LUẬN GIẢI THOÁT ĐẠO 
(Con đường giải thoát)
A-la-hán Ưu-ba-để-sa tạo luận
Tam tạng Tăng-già-bà-la dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 6

Phẩm 8: HÀNH MÔN 3

Hỏi: Thế nào là Hư không nhất thiết nhập ? Hư không nhất thiết nhập thì tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao giữ tướng ấy ?

Đáp: Hư không nhất thiết nhập có 2 loại:

  1. Có hư không lìa sắc.
  2. Có hư không không lìa sắc.

Hư không lìa sắc, là chỉ tướng nhập xứ của hư không.

Hư không không lìa sắc là tướng hư không nơi trống không như giếng, hang.

Duyên tưởng hư không, tâm trụ không loạn, là tu.

Chuyên tâm nơi tưỏng hư không là tướng.

Tưởng hư không không lìa là vị.

Không có tác ý nào khác, là hành xứ.

Về công đức của Hư không nhất thiết nhập có 2 công đức không đồng với các Nhất thiết nhập khác:

  1. Vượt xuyên vào hư không, không bị chướng ngại vật ngăn ngại như vách tường, núi non.
  2. Thân đi qua lại tự tại không ngại, không lo sợ.

Làm cách nào thủ tướng đó ?

Thủ tướng không nơi hư không hiện khởi, hoặc nơi tự nhiên, hoặc nơi có chuẩn bị. Người quen ngồi thiền có thể thủ tướng không khắp mọi nơi, hoặc thấy lỗ hổng nơi song cửa, hoặc giữa các cành cây, từ đó mà thường nhìn thấy, dầu thích hay không thích cũng thấy được tướng duyên của Hư không khởi. Không giống như người mới tập thiền chỉ thấy được tướng đó ở những nơi có tạo tác, chuẩn bị sẵn, còn ở nơi tự nhiên thì không thấy được. Người tập ngồi thiền này hoặc ở trong nhà, hoặc ở ngoài trời, nơi không có chướng ngại, khoét một lỗ trống tròn để khởi tưởng về hư không.

Dùng 3 hành pháp để thủ tướng ấy:

  1. Dùng bình đẳng quán.
  2. Dùng phương tiện quán.
  3. Lìa nơi loạn động.

Tu Hư không nhập nhất thiết nhập được sinh Tứ thiền, Ngũ thiền. Ngoài ra như trước đã nói.

( Xong phần Hư không nhất thiết nhập ) Hỏi: Thế nào là Thức nhất thiết nhập ?

Đáp: Là Thức hư không. Đây gọi là Thức nhất thiết nhập. Ngoài ra như trước đã được nói rộng.

( Xong phần nói về 10 Nhất thiết nhập )

Hỏi: Có những câu nào cần bổ sung về Nhất thiết nhập ?

Đáp: Nếu một tướng được tự tại, các tướng khác của các Nhất thiết nhập còn lại cũng được tác ý tự tại. Nếu từ một nơi Nhất thiết nhập vào được Sơ thiền và được tự tại, thì các Nhất thiết nhập còn lại có thể khởi Đệ Nhị thiền. Cũng như vậy, Đệ Nhị thiền được tự tại, thì có thể khởi Đệ Tam thiền. Đệ Tam thiền được tự tại có thể khởi Đệ Tứ thiền.

Hỏi: Trong các Nhất thiết nhập, cái nào là tối thắng ?

Đáp: Bốn Nhất thiết nhập về màu sắc : xanh vàng đỏ trắng là tối thắng, vì thành tựu giải thoát đạo, có thể diệt trừ tất cả nhập. Lại nữa Trắng nhất thiết nhập là tối thắng vì chiếu sáng khiến tâm được tự tại.

Ngay khi tâm được tự tại thì có thể dùng 16 hành pháp vào trong 8 Nhất thiết nhập là địa, thủy, hỏa, phong, xanh, vàng, đỏ, trắng an ổn rõ ràng sinh khởi 8 thứ định là 4 thứ Sắc giới định và 4 thứ Vô sắc giới định. Mười sáu hành pháp đó là:

  1. Khởi tùy nơi thích.
  2. Tùy định ưa thích.
  3. Tùy lúc nào thích.
  4. Không trở ngại.
  5. Thứ tự lên.
  6. Thứ tự xuống.
  7. Lên xuống theo thứ tự.
  8. Khiến mỗi mỗi tăng trưởng.
  9. Khiến đều tăng trưởng.
  10. Bỏ đoạn giữa.
  11. Bỏ một phần.
  12. Bỏ sự.
  13. Bỏ một phần sự.
  14. Đủ các phần.
  15. Đủ sự.
  16. Đủ phần đủ sự.

1. Tùy nơi thích là hoặc tại thôn xóm, hoặc nơi A-lan-nhã. Đó là nơi thích thì liền nhập Tam-muội.

2. Tùy ý thích nhập định và tùy theo thiền định thích nhập liền được nhập Tam-muội.

3. Tùy lúc thích là tùy theo ý muốn mà được nhập Tam-muội.

4. Không chướng ngại là tùy nơi, tùy định, tùy lúc đều không chướng ngại được nhập Tam-muội hoặc nhập chính thụ.

5. Thứ tự lên là từ nhập định vào Sơ thiền, theo thứ lớp vượt lên đến Phi phi tưởng xứ định.

6. Thứ tự xuống là từ nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ lần lượt xuống đến định Sơ thiền.

7. Lên xuống theo thứ tự là tự do vượt qua hoặc trở lại trong khoảng 4 Sắc giới định và 4 Vô sắc giới định. Như từ Sơ thiền vào Đệ Tam thiền, từ Đệ Tam thiền vào Đệ Nhị thiền, từ Đệ Nhị thiền vào Đệ Tứ thiền, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

8. Khiến mỗi mỗi tăng trưởng là theo thứ tự nhập vào Đệ Tứ thiền, hoặc đi lên, hoặc đi xuống.

9. Khiến đều tăng trưởng là từ Đệ Tứ thiền đồng thời được nhập 2 thứ định là Hư không và Đệ Tam thiền.

10. Bỏ đoạn giữa là sau khi đã nhập Sơ thiền, liền trực tiếp vượt nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Hoặc từ Đệ Nhị thiền vượt nhập Vô sở hữu xứ định. Và có thể hiện nhập chính thụ và có thể nhận rõ Hư không xứ.

11. Bỏ một phần là do từ 1 thứ thiền nhập vào 8 Nhất thiết nhập, được nhập định xứ.

12. Bỏ sự là do từ 2 thứ Nhất thiết nhập được nhập vào 8 định.

13. Bỏ một phần sự là nơi 8 thứ Nhất thiết nhập chỉ có thể đạt được 2 thứ định.

14. Đủ các phần là nơi 2 thứ Nhất thiết nhập, được nhập Đệ Nhị thiền.

15. Đủ sự là nơi 4 thứ Nhất thiết nhập, được nhập Đệ Nhị thiền.

16. Đủ phần đủ sự là nơi 6 thứ Nhất thiết nhập của câu 14 và 15 trên đây, được nhập Đệ Nhị thiền.

( Xong phần bổ sung cho 10 Nhất thiết nhập )

Hỏi: Thế nào là tướng tăng trưởng? Tướng tăng trưởng có tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng đó ?

Đáp: Tướng tăng trưởng là nói trương sình khắp cả như xác chết trương sình trong đãy da bốc mùi hôi thối. Nơi tướng trương sình đó, dùng chính trí mà biết, đó gọi là tưởng trương sình.

Tu theo tưởng đó, tâm trụ không loạn, gọi là tu tưởng trương sình.

Thụ trì tưởng trương sình ấy để theo đó quán sát là tướng.

Lấy trạng thái trương sình đó làm vị.

Khởi ý tưởng không chịu nổi sự ô uế, bất tịnh, đó là hành xứ.

Tu tưởng trương sình được công đức gì ?

Tu tưởng trương sình được 9 công đức:

  1. Được nghĩ về nội thân.
  2. Được tưởng vô thường.
  3. Được tưởng về sự chết.
  4. Được chán lỗi lầm.
  5. Được khắc phục dâm dục.
  6. Được cắt đứt sự kiêu mạn về sắc đẹp.
  7. Được bỏ sự kiêu mạn về không bệnh hoạn.
  8. Được hướng thiện.
  9. Hướng đến Nê-hoàn.

Làm sao thủ tướng đó?

Người mới tập thiền hiện giữ tưởng tướng trương sình bất tịnh, không làm việc gì khác, giữ tâm niệm không động, không ngu si, các căn hướng vào trong, không phóng tâm ra ngoài, đến nơi bất tịnh, nơi có các tử thi hôi thối, ngồi ngược gió, đối tướng bất tịnh không gần cũng không xa mà quán tưởng, hoặc ngồi, hoặc đứng dựa. Gần nơi bất tịnh, hoặc có phiến đá, hoặc có đống đất, hoặc cây cối, cành khô, dây leo v.v…, đều lấy vật ấy làm tướng để quán tưởng phiến đá nầy v.v… đều bất tịnh như tử thi v.v…

Sau khi tướng đã lập đối tượng quán tưởng xong, bắt đầu thực hành quán 10 tướng bất tịnh trương sình, từ tự tính làm xuất phát điểm tu hành như sau:

  1. Quán theo theo sắc.
  2. Quán theo hình nam hay nữ.
  3. Quán theo phương hướng.
  4. Quán theo nơi chốn.
  5. Quán theo phân biệt.
  6. Quán đốt xương.
  7. Quán lỗ hổng.
  8. Quán hang hầm.
  9. Quán đất bằng.
  10. Quán bình đẳng tất cả.

1. Quán theo sắc, là nếu đen quán thấy đen, nếu không đen không trắng quán thấy không đen không trắng, nếu trắng quán thấy trắng, nếu da hôi thối quán thấy da hôi thối.

2. Quán theo hình nam hay nữ, là nếu hình người nữ, người nam theo đó mà quán trẻ, trung niên hay đã già, đến như cao quán thấy cao, nếu thấp quán thấy thấp, nếu mập quán thấy mập, nếu ốm quán thấy ốm, tùy theo hình dạng mà quán.

3. Quán theo phương hướng, là đầu ở hướng nầy, tay ở hướng kia, chân ở hướng nọ, lưng ở hướng nầy, bụng ở hướng kia, còn ta đang ngồi theo phương nầy và tướng bất tịnh ở phương kia.

4. Quán theo nơi chốn, là chỗ nầy ánh sáng chiếu vào là tay, chỗ kia ánh sáng chiếu vào là chân, chỗ nọ ánh sáng chiếu vào là đầu, còn ta đang ngồi nơi dưới ánh sáng nầy và tướng bất tịnh đang ở phiá dưới ánh sáng kia.

5. Quán theo phân biệt, là từ đầu đến chân, từ dưới lên đến đầu, tóc da ở ngoài bìa, tất cả đều trông như một đống phân.

6. Quán đốt xương, là nơi 2 tay có 6 đốt xương, nơi 2 chân có 6 đốt, và đốt xương cổ, đốt xương mông, cả thảy là 14 đốt xương lớn.

7. Quán lỗ hổng, là quán miệng hoặc há ra hay ngậm lại, quán mắt mở hay nhắm, quán lỗ huyệt nơi lòng bàn tay, lòng bàn chân.

8. Quán hang hầm và 9. Quán đất bằng, là quán tùy theo chỗ tướng bất tịnh hoặc ở chỗ trống không hoặc ở trên đất, mà tùy theo đó quán. Hoặc ta đang ở nơi trống không, tướng bất tịnh đang ở trên mặt đất, hoặc tướng bất tịnh ở dưới, ta ở trên đất.

10. Quán bình đẳng tất cả, là ta không ngồi gần quá hay xa quá, cách tướng bất tịnh chừng 2 hay 3 tầm, theo đó mà quán tưởng

Người ngồi thiền tùy theo tất cả mọi nơi dùng chính niệm tùy quán, thấy được tướng bất tịnh của cảnh sở duyên. Hay thay ! Hay thay ! Như vậy thụ trì để khéo tự an, người ngồi thiền ấy đã khéo thủ tướng, đã khéo thụ trì, đã khéo tự an, chuyên nhất không làm việc gì khác, tâm niệm không động, tâm không ngu si, các căn hướng vào bên trong, không phóng tâm ra ngoài, trên đường đi lại hoặc đi hoặc ngồi, đều quán tướng bất tịnh ấy, tâm thường thụ trì.

Chuyên nhất không làm việc gì khác nghiã là gì ?

Là để cho thân được tịch tịch.

Khiến nìệm không động, tâm không ngu si, dùng các căn hướng vào bên trong, không phóng tâm ra ngoài, đường đi lại nghiã là gì ?

Là để cho thân được tịch tịch.

Lìa nơi ngược gió, nghiã là gì?

Là để không tránh mùi hôi thối.

Ngồi không gần không xa, nghiã là gì?

Là nếu ngồi xa, thì không thủ được tướng. Nếu ngồi gần, không sinh tưởng chán lìa, không thấy được bản tính bất tịnh của tướng sở duyên, làm cho tướng bất tịnh không sinh khởi. Do đó nên không ngồi gần cũng không ngồi xa.

Quán khắp tất cả là tướng bất tịnh, nghiã là gì ?

Là vì tự mình không ngu si mới được gọi là người không ngu si. Sao gọi là không ngu si ?

Là người ngồi thiền được nhập tịch tịch xứ, mới có thể quán thấy tướng bất tịnh. Nếu như tâm sinh kinh sợ, thì không quán thấy tướng bất tịnh. Người ngồi thiền tu quán bất tịnh phải giống như cái thây chết, tuyệt đối không thể khởi tâm tư duy. Người ngồi thiền, sau khi không khởi tâm, biết được ức niệm của mình là chính niệm tức biết chính mình đang thụ trì quán tướng bất tịnh cũng đã quán khắp tất cả tướng bất tịnh. Tác ý như vậy là không ngu si.

Hỏi: Thủ 10 thứ hành tướng có nghĩa gì ?

Đáp: Để buộc tâm lại.

Quán đường đi lại có nghĩa gì ?

Để sinh khởi pháp thứ tự.

Pháp thứ tự nghĩa là, nếu người ngồi thiền đến nơi tịch tịch, có lúc loạn tâm, bởi không thường quán, thì tướng bất tịnh không khởi. Cho nên người ngồi thiền phải luôn luôn nhiếp thủ tâm ý, phải quán đường đi lại, phải quán chỗ ngồi, phải quán tướng khắp cả, phải quán 10 thứ thủ tướng. Người ngồi thiền ấy quán như vậy nhiều lần. Rồi lại khởi tướng như chính mắt thấy. Đó gọi là pháp khởi thứ tự.

Người mới tập thiền quán tướng tử thi thành tưởng châu báu, như vậy tâm sinh hoan hỷ được thụ trì, tâm thường tu hành diệt các triền cái, thiền phần thành khởi.

Người ngồi thiền ấy đã lìa dục, đã lìa các pháp bất thiện, có giác, có quán, tịch tịch thành có hỷ lạc, nhập định, và tướng trương sình.

Hỏi: Vì sao do hành pháp tưởng bất tịnh khởi Sơ thiền mà không khởi các thiền khác ?

Đáp: Vì hành bất tịnh tưởng không thể đơn độc sinh khởi quán thiền phần, do đó tạo thành trói buộc. Bất tịnh tưởng thường theo giác quán. Thường giác quán nên tướng bất tịnh mới hiện được. Không lìa bỏ giác quán mà khiến tâm được an, bởi thế tu tưởng bất tịnh chỉ có thể sinh khởi Sơ thiền, mà không ở các thiền phần khác.

Lại có thuyết cho rằng, tướng bất tịnh không chỉ dùng 1 thứ hành pháp là sắc, hình, phải thêm tư duy mới có thể sinh khởi tưởng bất tịnh, mà tư duy thuộc giác quán sự, không thể lìa giác quán, vì bất tịnh tưởng là tư duy hành, do đó chỉ có thể sinh khởi Sơ thiền mà không phải các thiền phần khác.

Lại còn có thuyết cho rằng, tướng bất tịnh thuộc đối tượng không thể chịu đựng được, do không thể chịu đựng được mà không thể khởi tâm nơi bất tịnh khiến tâm sinh khởi hỷ lạc mà trừ bỏ phương tiện giác quán. Tưởng bất tịnh là dùng phương tiện giác quán mà tu hành, do đó nó giống như đồ đại tiểu tiện, vì vậy chỉ có thể sinh khởi Sơ thiền mà không phải các thiền phần khác.

Hỏi: Đối với sự khó kham chịu đựng, làm sao khởi hỷ lạc ?

Đáp: Sự không kham chịu đựng không phải là nhân duyên sinh khởi hỷ lạc. Lại nữa, do khéo đoạn trừ 5 triền cái nhiệt não, do tu tâm mà được tự tại, do tự tại mà khởi hỷ lạc. Ngoài ra như trước đã nói rộng.

( Xong phần nói về tướng chương sình )

Hỏi: Thế nào là tướng xanh bầm ? Tướng xanh bầm có tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng ấy ?

Đáp: Tướng xanh bầm là, hoặc chết qua 1 đêm, hay 2, 3 đêm, thân thành tướng xanh bầm, như bị nhuộm màu tái xanh, đó gọi là tướng xanh bầm.

Lấy chính trí mà biết về tướng đó, là tưởng xanh bầm.

Tâm trụ không loạn nơi tướng đó, là tu.

Thụ trì tướng xanh bầm để tùy quán là tướng.

Chán ghét là vị.

Lấy tác ý về sự không kham chịu nổi là hành xứ.

Công đức đạt được cũng giống như thụ trì tưởng trương sình. Tu hành tướng ấy, như trước đã nói rộng.

( Xong phần nói về tướng xanh bầm )

Hỏi: Thế nào là tướng rỉ mủ ? Tướng rỉ mủ tu, tướng, vị, công đức như thế nào ? Làm sao tủ tướng ấy ?

Đáp: Rỉ mủ là, hoặc chết đã qua 2, 3 đêm, mủ máu rỉ chảy ra như bơ sữa chảy khắp châu thân, đó gọi là rỉ mủ.

Lấy chính trí mà biết tướng rỉ mủ sở duyên, đó gọi là tưởng rỉ mủ.

Tâm trụ không loạn, đó gọi là tu tưởng rỉ mủ.

Thụ trì tưởng rỉ mủ để tùy quán là tướng.

Chán gớm tướng rỉ mủ là vị.

Tác ý không kham chiụ nổi là hành xứ.

Công đức của tu hành tướng rỉ mủ cũng giống như tưởng trương sình. Về làm sao thủ tướng rỉ mủ, có thể biết được, như trước đã nói rộng.

( Xong phần tướng rỉ mủ )

Hỏi: Thế nào là tưởng chặt chém nát ? Tướng chặt chém tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào? Làm sao thủ tướng đó ?

Đáp: Chặt chém nát là, hoặc dùng đao, kiếm chém chặt thân thể đứt lìa. Lại nói vất bỏ tử thi, cũng gọi là chặt chém nát.

Đối với sự chặt chém nát, dùng chính trí hiểu biết được, đó gọi là tưởng chặt chém nát.

Tâm trụ không loạn, là tu tưởng chặt chém nát.

Tưởng chặt chém nát là tướng. Tướng chán gớm, là vị.

Tác ý tưởng về sự bất tịnh, là hành xứ.

Công đức đạt được giống như thụ trì tưởng trương sình.

Hỏi: Làm sao thủ tướng đó ?

Đáp: Lấy tưởng chặt chém nát lìa 2 tai hay 2 ngón tay còn trống không, là thủ tướng. Ngoài ra cũng giống như trước đã được nói rộng.

( Xong phần tướng chặt chém nát )

Hỏi: Thế nào là tưởng ăn nuốt ? Tưởng ăn nuốt tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng đó ?

Đáp: Ăn nuốt, là hoặc quạ, chim thước, chim ưng, diều hâu, kênh kênh, heo, chó, chồn, sói, cọp, beo ăn nuốt tử thi, đó gọi là bị ăn nuốt.

Với tướng ăn nuốt, dùng chính trí mà hiểu biết, gọi là tưởng bị ăn nuốt.

Tâm trụ không loạn, là tu.

Tưởng ăn nuốt là tướng.

Chán gớm là vị.

Tác ý bất tịnh là hành xứ.

Công đức của tướng nầy giống như tưởng trương sình. Ngoái ra như trước đã nói rộng.

( Xong phần tưởng ăn nuốt )

Hỏi: Thế nào là tưởng vất bỏ ? Tưởng vất bỏ tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng đó ?

Đáp: Vất bỏ, là đầu mình và tay chân bị vất bỏ phân tán đó đây.

Với tưởng bị vất bỏ đó, dùng chính trí mà hiểu biết được, gọi là tưởng vất bỏ.

Tâm trụ không loạn vào tướng nầy là tu.

Thụ trì tưởng vất bỏ là tướng.

Chán gớm là vị.

Tác ý bất tịnh là hành xứ.

Công đức của tưởng nầy giống như tưởng trương sình.

Làm sao thủ tướng này?

Gom hết các phần thân thể lại tại một chỗ, sắp xếp các phần cách nhau chừng 2 tấc, xong khởi tưởng vất bỏ mà thủ tướng.

Ngoài ra như trước đã được nói rộng.

( Xong phần tướng vất bỏ )

Hỏi: Thế nào tưởng giết chết bỏ ? Tưởng giết chết bỏ tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng đó ?

Đáp: Bị giết chết bỏ, là hoặc do đao, gậy, hoặc do cung tên, đâm chém khắp nơi trên tử thi, gọi là giết bỏ.

Với tưởng giết bỏ đó, dùng chính trí mà hiểu biết được, gọi là tưởng giết bỏ.

Tâm trụ không loạn vào tướng ấy, là tu.

Thụ trì tưởng giết chết bỏ là tướng.

Chán gớm là vị.

Tác ý về sự bất tịnh là hành xứ.

Công đức của tưởng nầy cũng giống như tưởng trương sình.

Làm sao thủ tướng ấy thì như trước đã nói rộng.

( Xong phần tưởng giết chết bỏ )

Hỏi: Thế nào là tưởng bê bết máu me ? Tu tưởng bê bết máu me thì tu, tướng, vị, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng đó ?

Đáp: Bê bết máu me, là hoặc chém đứt tay chân, phân rã hình hài, máu đổ đầy thân thể.

Với tưởng dính máu đó, dùng chính trí mà hiểu biết được, đó gọi là tưởng bê bết máu me.

Tâm trụ không loạn nơi tướng ấy là tu.

Thụ trì tưởng bê bết máu me là tướng.

Chán gớm là vị.

Tác ý về sự bất tịnh là hành xứ.

Công đức của tu tưởng nầy cũng giống như tưởng trương sình.

Làm sao thủ tướng đó, trước đã được nói rộng.

( Xong phàn nói về tướng bê bết máu me )

Hỏi: Thế nào là tưởng trùng hôi thối ? Tưởng trùng hôi thối thì tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng đó ?

Đáp: Trùng hôi thối, là các loại trùng sinh sản khắp thi thể, tụ lại giống như hạt trai trắng.

Với tướng trùng hôi thối đó, dùng chính trí mà hiểu biết được, gọi là tưởng trùng hôi thối.

Tâm trụ không loạn vào tướng ấy là tu.

Thụ trì tưởng trùng hôi thối là tướng.

Chán gớm là vị.

Tác ý về sự bất tịnh là hành xứ.

Công đức cũng giống như tưởng trương sình.

Làm sao thủ tướng trùng hôi thối, cũng giống như trước đã nói rộng.

( Xong phần tưởng trùng hôi thối )

Hỏi: Thế nào là tưởng xương ? Tưởng xương thì tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng đó ?

Đáp: Xương, là các khúc xương nối liền nhau như móc xích nhờ máu, thịt, gân mạch buộc lại, hoặc không máu thịt chỉ có gân buộc lại.

Với tưởng xương này, dùng chính trí mà hiểu biết được, đó gọi là tưởng xương.

Tâm trụ không loạn nơi tướng ấy, là tu.

Thụ trì tưởng xương là tướng.

Chán gớm là vị.

Tác ý về sự bất tịnh là hành xứ.

Công đức cũng giống như trường hợp tưởng trứơng sình.

Làm sao thủ tướng đó, như trước đã nói rộng.

( Xong phần tưởng xương )

Hỏi: Về bất tịnh xứ cần có những bổ sung nào ?

Đáp: Người mới tập thiền có nhiều phiền não nặng nề, thì không nên thủ tướng không cùng một loại. Không cùng một loại là như thân người nam với thân người nữ. Nếu người hành nghề không thanh tịnh, không nên tác ý vào tướng bất tịnh. Vì sao vậy ? Vì thường quán về nghề nghiệp ấy, nên sự nhàm chán không sinh khởi. Nơi thân súc sinh, không nên khởi tưởng thanh tịnh.

Người ngồi thiền dùng một khúc xương khởi quán, nếu có thể khởi tướng tự tại thì với một đống xương cũng như vậy. Nếu tướng bất tịnh là do từ sắc mà khởi tưởng thì nên quán Nhất thiết nhập. Nếu tướng ấy từ hư không mà khởi thì nên quán tưởng cảnh giới. Nếu tướng bất tịnh là nhân bất tịnh khởi thì nên quán bất tịnh.

Hỏi: Vì sao chỉ có 10 bất tịnh tưởng, không nhiều hơn ít hơn ?

Đáp: Vì lỗi của thân có 10 thứ. Lại nữa có 10 pháp được thân người, do đó bất tịnh tưởng cũng có 10 thứ.

Người nhiều tham dục, nên tu quán tưởng tướng trương sình. Người tham sắc ái nhiều, nên tu quán tưởng tướng xanh bầm. Người muốn tịnh dục nên quán tướng rỉ mủ. Các hạng người khác có thể suy ra biết được.

Lại nữa, tướng bất tịnh trên thật tế là bất khả đắc. Cho nên tất cả tưởng bất tịnh là để đối trị dục. Đối với người dục hành thấy là sở đắc thì sẽ thủ lấy tướng. Bởi lẽ ấy nên nói tất cả các tuớng bất tịnh đều thuộc vào 10 tưởng bất tịnh.

Hỏi: Vì sao không khiến các tưởng bất tịnh tăng trưởng ?

Đáp: Nếu có người muốn chán ghét lòng ham muốn, người ấy nên khiến khởi tưởng về tự tính của thân. Vì sao ? Vì nếu có được tưởng về tự tính của thân, thì nhờ đó mau sinh khởi chán ghét mà được tướng của sở duyên. Nếu khiến cho tưởng bất tịnh tăng trưởng thì thân tướng lại bị loại trừ, tưởng về tự tính của thân cũng không tồn tại, do đó không thể mau khởi được tâm chán ghét. Vì lẽ đó, không nên khiến tưởng bất tịnh tăng trưởng.

Lại có thuyết cho rằng, người đã dứt ham muốn, muốn tu thành đại tâm, cần phải tăng trưởng tướng bất tịnh, như trong A-tỳ-đàm có nói: Người ly dục nhập Sơ thiền, trụ trong chính thụ về tưởng trương sình và khởi vô lượng sự.

Như Đại đức Tê Cẩu Phụ ( Singalapita ) có nói kệ:

Gia tài Phật, Tì-kheo,

Ở trong rừng đáng sợ,

Đã tu quán tưởng xương,

Khiến đầy khắp mặt đất,

Ta biết Tỳ-kheo ấy,

Sớm dứt được dục nhiễm.

( Xong phần nói về 10 bất tịnh )

Hỏi: Thế nào là niệm Phật ? Tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Tu hành như thế nào ?

Đáp: Phật, là bậc được đời tôn trọng, tự nhiên không có thầy dạy mà chính giác chân lý đối với pháp chưa từng nghe, có thể biết tất cả, được sức tự tại, đó gọi là Phật.

Niệm Phật, là niệm Phật Thế Tôn, Chính biến tri, công đức đạo Bồ-đề.

Niệm phải theo sát niệm, niệm giữ niệm, không mất niệm căn, niệm lực, chính niệm, đó gọi là niệm Phật.

Tâm trụ không loạn là tu.

Khiến khởi công đức của Phật là tướng.

Cung kính là vị.

Làm tăng trưởng lòng tin là hành xứ.

Nếu tu hành niệm Phật thành tựu thì được 18 công đức:

  1. Tín tăng trưởng.
  2. Niệm tăng trưởng.
  3. Tuệ tăng trưởng.
  4. Cung kính tăng trưởng.
  5. Công đức tăng trưởng.
  6. Nhiều hoan hỷ.
  7. Chịu được khổ hạnh.
  8. Lìa sự sợ hãi.
  9. Thụ ác pháp thì sinh hổ thẹn.
  10. Thường ở cùng thầy.
  11. Tâm ưa đất Phật.
  12. Làm hướng về nẻo thiện.
  13. Cứu cánh Nê-hoàn.

( Sau đây nguyên văn thiếu:

  1. Tham dục không khiến tăng trưởng.
  2. Sân nhuế không khiến tăng trưởng.
  3. Mê ngủ không khiến tăng trưởng.
  4. Điệu hối không khiến tăng trưởng.
  5. Nghi ngờ pháp không khiến tăng trưởng. )

Như trong Kinh Niết-để-lí ( Nitiri Sutta ) có nói: Nếu có người muốn tu pháp niệm Phật, phải kính ngưỡng nơi có tượng Phật.

Tu hành như thế nào ?

Người mới học ngồi thiền đến nơi yên tĩnh, giữ tâm không loạn, đem tâm không loạn ấy mà niệm như vầy: Như Lai Thế Tôn, Ứng cúng, Chính biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Do tất cả các công đức đó đã đến được bờ kia.

Thế Tôn, là được thế gian khen ngợi, nên gọi là Thế Tôn.

Lại được diệu pháp, nên gọi là Thế Tôn.

Lại được cúng dường, nên gọi là Thế Tôn.

Đầy đủ phúc đức, nên gọi là Thế Tôn.

Là bậc giáo chủ, nên gọi là Thế Tôn.

Do các nhân duyên đó nên gọi là Thế Tôn.

Cũng do các nhân duyên đó thụ cúng dường, nên gọi là A-lahán. Giết giặc phiền não, nên gọi là A-la-hán. Bẻ gãy bánh xe sinh tử, nên gọi là A-la-hán.

Chính biến tri, là Thế Tôn dùng tất cả các hành, chính giác tất cả các pháp, nên gọi là chính biến giác. Lại diệt được vô minh nên gọi là chính biến giác. Do độc tự giác ngộ vô thượng Bồ-đề, nên gọi là chính biến giác.

Minh hạnh túc, là minh tức 3 minh: 1. Túc mạng minh. 2. Chúng sinh sinh tử minh. 3. Lậu tận minh.

Thế Tôn dùng trí túc mạng minh đoạn dứt tất cả vô minh trong quá khứ, dùng trí sinh tử minh đoạn dứt tất cả vô minh trong tương lai, và trí lậu tận minh đoạn dứt tất cả vô minh trong hiện tại.

Vì Thế Tôn đã đoạn dứt vô minh trong quá khứ, cho nên người tu hành dùng tất cả hành, tất cả pháp quá khứ niệm Thế Tôn, Thế Tôn ứng niệm liền hiện.

Vì Thế Tôn đã đoạn dứt vô minh trong tương lai, cho nên người tu hành dùng tất cả hành, tất cả pháp vị lai niệm Thế Tôn, Thế Tôn ứng niệm liền hiện.

Vì Thế Tôn đã đoạn dứt vô minh trong hiện tại, cho nên người tu hành dùng tất cả hành, tất cả pháp hiện tại niệm Thế Tôn, Thế Tôn ứng niệm liền hiện.

Hạnh, là đầy đủ giới định. Giới, là đầy đủ tất cả thiện pháp, cũng gọi là minh.

Hạnh túc, là đầy đủ các thần thông, nên gọi là minh hạnh túc.

Túc, là đầy đủ tất cả định.

Như vậy, do nhất thiết trí, do 3 minh và do chính hạnh, Thế Tôn được đại từ bi, làm lợi ích cho cả thế gian, được sáng suốt tự tại. Do biết khắp tất cả, do luận đạo không ai thắng nổi, diệt xong các phiền não, chính hạnh thanh tịnh, đầy đủ sáng suốt, Thế Tôn làm con mắt của thế gian thực hiện lợi ích cho những nơi còn chưa được lợi ích.

Do đầy đủ các hạnh, làm nơi nương tựa cho thế gian, cứu hộ mọi sự sợ hãi, do minh giải thoát, đã được thông đạt đệ nhất nghĩa. Do chính hạnh tế độ làm nghĩa cho cả thế gian, Thế Tôn đối với tất cả mọi sự việc, tự nhiên không thầy dạy bảo, thực hành bình đẳng, được tịch tĩnh vô thượng.

Do Minh hạnh túc, Thế Tôn thành tựu đầy đủ minh và hành.

Thiện thệ, là tới được nơi đường thiện, nên gọi là thiện thệ. Đã đến cõi Nê-hoàn vô vi, không trở lại thế gian nên gọi là thiện thệ.

Lại nữa, thuyết pháp không điên đảo, nên gọi là thiện thệ.

Lại nữa thuyết pháp không tà vạy, nên gọi là thiện thệ.

Lại nữa thuyết pháp không lỗi lầm, nên gọi là thiện thệ.

Lại nữa thuyết pháp không nhiều cũng không ít, nên gọi là thiện thệ.

Thế gian giải, là thế gian có 2 thứ: 1. Chúng sinh thế gian. 2. Hành thế gian.

Thế Tôn, qua tất cả các hành, biết rõ chúng sinh trên thế gian, biết các dục lạc, các căn cơ sai khác, do đời sống kiếp trước, do thiên nhãn, do từ khứ lai, do hoà hợp, do thành tựu, do các loài có thể giáo hóa, do các loài có thể hay không thể giáo hoá, do các đời, do các nẻo đường, do các địa vị, do các nghiệp, do các thứ phiền não, do các thứ quả báo, do các thứ thiện ác, do các thứ trói buộc cởi mở… , do các hành như vậy Thế Tôn biết tất cả chúng sinh trong thế gian.

Lại nữa, hành thế gian, là Thế Tôn cũng biết do tất cả nghiệp, cũng biết do các hành, do định tướng, do tự tướng, nhân duyên, thiện, bất thiện, vô ký, do các ấm, giới, nhập, do trí minh liễu, do vô thường, khổ, vô ngã, do sinh, không sinh … các hành như vậy Thế Tôn đều biết hết tất cảc các hành của thế gian. Đó gọi là Thế gian giải.

Vô thượng, là ở thế gian không gì trên nữa, gọi là vô thượng.

Lại nữa, không có ai sánh bằng.

Lại nữa, hơn cả không ai có thể so sánh, không ai vượt qua, nên gọi là vô thượng.

Điều ngự trượng phu, có 3 hạng người:

  1. Nghe pháp liền ngộ.
  2. Có thể thuyết về nhân duyên.
  3. Có thể thuyết về túc mạng.

Thế Tôn thì nói rõ 8 con đường chân chính, con đường giải thoát điều phục chúng sinh, nên gọi là Điều ngự trượng phu.

Thiên nhân sư, là Thế Tôn hay độ thoát trời, người, qua khỏi cảnh sinh, già, chết, trong rừng sợ hãi, nên gọi là thầy của trời và người.

Lại nữa, còn dạy cho thấy con đường tư duy, nên gọi là thầy của trời và người.

Như vậy do môn nầy, do hành nầy, người ngồi thiền phải niệm Như Lai.

Lại nữa, theo Đức Bản Sư, có 4 cách tu hành để niệm công đức của Thế Tôn:

  1. Do truyện nhân duyên xưa.
  2. Do khởi tự thân.
  3. Do được được pháp thù thắng.
  4. Do làm lợi ích cho chúng sinh.

Từ sở nguyện ban sơ cho đến đời sau cùng, trong khoảng giữa thời gian dài lâu 20 kiếp A-tăng-kì, hoặc 1 trăm ngàn ức năm, Thế Tôn trong vô số kiếp quá khứ đã quán thấy căn cơ chúng sinh, chính niệm vào sở duyên các căn ban đầu, dùng tâm từ bi quán sát thế gian phát 4 thệ nguyện lớn:

  1. Nếu ta đã được giải thoát, ta phải khiến chúng sinh được giải thoát.
  2. Nếu ta đã được điều phục, ta phải khiến chúng sinh được điều phục.
  3. Nếu ta được an định, ta phải khiến chúng sinh được an định.
  4. Nếu ta được nhập Nê-hoàn, ta phải khiến chúng sinh được nhập Nê-hoàn.

Thế Tôn bất luận là bố thí, trì giới, xuất ly, nhẫn nhục, đế lý, thụ trì, từ, xả, tinh tiến, trí tuệ, tất cả các phương diện đều khiến tất cả được đầy đủ.

Để khiến tất cả đều được Bồ-đề, Thế Tôn có thuật lại sự tích lúc còn tu hạnh Bồ-tát, như từng sinh làm thân con thỏ thường tu hạnh bố thí. Qua sự tích sinh làm Khả hộ (Sarhkhapala), nên niệm trì giới. Qua sự tích trong Ma-ha Cù-tần-đà (Maha Govinda), nên niệm hạnh xuất ly. Qua sự tích sinh làm người nhẫn nhục (Khanti), thì niệm hạnh nhẫn nhục. Qua sự tích sinh làm Phổ Minh (Maha Sutasoma) thì niệm hạnh thật ngữ. Qua sự tích sinh làm người câm tàn tật thì niệm thụ trì. Qua sự tích sinh làm Đế-Thích (Sakkha), niệm hạnh từ bi. Qua sự tích sinh làm người hành xả (Lomahamsa) thì niệm hạnh xả. Qua sự tích sinh làm thương chủ, thì niệm hạnh tinh tiến. Qua sự tích sinh làm con chương, thì niệm hạnh trí tuệ. Qua sự tích sinh làm Trường thọ (Dighiti Kosala), thì niệm lời của người cha. Qua sự tích sinh làm con voi trắng sáu ngà, thì niệm sự cung kính đối với người tiên. Qua sự tích sinh làm con ngựa trắng thì niệm việc sang nước Lasát để cứu độ chúng sinh. Qua sự tích sinh làm con nai, thì niệm việc bỏ mạng mình để cứu mạng kẻ khác. Qua sự tích sinh làm con khỉ, thì niệm việc giải thoát cho một người đang bị đau khổ nặng nề. Lại nữa, cũng niệm việc con khỉ thấy người sa xuống hố sâu, đem tâm từ cứu thoát, đem củ quả cho ăn, nhưng người kia lại đòi ăn thịt, nên bị người kia đập vào đầu, nhưng con khỉ cũng đem tâm từ bi thuyết pháp chỉ dẫn đường thiện cho người ấy.

Như vậy, qua các nguyện môn, nên niệm công đức bản sinh của Thế Tôn.

Thế nào là niệm công đức tự xả thân mình của Thế Tôn ?

Thế Tôn đã có các câu chuyện bản sinh đầy đủ như vậy. Ngay trong đời nầy, từ thuở thiếu thời, đã lìa tất cả tham đắm nơi cư trú, cha mẹ, vợ con, bạn bè, một mình đi đến nơi hoang vắng, để cầu Nê-hoàn vô vi tịch diệt. Tại nước Ma-già-đà, vượt qua sông Niliên-thiền, ngồi dưới cội Bồ-đề, hàng phục Ma vương và các qủy binh. Vào khoảng đầu hôm, tự nhớ lại các kiếp trước. Vào khoảng nửa đêm, chứng được thiên nhãn. Đến cuối đêm, rõ khổ, đoạn tập, chứng Nê-hoàn giới, tu hành 8 chính đạo, được lậu tận, thành tựu Bồ-đề giác.

Thế Tôn đã khởi thân ra khỏi thế gian, trụ nơi thanh tịnh bậc nhất, dứt hết mọi phiền não. Như vậy, nên theo các hành môn đó mà niệm công đức của Thế Tôn đã khởi thân ra khỏi thế gian.

Thế nào là niệm công đức được pháp tối thắng của Thế Tôn ?

Là nên niệm Thế Tôn có tâm giải thoát, do 10 lực của Như Lai, 14 thứ trí tuệ của Phật, 18 pháp của Phật, và nhiều thiền pháp khác, đạt được giải thoát, thành tựu tự tại đến bờ kia. Do đó phải niệm công đức thắng pháp của Thế Tôn.

Thế nào là Thế Tôn thành tựu 10 lực ?

  1. Như Lai biết rõ như thật chỗ đúng, chỗ sai.
  2. Như Lai biết rõ như thật giới, nhân, quả báo, nhân duyên thiện nghiệp trong quá khứ, vị lai, hiện tại.
  3. Như Lai biết đúng như thật tất cả mọi cảnh giới đầy đủ.
  4. Như Lai biết rõ như thật không phải 1 giới mà nhiều thứ giới khác nhau của thế gian.
  5. Như Lai biết rõ như thật các thứ dục lạc của chúng sinh.
  6. Như Lai biết rõ như thật các căn cơ sai khác của chúng sinh.
  7. Như Lai biết rõ như thật thiền giải thoát, định chính thụ, có phiền não, không có phiền não.
  8. Như Lai biết rõ như thật các kiếp trước.
  9. Như Lai biết như thật sự sống chết của chúng sinh.
  10. Như Lai biết rõ như thật sự tận diệt các lậu hoặc.

Đó là 10 năng lực của Như Lai, Thế Tôn đã thành tựu.

Thế nào là Thế Tôn thành tựu 14 thứ trí tuệ của Phật ?

Mười bốn thứ trí tuệ Phật là:

  1. Khổ trí.
  2. Tập trí.
  3. Diệt trí.
  4. Đạo trí.
  5. Trí phân biệt nghiã.
  6. Trí phân biệt pháp.
  7. Trí phân biệt lời nói.
  8. Trí phân biệt lạc thuyết.
  9. Trí hiểu biết các căn.
  10. Trí hiểu biết các dục lạc, các sử phiền não của chúng sinh.
  11. Trí song biến.
  12. Trí đại từ bi định.
  13. Nhất thiết trí.
  14. Trí không chướng ngại.

Mười bốn trí của Phật đó, Thế Tôn đều thành tựu.

Thế nào là Thế Tôn thành tựu 18 pháp ?

Mười tám pháp chia thành 3 nhóm:

  1. Với quá khứ, Phật trí không chướng ngại.
  2. Với vị lai, Phật trí không chướng ngại.
  3. Với hiện tại, Phật trí không chướng ngại.
  4. Tùy theo Phật trí, khởi khắp thân nghiệp.
  5. Tùy theo Phật trí, khởi khắp khẩu nghiệp.
  6. Tùy theo Phật trí, khởi khắp ý nghiệp.

Do sáu pháp vừa kể, Thế Tôn thành tựu được:

1.Dục không thoái chuyển.

  1. Tinh tiến không thoái chuyển.
  2. Niệm không thoái chuyển. 4. Định không thoái chuyển.
  3. Tuệ không thoái chuyển.
  4. Giải thoát không thoái chuyển.

Do 12 pháp vừa kể, Thế Tôn thành tựu:

  1. Không có việc khả nghi, tức không có việc gian dối.
  2. Không có sự bịa đặt, tức không có việc gì vội vã.
  3. Không gì không phân minh, tức biết không gì không tiếp xúc.
  4. Không có việc gì gấp, tức không có việc gì phải gấp.
  5. Không có chỗ ẩn khuất, tức không có tâm hành nào không nhớ biết.
  6. Không gì không quán xả, tức không có quán nào không biết xả.

Như vậy, Thế Tôn thành tựu18 Phật pháp.

Lại nữa, Thế Tôn lấy 4 vô úy, 4 niệm xứ, 4 chính cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 6 thần thông, 7 Bồ-đề phần, 8 Thánh đạo phần, 8 trừ nhập, 8 giải thoát, 9 định theo thứ lớp, 10 nơi Thánh cư, 10 sức lậu tận v.v… các thứ thiện pháp khác nữa được thành tựu nên Thế Tôn đã tự tại đến bờ kia.

Như vậy, theo các hành môn đó mà niệm công đức Thế Tôn được các thắng pháp.

Thế nào là niệm công đức Thế Tôn làm lợi ích cho thế gian ?

Thế Tôn thành tựu tất cả hạnh, tất cả các công đức đến bờ kia, vì lòng từ bi thương chúng sinh nên chuyển Pháp luân mà thế gian không ai chuyển nổi.

Thế Tôn dùng pháp bí mật hộ trì tất cả chúng sinh, vì tất cả chúng sinh mở cửa Đề hồ hoàn toàn không phân biệt trong ngoài.

Thế Tôn đã làm cho vô lượng trời và người chứng được quả Sa-môn.

Thế Tôn đã khiến vô lượng chúng sinh được hưởng đầy đủ công đức.

Thế Tôn dùng 3 thứ biến hoá là thân biến, thuyết biến và giáo biến, khiến tất cả chúng sinh trên thế gian được nhập chính tín.

Thế Tôn đã hàng phục tà kiến, tà sư, chú thuật.

Thế Tôn đã lấp đường ác mở đường thiện, đã sinh lên cõi trời, được quả giải thoát.

Thế Tôn đã an lập Thanh Văn, đã trụ pháp Thanh Văn.

Thế Tôn đã chế giới luật, giảng dạy Ba-la-đề-mộc-xoa.

Thế Tôn đã đã được lợi dưỡng tốt, được Phật pháp tối thắng.

Thế Tôn đã được tự tại biến khắp thế gian.

Thế Tôn đã được tất cả chúng sinh cho đến trời, người đều cung kính, tôn trọng.

Thế Tôn đoạn dứt tất cả sự nghe biết, an trụ bất động.

Thế Tôn từ bi làm lợi ích cho thế gian. Tất cả những gì phải làm, Thế Tôn đều đã làm viên mãn.

Do đó, người ngồi thiền nên theo đó mà niệm Phật môn, niệm Phật hạnh, niệm theo các công đức mà Thế Tôn đã làm lợi ích thế gian. Người ngồi thiền dùng công đức đó mà niệm Phật môn, niệm Phật hạnh, lấy các công đức Thế Tôn đã làm lợi ích thế gian, hiện niệm Như Lai khiến tín tâm mình thành tựu.

Người ngồi thiền do tín tự tại, niệm tự tại thì tâm thường không loạn. Người ngồi thiền nếu tâm đã không loạn, thì diệt được 5 thứ triền cái, các thiền phần nhân đây sinh khởi, mà trụ trong thiền nội hành.

Hỏi: Vì sao niệm Phật làm khởi nội hành mà không phải an ?

Đáp: Công đức Phật, về Đệ nhất nghĩa là trí hành xứ thâm sâu. Với trí hành xứ thâm sâu của Đệ nhất nghĩa và vì vi tế nên tâm không được an.

Lại nữa, vì người ngồi thiền phải niệm rất nhiều công đức khác nhau của Thế Tôn, nên tâm duyên các thứ, theo đó tác ý cùng khởi lên, thành ra tâm không an, đó là hành xứ của tất cả thiền ngoại hành.

Hỏi: Nếu niệm nhiều công đức, tâm đã không là một, thì thiền ngoại hành không thành. Nếu chuyên nhất tâm, thiền ngoại hành có thể thành chăng ?

Đáp: Nếu niệm công đức của Như Lai và niệm Phật mà thành nhất tâm, thì không có lỗi. Lại nữa, có thuyết cho rằng, niệm Phật có thể khởi Tứ thiền.

( Xong phần niệm Phật )

Hỏi: Thế nào là niệm Pháp ? Niệm Pháp thì tu, tướng, vị, xứ thế nào ? Tu hành niệm Pháp như thế nào ?

Đáp: Pháp, là Nê-hoàn, và tu hành đến Nê-hoàn.

Thế nào là Nê-hoàn ?

Là diệt tất cả hành, xuất ly tất cả phiền não, diệt ái, không nhiễm, tịch diệt, đó gọi là Nê-hoàn.

Thế nào là tu hành đến Nê-hoàn ?

Là tu 4 niệm xứ, 4 chính cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 chính đạo phần. Đó là tu hành đến Nê-hoàn. Niệm Pháp xuất ly công đức, thừa công đức, niệm tùy niệm, chính niệm. Đó gọi là niệm Pháp.

Tâm ấy trụ không loạn, là tu.

Khởi công đức của Pháp, là tướng.

Lựa chọn Pháp, là vị.

Hiểu rõ nghiã, là hành xứ.

Niệm Pháp có công đức bằng với niệm Phật.

Tu niệm Pháp như thế nào ?

Người mới tập thiền đến nơi yên tĩnh, ngồi thâu giữ tất cả tâm ý, dùng tâm không loạn chính niệm vào Pháp như vầy: Pháp do Thế Tôn khéo giảng, bất cứ thời nào đều được hiện chứng, bất cứ thời nào đều có thể đến thấy Như Lai thừa, bất cứ thời nào đều có thể tương ứng với Như Lai thừa. Người trí tuệ thông qua hiện chứng có thể hoàn toàn hiểu rõ tất cả.

Pháp do Thế Tôn khéo giảng, là chỉ cho pháp trung đạo lìa 2 bên cực đoan, nên gọi là khéo giảng.

Không mâu thuẫn, nên gọi là khéo giảng.

Không sai lầm, nên đủ 3 pháp thiện là đã khởi, đang khởi, sẽ khởi, nên gọi là khéo giảng.

Sung mãn thanh tịnh, nên gọi là khéo giảng.

Khiến hiện Nê-hoàn và tu hành đến Nê-hoàn, nên gọi là khéo giảng.

Hiện chứng, là tuần tự tu hành được vào đạo quả, gọi là hiện chứng. Tác chứng Nê-hoàn và đạo quả, cũng gọi là hiện chứng.

Bất cứ thời nào, không đợi đến lúc khác mới chứng được đạo quả, gọi là hiện chứng.

Đến thấy, là hãy đến nơi ta, thấy thiện pháp của ta có tính dạy dỗ được kẻ khác, đó gọi là đến sẽ thấy.

Tương ưng với Như Lai thừa, là nếu người ưa thích tiếp thụ, hàng phục 5 triền cái, thành tựu nhập Đề hồ giới, gọi là tương ưng Như Lai thừa. Nhất tâm hướng về quả Sa-môn, cũng gọi là tương ưng Như Lai thừa.

Người trí tuệ thông qua hiện chứng có thể hoàn toàn hiểu rõ tất cả, có nghiã là, người tiếp thụ hàng phục 5 triền cái, không theo lời dạy của kẻ khác, sẽ sinh khởi diệt trí, vô sinh trí, giải thoát trí, đó gọi là hiện chứng trí tuệ.

Lại nữa, người ngồi thiền còn thực hành các thứ niệm Pháp, như là mắt, là trí, là an lạc, là cửa dẫn tới Đề hồ thừa, là xuất ly, là phương tiện, là đến cõi tịch diệt, là đến Đề hồ,

Không có đọa lạc là Đề hồ, vô vi tịch diệt, hoàn toàn vi diệu, không phải là người tu hành theo sắc pháp hữu tướng thông thường có thể tu hành được. Chỉ có người có diệu trí mới có thể lý giải trí đưa tới bờ kia, đó mới là là nơi nương tựa chân chính.

Người ngồi thiền tu hành theo pháp môn này, hiện niệm các công đức của Pháp, hiện niệm đến khi đạt được tín tâm của mình thành tựu, nhờ tín tâm mà trụ tâm không loạn, dùng tâm không loạn diệt các triền cái, khởi lên các thiền phần, thiền ngoại hành nhờ đó mà được an trụ.

Ngoài ra như trước đã nói rộng.

( Xong phần niệm Pháp )

Hỏi: Thế nào là niệm Tăng ? Niệm Tăng thì tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Tu hành niệm Tăng như thế nào ?

Đáp: Tăng, là Thánh tăng hoà hợp, gọi là Tăng. Dùng niệm sở duyên, tùy niệm, chính niệm hiện niệm công đức tu hành của Tăng, là niệm Tăng.

Niệm trụ vào Tăng không loạn là tu.

Niệm khởi công đức của Tăng là tướng.

Tâm cung kính là vị.

Công đức hoan hỷ hoà hợp là hành xứ.

Công đức của việc niệm Tăng bằng với công đức niệm Phật.

Tu hành niệm Tăng như thế nào ?

Người mới tập thiền đến nơi yên tĩnh, thâu giữ tất cả tâm ý tâm không loạn, dùng tâm không loạn khởi chính niệm như vầy:

Chúng Sa-môn của Thế Tôn tu hành theo nhuyến thiện.

Chúng Sa-môn của Thế Tôn tu hành theo đúng như pháp.

Các Thánh chúng của Thế Tôn tu hành theo đúng pháp hoà hợp.

Nói các Thánh chúng của Thế Tôn, là nói tứ song bát bối, tức là 4 Thánh đạo và 4 Thánh quả.

Chúng Sa-môn của Thế Tôn là những bậc xứng đáng được cung kính cúng dường, đáng được chấp tay vái lạy. Chúng Sa-môn của Thế Tôn là những bậc khéo tu hành tạo lập ruộng phúc vô thượng cho thế gian.

Như vậy, chúng Sa-môn của Thế Tôn tùy tùng như Thế Tôn khéo thuyết pháp, gọi là tu hành.

Chúng Sa-môn của Thế Tôn tùy tùng như Thế Tôn làm lợi ích cho mình và cho người, gọi là tu hành.

Chúng Sa-môn của Thế Tôn tùy tùng như Thế Tôn thực hành đến chỗ đầy đủ, gọi là tu hành.

Chúng Sa-môn của Thế Tôn tùy tùng như Thế Tôn thực hành đầy đủ không oán, gọi là tu hành.

Chúng Sa-môn của Thế Tôn tùy tùng như Thế Tôn thực hành trung đạo lìa nhị biên một cách đầy đủ, gọi là tu hành.

Chúng Sa-môn của Thế Tôn tùy tùng như Thế Tôn lìa siểm nịnh, gọi là nhuyến thiện.

Chúng Sa-môn của Thế Tôn tùy tùng như Thế Tôn lìa thân miệng tà vạy xấu ác, gọi là nhuyến thiện.

Nói tùy tùng như, nghĩa là theo đúng như 8 Thánh đạo chân chính mà tu hành, nên gọi là tùy tùng như, tức là tu theo như vậy.

Lại nữa, như có nghiã là nói đến Nê-hoàn, tùy tùng theo 8 chính đạo đó tu hành được Nê-hoàn, gọi là như tu hành.

Nói như tu hành, là tùy tùng như trí, tu hành 4 Thánh đế Thế Tôn thuyết giảng, gọi là như tu hành.

Nói tùy tùng hoà hợp, là chúng Sa-môn sống theo pháp hoà hợp đầy đủ, gọi là tùy tùng hòa hợp. Do tùy tùng làm sự nghiệp hoà hợp, nên thành tựu quả lớn, được công đức lớn. Tùy tùng như vậy gọi là tùy tùng hòa hợp.

Nói tứ song bát bối, là:

Trụ Tu-đà-hoàn đạo và trụ Tu-đà-hoàn quả là 1 cặp.

Trụ Tư-đà-hàm đạo và trụ Tư-đà-hàm quả là 1 cặp.

Trụ A-na-hàm đạo và trụ A-na-hàm quả là 1 cặp.

Trụ A-la-hán đạo và trụ A-la-hán quả là 1 cặp.

Đó gọi tứ song, tức trụ đạo và đạo quả. Bát bối, là 4 hướng và 4 quả.

Sa-môn, là từ nghe pháp mà thành tựu, gọi là Sa-môn.

Tăng, là chúng Thánh tăng hoà hợp.

Xứng đáng được thỉnh, được cúng dường, được bố thí, được cung kính, làm ruộng phúc vô thượng cho thế gian, có nghĩa là: Xứng đáng được thỉnh là có thể nhận lời thỉnh mời của kẻ khác. Xứng đáng được cúng dường là đối với người thí có thể làm thành quả lớn nên có thể nhận của cúng dường. Xứng đáng được bố thí, là nếu đối với người thí có thể được quả báo lớn. Đáng được cung kính, là có thể nhận được sự cung kính.

Vô thượng, là công đức rất nhiều gọi là vô thượng.

Ruộng phúc cho thế gian, là nơi chúng sinh tạo công đức, nên gọi là thế gian phúc điền.

Ngoài ra người ngồi thiền còn thực hành các thứ niệm Tăng, như niệm Tăng là chúng tối thắng, là chúng chân thật, là Đề hồ.

Đề hồ là nói giới đầy đủ, định đầy đủ, tuệ đầy đủ, giải thoát tri kiến đầy đủ.

Người ngồi thiền theo pháp môn tu hành nầy, hiện niệm công đức Tăng, cho đến khi tâm thành niềm tin, nhờ niềm tin ấy, mà tâm không loạn, rồi dùng tâm không loạn ấy mà diệt trừ các triền cái, khởi ngoại thiền thành tựu mà an trụ vào đó.

Ngoài ra như trước đã nói rộng.

( Xong phần niệm Tăng )

Hỏi: Thế nào là niệm giới ? Niệm giới thì tu, tướng, vị, công đức như thế nào ? Tu hành niệm giới như thế nào ?

Đáp: Đó là niệm công đức của sự trì giới thanh tịnh. Niệm ấy tùy niệm, chính niệm, là niệm giới.

Niệm giới trụ không loạn, gọi là tu.

Khiến khởi công đức của giới, là tướng.

Thấy lỗi lầm và lo sợ phạm lỗi, là vị.

Được hoan hỷ vì đã không có lỗi, là hành xứ.

Người tu niệm giới có thể được 12 công đức:

  1. Biết tôn trọng thầy.
  2. Biết tôn trọng Pháp.
  3. Biết tôn trọng Tăng.
  4. Biết tôn trọng giới học.
  5. Biết tôn trọng sự cúng dường.
  6. Biết tôn trọng sự không phóng túng.
  7. Thường thấy và biết sợ các lỗi nhỏ nhặt.
  8. Biết giữ mình.
  9. Biết bảo hộ kẻ khác.
  10. Biết lo sợ giải thoát thế giới nầy.
  11. Biết lo sợ giải thoát thế giới khác.
  12. Được nhiều hoan hỷ, thụ hưởng các công đức khả ái của giới.

Đó là công đức của niệm giới.

Tu hành niệm giới như thế nào ?

Người mới tập thiền đến nơi yên tĩnh, ngồi thâu nhiếp tất cả tâm ý, tâm không loạn niệm giới của chính mình, thấy không nghiêng lệch, không xuyên thủng, không có đốm, không bẩn, không tạp nhạp, tự tại, được bậc có trí tuệ khen ngợi, không chỗ xúc chạm, khiến định khởi.

Nếu không nghiêng lệch thì không bị xuyên thủng. Nếu không bị xuyên thủng thì không nhiễm bẩn. Cũng giống như vậy, có thể biết được tất cả.

Lại nữa, nếu giới hạnh thanh tịnh viên mãn thì đó là trụ xứ của thiện pháp. Đó gọi là không nghiêng lệch, không xuyên thủng. Tự tính sở tác gặp được sự ngợi khen, đó gọi là không có đốm, không bẩn. Do đoạn ái dục, nên gọi là tự tại. Tu niệm giới hạnh, không phạm lỗi trở lại là chúng Thánh ưa thích, người trí tuệ ngợi khen. Lìa bỏ kiến chấp của giới cấm thủ, nên gọi là không chạm xúc. Thành tựu đến nơi không thoái chuyển, nên khiến định thành khởi.

Người ngồi thiền còn niệm các thứ giới khác.

Ngoài ra giới là niềm vui không lỗi lầm, đức tính của giới đáng qúi trọng, như có của cải tự tại sử dụng.

Liên quan đến công đức của giới, như trước có nói rộng.

Người ngồi thiền theo pháp môn nầy tu hành, lấy các công đức đó mà niệm giới, hiện niệm cho đến khi lòng tin tăng thêm, do niềm tin ấy tâm trở nên không loạn, rồi dùng tâm không loạn mà diệt bỏ các triền cái, khởi lên các thiền phần của thiền ngoại hành mà an trú.

Ngoài ra như trước đã nói rộng.

( Xong phần niệm giới )

Hỏi: Thế nào là niệm thí ? Niệm thí thì tu, tướng, vị, công đức như thế nào ? Tu hành niệm thí như thế nào ?

Đáp: Thí là, vì lợi ích cho kẻ khác nên thích giúp ích cho kẻ khác, vì kẻ khác mà xả bỏ được tài vật của mình, đó gọi là thí.

Lấy niệm sở duyên, tùy niệm, chính niệm, hiện niệm công đức của thí, đó gọi là niệm thí.

Niệm ấy trụ không loạn, gọi là tu.

Khiến khởi lên công đức của thí, đó là tướng.

Không tích trữ là vị.

Không bỏn sẻn là hành xứ.

Nếu người tu hành niệm thí có thể thành tựu 10 công đức:

  1. Được niềm vui.
  2. Không bỏn sẻn.
  3. Không tâm tham.
  4. Vì nghĩ đến nhiều người.
  5. Khéo lấy ý kẻ khác.
  6. Không sợ nơi đông người.
  7. Nhiều hoan hỷ.
  8. Có tâm từ bi.
  9. Hướng về nẻo thiện.
  10. Hướng đến Đề hồ.

Tu hành thí như thế nào ?

Người mới tập thiền đến nơi yên tĩnh, ngồi thâu nhiếp tất cả tâm ý không loạn. Tâm không loạn chính niệm vào tự thân thí như vầy: Ta xả bỏ vật của ta là ta có lợi, ta khéo được lợi. Người đời bị xan tham cấu uế lôi kéo. Ta trụ tâm không xan tham cấu uế. Ta thường thí và thường ưa hành thí, thường cung cấp và thường phân phát rộng rãi.

Người ngồi thiền tu hành dùng pháp môn này, dùng hạnh này, dùng công đức này mà hiện niệm thí. Tâm ấy thành niềm tin, nhờ niềm tin ấy mà tâm thường không loạn, rồi dùng tâm không loạn tiêu diệt các triền cái, thiền phần thành khởi, an trụ thiền ngoại hành.

Ngoài ra giống như trước đã nói rộng.

( Xong phần niệm thí )

Hỏi: Thế nào là niệm thiên ? Niệm thiên thì tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Tu hành niệm thiên như thế nào ?

Đáp: Dựa theo công đức được sinh lên cõi trời mà niệm công đức của mình, dùng niệm sở duyên ấy tùy niệm, chính niệm hiện niệm công đức chính mình, đó gọi là niệm thiên.

Niệm đó trụ không loạn, là tu.

Khiến khởi lên công đức của tự thân dựa vào công đức sinh cõi trời, là tướng.

Lấy sự ái kính công đức sinh lên cõi trời, làm vị.

Lấy sự tin vào quả báo của công đức sinh cõi Trời, làm hành xứ.

Người tu hành niệm thiên có thể thành tựu 8 công đức:

  1. Tín, giới, văn, thí, tuệ, 5 pháp tăng trưởng.
  2. Được trời người kính yêu.
  3. Được hoan hỷ phấn chấn khi nói đến quả báo công đức.
  4. Tự trọng thân mình.
  5. Được trời người qúi trọng.
  6. Niệm giới, niệm thí để nhập vào trong.
  7. Hướng về nẻo thiện.
  8. Hướng đến Đề hồ.

Tu hành niệm thiên như thế nào ?

Người mới tập thiền đến nơi yên tĩnh, ngồi thâu nhiếp tất cả tâm ý. Dùng tâm không loạn mà niệm thiên như vầy: Có 4 Thiên vương, có cõi Trờì 33, có cõi Trời Diệm- ma, có cõi Trời Đâu-suất, có cõi Trời Hoá Lạc, có cõi Trời Tha Hoá Tự Tại, có cõi Trời Phạm Thân v.v… Có những thiên chúng sinh ra nơi đó, nếu lòng tin ta thành tựu cũng sẽ sinh lên các cõi kia. Như vậy, ngay sau khi tín thành tựu, thì giới, văn, thí, tuệ thành tựu sẽ sinh lên các cõi đó. Ngay sau khi tuệ thành tựu sẽ niệm tự thân mình, niệm tín, giới, văn, thí, tuệ của chư thiên.

Người ngồi thiền đó y theo pháp môn này tu hành, hiện niệm các công đức của chư thiên, cho đến khi lòng tin được thành tựu, đem lòng tin của mình mà trụ tâm không loạn, rồi dùng tâm không loạn mà đoạn diệt hết các triền cái, thiền phần nhân đây được khởi, thiền ngoại hành nhân đây thành trụ.

Hỏi: Vì sao niệm công đức của trời mà không niệm công đức của con người ?

Đáp: Công đức của chư thiên thắng diệu hơn, sinh ra nơi thắng diệu hơn, tâm ở nơi thắng diệu tu hành mà thành thắng diệu. Vì thế nên niệm công đức chư thiên, mà không niệm công đức con người.

Ngoài ra như trước đã nói rộng.

( Xong phần niệm thiên )

QUYỂN 6 HẾT