LUẬN DI LẶC BỒ TÁT SỞ VẤN KINH
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam Tạng Pháp sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 7

Hỏi: Cho nên nói về nghĩa của hồi hướng và nói đến nghĩa của phương tiện. Thế nào là nghĩa hồi hướng? Thế nào là nghĩa phương tiện?

Đáp: Nếu đem mọi thiện căn công đức có được ở nơi khác, mà hướng về Bồ-đề Phật, thì gọi là hồi hướng. Lại dựa vào Bồ-đề Phật, phát tâm tu hành Vô lượng pháp môn, ở trong tất cả thời gian-tất cả nơi chốn đều tích tập các thiện căn. Vì muốn chứng ngộ được Nhất thiết chủng trí, mà dựa vào cảnh giới Bát nhã của Thế đế, vận dụng phương tiện hồi hướng khiến cho tất cả đều chuyển đến Nhất thiết chủng trí. Việc này có nghĩa gì? Vì các Bồ-tát đều dựa vào cảnh giới Bát nhã của Thế đế, biết nhân giống như quả, tu nhân hữu lượng với tâm niệm sâu xa, thành tựu những công đức về đạo bất cộng của Bồ-tát, tăng trưởng pháp thù thắng đưa vào trong Vô lượng quả báo. Vì vậy gọi là phương tiện hồi hướng.

Lại cùng hồi hướng thù thắng, đây là nói rõ nghĩa gì? Nói gọn là Đại Bồ-tát có hai cách hồi hướng. Đó là:

– Cùng hồi hướng.

– Thắng hồi hướng.

Cùng hồi hướng; tất cả thiện căn đều hồi hướng về trí Nhất thiết trí.

Thắng hồi hướng; như trong kinh Vô Tận Ý ở phần quả Bố thí có nói: “Cần ăn thì cho ăn để có đủ mạng sống, biện tài, sắc đẹp, năng lực, niềm vui. Cần uống thì cho uống, để từ bỏ mọi khát ái. Như vậy Bố thí y phục thì được sắc đẹp, Bố thí phương tiện chuyên chở thì được niềm vui, Bố thí đèn thì mắt được sáng, Bố thí âm nhạc thì được thiên nhĩ thanh tịnh. Như vậy, cho đến Bố thí cả tủy não, thì được thân kim cang kiên cố, không tan rã…

Lại nữa, cùng hồi hướng là ban niềm vui cho tất cả chúng sinh. Thắng hồi hướng là đối với người chưa phát sinh tín tâm thì khiến cho phát sinh tín tâm. Nếu người có phá giới thì khiến cho có thể trì giới. Nếu người không có văn tuệ thì khiến cho có được văn tuệ. Nếu người có lười nhác thì khiến cho có thể tinh tiến. Nếu người có hay quên thì khiến cho được nhớ mãi. Nếu người tâm tán loạn thì khiến cho có thể thiền định. Nếu người không có trí tuệ thì khiến cho được trí tuệ. Nếu người có keo kiệt tiếc nuối thì khiến cho thành tựu tâm buông xả.

Vả lại, cùng hồi hướng là làm cho đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật. Thắng hồi hướng là vì từ bỏ mọi việc bên ngoài. Vì khiến cho tất cả chúng sinh có được cuộc sống Lãou sang với đầy đủ của cải, cho nên Bồ-tát xả tất cả những phần tay chân cùng với các căn, vì muốn làm cho tất cả chúng sinh đều đầy đủ các căn và tay chân…

Với các phương tiện hồi hướng như vậy…, đã được nói rộng trong các kinh, cho nên biết.

Lại nữa, Bồ-tát vì muốn thanh tịnh các cõi nước của chư Phật cho nên hồi hướng. Nghĩa này thế nào? Bồ-tát vì muốn làm thanh tịnh có bốn nghĩa, đối với bố thí và các pháp thiện đều hồi hướng về Bồ-đề Phật. Bốn nghĩa ấy là:

1. Vì muốn thanh tịnh cõi nước của chư Phật.

2. Vì muốn thanh tịnh tâm Bồ-đề.

3. Vì muốn giáo hóa tâm của chúng sinh được thuần thục thanh tịnh.

4. Vì muốn thanh tịnh tất cả pháp Phật. Nhưng Bồ-tát hoàn toàn không vì đạt được quả vị ở thế gian mà hồi hướng, không vì cầu mong niềm vui cho riêng mình, mà hồi hướng, không vì chọn lấy quả vị Thanh văn và Bích-chi-Phật mà hồi hướng. Vả lại, Bố thí bình đẳng xa lìa mọi nhân mà hồi hướng, vì các Bồ-tát chọn lấy nhân của Nhất thiết chủng trí, cho nên Bồ-tát khéo biết phương tiện hồi hướng.

Bồ-tát có bốn sự việc làm tiêu tan hết công đức bố thí:

1. Không hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

2. Mong cầu sinh vào cõi trời, người ở thế gian.

3. Không có phương tiện hồi hướng.

4. Gần gũi ác tri thức.

Như vậy các thiện căn có được từ những việc Bố thí của Bồ-tát đều mất hết.

Nếu Bồ-tát thực hành bố thí… Như ba loại pháp thường hiện tiền, thì lúc ấy, công đức bố thí… của Bồ-tát đều xa lìa nhân tố làm cho mất hết, có khả năng thành tựu Nhất thiết chủng trí. Ba pháp đó là:

  1. Tâm Bồ-đề chánh biến tri.
  2. Thương xót chúng sinh.
  3. Không trái với lời Như Lai dạy.

Lại dùng để thâu nhiếp các phương tiện. Đây là nói rõ nghĩa gì? Dù chỉ thâu nhiếp một thiện căn nhỏ nhưng các Bồ-tát cũng có thể thành tựu được quả to lớn. Đó là vì chúng sinh ở thế gian làm việc bố thí, họ chỉ chọn lấy quả báo của cõi trời và người. Còn các Đại Bồ-tát thì đem công đức bố thí đó để nhận lấy Bồ-đề Phật. Chính vì nghĩa này cho nên Bồ-tát thành tựu phương tiện hồi hướng. Như trong kinh Như Lai Phương Tiện nói: “Này Thiện nam! Đại Bồ-tát dùng trí phương tiện, thậm chí nhịn ăn một bữa để thí cho một người, thì có thể bố thí đầy đủ cho mọi chúng sinh. Vì sao? Vì Bồ-tát có trí tuệ phương tiện, dùng một bữa ăn, thậm chí đem thí cho súc sinh, mà tâm Bồ-tát luôn nhớ nghĩ đến tất cả chúng sinh, đem thiện căn ấy đều nguyện hồi hướng về Nhất thiết chủng trí. Bồ-tát bố thí cho tất cả chúng sinh vì hai việc:

  1. Mong cầu phần vị Nhất thiết trí.
  2. Hồi hướng đại Bồ-đề.

Lại nữa, này Thiện nam! Đại Bồ-tát dùng sức phương tiện mà bố thí, lúc bố thí đều vận dụng đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật. Vì sao? Vì khi nhìn thấy kẻ ăn xin, các Đại Bồ-tát tự nhiếp phục tâm keo kiệt-ganh ghét, nuôi lớn tâm Đại Xả, mà thành tựu được Bố thí Ba-la-mật. Lại nữa, các Bồ-tát vì tự thân trì giới mà bố thí cho người trì giới, tất cả những người phá giới thì Bồ-tát khiến cho họ thành tựu trì giới, đó gọi là Trì giới Ba-la-mật của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, Bồ-tát thực hành bố thí với tâm Từ, tâm không giận và tâm định, đó gọi là Nhẫn nhục Ba-la-mật của Đại Bồ-tát. Lại nữa, Bồtát bố thí với nghiệp thân-miệng-ý theo pháp Khư-đà-ni, Bồ-xà-ni… với đủ mọi cách thức trong việc uống ăn-đi lại-tới lui-ngơi nghỉ, đó gọi là Tinh tiến Ba-la-mật của Đại Bồ-tát.

Và khi bố thí, các Bồ-tát đều chuyên tâm nhất niệm hoan hỷ không tán loạn, không mong cầu việc gì khác, đó gọi là Thiền Ba-la-mật của Đại Bồ-tát.

Và khi bố thí, các Bồ-tát đều quán sát pháp tướng; ai có thể Bố thí và ai có thể thọ nhận của bố thí, ai thọ nhận quả báo? Bồ-tát quán sát như vậy và không thấy một pháp nào, vì không thấy một pháp nào cho nên ai là người Bố thí-ai là người thọ nhận-ai thọ nhận quả báo đều không. Đó gọi là Bát nhã Ba-la-mật của Đại Bồ-tát. Những phương tiện như vậy… đều là phương tiện hồi hướng đã được nói rõ trong kinh Như lai phương tiện, nên biết.

Hỏi: Cho nên nói về hồi hướng thanh tịnh và không thanh tịnh. Như trong bố thí có thanh tịnh và không thanh tịnh, thì trong hồi hướng này cũng có thanh tịnh và không thanh tịnh như vậy. Vậy thế nào là thanh tịnh? Và thế nào là không thanh tịnh?

Đáp: Nhân và quả tu hành đã được nói rộng trong tất cả các kinh, nên biết! Tiếp theo nói về thành tựu tâm Từ.

Hỏi: Vì sao Đức Như Lai nói về khéo biết phương tiện hồi hướng, tiếp đến mới nói về thành tựu tâm Từ?

Đáp: Vì giữ giới và bố thí là thuộc về tâm tán loạn, do đó bao nhiêu công đức tu tập nghiệp đạo, nhất định cảm được quả báo ở cõi Dục, Bồ-tát thì dùng phương tiện hồi hướng mà thâu nhiếp mọi quả báo đã quyết định của cõi Dục, chuyển trở lại để cầu Đại Bồ-đề là chỉ rõ quả đó chứ không nhất định là chỉ rõ năng lực khéo tu tập đạo Bồ-tát.

Lại nữa, trì giới-bố thí là công đức Tu đạo của tâm Tam-muội, quyết định cảm được quả báo ở phần vị thiền định. Bồ-tát dùng phương tiện hồi hướng để thâu nhiếp mọi quả báo quyết định ở phần vị thiền, chuyển trở lại để cầu Đại Bồ-đề là chỉ rõ quả đó chứ không nhất định chỉ rõ năng lực khéo tu tập đạo Bồ-tát. Vì vậy, Đức Như Lai nói là phương tiện hồi hướng.

Tiếp theo, nói về thành tựu tâm Từ thì câu này có nghĩa gì? Vì các phàm phu không biết như thật về pháp giới chân thật, cho nên từ vô thỉ đến nay đã tu tập mà không có trí. Vì không có trí cho nên họ không có khả năng lìa khỏi các pháp ngã và ngã sở. Bởi vì chấp sai lầm về ngã và ngã sở làm cảnh giới của sắc mà bị tâm ái trói chặt. Vì vậy, tâm thường cầu quả báo ở thế gian và gây ra rất nhiều điều ác, tự nhiên thành tựu quả báo thế gian, cho nên tu hành giữ giới-bố thí nhất định thành tựu quả báo giống như cảnh giới đó. Nhưng tâm Bồ-tát thấy được mọi lỗi lầm tai hại của thế gian, thấy được lợi ích yên vui của Niết-bàn, khéo có năng lực hiểu biết về pháp giới chân thật, khéo biết nhân duyên của các hành hữu vi, tâm Bồ-tát chỉ vì Bồ-đề Vô thượng mà tu tập giữ giớibố thí…, vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh phóng túng rơi vào hiểm nạn của thế gian. Bồ-tát trì giới-bố thí, tuy không nhận lấy quả báo của thế gian, nhưng vì chúng sinh mà Bồ-tát tu tập tất cả các hạnh, chứ không vì chọn lấy quả báo của chính mình làm tăng trưởng năng lực công đức to lớn từ sự tu tập, để tâm có khả năng thâu nhiếp các phương tiện hồi hướng và tùy thuận thành tựu quả báo ở những nơi mong cầu.

Hỏi: Nên nói về bốn Vô lượng. Thế nào là Bồ-tát thành tựu bốn Vô lượng? Thế nào là thành? Thế nào là biện tài của thế gian? Thế nào là Thể? Thế nào là tướng? Thế nào là chỗ khác nhau của các địa? Dựa vào nơi nào? Quan sát cảnh giới nào? Quan sát pháp nào? Thế nào là tương ưng? Thế nào là chứng đắc? Thế nào là nghĩa thành tựu?

Đáp: Thế nào là Bồ-tát thành tựu bốn Vô lượng? Bởi vì bốn Vô lượng ấy khác với ngoại đạo… Việc này có nghĩa gì? Các chúng ngoại đạo mặc dù cũng tu hành bốn hạnh Vô lượng, nhưng vì tâm ái đắm trước mọi nơi, cho nên họ chỉ thành tựu quả báo ở cõi Sắc.

Lại nữa, người Thanh văn và Bích-chi-Phật thì tất cả thiện căn đều vì chính mình. Tâm họ luôn cầu sự an vui cho tự thân, cho nên họ chọn lấy Niết-bàn. Vì sợ sự nóng bức của phiền não, cho nên họ điều phục các kiết sử. Họ tu hành Vô lượng mà không phải là vì chúng sinh. Còn các Đại Bồ-tát… tâm họ thường vì tất cả chúng sinh mà tu hành các hạnh, lần lượt ban cho tất cả chúng sinh, dùng tâm Từ Bi phát khởi giữ giới-bố thí…, vì muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, tuy bị sự bức bách khổ não vì những tai họa lỗi lầm xấu ác của thế gian, nhưng Bồtát vẫn không từ bỏ các chúng sinh. Vì muốn diệt trừ mọi khổ đau phiền não cho tất cả chúng sinh, khiến họ hoàn toàn đoạn tuyệt mọi khổ não, Bồ-tát quán sát Vô lượng thân của mọi chúng sinh, trong mỗi thân có Vô lượng sự khác biệt của mọi nỗi khổ đau phiền muộn.

Hơn nữa, Bồ-tát biết như thật về tất cả các phương tiện, vì muốn cứu vớt chúng sinh ra khỏi Vô lượng khổ não kia. Bồ-tát trải qua Vô lượng thời gian, tuy nhận thấy cảnh giới Niết-bàn nhưng quán sát Vô lượng chúng sinh để biết được ai có thể thành tựu Vô lượng pháp Phật. Chính vì nghĩa này cho nên gọi là Bồ-tát thành tựu Vô lượng. Lại vì nhận lấy quả báo khắp nơi, đây là trình bày về nghĩa gì?

Vì các Đại Bồ-tát tu hành bình đẳng Vô lượng vô biên hạnh như tâm Từ Vô lượng… cho nên Bồ-tát thành tựu Vô lượng. Như trong kinh Vô Tận Ý: “Thánh giả Vô Tận Ý bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: Đại đức Xálợi-phất! Bồ-tát tu tập tâm Từ cũng không thể cùng tận. Vì sao? Vì tâm Từ của Bồ-tát là Vô lượng vô biên.

Tu tập tâm Từ, là thế giới chúng sinh không có giới hạn, cho nên Bồ-tát tu tập tâm Từ là phát tâm che phủ khắp nơi. Này Xá-lợi-phất! Ví như hư không, không nơi nào không che khắp, tâm Từ của Bồ-tát này cũng lại như vậy, tất cả chúng sinh đều được che phủ khắp nơi. Này Xá-lợi-phất! Thế giới chúng sinh là Vô lượng vô biên, không thể cùng tận, Bồ-tát tu tập tâm Từ cũng lại như vậy, cũng Vô lượng vô biên không thể cùng tận. Vì hư không vô tận, cho nên thế giới chúng sinh vô tận. Vì chúng sinh vô tận, cho nên Bồ-tát tu tập tâm Từ cũng không thể cùng tận…”.

Lại nữa, vì đem lại sự yên ổn và công đức cho người mà Bồ-tát phát tâm tu hành. Việc này có nghĩa gì? Đại Bồ-tát tu tập bốn Vô lượng không phải vì chính mình, mà vì tất cả chúng sinh, vì tâm hoàn toàn muốn đem lại sự yên ổn và công đức cho tất cả chúng sinh cho nên Bồ-tát thành tựu. Như trong kinh Vô Tận Ý nói: “Bồ-tát Vô Tận Ý bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: Đại đức Xá-lợi-phất! Tâm Từ này có khả năng tự hộ trì. Tâm Từ này cũng có thể làm lợi ích cho chúng sinh. Tâm Từ này không tranh cãi. Tâm Từ này có khả năng đoạn hết thảy sự giận dữ, hiềm khích và thù hận…”

Thế nào là hành? Đó gọi là có sự chán ngán? Ở đây làm rõ nghĩa gì? Dựa vào sự chán ngán có được. Bốn Vô lượng, có ở phần vị Sơ thiền ấy vốn có Vô lượng cảm được từ sự chán ngán của cõi Dục, như vậy, cho đến trong thiền thứ tư vốn có Vô lượng sự cảm được từ sự chán ngán ở thiền thứ ba, sau đó vào lúc phát khởi phương tiện thì về sau mới hiện rõ trước mắt.

Hỏi: Những gì gọi là Vô lượng mà lấy làm phương tiện tu hành?

Đáp: Tâm Từ dựa vào sự thân thiết mà phát sinh. Câu này có nghĩa gì? Bồ-tát muốn tu hành bốn Vô lượng, thì tâm đối với tất cả chúng sinh có ba loại phân biệt: Phần thân thiết, phần oán thù, phần chẳng thân thiết-chẳng oán thù. Ở trong phần thân thiết lại làm thành ba phần, làm ba phần rồi trong ba phần đó, đối với bậc thân thiết nhất mà khởi tâm vui vẻ an ổn cùng với bậc thân thiết nhất, đó là cha mẹ và những sư tăng được tôn trọng khác. Vì từ vô thỉ đến nay tâm đã quen với những điều ác, cho nên khó có thể bình đẳng, vì vậy phải phân biệt mà báo ân như vậy. Ở trong phần thân thiết không có khả năng bình đẳng mà lần lượt chuyển đổi nhờ tu tập, mới có thể bình đẳng. Nếu tâm như trong bậc thân thiết nhất mà tăng lên, hoặc an trú bình đẳng trong phần oán thù, như tâm vui vẻ cùng với cha mẹ không khác, thì lúc ấy gọi là thành tựu tâm Từ, Tâm Bi-Hỷ và Xả cũng lại như vậy biết. Nhưng Xả Vô lượng thì từ trong phần chẳng thân thiết-chẳng oán thù mà phát khởi mới thành tựu.

Các Đại Bồ-tát không lìa bỏ phiền não, tu tập ở phần vị thiền với phương tiện Vô lượng. Nếu đoạn phiền não, thì thâu nhiếp Vô lượng của sơ thiền, như vậy bốn Vô lượng theo thứ tự sẽ thành tựu, cho nên biết.

Nói đến bốn Vô lượng, thì có ba loại: Quán về chúng sinh, quán về pháp, quán về không.

Khi mới phát tâm Bồ-đề, Bồ-tát chưa biết tướng chúng sinh, cũng giống như quán Vô lượng của Thanh văn và Bích-chi-Phật và ngoại đạo, đó gọi là Vô lượng quán chúng sinh. Các Bồ-tát ngay nơi quán chúng sinh như vậy, theo thứ tự dần dần tăng trưởng đến chỗ cao hơn hết, biết như thật về tướng của chúng sinh mà tu hành các hạnh Bồ-tát, nhưng cũng chưa biết về tướng của hết thảy các pháp hữu vi, chỉ dựa vào giả danh chúng sinh và các hành hữu vi mà khởi lên sự hý luận về tướng của chúng sinh, liền chọn lấy các hành hữu vi này cho là chúng sinh, gọi là Vô lượng quán các pháp.

Các Bồ-tát có thể biết như thật về tướng của hành hữu vi mà đạt được pháp Nhẫn vô sinh. Thuận theo tâm từ về sau tiếp tục phát sinh Bát nhã quán sát bình đẳng, gọi là tâm Từ, là Vô lượng, vô quán, như Giác phần cùng tâm Từ tương ưng. Đây là nói rõ nghĩa gì? Như tâm Từ, về sau tiếp tục phát sinh Trạch pháp giác phần mà gọi là Từ.

Sau Từ Vô lượng như vậy, tiếp tục được Bát nhã quán sát bình đẳng, gọi là từ Vô lượng, đó gọi là Vô lượng vô quán.

Vì ban cho người khác niềm vui bằng tâm Từ, mà các Đại Bồ-tát phát khởi tất cả các hạnh. Đây là có nghĩa gì? Vì các Đại Bồ-tát đã phát khởi các hạnh, tất cả đều từ tâm Từ mà sinh ra. Vì làm lợi ích và làm cho chúng sinh khác được yên ổn, vì đạt được pháp Nhẫn vô sinh, mà Bát nhã của Đại Bồ-tát thuận theo tâm Từ phát sinh, mang lại niềm vui yên ổn cho tất cả chúng sinh, giống như tâm Từ cho nên nói là Từ.

Pháp của cảnh giới Thế đế và pháp của cảnh giới Đệ Nhất nghĩa đế lần lượt cùng dựa vào nhau tăng trưởng phát sinh sức mạnh, có thể tu hành rộng ra mà thành tựu Vô quán, gọi là khéo thanh tịnh, gọi là tâm Từ.

Thế nào gọi là cảnh giới của Thế đế làm nhân cho Bát nhã? Bởi vì các Bồ-tát thấy thể của các pháp, dựa vào tâm Từ Bi mà quán sát chúng sinh, khiến cho mọi việc làm không rơi vào địa Thanh văn và Bích-chi-Phật. Vì nghĩa này cho nên không từ bỏ chúng sinh mà làm mọi chuyện, đó gọi là cảnh giới của thế đế và các pháp như Từ Bi làm nhân cho Bát nhã.

Thế nào gọi là cảnh giới của Đệ nhất nghĩa đế và Bát nhã làm nhân cho các pháp Từ Bi đẳng trong cảnh giới của Thế đế. Vì các Bồtát muốn làm thanh tịnh các pháp Từ Bi của Thế đế, vì biết dựa vào hành tướng của chúng sinh mà khởi những phân biệt, Bồ-tát quán sát những phiền não nhiễm trên hành tướng của chúng sinh. Vì biết như thật về phiền não phát sinh từ hành tướng của chúng sinh, cho nên Bồtát đã lìa xa tất cả mọi phiền não, biết chúng là nhân không thanh tịnh của tâm Từ… Đó gọi là Bát nhã có khả năng làm nhân cho pháp của cảnh giới Thế đế. Các Bồ-tát đều tu hành phương tiện Bát nhã như vậy để tu tập rộng rãi các hạnh, cho nên thành tựu pháp Nhẫn vô sinh. Lúc đó, Bồ-tát quán về không có, nhưng không rời bỏ nhân của mọi việc mà Bồ-tát làm vì chúng sinh. Tâm Từ hoàn toàn thanh tịnh có tên gọi là tâm Từ, gọi là tâm Từ đó gọi là Vô quán.

Thế nào là biện tài thế gian? Giải thích về danh từ Vô lượng kia bởi vì có khả năng quán sát vô biên chúng sinh, cho nên gọi là Vô lượng.

Thể là gì? Thể của tâm Từ Bi là thiện căn không giận. Vì sao? Vì nó là pháp đối trị với giận. Lại còn đối trị với phạm vi có thể nổi giận thì gọi là Từ, đối trị với phạm vi không thể sân giận thì gọi là Bi. Lại đối trị với tâm khởi lên sự từ bỏ chúng sinh thì gọi là Từ, đối trị với tâm đánh đập chúng sinh thì gọi là Bi.

Đó là vì mong cầu công đức cho nên có thể sinh ra Vô lượng, vì không tìm tòi lỗi lầm cho nên có thể sinh ra Vô lượng. Vì sao? Vì các Bồ-tát cho đến những người đoạn mất thiện căn, nếu mong cầu công đức thì thấy quả báo của nghiệp thanh tịnh, cho đến bên cạnh A-lahán, nếu tìm lỗi lầm thì thấy quả báo của nghiệp ác. Vì sao? Vì thấy trong hiện thân của A-la-hán nhận chịu quả báo do nghiệp bất thiện mà không thấy ở quá khứ có những nghiệp còn lại không cùng tận. Nghĩa là thân này của A-la-hán tạo ra điều ác. Vì nghĩa này cho nên đối với A-la-hán không có thể phát sinh tâm Từ Bi Vô lượng.

Thể của tâm Hỷ là căn tánh vui mừng. Thể của tâm Xả là thiện căn không tham lam.

Hỏi: Nếu như vậy thì không phải là pháp đối trị với tham dục và các căn như hại…

Đáp: Không như vậy. Vì không giận là pháp tương ưng với thiện căn, cho nên mới nói như vậy.

Hỏi: Nếu tâm Xả có khả năng đối trị pháp với tham, thì quán bất tịnh cũng đối trị với pháp tham chăng?

Đáp: Ông biết những pháp tham nào mà tâm Xả có khả năng đối trị không? Và những pháp tham nào mà quán bất tịnh có thể đối trị không?

Hỏi: Không biết.

Đáp: Ông có nghe nói; tánh tham sắc đẹp thì pháp quán bất tịnh có thể đoạn trừ, tánh tham dâm, thì tâm Xả có thể đoạn trừ. Bốn Vô lượng này cùng chung với tâm lần lượt làm Thể cho năm ấm.

Thế nào là tướng? Tướng ban cho chúng sinh niềm vui và sinh, làm cho chúng sinh được yên ổn, đó gọi là tướng của tâm Từ. Tướng cứu vớt chúng sinh đau khổ và tướng đoạn diệt-tướng vắng lặng mà thương xót chúng sinh, đó gọi là tướng của tâm Bi. Tướng xa lìa tâm niệm không vui là pháp đối trị với tánh ganh ghét đó gọi là tướng của tâm Hỷ. Tướng rời bỏ yêu mến và không yêu mến là pháp trái ngược với nhân làm việc lợi ích cho tất cả chúng sinh, tự nhiên buông xả tùy ý đó gọi là tướng của tâm Xả. Thế nào là sự khác nhau của địa? Trừ ra Hỷ Vô lượng, còn lại ba Vô lượng thuộc về trong sáu địa, cho nên biết. Sáu địa đó là thiền vị lai-thiền trung gian và bốn thiền căn bản, đó gọi là sáu địa.

Sơ thiền và nhị thiền có Hỷ Vô lượng, ba loại Vô lượng còn lại đều có mặt khắp trong bốn thiền, vì hỷ Vô lượng lấy hỷ căn làm Thể.

Dựa vào nơi nào? Dựa vào cõi Dục, bốn Vô lượng phát sinh ngay trong cõi Dục chứ không phải là nơi khác. Vì sao? Vì chúng sinh ở cõi Dục có nhiều nỗi khổ đau phiền não. Thấy chúng sinh đau khổ mà Bồtát khởi tâm ban cho niềm vui. Thấy chúng sinh đau khổ, mà Bồ-tát phát tâm cứu vớt nỗi khổ. Bởi vì ở cõi Sắc-Vô sắc không có khổ não. Đó cũng là pháp đối trị với sự não hại. Đây là nói rõ nghĩa gì? Vì bốn Vô lượng là pháp đối trị với sự não hại… Chính vì nghĩa này cho nên trong kinh nói: Tu hành tâm Từ ở bậc thấp-trung bình và cao, thì thành tựu tâm lìa bỏ sự não hại. Tu hành tâm Bi ở bậc thấp, vừa và cao, thì thành tựu sự buông bỏ tâm nóng giận. Tu hành tâm hỷ ở bậc thấp, vừa và cao, thì thành tâm lìa bỏ sự không vui thích. Tu hành tâm Xả ở bậc thấp-vừa và cao, thì thành tưụ tâm lìa bỏ những pháp như tham dục não hại. Riêng ở cõi Sắc-Vô sắc hoàn toàn không có sự tham dục-não hại… Chính vì nghĩa này, cho nên ở trong cõi Dục chứ không phải là cõi Sắc-Vô Sắc, tuy ở cõi Dục chỉ có ba cõi thiên hạ, mà không có cõi Uất-đơn-việt.

Quán sát theo cảnh giới nào? Nghĩa là quán Từ là cho vui, quán Bi là cứu vớt khổ đau, quán Hỷ là cảnh giới của hoan hỷ, quán Xả là cảnh giới của buông bỏ.

Quán sát theo pháp nào? Quán sát về thân năm ấm của chúng sinh trong cõi Dục, hoặc quán sát hai ấm. Nếu cùng tâm… cùng loại thì đó là năm ấm. Nếu không cùng tâm-cùng loại, thì đó là hai ấm. Hoặc quán sát chúng sinh không có tâm, hoặc quán sát chúng sinh có một ấm, hoặc quán sát chúng sinh có hai ấm.

Hỏi: Có kinh nói: Từ Bi Hỷ Xả trùm khắp một phương trong hư không pháp giới, như vậy cho đến trùm khắp cả mười phương thế giới. Trong này chỉ nói quán sát chúng sinh, nghĩa đó thế nào?

Đáp: Trùm khắp mười phương, là quán sát hết thảy chúng sinh trú ở hết thảy thế giới. Nói bao trùm khắp mười phương thế giới, không có nghĩa là vật bao trùm khắp cả mặt đất. Nói trùm khắp là chỉ rõ về nghĩa dựa vào cõi vốn có chúng sinh cư ngụ. Vả lại Vô lượng ở phần vị Sơ thiền quán về chúng sinh cõi Dục Vô lượng ở phần vị Nhị thiền quán về cõi Dục và Sơ thiền. Như vậy cho đến Vô lượng ở phần vị Tứ thiền, quán về cõi Dục cho đến Tam thiền. Lại nữa, Vô lượng ở phần vị Sơ thiền quán về cõi Dục và Sơ thiền. Như vậy cho đến Vô lượng ở phần vị Tứ thiền quán về cõi Dục cho đến Tứ thiền. Lại nữa, quán sát tâm Từ ở cõi Dục cho đến Tam thiền. Tại vì sao? Bởi vì quán sát tâm Từ là cảnh giới vui vẻ.

Lại nữa, căn tánh vui vẻ phát sinh từ cõi Dục cho đến Tâm thiền.

Quán sát tâm Bi từ cõi Dục cho đến Sơ thiền. Vì sao? Vì quán sát tâm Bi là cảnh giới đau khổ, vì chúng sinh trong cõi Dục mang nhiều sự khổ não. Nguồn gốc đau khổ phát sinh từ cõi Dục cho đến Sơ thiền.

Quán sát tâm hỷ từ cõi Dục cho đến Nhị thiền. Vì sao? Vì tâm Hỷ ấy có tướng dũng mãnh vui vẻ. Vả lại, nguồn gốc hoan hỷ phát sinh từ cõi Dục cho đến Tam thiền.

Quán sát tâm Xả từ cõi Dục cho đến Tứ thiền. Vì sao? Vì quán sát buông bỏ là tướng buông bỏ. Vả lại, nguồn gốc buông xả phát sinh từ cõi Dục cho đến Tứ thiền. Có người nói: Tất cả Vô lượng chỉ quán sát chúng sinh ở cõi Dục.

Thế nào gọi là tương ưng? Phần vị Sơ thiền và Nhị thiền tương ưng với Hỷ căn và xả căn. Phần vị Tam thiền tương ưng với Lạc căn và Xả căn. Phần vị thiền vị lai-thiền trung gian và Tứ thiền đều tương ưng với xả căn.

Thế nào là chứng đắc? Nếu người sinh ở Tam thiền và Tứ thiền thì chứng được ba loại Vô lượng, trừ Hỷ Vô lượng. Vì sao? Vì từ Tam thiền trở lên không có Hỷ căn. Lại nữa, người sinh ở cõi Dục rời xa phiền não, và người sinh ở Sơ thiền-Nhị thiền thì chứng được bốn loại Vô lượng. Như trong kinh Như Lai có nói: “Từ Vô lượng là đến cõi Biến tịnh, và lấy đó làm giới hạn. Bi Vô lượng là đến cõi hư không và lấy đó làm giới hạn. Hỷ Vô lượng là lên đến Thức xứ và lấy đó làm giới hạn. Xả Vô lượng là đến Vô sở hữu xứ và lấy đó làm giới hạn. Vì sao? Vì căn bản Sơ thiền thâu nhiếp. Đây là nói rõ nghĩa gì? Vì Vô lượng bắt đầu từ Vô biên hư không xứ và lấy đó làm giới hạn cho nên nói như vậy”.

Có người nói: Thánh Đạo ở nơi ấy lấy danh từ Vô lượng để nói. Vì sao? Vì chúng sinh có thể giáo hóa có căn tánh như vậy, nhờ nghe danh từ Vô lượng mà tiến vào Thánh đạo.

Lại, có người nói: Dựa vào Giác phần đối trị kia mà Bồ-đề phần”. Câu nói đó có nghĩa gì? Vì Giác phần đối trị với Tam thiền, ngay nơi Giác phần ấy lấy tên của Từ mà nói. Như vậy cho đến Vô sở hữu xứ thì dựa vào pháp đối trị ấy và lấy tên của Xả mà nói.

Lại có người nói: Vô lượng là pháp tương tự”. Câu nói này có nghĩa gì? Dùng tâm Từ quán về niềm vui mà thọ nhận niềm vui, cho đến trong Tam thiền dùng tâm Bi quán về đau khổ, mà Vô biên hư không xứ trái ngược cùng với sắc. Dùng tâm Hỷ quán về không có niềm vui mà Vô biên thức xứ thì trú trong thức Hỷ. Dùng tâm Xả quán về buông bỏ mà Vô sở hữu xứ buông bỏ thì không có gì buông bỏ cho nên gọi là Xả.

Hơn nữa, trong Tu-la-la khác nói: “Đại đức Xá-lợi-phất! Bồ-tát mới phát tâm dùng bốn Vô lượng quán sát chúng sinh, gọi là chúng sinh quán. Đại Bồ-tát tu hành các hạnh Bồ-tát, quán sát việc làm của mình cho nên gọi là pháp quán. Đại Bồ-tát đã chứng được pháp Nhẫn vô sinh rất sâu, cho nên gọi là vô quán.”

Hỏi: Bốn Vô lượng là quán về chúng sinh, tại sao lại nói là quán về pháp, quán về không có?

Đáp: Vì tất cả các hạnh đều làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh, đều là pháp tương tự với tâm Từ. Câu này có nghĩa gì? Đại Bồ-tát vì các chúng sinh mà tu tập hết thảy các hạnh, đều lấy Bát nhã làm gốc, vì vậy Bát nhã lấy tâm Từ mà đặt tên. Vì tướng của tâm Từ luôn luôn mang lại niềm vui cho mọi người.

Như vậy, Bồ-tát từ bỏ niềm vui của riêng mình, Bát nhã Ba-la-mật là tướng mang lại niềm vui cho người khác. Cho nên Bát nhã lấy tâm Từ mà đặt tên. Do đó, quán về pháp và quán về không có đều là Từ Bi Bát nhã.

Lại có người nói: Tâm Từ quán về không có lấy Từ mà đặt tên. Đây là nói rõ nghĩa gì? Các Bồ-tát quán sát chúng sinh, lại vì chín mình mà tìm cầu phương tiện xa lìa phiền não và quán sát các hành hữu vi. Khi đạt được tâm Vô lượng sâu sắc, chính là đạt được năng lực Bát nhã rốt ráo. Bồ-tát nghĩ thế này: Những chúng sinh này bị vô trí che lấp, mà không có thể thấy biết như thật về pháp giới, mình nên khiến cho các chúng sinh kia, dần dần theo thứ tự có thể tiến vào chánh đạo.

Hơn nữa, trong Tu-la-la khác có nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo: Bảy năm Ta tu hành tâm Từ trong quá khứ, trải qua quá trình thành-hoại của thế giới, bảy lần không sinh trở lại thế giới này, cho đến được làm Chuyển luân Thánh vương trong Vô lượng trăm ngàn vạn kiếp…”

Hỏi: Nếu nói quả báo mà bốn Vô lượng có được, không phải là ở cõi Dục, thì tại sao trong kinh Như Lai lại nói là được quả báo do tu hành Vô lượng, cho đến được làm Chuyển luân Thánh vương trong Vô lượng trăm ngàn vạn kiếp?

Đáp: Vì trong kinh đó dựa vào Vô lượng của ba phần vị mà nói như vậy. Nghĩa này thế nào? Có quả báo Vô lượng của phần vị cõi Dục làm Chuyển luân Thánh vương. Có quả báo Vô lượng của phần vị Sơ thiền làm Phạm Thiên Vương. Có quả báo Vô lượng của phần vị Nhị thiền là được sinh lên cõi trời Thiểu Quang.

Lại ở cõi Dục khởi tâm Tam-ma-bạt-đề, vốn có quả báo là được làm vua Đế thích và vua Chuyển luân. Thiền ở phần vị căn bản vốn có quả báo làm Phạm Thiên Vương và sinh lên cõi trời Thiểu Quang.

Trong Tu-la-la khác có nói: Phật bảo: Này Tỳ-kheo! Trong đời quá khứ, ngoại đạo có người thầy tên là Thiện Nhãn. Hàng ngoại đạo kia gọi thầy Thiện Nhãn là Thế Tôn. Thế Tôn Thiện Nhãn chứng được thần thông, xa rời phiền não nơi cõi Dục. Này các Tỳ-kheo! Thiện Nhãn Thế Tôn, thầy của ngoại đạo kia có Vô lượng Thanh văn, còn đệ tử thì có Vô lượng trăm, Vô lượng ngàn, Vô lượng vạn, Vô lượng trăm ngàn vạn. Này các Tỳ-kheo! Thiện Nhãn Thế Tôn-thầy của ngoại đạo kia vốn có Thanh văn giữ giới đầy đủ. Người ngoại đạo kia tu tập bốn phạm hạnh, xa rời phiền não của cõi Dục, thì được sinh lên cõi Phạm Thiên Thế. Này các Tỳ-kheo! Thiện Nhãn Thế Tôn-thầy của ngoại đạo kia vốn có nhiều đệ tử không thể tu tập đầy đủ bốn phạm hạnh, trong số đệ tử đó, hoặc cho đến người sinh lên cõi trời Tha-hóa-tự-tại, có người sinh trong loài người.

Bấy giờ, Thiện Nhãn Thế Tôn-thầy của ngoại đạo kia sinh tâm như vậy: Nay Ta không biết phải làm thế nào để đệ tử mình đi đến một nơi, sinh sống ở một nơi. Dấy lên tư duy như vậy: Ta đã dựa vào tâm Từ tu tập thiền thứ hai, sinh lên cõi trời Thiểu Quang. Này các Tỳ-kheo! Thiện Nhãn Thế Tôn-thầy của ngoại đạo kia tu tập tâm Từ vĩ đại, tiến vào thiền thứ hai, và sinh lên thiền thứ ba…”

Hỏi: Nếu các Đại Bồ-tát… làm lợi ích cho người khác mà khởi tâm bình đẳng đối với các chúng sinh, thì tạo sao tự nảy sinh tâm tốt đẹptâm Từ mà tu tập thiền thứ hai và sinh lên cõi trời Thiểu Quang, nhưng không nói pháp cho đệ tử sinh lên cõi trời Thiểu Quang?

Lại có kẻ hỏi: Thiện Nhãn Thế Tôn-thầy của ngoại đạo kia, có pháp đã nói tốt đẹp hơn pháp của Phật. Vì sao? Vì họ đều được sinh lên trên đường thiện, trong khi đó, Thanh văn của Như Lai có người bị rơi vào đường ác?

Đáp: Điều này không có gì sai trái. Vì sao? Vì Bồ-tát quán xét căn cơ mà nói pháp. Đây là nói rõ nghĩa gì? Vì những ngoại đạo, Bàla-môn kia luôn luôn suy nghĩ, đầu tiên họ cho cõi Phạm Thiên là nơi cuối cùng, tùy thuận với tâm vui thích mà sinh cõi đó, không có thể tu hành bốn Vô lượng để được sinh lên thiền thứ hai. Chính vì nghĩa này, khéo biết rõ tâm đệ tử mình, cho nên Bồ-tát không nói pháp cho họ tu bốn Vô lượng để sinh lên thiền thứ hai.

Lại bởi, vì không có năng lực. Đây là nói về nghĩa gì? Có người nói: Ngoại trừ Đức Phật xuất thế không có ngoại đạo nào có khả năng tu đủ hai thiền Vô lượng để sinh lên thiền thứ hai, chỉ trừ các Bồ-tát với năng lực vĩ đại.

Lại nói: Pháp của ngoại đạo cao hơn pháp của Phật. Nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì ngoại đạo chọn lấy quả báo thế gian.

Lại bởi vì thời tiết. Đây là nói rõ nghĩa gì? Có thời gian như vậy, có nhiều chúng sinh sinh vào đường thiện, huống là lại có Vô lượng chúng sinh tu hành Vô lượng.

Lại nói: Đệ tử của Như Lai có người rơi vào đường ác thì điều đó không phải lỗi ở Như Lai.

Lại trong Tu-la-la khác có nói: “Có ba loại hạnh: Phạm hạnh, Thiên hạnh, Thánh hạnh”.

Phạm hạnh là bốn Vô lượng. Thiên hạnh là bốn thiền. Thánh hạnh là ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề.

Hỏi: Vì nghĩa gì mà nói bốn Vô lượng gọi là Phạm hạnh?

Đáp: Vì bốn Vô lượng là nhân của Phạm Thiên, lại vì có thể chứng được trong thân của người tu hành, lại vì đối trị với phi Phạm hạnh.

Hỏi: Vì sao các thiện căn ở trong cõi Sắc chỉ nói Vô lượng thì cho là việc phước?

Đáp: Vì làm lợi ích cho kẻ khác. Đây là nói rõ nghĩa gì? Đa số người thế gian đều nảy sinh hình tướng công đức trong lợi ích của người khác, vì trong lợi ích khác không sinh nhiều công đức như vậy.

Hỏi: Trong Tu-đa-la khác lại có nói: Có bốn hạng người có thể sinh công đức của Phạm Thiên. Đó là:

  1. Nơi thế gian này nơi nào chưa có tháp thì xây tháp ở đó.
  2. Gieo trồng vườn rừng để bố thí Tăng bốn phương.
  3. Hòa hợp lại trước sự phá Tăng.
  4. Có thể nảy sinh bốn tâm Vô lượng”.

Nếu tu bốn tâm Vô lượng thì được quả báo sinh lên cõi Phạm Thiên, có thể nói là đã thành tựu quả báo của Phạm Thiên. Ba loại được quả báo Phạm Thiên như xây tháp… Nghĩa này thế nào?

Đáp: Dựa vào phạm hạnh mà nói cho nên không có lỗi. Đây là nói rõ nghĩa gì? Chẳng phải xây tháp… thì thành tựu quả báo Phạm Thiên. Nếu có người dựa vào phạm hạnh Như Lai mà xây tháp để thờ Xá-lợi, thì người đó có thể sinh công đức của phạm hạnh.

Lại có người dựa vào tu tập phạm hạnh, bố thí vườn rừng cho Tăng, người Bố thí như vậy, sẽ được thành tựu phước của phạm hạnh.

Lại nữa, dựa vào Thánh đạo tu tập phạm hạnh, hòa hợp sự phá Tăng cảm được quả báo của Phạm Thiên. Lại còn vì pháp tương tự kia. Đây là nói rõ nghĩa gì? Ba loại thành tựu từ hạnh như xây dựng tháp… sẽ được quả báo công đức của Phạm Thiên không phải luôn luôn như nhau. Quả báo bốn Vô lượng mà công đức kia chỉ có một phần ít nghĩa tương tự. Như người thành tựu bốn tâm Vô lượng, thì người đó đã vì sự tiếp nhận dìu dắt chúng sinh mà thành tựu Vô lượng công đức lợi ích. Đây cũng như vậy. Nếu người nào ở trong thế gian này, nơi chưa có tháp thì xây tháp thờ Xá-lợi, Bố thí vườn rừng cho Tăng, hòa hợp sự phá Tăng, người đó có thể thành tựu Vô lượng phứơc đức. Vì vậy cho nên nói: Tu tập bốn Vô lượng ở ba cách như xây tháp… đều có nghĩa tương tự.

Hỏi: Lượng của công đức phạm hạnh được bao nhiêu?

Đáp: Có người nói: Tùy thuộc vào những nghiệp nào mà được làm Chuyển luân Thánh vương đứng, đầu bốn châu thiên hạ và có thế lực tự tại, thì lượng của công đức phạm hạnh cũng như vậy.

Lại có người nói: Tùy thuộc vào những nghiệp nào mà được làm Đế thích vương với thế lực Tự Tại thì lượng của công đức phạm hạnh cũng như vậy.

Lại có người nói: Tùy thuộc vào những nghiệp nào mà được làm Ma vương với thế lực Tự Tại trong cõi Dục, thì lượng của công đức phạm hạnh cũng như vậy.

Lại có người nói: Tùy thuộc vào những nghiệp nào mà được sinh vào cõi Phạm Thiên, thì lượng công đức của phạm hạnh cũng như vậy.

Lại có người nói: Phạm Thiên thỉnh Phật thuyết pháp tại cung trời, nhờ đó mà được phước báo, thì lượng công đức của phạm hạnh cũng như vậy.

Hỏi: Ngoài ra còn có nhiều Tu-đa-la, trong đó Đức Như Lai đã nói: “Nếu có người có thể thành tựu tâm Từ thì công đức của người ấy, lửa không thể đốt cháy, nước không thể cuốn trôi, dao không thể cắt đứt, thuốc độc không thể hãm hại được, sống lâu không chết yểu”. Vì nghĩa gì mà nói như vậy?

Đáp: Hết thảy cảnh giới của chư Phật Như Lai là không thể nghĩ bàn, tất cả thiền định cũng không thể nghĩ bàn, tất cả các nghiệp cũng không thể nghĩ bàn.

Lại có người nói: Nếu người nào có khả năng đem lại cho vô lượng chúng sinh Vô lượng sự yên ổn, bởi vì điều này cho nên nói nhân duyên bên ngoài không có thể làm tổn hại người ấy.

Người đó lại nhớ nghĩ đến bốn đại của cõi Sắc. Đây là nói về nghĩa gì? Bởi vì người ở cõi ấy tu tập tâm Từ nhập vào tâm Từ, cho nên dựa vào cõi Sắc, được thành tựu thân bốn đại của cõi Sắc. Vì nghĩa này, cho nên các nhân duyên bên ngoài không thể nào gây tổn thương được.

Hỏi: Vì ý nghĩa gì mà trong Tu-la-la này chỉ nói tu tập tâm Từ, tâm Bi được nhiều công đức nhưng không nói đến tâm Hỷ và tâm Xả?

Đáp: Vì tu hành thì phần nhiều chú trọng đến việc đem lại lợi ích cho mọi người. Câu đó có nghĩa gì? Vì tu tập tâm Từ Bi là ban cho niềm vui-cứu giúp đau khổ. Dựa vào Từ Bi mà phát tâm tu hành về Xả-bố thí… cảm được Vô lượng phước, nhưng Hỷ-Xả thì không có thể như vậy. Ý nghĩa này thế nào? Bởi vì tâm Hỷ ấy trông thấy những chúng sinh khác, mà tự mình tu tập thiện nghiệp, tự mình nhận được niềm vui, chính người đó sinh ra Hỷ. Vì vậy cho nên Hỷ và Xả cũng như vậy. Bởi vì chúng sinh kia trong tự tâm mình phân biệt về tâm giận hờn-tâm yêu thương và tâm không gây tổn hại, cho nên gọi là xả. Vì ý nghĩa này, cho nên tâm Hỷ và Xả thì phước ít, mà tâm Từ Bi thì được phước nhiều. Tâm Từ Bi là thành tựu công hạnh ban cho mọi người Vô lượng sự yên vui lợi ích, chứ sự thành tựu này không do tâm Hỷ và tâm Xả. Vì đối trị với sự giận dữ thì gọi là tâm Từ, thiện căn không giận dữ lấy Từ làm Thể, dùng nghĩa tối thắng đối trị với sự giận dữ. Vì sao? Vì tâm giận dữ cho nên rời bỏ mọi chúng sinh, ngược với việc làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Vì vậy Bồ-tát vì muốn đem lại lợi ích cho tất cả các chúng sinh mà cự tuyệt những việc làm không lợi ích. Vì vậy, trong kinh này nói đến sự tu hành được đối trị bằng tâm Từ Bi…

Phát tâm Bồ-đề, tu tập các thiện hạnh đều lấy tâm Từ Bi làm căn bản. Câu này có nghĩa gì? Chính là nói đến tâm không thối chuyển trong Tu-la-la này, thành tựu nhân cho phát tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề của Bồ-tát lúc bắt đầu sắp nảy sinh là dựa vào tâm Từ Bi để làm căn bản, thì có thể tu tập Vô lượng công đức, chứ không phải là tâm hỷ và tâm Xả… Chính vì nghĩa này, cho nên trong kinh chỉ nói tâm Từ Bi phát sinh nhiều công đức, mà không nói là tâm Hỷ và tâm Xả. Vì vậy trong kinh Thập Địa có nói: “Bồ-tát ấy phát tâm Bồ-đề, tâm này lấy Đại Bi làm căn bản…” Bởi vì cuối cùng thành tựu nghiệp thân-miệng-ý Đại Từ và Đại Bi. Nghiệp thân-miệng-ý Tam-muội này dựa vào tâm Từ Bi mà phát sinh tương ưng với ban cho niềm vui gọi là tâm. Bởi vì thấy nói đến quả trong nhân của thế gian, ví như thế gian nói đến kết quả trong nhân tố ban đầu thực hiện một bức tranh. Thành tựu nghiệp của thân-miệngý không làm não hại, dùng tâm Bi đối trị tâm não hại để không phát sinh các nghiệp thân-miệng-ý làm, não loạn người khác.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9