệ nhất nghĩa Nê-hoàn. Như vậy hiện thấy vô ngã tức là siêu vượt chính tụ.

Hỏi: Trí nào hiện vượt chính tụ? Trí nào đã vượt chính tụ?

Đáp: Tính trừ trí là hiện vượt chính tụ. Đạo trí đã vượt chính tụ.

Hỏi: Trí tương tự là gì?

Đáp: Là sở duyên tương tự các pháp môn 4 niệm xứ, 4 chính cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác phần, 8 phần chính đạo. Đó gọi là trí tương tự.

Không oán ghét, tâm thấy được lợi ích và tùy tương tự nhẫn, cũng gọi là trí tương tự.

( Xong phần nói về trí tương tự )

Từ trong tướng của tất cả các hành, khởi trí tương tự theo thứ lớp không gián đoạn mà hành sự Nê-hoàn, nhân đó sinh khởi tính trừ trí.

Hỏi: Tính trừ nghĩa là gì?

Đáp: Trừ pháp phàm phu, gọi là tính trừ. Không phải pháp phàm phu có thể trừ được cũng gọi là tính trừ. Tính có nghiã là Nê-hoàn.

Lại nữa, gieo giống Nê-hoàn cũng gọi là tính trừ. Như A-tì-đàm có nói: Trừ sự sinh gọi là tính trừ. Độ vô sinh, cũng gọi là tính trừ.

Lại nữa, trừ nhân của sự sinh, gọi là tính trừ. Độ vô sinh, vô tướng cũng gọi là tính trừ. Đó là bước đầu của con đường dẫn tới Nê-hoàn. Từ hạnh bên ngoài khởi chuyển thành trí tuệ. Đó là tính trừ.

( Xong phàn nói về tính trừ trí )

Tính trí theo thứ lớp không gián đoạn, hiện khởi biết khổ, hiện khởi đoạn tập, hiện khởi tác chứng diệt, hiện khởi tâm tu đạo, mà sinh khởi trí Tu-đà-hoàn cùng tất cả các pháp Bồ-đề khác.

Người tu thiền tu tập pháp 4 Thánh đế bấy giờ trong tâm an tịch, hiện khởi thấy được đâu là nơi còn có giới hạn, đâu là Đề hồ giới của vô vi. Trong một sát-na, dùng một thứ trí tuệ, trí tuệ đó không phải mới sinh ra đã có, cũng không phải sau khi sinh ra mới chứng đắc, mà phân biệt 4 Thánh đế, phân biệt thế nào là biết khổ, thế nào là đoạn tập, thế nào là chứng diệt, thế nào là tu đạo, mà thành khởi trí phân biệt 4 Thánh đế, như thí dụ trong bài kệ sau đây:

Như người bỏ bờ nầy,

Dùng thuyền sang bờ kia,

Chở vật đến bờ kia,

Đi thuyền, trừ lậu hoặc.

Như thuyền qua sông, không trước không sau, trong một sátna, làm 4 việc. Lìa bỏ bờ nầy là trừ tất cả phiền não lậu hoặc đến bờ bên kia. Dùng thuyền chuyên chở đi tất cả là bỏ bờ bên nầy. Dùng trí tuệ phân biệt khổ là trừ phiền não lậu hoặc. Dùng trí tuệ phân biệt đoạn tập, là sang đến bờ kia. Dùng trí tuệ phân biệt chứng diệt, là thuyền chở vật. Như vậy gọi là trí phân biệt tu đạo.

Như ngọn đèn cùng sinh trong một sát-na, không trước không sau, đồng làm 4 việc là thắp cháy tim đèn, trừ tối tăm, làm dầu hao hụt, và phát ánh sáng.

Cũng như mặt trời cùng sinh, không trước không sau, trong một sát-na, đồng thời là làm 4 việc là làm sắc hiện lên, trừ tối tăm, trừ diệt lạnh lẽo, và

tạo ra ánh sáng để thấy được sắc.

Cũng như vậy, trí phân biệt khổ, như trừ sự tối tăm. Trí phân biệt đoạn tập, như trừ diệt lạnh lẽo. Trí phân biệt tác chứng diệt, như làm phát ra ánh sáng. Như vây, trí phân biệt tu 8 chính đạo phần như mặt trời, đó còn gọi là Thánh trí.

Hỏi: Thế nào là tướng của trí như thật thấy khổ biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo?

Nếu không thấy khổ thì 4 điên đảo là thường, lạc, ngã, tịnh sẽ sinh khởi. Bấy giờ, như đã nói là “ do tâm an tịch mà quán thấy được đâu là nơi còn có giới hạn, đâu là Đề hồ giới của vô vi. Trong một sát-na, dùng một thứ trí tuệ, trí tuệ đó không phải mới sinh ra đã có, cũng không phải sau khi sinh ra mới chứng đắc, mà phân biệt 4 Thánh đế “ phải giải thích như thế nào?

Đáp: Với sinh diệt trí khi ấy còn chưa có thể thấy khổ, đến khi phiền não, tức các lậu, thành khởi mới có thể như thật thấy lỗi lầm của tất cả các hành. Bấy giờ từ tướng của tất cả các hành mới khiến khởi tâm muốn vượt qua các hành mà thành vô hành. Nhờ đó mà thấy được đúng như thật các lỗi lầm của các hành. Rồi từ tướng của các hành, khởi tâm vượt đến chỗ vô hành, để từ nơi ấy mà thấy ra được các khổ lậu đến tận cùng.

Lại có thuyết cho rằng, nếu như vậy là do tâm an tịch và do tính trừ trí mà có thể phân biệt đế. Tính trừ trí có nghiã là, khởi từ hành tướng mà vượt qua đến vô hành. Nếu tính trừ trí khởi từ hành tướng vượt qua đến vô hành thì chắc chắn cũng vượt đến Nê-hoàn.

Chỉ có một bất đồng là Nê-hoàn chấp giữ nhân thành hành sự, chấp giữ sự mà được vào định tâm. Nếu không được định, thì không sinh Xa-ma-tha, Tì-bà-xá-na và cũng không thành mãn các pháp Bồ-đề.

Đó gọi là do tính trừ trí mà thành đế phân biệt trí.

Ở đây người tu thiền từ tính trừ trí sở duyên, do không gián đoạn mà thành khởi đạo trí. Khi đạo trí thành khởi, được nhập Nêhoàn định, tâm thành định, thành khởi Xa-ma-tha, Tì-bà-xá-na, thành tựu viên mãn pháp Bồ-đề phần.

Đó gọi là chỉ có thể dùng đạo trí thành khởi đế phân biệt trí.

Như thành cháy, có ngưòi chạy ra, bị kẹt ở cửa thành, chỉ thò ra được một chân, thì lúc đó không gọi được là thoát khỏi. Cũng vậy, tính trừ trí từ nơi hành tướng khởi lên vượt qua đến chỗ vô hành, thì lúc đó chưa gọi là vượt qua được phiền não vì các pháp chưa viên mãn. Trái lại, như người trong thành cháy chạy ra, 2 chân đã ra ngoài, bấy giờ mới gọi là thoát ra khỏi thành cháy. Cũng vậy, tính trừ trí không gián đoạn thành sinh khởi đạo trí, lúc bấy giờ mới gọi là thoát khỏi thành phiền não vì các pháp đã viên mãn. Cho nên, do tính trừ trí mà thành phân biệt Thánh đế.

Hỏi: Phân biệt Thánh đế là nghiã thế nào?

Đáp: Là nói hòa hợp 4 Thánh đế trong 1 sát-na, đó gọi là phân biệt Thánh đế.

Ở đây, đạo trí, là nghĩa hoà hợp nương tựa nhau.

Các căn thành bình đẳng, là nghĩa bất động lực và thừa.

Bồ-đề phần là nghiã của nhân.

Đạo phần là nghiã của khiến trụ.

Niệm xứ là nghiã của thắng xứ.

Chính cần là nghiã của phương tiện.

Như ý túc là nghiã của như thật.

Đế là nghiã của không loạn.

Xa-ma-tha là nghiã của tùy quán, Tì-bà-xá-na là nghiã của không tách rời nhau, cả hai hòa hợp che chở.

Giới là nghĩa thanh tịnh và không loạn.

Tâm là nghiã của tính tịnh kiến.

Kiến là nghiã của thanh tịnh, của giải thoát.

Giải thoát là nghiã của thông đạt, rõ ràng xả bỏ, đoạn dứt và thoát khỏi.

Diệt là nghiã của trí căn.

Dục là nghĩa của khiến khởi.

Tác ý là nghĩa của bình đẳng.

Xúc, thụ diệt là nghiã của lìa thoát và hiện tiền.

Định, là nghĩa của nương tựa.

Niệm, là nghĩa của chân thật.

Tuệ, là nghiã sâu xa thù thắng.

Đề hồ, là nghiã của sau rốt.

Nê-hoàn, là nghiã của rốt ráo bình đẳng.

Như vậy, người tu thiền tu tập pháp 4 Thánh đế dùng trí tuệ hiện khởi, tri kiến hiện khởi đoạn trừ 3 kết. Ba kết là thân kiến, nghi và giới cấm thủ, cùng các phiền não tương ứng.

Hỏi: Sao gọi là thân kiến?

Đáp: Là phàm phu không học, thấy sắc cho đó là ngã, do đó ngã có hình sắc, sắc đó là ngã sở, từ đó thành sắc ngã. Cũng như vậy đối với thụ, tưởng, hành, thức là ngã, ngã có thụ, tưởng, hành, thức. Thụ, tưởng, hành, thức là ngã sở, từ đó thành thụ ngã, tưởng ngã, hành ngã, thức ngã.

Đó gọi là thân kiến.

Ngay khi thân này đoạn diệt, thì cái ngã sở duyên, và ngã sở cũng đoạn diệt, thân kiến ban đầu có 62 kiến chấp cũng đoạn diệt. ( 62 kiến gồm có: nghiệp sinh 18, tâm sinh 15, thời tiết sinh 13, ăn uống sinh 12, cộng lại là 58, cùng với 4 đại sở tạo thành 62. Xem:

Sắc ấm phương tiện trong 5 ấm phương tiện )

Hỏi: Sao gọi là nghi?

Đáp: Là nghi ngờ đối với khổ, tập, diệt, đạo, hoặc đối với Phật Pháp Tăng, hoặc khởi đầu, hoặc tận cùng, hoặc cả khởi đầu và tận cùng. Đối với tất cả pháp do nhân duyên sinh sinh nghi ngờ, đó gọi là nghi. Nghi thì phải đoạn diệt.

Hỏi: Sao gọi là giới đạo?

Đáp: Giới đạo tức là giới cấm thủ. Có 2 thứ: một là do khát ái, hai là do ngã si.

Ta nhờ giữ giới cấm nầy, tu hành khổ hạnh nầy, nhờ tập theo các Phạm hạnh nầy, ta sẽ sinh lên các cõi trời. Như vậy gọi là giới đạo vì khát ái.

Hoặc có kẻ ngoại đạo, hay người Bà-la-môn nghĩ rằng nhờ giữ giới cấm nầy, nhờ thanh tịnh, nhờ giới hạnh thanh tịnh, sinh khởi các kiến giải bất chính, đó gọi là giới đạo vì si ngã. Cả 2 loại giới đạo đó đều phải đoạn trừ.

Hỏi: Sao gọi là nhất xứ trụ phiền não?

Đáp: Người do tham dục, giận dữ, si mê ắt sẽ sinh vào các nẻo dữ. Đó gọi là nhất xứ trụ phiền não. Các thứ phiền não nầy cũng phải đoạn diệt.

Đến đây là người tu thiền chứng được quả Tu-đà-hoàn. Trong quá trình đi đến chứng đắc quả Tu-đà-hoàn gọi là Tu-đà-hoàn hướng. Để được nhập vào Tu-đà-hoàn đạo, trụ vào Tu-đà-hoàn hướng địa, hoặc gọi là Đệ bát địa, từ kiến địa hoặc định, nơi 2 cảnh giới này khởi chuyển thành khởi trí tuệ. Đó gọi là Tu-đà-hoàn đạo trí.

Tu-đà-hoàn đạo cứ theo thứ lớp không gián đoạn, diệt trừ 3 kết sử, khiến trở thành vô vi, đạo với pháp bình đẳng, dùng phương tiện như nhau thành khởi quả trí, quả tâm của Tu-đà-hoàn. Hoặc nơi tâm thứ 2 hoặc nơi tâm thứ 3, không gián đoạn dựa vào trí tuệ sở duyên, thứ tự vượt qua đến hậu phần tâm. Rồi từ hậu phần tâm nầy khởi quán về đạo, về quả, về Nê-hoàn. Quán xong đoạn phiền não, rồi quán đến các phiền não còn dư sót mà đoạn diệt. Đó gọi là Tu-đà-hoàn.

Tu-đà-hoàn đạo là pháp không thoái chuyển, là định hướng, là hướng đến Bồ-đề, là phân biệt trí muốn thành tựu quả vị lai.

Tu-đà-hoàn đạo là từ trong tâm của Thế Tôn, từ trong lòng sinh ra, từ nơi miệng sinh ra, sinh ra từ chính pháp.

Tu-đà-hoàn đạo là chính pháp tạo ra, đã được pháp phần, không phải là sắc pháp. Đó gọi là thấy đầy đủ thiện pháp.

Tu hành Tu-đà-hoàn đạo có thể thông đạt Thánh pháp, là đi thẳng đến đích cuối cùng an trụ nơi cửa Đề hồ.

Do thấy đầy đủ thiện pháp mà đến được diệu pháp này. Ngay sau khi đến được diệu pháp này thì thành tựu giác trí.

Giác đã thành tựu minh liễu, được nhập vào dòng pháp, do trí tuệ thông đạt Thánh đế, khai mở cửa Đề hồ mà an trụ trong đó. Do đó Thế Tôn có nói kệ Tu-đà-hoàn như sau:

Trên đời có 1 vua.

Thiên đường có 1 trời.

Thống lãnh cả thế gian,

Một quả Tu-đà-hoàn.

Người tu thiền ấy, từ trụ địa nầy tinh tiến để chứng quả vị Tưđà-hàm, trước tiên dùng hiện quán để quán thấy sự sinh diệt.

Người tu thiền ấy hiện tu hành, như đã thấy đạo, nương theo căn, lực, Bồ-đề giác, thành khởi trí phân biệt Thánh đế.

Như vậy, người tu thiền ấy tu hành Tư-đà-hàm hướng, đoạn diệt các dục thô, sân giận, cùng nhất xứ trụ phiền não sở duyên, dựa vào trí tuệ sở duyên không gián đoạn tu chứng quả Tư-đà-hàm.

Người tu thiền ấy, từ giai đoạn nầy tinh tiến hướng lên để tu chứng quả vị A-na-hàm, bắt đầu dùng hiện quán thấy sự sinh và sự diệt.

Người tu thiền ấy hiện tu hành, như đã thấy đạo, nương theo căn, lực, Bồ-đề giác, thành khởi trí phân biệt Thánh đế.

Như vậy, người tu thiền ấy tu hành A-na-hàm hướng, đoạn trừ các dục vi tế, sân giận và nhất xứ trụ phiền não sở duyên, dựa vào trí tuệ sở duyên không gián đoạn, tu chứng quả A-na-hàm.

Người tu thiền ấy, từ giai đoạn nầy tinh tiến hướng lên tu chứng quả vị A-la-hán, trước tiên dùng hiện quán thấy sự sinh và sự diệt.

Người tu thiền ấy hiện tu hành, như đã thấy đạo, nương theo căn, lực, Bồ-đề giác, thành khởi trí phân biệt Thánh đế.

Người tu thiền như vậy tu hành A-la-hán hướng, đoạn diệt sắc dục, vô sắc dục, kiêu mạn, trạo cử, vô minh, và các phiền não còn dư sót, dùng trí tuệ sở duyên không gián đoạn tu chứng quả A-la-hán.

Tì-kheo tu thiền dựa vào trí tuệ sở duyên quán đạo, quán quả, quán Nê-hoàn, quán đoạn diệt phiền não, thành tựu quả A-la-hán.

A-la-hán, có nghĩa là đoạn diệt các lậu hoặc, các phiền não đã tạo, như người đã đặt gánh nặng trên vai xuống, đã đến được nơi an lành tốt đẹp.

A-la-hán đoạn diệt các hữu kết, chứng đắc chính trí giải thoát.

A-la-hán lià xa 5 phần kết, hoặc 6 phần kết, thành tựu một tâm gìn giữ, không bị cái chết ràng buộc nữa.

A-la-hán dùng tâm bình đẳng diệt trừ tất cả đế pháp kể cả 4 Thánh đế, dùng tâm chính tín suy tìm chỗ không uế trược nhiễm trước, dùng chính tư duy khiến thân nhẹ nhàng an ổn.

A-la-hán hành thiện giải thoát, tâm thiện giải thoát, tuệ Phạm hạnh đã an lập, thành tựu Đại trượng phu, Đại trượng phu thù thắng nhất, đạt được chỗ sở đắc đệ nhất.

Ngoài ra như nói người dứt trừ sân giận, người đến bờ bên kia, người lià phiền não, người không bị kết sử làm chướng ngại, người được đôi cánh của bậc Thánh, người đã buông bỏ gánh nặng, người không ai tương xứng, Sa-môn, Bà-la-môn, A-la-hán, bậc đã vượt qua, bậc đã thoát, người hàng phục, người vắng lặng, người làm cho vắng lặng, đều là các danh xưng cho A-la-hán.

Đến đây nếu một người tu thiền chứng được Tu-đà-hoàn, đối với trí tuệ đã được phát sinh mà không tinh tiến tu lên nữa, thì chỉ thuộc vào 1 trong 3 hạng Tu-đà-hoàn sau đây: 1. Nhất sinh Tu-đàhoàn. 2. Thất sinh Tu-đà-hoàn. 3. Gia gia Tu-đà-hoàn.

Như vậy, người tu hành căn cơ chậm lụt sẽ thành thất sinh Tu-đà-hoàn. Người căn cơ trung bình sẽ thành gia gia Tu-đà-hoàn. Người căn cơ lanh lợi sẽ thành nhất sinh Tu-đà-hoàn.

Thất sinh Tu-đà-hoàn thì sau khi tái sinh trên cõi trời 6 lần, còn trở lại cõi nầy một lần nữa để chấm dứt khổ. Gia gia Tu-đà-hoàn thì hoặc 2 lần, hoặc 3 lần tái sinh cùng một gia đình, sau khi vãng sinh mới chấm dứt khổ. Nhất sinh Tu-đà-hoàn thì còn phải sinh làm người một lần sau cùng, để chấm dứt khổ.

Vậy, Tư-đà-hàm, nếu trong đời nầy không tinh tiến tu lên nữa thì phải trở lại cõi người ít nhất một lần nữa để chấm dứt khổ.

Nếu A-na-hàm, trong đời nầy, không tinh tiến tu lên nữa, đến khi mạng chung sẽ sinh lên cõi Tịnh Cư. Tùy theo căn cơ mỗi người nhạy bén khác nhau mà có 5 hạng A-na-hàm: 1. Trung gian Bát-Nêhoàn. 2. Sinh Bát-Nê-hoàn. 3. Bất hành Bát-Nê-hoàn. 4. Hành BátNê-hoàn. 5. Sinh lên cõi trời A-ca-ni-trá.

Trung gian Bát-Nê-hoàn, là A-na-hàm nào chưa đến cuối đời, trong đoạn giữa không gián đoạn dựa vào thọ mạng khởi Thánh đạo để đoạn trừ các kết sử còn sót lại.

Sinh Bát-Nê-hoàn, là A-na-hàm nào đến quá nửa thọ mạng khởi Thánh đạo để trừ các kết sử còn dư sót lại.

Bất hành Bát-Nê-hoàn, là A-na-hàm nào không trở lại tu các thứ hành pháp khác, dựa vào thọ mạng khởi Thánh đạo để đoạn trừ các kết sử còn dư sót lại.

Hành Bát-Nê-hoàn, là A-na-hàm nào dựa vào các thứ hành pháp tu hành khác nhau, dựa vào thọ mạng khởi Thánh đạo để đoạn trừ các kết sử còn dư sót lại.

Sinh lên cõi Trời A-ca-ni-tha, là A-na-hàm nào lần lượt từ cõi Bất Phiền Thiên mạng chung sinh vào cõi Bất Nhiệt Thiên. Từ Bất Nhiệt Thiên mạng chung sinh vào Thiện Hiện Thiên. Từ Thiện Hiện Thiên mạng chung sinh Thiện Kiến Thiên. Từ Thiện Kiến Thiên mạng chung sinh A-ca-ni- trá Thiên.

Ở A-ca-ni-trá Thiên dựa vào thọ mạng khởi Thánh đạo để đoạn trừ các kết sử còn tàn dư. Nơi cõi Bất Phiền Thiên, thọ mạng một vạn kiếp, cõi Bất Nhiệt Thiên, thọ mạng 2 vạn kiếp, cõi Thiện Kiến Thiên, thọ mạng 4 vạn kiếp, cõi Thiện Hiện Thiên, thọ mạng 8 vạn kiếp, cõi A-ca- ni-trá Thiên, thọ mạng 16 vạn kiếp.

Ở 4 cõi trời trước, mỗi cõi đều có 5 loại người Nê-hoàn. Ở trời A-ca-ni-trá có 4 hạng người thượng lưu. Do đó Ngũ Tịnh Cư Thiên cộng có 24 loại người A-na-hàm.

A-la-hán đã đoạn trừ xong tất cả phiền não không còn dư sót, nên không còn gây thêm nhân tái sinh nữa. Do đó, A-la-hán đã không còn có thọ mạng, hình tướng. Tất cả hành đã đoạn diệt. Hành đoạn, khổ đoạn, khổ không sinh khởi trở lại. Đó là biên giới cuối cùng của khổ.

Cho nên Phât-đà có kệ về A-la-hán như sau:

Như búa đập sắt nóng,

Tàn lửa rơi xuống nước,

Tức thời thành tịch diệt,

Đi đâu nào ai biết.

Chính giải thoát là thế,

Vượt thoát dục ràng buộc,

Đến cõi vui bất động,

Đi đâu nào ai biết.

Hỏi: Ở điểm này có luận sư nói giải thoát đạo phải dựa theo thứ lớp mà tu đạo, theo thứ lớp mà đoạn phiền não, theo thứ lớp mà phân biệt Thánh đế, thì giải thích như thế nào?

Đáp: Hoặc dùng 12 pháp, tức 4 quả, 4 hướng, 4 đạo, hoặc dùng 8 pháp, tức 4 hướng, 4 đạo, hoặc dùng 4 thứ trí, tức 4 đạo mà tác chứng vào quả sở duyên.

Hỏi: Như vậy, khi tác chứng vào quả, với kiến không tương ưng chăng?

Đáp: Nếu theo thứ lớp tu hành, theo thứ lớp đoạn phiền não thì do đó mà thứ lớp chứng quả. Như vậy sự hài lòng tương ứng với đạo quả.

Nếu vậy, sự hài lòng có được thành tựu một quả Tu-đà-hoàn chăng? Nếu chưa hài lòng, thì theo thứ lớp tu đạo, theo thứ lớp đoạn phiền não cũng được.

Lại nữa, lỗi thứ 2 là khi thấy biết khổ, đã thấy khổ, đoạn diệt tất cả phiền não. Sự đoạn diệt này ắt phải hài lòng. Do đó đã thấy khổ, thấy khổ đoạn, tâm phiền não đã diệt, chứng 4 thứ quả Tu-đà-hoàn. Sự chứng đắc đó cũng phải là sự hài lòng vì nhờ pháp phương tiện mà được thành tựu.

Nếu thật sự là hài lòng thì sự chứng 4 thứ quả Tu-đà-hoàn khó nói được 4 thứ đó đều là thất sinh Tu-đà-hoàn, hay 4 thứ đó đều là gia gia Tu-đà-hoàn, hay 4 thứ đó đều là nhất sinh Tu-đà-hoàn, hay 4 thứ đó đều là trụ quả Tu-đà-hoàn. Do đó mà nói là không tương ứng.

Nếu nói sự chứng đắc là không hài lòng, làm sao thấy khổ, thấy khổ đã đoạn, phiền não cũng đồng loạt diệt hết ? Cho nên nói là không tương ứng.

Lại nữa, lỗi thứ 3 là nếu vì thấy khổ, thấy khổ đã đoạn, tâm phiền não đã diệt, tất cả hài lòng, thì đó là vì hiện thấy khổ mà an trụ vào 4 loại Tu-đà-hoàn đạo, 4 thứ tín hành của Tu-đà-hoàn, hành pháp thành khởi, ắt phải hài lòng, sao ngoài trừ khổ không thấy được 3 Thánh đế kia?

Nếu vì thấy khổ, thấy khổ đã đoạn, tâm phiền não đã diệt, tất cả là hài lòng thì hà tất còn an trụ vào Tu-đà-hoàn đạo thành khởi tín hành, hành pháp của 4 loại Tu-đà-hoàn làm chi? Cho nên nói là không tương ứng.

Nếu nói chứng đắc là không hài lòng, sao thấy khổ, thấy khổ đã đoạn, tâm phiền não cũng đồng loạt diệt hết? Cho nên nói là không tương ứng.

Lại nữa, lỗi thứ tư là nếu hiện thấy đạo thành hướng, đã thấy hướng thành trụ quả, thì cũng phải hài lòng vì thấy chỉ có 1 thứ. Có điều là sự hài lòng này thành khởi hướng và trụ quả lại nhiều hơn 1 thứ. Cho nên nói là không tương ứng.

Nếu nói chứng đắc là không hài lòng, sao hiện thấy đạo thành chứng, do thấy đạo thành trụ nơi quả và thành lập như thế nào? Cho nên nói là không tương ứng.

Lại nữa, lỗi thứ 5 là nếu đã thấy đạo mà chứng quả, sao còn khổ, tập, diệt? Thành tựu tác chứng là do thấy khổ tập, thấy khổ diệt.

Cho nên nói là không tương ứng.

Lại nữa, lỗi thứ 6 là nếu do 12 pháp, hoặc 8 pháp, hoặc 4 đạo trí tác chứng Tu-đà-hoàn quả là hài lòng thì do đây là phương pháp hài lòng để chứng Tu-đà-hoàn quả chỉ có thể thành tựu đạo trí, không thể thành tựu Tu-đà-hoàn hướng và Tu-đà-hoàn quả. Đây trở thành lỗi vì đã ở nơi quả, hướng, đạo rồi thì cần gì tác chứng vào quả, hướng, đạo nữa làm chi? Cho nên nói là không tương ứng.

Lại nữa, lỗi thứ 7 là nếu nói có thể dùng 12 trí, hoặc dùng 8 trí, hoặc dùng 4 đạo trí để chứng đắc 1 loại Tu-đà-hoàn quả là hài lòng thì đó cũng không tương ứng, vì do dùng nhiều quả để làm một quả, như lấy nhiều trái xoài để làm thành một trái xoài là điều không thể được.

Hỏi: Nếu trong một sát-na, dùng một trí không trước không sau, phân biệt 4 Thánh đế thì thành ra 1 trí mà có 4 cái thấy. Nếu lấy cái thấy khổ làm thành cái thấy 4 đế, thì 4 đế sao không thành khổ đế? Nếu cả 2 ý nghĩa đều không tồn tại thì không tướng ứng với pháp của Thánh đế trí, vậy xin hỏi làm sao trong 1 sát-na không trước không sau một trí phân biệt được 4 Thánh đế?

Đáp: Không phải 1 trí có 4 cái thấy, cũng không phải 4 đế đều thành khổ đế. Người tu thiền chỉ từ ban sơ quán 4 đế, dùng các tướng một tướng lấy trí đó mà phân biệt 4 đế. Bấy giờ do thông đạt Thánh hành tướng về khổ đế mà thành tựu thông đạt 4 đế.

Bốn Thánh đế mỗi mỗi đều có tướng phân biệt. Dựa vào lý chân như mà nói thì chỉ có 1 tướng. Năm ấm có các tướng khác nhau đó là nơi 1 tướng do trước vì phân biệt mà thành có sắc ấm v.v… Là vô thường nhưng khi đã thấy 5 ấm thì vô thường trở thành thường, cái hiện thấy là vô thường không phải sắc ấm trở thành 5 ấm.

Với nhập, giới, cũng vậy, do đó có thể biết tất cả thiện pháp, do đó có thể biết 9 thứ quả chính hành.

Chín hành là: 1. Quán. 2. Giác. 3. Hỷ. 4. Thụ. 5. Địa. 6. Căn. 7.

Giải thoát. 8. Phiền não. 9. Chính thụ 2 định.

Quán có 2 thứ: 1. Thiền quán. 2.Táo quán.

Hỏi: Thế nào là thiền quán?

Đáp: Thiền quán là người tu thiền đã được định, dùng định lực hàng phục các triền cái, dùng danh so sánh và phân biệt với sắc, quán thấy các thứ thiền phần. Trước tiên dùng Xa-ma-tha, tức chỉ, rồi tu Tì-bà-xá-na, tức quán. Đó gọi là thiền quán.

Táo quán là dùng sức phân biệt hàng phục các triền cái, dùng sắc so sánh và phân biệt với danh, hiện khởi cái thấy, quán các hành, dùng Tì-bà-xá-na, tức quán, làm bước đầu tu Xa-ma-tha. Đó gọi là táo quán.

Giác thuộc táo quán, nghĩa là người tu thiền nơi Sơ thiền, quán tưởng vào đạo và quả, thì thành khởi có giác. Nơi Đệ Tam thiền, từ Tì-bà-xá-na, tức quán trí, cho đến tính trừ trí đều có giác, còn chỉ đạo và quả thì không có giác. Nơi có giác, đạo trí có thể thành tựu 8 thứ đạo. Nơi không có giác, dùng tư duy trừ bỏ 7 thứ trước chỉ cón lại A-la-hán quả.

Hỷ thuộc táo quán, nghĩa là người tu thiền do khổ hành đầy đủ Tì-bà-xá-na, tức quán, tương tự trí thành không khổ, khởi tính trừ trí, đạo và quả trí cùng khởi hỷ. Bấy giờ táo quán đã được hài lòng, hành đã đầy đủ. Nơi Đệ Nhị thiền, Tì-bà-xá-na, tức quán trí, cùng với đạo và quả, đồng khởi hỷ. Nơi Tam thiền và Tứ thiền, Tìbà-xá-na, tức quán, và đạo cùng quả không khởi hỷ. Nơi hỷ điạ, đạo và quả làm khởi 7 giác phần, tức trạch pháp, tinh tiến, hỷ, khinh an, niệm, định, tuệ. Còn nơi vô hỷ điạ, dùng 6 Bồ-đề giác trừ bỏ hỷ Bồ-đề giác.

Thụ, thuộc táo quán, có nghiã là, người tu thiền do khổ hành đầy đủ Tì-bà-xá-na ( quán ), tương tự trí thành không khổ, đã được khổ hành rồi với xả cùng khởi tính, trừ đạo và quả đồng khởi hỷ. Bấy giờ táo quán đã được lạc, hành đã đầy đủ. Nơi Đệ Tam thiền, Tì-bà-xá-na ( quán ), đạo và quả trí, cùng sinh khởi hỷ chi. Nơi Đệ Tứ thiền, Tì-bà-xá-na ( quán ), đạo và quả trí cùng sinh khởi xả chi.

Điạ, có 2 thứ: 1. Kiến điạ. 2. Tư duy điạ.

Tu-đà-hoàn đạo thuộc về kiến địa còn 3 đạo và 4 quả Sa-môn thuộc về tư duy điạ. Từ trước chưa thấy, nay đã thấy nên gọi đó là kiến điạ. Từ chỗ đã thấy tiến lên tu tập, đó là tư duy điạ.

Lại nữa, có 2 thứ điạ: 1. Học địa. 2. Vô học địa.

Bốn đạo và 3 quả Sa-môn thuộc học điạ. Quả A-la-hán thuộc vô học điạ.

Căn, là chỉ cho 3 căn xuất thế gian: 1. Vị tri căn. 2. Dĩ tri căn. 3. Tri dĩ căn.

Như vậy, trí của người Tu-đà-hoàn đạo khi mới bắt đầu chưa biết, nay biết thành trí vị tri. Trí của 3 đạo và trí của 3 quả là đã biết pháp, lại biết đến nhất thiết trí căn. Trí người được quả A-la-hán, đối với các pháp đã biết, không cần có lại các thứ trí ấy. Đó là tri dĩ căn.

Giải thoát, có 3 loại: 1. Vô tướng giải thoát. 2. Vô tác giải thoát. 3. Không giải thoát.

Với đạo, tương tự trí tu đạo giải thoát mà không khởi đạo tướng, đó là vô tướng giải thoát. Tu đạo giải thoát mà không có lòng mong cầu hay ước nguyện nào khác, đó là vô tác giải thoát. Tu đạo giải thoát mà không chấp, đó là không giải thoát.

Tuy nhiên 3 loại giải thoát này, dùng quán pháp mà thấy thì thành nhiều thứ đạo, nhưng khi được thì chỉ có thể thành được 1 đạo mà thôi. Đó là vô tướng giải thoát.

Hỏi: Vì sao dùng quán pháp thấy thành nhiều thứ đạo?

Đáp: Do quán pháp thấy vô thường mà thành tựu vô tướng giải thoát.

Do quán pháp thấy khổ mà thành tựu vô tác giải thoát.

Do quán pháp thấy vô ngã mà thành tựu không giải thoát.

Hỏi: Vì sao quán thấy vô thường mà thành tựu vô tướng giải thoát?

Đáp: Do vô thường mà hiện khởi tác ý, do diệt các hành mà hiện khởi tâm, thành ra khởi nhiều thứ giải thoát, được tín căn và 4 căn kia ( tinh tiến, niệm, định, tuệ ).

Do biết như thật các chủng loại của 5 căn sở duyên và tất cả các hành sở duyên thành khởi vô thường khiến thành khởi tướng, thành lo sợ. Từ tướng lo sợ đó khởi hành, sinh khởi trí lo sợ. Từ tướng lo sợ khởi vượt đến chỗ vô tướng. Do vô tướng giải thoát mà sắc thân được giải thoát.

Đó gọi là do quán pháp thấy vô thường mà thành tựu vô tướng giải thoát.

Hỏi: Sao gọi là do quán pháp thấy khổ mà thành tựu vô tác giải thoát?

Đáp: Do khổ mà hiện tác ý, do lo sợ các hành mà khiến khởi tâm. Tâm thành nhiều tịch tĩnh, được định căn và 4 căn khác ( tín, tinh tiến, niệm, tuệ ).

Do trí như thật như thật biết rõ các chủng loại của sở duyên sinh và tất cả các hành sở duyên, mà thấy được khổ. Do lo sợ sinh khởi khiến sinh trí thành khởi. Từ chỗ tâm sinh vượt đến chỗ tâm vô sinh. Do vô tác giải thoát mà sắc thân được giải thoát. Đó gọi là do quán pháp thấy khổ mà thành tựu vô tác giải thoát.

Hỏi: Sao goi là do quán pháp thấy vô ngã mà thành tựu không giải thoát?

Đáp: Do vô ngã hiện tác ý, lấy tính không khiến khởi các hành, tâm thành nhiều chán ghét, được tuệ căn và 4 căn khác ( tín, tinh tiến, niệm, định ).

Do trí như thật biết rõ tướng sở duyên và sinh, và tất cả các pháp sở duyên, thành khởi có thể thấy được vô ngã. Do trí vô úy khiến khởi tướng và sinh trí, dựa vào tướng trí và sinh trí đến sinh khởi. Từ tướng và sinh, tâm thành lìa bỏ. Nơi vô tướng, vô sinh trí siêu vượt đến diệt Nê-hoàn tâm. Do không giải thoát, sắc thân được giải thoát.

Đó gọi là do quán pháp thấy vô ngã mà thành tựu không giải thoát.

Trên đây là nói 3 thứ giải thoát. Đó gọi là do quán pháp mà thành tựu các thứ đạo.

Hỏi: Vì sao nói 3 giải thoát thành tựu 1 đạo?

Đáp: Vì đã được vô tướng giải thoát, mới có thể thành được 3 thứ giải thoát.

Vì sao phải do vô tướng mới có thể khiến tâm đạt được giải thoát?

Vì người tu thiền tuy đã tu các hạnh giải thoát nhưng chấp trước vào mình đã được các tướng giải thoát. Chỉ có vô tác giải thoát thì 3 giải thoát mới đồng loạt thành tựu.

Vì sao phải sau khi tâm thành vô tác mới có thể được giải thoát?

Phải từ tướng sở duyên và chấp trước đạt được không giải thoát thì 3 thứ giải thoát cũng đều đạt được.

Vì sao phải không chấp trước mới có thể khiến tâm được giải thoát?

Vì chấp trước với giải thoát, với tướng, với tác là 1 đạo đã được 3 giải thoát

Hỏi: Giải thoát và giải thoát môn khác nhau thế nào?

Đáp: Dùng đạo trí sở duyên thoát khỏi các phiền não gọi là giải thoát.

Vào cửa Đề hồ, là cửa sau cùng, đó gọi là giải thoát môn.

Lại nữa, giải thoát dựa vào đạo trí mà sở duyên sự còn chưa đến cảnh giới Nê-hoàn, đó gọi là giải thoát môn.

Hỏi: Thế nào là phiền não?

Đáp: Có tất cả 134 thứ phiền não chia làm 20 loại: Đó là 3 bất thiện căn, 3 mịch, 4 lậu, 4 kết, 4 lưu, 4 ách, 4 thủ, 4 ác thú hành, 5 xan, 5 cái, 6 tránh căn, 7 sử, 8 pháp thế gian, 9 mạn, 10 não xứ, 10 bất thiện nghiệp đạo, 10 sử, 10 tà kiến, 12 điên đảo, 12 bất thiện tâm sở khởi.

1. Ba bất thiện căn là tham, sân, si. Sân căn thì phải khi chứng đắc đạo thứ 2, tức Tư-đà-hàm đạo mới mỏng bớt, khi chứng đắc A-na-hàm quả thì hoàn toàn diệt hết.

Tham căn và si căn phải khi chứng đắc đạo thứ 3, tức A-na-hàm mới mỏng bớt, và khi chứng đắc A-la-hán thì hoàn toàn diệt hết.

2. Ba mịch, tức 3 mong cầu: 1. Mong cầu dục. 2. Mong cầu hữu. 3. Mong cầu Phạm hạnh.

Mong cầu Phạm hạnh thì đến Tu-đà-hoàn đạo là dứt hết.

Mong cầu dục thì đến A-na-hàm đạo là dứt hết.

Mong cầu hữu thì đến A-la-hán đạo là dứt hết.

3. Bốn lậu gồm có 1. Dục lậu. 2. Hữu lậu. 3. Kiến lậu. 4. Vô minh lậu.

Trong 4 lậu đó, kiến lậu thì Tu-đà-hoàn đạo dứt. Dục lậu thì A-na-hàm đạo dứt. Hữu lậu và vô minh lậu thì A-la-hán đạo dứt.

4. Bốn kết là: 1. Tham dục kết vào thân. 2. Sân nhuế kết vào thân. 3. Giới cấm thủ kết vào thân. 4. Chấp chân lý kết vào thân.

Giới cấm thủ thân kết và chấp chân lý thân kết thì Tu-đà-hoàn đạo dứt.

Sân nhuế thân kết thì A-na-hàm đạo dứt.

Tham dục thân kết thì đến A-la-hán đạo dứt.

5. Bốn lưu gồm có: 1. Dục lưu. 2. Hữu lưu. 3. Kiến lưu. 4. Vô minh lưu. ( Xem 4 lậu )

6. Bốn ách: 1. Dục ách. 2. Hữu ách. 3. Kiến ách. 4. Vô minh ách. ( Xem 4 lậu )

7. Bốn thủ gồm: 1. Dục thủ. 2. Kiến thủ. 3. Giới thủ. 4. Ngã ngữ thủ.

Kiến thủ, giới thủ và ngã ngữ thủ, đến Tu-đà-hoàn dứt.

Dục thủ thì đến A-la-hán đạo mới dứt.

8. Bốn ác thú hành, tức 4 hành nghiệp dẫn đến các nẻo ác . Đó là: 1. Dục ác thú hành. 2. Sân ác thú hành. 3. Bố úy ác thú hành. 4. Si ác thú hành.

Bốn ác thú hành đó đến Tu-đà-hoàn đạo thì dứt.

9. Năm xan, là 5 thứ keo kiệt: 1.Keo kiệt về nơi cư trú. 2. Keo kiệt về nhà cửa. 3. Keo kiệt về lợi dưỡng. 4. Keo kiệt về sắc. 5. Keo kiệt về pháp.

Năm thứ keo kiệt nầy đến A-na-hàm đạo thì dứt.

10. Năm cái là 5 thứ che khuất: 1. Tham dục. 2. Giận hờn. 3. Lười biếng, ham ngủ. 4. Xao động, kiêu căng. 5. Nghi ngờ.

Nghi ngờ đến Tu-đà-hoàn đạo thì dứt.

Tham dục, giận hờn và kiêu căng đến A-na-hàm đạo thì dứt.

Lười biếng và xao động kiêu căng đến A-la-hán đạo thì dứt.

Ham ngủ, theo sắc ( Theo sắc khởi thì ham ngủ, theo tâm khởi là lười biếng ).

11. Sáu tránh căn, tức 6 căn tranh cãi, đó là: 1. Phẫn uất. 2. Che giấu. 3. Tật đố. 4. Dua nịnh. 5. Ác. 6. Thích làm điều xấu và tiếp xúc.

Dua nịnh, ác, thích làm điều xấu và tiếp xúc, đến Tu-đà-hoàn đạo thì dứt.

Phẫn uất, che giấu và tật đố, đến A-na-hàm đạo thì dứt.

12. Bảy sử, là 7 thứ sai khiến gồm có: 1. Dục nhiễm sử. 2. Sân nhuế sử. 3. Mạn sử. 4. Kiến sử. 5. Nghi sử. 6. Hữu dục sử. 7. Vô minh sử.

Kiến sử, nghi sử đến Tu-đà-hoàn đạo thì dứt.

Dục nhiễm sử, sân nhuế sử, đến A-na-hàm đạo thì dứt.

Mạn sử, hữu sử, vô minh sử, đến A-la-hán đạo thì dứt.

13. Tám pháp thế gian là: 1. Lợi. 2. Suy. 3. Nói xấu. 4. Tâng bốc. 5. Khen. 6. Chê. 7. Khổ. 8. Vui.

Bốn thứ không ưa, khiến giận hờn, suy, nói xấu, chê, khổ, đến A-na-hàm đạo dứt.

Bốn thứ còn lại gây ưa thích, phải đến A-la-hán đạo mới dứt trừ.

14. Chín sự kiêu căng, là khi nói hay nghĩ rằng: 1. Người hơn, cho rằng mình hơn. 2. Người hơn, cho rằng mình bằng. 3. Cho rằng mình chỉ thua bậc cao. 4. Người bằng mình cho rằng mình hơn. 5. Cho rằng minh chỉ bằng kẻ bằng mình. 6. Mình chỉ thua kẻ bằng mình. 7. Mình hơn kẻ dưới mình. 8. Mình bằng các người thấp. 9. Mình thua các người thấp.

Chín sự kiêu mạn đó đến A-la-hán đạo thì dứt.

15. Mười não xứ, là: 1. Tham. 2. Sân. 3. Si. 4. Mạn. 5. Kiến. 6. Nghi. 7. Lười biếng. 8. Xao động. 9. Không biết tự thẹn. 10. Không biết xấu hổ với người.

Tà kiến và nghi đến Tu-đà-hoàn đạo thì dứt.

Sân, đến A-na-hàm đạo thì dứt.

Tham, si, mạn, lười biếng, xao động, không tự thẹn, không xấu hổ đến A-la-hán đạo thì dứt.

Lại nữa, còn có 10 não xứ, khi nghĩ rằng: Người ấy đã, đang, và sẽ làm phiền ta. Hoặc người ấy đã, đang và sẽ gây phiền não cho người thân của ta. Hoặc người ấy đã, đang và sẽ trợ giúp người mà ta không ưa.

Các não xứ nầy đến A-na-hàm đạo thì dứt.

16. Mười bất thiện nghiệp đạo là: 1. Sát sinh. 2. Không cho mà lấy. 3. Tà hạnh. 4. Nói dối. 5.Nói ác độc. 6. .Nói đâm thọc. 7. Nói thêu dệt. 8. Tham. 9. Sân. 10. Tà kiến.

Sát sinh, không cho mà lấy, tà hạnh, nói dối và tà kiến đến Tuđà-hoàn đạo thì dứt.

Nói ác độc, nói đâm thọc và giận đến A-na-hàm đạo thì dứt.

Nói thêu dệt và tham, đến A-la-hán đạo thì dứt.

17. Mười sử, tức 10 thứ sai khiến, gồm: 1. Dục nhiễm sử. 2. Sân nhuế sử. 3. Mạn sử. 4. Kiến sử. 5. Nghi sử. 6. Giới thủ sử. 7. Hữu nhiễm sử. 8. Tật sử. 9. Xan sử. 10. Vô minh sử.

Kiến, nghi, giới thủ sử, đến Tu-đà-hoàn đạo thì dứt.

Dục nhiễm, giận, ganh ghét, bỏn sẻn đến A-na-hàm đạo thì dứt. Mạn, hữu nhiễm, vô minh đến A-la-hán đạo thì dứt.

18. Mười tà biên kiến, gồm có: 1. Tà kiến. 2. Tà tư duy. 3. Tà ngữ. 4. Tà nghiệp. 5. Tà mạng. 6. Tà tinh tiến. 7. Tà niệm. 8. Tà định. 9. Tà trí. 10. Tà giải thoát.

Tà kiến, tà ngữ ( ở đây là nói dối ), tà nghiệp, tà mạng, tà trí, tà giải thoát, đến Tu-đà-hoàn đạo thì dứt.

Tà tư duy, tà ngữ ( ở đây là nói thô ác và nói đâm thọc ), đến A-na-hàm đạo thì dứt.

Tà ngữ ( ở đây là nói thêu dệt ), tà tinh tiến, tà niệm, tà định, đến A-la-hán thì dứt.

19. Mười hai điên đảo gồm có: 1. Vô thường, điên đảo tưởng thường. 2. Vô thường, tâm điên đảo thấy điên đảo. 3. Vô thường, điên đảo thấy thường. 4. Khổ, điên đảo tưởng vui. 5. Khổ, điên đảo tâm vui. 6. Khổ, điên đảo thấy vui. 7. Bất tịnh, điên đảo tưởng tịnh. 8. Bất tịnh, điên đảo tâm tịnh. 9. Bất tịnh, điên đảo thấy tịnh. 10. Vô ngã, điên đảo tưởng ngã. 11. Vô ngã, điên đảo tâm ngã. 12. Vô ngã, điên đảo thấy ngã.

Như vậy, vô thường vì 3 điên đảo thấy thường. Vô ngã vì 3 điên đảo thấy ngã. Bất tịnh vì 3 điên đảo thấy tịnh.

Khổ, điên đảo thấy vui, đến Tu-đà-hoàn đạo dứt.

Bất tịnh, tưởng điên đảo và tâm điên đảo cho là tịnh, đến A-nahàm đạo thì dứt.

Khổ, tưởng điên đảo và tâm điên đảo cho là vui, đến A-la-hán đạo tthì dứt.

  1. Mười hai tâm bất thiện khởi là:
  2. Cùng khởi với hỷ, thấy tương ứng, khởi tâm vô hành.
  3. Cùng khởi với hỷ, thấy tương ứng, khởi tâm hữu hành.
  4. Cùng khởi với hỷ, thấy không tương ứng, khởi tâm vô hành.
  5. Cùng khởi với hỷ, thấy không tương ứng, khởi tâm hữu hành.
  6. Cùng khởi với xả, thấy tương ứng, khởi tâm vô hành.
  7. Cùng khởi với xả, thấy tương ứng, khởi tâm hữu hành.
  8. Cùng khởi với xả, thấy không tương ứng, khởi tâm vô hành.
  9. Cùng khởi với xả, thấy không tương ưng, khởi tâm hữu hành.
  10. Cùng khởi với lo âu, tương ứng với giận hờn, khởi tâm vô hành.
  11. Cùng khởi với lo âu, tương ứng với giận hờn, khởi tâm hữu hành.
  12. Cùng khởi với xả tâm khởi tương ứng với trạo cử.
  13. Cùng khởi với xả tâm khởi tương ứng với nghi.

Bốn thứ cùng khởi với tâm thấy tương ứng, và cùng khởi với nghi, đến Tu-đà-hoàn đạo, thì dứt .

Hai tâm lo âu cùng khởi, đến Tu-đà-hoàn đạo và Tư-đà-hàm đạo thì mỏng bớt, và đến A-na-hàm đạo thì diệt không còn dư sót.

Bốn thứ tâm khởi thấy không tương ứng, và tâm trạo cử cùng khởi, thì đến A-na-hàm đạo mỏng, và đến A-la-hán đạo thì diệt hết không còn sót.

Chính thụ có 2 là: 1. Quả chính thụ. 2. Tưởng thụ diệt chính thụ.

Hỏi: Thế nào là quả chính thụ? Vì sao gọi là quả chính thụ? Ai tu, ai khiến khởi? Vì sao phải tu? Tu như thế nào? Tác ý như thế nào? Bao nhiêu nhân duyên thành tựu quả chính thụ? Bao nhiêu nhân duyên khiến an trụ? Bao nhiêu duyên là khởi? Quả chính thụ là pháp thế gian hay pháp xuất thế gian?

Đáp: Quả chính thụ là chỉ cho quả Sa-môn. Tâm an trụ vào Nêhoàn, gọi là quả chính thụ.

Vì sao gọi là quả chính thụ?

Vì quả chính thụ là quả báo thành tựu do phi thiện, phi bất thiện, phi thế gian, phi xuất thế gian đạo.

Ai tu quả chính thụ?

A-la-hán và A-na-hàm tu hành trong định quả chính thụ mà thành tựu viên mãn.

Ai khởi quả chính thụ?

Có thuyết cho rằng, tất cả Thánh nhân đều có thể khiến khởi quả chính thụ. Như A-tì-đàm có nói: Để được vào Tu-đà-hoàn đạo, phải trừ sinh, trừ danh, được tính trừ trí. Đó là chứng minh được tốt nhất.

Lại còn có thuyết cho rằng, tất cả Thánh nhân đã được thành tựu, đều tu hành trong định quả chính thụ này mà được viên mãn. Chỉ có định quả chính thụ này mới có thể khiến khởi Thánh trí.

Như Trưởng lão Na-la-đà có nói: Chư Tì-kheo: Ví như có một Trưởng lão sống giữa rừng núi. Trong núi có một giếng nước sâu mà Trưởng lão ấy không dùng dây gàu kéo nước. Một hôm có một người đang giữa nắng, khát nước không chịu được, nhìn thấy giếng nước, biết đã có nước rồi, cảm giác khát nước liền tiêu mất. Người ấy tuy không chạm đến nước thế mà miệng hết khát tâm an. Cũng như vậy, Trưởng lão tuy không là A-la-hán lậu tận, mà lại có thể được chính tri và kiến giải như thật, vì diệt tất cả hữu tức là Nê-hoàn.

Hỏi: Vì sao phải tu khiến khởi?

Đáp: Vì hiện thấy pháp lạc nên khiến khởi pháp lạc an trụ tâm. Như Thế Tôn dạy Tôn giả A-nan: Bấy giờ Tôn giả A-nan và Như Lai đều không tác ý tất cả các tướng, mà chỉ tác ý vào một thụ diệt, khiến khởi tâm vô tướng được an trụ. Khi ấy Tôn giả A-nan và Như Lai được thân an ổn.

Hỏi: Làm cách nào tu hành để khiến khởi chính thụ?

Đáp: Người tu thiền đến nơi yên vắng, hoặc ngồi, hoặc nằm, muốn được được quả chính thụ, quán tưởng về sinh diệt dùng lạc đạt được quả chính thụ.

Người tu thiền ban đầu quán tất cả các hành, thẳng đến sinh khởi tính trừ trí. Do không gián đoạn với Nê-hoàn khiến quả chính thụ được an trụ.

Người tu thiền dựa vào thiền sở duyên thành tựu tu đạo. Thành tựu kết quả của thiền sở tác này nên gọi là quả chính thụ.

Hỏi: Tác ý như thế nào?

Đáp: Dùng tịch tịch mà tác ý về Đề hồ giới vô vi.

Hỏi: Có bao nhiêu nhân duyên thành tựu quả chính thụ?

Đáp: Có 2 nhân duyên thành tựu quả chính thụ: 1. Không tác ý tất cả các tướng. 2. Tác ý nơi vô tướng giới.

Có bao nhiêu nhân duyên khiến an trụ?

Có 2 nhân duyên để an trụ quả chính thụ: 1. Không tác ý tất cả các tướng. 2. Tác ý nơi vô tướng giới.

Có bao nhiêu nhân duyên là khởi?

Có 2 nhân duyên để thành khởi quả chính thụ: 1. Tác ý tất cả các tướng. 2. Không tác ý nơi vô tướng giới.

Hỏi: Quả chính thụ là pháp thế gian hay xuất thế gian?

Đáp: Quả chính thụ là chính thụ xuất thế gian, không phải chính thụ thế gian.

Hỏi: Bậc A-na-hàm hiện khởi quán tưởng quả định A-na-hàm, do tính trừ trí không gián đoạn, vì sao không thể thành khởi A-la-hán đạo?

Đáp: A-na-hàm quả định không phải là lạc xứ ( Xa-ma-tha, Tìbà-xá-na ), không có sức sinh khởi quán kiến.

Ở A-na-hàm quả thành khởi 2 thứ thắng quả: Hữu đạo và tính trừ quả.

Hiện tác chứng nơi hữu đạo và tính trừ quả, quả hiện không gián đoạn thành khởi vô đạo và tính trừ quả, thành tựu nhập quả định.

Hiện tác chứng nơi vô đạo và tính trừ quả, từ diệt định khởi thành tựu vô đạo vô tính trừ quả.

( Xong phần nói về quả chính thụ )

Hỏi: Thế nào là tưởng thụ diệt chính thụ? Ai khiến khởi? Có bao nhiêu lực khiến khởi? Trừ bao nhiêu hành sau mới khởi? Có bao nhiêu việc khiến bắt đầu khởi? Vì sao phải khởi? Khiến khởi như thế nào? Những gì là sở duyên khiến khởi? Thế nào là dùng tâm khiến khởi? Tâm đã khởi bám víu vào đâu? Xúc và sở xúc cộng có bao nhiêu thứ? Những gì là các hành sơ khởi? Người chết và người nhập diệt tưởng định có khác nhau chăng? Định này là pháp hữu vi hay vô vi?

Đáp: Không sinh khởi tâm pháp và tâm số pháp, đó gọi là diệt thụ tưởng định.

Hỏi: Ai khởi được định?

Đáp: A-la-hán và A-na-hàm khởi đầy đủ diệt thụ tưởng định này.

Hỏi: Ai không có khả năng khởi định ấy?

Đáp: Phàm phu, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và những người sinh cõi Vô sắc không thể khởi, vì không cùng chung một cảnh giới, đều không phải cảnh giới của tưởng thụ diệt. Phàm phu không thể khởi vì chưa đoạn phiền não, làm chướng ngại sự sinh khởi tưởng thụ diệt định.

Tu-đà-hoàn và Tư-đà-hàm, cũng vậy không thể khởi vì bậc của chư vị ấy không phải cảnh giới mà tưởng thụ diệt có thể đạt được. Những người sinh cõi Vô sắc cũng không thể khởi định ấy.

Hỏi: Có đủ bao nhiêu năng lực mới khởi được định ấy?

Đáp: Cần có đủ 2 năng lực: 1. Sức của Xa-ma-tha. 2. Sức của Tì-bà-xá-na. Ở đây do sức của Xa-ma-tha là do 8 định được tự tại. Do sức của Tì-bà-xá-na là do tự tại 7 pháp tùy quán.

Bảy pháp tùy quán đó là những gì?

Là quán vô thường, quán khổ, quán vô ngã, quán nhàm chán, quán vô nhiễm, quán diệt, và quán xuất ly.

Sức của Xa-ma-tha làm diệt các thiền phần và làm cho được giải thoát bất động.

Sức của Tì-bà-xá-na làm cho thấy các lỗi lầm của sự sinh và được giải thoát vô sinh.

Hỏi: Phải trừ những hành động gì để khởi định?

Đáp: Trừ 3 hành động sau đây: 1. Hành động của miệng. 2. Hành động của thân. 3. Hành động của của tâm.

Vào giác, quán của Đệ Nhị thiền để trừ hành động của miệng.

Vào hơi thở ra vào của Đệ Tứ thiền để trừ hành động của thân.

Vào tưởng thụ của người nhập định diệt tưởng thụ, để trừ hành động của tâm.

Hỏi: Trước cần phải làm những gì?

Đáp: Trước cần phải làm 4 điều: 1. Gom lại một chỗ. 2. Không lộn xộn. 3. Xa xưa phân biệt. 4. Quán sự phi sự.

Gom lại một chỗ, là y bát để chung một chỗ để gìn giữ thụ trì.

Không lộn xộn, là những phương tiện sử dụng nguyện thân này gìn giữ không lộn xộn.

Xa xưa phân biệt, là tự lượng sức của thân mình mà tác nghiệp mỗi ngày, phân biệt thụ trì. Do đó những lỗi lầm đã làm xa xưa mong quả báo sẽ khởi hiện tiền.

Quán sự phi sự, là phân biệt thời điểm chưa đến, hoặc để hòa hợp tăng chúng, tăng gọi thì đứng lên.

Như vậy, nói gom một chỗ là để giữ gìn ca-sa, nói không lộn xộn và xa xưa phân biệt là giữ gìn thân mình, nói quán sự phi sự là để không phương hại sự hòa hợp của chúng tăng ở A-lan-nhã. Hoặc làm những việc bắt đầu trước để chuẩn bị nhập Sơ thiền.

Hỏi: Vì sao phải khiến khởi định ấy?

Đáp: Vì muốn hiện khởi pháp lạc và an trụ trong pháp lạc. Đó là định bất động sau cùng của các Thánh nhân.

Lại vì muốn được thần thông, nhập vào định rộng lớn, như trường hợp của Trưởng lão Chính Mạng A-la-hán.

Lại cũng vì để giữ mình như trường hợp của các Trưởng lão Xá-lợi-phất, Bạch lộ tử Để-sa.

Hỏi: Làm cách nào khởi định ấy?

Đáp: Người tu thiền đến nơi yên vắng, hoặc ngồi, hoặc nằm, vì muốn diệt, ý muốn diệt, được nhập định Sơ thiền. Từ trong định Sơ thiền được an tường xuất định, không gián đoạn thấy vô thường, khổ, vô ngã, tu hành thẳng đến khi sinh khởi xả trí.

Cũng như vậy từ nơi Đệ Nhị thiền, Đệ Tam thiền, Đệ Tứ thiền, Hư không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, nhập rồi xuất an tường tự tại, không gián đoạn thấy vô thường, khổ, vô ngã, tu hành thẳng đến sinh khởi xả trí.

Bấy giờ, không gián đoạn, nhập vào Phi phi tưởng xứ, từ đó liên tiếp 2, 3 lần, trong phi tưởng phi phi tưởng định khiến khởi phi phi tưởng tâm, ngay khi phi tưởng phi phi tưởng tâm khởi xong, liền khiến tâm ấy diệt, khi phi tưởng phi phi tưởng tâm diệt rồi, không sinh khởi trở lại, không hiển hiện nhập trở lại phi tưởng phi phi tưởng định. Đó gọi là diệt tưởng thụ định.

Hỏi: Làm thế nào từ định đó xuất?

Đáp: Người tu thiền không nên tác ý như vầy: Ta sẽ xuất định, trở lại như lúc ban đầu. Sở tác đã thành phân biệt.

Hỏi: Dùng tâm xuất định như thế nào?

Đáp: Người A-na-hàm dùng tâm nơi quả A-na-hàm mà xuất. Người A-la-hán dùng tâm nơi quả A-la-hán mà xuất. Hỏi: Khi xuất định xong, tâm bám trụ nơi nào?

Đáp: Chuyên tâm duyên vào tịch tĩnh.

Hỏi: Có bao nhiêu xúc và sở xúc?

Đáp: Có 3 thứ tiếp xúc và được tiếp xúc. Đó là không, vô tướng và vô tác.

Hỏi: Khi mới xuất ra, các hành động ban đầu như thế nào?

Đáp: Từ các hành động của thân và các hành động của miệng.

Hỏi: Người chết và người nhập diệt thụ tưởng định khác nhau ra sao?

Đáp: Người chết thì 3 hành động chấm dứt, không thể hiện mạng sống, hơi nóng hết, các căn không tiếp nhập. Người nhập định diệt thụ tưởng thì 3 hành động chấm dứt, nhưng không dứt thọ mạng, hơi nóng còn, các căn không đổi khác. Đó là chỗ khác nhau của 2 người.

Hỏi: Định diệt thụ tưởng là pháp hữu vi hay vô vi?

Đáp: Không thể nói định ấy là pháp hữu vi hay vô vi.

Hỏ i: Vì sao vậy?

Đáp: Nói đó là pháp hữu vi, nhưng trong định nầy thì không có sự hiện hữu tồn tại. Nói đó là pháp vô vi thì xuất nhập không thể biết được. Cho nên, không thể nói định nầy là hữu vi hay vô vi.

( Xong phần diệt thiền định )

( Giải Thoát Đạo Luận, Phẩm 12: Phân biệt đế chấm dứt )

QUYỂN 12 HẾT

Giải thoát đạo luận toàn văn cộng 12 phẩm: – Nhân duyên – Giới – Đầu-đà – Định – Cầu thiện hữu – Phân biệt hành – Hành xứ – Hành môn – Năm thần thông – Phân biệt tuệ – Năm phương tiện

– Phân biệt đế

Bài kệ tán thán:

Ngợi khen cho mấy cũng không xiết,

Vô số lời hay nói không hết,

Ở trong pháp này ai có hay,

Chỉ người tu thiền thì mới biết.

Thắng diệu đạo mầu khéo thật hành,

Giáo pháp không mê vô minh diệt.

TRỌN BỘ 12 QUYỂN HẾT